Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

Gửi thương về Huế 3

Gửi thương về Huế 3
32- LỐI NÓI TIẾNG HUẾ
Khi mô anh về thăm Huế xưa
Nhớ gởi giùm em một chút mưa
Gởi thêm mớ lạnh vào chân tóc
Buốt thấu buồng tim vẫn chưa bưa.

Hồ Đắc Thiếu Anh
Hồi mới rời Huế vào Sài Gòn du học, tôi thấy như đồng bào miền Nam không mấy hiểu cái giọng Huế đặc sệt của tôi, tuy rứa mà không phải rứa thật cũng không xa mấy dzậy mà không phải dzậy! Tôi bắt đầu làm một việc mà tự tôi không đồng ý với chính mình: giả giọng Nam, sử dụng một giọng nói lai căng như người mất nguyên gốc. Qua Pháp, đồng bào thường gặp không chỉ là người Nam, mà còn là người Bắc, người dân tứ chiếng nói đủ thứ giọng, giả giọng gì bây giờ? Mà tại sao mình phải giả giọng khác, sao những đồng bào khác không phải giả giọng mình? Thôi thì cứ giữ giọng mình, mình hiểu người ta thì người ta phải cố gắng hiểu mình. Rốt cuộc rồi ai cũng hiểu tôi trừ số ít thiếu thiện chí, và như thế tôi yên lòng với lương tâm tôi.
Thật ra, tuy nhẹ hơn âm Nghệ Tĩnh, giọng Huế cũng có phần nặng. Nhưng khó lãnh hội một ngôn ngữ không chỉ vì giọng mà còn ở tiếng nói, lối nói. Tiếng nói, lối nói nầy, người Huế quên dần khi tiếp xúc bạn bè bốn phương, chỉ sử dụng khi gặp nhau, gần như để khẳng định mình không quên nguyên gốc giữa những người đã cùng nhau chia sẻ một lối sống trong thời gian qua. Mô, tê, răng, rứa là những từ thường được dùng để ám chỉ tiếng Huế. Eng hỏi tui mần răng mà như rứa, tui chẳng trộ nỏ biết chi hết, thôi thì chịu rứa chứ mần răng! Thật ra chẳng có gì khó hiểu lắm. Tuy vậy, nhiều khi có những từ ngữ là lạ, bất thường bắt gặp không biết giải thích ra sao. Có chuyện ông Toàn quyền Đông Dương đến Huế, ghé thăm vua Bảo Đại, sau đó xin sang thăm bà Từ Cung, mẹ của vua, ở tại cung An Định, vùng An Cựu. Ông Nguyễn Duy Quan, em ruột bà Hoàng hậu Nam Phương, lúc bấy giờ làm tại Ngự tiền văn phòng, được cử làm thông ngôn. Sau vài câu chuyện xã giao và trước khi ông Toàn quyền từ giã, bà Từ Cung kết thúc: "Tôi nay tuổi đã cao, hay nói tào lao xịt bộp, có chi sai xin quan Toàn quyền miễn chấp cho". Ông Nguyễn Duy Quan ngơ ngác, tuy được người hầu giải thích tào lao xịt bộp là nói chuyện bậy bạ, không biết dịch ra thế nào. Có thể từ ngữ nầy từ bốn chữ ta bà thế giới của nhà Phật nói sai lầm ra, hiểu theo tiếng Pháp là parler à tort et à travers (Ưng Luận, Huế Xuân Nhâm Ngọ, 2002). Cùng trong ý nghĩa, người Huế còn có những từ ngữ khác : ba xí ba tú (phát xuất từ pas du tout?), ba xàm ba láp, ba hoa thiên địa, ba hoa xích đế, ba trợn ba dáng, ba nhảm tầm phào, tầm bậy tầm bạ,... xi lô xi la (như mấy ông Tây!).
Lối nói nầy có phần vui tai nữa là khác, nhất là khi mấy ôn, mấy mụ thích dùng chữ Hán: đa ngôn thì đa quá (nói nhiều thì lỗi nhiều), tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn (chứa lúa phòng đói, chứa áo phòng lạnh), tích khí tồn thần (giữ gìn nguyên khí), tích thiểu thành đa (dồn ít thành nhiều), đơn thương độc mã (một giáo một ngựa), bần cư trung thị vô nhơn vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm (nghèo ngay giữa chợ không người hỏi, giàu tại rừng sâu có khách tìm). Có khi tích điển cũng được dùng, tỏ ra người nói biết nhiều về sử sách: đồ phản chủ đầu trâu (phản Trụ đầu Châu: bỏ nhà Trụ theo Châu Văn Vương), phản thục đầu tào (Phản Lưu Bị tức Thục, đánh nhau với Tào Tháo tức Tào), kéo cả bầy họ Tạ (trong tuồng Sơn hậu, nhờ có hai bà chị chánh cung và tam cung nâng đỡ nên Tạ Thiên Lăng, Tạ Ôn Đình được làm tể tướng, thái sư và cả nhà họ Tạ làm quan lớn nhỏ trong triều đình của Tề Thiện Đế) (Mặc Khách, Sông Hương, 1982).
Trong giao thiệp giữa trai và gái, cô gái nhiều khi muốn thử chàng trai và đặt ra những câu hỏi lắt léo, trai mà đối đặng, ngựa xe em xin rước liền: Bánh cả gánh răng (sao) nói rổ bánh ít, trầu cả chợ răng bảo trầu không? Trái cau lửa răng gọi cau không nóng, tóc dợn sóng răng mà sóng không trào? Nước không chân răng kêu nước đứng, lửa không miệng răng bảo lửa cười? Con mèo không rách răng kêu mèo vá, con cá không thờ răng gọi cá linh? Chó đánh trên đầu răng nó kêu cẳng (chân), ngựa cột đằng trước răng hí sau hè? Con gà không rang răng bảo gà nổ, con chó không nướng răng kêu chó vàng? Con cá chưa tra (già) răng kêu cá móm, con cá giữa chợ răng gọi cá thu?. Mặt trời không lôn (trồng) răng bảo mặt trời mọc, mặt trăng không giận răng trách mặt trăng quầng?
Những câu hò giã gạo biến tấu tùy theo thể thức ướm lòng, trêu ghẹo hay ân tình, ly biệt. Những câu hỏi thử tài thường được thưởng thức nhất vì đòi hỏi bên phía trai những đối đáp tài tình, ý nhị không kém gì những câu hỏi bên gái.
Này anh ơi, chừ (bây giờ) em hỏi anh: Chữ chi là chữ chôn xuống đất? Chữ chi là chữ cất côi tra (giấu trên gác)? Chữ chi nặng không ai tha (mang) nỗi? Chữ chi mà gió thổi bay đặng không bay? Trai nam nhi anh đà đối đặng, miếng trầu cay cho chàng. Hai chữ tiền tài anh chôn xuống đất. Hai chữ nhân nghĩa anh cất côi tra. Hai chữ nhớ thương phượng tha không nổi. Chữ tình chữ hiếu gió thổi bay đặng không bay. Trai nam nhi đà đối đặng, miếng trầu cay  (đâu) nào?
- Trăm trăm loại dầu, có dầu chi là dầu không thắp? Trăm trăm thứ bắp, có bắp chi là bắp không rang? Trăm ngàn thứ than, có than chi là than không quạt? Trăm ngàn thứ bạc, có bạc chi là bạc không tiêu? Trai nam nhi bên chàng đội đặng, dải lụa đào em trao. Trăm trăm loại dầu, có nắng dãi mưa dầu là dầu không thắp. Trăm trăm loại bắp, lắp bắp mồm, lắp bắp miệng là bắp không rang. Trăm ngàn thứ than, có than hỡi than hời là than không quạt. Trăm ngàn thứ bạc, có bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu. Trai nam nhi bên chàng đối đặng, dải lụa điều thấy mô? (Bửu Biền, Câu hò tiếng hát xứ Huế, 2002).
Dân Huế thường được xem là người giàu tình cảm, cho nên khi gặp nhau trai gái đã có ngay những trao đổi mặn mà: Tới đây hò hát làm quen, ngày mai ai mô về nấy (ai đâu về đấy), chớ thả lòng quen bạn cười. Thương yêu như thế, anh còn nghi ngại gì nữa: Dạ ăn ở mần ri (thế nầy), anh còn bán tin bán nghi lẽ nàoHỏi em có thương anh không, hay là bán trâu lẻ bóng giữa đồng cho anh. Không ngại non sông cách trở, em theo anh bất cứ nơi nào: Trồng hường bẻ lá che hường, thương nhau bất quản đôi đường xa xôi. Nếu anh ra về không chút hứa hẹn: Rồi mùa tót rạ (phần thân cây lúa còn lại sau khi gặt) rơm khô, bậu (bạn) về quê bậu biết mô mà tìm! Chỉ còn lại một nỗi nhớ nhung: Bèo nhớ sen khi sương sa ấm gốc, sen nhớ bèo khi nắng tạt mưa vùi. Bây giờ nước lớn bèo vui, sen nâng niu ở lại, bèo xa rồi sen ơi. Nhưng em không khi nào nản lòng: Trái bòn bon trong tròn ngoài méo, trái thầu đâu trong héo ngoài tươi. Em thương anh ít nói ít cười, ôm duyên ngồi đợi chín mười con trăng. Tuy vậy, em phải chờ đợi đến bao giờ: Chờ anh bơ (cho nên) tuổi em cao, bơ duyên em lạt, bơ má đào em phai.
Đằng kia gặp nhau, mến nhau thì chàng vội vàng: Trúc thưa với mai, trúc đà lỡ hứa. Trúc hỏi mai rằng đã dựa mô chưa? Trúc hỏi thì mai xin thưa, cá còn ẩn vực (chỗ nước sâu) chứ chưa vào lừ (giỏ bắt cá). Đôi ta thật xứng đôi vừa lứa: Trầu vàng nhai với cau xanh, duyên em sánh với tình anh tuyệt vời. Cớ chi em nỡ bỏ ra về: Ra về răng dứt mà về, bỏ non bỏ nước bỏ mây thề cho ai? Nếu em biệt tăm mất tích: Thương em nỏ biết mần răng (chẳng biết làm sao), mười đêm ra đứng trông trăng cả mười. Anh chỉ biết sầu thảm một mình: Chiều chiều bóng bổ qua cầu, con ong say vì mật, con bướm sầu vì hoa. Không lẽ nào em quên bỏ anh: Cây cao đại thụ có khi rớt lá lọi (gãy) cành, đây chưa bỏ đó (anh chưa bỏ em), răng đó đành bỏ đây (sao em đành bỏ anh)? Em có biết anh buồn thảm đến mức nào: Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội, người xa người tội lắm người ơi. Nỏ (chẳng) thà không chộ (thấy) thì thôi, chộ rồi mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn. Anh ăn ngủ không yên: Đêm năm canh anh nằm không yên giấc, ngày sáu khắc rục rũ khô héo lá gan. Anh chỉ còn van xin em: Tay bưng dĩa muối chén gừng, gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau. Và hy vọng một ngày nào: Cây quế Thiên Thai mọc nơi khe đá, trầm với vạn giả hương tỏa sơn lâm. Đôi đứa mình như quế với trầm, trời xui gặp gỡ sắc trầm trăm năm.
Mấy chục năm hiện diện của người Pháp đã để lại trong tiếng Việt nói chung, trong tiếng Huế nói riêng, nhiều danh từ phiên âm. Từ cà phê, phó mát, xà lách, qua xà phòng, cà vạt, mù soa, nhiều từ được thông dụng và lắm khi ta cũng chẳng nghĩ đến nguồn gốc của chúng nữa. Trong giới học sinh, cái "mốt" là chêm tiếng Pháp trong câu nói của mình (như người Ấn Độ chêm tiếng Anh): Moi (tôi) ra Poste mua tem, toa (mầy) có nhờ moa service gì không? Ở Huế, thầy Nguyễn Đức Đôn, một vị giáo sư trường Quốc Học, còn đặt ra một bài văn tế lẫn lộn hai thứ tiếng Pháp và Việt cho các học sinh làm biếng bị đuổi: "Nhớ các vu (vous) xưa, có cậu An Nam, có trò mê tít (métis), tư cách đã nuyn (nul), tính tình lại bệt (bête). Người thì pat xap tra vay (passable travail), kẻ lại mô ve công đuýt (mauvaise conduite). Lúc vào lớp sách vở nào nghĩ đến, ba vạc tú dua (bavarder toujours). Khi về nhà cơm nước chẳng lo gì a lê tút xuýt (aller tout de suite). Gặp những lễ Tút Xanh (Toussaint) tút xiếc, công giê (congé) rồi mặc sức cua ria (courir)... Ngoảnh mặt lại thẹn cùng lơ mét (le maỵtre), ơn tác thành nào có duyn ta (résultat). Quay về nhà tủi với pa răng (parents), công dưỡng dục đành không mê rit (mérite). Gạt đê (regarder) khắp sông Hương núi Ngự, non sông chung một vẻ đu lơ (douleur). Pat xê (passer) Thượng Tứ, Đông Ba, quang cảnh đã trăm chiều trit tét (tristesse). Than ôi! Vì nhác (làm biếng) mà hư, không lo thì chết. Hỡi ôi, thượng hưởng!" (*)
Vào khoảng 1948, cố nữ sĩ Thái Ngộ Khê có bài thơ song ngữ Đi chợ (Vần thơ dại, 1987) tặng học sinh đệ tam văn học trường Huỳnh Thúc Kháng:
Sáng sáng đôi anh đi Marché,
Vì cơm phải tự préparer.
Đôi phen cá cháy quelle tristesse!
Lắm lúc cơm khê muốn hurler!
Khốn nỗi không tiền impossible,
Tìm người nấu bếp để louer.
Làm trai hoá phải énergique,
Nếm khổ sau rồi có succès.
Sau cuộc đảo chánh Nhật ngày 9.3.1945, học sinh truờng trung học Khải Định, trước kia và sau nầy là trường Quốc Học, bắt đầu làm quen với chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Việt. Hân hoan tiếp xúc với danh từ khoa học mới mẻ, các thanh niên thiếu nữ không biết và cũng chưa muốn vượt ra khỏi biên giới những kiến thức mới lạ. Bài thơ Tình hoa toán của một học sinh ban toán (Nùng Lan) biểu lộ tâm tư học sinh hồi ấy (*):
Ai định nghĩa được lệ hoa man mác,
Xoay chiều nào cho thuận mối tình ta.
Biến thiên gì để hiểu cảnh bao la,
Để giải đáp phương trình ai vương vấn.
Ở tọa độ đừng cho hoa chất lớp,
Hãy xoay chiều cho hoa đẹp muôn phương.
Hãy đồng qui ôi đôi má màu hường,
Hãy rút gọn đừng triệt tiêu hoa nhé.
Hoa với tóc là hai đường giao tuyến,
Môi mỉm cười em vẽ một cung vui.
Đường về xa vô tận lắm bùi ngùi,
Không gian đấy thời gian đầy chấn động.
Kết hợp đấy để anh đừng vỡ mộng,
Em mơ màng tung độ biến thiên anh.
Hỗn hợp đi bao giấc mộng an lành,
Tình vô nghiệm là tình hoa bất diệt.
Văn chương ở Huế không chỉ giới hạn trong yêu đương, trong không gian những người có học thức, mà còn lan rộng ra cả quần chúng. Ví dụ, khi giận dữ, họ bày tỏ nỗi lòng trong các câu chưởi: chưởi nhẹ, chưởi xéo, chưởi giận, chưởi loạn, chưởi dai. Mất vài con gà, chủ nhân ra đường chưởi đổng, trình diễn cả một bản trường ca hàm hồ, hỗn xược, tục tĩu, bình thản mà đau điếng, dông dài mà thấm thía:
Cao tằng tổ dĩ, cao tằng tổ khảo, cố tổ gia tông, cả ông, cả bà, cả cha, cả mẹ, chú bác, anh em, họ nội, họ ngoại, xa gần ân ái, họ gái họ trai, dưới âm phủ đội mũ mà đi lên, trên thiên đàng xếp hàng mà đi xuống, bay hãy vén mái tai, gài mái tóc, đặng chống tai lên cho rõ, chống cửa ngỏ cho cao, chặt hàng rào cho thấp để mà nghe tao chưởi đây này: Tam canh mụ đội, xóm hội, xóm phường, xóm trước, xóm sau, xóm trên, xóm dưới, lư hương bát nước, chiếu trải giường thờ, tau bới mả cha bay rung rinh như thuyền mành gặp sóng, tau nín như nín địt, tau dập như dập cứt mà bay cứ bươi ra, bay chọc cho tau chưởi. Tau chưởi cho tan nát tông môn họ hàng cái quân khốn kiếp, cái quân vô hậu kế đợi đã ăn của tau bảy con gà xám, tám con gà vàng. Bay ăn chi mà ăn ác nhơn ác nghiệp. Bay ăn bằng nồi đồng, bay ăn bằng nồi đất, bay ăn lật đật, bay ăn ban đêm bữa tối. Bay ăn cho chồng bay sợ, cho con bay kinh, bay ăn cho ngã miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết để một mình bây giờ bay ngồi đó bay ăn. Đồ cái quân ăn chó cả lông, ăn hồng cả hộ. Cái quân không sợ trời đánh thánh đâm, trời đánh thánh vật. Bây giờ mần răng mà ăn hết một chục rưỡi con gà (*).
Đi một vòng dù vội qua lời văn tiếng nói xứ Huế, chắc ai cũng công nhận vùng đất miền Trung nầy có nhiều từ ngữ lạ tai, có người cho là độc đáo, dễ thương, chính người Huế thì xem nó như là biểu trưng cho bản sắc của mình. Vì vậy, không những lúc gặp nhau huyên thuyên trò chuyện họ đua nhau dùng đủ thứ thổ ngữ, trong sách báo họ sử dụng đôi khi cũng quá nhiều. Ta không thể trách được những người từ chối quên bỏ quá khứ, sống tha hương mà luôn hướng lòng về quê nhà. Tuy vậy, cũng có người thấy bất tất phải dùng mô, tê răng, rứa hay phán câu yêu cầu "eng nớ, ăn xong eng ra xuốc cái cươi chút hí" vì "thiển nghĩ độc đáo chưa chắc là một điểm son, một điều hay, một cái đẹp" và bị trách không biết khai thác tiếng Huế của mình, của hiếm mà không tóm lấy cất dùng, phí của trời (Võ Đình, Văn học, 2000). Thật ra, sử dụng quá đáng không hay mà bỏ quên đi cũng là điều phí lãng. Không phải tình cờ mà bên cạnh những tờ Sông Hương, Người Sông Hương, Tiếng Sông Hương, Huế Xưa và Nay, Nghiên cứu Huế, những giai phẩm, đặc san Quốc Học, Đồng Khánh,... rất nhiều nơi trên năm châu đã đua nhau xuất bản những tập san, tuyển tập Nhớ Huế, ngay cả một bộ Tự điển tiếng Huế (*)cũng được công phu soạn thảo, hầu mong giữ vững lâu dài lối nói tiếng Huế, một khía cạnh văn hóa miền Trung đất nước.
Xô thành những ngày Tiểu hàn 2003
Đoàn Kết 494 2004
(*) Bùi Minh Đức, Tự điển tiếng Huế, Nxb Văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học 2001, ấn bản thứ ba 2009. Ai thích tiếng Huế nên kiếm đọc, cam đoan nhiều giờ thú vị.
33- LỖ TAI VÀNG LÀNG MỸ CANG
Tôi quê người Nam Phổ, đến nay tính ra đã được 12 thế hệ. Nhưng đến đời ông thân tôi làm ăn không đủ sinh sống nơi quê cha đất tổ nên đem vợ và đứa con đầu lòng về ở làng mạ tôi. Mỹ Cang là một cái làng nhỏ xíu, mà thường tôi gọi đùa nhưng rất đúng là thôn Mỹ Cang, nói tắt thôn Mỹ để nhái lại thôn Vỹ... Người trong vùng còn một tên gọi khác: Làng Hói vì một cái hói nhỏ nằm dọc phía nam. Cái làng nầy nhỏ đến nỗi ít thấy trong các bản đồ cũng như trong các bảng kê khai làng xóm. Thật ra, nó được cắt một mảnh từ xã Mỹ Xuyên ra, thành thử làng được xã bao quanh ba bề, sông Ô Lâu chạy dài theo phía tây. Năm 1946, để trang hoàng chòi tự vệ bên cạnh Bến Đình, chỉ một ngày, tôi đã sử dụng phương pháp hướng đạo (dùng địa bàn và đo bước chân) thực hiện một bản đồ làng đủ kích thước.
Làng có ba xóm: xóm trong, xóm dưới và xóm ngoài. Xóm trong là xóm của họ Lê mà một hậu duệ sau nầy được biết ở Huế là anh Lê Tư Sơn, nay đã mất. Xóm dưới chạy dài đến các làng Phước Tích, Phú Xuân, đóng góp một số thiếu niên, thiếu nữ trong đội của tôi, sau nầy có nhiều em đi làm liên lạc cho bộ đội. Xóm ngoài là xóm của họ Hồ, nằm dọc sông Ô Lâu gồm có một dãy mươi cái nhà tranh nằm giữa hai cái nhà ngói : nhà của cụ mạ tôi và nhà ông Tri Giồ sau nầy dời lên Phường Trung (Mỹ Xuyên). Tôi còn nhớ ông ấy đi đâu cũng chỉ nói "Lọt, lọt" nhái tiếng "alors" của Pháp mà ông đã từng nghe thời phiêu lưu tuổi trẻ. Lúc tôi chưa sinh ra, cụ mạ tôi đêm làm bánh kẹo, ngày khiêng đem bán cho công nhân đường tàu xe lửa xuyên Đông Dương, đoạn quanh Mỹ Chánh, từ Phò Trạch ra Quãng Trị, nhưng khi công trường đi quá xa thì không theo được nữa. Hồi ấy, nhà của họ cũng chỉ là một lều tranh như những nhà khác. Sau đó, mạ tôi quay ra bán đồ tạp hóa, từ kim chỉ, bút giấy, hương đèn qua thuốc lá, thực phẩm, vải vóc,... ở ngoài chợ, chật vật sáng gánh đi, tối gánh về. Mạ tôi thường nhắc:
Gánh khổ mà đổ lên non,
Cong lưng mà chạy, khổ còn đuổi theo!
Mạ tôi kể lại hồi đó bán chịu mà không biết chữ, bao nhiêu con số phải ghi trong đầu óc. Khi chị tôi lớn lên, học đọc học viết với các anh tôi, mới giúp bà ghi chép. Cái gen trí nhớ của mạ tôi phải chăng đã giúp tôi phần nào sau nầy học hóa học ở đại học. Rồi hai ông bà thêm vào việc buôn lúa (bán chịu khi lúa chưa lên, đến mùa thì nông dân trả nợ bằng lúa vừa gặt), nuôi bò (gởi nuôi ở vùng đồi, chia bò với người nuôi), buôn củi (mua củi từ vùng rừng núi, chở về bán ở thành phố). Do cần cù lao động và tháo vát, biết tính toán trong kinh doanh, đời sống trong gia đình được cải thiện và từ đấy mới xây dựng cơ ngơi, tậu thêm vườn, dựng nhà ngói. Công lao vĩ đại của cụ mạ tôi, hai người không có chút học thức mặc dầu mạ tôi là con cháu nhà quan, đối với đàn con bảy đứa là đầu tư cho đứa nào cũng học được chút ít chữ nghĩa hầu mong hiểu biết thêm trong cuộc sống, đồng thời có khả năng leo lên thang xã hội, may ra tránh được cuộc đời lam lũ cực nhọc mà họ đã sống. Ông bà lập một chương trình nhiều đợt đã được thực hiện có kết quả: cho anh cả chúng tôi vào làm y tá tập sự ở bệnh viện nhãn khoa ở Huế sau bằng tiểu học; khi có việc làm rồi thì anh lập gia đình, thuê nhà và lần lượt cho một, hai em vào ở học; dần dần các em lớn lên lo cho các em nhỏ,... Dân ta thường có câu tự hào:
Nước lã mà vã nên hồ,
Tay không xây dựng cơ đồ mới ngoan.
Ông bà sẽ hãnh diện biết bao nếu ngày nay thấy được một đứa con của ông bà đứng trên bục thính phòng ở viện Đại học Sorbonne giải thích trước các giáo sư những phương trình hóa học phức tạp dành cho những khảo cứu viên cao cấp...Con đường từ làng Mỹ Cang đến Sorbonne thật là dài dằng dặc và trải qua biết bao chướng ngại. Tôi nhớ lúc tôi bảy tuổi, các anh tôi đều đã vô Huế, chỉ một mình tôi là đứa con út cưng ở làng với cụ mạ tôi, chị tôi và ông ngoại tôi. Tôi đi học trường tổng với thầy giáo Yến, người làng Phước Tích, một năm rồi mà chẳng đọc, viết được thông thạo. Cụ mạ tôi cũng như chị tôi, ông tôi chẳng giúp tôi được. Thế là mấy anh tôi lấy một quyết định làm khổ tâm tôi: tôi cũng phải vô Huế! Bảy tuổi mà phải rời cụ mạ, tổ ấm cưng chìu, một bà chị lo lắng cho tôi như một bà mẹ...Cách thay đổi lối sống nầy là bước đầu rèn luyện cho bản thân tôi để sau nầy có đủ khí giới tranh đấu với đời. Hằng năm, chúng tôi chỉ về làng trong những kỳ nghỉ Tết, Phục sinh và ba tháng hè mà cụ mạ tôi quen gọi là "ba căng" (vacances). Chao ôi, mỗi chuyến đi về có 40km mà thật là một hành trình như đi hằng trăm, hằng ngàn cây số bây giờ. Hồi ấy không có va li hay bị xách mà phải mang rương hòm vừa nặng, vừa kềng càng. Nhưng bù lại, về đến nhà, đến làng là như trở lại chốn thần tiên ấp ủ cả năm mặc dầu tôi không khổ sở trong nhà anh tôi. Tôi còn nhớ mãi khi tàu về trễ mà không báo trước, mạ tôi hấp tấp chạy ra vườn hái vài ba lá rau là cả một bữa cơm thịnh soạn, trong mắt tôi, được dọn ra.
Tráng miệng thì trong vườn có trái cây đủ thứ: chuối, cam, thơm, ổi, mít, dâu, mảng cầu,... Những hôm Tết là những ngày vui nhộn nhất, ăn uống, đánh cờ, đánh bạc. Sau nầy, một người anh tôi và tôi đi hướng đạo, muốn cải cách lối ăn Tết nhưng chẳng làm nổi. Ấn tượng nóng hổi còn lại bây giờ là những tháng hè. Mấy anh tôi tổ chức sáng học chiều chơi. Con trẻ trong làng đều được mời lại dự, sáng cũng như chiều. Những năm cách mạng, dưới sự điều khiển của một người anh tôi, lúc ấy làm hiệu trưởng trường huyện Phong Điền, lớp học nầy, với sự đóng góp của nhiều thanh niên trong làng, đã biến thành tòa soạn thực hiện một tờ báo làng độc nhất trong vùng, dán trên cửa đình làm người làng rất hãnh diện. Những nhà báo nghiệp dư vô tư kia cũng là những những nhân viên trong những đêm thông tin tuyên truyền, những thầy giáo dạy học, dạy viết trong các lớp truyền bá quốc ngữ buổi tối. Dưới ngọn đèn dầu leo lét, những mái tóc bạc cặm cụi nắn từng nét chữ thật là cảm động. Những tối sáng trăng là những buổi họp thiếu niên hồn nhiên hay những buổi tập quân sự tuy nghiêm túc nhưng vô cùng vui nhộn. Cuối chiều là những trận bóng chuyền, bóng đá hào hứng trên sân đình hay ở chợ cũ. Trong những đầu thập niên 40, một người anh tôi còn là học sinh ban thành chung, mạnh mẽ, đẹp trai, ham mê đá bóng, đến nghỉ hè là tổ chức những trận đấu giữa các làng vùng quê. Đáng buồn là trong một trận kia, anh rủi ro bị một cú đầu gối đánh vào thủng ruột và chết ở nhà thương Huế. Từ đấy mạ tôi cấm các anh tôi và tôi đá bóng. Tuy vậy, nhân ngày kỷ niệm một năm cách mạng, tôi cũng chịu nhận ra làm thủ môn cho một trong hai đội của bốn khu A,B,C,D liên xã Phong Lâu,... Chơi banh xong là nhảy xuống tắm sông. Nước sông sạch, mát, gội rửa mọi mệt mỏi vừa qua. Cũng là một dịp để bơi xa, lặn lâu. Tôi có người anh khi chơi trò trốn tìm, có khả năng ngồi lâu dưới đáy sông, lắm khi làm chúng tôi lo sợ hoảng hồn.
Đối với tôi, sông Ô Lâu để lại nhiều kỷ niệm êm đềm. Chính ở trên bờ sông nầy mà những đêm hè, cùng với các anh, tôi được thưởng thức những điệu ca Huế của một cô gái trẻ xinh, bà con bên chị dâu tôi. Là một tôn nữ con nhà nghèo khó, cô lại giúp việc nhưng vẫn luôn nuôi dưỡng một tấm lòng văn nghệ dồi dào... Mới xấp xỉ 15 tuổi mà cô biết hát hay tất cả các bài Nam ai, Nam bằng, Lưu thủy, Hành vân, Kim tiền, Tứ đại cảnh,... làm người nghe, đặc biệt một thiếu niên mới dậy thì như tôi, không sao tránh khỏi một mối tình lãng mạn. Vì vậy, hơn một nửa thế kỷ sống bên phương trời Tây, tôi luôn còn xúc cảm với những làn điệu cổ truyền xứ Huế. Cũng có đêm nằm không ngủ, anh em chúng tôi vô tình lại được thưởng thức những câu hò mái nhì xao xuyến, trữ tình của một cô lái đò không quen biết trên sông. Rồi khi nghe quen thành thói, chúng tôi lại thất vọng vì đợi lâu mà không được gặp lại giọng hò quyến rũ kia... Còn có những trưa hè, mơ màng dưới bóng bụi tre sau vườn, tôi lại được ông ngoại cho nghe vài tuồng hát bội. Ông được xem như là một sinh viên vĩnh viễn. Từ nhỏ được cha là đô úy Hồ Đăng nuôi cho ăn học, ghi tên vào Quốc tử giám. Lớn lên khi trở thành mồ côi, ông may mắn được cô gái độc nhất là mạ tôi chăm nuôi mặc dầu nghèo nàn, túng bấn. Mạ tôi lúc trẻ có tiếng là đẹp, chịu lấy cụ tôi lớn tuổi nhiều hơn vì cụ chịu để ông ngoại tôi cùng chung sống. Tôi không khi nào được ông kể cho nghe chuyện khoa cử. Sức học của ông chỉ hiển hiện khi thỉnh thoảng ông lên truông tìm vài ba cây cỏ chữa một bệnh gì hay cho ra một vài câu học trong kinh sử. Ngoài ra, hình như ông thuộc rất nhiều các tuồng hát. Được chức ấm sinh vì là con cháu quan, ông tương đối có được cuộc đời nhàn hạ. Ông nghiện thuốc phiện, mỗi ngày hút đều đặn ba điếu. Những năm chiến tranh, hết còn thuốc hút, ai cũng tưởng ông dễ dàng lìa đời, không ngờ ông luôn vẫn mạnh, sống lâu, chỉ chết dưới lưỡi dao một tên lính lê dương vào một tối chạng vạng khi ông nghêu ngao trên đường làng.
Sức mạnh của ông phải chăng là di truyền của ông nội một thời đã danh vang vì ông nội là... Hồ Oai, một trung thần dưới triều vua Tự Đức. Lên ngôi năm 1847, vua bắt đầu cho xây lăng từ 1864 ở làng Dương Xuân cách thành phố Huế 7km. Sơn lâm ám khí, sốt rét ngã nước, ba ngàn thợ thuyền bắt buộc làm việc ở đó, đau lên sốt xuống nên hết sức công phẫn và kiếm cách kháng cự. Ở triều nhà Nguyễn tình hình cũng rối beng. Khi vua Thiệu Trị băng hà, thay vì lập con trưởng là Hồng Bảo, Trương Đăng Quế đưa em là Hồng Nhậm lên ngôi lấy niên hiệu Tự Đức. Hồng Bảo muốn chiếm lại ngôi, bị bắt, bị kết án chung thân và tự sát (1854). Cũng vào lúc ấy, một phần lớn triều thần lại bất bình vì nhà vua nhượng bộ cho Pháp mấy tỉnh miền Nam. Hồng Tập kêu gọi sĩ tử nổi dậy nên bị chém đầu (1865). Trong lúc ấy, nhà vua sức khỏe yếu, chỉ lo mài miệt kinh sử, thơ văn suốt ngày. Ở làng An Truyền cách Huế vài cây số, có Đoàn Hữu Trưng là một chàng trai thông minh, sáng sủa. Mồ côi cha sớm, anh làm ruộng nuôi mẹ và bảy đứa em. Tuy Lý Vương, một nhà thơ có tiếng, thấy Đoàn Trưng ham học, liền cho phép chàng và em là Đoàn Trực lại nhà học với các con.
Không mấy chốc, chàng cũng thông thạo văn thơ và lọt vào mắt xanh của Thể Cúc, con gái Miên Thẩm tức Tùng Thiện Vương cũng là một nhà thơ lớn. Mặc dầu không môn đăng hộ đối, Tùng Thiện Vương chịu gả Thể Cúc cho Đoàn Trưng. Từ đây chàng làm quen vói đời sống vương giả, với những quan lại trong triều. Nhưng qua năm 1864, chàng trả vợ về lại nhà, lấy cớ nàng không phải là một cô dâu thảo, lập hội Đông Sơn Thi tửu là nơi gặp gỡ để bàn chuyện lật đổ vua Tự Đức. Được ba người em phụ tá, nhiều bạn bè, quan lại, quân binh cùng nhiều sư sải giúp sức, chàng chọn Đinh Đạo (tức là Ưng Đạo bị đổi tên), con Hồng Bảo, làm người kế vị và dựa vào sức mạnh của ba ngàn thợ thuyền cùng quân binh lấy chày vôi làm vũ khí cho nên có tên loạn Chày Vôi. Cuộc khởi nghĩa lấy chùa Pháp Vân làm địa điểm tập hợp. Chùa nầy nằm cạnh khu lăng mà tên đầu tiên là Vạn Niên, sau nầy vua Tự Đức đổi thành Khiêm Lăng vì Vạn Niên đã tượng trưng cho bất bình, bạo lực.
Vạn Niên là vạn niên nào,
Thành xây xương lính hào đào máu dân.
Mùa thu 1866, chùa Pháp Vân mở hội, đại trai đàn siêu độ cho chúng sinh và giải oan cho Hồng Bảo, có mặt đông đủ nghĩa quân và gia đình Đinh Đạo. Họ quyết định phát động ngày 16 tháng 8 tức là ngày trực của Hữu quân Tôn Thất Cúc làm nội ứng. Theo Bùi Quang Tung trong Bulletin des Etudes Indochinoises (1967) lược kể Gia Sơn Kiều Oánh Mậu trong Quốc triều ban nghịch truyện, nghĩa quân tiến rất mau vào thành nội qua Ngọ Môn, được Tôn Thất Cúc từ Đại Cung Môn đến dẫn đường qua Tả Dịch. Phó vệ úy Nguyễn Thanh và Chỉ huy sứ cản đường nhưng không nổi. Khi nghĩa quân tiến đến Duyệt thị đường, đến lượt Quyền Chưởng vệ Long Võ quân Hồ Oai ngăn chận thì bị Đoàn Trực chém vào tay trái. Mặc dầu bị thương, Hồ Oai đóng ngay cửa Tả Sương. Chạy đuổi bắt Hữu quân Đoàn Thọ là người điều khiển cuộc bảo vệ hoàng thành, Đoàn Trực chạy qua điện Thái Hòa hợp lực với Đoàn Trưng. Thừa lúc vắng mặt địch quân, Nguyễn Thanh và Cai đội Trần Đức Lý đóng cửa Dịch Môn còn Hồ Oai thì chạy tìm quân cứu viện. Trong lúc ấy Đoàn Trưng ra lệnh đem giá rước Đinh Đạo lên ngai vàng. Gặp Đoàn Trưng, Hồ Oai thét lên: "Nếu muốn sống phải cút đi" rồi hướng về thợ thuyền: "Các ngươi cũng theo giặc à?" làm họ bỏ chạy tán loạn. Thấy vậy, Hồ Oai và Cai đội Cai Văn Sâm vung kiếm chém Đoàn Trực buộc chàng quỵ xuống, còn Đoàn Trưng thì bị bắt sống... Loạn Chày Vôi thất bại. Đoàn Trưng, Đoàn Trực, nhà sư Nguyễn Văn Quý và một số nghĩa quân bị án tử hình, những người lãnh đạo kể cả Tôn Thất Cúc đã tự vẫn, bị cắt thành mảnh nhỏ, đầu bêu ngoài đường. Gia đình Đinh Đạo, mẹ, vợ, anh chị em, tất cả 8 người, bị kết án thắt cổ. Tùng Thiện Vương khi thấy mọi việc bại lộ liền trói con gái và các cháu ngoại lên dâng vua. Vua Tự Đức không kết tội Tùng Thiện Vương, chỉ trách không biết chọn rể, cắt lương bổng trong 8 năm còn Thể Cúc thì phải lấy họ mẹ và sống những ngày cuối đời trong một đạo đường.
Trong cuốn Biến động (nxb Thuận Hóa, Huế, 1984), nhà văn Thái Vũ cho thêm chi tiết về vụ Đoàn Trực chém Hồ Oai: "Hắn định chặn cửa không cho Tư trực tiến vào nhà Duyệt thị. Tư Trực như con mãnh hổ đang đà xông tới, đánh bạt lưỡi gươm của Hồ Oai làm hắn ngã nhoài xuống đất. Tư Trực thuận tay đưa đà gươm xuống chém vào cổ Hồ Oai, nhưng cái ngã đã cứu hắn thoát. Gươm của Tư Trực chém đứt tai bên phải của Hồ Oai, hắn ôm đầu gục xuống. Tư Trực tưởng hắn đã bị thương nặng nên không bồi thêm nhát nữa để kết liểu đời hắn! Anh nhảy qua người hắn cùng quân nghĩa xông thẳng vào nhà Duyệt thị, tìm cách đến cửa Tấu. Thực tình anh chủ tâm vào việc phá cửa Tấu để sang Càn thành hơn là giết một tên quan võ mà anh cho là một tiểu tốt vô danh chưa đánh đã ngã. Anh không hiểu được rằng đó chính là hành động thắng bại của hội Đông Sơn thi tửu khi đánh vào Đại nội". Trong sách Danh nhân Bình Trị Thiên (nxb Thuận Hóa, Huế, 1987), ở chương Đoàn Hữu Trung, tác giả Đỗ Ban kể có phần khác: "Đoàn Hữu Trung đang tìm vào cửa Tấu Môn, trực diện tiến thẳng vào giường ngủ của Tự Đức chỉ còn cách một bức tường nữa thì đến long sàng, gươm vua xa gươm ngụy gần, lính canh thấy quân kéo vào đông lo chạy trốn, thì chợt thấy Chuởng vệ Long Võ quân Hồ Oai xuất hiện: thấy nghĩa quân quá đông Oai hoảng sợ chạy lui về phía Tả Sương vội vàng đóng cửa lại để ngăn bước tiến của nghĩa quân, nhưng Đoàn Hữu Trưng đã nhanh chóng đuổi theo lùa gươm qua cửa khe, chém mất tai nhưng Oai vẫn ghì chặt cửa, Trưng ra lệnh thu quân về điện Thái Hòa để chờ lệnh mới". Dù Đoàn Trưng hay Đoàn Trực đã chém, một điều chắc chắn là Hồ Oai đã tỏ ra rất trung với vua và trong khi cứu vua đã mất một lỗ tai. Vua Tự Đức rất cảm kích cử chỉ một trung thần, khen công lớn, đã thăng ông chức Đô thống Tiền quân kiêm Doanh Long Võ, ban tước Nghĩa Dũng Tử, về quyền vẫn giữ Quan Lĩnh Thị vệ, chức Đại thần và tặng thẻ bài ngà mang ba chữ Vũ Dũng Tướng, một viên ngọc đeo, một nhẫn vàng có kham kim cương, 10 lạng vàng để làm lại một lỗ tai vàng (báo Ánh Sáng, Huế, 1935). Theo Thái Vũ, sau nầy Hồ Oai nhậm chức Tổng đốc Đại thần ở Nghệ An, bất lực trong việc trấn áp Văn thân chống Pháp và chống tà đạo khi vua Tự Đức đã hòa nghị nên bị giáng xuống Chưởng vệ, đổi về quê rồi chết.
Nhà sử học Yoshiharu Tsuboi trong cuốn L'Empire vietnamien face à la France et à la Chine (Đế quốc Việt Nam trước nước Pháp và Trung Hoa, nxb L'Harmattan, Paris, 1987) xác nhận tài liệu nầy và cho biết thêm để giải quyết vấn đề này, vua Tự Đức phải gởi nhiều quân binh do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đích thân điều khiển.
Làng Mỹ Cang có nhà thờ họ Hồ và ông Hồ Oai , ông cố ngoại bốn đời của tôi, đã được thờ ở đây. Cách đây mấy năm, anh Nguyễn Đắc Xuân, trong cuốn Chuyện các quan triều Nguyễn (nxb Thuận Hóa, Huế, 2001) có viết theo lời kể của ông Hồ Thu ở Tân Định những giai thoại về sức mạnh của Hậu quân Hồ Oai. Tôi không kể lại đây những thành tích khác thường của một người hùng nhưng tôi lại thắc mắc về tung tích của ông. Tôi có lại gặp ông Hồ Thu: ông tự hào là hậu duệ ông Hồ Oai nhưng không biết gì đến làng Mỹ Cang và nhà thờ họ Hồ ở đây. Hôm về thăm quê năm 1988, tôi ghé lại nhà thờ nầy nhằm chụp hình tấm bia kể công trạng ông cố của tôi. Đáng tiếc là tấm bia bị bom phá gãy và người ta đã vứt xuống hói. Lại lục lọi bờ hói, tôi chỉ tìm ra được một mảnh phía trên bia, không có chữ. May có người bà con trao cho tôi một bản sao chụp tấm bia. Đem về Pháp tôi nhờ anh bạn Hán Nôm Tạ Trọng Hiệp, nay đã mất, đọc giùm. Tuy không rõ lắm, anh cũng nhận ra được đây là bài văn của Nội các ghi lời Dụ của vua ban ngày 24 tháng 8 năm Tự Đức (1866) về vụ loạn xảy ra ngày mồng 9 cùng tháng với những chi tiết về công lớn và thăng thưởng đã thấy ở trên. Họ Hồ ở Mỹ Cang chính thật đúng là dòng họ ông Hồ Oai. Nhưng như vậy thì ông Hồ Oai của ông Hồ Thu là ông nào? Có hai ông Hồ Oai? Tôi chỉ có một giải thích theo lời gợi ý của ông Hồ Thu: ông Hồ Oai có một bà vợ khác và bà vợ nầy không hay biết gì về bà ở Mỹ Cang. Bà nầy có thể xây dựng một nhánh ở Đồng Hới, nay như tuồng còn mộ ở làng Nại (Lương Yến) cách thị xã Đồng Hới 2km, có điều gia phả đã bị tiêu hủy, khó chứng minh. Chuyện nhỏ lặt vặt, ngày nay chẳng có gì là quan trọng, nhưng tôi chỉ yên tâm ngày nào tìm ra giải đáp. Chắc bên ông Hồ Thu cũng vậy.
Xô thành mùa Vu Lan nhớ Mạ 2004
Nhớ Huế 23 Huế Làng Xưa 2004

34- CHIẾC ÁO DÀI HUẾ
Áo trắng hỡi, thuở tìm em không đến
Nắng mênh mang mấy nhịp Tràng Tiền

Thu Bồn
Thành phố áo dài trắng là tên một cuốn phim phóng sự về Huế chiếu cách đây mấy năm trên đài truyền hình ở Pháp. Hai năm trước đây, chị Xuân Phượng, một cựu nữ sinh Đồng Khánh, cũng lấy hai chữ Áo dài bằng tiếng Việt để đặt tên thiên bút ký-tiểu sử bằng tiếng Pháp của mình. Thì ra, dù là người Việt hay người nước ngoài, chiếc áo dài ngày nay là một biểu tượng đẹp đẽ, thật ra không chỉ cho xứ Huế, cho miền Trung, mà cho cả đất nước. Không có ai đi du lịch bên Việt Nam về mà trong lô ảnh không có một vài bức chụp một cô gái với chiếc áo dài tha thướt hoặc ngồi thẳng trên xe đạp hoặc lang thang trong cung điện.
Chuyện chiếc áo dài Huế dính liền với sự tích chiếc áo dài Việt Nam. Ngày trước bên ta, đàn ông đóng khố, đàn bà quấn màn (tên cái váy hồi xưa) bằng vỏ cây tapa (?) (Huard, Durand, Connaissances du Vietnam, 1954) sau được gọi là váy (làm bằng vỏ cây váy?). Sau nhiều năm đô hộ Trung Quốc, đàn ông chịu mặc quần nhưng đàn bà vẫn giữ cái váy, nhất là sắc chỉ vua Lê Huyền Tông năm 1663, thời Trịnh Tạc, cấm đàn bà mặc quần như đàn ông. Thời Lê mạt Nguyễn sơ, nữ sĩ Hồ Xuân Hương có bài thơ Đánh đu:
... Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song...
đọc xem như một cặp trai gái đánh đu. Thật ra, theo Phượng Linh Đỗ Quang Tri, đàn ông không mặc quần hồng, bốn mảnh quần hồng đây chỉ bốn khổ vải hẹp may lại thành váy, thành ra hai cô gái đánh đu mới có hai hàng chân ngọc, hợp với giọng thơ lẳng lơ của Hồ Xuân Hương.
Năm Giáp Tý 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát, hay Nguyễn Phúc Hoạt (Trần Đình Sơn, Hoàng Anh, Tản mạn Phú Xuân, 2002), ông nội Nguyễn Ánh, dựa lên câu sấm "bát thế hoàn trung đô" nghĩa là tám đời trở lại kinh đô, dời thủ phủ về Phú Xuân, tự xưng Võ Vương, cải tổ cơ quan hành chánh, đúc quốc tỷ, dựng tông miếu, truy tôn tước hiệu, xác định triều phục: "Đổi may y phục thì theo tục nước mà thông dụng vải lụa, duy có quan chức thì mới cho dùng xen the và trừu đoạn, còn gấm vóc thì nhất thiết không được theo thói cũ dùng càn. Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền không cho xé mở..." (Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục). Đặc biệt về phụ nữ thì cấm đàn bà mặc váy. Sau nầy, vua Minh Mạng có tiếng là nghiêm ngặt, nhất định thi hành nghiêm chỉnh pháp luật làm khổ những vợ chồng nghèo ngoài Bắc còn quen mặc váy:
Lệnh từ trong Huế ban ra,
Cấm quần không đáy đàn bà phải tuân.
Đi chợ mượn đỡ cái quần,
Chồng đành mặc váy che thân ngồi nhà.
Bổng nghe mõ gọi đằng xa,
Vội vàng đóng khố chạy ra ngoài đình.
làm phiền toái biết bao người:
Tháng tám có chiếu vua ra,
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Ra đi lột lấy quần chồng sao đang?
Có quần ngồi bán quán hàng,
Không quần ra đứng đầu làng trông quan.
Thật ra, đến thời cách mạng, váy vẫn còn dùng ngoài Bắc, tuy áo tứ thân, quần lĩnh thâm đã rất được thông dụng. Trong Nam và nhất là ở miền Trung, Ngũ Quãng thì từ lâu đã được thịnh hành thói mặc quần và áo dài, một phần nào kết hợp hài hòa y phục rực rỡ các sắc tộc hay chiếc áo tứ thân duyên dáng ngoài Bắc với những tà áo dài tha thướt phụ nữ Chiêm Thành. Nhà biên khảo J.L. Dutreuil de Rhins, năm 1889, đã đưa ra hình ảnh chiếc áo dài xưa gọi là áo lá sen hơi giống như loại áo Thanh cát của các quan văn, quan võ thời nhà Lê, chỉ khác là ở các quan nầy miếng vải hình lá sen kết ở phía sau vai. Dân thường và học trò cũng được mặc áo Thanh cát mỗi khi tham dự việc công, dĩ nhiên là kiểu dáng không giống áo của quan lại, nhưng màu thì giống. Đó là màu xanh lam. Bình thường mặc áo Chuy y là áo màu đen. Màu áo Thanh cát cũng gồm hai màu khác nhau, xanh thẩm gọi là màu hòa minh, xanh nhạt gọi là màu vi minh... Một đặc tính tiêu biểu của y phục xưa, nhất là y phục Huế, đó là đặc tính kín đáo. Áo quần thường dài, rộng phủ trùm thân thể trừ mặt mũi và bàn tay, bàn chân ra, nơi nào cũng phải che kín bất kể thời tiết nóng lạnh.
Trước đây phụ nữ Huế, dầu thuộc giới bình dân, bán chè, bán cháo, buôn gánh bán bưng đều phải mặc áo dài... Khi các cô ra đường phải nhớ lời mẹ dặn: ra đường cúi mặt xuống đất, về nhà mới cất mặt lên trời, luôn luôn họ phải một tay giữ nón, một tay sẵn sàng ghép hai tà áo lại để bảo đảm tính kín đáo... Cái lối dùng nút thắt của Huế cũng là đáng cho ta khâm phục thái độ đề cao cảnh giác của các bà mẹ Huế. Nút thắt bằng vải là một loại cúc áo rất khó mở. Với các loại cúc bấm, Huế gọi là nút bóp, rất dễ tuột. Để tránh sự cố, các cô về sau xài nút bóp phải dùng thêm cái khuy cài bằng thép ở nơi eo. Chính vì đề cao sự kín đáo mà vua Minh Mạng mới cấm cái váy tức là cái quần không đáy.
Cái gì tồng bộng hai đầu
Bên ta thì có bên Tàu thì không?
Đó là câu đố về cái váy. Đã tồng bộng hai đầu thì còn làm sao mà kín đáo? (Tiêu Lang, Áo dài Huế, 1999).
Lẽ tất nhiên, những nữ tướng thời trước, những phụ nữ thao luyện võ nghệ thì phải mặc áo ngắn, quần túm gọn gàng. Đằng khác, các bà công chúa, hoàng hậu trong cung cấm cũng như các bà vợ quan, các cô gái vương giả thì áo quần không những rộng rãi mà còn phải may mặc phức tạp, tơ lụa quý giá, màu sắc rực rỡ, vừa làm vui mắt các đấng phu quân, vừa tô điểm thêm nơi cung đình, điện phủ. Ngày nay, ta chỉ thưởng ngoạn được những loại áo giới quý tộc, của nữ quan, như mạng quan, mệnh phụ, trong các viện bảo tàng, hay may mắn thì bắt gặp trong nhũng buổi diễn cổ truyền dân tộc. Trong dân gian, cái áo nói chung là để giữ kín con người, nhất là cơ thể đàn bà. Thời trước, vú phải có yếm dẹp lại, mông không đuợc phô ra, áo dài lắm là đến đầu gối. Nhưng với sự tiếp xúc người Tây phương, đặc biệt phụ nữ Pháp, làm sao chống lại một cuộc đổi mới đi đôi với một trào lưu mỹ thuật ngày càng lên. Đúng vào lúc ấy, họa sĩ Nguyễn Cát Tường, xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, qua hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay, vào những năm 1934-1935, gây một cuộc cách mạng văn hóa khi phát động kiểu áo tân thời Lơ-muya (tiếng Pháp le mur nghĩa là bức tường) bó sát cơ thể, vào bụng, vào ngực, tiền thân của chiếc áo dài ta thấy ngày nay. Có người tin là để vẽ kiểu nầy, Nguyễn Cát Tường đã hợp tác với họa sĩ Lê Phổ (Tiêu Lang, Áo dài Huế, 1999) cũng xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, hay họa sĩ Ch. Mau's (tức Chu Hương Mậu) du học ở Pháp về (Phan Thứ Lang, Xưa và Nay, 1997). Tranh luận là kiểu áo tân thời có phải là do Nguyễn Cát Tường đầu tiên vẻ không vì trong Nam, từ 1932-1933, nhiều kiểu áo như Hoa hường giờ Tý hay Mặc Nàng của Dương Công Nam đã được trình bày trong các báo Tân Á và Khuê Phòng. Cũng dễ hiểu vì miền Nam tiếp xúc Tây phương trước hơn mọi nơi khác. Dù sao, "mốt" tân thời một khi "lăng xê" được mạnh dạn hưởng ứng, từ Bắc vào Nam, ngay cả ở Huế thường được xem là xứ bảo thủ, với những lễ giáo khắc nghiệt gia đình, tuy chậm chạp so với Hà Nội ngàn năm vạn vật và Sài Gòn viên ngọc Viễn Đông. Thật ra ở Huế, người ta lâu lắm vẫn còn nhìn chiếc áo mới với cặp mắt phê phán. Nhân cuộc trình diễn thời trang Lơ-muya ở Hội chợ Huế 1936, cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị có câu hò giã gạo giáo huấn:
Áo Lơ-muya với giày cao gót
Theo em, theo chị cái mốt tân thời
Vỏ ngoài che đậy mà thôi
Tháo ngay trong dạ để gương đòi soi chung
biến chuyển thành câu hò trào phúng:
Giày o (cô) đi là giày cao gót
Áo o mặc là áo Lơ-muya
Tôi đây khác thế trò trìa
Thấy o chúm chím o cười chê tôi thẹn thùng.
Sau nhiều năm rầm rộ, áo Lơ-muya dần dần trở thành thói quen. Thực hiện tương đối khó khăn, nhiều cô nhiều bà trở lại với cách may mặc giản dị lúc trước. Nhưng cũng có những phụ nữ tiếp tục cuộc cách tân, cắt ngắn vạt áo, kéo dài nó ra, nâng cao cổ áo, rút ngắn nó lại, khi cổ kín khi cổ hở, hết cổ tròn đến cổ trái tim, nút gài bên mặt chạy qua bên trái, rồi trở về chính giữa,... Bà Trần Lệ Xuân, phu nhân ông Ngô Đình Nhu, trong tinh thần giải phóng phụ nữ, để tránh nóng những ngày hè rực nắng, đề nghị cắt bỏ cổ áo, khoét tròn đến hai vai không khác gì áo các cô đầm. Cũng vào khoảng thập niên 60, còn một loại áo mang tên Raglan, tay dài, ráp xéo vai để tránh nhăn, có lẽ cũng do ảnh hưởng Tây phương. Các kiểu nầy không tồn tại được lâu. Thật cũng may mắn ví chính những tà áo dài giản dị trông lại đẹp mắt hơn. Thường lúc trước áo chỉ một màu, giới lao động vải thô màu xẩm, tuy ở nhà quê có lúc thấy hai màu nâu-trắng chéo nhau, hài hòa trên những cơ thể chắc cứng các cô thôn nữ còn bên giới quý tộc thì lụa gấm màu hoặc  đậm hoặc sáng nhẹ hơn, yêu kiều trên những thân hình dong dỏng, mảnh dẻ các cô bà. Tôi còn nhớ thời tiền chiến, nữ sinh nội trú trường Đồng Khánh cứ mỗi chiều chủ nhật mới được đi dạo chơi, sắp thành hai hàng, áo đồng phục màu xanh hay màu tím trên quần trắng, đầu đội nón lá, chân đi guốc gỗ, những tà áo phấp phới trong gió như hai hàng bươm bướm rộn ràng trong tiếng cười khúc khích.
Lẽ tất nhiên, bắt đầu từ cửa trường, trên lề đường không thiếu những cậu thanh niên, học sinh nghịch ngợm nói to những lời chòng ghẹo vui nhộn hay kín đáo trao chuyển một lá thư tình. Cảnh tượng trẻ trung tươi đẹp đó không còn nữa sau khi thái bình lập lại vì một lẽ giản dị là không còn bao lăm áo dài trên đất nước. Năm 1986, khi trở về nước lần đầu tiên, tôi chỉ thấy toàn áo cụt và áo cụt. Cũng may là vài năm sau, dần dần những chiếc áo dài được khôi phục trên cơ thể uyển chuyển của các cô gái Việt Nam, những cơ thể mà thời trang đã đặc biệt chế tạo cho chiếc áo dài. Thật vậy, áo dài đã được xuất cảng qua phương Tây nhưng tôi ít bắt gặp những cô gái tóc vàng tha thướt yểu điệu trong chiếc áo dài nước ta dần dần đang được đổi tên thành áo đài vì người Âu không biết nói âm d.
