Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

Gửi thương về Huế 2

Gửi thương về Huế 2
Tập III: Huế từ phương xa 
19- NGÔI CHÙA NGÀY CƯỚI
Trời mấy hôm nay mưa mãi, thế mà hôm thứ bảy 15.6.1991 lại tạnh hẳn, hửng nắng nữa là khác. Chùa Trúc Lâm ở Villebon, ngoại ô nam Paris, nhờ vậy hết còn âm thầm ủ rũ như những ngày vừa qua trong một mùa xuân ướt át rét lạnh. Trái lại, cảnh tượng tươi sáng lên, tưng bừng náo nhiệt như một ngày hội, nhất là khi đoàn xe bóp còi inh ỏi từ nhà thờ Bures-sur-Yvette đổ về. Những người quen biết trong chùa vội chạy ra làm dấu đừng làm ồn vì đây là khu yên tĩnh, dù là có lễ mừng. Giờ đây, ngồi trong chánh điện, khói hương nghi ngút, tiếng chuông, tiếng mõ theo nhịp điệu trầm tĩnh đưa người dự lễ vào một thế giới xa xăm, có thể nói là mới lạ cho những ai mới bước chân lần đầu tiên vào chùa. Vào cuối buổi lễ, giọng tụng kinh bằng tiếng Việt ngân nga trong chánh điện cao vút lại làm tăng thêm vẻ huyền bí cho các bà con, bạn bè người Pháp ít biết về Phật giáo. Cách đây hơn nửa giờ, họ đang còn ngồi trong nhà thờ Thiên chúa giáo, quen thuộc với cổ phong bản xứ. Bây giờ, mặc dầu chương trình bằng tiếng Pháp đã được phân phát cho mọi người, họ đang tham dự một nghi lễ khích động mà chỉ ai đã từng ngao du qua châu Á xa cách mới mong có được một ý niệm mơ hồ. Chính ngay kiến trúc, trang trí ngôi chùa, các pho tượng sáng chói, những bàn thờ nguy nga đã làm rung động lòng hơn một người. Sau này, khi buổi lễ vừa xong, bạn bè bà con đã xoắn xít lại bày tỏ cảm tưởng và hỏi han chi tiết. Phần lớn đều rất xúc cảm trước cảnh tượng trang nghiêm mà biết bao chân thành của lễ tục. Nhiều người đã tỏ ý muốn trở lại chùa để tìm hiểu sâu rộng hơn. Rất tiếc là cả sư thầy Thiện Châu lẫn sư cô Mạn Đà La đã không có mặt trong tiệc trà để làm thỏa mãn tính hiếu kỳ của khách khứa. Nói cho đúng, tôi cũng chẳng biết gì nhiều về đạo giáo mà cũng chẳng phải là một phật tử nên không đi sâu vào được học thuyết Phật giáo, giải thích tường tận được những thắc mắc về Phật học cũng như về tâm hồn Phật đạo của người Việt Nam...
Vậy thì sao lại làm đám cưới cho con ở chùa sau khi thủ tục hành chánh đã xong xuôi ở tòa đốc lý và nhẫn cưới cũng đã được trao tặng tại nhà thờ Công giáo? Con trai tôi sinh ra ở đất Pháp, sống lên trong một nền văn hoá Âu châu, không nói được tiếng Việt, con dâu tôi hoàn toàn Pháp thì cái gì đã thúc giục chúng chịu lại quỳ trước bàn thờ Phật, vái trước bàn thờ tổ tiên? Nói cho thật, vợ chồng chúng tôi rất vui mừng và hãnh diện khi chúng xin làm làm lễ ở chùa chứ chúng tôi không hề nêu ý cũng như ép uổng. Bên phần con trai chúng tôi thì thấy đời sống gia đình, dù ở đất Pháp, đã giữ nó lại một phần nào trong khung cảnh Á Đông, chùa chiền đối với nó không phải nơi xa lạ, cúng lễ không phải là một nghi thức của một dân tộc ít văn minh. Trong nhà chúng tôi không có bàn thờ tổ tiên nhưng nó rất ý thức công lao của ông bà cha mẹ. Đi lại với nhà chùa phải chăng là để tỏ ý định hướng về quê cha, trở về lại cội nguồn dòng họ mà nó mang tên. Bên phía con dâu thì tuy chưa trực tiếp tiếp xúc với đất Việt, nó đã từng đọc sách Phật học, biết sử Phật giáo và được làm lễ cưới ở chùa là một phần thưởng mà nó hằng ước mong. Nhờ có buổi lễ ở chùa do sư thầy Thiện Châu chủ tọa và sư cô Mạn Đà La hướng dẫn, cặp vợ chồng trẻ trẻ nầy đã ngước mắt, hướng tâm trí ít nhiều về nước Việt Nam xa xăm, về một nền văn hóa phát triển từ lâu đời ngày nay đang lan rộng ra năm châu. Chúng ngạc nhiên khi phải vái trước bàn thờ tổ tiên, vái cha mẹ để cám ơn, vái nhau để tỏ ý kính nể nhau, nhưng không cần phải giải thích chúng cũng hiểu đó là một thủ tục sâu xa, một ý tưởng cần thiết làm nền tảng cho đời sống gia đình.
Tất tưởi chạy vạy tổ chức lễ cưới ở chùa cho con, nhà tôi, một người đàn bà Pháp chỉ biết quê chồng qua môt chuyến về thăm độc nhất, và tôi đã nói lên mối giây liên lạc mật thiết, chặt chẽ của gia đình mà một phần người Việt ta qua sống ở Âu Mỹ thì như tuồng lần lần sao lãng. Ở bên ta thường được nghe dạy : sinh con ra phải nuôi nấng nó, chăm lo cho nó học hành thành người, lớn lên phải tính chuyện cưới vợ gả chồng cho nó làm sao được hài hoà, có phẩm cách... Thấy chúng tôi lo lắng, soạn sửa từng chi tiết, các con tôi chắc đã hiểu, ngoài tình thương của cha mẹ đối với con, còn có bổn phận của người cha, người mẹ trong xã hội. Người ta cũng thường nói nên làm gương bằng hành động hơn là bằng lời nói. Chúng tôi không biết đã làm đủ bổn phận của mình chưa nhưng tôi biết đã cố gắng làm tất cả những gì trong tầm mức của mình.
Tối hôm đó, trong bữa tiệc theo thủ tục phương Tây, rất vui vẻ nhưng cũng rất ồn ào, tôi đã sống với hai gia đình bên trai và bên gái đông đủ, tươi cười với tất cả bà con, nhưng tâm trí tôi luôn còn lởn vởn ở chùa, trong bầu hương thơm khói tỏa, giữa các khóm hoa rực rỡ sau vườn, cạnh những bụi trúc xanh tươi lấp lánh trong ánh nắng ban chiều, với tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh êm đềm đằm thắm trong buổi lễ. Tôi thoạt nghĩ: cái may của người Pháp là có được một ngôi chùa Phật giáo dựng lên đất nước mình để có dịp đi lại tìm hiểu một đạo giáo xa xăm; cái may của người Việt xa xứ là có được một ngôi chùa như chùa Trúc Lâm xinh đẹp để tiếp tục sống mãi trong bầu không khí quê nhà.
Hương khói tỏa trầm viện Trúc Lâm,
Mõ chuông khua dội động nhân tâm,
Say sưa chánh điện hồn siêu thoát,
Ngây ngất hồng sen khẽ nẩy mầm.
Khấn vái cầu mong đôi lứa trẻ
Ái ân sum họp suốt trăm năm.
Hồng Vân Sơn nắng chiều vàng nhạt,
Hàng trúc lao xao chốn lặng trầm.
Hắc Ký Ni Sơn một ngày sinh nhật 1991
Hương Sen 47 1992

20- TỪ EDO PHỐ XƯA VỌNG VỀ PHÚ XUÂN THÀNH CŨ
Năm 1945, sau ngày đảo chánh mồng 9 tháng 3, đồng thời với chiến dịch chính trị, quân sự, Nhật Bản phát triển mặt trận văn hóa, gởi qua Việt Nam nào sách báo, nào nhạc sư, họa sĩ... Ở Huế, tình cờ lọt vào tay tôi một bưu ảnh bố trí ngọn núi Fuji (Phú Sĩ) với đỉnh tuyết trắng xóa nổi bật trên nền trời xanh thẳm, thấp thoáng sau những cành đào hoa thắm mùa xuân. Từ ấy, tôi nuôi mộng có ngày được tận mắt trông ngọn núi thi vị kia như đã từng mơ ước tháp Eiffel, Vạn lý Trường thành hay các Kim Tư tháp. Mãi hơn năm mươi năm sau, khi tóc đã bạc đầu, tôi mới thỏa nguyện được ước vọng của mình. Nhưng qua Nhật năm nay, trời đã qua thu mà lá vàng đỏ của các cây thích thất hẹn, đỉnh núi cũng hết còn phủ tuyết thông thường được cho là thiên thu. Hơn nữa, mây mù bao phủ, Fuji như cô gái thất thường, khi ẩn, khi hiện, phải kiên nhẫn chờ đợi mới mong có dịp chiêm ngưỡng dung nhan.
Thật ra, ngọn núi Fuji tuy là biểu trưng cho đất nước Phù Tang, cũng chỉ là một ngọn núi lửa đã tắt lâu ngày, sau mười tám lần phun thạch, với hai sườn núi bằng thẳng, cân đối đặc sắc của những lớp dung nham. Chiếm một chân đáy đường kính 40km, cao 37770m, nó chẳng lớn hơn bao lăm ngọn Fansipan của ta (3142m) nhưng theo tiếng cổ dân tộc ainu, Fuji tượng trưng thần lửa, thần bếp thiêng liêng, thần bí, từ đấy gây cảm hứng cho biết bao thi sĩ, họa sĩ và tên núi được truyền tụng khắp nơi. Ở Nhật Bản, người ta không nói Fuji yama (núi Phú Sĩ) mà Fuji san (san là sơn theo chữ Hán mà cũng là tên gọi trân trọng) vì núi được cung tiến cho nữ thần Konohana Sakuya Hime. Năm 1907, lúc núi phun thạch lần cuối, tro bụi phủ ngập cả đến Tokyo (Đông Kinh) cách xa 100km.
Ngày nay kinh đô "xứ mặt trời mọc" là Tokyo nhưng nhiều người Nhật luôn còn nghĩ đến Kyoto, tương tự như khi vua Gia Long đóng đô ở Huế, nhiều người Việt vẫn còn coi Thăng Long là thủ đô. Nhân tìm biết Tokyo qua sách, báo, sau mấy giờ trầm tư trong viện Bảo tàng Edo - Tokyo, tôi không khỏi ngạc nhiên phát giác một cuộc trùng hợp mà có lẽ các sử gia thành thạo đã thấy rồi?: vào lúc Tiên vương Nguyễn Hoàng từ Thăng Long trốn vào Thuận Hóa, xây dựng chùa Thiên Mụ (1601) khởi đầu một cơ sở văn hóa Phú Xuân làm nền tảng cho thành phố Huế, thì cũng là lúc Edo từ một làng hẻo lánh được chọn làm phủ chúa để sau nầy trở thành kinh đô Tokyo.
Năm 1590, khi shogun (tướng quân, tương đương với các chúa bên ta) Toyotomi Hideyoshi bổ nhiệm Tokugawa Ieyasu làm thống đốc Kanto, ông chọn một lâu đài xưa cũ ở làng Edo làm nơi cư ngụ. Vào lúc Hideyoshi qua đời, Ieyasu đã cai quản một vùng rộng lớn miền Trung Nhật Bản và, sau trận thắng lớn các lực lượng phong kiến ở Sekigahara, đến lượt ông lên làm shogun (1600). Từ nay phủ chúa không rời khỏi Edo. Hơn nữa, để khẳng định uy quyền chính trị, các shogun dòng Tokugawa buộc những daymio (lãnh chúa các vùng) cứ hai năm phải sống một ở Edo, để gia đình ở đấy làm con tin, thành thử nhiều khu nhà sang trọng, biệt thự khang trang dần dần mọc lên như nấm. Con đường Tokaido nối liền Kyoto và Edo dập dìu tấp nập những daymio cùng gia đình và những quân binh hộ vệ samourai trở nên nổi tiếng. Tiền của các lãnh chúa tiêu hoang bao nhiêu thì Edo càng lớn lên bấy nhiêu, những thương gia càng giàu thêm thì tiểu công nghệ càng phát triển, các nghệ nhân càng được ưu đãi, mặc sức sáng tác, chế tạo,... Đủ mọi mặt, Edo mau bành trướng, mở rộng, mặc dầu những cuộc động đất, hỏa hoạn làm tổn hại rất nhiều, và qua năm 1840 trở thành thành phố thứ hai trên thế giới với 500.000 dân, chỉ đứng sau London, vượt quá kinh đô đế vương Kyoto.
Diễn biến phát triển phủ chúa Edo tiếp tục cho đến năm 1868, vua Mutsuhito, tức Meiji (Minh Trị thiên hoàng) quyết định dời triều đình từ Kyoto về Edo và đổi tên Edo thành Tokyo. Vào thời điểm nầy, lịch sử lại dành cho ta một cuộc trùng hợp khác?: trong khi hải quân Pháp oanh tạc Đà Nẵng từ chiến hạm Catinat năm 1856 để rồi sau đó gởi phái bộ Montigny đến Huế không đòi được tự do truyền giáo, thương mại và De Genouilly chiếm đóng Đà Nẵng năm 1858, một hạm đội Mỹ dưới quyền chỉ huy của đô đốc Perry tháng bảy 1853 tiến vào vịnh Tokyo yêu cầu thiết lập thương mại giữa hai nước. Hai cuộc xâm nhập lãnh thổ cùng thời nầy của hai cường Tây phương khởi đầu kỷ nguyên mới cho Việt Nam và Nhật Bản, hai nước độc nhất ở Á Đông đã thành công đương đầu chống lại được quân xâm lăng Mông Cổ vào thế kỷ 13. Tiếc thay thành quả không giống nhau như mấy trăm năm trước?!
Khi hạm đội Hoa Kỳ rút lui về Okinawa, hẹn năm sau trở lại tiếp nhận phúc đáp của shogun, cả Edo vô cùng bối rối, thái độ của phủ chúa không tránh được một cuộc khủng hoảng nội bộ. Hồi ấy, một đằng chính phủ các shogun Tokugawa càng ngày càng yếu, lại nhất định tiếp tục chính sách bế quan tỏa cảng bắt đầu từ nhiều thế hệ, đằng khác các súng ca nông khổng lồ, dữ dằn trên các tàu chiến chạy bằng hơi có sức mạnh đi ngược chiều gió, đặt Edo trước một tình thế lưỡng nan. Lần đầu, sau sáu thế kỷ độc quyền quân sự, shogun mất uy tín khi lại hỏi ý kiến nhà vua?: Kyoto không ý thức mối nguy cơ ngoại bang, nhất định từ chối mở cửa. Nhưng Edo thì không đủ sức chống chọi, buộc lòng phải ký kết một thỏa hiệp với Hoa Kỳ , mở đường sau nầy cho một số hiệp ước khác với Anh, Nga, Hoà Lan. Lo sợ Nhật Bản rồi sẽ bị cắt xé như Trung Hoa và nhiều nước Đông Nam Á khác, nhiều giới lãnh đạo hợp lực lật đổ shogun, phục hưng chính quyền quân chủ.
Cuộc "cách mạng Meiji" không đổ máu và không chút thiệt hại của cải vật chất đặc biệt này không phải khởi xướng từ bên dưới mà là do những cấp thấp quý tộc cũ thúc xúi với một chương trình cải cách độc đáo lúc bấy giờ?: không chống nổi phương Tây thì Tây hóa đất nước, phát triển kinh tế, quân sự theo các khẩu hiệu "một quốc gia giàu và một quân đội mạnh" hay "tinh thần Nhật Bản, kỹ thuật Tây phương". Một chính phủ dân chủ hóa, tuy giới hạn vì quyền bính còn nằm trong tay nhà vua, đã giúp hiện đại hóa Nhật Bản trong thời kỳ Meiji, khoảng một nửa thế kỷ đã đưa một nước từ thời đại Trung cổ qua chính trị, kinh tế một quốc gia tân tiến.
Trong thời kỳ đó, vua Tự Đức đâu có nhắm mắt bịt tai về những thành tích kỹ thuật phương Tây. Sau chuyến kinh lý qua Hương Cảng, Quảng Đông, Pháp, Ý, Nguyễn Trường Tộ đệ trình 43 bản điều trần đề nghị cải tổ quan lại, khuyến khích thương mại, kỹ nghệ, hợp tác với các cường quốc Tây phương. Hai vị Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ đi sứ sang Pháp chuộc lại ba tỉnh Miền đông về cũng có phúc trình về "thiết kiều" và "thạch lộ" trong Tây hành Nhựt ký. Tuy rất uyên bác nhưng bị tù túng trong một triều đại truyền thống và cũng muốn lấy lòng các giới trí thức nhất là nhân sĩ Bắc Hà, nhà vua luôn phải cắm chặt thế lực của mình lên những giá trị, nghi thức un đúc từ nhiều đời, ra sức bảo vệ Khổng giáo theo kiểu mẫu Trung Hoa, từ đấy trở nên bảo thủ chống mọi thay đổi chủ yếu, tự nhốt mình trong một cuộc dao động vĩnh viễn giữa thiên kiến cao cả và đầu hàng nhục nhã. Không chịu sớm mở cửa hợp tác với các nước ngoài, Việt Nam đã phải trả giá rất đắt những chục năm sau...
Tôi không phải là sử gia. Tôi không có tham vọng viết bài sử ký. Chỉ có mùa thu năm nay, nhân lững thững trên bờ sông Sumida, ngắm nhìn dòng nước đã từng sống những gìờ phút thăng trầm của phủ chúa Edo để tiến lên kinh thành Tokyo, tôi liên tưởng tới Hương giang cũng đã từng chứng kiến khí thế vươn mình của đất nước Phú Xuân xây đắp nền móng cho cố đô Huế bây giờ. Hai dòng nước, hai thủ phủ, hai kinh đô, cuộc trùng hợp trong nuối tiếc chỉ để lại một giá trị lịch sử.
Hắc Ký Ni Sơn cuối thu 1998
Huế Xưa và Nay 31 1999

21- HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA HUẾ GIỮA LÒNG PARIS
Mùa xuân năm nay về Huế, chúng tôi ngậm ngùi đi thăm hai nhân sĩ trong phòng bệnh: Chị Điềm Phùng Thị ngồi xe lăn và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nằm liệt giường. Chỉ gần đây thôi, cả hai người còn đang xông xáo, chị Cúc ở nhà triển lãm tác phẩm đường Phan Bội Châu, anh Tường bên phương trời Tây xa thẳm.
Ở Pháp ai mà không biết hình tượng sắp ghép và vật đeo dây chuyền của Điềm Phùng Thị. Tuổi gần 80, chị du học bên Pháp hơn nữa thế kỷ nay. Theo kiểu người Âu, chị đã chập lại với nhau tên chị, Phùng Thị Cúc, và tên chồng, anh Bửu Điềm, để ký những tác phẩm điêu khắc, chạm trổ, hội họa, cắt dán cũng những đồ nữ trang chị chế tạo. Ngoài những hình tượng trình bày ở các công trường, những sân trường mẫu giáo, những cuộc triển lãm lưu động, tập thể hay cá nhân, từ 1961, ở Việt Nam cũng như ở Âu Châu, thường khách được mời xem các tác phẩm ở nhà riêng tại Paris, quận 14, đường Montsouris, hay ở xưởng chạm tại Vallauris, trên bờ Địa Trung Hải. Sau này, anh chị dời nhà về Fontenay-au-Roses, ngoại ô nam Paris. Mặc dầu trái ngả đường, khách khứa luôn đông đúc. Người nào gặp chị, nhất là khách nước ngoài, không thể ngờ với một thân hình mảnh khảnh kia, chị dám tấn công những tảng đá khổng lồ, cứng rắn như kim loại, dũa gọt thành những bức tượng bất hủ. Nghe anh Điềm kể chuyện, có lần thương hại vợ, anh ra tay làm giúp nhưng chẳng chạm được bao lăm. Nếu biết thêm chị Cúc, như anh Điềm, xuất thân là một bác sĩ nha khoa thì ta không sao không khâm phục được một cuộc đổi hướng can đảm và thành công kia.
Chị giải thích: "Khi tôi chạm trổ hay khi tôi viết những dòng này, tôi chẳng làm gì khác hơn là đeo đuổi một nhu cầu, nhu cầu giải phóng cho tôi, hay hơn nữa, nhu cầu xin thứ lỗi cho tôi,... Hình ảnh bom đạn, làng cháy, cảnh trí tra tấn, chết chóc được tường thuật, trình bày trên báo chí, đài truyền hình thành như cơm bửa của chúng tôi. Làm sao không kích động được trước các tàn bạo kia khi ta là một con người, và hơn nữa khi là người Việt Nam, ta cảm thấy bị tổn thương đến thịt, đến máu. Hơn một lần, chúng tôi tự thấy xấu hổ vì chỉ là những khán giả bất lực và phạm tội ấy gây nên một thảm kịch cho nhiều người trong chúng tôi..." Thế rồi, cũng theo lời chị kể, một hôm tình cờ chị lọt vào một xưởng điêu khắc. Một đống đất sét, mặc sức tạo hình. Sau đất sét, còn có thạch cao, gỗ, đá, chị say sưa uốn nặn, chạm trổ, làm việc ngày càng nhiều, chỉ dừng khi hết còn sức. "Tự đày đọa như vậy, tôi cảm thấy gần những người thân thích tôi, xem như tôi đã dự vào đời sống của họ, chia sẻ dù chỉ phần nhỏ những khổ sở và khó khăn của họ..." Tuy phát xuất từ đau khổ, tác phẩm của chị" rực rỡ niềm vui. Các hình tượng của chị phun vọt ra như một cuồng nhiệt hoa, xuân, như những cuộc hành lễ đức tin và đời sống,... Điềm Phùng Thị cống hiến những phương trời hài hòa và những tín hiệu hạnh phúc. Đấy phải chăng là cao vọng thầm kín của mọi sáng tác?..." (Marc Gaillard, 1987) "Phương Đông và phương Tây, cổ điển và hiện tại, nghệ thuật Điềm Phùng Thị đã chứng tỏ khả năng siêu ngôn ngữ để truyền đạt những thông điệp của nhà nghệ sĩ đến mọi người và ở mọi nơi" (Hoàng Phủ Ngọc Tường, 1995). Luôn hướng mắt về quê hương, không ai ngạc nhiên khi chị muốn quay về lại nguồn cuội, cùng với hội Những người bạn của Điềm Phùng Thị xây dựng nhà triển lãm tác phẩm ngay tại thành phố thân yêu của mình sau khi được quốc tế nhìn nhận qua Từ điển Larousse, Nghệ thuật thế kỷ XX (1991) hay viện Hàn lâm Khoa học và Văn học Nghệ thuật Âu châu (1993). "Khi sáng tác tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ. Tác phẩm điêu khắc đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa. Tôi trao lại các bạn, hoặc đúng hơn nói theo cách của Bissière, tôi trao tôi cho các bạn".
Trong lúc ngôi sao Điềm Phùng Thị sáng tỏa bầu trời thì một nữ sĩ quê Huế khác cũng mọc lên trong văn đàn Paris: chị Thân Thị Ngọc Quế, tức Thanh Thanh, Huyền Chân Ảnh, pháp danh Tâm Mãn. Xấp xỉ tuổi chị Cúc, theo tôi biết, chị chỉ nhập làng thơ gần đây thôi, vào buổi nhàn hạ, cuộc sống đã sắp đặt ổn thỏa. Cách đây hơn mười năm, nhân tình cờ đọc bài Về thăm quê của tôi đăng trong tạp chí Sông Hương sau khi đi Huế dự Lễ hội 90 năm trường Quốc Học về, có lẽ nhận thấy tình cảm của tôi đối với Huế không mấy khác tâm tư của mình, chị Quế nhắn tin muốn gặp và làm quen với tôi. Sau đấy, tôi hân hạnh được chị trao tặng những bản thảo tập thơ đầu tiên của chị mà hiện nay tôi giữ như một bảo vật. Thi tập Giọt nước cành sen chuẩn bị từ 1988 ở Paris mãi hai năm sau mới ra đời ở Huế. Thơ chị nhẹ nhàng, êm dịu như cô gái sông Hương mà một thuở nào chị là người điển hình. Nghe nói hồi ấy, họa sĩ Mai Thứ từng bảo: "Ai muốn xem người đẹp cứ tìm lại gặp Ngọc Quế". Bạn đọc có thể có một ý niệm khi xem hình cô gái dễ thương ấy trong trang sau cuốn Giọt nước cành sen. May mắn hơn, bạn có thể chiêm ngưỡng dung nhan trong một bức tranh màu lớn trưng bày tại nhà riêng ở Sài Gòn, đường Lê Thị Riêng. Ngày nay, giọng chị vẫn còn thanh trong như thơ chị. Chưa gặp mặt, qua dây nói, cứ tưởng mình đang trò chuyện với một cô nữ sinh Đồng Khánh, mái tóc thề nghiêng che sau chiếc nón bài thơ. Rồi hôm lên thăm nhà thờ Thân Trọng trên Nguyệt Biều, đi với chị trên con đường làng phủ tre bóng mát, tôi hình dung dễ dàng cô nữ sinh nhí nhảnh làm hoa mắt anh chàng sinh viên trường thuốc, thầy dạy học kèm trong kỳ nghỉ hè, hồn nhiên vui vẻ trong cánh đồng quê, chứa chan một mối tình ngây thơ, lãng mạn. Hồn thơ lai láng, tuổi trẻ mộng mơ, một ngày kia chắc thế nào cũng sẽ được phát giác những bài tâm can tình cảm, đánh dấu một thời tiền chiến đầy ước mơ, mộng tưởng.
Giờ đây, thơ chị phát xuất từ một "câu chuyện hội ngộ giữa một trái tim đa tình với một chữ Không tinh quái. Giọt nước cành sen không phải là một tập thơ đạo. Nhưng ý thiền đi vào thơ như hương sen thoảng mặt hồ" (Cao Huy Thuần, Tựa). Phần tôi thì cám ơn chị không những đã cho theo dõi từ khi tập thơ chưa thành hình mà còn dành cho tờ Thư liên lạc Hội người yêu Huế bài Mùa hoa phượng trước khi cả tập thơ ra đời:
Mái trường xưa xa quá
Mãi muôn trùng khói sương
Vần thơ nào lưu luyến
Gửi về một quê hương.

Như để thu gỡ thời gian, chị liên tục cho ra nhiều thi tập khác, cuốn nào cũng do đức phu quân bác sĩ Dương Cẩm Chương vẽ bìa hay minh họa với các phụ bản thực hiện ở Việt Nam hay ngay ở Huế: Thơ gửi muôn trùng (1990), Mây trắng đường về (1990), Trắng cả hoàng hôn (1990), Đường lên đỉnh biếc (1991), Về cỏi trăng khơi (1992), Ngọn cỏ mặt trời (1993), Tuyết mùa viễn xứ (1994), Tìm trong các bụi (1994), Còn vang trong gió (1995). Trong tập thơ cuối cùng tôi được anh Chương đề tặng dày đến 500 trang, gồm có, ngoài thơ của chị, những bài xướng họa, cảm tác, nối tiếp,... của thi hữu bốn phương, của chư vị tôn túc (những bản nhạc thì đã có đăng trong các tập trước), chị "xin được hân hạnh góp lại để kết thành những cánh hoa kỷ niệm vô cùng trang quý... Đây cũng là niềm vinh hạnh của chúng tôi, là nhánh trầm hương bát ngát, mênh mông trong những ngày tháng đã qua cũng như sắp đến...". Nỗi hoài hương của chị luôn vấn vương trong thơ chị, cho nên dù định cư ở nước ngoài, chị vẫn luôn sống ở quê hương.
Tìm chút đìu hiu chút nắng tàn,
Vương trên Thành biếc dấu rêu hoang.
Thông gầy Thái Miếu nghiêng bờ cỏ,
Lá úa Hoàng Cung nhạt sắc vàng.
Nếu chị Quế đã cho ra nhiều thi phẩm, một nữ sĩ khác, có phần lớn tuổi hơn, thì chỉ giới hạn trong ba tập thơ: Vần thơ dại, Cổ phong thi tập (1958, tái bản 1987), Đài tiềnhọa đáp tức Vần thơ dại II (1993) và Lá trầu cay (1998). Đó là thi sĩ Thái Thị Như Phiên, hiệu Kim Khuê, tự Ngộ Khê tức bà Nguyễn Văn Định mà trong vòng thân mật chúng tôi nôm na gọi chị Định. Phu quân của chị đi du học bên Pháp và đậu tiến sĩ luật học năm 1932. Về nước, anh được bổ tri phủ ở Quảng Trị và làm rể cụ thượng Thái Văn Toản. Với đầu óc bình đẳng, dân chủ học hỏi bên Pháp quốc, ông phủ Định có những hành vi không đi đúng với lề lối lúc bấy giờ. Ví dụ: ông cho cởi gông một anh tù chính trị và mời lên phủ đường ngồi uống nước trà với ông! Lẽ tất nhiên sau đó cả ông lẫn ông gia có vấn đề với các quan bảo hộ. Nhưng không ai dè cử chỉ đó, đối với ông tri phủ Tây học không có gì là đặc biệt, lại dẫn đến một thành quả vô cùng quan trọng sau nầy cho ông và gia đình ông: anh tù chính trị kia tên là Lê Duẩn! Năm 1945, ông phủ Định không những không bị lôi thôi với cách mạng mà còn được mời ngay ra Hà Nội làm việc, phụ trách trường Hành chánh. Chị Định cho hay ngày nay một số quan chức, bộ trưởng, đại sứ,... là học trò cũ của anh Định.
Chị Định theo chồng đi kháng chiến được ít lâu thì để anh và cháu trai ở lại trên khu, đưa mấy cháu gái về miền Nam và sau nầy qua Pháp. Mấy chục năm qua, trong lúc anh Định bận bịu việc nước, chị Định một mình tay chống tay chèo, tần tảo nuôi bầy con cho thành tựu. Biết bao công phu khó nhọc cho một thiếu phụ xuất thân từ gia đình quyền quý, đâu có được giáo dục để thành người chạy chọt làm ăn. Chị đã gặp nhiều khổ cực, đớn đau, nhưng chị khẳng định: "tiếng đau thưong chẳng phải là tiếng than riêng biệt mà chính là lời chung của những người không may trên đường đời... Trong quả địa cầu, nhờ thần giao cách cảm, những tâm hồn đau khổ, bất luận giàu nghèo, vẫn thường gần nhau và an ủi cho nhau". Biệt ly, thương nhớ, buồn riêng, muộn phiền,... Biết bao "tình cảm mặn nồng nên lời thơ vang dội toàn tiếng đau thương... Thơ phẩm cũng là tiếng u tình của hiện tượng tâm lý một thiếu phụ phát hiện sau sự liên tưởng cả ngoại giới, nội tâm..." (Liên Hồ, Tựa).
Luôn nhớ gia đình, hướng về quê cũ, chị có những bài Nhớ mẹ, Nhớ cha đã mất, kính tặng A. Đ.,.. bên cạnh những bài Thôn nữ, Hương cau, Giàn trầu, Giàn hoa thiên lý,... Trung thành với một lời nguyền trên đường gió bụi, chị ký thác tình sâu vào những bài Kính dâng chúa, Kính dâng Đức Mẹ Maria nhưng vẫn không quên chăm lo chùa Quy Thiện của gia đình. Gởi gắm nhiều nhất có lẽ là tâm tình về Huế, được bạn bè cảm thụ qua nhiều các bài xướng họa.
Non sông ai nhuộm vẻ cô liêu,
Nhắc đến càng thêm nhớ vạn điều.
Lăng tẩm hắt hiu luồng gió sớm,
Điện đài hoang lạnh bóng mây chiều.
Đây là nơi chị Định biết rõ vì đã trải qua một thời kỳ tuổi trẻ. Thật thích thú khi nghe chị hóm hỉnh kể chuyện chung sống của một cô gái ngây thơ với một ông chồng khoa cử tân học, thú vị ngay từ thuở ban đầu, tối tân hôn: vợ có phải lạy ông chồng không? Chị hy vọng ông chồng một mặt từ chối nhưng không, ông ta để mình quỳ xuống mới tức! Rồi sau đó cuộc đời của một bà phủ non trẻ với tất cả trách nhiệm của một bà mẹ dân. Nhưng cuộc đời là biến chuyển, dù muốn dù không chị đã phải sống một thời đại đầy biến cố, trong những hoàn cảnh lắm khi éo le. Chị có những kỷ niệm não nùng, xúc động như khi giữa rừng gặp anh quân nhân xin chỉ thêu chim gởi về tặng vợ, to lớn như khi đương đầu với các vị tướng tá miền Nam để ra Bắc thăm cho được ông chồng đau yếu,... Rút cuộc rồi anh Định khi đến tuổi về hưu cũng được phép qua Pháp đoàn tụ gia đình và nhất là sum họp với bà vợ yêu quý. Có điều những năm sau nầy anh Định sức khoẻ kém và theo lời yêu cầu, chị đem anh về Hà Nội để anh yên giấc ngàn thu nơi quê hương mến thương. Chị Định đến nay thấy vẫn chưa nguôi được nỗi buồn biệt ly vĩnh viễn nầy. Tôi chỉ tha thiết chị xuất bản cuốn Hồi ký cho con cháu được nhờ nhất là chị đã có cho tôi xem bản thảo dày cộm trong một đống vở học trò. Văn chị viết hấp dẫn như khi chị say sưa kể chuyện, mủi lòng như những câu thơ u sầu, ảm đạm thì bạn đọc phải liệu sắm sẵn khăn tay.