Tò mò, tôi đã đi dự một lần một cuộc thi áo dài ở Paris, quận 13. Nhập gia tùy tục, theo nhịp điệu rộn rã, các cô cũng nhún nhảy dưới ánh đèn chớp nhoáng như những người mẫu Tây phương trong một vũ trường ồn nóng. Có lẽ là người cổ hủ, tôi không biết theo dõi trào lưu và không biết thưởng thức cách trình bày không chút Á đông nầy. Nhưng quan trọng là các kiểu áo. Suốt buổi trình diễn, nhìn cách biến tấu, màu sắc sặc sỡ, đường thêu hình vẽ rằn rện trên cả áo lẫn quần, tôi tự hỏi tương lai chiếc áo dài Việt Nam sẽ đi về đâu. Tôi bổng dưng mơ về những tà áo đơn sơ độc màu phất phơ trong gió trên cầu Trường Tiền một chiều nắng hè mát dịu... Tôi không may mắn được dự những cuộc thi hoa hậu áo dài ở trong nước, nhưng được thấy phản ảnh qua một tập san bộ sưu tập áo dài Huế của nhà tạo mẫu Minh Hạnh. "... Bóng dáng của một tâm hồn Huế và những tình cảm hướng về nguồn cội của nhà thiết kế thời trang đã từng có những năm tháng lớn lên trên bờ sông Hương.... Ở nhà thời trang nầy là mối giao hòa uyển chuyển giữa một cá tính mạnh, dữ dội với nét thâm trầm, tinh tế đầy nữ tính..." (Phan Bích Hà, Áo dài Huế, 1999). Qua một cuộc phỏng vấn Minh Hạnh, độc giả nhận ra nhà tạo mẫu quê Huế đã "thiết kế cách điệu - dựa lên loại áo dài cung đình, và sử dụng cả màu vàng hoàng tộc, màu vàng mà trước đây chỉ có vua chúa mới được dùng. Ngoài ra, gam màu chủ đạo vẫn các tông độ của sắc màu tím. Màu sắc và dáng kiểu cũng là những ẩn dụ về tính cách của người phụ nữ Huế - thanh nhã, dịu dàng, sâu lắng và rất nên thơ. Ngoài ra, màu tím vẫn được xem như là một biểu tượng của lòng thủy chung. Có thể người phụ nữ Huế đã thể hiện tâm cách của mình qua cái màu sắc trung trinh ấy?..." (Nhớ Huế tập 3: Áo dài Huế, 1999). Những tấm ảnh kèm theo bài phỏng vấn tăng phần thuyết phục cách hiện đại hóa chiếc áo dài của nữ sĩ Minh Hạnh, nhắc tôi những lời dạy của anh giáo sư Trần Văn Khê về âm nhạc, theo tôi hiểu: cách tân cần thiết nhưng phải dựa lên vốn cũ, cội nguồn. Tuy vậy, cảnh tượng buổi tan trường với những đoàn nữ sinh áo trắng ngày xưa khúc khích náo nhộn luôn ghi kỹ trong ký ức tôi một kỷ niệm hồn nhiên khó quên. Và ấn tượng một thời xa xôi còn đậm đà hơn qua câu thơ của nhà thi sĩ đa tình Hàn Mặc Tử:
Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Xô thành trước thềm xuân Ất Dậu
Đoàn Kết 499 2005

35- DU LỊCH MIỀN ĐẤT CŨ
Cách đây đúng 20 năm, sau gần 40 năm cách biệt, tôi lại đặt chân lên miền quê cũ, nơi đã sống suốt thời tuổi trẻ. Náo nức, rạo rực, hân hoan, vui mừng... biết bao tính từ cho đủ để miêu tả thế giới nội tâm tôi trước, trong và sau khi đi viếng thăm đất nước. Về lại Pháp, bạn bè kế tiếp nhau hỏi han cảm tưởng và yêu cầu kể lại cặn kẽ chuyến đi. Thật ra, kể chuyện thì dễ, cảm tưởng khó trả lời. Tôi không phải là ông Tây đi du lịch Việt Nam, tham quan Huế với lối nhìn của cặp mắt người nước ngoài, tôi cũng không còn là một người Việt dửng dưng ngắm nhìn sông nước hữu tình quê hương như một phong cảnh thường thấy hằng ngày. Sau hơn một nửa thế kỷ sống nơi đất khách quê người dù sao đã dồn chứa trong đầu óc tôi những ấn tượng sâu sắc ngày nay chung sống với những kỷ niệm ngày xưa, tuy chỉ trong khoảng 20 năm tương đối ngắn ngủi nhưng đã được ghi tạc đậm đà trong đáy sâu tâm hồn như mọi hình ảnh của tuổi thiếu niên.
Ở Pháp, vào dịp nghĩ hè, khi đi về quê, tôi thường thích rảo bước qua những cánh đồng lúa vàng thơm phức vì ruộng lúa gây lên trong lòng tôi những kỷ niệm xa xưa. Đấy là lúc chân đạp lên những thảm cỏ xanh, ngây ngất trong cơn gió mát ban chiều, tôi hít vào cho đầy ngực không khí dịu lành của đồng quê. Đấy là lúc vào mùa gặt hái, tôi mải mê ngắm nhìn những cô thôn nữ khỏe mạnh, vui tươi, quần xắn lên quá bắp chân, đon đả chạy trên đê ruộng, hai vai nặng trĩu những bó lúa chín vàng. Vì vậy, một cọng cỏ tươi phất phơ trên bờ ruộng đối với tôi là một hình ảnh đẹp như một cô gái nõn nà. Hôm được đưa về Ưu Điềm xem bức tráng tường Chăm cổ trước chùa, tôi tự hỏi hai ông bạn dẫn đường đã nghĩ gì khi trầm ngâm nhìn tôi cặm cụi chụp hình một cây lúa đang trổ bông trong cánh đồng bát ngát. Du lịch đối với tôi lúc nầy không phải là thành trì, đền miếu, lăng tẩm, điện đài nhưng chính là ngọn cỏ đó, cây lúa đó mà tôi cam chắc sẽ không bao giờ ra khỏi ký ức tôi.
Thật ra, tôi về thăm quê hương không phải chỉ đi ngắm ngọn cỏ, cây lúa mà còn để đi tìm mọi hình ảnh thời xưa. Chỉ học ở Sài Gòn có một năm trước khi đi Pháp, bao nhiêu kỷ niệm của tôi hầu hết được giới hạn trong miền đất Huế. Sau nhiều năm xa cách, tôi không còn nhớ tất cả các nẻo đường mà nhớ sao được khi nhiều đường cũ đã bị hủy bỏ cũng như nhiều đường mới đã được mở ra. Con đường quen thuộc hồi nhỏ của tôi dẫn từ trường tiểu học Chaigneau trước nhà Bưu Điện, là nơi tôi học, về đến cầu Phủ Cam, là nơi nhà anh tôi. Ba năm liền, sáng, chiều đi về hai lần, vậy mà sau này trở lại, tôi chẳng tìm ra được một góc đường, một mẫu nhà để chỉ hướng cho mình. Cái nhà của một ông anh khác ở trên bờ sông An Cựu cạnh cầu Lò Rèn, bên kia Dòng Cứu Thế, nơi tôi ở trước khi rời Huế, ngày nay không còn núp bóng mấy cây dừa trồng ở vườn trước với cái sân bóng chuyền vang dậy tiếng nô đùa lúc cuối chiều mà đã nhường chỗ một số nhà nằm san sát nhau. Lưỡng lự mãi trên bờ sông, rút cuộc tôi không vào tận nơi : chắc mình chẳng còn tìm ra chút gì quen thuộc nữa và chắc cũng chẳng có người biết mình là ai ! Nhìn dòng nước đục ngầu thong thả chảy, tôi hồi tưởng lại những buổi tắm sông trước nhà, rồi trong trí óc tôi hiện ra hình ảnh quán bán giấy, viết của cô gái dựng lên bên nép đường vào dịp khai trường cuối cùng của tôi ở Huế: đôi mắt linh động đen lánh như còn mãi lén nhìn tôi. Sau hơn 50 năm mà sao hình ảnh vẫn còn rõ ràng như mới hôm qua. Cách đây mấy ngày, một ông giáo sư người Pháp vừa mới sống hơn một chục năm ở kinh đô Việt Nam về nói với tôi ông không muốn đi nghỉ hè ở Hà Nội vì ông sợ sẽ là người xa lạ trong một thành phố quá quen thuộc. Tâm trạng tôi mỗi khi về Huế cũng tương tự vậy.
Một nơi còn gợi nhiều kỷ niệm là ngôi trường lúc trước mang tên Khải Định. Biết bao danh nhân đất nước đã lết ghế ở đây. Kể chuyện cho bạn bè, tôi cũng tự hào đã từng ra vào ở đây trước kỳ chinh chiến. Những ngày biến cố 1945 rồi thời Cách mạng để lại cho tôi biết bao ấn tượng khó quên. Chính ở trong các lớp học nầy mà tôi viết những bài đầu tiên gọi là văn đăng trong tờ báo lớp vì những bài viết trước đó đều chỉ là những bài luận viết để nộp cho thầy. Chính ở đây đã học cô nữ sinh người Pháp Huguette Elule, sau nầy thành nhà văn sĩ Elule Perrin, mà tôi có dịp gặp ở Paris trong một bửa tiệc kỷ niệm ngày mồng 9 tháng 3.
Đồng tuổi tôi, cô học trên tôi đến 3 lớp. Hồi ấy cô có viết một cuốn nhật ký kể lại đoạn đời bị giam lỏng ở trong trường Thiên Hựu sau ngày đảo chính Nhật. Yêu Huế hơn người gốc Huế, cô ta đã cảm kích tôi khi tâm sự nỗi lòng. Nhưng sau khi cô chết cách đây 2 năm, cuốn nhật ký được xuất bản: hỡi ôi, tôi vô cùng thất vọng vì tôi không thể tưởng tượng một đầu óc thực dân như vậy trong một cô gái trẻ còn ở tuổi học sinh. Tôi không quen cô ta ở trường Khải Định nhưng dù có biết nhau chưa chắc gì hồi đó có dịp hàn huyên như ở Paris. Đọc đến đoạn cuối khi cô tả cảnh quân đội viễn chinh đến "giải phóng" Pháp kiều, trong trí óc tôi hiện ra hình ảnh đoàn Giải phóng quân ta ngồi đợi lên tàu "Nam tiến" thành hàng dài dọc con đường Lê Lợi bây giờ, từ nhà ga xuống đến gần cầu Truờng Tiền. Trong số những thanh niên nầy, bao nhiêu chiến sĩ đã ra đi mà không hẹn ngày về? Trước trường Khải Định, tôi trầm ngâm đứng ngắm đài Trận vong Tử sĩ oai nghiêm chế ngự cả một đoạn dài sông Hương, nhưng chẳng thấy có khắc tên những người anh hùng đã hi sinh cho đất nước.
Năm 1986, khi tôi về nước lần đầu tiên, cầu Trường Tiền còn bị gảy chỉ được tạm sửa. Tôi còn nhớ những ngày đi học lấy đò qua sông, học sinh vui vẻ chòng ghẹo nhau buộc mấy cô nữ sinh phải núp mặt sau chiếc nón lá bài thơ. Trong mấy năm liền vắng bóng những tà áo dài tung bay trước gió trên cầu, một hình ảnh mà khách du lịch nào cũng thèm ghi vào máy ảnh của mình. Trong chương trình Hội Người Yêu Huế hồi đó có đặt mục sửa chữa lại cầu nhưng phải đợi đến khi anh Hà Văn Lâu qua làm đại sứ ở Pháp mới có cơ hội bàn cải sâu rộng. Ngày nay, mặc dầu có cầu Phú Xuân rộng rãi, cầu Trường Tiền luôn vẫn còn tiếng thơ mộng. Trái với Paris có đến trên dưới ba chục cái cầu trên sông Seine, cầu Trường Tiền một thời đã là độc nhất trên sông Hương nếu không kể cầu tàu lửa Bạch Hổ xa xăm. Tôi thích thong thả bách bộ qua cầu, nhất là về cuối chiều, dừng chân đứng ngắm những con đò qua lại, có cái to lớn chạy bằng máy, chở hàng hóa nặng trịch nước lên đến gần mạn tàu, có cái mỏng manh lướt sóng với một cô lái đò độc nhất, tuy không nghe tôi cũng tưởng tượng ra một giọng hò văng vẳng trong tai. Đây là cảnh tượng hiếm có ghi lại trong trí óc những người xưa kia có được may mắn sống những giây phút chạnh lòng trên Hương giang muôn thuở.
Học sinh trường Khải Định hồi tiến chiến còn giữ nhiều kỷ niệm đi học trong Thành Nội vì trường được dành cho quân đội. Không còn vua chúa, cung tần mỹ nữ, những cung điện được giao phó cho bọn trẻ mặc sức tung hoành. Ngày nay muốn vào tham quan Đại Nội, phải mua vé, có giờ giấc, không được tự do đi lại mọi nơi, có chỗ còn cấm chụp hình: có ai dè một thời học sinh đã tự do đá banh ngay trên sân điện nếu không chen nhau chễm chệ ngồi lên ngai vàng. Nói thật ra, gọi là đi học, đầu óc học sinh những năm đó rất bận rộn với thời cuộc. Chế độ thuộc địa không còn nữa, đất nước đang vùng lên trên con đường độc lập. Thanh niên thiếu nữ nào vào lúc ấy ai mà không nghĩ đến tương lai đất nước dính liền đến tương lai của chính mình. Ngay trong tổ chức của lớp đã có những chương trình học hành sâu xa, phát họa những con đường chuẩn bị phát triển xã hội. Tôi còn nhớ mỗi học sinh được mời ghi lên giấy nguyện vọng của mình để rồi có người thu thập làm bản tổng kết, hy vọng sau nầy góp ý cho một chính phủ dân chủ độc lập. Rất tiếc là sáng kiến nầy không đi đến một kết quả nào. Hồi đó, mộng của tôi là học thành kỷ sư canh nông, cho nên khi thi vào lớp đệ nhị khoa học, tôi không chọn ban A là ban toán mà lại ghi vào ban B học nặng về vạn vật học. Thời cuộc dẫn đường tôi vào ngành hóa học nhưng những năm sau nầy, tôi lại đặt nhiệt huyết của mình vào những cây thuốc, thỏa mãn một mộng thời xưa. Đi dạo trong Tử cấm thành, tan hoang sau vụ cháy năm 1947, nay được xếp dọn lại ít nhiều, những năm đầu tôi về thăm đang còn là nơi hoang dại, lau lách um tùm, tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ đến sự tàn lụi của một vương triều, đến giá trị vĩnh cửu của sự vật.
Song song với kinh thành, lăng tẩm cũng đuợc khách du lịch chiếu cố đến nhiều. Khái niệm lăng tẩm của các vua triều Nguyễn thật đặc biệt. Quần thể các lăng nằm quanh sông Hương, trong những rừng thông phía nam kinh thành, tương tự như Thung lũng các Nhà vua bên Ai Cập. Đằng khác, lăng không phải chỉ là nơi chôn cất thi hài nhà vua, thật ra không biết chôn ở đâu, mà lắm khi còn là nơi vua lại nghỉ ngơi, đọc sách, ngâm thơ, nghe nhạc,... trong lúc còn sinh thời. Hùng tráng nhất là lăng Gia Long, oai nghiêm nhất có lẽ là lăng Minh Mạng, nhưng lãng mạn nhất thì chắc chắn là lăng Tự Đức. Lăng của ông vua thứ tư triều Nguyễn thật là một vườn thơ, có thể xem như là một nhà nghỉ mát. Có ai dè đây lúc trước là nơi đầm lầy, sốt rét và thợ thuyền bị bắt lại xây cất bất bình nổi loạn, cùng với một số quan lại, sư sải dấy binh suýt giết chết vua. Ông cố ngoại Hồ Oai gia đình tôi đã có công điều khiển quân binh thành công dẹp được giặc Chày Vôi. Mỗi khi lên đi dạo ở đây, tôi lại có dịp suy nghĩ nhiều đến ông cố ấy, xuất thân từ một gia đình tầm thường, đã thành đạt trong cuộc sống. Tuy công trạng của ông ta không được tất cả sĩ phu các giới khen phục, ta phải chịu nhận ông là một người trung với vua, biết làm tròn bổn phận của một sĩ quan bảo vệ. Tôi cũng tự hỏi nếu ông Hồ Oai không thành công cứu được vua, tương lai tổ quốc ta đã đi về đâu vì ai cũng biết chính dưới triều Tự Đức mà nước Pháp đã đặt nền bảo hộ lên đất Việt Nam.
Về Huế, thấy thành phố trầm lặng trước kia của tôi bây giờ cũng học đòi đổi mới, theo đà tiến lên của dân tộc. Là một thành phố văn hóa hơn là kỹ nghệ, thương mãi, Huế rất có lý khi chú trọng nhiều về mặt du lịch. Quán cơm, khách sạn mọc lên như nấm. Mấy năm trước, dãy nhà cũ của người Pháp ở đường Lý Thường Kiệt chẳng hạn được sửa sang thành nhà khách, bây giờ những nhà khách ấy cũng nhường chỗ cho những khách sạn nhiều sao. Hồi tôi mới về chỉ có một khách sạn Hương Giang là lớn, bây giờ trong xóm nầy khách sạn lớn nhỏ đủ cở. Nhà hàng Morin Frères cũ cũng trở thành khách sạn Morin Saigon bề thế. Với những Festival liên tiếp hai năm một lần, ngành du lịch thấy phát triển rõ ràng đồng thời cống hiến nhiều việc làm cho người dân. Tôi chưa có về dự một Festival nào, chỉ có đọc chương trình, thấy có vẻ hấp dẫn. Câu hỏi là những tiết mục đặt ra, ngoài mục đích lôi cuốn du khách, đóng góp làm sao cho cuộc mở mang vùng Huế? Hương xưa làng cổ, nhà vườn Kim Long gợi lên những nét đặc sắc của văn hóa Huế thật đáng giới thiệu. Trình diễn nghệ thuật thủ công cũng cần được đề cao. Đằng kia, phục dựng lễ hội Nam giao chẳng hạn với đoàn Ngự đạo xuất cung, hồi cung cùng lễ tế trên đàn Nam giao với vua quan, võng lọng, cờ xúy, voi ngựa, tốn nhiều công phu, tiền bạc, liệu có được xem như một sự kiện lịch sử không hay chỉ xếp vào những loại tuồng hát? Vẫn biết trên thế giới có nhiều thành phố cũng phục dựng những cạnh tượng thời xưa nhưng không phải vì người ta làm thì mình cũng học đòi làm theo.
Dù sao, tôi vẫn mừng khách du lịch ngày càng đông tham quan Huế. Hy vọng họ vui thú khi viếng thăm đồng thời nâng cao kiến thức về một nơi lịch sử của đất nước Việt Nam quê hương mình. Mong mỏi ngoài khách sạn, quán cơm, những mục giải trí,... trình độ trí thức của những hướng dẫn viên cũng đạt đến một mức độ cao. Ngày xưa người ta kể chuyện buồn cười món canh gà Thọ Xương, ngày nay chính tôi được nghe vạc đồng nấu cơm cho cả một binh đoàn. Cũng có thể anh hướng dẫn viên nói để cười, vì đoàn khách cười thật, nhưng câu tiếng Pháp của anh không thể hiểu một cách khác. Những giải thích như thế đáng buồn và phải tránh. Trong cuộc xây dựng nền du lịch Huế cần phải nâng cao toàn bộ mới mong khách thích thú, say mê và hẹn ngày trở lại.
Xô thành nóng ngày hè nóng 2006
Nhớ Huế 30 Du lịch xứ Huế 2006.

Tập V: Huế qua trang sử

36- HAI DI TICH CHĂM Ở THỪA THIÊN - HUẾ
Bóng tà dừng ngựa đứng
Man mác nổi hưng vong.
Ngô Thế Lân
Ai về Việt Nam đi xe hơi từ Nam ra Bắc chắc thế nào trên đường cũng đã dừng chân xem những tháp Chăm đẹp Pô Klaung Garai-Đồi Trầu ở Phan Rang, Pô Nagar-Tháp Bà ở Nha Trang, Bánh Ít-Tháp Bạc, Hưng Thạnh-Tháp Đôi ở Quy Nhơn không xa bao lăm quốc lộ 1. Nếu chịu khó đi xa thì có thể viếng những tháp ít được biết hơn: Pô Dam - Pô Tầm, Pô Sanư - Phú Hài ở Bình Thuận; Hòa Lai - Tháp Khơ me, Pô Rômê ở Ninh Thuận; Tháp Nhạn - Con Gái ở Phú Yên; Cánh Tiên - Đồ Bàn, Bình Lâm - Thị Nại, Dương Long - Tháp Ngà, Phước Lộc - Tháp Vàng, Thốc Lốc - Tháp Cao Mên, Thủ Thiện - Tháp Đồng ở Bình Định,... Ra đến Quảng Nam thì không thể bỏ qua thánh địa Mỹ Sơn, điêu tàn nhưng còn giữ nét hùng vĩ của một thời xưa rực rỡ, cùng những tháp Bằng An độc nhất tám cạnh, Chiên Đàn, Khương Mỹ theo kiểu ba ngôi tháp song hành lập nên một phức thể. Rồi xe vượt đèo Hải Vân tiến vào địa phận Thừa Thiên - Huế.
Vùng đất Thuận và Hóa nầy được nhập vào Đại Việt sau lễ cưới công chúa Huyền Trân với vua Chế Mân năm 1306. Trước đó người Chăm đã sống ở đây và để lại nhiều di tích. Từ đầu thế kỷ 20, những người Pháp đầu tiên đã chịu khó đi tìm và kê khai một số hình tượng ngay ở Huế và ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền. Bên cạnh những mảnh tượng, mảnh bia bằng đá, những khám thờ bằng gạch,... đáng để ý nhất là những di tích tìm ra ở làng Mỹ Xuyên: một trán cửa mang danh Đản sinh Brahma từ rốn Visnu nằm trên con rắn Ananta bảy đầu (2) tương tự như phù điêu của viện Bào tàng Chăm ở Đà Nẵng hiện được trưng bày ở viện Bảo tàng Á đông Guimet trong khuôn khổ cuộc Triển lãm Điêu khắc Champa; một tượng gọi là Bà Lồi hình dung một phụ nữ có tám tay mà hai tay dưới nắm một cái vỏ ốc biển shanka và một cái vòng mặt trời cakra (1), có thể là Visnu dưới hình thể Mohini. Những di tích nầy đã được lấy đem vào các viện bảo tàng. Năm nay, nhân chuyến về thăm quê, tôi may mắn được dẫn đi xem một di tích còn được thờ cúng tại chỗ ở chùa Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, nói trạnh từ danh từ Ưu Đàm, có lẽ từ tên hoa Ưu đàm bát la Udumbara mà ra. Tục truyền hoa này rất quý, mấy ngàn năm mới xuất hiện một lần, mà Dương Văn An trong Ô Châu Cận Lục đã có nhắc tới: Am Ưu Đàm nở nhiều hoa Bát la. Chùa còn mang tên Chùa Bà Lồi vì bên hông chùa có thờ một tượng bằng sa thạch thếp vàng gọi là Bà Lồi hay Bà Phật Lồi, có liên quan gì với bức tượng đã được phát hiện trước đây một thế kỷ (1)?
Từ Huế, muốn đi Ưu Điềm, phải lấy quốc lộ số 1 ra hướng bắc. Khoảng bốn mươi cây số, ngang làng Mỹ Chánh, giữa Phò Thạch và Quảng Trị, trước khi gặp chiếc cầu bắc qua sông Ô Lâu làm biên giới cho hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị, lấy một con đường nhỏ nhưng tráng nhựa tốt bên tay mặt. Quá làng Mỹ Chánh, xe vượt qua làng Phước Tích trước đây có tiếng về đồ gốm, nay còn được lưu truyền nhờ những nhà rường cổ truyền, rồi cái làng nhỏ Phú Xuân. Xe chạy tiếp dọc theo sông Ô Lâu được đề cao qua những trận đánh trong cuộc chiến vừa qua, băng qua làng Mỹ Xuyên chuyên chạm đồ gỗ và cũng là nơi những năm gần đây đã có khai quật nhiều di tích Chăm. Đối với tôi, Mỹ Xuyên, làng cạnh Mỹ Cang là nơi tôi được sinh ra và sống cả một thời tuổi trẻ nên khi nhìn lại cảnh cũ đường xưa không sao tránh được chút bùi ngùi, thương nhớ... Rồi xe đáp vào địa phận làng Ưu Điềm nhắc tôi lại những năm cách mạng, tuy còn ít tuổi, đầu óc trẻ dại, quần đùi áo cụt, đầu trần chân không, tay mang dao ngắn, cũng hung hăng cùng dân làng đi cướp chính quyền ở huyện lỵ, hân hoan sống những ngày lịch sử hào hùng mà sau nầy kể lại, biết bao bạn bè, nhất là ngoại quốc, thèm thuồng vì mấy ai được trực tiếp dự kiến mà chỉ biết sự kiện qua sách vở, báo chí.
Trán cửa được thờ bên cạnh chùa Ưu Đàm, trong một khuôn viên nhỏ, đủ để vài người vào được gần, không biết được dựng lên từ bao giờ. Bao quanh hai bên bệ thờ là một linga và những mãnh cột hình tròn hay tám cạnh. Trên bệ có một bình đựng hoa, một dĩa đựng hoa quả và một lư hương chứng minh vẫn luôn còn sự thờ cúng. Trán cửa nầy đã được Henri Parmentier kê khai từ đầu thế kỷ 20 (2). Đây là một kiệt tác nghệ thuật và là tác phẩm duy nhất được biết trong nền điêu khắc Champa thể hiện đề tài lễ rước cưới Siva - Parvati về ngọn núi thiêng Kailasa, theo giải thích của nhà khảo cứu Trần Kỳ Phương (5). Hình chữ U lật ngược, rộng hơn 1m, bề cao ngắn hơn chút ít, trán cửa đang còn tốt, không sứt nẻ, chỉ có ít nhiều rêu phong đóng lên nền sơn xanh đã phai màu. Đứng giữa và choáng phần lớn bề mặt trán cửa là con bò thần trắng Nandin tiêu biểu cho quyền lực thế gian và cho sự đẻ con, đặc biệt không đeo vòng kiền của những vật cưỡi vahana như thường thấy. Trên lưng bò thần, ngồi ngay sau bướu, hai chân hai bên, một chân duỗi thẳng, chân kia co lại là thần sáng tạo Siva chỉ có hai tay; ngồi sau hai chân một bên là shakti phu nhân, thần Uma, một tên khác của thần Parvati, nét mặt dịu dàng, có vẻ e thẹn của nàng dâu. Siva mặc một cái áo sampot, đội trên đầu một cái mủ che tóc jatamukuta, mang những khuyên tai khá lớn, ba vòng kiền trên cổ, nhiều vòng trên cánh tay và trên mắt cá, tay trái đặt trên đùi, tay mặt cầm một cái vòng có thể là một tràng hạt. Bên phần Uma thì đội mũ tương tự, mặc áo sarong kép, có hai thắt lưng, cũng đeo những khuyên tai lớn, một vòng kiền trên cổ, nhiều vòng trên cánh tay và mắt cá, tay trái dài duỗi xuống dưới như ở những vũ nữ Trà Kiệu, tay mặt co lên dưới vú. Trong đạo Bà la môn ở Champa, nhánh thờ Siva luôn có ưu thế thì Siva và Uma chiếm phần chính trán cửa là chuyện dễ hiểu, tuy cũng có những di tích như ở Thủy Triệu thì Visnu lại là nhân vật chính (2).
Quanh Siva và Uma còn có bốn nhân vật. Ở trên, bên trái là thần Brahma, vị chủ hôn (5), chỉ thấy ba mặt, đầu đội mủ mukuta, mang khuyên tai, nhiều vòng trên cổ tay và mắt cá, mặc áo sampot có thắt lưng lớn,hai tay chắp trên ngực, ngồi xếp bàn theo tư thế virasana trên một tòa sen có cành dài như trong hình tượng đản sinh Brahma từ rốn Visnu. Cũng ở trên, bên mặt là thần cứu nhân độ thế Visnu đầu đội mủ mukuta, mang khuyên tai, vòng ngọc, thắt lưng lớn, hai tay trước chắp trước ngực, hai tay sau giơ cao lên, tay trái cầm một cái vỏ ốc biển shanka, tay mặt một vật khó xác định trong số chín biểu hiệu của Ngài. Ngài ngồi trên vai thần điểu Garuda, hai cánh dan rộng, hai tay nắm quanh hai chân Ngài. Ở dưới, bên trái, dưới thần Brahma đứng một đạo sư không râu, miệng rộng như cười, đội mủ mukuta, mặc áo sampot, tay trái buông thỏng, tay mặt cầm một cái trượng dài (risi Bhrigu, người hầu cận Siva ?). Cũng ở dưới, bên mặt,dưới thần Visnu là thần chiến tranh Skanda trẻ tuổi, con của Siva, sức mạnh vô song, đầu đội mủ mukuta khác các mủ kia, cũng có mang khuyên tai, vòng ngọc, cưỡi một con công Paravani có mào lông, tay mặt ôm chim, tay trái cầm một lưỡi tầm sét vajra hay vũ khí bumerang. Tất cả các nhân vật quan trọng của đạo Bà la môn nầy được sắp đặt rất cân đối trên trán cửa. Những đặc điểm nghệ thuật như y phục với kiểu thức sampot có vạt hình tam giác, các kiểu đồ trang sức, thủ pháp tạo hình nhân vật,... là những đặc trưng của giai đoạn muộn hay giai đoạn kéo dài trong phong cách Mỹ Sơn E1, khoảng cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ10 (5).Rất có thể trán cửa nầy trang điểm một tháp Chăm trước đây đã được xây ngay tại chỗ chùa Ưu Đàm như chùa Thiên Mụ đã được xây trên nền móng một ngôi chùa cũ và ngôi chùa cũ nầy cũng đã chiếm chỗ một ngôi tháp Chăm. Giả thuyết nầy dựa lên những trán cửa khác nhỏ hơn và bị bẻ gãy cùng những đố dọc cửa tháp hình tròn hay tám cạnh và những mảnh gạch rải rác quanh chùa (2).
Những ai không có phương tiện đi xa, ngay tại Huế cũng xem được một di tích rất đẹp ở viện Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên trong Thành nội. Người ta chưa biết rõ niên đại bệ thờ Văn Trạch Hòa hiện được trưng bày ở đấy. Câu hỏi đã được đặt ra là bệ thờ ấy có dính dáng gì đến văn khắc Nham Biều được xác đựng vào thế kỷ 10 (3) vì bệ thờ đã được tình cờ khám phá năm 1991 ở làng Phong Thu chỉ cách Phong Điền có 28 km, sau đó được chở về Phòng Văn hóa huyện trước khi đưa vào Huế năm 1998. Có một cấu trúc đặc thù, bệ thờ này lại mang một số hình tượng thờ cúng biểu đạt truyền thống balipitha Ấn Độ, nơi dâng cúng thức ăn cho các vị thần dikpala. Bên Ấn Độ, thường những bệ thờ loại này gồm có nhiều tầng và các thần dikpala được sắp vào ở tầng dưới. Bệ Văn Trạch Hòa cũng gồm có hai tầng vuông vắn, các dikpala cũng được sắp ở tầng dưới và ở các góc bệ, ngồi trên hoa sen theo tư thế padmasana, dễ nhận diện qua những biểu hiệu trên mình và vật mình cưỡi vahana. Giữa các bậc, trong những hóc nhỏ được đặt nhiều hình tượng nữ giới không cá biệt loại yaksi hay dvarapalika xen lẫn với những con ngỗng hamsa chống đở thế giới các thần. Ở các góc bệ còn có những tượng người hộ vệ, người cầu kinh.
Quan trọng hơn là hình tượng những con sư tử, dựa vào các vahana, không đối xứng, những con vật thường gặp ở các bệ tháp Chăm như ở Mỹ Sơn hay Tháp Mắm. Dù sao, những nhân vật trên bệ thờ đã được đem so sánh với những hình tượng các tháp Chăm khác, nhờ đó đã được xác nhận và trái lại những hiện vật ở các tháp Chăm khác như ở Mỹ Sơn cũng đã nhờ những nhân vật ở đây để được biết rõ.
Những nhân vật chính phần dưới bệ thờ là tám vị Hộ thế Bát phương thiên astadikpala. Ở mặt đông là thần Sấm sét - Lôi thiên Indra ngồi theo tư thế rajalilasana trên con voi Airavata đang đi, tay mặt cầm kim cương trượng vajra. Đằng sau ngồi đối xứng trên hoa sen hai nhân vật tay chấp trước ngực, một đầu gối gập lên. Ở mặt tây, Thủy thiên Varuna, thần sông biển, tay nắm một cái giây pasha, cũng một đầu gối gập lên, ngồi trên lưng con ngỗng hamsa dan hai cánh như cùng chở cả hai người cầu kinh. Ở mặt nam bệ thờ, cạnh một người cầu kinh là thần Diêm vương Yama, ngồi trên lưng một con trâu, phía trên bị hư nhiều, tay cầm gậy danda các quan tòa. Ở mặt bắc, cách xếp đặt thành hai tầng có phần khác ba mặt kia. Phần trên, ngồi trên hoa sen, giữa hai người cầu kinh, là Thần tài lộc Kuvera, thủ lĩnh bọn quỷ sứ raksasa, cũng có một đầu gối gập lên, tay cầm một cái gì tương tự như một búp sen, đặc biệt không có vahana. Phần dưới, nơi dành cho vahana ở các mặt khác, lại có thêm một Kuvera ngồi trên mặt một con kala dữ tợn giống như ở Đồng Dương, giữa hai nhà tu khổ hạnh risi đang cầu khấn tương tự những người cầu kinh các mặt kia. Ở góc đông-nam, thần Hỏa thiên Agni ngồi trên lưng một con tê ngưu đặc thù của Cham Pa và Campuchia. Ở gốc đông bắc, thần Đại tự tại thiên Isana, một dạng tối cao của Siva, ngồi theo thế rajalilasana trên một con bò, tay cầm một cái đinh ba trisula, cạnh một người cầu kinh. Ở góc tây-nam, chỉ còn một nhân vật quì gối, hai tay giơ lên, có thể là thần La sát thiên Nirriti, chiếm chỗ vahana là một á thần yaksa. Ở góc tây-bắc, thần Phong gió Vayu cũng ngồi trên lưng một con ngựa, thay vì một con linh dương, tay cầm một một cây cờ dhvaja, trước hai người cầu kinh chen nhau trong một không gian tương đối chật hẹp.
Khảo sát phần trên bệ thờ, ở bốn mặt có bốn vị đại thần đạo Hindu ngồi trong bốn hốc tường, xung quanh có hình hoa nội tiếp trong một khung vuông. Ở mặt đông là thần Siva có búi tóc những nhà tu hành khổ hạnh, một tay cầm một cái đinh ba trisula, tay kia một cái đuổi ruồi. Ở mặt tây là một vị thần có vẻ giận dữ , một tay cầm một cái gì giống như một đầu lâu, tay kia một cái trống con, có thể là thần Đại thiên Mahadeva, cũng có thể là một dạng kinh khủng của thần Siva là Rudra hay Bhaivara. Ở mặt nam, thần Brahma dễ nhận diện với bốn đầu nhưng chỉ thấy có ba. Ở mặt bắc, thần Visnu có bốn tay cầm một cái chùy gada, một cái vỏ sò shanka, một trái đất bhami và một cái dĩa cakra. Nhờ những biểu hiệu trên mình hay mang trong tay, nhờ các vật cưỡi vahana, các nhà khảo cứu đã xác định được cá tính ít nhất của ba trong tám các dikpala trên bệ thờ. Tuy nhiên, họ chưa biết được tường tận bản chất và vị trí ít nhất của hai vị thần phía đông và phía tây trong công trình. Khảo sát những hình tượng tương tự ở Java, họ thấy khó gắn liền chúng với một truyền thống nầy hay một truyền thống khác. Một điều chắc chắn là phong cách và vị trí của chúng đã chứng minh rõ ràng ảnh hưởng hàm súc nghệ thuật Java lên nghệ thuật Champa thế kỷ 10 (6). Mặt khác, dựa lên phong cách thể hiện như thân hình mập mạp, mặt người thô nặng, khuôn mặt bầu bĩnh, đôi môi dày, râu mép ngắn, mái tóc xoắn, đôi mắt mở lớn có con ngươi, hàng lông mày rậm nối liền nhau, đằng kia kiểu thức văn hoa xoắn xít, thủ pháp điêu khắc hình khối mạnh mẽ, tả thực,... là những đặc điểm một tác phẩm có niên đại đầu thế kỷ 10, thuộc giai đoạn muộn phong cách Đồng Dương (5).
Như vậy, bệ thờ Văn Trạch Hòa đã góp công vào việc học hỏi những dikpala, trở nên một yếu tố chủ yếu khảo cứu về những thiết bị thờ cúng. Trong cuộc Triển lãm Điêu khắc Champa ở Paris, một góc lớn đã dành cho những dikpala mà ban tổ chức đã chịu khó đi lượm lặt khắp nơi ở Việt Nam để trưng bày vào một chỗ. Thành thử, dù gián tiếp và chỉ trong tinh thần, bệ thờ Văn Trạch Hòa, xuất phát từ Phong Điền, đã hiện diện ở kinh đô ánh sáng, góp phần làm lan tỏa nghệ thuật Chăm và trở thành đề tài khảo cứu cho những thế hệ mới. Cách đây năm năm, tôi và nhà tôi đi khắp miền Nam, từ Quảng Nam đến Bình Thuận, viếng thăm hầu hết những di tích Champa đã được kê khai. Gần đây, theo học ở Paris những lớp dạy về nghệ thuật Chăm do Hội Những người Bạn Viễn Đông AFAO tổ chức, theo dõi cuôc hội thảo "10 năm thành lập hội SACHA" khảo cứu về Champa cổ (14-15.10.2005) ở Viện Bảo tàng Cernuschi, tham dự ngày Văn minh Chăm nhân 100 năm phát hiện và nghiên cứu (07.12.2005) cùng cuôc triển lãm "Điêu khắc Champa" (10.10.2005 - 09.01.2006) tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Á Đông Guimet, vốn nhạy cảm với văn hóa Việt Nam, tôi thấy cần phải tìm hiểu sâu rộng hơn về nghệ thuật Champa. Sinh và sống cả thời tuổi trẻ ở làng Mỹ Cang, huyện Phong Điền, tôi không khi nào để ý đến các di tích Chăm hiếm quý đầy dẫy trong vùng đã và đang được khai quật. May mắn thường hay đến với những ai khích động nó: về thăm quê năm nay, tôi được gặp anh Nguyễn Thế, nhà nghiên cứu văn hóa huyện Phong Điền.
Anh đưa tôi đi xem và giải thích tường tận bệ thờ Văn Trạch Hòa hiện được trưng bày ở Viện Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên ở Huế. Hơn nữa, anh chịu khó đưa tôi về Phong Điền xem bức trán cửa dựng trong sân chùa Ưu Đàm. Tôi tưởng hai di tích này cần được giới thiệu mặc dầu tôi không chuyên khảo cứu về điêu khắc Chăm.
Xô thành mùa xuân 2008
Nghiên cứu Huê 6 2008
Chim Việt Cành Nam 33 2008
Tham khảo:
1- Léopold Cadière, Monuments et souvenirs chams du Quảng Trị et du Thừa Thiên, BEFEO V(1905) 192
2- Henri Parmentier, Inventaire archéologique de l'Indochine. Monuments cams de l'Annam, PEFEO XII (1909) 429; (1918) 517-9
3- Tran Thuy Diem, Le piédestal de Van Trach Hoa. La découverte, Lettre de SACHA10 (2003) 3
4- Jean Baptiste, Le piédestal de Van Trach Hoa. Présentation générale, Lettre de SACHA10 (2003) 4-6; Le piedestal de Van Trach Hoa: un bali-pitha d'un type inédit. Notes sur l'iconographie des dikpala au Champa,Arts Asiatiques58 (2003) 168-76
5- Trần Kỳ Phương, Di tích mỹ thuật Champa ở Thừa Thiên Huế, Nghiên cứu và Phát triển (3) 41 (2003) 51-60
6- Jean Baptiste, Gardiens de l'espace (dikpala) trong La sculpture du Champa, Musée national des Arts asiatiques Guimet, Paris 10.10.2005-09.01.2006, 276-81.
37- NGUYỄN PHÚC KHOÁT, 
VỊ CHÚA NGUYỄN THỨ TÁM(1714-1765) (*)
Nhà Nguyễn có 13 ông chúa trước khi Nguyễn Ánh (1762-1820) lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long (1802-1820) lập nên triều đại nhà Nguyễn (1802-1945). Tuy mỗi vị chúa có công lao đặc biệt của mình, Nguyễn Phúc (hay Phước) Khoát (hay Hoạt) chiếm một địa vị đặc biệt: ông là vị chúa đầu tiên xưng vương ngay trong đời sống của mình vì những ông chúa trước chỉ tự xưng Thái bảo Quận công, rồi sau vài năm được suy tôn Thái phó Quốc công. Sau khi tạ thế, các chúa mới được truy tặng vương hiệu. Thật ra, chúa Nguyễn Phúc Châu (hay Chu) (1675-1725), ông nội Nguyễn Phúc Khoát, đã bắt đầu dùng tước Quốc Chúa từ năm 1693 để khẳng định vai chúa tể của mình trong miền Nam và qua năm 1702, theo lời khuyên của nhà sư Đại Sán, gởi phái bộ qua Trung Quốc xin được phong tước chính thức nhưng việc không thành. Tuy không chính thức đuợc phong vương, Nguyễn Phúc Châu và sau nầy đức chúa kế vị, Nguyễn Phúc Thụ (hay Trú, Chú) (1697-1738), đã xử sự như một vị vương. Sự kiện chính thức xưng vương của Nguyễn Phúc Khoát còn lớn lao hơn vì có ảnh hưởng nhiều lên con cháu, nhất là Nguyễn Ánh, tuy thời trị vì của ông đã bắt đầu cho sự suy vong của sự nghiệp các chúa Nguyễn. Trong những điều kiện nào Nguyễn Phúc Khoát đã lấy quyết định quan trọng này mở đường dẫn đến triều đại nhà Nguyễn sau này?
Khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613) vào làm trấn thủ Thuận Hóa, năm 1558, ông mang tước Đoan Quận công rồi qua năm 1593 được tân phong Đoan Quốc công. Dần dần, nhắm hướng tước vương như Trịnh Tùng ngoài Bắc, lãnh đạo một xứ sở tự trị, ông tự xưng là chúa, bắt đầu cho triều đại các Chúa Nguyễn. Năm 1628, người kế vị, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) đổi tên dinh thành phủ, sử dụng một cách gọi thường dành cho các vị vương. Sau khi ông băng, con trưởng kế vị Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601-1648) dâng ông thụy hiệu Thụy Dương Vương và đến đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ông được truy tôn Hiếu Văn Vương, nhưng lúc còn sinh thời không có khi nào ông tự ý xưng vương. Giữa Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Phúc Khoát có 5 đời chúa mà cũng chẳng có vị nào dám đứng lên làm việc ấy. Thật tình trước Nguyễn Phúc Khoát, chắc các vị chúa miền Nam cũng thừa muốn xưng vương như họ Trịnh nhưng sau nhiều lần đụng độ, cảm thấy tình hình kinh tế, quân đội Đàng Trong chưa đủ sức để chống chỏi Đàng Ngoài nên không dám. Dấu diếm mưu mô tự trị, họ luôn giữ tước chúa là một tước nhỏ hơn vương để khỏi mếch lòng cả Vua Lê lẫn Chúa Trịnh. Ngay Nguyễn Phúc Châu khi thay ấn năm 1708 Tổng trấn tướng quân cũng chỉ khắc Đại Nam Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trân Chi Bảo. Trong thời gian ngưng chiến giữa hai miền 1673-1744, vấn đề xưng vương được cụ thể đặt ra, nhưng rút cuộc cũng chẳng có chúa nào dám thi hành, sợ bị lôi thôi với Đàng Ngoài. Tuy nhiên, người ngoại quốc thường gọi những Chúa Nguyễn là vua xứ Cochinchine (nghĩa là xứ Cochin ở bên Tàu để khỏi lầm với xứ Cochin bên Karala-Ấn Độ) chắc vì ý thức Cochinchine ở miền Nam chỉ là một bộ phận của xứ Tunking (Âu hóa từ Đông Kinh, sau nầy thành ra Tonkin) ngoài Bắc. Nói chung, chuyện xưng vương đã chín muồi, bây giờ chỉ còn đợi cơ hội.
Sinh ngày 18 tháng 8 năm Mậu ngọ (26-9-1714), con Ninh Vương Nguyễn Phúc Thụ và Hoàng hậu Trương Thị Thư (1699-1720), Nguyễn Phúc Khoát là trưởng nam một gia đình 3 hoàng tử, 6 hoàng nữ. Thừa kế ngôi chúa của cha tháng 4 năm Mậu ngọ 1738, vào lúc 24 tuổi, ông trị vì 27 năm (1738-1765). Ông là vị chúa Nguyễn thứ tám kể, đúng 180 năm từ khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa năm 1558. Từ chức Chưởng dinh dinh Tiền Thủy, tước Hiểu Chính hầu, làm phủ đệ ở Cơ tiền dực (làng Dương Xuân), ông được quần thần vâng di mệnh khi vua cha băng hà, tôn làm Tiết chế Thủy bộ Chư dinh kiêm Tổng Nội Ngoại Binh chương Quân quốc Trọng sự Thái báo Hiểu Quận công, hiệu Từ Tế (hay Từ Hàng) đạo nhân. Nhận thấy miền Bắc đang bị họa binh đao luôn mấy năm, nội bộ lủng củng, Nguyễn Phúc Khoát nuôi ý thực hiện mong muốn của những vị chúa trước mình. Năm Giáp tý 1744, sáu năm sau khi ông lên ngôi chúa, tương truyền có cây ưu đàm hay Ưu đàm ba la, cây thiên phiên âm từ Phạn ngữ Udumbara, bên ta còn gọi cây sung, thường không hay ít có hoa, bổng nhiên hoa nở rộ như thời báo hiệu đức Phật ra đời trong kinh điển, ai cũng bảo đó là điềm tốt. Thêm vào đấy, câu sấm Bát thế hoàn trung đô hay Bát đại hoàn trung nguyên như thúc đẩy ông tiến lên trong ý chí thực hiện của mình vì ông chính là vị Chúa Nguyễn thế hệ thứ tám. Nhân năm tý là năm đầu của hoa giáp 60 năm thường được xem là thuận lợi cho mọi cải cách, ví chi tự mình đứng ra chủ trương, ông khéo léo thương lượng với nhân thần Hương Danh hầu Nguyễn Đăng Thanh, trước là thái phó dạy dỗ hoàng tử, kêu gọi triều thần dâng sách xin ông xưng vương. Nguyễn Đăng Thanh là tác giả những cuốn Hiếu tân thi tập, Chuyết trai thi tập, Chuyết trai vịnh sử tập. Bản dịch tờ sách có những câu:
"Bắt đầu một nước duy tân, danh phận đến hồi chính thuận.
Đã ngoài trăm năm tích đức, lễ nhạc đến lúc chấn hưng...
Lấy bảy mươi dặm cõi bờ, còn tự mở nền huyền điểu;
Huống ba nghìn dặm đất nước, há lại dậm vị hoàn khuê"...
Lấy tích xưa bà Giản Địch đi cầu tự, thấy trứng chim huyền điểu tức chim yến, bà nuốt trứng rồi có thai sinh ra ông Tiết là ông tổ nhà Ân-Thương, rồi lại giải thích người chỉ có tước công chứ không phải vị quốc vương mới giữ ngọc hoàn khuê tức là ngọc mệnh khuê chín tấc, triều thần đã tôn vinh cực điểm vị chúa và Nguyễn Phúc Khoát không còn lý do nào nữa để do dự, nhất là biết chắc chắn quân Trịnh không ở tư thế ngăn cản, chống đối. Trong câu sấm, sau hai chữ bát thế hay bát đại hiểu là vị chúa thứ tám, còn có ba chữ hoàn trung đô hay hoàn trung nguyênHoàn có nghĩa là trở về hay trả lại, và trung đô hay trung nguyên là kinh đô nào? Nếu là Đông Đô ngoài Bắc thì quân Nguyễn đâu có đủ sức đánh chiếm, mặc dầu quân Trịnh đang yếu thế, mà bỏ miền Nam ra phò Lê thì hết còn cơ nghiệp các Chúa Nguyễn. Kinh đô cũng có thể hiểu là Đô thành Phú Xuân (Thừa Thiên) - tên mới của Chính Dinh -, nơi hiện Nguyễn Phúc Khoát đang đóng đô sau khi dời dinh từ Bác Vọng (Quảng Điền) vào đây. Cha Johannis Koffler, ngự y trong thời Võ Vương, trong cuốn sách miêu tả lịch sử xứ Cochinchine, có kể một chuyện nên đọc với tất cả dè dặt cần thiết. Một vị đạo sĩ được mời vào chầu và khẳng định: không hơn không ít, chỉ có tám chúa; khi núi vỡ thành thung lũng, của biển bị lấp vùi, con người mới hiện ra, đất nước sẽ đổi chủ và người lạ lại cai trị. Sợ mất cả nước lẫn ngôi, vào lúc tinh hình khó xử, cũng là một giải pháp đúng lý khi ông quyết định xưng vương ngày 12 tháng 4 năm Giáp tý 1744, lấy hiệu Võ Vương. Lễ đăng quang được tổ chức vô cùng trọng thể ở vương phủ và khắp đô thành. Súng thần công bắn rền trời, trên bộ dưới sông giăng đèn kết hoa, cờ xí rực rỡ. Đạo ngự gồm kiệu vua, voi dàn hầu, kỵ binh và đoàn quan lại tùy tùng diễn hành khắp đô thành rồi xuống thuyền rồng đưa thẳng về điện Trường Lạc ở làng Dương Xuân, thượng lưu sông Hương. Lễ đại xá ban hành khắp nước, các cuộc vui chơi kéo dài một tháng.
Bắt đầu từ đây con người cần phải đổi mới, mọi sự cần phải cải cách. Cha Johannis Koffler, trong tập Mô tả lịch sử xứ Cochinchine đã xác định phủ của chúa nằm trong một vườn vuông, xung quanh có tường ba lớp bao bọc. Trong số bảy cửa lớn ra vào, cửa chính đẹp nhất mở ra trước sông, trên có chòi gác. Cạnh cửa, bên trái, thấy có ba khẩu súng đại bác không khi nào dùng hay chỉ nổ khi có một thái tử sinh ra. Quanh điện, 150 khẩu đại bác bằng săt và bằng đồng nhỏ hơn sắp đặt từng đôi giữa hai cột. Sau nầy vua Gia Long dùng những khẩu đại bác sẵn có và những khẩu cướp được từ quân Tây Sơn để đúc những 9 khẩu Thần công còn thấy hiện nay. Theo Đại NamThực lục Tiền biên, ngay ở Phú Xuân, phủ mới được xây lên, nguy nga, tráng lệ với các điện Kim Hoa, Quang Hoa, các gác Dao Trì, Triêu Dương, Quang Thiên, các nhà Tựu Lạc, Chính Quan, Trung Hòa, Di Nhiên, các đình Thụy Vân, Giáng Hương, đài Sướng Xuân, hiên Đồng Hạc, am Nội Viên. Ở thượng lưu sông Hương có phủ Cam, phủ Dương Xuân. Ở trên nữa có phủ Tập Tượng, điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ, mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ mà giải võ, tường bao quanh, cửa bốn bề, chạm khắc vẽ vời, khéo léo cùng cực. Các nhà đều lát nền bằng đá, trên lát ván kiền kiền, những máng xối đều làm bằng kẽm để hứng nước, trong xen cây cối, cây vải, cây mít đều to mấy ôm. Vườn sau thì đá quý, ao vuông hồ quanh, cầu vòng thủy tạ, tường trong tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi và mảnh sứ đắp thành hình rồng, phượng, lân, hổ, cỏ, hoa. Ở thượng lưu và hạ lưu, Chính dinh đều là nhà quan bày hàng như hàng cờ. Những nhà của thủy quân lại ở đối ngạn. Xưởng thuyền và kho thóc thì ở các xã Hà Khê, Thọ Khang trên thượng lưu. Còn nhà vườn của các công hầu quyền quý thì chia bày ở hai bên bờ phía thượng lưu sông Phú Xuân, cũng hai bên bờ sông con bên hữu phủ Cam. Ở thượng lưu, hạ lưu trước Chính dinh thì phố chợ liền nhau, đường cái đi ở giữa, nhà cửa chia khoảng tiếp nhau, đều là mái ngói. Cây to bóng mát, tả hữu thành hàng. Thuyền buôn bán, đò ngang dọc, đi lại như mắc cửi. Thật là một nơi đô hội lớn, văn vật thanh dung lừng lẫy, đời trước chưa từng có. Một thời gian bình yên nên công tư đều dồi dào về vật chất. Nhà bác học Lê Quí Đôn, làm quan thời Lê mạt, trong lời ca ngợi có thoáng ra chút giọng mỉa mai : Quan viên không ai là không có nhà cửa trạm gọt, tường vách gạch đá, the màn trướng đoạn, đồ đạc đồng thau, bàn ghế gỗ đàn gỗ trắc, chén mâm đồ sứ đồ hoa, yên cương vàng bạc, y phục gấm vóc, chiếu đệm mây hoa, phú quý phong lưu đua nhau khoe đẹp... Binh sĩ đều ngồi chiếu mây, dựa quả tựa hoa, ôm lò hương cổ, hãm chè hảo hạng, uống chén sứ bịt bạc và nhổ ống nhổ thau, đĩa bát ăn uống thì không cái gì là không phải hàng Bắc, một bửa cơm ba bát lớn. Đàn bà con gái thì mặc áo the là và hàng hoa, thêu hoa ở cổ tròn. Coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, xa xỉ rất mực... Cuộc sống xa hoa càng ngày càng xâm chiếm đầu óc ông chúa Võ Vương, một trong những nguyên cớ dẫn đến khánh kiệt, suy vi.
Một trong những việc được Võ Vương thi hành đầu tiên là cải cách hành chánh. Ông cho đúc Quốc vương chi ấn. Tam ty đổi thành lục bộ: Ký lục ra Lại bộ, Đô Trí ra Hình bộ, Nha Úy hay Vệ Úy ra Lễ bộ, thêm vào Cai bộ phó đoán sự ra Hộ bộ, cộng thêm hai bộ mới được thiết lập: Binh bộ và Công bộ. Những người cầm đầu các ty cũ: Xá sai ty, Lệnh sựty, Cai bộ, nay được gọi Thượng thư, những Văn chức gọi Hàn lâm, Thân quân gọi Ngự lâm, nhà thờ cổ tiên gọi từ đường, nhà chúa ở phủ gọi điện, cách xưng thân với vua đổi thành tâu. Con trưởng của chúa được gọi đại công tử, những con khác thì công tử theo sau thứ bậc. Con cái gặp nạn hữu sinh vô dưỡng nên trai đổi thành gái, lệ gọi các hoàng tử, con trai tôn thất là mụ hay mệ kể từ đó. Tuy nhiên, Võ Vương vẫn còn dùng những chữ thị phólệnh truyền, thay vì chữ sắc tứ là chữ vua dùng, cũng không sách lập phi và thế tử như các bậc đế vương. Phàm văn thư vẫn dùng niên hiệu vua Lê nhưng đối với các thuộc quốc thì xưng là Thiên vương. Để đánh dấu phẩm giá vương triều, Võ Vương phong chức cho mới cho vài thần dân: Nguyễn Đăng Thịnh trông coi hai Lễ bộ và Lại bộ, còn Hộ bộ và Binh bộ thì giao trước cho Lê Quang Đại sau được Trần Đình Hy thay thế. Để tăng cường hiệu lực chính quyền, ông khuyên bảo Tuần vũ Nguyễn Cư Trinh: thuộc lại gian tham ngươi phải xét trị, hào hữu lấn cướp ngươi phải ức chế; hộ khẩu không đông, ngươi phải làm cho phồn thịnh; nhân dân không kính thuận, người phải bắt vào khuôn phép; mọi tình trạng của quân, nỗi khổ của dân, cho ngươi tùy nghi kàm việc, chỉ cầu xong việc, chớ ngại nhọc nhằn. Võ Vương đã tỏ ra là một vị chúa sành sõi về phép tắc cai trị.
Võ Vương thiết lập tại miền Nam 12 dinh:
Chính dinh tại đô thành Phú Xuân,
Cựu dinh tại gần sông Ái Tử (Quảng Trị),
Quảng Bình dinh tại làng Yên Trạch thuộc huyện Lệ Thủy sau này,
Lưu Đồn dinh làng Võ Xá thuộc tỉnh Quảng Ninh sau nầy,
Bố Chánh dinh tại Thổ Ngõa thuộc phủ Quảng Trạch sau này,
Quảng Nam dinh tại tỉnh Quảng Nam,
Phú Yên dinh tại tỉnh Phú Yên,
Bình Khang dinh tại Bình Khang,
Yên Khánh thuộc tỉnh Ninh Thuận sau nầy,
Bình Thuận dinh tại tỉnh Bình Thuận,
Trấn Biên dinh tại Phước Long,
Phiên trấn dinh tại Tân Binh,
Long Hồ Dinh tại Định Viễn.
Chúa không quên phong vương cho các vị tiền bối:
Tĩnh Vương (Nguyễn Kim),
Gia Dũ Đại Vương (Nguyễn Hoàng),
Hiếu Văn Vương (Phúc Nguyên),
Hiếu Chiêu Vương (Phúc Lan),
Hiêu Triết Vương (Phúc Tần),
Hiếu Nghĩa Vương (Phúc Trân),
Hiếu Minh Vương (Phúc Châu),
Hiếu Ninh Vương (Phúc Thụ).
Nay biên phương yên dẹp, trong ngoài hợp đồng với nhau, Võ Vương muốn chính trị và phong tục cũng phải thống nhất. Đến nay, theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí: Duy có người Việt ta noi theo tục cũ Giao chỉ: người quan chức thì đội khăn cao sơn, mặc áo phi phong, mang giày bì đà, hạng sĩ thứ thì bới tóc, đi chân trần, con trai con gái đều mặc áo vắn tay bâu thẳng, may kín hai nách, không có quần, con trai dùng một miếng vải buộc từ sau lưng thẳng đến dưới háng quanh lên đến rún, gọi là cái khố, con gái có người không mặc váy, đội nón lớn, hút điếu binh, ở nhà thấp, trải chiếu ngồi dưới đất, không có bàn ghế. Lê Quí Đôn ghi trong Phủ Biên tạp Lục ghi những cải cách: Theo những kiểu mão áo trong quyển Tam tài đổ hội, ông truyền lệnh Võ ban từ chức chưởng dinh đến chức cai đội, Văn ban từ chức quản bộ đến chức chiêm hậu, chức huấn đạo đều phải y theo màu sắc và hình dáng được vẽ trong cuốn sách mà chế áo mão. Trong dân gian, người nào còn bận thường phục mà vẫn theo kiểu áo quần người Tàu thì phải thay đổi theo thể chế quốc tục. Còn cách cải chế thì phải y theo thể chế nước nhà mà làm. Từ nay y phục phải đổi theo quốc tục thì áo quần nên may bằng vải lụa thông thường, chỉ những quan chức mới được dùng pha những hàng sa la trừu đoạn mà thôi. Còn những hàng gấm vóc cùng những hàng màu có thêu rồng vẽ phượng thì nhất luật không được quen thói tiếm dụng mặc thường như trước nữa. Đàn ông và đàn bà chỉ được mặc thứ áo ngắn tay và cổ đứng, còn cửa ống tay áo rộng hay hẹp thì được tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống cần phải khâu liền vào cho kín, không được để hở hang. Duy đàn ông muốn mặc thứ áo cổ tròn và cửa ống tay hẹp để làm việc cho thuận tiện thì cũng được phép. Còn áo làm lễ thì phải dùng thứ áo cổ đứng và dài ống tay, hoặc dùng thứ vải màu xanh hay màu đen hoặc màu trắng thì tùy tiện... Cách thức ăn mặc mới làm phiền lòng không ít người. Nhân dân Thuận hóa đã thừa hưởng một cuộc sống thanh bình từ lâu đời, công chức tư nhân thường dùng những hàng hoa màu lòe loẹt để may áo quần, ăn mặc xa xỉ lâu ngày thành thói quen.
Trong hàng quan viên thì quần áo may bằng hàng gấm vóc. Những người sắc mục ở trong dân gian cũng bắt chước mặc các các thứ hàng sa đoạn, cùng áo sa lương, áo địa làm áo mặc thường, mặc áo quần vải trắng thì lấy làm xấu hổ, thẹn thùng.
Cụ thể, chiếc áo phụ nữ Việt ra đời mà ngày nay tà áo dài được biết quốc tế biết đến, được khách du lịch chạy theo. Phiền phức là cho các cô gái quê quen mặc váy, từ nay phải đổi qua mặc quần, một chủ trương sau nầy được vua Minh Mệnh tiếp tục, nên dân gian có bài ca hài ước căm uất việc tập quán bị xúc phạm:
Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy đàn bà phải tuân.
Đi chợ mượn đỡ cái quần,
Chồng đành mặc váy che thân ngồi nhà.
Bổng nghe mõ gọi đàng xa,
Vội vàng đóng khố chạy ra ngoài đình.
Trong việc buôn bán, tiếp tục những tiền đồng thời Nguyễn Phúc Châu, vì đồng ngày càng hiếm, theo lời đề nghị của một người Tàu, Võ Vương quyết định năm 1746 cho mua ở Hòa Lan một hỗn hợp đồng-kền-kẽm gọi là bạch diên (toutenague) để đúc tiền Thái bình thông báo dày và cứng, dễ đốt chảy nhưng khó gãy. Từ 1746 đến 1748, lò đúc tiền mới thiết lập ở Lưỡng Quán đúc được 72.396 quan nhưng ngay sau đó lệnh bắt buộc phải dùng tiền mới gặp ít nhiều khó khăn vì nhân dân quen dùng tiền đồng. Tiền bạch diên là một sáng kiến đem lại nhiều tiện lợi lúc ban đầu nhưng cũng có hậu quả tai hại khi được tung ra thị trường nhiều bạc giả, loại Thiên minh thông báo, đúc trong gần một trăm cái lò tư và công nhân: giá cả leo thang, đồng thời đồng tiền phá giá. Một nhà buôn người Pháp, Pierre Poivre, thành công ép Võ Vương cho phép lưu thông tiền ngoại quốc có mang dấu Thông dụng trị giá 1 quan 2 hay 3 tiền nhưng lại ít được thông dụng trong quần chúng. Tuy là nhà buôn, Pierre Poivre sinh trưởng tại Lyon năm 1719, là một nhà triết học, thông thạo kinh tế và vạn vật học, đến Hội An tháng 7 năm 1749 và ở lại đến tháng 2 năm 1950. Trong thời gian ở trên đât Việt, ông không ngớt đi lại giữa Hội An và Huế: ở Hội An, ông lo việc buôn bán, mở hảng buôn ngay trước cả đề nghị của vị chúa, đào tạo những người giúp việc; ở Huế ông có dịp hội kiến nhiều lần với Võ Vương, theo ông lúc nào cũng niềm nỡ, thành công được cấp giấy phép cho buôn bán trên toàn lãnh thổ khỏi phải trả thuế, chỉ phải đóng 4000 quan mỗi khi có một chiếc tàu cập bến, một đặc quyền mà sau nầy chỉ có người Hòa Lan xin được. Vấn đề tài chánh nói chung, tuy rất quan trọng, chỉ được bắt đầu kiểm soát chặt chẽ dưới thời Võ Vương. Năm 1741 ông phái những thanh tra về các huyện kiểm soát thuế má từ 1738 đến 1740, trong mọi gia đình kể cả những chính hộ và khách hộ và buộc phải trả những tiền thuế còn thiếu. Năm 1753, viên hoạn quan Mai Văn Hoan được bổ nhiệm kiểm tra việc thu hồi thuế má và chi tiêu từ 1746 đến 1752 và bắt đầu từ 1753, cuộc kiểm soát phải thực hiện hằng năm: sổ ghi chép kết quả phải được trình bày mỗi năm vào ngày mồng 3 tháng giêng. Trong bảy năm kiểm tra, thuế thu nhập 576 hôt 8 lạng 4 đồng 7 ly vàng, 997 hôt 8 lạng bạc giáp ngân (hảo hạng), 1.427 hôt 6 lạng 5 đồng dung ngân (đủ cở), 21.150 đồng kê ngân (ngoại quốc), chứng minh là riêng số vàng bạc thu nhập thời Chúa Nguyễn đã rất là quan trọng ngoài tiến mặt, ngũ cốc,...
Số lớn thu nhập nầy một phần được dùng để trả lương cho quân đội, mua sắm khí giới, xây dựng công sự bảo vệ, một phần để trang trải chi tiêu của triều đình, các cơ quan hành chánh, các trường học. Pierre Poivre ghi trong ức ký là Võ Vương có khả năng huy động một đội ngũ 6 vạn quân. Bên cạnh những trường tư thục học quan, nhưng trường công lập nho học gồm có nhiều cấp mà hiệu trưởng là những vị huấn đạo xuất thân ất hạng các cuộc thi cử. Một số lớn con cái quân binh được phép vào học các trường nầy. Có những sĩ tử không màng danh lợi, không muốn ra làm quan, hay thất vọng không được đánh giá đúng mức, về làng mở những học quan. Võ Vương rất mến phục nhà nho Nguyễn Đăng Đàn và mời ra nhận một chức quan, ông từ chối, vào rừng Thanh Sơn mở lớp dạy, đào tạo được một lớp sỉ phu đáng kể. Mặc dầu Phật giáo đang còn được trọng dụng, Khổng giáo thấy như chiếm một địa vị ưu tiên. Năm 1755, khi triều đình Xiêm La trách móc các cơ quan nhà Nguyễn đánh thuế quá cao những thuyền bè qua lại, Võ Vương ra lệnh cho Nguyễn Quang Tiến trả lời là đã từng học hỏi Khổng Tử, Mạnh Tử, làm sao chúng tôi không biết cách xử sự coi trọng đức hạnh hơn lợi nhuận để có sự hòa hảo với các nước láng giềng!
Vị quan này về sau bị giáng chức vì can gián Võ Vương đừng dùng tước An Nam Quốc Vương trong thư từ với Trung Quốc khi nhà Lê dù sao đang còn trị vì. Theo Pierre Poivre, vua quan triều thần hiểu biết đạo Khổng không phải để cúng bái mà để áp dụng tinh thần và đạo đức vào quản lý của nhà nước, vào chiều hướng chính trị, vào thái độ của vị chúa. Đạt đến một mức văn hóa khá cao như vậy mà về sau, đồng thời với cuộc sống xa xỉ, Võ Vương chỉ chú còn trọng về các chiến công, quên bỏ kinh sử, không tổ chức thi cử, tuyển chọn người tài để xây dựng đất nước. Khổng giáo mất dần chỗ đứng trên lãnh thổ của Võ Vương, nhường chỗ cho Phật giáo một thời huy hoàng dưới triều Nguyễn Phúc Châu.
Vế sách lược ngoại giao, Võ Vương áp dụng khôn khéo, mềm dẻo, ít nhất cũng lúc ban đầu mới lên ngôi vương. Đối với Đàng Ngoài, ông luôn chu đáo đáp lễ, không theo phe nào trong cuộc tranh chấp giữa vua Lê và chúa Trịnh, không dấy binh khi Lê Duy Mật kêu cứu diệt Trịnh phò Lê năm 1760. Ông cống nạp điều đặn Thanh triều để được yên ổn. Năm 1747, một người Tàu tên Lý Văn Quang mưu giết cai bạ Nguyễn Cư Cẩn và xưng vương ở Đông Phố (Gia Định), bị bắt cùng thủ hạ. Võ Vương tha giết và chỉ giao trả về Trung Quốc năm 1756 cùng với viên sĩ quan Lý Huệ Địch tỉnh Triết Giang bi đắm tàu trôi giạt vào bờ, gây tình giao hảo giữa hai nước. Theo đà các vị chúa trước, Võ Vương không quên nhiệm vụ mở rộng bờ cõi. Vào thời ông, ở nước Chân Lạp có hai phe: Nặc Nguyên, Nặc Thâm thiên Xiêm, Nặc Tha, Nặc Nộn, Nặc Yêm thân Việt. Năm 1748, Nặc Nguyên dẫn quân Xiêm La về đánh Nặc Tha để chiếm quyền. Võ Vương lần lượt sai Nguyễn Cư Trinh và Trương Phước Du đánh đuổi, Mặc Nguyên chạy trốn về Hà Tiên nương tựa Mặc Thiên Tứ. Nhờ vị nầy làm trung gian, Mặc Nguyên xin dâng hai phủ Tầm Bôn (Tân An), Xuy Lạp (Gò Công) và chịu nạp lễ cống ba năm để chuộc tội. Năm 1757, người chú họ Nặc Nhuận lên thế Nặc Nguyên vừa mất, lại phải dâng hiến hai phủ Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) và Ba Thắc (Sóc Trăng, Bạc Liêu) để được công nhận làm vua. Nặc Nhuận bị người rể ám sát, con là Nặc Tôn lại chạy sang trốn ở Hà Tiên. Đến lượt ông nầy dâng hiến vùng đất Tầm Phong Long (từ Thất Sơn đến Sa Đéc) để được bảo vệ. Võ Vương cho dời dinh Long Hồ đến Tầm Bảo (tỉnh lỵ Vĩnh Long) rồi cho thiết lập những đạo Sa Đéc, Tân Châu ở Tiền Giang. Bên phần Mạc Thiên Tứ cũng cống hiến vùng Gia Khê (Rạch Giá) làm thành đạo Kiên Giang, vùng Cà Mau làm thành đạo Long Xuyên, tất cả thuộc Hà Tiên. Như vậy, từ 1757, tất cả địa phận vừa được thôn tính này thuộc vào giang sơn các Chúa Nguyễn và, với Gia Định đã được Chúa Ninh Nguyễn Phúc Thụ chiếm được từ trước, lập thành miền Nam nước Việt. Đất Chân Lạp luôn được Xiêm La dòm ngó nhưng Võ Vương khéo thu xếp để không bị thiệt thòi.
Về mặt tín ngưỡng, Võ Vương phải đương đầu với những tín đồ Công giáo. Khi ông lên làm chúa, những giáo sĩ đã có mặt ở Đàng Trong hơn một thế kỷ. Tuy Cha Alexandre de Rhodes đã có viết công việc truyền giáo của họ không gặp chút gì cản trở, nhưng không sao tránh được những vụ bị truy hại (ông phải chạy trốn ra khỏi nước năm 1645). Mặc dầu có Cha Antoine de Arnédo làm giáo sư toán học, Quốc Chúa Nguyễn Phúc Châu hâm mộ đạo Phật và năm 1699 khởi động phong trào chống Thiên chúa giáo. Năm 1704, thấy có bất tiện của việc cấm đạo Thiên chúa trong giao hảo buôn bán với Tây phương, ông lại cho phép truyền đạo như trước. Nhưng những cuộc xung đột thương mãi, đời sống đáng trách của vài giáo sĩ (cha Johannis Koffler sống trong một ngôi nhà trang hoàng lịch sự, ăn uống sang trọng, có đến 30-40 người đầy tớ,... năm 1753 bị giam tù và hai năm sau bị trục xuất) tất nhiên làm dân chúng bất bình. Võ Vương thừa hưởng tình thế nầy khi lên ngôi chúa. Khiếp sợ trước sự bành trướng của Công giáo, ngay cả trong gia đình của chúa, năm 1740, nhiều viên quan trình đơn xin chúa xét lại cuộc bang giao. Võ Vương triệu tập một cuộc họp các Tứ trụ Triều đình trong ấy có hai người cậu của ông là Nội tả Trương Phúc Thông và Ngoai tả Trương Phúc Loan. Để trả lời những lý do thiên tai có hại, Trương Phúc Thông nhân danh thượng thư đầu triều đưng lên bệnh vực các giáo dân : nếu các tu sĩ Phật giáo lo sợ bảo cửa biển bị lấp, đấy là vì thủy triều lên xuống, bảo núi đồi sập đổ đấy là vì ngoài trời có gió, trong đất có nước ngầm,... toàn là những hiện tượng thiên nhiên, chẳng cần phải bận tâm. Tuy vậy, Võ Vương không mấy tin và năm 1750 ra chiếu chỉ cấm truyền đạo và trục xuất các giáo sĩ Công giáo, trừ cha Johannis Koffler đang còn là ngự y. Sau này, Trương Phúc Loan, xích mích với Pierre Poivre trong một cuộc buôn bán bạch diên, không theo anh cả, chống lại Công giáo.
Khi các cận thần bảo nguy biến Công giáo có ngay trong gia đình vị chúa là họ nghĩ đến ái phi của chúa Võ Vương. Công chúa Chiêu Nghi Liệt Phu Nhân (1716-1750) húy Trần Thị Xạ, là người làng Trung Quán, huyện Khang Lộc, tỉnh Quảng Bình, một vùng có họ đạo từ lâu. Con quan Khám lý Năng tài hầu, có tên thánh Xavier, và Bà Tham, hai người đã cúng nhiều tiến của để xây nhà thờ, công chúa vào hầu nơi tiềm đế lúc 20 tuổi. Bà là người hiền thục, thận trọng lời ăn tiếng nói, hành động có phép tắc. Nhờ dung hạnh, biết chiều chuộng nên bà được sủng ái. Trong cung cấm, bà thường được gọi là mệ hòm có trách nhiệm giữ gìn của cải, đồ vật quí giá. Những lúc rảnh rang bà thường đến vườn Chi Viên dâng hương lễ Phật. Pháp danh Hải Pháp của bà nêu lên câu hỏi bà có phải là người theo Thiên chúa giáo không?
Trong lúc bà mắc bệnh, khi vào cung, Cha Johannis Koffler tự hỏi được mời với tư cách bác sĩ hay tu sĩ. Ông không có khi nào khẳng định đức tin của ái phi tuy vị chúa hứa với ông xây lại các nhà thờ đã phá trước đây nếu công chúa lành bệnh. Sau nầy, Võ Vương gởi gắm đứa con trưởng của bà, Nguyễn Phúc Kính, cho một ông cai bộ người công giáo và cho dời nhà thờ của Cha Johannis Koffler lên trên mộ của công chúa, một cái lăng triều Nguyễn cổ lớn nhất đất Thuận hóa và may mắn không bị quân Tây Sơn khai quật. Bà mất lúc mới 35 tuổi xuân xanh, chúa rất thương xót, phong cho Từ Mẫn Chiêu Nghi. Trái với bia các bà thấy trong Liệt truyện, thường chỉ có tên họ chức tước con cái, bia của công chúa Chiêu Nghi trình bày dài dòng và rất văn chương đời sống của bà, nhấn mạnh nhiều lên những nét duyên dáng, những đức hạnh của bà và nhất là tình yêu của vị chúa dành cho ái phi.
Trong số các hậu, phi của Võ Vương còn có hai bà được lưu truyền tên tuổi. Bà thứ nhất là Hiếu Vũ Hoàng hậu húy Trương Thị Dung (1712-1736) mất lúc 24 tuổi, mẹ của Nguyễn Phúc Côn (1733-1765) và là bà nội vua Gia Long sau nầy. Bà thứ nhì là Nguyễn Phúc Ngọc Cầu (1734-1804) được truy tặng là Huệ (hay Tuệ) Tĩnh Thánh mẫu Nguyên sư, đạo hiệu Thiệu Long giáo chủ, vì năm 1774 bà lập ngôi chùa Phước Thành ở An Cựu (Huế) để tu. Con của Thái bảo Dận Quận công Nguyễn Phúc Điền (1700-1739), bà là cháu nội Quốc Chúa Nguyễn Phúc Châu, tức là em đồng đường với Võ Vương. Vậy mà Trương Phúc Long mưu mô cho bà gặp gỡ Võ Vương, gây lên một cuộc tình loạn luân mà hậu quả một đứa con thứ nhì của bà, Nguyễn Phúc Thuần (1754-1777), được nuôi dưỡng kín đáo trong hậu cung, nhưng không có quyền nối ngôi, sau nầy là vị chúa Định Vương cuối cùng thời đại các Chúa Nguyễn. Mê muội trong một mối tình tội lỗi, say mê tửu sắc, Võ Vương không thiết tha việc nước nữa, xa rời nhiệm vụ đế vương, mặc cho Trương Phúc Loan chuyên quyền củng cố địa vị, đồng thời vơ vét làm giàu. Lúc sinh thời, Võ Vương chọn Nguyễn Phúc Hiệu, hoàng tử thứ 9 của chúa, khôn ngoan sáng suốt và quả quyết, để nối ngôi, nhưng rủi hoàng tử nầy mất năm 1760. Ba năm sau đến lượt Nguyễn Phúc Chương, hoàng tử thứ nhất, cũng qua đời, Võ Vương liền nghĩ đến Nguyễn Phúc Côn, hoàng tử thứ nhì, chỉ định hai nhân thần YÙ Đức hầu Trương Văn Hạnh và Thị giảng Lê Cao Kỷ làm thầy giảng dạy. Nhưng khi Võ Vương băng hà năm 1765, hưởng thọ 51 tuổi, để lại 18 hoàng tử, 12 hoàng nữ, Trương Phúc Long, bây giờ là Quốc phó Ngoại tả Đạt Quận công, thông đồng với Thái giám Chữ Đức hầu và Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thông bắt giam bỏ ngục Nguyễn Phúc Côn (sau đó lâm bệnh được đưa về nhà riêng thì mất), giết hại hai thầy dạy rồi thay đổi di chiếu đưa Nguyễn Phước Thuần, hoàng tử thứ 16, con bà Nguyễn Phúc Ngọc Cầu, mới 12 tuổi lên nối ngôi lấy hiệu Định Vương. Trương Phúc Long từ đây mặc sức lộng hành, buôn quan bán tước, sưu cao thuế nặng, lòng người oán hận, cho con trai mình cưới các hoàng nữ con Võ Vương, đưa các em bà Nguyễn Phúc Ngọc Cầu chỉ biết cờ bạc tửu sắc lên làm quan to chức trọng trong guồng máy Phú Xuân...
Trước một quyền chính Định Vương suy sụp, năm 1771 quân Xiêm La đánh chiếm Hà Tiên, năm 1773 Tây Sơn khởi nghĩa ở Qui Nhơn, phất cờ Phù Nguyễn Diệt Trương, năm 1775 quân Trịnh vào chiếm đóng Phú Xuân, bắt Trương Phúc Loan giải về Thăng Long. Định Vương Nguyễn Phúc Thuần phong hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương, cháu nội của Võ Vương, Tân Chính Vương để ở lại Quảng Nam còn mình thì làm Thái Thượng Hoàng đem công tử Nguyễn Phúc Ánh, con thứ ba của Nguyễn Phúc Côn, vào lánh nạn trong Gia Định. Năm 1777, Tân Chính Vương và Định Vương bị Tây Sơn giết cùng một số cận thần, chấm dứt thời đại các Chúa Nguyễn 219 năm (1558-1777) trong Nam. Chỉ có một mình Nguyễn Phúc Ánh sống sót can đảm kiên chí mưu đồ xây dựng triều đại các Vua Nguyễn trên toàn lãnh thổ Việt Nam dài 193 năm (1802-1945). Là Chúa Nguyễn thứ tám, thuộc đời thứ chín, của họ Nguyễn Phúc, Võ Vương đã khai sáng ra hệ IX gồm có 7 phòng: một hậu duệ của ông trong phòng 10 - thuộc dòng Cai cơ Nguyễn Phúc An (hay Yên), thái tử thứ mười - rất có tiếng sau nầy là giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982), tác giả thời còn sinh viên Trường Thuốc Hà Nội một bài thơ tình kín đáo thân tặng một nữ sinh người đẹp đất Thần Kinh, tuy là người kinh doanh sau nầy dành cuối đời sống với thơ văn, giữ giới, tụng kinh, niệm Phật. Là thân sinh của phó giáo sư Tôn Thất Bách, giáo sư Tôn Thất Tùng đã lập thành với con đôi tùng bách một lòng kiên trinh, xứng là con cháu của vị chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.
Xô thành mùa xuân 2008
Huế Xưa và Nay 88 2008
(*) Nội dung buổi thuyết trình ở Trường Cao học Thực hành EPHE Paris hôm 13.03.2008
Tham khảo:
- Léopold Cadière,Le changement de costume sous Vo-Vuong, ou une crise religieuse à Hué au XVIII siècle, BAVH (1915-4) 417-424
- Paul Cadière, Quelques figures de la Cour de Vo-Vuong, BAVH (1918-10) 253-424
- Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục (1776), Lê Xuân Giáo dịch, Tủ sách cổ văn (1972)
- Yang Baoyun, Contribution à l'histoire de la principauté des Nguyên au Vietnam méridional (1600-1775), Etudes Orientales, Ed. Olizane, Genève (1992), dẫn
. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (1844) EFEO
Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, (1852) EFEO
. Pierre Poivre, Description de le Cochinchine, REO III
. Johannis Koffler, Description historique de le Cochinchine, publ. V. Barbier, RI; Lettres édifiantes et curieuses, Paris (1780-1783)
- Ban soạn thảo, Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Huế (1995)
- Nguyễn Đắc Xuân, Chín đời chúa mười ba đời vua Nguyễn, nxb Thuận Hóa, Huế (1996)
- Nguyễn Đắc Xuân, Chuyện các bà trong cung Nguyễn, nxb Thuận Hóa, Huế (1996-97)
- Tôn Thất Bình, Chín chúa mười ba vua triều Nguyễn, nxb Đà Nẵng (1997)
38- THANH KIẾM THÁI A CỦA VUA GIA LONG
Khách du lịch ghé qua Paris không thể không lại viếng Điện Quốc gia Phế binh (Hôtel National des Invalides) có tiếng nhiều nhờ đã chứa mồ của Vua Napoléon. Nhưng chớ nên quên trong tòa nầy còn có Viện Bảo tàng Quân đội (Musée de l'Armée) là một trong những viện lớn nhất thế giới về mỹ thuật, kỹ thuật và lịch sử quân sự. Đặc biệt Phòng Đông Phương, Cận Đông và Viễn Đông từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 (Salle Orient, Proche Orient et Extrême-Orient du 15ème au 19ème siècle) trưng bày nhiều khí giới Ba Tư, Ấn Độ, Tích Lan,...những thanh gươm Trung Quốc, Nhật Bản... bao quanh một thanh bảo kiếm được ghi là của vua Gia Long.
Tôi không phải là người độc nhất tò mò đi tìm xem thanh gươm nầy. Nhưng tôi lại đã xin được ông Quản đốc Viện Bảo tàng mở tủ cho tôi chụp hình. Không biết bao giờ mới có dịp may như thế nầy, tôi đã chụp ngang, chụp dọc, chụp trên, chụp dưới,... Thanh kiếm gồm có hai phần : một lưỡi dài khoảng một thước và một cán ngắn bằng một phần năm lưỡi. Đầu cán là một đầu rồng, có thể đầu một con giao hay một con cù không sừng, bằng vàng chạm trổ. Có người Pháp cho nó giống một đầu con chó (Note E) (4). Cổ rồng nối liền đầu rồng và đốc kiếm (garde) làm thành đốc gươm (fusée) là một dãy bảy vòng ngọc thạch giống bảy đốt tre dính liền với nhau qua những đường gân bằng vàng với đằng cuối một vòng mạ vàng nằm giữa bốn chuỗi san hô xanh đỏ. Miệng rồng nhả ra một băng mạ vàng cũng mang phía ngoài bốn chuỗi san hô xanh đỏ uống quanh về đốc kiếm làm thành cánh đốc kiếm (quillon). Ở đằng cuối, cánh đốc kiếm nầy mở rộng ra quanh lưỡi kiếm, có chạm trổ những hình lá và nạm những hột kim cương. Lưỡi kiếm hình hơi cong là một thanh thép sáng ngời, khắc ở phần trên một mặt trời nằm giữa mấy cuộn mây và tên gươm bằng ba chữ Hán: Thái A Kiếm. Tên nầy không phải ngẫu nhiên mà có.
Trong hai cuốn Từ điển Từ ngữ Điển cố Văn học và Từ ngữ Văn Nôm (1) có sự tích này: "Lúc nhà Tần chưa diệt được Ngô, Trương Hoa xem thiên văn thường thấy giữa sao Đẩu và sao Ngưu có luồng khí máu đỏ tía, các đao thuật đều nói đó là điềm báo nước Ngô đang buổi cường thịnh, chưa đánh được. Riêng Trương Hoa cho lời nói đó không đúng. Đến khi đánh lấy được Ngô rồi, luồng khí lại mạnh và sáng hơn. Trương Hoa mới đem chuyện hỏi Lôi Hoán, người giỏi về thiên văn thuật số. Lôi Hoán cùng Trương Hoa lên lầu cao quan sát một hồi lâu. Lôi Hoán nói: "Chỉ giữa sao Đẩu và sao Ngưu là có luồng khí lạ đó. Ấy là cái tinh của bảo kiếm ở Phong Thành xông lên tận trời đấy". Trương Hoa nói: "Quả vậy, nay tôi muốn phiền anh ra làm quan lệnh ở đất ấy rồi ra công tìm gươm báu cho". Lôi Hoán nhận lời. Ông đến Phong Thành, cho đào nền nhà ngục, thì tìm ra được một cái hòm đá nằm sâu dưới lòng đất hơn bốn trượng. Khi sáng lóe ra, bên trong có hai thanh gươm, một thanh có khắc chữ "Long Tuyền", và một thanh khác chữ "Thái A". Đêm hôm đó không thấy luồng khí lạ ở giữa sao Đẩu và sao Ngưu nữa".
Kinh luân đã tỏ tài cao,
Thớ co rễ quánh thủ dao Long Tuyền.
Nguyên quán hai thanh kiếm trống Long Tuyền và mái Thái A nầy trong Tể tướng kiếm, trước mang tên Can Tương và Mạc Da trong Nguyên nhân kiếm được giải thích trong cuốn Thành ngữ Điển tích Từ điển (2). "Ngô Hạp Lư đời Đông Châu giết anh lên ngôi, khiến Can Tương là một tên thợ rèn gươm có tiếng, rèn riêng cho mình một lưỡi gươm. Can Trương tìm sắt tốt vàng ròng, rồi lựa ba trăm con gái còn tơ đốt than nung lò ba tháng mà vàng không chảy. Vợ Can Tương là nàng Mạc Da nói, rèn cái gì mà không hóa thì cần phải có người để cúng mới nên. Mạc Da mới tắm gội sạch sẽ, cắt tóc nhổ răng, khiến người quạt lửa cho đỏ rối gieo mình vào lò than. Vàng sắt đều chảy. Can Tương lấy đó rèn hai lưỡi gươm, một lưỡi thuộc dương đặt tên là Can Tương, một lưỡi thuộc âm đặt tên là Mạc Da. Rồi can Tương đem lưỡi Mạc da dưng cho Hạp Lư , còn lưỡi Can Tương thì dấu để lại cho mình. Hạp Lư biết được giận lắm, sai người qua đoạt. Can Tương lấy gươm liệng lên hóa rồng cỡi đi mất". Sáu trăm năm sau, tới triều Tấn, tiếp theo là câu chuyện Lôi Hoán, Trương Hoa đã thấy ở trên. Thì ra Thái A Kiếm là lấy từ sự tích bên Tàu.
Bây giờ Thục chúa tỉnh ra,
Dứt tình phó lưỡi Thái A cho nàng.

Trong một bức thư viết cho ông Carnot năm 1922 để trả lời một câu hỏi của ông André Salles, Thanh tra Thuộc địa, ông Đại tá Payard, Phó Giám đốc Điện Quốc gia Phế binh tả lưỡi kiếm chỉ có một rảnh khoét (gorge d'évidement) (Note E) (4), thành thử có tác giả, trong một thiên khảo cứu tìm tòi (3), xác định thanh kiếm nầy là một sản phẩm Âu châu, chỉ có gắn vào một đốc kiếm Á châu thưc hiện tại chỗ. Tuy nhiên, ở Viện Bảo tàng Quân đội Paris, bảo kiếm nầy được trình bày là thanh gươm của vua Gia Long. Thật hay không, cần phải có một bằng chứng, chẳng hạn một cái ảnh vua Gia Long mang kiếm hay một văn bản xác định thanh kiếm Thái A chính là của vua Gia Long. Ví như thật là của vua Gia Long thì ai đã đem biếu tặng kiếm cho vị quốc vương Việt Nam và trong điều kiện nào kiếm được đem về trưng bày trong tủ kính Viện này? Ông Quản đốc viện không có một tài liệu nào để giải thích sự kiện nếu không là một bản tin vắng tắt cho biết thanh kiếm được đem từ An Nam về sau cuộc viễn chinh đầu tiên (Note B) (4). Nếu khó lòng biết được lúc nào kiếm đã đến với vị vua nhà Nguyễn, có thể đoán biết làm sao kiếm đã rời khỏi hoàng thành. Thanh nầy khác hẳn thanh kiếm vua Khải Định sau nầy hay đeo như thấy trong ảnh. Nó cũng không thể là thanh kiếm vua Hàm Nghi đã mang theo với chiếc ấn khi cùng triều thần xuất bôn, khởi hịch Cần Vương sau đêm kinh đô thất thủ vì một cặp kiếm cùng các bảo vật đã được phát hiện gần đây ở thôn Phú Hòa, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh (6) đồng thời một thanh gươm khác "dùng để chém những dân phu chôn vàng" rỉ, mục, nhặt được bên cạnh một gốc cây tươi trên đồi Yên Ngựa ở vùng Mả Cú thuộc xóm Rôồng, thôn Đặng Hóa, Xã Hóa Sơn (7). Ta không thể tưởng tượng một ông vua nào hay một vị đại thần nào đã đem dâng biếu cho một người ngoại quốc thanh kiếm của nhà vua, "một bảo vật lịch sử và tượng trưng quan hệ đến hạnh phúc và sự bảo tồn dân tộc" như vua Đồng Khánh đã nói với nhà văn Jules Boissière năm 1888 khi tiếp kiến ông nầy ở Huế và tỏ ý được hoàn lại (Note F) (4). Nếu kiếm rơi vào tay người Pháp thì có thể là vì họ đã tự tiện đoạt lấy, đặc biệt vào lúc tình hình rối ben, không còn trật tự chẳng hạn vào lúc biến cố Ất Dậu 05.07.1885.
Bộ Lại cho đến bộ Binh,
Phố phưòng hai dãy nép mình cháy tan.
Bao nhiêu của cải bạc vàng,
Nửa thì nó lấy, nửa đốt tàn thành tro...
(Vè Thất thủ kinh đô)
Còn có câu hỏi tại sao vua Hàm Nghi khi xuất bôn không đem thanh kiếm nầy theo cùng với cặp kiếm của ông, trừ phi kiếm đã bị cướp mất trước hay trong thời gian biến cố. Dù sao, cướp bóc thời chinh chiến là chuyện thường thấy ở nhiều nơi, huống hồ quan quân thuộc địa còn làm những việc tầy trời như tháng giêng 1913, dưới triều vua Duy Tân, viên Khâm sứ Georges Mahé dám cho đào lăng vua Tự Đức để chiếm lấy những bảo vật, một điều điếm nhục đã gây nhiều phẫn nộ trong dân chúng cùng triều đình Việt Nam và cũng không ít tai tiếng trong giới bảo hộ đến nỗi sau đó thủ phạm bị triệu hồi về nước. Xin nhắc lại, cướp kiếm chỉ là một giả thuyết, đến nay chưa có một tài liệu nào chứng xác sự kiện. Sự can thiệp của J. Boissière không thấy có kết quả vì thanh kiếm luôn còn nằm ở Viện Bảo tàng Quân đội Paris. Và ở đây lại xảy ra một sự kiện khác cũng có phần lý thú.
Ngày 03.10.1913 tờ báo Journal (Note A) (4), đăng một tin nhỏ : Hôm qua, thứ năm là ngày Viện Bảo tàng mở cửa, lúc bốn giờ, sau lúc viện đóng cửa, những người canh giữ khám phá một tủ kính bị phá vỡ và đã bị mất cắp một thanh gươm An Nam, bao gươm và vòng đai. Những bảo vật nầy mạ vàng, nạm đá, ngọc, có một giá trị lớn. Cuộc điều tra chẳng đem lại kết quả gì. Những dấu in trên kính đã được ghi lại nhưng khách rất đông, phần lớn là người nước ngoài. Tủ kính đã được khôn khéo mở ra với những dụng cụ cắt thép tí hon. Ngày hôm sau, 04.10.1913, tờ báo Temps (Note B) (4) cũng cho đăng tải một tin tương tự với chi tiết bao gươm bằng da nạm kim hoàn và cặp móc chạm trổ dát một viên đá quý lớn. Sau khi đọc tin này, lập tức ông André Salles, Thanh tra Thuộc địa, viết thư cho Trung tướng Niox, Giám đốc Viện Bảo tàng, Tư lệnh Tòa Quốc gia Phế binh, người có nhiệm vụ thực hiện cuộc điều tra với ông Guérin, để tố cáo những nhà cách mạng An Nam. Lời buộc tội nầy không có một bằng chứng nào, có thể chỉ phát xuất từ thái độ hiềm khích của ông André Salles đối với những chí sĩ Việt Nam. Ông Niox cũng không tin và cho biết thêm thanh gươm không bị mất cắp, chỉ cái bao gươm thôi (Note C) (4). Theo Đại tá Payard, bao gươm không phải bằng vàng mà mạ vàng, hai vòng ngoài (chape) và đường viền đồng (bouterolle) đều nạm đá cả hai mặt. Móc vòng đai (crochet de ceinture) và khâu treo (bélière) bằng lụa và vàng nạm ngọc san hô, vòng đai bằng lụa và vàng cũng bị mất cắp cùng bao gươm (Note E) (4). Cần giải thích thêm chăng bao gươm và đai gươm mềm, dễ xếp vào túi hơn thanh gươm dài cứng...
Theo hai học giả quan tâm đến những bảo vật của hoàng gia thì vua Gia Long còn có một thanh gươm khác mang tên Thanh gươm quy y. "Thanh gươm này nguyên là bửu kiếm của tiên triều, thường dùng để chém đầu giặc, những kẻ phản quốc,... Một điều lạ là nếu ngày mai có người bị giết thì đêm ấy gươm đã thoát ra khỏi bao. Vua Gia Long thấy thanh kiếm ưa giết người nên đem dâng cửa Phật và mới gọi là Thanh gươm quy y (Quốc Triều Chánh Biên) (5). Có lẽ là tình cờ, hai cái gươm của vua Gia Long đều có sự tích với cái bao: Thanh kiếmThái A không còn bao nữa, còn Thanh gươm quy y tự thoát ra bao, bây giờ ở đâu? May ra, ví chi được trưng bày trước những cặp mắt dửng dưng của người ngoại quốc, nó được kín đáo thờ phụng như cặp kiếm của vua Hàm Nghi ở thôn Phú Hòa: "Một mái nhà tranh. Một tấm lòng thành. Một bảo tàng lòng dân. Một ngôi làng sơn cước cũng làm nên một cõi sống đẹp như huyền sử khi con người không quên quá khứ" (6).
Xô thành tiết đại thử 2007
Huế Xưa và Nay 82 2007
Chim Việt Cành Nam 34 2009
Vietsciences 02.2009
Tham khảo
1- Nguyễn Thanh Giang, Lữ Huy Nguyên, Từ điển Từ ngữ Điển cố Văn họcnxb Văn học, Hà Nội (1989) 569; Nguyễn Thanh Giang, Từ ngữ Văn Nôm, nxb Khoa học Xã hội, Tp. Hồ Chí Minh (1998) 673
2- Diên Hương, Thành ngữ Điển tích Từ điển, nxb Đồng Tháp, Đồng Tháp (1992) 117-8
3- Dominique Rolland, Le sabre de l'Empereur Gia Long, Bulletin de la Nouvelle Association des Amis du Vieux Hué, 9 (2005) 3-17
4- L. Cadière, H. Cosserat, Documents A. Salles, Bulletin des Amis du Vieux Hué, 4 (1933) 295-301
5- Bửu Diên, Hoàng Anh, Thanh gươm của vua Gia Long, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, Nghiên cứu và Phát triển, 4 (34) (2001) 55-9
6- Văn Cầm Hải, Gặp kiếm báu và voi vàng của vua Hàm Nghi, www.tuoitre.com.vn, 10.02.2007
7- Nguyễn Quang Trung Tiến, Theo dấu chân vàng của vua Hàm Nghi, Huế Xưa và Nay, 80 (3-4) (2007) 30-39
Số phận lao đao các ông hoàng trong triều Nguyễn
39- TỪ HOÀNG TỬ CẢNH (1780-1801) 
ĐẾN HOÀNG THÂN CƯỜNG ĐỂ (1882-1951)
Tháng ba năm Nhâm Dần 1782, quân Tây Sơn tấn công Gia Định. Lực lượng tan rã, Nguyễn Ánh phải chạy trốn ra đảo Phú Quốc. Một năm sau, tháng sáu năm Quý Mão 1783, Phan Tiến Thận thống suất quân Tây Sơn vào tấn công Phú Quốc, Nguyễn Ánh một lần nữa bị thua liểng xiểng, vào lúc lâm nguy chỉ chạy thoát được nhờ cai cơ Lê Phúc Điền, như Lê Lai một thời trước, xin mặc áo ngự đứng đầu thuyền để bị bắt thay. Quân Tây Sơn phái Trương Văn Đa đem thủy quân đến "vây ba vòng", tình thế thật nguy cập cho Nguyễn Ánh. May cho ông, vào lúc ấy, gió bảo nổi lớn dữ dội, đánh đắm phần lớn thuyền bè địch quân. Lần nầy Nguyễn Ánh lại chạy thoát qua trốn ở một hòn đảo gần Thái Lan và Campuchia mang tên Cở Cốt (Ko Kut) sau nầy được xác định là Cổ Long (KohRong) hay Thổ Chu (Poulo-Panjab). Vào lúc nầy Nguyễn Ánh tình cờ gặp lại giáo sĩ người Pháp Pigneau, tức Bá Đa Lộc, đã quen nhau từ năm Đinh Dậu 1777 ở Hà Tiên khi lưu lạc trốn tránh quân Tây Sơn.
Nguyễn Phúc Cảnh, thường được gọi Hoàng tử Cảnh, sinh năm Canh Tý 1780 (hay Kỷ Hợi 1779) ở Gia Định. Bà mẹ Tống Thị Lan sau nầy được phong Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, là con quan Chưởng doanh Tống Phúc Khuông, sinh cho chúa Nguyễn Ánh được ba con trai, Nguyễn Phúc Hy và Nguyễn Phúc Noãn mất sớm, Vâng lệnh cha, Hoàng tử Cảnh theo Bá Đa Lộc sang Pháp năm năm (1784-1789) làm con tin. Năm Giáp Dần 1794, lúc 14 tuổi, ông được lập Đông cung Thái tử, phong chức Nguyên súy Quận công, ban Đông cung Chi ấn, dựng phủ Nguyên súy, có thẩm quyền bổ nhiệm văn võ đại thần. Mùa hè năm ấy, Nguyễn Ánh ra đánh Qui Nhơn, Đông cung lãnh nhiệm vụ trấn giữ Gia Định, rồi qua mùa đông trấn gìữ Diên Khánh. Vào lúc Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Hưng nhà Tây Sơn đem quân thủy bộ vào đền Diên Khánh, Nguyễn Ánh sợ nhiệm vụ cực nhọc, quá sức ông, đưa ông về lại trấn giữ Gia Định chăm lo trị an, phòng ngự, vận tải quân nhu. Tháng năm năm Đinh Tỵ 1797, Nguyễn Ánh ra tấn công Đà Nẵng, Quảng Nam, phái Đông cung đem quân sĩ vào cửa Đại Chiêm, đánh lấy Chiêm Dinh. Qua tháng sáu, thắng trận ở La Qua, ông được thưởng 1000 quan. Tháng mười năm Mậu Ngọ 1798, Đông cung được phong tổng quản tướng sĩ trấn giữ Diên Khánh, có Ba Đa Lộc và Phó tướng Tống Việt Phước phụ tá. Tháng tư năm Kỷ Mùi 1799, ông theo vua cha đi đắnh Thi Nại rồi đánh chiếm Qui Nhơn. Tháng mười năm Canh Thân 1800, thấy các dinh Gia Định đều được gởi đi đánh quân Tây Sơn, ông xin được phép lập thêm chi binh, chiêu mộ những quân bỏ trốn, những dân ngoại tịch bù vào để canh giữ. Ngày 20 tháng ba năm Tân Dậu 1801, sau khi đi đánh chiếm Thị Nại về, Đông cung mắc bệnh đậu mùa (có tài liệu nghi ông bị đầu độc) và mất năm 21 (hay 22) tuổi, sau cha Bá Đa Lộc hai năm và trước khi vua Gia Long lên ngôi một năm. Nguyễn Ánh phái Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Tử Châu hiệp cùng Lễ bộ lo việc an táng ở Gia Định, định việc giá thú 60 ngày. Năm Ất Sửu 1805, vua Gia Long phong Anh Duệ Hoàng Thái Tử, đưa thờ Đông cung ở Tả vu nhà Thái miếu, lập nhà thờ Đại mộ ờ Vĩ Dạ và năm Kỷ Tỵ 1809 đem về an táng ở Dương Xuân.
Thông minh, hiếu học, Đông cung được nhiều vị khoa cử uyên thâm dìu dắt học hành. Ngoài Bá Đa Lộc, ở nhà Thái học, lần lượt có Phó tướng Tả quân Phạm Văn Nhân (năm Ất Mão 1795), Ngô Tòng Chu, Đốc học Nguyễn Thái Nguyên (năm Mậu Ngọ 1798) làm phụ đạo, Tiến sĩ Ngô Gia Cát (năm Canh Thân 1800) làm Đốc học dạy dỗ. Đồng thời, giảng bàn kinh sử thì mỗi ngày hai buổi có các vị Thị giảng, Hàn lâm viện Thị học (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định), Quốc tử giám Thị học chăm lo. Các vị Thị học còn có trách nhiệm ghi chép mọi cử chị, lời nói của Đông cung để tâu lại vua cha. Trong đời sống hằng ngày, ông là người nhân từ, biết trọng đạo đức. Lính bỏ trốn, vợ con lính bị bắt giam, ông xin cho giam riêng để trai gái được phân biệt từ đó bảo toàn danh dự cho phái nữ. Năm Canh Thân 1800, Hà Tiên thiếu cơm, quản thủ Kiên Giang không cho đong lúa, Đông cung lúc bấy giờ trấn thủ Gia định, liền ra lệnh cho bán mười xe lúa. Năm Đinh Tý 1797, theo vua cha đi đánh Quy Nhơn, Quảng Nam về, ông cho thực hiện cuốn Hiền trung Chư thần Liệt truyện để khuyến khích dân tình. Quá nhân từ, lắm khi Đông cung thiếu cương quyết. Khi ông trấn giữ Diên Khánh, Tống Viết Phước tự tiện làm oai, lấn át Bá Đa Lộc, ông vẫn để yên, sau đó bị vua cha quở trách, nín nhịn là gần như nhu nhược. Trẻ tuổi, Đông cung thiếu kinh nghiệm không tự mình phán xét được, lắm khi nghe theo các vị Sư phó, Phụ đạo, và dễ sai lầm trong quyết định. Đông cung thường được xem có nhiều cảm tình với người Tây phương, hay ra tay che chở người Âu, bảo vệ đạo Thiên chúa. Vì từ bốn tuổi theo Bá Đa Lộc sang Pháp nên Đông cung đã chung sống nhiều với vị Giám mục, từ đấy cũng được dạy dỗ theo đạo Thiên Chúa. Khi ra ở riêng, tuy mộ đạo, ông không cùng ở với Đức Thầy nhưng vẫn thường xuyên đi lại thăm viếng. Từ lâu Đông cung hằng mong nhưng không được chịu phép rửa tội. Sách còn chép khi đi Pháp về, ông không chịu bái yết Tôn Miếu, sau nhờ Cao Hoàng hậu khuyên răn mới chịu nghe.
Pierre (Pedro) Joseph Georges Pigneau (người Tàu phiên âm Pê Tô Lô, ta đọc Ba Đa Lộc, ta còn viết Bi Nhu nên sau này có tước Bi Nhu quận công) sinh năm 1741 ở thị trấn Origny-en-Thiérade tỉnh Aisne (Pháp). Gia đình gồm có mười chín đứa con, ông là con trai trưởng. Thân phụ ông có một xưởng thuộc da, đủ nuôi sống gia đình. Năm 1765, vào lúc 24 tuổi, xuất thân từ Chủng viện Trente-Trois, ông sáp nhập Hội Truyền giáo nước ngoài ỏ Paris MEP (còn gọi Hội Thừa Sai) và, không nghe lời khuyên của thân phụ, tức khắc tình nguyện đi qua Đàng Trong vào lúc chúa Nguyễn ban bố nhiều biện pháp khắt khe đối với những nhà truyền giáo đạo Cơ đốc. Ông được phong Cha bề trên Chủng viện hội Truyền giáo ở Chantaboum rồi về sống ở Hòn Đất cách Hà Tiên 15km. Năm 1768 ông phải mang gông ngồi tù gần hai tháng vì bị tố cáo đã dấu một ông hoàng Xiêm thù địch của Mặc Thiên Tứ. Năm 1769, ông chạy trốn qua Malacca và năm 1771, 30 tuổi, được phong Giám mục in partibus infideliumAdran ở Pondichéry đồng thời Khâm mạng tòa thánh Cao Miên, Nam Bộ và Chiêm Thành. Vào lúc này, ông bỏ công soạn cuốn từ điển Vocabularium Anamitico Latinum. Năm 1774, ông rời Ấn Độ đi Ma Cao rồi về Hà Tiên vì chúa Nguyễn bắt đầu cho giảng đạo. Nhưng vào lúc nầy Tây Sơn dấy binh, chiếm đóng phía nam miền Trung, lăm le thôn tính miền Đồng Nai và vùng dưới sông Cửu Long. Năm Đinh Dậu 1777, hai chúa Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương bị giết, hoàng nam cuối cùng còn sống sót của Nguyễn Phúc Luân (con thứ hai Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát) là Nguyễn Phúc Ánh hay Nguyễn Ánh (16 tuổi) phải chạy trốn vào nam. Ở Hà Tiên, từ năm Ất Mùi 1775, Hội Truyền giáo đã lập nên cơ sở ước chừng 60.000-100.000 tín đồ với 9 linh mục ngoại quốc và một số giáo sĩ bản địa. Trong lúc quân Tây Sơn bận rộn với cuộc chinh phục miền bắc, chiếm Thăng Long năm Bính Thân 1776, Nguyễn Ánh tuyển mộ binh sĩ, củng cố lực lượng tái chiếm miền đồng bằng sông Cửu Long và đánh chiếm Sài Gòn cùng năm ấy. Giữa năm 1778, bị quân cướp Cao Miên qua phá rầy, giết chóc tín đồ, Bá Đa Lộc và giáo phận phải dời về Tân Triều gần Sài Gòn. Bắt đầu từ đây, ông đi lại nhiều với Nguyễn Ánh và một tình bạn nối liền hai người cùng cảnh ngộ lang bạt. Nhưng chẳng yên thân được lâu, năm Nhâm Dần 1782, quân Tây Sơn lại tiến vào nam, đánh chiếm Sài Gòn, buộc Bá Đa Lộc và tín đồ chạy trốn, từ đó gặp lại Nguyễn Ánh trên đường tẩu thoát. Cùng nhau ăn gió nằm sương, nằm gai nếm mật, Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh càng thêm thân tình và nhất quyết cùng nhau bàn kiếm một giải pháp cứu vãn.
Giải pháp gì đây? Cầu viện Xiêm La? Mặc dầu có mối nguy mất đất và mang tiếng cõng rắn cắn gà nhà, Nguyễn Ánh tháng tư năm Giáp Thìn 1784 qua cầu cứu nước láng giềng. Xiêm La đang nuôi tham vọng đánh chiếm Cao Miên và Gia Định, liên gởi tháng bảy năm ấy hơn một vạn quân bao gồm năm ngàn đi theo đường thủy và số còn lại đi theo đường bộ.Lực lượng đó được quân Nguyễn Ánh tăng cường bên cánh thủy và quân Chân Lạp bên cánh bộ thành một liên quân hai vạn người, mở một mũi tiến công đánh phối hợp. Tây Sơn cũng chỉ có khoảng vài trăm chiến thuyền và hai vạn quân nhưng vũ khí, đại bác rất đầy đủ không kém gì quân Xiêm. Trong đêm 19 rạng 20 tháng một năm Ất Tỵ 1785, giao chiến giữa liên quân Xiêm-Nguyễn và quân Tây Sơn diễn ra tại khúc sông Rạch Gầm-Xoài Mút, hồi ấy thuộc dinh Trấn Định, xứ Đàng Trong, nay thuộc tỉnh Tiền Giang, cách Mỹ Tho 12 km. Để bắt đầu, quân Xiêm-Nguyễn tấn công nhưng quân Tây Sơn, thủy bộ phối hợp với nhau, khép chặt vòng vây, tiêu diệt quân địch hết mảng này đến mảng khác. Dưới sự chỉ huy và đốc chiến của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn lao vào cuộc chiến đấu quyết liệt. Một viên tướng Nguyễn sau này kể lại: "Nguyễn Huệ đốc chiến ở phía sau, ra lệnh liều chết đánh, quân sĩ nào không quyết chiến thì chém ngay để làm răn. Vì thế các tướng sĩ đều liều, không nghĩ gì đến tính mệnh... tiến công rất là mãnh liệt". Nguyễn Ánh thấy thế địch mãnh liệt không thể chống nổi nên sớm vội rút chạy theo sông Trà Luật ra sông Tiền rồi tìm đường sang Trấn Giang để về Hà Tiên. Rạng sáng thì chiến cuộc chấm dứt. Liên quân Xiêm-Nguyễn hoàn toàn tan rả.Số quân bản bộ của Nguyễn Ánh có khoảng bốn ngàn thì chỉ còn hơn tám trăm người chạy thoát sang Xiêm, Sau cuộc bại trận này, ấp ủ trong lòng quan điểm phi ngoại binh bất thành sự nghiệp, Nguyễn Ánh không còn tin có một đội quân Á châu nào có thể đương đầu với Tây Sơn.Nhiều cường quốc Âu châu đề nghị giúp sức nhưng cha Bá Đa Lộc đều gạt ra cả, bảo không muốn bắt tay với những tín đồ đạo Tin lành Anh Quốc hay giáo lý Calvin Hòa Lan, đồng thời nhớ đến những khó khắn với người Bồ Đào Nha, Theo Bá Đa Lộc,muốn cầu viện ngoại quốc, chỉ có nước Pháp là tin cậy được thôi, bởi vì nước Pháp vẫn thực hành tôn chỉ cứu thế của Giê su. Vả lại, trên thế giới, người biết tôn trọng nhân đạo yêu người như yêu mình cũng không ai bằng người Pháp cả...Nguyễn Ánh đồng ý phái Bá Đa Lộc toàn quyền mang quốc ấn sang Versailles thương lượng, đem theo Hoàng tử Cảnh làm con tin, lúc bấy giờ mới lên bốn. Tháp tùng có hai vị quan Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm và một đoàn hộ tống 40 quân binh.