Núi nặng tình thương nên đứng trơ,
Mây về cho núi đỡ bơ vơ.
Bốn phương trời lặng, buồn thân núi,
Mây chẳng dừng chưn để núi chờ.

Nói đến nữ thi sĩ Huế giữa lòng Paris cũng cần nhắc tới Hương Bình vừa mới gởi tặng tôi một thi phẩm: Hương xa (1999). Tên thật Nguyễn Phước Cẩm Thường, chị là một tôn nữ. Tương đối trẻ hơn mấy nữ sĩ kia, chị thường chỉ cho đang lè tẻ mấy bài thơ của mình. Lần nầy, tuy mỏng, cả một thi tập đầu tay ra mắt làng thơ. "Sống và làm việc ở Paris, thủ đô nước Pháp, chị mãi nhớ về quê hương và dĩ vãng. Đã bao lần nhìn nắng sớm, sương chiều, bông tuyết rơi lặng lẽ, chị thầm xúc động trong khoảng khắc không gian quê hương yêu dấu tận cuối chân trời xa" (Hoàng Nhân, Đôi lời tâm sự). Thật vậy, chị thương mẹ, nhớ con, khóc nhiều, đau khổ ở mỗi buổi chia tay, giã biệt, chị sống với mơ mộng, lệ buồn.
Em mơ một cuộc đời
Êm đềm ngày tháng trôi
Không sầu vương tủi hận
Không lệ nhỏ đôi hồi...
Tôi hỏi sao thơ chị buồn vậy, chị trả lời: "Có buồn thơ mới hay!". Chỉ mong hương xa lan tỏa.
Sau cùng, giữa các nữ thi sĩ nầy nổi lên một nam thi sĩ. Tôi xin nhắc lanh đến một anh bạn quen nhau đã lâu năm nhưng sau nầy ít gặp nhau: Hoài Việt. Tên thật Nguyễn Văn Hướng, anh xuất thân là một dược sư và làm việc ở Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học Pháp. Từ thuở sinh viên, anh đã làm thơ nhưng rất tiếc hiện tôi chỉ có trong tay hai thi phẩm: Tình em nho nhỏ (1962) và Quê người (1987). Giữa hai tác phẩm và sau nầy chắc còn có nhiều sách khác được xuất bản. Tình em nho nhỏ là một Tác phẩm Sinh viên (số 1), đánh máy, mang một hoài bão nho nhỏ như tên sách:
Tình em nho nhỏ
như gió chiều xuân
đem hương đi khắp xa gần
đem tình nồng hậu thấm nhuần đồng quê.
Anh luôn khắc khoải với tình hình đất nước. Vì vậy anh thật gần gũi với chúng ta, "gần gũi trong nỗi đau quốc phá gia vong, trong niềm hy vọng đất nước tự do thanh bình, trong nỗi thương cảm đồng bào lầm than tủi nhục,... trong tình thương nhớ quê hương, lòng chung thủy với dân tộc sâu đậm tình người" (Đoàn Đức Nhân, Vài lời giới thiệu).
Và ngày mai, ngày mai
khi tìm lại tự do
cạnh mẹ già, bên nồi cơm nóng hổi
ta sẽ cùng ngắm trăng lên
khi chuông chùa rộn rã reo vui...
Nếu các nữ sĩ gốc Huế làm thơ thì cũng có nữ sĩ viết văn, tuy ít. Trong vòng quen biết ở Paris, ngoài những Linh Bảo, Minh Đức Hoài Trinh rời bỏ Kinh thành Ánh sáng từ lâu, tôi chỉ gặp được có một nữ văn sĩ: chị Trần Thị Diệu Tâm. Sinh trưởng tại An Cựu, học xong các trường Đồng Khánh, Quốc Học, chị tốt nghiệp chính trị kinh doanh tại viện Đại học Đà Lạt. Định cư ở Pháp từ 1987 với gia đình, chị thường cho đăng truyện ngắn ở Pháp hay bên Hoa Kỳ. Gần đây thôi mới có hai tác phẩm: Người về (1992) và Rong biển (1997). Nếu cả hai cuốn cốt yếu là hai tập tryện ngắn, tập sau gồm thêm một truyện dài. Ngay ở cuốn đầu, Người về, chị đã giải thích: "Viết là bừng tỉnh ký ức, là hồi sinh quá khứ. Viết để giữ lại, hay làm cho mất đi. Viết là sáng tạo cho một cái nhìn mới trên mọi điều xảy ra... Chữ nghĩa có thể đè nặng lên niềm đau nỗi khổ, nhưng cũng ánh ngời lên nét hạnh phúc. Viết để vinh danh con người". Văn chị không kiểu cách, truyện chị không cầu kỳ. "Giản dị, trực tiếp, bước thẳng vào đời sống hiện tại. Nhìn cái có thật trước mắt, nghe cái có thật bên tai, ngẫm cái có thật trong lòng. Vậy là thành truyện. Chẳng to tát ghê gớm gì, nhưng là chuyện sống thật về những con người sống thật, trong cuộc sống lưu vong trước mắt". (Nhã Ca, Bạt).
Qua cuốn thứ nhì, "Rong biển là tiếp cận văn học khá độc đáo của một nhà văn nữ trước những biến động của đất nước... Trong Rong biển, nỗi truân chuyên không chỉ là nhiều, nhưng chập chùng. Chập chùng nổi trôi của loài rong trong định mệnh viễn xứ. Cuộc viễn hành đó được tác giả kết thành bảy chương truyện dài và bảy chương truyện ngắn... Những truyện của Trần Thị Diệu Tâm là nhánh rong đời chìm nổi trên thân phận người". (Lê Đình Thông, Tựa). Ai cũng biết không có nhà văn nào sống được với cây viết của mìnhVì vậy chị Diệu Tâm thực hành kiến thức kinh doanh của mình qua một quán cơm tại Paris, quận 13, đại lộ Masséna. Nhưng đừng tưởng chị chỉ ngồi quản lý: chính chị thân hành nấu nướng trong bếp mà thức ăn lại rất ngon. Những hôm lại quán, nếu may ít khách hoặc sớm giờ, chị ra ngồi nói chuyện văn chương với bạn quen, trước mắt hiếu kỳ của những người không biết chị. Tên quán An Hiên nhắc tôi nhớ đến vườn bà Nguyễn Đình Chi ở Kim Long, nhưng chị Diệu Tâm cho hay không dính dấp gì. Sau nầy tôi mới gặp An Hiên trong truyện dài của chị, một nhân vật "như một nhánh rong biển, luôn chìm dưới lòng nước mặn, chưa bao giờ nhận đủ ánh sáng mặt trời để tô thắm cho mình một màu xanh của lá". Nhánh rong biển có nên chăng đừng kiếm cách nhô lên mặt nước để giữ mãi màu xanh lạt đặc sắc của mình!
Bên lề các thi sĩ, văn sĩ, tưởng cũng phải nhắc đến nhà học giả Việt Điểu Thái Văn Kiểm mà những bài về Huế được thấy khắp các báo. Cuốn sách anh để lại cho con cháu là cuốn Cố đô Huế xuất bản lần đầu tiên ở Sài Gòn năm 1960! Tác giả đã công phu biên soạn lịch cổ tích, thắng cảnh Huế: "Nói đến Huế, ngưới ta nghĩ ngay tới những phong cảnh nên thơ, tưởng đến những kỷ niệm êm đềm, những vết tích của thời xưa để lại, cùng với những trang sử bi hùng mà ngày nay đám bình dân và giới nghệ sĩ còn ca tụng trong những câu hát điệu hò vô cùng ý nhị.... Huế thơ mộng đã trải qua bao lần hưng vong trong lịch sử. Huế ngày nay vẫn đượm một vẻ trầm lặng mơ màng như tràn ngập trên đôi mi người thiếu nữ yêu kiều..." Và bài dẫn đầu sách đã kết thúc:
Kìa nước nọ non hãy còn như cũ,
Giang sơn cẩm tú ai nhủ lo em?
Chừ đây tái tạo cơ đồ,
Đã có cây cho chim đậu, lại có đò cho em đi!

Nếu nấu ăn là một nghệ thuật ngày nay được công nhận trong lãnh vực văn hóa thì phải kể thêm quán Vỹ Dạ ở Paris, quân 13, đại lộ Port Royal. Từ ngày Quán Huế, cũng ở quận 13, đại lộ Choisy, đổi chủ, bà chủ nấu bếp trở về Việt Nam, thì thực đơn của chị Như Ninh có lẽ là nơi đưa khách liên tưởng về Huế nhiều nhất với các món bèo nậm lọc quen thuộc cạnh cung An Định. Chị không phải là nhà nấu bếp chuyên nghiệp. Nghe nói trước kia chị là chiêu đãi viên hàng không như chị Kha nhiều năm qua đã thành công câu khách với món bánh khoái độc đáo ở quán Quang Đảo, cũng ở quận 13, đường Caillaux. Nói cho đúng, hương vị những quán ăn ở Paris không đem lại cùng cảm giác như khi đi ăn ở những nhà hàng Ngự Viên, Phú Xuân ở Sài Gòn, Quán Huế ở Hà Nội hay Tịnh Gia Viên trong thành nội Huế.
Đi quanh một vòng các văn nghệ sĩ Huế ở Paris, còn thiếu nếu không quẹo vào một chút vào địa hạt âm nhạc. Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết có lẽ là một trong hai nhà soạn nhạc hiện đại Việt Nam có tiếng nhất ở nước ngoài với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo. Cháu nội cụ Thân thần Tôn Thất Hân, đi học và dạy nhạc ở trường Quốc Học, anh Tiết sống lên trong một môi trường âm nhạc truyền thống Việt Nam. Qua Pháp du học và tốt nghiệp Viện Quốc gia Âm nhạc Paris, khi soạn nhạc anh lấy cảm hứng từ nguồn gốc Đông phương mặc dầu những dàn nhạc biểu diễn đều là quốc tế. "Tuy nhạc cụ Tây phương không lột tả hết được sắc thái những điều ông muốn phát triển nhưng ông không bận tâm lắm. Bởi vì âm nhạc theo ông chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Cứu cánh là nhân sinh quan của ông: con người làm sao biết sống hài hòa trong định luật vô hình của vũ trụ" (Nguyễn Đắc Xuân, 1995). Anh cũng là tác giả phần nhạc trong hai cuốn phim Mùi đu đủ xanh và Xích lô của nhà đạo diễn Trần Anh Hùng.
Cũng trong lãnh vực âm nhạc, một bộ mặt quen thuộc ở Pháp và Paris là ca sĩ Huyền Tôn Nữ Quỳnh Tư. Xuất thân là một kỹ sư tin học, hiện chị vẫn còn tiếp tục hành nghệ. Ca hát chỉ là ngành tay trái. Tuy vậy, trong rất nhiều năm, không có dạ hội Tết nào ở Nhà Tương tế mà không có tiếng hò giọng hát của chị. Là một tôn nữ đất Thần kinh, chị đặc biệt có tiếng trong những bản ca bài hát xứ Huế. Sau nầy,chị đi trình diễn ở nhiều nơi khác và cho phát hành nhiều băng nhạc cat-xet: Chants et poèmes de Hué (Thơ ca Huế), La Voix de la Rivière des Parfums (Mười thương), Jardin Ancien, Fleurs Modernes (Vườn xưa, Hoa mới). Luôn muốn hoàn thiện, cải tiến, chị đi học hát thêm ở nhạc viện và người chăm chú theo dõi thấy ngay biến chuyển trong giọng hát, gây nhiều cảm tình trong số thính giả người Âu. Một băng nhạc CD ra đời sau đó với sự cộng tác của nhiều dàn nhạc, đội hợp xướng và nhạc công, nhạc cụ Âu Á đủ loại: Passions et Rêves (Anh với em, với núi với sông Vietnam). Gần đây, kết hợp ngành nghề và sở trường của mình, chị có cho lên mạng lưới Internet một chương trình Huế trong ấy tôi được mời góp phần với những hình ảnh Huế, đặc biệt về ca nhạc sĩ.
Một nhạc sĩ khác, ít được biết hơn là chị Lê Khắc Thanh Hoài. Chị ít biểu diễn, chuyên nhiều về soạn nhạc. Ngoài những bài thường đăng trong tờ Hương Sen (Trúc Lâm thiền viện), chị đã cho xuất bản hai tập nhạc Hát cho đời thêm hân hoan và Tôi thương quê tôi. Chị cũng có thực hiện ba băng cat-xet: Hát cho đời thêm hân hoan (1991), Tình khúc qua tiếng hát Lê Dung (1992) và Một đời an vui (1998). Nhạc chị êm dịu, nhẹ nhàng, vui tươi. Cuốn băng sau cùng và một cuốn đang soạn hướng về nhạc Phật giáo
Đời người luôn phiền não
Mau mau tỉnh cơn mê
Giải thoát vòng tử sinh
Bến giác hãy quay về.
Thuộc ngành tay trái, anh Bửu Phôi cũng soạn nhạc. Tuy tìm cảm hứng trong thiên nhiên và trong những kỷ niệm sâu đậm từ chốn quê hương, Phôi diễn tả tâm tình qua lối nhạc hiện đại. Vốn là giáo sư ở viện Âm nhạc Sài Gòn, anh định cư ở Pháp chưa lâu và gần đây thôi mới có phương tiện sáng tác nên có thể xem như là một nhạc sĩ trẻ. Cái CD độc nhất Phôi tặng tôi gồm có sáu bài concerto với sáo, piano, mandolin, máy điện âm, giọng soprano của Hoàng Lan trong hai bản Nhớ nhung của Hàn Mặc Tử và Anniversaire của Aragon.
Từ ấy anh ra di
Em gầy hơn vóc liễu
Em buồn như đám mây
Những đêm vầng trăng thiếu.
Những tác giả trên đây đều đã định cư một thời gian nào đó ở Paris. Không hân hạnh thuộc thành phần nghệ nhân, thế nào cũng có những thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ khác mà tôi không biết. Chăm chú về hoạt động văn hóa Huế ở Pháp, dù không phải là sử gia, tôi cố gắng theo dõi những sự kiện diễn biến, nhất là từ lúc Hội Người Yêu Huế mới thành lập (1984), giới thiệu với các bạn ngoại quốc văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt nền văn hóa Huế - Phú Xuân là một trong những mục tiêu chính của Hội. Trong tinh thần đó, một Đêm hè Huế (1986) vui nhộn đã được tổ chức tại nhà khánh tiết Tòa Thị chính quận 13 Paris. Tất cả tập thể Hội đúng lên dựng một đám cưới cổ truyền, cô dâu mặc áo mạn lục, chú rể bận áo thụng xanh, ông gia bà gia khăn đen áo dài, có cúng lạy trước bàn thờ, có đám rước đủ cau trầu, heo quay, quạt lọng, tiên chỉ dẫn đầu... Tất cả các bạn xa gần trong Hội đều động viên con cháu cho đủ các vai trò. Cái khó là kiếm cho được diễn viên nói giọng Huế! Cảm động nhất là một bác gái, đầu tóc bạc phơ, trịnh trọng trong chiếc áo gấm đã từng mặc nhiều lần trên đất Huế, ngọt ngào thỏ thẻ với tôi: "Tôi chưa khi nào lên sân khấu, lần nầy lên đây chỉ vì yêu Huế!" Phòng hát vang dội rất lâu tiếng vỗ tay tán đồng khen ngợi.
Góp sức vào ý chí đó có những nghệ sĩ từ bên nhà qua. Trước chuyến qua Pháp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một Đêm Thanh Hải hát Trịnh Công Sơn đã được Hội người yêu Huế tổ chức tại cư xá sinh viên Đông Nam Á ở Paris, quận 14, đường Jourdan, hiện còn lại một băng cat-xet (1987). Thật ra chuyện mời Sơn qua Pháp đã được đặt trong chương trình của Hội từ lâu nhưng có vài trở ngại và phải đợi qua năm 1989 mới được Nhà Việt Nam tại Paris, quận 5, hồi ấy ở đường Cardinal Lemoine, thực hiện. Đằng khác, nếu Trịnh Công Sơn nổi tiếng ở Việt Nam từ những năm chiến tranh, bên Pháp anh cũng đã được biết nhiều, trước qua bài báo của anh bạn Jean Claude Pomonti trong tờ Le Monde mấy chục năm trước, phần lớn qua những băng nhạc Khánh Ly, Thanh Hải: Lời buồn thánh, Hạ trắng,... Cảm động nhất là bài hát của anh được phổ biến qua các giọng ca sĩ ngoại quốc. Tôi may mắn được nghe các cô Helen Sava, một người Anh, Inga Pichner, một người Đức, Ỷ Lan Penelope Faulkner, một người Aí Nhĩ Lan nói đặc giọng Huế, ngâm nga Diễm xưa, Ca dao mẹ,... dễ thương quá vì các cô đã đưa nhạc Trịnh Công Sơn vượt quá biên thùy ngôn ngữ. Đặc biệt cô Michiko Yoshii, một sinh viên Nhật, không những đã đàn hát trên đài phát thanh nước cô ta mà còn dự thảo một luận văn cử nhân Việt học ở Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Viễn Đông tại Đại học Paris VII trên đề tài Những bài hát chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn. Hôm bảo vệ luận văn là một buổi biểu diễn ca nhạc lý thú, Michiko tự đàn, tự hát. Nhờ vậy, Sơn qua Paris như anh đến một nơi quen thuộc. Đêm hát dành cho anh, ngoài Michiko, Inga Pichner, còn có Thanh Hải từ Đức và cô em Vĩnh Trinh từ Canada qua giúp vui. Sau nầy, nhân có mặt ở Paris, anh còn trưng bày một số tranh v ẽ tại chỗ cùng vài bức của Trịnh Cung và nhiều họa sĩ khác trong một cuộc triển lãm ở Nhà Việt Nam. Để cám ơn Sơn, tôi có thực hiện tặng anh một cuốn sách hình mà bức đẹp nhất sau nầy được báo Điện Ảnh đưa ra làm trang bìa cũng như nhiều bức khác được dùng trong các báo ở Thành phố Hồ Chí Minh, có điều các tòa soạn quên ghi tên nhà nhiếp ảnh.
Vẫn ở trong lãnh vực ca nhạc và hội họa, Hội người yêu Huế kết hợp với Nhà Việt Nam tổ chức Hai tháng với Huế (1990), chia nhau lo liệu, một bên cho họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, bên kia cho ca sĩ Thúy Vân và nghệ sĩ đàn tranh Ngọc Diệp. Nếu hai cô nầy dễ dàng qua Pháp, chúng tôi đã xin được tổ chức Công giáo Phát triển và Chống đói CCFD biếu cho hai vé máy bay, nhưng rốt cuộc chỉ có họa sĩ lên đường... Hai tháng với Huế đã là một thành công mỹ mãn. Suốt ba đêm Hơi thở sông Hương, trong một thính phòng trang hoàng đầy hình ảnh màu sắc thắm đậm chất Huế của Marc Antoine Montclos và Võ Quang Yến, với giọng ca đầm ấm, chân tình, tiếng đàn thánh thót, vấn vương của hai nghệ sĩ Thúy Vân và Ngọc Diệp đã gây xúc động không ít trong đám khán giả chật ních căn phòng. Thêm vào đó, lời giới thiệu duyên dáng của anh Cao Huy Thuần góp phần đưa người nghe trầm lắng về chốn Hương Bình mộng mơ, yên tĩnh. Ngoài những băng nhạc thu thanh cá nhân, hai cô đã để lại một cat-xet tình cảm: Huế, tên của nỗi nhớ (1990)giúp kẻ tha hương từ chốn xa xôi dễ thả hồn về quê xưa bến cũ.
Những bông quý nầy một lần phát hiện giữa kinh thành hoa lệ tưởng cần phải được khai thác hơn. Tôi đưa hai cô lại thăm anh Trần Văn Khê, nhạc sư có một không hai trong làng nhạc Việt Nam và quốc tế. Anh Khê là một nghệ sĩ có quê Huế xa xăm, rất nhạy cảm lại hiểu biết sâu xa văn hóa nước ta, kể cả cá tính miền Trung, xứ Huế, nên một bên với lòng trìu mến hai cô gái đất Thần Kinh, bên kia với tất cả lòng ngưỡng mộ một bậc thầy hiếm có, cả ba ăn ý ngay: chiều hôm ấy, tôi may mắn được dự một buổi hòa nhạc, ngâm thơ thân mật, chân thành mà biết bao say mê, sôi nổi. Kết quả là hai buổi ca nhạc Huế được dự trù ngay tại trụ sở cơ quan văn hóa UNESCO qua Hội các nhân viên AIPU và tại Viện Bảo tàng Á Đông Guimet qua Hội Pháp các Người bạn Á Đông AFAO. Trong cả hai lần biểu diễn nầy, lời giới thiệu uyên bác của anh Khê, mặc dầu anh bảo cố thu nhỏ mình để nhường chỗ chính cho hai nghệ sĩ Huế, đã đóng góp không ít trong sự thành công. Hai tháng với Huế được tiếp tục ở Nhà Việt Nam với hai buổi nói chuyện của giáo sư Trần Văn Khê về nhạc cung đình Huế và hòa thượng Thích Thiện Châu về Phật giáo và chùa cổ ở Huế, đồng thời với một cuộc trưng bày tranh vẽ của Hoàng Đăng Nhuận. Anh Nhuận cũng còn được chị Kim Ba thương lượng với Hội AIPU để tổ chức trước đó một cuộc triển lãm ở trụ sở UNESCO.
Thật ra, anh Nhuận không phải là họa sĩ Huế đầu tiên hay cuối cùng có dịp triển lãm ở Paris. Năm trước, nhờ sự ủng hộ tài chánh của tổ chức Công giáo Phát triển và Chống đói CCFD, anh Bửu Chỉ đã mở đường (1989). Năm sau, đến lượt anh Dương Đình Sang, qua sự bảo trợ của anh chị Võ Bạt Tụy, cũng nối tiếp qua Paris (1991). Một con đuờng khác đã giúp bốn giáo sư, giảng viên họa sĩ trường Đại học Nghệ thuật Huế qua Pháp: các anh Trương Bé, Vĩnh Phối, Phạm Đại và Nguyễn Đức Huy (1994). Họ được Hội Saint Henri de Toulouse kết hợp với Hội Hợp tác và Phát triển Pháp Việt CODEV mời qua ba tháng sáng tác ở vùng Lauragais, miền nam nước Pháp, trước khi tham dự hai cuộc triển lãm: một cuộc tập thể tại chỗ cùng các bạn đồng nghiệp quốc tế khác và một cuộc dành cho bốn anh ở Trung tâm văn hóa Pháp Việt (nay không còn nữa) ở Paris, quận 5, dường Ecoles. Từ sơn dầu, sơn mài qua pastel, acrylic,... từ phong cảnh, chân dung qua tĩnh vật, đời sống,... từ biểu hiện lập thể siêu thực qua phi hình thể trừu tượng, các anh đã trình bày cả một loạt rộng lớn những khả năng hình họa, đồng thời nói lên đường hướng phát triển của nền hội họa Việt Nam.
Cần chăng nhắc thêm tuy sử dụng kỹ thuật mới, tư duy sáng tạo của các anh vẫn còn giữ tính Đông phương, và đấy là điểm quan trọng vào lúc giao thời. Sau này, anh Trịnh Cung cũng có qua Paris tự mình trưng bày tranh vẽ (1995), cô Tuyết Mai ở Nhà Việt Nam (1996) rồi ở Galeries d'Impressions, Paris, quận 11, đường Ternaux (1997). Còn anh Lê Thừa Tiến thì được một cuộc triển lãm tập thể ở Trung tâm Wallonie - Bruxelles, Paris, quận 4, đường Saint Martin (1997) mời dự.
Trường Đại học Nghệ thuật Huế còn đi xa hơn. Trước bốn họa sĩ, đã có các nhạc sĩ, ca sĩ lên đường qua Pháp, luôn trong chương trình hoạt động của Hội CODEV. Khoảng mười lăm giáo sư, giảng sư, nhạc sĩ, sinh viên với ông bầu giáo sư Hà Sâm mang đủ đàn, trống qua ở lại Morêt sur Loing, miền nam Paris, tập dượt, hiệu chính trước khi biểu diễn một tối ở trụ sở UNESCO (1993). Tuy ít chuyên nghiệp hơn các đoàn Bắc, Nam như Phong Lan, Hoa Mai, Phù Đổng, đoàn Đại học Nghệ thuật Huế cũng đã hấp dẫn khán giả và rất được hoan nghênh, một phần cũng nhờ hiếm có, lạ mắt. Cũng trong tinh thần dó, hai năm sau, Hội Pháp Việt Khuyến Nhạc với sự hỗ trợ của Hội CODEV, bộ Văn hóa Pháp và hãng Hàng không Việt Nam mời một đoàn nghệ sĩ qua biểu diễn sáu lần ở Nhà Văn hoá Thế giới, đi một vòng Âu châu trước khi trở lại Trappes (1995). Ba cụ Trần Kích, 82 tuổi, Nguyễn Kế, Nguyễn Mạnh Cầm, cả hai 76 tuổi, dẫn đầu một đoàn 20 nghệ nhân trong ấy có 15 nhạc công dàn nhạc cung đình Huế, kèm theo ca sĩ Phan Thị Thanh Tâm, hai nữ ca sĩ và hai nhạc công ca trù. Đây là lần đầu tiên một dàn nhạc cung đình Huế ra mắt khán giả thủ đô nước Pháp. Loại nhạc nầy lúc trước bị giữ trong cung cấm, dành cho vua chúa nên công chúng ít được biết đến. Tuy vậy, với những tiết tấu, thanh âm đặc sắc, phong phú, từ đại nhạc, tiểu nhạc qua những khúc nhạc múa, từ Tam luân cửu chuyển, Ngũ lôi,... Thập thủ liên hoàn, Long ngâm,... qua Mã vũ, Phụng vũ,... nhạc cung đình giữ một chân đứng quan trọng trong kho tàng âm nhạc truyền thống không những của Huế mà còn cả Việt Nam. Cần chăng nên nhấn mạnh cuộc Tây du thành công nầy một phần lớn là nhờ công lao của nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, một nhà soạn nhạc hiện đại mà vẫn chăm lo bảo dưỡng nền tảng âm nhạc cổ truyền.
Một sự kiện cần nhắc đến tuy khó sắp vào lãnh vực văn nghệ: đó là chuyến đi qua Pháp dự liên hoan về Trí tưởng tượng cùng với đại biểu của 12 nước khác khắp thế giới của một đoàn tu sĩ Phật giáo Huế gồm có hai thượng tọa Thích Từ Phương, Thích Thanh Liên, ba đại đức Thích Giác Đạo, Thích Phước Minh và Thích Phước Chánh với ba nhạc công và một thông dịch viên (1998). Nhận lời mời của Nhà Văn hóa Thế giới, ngoài ba đêm ở Paris, đoàn đã trình diễn các nghi lễ Phật giáo ở Rouen và đặc biệt ở Trúc Lâm Thiền viện tại Villebon, ngoại ô nam Paris. Có đem theo đủ pháp khí như chuông, trống, mõ, tang, thủ xích, mặc y hậu màu vàng, riêng vị chủ sám mang thêm mũ tì lư, hai tay bắt ấn, mấy thầy đã tụng kinh, tán, thỉnh trong suốt một tiếng rưởi đồng hồ, làm mê hoặc khán giả chưa quen với nghi lễ và âm nhạc Phật giáo xa lạ. Ở đây, những lời giải thích rõ ràng, sâu sắc của giáo sư Trần Văn Khê đã tăng phần hấp dẫn. Nội dung cuộc trình diễn gồm có các lễ khai kinh, đề vị, bát độ, giải oan, chẩn tế cô hồn,... Mấy thầy đã để lại một băng CD Khai Kinh quý báu trong chuyến qua Pháp này. Thầy Từ Phưong giải thích: "Chơi nhạc ở thế giới bên ngoài cũng là một cách truyền bá Phật giáo". Tuy các buổi trình diễn trên sân khấu chỉnh tề, trang nghiêm, chắc chắn là tâm hồn còn xúc động hơn khi dự lễ trong một chánh điện. Chính các thầy đã cho chúng tôi nghe và xem ở chùa Kim Tiên ở Huế khi các thầy hiệu chính trước khi lên đường qua Pháp. Nhiều giờ chiêm ngưỡng, trầm tư trong kinh kệ và hương trầm đã dẫn chúng tôi về lòng đất nước, từ đấy càng cảm thụ sâu đậm hơn tâm hồn Việt Nam.
Nói cho đúng, người Việt Nam nào đi xa xứ sở mà không mang theo một ít kỷ niệm của quê hương mình? Trong những năm xa cách, chưa có dịp trở về, những dĩa hát, băng nhạc, cùng phim truyện, sách, báo là những nhịp cầu nối liền kẻ tha hương với đất nước. Trước 1975, nhạc Huế chỉ được nghe qua các dĩa 78 vòng thời tiền chiến, có đủ cả nam ai, nam bằng cùng các điệu hò mái đẩy, mái nhì và những dĩa 33 vòng của Trần Văn Khê về cổ nhạc. Thời ấy chưa có thương phẩm về cat-xet. Những bản nhạc Trịnh Công Sơn hát với Khánh Ly hay bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử đuợc Tôn Nữ Hỷ Khương ngâm mà tôi may mắn có là do tòa soạn báo Bách Khoa tự thu và gởi tặng. Dần dần, khi dân di tản ồ ạt tràn qua châu Mỹ, châu Âu mới thấy có bán ở Paris những băng nhạc, lúc đấu chỉ có cat-xet đến sau mới có CD: Huế đẹp và thơ, Khúc tình ca xứ Huế, Huế mù sương, Vỹ Dạ đò trăng (Trung tâm Giáng Ngọc), Huế xưa, Huế bây giờ (Trung tâm Làng Văn), Thương về cố đô (Tú Quỳnh hải ngoại), Ai ra xứ Huế (Trung tâm Hoàng Oanh),... để chỉ kể những băng đầu tiên.
Ở Paris thỉnh thoảng cũng được xem phim truyện có cảnh Huế. Ít có phim nước ngoài quay tại Huế, ngoại trừ vài đoạn trong phim Indochine (Đông dương) của Régis Wargnier. Trong cuốn phim Full Metal Jacket (Chiếc áo kim loại) dựa lên truyện của đặc phái phóng viên Gustav Hasford, Stanley Kubrick dựng một màn chiến tranh Tết Mậu Thân ở Huế mà lại quay trên bờ sông Thames bên Anh! Trái lại có hai phim Việt Nam của hai nhà đạo diễn quê Huế kể chuyện xảy ra ở ngay Huế: Cô gái trên sông của Đặng Nhật Minh và Tuổi thơ dữ dội của Nguyễn Vinh Sơn dựa lên một truyện dài của Phùng Quán. Nếu cuốn thứ nhất, kết cấu chặt chẽ và rất hiện thực, nghe nới có vấn đề, cuốn thứ nhì đi quá sát sách thành ra rườm rà. Mặc dầu được tác giả giải thích vì cần thiết kỹ thuật, tôi vẫn thấy không ổn, khó nghe khi nhận ra mấy em nhỏ ở Huế nói giọng Sài Gòn!
Về sách truyện khảo cứu, Nhà Việt Nam có bán một loạt sách của Nhà xuất bản Thuận Hóa về văn hóa, lịch sử xứ Huế mà những tác giả thường gặp là Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An, Tôn Thất Bình, Mai Khắc Ứng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Vũ,... Đứng về các tác giả nước ngoài, chỉ xin giới thiệu bốn cuốn truyện: hai cuốn thứ nhất, Le rendez-vous de l'aube (Cuộc hẹn hò buổi rạng đông) và Le mandarin perdu (Ông quan tuyệt vọng) (1987) của Anne và Marie-Noelle Bergheaud, kể một chuyện xảy ra dưới triều vua Tự Đức, cuốn thứ ba, Le Sud tranquille (Miền Nam yên tĩnh) (1987) của Pierre Vieillard vào thời Hàm Nghi. Tuy không phải là sách sử, các tác giả đã sử dụng những tài liệu xưa để dựng truyện nên sách cống hiến bạn đọc một số chi tiết về đời sống hằng ngày của dân chúng cũng như của quan lại trong triều, những phong tục tập quán mà ngày nay lắm người đã quên. Cuốn sau cùng là truyện tình giữa hai người phái yếu, Mousson de femmes (Gió mùa đàn bà) (1985) mà bối cảnh ở Huế vào năm 1945 nhắc lại cho bạn đọc những biến động cả một thời. Tôi được ngồi gần và làm quen với tác giả Elula Perrin (tên thật Huguette Elule) trong một buổi tiệc của những người sống sót sau ngày biến cố lịch sử 9.3.1945: bà hân hoan báo cho tôi biết bà sắp về quê mà quê bà ta là... Huế! Bà ta trạc tuổi tôi, lúc trước học trường Khải Định đồng thời với tôi nhưng thời đó hòng gì chuyện trò với cô nữ sinh người Pháp ấy, đừng nói chi đến chuyện ngồi ăn cùng bàn! Vật đổi, sao dời, thế sự đã chuyển vần...