Ngay sau trận Rạch Gầm-Xoài Mút, phái đoàn (có tài liệu ghi khởi hành tháng mười một năm Giáp Thìn 1784, ngay trước trận Rạch Gầm-Xoài Mút) đến Pondichéry (ta có tên Tiểu Tây) ở Ấn Độ tháng hai năm Ất Tỵ 1785.
Ngang đây, hai viên thống đốc thành phố và chỉ huy căn cứ thủy quân không đồng ý với hành trình này và phái đoàn bị giữ lại hơn một năm, tháng sáu năm Bính Ngọ 1786 mới được chiếc tàu thủy Aréthuse đưa qua Pháp, đạt Lorient ở Bretagne tháng hai năm Đinh Mùi 1787. Hồi ấy chưa có kênh Suez nên tàu không xuyên Đia Trung Hải và cập bến Marseille như ngày nay. Có lẽ vào dịp qua Pháp này, để dễ được giới thiệu vào triều đình, hầu tước La Croix de Castries, Bộ trưởng bộ Hải quân, khuyên Bá Đa Lộc nên thêm vào sau tên ông những tiểu từ quí phái "de Béhaine" (Béhaine là tên làng bên cạnh, nơi gia đình đã trú ngụ) và từ nay ông mang tên Pierre Pigneau de Béhaine. Kết quả quá sức mong muốn vì đạp đất Lorient tháng hai năm Đinh Mùi 1787 thì qua ngày 6 tháng năm ông cùng Hoàng tử Cảnh được vào yết kiến vua Louis XVI đem theo một bức thư của Nguyễn Ánh: "... Dầu đại quốc và tiểu quốc tình thế khác nhau, dầu đông tây cách mấy ngàn trùng, tôi dám chắc rằng Hoàng đế sẽ tin lời tôi như tôi đã tin Giám mục Bi Nhu vậy. Nay tôi giao cho ông ấy Nguyễn Phúc Cảnh, con trưởng của tôi, một cái Kim bửu gia truyền và một Biên bản của Hội đồng, đủ làm bằng chứng. Tôi chỉ mong Hoàng đế cho con tôi sớm trở về với binh thuyền". Bá Đa Lộc đã soạn sẵn một bản tường trình thần tình về khả năng thương mãi, đất đai màu mỡ và nhất là sức lôi cuốn của miền Trung. Ông cũng trình bày chiến lược quân sự, sự có mặt của những cường quốc Âu châu và sự lợi ích lập cân bằng với lực lượng Anh Quốc ở Ấn Độ, khí thế đang lên của Trung Quốc đời Thanh đương thịnh. Ông đưa ra những con số xác định về chiến thuật phải theo: chỉ với 1500 quân là đủ để đánh chiếm Quy Nhơn! Nhà cách mạng Phan Bội Châu đã đánh giá Bá Đa Lộc là một người tuy sang nước ta với tư cách truyền giáo cho Giáo hội, nhưng mục đích chính là phụ trách đội tiên phong xâm lược nước người làm đất thực dân cho Pháp. Triều đình Pháp đón tiếp long trọng phái đoàn theo vương lễ. Mặt mày khôi ngô tuấn tú, Hoàng tử Cảnh rất được sủng ái, nhất là các bà chưa quen thấy một người ngoại quốc, lại là một đứa trẻ dễ thương, lễ phép nên tranh nhau mời mọc.Người ta bảo Hoàng tử Cảnh có dịp chơi với các hoàng tử và công nương trong triều, có thể với Công chúa Marie Thérèse (sinh năm 1778), Thái tử thứ nhất Louis Joseph Xaviet François (sinh năm 1781), còn Thái tử thứ nhì Louis Charles tức Louis XVII trong tương lai thì quá trẻ (sinh năm 1785). Một bài hát ca ngợi vị hoàng tử trẻ tuổi: "Royal enfant, consolez-vous... Vous régnerezAdran vous aime" (Ông hoàng bé bỏng, tự an ủi đi... Ông sẽ lên ngôi, Adran thương ông). Léonard là người hầu chải đầu cho Hoàng hậu Marie Antoinette được cử lại hớt tóc cho Hoàng tử Cảnh. Về áo quần, hết còn áo Việt, quần dài : người ta may cho hoàng tử một chiếc áo dài ngang đầu gối kiểu Pháp tí chút tác phong Á Đông, màu đỏ, khuy vàng, quần bỏ vào ủng, đầu chiết một cái khăn đỏ thắt múi do chính Léonard vẽ kiểu. Ta thấy được bộ y phục này nhờ một bức chân dung Hoàng tử, do họa sĩ Maupérin thực hiện năm 1787 cho Hoàng hậu, trước được trưng bày ở Viện Hàn lâm viện Hội họa và Điêu khắc Pháp năm 1791, sau đưa về Hội Truyền giáo nước ngoài ở Paris MEP giữ đến bây giờ.
Triều đình Pháp khen ngợi phẩm lượng và tính chính xác trong bản tường trình của Bá Đa Lộc. Tổng trưởng hai bộ Ngoại giao và Hải quân, Louis de Montmorin và La Croix de Castries, tán thành dự án của đức Giám mục và hứa sẽ kiếm cách giải quyết tốt đẹp. Mặc dầu nhiều bộ trưởng không đồng ý về chuyện can thiệp của Pháp vào Đàng Trong, nhưng cũng có những vị quan trọng trong triều như Hồng y Loménie de Brienne (một thủ tướng tương lai), Tổng Giám mục Arthur Richard Dillon, hay linh mục Vermont (người kề cận Hoàng hậu) nhận thấy trong thỏa ước biết bao thế lợi chính trị, văn hóa, tôn giáo, thương mãi... Năm tháng sau, một hiệp ước liên minh gồm có 10 khoảng được ký kết ở Versaillles giữa vua Pháp và vua Đàng Trong ngày 28 tháng mười một 1787. Đại diện phía Louis XVI là bá tước Louis de Montmorin, ký thay Vua Đàng Trong Nguyễn Ánh là Giám mục Bá Đa Lộc. Theo hiệp ước này, vua Pháp hứa hẹn sẽ cung cấp ba thuyền chiến, 1200 bộ binh, 200 pháo binh và 250 quân Nam Phi đầy đủ súng ống, còn Vua Đàng Trong nhượng cho Pháp đảo Phú Quốc, thành phố Hội An chi phối hoạt động Cửa Hàn tức Đà Nẵng, quyền tự do buôn bán khắp nước, quyền không đóng thuế quan ngoài thuế mà người bản xứ phải đóng. Đồng thời, ngay trong ngày đó, Bá Đa Lộc được phong chức Đặc Ủy viên của Hoàng đế Pháp bên cạnh Vua Đàng Trong. Tòa lãnh sự Pháp ở Pondichéry có nhiệm vụ kiểm soát cuộc thi hành hiệp ước.
Một tháng sau, tháng mười hai 1787, phái đoàn lên đường về nước tràn trề hy vọng. Nhưng khi ghé ngang Pondichéry tháng năm 1788, ác ý của bá tước Thomas Conway, Thống đốc những cơ quan Pháp ở Ấn Độ, lại vào lúc ngân quỹ quốc gia Pháp thiếu hụt, thúc đẩy triều đình vua Louis XVI nhu nhược những ngày trước Cách Mạng từ bỏ hiệp ước, từ đó hết còn đoàn quân tiếp viện lên đường. Bá Đa Lộc không nản lòng, với số tiền phụ cấp nhỏ của vua Louis XVI, tiền của gia đình gom góp, quyên thêm tiền cứu trợ của nhiều thương gia ở Pháp và ở Pondichéry, ông mua súng ống, đạn dược, vài chiếc tàu đưa về cho Nguyễn Ánh, chính ông và Hoàng tử Cảnh cũng về đến nơi ngày 24 tháng sáu năm Kỷ Dậu 1789 trên chiếc chiến hạm Méduse.
Cùng về với Bá Đa Lộc, trong số những người "tự nguyện" rời bỏ tàu chiến của vua Pháp, có Victor Olivier de Puymanel (sau nầy mang tên ông Tín), quê gốc Carpentras, những sĩ quan hải quân thuộc địa Jean-Marie Dayot (ông Trí) quê Redon, Charles-René Magon de Médine, những sĩ quan hải quân Philippe Vannier (ông Chấn) quê Auray, Jean-Baptiste Chaigneau (ông Thắng) quê Lorient, những thủy thủ quý phái Godefroy de Forsanz (Nguyễn Văn Lăng tức ông Lăng), Julien Girard de l'Isle Sellé là một thương gia trở thành chiến binh, những bác sĩ Desperles, Despiau,... và nhiều pháo thủ, hoa tiêu, lính thủy phần lớn quê quán vùng Bretagne, cùng chung một chí hướng ham muốn phiêu lưu, mạo hiểm ở phương trời xa lạ. Alexis Faure trong một cuốn sách về đức Giám mục Pigneau đưa ra con số 369 quân binh từ 12 chiếc tàu thủy ngược xuôi chạy quanh vùng thời ấy, cộng thêm gần toàn bộ đoàn thuỷ thủ các chiến thuyền Revanche, Espérance, Ariel và Flavie năm 1794 bị tước khí giới ở Mã Cao. Ở Sài Gòn, đức Giám mục khéo léo phối hợp mọi cố gắng, bổ nhiệm mỗi người vào một chức vị thích hợp. Jean-Marie Dayot (1760-1809), từ 1790 đến 1795, là một trong những người đầu tiên đã tổ chức hải quân theo kiểu Tây phương, năm 1792 điều khiển một đơn vị thủy quân đánh thắng quân Tây Sơn. Chính trong đơn vị nầy mà những sĩ quan người vùng Bretagne Philippe Vannier, Guillaume Guilloux, Jean-Baptiste Guillon quê gốc Vannes, Renon quê gốc Saint-Malo đã lập thành tích. Cũng nhờ những tàu chiến kiểu Tây phương, với những đoàn thủy thủ tinh nhuệ Việt, Nguyễn Ánh đã thắng được nhiều trận, bước đầu của cuộc tái chiếm toàn lãnh thổ bắc nam thu về một mối, đưa ông lên ngôi Gia Long (1762-1820, làm vua 17 năm).Tên triều đại nầy thường được cho là giây nối giữa tên hai thành phố nam và bắc Gia Định và Thăng Long, có ý nghĩa thống nhất nhưng có thể chỉ là một tình cờ, hai chữ Long có ý nghĩa khác nhau.
Ưu thế của quân sĩ Pháp không sao tránh khỏi phẩn nộ trong lòng người Việt và họ không muốn người Pháp ở lại nữa. Thấy vậy, hơn một trăm binh sĩ Pháp nãn lòng từ chức. Bên phần dân chúng cũng không bằng lòng vì phải bỏ công sức trong công tác phục vụ như đóng thuyền, đào hào, xây dựng pháo đài. Nguyễn Ánh thiếu kinh nghiệm, không biết tự chủ, làm mất lòng tất cả mọi người nên phải nhờ Bá Đa Lộc can thiệp giải quyết. Nguyễn Ánh ngày càng tin cậy vào đức Giám mục, cho xây nhà ở gần điện vua và gặp gỡ nhiều lần trong tuần. Tuy nhiên Bá Đa Lộc không sống trong hạnh phúc. Một bên, ông bị những nhà truyền giáo ngay trong Hội Thừa Sai chỉ trích. Bên kia, ông phải chịu đựng thái độ bất mãn của của những sĩ quan Pháp vì tiền lương ít ỏi trong khi họ chịu đi xa tìm kiếm vinh quang phú quý. Kết quả truyền giáo cũng không khả quan. Hoài bão thành công quy Hoàng tử Cảnh theo đạo Công giáo mỗi ngày một xa. Và làm quân sư cho chúa Nguyễn ngày càng thêm khó. Thất vọng, Bá Đa Lộc có lúc muốn bỏ rơi tất cả. Ông tâm sự trong một bức thư gởi cho Cha Letondal ở Macao, năm 1791: "Bạn có thể dự đoán tất cả những gì sẽ xảy ra nếu chúa Nguyễn lại phải chạy trốn. Quân Tây Sơn sẽ kịch liệt trả thù lên những người có đạo và những nhà truyền giáo nếu tôi vẫn khư khư ở lại cho đến cùng. Trái lại, nếu tôi bỏ đi, tất cả những người Pháp cũng sẽ cùng đi; tôi còn thấy đấy là một phương cách làm nguôi quân Tây Sơn... Thắc mắc của tôi là làm sao Chúa Nguyễn đồng ý cho tôi nghỉ hưu, ít nhất cũng một thời gian..." Năm 1799, nhân đi đánh chiếm Quy Nhơn, Nguyễn Ánh mời Bá Đa Lộc cùng đi. Mệt mỏi, kiệt sức sau 34 năm lặn lội ở Đàng Trong, 29 năm làm Khâm mạng, Bá Đa Lộc mắc một một bệnh lỵ. Bao nhiêu thuốc men, y sĩ không chữa được, đức Giám mục từ trần ngày 9 tháng mười năm 1799, thọ 58 tuổi, sau hai tháng khổ đau, ba năm trước khi chúa Nguyễn toàn thắng lên ngôi vua. Nguyễn Ánh ra lệnh tổ chức đám tang long trọng với 12.000 quân binh, 120 con voi, 40.000 người trong đoàn rước và đưa tử thi về mai táng ở Gò Vấp. Năm 1902, toàn quyền Paul Doumer cho đặt tượng Bá Đa Lộc trước nhà thờ Sài Gòn. Lăng cha Cả tồn tại đến năm 1983 thì nghĩa địa bị giải tỏa. Xương cốt ông được đem thiêu, chuyển về Pháp trên chiếc tàu Jeanne d'Arc, một phần tro được đưa giữ ở Hội Truyền giáo nước ngoài ỏ Paris MEP, phần còn lại ở nhà ông, nay là viện bảo tàng, tạị thị trấn nguyên quán Origny-en-Thìérade.
Bá Đa Lộc mất đi, đem theo hoài bảo không thành công đưa được Hoàng tử Cảnh vào con đường đạo của mình mặc dầu nhiều năm làm Đức Thầy. An ủi chăng là Đông cung rất đau khổ khi Đức Thầy từ trần, tương lai Đông cung cũng không thiếu phần oái ăm. Khi Đức Thầy qua đời, tánh tình ông đổi khác, buông mình đắm mê tửu sắc, xác thịt, thả lỏng đạo gíáo, như thể vội vàng sống toàn vẹn cuộc đời mình trong khoảng ngắn ngủi 21 năm.Lúc thấy mình kiệt sức gần chết mới biết ăn năn và hình như có xin được kín đáo rửa tội. Kết duyên với Hoàng Thái phi Tống Thị Quyên, Hoàng tử Cảnh có hai con trai: Mỹ Đường (tức Hoàng tôn Đán) và Mỹ Thùy, năm 1818 được phong Ứng Hòa Công và Thái Bình Công. Sau khi Đông cung mất, có người tố cáo Mỹ Đường thông dàm với mẹ. Sự thật ra sao hay chỉ là một lời dèm pha trong cung cấm? Dù sao, vua Tự Đức sai bắt và giao cho Lê Văn Duyệt xét dìm chết Tống Thị Quyên, đồng thời cấm không cho Mỹ Đưòng vào chầu hầu. Mỹ Đường có một người con trai đặt tên Lệ Chung (nên hiểu Duệ Chung). Năm 1824, ông dâng sớ trả sách ấn xin về làm dân. Vua y và sai ghi phụ hệ Mỹ Đuờng vào sau Tôn Thất Phả. Bên phần Mỹ Thùy thì năm 1826 mắc chứng hoắc loạn cấp tính mà chết. Cũng vào năm ấy, tuy còn trẻ, chưa đáng được phong, nhưng vì Mỹ Đường phải tội, Mỹ Thùy không có con, Lệ Chung được phong tước Ứng Hòa Hầu (sau lần lượt đổi ra Thái Bình Hầu rối Cảm Hóa Hầu), ban cho sách ấn, miễn vào chầu hầu, được cấp hằng tháng 600 quan tiền, 500 phương gạo, một đội Dực chấn để sai khiến và nhiệm vụ thờ cúng Anh Duệ Hoàng Thái Tử tức Mỹ Đường. Năm Đinh Dậu 1837, vua Minh Mạng giáng các con của Lệ Chung làm thứ dân, xóa tên ở sổ họ Tôn Thất, phải chăng là một phương sách trừ hậu hoạn: nếu Hoàng tử Cảnh hết còn con cháu có hy vọng lên nối ngôi thì phản thần chống đối, nếu có, cũng chẳng còn chỗ dựa. Tuy sau này năm Kỷ Dậu 1849, Tự Đức cho con cháu Mỹ Đường lại được liệt vào Tôn Phả, Lệ Chung phong Cảm Hóa Quận Công, không thấy có tên trong Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Mỹ Thùy có tên nhưng không có tiểu sử.
Mãi đến đầu thế kỷ 20 mới thấy sách sử nhắc đến hậu duệ Hoàng tử Cảnh: Hoàng thân Nguyễn Phúc Dân tức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, sinh năm Nhâm Ngọ 1882, con của Hàm Hóa Hương Công Tăng Nhu, cháu của Duệ Trung, chắt của Mỹ Đường, cháu năm đời Hoàng tử Cảnh. Khoảng 1903, cụ Phan Bội Châu thấy dư đảng Cần Vương và nhiều nhân sĩ miền Nam còn nặng lòng với nhà Nguyễn nên tạm thời dựa vào nền quân chủ để chống Pháp giành độc lập, tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm Minh chủ Việt Nam Quang Phục Hội, năm 1906 giúp ông xuất du sang Nhật hoạt động. Vì là người hoàng phái, và lại không có sự ưng thuận của chính quyền thuộc địa Pháp, ông không được chính thức đón tiếp và phải sống trà trộn với đám du học sinh. Trước ông ghi tên vào trường Chấn Võ Lục Quân ở Đông Kinh, bị bệnh bỏ học, sau ghi tên vào Đại học Waseda. Năm 1909, bị trục xuất, ông chạy qua Xiêm La, nhưng vì ngôn ngữ không thạo, ông trở về lại học ờ Waseda. Năm 1910, Pháp yêu cầu Nhật giải tán sinh viên Việt, ông chạy qua Hương Cảng rồi đi Thượng Hải. Năm 1913, Hoàng thân lén về nước quyên tiền xây dựng cơ sở rồi qua Âu châu. Năm 1914, nghe nói Viên Thế Khải có ý giúp, từ Anh ông trở về lại Trung Quốc nhưng chẳng được gì. Sau Cách mạng Tân Hợi 1911 ở Trung Quốc, ông lập hội và làm Hội chủ Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Quảng Châu. Thời gian Phan Bội Châu bị giam lỏng ở Huế, từ Bắc Kinh, thấm nhuần chế độ dân chủ, Hoàng thân gởi thư về nước ký tên Vi nhân tặc hậu Cường Để. Năm 1915, trở lại Nhật Bản, ông gởi về nước một bức thư khác bày tỏ những biện pháp cứu quốc, ký tên Vong thần Cường Để. Năm 1939, ông cải tên Việt Nam Quang Phục Hội thành Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội và làm Ủy viên trưởng. Sau cuộc đảo chính Nhật năm 1945, một số nhân sĩ ở Sài Gòn tin tưởng ở chủ nghĩa Đại Tế Á, Nhật Bản sẽ giải phóng các dân tộc Á châu ra khỏi vòng áp bức của Tây Phương, tổ chức đón Hoàng thân nhưng ông không về. Năm 1951, Cường Để từ trần vì bệnh ung thư gan tại Đông Kinh, hưởng thọ 69 tuổi. Sau này, một phần di cốt chôn trong mộ phần Đông du học sinh Trần Đông Phong ở nghĩa trang Zoshigaya bên Nhật. Một phần được hai con Tráng Liệt, Tráng Cử (sau bà vợ đầu Lê Thị Trân sinh cho ông thêm hai người con khác là Tôn Nữ Thị Hảo và Tráng Đinh, ông còn có bà vợ Ando Shigeyuki người Nhật) qua Nhật rước về Tây Ninh rồi đưa ra Huế,ở đấy được Tổng Thống Ngô Đình Diệm tổ chức đón nhận trọng thể. Lần lượt thờ ở nhà con trưởng Tráng Liệt, chùa Kim Quang, lăng mộ cụ Phan Bội Châu, ngày nay tro cốt được mai táng trên một ngọn đồi ở xã Thủy An. Hậu duệ của ông trên nguyên tắc vẫn tuần tự nối tiếp theo phiên hệ thi Anh Duệ do vua Minh Mạng đặt, ngày nay đã đạt đến con cháu các đời "Liên, Huy" hay xa hơn nữa. Cô Nguyễn Phúc Huy Đoan, một doanh nhân thành đạt ở Mỹ hiện nay được nhận là cháu đời thứ bảy Hoàng tử Cảnh.
Mỹ Duệ (Lệ) Tăng Cường Tráng
Liên Huy Phát Bội Hương
Linh Nghi Hàm Tốn Thuận
Vỹ Vọng Biểu Khôn Quang
Sự việc Hoàng tử Cảnh gởi qua Pháp được đánh giá khác nhau. Người thì cho con trẻ đi đây đi đó là một cách học hỏi trên đường đời, chu du thiên hạ là để mở tầm mắt nhìn tiến bộ thế giới, nhất là một vị hoàng tử sau này lên nối ngôi cha trị vì đất nước.Kẻ thì bảo tội nghiệp cho ông hoàng trẻ, mới bốn tuổi đã phải xa cha mẹ bôn ba nước ngoài. Nhưng riêng phần Nguyễn Ánh thì nghĩ thế nào? Ông vua tương lai không có lời giải thích rõ rệt và các sử gia cũng ít thấy bàn đến dụng ý của ông. Thông minh như ông, chắc thế nào ông cũng biết sống lâu ngày với Đức Thầy, nhất là khi còn non trẻ, Hoàng tử Cảnh ắt phải chịu ảnh hưởng của vị tu sĩ. Liệu một ông vua có đạo Cơ đốc làm sao cai trị một nước Việt Nam không thiên về Công giáo? Một tài liệu đưa tin sau chuyến đi Pháp về, Hoàng tử Cảnh được đưa qua học ở trường truyền giáo Malacca và đã gia nhập Công giáo! Trong một lá thư gửi năm 1885 từ Pondichéry cho Giám đốc Hội Truyền giáo nước ngoài MEP, Bá Đa Lộc đánh giá công việc của mình: "Tôi cần sự giúp đỡ của quý vị trong việc giáo dục vị Hoàng tử bé nhỏ do tôi phụ trách...Tôi muốn dạy theo truyền thống đạo Thiên Chúa.... Hoàng tử mới lên sáu tuổi mà đã biết đọc kinh và hết lòng mộ đạo...rất mến tôi chứ không nhớ gì đến cha mẹ hay các bà nhũ mẫu.... Nếu sau này cha của Hoàng tử có xoay ra thân thiện với người Anh hay người Hòa Lan thì hẳn quý vị cũng thấy việc dạy dỗ, uốn nắn ông Hoàng nhỏ bé này hữu ích biết chừng nào". Đằng khác, Bá Đa Lộc được phong chức Đặc Ủy viên của Hoàng đế Pháp bên cạnh Vua Đàng Trong, nghĩa là ông sẽ nắm mọi quyền lực, từ ngoại giao qua thương mãi, chiến tranh. Không sao tránh khỏi sự thi hành hiệp ước đã ký, mất đất, mất tự do,... Một câu nói bóng của Nguyễn Ánh thể hiện tâm tư của ông: "Khi người ta chết đi mà còn để lại món nợ trên đời, thì chủ nợ chỉ tìm con, chứ đâu đòi cháu! " Đấy là chưa nói đến số tướng lĩnh Pháp có mặt trong triều. Có thể hiểu khi gởi con đi Pháp với Bá Đa Lộc, Nguyễn Ánh đã biết Hoàng tử Cảnh sẽ không bao giờ lên ngôi vua nối nghiệp mình. Từ lúc Hoàng tử Cảnh còn sống, Nguyễn Ánh đã yêu cầu Nguyên phi Tống thị Lan, mẹ Hoàng tử Cảnh, nhận Hoàng tử Đảm làm con nuôi, trong khi bà mẹ Thứ phi Trần Thị Đang, mẹ Hoàng tử Đảm, sau này được phong Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, đang còn sống. Nguyễn Ánh không bao giờ nghĩ đến con Mỹ Đường và cháu nội Lệ Chung, Thành thử Hoàng tử Cảnh mất sớm là một bạc mệnh, nhưng tránh được bao nhiêu rắc rối trong nội cung vì nếu ông còn sống khi vua Gia Long mất thì cuộc tranh ngôi nồi da tháo thịt giữa hai anh em cùng cha khác mẹ sẽ thao diễn ra sao, nhất là Hoàng tử Đảm đã được chính thức chỉ định rồi và cánh Hoàng tử Cảnh trong triều cũng còn mạnh? Cuộc tranh giành này vẫn tiềm tàng nhiều năm sau vì Hoàng tử Cảnh luôn còn sống trong ký ức người dân Điển hình là có những vị quan như Tiền Quân Nguyễn văn Thành muốn tôn dòng chính thống đã mưu toan đưa con Đông Cung lên kế vị. Năm 1833, dưới thời Minh Mạng, Lê Văn Khôi đã dùng chiêu bài tôn phò Hoàng tôn Mỹ Đường để nổi loạn...
Trường hợp Hoàng tử Cảnh chỉ là sự kiện đầu tiên thời Minh Mạng (1791-1841, làm vua 21 năm) trong việc nối ngôi lủng củng ở cung cấm triều Nguyễn. Không có gì dưới thời Thiệu Trị (1807-1847, làm vua 6 năm) nếu không là phục hồi chức tước cho Mỹ Đường, nhiều biến động trong thời Tự Đức (1829-1883, làm vua 37 năm): sau vụ Hồng Bảo (1825-1854), con trưởng vua Thiệu Trị, hai lần mưu giành lại ngôi vàng (1851, 1854), Hồng Tập, cháu nội Minh Mạng, mưu lật đổ ngai vua (1864), xảy ra vụ Loạn Chày Vôi (1866) muốn đưa Ưng Đạo con Hồng Bảo lên ngôi. Tiếp theo, xen lẫn với hai cuộc dấy loạn của Hàm Nghi (1871-1943, làm vua 11 tháng) và Duy Tân (1900-1945, làm vua 9 năm), cuộc truất phế Thành Thái (1879-1955, làm vua 8 năm), một lượt ba vị Dục Đức (1853-1884, làm vua 3 ngày), Hiệp Hòa (1847-1883, làm vua 4 tháng), Kiến Phúc (1869-1884, làm vua 8 tháng) nối tiếp nhau trong vòng vài tháng.
Nhất giang lưỡng quốc ngôn nan thuyết.
Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường!
(Một sông hai nước lời khó nói,
Bốn tháng ba vua điềm chẳng lành!)
Qua thời kỳ những Đồng Khánh (1864-1889, làm vua 4 năm), Khải Định (1885-1925, làm vua 9 năm), Bảo Đại (1813-1997, làm vua 9 năm), tương đối ổn định, không có sự tranh dành rõ rệt, không có phế đế phong vương, nhưng cũng là lúc đất nước đã rơi vào vòng đô hộ, ta hết còn được tự chủ: chuyến đi cầu viện Pháp của Hoàng tử Cảnh dù sao đã để lại hậu quả rải rác trong suốt triều Nguyễn dài gần một thế kỷ rưởi (1802-1945).
Xô thành mừngTết Quý Tỵ 2013
Huế Xưa và Nay 115 (10.02.2013)

Đọc thêm:
- Création d'un Empire rn Cochinchine, Histoire de l'Indochine - La conquête 1624-1885, Philippe Héduy, SPL Henri Veyrier 1983
- Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Đông Cung Nhựt Trình - Hoàng Tử Cảnh, Chim Việt Cành Nam 24 08.2006, Vietsciences 24.11.2006
- Nguyễn Đắc Xuân, Kỳ Noại Hầu Cường Để và phong trào Đông du, Gác Thọ Lộc, tái đăng 9.2005
- Nguyễn Đắc Xuân, Kỳ ngoại hầu Cường Để, Việt Báo.vn 01.01.2006
- Nguyễn Trần Long, Hoàng tử Cảnh của triều Nguyễn: Long đong phận mỏng, Cand.com. 01.10.2008
- My-Van Tran, Prince Cường Để (1882-1951) and his quest for Vietnamese independence, New Zealand Journal of Asian Studies, 1 06.2009
- Tuyết Trần, Giám mục Bá Đa Lộc (Mgr Pineau de Béhaine), OVV 13.06.2009
- Nguyễn Đắc Xuân, Năm 1783 Nguyễn Ánh Có chạy ra Côn Đảo hay không? Nghiên cứu và Phát triển 3 (74) 2009; Gác Thọ Lộc 2009, bổ sung 2012
- Trần Viết Ngạc, Kỳ Noại Hầu Cường Để (1882-1952), Mặc hoàng bào dù chẳng được làm vua, Chim Việt Cành Nam 40 (2) 15.08.2010
- Phạm Hoàng, Thực và hư chuyện vơ và con Hoàng tử Cảnh thông dâm, Cộng đồng 24.04.2011
- Trần Cao Tường, Nghi án Hoàng tử Cảnh và đòn hằn Minh Mạng, lamhong.org 24.05.2011
- Bảo Trung, Giọt mái đỗ quyên tìm về tổ quốc, Vnweblog.com 28.05.2011
- Đinh Minh, Nghi án loạn luân đầy bí ẩn của triều Nguyễn, phunutoday 24.06.2012
40- THÀNH HUẾ XÂY KIỂU VAUBAN
Từ thuở Tam Quốc, người châu Á đã biết xây đồn lũy hình bốn cạnh, xung quanh có tường bằng đất hay đất nhồi rơm, mỗi cạnh có trổ cửa nhỏ, mỗi góc có chòi gác hai tầng với lỗ châu mai tứ phía. Trước đồn có thể thêm vài tiền đồn nhỏ gồm có phên giậu, cọc tre che kín,... Trong rất lâu, hệ thống này đủ để bảo vệ ngày nào khí giới tấn công chỉ là cung tên giản tiện. Khi thuốc súng được khám ra, nếu người Trung Quốc chỉ dùng làm pháo bông hay pháo lửa, người Ả Rập rồi người châu Âu phát huy sáng kiến quan niệm phóng đạn, mở ra kỷ nguyên pháo binh. Nhưng những súng ống người Âu mang sang lúc ban đầu là những khẩu thần công nhỏ chỉ có khả năng phóng ra những viên đạn 20-200kg thì những tường đất, xem như là những thành nuốt đạn, dễ dàng chống đở. Dần dần súng ống Tây phương phát triển, đặc biệt những súng thần công, súng cối, súng tàu biển đặt trên giá,... bắn những viên đạn vừa lớn vừa có tầm súng xa thì công sự buộc phải thay đổi. Đã từng tranh đấu cạnh những sĩ quan người Pháp, đã từng thấy thành tích xây dựng đồn lũy của họ ở miền nam, vua Gia Long không ngần ngại yêu cầu những kỹ sư trình bày một kiến trúc phòng thủ hằng hiệu nghiệm ở châu Âu. Từ cuối thế kỷ 17, qua nhiều thử thách, công sự kiểu Vauban (*) đã được thông dụng ở Pháp cũng như ở châu Âu. Dựa lên những nguyên tắc tấn công mà chính ông đã đề xướng, ông lập nền tảng cho việc xây cất công sự. Công sự phải là nơi chỉ huy trận địa xung quanh, nơi dễ quan sát chiến thuật quân địch, nhưng không nên ở ngay giữa đô thị. Theo ông, tuy cần nhưng không nhất thiết phải ở vị trí cao hơn địch quân, vì vậy công sự nên thấp xuống và có nhiều cạnh thay vì hình tròn để sử dụng tối cao súng pháo. Ông lại nhận xét đập đất chịu đựng đạn đại bác tốt hơn thành đá. Nguyên tắc cần yếu là mọi bộ phận trong công sự phải được bảo vệ ngang hàng nhau. Muốn vậy, mỗi bộ phận phải có những điểm mạnh ngay trước mặt những phần cần bảo vệ. Sau người Pháp là người dù sử dụng có kết quả tốt, người Hòa Lan thêm vào những mặt nước và những sườn dốc đất bảo vệ, hoàn hảo hệ thống Vauban. Dù sao, hình thức công sự phụ thuộc rất nhiều địa thế vì đồng bằng và đồi núi cống hiến những địa hình khác nhau, tất nhiên kiến trúc công trình mỗi nơi phải một khác.
Vua Gia Long đã nghĩ đến việc xây cất kinh đô từ khi lên ngôi năm 1802. Nhưng phải đợi ba năm sau Kinh thành mới được bắt đầu xây dựng bằng đất, đến 1818 chuyển qua gạch, và trong suốt mấy chục năm cả Kinh thành, Hoàng thành, Tử cấm thành luôn được sửa sang, cải tạo, đặc biệt những năm 1838, 1842, 1848, 1884 để hoàn thành một hệ thống thành quách oai vệ, một tổng thể kiến trúc đặc sắc mà ta thấy ngày nay mặc dầu đã trải biết bao tang thương hỏa hoạn. Vào năm 1803-1804 chính vua và những quan Nguyễn Văn Yến, Đỗ Phuc Thạnh, Nguyễn Học, Nguyễn Thông, Trương Việt Súy,...đã tự đi khảo sát địa thế, thiết kế mặt bằng giữa Kim Long và Thanh Hà để chọn địa điểm và đưa ra kích thước, tầm vóc ngôi thành. Ai là người đã vẽ bình đồ ? Tên đưa ra là ông Trí Victor Olivier de Puymanel, một cận thần không rời vua từ mấy năm trước và đã tỏ ra có tài xây dựng pháo đài chiến lũy trong miền nam suốt mấy năm nhà vua đang còn là chúa. Nhưng Puymanel mất năm 1799, sáu năm truớc khi khởi công thì ông không thể tự mình đốc suất được công cuộc xây dựng. Đáng tin là những người có phận sự sau nầy đã dựa lên những khái niệm về thuật bảo vệ bằng công sự của ông để thiết lập bình đồ ngôi thành mới. Những chúa Nguyễn đã đóng đô quanh Phú Xuân từ 1687, một nơi rất thuận tiện để phòng thủ, gần núi để tiện bề rút lui thủ thế, xa biển để dễ tránh sự đột nhập của quân cướp cũng như sự tấn công của những tàu chiến nước ngoài, thì vua Gia Long không mất công tìm kiếm đâu xa. Đằng khác, những thuyền bè dễ dàng đi lại giữa cửa biển và Phú Xuân thì kinh đô có mọi lợi thế của một hải cảng mà không phải chịu đựng những bất tiện quân sự và chính trị. Hơn nữa, xê dịch ra xa cồn chùa Thiên Mụ - người Pháp gọi lầm Tháp Khổng Tử - và gò núi Ngự Bình, Kinh thành tránh được tầm súng đại bác mà địch quân có thể mang lên trên ấy. Vua còn có khả năng xích thành ra gần khuỷu sông phía đông Bao Vinh để sông bảo vệ hai mặt thành đồng thời dễ bề án ngữ cảng nầy, nhưng vì địa thế bắt buộc nếu xây ở đấy thành sẽ không cân đối nên giữ ý xây ở chỗ đã định. Để vẫn bảo vệ được Bao Vinh đồng thời kiểm tra toàn thể sông Đông Ba, năm 1836 những kỹ sư xây dựng sáng kiến ra một công trình nằm ngoài thành về mặt đông bắc, chu vi 1km, mang tên Thái Bình Đài, sau đổi thành Trấn Bình Đài, tục gọi Mang Cá vì trong đồn có hai cái hồ gần nhau hình chữ V giống hai mang con cá. Công trình đặc sắc có một không hai này chắc chắn không nằm trong hồ sơ ông Puymanel. Tuy có một số bất tiện trong việc sử dụng súng ống, đồn nầy đã được tính toán rất kỹ lưỡng về mặt sắp đặt lẫn mặt kích thước, phòng ngừa ngay cả phương cách phản kích lúc đồn bị quân địch chiếm đóng.
Trước khi xây dựng Kinh thành, một công tác cần thiết là cuộc bố trí sông ngòi, bắt đầu với vua Gia Long, được tiếp tục dưới thời vua Minh Mạng. Khoảng ba vạn dân và lính tráng các tỉnh miền trung đã được mộ về Huế. Từ Bao Vinh, hai chi lưu tách rời sông Hương để rồi đổ vào lại, cánh Tiễu Giang phía bắc đổ cạnh chùa Thiên Mụ, cánh Kim Long giữa Tiễu Giang và Hương Giang băng qua Thế Lại và Vạn Xuân rồi đổ vào gần Kim Long. Hai cánh sông này được đào bới, uốn nắn ra khỏi dòng nước thiên nhiên. Cánh Kim Long, sau này mang tên Ngự Hà, được cho chảy dọc theo Hoàng thành, cạnh những vựa lúa và kho hàng, chỗ đổ vào sông được đào thành liên tháp để thuyền đò có thể đi lại chuyên chở lúa gạo, hàng hóa. Cánh Tiễu Giang được uốn chảy ngoài Kinh thành, quanh đồn Mang Cá, dưới thời Minh Mạng mang tên Hộ Thành Hà, tục gọi nhiều tên: sông Kỷ Vạn mặt tây, sông An Hòa mặt bắc, sông Đông Ba mặt đông tùy tên làng xóm ven sông. Bắc qua sông có nhiều cầu, phần lớn lúc đầu xây bằng gỗ sau mới xây lại bằng sắt hay xi măng: Lợi Tế (tức Bạch Hổ), Cửu Lợi (nguyên Bạch Yến rồi Kim Long, nay mất tích), Trường Lợi (nguyên Huyền Yến), Tịnh Tế (nguyên Huyền Hạc, nay mất tích), Bao Vinh (xây ngay bằng xi măng), Đông Hội (nguyên Thanh Tước, nay đã phá), Thế Lại (tục gọi Kẻ Trài, nay mất tích), Đông Ba (hay Đông Gia), Gia Hội (nguyên An Hội, đầu cầu có chợ Được). Ngoài thành, còn có những cầu Hoằng Tế, Hàm Yên (hay Thăng Long) và cầu Trường Tiền xây năm 1887, gần xuởng đúc tiền, sửa lại năm 1906, mở rộng năm 1938. Ban đầu, thành sơ khởi bằng đất cao hơn 6m, rộng dưới 2m50, trên 2m, khi hai bên đất có ốp ngoài bằng gạch những năm 1818, 1822 thì bề rộng lên đến 21m. Lần nầy cũng khoảng tám vạn dân và lính được huy động xây cất dưới quyền đốc suất của các quan Hoàng Công Lý, Trương Phúc Đặng, Nguyễn Đức Sĩ. Kinh thành có mười cửa chính, phần lớn xây năm 1809, mỗi cửa ba tầng cao khoảng 16m, vọng lâu năm 1829, trông như ngôi miếu, mái lợp ngói âm dương, góc hình con phụng, trong khoét hai chữ thọ lớn. Mỗi cửa có tên riêng: cửa Chính bắc, tục gọi cửa Hậu vì nằm ở phía sau; cửa Tây bắc, tục gọi cửa An Hòa vì thông ra làng An Hòa; cửa Chính tây; cửa Tây nam, tục gọi cửa Hữu vì nằm ở bên mặt; cửa Chính nam, tục gọi cửa Nhà Đồ vì có nhà để đồ binh khí; cửa Quảng Đức, tục gọi cửa Sập, từ đây vua Hàm Nghi chạy trốn hồi thất thủ Kinh đô năm Ất dậu 1885; cửa Thể Nguyên đổi thành Thể Nhơn, tục gọi cửa Ngăn, cửa vua từ Hoàng thành đi ra sông Hương, hai bên có xây thành cao chia ngăn; cửa Đông nam, tục gọi cửa Thượng tứ vì phía trong có viện Thượng kỵ và tàu ngựa Mã khái; cửa Chính đông, tục gọi cửa Đông Ba vì thông ra xóm Đông Ba (chợ Đông Ba năm 1900 được dời ra ngoài giại trên bờ sông Hương nhưng vẫn giữ tên cũ); và cửa Đông bắc, tục gọi cửa Kẻ Trài vì thông ra xóm bán hàng trài là các thứ đồ đồng, đồ sơn, hàng lụa,... từ ngoài bắc đem vào. Từ Trấn Bình Đài thông ra ngoài có hai cửa không có vọng lâu, cao không quá thành : Trấn Bình Môn, sau đổi thành Thái Bình Môn và cửa Trường Định, tục gọi cửa Trít. Giữa mặt nam Kinh thành, thẳng đứng một Kỳ đài là cột cờ cao 30m, cũng bắt đầu xây năm 1809. Về sau, khi được xây bằng đá, Kỳ đài này, một phong cách kiến trúc độc đáo Việt lai Pháp, gốc lớn lên ba tầng 18m là nơi phất phới lá cờ đất nước, lại là một đài quan sát thuận lợi
Dựa lên nguyên tắc âm dương ngũ hành của Dịch học, những nhà kiến trúc đã cho hướng Kinh thành về phía nam vì theo Kinh dịch "vua quay mặt về phía nam để cai trị thiên hạ", tùy theo địa bàn phong thủy thành nghiêng qua một chút trên trục tây bắc - đông nam. Thành dùng núi Ngự Bình ở phía nam để làm tiền án thần bí chống mọi ảnh hưởng tai hại , sử dụng Cồn Dã Viên và Cồn Hến ở thượng lưu và hạ lưu sông Hương như hai thế "tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ", để ngăn chặn mọi quyền lực vô hình. Trong thuyết chuyển động xoay chiều hô hấp toàn năng, luồng khí của những xung động động mạch được đắp hình trên mặt đất qua những đồi núi, dòng lưu thông thể hiện thành sông ngòi hay hệ thống những suối ngầm. Rồng xanh biểu thị hơi lành, cọp trắng hơi độc, nơi nào có rồng là nơi ấy có cọp và phải một cuộc trùng phùng phong thủy đặc sắc mới gây ra được vị trí rồng xanh bên trái, cọp trắng bên mặt. Trong phong thái ấy, Kinh thành Huế tọa lạc trên bờ bắc sông Hương, choáng địa phận của tám làng Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, Thế Lại và An Bửu, với một chu vi khoảng 10km, là một diện tích khá lớn và có thể xem như một công trình gia cố, bảo vệ hoàng triều. Kinh thành là một hình bốn cạnh rộng hơn 500ha, mỗi cạnh dài hơn 2200m là bốn chiến hào thẳng, cạnh thứ tư ngang cột cờ vòng về phía trước ở giữa. Trên mặt thành có đủ giác bảo, pháo nhãn, 24 khuôn cửa tương đương với 24 pháo đài trang bị mỗi khuôn từ từ hai đến chín khẩu ca nông. Dưới chân thành, một thảm đất thành giai rộng 70-90m nối liền với hào thành. Sau tường gốc, một lan can đất chiếm một khoảng gần 20m bên trên, 21m bên dưới. Đằng sau pháo đài, lan can thấp xuống dần đến tận đất, mỗi bên có đường mòn để dễ leo lên. Bên trong mỗi pháo đài là một kho súng đạn dấu dưới lan can đất. Tổ chức thành lũy xem như là đầy đủ, hoàn hảo.
Để bảo vệ kinh thành, ngoài thành lũy vừa thấy, còn có hai chướng ngại nữa là hào trong và sông ngoài. Hào thành với đá xây đắp thành tường, rộng từ 40m trước các pháo đài đến 60m trước các thành liên tháp, sâu 4m với 1m50 nước. Mặt cắt trước pháo đài trình bày khoảng 160 m2 trong lúc mặt cắt lan can chỉ có 120 m2. Đất đào để làm hào đã được đem lên đắp thành lan can trên thành. Các pháo đài thường được tổ chức để sử dụng đại bác, tuy nhiên một số đất đã được đem đến đắp vào hai bên và ở góc làm thành một ụ nấp cho những lính quỳ bắn. Sông ngoài mang tên Hộ Thành Hà từ 1821 dưới thời vua Minh Mạng, đến 1837 mới được đắp đá hai bên bờ. Sông bao bọc ba phía thành quách, liên lạc với các pháo đài đông-bắc, đông-nam và tây-nam, sông Hương chảy dọc theo thành nam phía thứ tư. Vào thời ấy, bốn cầu bắc ngang qua : cầu xe lửa ở góc tây-bắc, cầu lên chùa Thiên Mụ ở góc tây-nam, cầu Gia Hội ở góc đông-nam và cầu nhỏ Đông Ba trước cửa Chính đông. Sông Đông Ba là khúc sông sâu và rộng, thường được thuyền lớn sử dụng để tránh khuỷu sông ở Bao Vinh, nhưng rất khó vận dụng vào lúc thủy triều lên nên là một chướng ngại đáng kể. Tuy nhiên chuyên gia thấy ngay từ đấy rất dễ bắn vào thành lũy. Cũng may là những quân địch của vua Gia Long hồi ấy không có súng ống đủ mạnh để đánh sụp những thành đất có ốp ngoài bằng gạch. Kinh nghiệm nầy vua đã rút với những thành đã xây ở miền nam, cạnh biên thùy như Hà Tiên, Long Xuyên, Tây Ninh, hay trên những trục giao thông chính như Vĩnh Long, Mỹ Tho, Biên Hòa, nhất là với thành Gia Định được Puymanel xây năm 1790, công sự đầu tiên theo kiểu Vauban trước khi nhà vua lên ngôi. Thành nầy bị vua Minh Mạng san phẳng năm 1836 sau vụ Nguyễn Văn Khôi nổi loạn chiếm giữ từ 1833 đến 1835.
Thừa biết một công sự kiểm soát đất đai phụ cận, hay hơn nữa cả vùng xung quanh, sau nầy vua Gia Long rồi vua Minh Mạng cho xây công sự ở mỗi tỉnh lỵ miền trung và miền bắc, địa điểm không nhất thiết chọn lựa tùy theo địa thể mà còn quan trọng hơn là dựa lên những dữ kiện phong thủy. Công sự một tỉnh Bắc Ninh trên điểm gặp nhau những đường Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn, những thung lũng sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, xây năm 1805, đáng lý ra phải cất trên các đồi Thị Cầu là nơi đã có một đồn cũ, lại được kiến thiết giữa đồng ruộng vùng nước ngập sông Cầu. Có thể giải thích là vì ở đồng bằng dễ vẽ ra một hình nhiều cạnh hoàn hảo, rộng lớn, nằm ngang đúng theo bình đồ Vauban, đằng khác những đồi núi được xem như những bình phong bảo vệ chống những thế lực vô hình tai hại. Đồng thời với Huế, thành Hà Nội được xây năm 1805, hình vuông, mỗi cạnh có ba liên tháp và hai tháp đài lồi, mỗi tháp mở ra một cánh cửa gỗ và một cái cầu để vượt qua hào rộng 20-40m quanh thành. Thành Hà Nội được phá vỡ những năm 1896-97 vào lúc thành phố cần được mở rộng. Năm 1805, vua Gia Long bắt đầu cho cất thành Bắc Ninh bằng đất, năm 1824 cho xây lại bằng đá ong, đặc biệt sáu cạnh, thành dài 2300m, có bốn cửa mở ra bốn cái cầu vượt qua hào. Trong lúc đó, công sự Sơn Tây được xây năm 1822, hình vuông, thành có bốn cửa, ngoài có hào và thành giai bảo vệ. Đến lượt công sự Nam Định năm 1833, cũng hình vuông nhưng không có cửa, ra vào phải qua một liên tháp là một công trình phòng thủ chìa ra trước. Rồi một lượt các công sự khác, tương đối giản tiện hơn, trong mấy năm liền được xây thêm : Vinh (1831) theo mẫu Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Tĩnh (1833), Thái Nguyên, Đồng Hới và Quảng Trị (1837),...theo mẫu Nam Định. Tất cả các công sự đều là những đồn lính trang bị vũ khí, vừa là cơ quan hành chánh, biểu tượng chính quyền, vừa là trung tâm thương mãi, trao đổi hàng hóa của cả một vùng.
Trong số các công sự hai vua Gia Long và Minh Mạng không ngớt cho xây khắp các tỉnh trong nước, những công trình dựa lên phong thủy, bên ngoài Kinh thành địa thế, bảo vệ theo kiểu châu Âu, bên trong Hoàng thành, Tử cấm Thành kiến thiết, tổ chức theo lối Á Châu, để củng cố uy thế quyền lực đế vương, một chính quyền kéo dài từ 1802 đến 1945, thành Huế nay là kiệt tác độc nhất của nhà Nguyễn còn đứng vững và còn huy hoàng hơn nếu không có hỏa hoạn và chiến tranh tàn phá. Đặc biệt thành lũy Kinh thành, đặc biệt với đồn Mang Cá bên ngoài, phía nam có núi Ngự Bình làm bình phong án ngữ những thế lực nguy hại, hai bên Cồn Dã Viên và Cồn Hến ngăn chận mọi uy quyền vô hình, phía nam có sông Hương uốn lượn bảo vệ toàn một cạnh thành, là một thành công trong cuộc hỗn hợp kiến trúc Pháp và trí óc Việt tuy không có dịp phô bày hiệu lực trước một thử thách.
Xô thành tiết thu phân 2009
Huế Xưa và Nay 97 2010
(*) Chú thích
Dù không trực tiếp chị huy cuộc xây đắp Kinh thành Huế, tên tuổi Vauban đã được gắn liền với thành lũy đế vương độc nhất còn đứng vững trên đất Việt nam. Sinh năm 1631 ở thành phố Saint-Léger tỉnh Yonne, đến 18 tuổi ông được tuyển vào quân đội Condé vào lúc đang chống lại vua Louis XIV và Mazarin. Rất mau ông được xem là một người can đảm và nhất là có tài xây dựng pháo đài. Bị bắt, ông được Mazarin đón nhận và thuyết phục ông nhập vào quân đội nhà vua. Từ đây bắt đầu năm mươi năm trung thành và tận tụy với Louis XIV. Đậu kỹ sư năm 1655, ông lần lượt thong thả được phong trung úy, đại úy, nhưng nhờ tỏ ra có tài năng trong thời gian thành phố Lille và một đồ án xuất sắc, ông được phong thống đốc thành phố Lille và từ 1668 chịu trách nhiệm mọi pháo đài của Pháp. Từ đây ông đi lại kiểm soát mọi nơi, dự mọi trận đánh, để lại câu truyền : Vauban đánh thành nào chiếm thành ấy, Vauban canh thành nào giữ thành ấy ! Vua rất bằng lòng, thưởng ông Croix de Saint-Louis, nhiều tiền để mua lâu đài Bazoches và thăng quan mọi trật trong quân đội đến thống chế năm 1703 vào lúc 70 tuổi. Vauban là một nhà binh rất sáng suốt, luôn coi trọng đời sống của quân mình. Đằng khác, ông hơn người ở chỗ nhận ra rất lanh địa thế và biết lợi dụng ngay điểm yếu của địch quân, khi tấn công cũng như khi thủ thế. Đồng thời với thái độ thường xuyên quấy rối địch quân, Vauban luôn coi trọng cuộc xây dựng một pháo đài và, dựa lên những công trình lý thuyết của bá tước Pagan, cuốn Chuyên luận về sự phòng thủmột cứ điểm của ông là cuốn sách đầu giường chiến lược của biết bao chuyên gia châu Âu thời ấy. Là một người hào hiệp, ông luôn lo cho người nghèo. Ông cũng là người tò mò, luôn đi lại để biết đây biết đó. Ngoài những thiên về đồn lũy, ông để lại những cuốn Chuyên luận về trồng rừngĐi lại trên sôngYÙ niệm một quý tộc ưu tú,... và nhất là cuốn Nhàn rỗi kỳ lạ cho một người làm việc nhiều như ông, trong ấy ông bàn luận đủ mọi vấn đề, từ quân sự, canh nông qua kinh tế, chính trị,...Ngay sau cuốn Quyền thu tô phần mười của nhà vua viết năm 1707 đề nghị những biện pháp để nhà vua đạt lại tình yêu của dân chúng, đồng thời giải quyết vần đề tài chính, không được xuất bản lại bị cấm hai lần, nhà vua cũng mấy theo, ông buồn rầu từ trần năm 74 tuổi. Dù sao, ông có thể tự hào đã để lại tên tuổi cho hậu thế, ngay cả ở xứ Việt Nam xa xăm.
Tham khảo
- Lt-Colonel Ardant du Picq, Les fortifications de la Citadelle de Hué, Bulletin des Amis duVieux Hué (1924) 221-245
- H. Cosserat, La Citadelle de Hué : cartographie, Bulletin des Amis duVieux Hué (1933) 1-65
- Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha Văn hóa Bộ Quôc gia Giáo dục, Sài Gòn (1960)
- Robert Bornecque, La France de Vauban, Arthaud (1984)
- Phan Thuận An, Kiến trúc Cố đô Huế, Thuận Hóa(1997)
- Nicolas Micallef, Les citadelles dans le Viet-nam du XIXe siècle, www.net4war.com (1999)
41- MỘT ÔNG QUAN TÂY THỜI NGUYỄN
Để tranh thủ ngôi báu với anh em Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã đi cầu viện Pháp. Năm 1783, ông cậy đức ông Pierre Joseph Georges Pigneau (hay Pigneaux) de Béhaine (người Tàu phiên âm Pierre Pe-to-lo, ta đọc Bá Đa Lộc, và Pigneau thành Bi Nhu nên có tước Bi Nhu quận công), Giám mục Adran, đem Thái tử Cảnh qua Paris gặp vua Louis XVI. Đức Giám mục Pigneau (1741-1799), quê quán vùng Picardie miền bắc nước Pháp, là con trưởng một gia đình 19 người con, năm 24 tuổi trong khuôn khổ Hội Truyền giáo ở Nước ngoài tại Paris (Société des Missions Etrangères de Paris MEP), còn được gọi Hội Thừa sai, được gởi qua Cochinchine (Cochin bên phía Chine - Trung Quốc, tức Nam Bộ, để tránh lầm lẫn với Cochin bên xứ Karala - Ấn Độ), mất ở cửa Thị Nại, Quy Nhơn trên đường hộ tống Nguyễn Ánh. Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh (1780-1801) là con của chúa Nguyễn Phúc Ánh và bà Tống Thị Lan sau nầy được phong Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Một hiệp ước gọi là Traité de Versailles được ký ngày 28.11.1787 giữa vị Bộ trưởng bộ Ngoại giao Pháp, bá tước Montmorin, và đức Giám mục Pigneau. Theo hiệp ước nầy, trong số các hứa hẹn, vua Pháp sẽ cung cấp ba thuyền chiến, 1200 bộ binh, 200 pháo binh và 250 quân Nam Phi đầy đủ súng ống, còn chúa Nguyễn Ánh nhượng cho Pháp đảo Phú Quốc, thành phố Hội An chi phối hoạt động hải cảng Tourane tức Đà Nẵng ngày nay, quyền tự do buôn bán khắp nước, quyền không đóng thuế quan ngoài thuế mà người bản xứ phải đóng. Đức Giám mục Pigneau tin tưởng nhiều ở hiệp ước nầy nhưng chính phủ Pháp không thật tình và ngay sau đó có lệnh cho bá tước Conway, người được chỉ định điều khiển cuộc viễn chinh, đừng thi hành. Thành thử khi đức Giám mục Pigneau đến Pondichéry ngày 18.05.1788 thì có sự bất hòa giữa ông và Conway. Một năm sau, ngày 15.06.1789, ông và Hoàng tử Cảnh được chở về nước trên chiếc chiến hạm Méduse cập bến Sài Gòn ngày 24.07.