Biết gì nói nấy, khi viết bài nầy, tôi không có tham vọng kể đủ những hoạt động văn hoá Huế ở Paris, nhưng tôi muốn chứng minh một nửa thế kỷ định cư ở nước ngoài không làm quên đất nước cho những đứa con tha hương hằng hướng tâm trí về quê cha đất tổ, nhất là khi những hoạt động nầy rất đa dạng, dồi dào. Bên phần người Pháp, một dịp để tìm hiểu sâu rộng văn hóa một vùng, một xứ tuy xa mà gần, một trăm năm chung đụng đền bù một vạn cây số xa cách. Không phải tình cờ mà những năm gần đây người Pháp rất thích đi tham quan Việt Nam mà chuyến nào cũng dừng lại vài ba hôm ở Huế nếu không là nhiều hơn. Hoạt động văn hóa nghệ thuật Huế trên đất Pháp chắc chắn nhắc nhủ quê hương cho đứa con xa Huế và cũng góp phần trau dồi kiến thức người Pháp về cố đô ta.
Hắc Ký Ni Sơn cuối xuân 1999
Huế Xưa và Nay 34 199


  
22- KHÁCH HUẾ, TÌNH QUÊ TRÊN ĐỈNH NI SƠN
Phía nam Paris, vào khoảng 20km, nơi chia rẽ hai xa lộ đi Lyon Marseille và Nantes Bordeaux, khởi đầu một vùng yên tĩnh, không nhà máy ồn ào, ống khói bụi bặm, ít có thành phố - phòng ngủ với nhũng dãy nhà xếp hàng dài, cao, trơ trụi, vắng hồn như ở nhiều ngoại ô khác: thung lũng Chevreuse. Quanh Kinh thành Ánh sáng, trong miền mang tên Ile De France, đây có lẽ là vùng đẹp nhất, nơi lẫn lộn hài hòa những rặng đồi cây cao bóng mát với những bình nguyên đồng áng phì nhiêu. Đây cũng là nơi có tiếng nhất với những danh lam lịch sử như Dampierre, Breteuil, những tu viện như Vaux de Cernay, Port Royal des Champs,... và nhất là thành phố thời trung cổ đã hiến tên cho thung lũng, Chevreuse, từ một danh từ điền viên mà ra: capriosa nghĩa là " đồi dê ".
Từ thế kỷ XI, Chevreuse đã nổi tiếng với nhũng lãnh chúa gây rối, không chịu phục tùng vương triều và mãi đến thế kỷ XVI mới được vua François Đệ Nhất lập thành công tước cho bà ái phi Anne de Pisselieu. Sau khi lần lượt qua tay hồng y Charles de Lorraine rồi công tước De Guise, Chevreuse rơi vào tay bà Bá tước Marie de Rohan, một mỹ nhân đầy mánh khóe, rất gắn bó với Hoàng hậu Anne d'Autriche và lại chống đối các Hồng y Richelieu, Mazarin. Những ai thích Alexandre Dumas, đã từng đọc những truyện như Ba người ngự lâm pháo thủ thì có được một ý niệm đời sống lúc bấy giờ. Cháu bà Bá tước Chevreuse, Charles-Honoré de Luynes là một bạn thân học cùng trường với Jean Racine nên nhà văn viết hài kịch nầy, về sau cùng với Blaise Pascal trở thành những nhân vật nổi tiếng của Tu viện Port Royal des Champs, cũng đã có lại trú ở đây. Cũng vào thời kỳ ấy, một nhà văn khác, Hercule Savinier de Cyrano, lại sống ở Mesnil Saint Denis, cách xa không bao lăm. Bị thương trong lúc làm lính pháo thủ, ông rời binh mã đi học triết lý, toán học, viết nhiều tiểu luận độc đáo và được Edmond Rostand bất tử hóa thành Cyrano de Bergerac...
Một vùng hấp dẫn như vậy trong rất lâu được xem là quá xa xôi đối với những người phải đi làm việc ở Paris. Đường xe lửa Ligne des Sceaux, thành lập từ cuối thế kỷ XIX, dần dần kéo dài đến Orsay và Saint-Rémy-lès-Chevreuse, trở thành xe điện rồi nhập vào hệ thống tốc hành địa phương RER, cống hiến phương tiện đi lại dễ dàng, hợp lực với các xa lộ, biến miền nam xa xôi nầy thành vùng nhà ở, tiếp sức các ngoại ô gần Paris ngày càng quá đông đúc. Thật là chốn thiên đàng khi rời trung tâm Paris trong phòng giấy nóng nực, trên lề đường ồn ào, rồi giữa xa lộ với những dãy xe dài nối đuôi xếp hàng, phun tỏa khí độc..., trở về đây giữa rừng lá um tùm, cây sồi, cây dẻ, bu lô, tần bì phủ bóng sum sê. Những vùng đồi nầy nhấp nhô quanh một con sông nhỏ, có chỗ tưởng chừng như có thể lấy đà nhảy qua, lại mang tên một cô gái.
Con sông Yvette nhỏ xinh xinh
Em chảy ở đâu chẳng thấy mình?
Vì vậy chẳng ai thấy lạ khi đọc những tên Villebon-sur-Yvette, Bures-sur-Yvette, Gif-sur-Yvette... trong bản đồ hay trên các bảng chỉ đường. Bắt nguồn từ Les Layes ở xã Les Essarts-le-Roi, phía tây, nó được một con suối đẹp vượt qua nhiều ghềnh ở Vaux de Cernay lại hợp lực trước khi chạy dọc theo thung lũng về phía đông để đổ vào con sông Orge.
Villebon-sur-Yvette, thị xã đầu mút phía đông, có thể xem như là ngưỡng cửa thung lũng. Nơi đây, ở lưng chừng đồi, hướng mặt về phía đông bắc, đủ cao để có thể phóng tầm mắt ra xa, là nơi tọa lạc Trúc Lâm Thiền viện. Cố Hòa thượng Thích Thiện Châu cùng ni sư Thích Mạn Đà La và Thượng tọa Thích Phước Đường với sự góp sức của Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp và đông đúc Việt Kiều, đặc biệt kiến trúc sư Phạm Ngọc Tới, trong hơn mười năm đã chạy kiếm tiền của, tốn hao bao nhiêu công sức, đã thành công xây dựng một ngôi chùa Phật giáo độc đáo so với những chùa khác trong vùng thường là những nhà ở sửa sang lại thành nơi thừa tự. Trong khuôn khổ giáo phái Lâm Tế, chùa là nơi hỗn hợp hài hòa Bắc tông và Nam Tông. Thầy Thiện Châu quê gốc làng Chuồn, dòng dõi Hồ Đắc, đã đặt tên ngọn đồi nầy là Hoàng Vân Sơn, có lẽ sau những buổi chiều vàng ngồi trước Mai Am nhìn trời ngắm mây nhớ về cố quận.
Hoàng Vân Sơn nắng chiều vàng nhạt,
Hàng trúc lao xao chốn lặng trầm.
Ngày nay thầy đã thành người thiên cổ. Mấy năm trước, lúc thầy mới bị bệnh nằm ở nhà thương, tôi ghé lại thăm, nghe cô khán hộ cứ tấm tắc khen mãi: "Ông bệnh nhân nầy rèn luyện hồi phục giỏi quá, chỉ có mấy ngày mà tiến bộ quá chừng!". Cô không hay một nhà tu hành quen phép thiền định, biết kiểm tra cơ thể, tập trung tư tưỏng thì có thể đạt kết quả quá mức người thường. Biết tôi sắp về hưu, thầy bảo tôi lại giúp thầy một tay. Khi nghe tôi thưa không biết gì về Phật giáo, thầy nhìn tôi gật đầu: "Anh là phật tử mà anh không biết đấy". Lời thầy dạy không biết thiệt hay giỡn đã làm tôi thao thức nhiều đêm. Thầy nhắm mắt vừa khi ngắm được vườn chùa mở rộng, cây hoa trồng đầy, Đức Quan Âm đưa vào trong động, nhờ công lao và tài năng của các tăng sĩ trẻ bên nhà mới qua. Những lủng củng nội bộ hiện nay chứng minh đức tính của thầy và chuyến về cõi Phật của vị sáng lập trù trì chùa là một mất mát lớn không những cho chùa mà còn cho các phật tử.
Cuối năm học qua, vừa mới chớm nở một cuộc trao đổi giữa hai lớp mẫu giáo ở Huế và Villebon. Thư từ, phim ảnh, hình vẽ học sinh đã có qua lại. Trong chương trình giới thiệu đất nước Việt Nam với các em, nhiều buổi nói chuyện, chiếu hình đã được tổ chức tại lớp và trước khi trường đóng cửa nghỉ hè, các em đã được các cô gíáo dẫn lên viếng chùa Trúc Lâm, được các thầy đón tiếp ân cần. Đây là một dịp để các em và các cô giáo lãnh hội vài kiến thức về văn hóa, đạo giáo nước ta.
Tiếp liền với Villebon là thị xã Orsay. Chính ở bệnh viện thành phố nầy mà bác Hoàng Xuân Hãn đã ra đi cách đây ba năm. Orsay có viện Đại học Paris XI, rất nổi tiếng về vật lý học, xây cất trong một cánh đồi mà các kiến trúc sư đẵ khéo biết giữ các cây cao rợp bóng cùng những tảng đá khổng lồ để biến thành một công viên đẹp đẽ, mát mẻ quanh các phòng giấy, thư viện, các phòng thí nghiệm, cư xá sinh viên. Viện Đại học nầy từ lâu đã kết nghĩa với hai trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ nên thực tập sinh một dạo đã qua đây khá nhiều. Người Việt thường tự hào nền móng máy vi tính nhỏ đầu tiên Micral N, đã được một nhà tin học Việt Nam, anh Trương Trọng Thi, xây dựng ở gần đây (Châtenay-Malabry rồi Les Ulis), trong Công ty Thực hiện Khảo cứu Điện tử R2E, năm 1972-73, trước cả Microsoft (1975) và Apple (1976). Năm 1994, thị xã tổ chức một tuần lễ Việt Nam với sự tham dự của giáo sư Trần Văn Khê, một cuộc triển lãm tranh hai của họa sĩ trẻ Sơn Lâm, Vũ Hòa, những đêm nhạc với nữ nghệ sĩ Quỳnh Hạnh và ban Phượng ca Dân ca Quốc nhạc của chị Phương Oanh, kịch với vở Việt Nam của tôi của tác giả Meryn Hack, những bàn tròn về huyền thoại do Vincent Tonvan và Sean James Rose điều khiển, về kinh tế qua lời trình bày của chị Ngô Thị Cúc. Ngoài ra còn có biểu diễn Việt võ đạo và Thái cực quyền, nhóm dân tộc Thần Phong, múa lân, ăn cơm Việt, kể chuyện cổ tích,...
Orsay hình thành với Jouy-en-Josas và Gif-sur-Yvette một khu tam giác vô cùng trí thức, thường được gọi đùa là Silicon Valley của Pháp. Ngoài Orsay với viện Đại học, Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Nông học INRA, Trung tâm Khảo cứu Thomson, Jouy-en-Josas có Trường Cao học Thương mãi HEC, Trung tâm khảo cứu Matras, Gif có Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học CNRS. Ở giữa ba thị xã nầy, trên bình nguyên Saclay có Trường Bách Khoa (Ecole Polytechnique, thường được gọi tắc là X), Trường Cao đẳng Điện học (Ecole Supérieure d'Electricité hay Sup.Elect.), Trung tâm Nguyên tử lực CEA, Trung tâm Khảo cứu Nguyên tử CEA-CEN. Dưới mép bờ sông, trong khu vườn Bois Marie, có Viện Cao cấp Khoa học IHES, đặc biệt không nhận sinh viên mà là dành cho những thiên tài toán học và vật lý học đã hay sắp được thưởng huy chương Field coi như là giải Nobel toán học. Mấy năm sau nầy, Trường Bách Khoa có chương trình hợp tác với các trường đại học Việt Nam nên có nhiều sinh viên Việt Nam qua đây hoặc vào học trong trường hoặc dự thảo luận án tiến sĩ trong các phòng thí nghiệm, lúc đầu với sự hỗ trợ của Hội Cam Tuyền do bác Hoàng Xuân Hãn, cựu sinh viên, sáng lập. Ở trung tâm CNRS, đặc biệt ở Viện Hóa học các Chất thiên nhiên ICSN, những chương trình hợp tác đã vận dụng từ lâu và cuộc trao đổi giáo sư, sinh viên giữa Việt Nam với Pháp rất phong phú. Những Giáo sư, Viện trưởng Guy Ourisson, Pierre Potier đã nhiều lần đi công tác ở Sài Gòn, Hà Nội. Cũng cần nhắc là lúc sinh thời, Giáo sư Bửu Hội đã công tác những năm cuối đời ở đây cùng như Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tâm, người đã bảo vệ luận án về dầu cà cuống, một đề tài sau nầy được Tiến sĩ Nguyễn Đạt Xường tiếp tục khảo cứu. Gif còn là một ký ức của lịch sử nước ta. Chính ở thị xã nầy, trong ngôi nhà cũ của họa sĩ Fernand Léger, được chi bộ đảng Cộng sản Pháp cho mượn, hai chính khách Lê Đức Thọ và Henri Kissinger khoảng 1972 đã nhiều lần bí mật gặp nhau để chuẩn bị hội đàm Kléber, chấm dứt cuộc chiến tranh Việt - Mỹ. Gần cái nhà nầy là trụ sở Hội Cứu trợ Con trẻ Aide à l'Enfance du Vietnam mà hai anh chị Trần Thanh Vân đã là những người tích cực thành lập và hoạt động từ mấy chục năm nay với những làng trẻ mồ côi xây dựng ở nhiều nơi bên ta.
Thị xã Bures-sur-Yvette nằm trên trục xuyên qua thung lũng Chevreuse, thu mình giữa Orsay, Gif và Les Ulis. Đây là nơi gặp gỡ thung lũng ấy và một thung lũng nằm dọc theo con đường cũ chạy về Chartres. Trên đỉnh ngọn đồi vươn cao trên hai thung lũng, thấp thoáng giữa rừng cây cao là Hắc Ký Ni Sơn, nơi chúng tôi ở. Anh bạn Tạ Trọng Hiệp, chuyên gia Hán Nôm nay đã quá cố, hôm lại nhà thăm, hỏi sao đặt tên dài vậy. Tôi giải thích người bản xứ gọi Plateau de la Hacquinière thì tôi phải phiên cho sát âm, chỉ đằng sau cuối từ Sơn thay vần ière vừa để Việt hóa vừa đưa thêm ý niệm núi, đồi. Vả lại thế giới có Hy Mã Lạp Sơn, có ai cho dài đâu. Thật ra, tôi cũng có gan lắm mới dám so sánh hai tên nầy, nhưng nghĩ kỹ, chúng là hai đối tượng: một bên quá 8000 thước là dãy núi cực kỳ cao, bên kia xấp xỉ 150m là đỉnh đồi cực kỳ thấp. Đồi này chỉ có thể đối chiếu với các núi Huế.
Dù không cao lắm, mùa đông tuyết rơi, xe cộ cũng khó leo lên. Có những năm tuyết nhiều, có thể trượt việt dã trong vùng đến vài chục cây số. Về mùa nầy, cây cành trụi lá, đêm tối như mực, từ trên nhìn xuống thấy đèn nhà nhấp nháy tưởng như mình đang ngắm đèn đánh cá ngoài biển khơi xa hay trông trời đầy sao sáng.
Tối đến nhìn quanh trông giống biển,
Đèn nhô nhấp tỏ tựa trời sao.

Khi đông qua, xuân lại, thường có chim chóc véo von suốt ngày, nhất là vào mùa tình ái, chúng ríu rắt mải miết tìm nhau. Thỉnh thoảng, mấy chú sóc tung tăng nhảy vọt kiếm ăn từ cành nầy qua cây nọ. Mấy năm đầu vừa mới lại đây, về đêm khuya vắng, trong ánh đèn pha xe hơi, chúng tôi mục kích được cả một bầy thỏ rừng lũ lượt kéo nhau qua đường. Nhưng đấy là chuyện xưa. Mấy chục năm đã qua, láng diềng lục đục lại đốn cây xây nhà, chim chóc, sóc, thỏ hết còn chỗ nương tựa, dần dần rủ nhau bỏ đi nơi khác.
Như Hoàng Vân Sơn, cách đây mấy chục năm, lúc chúng tôi về đây mua đất, đồi nầy còn hoang dại, cây cối um tùm, chưa có tiện nghi cần thiết, tôi và hai đứa con trai luôn mấy tuần ra tay đào bới, xây đắp một con đường đất nhỏ đủ cho xe hơi chạy vào. Có bạn hỏi sao lại đi tìm nơi khỉ ho cò gáy như vậy. Xin thưa: dễ hiểu quá, không hưởng gia tài cha mẹ, không trúng số độc đắc, với đồng lương nhà nước, vay mượn nhà băng, chúng tôi chỉ có thể đạt được các mảnh đất tương đối rẻ tiền nầy. Điện nước bắt xong là phải hì hục xây cất. Thì giờ hiếm hoi, kỹ thuật thiếu kém, phải có gan lắm mới dám xông vào một công việc lớn lao như việc xây nhà. Người Pháp có câu: qui ne risque rien n'a rien, có thể hiểu là không có gan làm thì chẳng được gì! Hồi đó ở Pháp có Hội Castor (Hải ly), theo nguyên tắc, có nhiệm vụ giúp đỡ, dìu dắt kẻ nghiệp dư, tài chánh ít, kỹ thuật kém nhưng có tính tháo vát, nhiều thiện chí, không thiếu can đảm, muốn tự xây nhà. Lúc đầu, Hội đã giúp chúng tôi kêu thợ đặt móng, dựng tường, lắp rường, lợp ngói, rồi....họ bỏ quên mình! Nhưng đã bắt đầu thì phải tiếp tục. Không phải trong nghề, chúng tôi tự làm thầu khoán, phải vất vả chạy tìm thợ phết vôi, lắp cửa, ráp ống nước, lát sàn gạch, rồi sơn trong sơn ngoài,... thực hiện những công việc cần thiết nhất để có thể vào ở. Sau đó, tùy tài chánh, thì giờ, dần dần bổ túc cho hoàn hảo. Tôi còn nhớ có anh sinh viên trong phòng thí nghiệm lại giúp dạy tôi cưa gỗ, dán giấy,... Nhà tôi, một nội trợ đảm đương, bắt tay lo liệu mọi trang hoàng, sắp đặt bên trong. Cái sân hiên quanh nhà, chúng tôi mới làm xong năm ngoái, mấy chục năm sau!
Nhà tự xây có cái lợi là mình tự vẽ bản đồ, tất nhiên tự do quyết định diện tích, số phòng,... sắp đặt làm sao cho vừa ý mà không quá đắt. Một bất ngờ lý thú là giá cả vật liệu mua số lớn được tính theo giá thầu khoán, bớt được nhiều phần trăm. Ngoài con cháu, chúng tôi xây nhà tương đối lớn khi nghĩ đến bà con, bạn bè từ xa lại có chỗ ghé chân. Vì vậy, những năm còn sung sức, chúng tôi thường hay có khách đông đúc. Chẳng hạn, khi nhà tôi theo học lớp Việt học ở viện Đại học Paris VII, chúng tôi tổ chức hằng năm bữa cơm trước hè, tụ họp thầy trò trong bầu không khí vui tươi, thân mật dù không có ve sầu, phượng đỏ. Trong một dịp này, chúng tôi đã được tiếp đón ca sĩ Lệ Thu với giọng hát nồng ấm, rồi cô sinh viên Michiko Yoshii với cây đàn ghi ta, tha thướt trong chiếc áo kimono xứ Phù Tang, năm cô trình bày luận văn về nhạc Trịnh Công Sơn. Cũng nhớ hồi cưới nhau, chúng tôi là những sinh viên quá nghèo để làm tiệc chiêu đãi, qua kỷ niệm 25 năm, chúng tôi mới tổ chức liên hoan đánh dấu một bước tiến trên đường đời. Nhiều bạn đang chờ đợi lễ kỷ niệm 50 năm sắp tới. Tấp nập nhất là những năm tôi làm hội trưởng Hội Người Yêu Huế. Từ nhà nầy qua nhà khác, ban trị sự Hội thuờng nhóm trước hay sau bửa ăn. Nhà chúng tôi nhiều lần được tiếp đón Hội. Trước ngày Quốc học 100 năm, nhân chuyến qua Pháp của Giáo sư Hoàng Nhân, một cuộc gặp mặt thân mật những cựu học sinh đã được tổ chức tại nhà chúng tôi. Mười mấy anh chị em quây quần vui vẻ, để lại một tấm hình đăng trong tập Người Sông Hương, chỉ tiếc vì nhiều lý do, không cùng nhau kết hợp về dự hội trường được.
Nếu bên nhà thường nhắn nhủ mỗi người Việt ra đi nước ngoài là một vị đại sứ, có bạn đùa bảo nhà chúng tôi là sứ quán Huế ở Paris. Thật vậy, ngoại trừ các vị trong các ủy ban, hội đồng quá bận công việc, không có vài phút kêu giây nói hỏi thăm sức khỏe nửa là lại thăm, rất nhiều công chức, giáo sư đi công tác, bác sĩ, kỹ sư qua tu nghiệp, họa sĩ được mời triển lãm, sinh viên trên đường đi thực tập, bổ túc, không những từ Huế mà còn cả từ Hà Nội, Sài Gòn, đều có ghé qua, kẻ mau, người lâu. Trong buổi đầu tiếp xúc với đời sống hằng ngày, đây là dịp sử dụng dao nĩa, thử nếm mùi ly rượu nồng hay miếng phó mát cay, một dịp để làm quen với tục lệ gia đình trên đất Pháp. Thường mấy họa sĩ có nhã ý để lại biếu tặng tranh vẽ góp phần tô điểm không khí quê hương dưới mái nhà chúng tôi. Đặc biệt hôm họa sĩ Bửu Chỉ lại nhà ăn cơm, anh cao hứng vẽ cho con gái tôi sáu bức chân dung. Thật ra hôm ấy anh uống nhiều hơn ăn. Thiếu dụng cụ, anh lấy rượu trắng hòa với bút bi để thực hiện. Đường vẽ biến chuyển rõ ràng với thời gian, từ bức tranh này qua bức tranh sau. Qua bức thứ sáu, nét mặt người trong tranh trở nên già dặn, khác hẳn với cô mẫu ở tuổi đôi mươi. Anh bạn Đào Hùng, có mặt hôm ấy, thả một câu bông lơn: "Nó nhìn con anh mà vẽ người khác rồi đó!" May mắn thay người phụ nữ trong tranh. Về Huế chúng tôi được các anh chị ở trường Đại học Y khoa cũng như các anh bên trường Đại học Nghệ thuật ân cần tiếp đón, tổ chức cho đi xem lăng, nghe hát đò. Rất tiếc không gặp được tất cả những bạn đã từng quen ở Pháp, có khi chỉ gặp bất ngờ hay có anh ghé qua nhà khách thăm vài phút, trên đường đi chơi thể thao về. Nhà tôi không khỏi đặt câu hỏi những bạn quen đã lại nhà mình có còn ở Huế không?
Trong số các bác sĩ qua thực tập có một anh nhạc sĩ trẻ tuổi. Anh yêu cầu tôi trao cho anh vài bài thơ để anh phổ nhạc. Thật tôi thỉnh thoảng có thả vài vần nhưng mục đích để gởi gắm lòng mình, chỉ giữ riêng cho tôi và gia đình, ít đưa phổ biến. Cách đây mấy năm, có người cháu ở Sài Gòn, trong tinh thần gia đình, phổ nhạc bài thơ Nhớ thôn Mỹ của tôi và sau đó, để nâng cao điệu nhạc, cậy một ca sĩ trình diễn trong một đêm văn nghệ bạn bè ở Huế.
Sông Ô Lâu cuộn sóng xuôi dòng,
Sau rặng tre dòng nước uốn quanh.

Bản nhạc được ưa thích làm tôi được thơm lây và khuyến khích tôi bạo dạn trao cho anh bài Về làm dâu Huế, kỷ niệm chuyến về thăm quê chồng lần đầu tiên của nhà tôi. Vài hôm sau, qua giây nói, anh ngâm nga cho tôi nghe những làn điệu đầu tiên. Điệu nhạc tình quê, nghe thấu tâm can, tôi mừng thầm gặp người tri kỷ và hẹn ngày trình diễn trong một cuộc gặp mặt thân mật trước khi các anh về nước.
Em theo anh về thăm thôn Mỹ
Làng Hói quê giăng lưới thả câu.
Nhưng đùng một cái, bặt tin luôn, không một lời giải thích, không một tiếng chia tay. Có lẽ ngày nay thơ tôi nằm trong sọt rác nào hay được ngâm nga đâu đây mà tôi không biết. Đến bây giờ tôi vẫn luôn không hiểu, thắc mắc mình đã làm gì sai và lại có phần hổ thẹn, tóc bạc đầu người chưa biết xem mặt gởi lòng.
Nhưng sau con mưa thì trời hửng nắng. Vui nhộn nhất là hôm đoàn trường Đại học Nghệ thuật Huế qua Pháp trình diễn ở UNESCO. Hơn 20 nhạc sĩ, nhạc công, cả thầy lẫn trò cùng các bạn Pháp trong tổ chức CODEV tháp tùng, lại nhà ăn cơm tối sau một ngày tham quan Paris. Chiếc xe ca quá lớn, không vào được con đường nhỏ nhà tôi, phải đậu xa. Thế là cả đoàn, người mang đàn, kẻ khiêng trống, lục tục kéo bộ đến nhà. Trời hè nóng ấm, nhà cửa mở tung. Những bạn Huế trong vùng, người món ăn, kẻ chai rượu, rủ nhau lại chia vui. Ca sĩ Quỳnh Tư, nhạc sĩ Thanh Hoài cũng đem tiếng đàn, giọng hát lại phụ họa. ăn chỉ là vào đề, đàn hát mới là nhập cuộc. Đặc biệt mấy thầy cũng tự động cho nghe những bài ca ngoài chương trình chính thức, gây lên những trận cười náo nhiệt, những tràng vổ tay vang dậy trong đêm thâu. May mà vườn nhà rộng rãi, chẳng có phiền ai. Không khí thật vui vẻ, hồn nhiên, mãi mãi khó quên. Tôi còn xúc động mỗi khi nghe lại băng cát xét thu thanh hôm đó.
Thỉnh thoảng cũng có một vài vụ khách hụt. Thứ nhất là một nhạc sĩ. Anh bạn nầy có tiếng thích uống hơn ăn. Nhà tôi hoảng sợ vì không những không sành nấu các món Việt Nam lại càng ít biết soạn thức nhắm rượu kiểu Á Đông. Thế là phải chạy hỏi lung tung. Hôm trước ngày tiếp khách, tôi gọi giây nói lại nhắc thì được biết anh đi chơi về tỉnh mất rồi. Không có sổ tay như nhiều người Việt qua đây, anh đã quên lửng ngày hẹn. Thứ nhì là một nhà văn. Anh đến Paris vào hôm chúng tôi phải đi vắng, nhưng sẽ trở về một tuần trước khi anh rời Pháp. Anh hứa sẽ để dành trọn một ngày cho chúng tôi để mặc sức hàn huyên. Đi về, tôi gọi giây nói khắp nơi mới bắt được anh: anh đã có chương trình tất cả những ngày còn lại. Chắc anh cũng chẳng có sổ tay. Anh hẹn lần sau trở lại Paris. Với tình hình sức khỏe hiện nay, tôi không hy vọng anh lại có dịp lên đường Tây du. Thứ ba là một nhà báo. Anh bạn nầy đã có người dẫn lại nhà một lần. Lần nầy giao hẹn là anh lấy tàu điện lại ga rồi gọi giây nói tôi lấy xe hơi ra đón. Trưa hôm chủ nhật ấy, cơm nước dọn xong, chúng tôi ngồi đợi suốt chiều. Sau nầy mới biết anh có lại đúng ga, có gọi giây nói, có để lại thông điệp anh đang đứng đợi ngoài ga, nhưng anh không biết số điện thoại sai. Tội nghiệp, trưa hôm ấy, anh ăn ổ bánh mì, uống ly cà phê bên quán cạnh ga và lủi thủi ra về. Chắc anh cũng tự hỏi tại sao người mời không có mặt ở nhà. Hẹn lần sau vậy.
Đáng tiếc hơn nữa là chuyện một anh bạn học cùng lớp hơn một nửa thế kỷ trước, nay còn ở Huế. Hồi ấy anh ta cùng tôi và ba người bạn nữa đáp tàu lửa vô Sài Gòn nhập học Trường Vô tuyến điện. Lần đầu tiên cả bọn xa gia đình, rời thành phố thân yêu. Trong lòng nặng một mối u sầu, chúng tôi quây quần trên hành lang toa cuối tàu. Anh bạn giỏi thổi sáo, đã réo rắt cho nghe những khúc nhạc não nùng làm ai nấy đều ràn rụa nước mắt. Sau nầy mới biết nỗi buồn tạm biệt anh gởi về người bạn gái để lại quê nhà. Thế rồi mỗi người một ngả, gần 40 năm sau chúng tôi mới lại gặp nhau ở Huế, vui mừng khôn xiết. Vậy mà trong chuyến về Huế vừa qua, chúng tôi hết còn dịp chia sẻ chén trà xanh, ly nước ngọt như mọi lần trước. Và khi biết vợ chồng anh lên đường qua Pháp, chúng tôi đợi mãi một cuôc viếng thăm đất Hắc Ký Ni Sơn. Thời buổi làm ăn khó khăn chắc đã chiếm đoạt thì giờ và ít nhiều cũng đã thay đổi lòng người. Nhớ lại Lưu Bình, Dương Lễ chỉ là một chuyện đời xưa, lãng mạn như một sự tích, luân lý như một bài học cho con trẻ.
Nhưng đừng tưởng các bạn Huế là những người thờ ơ, vô tình. Vừa rồi, chúng tôi vui mừng nhận được hai bài báo nhắc đến chúng tôi: bài Nàng dâu Tây của Huế do nhà báo Trần Công Tấn viết đăng ở các báo Phụ nữ, Sông Hương, bài Gặp gỡ ở Pháp của nhà giáo Thân Trọng Ninh gởi tờ Đại Đoàn Kết. Hai bạn đã không quên những giây phút thoải mái dưới mái nhà chúng tôi và quá lời khen ngợi. Xin đa tạ. Có chủ nhà nào mà không vui thích, hân hoan khi được khách tỏ ý bằng lòng sau khi ra về. Và đó là món quà tinh thần vô cùng quý báu cho kẻ hiếu khách.
Tôi xa Huế lâu năm nhưng thấy như mối tình tha thiết, sâu đậm với quê hương vẫn không hao mòn. Tôi không phải là người độc nhất tình cảm như vậy. Có người bảo đó là tính cách Huế. Thái độ của người Huế tha hương là như vậy, còn cư xử của người Huế thì ra sao? Người Huế bên nhà qua ghé thăm đối với chúng tôi là sợi dây liên lạc với đất nước nhưng vui thích hơn là tự mình được về đạp đất quê nhà. Trước kia, chúng tôi dự định nghỉ hưu thì về Huế nhiều hơn, lâu hơn. Bây giờ sao thấy khó thực hiện quá. Cũng may cái nhà ở Ni Sơn là một mảnh đất Huế, đất Việt Nam, tuy nhỏ nhưng đậm đà tình quê hương đất mẹ.
Nhà tôi ở mút ngọn đồi cao
Cây cối sum sê bóng dạt dào...
Hắc Ký Ni Sơn những ngày cuối thế kỷ XX
Huế Xưa và Nay 36-37 2000

23- ĂN CƠM TÂY, LẤY VỢ ĐẦM
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng.

Phong dao (*)
Hồi tôi còn nhỏ, ăn cơm Tây, lấy vợ đầm thường được cho là chuyện sang trọng, nhưng cũng là ảo tưởng, chỉ nằm trong ước mơ. Thời sự biến chuyển, số mệnh đưa đẩy, thế rồi nhiều chuyện không tưởng cũng được thực hiện...