Có nhiệm vụ đi cầu viện mà không lẽ về tay không, đức Giám mục Pigneau nỗ lực chạy vạy, đàm phán với những nhà buôn ở Ấn Độ, nhất là ở Pondichéry, để được giúp đở về mặt tài chánh (ông quyên được 15.000 quan tiền vàng) và vật liệu cần thiết, đồng thời cũng kiếm cách chiêu mộ quân binh, đặc biệt những người có tài tổ chức. Trong số những người "tự nguyện" rời bỏ tàu chiến của vua Pháp, có Victor Olivier de Puymanel (ông Tín), quê gốc Carpentras, những sĩ quan hải quân thuộc địa Jean-Marie Dayot (ông Trí) quê Redon, Charles-René Magon de Médine, những sĩ quan hải quân Philippe Vannier (ông Chấn) quê Auray, Jean-Baptiste Chaigneau (ông Thắng) quê Lorient, những thủy thủ quý phái Godefroy de Forsanz (Nguyễn Văn Lăng tức ông Lăng), Julien Girard de l'Isle Sellé là một thương gia trở thành chiến binh, những bác sĩ Desperles, Despiau,... và nhiều pháo thủ, hoa tiêu, lính thủy phần lớn quê quán vùng Bretagne, cùng chung một chí hướng ham muốn phiêu lưu, mạo hiểm ở phương trời xa lạ. Alexis Faure trong một cuốn sách về đức Giám mục Pigneau đưa ra con số 369 quân binh từ 12 chiếc tàu thủy ngược xuôi chạy quanh vùng thời ấy, cộng thêm gần toàn bộ đoàn thuỷ thủ các chiến thuyền Revanche, Espérance, Ariel và Flavie năm 1794 bị tước khí giới ở Mã Cao. Ở Sài Gòn, đức Giám mục Pigneau khéo léo phối hợp mọi cố gắng, bổ nhiệm mỗi người vào một chức vị thích hợp. Jean-Marie Dayot (1760-1809), từ 1790 đến 1795, là một trong những người đầu tiên đã tổ chức hải quân theo kiểu Tây phương, năm 1792 điều khiển một đơn vị thủy quân đánh thắng quân Tây Sơn. Chính trong đơn vị nầy mà những sĩ quan người vùng Bretagne Philippe Vannier, Guillaume Guilloux, Jean-Baptiste Guillon quê gốc Vannes, Renon quê gốc Saint-Malo đã lập thành tích. Cũng nhờ những tàu chiến kiểu Tây phương, với những đoàn thủy thủ tinh nhuệ Việt, Nguyễn Ánh đã thắng được nhiều trận.
Trong lúc ấy, trên bộ, từ 1790, chàng trẻ Victor Olivier de Puymanel (sau nầy được gọi Ông Tín, rủi ro chết sớm lúc vừa 31 tuổi khi đi thi hành nhiệm vụ ở Malacca) được phong làm chỉ huy pháo binh đồng thời ủy nhiệm xây cất pháo đài với Théodore Lebrun làm phụ tá. Mới 22 tuổi, anh ta thành công trong mấy tháng xây dựng thành Gia Định theo kiến trúc Vauban (1633-1707) với những dụng cụ thô sơ và nhân công sở tại ứng biến. Thành nầy nay không còn nữa vì vua Minh Mạng đã cho đập phá nhưng những bản đồ để lại đã gây khâm phục không ít ở những kiến trúc sư. Ba năm sau, anh ta lại xây một pháo đài ở Diên Khánh và sau nầy những thành khác đều do đồ đệ của anh ta thực hiện. Với sự tiếp sức của Laurent Barisy (ông Mân), anh thành lập một thứ trường quân sự đào tạo sĩ quan cho quân đội Nguyễn Ánh. Đồng thời anh chỉnh đốn pháo binh, thích ứng những khí giới chiến dịch mà tính di động và khả năng giết chóc đã gây nhiều thiệt hại cho địch quân.
Người ta thường đánh giá một đội quân hồi ấy tập luyện theo lối Tây phương, kỷ luật nghiêm khắc, thành thạo vừa tấn công vừa phòng thủ, hợp lực với thủy quân, là công cụ cốt yếu sự thành công sau này của Nguyễn Ánh, thành tích đáng kể trước lực lượng hùng mạnh của Tây Sơn. Kể từ 1790, sau mười năm chiến đấu, lúc thắng khi bại, nhiều lần bị quân Tây Sơn truy kích phải chạy trốn, Nguyễn Ánh nhẫn nại phản công năm 1800 đánh phá chiến thuyền Tây Sơn ở vũng tàu Qui Nhơn, thừa thế tiến ra Bắc và, nhờ tài thao lược của Lê Văn Duyệt, chiếm đóng Huế năm 1801. Sau trận thắng Nhựt Lệ đầu năm 1802, Nguyễn Ánh dễ dàng thôn tính miền Bắc và thống nhất sơn hà, lên ngôi vua.
Hòa bình trở lại, những quân binh Pháp hết còn được dùng, tự hỏi có được giữ lại trên đất Việt Nam nữa không. Vua Gia Long thông minh thấy cần có quanh mình những người Tây phương thông thạo phong tục đất nước ta để dùng làm thông ngôn đồng thời gây tín cẩn trong những cuộc đàm phán với người nước ngoài, đặt biệt với người Pháp. Jean-Baptiste Chaigneau là một trong những người được giữ lại. Ông là con thứ 8 trong số 13 người con của bà vợ thứ nhì ông Alexandre-Georges Chaigneau, một thuyền trưởng rất được tín nhiêm dưới thời vua Louis XVI. Bà Bonne-Jacquette Pérault sinh ông ngày 08.08.1769 tại Lorient. Mồ côi mẹ năm 10 tuổi, hai năm sau, biết đọc, biết viết, biết bốn phép tính, ông tình nguyện ghi tên vào Hải quân và lần lượt được tuyển dụng lên các chiến thuyền Necker (1781), Ariel (1782), Subtile (1784). Chiếc sau nầy nhổ neo sang Ấn Độ và, cùng một người em, Etienne, ông đã được viếng Pondichéry, Mahé, Madagascar, Batavia, Quảng Đông, Manille... Có điểm tốt, ông được dạy luyện về mặt thực hành kỹ thuật vận hành, hoa tiêu, pháo kích như những sinh viên trường Hải quân. Được thăng chức thiếu úy thủy quân, một chức vị chưa chính thức, ông xin theo học Trường Địa lý Thủy văn, nhưng sau đó ông gặp nhiều khó khăn để thăng quan vì ông xuất thân chỉ là một người "tình nguyện". Không muốn chờ đợi một quyết định lâu đến, ngày 29.09.1791, ông tòng quân lên chiếc tàu thương mãi Flavie được vũ trang trên đường qua Á Đông. Rủi ro cho ông, ngày 24.03.1794, chiếc Flavie bị tước khí giới ở Mã Cao để tránh lực lượng nước Anh. Chính thức bị giải ngũ, chứ không phải đào ngũ, đáng lẽ trở về Pháp nhận nhiệm vụ với chính quyền mới vì gia đình đã lo liệu mọi giấy tờ, ông theo đuổi mộng phiêu lưu của mình, một phần nữa cũng vì cảm phục tâm hồn cao thượng của đức Giám mục Pigneau, chạy qua Nam Bộ sung quân Nguyễn Ánh, theo dõi anh bạn cũ Laurent Barisy đã có mặt ở đấy. Năm ấy, ông vừa lên 25 tuổi.
Khi ông đến Sài Gòn đầu tháng 04.1794, cả đức Giám mục Pigneau lẫn Laurent Barisy đều vắng mặt nên ông chưa quyết định nhập ngũ ngay. Qua lại Mã Cao nhiều lần, rút cuộc đến đầu 1797, sau khi Jean-Marie Dayot từ chức, thiếu sĩ quan, ông mới được tuyển dụng vào thủy quân Nguyễn Ánh, ở chức Cai đội chỉ huy đại đội, như Philippe Vannier và Girard de l'Isle Sellé. Cùng với các bạn đồng hương khác, ông được phong tước Hầu. Trên thực tế, lúc ban đầu chưa thấy rõ chức vụ của ông là gì. Trong một hải quân gồm có 447 chiếc tàu, ông luôn có mặt bên cạnh đức Giám mục Pigneau qua các trận đánh từ 1797 đến 1799. Có lẽ vai trò của ông rất quan trọng và ông đã được đức cha quý mến vì trước khi chết ở đầm Thị Nại hôm 09.01.1799, đức cha đã tặng ông một cái máy lục phân, một bộ áo quần Tây phương mới tinh đựng trong 6 cái rương, 6 bộ đồ ăn bằng bạc, một hòm rượu đỏ, con ngựa trắng của ông... đồng thời dặn dò nếu ông ở lại thì phải lo liệu cho ông một mảnh đất có vườn tược để ông xây nhà. Qua tháng 3 năm 1800 ông được chính thức thăng các chức Khâm sai, Thuộc nội, đến tháng 12 năm 1802 được ban tước Thắng Toán Hầu, đổi thành Thắng Đức Hầu một tháng sau nhưng qua tháng 8 năm 1807 trở lại tước Thắng Toán Hầu. Nhiệm vụ mới của ông là chỉ huy chiến thuyền Long Phi và ở cương vị nầy, ông tham dự chiến dịch Qui Nhơn hai ngày 28-29.02.1801, một trận thủy chiến vĩ đại mà những nhà điều hành, trong điều kiện gió mùa đông bắc, phải vững chắc về đủ mọi mặt nhìn tổng quát, óc biển cả, tính táo bạo. Trong trận đánh thắng nầy, ông đã có công lớn cùng với Philippe Vannier và Godefroy de Forçanz. Sau đó ông dự cuộc đánh lấy Tourane-Đà Nẵng rồi cuộc phong tỏa Huế dưới quyền chỉ huy của Giám quan Phạm Văn Nhân. Ông được thăng Cai cơ chỉ huy trung đoàn bắt đầu từ tháng 3.1802.
Lâu ngày ở xứ người Jean-Baptiste Chaigneau có cảm tình với dân bản xứ, đượm phần luyến ái nữa là khác. Thêm vào đó, vua Gia Long muốn giữ ông lại, tạo điều kiện dễ sống cho ông, nhà cửa, vợ con, danh lợi, phẩm tước,....nên ông quyết định đồng ý ở lại. Ngày 08.08.1802, ông mua một ngôi nhà ở làng Dương Xuân trên bờ sông An Cựu. Ngày 10, ông cưới bà Benọte Hồ Thị Huệ ở nhà thờ Thợ Đúc, cạnh Phủ Cam. Bà nầy trong 13 năm sinh cho ông được 11 người con mà 6 người chết khi còn nhỏ (4 trai : Thế, Phước, Đảng, Sanh, 2 gái : Hữu, Nghi) chôn gần nhau bên cạnh mộ bà - mất khi nằm nơi đứa con cuối cùng ngày 12.09.1815 - ở làng Phước Quả (Phú Cam). Vua Gia Long thăng ông lên chức vị Chưởng cơ, tương đương với Đại tướng. Khi làm văn bằng tước Thắng Toán Hầu, vị quan lưỡng lự về tên Pháp của ông (có lúc phiên âm là Xa nhu hay Xe Nho), vua Gia Long liền đặt cho ông một tên Việt : Nguyễn Văn Thắng, từ đó ông có quyền mặt một quần lụa đỏ như thấy trong tranh vẻ hiện được một người cháu nội giữ. Bức tranh nầy (60,5 X 47,7 cm) không có đề ngày và tên họa sĩ thực hiện, có lẽ vào khoảng 1805, lúc ông có 35-36 tuổi. Bức tranh được đem về Bretagne năm 1820, khi ông trở về nước lần thứ nhất, bị hư hại nhiều nên được khôi phục lại, nhưng người thợ vẽ Pháp đã thêm vào những chi tiết không đúng, thậm chí xóa bỏ hay thay đổi những chi tiết trong y phục. Dù sao giá trị bức tranh nầy, dùng làm hình bìa cho cuốn sách "Một ông quan người vùng Bretagne phục vụ vua Cochinchine" của tác giả André Salles (1860-1929), là trình bày cho ta quân phục thời Gia Long với nhiều ảnh hưởng Âu Tây. Trong bức tranh nấy, ông Chaigneau mặc một chiếc áo màu sẫm thêu có cổ áo cao và cổ tay đỏ, ngang lưng kiếm cài giây thắt, một chiếc quần đỏ, đầu đóng khăn, chân đi ủng. Ngù vai độc nhất bên phải chỉ định chức thuyền trưởng chiếc Phi Long. Ở Huế, vào tuổi 30, mặc dầu đầy đủ danh phẩm, tiền tài, Jean-Baptiste Chaigneau thấy thiếu thốn vì sau 21 năm thủy thủ trên biển, bây giờ ông phải ngồi làm quan trên bộ ! Ông tiếp tục chỉ huy chiếc Long Phi (cho nên sau nầy người ta có tên gọi Ông Longhay Chủ tàu Long )được đem về Huế để ông tiện việc sử dụng, nhưng nó không còn là một chiến thuyền nữa, đoàn thủy thủ giảm bớt còn 50 người đủ để coi giữ và bảo dưỡng chiếc tàu.
Qua mùa thu 1803, ông được giao phó một nhiệm vụ thời bình. Một chiếc tàu Anh cập bến Tourane-Đà Nẵng, viên thuyền trưởng Roberts có mang theo một lá thư của Công ty Ấn Độ nước Anh gởi vua Gia Long. Triều đinh Huế liền phái hai vị quan Chaigneau và Vannier đi đường bộ vào lấy thư, đồng thời tìm xem ý đồ và kế hoạch của họ. Philippe Vannier (1762-1842) được đặt tên Nguyễn Văn Chấn, lấy vợ Việt là bà Nguyễn Thị Sen, có một cuộc sống ở Huế song song với tiểu sử Chaigneau. Sứ mệnh nầy rất quan trọng vì viên thuyền trưởng được xem như là một ông đại sứ và chiếc tàu Anh nấn ná đến tháng 08.1804 mới nhổ neo. Trước khi từ giả, viên thuyền trưởng trao cho hai vị quan một lá thư đả kích, hỗn xược lại còn dọa nạt nếu vua Việt Nam thuận ban bất cứ một dễ dãi nào cho những kẻ địch của nước Anh thì sẽ phải chuộc lấy oán giận của chính phủ Anh. Những kẻ địch ở đây ám chỉ nước Pháp, lời lẽ lá thư cho thấy viên thuyền trưởng chẳng đạt được mục đích củamình và trong một cuộc thương thuyết chắc là khó khăn, hai vị quan đã khéo léo bênh vực chính phủ mình đại diện. Người ta ít rõ cương vị của họ trong triều đình. Michel Đức (1803-1894) người con trưởng của Chaigneau, trong cuốn Kỷ niệm ở Huế, kể lại thấy cha mỗi tuần ít nhất ba lần mặc lễ phục, lên vỏng, có lính hầu, vào đại nội họp Hội đồng. Qua các thư từ, người ta biết ông chú trọng đến các vấn đề sinh sống dân nghèo, bất công xã hội, tham nhũng quan lại,.... và nhất là tự do tôn giáo : ông sợ những tín đồ công giáo bị bài xích. Một vấn đề khác làm ông bận lòng là nếu vua Gia Long tiếp tục giữ một mối tình giao hảo với ông, vài quan Việt trong triều ngày càng tỏ ra thái độ ghen tuông, chống đối. Từ năm 1806, ông đã có những dấu hiệu chán nản. Nhưng như vua Gia Long đã đoán trước : tình thế một vợ, bốn con, nhà cửa, bổng lộc như tuồng đã trói chân ông lại đây. Năm 1808, lần đầu tiên ông nhận được tin nhà và ông bắt đầu có ý trở về lại Pháp. Điều làm ông bâng khuâng là trước lòng tốt của vua Gia Long, ông không muốn tỏ ra là người vô ơn, bạc bẻo.
Ngày 15.01.1817, goá vợ, ông cưới bà thứ nhì rất trẻ, Hélène Barisy (con người bạn Laurent Barisy), ở nhà thờ Phủ Cam, sau nầy sinh cho ông 4 người con. Trong năm 1817, khi chiếc thuyền Henry chịu chở ông và gia đình miễn chi phí về Pháp, ông rất muốn nhận lời rồi lại thôi. Cuối năm ấy, chiếc Cybèle chính thức được gởi đến Huế để nối lại tình hữu nghị giữa hai nước qua trung gian của Chaigneau và Vannier, nhưng vì thiều lá thư giới thiệu của vua Pháp, thuyền trưởng Kergariou không được triều đình tiếp kiến.
Thất bại trong sứ mạng này, Jean-Baptiste Chaigneau lại còn phải chịu đựng những hành vi chống đối ngày càng nhiều của các quan trong triều. May vào lúc ấy, có tin ông và Vannier được tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh của Pháp theo chỉ dụ ra ngày 26.08.1818. Với huân chương này, ông tin tuởng là sẽ được đón tiếp nồng hậu ở Paris. Thêm vào đó, chiếc thuyền Henry trở lại và ông thuyền trưởng Rey một lần nữa lặp lại đề nghị chịu chở ông và gia đình về Pháp. Lần nầy, ông quyết định rời Huế, bán cái nhà ở Dương Xuân, làm giấy tờ khai sinh cho mấy đứa con với đức Giám mục Jean La Bartette de Véren, người thay thế đức cha Pigneau, và mạnh dạn trình cho vua Gia Long biết mong ước của mình. Trong cuốn Kỷ niệm ở Huế, Michel Đức, một nửa thế kỷ sau, đã tường thuật lại cuộc tiếp kiến cảm động nầy, nói lên nỗi quyến luyến giữa một ông vua đầu óc rộng rãi và một ông quan ngoại quốc đã nhiều năm vào sinh ra tử với mình. Vua Gia Long lưỡng lự nhiều tuy chỉ là một cuộc xa cách ba năm mà thôi, nhưng cảm thấy lòng luyến tiếc não nùng của người bạn thâm niên, vua không thể cầm chân ông được. Cái lạ là trong giấy xuất, chức tước của Jean-Baptiste Chaigneau không còn là thuyền trưởng chiếc Long Phi nữa mà là chiếc Thoại Phụng. Ngày 4.11.1819 ông rời Huế và 9 ngày sau lên chiếc Henri ở Tourane - Đà Nẵng về nước cùng với 5 đứa con của bà vợ đầu (Michel Đức, Joseph Nhân, Pierre Diu, François-Xavier Ngãi, Anne Trinh), bà vợ thứ nhì Hélène với 2 đứa con (Louis Thương, Henri Quang), cập bến Bordeaux ngày 14.04.1820, sau 28 năm 6 tháng vắng mặt.
Về lại Pháp, lương bổng không có, gia tài không bao lăm, tài chánh bên vợ cũng chẳng mấy dồi dào, mang trên lưng cả một gia đình một vợ 7 con, ý định của Jean-Baptiste Chaigneau là trở về Nam Bộ. Lên Paris để tường trình tình hình bên ấy (ông đã đệ trình một biên bản rất đầy đủ về địa hình, hành chánh, dân số, quân sự, tài chánh, thuế má, cảnh sát, phong tục, đạo giáo, canh nông, thương mãi, kỹ nghệ,...), ông được vua Louis XVIII tiếp kiến, trao tặng huân chương Saint-Louis và ngày 12.10.1820 không ngần ngại bổ nhậm ông làm Đại diện Pháp quốc ở Cochinchine, Lãnh sự những người Pháp bên nước ấy đồng thời Ủy viên của nhà vua để ký kết những hiệp ước thương mãi. Hiểu biết sâu rộng miền đất nầy, ông đã là người được đặt đúng chỗ. Chương trình hoạt động của ông vượt quá nhiệm vụ được giao phó : ông muốn đem theo về nhiều hạt giống cây mới thích hợp với khí hậu, ông muốn mở mang cuộc trồng trọt cà phê, cây chàm, ông muốn chữa chạy những bệnh tai hại như lậu, giang mai đang hoành hành dữ dội,...nói tóm lại ông sẵn sàng phục vụ như lúc trước một xứ mà ông coi như là tổ quốc thứ hai của mình. Sau sáu tuần về thăm bà con ở Bretagne, ngày 01.12.1820, ông cùng gia đình đáp chiếc Le Larose lên đường trở lại Cochinchine và ngày 17.05.1821 vui mừng đứng ngắm đất Huế quen thuộc. Đáng buồn là ông không còn gặp Gia Long nữa vì ông vua đã mất từ một năm trước. Ông buồn rầu vì đã rất gắn bó với vua Gia Long đã đành mà còn vì một tiếng đồn vua đã căn dặn người con nối ngôi nên đối xử tử tế với người Pháp nhưng không được nhân nhượng một tấc đất, tỏ ra nghi kỵ những người đã có công.
Dù sao, vua Minh Mạng đã ân cần tiếp ông, đặt dưới quyền ông 50 quân binh không phải để bảo quản chiếc Long Phi không còn nữa mà để ông tự tiện sử dụng. Được lập lại trong các chức tước đã có trước kia, thêm vào chức Quan Thoại Phụng đã được vua ban khi lên đường về Pháp, ông mua nhà ở xóm Chợ Dừa, gây ghen tuông không ít. Ngày 04.03.1822, khi chiếc tàu Cléopâtre đổ bến Tourane - Đà Nẵng, viên thuyền trưởng Courson nhờ Chaigneau lấy tư cách Lảnh sự can thiệp để được yết kiến vua, triều đình nhẹ nhàng từ chối. Hơn nữa, ông được lệnh dẫn một toán quân vào Đà Nẵng như để phòng ngừa một cuộc tấn công của quân Pháp. Đáng chú ý là trong giấy lệnh của vua, những chức tước của ông không còn được ghi nữa, trừ chức thuyền trưởng chiếc Long Phi ! Ngày 14.09 cùng năm ấy, khi chiếc John Adam của Anh cập bến Đà Nẵng, ông không được cử đi đón mà là một vị quan vỏ Việt. Thuyền trưởng Crawford dễ dàng được phép ra Huế và bây giờ ông và Vannier mới được mời dự những cuộc đàm phán. Mặc dầu không được vua Minh Mạng tiếp kiến, Crawford cũng đạt được phép cho các thuyền Anh tự do buôn bán ở những thành phố Tourane, Hội An, Huế và Sài Gòn, một thành công làm bận lòng Chaigneau vì nghĩ là mình hết còn được tin cậy. Tuy vậy, ông và Vannier còn được phép đi dự đám tang đức Giám mục La Bartette de Véren. Nhân chiếc Cléopâtre cập bến Đà Nẵng, ông dấu cho xuống bộ giáo sĩ Imbert, một chuyện mà ông không thận trọng kể lại cho cha Thát là một người bạn đã từng rửa tội cho các con ông, không dè vị linh mục này đem tố giác với các nhà chức trách. Bắt đầu bị ngờ vực, sỉ nhục, điên đầu trước cách đối xử hết còn tử tế, Chaigneau một lần nữa nghĩ phải trở về lại Pháp. Ông và Vannier đưa đơn xin từ chức, bán nhà và ngày 25.11.1824, cùng gia đình lên đường đi Tourane nhưng phải đợi ở đây đến ngày 11.12 mới có tàu chở đến Đồng Nai.
Hấp tấp như vậy vì, theo lời ông kể sau này cho bà vợ, vua đã gởi đến ông một mẫu thuyền nhỏ và một giải lụa mà ông hiểu là phải ra đi hay là thắt cổ tự tử theo truyền thống thường thấy ở Á Đông. Ở đây, ông có dịp lên chắp tay bùi ngùi trước mộ đức Giám mục Pigneau đã được phong Trung Y và Thái tử Thái phó. Ngày 21.03.1825, ông và Vannier thuê một chiếc ghe đi Tân Gia Ba để lên chiếc Courrier-de-la-Paix về Pháp, một chuyến ra đi không trở lại, chấm dứt một trang lịch sử đầy sóng gió.
Về lại Bretagne với một gia đình rút gọn : bà vợ thứ nhì và hai con (Michel Đức, Anne Trinh) - Louis và Joseph lần lượt bị bệnh chết ở Đồng Nai - ông quyết định ở hết đời mình ở nơi quê quán. Ngày 12.07.1820, ông mua một cái nhà ở trung tâm thành phố Lorient, khá nhỏ so với biệt thự ở Huế. Lên Paris, sau khi làm bản tường trình ở bộ Ngoại giao và làm thủ tục hưu trí, ông cùng với Vannier lập tức đến viếng chủng viện Hội truyền giáo, được tiếp đón nồng nhiệt và không khỏi mủi lòng trước bức chân dung đức Giám mục Pigneau. Ông sống yên ổn những ngày cuối đời ở Lorient, lo cách làm ăn cho con cái, chăm sóc khai thác một trại lĩnh canh xa cách 10 cây số, luôn luôn đi lại với Vannier như những ngày hào hùng ở Huế. Tháng 10.1827, ông và Vannier nhận được một số quà của vua Minh Mạng gởi từ tháng 12 năm trước. Quà gồm có những bình tráng men Huế, những tấm lụa làm hài lòng hai bà Chaigneau và Vannier, đồng thời cũng gây thán phục ở người dân Lorient. Trong thư kèm theo, hai ông quan cũ nhận thấy trong số phẩm tước của họ trước kia chỉ còn chức Chưởng cơ với những dòng chữ khen ngợi rất có chừng mực... Tuy biết là sẽ không bao giờ trở lại Cochinchine, ông luôn còn mơ mộng với bao luyến tiếc về nơi miền đất mà ông đã cống hiến một thời trai trẻ. Hết còn được tin cẩn ở Huế, chính phủ Pháp cũng tỏ ra hết thông cảm : năm 1830, ông bị cắt lương hưu. Thời ông Chaigneau đã qua ! Sau 45 năm một cuộc sống náo nức, phấn khởi từ ngày xông pha biển cả ở tuổi 12, ông yên lặng từ trần ngày 31.01.1832, hưởng thọ 63 tuổi và được an táng tại nghĩa địa Carnel ở Lorient, cạnh mộ của bà vợ Hélène mất sau ông, ngày 17.09.1853. Trên mộ ông chỉ có ghi đơn giản : "Ở đây yên giấc ngàn thu Jean-Baptiste Chaigneau, Hiệp sĩ Saint-Louis và Bắc đẩu bôi tinh, Cựu Lãnh sự ở Cochinchine".
Trong lịch sử Việt Nam, tên Chaigneau còn trở lại một lần nữa với Louis-Eugène Chaigneau, cháu của Jean-Baptiste. Ông nầy, sinh năm 1798, là con của người anh Alexandre. Khi Jean-Baptiste về lại Pháp lần đầu tiên năm 1820, Eugène được đề nghị làm phụ tá trong công tác lãnh sự và ngày 28.11.1820, mới có 21 tuổi, cùng chú đáp chiếc Le Larose, lên đường đến Huế ngày 17.05.1821. Ngay hôm sai ông theo chú đi đệ trình quốc thư lên vua Minh Mạng. Sau đó, có ý thức về trách nhiệm của mình, ông học tiếng Việt, tìm hiểu phong tục bản xứ và trở thành một nhân viên ngoại giao khá tham hiểu những quan hệ với triều đình Huế. Cuối tháng 10.1823, khi thấy có vấn đề với triều Nguyễn, Jean-Baptiste gởi ông về Pháp tường trình tình hình. Chính phủ Pháp liền phong ông làm Lãnh sự ở Cochinchine và ngày 17.05.1825, ông lại đáp chiếc Le Larose cập bến Đà Nẵng tháng 02.1826 khi Jean-Baptiste đã rời Huê. Nhưng Eugène không được đức vua tiếp kiến vì các nhà chức trách cho biết không một người châu Âu nào có quyền đến kinh đô. Và quốc thư cũng không được nhận vì lý do là từ nay không ai đọc được tiếng Pháp. Eugène buộc lòng phải lên đường trở về Pháp. Ghé ngang Calcutta tháng 10.1826, ông được phép nhập đoàn trên chiếc Research đi tìm dấu vết của Lapérouse bị đắm thuyền gần đảo Mannicolo. Tìm được tàn tích hai chiến thuyền Boussole và Astrolabe, ông và ông thuyền trưởng Dillon được chánh phủ Pháp tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh sau một chuyến trở về Pháp gay go. Tuy vậy, từ nay thất nghiệp, Eugène chạy vạy để lại được bổ nhiệm Phó lãnh sự ở Đà Nẵng. Lập tức, từ Bordeaux ông đáp chiếc thuyền buồm Saint-Michel đi Viễn Đông nhưng rủi ro thuyền bị đắm gần đảo Trường Sa ngày 09.08.1830, Eugène mất tất cả giấy tờ chính thức và không được công nhận là đại diện của nước Pháp. Cũng như lần trước, Eugène đành phải lủi thủi trở về lại Pháp. Sau nầy ông đuợc bổ làm Chưởng ấn toà lãnh sự ở Philippin năm 1835 và Lãnh sự ở Singapore năm 1840. Rất mong muốn đạp chân lên lại đất Việt Nam mà ông đã hết tình gắn bó, Eugène không đạt được mong muốn của mình vì đau yếu, ông phải hồi hương và mất ngày 27.05.1846 tại Lorient, hưởng thọ 47 tuổi. Sau Jean-Baptiste Chaigneau làm quan dưới hai triều Gia Long và Minh Mạng, Louis-Eugène Chaigneau không thành công sống lại thời vàng son của ông chú thời nhà Nguyễn mà họ đã đi vào lịch sử.
Xô thành mùa thu 2007
Huế Xưa và Nay 85 2008
Tham khảo:
- Michel Duc Chaigneau, Souvenirs de Hué, Paris (1867)
- Henri Cosserat, Notes bibliographiques sur les Français au sevice de Gia Long, Bulletin des Amis du Vieux Hué (1917) 3
- Léopold Cadière, Les Français au service de Gia Long, Bulletin des Amis du Vieux Hué (1920) 1
- André Salles, Un mandarin breton au service du roi de Cochinchine, Bulletin des Amis du Vieux Hué (1923) 1, Les Portes du Large, Rennes (2006)
- Jean Despierres, Prémisses à l'intervention française en Indochine, Bulletin de la Nouvelle Association des Amis du Vieux Hué, Massillargues (2007) 10
42- CẦU GIẤY TRONG MỘT KHÚC SỬ VIỆT NAM
Tay đã cầm bút lại cầm binh
Muôn dặm giang sơn nặng một minh
Thờ chúa, chúa lo, lo với chúa
Giữ thành, thành mất, mất theo thành
Trích bài thơ điếu Hoàng Diệu
của Phó bảng Nguyễn Trọng Tỉnh
Trên một nhánh nhỏ con sông Tô Lịch ngày xưa, phía tây thành Hà Nội, ngoài cửa ô Tây Dương, có một chiếc cầu gạch cổ kính. Gần cầu có một cái chợ chuyên bán giấy làm ở làng Hạ Yên còn gọi là làng Cót. Vì vậy cầu mang tên là Cầu Giấy. Sách Pháp dịch nguyên văn : Pont de Papier (không có nghĩa là chiếc cầu bằng giấy !). Chiếc cầu nầy chẳng có gì đặc sắc nếu không là nơi hai sĩ quan Pháp bị quân Cờ Đen hạ sát buổi ban đầu thời kỳ chinh phục Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19: trung úy hải quân Francis Garnier (21.12.1873) và mười năm sau, thiếu tá Henri Rivière (19.05.1883).
Sinh ngày 25.07.1839 ở Saint-Etienne, vào học truờng hải quân năm 1855, Francis Garnier là một bộ mặt hấp dẫn nhất trong thời kỳ Pháp đánh chiếm Đông Dương. Lúc trẻ bạn bè thường gọi ông là "cô Bonaparte" vì ông có thân hình mảnh khảnh mà đầu óc đầy tư tưởng rộng lớn. Lần lượt ông theo đô đốc Charner tấn công Chí Hòa, được bổ nhậm thanh tra sự vụ bản xứ trong ban quản trị Chợ Lớn, rồi cộng tác với đại tá hải quân Doudart de Lagrée trong Phái đoàn Khám phá sông Mekong. Ở Thượng Hải, ông nghiên cứu cuộc giao thông trên sông Dương Tử và con đuờng lên Tây Tạng. Tháng mười 1873 ông được đô đốc Dupré triệu về Sài Gòn vì "công việc quan trọng", để phái đi Bắc Kỳ giải quyết cuộc thương lượng giữa nhà buôn Jean Dupuis và các nhà chức trách địa phương. Sinh ngày 12 tháng bảy 1827, vào học trường hải quân năm 1845, Henri Rivière phục vụ trong hải quân trên nhiều tàu khắp các biển Nam Mỹ, Địa Trung Hải, dự các cuộc chiến Pháp-Áo (1859), Pháp-Đức (1870), lần lượt từ chuẩn úy lên đại úy Capitaine de frégate, phong Capitaine de vaisseau, đầu năm 1881 được gởi qua Sài Gòn chỉ huy hải quân Nam Kỳ. Là một quân binh ham thích văn thơ, ông cũng là một nhà báo viết cho các tờ La Liberté (Tự Do), Revue des deux Mondes (Tạp chí Hai Thế giới), hy vọng hoàn thành một kiệt tác để nuôi mộng được nhận vào viện Hàn lâm. Cuối năm 1881, ông được phái đi Hà Nội cũng để giải quyết quan hệ giữa những nhà buôn Pháp với các nhà chức trách địa phương. Cả hai vị sĩ quan Francis Garnier và Henri Rivière đều thiệt mạng cùng chỗ, cách nhau mười năm, trong cùng nhiệm vụ.
Đi đôi với cặp sĩ quan nầy còn có một nhân vật thứ ba, chỉ là một lái buôn mạo hiểm nhưng mọi chuyện bắt đầu từ ông ta : Jean Dupuis (1829-1912). Sinh tại Saint-Just-la-Pendue cạnh Roannes (tỉnh Loire), ông bắt đầu hành nghề ở Ai cập, sau đó theo một cuộc viễn chinh qua Trung Quốc đồng thời với Trung úy Francis Garnier. Ông định cư ở Hán Khẩu và được Kinh lược Vân Nam đặt mua một số khí giới. Sau chuyến đi khám phá Mekong trở về Hán Khẩu, Francis Garnier gặp lại Jean Dupuis và khuyên ông nầy, muốn chở hàng hoá, cần phải tìm cách ngược dòng sông Hồng vào Trung Quốc. Đằng khác, Jean Dupuis cũng muốn tìm cách giao thông dễ dàng giữa miền tây nam Trung Quốc với Biển Đông, đặc biệt vịnh Bắc Kỳ. Ông giải thích cho các nhà cầm quyền Vân Nam tất cả những mối lợi của con đường nầy và nhất là thành công thuyết phục được họ làm môi giới với những nhà cầm quyền An Nam để tổ chức một chuyến đi rất nguy hiểm luôn phải đương đầu với những đảng cướp ngoài biển cũng như trên sông. Mặc dầu có sự bất hợp tác bên phía An Nam, năm 1871, ông thành công đi về giữa Hà Nội và Vân Nam, chứng minh sông Hồng là một con đường giao thông thuận lợi. Ông liền về Pháp mua 7000 khẩu súng, 30 khẩu đại bác, đem về Hồng Kông trang bị hai pháo hạm nhỏ, một tàu sà lúp và một chiếc thuyền mành, tiến vào sông Hồng và ngày 20 tháng hai 1873 đạt đến biên thùy Vân Nam. Sau khi trao hàng, ông cho chở về Hà Nội một số hàng thiếc. Những nhà chức trách Bắc Kỳ đến nay chỉ cấm nhân dân giúp các người Pháp, gây ít nhiều khó khăn hành chánh, nay thấy Jean Dupuis quá tự tiện sử dụng sông Hồng không một lời xin phép, liền cho bắt giam tên tay buôn quá quắt nầy. Từ Sài Gòn, đô đốc Dupré liền phái Francis Garnier ra thương lượng ở Hà Nội thời ấy còn mang tên Đông Kinh, người Pháp phiên âm ra Tongking rồi Tonkin.
Sau khi oanh tạc Đà Nẵng tức Tourane (Tour Han) năm1858, chiếm đóng Sài Gòn một năm sau, rồi chinh phục luôn ba tỉnh miền Tây (Đồng Nai, Gia Định, Vĩnh Tường). Pháp lăm le hướng mắt về miền bắc Việt Nam và vùng nam Trung Quốc quanh Vân Nam. Phái đoàn Khám phá sông Mekong của đại tá hải quân Doudart de Lagrée (1823-1868) năm 1866 nhắm mục đích tìm đường bắc tiến, xác nhận sông nầy ghềnh thác quá nhiều không đi lại được, Pháp nghĩ đến sông Hồng mà Jean Dupuis đã sử dụng. Khi ông nầy kêu cứu, soái phú Nam Kỳ Dupré chộp ngay dịp hiếm, lấy cớ bảo vệ một người đồng bào để xâm nhập miền bắc.
Francis Garnier chính là người có đúng khả năng để làm nhiệm vụ nầy. Từ chối một đội quân 400 người do đô đốc Dupré cung cấp, ông chỉ huy 15 thủy thủ và 30 thủy lục quân ra Hà Nội, tại chỗ được đức Giám mục Puginier (1832-1892) và hệ thống những giáo sĩ công giáo giúp sức. Ngày 21 tháng mười một 1873, trước những địch quân bất ngờ, không phòng bị kỹ, thiếu khí giới tối tân, ông chiếm đóng dễ dàng Hà Nội và không đắn đo đóng binh ngay ở Trường Thi trong thành. Bắc kỳ Khâm mạng Tuyên sát Đổng sức Đại thần Nguyễn Tri Phương (1800-1873), một vị tướng có bản lãnh, có nhiệm vụ giữ thành, bị trọng thương, phò mả Nguyễn Lâm con ông tử trận. Francis Garnier đưa vị tướng xuống tàu chở vào nam. Ông không chịu để buộc thuốc, nhất quyết tuyệt thực để tử tiết, từ trần một tháng sau, thọ 73 tuổi, nêu một tấm gương trung liệt hiếm có. Francis Garnier thừa cơ tuyên bố sông Hồng hoàn toàn mở cửa, tự do đi lại, rồi với một nhóm quân binh, lần lượt đi đánh chiếm Hưng Yên, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định.
Trước một chiến trận lanh chóng, ông tin tưởng ở một cuộc chinh phục dễ dàng. Nhưng ông lầm. Nghệ thuật chiến tranh không chỉ giới hạn trong kỹ thuật. Chiếm đóng một vài địa điểm không phải là chế ngự một vùng ! Và ông cũng chẳng có thì giờ để chiêm nghiệm thế trận ! Trong suốt vùng biên giới Việt Trung, từ lâu quân Việt sống chung đụng với những đám Cờ Đen là những tàn quân Thái Bình Thiên Quốc sau cuộc nổi dậy thất bại 1864 ở Nam Kinh chạy qua trốn. Dưới quyền điều khiển của chủ tướng Lưu Vĩnh Phúc (1837-1917) được Tiết chế Bắc kỳ Quân vụ Đại thần Hoàng Kế Viêm (1820-1909) thu dụng, những quân nầy được triều Nguyễn dùng, trước để dẹp loạn những bộ lạc miền núi, tiêu diệt những đám giặc cỏ, bây giờ để chống lại quân Pháp. Nghe quân Cờ Đen bao vây Hà Nội, Francis Garnier vội trở về tổ chức cách chống đở. Ngày 21 tháng mười hai 1873, trong lúc đang họp bàn với Jean Dupuis và đức Giám mục Puginier, lính canh báo có quân Cờ Đen, ông liền chạy đuổi bắt với một toán 12 quân binh. Thấy có lũy tre che mắt, ông liền chia toán ra ba nhóm, mỗi nhóm bốn người, chạy theo ba hướng, ông theo nhóm giữa. Đến trước cái đập chạy dọc sông Tô Lịch, ông kiếm cách trèo, mắt luôn hướng lên trên, không thấy một cái hố bên cạnh và té xuống. Chính ở đây một toán quân Cờ Đen ngồi rình. Ông chưa kịp đứng dậy thì bị những mủi lao đâm vào. Ông bắn tất cả đạn vào quân địch nhưng không có thì giờ lắp đạn. Ông kêu to : "A moi, les braves. Nous les batterons" (Lại với tôi, những người lính dũng cảm của tôi. Chúng ta sẽ đánh thắng chúng nó). Một người lính trong nhóm bị trúng đạn, ba người hoảng sợ chạy về thành. Hai nhóm kia ở xa lúc ban đầu không hay biết gì cả. Khi nghe tiếng súng, trung sĩ Champion chạy lại thì thấy cơ thể Francis Garnier mất đầu : quân Cờ Đen đã có thì giờ chém cắt mang đi. Trung úy hải quân Balny d'Avricourt điều khiển một nhóm quân binh khác chạy tiếp viện cũng bị bắn chết cùng với một quân binh. Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến có bài văn tế tốn tiễn Francis Garnier bắt đầu và chấm dứt với những câu : Than ôi ! Mộtphút sa cơ ra người thiên cổ. Nhớ ông xưa, Ông ở bên Tây, ông sang bảo hộ...Ới ông Ngac Nhi ơi ! Nói ra càng thêm khổ !
Tạm chôn ở Hà Nội, thi hài Francis Garnier đưa về Sài Gòn năm 1875 và hơn một thế kỷ sau, năm 1987, tro hỏa táng mới được đem về Pháp, đặt trong chân tượng ở quảng trường Camille Julian, Paris quận 6. Đô đốc Dupré, Toàn quyền ba tỉnh miền nam, nguời khởi xuớng chính sách can thiệp vào Bắc Kỳ và cũng là người đã phái Francis Garnier ra Hà Nội, cảm kích thành tích của vị sĩ quan và các đồng đội, đề nghị truy tặng tăng chức, đồng thời phụ cấp cho một gia đình liệt sĩ nghèo bỏ thân vì nước nhưng chính phủ Pháp từ chối. Cư xử không thừa nhận công trạng của Francis Garnier nói lên mâu thuẩn trong đường lối chính trị Pháp giữa một cuộc bành trướng rộng lớn và một cuộc phiêu lưu xa lạ. Thật vậy, ngay trước vụ Francis Garnier, nhiều cuộc nổi loạn chống Pháp, chống Công giáo khắp đồng bằng Bắc Kỳ làm Đô đốc Dupré sợ hãi. Ông liền phái trung úy hải quân Paul Philastre (1837-1902), một nhà ngoại giao đã từng cùng làm thanh tra sự vụ bản xứ ở Chợ Lớn với Francis Garnier, nhưng ít đồng ý với cuộc chinh phục, ra bắc thay thế. Đến Hà Nội một ngày trước khi Francis Garnier bị giết, ông tổ chức các thành phố nhắm đuờng rút quân lui : Ninh Bình và Nam Định (ngày 5 tháng giêng 1874), Hà Nội (ngày 6 tháng hai 1874), đồng thời ra lệnh tịch thu thuyền bè và trục xuất Jean Dupuis. Chính ông cũng rời Hà Nội ngày 12 cùng tháng với những đội quân cuối cùng, để lại những quan chức thân Pháp hết còn được bảo vệ, cùng với vài vạn tín đồ công giáo bị thiệt mạng chỉ vì tin tưởng ở quân đội viễn chinh Pháp. Về đến Sài Gòn, ông soạn và ký với Đại thần Phụ chính Nguyễn Văn Tường (1824-1886) ngày 6 tháng hai 1874 hòa ước Giáp Tuất trong ấy chính quyền Pháp từ bỏ cuộc chinh phục miền bắc, Đế quốc An Nam cho phép tự do truyền đạo, mở cửa Hà Nội, Hải Phòng, Qui Nhơn, công nhận chủ quyền Pháp lên ba tỉnh Vĩnh Long, Hà Tiên, Châu Đốc cùng với ba tỉnh miền Tây (Đồng Nai, Gia Định, Vĩnh Tường) làm thành xứ thuộc địa Cochinchine (Cochin cạnh Trung Quốc, để khỏi lầm với Cochin ở Kerala bên Ấn Độ).
Tuy nhiên nếu trong nam tổ chức hành chánh suôn sẻ, ngoài bắc sự việc không giản dị. Với chính quyền địa phương, mặc dầu đã có ký những quy ước, thỏa thuận đủ loại chẳng hạn để cấp đất đai xây lãnh sự quán, chỗ ở cho quân binh đúng vào nơi Trường Thi phải thương lượng... Viên lãnh sự không thể làm bất cứ gì cũng được. Trạm thuế quan dựng lên trên sông Hồng chẳng thu được gì vì chính quyền địa phương đã thu trước. Dù sao chẳng có mấy hàng hóa vì những hàng sản xuất nhiều như gạo, lụa,...không được phép xuất cảng. Trong khi ấy, ở Paris, chính phủ Albert de Broglie (1821-1901) không muốn ủng hộ cuộc chinh phục xa xăm, tốn kém. Phải đợi đến năm 1877, nhiều nhà chính trị như Jules Ferry (1832-1893) nuôi mộng xâm chiếm những không gian rộng lớn để du nhập một nền văn minh hiện đại, lấy kế hoạch thuộc địa làm lý tưởng cần thiết cho những nước Âu châu đồng thời nâng cao uy tín của nước Pháp. Trong mắt họ, Bắc Kỳ không chỉ còn là nơi làm bàn đạp để tiến vào Vân Nam mà trở thành một mảnh đất màu mỡ, phì nhiêu, đồng bằng trồng trọt ngũ cốc, núi non cống hiến nhựa gỗ, bên cạnh biết bao hầm mỏ than đá, kim loại,...Tháng bảy 1881, quốc hội Pháp bỏ phiếu tăng gia ngân quỷ chiến tranh, tháng ba 1882 cho phép viên toàn quyền miền nam gởi quân ra bắc. Chỉ huy một toán 700 quân binh trên bốn pháo hạm nhỏ, đại úy hải quân Henri Rivière đánh chiếm Hà Nội ngày 25 tháng tư 1882 sau khi tối hậu thư đòi giải binh không đuợc thi hành. Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình) Hoàng Diệu (1828-1882) đốc quân chống giữ anh dũng nhưng chỉ cầm cự được hai tiếng đồng hồ, trong tình thế tuyệt vọng ông ra lệnh tướng sĩ giải tán để tránh thương vong. Còn lại một mình, ông chạy lên hành cung, cắn ngón tay lấy máu thảo tờ di biểu tạ tội dâng vua, lạy vọng về Triều rồi ra trước võ miếu theo gương Nguyễn Tri Phương dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử.
Nhân dân thương tiếc, khâm phục, đưa thờ ông cùng với Nguyễn Tri Phương trong đền Trung Liệt trên gò Đống Đa, có câu đối
Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa
Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên
(Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất
Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh)
Một năm sau chiếm thành Hà Nội, tháng ba 1883, Henri Rivière nối gót Francis Garnier trước kia đi đánh chiếm Nam Định nhưng qua tháng năm có tin quân Cờ Đen lại vây hảm Hà Nội. Ngày 19, để chặn đường địch quân; ông tổ chức một cuộc hành quân tiến vào phủ Hoài Đức, gồm có sáu đại đội thủy bộ binh 500 người, chia làm ba nhóm. Nhờ trọng pháo yểm trợ, nhóm của Henri Rivière và thiếu úy thủy quân de Marolles thành công tiến vào được ngôi chợ gần Cầu Giấy. Nhóm của tiểu đội trưởng Berthe de Villiers và đại úy hải quân Puech đi thẳng vào chiếm cầu rồi kiểm soát các làng Tiên Đồng, Yên Khê bên trái Cầu Giấy là nơi có nhiều lũy tre dày đặc, quân Cờ Đen đã mai phục sẵn bắn vào. Quân Cờ Đen ở làng Trung Tường bị nhóm của trung úy Pelletier de Ravinières đánh phải rút lui, quay qua tăng cường nhóm ở Yên Khê, chặn đường rút lui của quân Pháp. Bị phục kích, quân Pháp rối loạn bị bắn chết rất nhiều, Berthe de Villiers (1844-1883) bị thương nặng, mấy ngày sau thì chết. Henri Rivière và de Marolles liền rút quân về Cầu Giấy hổ trợ. Rủi vào lúc ấy một khẩu pháo rơi vào tay quân Cờ Đen sau khi toàn bộ nhóm pháo thủ bị hạ sát, Henri Rivière dẫn một toán quân nhảy ra để chiếm lại. Trong khi cùng một sĩ quan hì hục di chuyển khẩu pháo để đặt vào một địa thế thuận lợi thì bị một phát đạn trúng ngay giữa trán, quỵ xuống chết ngay. Quân Cờ Đen dành nhau cắt đầu đem đi. Rất có thể giá trị mỗi cái đầu khi lảnh thưởng tỷ lệ với chức vị người chết. Quân Pháp rút lui, đem theo những người bị thương; trong số ấy có phó đô đốc de Marolles, sĩ quan tùy tùng Clerc, và những xác trung úy Jacquin, thiếu úy Hérald Brisis, chuẩn úy Moulun,...Trong trận Cầu Giấy nầy, Pháp bị thiệt hại nhiều : khoảng 50 người chết, 70 bị thương. Thi hài Henri Rivière trước được chôn ở Hà Nội, sau đưa về nghĩa trang Montmartre ở Paris. Cái tượng bán thân bằng đồng đặt trên mộ nay được tháo đem tích trử trong kho bảo quản di tích.
Cái chết của Henri Rivière, những cuộc nổi loạn liên tiếp ở Bắc kỳ không làm nao núng tham vọng chính trị của Jules Ferry và ngày 26 tháng năm 1883 Quốc hôi Pháp biểu quyết ngân sách năm triệu phật lăng đồng thời phái tướng Bouët và đô đốc Courbet điều khiển một đội quân sang Bắc kỳ "tố chức một nền bảo hộ", bổ nhậm bác sĩ Harmand làm toàn quyền phối hợp các hoạt động quân sự và dân sự. Đúng vào lúc này, vua Tự Đức từ trần (19 tháng bảy 1883) không con thừa tự, mọi quyền hành nằm trong tay các vị đại thần Nguyễn Trung Hiệp chủ hòa, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chủ chiến với Pháp, nhất định kháng chiến đến cùng. Nhưng vì họ bất đồng ý kiến, phát sinh một cuộc đấu tranh thế lưc dẫn đến một cuộc khủng khoảng trong vương triều. Trong vòng bốn tháng, ba vị vua nối tiếp nhau trên ngai vàng ở Huế: Dục Đức (20-23 tháng bảy, chết trong ngục), Hiệp Hòa (30 tháng bảy - 30 tháng mười một, bị ép uống thuốc độc), Kiến Phúc (30 tháng mười một 1883 - 31 tháng bảy 1884, bị ép uống thuốc độc). Một câu đối nói lên tình trạng biến động này:
Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết, Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường. (Một sông hai nước lời khôn nói, Bốn tháng ba vua triệu bất tường)
Tiếp theo, vua Hàm Nghi (2 tháng tám 1884 - 5 tháng bảy 1885) phát cờ Cần Vương chống Pháp và bị bắt đi đày... Lợi dụng cuộc rối loạn nầy, Pháp oanh tạc Đà Nẵng, buộc triều đình ký hiệp ước Harmand ngày 25 tháng tám 1883, đặt nền bảo hộ lên Bắc Kỳ. Một năm sau, hiệp ước Patenôtre ký ngày 6 tháng sáu 1884 bổ sung thêm Trung Kỳ, cùng với thuộc địa Nam Kỳ rút Đại Nam ra khỏi biên cương thống trị Trung Quốc và đặt toàn cõi dưới quyền đô hộ của Pháp, chỉ chấm dứt năm 1945.
Hai vị sĩ quan tử trận trên chiếc Cầu Giấy nhỏ bằng gạch không có gì đặc sắc cạnh Hà Nội đánh dấu bước đầu cuộc chinh phục Bắc Kỳ và cũng là khai trương cho cuộc đô hộ Pháp trên bán đảo Đông Dương trong hơn sáu mươi năm. Bên phía ta, tên tuổi hai vị tướng để lại một tấm gương trung nghĩa sáng chói, một sự hy sinh lẫm liệt được danh sĩ Nguyễn Văn Giai ca ngợi trong bài "Hà thành thất thủ chính khí ca", những câu đầu cảm khái và bi tráng tôn vinh Tổng đốc Hoàng Diệu.
...Một cơn gió thảm mưa sầu,
Đốt nung gan sắt, giãi dầu lòng son,
Chữ trung còn chút con con,
Quyết đem gởi cái tàn hồn gốc cây.
Trời cao biển rộng đất dày,
Non Nùng sông Nhị chốn nầy làm ghi!...
Xô thành những ngày chuẩn bị Tết
Nhâm Thìn 2012
Huế Xưa và Nay102 2012
Tham khảo
- Những thư từ, bài viết của Francis Garnier, Henri Rivière, Amiral de Marolles, Amiral Dupré, Jean Dupuis trong Histoire de l'Indochine, La Conquête 1624-1885 par Philippe Héduy, SPL Henri Vernier, Paris 1983
- Philippe Papin, Histoire de Hanoi, Fayard 2001
- Pierre Brocheux, Daniel Hémery, Indochine, la colonisation ambiguë 1858-1954, Editions la découverte, Paris 1995
43- PIERRE LOTI: 1883, 
BA NGÀY ĐÁNH CHIẾM CỬA THUẬN AN
Thật ra, ba ngày đánh chiếm Huế, ba ngày oanh tạc cửa Thuận An hay ba ngày binh lửa ở An Nam cũng thế thôi, tác giả chẳng vào đến Huế và độc giả cũng không được đọc về Huế. Nhớ lại gần đây, trong cuốn phim Full Metal Jacket, nhà đạo diễn Stanley Kubrick náo nhiệt kể lại chuyện Tết Mậu thân khốc liệt ở Huế, là người Huế tôi đã dương mắt tìm xem một chi tiết gì, một mái nhà, một khúc đường, một mảnh cầu,... để định hướng nhưng chẳng tìm ra một cảnh nào có thể cho là Huế. Trong các bài viết của Pierre Loti cũng vậy vì qua mắt người Tây phương Huế thường được cho là một kinh thành có một không hai, tuy lại gần mà không thấy lối vào, tuy đứng trước mà không sao xuyên mắt qua được. Thật ra, hành trình chỉ dẫn đường ông đến của Thuận An. Tuy nhiên, ông không chỉ là một sĩ quan quen viết những bản báo cáo không hồn đầy dẫy những con số, những sự kiện rõ ràng thiếu hẳn mặt tình cảm. May cho bạn đọc, Pierre Loti còn là một nhà văn, nhưng không phải loại nhà văn mơ mộng, có khả năng tưởng tượng ra những thiên phiêu lưu có tính tiểu thuyết, những màn chiến tranh dựt gân được xếp vào các hợp tuyển. Niềm lý thú và tính độc đáo trong các bài viết của ông là một hỗn hợp vừa một bản tường trình khách quan qua mắt lãnh đạm một sĩ quan, vừa một bức tranh tế nhị phác họa tình hình chiến trận của dưới cây bút một nhà duy mỹ.
Đứng về mặt quân sự, những bài viết của một sĩ quan hải quân như ông trong công cuộc đặc biệt chinh phục Đông Dương là những tài liệu sử học quý báu. Nhưng cách hành văn nhạy cảm của ông đã đưa người đọc đi xa hơn một bản kê những người bị thương ngã gục xuống đất, những người trúng đạn nằm chết còng queo. Nhận xét sự chênh lệch trong khí giới đôi bên, ông phát giác nhiều chi tiết chỉ rõ tinh thần tranh đấu của địch quân, lắm lúc được xem như một nạn nhân hơn là kẻ thù. Khi oanh tạc rất lâu, pháo đạn tràn ngập quân địch, họ vẫn cương quyền chống trả, khi phải lâu lắm mới đánh phá được một ổ kháng chiến tử thủ đến cùng, ông không khỏi tự nhủ với một lòng tôn trọng ý vị: chắc chắn họ đã là những đối thủ dũng cảm, gan dạ. Lẽ tất nhiên, Pierre Loti không tâng bốc địch quân, không có một cử chỉ chống đối chính trị mặc dầu ông không tán thành chánh sách chinh phục nước người, ông chỉ tỏ ra lòng trắc ẩn đối với những người chết vì nghĩa, rộng lượng tha tội những kẻ bị thương đang run rẩy vì còn nhiều xác chết trong đồn cần dẹp gọn tối nay trước giờ đi ngủ. Tội lỗi của ông chỉ là tính chính xác, sự hiện thực, lòng tôn trọng sự thật trong những câu viết. Ông kể lại những gì ông thấy, khách quan, không có chút bình luận luân lý, dạy đời nếu không là có chút nhạo báng kẻ thắng trận. Vậy là hết ; toàn phía bắc bờ sông đã chiếm đoạt, quét sạch, đốt cháy. Nói chung, một buổi sáng hồ hởi, vẻ vang, chỉ huy tuyệt diệu. Và đấy là điều mà những nhà chức trách không mong muốn : họ chờ đơị ở nhà văn những trang chiến đấu hào hiệp tán dương văn minh quân đội viễn chinh, dành những cử chỉ tàn bạo cho dân bản xứ mọi rợ da vàng. Ông gởi những trang kể chuyện chinh chiến chính xác nhưng sống động về đăng ở tờ báo Le Figaro tại Paris, ngay sau đó những nhà bảo thủ phái hữu Pháp cho ông đã mạt sát thủy thủ Pháp, và kết quả là họ đã thành công thúc dục bộ tư lệnh hải quân triệu hồi ông về. Ông viết cho ông bạn Alphonse Daudet : Tôi không biết người ta sẽ xử tôi ra sao ; về phần tôi, cái bất công, gây phẩn nộ là tôi bị lên án đã tố giác những thủy binh, đã tả họ như là những người lính khát máu. Ông tránh được mọi lôi thôi nghe nói nhờ tình bạn của bà giám đốc nhà xuất bản với Thủ tướng Jules Ferry.
Tên thật Louis Marie Julien Viaud, Pierre Loti sinh ngày 14 tháng 01 năm 1850 ở Rochefort, mất ngày 10 tháng 06 năm 1923 ở Hendaye sau cơn bệnh liệt nửa mình. Con thứ ba một ông chủ sự bưu điện, theo đạo Tin lành, ông học những năm trung học ở Rochefort rồi thi đậu vào trường Hải quân ở Brest năm 1867. Sau khi tốt nghiệp, ông tuần tự phục vụ ở cấp bậc chuẩn úy trên các chiếc tàu Borda, Jean-Bart viếng Alger, Decrès trong cuộc chiến chống Đức, Vaudreuil khám phá Nam Mỹ, Flore viếng đảo Pâques, xuống đóng ở Tahiti. Chính ở đây Nữ hoàng Pomaré đã tặng ông biệt hiệu Loti, có người cho là tên một loài hoa bản địa (có thể đồng gốc với lotus, hoa sen) mà ông chỉ sử dụng làm bút hiệu từ 1876 và sau nầy bàn đến nhiều trong các sách của ông. Vào dạo này, ông cho xuất bản cuốn Mariage de Loti (Đám cưới của Loti).
Năm 1872, sau khi trở về Pháp với chức trung úy hải quân, ông lại lên đường đi châu Phi trên chiếc Pétrel và chuyển qua chiếc Espadon để trở về lại Pháp. Năm 1881, ông được phong đại úy hải quân và cho xuất bản cuốn sách đầu tiên ký tên Pierre Loti: Roman d'un spahi (Truyện một kỵ binh - ở Sénégal bên châu Phi). Năm 1883, ông đáp chiếc Atalante lên đường đi chinh phục Đông Dương. Đây là thời gian ông viết những bài như Trois journées de guerre en Annam (Ba ngày chinh chiến ở An Nam) gây chấn động trong báo giới. Những bài nầy sau đó được in lại năm 1897, cắt xén những chi tiết cho là không lợi, mở đầu với chuyện một giáo sĩ già nói lên cách đối xử tàn bạo những người Công giáo, có thể biện bạch cho cuộc gởi quân qua Việt Nam. Chuyện đi đánh chiếm đất nước người trong rất lâu luôn còn ám ảnh ông nên qua năm 1919, hơn ba mươi năm sau những ngày oanh tạc cửa Thuận An, ông trở lại trong cuốn sách ký ức Prime jeunesse (Tuổi thanh xuân), trách chính phủ đã gởi hàng ngàn con dân Pháp qua Bắc kỳ, đi mà không về, trong một mục đích vô bổ. Tuy đấu óc tràn đầy tính phiêu lưu nơi xa lạ, ông không quên môi trường quen thuộc vùng Bretagne trong cuốn Pêcheur d'Islande (Dân chài Islande, 1886), Xứ Basque trong cuốn Ramuntcho (1897). Năm 1891, ông được bầu vào Hàn lâm viện Pháp lúc 42 tuổi và sau nầy đuợc trao tặng Bắc đẩu bội tinh. Về hưu giữa 1900 và 1902, ông tranh thủ để được phục chức ở Hải Quân, qua Á Đông một thời gian đủ để ông viết những cuốn Les Derniers Jours à Pékin (Những ngày cuối cùng ở Bắc Kinh), L'Inde sans lesAnglais (Nước Ấn Độ không có những người Anh), rồi Vers Ispahan (Tiến về Ispahan). Năm 1910, trở về lại Constantinople, ông dự vào cuộc bảo vệ Đế quốc Ottoman đang bị các cường quốc tây phương hăm dọa và cho xuất bản cuốn la Turquie agonisante (Nước Thổ Nhi Kỳ hấp hối).
Cuộc đời tình duyên của ông cũng náo động như mặt biển hôm bão gió. Ông bắt đầu với một cuộc tình xác thịt ngắn ngủi nhưng tha thiết thời thiếu niên với một cô gái du cư Bô hem ở Saint-Porchaire, nơi có lâu đài mạng danh cô gái đẹp trong rừng yên ngủ là tên sau nầy của cuốn sách Le belle au bois dormant, tiếp theo một cuộc tình mơ mộng nhưng say đắm với một người đẹp cung tần mắt xanh trong cung cấm một quan chức ở Constantinople, bà Hattidjé, sau nầy kể lại trong hai cuốn tiểu thuyết Aziyadé và Fantôme d'Orient (Ma phương Đông). Năm 35 tuổi ông cưới tạm thời một tuần ở Nagasaki một cô gái Nhật theo tục quán Nhật Bản, cô Okané-San tức Kikou-San còn gọi Bà Cúc, tên sau nầy dùng làm tựa đề cuốn Madame Chrysanthème (1887). Qua năm 1886, ông mới chính thức cưới một bà vợ Pháp, Jeanne Amélie Blanche Franc de Ferrière, một cô gái gia đình thân hào vùng Bordeaux, sinh cho ông được một đứa con trai, Samuel Loti-Viaud. Năm 1894, ông bỏ qua sống với cô Juana Josepha Cruz Gainza, người vùng Basque, sinh cho ông bốn người con trai mang họ mẹ. Rất tôn trọng gia đình, ông tìm kiếm mua lại biết bao hiện vật dính dấp đến thời xưa, tiêu biểu cho quá khứ Tin lành, chứng tích thời bị bài xích tôn giáo vào khoảng thế kỷ 17. Ông cũng mua lại ngôi nhà xưa xây hồi 1739 của gia đình ở Đảo Oléron đặt tên là "Maison des Aieulles" (Nhà các tổ tiên, tổ tiên đây là những bà dì), từ nay trở nên một điểm tụ văn học và sau nầy làm phông cho bản kịch Judith Renaudin của ông diễn ở Paris năm 1899. Ông được an táng trong vườn nhà nầy theo nghi thức truyền thống đơn giản Tin lành sau một lễ quốc tang. Ông viết trong cuộc sống hòa bình bình dị ở đây, ông có một trực cảm bất diệt cái gì đã dành cho đời ông: một vị anh hùng tiểu thuyết mà cái tên làm mơ mộng phụ nữ tất cả các nước! Còn cái nhà ở Rochefort ngày nay là một viện bảo tàng chan hòa một bầu không khí ngoại lai, thần bí với những vật lưu niệm đem về từ bốn phương trời. Những bài viết của ông trong tập Journal (1867-1878) sau nầy được người con cho in thành sách Un jeune officier pauvre (Một sĩ quan nghèo).
Như vậy, trong khoảng tháng năm 1883, trung úy hải quân Julien Viaud tức nhà văn Pierre Loti năm 33 tuổi được gởi qua chinh phục xứ An Nam, vào lúc Toàn quyền Le Myre de Vilers, thống đốc Nam Kỳ, muốn quét sạch quân Cờ Đen ra khỏi vùng đồng bằng sông Hồng vì đã phá nhiễu giao thông trên con sông ấy. Ông ta đã cho thiết lập ở Hà Nội một đồn trại do đại úy hải quân Henri Rivière chỉ huy. Nhưng hôm 19 tháng 5 năm 1883, vào lúc ông ta chuẩn bị đi đánh quân Cờ Đen thì bị phục kích giết hại ở Cầu Giấy, đúng nơi trung úy hải quân Francis Garnier cũng bị giết mười năm trước, ngày 21 tháng 12 năm 1873, và bị cắt đầu. Lợi dụng thời cơ hung tin, thủ tướng Jules Ferry, nguyên là một nhà giáo dục có tiếng, lại nuôi mộng bành trướng thuộc địa, cho chính trị thuộc địa là hệ quả của chính trị kỹ nghệ, là một biểu lộ quốc tế những luật cạnh tranh bất diệt, nổi danh biệt hiệu "le Tonkinois" (người Bắc Kỳ), liền vận động biểu quyết tăng gia ngân quỷ, động viên gởi quân qua Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Hạm đội của Julien Viaud, dưới quyền chỉ huy của đô đốc Amédée Anatole Courbet, hướng vào Biển Đông vào lúc có tin vua Tự Đức băng hà, ngày 17 tháng 7 năm 1883.
Một tháng sau, trong lúc tướng Bouët hành quân ở ngoài Bắc, đô đốc Courbet được lệnh đem hạm đội tiến đến Đà Nẵng để chuẩn bị đánh chiếm thành Huế. Sau khi ra lệnh đầu hàng không được trả lời, ông cho oanh tạc đồn lũy cửa Thuận An trong luôn ba ngày 18-21 tháng tám từ ba chiếc chiến hạm Bayard, Atalante và Château-Renaud. Julien Viaud chỉ dự cuộc đánh chiếm cửa Thuận An, không dè chiến công nầy đã bắt đầu cho một cuộc chinh phục lâu dài vì sau đó, lợi dụng lúc vua Tự Đức băng hà không có con thừa tự, Nam triều lủng củng nội bộ, Pháp ép nước ta ký hòa ước Harmand ngày 25 tháng tám 1883, sau nầy được hòa ước Patenôtre ngày mồng 6 tháng sáu 1884 thay thế, đặt nền bảo hộ lên Bắc Kỳ và Trung Kỳ, một thời đô hộ kéo dài hơn sáu chục năm đến 1945.
Rút cuộc, lịch sử cũng như văn học còn nhớ đến Pierre Loti nhờ những bài viết và cách hành văn của ông. Sau đây là những dòng viết tâm tư của một nhà văn khi cuộc tấn công cửa Thuận An bắt đầu.
Thứ bảy, 18 tháng 8. 9 giờ sáng. Hạm đội (Bayard, Atalante, Annamite, Château-Renaud, Drac, Lynx, Vipère) rời vịnh Tourane một hôm trời trong sáng, rực rỡ, giữa một đám ghe thuyền đánh cá, buồm giăng như những cánh bướm, lên đường tiến đến Huế, kinh đô xứ An Nam.
2 giờ 20, hạm đội đến trước cửa sông Huế. Phía trước, một sườn cát rực sáng trong ánh nắng mặt trời, vài cây dừa chùm lá xanh tươi, vài mái nhà uốn cong theo thị hiếu người Tàu. Chỉ có một cái đồn gác giữ cửa sông, sóng biển vỗ vào tận bờ. Vừa thăm dò cẩn thận, hạm đội vừa tiến dần lại, thả neo ở chỗ gần nhất, cho kéo cờ Pháp lên trước khi bắt đầu oanh tạc. Đồn gác kéo cờ vàng, mạnh dạn đáp lại. Công sự có thể xem như hiện đại, khéo xây đắp và phòng thủ nhưng không thấy có súng ca nông. Vài người hiện ra trong khuôn cửa, thảnh thơi đi lại và thản nhiên nhìn chúng tôi; cuộc kháng cự chắc sẽ không mãnh liệt và chúng tôi chờ đợi họ chạy trốn sau cú ca nông đầu tiên. Trên đường sáng đồi cát, núi non làm thành một màn đen tối xông lên cao trên nền trời và nổi bật trong màu xanh ánh sáng.
5 giờ rưởi chiều. Một đạn súng cối đầu tiên từ chiếc Bayard báo hiệu nổ súng, rơi trúng vào đồn gác, cho tung lên một vòi rồng đỏ nhạt cát và sỏi. Từ các chiếc khác, cuộc oanh tạc bắt đầu, điều hòa, có phương pháp, mỗi chiếc bắn vào một mục tiêu chính xác đã đuợc chỉ định hôm qua. Vài phút trôi qua, trên bộ chẳng thấy rục rịch ; rất có thể địch quân đã chạy trốn hết rồi. Nhưng bổng nhiên nhiều tia sáng nhỏ, lanh, tỏa ra từ các khung cửa đồn, theo sau là những làn khói trắng ; phản công rồi, địch quân bắn vào ta. Hơn nữa, nhiều chiếc ca nông nhỏ mà ta không thấy, được xếp dọc sườn cát, cũng đua nhau nổ súng.
Những viên đạn tròn không đạt đến đích, rơi trên biển gây ra những xoáy nước. Chỉ có vài chiếc thuyền hộ tống lại gần mới bị trúng, còn những tàu bọc sắt đứng xa thì chẳng sợ gì ; từ tàu thấy những viên đạn nhảy nhót nảy thia lia trên mặt nước như những gan bàn tay con trẻ rồi biến mất. Không mấy chốc, sau lưng đồn gác, những ngọn lửa hồng từ các đám cháy do đạn súng cối gây ra trong làng bốc lên, lên rất mau, đồng thời cùng một lớp khói dày. Cuộc oanh tạc tiếp tục. Mặc dù tàu tròng trành khó bắn, những viên đạn rơi vào địch quân, lật nhào mọi vật nhưng họ vẫn cầm cự, tăng lanh bắn trả. Chắc chắn họ phải là những người dũng cảm.
Thì ra, nhà văn ra trận như đi xem phim ảnh, có thì giờ nhìn trời ngắm nước và theo dõi địch quân từ xa. Tuy nhiên, ông cũng có dịp xem xét họ gần hơn.
Đêm 20 tháng 8. lúc 7 giờ chiều. Cuộc đổ bộ bấp bênh bắt đầu từ sáng tinh sương, giữa những làn sóng bạc : những thủy thủ, nước ngang lưng, sóng rung mình, bước chệnh choạng làm ướt cả khí giới lẫn đạn được. Bước đầu khó khăn. Nhưng rồi cả đoàn đông đủ đạt đến bãi cát mặc dầu bom đạn được những địch quân vô hình núp sau đồi ném xuống. Rất mau, cả đoàn lặng như tờ chạy tiến lên. Bổng nhiên, trong một hàng hào như tuồng chạy dài khắp bán đảo, xây dựng ngăn nắp, một số dân quân đang ngồi rình, như đàn chuột xảo trá nép mình trong lỗ cát : những người da vàng, xấu xí, gầy còm, tả tơi, khốn khổ, vũ trang với vài cái giáo, vài cái súng cũ rét, đầu đội những chao đèn trắng (người Tây phương chưa biết cái nón). Họ không có vẻ là địch quân quan trọng. Vài cú báng súng, lưỡi lê là họ chạy tán loạn, vứt tan hoang đồ ăn, rổ cơm, cơi trầu.... Sĩ quan chỉ huy ra lệnh trèo lên trên đồi chiếm cái đồn bên mặt, nơi phấp phới lá cờ vàng.
Thủy thủ hổn độn chạy lên như một đàn con trẻ, thình lình đứng dừng và lùi lại : lại còn một hàng hào đầy đầu người. Tất cả những bộ mặt nầy hiện ra cùng lúc, dưới một hàng chao đèn ; những cặp mắt nhỏ, góc hếch, phóng ra một sắc mặt giả dối, dữ tợn giãn nở qua một cuộc sống mảnh liệt, một cực điểm cuồng nhiệt và khiếp sợ. Họ là quân nhân trong khung cửa thấy qua ống nhòm và đã được ta lo âu theo dõi từ xa. Họ không giống gì những lính tráng hàng hào dưới ; đây là những quân nhân mạnh khỏe, vạm vỡ, béo lùn ; những cái đầu vuông, tóc dài, râu nhọn như người Mông Cổ. Đầy đủ súng ống, đạn dược trong mủng mang dưới tay, họ chắn ngang đường, không động đậy, không nói năng: họ là quân chính quy xứ An Nam - họ phải là những người dũng cảm cầm cự từ hôm qua dưới cuộc oanh tạc các đạn ca nông.
Theo miêu tả, những quân nhân nầy có thể hiểu là quân Cờ Đen hay Cờ vàng đánh giữ cửa Thuận An? Dù sao, quân binh ta thiếu khí giới, không mấy chốc bị đánh tan vỡ.
Thật vậy, cuộc chạy trốn của quân Tự Đức từ cái làng đang cháy tức khắc diễn ra. Thình lình thấy họ chạy ra khỏi nhà, tụ họp thành nhóm, lưỡng lự, xắn ống quần để dễ chạy, che đầu với những mảnh gỗ, mảnh chiếu, những cái khiêng bằng liễu giỏ để tránh đạn, phòng ngừa theo lối trẻ con để đở mưa. Rồi họ lại chạy mau, giống người điên cuồng, tràn ngập trong một nỗi bàng hoàng chạy trốn như những con vật bị thương. Họ chạy ngoằn nghèo, ngang dọc, búi tóc sổ ra, tóc dài khiến họ được xem như những phụ nữ. Có những người nhảy xuống bơi dưới nước kiếm cách đạt đến thuyền, đầu luôn không rời những mảnh liễu giỏ. Trong lúc ấy, làng tiếp tục cháy, có nhiều người bị bỏng, nằm thành đống dưới đất. Có người vẫn tiếp tục động đậy: một cánh tay, một ống chân căng thẳng dựng đứng hay co quắp, theo sau một tiếng than khủng khiếp.
Mới chín giờ sáng mà xem như là đã hết; đại đội chiếc Bayard và bộ binh vừa mới chiếm đóng đài tròn phía nam gồm có hơn một trăm ca nông; chiếc cờ vàng cuối cùng đã bị hạ rơi xuống đất, dân quân đào ngũ hốt hoảng nhảy xuống nước phá. Không đầy ba giờ, cuộc vận hành của Pháp đã diễn biến với một chính xác, một may mắn lạ lùng; sự thất bại của vua An Nam đã rõ ràng. Tiếng rầm rập pháo binh, tiếng súng gọn ca nông lớn mọi nơi đều đã dừng; những chiếc mẫu hạm cũng ngừng bắn, đứng yên trên mặt nước xanh.
Dù có thắng trận, quân binh Pháp cũng cảm thấy thiếu thốn một cái gì. Khi oanh tạc cửa Thuận An, họ nhắm mục đích tiến vào thành phố Huế, nhưng rồi chẳng thấy Huế đâu.
Và mảnh đất lớn An Nam kia, thấy rõ bên kia đầm phá, tưởng như là chốn bồng lai với những dãy núi cao xanh, những thung lũng tươi mát và cây trồng. Ta nghĩ đến cái thành phố Huế bao la kia sau những bức màn xanh lục, bây giờ hầu như hết còn phòng thủ nhưng tràn đầy những kho tàng bí ẩn. Dĩ nhiên, mai đây ta sẽ đến và chắc chắn sẽ là một ngày vui thật sự... Và bây giờ, đêm đã hoàn toàn đến, cảnh tượng sa sầm trong một giấc mơ nửa vời. Ta đoán đêm này sẽ rất dài và khó qua, không làm sao ngủ được. Cái thành phố Huế, nó gần đấy, cách hai tiếng đồng hồ, mà chẳng có một dấu hiệu gì tiết lộ sự hiện diện của nó, cất dấu sau những bức tường lớn, cũng bắt đầu nêu ra trong trí tưởng tượng những vẻ dáng hư ảo. Mai có vào đó không?... Rất có thể. Và chắc ta sẽ chiếm đóng dễ dàng như ở Thuận An, mặc dù nhiều đồn lũy dọc đường bộ và đê đập trên sông ngòi.
Một thành phố duy nhất trong các thành phố; chỉ một người Âu, một vị giám mục giáo sĩ, được vua mời vào nhân vụ nhượng bộ Hải Phòng. Ông ta đã kể lại những chuyện lạ lùng.
Trong trí tưởng tượng của người chưa bao giờ đến Huế, thành phố này đã được trình bày ra sao?
Cửa luôn đóng, ngay cả cho người An Nam, chỉ được vào kinh thành trong những trường hợp đặc biệt và ra cửa còn khó hơn đi vào. Kinh thành là một hình vuông hoàn hảo (tác giả không phân biệt kinh thành và hoàng thành) rộng đến nỗi một người phải hơn một ngày mới đi được vòng quanh, và gần như trống rỗng. Những người nước ngoài, những công nhân, những nhà buôn, tất cả những ai sống và di chuyển, đều bị tập trung ở ngoại ô, ngoài những bức thành vô tận kia. Bên trong chỉ là nhà ở kếch xù của một vị vua vô hình hay có thể đã chết.
Chỉ có cung điện, hậu cung, công viên và chùa chiền; dĩ nhiên của cải chất đống được tích trữ nhiều thế kỷ nay; chỉ có những người trong triều, những quan chức - những lũ nham hiểm cai trị và bóp nặn vương quốc già cũ đầy bụi ấy.
Năm (thật ra chỉ có ba) thành tường đồng tâm vây quanh, càng vào gần trung tâm càng gặp những nhân vật đáng kính hơn và cũng càng bí ẩn hơn.
Sau cùng, ở chính giữa là nơi ở của ông vua mà không ai thấy, nhốt giữ như ở dưới đáy một trong những tráp Tàu lồng hộp nầy trong hộp kia. Người ta nói có khi vì tò mò một vài người lính trong cung liều mạng kiếm nhìn mặt già nhà vua, mặt người chết như mặt Méduse (có khả năng giết người nhất trong ba chị em quái vật Gorgones, theo thần thoại Hy Lạp) qua một cánh cửa, một cửa sổ mở; nếu anh ta thành công mà người ta biết được, đầu sẽ bị chặt ngay.
Như tuồng thành phố nầy đã được một sức quyến rũ canh giữ. Một tục ngữ xưa bảo khi nào những người Âu vào thành, trời sẽ sập.
Sự kiện này xứng được đánh liều tấn công vào và ngày mai trí tưởng tượng mặc sức vận dụng.
Nếu Pierre Loti viết như vậy tức là ông đã tin những điều ấy, mà không phải một mình ông tin, ông đã phản ảnh lòng tin của những người lính khác. Đấy cũng là duyên cớ khuyến khích họ mạnh dạn xung phong tấn công thành Huế. Nhưng họ đã thất vọng vì không có trận đánh chiếm, Nam triều gởi phái đoàn đến đàm phán, ký kết hòa bình. Sự kiện này đóng góp phủ nhận huyền thoại quân Pháp đạp lên những trái mù u quân ta rải và té nhào trên đường từ Thuận An lên đánh thành Huế (*).
Vậy thì câu tục ngữ xưa nói đúng và những thành quách Huế vẫn giữ những bí mật của mình...
Tối đến, hai vị quan đến đồn... Họ đem theo một đoàn bò, heo, chuối, nước lạnh, tất cả những đồ ngon lành rất được hoan nghênh.
Họ cũng đem lại những tin tức giật gân: tuồng như hôm qua nhà vua, con người không ai thấy, không ai biết, đã lên trên tháp canh thấy ở đằng xa để theo dõi cuộc oanh tạc và quan sát hạm đội. Thật ở trong thành phố có tiếng đồn nghiêm khắc dọa xử tử mọi ai hướng mắt nhìn lên tháp canh ấy và tất cả nhà ở, cửa sổ đều sợ hãi đóng kín. Nhưng ở ngoại ô là nơi những người châu Âu và những nhà buôn cư ngụ, người ta có thể thấy nhà vua qua ống nhòm và đấy là một dấu hiệu thời đại chưa từng có trong nước An Nam.
Thật vậy, bắt đầu từ đây nước ta bị đô hộ nhưng cũng là lúc bờ cõi hé mở để người dân có dịp nhìn ra thế giới, theo đà tiến triển toàn cầu gây dựng một tổ quốc mà ngày nay ta có thể tự hào. Khi viết những dòng về xứ An Nam trên cửa Thuận An, thời sự diễn biến lanh chóng, Pierre Loti không nghĩ chỉ ba năm sau, 1886, bác sĩ Hocquard đã được vào yết kiến vua Đồng Khánh và chắc chắn ông không dè đánh chiếm đồn Thuận An là bước đầu một cuộc đô hộ chỉ được lật đổ năm 1945 và sau đó Việt Nam còn phải qua hai kỳ chiến tranh khốc liệt dài ba mươi năm đến 1975 mới dành lại được độc lập. 
Xô thành mùa xuân 2010
Huế Xưa và Nay 102 2010
(*) Thật có chuyện trái mù u quân ta cho rải trước đồn Mang Cá truớc hôm tấn công ngày 22 tháng năm Ất Dậu tức là ngày 04 tháng bảy 1885 để bẫy quân Pháp. Họ thủ thế suốt đêm, đến sáng mới phản công, quân ta chạy tán loạn và đạp lên những trái mù u đua nhau té bổ... Gậy ông đập lại lưng ông!
Sách của Pierre Loti về chuyện đánh Thuận An:
- Pierre Loti, 1883, Le débarquement de Hué, trong Histoire de l'Indochine, La conquête 1824-1885, SPL Henri VeyrierParis 1983.
- Pierre Loti, Trois journées de guerre en Annam, Les Editions du SonneurParis 2006
- Pierre Loti, Hué Heureux qui comme...Magellan et CieParis 2007
44- HUẾ 1886 QUA MẮT BÁC SĨ HOCQUARD
Năm 1986 là năm tôi về nước lần đầu tiên sau mấy chục năm tha hương và là năm tôi sung sướng được sống lại quê Huế thời trẻ, sau nầy gởi gắm tâm tình trong nhiều bài báo gom góp thành cuốn Gửi thuơng về Huế... Đúng một thế kỷ trước, năm 1886, sau một vòng đi quanh ngoài bắc, bác sĩ Hocquard từ Pháp sang cũng đã đặt chân lên đất Cố đô, ngạc nhiên trước cảnh tượng đã thấy và kỷ niệm sâu sắc còn lưu lại trong cuốn Une campagne au Tonkin (Một cuộc viễn chinh ở Bắc Kỳ). Sau khi đăng thành năm đoạn trong tờ Le Tour du Monde (Vòng quanh thế giới) từ 1889 đến 1891 dưới đề tài Trentemois au Tonkin (Ba tháng ở Bắc Kỳ), sách được nhà xuất bản Hachette in toàn bộ năm 1892. Hồi ấy, kỹ thuật in ảnh chưa được thịnh hành nên những ảnh ông chụp chỉ được vẽ lại trong sách và dẫn trong bài nầy. Sau nầy mới thấy có in ảnh thành sách riêng. Năm 1999, nhà xuất bản Arléa in lại cuốn sách với những chú thích về văn hoá, sử địa, ngôn ngữ học... chính xác, cần yếu của Philippe Papin thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ EFEO (*). Tuy ngắn hạn, công cán của bác sĩ Hocquard, ngoài nhiệm vụ quân sự, địa hình,...còn là ghi chép những tài liệu sử ký, địa dư, phong tục, tập quán, kiến trúc công sự, tổ chức xã hội, ..., nói chung những chi tiết mà một người viết thời luận hay một nhà dân tộc học luôn để ý đến... Cuốn sách của ông đã là một bằng chứng đặc biệt về nước ta cuối thế kỷ 19. Riêng ở Huế, hành trình của ông đã cống hiến một lối nhìn về quá khứ của thành phố ta, bên phần đời sống người dân cũng như những bên phía nội bộ triều đình, đồng thời quan hệ lúc ban đầu với quân binh Pháp.
Charles-Edouard Hocquard sinh ngày 15 tháng một năm 1853 ở Saint-Nicolas du Port, gần thành phố Nancy ở Pháp. Năm 20 tuổi, ông vào học trường y khoa quân đội và sau khi đậu bằng bác sĩ được bổ nhiệm ở bệnh viện quân đội tại Lyon, tiếp tục phục vụ ở những trung đoàn kỵ binh, lục quân trước khi được biệt phái qua bệnh viện Bourbonne-les-Bains. Chính trong thời kỳ 1882-1883 ở đây trước khi đi Việt Nam, ông đã viết nhiều sách y khoa đặc biệt về mắt như tập Ảnh chụp áp dụng vào nhãn khoa (Iconographie photographique appliquée à l'ophtalmologie) giải thích vai trò nhiếp ảnh trong hành trình của ông. Từ ngày 11 tháng một năm 1884 đến ngày 31 tháng năm 1886, ông xin và được gởi qua Bắc Kỳ, một thời kỳ lý thú đã đưa ông lên con đường công danh. Thật vậy, trong các biên bản quân đội, ông được đánh giá là một người thông minh, hoạt động, tận tâm, tử tế, dễ thương, siêng năng, một nhà phẩu thuật có tài, một bác sĩ luôn biết tự chủ trên chiến trường. Về lại Pháp, ông được thăng bác sĩ trưởng hạng nhất trung đoàn bộ binh số 6, lấy vợ, có một con trai. Chính trong thời gian bình tĩnh nầy mà ông có thì giờ đọc lại những ghi chép trong chuyến hành trình ở Việt Nam và soạn thảo cuốn sách. Sau đó ông lần lượt được bổ nhiệm bác sĩ trưởng ở Saint-Cyr, giám đốc sở y tế các quân đoàn số 8 và 13, sau cùng giám đốc y khoa quân đội ở Lyon. Bị mắt bệnh cúm nhiễm trùng, ông mất ngày 11 tháng 1 năm 1911 và được an táng tại Sens.
Đến Bắc Kỳ ngay ở vịnh Hạ Long giữa tháng hai 1884, ông Hocquard được đưa đi Hà Nội, lên Bắc Ninh, Sơn Tây, rồi một vòng ba tháng quanh Nam Định, Ninh Bình, Phủ Lý. Vừa về lại Hà Nội, ông được chỉ định ngay áp tải một đội quân đi Phủ Lạng Thương rồi một đội khác dọc dòng sông Lô lên Tuyên Quang trước khi bị động viên vào một chiến dịch quanh Lạng Sơn. Sau sáu tháng cầm chân ở Hà Nội, một thời gian ông lợi dụng để khảo sát những cuộc nổi loạn và vấn đề giáo dục, ông lại được cử đi ngược dòng sông Đà lên vùng Hòa Bình rồi theo sông Lô trở về Hà Nội. Phần cuối hành trình của ông bắt đầu từ tháng mười hai 1885 là cùng với anh bạn họa sĩ Gaston Roullet, ông rời Bắc Kỳ vào nam, đi bộ dọc đường cái quan, vượt đèo Hải Vân, ghé qua Đà Nẵng để đi thuyền đến Huế đầu năm 1886 trước khi trở lại Hà Nội lên tàu về Pháp tháng tư năm ấy. Đồng thời với nhiệm vụ bác sĩ quân đội, ông Hocquard đã thành công thỏa mãn ham mê nhiếp ảnh của mình trong một loạt sách hình. Lúc ban đầu ban quản lý quân đội không mấy thích việc làm của ông nhưng sau lại muốn giữ bản quyền các tập ảnh vì ông đã thực hiện trong thời gian ở quân đội. Dù không được chính thức tuyển chọn, chín tập gồm có 217 tấm ảnh đã được tặng huy chương vàng ở Hội chở Quốc tế Anvers 1885. Sau đó nhà xuất bản H. Cremnitz cho in 200 tấm năm 1884-1885 và quảng cáo một cuốn 400 tấm năm 1886 nhưng không thấy có tên nhiếp ảnh gia. Phải đợi đến 1889 mới thấy có một cuốn mang tên tác giả với phụ đề: Với sự chấp thuận của tướng trưởng đạo quân viễn chinh.
Trong bối cảnh nào ông Hocquard đã đạp đất Huế? Năm 1881, chính phủ Pháp tăng cường quân đội ở Đông Dương, năm sau cho phép đánh chiếm Bắc Kỳ. Sau khi Henri Rivière bị giết ở Cầu Giấy năm 1883, Pháp gởi thêm quân tiếp viện, Harmand lợi dụng lúc vua Tự Đức băng hà, nội bộ Nam triều đình lủng củng, thành công ký kết hiệp ước ngày 25 tháng tám năm ấy. Ngày mồng 6 tháng sáu năm sau, với hiệp ước Patenôtre, Việt Nam bị chia cắt làm ba miền. Ở Huế, vua Tự Đức không có con thừ tự, hai vị đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lập phế các vua và sau cùng đưa vua Hàm Nghi lên ngôi. Sau vụ tấn công đồn Mang cá thất bại hôm mồng 4 tháng bảy 1885, hai vị Tường và Thuyết phò vua chạy ra Tân Sở khởi động phong trào Cần Vương chống Pháp. Ông Hocquard và họa sĩ Roullet đến Huế vào lúc vua Hàm Nghi đã bị truất phế và vua Đồng Khánh trị vì chưa đầy một năm. Từ Cầu Hai, họ rời đường bộ và được chở trên một thuyền ngự châu vượt phá Tam Giang đến Thuận An. Họ chứng kiến phế tích đồn lũy Hải đà đã bị đô đốc Courbet phá sập hai hôm 18-19 tháng tám 1883, những công sự Quy lai, Thuận hòa mà hai vị Tường và Thuyết cho xây để phòng ngăn chận quân Pháp truớc ngày tấn công đồn Mang Cá. Đi ngược dòng sông Hương, ông Hocquard nhận thấy hai bên bờ xen lẫn với đồng ruộng là những nhà vườn xinh xắn, trắng trẻo. Khi vào thành phố, dọc theo một trong hai cánh sông, ông ngắm nhìn bên mặt xóm Đông Ba tập nập, ồn ào tuy chỉ còn lại vài ngàn dân cư so với trước kia có đến ba mươi ngàn binh sĩ, bên trái sừng sững kinh thành tường gạch cao ráo, yên tĩnh. Trước hiệp ước Patenôtre, không một người Âu Tây nào có quyền vào trong thành nội, sau ngày Kinh đô thất thủ tháng bảy 1885, có đến ba ngàn rưởi quân binh Pháp ngang nhiên đi lại làm gai mắt không ít người dân ở đây.
Dạo ấy, quân Pháp tập trung ở ba điểm: quanh đại nội, đồn Mang Cá và tòa công sứ ở Trường Thủy bên kia sông với những ngôi nhà giống các biệt thự ở Pháp. Lúc đầu, tháng năm 1876, viên công sứ Rheinart chỉ ở trong một ngôi nhà tranh, phên đất, dần dần qua thời Philastre hai năm sau mới xây nhà ngói có tầng. Tòa công sứ lúc bấy giờ đã được trang hoàng rất lịch sự, đầy đủ tiện nghi theo kiểu Âu Tây. Chính ở phòng khách trong tòa này mà ngày mồng 6 tháng sáu năm 1884, chiếc ấn bạc vuông mỗi cạnh 11 phân, nặng 5 kg 9, trên có chạm hình một con lạc đà nằm (biểu hiệu sự thuần phục) Trung Quốc ban cho vua Gia Long, được nấu chảy trước mặt quan khách Việt và Pháp, một cử chỉ sau này gây cơn giận bên phía Trung Quốc vì theo hiệp ước Thiên Tân ký ngày 11 tháng năm 1884 ngay trước đó, Pháp không có quyền hành động xúc phạm phẩm cách Thiên triều! Ngay trước tòa công sứ, bên kia sông, ngoài kinh thành, gần cửa Đông Nam, là nhà Thương Bạc, lúc bấy giờ là nơi cư trú của tướng Prudhomme, chỉ huy quân đội Pháp ở Trung Kỳ, nhưng trước kia là nơi thượng thư bộ lễ tiếp đón khách ngoại quốc, thay vì ở Cung Quán gần cửa Kẻ Trài. Thương Bạc cũng là nơi khách nước ngoài lại thương lượng để được vào trong kinh thành hay để yết kiến nhà vua. Từ khi vua Đồng Khánh lên ngôi, việc đi lại trở nên dễ dàng đối với người Pháp, nhất là các cửa đều có lính Pháp đứng canh. Trên tường cao bằng gạch, trong 24 pháo đài, có đặt nhiều súng đại bác bằng đồng thanh hay bằng gang. Một số cửa cao to trên có tháp canh hai tầng cứ tối đến là đóng lại. Vào hoàng thành qua cửa Ngọ Môn, cần phải có giấy phép của nhà vua. Mọi người ra vào phải bước qua cửa hai bên, cửa giữa đến nay chỉ dành cho nhà vua và tướng De Courcy là người Pháp đầu tiên dùng cửa giữa nhân hôm lễ đăng quang vua Đồng Khánh.
Hai bên một con đường đầy bóng mát có những ngôi nhà đồ sộ sau những sân lớn là lục bộ, động lực chính của Nam triều, đứng đầu mỗi bộ là một vị thượng thư, giúp việc có những tham tri, thị lang. Vào một lúc, đây là nơi náo nhiệt và sống động nhất của kinh thành với hàng trăm ký lục, bút lông cài trên khăn đóng, tay cắp hồ sơ, xung xăng từ bộ nầy qua bộ khác, hàng ngàn người dân lại ngồi chờ, tìm đón một vị quan có thế lực để xin xỏ, nhờ vả. Tuy vậy, ông Hocquard nhận thấy cách cai trị thời ấy rất đúng lý. Thường những vụ kiện cáo được giải quyết theo hương ước trong làng, nếu không được mới lên huyện hòa giải, có thể bị xử phạt, giam tù; nếu thuộc hình sự có thể lên đến quan án sát ở tỉnh và nếu là một trọng tội đưa đến tử hình thì phải do bộ tư pháp quyết định. Trên nguyên tắc, tư pháp không phải trả tiền, người khiếu nại được bảo đảm toàn vẹn nhưng trong thật tế, vì lương bổng các vị quan rất có giới hạn nên lương tâm của họ cũng dễ nao núng. Quà cáp cho các vị quan là một chuyện thường tình, nhưng có quà lớn quà nhỏ, con đường tư pháp lại rất dài dòng, phức tạp nên người khiếu nại cũng như kẻ ngồi tù lắm lúc phải đợi rất lâu mới được xét xử. Có khi việc quan trọng phải đưa lên đến Nội các xem xét trước khi đệ trình lên nhà vua. Nhà vua không chỉ phải giải quyết những vấn đề tư pháp. Hầu hết các vua đều có lo việc xây cất trong kinh thành. Bắt đầu từ vua Gia Long, con sông Ngự Hà đã được vua Minh Mạng sửa đổi, cho bắt ngang nhiều cầu như Bác Tế Kiều, Ngự Hà Kiều, cầu Thế Lại,...rồi đến vua Tự Đức cho thêm nhiều miếu điện. Xưa nhất, ngoài một điện thờ vua Gia Long, là một điện thờ vua Minh Mạng rất đẹp mà vua Thiệu Trị đổi tên từ Khánh Ninh Cung ra Hiếu Tư Điện, người Pháp thường gọi lầm chùa Thiệu Tri, rất tiếc nay không còn nữa. Ông Hocquard còn nói đến một thửa ruộng gọi là tịch điền để hằng năm, sau khi cho cày đất, trước mặt đông đủ bá quan, tự tay vua vạch hai luống cày để làm lễ tế đất, chứng tỏ nghề nông là nghề cao quý nhất. Nếu không dự được, vua thường cử hoàng tử kế vị hay một vị quan lớn trong triều thay thế.
Ra khỏi kinh thành, gặp một kiệu khiêng một vị quan, ông Hocquard nhận xét ngoài bắc bất cứ quan nào cũng có theo sau nhiều chiếc lọng, ở Huế chỉ những thượng thư hay vương công mới có quyền có một chiếc mà lại khép đóng. Việc ăn uống của vua chúa được một trăm đầu bếp gọi là thượng thiện, mỗi người lo một món với một số tiền chỉ định nên khi đi chợ mua họ không thể trả hàng nhiều hơn, làm những người bán hàng tha oán mà cũng phải chịu. Ngoài những đầu bếp nầy, vua còn có một đội 500 quân gọi là vong tranh để săn những thú lớn, mỗi đội 50 quân gọi là võ bị viên để săn chim chóc, yến hộ để hái tổ chim yến, ngư hộ để bắt cá, hay thượng trà viên để lo trà nước. Theo ông Hocquard, có đến 800 người lo chuyện phục vụ cơm nước cho nhà vua. Ngoài ra, quan chức ở tỉnh còn có nhiệm vụ gởi về kinh đô những đặc sản: cá sấu miền nam, lệ chi miền bắc, gạo nếp vùng Huế,... và không quên giữ lại một phần nhỏ cho mình. Hằng ngày, đến giờ ăn cơm, khi có chuông reo, đầu bếp cho dọn món ăn trong những dĩa nhỏ bằng sành đặt trên một cái mâm sơn, đến lượt những quan hoạn trao các mâm nầy cho những thị nữ để quỳ trình vua. Cơm dọn cho vua phải thật trắng, nguyên vẹn, gạo chọn từng hột một, nồi nấu bằng đất phải được đập vỡ sau mỗi lần dùng. Vua Tự Đức là người rất tỉ mỉ và sợ sệt: ông chỉ ăn những dĩa đã được ngự y nếm trước vì sợ bị đầu độc. Ông không khi nào dùng đũa bằng ngà như ở những nhà giàu vì cho là nặng mà chỉ dùng đũa tre vứt bỏ từng ngày. Ông uống nước lọc hay rượu trắng ướp sen cùng các cây hương khác. Số lượng cơm mỗi bữa được cân trước, không khi nào ông ăn quá ; nếu ông ăn không hết, lập tức ngự y được mời lại kê đơn thuốc mà ông chỉ dùng khi ông này đã uống thử trước.
Sau bốn ngày chờ đợi, ông Hocquard được giấy phép cho vào cung cấm. Hướng dẫn viên là cha Hoàng, thông dịch viên của nhà vua. Cha Hoàng là một giáo sĩ công giáo quê gốc Vinh, đã từng được gởi đi học ở Mã Lai và ở Pháp, đã từng làm thông dịch viên cho phái đoàn Phan Thanh Giản qua Pháp, và cũng là nhân viên các phái đoàn Pháp như năm 1875 ở Huế. Cha Hoàng thay thế cha Thơ, một thông dịch viên được cho là tham lam, xảo quyệt nên tướng De Courcy yêu cầu mời cha Hoàng thay thế. Cha Hoàng có nhiều ảnh hưởng lên vua Đồng Khánh nên quan chức trong triều rất sợ ông và viên toàn quyền Paul Bert, năm 1886, cũng yêu cầu ông thôi việc, đưa về lại giáo khu Yên Hoà, làm vui lòng nhiều người. Trong một ngôi nhà nhỏ, xinh xắn, có trồng hoa, có bể cá, cha sống giữa những đồ đạc quý bằng gỗ đen, chạm trỗ tinh vi, những bức liễn đỏ thép vàng, những bình hương bằng đồng chạm, những chiếc lọng quan, những lưỡi kiếm cán ngà nạm bạc, nhưng không có một chút dấu tích công giáo nào. Người nhỏ con, mắt sáng, răng đen, râu cằm trắng, khăn đóng đen, cha mặc áo dài đen, quần lụa rộng nhưng không phải y phục các giáo sĩ. Cha căn dặn khách : tôi được lệnh của nhà vua mở tất cả cửa cho ông nhưng theo một hành trình chỉ định để khỏi bất ngờ gặp vua hay các bà trong cung; đằng khác, nhà vua rất tò mò, rất có thể theo dò ông mà không ra mặt.
Cha Hoàng đưa ông Hocquard qua cửa Ngọ Môn, vượt Kim Thủy Kiều, Kim Thủy Trì để đạt tới Đại Triều Nghi và Thái Hòa Điện. Ông ngắm nghía những cột đồng chạm trổ hình rồng hư ảo, những thanh ngang nạm sành hình hoa đủ màu, những tượng cọp thép vàng trên bệ xây. Trong điện, những quái vật đầu sư tử tô điểm những mái đua, ngói đốc, vô số hình chạm trổ phủ đầy những hàng cột sơn son thép vàng, những gỗ lát tường xoi lọng từ đất lên đến mái, tất cả bao quanh một ngai vàng sau có trướng rồng thêu, trước chân có hình cọp nằm, trên phủ một tàn lụa vàng thêu màu. Chính ở đây nhà vua tiếp các sứ thần ngoại quốc, bá quan văn vỏ sắp hàng ở ngoài, trên Đại Triều Nghi, theo thứ tự ngôi thứ chỉ định. Hai bên Thái Hòa Điện có hai cửa nhỏ thông qua một sân lát gạch với ba cửa lớn sơn đỏ có hình rồng mở ra Đại Cung Môn là lối vào cấm thành. Sau xa là Cần Chánh Điện. Trong sân có hai tòa nhà. Trước khi bước qua một cửa đỏ, cha Hoàng cổi giày, hạ giọng, bảo khách phải gởi lại máy chụp hình ở ngoài. Vừa thưởng thức dĩa bánh và nước trà vua cho dọn, ông Hocquard nhìn qua cửa sổ thấy một đoàn lính mặc quân phục đỏ, trước có lính mang kiếm, trên có hai lọng vàng che, khiên một hộp đồ cúng đưa vào miếu tổ tiên. Tòa thứ nhì, với một bàn giấy trên có nghiên bút, là nơi vua tiếp khách riêng, không long trọng như ở điện kia. Chính ở đây, vua phê những châu bản bằng mực đỏ trước khi sai thị vệ đem đến những bộ hữu quan. Trong sân, những vạc đồng cao bằng con người với hoa văn hình nổi tinh vi có thể là những kiệt tác trong loại. Còn có một toà thứ ba, sau bức rèm thoáng thấy bóng nhà vua. Trong các toà nhà nầy, đi lại nhiều vị quan, hoạn quan, bài ngà lắc lư trên ngực, người giúp việc đủ thứ, ai cũng chân không, khi đi ngang trước cửa nhà vua thì cúi rạp xuống tận đất. Cạnh đấy là Duyệt thị đường, nơi trình diễn những vở kịch do vua hay Nội các viết ra. Ban kịch gồm có những cô khoảng 45 cô gái đẹp do hoàng thái phi tuyển chọn lựa khắp nước, chăm nom và tập luyện.
Ông Hocquard còn may mắn được đưa vào viếng cấm thành, nơi ăn ở của nhà vua và gia đình. Những tòa nhà hai tầng có cửa sổ và ban công lấp loáng sau một dãy sân và vườn: hai tòa dành cho hoàng quý phi và bà thứ phi thứ nhất, những phi tần khác chiếm sáu tòa còn lại, mỗi bà có phòng riêng, ở một mình hay với những người giúp việc. Phi tần của vua Tự Đức rất đông, có đến 104, phẩm trật 9 hàm, mỗi hàm có tên riêng. Lương bổng của họ không bao lăm, nhất là các bà ở hàm thứ chín dưới cùng. Mỗi bà có phép đưa vào một số nữ tỳ, từ ba đến chín, tùy hàm. Một đội 60 bà lớn tuổi phẩm phục theo nghi lễ những phu nhân quan chức, có nhiệm vụ cai quản các nữ tỳ, chi định hằng ngày cô nào vào phục vụ ở đâu. Những bà nầy còn có bổn phận điều khiển một đội 300 nữ công, có phận sự chèo thuyền của vua hay canh gác trước cửa phòng riêng của gia đình vua. Những cô nầy mặc đồng phục, quần, áo, khăn xanh và ở một tòa nhà cạnh hậu cung. Riêng nhà vua có 15 nữ công mang kiếm đứng gác ở mỗi cửa và 30 nữ tỳ phục vụ, trong số nầy 5 cô luôn chực sẵn cạnh vua. Nói chung, trong hậu cung có 579 nữ công phục vụ, thêm vào 435 nữ tỳ, tổng cộng 1014 phụ nữ, mọi phí tổn nhà nước chịu. Cung phi được tuyển vào cung thường là con các quan chức hay các nhà giàu muốn hưởng thêm chút vinh dự hay đặc quyền. Một khi vào hậu cung rồi thì các cô nầy hết còn được về nhà, trừ khi bị bệnh không chữa được. Nếu chết thì được kéo dây vượt tường đưa ra khỏi hậu cung chứ không được chở qua cửa.
Khi vua băng hà, những cung phi hàm lớn được đưa lên ở cạnh lăng tẩm cùng với những hoạn quan. Những phi tần khác được thả về gia đình nhưng, dù còn trẻ đẹp, không được tái giá với người dân thường. Những vị quan lớn, vì tôn trọng ký ức nhà vua, cũng cấm không được cưới những bà nầy. Gần cung cấm là nhà ở của hoàng thái hậu Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị. Vua Tự Đức rất kính mến mẹ, lại viếng hằng ngày, thường xuyên quà cáp và nghe mọi lời chỉ bảo. Vua Đồng Khánh cũng hết sức tôn kính, lúc nào cũng chỉ nhỏ nhẹ lễ phép trả lời. Bà thích chăm nom các đào hát phục vụ vua, về già trở thành mù, có lúc theo vua lên viếng lăng Tự Đức. Sâu trong cung cấm có Hồ sấu, tương truyền những cá sấu nuôi ở đấy có nhiệm vụ bảo vệ châu báu tích trử ở tòa nhà cạnh bên. Hồi quân của tướng De Courcy vào đây lục lọi thì chỉ tìm ra được một số nhỏ thoi bạc, phần lớn kho tàng có thể đã được đề đốc Bích theo lệnh hai vị đại thần Tường và Thuyết đem dấu nơi khác. Cạnh cung vua là vườn Thượng Uyển có cây to, hồ nhỏ, có những chiếc cầu tí hon nối liền những lối đi khéo vẽ với những cây cong queo lạ lùng. Cứ ba năm một lần vua tổ chức ở đây một hội văn : những tiến sĩ mới đỗ ở các tỉnh được mời lại thi trước mặt vua, sĩ tử trúng tuyển được mời dự tiệc trong bộ áo mũ tương ứng với cấp bậc và còn được cởi ngựa hái hoa. Sau đó, tam sĩ được ghi tên vào bia đá, nhưng bia sẽ bị đập vỡ nếu viên quan phạm một tội lỗi gì đó trong ngành nghề. Ông Hocquard đến Huế đúng vào dịp Tết : giàu, nghèo, quan lại hay dân quê đều nghỉ làm việc, áo quần bảnh bao, ăn uống, vui chơi, không có tiền thì bán đồ đạc, bàn ghế hay vay mượn. Công sở đóng cửa từ ngày 25 tháp chạp cho đến ngày mười một năm mới : mọi việc đều dừng đứng... Thành phố giống như chết nếu không có tiếng pháo và nhạc. Quan lại và thị dân đi lại thăm nhau, trao đổi quà cáp, trẻ con vui nhận tiền biếu trong phong bì màu đỏ, màu của vui sướng. Trước nhà, những cây nêu hướng dẫn linh hồn tổ tiên về với gia đình, trên thềm những hình vẽ cung tên ngăn chận quỷ quái. Ngoài sân, hoa giấy treo trên thành giếng và thầy bói được mời đến múc nước, xem nặng nhẹ để tiên lượng tương lai trong năm.
Trong thành nội cũng rộn rip quan chức lại chúc Tết nhà vua. Lính Tây, lính ta, súng ống đầy đủ, được huy động sắp hàng từ Ngọ Môn đến Đại Triều Nghi. Màu trắng những mũ lễ phục quân binh Pháp gây vấn đề với bộ lễ vì màu trắng là màu tang, điềm xấu ngày Tết, nhưng tướng Pháp không chịu nhượng bộ. Trên Đại Triều Nghi, quan chức đều mặc đại triều, bào dài tay rộng, trên lưng cánh diều, ủng đen đế dày, ngang lưng đai màu, trong tay hốt ngà, quan văn bên trái, quan võ bên mặt. Trước các quan chức, ngay trong điện, những hoàng thân mặc áo đỏ thêu. Hai bên điện, cạnh những lính cầm lọng là những nhạc công đồng phục toàn đỏ. Khi tiếng nhạc và tiếng hô từ xa vang lại, đồng thời với hương thơm bay thoảng, đấy là lúc nhà vua đến, giữa một đoàn rước, dưới bốn cái lọng, áo lụa vàng thêu, đầu đợi mũ miện, ngực mang kinh khánh, tay cầm hốt ngà. Vua Đồng Khánh, vừa mới ngồi xuống trên ngai là kèn lệnh Pháp nổi dậy, tướng Prudhomme đi truớc các sĩ quan và đại diện chính quyền bảo hộ, tiến đến Đại Triều Nghi. Vua Đồng Khánh xuống ngai đón tiếp. Sau lời chúc tụng và cám ơn, tất cả quan khách Pháp rút lui. Đến lượt các hoàng thân và quan chức trong triều phủ phục ba lần, trán xuống sát đất, cất lời chúc tụng mà ông Hocquard nghe như tiếng hát trong nhà thờ. Ông rất cảm kích thấy nhà vua, trông còn rất trẻ, thùng thình trong bộ triều phục vàng chói, thản nhiên như một bức tượng trước đám quan chức áo quần rực rỡ, quỳ khấn như trước đức chúa Trời, một cảnh tượng khó quên. Chiều hôm đó, theo một đoàn rước khoảng một ngàn quan chức, nhà vua đi dạo khắp các nẻo đường trong thành phố. Thường các nhà vua ít nhất mỗi năm một lần ra mặt dân chúng, nhưng từ khi quân Pháp chiếm đóng đất nước, vua Tự Đức ủ ê, buồn rầu, chỉ ra khỏi cung cấm bằng thuyền hay trong kiệu đóng kín. Nhà vua không quên dừng qua nhà Thượng Bạc để chào viên tướng Pháp cùng các nhà cộng sự và chia sẻ bánh trái với họ.
Ông Hocquard còn được may mắn hơn khi ông và ông Roullet được nhà vua tiếp kiến. Vua Đồng Khánh là một vị quân vương làm việc nhiều. Ông dậy lúc 5 giờ sáng, hầu như suốt ngày ngồi đọc tất cả những báo cáo từ các bộ và các tỉnh gởi lại. Khi nào mệt, ông nhờ những bà phi có học vấn đọc những hồ sơ chính thức, trừ những công hàm mật. Những ngày lẻ, vua tiếp kiến những vị quan cần gặp. Những vị lớn, từ hàm tam phẩm trở lên, phải thay nhau ngồi trực hằng ngày ở hai nhà tả vu hay hữu vu đợi chờ lệnh của vua do hoạn quan đem đến. Nhà vua tiếp đón ân cần hai vị khách Pháp, bắt tay theo lối xã giao Tây phương. Ngài muốn xem những hình đã chụp. Roullet đề nghị vẻ chân dung của nhà vua, ngài đồng ý nhưng phải vẽ với triều phục. Họa sỉ bảo thật khó vẽ vì nhà vua không chịu ngồi yên, luôn muốn đúng dậy xem bức tranh. Đằng khác, sau bức rèm thấp thoáng những cặp mắt tò mò và những tiếng cười ỉm dập làm đảng trí nghệ sĩ. Rút cuộc, bức vẽ không xong và Roullet vẽ tiếp ở tòa công sứ theo hình đã chụp. Ông Hocquard cũng được được lên ngựa đi xem đàn Nam giao và những lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Nam Giao là nơi mỗi năm vào tháng hai, vua và triều đình lại long trọng làm lễ tế Trời. Ngày hôm trước vua phải nhịn ăn. Đúng vào nửa đêm, buỗi lễ bắt đầu: một con trâu được hiến sinh trước khi vua và quan chức quỳ lạy năm lần và nhiều tấm lụa đủ màu được đốt cháy. Vì lúc trước quân Tây Sơn cho đào mã thân phụ vua Gia Long và vứt vào sông, bây giờ theo thường lệ không ai biết các nhà vua được chôn ở đâu. Ở lăng Tự Đức, nhiều tòa nhà rộng rãi và trang hoàng đẹp đẽ dành cho các thứ phi và hoạn quan. Một tòa dùng làm viện bảo tàng chứa đựng cái giường, nghiên, bút, sách vở của nhà vua, đặc biệt một cuốn vở với những tờ bằng vàng ghi chép những thành tích vẻ vang nhất của triều đại. Trên đường về, ông ghé viếng chùa Thiên Mụ quanh tháp Phước Duyên mà người Pháp gọi là tháp Khổng Tử.