Riêng phần tôi, ăn cơm Tây không phải là chuyện xa vời. Thời tiểu học, khoảng những năm đầu thập niên 40, tôi ở nhà anh tôi ở Vĩnh Điện, tỉnh lỵ Quảng Nam Anh tôi ham mê quần vợt, lập hội, xây sân rồi cùng bạn bè tập dược. Có khiếu nên anh tiến bộ lanh chóng, dần dần tại chỗ anh không tìm ra nhiều đối thủ cùng mức. Thế là cuối tuần, chủ nhật, anh hay đi chơi ở các câu lạc bộ Hội An (hồi ấy thường gọi Faifo) hay Đà Nẵng (thời Pháp mang tên Tourane, nói ghép Tour Han - không đọc chữ H - từ tên địa danh Tháp Hàn, tựa như Baie d'Along thay vì Vịnh Hạ Long). Lắm khi tôi được đi theo, hai thành phố nầy không xa Vĩnh Điện bao lăm. Đi Hội An thì ăn tiệm Tàu. Tại Đà Nẵng, thỉnh thoảng anh tôi đem tôi đi ăn cơm Tây. Món ăn thường là bít tết với đậu Hà Lan (beefsteak-petis pois). Tôi còn nhớ lần đầu vụng về tập sử dụng dao nĩa, nhưng anh tôi đoán biết trước, chọn bàn trong góc phòng để ít khách trông nhìn. Cái khó là cắt thịt giữa một dĩa đậu, trượt dao một tí là đậu văng ra khỏi dĩa, nhất là khi dao không bén lắm. Nhưng dần dần rồi cũng quen. Hồi ấy chưa thấy có phó mát trong các quán cơm. Thức ăn nầy tôi được nếm lần đầu năm 1947, khi còn là học sinh trung học, tôi mở lớp dạy con trẻ chiều thứ tư tại nhà anh tôi trên đường Bờ sông An Cựu. Một em bé có mẹ bán hàng cho lính Pháp một hôm đem biếu tôi một bao kẹo kèm thêm chewgum và một gói bọc nhôm sạch sẽ trông rất hấp dẫn. Sau khi bải lớp, các em ra về, tôi mở nhôm ra, cắn vào, hy vọng một món ăn ngọt ngào, không ngờ là một thức ăn nồng thúi chưa bao giờ thưởng thức: đó chỉ là một phó mát nhẹ nhất, loại Con bò cười thường thấy bán ngày nay nhưng là nếm lần đầu nên có một cảm giác khó chịu, tương tự mùi vị sầu riêng đối với những người mới ăn lần đầu tiên. Sau nầy, nhiều bạn bè quen biết bên nhà qua ghé lại thăm, nhà tôi thuờng cho dọn phó mát cuối buổi ăn, thì thấy không mấy ai thích tuy phó mát - rượu đỏ là món thường rất được thưởng thức của người Pháp và nói chung người phương Tây.
Lần sau đó tôi ăn cơm Tây là ở trên chiếc tàu thủy La Marseillaise chở hành khách từ Sài Gòn qua Marseille cuối thập niên 40. Chỉ trong thời gian không đầy mười năm mà từ một thằng bé chân không, quần đùi chạy bắn chim trên đồi hoang sim tím, tôi trở thành một sinh viên được may mắn đi du học bên phương trời Tây xa thẳm. ăn cơm Tây lần nầy không sang trọng bằng ở quán cơm Đà Nẵng, có khăn bàn trắng, có khăn chùi tay,... Đi tàu hạng ba với lính chiến Pháp hồi hương, khách phải mang mâm thiết xếp hàng lãnh phần mình rồi lên ngồi ăn trên boong tàu. Thực đơn giản dị gồm có khoai tây luộc, một miếng thịt nhỏ thêm vào một muỗng mứt. Lần nầy không có chuyện cắt thịt phiền phức vì không có dao nĩa, chỉ có một cái muỗng nên phải dùng răng cắn thịt. Thường ở bên ta hồi đó vào dịp Tết nhất mới mua khoai tây để hầm với thịt thành một món ragu rất ngon, nhưng ở đây khoai tây luộc với miếng thịt dai, có khi dù là khoai nghiền, thật khó nuốt. Giờ đây nhớ lại mà thèm da diết chén cơm mềm dẻo dù chỉ ăn với mắm ruốt hay nước tương. Sau nầy mới biết khoai tây là món quốc hồn quốc túy của người Pháp, người Đức như cơm của người châu Á. Hôm tàu ghé bến Djibouti, một anh bạn đồng hành dẫn lại thăm ông chú làm việc ở sở bưu điện, được mời ăn cơm, thế là cả bọn trẻ ăn hết kho gạo của gia đình ông ta. Gần đây tôi mới khám phá ra được một loại khoai tây giống Ratte vùng Touquet miền bắc nước Pháp, chỉ luộc thôi mà ăn thấy có mùi vị chứ không phải lạt lẽo như những loại khoai tây khác.
Món khoai tây luộc nầy theo dõi tôi trong suốt thời kỳ sinh viên ăn ở quán cơm tập thể, mọi người phải xếp hàng lãnh phần như trên tàu thủy, ở Pháp cũng như ở Đức. Có điều ở Pháp, món ăn được dọn trong dĩa đặt trên khay bằng nhựa, tươm tất hơn bên Đức, những năm 50, món ăn được múc thẳng ngay vào mâm thiết. Tôi nhớ ở Pháp những năm ấy thèm thịt gà đến nỗi mỗi khi có trong thực đơn, cả bọn rủ nhau xếp hàng ăn một lần thứ nhì. Trong số các quán cơm sinh viên có những quán dành cho sinh viên thuộc Hồi giáo. Vào dịp lễ Ramadan, họ không ăn bửa trưa, trái lại bửa tối thực đơn tương đối khá thịnh soạn, phải trả đến hai vé. Thế là chúng tôi không nề hà xông vào. Phải nói món ăn của họ có hương vị không kém các món của ta và chắc chắn đậm đà hơn món khoai tây luộc. May ở Paris, có những quán cơm sinh viên gọi là diététique, cùng giá, thực đơn tương đối đầy đủ hơn, dành cho những cô cậu cần bồi dưỡng sức khỏe trong số ấy có những cô có mang, đặc biệt ông chồng cũng cùng được đi ăn. Thế là ngày nào còn thẻ sinh viên là cả hai vợ chồng tôi còn tiếp tục hưởng chế độ ưu đãi ấy kéo dài cho đến đứa con thứ hai của chúng tôi. Thật ra cũng không quá đáng vì với ngân quỷ rất giới hạn hồi ấy, chúng tôi không có mấy dịp tu bổ thêm trong các quán cơm ngoài phố. Tôi còn nhớ hồi ấy cạnh ga tàu lửa Lyon ở Paris có những quán Tàu, nay không còn nữa, bán mì rẻ tiền. Cái sang của bọn sinh viên chúng tôi là chủ nhật là kéo nhau lại ăn một tô mì khô hay mì nước độc nhất để quên mùi khoai tây luộc trong tuần.
Nói chuyện ăn uống, tôi còn nhớ một kỷ niệm thú vị. Hồi ấy công tác ở Trung tâm Khảo cứu Khoa học, tôi còn còn làm Tổng thư ký nhóm Hóa học hữu cơ của Hội Hóa học Pháp. Trong số các nhiệm vụ, tôi có bổn phận tổ chức những cuộc hội thảo của nhóm và từ đó luôn cả chuyện ăn ở của các giáo sư được mời đến thuyết minh cùng buổi tiệc liên hoan ngày cuối. Mấy tháng trước, tôi đã phải chạy kiếm một quán ăn rộng rãi có thể và nhất là bằng lòng tiếp đón một số đông khách ăn. Đây tôi mới biết nhiều quán ăn ngon ít thích đón cả một đoàn nhiều người, sợ ồn ào. Tôi cũng là người chỉ định loại rượu sẽ kèm theo các món ăn: nhãn hiệu Saint-Amour tôi đã từng thưởng thức mùi vị nồng mà bùi thích hơp với thực đơn hôm ấy. Lúc bắt đầu tiệc, người dọn bàn cần trình bày chai rượu vừa mới khui để được chấp nhận trước khi rót vì rượu có thể có mùi hư hay mùi nút chai. Thường anh ta đưa đến một vị cao niên mà anh cho là người chủ tọa buổi tiệc, nhưng trước mặt biết bao là giáo sư, có ông già lụm khụm, có ông râu ria xồm xoàm, biết ai là người có ưu tiên, cuộc đánh giá rất là tế nhị. Đằng khác anh chỉ biết có một mình tôi là người đã đến đặt hàng, nên không do dự lâu, anh đến xin tôi nếm thử rượu. Thế là tôi đứng dậy, trước mặt tất cả các khách quan các nước, giáo sư, tiến sĩ, kẻ trẻ người già, hai mắt nhìn về phía tôi chờ đợi một phán xét, tôi, một người Á Đông giữa những khách phương Tây sành rượu, lại tương đối trẻ, trịnh trọng nâng cốc nhấm nháp, lưỡng lự suy nghĩ rồi mới gật đầu cho phép dọn rượu. Tôi không bao giờ nghĩ mình lại có được một vinh hạnh bất ngờ như vậy, ngang hàng với nỗi hân hoan hôm dạ hội Trường Quốc gia Cao đẳng Hóa học, tôi và nhà tôi trịnh trọng bước lên thang lầu hội trường giữa hai hàng sinh viên nam nữ y phục chỉnh tề vui vẻ đón chào khách quan.
Ta có câu nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục. Lấy vợ đầm, khác với bên Mỹ mỗi cộng đồng có tổ chức riêng biệt, tôi nghĩ định cư ở đất Pháp, muốn hội nhập thì cần phải sống theo kiểu Tây, nhưng cũng phải làm sao tránh quên nếp sống, nguồn gốc của ta. Tôi nhận thấy trong nhiều cặp vợ chồng dị chủng, ăn ý với nhau là khi đôi bên tham hiểu văn hóa của nước mình và sẵn sàng đón nhận văn hóa của người bạn đường. Muốn được vậy cần phải mất công, bỏ nhiều thời gian tìm hiểu nhau, tìm hiểu văn hóa đôi bên, trước khi quyết định một cuộc sống chung. Thật ra chân lý nầy không phải chỉ cần thiết trong hôn nhân dị chủng. Tôi còn nhớ ở bên nhà lúc trước có những người đi làm rể hằng tháng, hằng năm. Buồn cười là có trường hợp một anh ít át, lui tới mãi mà không biết tỏ tình cho đến khi cô gái đi lấy một ông chồng khác. Ngày nay, rất đáng tiếc là thời gian làm quen, tìm hiểu, một thời kỳ biết bao đẹp đẽ, sống động, hiếm có, có khi độc nhất trong đời, rút ngắn lại, có khi vài ngày, lắm lúc vài giờ. Có người đùa khoe gặp nhau ban sáng, hôn nhau buổi trưa, tối đã ăn nằm với nhau... Ngoài chuyện phụ nữ Việt hiếm có ở Pháp hồi trước, lại khó tính (phi đại học bất thành phu phụ!), cũng nên khoan dung đối với những sinh viên trẻ tuổi du học nhiều chục năm trước khi có đoàn người Việt di tản ồ ạt đổ bộ lên đất Pháp. Hồi ấy, một bọn trẻ chúng tôi hay chạy theo một cô gái đẹp con một ông chủ quán cơm ở xóm La Tinh, rút cuộc người được trúng điểm là một anh chàng thạc sĩ (agrégé Pháp ít có vì thi khó, loại bằng của các giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Phạm Duy Khiêm) thật xứng đôi vừa lứa, nhưng rồi đôi trai tài gái sắc cũng chẳng chịu đựng được sức tàn phá của thời gian. Ngày đi học, tối tạm đi làm những công việc không cần chuyên môn như rửa chén, dọn bàn trong quán ăn, họ ít còn thì giờ tìm kiếm bạn đường. Quen biết giới hạn trong số những người cùng làm việc, thường là những cô gái Pháp cùng số phận ở tỉnh lên kiếm việc làm nơi chốn phồn hoa, hay những cô người nước ngoài rời bỏ xứ sở đi tìm hạnh phúc nơi thành phố ánh sáng, cũng tạm rửa chén, dọn bàn trong lúc kiếm cách tiến lên trên thang cấp xã hội. Không thận trọng trong quan hệ thỏa mãn sinh lý bình thường cần thiết vào tuổi thanh niên, thường là bất ngờ, chắc chắn không định trước, một đứa con ra đời. Ngang đây, một đức tính cần nhấn mạnh là người Việt ta ít ai bỏ rơi con cái, khác với lính tráng những quân đội viễn chinh ngoại quốc đã từng lại quấy nhiễu nước ta. Thế là cưới nhau mà ít hiểu biết nhau. Đây có thể là bước đầu trả lời câu hỏi một vị giáo sư bên nhà đã đặt cho tôi: tại sao trí thức Việt ta ít thấy người lấy vợ đầm khoa cử?
Những cuộc hôn nhân gấp gáp nầy để vớt vát tình thế khó tồn tại lâu dài. Tình yêu xác thịt, dù là giữa trai thanh gái lịch, nói như khi chứng minh một phương trình toán học, là điều kiện cần nhưng không đủ để đạt đến hạnh phúc, khác xa tình yêu lãng mạn thời xưa bên ta. Một anh bạn của tôi quen một cô nữ khán hộ khi anh phải nằm ở bệnh viện nhưng cưới nhau quá mau nên tuy mức xã hội đồng đều, họ sớm bỏ nhau. Tôi có nghe một người quen sung sướng bảo ngày nay có thể tự do rời bà vợ chịu đựng từ nhiều năm nay vì đứa con không mong muốn đã thành người, khỏi phải phiền lụy ông cha nữa. Tuy nhiên, một người quen khác, lúc trẻ đi rửa chén trong quán cơm, chịu khó học hành và trở thành khảo cứu viên khoa học, có chân đứng vững vàng trong xã hội. Nhưng bà vợ gặp vào dịp đó, không chịu học hành gì, vẫn luôn còn ở địa vị người dọn nhà, tuy đảm đang, không theo dõi được ông chồng trong mọi lãnh vực. Rút cuộc, không bao giờ thấy bà trong các buổi tiếp tân, trong các cuộc gặp gỡ các bạn đồng nghiệp. Tôi chắc ở trong nhà họ cũng chẳng có những cuộc bàn cải trí thức, thích thú cần thiết cho một người có học. Cặp vợ chồng nầy không bỏ nhau nhưng thấy như mỗi người sống một thế giới riêng trong cùng một không gian. Tôi đã nêu ra vài thí dụ thường gặp nhưng không phải cuộc hôn nhân dị chủng nào cũng thất bại như vậy. Lúc tôi còn nhỏ, có thầy Nguyễn Dương Đôn đem vợ đầm về Huế, chiều chiều thấy hai vợ chồng vui vẻ chèo chiếc thuyền nhỏ périssoire trên sông An Cựu, nghe nói rất tâm đầu ý hợp với nhau. Có nhiều cặp vợ chồng gặp nhau khi còn học ở trường hay khi đi làm trong công sở thì mức trí thức rất tương đương, dễ ăn ý với nhau. Cạnh nhà tôi có một cặp vợ chồng, anh người Việt, chị nguời Pháp, cả hai đều là giáo sư đại học thì chắc là không phải tình cờ mà gặp nhau. Trong phòng thí nghiệm của tôi có anh bạn cưới cô sinh viên được anh chỉ dẫn bảo vệ luận án tiến sĩ, tuổi tác hơi xênh lệch một tí nhưng không thành vấn đề mỗi khi đã đồng chí hướng. Có điều họ không liên lạc với cộng đồng người Việt, một phần có lẽ lỗi tại anh chồng đã sống lên trong môi trường Pháp từ bên nhà nên anh thường lãnh đạm với quê hương, phần kia là vì cô vợ Pháp không chịu bỏ công tìm hiểu văn hóa quê chồng. Và đây là một vấn đề nan giải thường đã có xảy ra trước đây ở một vài gia đình Việt-Pháp...
Ngày nay trong đám trai trẻ, cô gái Pháp muốn đi lại với anh thanh niên Việt lẽ tất nhiên một phần vì cảm phục đức tánh của anh ta nhưng một phần khác cũng là vì đất nước của anh chàng đã có sức quyến rũ. Vì vậy tuy có vợ Pháp, nhiều người Việt đã về nước công tác, đằng sau có bà vợ thúc đẩy. Tôi tự hỏi về bản thân tôi, tại sao một cô gái trẻ Pháp mới tốt nghiệp trường Sư phạm vào giữa những thập niên 50, mặt mày xinh xắn, tính nết nhu mì, trong lúc cuộc chiến Việt-Pháp đang thao diễn dữ dội trên đất nước ta, lại muốn giao dịch với một sinh viên quê Huế chưa đỗ đạt gì cả và đồng ý chịu cùng lập gia đình vài năm sau chiến dịch Điện Biên, trong khi không thiếu trai trẻ trí thức bản xứ to lớn đẹp trai, bằng cấp đầy túi. Vẫn biết cô đã đọc nhiều sách về Á Đông trước khi gặp tôi nhưng câu trả lời có thể tìm ra ở cuộc giao hảo trong môi trường văn hóa. Khi cả đôi bên dựa lên kiến thức về văn hóa của mình để kiếm cách học hỏi, tìm hiểu văn hóa của người bạn đường thì tất nhiên trí óc rất dễ gặp nhau trên lối đi qua lại dẫn đến một mối tình thắm thía. Chúng tôi đã làm quen với nhau trong một cuộc khiêu vũ trên quảng trường Sorbonne ở Paris nhân lễ quốc khánh Pháp năm lịch sử 1954, nhưng phải xa nhau ngay vì tôi đã sẵn khăn gói lên đường đi du học Thụy Sĩ. Trong những năm xa cách, qua những bức thư, chúng tôi đã mặc sức tâm tình, có khi còn dễ dàng hơn khi gặp mặt. Và đây hết còn chuyện chủng tộc mà chỉ là giao lưu giữa đôi trai cùng cảnh ngộ chia sẻ nhau một lý tưởng về cuộc đời. Ngày nay, trong nhiều nước, trai trẻ ăn ở với nhau để tìm hiểu nhau, có khi có con với nhau rồi mới cưới nhau: họ có lý một phần nào nhưng cuộc sống chung không ràng buộc cũng có những bất tiện của nó. Trong lãnh vực gia đình, tôi thường được đánh giá là người chồng, người cha kiểu mẫu: tôi không nề hà chẳng hạn bồng con cho bú sửa trong bình, tắm rửa nó khi còn nhỏ,... Hôm về vùng Morvan quê vợ, nơi đàn ông là những đấng trượng phu không chịu nhúng tay dù chút ít về việc nội trợ, họ ngạc nhiên (và chắc cũng chẳng đồng ý nhưng không dám nói ra) thấy một ông tiến sĩ chùi đít cho con hay tắm rửa cho nó... Kết quả là ngày nay các con tôi, dù trai hay gái, khoa cử đại học, đều theo gương mẫu tôi trong sự hân hoan của người bạn đường Pháp.