Hai ông Hocquard và Roullet rời Huế đầu tháng tư 1886. Chỉ ở Huế không đầy 4 tháng mà ông bác sĩ đã thấy được nhiều, biết được rộng, nhờ những giải thích của các vị quan. Luôn luôn nhận xét, tìm hiểu, ông Hocquard không ngừng phân tích những sự kiện và để lại cho chúng ta một thiên phóng sự vừa thú vị vừa bổ ích.
Xô thành mùa xuân 2010
Huế Xưa và Nay 99 2009
(*) Docteur Hocquard, Une campagne au Tonkin, Edition présentée et annotée par Philippe Papin de l'Ecole française d'Extrême-Orient, Arléa Paris 1999
45- CUỘC ĐƯƠNG ĐẦU ĐỀ THÁM - GALLIENI
Giữa Paris, một bên góc quảng trường Vauban, đằng sau viện bảo tàng Les Invalides, sừng sững một công trình bằng đồng dựng trên một bệ đá rất cao. Công trình thể hiện tượng Tướng Galliéni được phong Thống chế năm 1921, sau khi ông đã qua đời. Bốn bề quanh bệ là bốn người dan tay lên cao để khiêng ông tướng, bốn cột tượng hình dung phúng dụ bốn giai đoạn trọng đại trong đời sống của ông : Soudan là nơi ông bắt đầu sự nghiệp, Tonkin (Bắc kỳ) là vùng ông được xem như người đã có công bình định, Madagascar là xứ ông được bổ nhiệm Toàn quyền và Paris là thành phố ông được cử chỉ huy các hào lũy ngay từ những ngày đầu thế chiến thứ nhất. Tượng nầy do nghệ sĩ Jean Boucher thực hiện, được khánh thành năm 1926. Tượng trưng cho Bắc kỳ là hình dáng một người Việt, áo dài khăn đóng.
Tò mò, tôi muốn tìm biết Tướng Galliéni là ai và tại sao lại có một người Việt cùng với ba người khác nâng cao ông ta trên nền trời Paris xanh thẳm, luôn tiện học lại một trang sử đất nước. Joseph-Simon Galliéni (1849-1916) sinh tại làng Saint-Béart, tỉnh Haute-Garonne là con một người di tản qua Pháp. Xuất thân Trường võ bị Saint-Cyr năm 1868, ông được bổ nhiệm thiếu úy trong đoàn bộ binh Hải quân Pháp. Trong trận chiến 1870 chống quân Phổ, ông bị thương, bị bắt làm tù binh qua Đức đến 1871. Năm 1873, với chức trung úy, ông được gởi qua đảo La Réunion ba năm, rồi qua Dakar điều khiển những lính chiến Sénégal. Lên chức đại úy năm 1878, ông thương lượng thành lập nền đô hộ Pháp lên nước Mali. Sau nhiều thành công khác trong những cuộc điều đình về hiệp định thương mãi, ông lên chức trung tá và được bổ nhiệm Toàn quyền xứ Soudan thuộc Pháp. Chính ở đây mà ông đã ra tay trấn áp dã man một cuộc khởi nghĩa của dân bản xứ. Với chức đại tá năm 1891, ông đạt cấp bằng bộ tham mưu và trong ba năm 1892-1895 được gởi qua Bắc kỳ với nhiệm vụ bình định một vùng mà Pháp muốn chiếm đóng. Được phong thiếu tướng, năm 1896 ông qua làm Toàn quyền nước Madagascar. Trong tám năm, ông thành công trong nhiệm vụ mở mang một thuộc địa về đủ mọi mặt : hành chánh, kinh tế, giáo dục. Tham hiểu phong tục, tập quán, thông thạo nhiều ngôn ngữ địa phương, ông đã có công đặt nền móng cho một số cơ sở hạ tầng như đường xe lửa, trường ốc, viện Pasteur,... Với quân hàm trung tướng, ông trở về Pháp năm 1905, làm Tư lệnh quân khu Lyon, chỉ huy quân đoàn 14, tham dự Hội đồng Tối cao Chiến tranh, chủ tọa Hội đồng Tư vấn Bảo vệ Thuộc địa,...Về hưu tháng tư 1914, qua tháng tám ông được triệu trở lại làm Tư lệnh quân khu Paris ngay sau ngày khởi chiến chống Đức. Ông có dự phần vào cuộc thắng trận ở Marne, tương truyền nhờ vận dụng những xe taxi ! Sau một thời gian ngắn làm Bộ trưởng bộ Chiến tranh năm 1915, ông lanh chóng từ chức và từ trần sau một cuộc phẩu thuật. Ông được an táng trong nghĩa địa thành phố Saint-Raphael.
Ông được gởi qua Đông Dương vào một lúc Pháp cần chiếm đóng miền bắc sau khi đã chinh phục miền nam. Những năm sau 1860, Chasseloup-Laubat, chủ tịch Hội Địa lý, không ngớt lên tiếng yêu cầu khảo sát những cao nguyên Lào. Bên phần Đô đốc La Grandière thì tin tưởng xứ Lào có thể làm điểm dựa để tiến vào địa phận Trung Quốc. Mãi đến năm 1866, viên Sĩ quan hải quân Doudart de Lagrée mới được phái đi thám hiểm ngược dòng sông Mêkong. Thật ra trước đó, nhà báo Henri Mouhot đã mở đường, viếng Angkor, đạt đến Luang-Prabang và mất tại đây. Doudart thấy ngay những khó khăn không những vì các ghềnh thác mà còn vì thái độ của dân địa phương sống hai bên bờ sông. Sau khi Doudart bị bệnh phải dừng lại và mất đi, người phụ tá, Trung úy hải quân Francis Garnier, tiếp tục sứ mệnh, rời sông Mêkong, tiến vào thung lũng sông Dương Tử, trở về Thượng Hải rồi Sài Gòn năm 1868 với một số lớn tài liệu địa lý và dân tộc học. Năm 1872, ông xin nghỉ việc, đem vợ qua ở Thượng Hải để thử tiếp tục công cuộc đã bắt đầu với Doudart, thám hiểm phần trên sông Mêkong cho đến Tây Tạng. Nhưng sáu tháng sau, Đô đốc Dupré, Toàn quyền Cochinchine (Nam kỳ), triệu ông về Sài Gòn, giao cho nhiệm vụ ra Bắc kỳ giải quyết mọi xung đột giữa chính quyền bản xứ và những nhà buôn Pháp, đặc biệt Jean Dupuis là người đã nghĩ đến cách dùng sông Hồng để giao thông với Trung Quốc. Sau này trong hai năm 1872-1873, Dupuis bán súng ống cho các quan Tàu cũng theo đường ấy. Tháng mười một 1873, Garnier ra bắc với 200 quân và 4 khẩu đại bác, hết lòng ủng hộ Dupuis. Không thành công dùng ngoại giao thương lượng, ông tấn công và dễ dàng đánh chiếm Hà Nội rồi cho quân đóng khắp nơi.
Một tháng sau, lúc ông tưởng có thể dụ được quan quân Việt, quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc thình lình đột nhập vào kinh thành. Quân Pháp chống cự đẩy lui được quân địch, Garnier thừa cơ chạy đuổi theo nhưng bị quân của Hoàng Kế Viêm phục kích chặt đầu ở Cầu Giấy vào ngày 21 tháng mười hai 1873.
Ở Huế, vua Tự Đức rất bất bình trước những thủ đoạn của Dupuis cùng những kẻ phiêu lưu ngoại quốc khác. Nhà vua nghĩ những người nầy đã xúi làm loạn dân công giáo (14 vạn riêng ở miền bắc), những bộ lạc miền núi, những hậu duệ các triều đại đối thủ cũ. Toàn quyền Dupré cũng biết vậy nên không thừa nhận chính thức Garnier nữa và gởi Đại úy hải quân Louis Philastre ra Huế đàm phán. Philastre đồng ý rút lui khỏi đất bắc, một bên Pháp công nhận nền độc lập và chủ quyền Đế quốc An Nam trong một thỏa ước ký ở Sài Gòn tháng ba năm 1874, bên kia vua phải hứa mở sông Hồng và ba hải cảng miền bắc cho thương mãi quốc tế. Tuy nhiên, qua tháng bảy 1881, ở Pháp chính phủ Jules Ferry được hai viện cấp 2,5 triệu đồng Phật lăng để gởi một đội viễn chinh thám hiểm sông Hồng đồng thời chính thức đánh dẹp quân cướp Tàu. Ngày 25 tháng tư 1882, cầm đầu một toán quân 500 lính, Đại úy hải quân Henri Rivière đánh chiếm thành Hà Nội nhưng bị quân Cờ đen giết ngày 19 tháng năm 1883 cũng ở Cầu Giấy. Lập tức, Jules Ferry tăng cường quân viễn chinh lên 4000 rồi 9000 rồi 40.000, ra lệnh cho Đô đốc Courbet chỉ huy một hạm đội tiến vào Biển Đông. Quân Pháp lần lượt chiếm đóng Nam Định (tháng ba 1883), Sơn Tây (tháng mười hai 1883). Lủng củng nội bộ vào lúc vua Tự Đức băng hà tháng tám 1883, triều đình Huế phải chấp nhận sự bảo hộ Pháp qua hiệp ước Harmand (25 tháng tám 1883) hoàn chỉnh với hiệp ước Patenôtre (mồng 6 tháng sáu 1884), từ đây đất nước Việt Nam bị cắt ra thành ba phần...Pháp cũng thành công ký kết thỏa ước Thiên Tân ngày 11 tháng 5 năm 1884 với Trung Quốc, một cường quốc đến nay luôn có ý chí giữ quyền bá chủ trên đất nước ta, từ nay chấp nhận chế độ bảo hộ Pháp và rút quân về nước. Nhưng chỉ hơn một tháng sau, vì một chuyện lôi thôi ở Bắc Lệ, Courbet từ bỏ công ước, đánh chìm một phần lớn hải quân Trung Quốc ở Phúc Châu ngày 23 tháng bảy 1884. Với vài ba rắc rối khác được báo chí phồng lớn, ở Pháp dấy lên một phong trào chống cuộc khai thác thuộc địa ở Bắc kỳ, nhất là sau khi quân đội viễn chinh phải rút khỏi đồn Lạng Sơn, thành công đánh đổ chính phủ Ferry.
Tuy vậy, nghị viện mới vẫn tiếp tục biểu quyết cấp ngân quỷ và gởi qua Đông Dương Toàn quyền Paul Bert, nguyên là một nhà sinh lý học có tiếng, một chiến sĩ vô thần, một người luôn đề xướng trường học không tôn giáo. Nhưng Paul Bert bị lâm bệnh sốt, sớm từ trần, nhường chỗ cho Toàn quyền Paul Doumer, người xây dựng mở mang Hà Nội như ta thấy ngày nay. Ở Huế, vua Tự Đức mất đi không có con thừa tự, Thượng thư bộ Hình Tôn Thất Thuyết và Phụ chánh Đại thần Nguyễn Văn Tường mặc sức lần lượt lập phế các vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, mỗi vị vài ngày hay vài tháng, và sau cùng phong vua Hàm Nghi, 13 tuổi. Sau vụ tấn công đồn Mang cá thất bại hôm mồng 4 tháng bảy 1885, Tường và Thuyết phò vua chạy ra Tân Sở, được xây dựng từ hai năm trước, và khởi động phong trào Cần Vương chống Pháp. Trong luôn ba năm, cho đến lúc vua Hàm Nghi bị bắt năm 1888, kháng chiến được sĩ tử tổ chức khắp nơi. Được biết nhiều nhất là Phan Đình Phùng, nguyên là quan Ngự sử đô sát viện, người cương trực, ngay thẳng. Vì bất đồng ý kiến với Thuyết, ông bị cách chức nhưng sau đó được phục chức, bổ làm tham biện Sơn phòng Hà Tĩnh. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông được vua phong tản lý quân vụ, lãnh đạo nghĩa quân xây dựng căn cứ ở Hương Sơn, Hương Khê, thuộc Hà Tĩnh, có nhiều trí thức, nhà khoa cử lại góp sức. Khi biết Trương Quang Ngọc làm phản để cho Pháp bắt vua, ông đích thân đi bắt Ngọc và chém đầu. Trong luôn mười năm, cho đến 1895, chết vì bệnh lỵ, ông đã bao lần lần giao chiến và gây nhiều tổn thất nặng nề cho quân địch, một lòng một dạ không hề chịu nghe lời dụ dỗ, mua chuộc.
Nguyên Tổng đốc Bình Định, khét tiếng sau vụ trấn áp ở Quảng Ngãi, Nguyễn Thân được phong Khâm mạng Tiết chế Đại thần, lãnh toàn quyền suốt mấy tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Với 4000 dân quân đầy đủ súng ống, ông thề sẽ đánh tan hệ thống Phan Đình Phùng. Không bắt sống được người hùng được toàn dân kính phục và che chở, ông chỉ còn biết quật mộ, đổ dầu đốt cháy thi hài thành tro, cho trộn vào thuốc súng bắn xuống sông La. Mất chủ soái, một số tướng lãnh đau bệnh chết, chạy trốn sang Xiêm hay ra hàng, phần lớn còn lại chiến đấu đến cùng, 23 vị chỉ huy bị bắt và xử tử.
Nhưng kháng cự quân Pháp không chỉ có Cần Vương rất phát triển ở miền trung, Bửu Sơn Kỳ Hương với Đạo Lành (Năm Tiếp) trở thành Đạo Phật Đường trong nam. Ngoài bắc còn có một số quân Tàu, nào Cờ đen với Lưu Vĩnh Phúc, nào Cờ vàng với Hoàng Sùng Anh, vùng vẫy suốt miền núi Bắc Việt mà quân Pháp chia làm bốn khu. Khu thứ nhì Lạng Sơn có tiếng là náo động nhất và năm 1892 Pháp gởi qua đây một viên sĩ quan đã có nhiều kinh nghiệm ở Sénégal, Mali, và nhất là Soudan bên châu Phi là Đại tá Galliéni đã thấy ở trên. Để chống chỏi "quân phiến loạn", ông áp dụng một phương pháp gọi là "vết dầu" : ông ra lệnh phát khí giới cho người Thổ, tập cho họ sử dụng để tự bảo vệ chống "quân cướp". Thật ra, ông không phải là người đã phát minh ra phương pháp nầy, dù sao chỉ giúp thắng được một vài đầu đảng. Ông không biết trước mặt ông không chỉ có quân mà họ gọi là pirate (kẻ cướp) mà còn có những đoàn quân kháng chiến chống một quân đội viễn chinh nhẫn tâm đốt làng, giết chóc, bắt bớ dân chúng đưa đi làm cu li,...Họ tổ chức kháng cự từ ngày có mặt quân Pháp và phong trào Cần Vương lại đúng lúc hiến cho họ một kích thước hợp pháp, ít nhất cũng trong mắt những người tin Hàm Nghi là một ông vua chính đáng. Bên cạnh những nhà thâm nho như Nguyễn Tiến Thuật (tức Tân Thuật), Nguyễn Quang Bích,...có một bộ mặt mà mọi người Việt không thể dửng dưng khi nghe nói đến tên : Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám, biết danh "hùm thiêng Yên Thế", người anh hùng đã chống đội quân Pháp đông gấp hai mươi lần, trong hơn một phần tư thế kỷ. Lý lịch xuất thân của ông có nhiều bản khác nhau. Chính thức ông là con ông Trương Văn Thận và bà Lương Thị Minh quê làng Dị Chiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Nhiều giả thuyết khác cho cha ông là một quan án, một người khách lai chết trong tù hay một người thợ làm nghề may vá mang tên Phó Quát. Sinh ra năm 1858 ở làng Ngọc Cúc, phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, sớm mồ côi cha mẹ, Trương Văn Nghĩa (hay Thiêm tức Giai Thiêm) làm nghề giữ trâu, sống như người cùng khổ ngoài vòng xã hội. Ít nói, trầm mặc nhưng rất khỏe mạnh, chàng trai có một sức làm việc gấp ba, bốn người. Một ông phú hộ, Ba Phúc, đem về nhà ở và cho cưới con gái của ông, Thị Tảo, một bà tảo tần, đảm đang, sinh cho ông đứa con trai đầu lòng và độc nhất, Cả Trọng. Tuy là phú hộ, chánh tổng, Ba Phúc cũng còn là một tên đầu đảng. Một hôm có tên cướp đốt làng Nhả Nam, Ba Phúc mang bộ hạ chạy bắt tướng cướp, trở nên lãnh tụ Yên Thế và Giai Thiêm một tay cự phách.
Để bắt đầu, chiến công của Giai Thiêm vào tuổi 26 năm 1884 là đào tường trú quân Dục Lâm đánh cắp ba khẩu súng, sau đó vượt rào Làng Sao đoạt thêm được hai khẩu khác, đủ để lập thành một nhóm riêng biệt đầu tiên. Từ nay chàng xông pha chiến trận, lần lượt dưới quyền Trần Quang Soạn, Lương Văn Nắm tức Đề Nắm, rồi dưới cờ khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh tức Cai Kinh. Ông nầy thấy ra ngay những đức tính hiếu chiến của chàng trai, phong cho chức đốc binh, nhận làm con nuôi, nên anh mang tên Hoàng Hoa Thám. Cai Kinh mất năm 1888, Thám trở về với Ba Phúc, lại cho làm con nuôi và được phong đề đốc. Bắt đầu từ đây, Đề Thám là cánh tay mặt của Ba Phúc và tung hoành đánh phá quân Pháp trên trục Bắc Ninh - Phủ Lạng Thương. Danh xưng "hùm thiêng Yên Thế" không phải ngẫu nhiên mà có. Người Pháp, như Galliéni đã có nói, luôn tin tưởng vùng Yên Thế cây cối um tùm, đồi núi hiểm trở, là nơi rất tiện lợi cho việc ẩn trốn của quân cướp cũng như kẻ kháng chiến. Hơn nữa, theo lời Thiếu úy Hubert Lyautey, lúc bấy giờ là phụ tá Galliéni, Yên Thế còn có một ưu thế cho Đề Thám là nằm giữa hai khu quân sự của đội viễn chinh Pháp, ông ta mặc sức vận dụng sự cạnh tranh hành chánh của đôi bên để giữ thăng bằng và từ mười năm nay biết bao đội quân, biết bao tướng tá Pháp đã kiệt sức ở đây. Cách Hà Nội có 60 cây số, nằm 20 cây số phía bắc đường xe lửa Phủ Lạng Thương - Lạng Sơn, từ Yên Thế nghĩa quân dễ đem quân đến đánh những thị trấn này. Những trận thắng của Đề Thám kéo thêm về với ông các thủ lĩnh những băng đảng khác. Rút cuộc, không những chỉ lợi dụng lợi thế thiên nhiên, quân kháng chiến còn xây thành lũy kiên cố, Ba Phúc ở Cao Thượng, Đế Thám ở Hồ Chuối, cho nên Yên Thế được cho là đất nước của Đề Thám.
Trước những trận thắng của Đề Thám và các lãnh tụ khác rải rác khắp miền bắc, những cuộc phản công do Galliéni, lúc bấy giờ chỉ huy cả hai khu 1 và 2, tổ chức và phối hợp không đem lại kết quả mong muốn. Lần đầu, quân Pháp lấy một quyết định chưa từng thấy : hợp lực với quân đội bình định đất bắc là một cuộc lùng bắt do một vị quan Việt điều khiển. Vị quan được chỉ định là Tổng đốc Hưng Hóa Lê Hoan. Ông nầy là con nuôi vị Kinh lược Bắc kỳ, Khâm sai Hoàng Cao Khải, một người vừa giàu vừa có nhiều quyền thế. Lê Hoan cũng không vừa tay, một người thông minh, có nhiều tham vọng, một bàn tay sắt trong một găng tay không hoàn toàn bằng nhung, nhất là một kẻ thù không đội trời chung với Đề Thám. Chỉ huy một đội quân đầy đủ khí giới, Lê Hoan không chỉ thị oai mà còn dụ dỗ, hứa hẹn, quà cáp. Phương pháp thấy ra đem lại kết quả đáng kể: nhiều đầu đảng về đầu hàng, năm 1894 đặc biệt Ba Phúc biết thương lượng để còn giữ một số quân binh và được cấp tiền để mua đất ở Cao Thượng, mua nhà ở Bắc Ninh. Ba Phúc coi cuộc đàm phán này không phải chỉ cho một mình ông mà còn gồm cả Đề Thám. Nhưng Đề Thám thì nghĩ khác: từ nay không còn bị ràng buộc với vị cha nuôi nữa, ông trở nên nhà lãnh tụ dương cao ngọn cờ Cần vương. Ba Phúc tức giận, nuôi mộng trả thù, bàn kế với Công sứ Muselier, kêu Đề Thám lại gặp trong một ngôi nhà, trước cho uống nước trà có chất độc, sau cho nổ bom dưới giường để cố giết người con nuôi. Mọi sự không thành, Đề Thám thoát nạn, chạy trốn lên vùng Thái Nguyên. Được Bang Kinh, Diêu Khê, Đề Huynh và băng đảng đến giúp sức, Đề Thám lại bắt đầu đánh phá. Trong trận đánh đường xe lửa từ Lạng Sơn đi Bắc Lệ, ngoài chiến lợi phẩm, quân kháng chiến còn bắt hai người Pháp, Chesnay, nghiệp chủ nông trường và chủ báo L'Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc kỳ). Tình cờ Chesnay là bạn của Công sứ Bắc Giang Quennec, và qua trung gian ông nầy, Đề Thám thương lượng một cuộc trở về.
Ngày 30 tháng mười 1894, Đề Thám chính thức hạ súng, cam đoan chấm dứt mọi cướp phá, chịu nhận một tòa đại diện của công sứ ở Nhã Nam thay vì một doanh trại (nghĩa là Yên Thế hết còn dưới sự kiểm soát của quân đội), đằng kia ông được giao trách nhiệm cai quản 4 tổng Nhã Nam, Hữu Thương, Yên Lễ, Mục Sơn (vùng cao Yên Thế) gồm có 22 xã, 2600 dân, được biếu một số tiền 15.000 đồng bạc, miễn thuế trong ba năm. Để thi hành thỏa ước nầy, Galliéni ra lệnh cho dân quân thay thế quân binh trong các đồn gác đường xe lửa. Ngày 10 tháng chạp 1894, Đề Thám dọn về ở Phồn Xương với gia đình và bộ hạ. Nhưng sau đó, khi Toàn quyền Armand Rousseau mời ông về Hà Nội để chính thức hóa thỏa ước, ông từ chối, viện cớ cần phải ba năm để chuẩn bị. Tuy nhiên những năm nầy tình hình rất yên ổn trong vùng. Đề Thám gặp nhiều những nhân sĩ chạy trốn bên Tàu, tiếp xúc cụ Phan Bội Châu, trao đổi thư từ với Tôn Thất Thuyết : câu viết trong thư không có gì thay đổi ở huyện Thiên Đức, mặc dầu mọi sự như biến đổi được hiểu là cuộc tranh đấu vẫn tiếp tục mặc dầu có sự đầu hàng. Thật vậy, từ tháng tư 1895, nghĩa quân lại bắt đầu quấy nhiễu đến nỗi Toàn quyền Rousseau đặt lại vùng Yên Thế dưới quyền Galliéni. Ngày 25 tháng mười một 1895, Galliéni gởi một tối hậu thư cho Đề Thám buộc đầu hàng không điều kiên, không được trả lời, ngày 28 ông cho tấn công xông đồn lũy cách Phồn Xương hai cây số thì không còn ai ở đấy nữa. Quân Pháp lục lọi rà kiếm khắp nơi chỉ bắt được đàn bà, con trẻ. Trừ một số nhỏ nghĩa quân ra đầu hàng, phần lớn những bộ hạ thân cận như Thống Luận, Thương Trú, Đốc Khê, Đốc Hậu,... đều đã theo Đề Thám cao chạy xa bay hay trốn lẫn gần đây vì nhân dân đang còn tin tưởng ở Cần vương và Đề Thám luôn còn nắm vững Yên Thế. Ngày 24 tháng mười hai 1895, Galliéni được triệu hồi gởi đi Madagascar, công tác bình định Bắc kỳ giao phó ba năm trước chưa thành tuy tổ chức của ông khá hoàn hảo và ông đã thắng được vài trận nhỏ. Ông đánh giá Đề Thám là một địch thủ biết tính trước mọi sự một đầu não con người có thể dự kiến và những lệnh ông ban ra mang dấu ấn của một bậc thiên tài.
Có mặt Galliéni hay không, Đề Thám vẫn đánh phá tuy có phần thiếu thốn về mặt vật chất. Đầu năm 1897, ông hợp tác với một nhân vật khá lạ lùng, hy vọng thoát ra được bước khó. Kỳ Đồng, tên thật Nguyễn Văn Cẩm, là một chàng trai thông minh xuất chúng, có khiếu văn chương thần diệu, tinh thần quốc gia mãnh liệt, được người Pháp cho qua học bên Alger năm 1887, mười năm sau trở về nước, cùng với bác sĩ Gillard khai khẩn một đồn điền ở Yên Thế. Kỳ Đồng có tham vọng dấy lên một phong trào cách mạng, nhưng âm mưu tấn công tòa sứ và trại giám binh bại lộ, ông bị bắt và bị đày qua đảo Tahiti. Cùng lúc, Mạc Đĩnh Phúc cầm đầu một nhóm Thiên binh, thất bại trong cuộc dấy loạn ở Hải Phòng. Trước thời cuộc khó khăn, Đề Thám thương lượng phục tùng nhưng chuyện không thành và lại phải chạy trốn vì quân Pháp quyết rược bắt cho được. Lúc bấy giờ, mọi làng xã quanh Tam Đảo có khả năng tiếp tế lương thực cho nghĩa quân đều bị đốt cháy, dân cư tản mát khắp nơi. Chỉ còn một số nhỏ bộ hạ với 16-17 khẩu súng, cần hòa hoãn để củng cố lực lượng, ngày 13 tháng mười một 1897, Đề Thám viết một đơn đầu hàng nhờ đức Giám mục Bắc Ninh Velasco chuyển lên Toàn quyền Doumer, trong ấy ông xin được yên ổn khai khẩn đất đai để thành lập một làng ở Phồn Xương, một đội gác 25 lính với 25 khẩu súng, một thời gian chuẩn bị ba năm trước khi cùng bộ hạ đến trình diện.
Cần giải quyết cấp tốc vấn đề Yên Thế để xin chính phủ Pháp một số tiền 200 triệu đồng Phật lăng dùng vào cuộc phát triển Đông Dương với một kế hoạch rộng lớn các công trình xây dựng, Doumer chấp thuận đơn đầu hàng. Phải đợi đến ngày 17 tháng tư 1901, cuộc đầu hàng mới thành chính thức: Đề Thám đem bộ hạ lại tuyên thệ ở Đình Neo, trước mặt Chéon, đại diện Khâm sứ Bắc kỳ, Quennec, đại diện Công sứ Bắc Giang và cả Lê Hoan, Tổng đốc Hưng Hóa.
Vào tuổi 43, Đề Thám lúc bấy giờ là một người vạm vỡ, cao 1,65m, mắt sáng, đầu trọc, vai trái và cổ mang những vết sẹo bị trúng đạn. Người ta để ý thấy ông luôn đeo một viên ngọc, nghe nói tìm ra trong bụng một con rết, theo truyền thuyết có quyền lực mầu nhiệm che chở ông chống súng đạn. Ông có năm bà vợ, nhưng được sủng ái là bà thứ ba, Đặng Thị Nho, sinh cho ông năm 1900 cô gái Hoàng Thị Thế và năm 1908 cậu con trai Hoàng Hoa Phồn thân sinh của bà Hoàng Thị Điệp sau nầy sinh sống ở Hà Nội. Ngoài ra, Đề Thám còn có hai người con nuôi, Cả Rinh và Cả Huỳnh, cả hai đều là con những đầu đảng đã vào sinh ra tử với ông. Với gia đình và bộ hạ 50 người, ông biết khai khẩn và đồn điền mau phát triển. Khi cần nhân công, ông mộ tuyển dễ dàng người Việt cũng như người Thổ, Mán trong vùng. Là một người mộ đạo, ông cho xây một ngôi chùa nhỏ, thờ cúng những binh sĩ Cần vương đã hiến thân, thỉnh thoảng đem bộ hạ lại đây tuyên thệ trung thành. Trong vùng, mỗi khi cần sửa chữa đình chùa, nhà thờ, dân làng không quên lại báo và ông sẵn sàng cúng hiến vật liệu, tre, gỗ. Biết gìn giữ, phát huy phong tục, tập quán, mến chuộng văn hóa, văn nghệ, ông không quên tổ chức các hội thi phóng ngư, phóng diều, phóng đăng, những lễ hội cầu may, cầu siêu, mời các phường tuồng lại biểu diễn, hát lượn, hát thi. Từ nay mọi người sống trong hòa bình, thịnh vượng. Vùng Yên Thế xem như đã được bình định, Phồn Xương trở nên trung tâm giao lưu văn hóa, nhiều bậc túc nho làm nơi trốn tránh chính quyền bạo ngược, nhiều khách tò mò muốn lại viếng thăm, như một ông Monnier nọ muốn gặp Đề Thám để xem mặt mũi một người đã gây rắc rối cho chính quyền bảo hộ mấy chục năm liền. Tuy nhiên, cùng lúc ấy lợi dụng sự hòa hoãn, ông kín đáo mở rộng địa bàn hoạt động, phát triển nghĩa quân, tổ chức đảng Nghĩa Hưng, Trung Chân ứng nghĩa đạo,...Qua năm 1904, sau một chuỗi xích mích giữa Đề Thám và bác sĩ Gillard có đồn điền bên cạnh, ông nầy bực tức gây chuyện, tố cáo Đề Thám lại gây rối loạn, tờ báo l'Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc kỳ) còn lên tiếng đòi dùng vũ lực trừng phạt. Viên công sứ sở tại, sau một chuyến thanh tra tại chỗ, giảng hòa đôi bên tuy dành cho Gillard nhiều quyền lợi hơn.
Từ đây Đề Thám luôn sống yên tĩnh, tuy nhiên nhiều vụ cướp bóc còn xảy ra đây đó và mỗi lần người ta bảo thủ phạm chạy về trốn ở Yên Thế, nên dù được Công sứ Bắc Giang Quennec che chở, viên Công sứ Băc Ninh Hauser tiếp tục lên án Đế Thám. Để trấn an chính phủ bảo hộ, Đề Thám giúp bắt vài tên cướp hay xúi vài nghĩa quân đầu hàng, kết quả là ở Hà Nội báo chí chia nhau ra hai phe. Trong phe chống Đế Thám đã thấy tờ L'Avenir du Tonkin bây giờ thêm L'Indépendance Tonkinoise (Độc lập Bắc kỳ) tuy tờ nầy công nhận đề Thám đã góp phần giúp bắt những tên cướp. Bên phe kia, Le Courrier deL'Extrême-Orient (Thư tín Viễn Đông) là tờ của chính phủ nêu cao công trình phát huy kinh tế và bình định vùng Yên Thế của Đề Thám. Nhiều nhà báo không tin ở sự thành thật của Đế Thám khi đầu hàng và nghĩ vùng Yên Thế luôn còn là chỗ ẩn náu của nghĩa quân chống Pháp. Thêm vào đó, Cả Rinh và Cả Huynh dấy lên một phong trào chống Pháp mảnh liệt, có khi nhúng tay vào những vụ đánh cướp làm cho tờ L'Indépendance Tonkinoise lại lên tiếng kết án Đề Thám và một lần nữa chính phủ bảo hộ phải đứng ra dàn xếp vì chỉ sợ Đế Thám tức giận trở lại vào rừng thì lại càng rắc rối. Qua đầu năm 1905, sau khi Nhật thắng Nga ở Port Arthur, chớm nở phong trào Đông Du, đem lại một luồng khí mát cho các nghĩa quân. Phan Bội Châu một lúc hy vọng Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam dành lại độc lập nhưng một năm sau, Nhật trở nên đồng minh với Pháp, những nhân sĩ cũng như sinh viên Việt bị đưổi ra khỏi đất Phù Tang. Biết từ nay phải tự lực cánh sinh, tuy không được cụ Phan Chu Trinh đồng ý, cụ Phan Bội Châu đi khắp miến nam Trung Quốc và Hồng Kông tiếp xúc, khích lệ mọi nhóm lãnh tụ quốc gia, thuyết phục Đề Thám, nhân vật tượng trưng tinh thần kháng chiến, góp phần tích cực vào cuộc khởi nghĩa đang được chuẩn bị, ý thức phong trào Duy Tân đang lên đã thay thế phong trào Cần Vương hết còn có ý nghĩa. Với đông đảo nghĩa quân, sư sải trong vùng, Yên Thế đưọc chọn làm căn cứ chủ yếu của kế hoạch.
Tháng tám 1907, đúng giữa lúc vua Thành Thái bị truất phế và vua Duy Tân lên ngôi, Đề Thám triệu tập ở đình Phồn Xương một cuộc họp các bộ hạ với nhiều khách tới từ miền nam Trung Quốc và khắp nơi miền bắc đất Việt để quyết định khởi nghĩa. Sau hai cuộc nổi loạn ở đồn Hà Nội và Tông cạnh Sơn Tây thất bại vì quân Pháp biết trước nên đã thu hồi đạn dược, một cuộc tấn công thành Hà Nội năm 1908 sau khi đầu độc các đồn lính (vụ Hà thành đầu độc) cũng không thực hiện được vì có mấy người lính công giáo lại báo truớc cho quân Pháp, Toàn quyền Klobukowski quyết định kết thúc cái gai Đề Thám qua cuộc phản công ngay vào sào huyệt là đồn Chợ Gồ, nơi Đề Thám cư ngụ, và xã Am đông, nơi Cả Rinh và Cả Huỳnh ở. Trước chỉ có quân Pháp, sau có Tổng đốc Hải Dương Lê Hoan thăng chức Khâm sai lại giúp, hơn năm năm chẳng bắt được Đề Thám. Mãi đến ngày 10 tháng hai 1913, ba người Tàu được Lưu Văn Phúc, em đầu đảng Lương Tam Kỳ, mưu kế cho giả dạng quân cũ của Lương Tam Kỳ lại xin nhập bọn để được gần gũi Đề Thám và thừa cơ giết chết cùng hai bộ hạ Theo bản khẩu cung thì khi thi hài đem về nộp cho quân Pháp đầu Đề Thám đã bị cắt, thân thể bị phân phui có lẽ để tìm viên ngọc thần bí, gan cùng túi mật cũng chẳng còn nữa.
Sau đó, ba cái đầu bị bêu ở chợ Nhã Nam và ba thi hài được đem thiêu. Công sứ Bắc Giang Poulin sợ nếu cơ thể Đề Thám còn nguyên vẹn, nghĩa quân sẽ đem về thờ làm người anh hùng chết vì nghĩa. Tuy nhiên cũng có người tin Đề Thám là người rất cảnh giác, không thể bị ám sát, cắt đầu mà thành công tẩu thoát, sau đó mới chết và được chôn ở Hổ Lẩy (Đồng Gia, Tân Hiệp, Yên Thế, Bắc Giang) là nơi hiện nay được cho có lăng mộ của ông. Còn có thuyết cho Đề Thám sống những ngày cuối đời tại nhà Thống Luận, mất và được chôn ở làng Trũng (Ngọc Châu, Tân Yên) hay chôn ở thôn Tân Lập (Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang) là nơi có một nhà thờ ông. Cái chết của Đề Thám còn để lại nhiều nghi vấn, thực tế đem lại cho Lưu Văn Phúc 20.000 đồng bạc, Lương Tam Kỳ được phong chức Đề đốc, ba tên Tàu được Phúc thưởng tiền và trả tự do về lại Thái Nguyên. Còn có tên Lý Bạc tức Chánh Tây, tuy theo Đề Thám, lại dẫn đường cho quân Pháp, cũng được thưởng một thửa ruộng ở Đình Thép. Rút cuộc, trong số các viên toàn quyền nối tiếp nhau ở Đông Dương, Albert Sarraut tốt số có nhiệm kỳ đúng vào lúc Đề Thám bị giết nên được xem như là người đã bình định đất bắc, thay vì Galliéni đã đặc biệt gởi qua làm công tác nầy.
Kiêm soát vùng Yên Thế, từ Lạng Sơn đến Cao Bằng, Đề Thám đã chế ngự cả vùng đồng bằng sông Hồng và vùng cao nguyên Băc kỳ. Có câu nói thường gán cho Galliéni : ai nắm được Lạng Sơn là nắm Bắc kỳ, mà nắm được Băc kỳ là nắm Đông Dương. Thủ hiểm trong một sào huyệt khó tấn công, Đề Thám là một mối de dọa thường xuyên cho chính phủ bảo hộ, nhất là nhờ phong trào Cần vương ông được hợp pháp hóa. Đánh ông không nổi, nhiều vị trong bộ máy cai trị như Toàn quyền Paul Doumer buộc phải thương thuyết. Bài toán Đề Thám chỉ được giải quyết bằng một mưu mẹo của người quen biết mà ông không dè. Đối diện Đế Thám - Galliéni ở Yên Thế trong cuộc đánh xâm lăng cuối thế kỳ 19 là một trong những cuộc đương đầu quân sự giữa quân Pháp và quân Việt. Lịch sử còn hiến những cuộc đương đầu khác. Trong thời kỳ kháng chiến dành độc lập gần đây, cũng cùng một bối cảnh, qua những năm 1947-1950, "hùm thiêng Yên Thế" nhường chỗ cho "hổ xám đường số 4". Trước kế hoạch Léa cửa tướng Salan với âm mưu đập tắt cuôc kháng chiến nhân dân, trong lúc gia đình bị khốn khổ, Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt miên man chỉ huy các Trung đoàn 28, 174, chủ lực ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng, đã đánh thắng nhiều trận phục kích và công đồn, tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê, các binh đoàn Lesage, Sarton, mở toang cửa ngõ biên giới,... Bạn bè và kẻ địch đã mệnh danh ông là "Đệ tứ quốc lộ đại vương", người đã viết ra những trang lịch sử oai hùng oanh liệt thích thú khác....
Xô thành cuối xuân 2009
Huế Xưa và Nay 93 2009
Tham khảo
- Colonel Galliéni, Les colones et la pacification, Histoire de l'Indochine, Le destin 1885-1954, SPL Henri Veyrier, Paris 1883
- Général Galliéni, Trois colonnes au Tonkin, 1894-1895, ChapelotParis 1899
- Paul Chack, Hoang-Tham pirate, Les Editions de France, Paris 1933
- Philippe Devillers, Pierre Festié, Lê Thành Khôi, L'Asie du Sud-Est, t.II, Sirey, Paris 1971
- Pierre Brocheux, Daniel Hémery, Indochine, la colonisation ambiguë, La découverte, Paris 1995
- Đặng Văn Việt, Đường số 4 rực lửa, nxb Giáo dục, Hà Nội 1997; Người lính già Đặng Văn Việt, chiến sĩ đường số 4 anh hùng, nxb Trẻ, TpHồChiMinh 2004
- Philippe Devillers, Français et Annamites, Partenaires ou ennemis? 1856-1902,Denoël, Paris 1998
- Charles Fourniau,Vietnam, Domination coloniale et résistance nationale 1858-1914, Les Indes SavantesParis 2002
- Marc Michel, La mémoire d'un "grand colonial" : Galliéni, Etudes coloniales09.05.2006
- Claude Legendre, Le De Tham (1858-1913),L'Harmattan, Paris 2007
- Văn Anh, Anh hùng Hoàng Hoa Thám dưới gốc nhìn văn hóa, tieuhocdanghai.com, 27.05.2008
46- HOÀNG THÂN VĨNH SAN Ở ĐẢO LA RÉUNION
Tấm thân vàng ngọc long đong, thế là xong!
Ngoảnh nhìn non nước, trời bể mênh mông.
Sơn hà cách biệt muôn trùng=!

Bài hát Nam bình
Năm 1987, trong dịp di hài Vua Duy Tân trên đường chở về nước, quá cảnh qua Pháp, một lễ truy điệu đã được tổ chức sáng hôm thứ bảy 28 tháng 3, lúc 10 giờ, tại Viện Phật giáo Quốc tế còn gọi Chùa Vincennes, cạnh hồ Daumesnil, quận 12, Paris. Hoàng thân Georges Vĩnh San, người con trai thứ hai của Vua Duy Tân, cậy tôi lấy danh nghĩa Hội trưởng Hội Người Yêu Huế đứng ra đọc điếu văn. Là người Việt Nam, ai mà không biết ông vua ái quốc nầy. Nhưng một bài điếu văn đứng đắn cần phải có những chi tiết về đời sống của ông. Hồi ấy tôi chỉ có trong tay hai tập bằng tiếng Pháp : Hồ sơ Vua Duy Tân của tác giả Hoàng Trọng Thược, chỉ giới hạn vào giai đoạn ở Huế, và Vua Duy Tân (1907-1916) hay Hoàng thân Vĩnh San (1900-1945) của tiến sï luật học E.P. Thébault, tạm thời qua bản đánh máy. May gần đây, Hoàng thân Claude Vinh San, tức Nguyễn Phúc Bửu Vang, người con trai thứ ba của Vua Duy Tân tức Hoàng thân Nguyễn Phước Vĩnh San, sau nhiều năm nhẫn nại tìm kiếm đã tỉ mỉ sưu tầm được một số tài liệu dồi dào rải rác khắp nơi và thu thập lại trong một cuốn sách thư tịch : Duy Tân, Hoàng đế Việt Nam 1900-1945 lưu đày ở đảo La Réunion hay Số mệnh bi thảm của Hoàng thân Vĩnh San có thể làm căn bản cho mọi khảo cứu sâu xa sau nầy trong các tài liệu lịch sử quốc tế. Vai trò chính trị của Vua Duy Tân - Hoàng thân Vïnh San tuy đã được bàn cãi nhiều trong sách báo trong và ngoài nước, còn cần được tìm kiếm để hiểu biết sâu rộng hơn.
Ngày 20 tháng 11 năm 1916, chiếc tàu Guadiana khởi hành 17 ngày trước từ Cap Saint-Jacques, sau một chuyến vượt trùng dương không ngừng, cập bến Pointe des Galets ở đảo La Réunion lúc 7 giờ rưởi sáng. Chia sẻ số phận lưu đày của Hoàng thân Vĩnh San, lúc ấy 17 tuổi, có thân phụ Hoàng thân Bửu Lân tức vua Thành Thái, 37 tuổi, thân mẫu bà Hoàng Thị Định, hiền thê bà Hoàng thị Vàng tức Hoàng Quý Phi, em trai Hoàng thân Vĩnh Chuôn, em gái Công chúa Lương Nhân, hai bà Hồ Thị Nhân (có con trai 12 tuổi), Hồ Thị Mừng (có hai con 3 và 2 tuổi) vợ và thiếp của vua cha cùng những người phụ tá. Các nhà báo nhận xét chỉ có hai hoàng thân mặc âu phục, tất cả những người khác đều mặc đồ Việt Nam, các bà tha thướt trong những chiếc áo dài, vòng xuyến đầy người. Sau đó cả đoàn 14-16 người lấy tàu lửa, trong toa xe - phòng khách của ông Thống đốc đảo, về thành phố Saint-Denis. Tháp tùng có ông De La Vigne Sainte-Suzanne, đổng lý Văn phòng, thiếu úy Deroche và ông Trưởng ban bảo vệ. Đoàn đem theo khoảng 30m khối hành lý, trong số nầy chắc có bộ Sử ký Cách Mệnh Pháp của tác giả Michelet vì trước khi rời nước, ông Khâm sứ Charles phái ông thư ký riêng Lê Thanh Cảnh lại nhắn có thể cần bao nhiêu tiền, bao nhiêu sách cùng được, Hoàng thân Vĩnh San từ chối, chỉ yêu cầu bộ sách kia .
Ngay từ khi mới đến đảo, Hoàng thân bị ốm và phải đi nghỉ ở vùng Hell Bourg một thời gian trước khi trở về lại Saint-Denis. Sau nầy ông đã phải thay địa chỉ ở nhiều lần, lúc nào cũng thuê nhà, chứ không có đủ tiền để mua như nhiều vị vua chúa các nước khác cũng bị lưu đày ở đây. Chính phủ Pháp trợ cấp cho ông mỗi tháng một số tiền khá nhỏ nhưng không khi nào ông chịu tự hạ mình phàn nàn hay xin tăng lương. Sống kham khổ không được bao lâu, ba bà mẹ, vợ và em gái của ông lại không chịu nổi khí hậu, xa xứ nên xin và được hồi hương. Bắt đầu từ đây, ông sống một mình nơi đất khách quê người vì bất bình với vua cha, ông cắt đứt liên lạc với gia đình. Nhưng may ông bẩm sinh rất can đảm lại có nhiều nghị lực để đối phó với tình thế. Ông ghi tên đi học vô tuyến điện trước khi mở tiệm Radio-Laboratoire (Phòng thí nghiệm vô tuyến) bán hàng và chữa máy. Đồng thời, ông thi tú tài và đi học thêm sinh ngữ, luật học. Người ta bảo ông thành thạo tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Ông ít giao thiệp với người Pháp. Chính quyền hoàn toàn quên bỏ ông. Ông chỉ giao du với một nhóm bạn bè. Ông thích trèo núi, đi câu, không ngần ngại bắt chuyện với những người ngồi câu bản xứ, phần nào cũng giúp khuây khỏa nỗi nhớ thuở chiều chiều trước bến Văn Lâu, ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm... Ông thích nghe nhạc, học đàn vĩ cầm, trở thành hội viên Hội Yêu Nhạc và chơi ở nhà với bạn hay trong ban nhạc cuối tuần hoặc khi gia đình có lễ lạt. Ông học cởi ngựa, đua ngựa và thắng nhiều cuộc đua. Ở trường đua ngựa ông và Hoàng thân Vïnh Chuôn, người nhỏ con (1m51) và nhẹ cân (41kg), là hai nài kiện tướng, quần chúng thường hoan hô ông Vua Tàu. Ông học đánh kiếm và thuộc loại người đánh giỏi. Ông chú trọng về nghệ thuật quân sự. Trong suốt thời kỳ chiến tranh thế giới, ông luôn găm bản đồ trên tường tiệm hàng để theo dõi chiến sự. Tiện dịp, ông hùng hồn giải thích chiến trận làm lóa mắt cử tọa kính cẩn ngồi nghe. Nói chung, ông được xem là một người tò mò, đụng chạm tới đủ mọi lãnh vực.
Say mê văn chương Pháp, ông đọc sách nhiều, viết nhiều bài và thơ đăng trong những tờ báo Le Peuple (Dân chúng), Le Progrès (Tiến bộ) dưới biệt hiệu Georges Dry. Ông có chân trong Hội Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật. Bà Hội trưởng Eléonora Revest đánh giá ông là một người có học thức, một nhà diễn thuyết hùng biện. Ông thích viết loại văn xuôi thơ mộng. Trong bài Tiếng nói của vạn vật, ông bắt đầu với những câu : "Tôi thích tiếng thì thầm của cơn gió nhẹ khi nó hát hay khóc trong các cành cây. Tôi thích những lời tâm sự du dương của gió với cây trong rừng, với sóng dưới biển, với sao trên trời. Nhưng hơn nữa, ru ngủ tôi, làm tôi say mê, khoái trá là tiếng gọi của đại dương, lời rên rỉ vạn năng vang lên trong cảnh đêm im lặng như một bài tụng ca vô tận..." Rồi ông kết luận : "Tiến lên Thượng đế, đấy là mục đích đời bạn và của mọi đời sống khác, bạn nên học yêu thuơng, đấy là bí quyết của hạnh phúc, bạn nên học đau khổ, đấy là bí quyết của sự thanh lọc, của cuộc tiến lên ánh sáng, đau khổ là chị em của vui sướng, hai mặt giữ thăng bằng, bổ sung nhau và tô điểm nhau. Bạn nên học tự biết mình và chế ngự những sức mạnh tiềm tàng và ẩn kín. Từ đấy, bạn khám phá ra bí mật của Vũ trụ và những quyền lực đã chi phối. Sự huy hoàng của sự nghiệp thần thánh së tiết lộ ra ngay trong lòng bạn và trong mọi mặt ". Trong bài Variations sur une lyre brisée (Những biến tấu của một cây đàn lia gäy vỡ)được Giải nhất văn chương của Viện Hàn lâm Khoa học và Văn chương La Réunion (1924), ông tâm tình : "Ở một vài đầu óc, nếp cũ hoài nghi, thói quen mỉa mai ngay cả chính mình, làm khó mọi chi phối xúc cảm. Trong cuộc phòng vệ có đạo đức, hoài nghi là mang một vỏ sắt, mỉa mai là vận dụng một cái khiên. Nhưng ta không thể luôn được bảo vệ; đến một lúc, khi ta tưởng được an toàn, khi ta lột bỏ áo giáp mà ta đã kiên cường chịu đựng với một nụ cười, đấy là khi ta rất nhạy cảm với một vết châm cũng như với một cái vuốt dù nhỏ nhẹ".
Tuy hoạt động nhiều, ông có cảm giác trơ trọi và thấy cần có người bạn đường. Đã chính thức có vợ và không ly dị, ông chỉ có thể sống chung mà không cưới được người chia sẻ giường chiếu với mình. Vì vậy, con sinh ra phải mang tên mẹ. Các con ông thường gọi ông là Dede, biến âm của những danh từ Âu Mỹ Daddy, Papa. Khéo tay, tự ông làm đồ chơi cho con như những hình tượng trong truyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Cô gái đầu tiên chung chạ chăn gối với ông là Marie Anne Viale (sinh năm 1890, nay đã mất), sinh được một người con trai năm 1919, Armand Viale. Cô bạn thứ nhì là một thiếu nữ vùng Salazie, Fernande Antier (sinh năm 1913), đem lại cho ông tám người con, bốn trai, bốn gái : Thérèse (1928, đã mất), Suzy (1929), Solange (1930, đã mất), Georges (1933), Claude (1934), André (1935, đã mất), Roger (1938) và Ginette (1940, đã mất), đều mang tên Antier. Năm 1988, bà nầy đã có về thăm quê chồng. Vì một lý do riêng tư không rõ, ông rời bà Antier và sống với một cô gái vùng Saint-Benoỵt, Ernestine Maillot (sinh năm 1924), hiến cho ông mụn gái út, Andrée Maillot (sinh năm 1945). Phải đợi đến năm 1946, theo ý chí của ông và nhờ sự tận tụy của ông Roger Guichard lo việc giấy tờ, tòa án thành phố Saint-Denis mới chịu cho các con ông mang tên ông. Chỉ có năm người được hưởng vinh dự đó : Suzy, Georges, Claude, Roger và Andrée vì Armand Viale, đã trưởng thành, giữ tên cũ của mình. Nhưng toà thị chính đảo chỉ biết có một tên Vĩnh San nên lấy tên ấy làm họ. Vì vậy ta mới có những tên kỳ lạ Georges Vinh San, Claude Vinh San. Thật ra, vua Thành Thái đã có đặt tên cho các cháu, đúng theo thể thức triều đình nhà Nguyễn và Đế hệ thi của đức Thánh Tổ Minh Mạng. Trong bìa sách của mình, tác giả Claude Vinh San không quên ghi tên Nguyễn Phước Bảo Vang.
Các con ông đều có rửa tội và được nuôi lên trong lễ nghi công giáo.Với một tấm lòng độ lượng và nhân ái, không có chút óc não bè phái, ông có chân trong Hội kín Franc-Maçonnerie (1927) thường xác nhận những nguyên tắc tình nghĩa anh em. Trong một thông điệp gởi cho Hội nầy, ông mở đầu : "Chúng ta đang trải qua những giờ phút nghiêm trọng. Khắp mọi nơi trên hành tinh của chúng ta, nhiều triệu chứng, có khi ít được nhận thức, chứng tỏ Nhân loại đạt đến một lúc mà sự sinh trưởng đòi hỏi nó thay đổi chiều hướng trong con đường tiến lên một mục đích chính ngay những triết gia vĩ đại nhất cũng khó lòng miêu tả một cách kiên quyết nếu họ ý thức khả năng sai lầm của chủng loại chúng ta ". Rồi ông kết luận : "Hy vọng rồi một ngày, nhờ công tác của các bạn, Hội sẽ chiến thắng những hận thù giữa con người và giữa các nước đồng thời hợp nhất Nhân loại trong một tình huynh đệ trong sáng, không vết bằng cách bãi bỏ mãi mãi mọi tương phản giữa các giai cấp và các chủng tộc ". Aên nói tự do, không ngần ngại đề cao tinh thần dân chủ, giải phóng dân nghèo như trong những ngày nóng hổi cûa Mặt trận Bình dân năm 1936, ở một hòn đảo mà quyền hành nằm gọn trong tay một chính thể quý tộc 23 gia đình, ông được gán cho danh từ cộng sản, nhưng không chắc ông đã có ghi tên vào đảng. Trái lại, ông ngậm câm về quá khứ của mình, về những ước mong cho tương lai đất nước, về triều đại nhà Nguyễn. Chỉ có một lần, ngày 5 tháng 6 năm 1936, ông viết một lá đơn cho ông Bộ trưởng bộ Thuộc địa, kể lại cuộc khởi nghĩa năm 1916 và vai trò bất đắc dĩ của ông, trong mục đích xin được ân xá.
"Tôi đứng trước trường hợp phải chọn giữa hai đường: hoặc mặc để ám sát người Pháp và rồi dự một cuộc trấn áp đẫm máu hoặc tố cáo những đồng bào của tôi và phạm một cử chỉ hèn hạ. Để thoát ra trường hợp đau xót ấy, tôi chỉ còn một phương cách : nhận làm chỉ huy cuộc khởi nghĩa..." Đơn không được trả lời hay bị từ chối cũng như đơn xin vào quốc tịch Pháp năm 1920, ba đơn xin được qua cư trú ỏ Pháp nội địa trước đây giữa 1929 và 1935 và sau nầy năm đơn xin nhập ngũ của ông, giữa 1936 và 1940. Có người tin ông bốn lần được đề nghị bí mật đưa về Việt Nam nhưng ông từ chối vì ông chỉ muốn trở về đường đường chính chính.
Những đơn của ông đã được chuyển về Paris với kiến nghị bất lợi của chính quyền địa phương. Cũng dễ hiểu thôi : chính quyền nầy theo chính phủ Vichy mà Hoàng thân Vïnh San được kê vào bản những người thân Tướng De Gaulle. Hơn nữa, ông Thống đốc Pierre Aubert, qua mắt ông đổng lý Văn phòng Pillet, một người độc đoán, tham lam, đánh giá những cuộc hội họp bạn bè ở tiệm hàng của ông nằm ở góc hai đường Jules Auber và Labourdonnais (gọi nhạo là "Hàn lâm viện góc phố " của các nhóm Do Thái - Cộng sản - Gaulliste) có tính cách khả nghi và từ ngày 7 tháng 5 đến ngày 19 tháng 6 năm 1942, ông bị bắt giam. Một ông vua đã từng nổi dậy chống chính quyền thuộc địa Pháp thống trị nước ông, bây giờ lại chạy theo ông tướng lưu vong muốn giải phóng nước Pháp khỏi cuộc chiếm đóng của Đức ! Có người xem trường hợp oái ăm nầy là một trong những mâu thuẩn trong đời Hoàng thân Vĩnh San. Thật ra, ông chỉ tranh đấu dành tự do độc lập cho một quốc gia, một dân tộc, dù là Việt Nam hay Pháp. Tinh thần nầy ông có đã từ lâu, có thể ngay từ những ngày thụ giáo ông thái phó Eberhardt, tiến sĩ khoa học, ở kinh đô Huế. Rất tinh thông trong ngành vô tuyến điện nhờ đã tự học thêm, ông có viết nhiều bài kỹ thuật trong các báo chuyên môn và tiếp xúc với nhiều chuyên viên vô tuyến nghiệp dư các nước khác qua tín hiệu FR8VX. Ngay chính quyền địa phương cũng cậy ông dựng một đài thu-phát cho đảo. Nhờ có máy mạnh, ông đã bắt được những đài quốc tế, từ Delhi, Sài Gòn qua Tokyo, Melbourne, ngay cả những đài bên Mỹ. Ngày 18 tháng 6 năm 1940, ông nghe được lời kêu gọi của Tướng De Gaulle ở đài BBC trong chương trình Tiếng nói của nước Pháp. Lập tức ông nối liên lạc với nước Pháp Tự do và kiếm cách chuyển tin cho quân đội Pháp chưa đến đảo. Nhờ ông mà nhóm người kháng chiến ở đảo theo dỏi được diễn biến của cuộc thế chiến thứ hai và nhất là những bước tiến của quân Đồng Minh. Ông trở nên linh hồn cûa nhóm kháng chiến ở đảo. Sau ngày giải phóng, chính phủ nước Pháp Tự do, qua đề nghị cûa ông Capagorry, Thống đốc mới, không quên công lao của ông và đã tặng thưởng ông Huy chương Kháng chiến với phù hiệu. Trong thư cám ơn Tướng De Gaulle, Hoàng thân viết: "Khi tiếp nhận tôi trong số những người, tháng 6 năm 1940, không chấp nhận nước Pháp bi hạ thấp vì thua một trận, ông đã làm vinh dự tôi, buộc tôi gắn bó nhiều hơn nữa, nếu có thể, với lời mà tôi thề từ lâu phụng sự một Tổ quốc đã thừa kế cho tôi một gia sản tinh thần".
Ngày 28 tháng 11 năm 1942, khi chiếc khu trục hạm Léopard dưới quyền của ông thuyền trưởng Richard cập bến Saint-Denis mang cờ Croix de la Lorraine, ông tình nguyện nhập ngũ và ông phó thuyền trưởng Baraquin thấy ông có nhiều kiến thức về vô tuyến điện, nhận ngay ông làm hạ sĩ vô tuyến trong một thời gian ba tháng. Vài ngày sau, khi tàu rời bến, ông đã bận đồ thủy thủ rời đảo La Réunion, chấm dứt 26 năm biệt xứ và mở một trang sử mới cho đời ông.
Tượng đài sông Hương 2004
Nhớ Huế 21: Chùa Huế 2004
Netcodo 200

47- NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI CỦA VUA DUY TÂN
Kiếp tái sinh may có gặp không?
Kiếp này đành phụ với non sông!

Thượng Tân Thị
Có thể chia làm ba giai đoạn đời sống vua Duy Tân - Hoàng thân Vĩnh San: thứ nhất là giai đoạn làm vua và chống Pháp ở Huế, đoạn này đã được lịch sử ghi nhận và ghi chép trong sử sách; thứ nhì là giai đoạn lưu đày và kháng chiến ở đảo La Réunion, tôi đã có dịp trình bày trong một bài báo trước đây; thứ ba là giai đoạn quân đội và chính trị vào buổi cuối đời, đây là giới hạn của bài này. Tôi không phải là sử gia, không phải là người chuyên khảo về lịch sử, lại cũng không có tham vọng viết bài sử ký, chỉ là một con dân Việt Nam tò mò, muốn biết sâu xa về đời sống một vị vua yêu nước đặc biệt trong lịch sử, tìm đọc trong sách báo, so sánh, đối chiếu và viết lại đây những gì đã thoát ra theo tôi có thể tin được. Hy vọng rồi đây các sử gia sẽ tìm ra nhiều tài liệu còn đáng tin hơn và đó là mong ước của tôi.
Tháng 11 năm 1942, vài ngày sau khi cập bến ở Saint-Denis, chiếc khu trục hạm Léopard rời đảo La Réunion, đem theo một thủy thủ chuyên về vô tuyến điện: Hoàng thân Vïnh San. Sau 26 năm biệt xứ, ông không còn là một ông vua bị truất ngôi nữa mà là một công dân Pháp trên đường đi làm nghĩa vụ. Trong những năm lưu đày, mặc dầu chính quyền thuộc địa đã phế vị ông, ông luôn hướng lòng mình về nước Pháp vì những khái niệm độc lập, tự do, bác ái đã làm phấn khởi một người duy tâm như ông. Nước Pháp đã nuôi dưỡng không những trí thông minh của ông mà còn linh hồn, tâm tình ông. Ông đã có giải thích: "Nước Pháp đã giúp tôi đạt được tinh thần Danh dự và lòng Trung thành với một lý tưởng". Không nản chí vì bị từ chối khi xin vào quốc tịch Pháp hay khi xin nhập ngũ, ông vô cùng phấn khởi khi bắt được lời kêu gọi của Tướng De Gaulle ngày 18 tháng 6 năm 1940. Trở nên linh hồn nhóm kháng chiến ở đảo La Réunion, ông hoàn toàn thỏa mãn lúc được nhận làm thủy thủ trên chiếc khu trục hạm Léopard. Nhưng sự việc không giản tiện. Duyên nợ của ông với đảo La Réunion chưa dứt. Ba tuần sau, nhân chiếc Léopard trở lại vài giờ ở đảo, người ta thả ông xuống đất. Thật ông vì sức khỏe kém, không quen sóng biển, không chịu đựng nổi đời sống trên tàu, hay người ta sợ nhân ghé qua một hải cảng nào, ông bỏ trốn đi tìm tự do.
Không vào được hải quân, ông ngoảnh mặt về lục quân. Bắt đầu từ đây, trái với lúc trước, ông năng đi lại với Phủ Thống đốc. May cho ông, ông Capagorry, Thống đốc mới, rất hiểu ông và hai người trở nên bạn thân. Ông Capagorry giới thiệu ông với mọi quan khách ghé qua đảo, trong số ấy có Tướng Lelong cũng trở nên bạn thân. Tin cậy vào tình cảm thân Pháp của Hoàng thân, đánh giá cao tính cương trực của ông, lại được Tướng De Gaulle tin cậy, ông Capagorry ủng hộ hoàn toàn ước mong của ông và không đầy một năm sau, ngày 3 tháng 1 năm 1944, ông vào đồn Lambert với quân phục binh nhì để rồi thăng chức hạ sĩ quan một tháng rưỡi sau. Mặc dầu điều kiện nhập ngũ là ông không được trực thuộc một đơn vị nào ngoài đảo La Réunion, thời cơ đã giúp ông thực hiện mộng lớn. Một tiểu đoàn khoảng 1500 quân gốc xứ An Nam, trên đường giải ngũ về nước, hiện bị quân Anh giữ lại ở Moramanga bên nước Madagascar, khích động nổi dậy, không chịu phục vụ ai nữa, dù Anh, dù Pháp, theo Pétain hay theo De Gaulle. Tướng Lelong, Tư lệnh quân đội ở Ấn Độ Dương, nghĩ ngay đến Hoàng thân Vĩnh San. Khi Hoàng thân bước vào đồn ở Madagascar, mọi người bật cười: mảnh khảnh trong một bộ quân phục quá lớn, túi dết trên vai, với cái mũ két tụt xuống quá mắt, ông lết bết trong đôi giày quá rộng, thật quả là anh lính quê. Tướng Lelong chỉ có thể phong ông đến chức chuẩn úy nhưng từ đây ông ăn mặc được chỉnh tề hơn. Còn bên phía quân binh thì lâu ngày chẳng ai nhận ra Cựu hoàng Duy Tân. Tuy vậy với tiếng tăm ông vua ái quốc, tự lấy mình làm gương, mặc dầu hết còn nói thạo tiếng Việt, ông thành công thuyết phục được quân binh lập lại trật tự trong hàng ngũ. Có phải từ đây mà bắt đầu nổi lên ý kiến đưa ông về ngôi cũ, thay thế lá bài Bảo Đại đang bị lung lay? Không khi nào thoái vị, trong óc nhiều người, ông vẫn luôn còn là Hoàng đế Việt Nam...
Ngày 29 tháng 8 năm 1944, ông đệ trình Phủ Thống đốc một bản tuyên ngôn phản kháng Nhật Bản chiếm đóng Đông Dương, tỏ ra cử chỉ của một vị lãnh đạo: "Tôi, Hoàng thân Vĩnh San, hậu duệ của Hoàng đế Gia Long, người khai lập Vương quốc An Nam, tuyên bố Đông Dương, đặc biệt dân tộc An Nam, là liên kết với nước Pháp qua khế ước mà danh dự và quyền lợi buộc phải giữ toàn vẹn... Tất cả những ai tha thiết với quyền lợi ở xứ An Nam không thể chấp nhận ý nghĩ từ bỏ cuộc bảo hộ của Pháp để mưu cầu một cuộc bảo hộ của Nhật chỉ có thể đem lại nô lệ và thống trị trong lúc Pháp dẫn đường đến giải phóng... " Khi chuyển bản tuyên ngôn này về Paris, ông Thống đốc Capagorry phê thêm vào Hoàng thân Vĩnh San tình nguyện phục vụ ở mặt trận để tôn trọng danh dự của tổ quốc, một ông Hoàng An Nam luôn giữ lời hứa và luôn tin tưởng ở nước Pháp và ông hoàn toàn ủng hộ lời thỉnh cầu của Hoàng thân.
Thông điệp không được trả lời. Trong những lá thư gởi cho bạn bè, Hoàng thân tỏ ra nóng lòng nhưng luôn theo dõi chiến trận và tin tưởng một ngày mai ông cũng sẽ được ra trận. Ông có lý luôn lạc quan vì ngày 5 tháng 5 năm 1945, ông được gọi nhập ngũ, ở Pháp lục địa như ông hằng mong muốn. Có điều ngày 8, Đức quốc xã đầu hàng, hết còn mặt trận, tuy vậy ông cũng sung sướng được phục vụ nước Pháp trong quân đội. Ngày 10 tháng 6, ông gởi một bản hiệu triệu về dân tộc của ông qua làn sóng đài Tananarive: "Khi đồng bào thực hiện được một quốc gia trong tâm hồn, khi đồng bào đã tự tay mình xây dựng nên một Tổ quốc, lúc ấy đồng bào mới đi đến độc lập, một nền độc lập giành được mà không cần nhờ cận ai, do dân tộc ý thức được tầm quan trọng về nhiệm vụ mình chứ không phải đạt được từ những phân tranh của các cường quốc... " Đến Paris tháng 6, ông được bổ dụng ngày 20 tháng 7 vào Bộ Tham mưu D.I.C. số 9 ở bên Đức, theo nguyên tắc sẽ lên đường đi Viễn Đông để khôi phục lại tình thế nhằm vào lúc Nhật chắc sẽ phải đầu hàng. Ở Đức, ông phải đi thực tập khắp nơi, tập trận lục quân, chiến xa, liên thanh cũng như học tập thăm dò, quan sát từ máy bay,... để rồi bị bỏ quên nếu không thỉnh thoảng phải diễn thuyết trình bày tình hình Đông Dương cho những sĩ quan cao cấp sắp lên đường qua bên ấy ! Qua thư gởi cho bạn bè, đặc biệt cho ông bạn rất thân là Etienne Boulé, giáo sư triết học, lúc đó điều khiển Phái đoàn Thông tin Đông Dương ở Radio-Tananarive, ai cũng thấy ông rất chán buồn và nản lòng cho đến đầu tháng 10 thì được triệu về Paris...
Trong thời gian nhập ngũ của ông, nhiều biến cố đã xảy ra. Sau ngày 9 tháng 3, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, vua Bảo Đại tuyên bố hủy bỏ hòa ước bảo hộ của Pháp, mời cụ Trần Trọng Kim thành lập một chính phủ thân Nhật rồi qua ngày 25 tháng 8 thoái vị và nhường quyền cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh. Khi thấy vua Bảo Đại trở thành Hoàng thân Vĩnh Thụy nhận chức Cố vấn cho chính phủ Hồ Chí Minh, các nhà chức trách Pháp không tin cậy ở vị Cựu hoàng này nữa. Ngày 16 tháng 8, Tướng De Gaulle bổ nhiệm Đô đốc Thierry d'Argenlieu Cao ủy đồng thời chuẩn bị một đạo quân gồm có nhiều binh đoàn từ Pháp, Đức, Madagascar để tái chiếm Đông Dương dưới sự điều khiển của Tướng Leclerc. Với một sư đoàn thiết giáp, Tướng này đổ bộ Sài Gòn ngày 5 tháng 10 thay thế quân đội Anh đã được Đồng Minh ủy nhiệm tước khí giới Nhật ở miền Nam Đông Dương. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Ai sẽ là đối tượng bên phía Việt Nam? Nên thành lập một nước cộng hòa hay vẫn nên giữ chính thể quân chủ? Cái tên Hoàng thân Vĩnh San luôn được nhắc đến. Ngay Đô đốc Decoux, Toàn quyền Đông Dương, cũng đã bày tỏ ý kiến: "Sự phục chế Hoàng đế An Nam sẽ trả lại cho dân tộc ông một yếu tố truyền thống trật tự và hòa bình. Đây không phải là một thí nghiệm mà là một sự tất yếu". Người ủng hộ mạnh dạn nhất giải pháp Vĩnh San là ông bạn Boulé. Từ Madagascar, ngày 11 tháng 6, ông gởi về bộ Thuộc địa ở Paris một bản tường trình rất dài trong ấy ông kê tất cả những điểm tích cực: Hoàng thân là một người tin chắc dân chủ, thật tình bạn của nước Pháp, hoàn toàn tán thành Tướng De Gaulle, uy tín quốc vương hợp pháp vẫn còn nguyên vẹn, lại đã được giáo dục để nắm giữ những chức vụ cao cấp. Nhưng bộ Thuộc địa trả lời ngày 4 tháng 7 là tình thế Đông Dương không cho phép khai thác giải pháp Vĩnh San và, hơn nữa, yêu cầu ông Boulé chấm dứt mọi hoạt động trong chiều hướng này.
Trong suốt mùa hè 1945, Hoàng thân Vĩnh San theo dõi kỹ những sự kiện thời sự này. Trước yêu cầu khẩn khoản của bạn bè ở La Réunion và Madagascar, vào khoảng tháng 5, ông cho ra một bản gọi là Di chúc chính trị trong ấy ông tuyên bố những nguyên tắc lập chính phủ gồm có ba điểm chính: thống nhất ba kỳ, độc lập hoàn toàn và liên minh chặt chẽ với Pháp. Ông yêu cầu Pháp phải tỏ ra có thiện chí muốn thực sự giúp nước ông phát triển, cử chỉ trước tiên là xóa bỏ biên giới ba kỳ. Một nước phải thống nhất mới có được một lý tưởng, một linh hồn. Ông tin dân tộc ông ngả về dân chủ, tuy cũng nhận xét dân chúng chưa được huấn luyện để tự cai trị, một nước cộng hòa chỉ có thể thực hiện sau một thời gian giáo dưỡng cấp tốc. "Cần phải trang bị cho họ một lý tưởng quốc gia lịch sử, trả lại cho họ lòng tự hào sẵn có từ thuở trước, cung cấp cho họ quan điểm trọng đại của sự thống nhất, một chương trình canh tân chính trị và xã hội có xu hướng xã hội chủ nghĩa ôn hòa liên hợp với truyền thống. Riêng phần tôi, tình thương sâu đậm nước tôi cấm tôi để thả lỏng cho bất cứ một phân tranh nội bộ nào. Tôi ước mong tất cả những người An Nam nhận thức lại mình có một Tổ quốc và ý thức ấy thúc đẩy đồng bào xây dựng một quốc gia xứng đáng với Tổ quốc ấy. Tôi tin tưởng đã làm đủ phận sự người An Nam của tôi khi nào tôi đã cống hiến cho những dân quê Lạng Sơn, Huế, Cà Mâu một tinh thần huynh đệ. Bất chấp sự đoàn kết ấy được thực hiện trong một chính thể cộng sản, xã hội, bảo hoàng, quân chủ, cốt yếu là tránh bị cắt xẻ. Người Pháp phải nhất quyết biết cho là bất cứ trong trường hợp nào tôi cũng hành động cho lợi ích dân tộc tôi cũng như cho lợi ích dân tộc Pháp".
Theo nhà sử học Philippe Devillers, bản di chúc này đặc biệt được trung úy Bousquet mang sang Đông Dương, in và phát, được một số người ủng hộ, đứng hàng đầu có bác sĩ Nguyễn Văn Tân ở Sài Gòn, một sĩ quan gốc Việt là thiếu tá Paul Lang, người sáng lập Đảng Tự trị. Nhờ vậy, Hoàng thân Vĩnh San có lần đùa khoe: "Bộ tham mưu của tôi đã có sẵn tại chỗ". Vẫn biết vào thời buổi ấy, bộ Thuộc địa không muốn nghe nói đến danh từ độc lập, nhưng những người theo dõi sát thời sự, kể cả các sĩ quan như Tướng Leclerc, đều hiểu thời đại thuộc địa đã qua và thống trị cũng như quản lý trực tiếp phải nhường chỗ cho tự trị và hợp tác. Đằng khác, quan niệm chính trị mới là phải bảo đảm tiến triển của quần chúng bản địa với sự hợp tác và phương tiện của những người lãnh đạo cổ truyền. Theo họ, Hoàng thân Vĩnh San thuộc loại những người lãnh đạo này vì là người nối nghiệp trực tiếp và hợp pháp một dòng dõi nhiều quốc vương đã dựng lên nước An Nam từ đó thừa kế những truyền thống của cả một triều đại.
Tư tưởng của Hoàng thân Vĩnh San thấy ra vượt quá bản tuyên bố của Tướng De Gaulle ngày 24 tháng 3 cùng năm 1945, theo phân tích của giáo sư Paul Mus, báo trước những nét chính của một cuộc xung đột. Trong bản nầy, người dân Đông Dương sẽ được đối xử như người Pháp, không chút kỳ thị, dễ dàng đạt đến mọi chức vụ, sẽ được hưởng thụ tất cả những quyền tự do dân chủ và nhất là một chế độ tự trị tuyệt đối nhưng trong một Liên bang năm nước với một chính phủ do một vị Toàn quyền chủ trì, nghĩa là thuộc Pháp. Với một cơ quan hành chánh trực tiếp, bộ Thuộc địa không rút ra được một bài học nào từ những diễn biến lịch sử, cũng như từ sự thao diễn các tư tưởng những năm sau này và muốn trở lại với chủ quyền của Pháp như xưa. Khi Hoàng thân trở về Paris, may cho ông, ông không phải làm việc với bộ Thuộc địa mà hồ sơ của ông được ông Thống đốc De Langlade ở Văn phòng Tướng De Gaulle theo dõi. Thiếu tá De Langlade trước đây đã tổ chức cục Action (Hành động) nhằm mục đích phá hoại và quấy rối quân đội Nhật ở Đông Dương, nhảy dù xuống bắt liên lạc với Tướng Mordant thân De Gaulle và sau đó làm người liên lạc giữa Đô đốc Decoux và Chính phủ Alger. Ông đã tìm hiểu Hoàng thân qua giáo sư Pierre Eugène Thébault, trong rất lâu là Đổng lý Văn phòng ông Thống đốc Capagorry và là bạn thân của Hoàng thân. Ông Thébault dặn kỹ: "Coi chừng, nếu các ông đặt lại Vĩnh San lên ngôi, các ông sẽ có một đối tượng trung thành, đáng tin cậy nhưng ông ta sẽ không phải là một ông vua vô tích sự: ông ta muốn tự mình cầm quyền, tự mình quyết định. Ông ta có cái chất thủ trưởng và muốn trở nên thủ trưởng... " Thành quả đầu tiên là Hoàng thân nhận được sắc lệnh, từ tay Tướng De Gaulle ký ngày 29 tháng 10 năm 1945, lần lượt phong Vĩnh San những chức Thiếu úy ngày 5 tháng 12 năm 1942, Trung úy ngày 5 tháng 12 năm 1943, Đại úy ngày 5 tháng 12 năm 1944 và Tiểu đoàn trưởng ngày 23 tháng 9 năm 1945. Ai cũng có thể tưởng tượng nỗi hân hoan của Hoàng thân, hãnh diện được ban thưởng sau những ngày đau khổ, đợi chờ. Và ông cũng không quên ơn những bạn bè đã luôn giúp ông trong suốt giai đoạn khó khăn.
Ngày 14 tháng 12, ông được Tướng De Gaulle tiếp. Vị anh hùng giải phóng nước Pháp đã viết trong hồi ức: "Hoàng thân là một nhân vật đầy nghị lực. Ba mươi năm lưu đày không xóa bỏ ký ức một vị quân vương trong tâm hồn dân tộc An Nam". Theo ông Thébault kể lại, hai người rất mau thỏa thuận với nhau trên những quan điểm cốt yếu mặc dầu Tướng De Gaulle tuy tán thành sự thống nhất ba kỳ, chưa chịu dứt khoát chấp nhận. Bên phía Hoàng thân thì nhất quyết không chịu nhượng bộ về điểm này. Ông đã thấy trở về lại vai ngôi cũ của mình. Ông mơ thấy phấp phới ở Huế, Hà Nội, Sài Gòn song song lá cờ tam tài của Pháp và lá cờ Việt Nam với ba sọc tượng trưng cho ba kỳ. Ông tin tưởng ở một cuộc liên minh giữa hai nước, cả quân sự lẫn ngoại giao dù chỉ có tính cách tạm thời. Quân đội, hải quân, không quân sẽ tốn kém hằng tỷ bạc mà một nước nghèo không thể đòi hỏi thuế má ở dân chúng, trái lại cần xây dựng trường ốc, bệnh viện, cầu đường, đê đập. Ông tin cậy ở những nhà tư bản Pháp và không hề nghĩ cuộc hợp tác này có thể gây tổn hại cho nền độc lập đất nước. Dù sao, theo ông sẽ có những hiệp định ký kết giữa hai bên. Riêng về bản thân ông, sẽ không có lễ đăng quang, thụ phong, lên ngôi vì ông luôn còn là quốc vương... Trong hai buổi gặp gỡ Việt kiều trong khuôn khổ Hội Ái hữu An Nam ở Paris, có mặt các vị Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Võ Văn Thái, Trần Hữu Chương,... ông cố gắng trình bày quan điểm hợp tác với Pháp của mình. Trong buổi thứ nhì, với một bộ quân phục sang trọng lối dạo phố, vai mang bốn lon thiếu tá, ông báo tin đã "được người Pháp giúp đỡ thành lập một đạo quân toàn người Việt Nam, với mục đích sẽ đi tiền phong trong một cuộc hành quân tái chiếm Đông Pháp. Hiện nay đạo quân này do ông cầm đầu và tuyển mộ được một tiểu đoàn. Tiểu đoàn này được đem sang đóng ở Constanz, bên Đức". Linh mục Cao Văn Luận, người đã được ông cậy tổ chức hai cuộc gặp gỡ đó, sợ Hoàng thân đã bị mắc mưu người Pháp muốn dùng ông như một lá bài.
Hoàng thân đề xướng ra phong trào Cờ Tự trị, dự định tổ chức các Việt kiều thiện cảm với ông thành một đảng. Linh mục thấy quá rõ là nỗ lực của Hoàng thân sẽ thất bại: những thành phần ưu tú cho ông quá dễ dãi với Pháp, bắt đầu xa lánh ông. Huyền thoại ngày xưa của ông chỉ lôi cuốn được một số nhỏ người dễ tin, phần lớn là lớp lính thợ, lính khổ đỏ hay Việt kiều gốc lính thợ ở lại lập nghiệp trên đất Pháp. Nghe nói trong các trại, những đảng viên Cờ Tự trị có thể bị thủ tiêu rồi chôn ngay tại chỗ...
Không biết Hoàng thân đã cảm nhận gì vì hôm 17 tháng 12, trong bửa cơm tối với ông Thébault, trái với mọi khi, ông có vẻ buồn rầu, lo lắng, mang thêm một linh cảm đen tối. Ông sợ bị trúng một quả bom hay bị một lát dao khi trở về lại nước ông: ai có định mệnh nấy, không sao tránh khỏi ! Hoàng thân trách nước Anh chống việc ông trở về nước (một ý kiến sau nầy được Tướng De Gaulle chia sẻ) và còn thêm : "Tôi có linh tính sẽ không bao giờ lên lại ngôi vua"... Dự định qua Đông Dương với Tướng De Gaulle khoảng tháng 3 năm sau, ông xin về La Réunion thăm gia đình và bạn bè. Chiếc máy bay Lockheed Lodester, kiểu C-60, mang số F.BALV của Hệ thống Hàng không Pháp, chở sáu hành khách, ông là một trong hai quân nhân, hôm 26 tháng 12 năm 1945, lúc 18 giờ rưởi, trên khúc đường bay Fort-Lamy đi Bangui, rơi xuống làng Bossako, huyện M'Baiki, tỉnh Lobaye, vùng Oubangui-Chari. Máy bay bị gãy hủy hoàn toàn, tất cả hành khách cùng ba phi công đều thiệt mạng. Một tai nạn hay có cuộc ám sát ? Ông Boulé, bạn thân của Hoàng thân nghi là có người muốn giết Hoàng thân, hứa màn bí mật sẽ được kéo lên sau khi ông mất, nay ông đã quá cố từ 1964 chẳng nghe nói gì. Hồ sơ tai nạn ghi nhận máy bay không tìm ra đường băng sân bay, chỉ còn ít xăng, bay lên phía bắc tìm chỗ ít cây để cho máy đậu xuống thì vì sương mù, chạm phải chòm cây. Các chuyên viên đặt câu hỏi tại sao có ít xăng trong máy, tại sao máy bay cất cánh chậm để đến Bangui vào lúc trời tối không liên lạc với nhau được qua vô tuyến điện ? Biết bao câu hỏi có lẽ sẽ không bao giờ được trả lời.
Hoàng thân Vĩnh San mất đi vào tuổi 46 theo định mệnh như ông đã từng nói. Ván cờ của Tướng De Gaulle mất đi con cờ chính và Hoàng thân Vïnh San vĩnh viễn không trở lại ngôi vua như ông đã được linh tính báo cho biết. Trên mộ ông ở M'Baiki, một tấm bảng ghi những lời ông muốn : " Tôi ý thức đã phụng sự nước Pháp cũng như đã phụng sự nước tôi ". Sau nầy, chính phủ Việt Nam " chủ trương đưa hài cốt Duy Tân về Huế nơi 70 năm trước cựu hoàng dào dạt chí khí của người thanh niên yêu nước Việt Nam, đã rời ngai vàng đi chiến đấu", theo lời của giáo sư Phạm Huy Thông. Và hôm 6 tháng 4 năm 1987, hài cốt của Vua Duy Tân - Hoàng thân Vĩnh San đã được đặt vào ngôi lăng ở Huế đúng như mong ước của ông. Gần một nửa thế kỷ sau khi ông mất, ngày 5 tháng 12 năm 1992, trong bài diễn văn đọc nhân lễ khánh thành đại lộ Vĩnh San ở thành phố Saint-Denis bên đảo La Réunion, ông Thị trưởng Gilbert Annette đánh giá ông : "Với một tính cương trực không có chút điểm yếu, Hoàng thân Vĩnh San tiếp tục trung thành suốt đời với những phẩm giá như sự trung thực và sự bảo vệ những chính nghĩa. Nhân danh và trong lòng tôn trọng những nguyên tắc ấy , ông đã không ngần ngại gia nhập cuộc chiến đấu của nước Pháp Tự do và sẵn sàng đáp ứng tiếng gọi của Lịch sử nếu cuộc đời còn dành thì giờ cho ông ". Trong lời đề tặng sách cho tôi, Hoàng thân Claude Vïnh San tức Nguyễn Phúc Bửu Vang viết: "Một khúc đoạn lịch sử, một chốc lát vĩnh hằng... Thân ái ". Lịch sử dù là khúc đoạn ngắn ngủi cũng sẽ tồn tại đời đời.
Xô thành tiết xuân phân 2007
Huế Xưa và Nay 81 (5-6) 2007
Vietsciences 07.2008
Đọc thêm
Một vài sách, báo đã đề cập đến cuộc đời của Hoàng đế Duy Tân - Hoàng thân Vĩnh San:
- Prince Vinh San: Message aux Francs-Maçons (1936), Revue mensuelle de Documentation et d'Information Maçonnique, 1938
- Prince Vinh San: Testament politique, Combat 16.7.1947
- Philippe Devillers : Histoire du Viet Nam de 1940 à 1952, Ed. Seuil, Paris, 1952
- Paul Mus: Viet Nam, Sociologie d'une guerre, Ed. Seuil, Paris, 1952
- Amiral Decoux: A la barre de l'Indochine 1940-1945, Ed. Plon, Paris 1959
- Général De Gaulle: Mémoires de guerre III, Ed. Plon, Paris, 1959
- G.s.Pierre Eugène Thibault: Destin tragique d'un Empereur d'Annam, Paris, 1963
- Georges Chaffard: Les carnets secrets de la décolonisation, Ed. Calman Lévy, Paris, 1965
- Hoàng Trọng Thược, Dossier Empereur Duy Tân, Ed. Thanh Hương, 1984
- Nguyen Phuoc Buu Vang: Duy Tân, Empereur d'Annam 1900-1945, exilé à l'ỵle de la Réunion ou le Destin tragique du Prince Vinh San, Azalées Ed. l'Harmattan, Paris, 2001. Cuốn sách thư tịch nầy cống hiến khá đầy đủ tài liệu sách báo, công văn, thơ nhạc, bên cạnh nhiều thư từ tư riêng và hình ảnh gia đình
- Cao Văn Luận: Bên giòng lịch sử, Hồi ký 1940-1965
- Phạm Huy Thông: Duy Tân, một nhà vua, một con người, Đại Đoàn Kết 15.04.1987
- Nguyễn Đắc Xuân, Những bí ẩn về cựu hoàng Duy Tân, Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên, Huế 1988
- Bùi Trọng Liễu, De Gaulle và Duy Tân, Đoàn Kết các số 392, 393, 1987, Diễn Đàn Forum cập nhật 26.12.2006
48- ĐÔNG CUNG HOÀNG THÁI TỬ BẢO LONG
Ngày 28 tháng 7 năm 2007, báo chí quốc tế đăng tin ông hoàng Bảo Long đã tạ thế tại thành phố Sens cách Paris phía nam khoảng 100 km, thọ 71 tuổi. Tên tuổi ông ít ai biết đến, ngay cả những người Việt trẻ hay lớn tuổi. Mấy ai có dè ông là một hoàng thái tử có cơ duyên lên ngôi vua nước Việt Nam nếu không có chính biến năm 1945 chấm dứt triều Nguyễn vào thời vua Bảo Đại, một triều đại phát nguyên 143 năm trước với vua Gia Long năm 1802. Ông chết đi để lại vai lãnh đạo triều đại cho người em trai độc nhất Bảo Thắng.
Ông sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936. Tôi còn nhớ rõ năm ấy, tuy mới lên bảy, các anh tôi buộc tôi phải rời gia đình ở làng Mỹ Cang ngoài Phong Điền vào Huế học vì cụ mạ tôi không có đủ chữ nghĩa để dìu dắt tôi trong bước đầu trên đường học vấn. Hôm ấy, nghe mấy tiếng súng lệnh vang dội từ kinh thành, tôi từ trong nhà chạy ra sân ngạc nhiên tìm hiểu thì chị dâu tôi điềm đạm giải thích: vua có con đầu lòng đó, bà hoàng hậu có mang từ năm ngoái! Vua là hoàng đế Bảo Đại, hoàng hậu là bà Nam Phương. Cặp vợ chồng trẻ đẹp nầy lấy nhau từ hai năm nay, sống với nhau trong một mối tình đằm thắm và đứa con trai trưởng Bảo Long được sinh ra ở điện Kiến Trung trong Tử Cấm Thành. Vật chất đầy đủ, tình yêu không thiếu, tưởng hoàng tử Bảo Long chỉ còn việc sống lên trong cung vàng điện ngọc, tràn đầy hạnh phúc, chờ ngày trưởng thành nối ngôi cha trong lúc triều Nguyễn vui mừng có người chính thức nối dõi, tránh được mọi sự rắc rối khi vua không có con thừa tự. Nhưng cuộc đời thật lắm éo le, không tuần tự diễn biến như đã vạch sẵn.
Mẹ ông, cô Nguyễn Hữu Thị Lan, tên thánh Marie-Thérèse (có người bảo Jeanne Mariette hay Henriette Jeannie), sinh trưởng trong một gia đình công giáo rất mộ đạo ở Gò Công, là con ông Pierre Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình, cháu ngoại ông đại phú hào Lê Phát Đạt hay Huyện Sỹ tức Long Mỹ Quận Công, người đứng đầu trong tứ đại danh gia: nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định, được dân miền Nam gọi là "đẻ bọc điều". Cô Lan có một người chị cả, Agnès, sau nầy trở thành bà bá tước Didelot. Ra đời năm 1914, lúc 13 tuổi cô Lan được gia đình gởi qua Pháp học trường Couvent des Oiseaux ở thành phố lịch sự Neuilly, cạnh Paris. Học xong ban trung học năm 1932, thích thể thao, chơi âm nhạc, cô phải trở về nước, phụ nữ thời ấy dù thông minh sáng dạ, con vua cháu chúa, gia đình giàu có, không có thông lệ theo học đại học lâu dài. Trên chuyến tàu thủy hồi hương, nghe nói cũng có mặt vua Bảo Đại, sinh năm 1913, được gởi qua Pháp từ lúc 10 tuổi, vào học đường Hattemer, về nước lên ngôi năm 1926, trở lại Pháp học, nhưng hai người không làm quen với nhau. Phải đợi một năm sau, 1933, cuộc gặp gỡ mới diễn ra ở Đà Lạt. Nguyên khi qua học bên Paris, hoàng tử Vĩnh Thụy trở thành vua Bảo Đại ở trọ nhà ông Jean François Eugène Charles, cựu Khâm sứ, cựu Quyền Toàn quyền Đông Dương. Lúc trước, thời Hàm Nghi, Duy Tân, chính phủ bảo hộ chọn những hoàng thân trẻ tuổi đưa lên ngôi vua để tiện bề chỉ bảo. Lần nầy, họ theo dõi ngay hoàng tử từ thuở thiếu niên. Tình nghĩa vị hoàng tử Việt Nam với gia đình ông Charles có lẽ mặn nồng vì hoàng tử Vĩnh Thụy gọi bà Charles là mêmê tuơng đương với chữ mệ của ta (có người bảo là maman). Trong khuôn khổ phủ Toàn quyền Đông Dương, ông Charles và ông thị trưởng Đà Lạt tổ chức ở Langbian Palace (ngày nay là khách sạn Sofitel) một dạ hội. Nhân nghỉ hè ở Đà Lạt, cô Lan được mời lại dự với ông cậu Lê Phát An. Theo chính ngay lời của cô Lan thì ông Charles và ông thị trưởng Đà Lạt đã cố nài mời lại để có dịp giới thiệu cô cho vua Bảo Đại. Đã từng học phép lịch sự ở Couvent des Oiseaux, cô Lan biết gấp gối lễ phép cúi chào theo kiểu Tây phương. Sắc đẹp hồn nhiên, thái độ giản dị của cô Lan đã quyến rũ vị vua trẻ tuổi và đôi uyên ương không ngừng cùng nhau khiêu vũ suốt tối, say mê uyển chuyển trong điệu tango, bước đầu dẫn tới một cuộc kết hôn có thể cho là môn đăng hạ đối.
Cả hai đều là Tây học, đều đã có sống thời gian thiếu niên ở Pháp, trong cùng một môi trường văn hoá, tất nhiên dễ ăn ý với nhau. Đằng khác, nhiều vị tiên vương lấy vợ miền Nam thì việc cô Lan nguyên gốc người Gò Công cũng nằm trong cùng khuôn khổ truyền thống. Ngay cả Pierre Marie Antoine Pasquier, Toàn quyền Đông Dương, cũng tỏ ý đồng lòng cuộc hợp duyên nầy. Tuy nhiên có điểm tiêu cực là cô Lan người công giáo. Một ông vua, Thiên tử, trong một triều đại Khổng Mạnh, có thể chăng lấy một bà vợ không cùng tôn giáo với ông chồng ? Bà Từ Cung, mẹ vua, hoàn toàn chống đối cũng như nhiều vị quan trong triều hâm dọa từ chức. Bên cô Lan cũng gặp khó khăn khi muốn lấy chồng ngoại đạo, có nhờ người qua xin đức Giáo hoàng can thiệp nhưng việc không thành. Rút cuộc chính phủ bảo hộ và nhất là tình yêu thắng thế: đám cưới vô cùng long trọng được tổ chức ngày 20 tháng 3 năm 1934, chàng rể 21, cô dâu 20 tuổi. Điều kiện dàn xếp là con cái sẽ được chính thức giáo dục theo luân lý Khổng Phật nhưng, theo yêu cầu của cô dâu, giáo lý Cơ đốc được giảng thêm, những lớp học mà Bảo Long sau này bảo là ít ưa thích. Kết quả là khi lớn lên hoàng tử không theo một đạo nào hết! Cựu hoàng Bảo Đại thì vào cuối đời (1988) trở thành tín đồ Công giáo.
Tôi hân hạnh được dự buổi ông mang thánh giá diễu hành ở Paris năm 1992 nhân lễ Phục sinh. Riêng cô Lan còn có một yêu cầu chính đáng nhưng không được tuân theo là vua chỉ được có một vợ ! Ai cũng biết sau này vua Bảo Đại có nhiều tình nhân. Ngày 24 tháng 3 năm 1934, ba ngày sau hôn lễ, trái với các tiên vương chỉ phong hoàng hậu khi phụ hoàng đã mất, ông ban sắc dụ cho bà vợ mới cưới được mặc áo vàng da cam vốn chỉ dành cho vua và tấn phong bà danh hiệu Nam Phương Hoàng Hậu, hương thơm miền Nam, một chức vụ mà bà không ngớt làm tròn phận sự: bà bỏ công ra sức chăm lo trường ốc, bệnh viện, nhà trẻ, dân nghèo, nhiều công tác từ thiện... phần lớn với tiền riêng của mình. Và nhất là làm tròn bổn phận một người vợ : hiến cho chồng hai con trai, ba con gái.
Sau hoàng tử Bảo Long (04.01.1936), bà liên tiếp cho ra đời ba hoàng nữ Phương Mai (01.08.1937) Phương Liên (03.11.1938), Phương Dung (05.02.1942) và hoàng tử Bảo Thắng (30.09.1943) tất cả sinh ra ở Đà Lạt trừ Phương Dung trong cung An Định ở Huế. Những năm đầu, Bảo Long sống ở điện Kiến Trung. Tuy sống với cha mẹ trẻ, thương quí nhau, được mẹ đặc biệt nuông chìu, sau nầy theo lời ông kể ông không giữ được nhiều những kỷ niệm vui. Những cuộc viếng thăm hằng tuần bà nội Từ Cung, xuất thân là một người giúp việc trong hoàng cung, còn để lại trong tâm trí ông những buổi buồn phiền. Sống trong những phòng xưa ở điện Kiến Trung kiến thiết lại theo lối Âu châu, như cha mẹ, ông sử dụng tiếng Pháp, sau 1945 mới nói nhiều tiếng Việt và tiếng Anh. Ngày 7 tháng 3 năm 1939, Bảo Long được phong Đông cung Hoàng thái tử. Từ ngày về nước năm 1933, vua Bảo Đại đã muốn tự mình chấp chính, cải tổ nội các, sửa đổi hành chính, nhưng vấp sự chống đối của Nam triều bảo thủ và chính phủ bảo hộ thống trị, không thực hiện được mong ước của mình, ông thất vọng, nản lòng và dần dần không quan tâm đến việc nước nữa. Ông cũng chán ngấy tinh thần khắc nghiệt mà hoàng hậu gây ra trong Tử Cấm Thành, rời tránh cung cấm đi tìm tiêu khiển trong thể thao, săn bắn và mua vui trong cánh tay các bà, ngày nay còn để lại những tên Mộng Điệp (ba con), Phi Ánh, Lý Lệ Hà, Jenny Wong tức Hoàng Tiếu Lan (một con), Vicky (một con), Clément... trong số hàng chục mỹ nhân. Vào khoảng 1940, sau một trận cải cọ gay gắt giữa hai vợ chồng ở Đà Lạt, viên Toàn quyền phái bà vợ mình lên dàn xếp nhưng bà nầy rủi ro bị nạn chết trên đường đi. Điểm tích cực là hai vợ chồng làm lành lại với nhau truớc linh cữu bà bạn và sau đó Phương Dung và Bảo Thắng ra đời. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương muốn bắt tay Nhật thử đem lại độc lập cho xứ sở. Nhưng chính phủ Trần Trọng Kim chưa làm đuợc gì thì Nhật đầu hàng ngày 16 tháng 8 năm ấy sau hai quả bom Hiroshima va Nagasaki. Trước phong trào Việt Minh đang lên, vua Bảo Đại ban chiếu thoái vị với lời tuyên bố bất hũ "... Trẫm ưng (muốn) được làm dân một nước độc lập (tự do) hơn làm vua một nước nô lệ (bị trị )...", ngày 30 tháng 8 trao ấn kiếm cho đại diện phong trào cách mạng, trở thành công dân Vĩnh Thụy nhận lời mời lên đường đi Hà Nội làm cố vấn tối cao cho chính phủ Hồ Chí Minh.
Cựu hoàng hậu Nam Phương, hoàng thân Bảo Long và các em từ đây phải rời bỏ Tử Cấm Thành qua ở cung An Định trên bờ sông An Cựu. Cung nầy do vua Đồng Khánh, ông nội vua Bảo Đại, cho xây năm 1886 và hiện là dinh cư của bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung. Cuộc chung sống giữa hai bà tuổi tác, tánh tình, giáo dục, kiến thức hoàn toàn khác nhau là một thử thách lớn cho cựu hoàng hậu tương đối còn trẻ, mới có 31 tuổi ! Tuy vậy, là người có học, bà rất biết xử sự với mẹ chồng. Nhiều màn trong phim Ngọn nến hoàng cung của nhà đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng (2004) tuy hư cấu cũng trình bày một phần nào quan hệ tế nhị giữa hai người phụ nữ vào cuối triều Nguyễn nầy. Chỉ hoàn toàn tự do trong giới hạn cung An Định, cựu hoàng hậu được phép mỗi sáng qua làm lễ trong nhà thờ chủng viện dòng Cứu Thế của các cha Canada bên cạnh, từ đấy biết được tin tức bên ngoài, kể cả những chuyện ngoại tình của ông chồng và chuyến ông đi qua ở lại bên Tàu. Bà còn phải đương đầu với vấn đề tài chánh vì bao nhiêu tiền bạc bị kẹt giữ trong Ngân hàng Đông Dương và bên Pháp. Lẽ tất nhiên Bảo Long và các em sống những ngày tương đối thiếu thốn của thời chiến tranh. Trái với lúc trước có thầy dạy riêng, bây giờ đi học trường công, cậu học trò mười tuổi chắc không làm sao biết xác định chân đứng của mình là con vua trong lập trường chính trị một nước dân chủ cộng hòa nhưng nghe nói luôn hăng say trong những hoạt động yêu nước tổ chức khắp mọi ngành hồi ấy. Cùng lúc, cựu hoàng hậu cúng rất nhiều vàng bạc nhân Tuần lễ vàng, làm gương cho biết bao các bà giàu có khác và được chính quyền Trung bộ mời bà chủ tọa tuần nầy. Năm 1946, sau khi cuộc chiến bùng nổ ở Huế, Bảo Long theo mẹ và các em qua ẩn lánh lần lượt ở chủng viện dòng Cứu Thế rồi ở chi nhánh Ngân hàng Đông Dương ở Huế. Ở đây, hoàng thân được đặc biệt che chở chống bom đạn: mỗi tối cậu học trò phải xuống ngủ một mình trong phòng tủ sắt dưới hầm. Nhưng rút cuộc quân đội Pháp đưa toàn gia đình sơ tán lên Đà Lạt tiện đường qua Pháp, vào lúc cựu hoàng Bảo Đại trở thành Quốc trưởng Việt Nam bắt đầu thương lượng với chính phủ Pháp.
Ở Đà Lạt, Bảo Long bắt đầu một cuộc sống mới: từ hoàng thân cậu trở lại thái tử trong một quốc gia không phải quân chủ cũng không phải cộng hòa. Cậu theo học trường dòng Taberd ở Đà Lạt hai năm trước khi được gởi qua Pháp vào học trường tư thục Ecole des Roches de Normandie miền tây nam nước Pháp. Như mọi học sinh Việt Nam hồi ấy, bị gián đoạn mấy năm cần phải theo kịp, Bảo Long cố gắng học hành và đỗ tú tài ban triết lý năm 1953, vào lúc 17 tuổi. Trong thời gian ở trường trung học nầy, phong phanh có lời dọa thái tử sẽ bị bắt cóc nên từ 1950, cậu luôn được một viên cảnh sát Pháp hộ vệ, ở lớp cũng như ở ký túc xá, trừ những tháng về nghỉ hè ở Đà Lạt. Chính ở đây mà Bảo Long có ý định ghi tên vào trường Võ bị Đà Lạt mặc dầu đã bắt đầu đi học Khoa học Chính trị ở Paris. Báo chí hồi ấy có đưa tin Pháp muốn đưa thái tử lên thế cựu hoàng Bảo Đại. Năm 1952, đang còn là học sinh, Bảo Long đã thay mặt cha đi dự lễ đăng quang Nữ hoàng Elizabeth II bên London. Nhưng cựu hoàng Bảo Đại từ chối và bắt thái tử ghi tên vào trường võ bị Saint-Cyr ở Pháp. Tốt nghiệp trường nầy năm 1957, Bảo Long học một năm bổ túc ở trường kỵ binh Saumur. Hồi nầy, sau khi bị tổng thống tương lai Ngô Đình Diệm lật đổ năm 1955, cựu quốc trưởng Bảo Đại và cựu hoàng hậu Nam Phương về sống ở Lâu đài Thorenc tại Cannes đến 1958. Bảo Long ít liên lạc với gia đình trong thời gian nầy cũng như sau đó, khi cựu hoàng hậu về cư trú ở La Perche tại Chabrignac, tỉnh Corrèze, vùng tây nam nước Pháp, một đồn điền rộng 160 ha, 32 phòng ở, 4 phòng khách, 7 phòng tăm, mà bà đã bỏ tiền ra mua. Cựu hoàng hậu Nam Phương sống ở đây cho đến lúc chết ngày 15 tháng 9 năm 1963 vì một bệnh viêm họng không kịp chữa, thọ 49 tuổi. Thật ra, cựu hoàng Bảo Đại cũng ít lại đây, chỉ thỉnh thoảng như khi có đám cưới hoàng nữ Phương Liên năm 1962.
Còn thái tử Bảo Long thì vào thời buổi nầy như tuồng đang chịu đựng những tác hại chính trị lên bản thân mình, luôn mang nặng một tinh thần bi thương, không lấy chuyện chêt sống làm trọng và, với quốc tịch Việt Nam, tòng quân vào Đoàn đệ nhất Kỵ binh Người nước ngoài (1er R.E.C.) Đội lính lê duơng. Chàng trai không sợ chết (có người bảo đi tìm chết nơi vào sinh ra tử) tình nguyện qua đánh giặc ở Algérie, đã tỏ ra là một chiến binh anh dũng, luôn có mặt ở hàng đầu khi xông pha chiến trận. Trên biên thùy Algérie-Tunisie, chàng đã lập nhiều thành tích cho đến lúc chiếc thiết giáp nổ mìn và chàng bị trọng thương, được chở vào bệnh viện. Dũng cảm của chàng được quân đội thưởng Huân chương Phẩm giá Quân sự (Croix de la Valeur Militaire) với nhiều sao bạc, bạc mạ vàng đánh dấu những cuộc chiến kiên cường. Những kỳ công của chàng cha mẹ chỉ biết qua báo chí một thời gian sau. Nhưng từ đây, người chiến sĩ không còn muốn vùng vẫy trên chiến địa nữa : vào giữa thập niên 60, Bảo Long về thực tập ít lâu ở trường luyện tập ngựa Cadre Noir có tiếng tại Saumur rồi từ giả quân đội với quân hàm đại úy. Ông trở nên nhân viên ngân hàng, sống ít lâu với Isabelle Ebey, một cô gái nạ dòng đã có hai con, làm nghề trang trí nội thất, nhưng cô nầy chết sớm. Không có bạn gái khác, gần như độc thân, thái tử sống một cuộc đời giản dị, kín đáo. Ông ít giao dịch tuy có giữ một số bạn bè thân thích từ thuở Ecole des Roches hay Saint-Cyr. Giữa Paris, thường đi dạo ở xóm Marais, nơi có nhiều nhà ở đẹp của những công hầu thế kỷ 17, gặp ông không ai biết ông là ai. Khiếu thẩm mỹ của ông, nhất là về nhà cửa, được đánh giá có nền tảng vững bền: khoảng giữa thập niên 70, một tờ báo có đăng một thiên phóng sự hình ảnh nhà ở của ông ở Paris trang trí Âu Á hỗn hợp tuyệt vời.
Giáo dục của thái tử Bảo Long cũng như của mấy em được cựu hoàng hậu chăm lo từ hồi còn trẻ. Từ Huế lên Đà Lạt rồi qua Pháp, ở Cannes cũng như ở Chabrignac, bà Nam Phương luôn dìu dắt các con trên đường học vấn. Ngoài Bảo Long đi tìm lối thoát trong quân đội, em trai Bảo Thắng đi học trường Adran ở Đà Lạt trước khi qua Pháp học tiếp Couvent des Oiseaux ở Neuilly, bị bệnh phì, không lấy vợ, vẽ tranh, chơi nhạc. Phương Mai nối tiếp con đường của mẹ, cũng được gởi vào học trường Couvent des Oiseaux ở Neuilly, sau thành hôn với Pietro Badoglio, một công tước người YÙ, có hai con. Phương Liên kết duyên với một ông chủ ngân hàng người vùng Bordeaux, Bernard Soulain, cũng có hai con. Chỉ có Phương Dung ít át, xấu số, như tuồng còn sống ở Paris. Mẹ mất, các em có đời sống riêng, Bảo Long chỉ còn ông cha, cựu hoàng Bảo Đại. Nhưng là một đứa con đứng đắn, nghiêm túc, ông rất đau lòng thấy cha chơi bời, cờ bạc, có tiếng khắp các casino, tiêu tiền phung phí cho đên sạt nghiệp. Hơn nữa, sau 1975, thấy cha hoàn toàn bỏ rơi cộng đồng người Việt, ông lại càng đau khổ. Năm 1982, khi cựu hoàng Bảo Đại cưới một cô gái người Lorraine, Monique Baudot, tự xưng là Princesse Monique Vĩnh Thụy, ông không có một lời bình phẩm. Năm 1990, ông rời Paris qua ở London. Từ đây cho đến đám tang vua Bảo Đại năm 1997, ít nghe nói đến ông. Hôm ấy, người ta thấy ông đứng im lặng, trang nghiêm, không chút xúc động lộ trên nét mặt, bên cạnh quan tài, trước một cử tọa đông người Âu hơn người Việt. Lễ xong, không một lời phát biểu, ông lẳng lặng bước qua cửa bên ra về, để lại bà Monique Baudot một mình bước sau áo quan do những cựu quân binh Pháp vác, trước xa những hoàng thân, hoàng nữ khác. Ai cũng biết quan hệ giữa hai cha con không những ngày càng lạt lẽo mà còn có chuyện gây cấn. Tuy nhiên hôm 5 tháng 10 năm 1997, nhân lễ cầu siêu 49 ngày cho vua Bảo Đại ở chùa Vincennes tại Paris, có đủ nghi thức cầu nguyện của các tôn giáo, có đủ mặt các hoàng thân, hoàng nữ và gia đình mặc tang phục, thái tử Bảo Long đứng ra cám tạ quan khách bằng tiếng Việt, gây xúc động không ít cho người đến dự. Một điều đáng chú ý là vắng mặt bà Monique Baudot vì một lẽ giản dị là bà không được mời!
Quan hệ bà nầy với hoàng tộc chưa chấm dứt. Số là cặp ấn kiếm triều Nguyễn trong thời gian chinh chiến bị sao lạc. Năm 1951, quân Pháp tình cờ tìm ra được ở một ngôi chùa cổ ngoài Bắc, tướng De Lattre de Tassigny tặng lại cho Quốc trưởng Bảo Đại. Sợ lại bị mất, Quốc trưởng cậy bà Bùi Mộng Điệp, còn mang chức thứ phi, đem qua Pháp trao lại cho cựu hoàng hậu Nam Phương. Sau khi cựu hoàng hậu mất đi, cặp ấn kiếm qua tay thái tử Bảo Long. Năm 1980, khi cựu hoàng Bảo Đại cần dùng chiếc ấn để minh họa cuốn sách Le dragon d'Annam (được dịch ra Con Rồng AnNam) của mình, Bảo Long không cho mượn. Đây lại là một duyên cớ để cha con giận nhau. Cặp ấn kiếm nầy hồi đó được gởi trong tủ sắt của Union des Banques Européennes (Liên hiệp Ngân hàng Âu châu). Hai năm sau, cựu hoàng đưa đơn kiện đòi lại cặp ấn kiếm. Tòa xử chiếc ấn giao cho Bảo Đại, Bảo Long được giữ thanh kiếm. Ngày nay, cựu hoàng Bảo Đại đã mất, chiêc ấn Hoàng Đế Chi Bửu đúc từ đầu triều Minh Mạng (1823), nặng 280 lạng 9 chỉ 2 phân vàng mười tuổi, vô duyên rơi về tay bà Monique Baudot tức Monique Vĩnh Thụy, một bà đầm không có chức vị trong gì hoàng tộc? Sau khi cựu hoàng hậu qua đời, Bảo Long cho bán đấu giá những đồ gỗ bàn ghế, mấy trăm cổ vật của mẹ, chắc trong số ấy có thanh kiếm Khải Định niên chế, với một cái lưỡi 4 lạng 7 chỉ 5 phân vàng... Đây là một thái độ không đáng kính chút nào của một ông hoàng thái tử dù hết còn dính líu gì nữa với đất nước. Đúng ra, ông phải giao trả mọi di tích cho một viện bảo tàng Việt Nam.
Bảo Long thương cha hồi còn nhỏ, nhưng càng lớn lên ông càng thấy xa cha. Thái độ của cựu hoàng Bảo Đại không còn gây cảm phục nơi một đứa con yêu nước từ đó luôn bị thảm kịch trên đất quê hương dày vò vì dù sao ông nguyên cũng là một Đông cung Hoàng thái tử, bình thường là người sẽ lên cầm đầu vận mệnh đất nước. Cử chỉ cuối đời của ông phải chăng là do buồn phiền tức giận mà ra? Hay là ông không còn muốn dính líu gì nữa với gia đình, với triều Nguyễn, với nước Việt Nam? Đối với mẹ, ông luôn là một đứa con có hiếu, thẳng thắng, chính trực. Thành quả của một đôi trai tài gái đẹp, tước lộc không thiếu, trước một tương lai đầy hứa hẹn, Bảo Long rủi ro bạc mệnh vì thời cuộc không thực hiện được một cuộc sống anh dũng, tràn đầy hạnh phúc và cuối cùng lẻ loi, lạnh lẽ rời bỏ trần gian xa đất nước, trong sự thờ ơ của đồng bào.
Xô thành, trước thềm Xuân Kỷ Sửu
Huế Xưa và Nay 91 2009
Tham khảo:
- Phạm Khắc Hòe, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, nxb Thuận Hóa, Huế 1987
- Bảo Đại, Con rồng Việt NamNguyễn Phước Tộc xuất bản, Los Alamitos USA 1990.
- Ban soạn thảo Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc: Hoàng phúc tộc thế phả, Xí nghiệp in 4, TP. HCMinh 1995
- Lê Văn Lân: Chiếc bảo ấn cuối cùng của Hoàng đế Việt Nam, nxb Làng, USA 1998
- Nguyễn Đắc Xuân: Chuyện các bà trong cung Nguyễn, nxb Thuận Hóa, Huế 1997; Hỏi đáp về triều Nguyễn và Huế xưa, nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh 1999
- Lê Mộng Nguyên, Sa Majesté Bao Dai, Communication du 19 novembre 1999 à l'Académie des Sciences d'Outre-Mer, Paris
- Nguyen The Anh, The formulation of the national discourse in Vietnam,1940-1945, Journal of international and area studies9-1 (2002) 57-75
- Georges Nguyen Cao Duc: Bảo Long, le dernier Đông Cung Hoàng Thái Tửhttp://aejjersite.free.fr Magasin Good Morning 02.09.2007; L'Impératrice Nam Phuong, Wikipedia.org/wiki/ Nam Phuong 21.06.2008.
Bài và ảnh Võ Quang Yến
Theo http://chimvie3.free.fr/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...