Học trung học trong những năm chiến tranh, thiếu điều kiện và thì giờ, tôi chỉ chú trọng đến những môn khoa học cần thiết để thi cử mà bỏ rơi phần lớn những môn về văn hóa. Khi sống trong một môi trường tân tiến, tôi mới thấy lỗ trống trong vốn liếng kiến thức của mình. Cô vợ tôi cũng thấy vậy nên, ngay từ thuở sinh viên thiếu thốn, cô luôn kiếm cách đưa tôi đi viếng các viện bảo tàng, kiếm sách cổ điển cho tôi đọc sau đó đưa đi xem những vở kịch trình bày các cuốn sách kia,... để tiếp nhận một ý niệm về văn hóa mà mọi học sinh học Pháp tốt nghiệp trung học phải có. Trái lại, nhất là khi chúng tôi có ý định về Việt Nam sau khi học xong, qua ảnh huởng của tôi, cô đi học ngôn ngữ, văn minh nước mình. Không phải tình cờ mà ngay sau khi cưới nhau, cô đã ghi tên ở ban tiếng Việt ở Trường Viễn Đông Sinh Ngữ mà cô theo học song song với Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Tuy không có gì khó khăn lắm ở tuổi thanh niên ham học nhưng phải tổ chức thời khóa biểu và nhất là luôn phải có một lòng cố gắng dai dẳng, một mối tin tưởng không bờ. Sau nầy, sau mấy chục năm giảng dạy hóa học ở Đại học, vào lúc về hưu, cô lại tiếp tục lết ghế nhà trường đi học tiếp tiếng Việt và lấy chùa Thiên Mụ làm đề tài luận văn cử nhân ngôn ngữ và văn minh Đông Á. Tôi mừng thầm, nếu không nói thạo tiếng Việt, cô đã chịu bỏ công tìm hiểu sâu rộng tâm hồn Việt Nam tất nhiên góp phần vào tình yêu ông chồng. Tôi còn nhớ những năm 60, trong báo Bách Khoa, chị Mộng Trung có bài công kích hôn nhân Việt-Pháp và gây lên một cuộc bàn cải hào hứng. Trong bài tựa cuốn Gửi thương về Huế của tôi, anh bạn Cao Huy Thuần có nhắc lại "hồi hấp dẫn nhất" nầy và đi đến kết luận: anh chị là những người hiếm hoi có khả năng làm tôi mất lập trường!
Tôi mừng thầm tuy lấy vợ đầm, tôi đã may mắn gặp người tâm đầu ý hợp, chia sẻ chí hướng. Nhớ lại hồi báo tin cho gia đình trước khi cưới, cụ mạ tôi đã mất, chị tôi, người đã nuôi nấng tôi hồi tôi còn nhỏ, chỉ biết đời sống hằng ngày mấy bà đầm Pháp ở thuộc địa, viết cho tôi một lá thư dài, bảo tôi nếu lấy vợ đầm thì không khéo phải đi chợ, nấu ăn, rửa chén, xuốt nhà, có khi còn phải dẫn chó của vợ đi chơi. Chị cũng có một đoạn bảo tôi dịch lại nội dung cho cô vợ tương lai của tôi: cô phải biết về ở Việt Nam, cô sẽ không có điều kiện ăn ở như ở Pháp đâu, nhà cửa thiếu tiện nghi, đời sống rất chật vật và chưa chắc vợ chồng có khả năng thuê mướn một đoàn bồi bếp hầu hạ trong nhà. Cô phản ứng ngay : quê em ở vùng Morvan xa lánh, bếp không có nước chảy, nhà không có máy sưởi, phòng tắm, cầu tiêu,... thì chắc cũng chẳng hơn gì điều kiện sinh sống ở nước anh! Còn chuyện nội trợ thì trong các gia đình trung lưu ở Pháp hiện nay, nhất là có con và hai vợ chồng cùng đi làm ở ngoài thì ít có ông chồng không buộc phải bắt tay giúp vợ, dù là giáo sư, tiến sĩ. Chỉ có điều tôi không phải dẫn chó của vợ đi chơi vì trong nhà chúng tôi không nuôi chó. Tuy vậy tôi có biết một cặp vợ chồng trẻ, cả hai đều người Việt, đều tốt nghiệp kỹ sư Trường Lớn, xứng đôi vừa lứa, có công ăn việc làm đàng hoàng, ở nhiệm sở có trách nhiệm lớn, tối đi làm về chậm thì đem nhau đi ăn cơm tiệm, nội trợ giảm xuống mức tối thiểu. Sống với nhau được vài năm, đôi uyên ương quyết định chính thức cưới nhau nhưng từ đây hết còn là đôi vợ chồng son trẻ, ngoài công việc ở sở như lúc trước, chị vợ bây giờ còn phải đảm đương công việc ở nhà, tuy có người giúp việc, đầu tắt mặt tối, thế là cuộc sống chung hết còn hài hòa và anh chị xa nhau... Bên phần trí thức, tôi không có chút trở ngại và vẩn tiếp tục tự do chăm lo văn chương chữ nghĩa tiếng Việt để giữ cá tính của tôi. Tiếc thay chị tôi nay không còn nữa để thấy mặc dầu dị chủng chúng tôi sống hài hòa giữa một bầy con cháu, đến nay đã hơn một nửa thế kỷ. Có người hỏi trong gia đình ăn uống ra sao. Ít có thì giờ, thường chúng tôi ăn cơm Tây nấu cho mau, nhưng nhà tôi cũng như con cái đều sử dụng thạo đũa khi ăn cơm Việt. Thỉnh thoảng, nhà tôi hầm xương suốt tối thứ bảy nấu phở hay chúng tôi động viên tất cả con cái sáng chủ nhật cuốn chả giò! Trong nhà, mùi mắm nêm thường hòa mình với mùi những phó mát đủ loại, ngay cả Roquefort, Munster mặn nồng. Con gái chúng tôi thường hay nói, ít nhất cũng về mặt ẩm thực: cám ơn ba, cám ơn má, nhờ ba má mà chúng con hưởng thụ được luôn một lúc hai nền văn hóa. Thật ra, văn hóa bao trùm một không gian rộng lớn hơn cần phải được đề cập đủ mọi mặt trong đời sống hàng ngày. Các bạn bè thường bảo nhà tôi được Việt hóa một nữa còn tôi thì đã một phần nào thành Tây trong thái độ, cư xử. Trong lời đề tặng cuốn sách Cây nhà lá vườn của tôi, không khách sáo, tôi đã thành thật viết: Âu yếm tặng Liliane đã cùng tôi sát cánh trên đường khảo cứu khoa học cũng như trong cuộc hành trình vào văn hóa từ thuở công tác ở phòng thí nghiệm đến thời về hưu.
Xô thành ngày kỷ niệm 60 năm định cư trên đất Pháp
Sông Hương 14.2.2011
(*) Có duyên thì xa nghìn dặm cũng tìm gặp nhau
Vô duyên thì dù đối mặt cũng chẳng gặp nhau.

24- GỞI RỂ ĐẤT NGƯỜI
Nhà tôi chung sống với tôi lâu lắm mới về làm dâu xứ Huế. Trước chuyến về quê đầy tình cảm ấy, tôi đã phải ở gởi rể đất người, bên cái nước Pháp xa xăm từng học ở trường, từng biết trong sách và ấp ủ mộng mơ suốt thời niên thiếu.
Cuối đệ nhị thế chiến, gia đình nhà tôi bị tan rã, mỗi người một nơi. Tuy sống lên trong cộng đồng công giáo, ông thân nàng mang một cái tên germanique xem là nguyên gốc Do Thái, lại bị tình nghi làm quân kháng chiến nên bị quân Đức rượt bắt hàng ngày. Bà mẹ bận chuyện riêng tư, để hai đứa con không nơi nương tựa. Nàng và cô em gái được Hội Hồng Thập Tự gởi về vùng Morvan, nơi có truyền thống nuôi giữ con mồ côi cho đến lúc trưởng thành. Những gia đình nông dân chịu giữ con nuôi nầy chẳng lãnh được bao lăm phụ cấp, thỉnh thoảng, nhân dịp Noël chẳng hạn, mới nhận thêm được bộ áo quần, đôi dày, cái chăn. Trái lại, con trẻ ăn ở trong nhà có thể giúp giùm chút ít công việc lặt vặt hằng ngày. Vùng Morvan nằm ở phía nam Paris, cách xa khoảng 250km. Xã Champeau chỉ xa thị xã Saulieu có 10km mà trông như một làng quê hẻo lánh, không có nhà thờ lớn, tòa bưu điện, không có chợ búa dù chỉ nhóm vài lần mỗi tuần. Tuy không sinh ra ở đây, nhà tôi xem đất nầy như là quê mình. Mấy năm tuổi trẻ dù sao đã để lại nhiều ấn tượng cho suốt đời người.
Dân xã chuyên về đồng áng, trồng lúa, trồng khoai, nuôi heo, nuôi bò. Trai tráng trong làng đã chết nhiều trong kỳ Thế Chiến thứ nhất, xem đài trận vong tử sĩ đặt ở đầu làng thì thấy từng dãy dài tên mỗi gia đình. Một số nữa lại hy sinh trong Thế Chiến thứ hai nên cuộc trồng trọt, chăn nuôi thiếu nhân công, người làm, ngày trở nên khó khăn, mệt nhọc. Thêm vào đấy, xe máy, xe hơi, máy thu thanh, đài truyền hình cống hiến những dịp tiếp xúc với văn minh, thành thị, làm hoa mắt với những mẫu đời có vẻ hấp dẫn nên số trai trẻ còn lại dần dần bị quyến rũ, rời làng xóm đi tìm nơi đô hội một cuộc sống tương đối xem như nhẹ nhàng, dễ chịu hơn.
Còn lại ở xã là những bà già, những cô gái lỡ làng hay những người đàn ông hoặc vì ít biết tháo vát, hoặc vì nối nghiệp và bổn phận, không thể, không muốn hay không nỡ bỏ nhà bỏ cửa ra đi. Người nuôi nhà tôi, dì Jeanne, là một bà già không biết đọc, không biết viết, nhưng rất thông minh và đầy lương tri, lý trí. Ngồi nói chuyện với dì, lúc đầu rất khó hiểu vì dì dùng nhiều thổ ngữ như mọi người ở đây, tôi nhớ nhiều đến mạ tôi, tuy sống xa hằng vạn cây số, vẫn cùng có cách suy luận về cuộc đời. Cũng như mạ tôi, dì Jeanne quen sống với quan niệm thời xưa. Cô con gái út của dì từ lâu thương yêu một anh chàng ở xã bên cạnh, xa không quá 5km, thật xứng môn đăng hộ đối, nhưng cách ngăn một ngọn đồi, với một giọng nói và ít nhiều thổ ngữ khác, mãi sau nầy không tìm được một đám nào gần hơn, mới chịu cho cưới. Có lẽ tôi là người Á Đông đầu tiên dì gặp. Hôm tôi về đây lần đầu, nhân ngồi một mình với nhà tôi, dì nhẹ hỏi: "Con không sợ nó sao?" Nghe nói người châu Phi ăn thịt người, dì sợ người Á Đông cũng có truyền thống ấy. Ông chồng dì Jeanne, dượng Emile, chỉ có bằng tiểu học mà lại rất giỏi lý luận. Tôi đã từng thi đua vói dượng: để giải một bài toán, tôi đặt phương trình, dượng ngồi tính nhẩm, tôi chỉ thắng trong những bài phức tạp, khó khăn. Nhân nói chuyện các phi hành gia đổ bộ cung trăng, thấy tôi khâm phục kỹ thuật tân tiến, dượng lắc đầu: "Mầy tin những chuyện nhảm nhí ấy à?" Theo dượng, những hình ảnh trên đài truyền hình đều là chắp ghép, đặt bày để phỉnh phờ dân chúng!
Nói chung, dân ở đây, cũng như ở nhiều vùng quê khác, sợ và ít tin người lạ, ngoại quốc hay không. Hôm tôi về đây lần đầu tiên, nhà tôi giải thích cho tôi biết trước, chẳng có ai đưa đón đâu. Đi dạo quanh một vòng trong làng, tôi nhận thấy đường sá vắng tanh. Nhưng nhà tôi kéo áo bảo tôi nhìn kỹ sau các cửa sổ, rèm màn khẽ động tức là người ta theo dõi chúng mình đó. Lẽ tất nhiên chúng tôi ngủ lại nhà dì Jeanne, trên một cái giường kê cạnh thang gác, chứ chẳng có phòng riêng dành cho khách khứa. Đây cũng là một quán cà phê, rượu nước, vừa là tiệm bán thuốc lá và vài hàng tạp hóa, vừa là trạm điện thoại công cộng cho cả xã. Trong thời kỳ kháng chiến, đây là hộp thư tiếp xúc, truyền tin của du kích quân. Tiếng tăm dì Jeanne bắt đầu từ thời ấy. Sau chiến tranh, khách qua lại thưa dần. Nhưng tối hôm đó, bỗng nhiên tiệm đông đúc lạ thường: ai cũng muốn nhân uống ly rượu, xem mặt chàng trai xứ Huế, từ đâu xa bên xứ Đông Pháp lại, nơi được vài ba anh lính tùng chinh qua thuộc địa về kể lại, cũng là nơi gần đây đã sản xuất những chiến sĩ đánh bại cả một đội quân viễn chinh của mẫu quốc trong chiến dịch Điện Biên. Và nhất là xem mặt người đã chinh phục quả tim của cô gái mà họ từng quen biết hồi trước, nay đỗ đạt gì đó ở đại học. Nhất là cô gái nầy, cũng như cô em, hồi ấy không giống những cô gái đồng quê mà là hai cô bé Parisienne, tóc dài vàng mượt, áo quần tuy không phải lụa là cũng tươm tất, sạch sẽ, với bộ tịch rõ ràng của người thị thành, con nhà nền nếp là giáo dục gia đình của hai cô trước lúc chia lìa cha mẹ. Nghe nói thời ấy, cả một đám trai trẻ thường xuyên lại nhà, kẻ bửa củi, quét nhà, người ra giếng kéo nước,... mong lọt vào mắt xanh hai cô gái mỹ miều. Con mồ côi nuôi ở đây thật cũng lắm công việc. Nhà tôi còn nhớ mãi một hôm ham đọc cuốn sách một chàng trai nọ tìm ra đâu được trên gác, đem lại biếu, nàng trèo lên ngồi trên cây đọc trong lúc phải giữ bò, để cả đàn đi ăn bậy ở ngoài, bị la một trận nên thân!
Cái thú ham mê đọc sách ấy phát xuất từ hồi còn nhỏ. Ngay bây giờ cũng vậy, thấy bất cứ gì ở đâu nàng cũng đọc. Dì Jeanne cứ la mãi: "Con đọc sách nhiều làm gì, nó không nuôi sống con đâu!" Dì Jeanne đã lầm vì lương tri của dì không theo kịp kiến thức. Sống ở nông thôn, quen với đồng ruộng, dì không dè trong thời đại mới, nhiều nghề chỉ sống với cây viết, cuốn sách và, gần đây, với một cái máy tính. Vì vậy cho con đi học là một chuyện bất đắc dĩ. Hồi ấy con trẻ bắt buộc phải đến trường đến 14 tuổi. Trường tiểu học Champeau gồm có hai phòng do một cặp giáo viên, ông bà Lacroute, đảm nhận: một phòng dành cho hai lớp dưới với bà giáo, ông giáo dạy ba lớp trên trong phòng kia. Hai ông bà giáo nầy được bổ về dạy ở đây đã lâu, ở ngay trong trường và được xem như người trong xã. Hơn nữa, ông xã trưởng ít học, vị linh mục thỉnh thoảng mới ghé qua làm lễ khi cần, hai người trí thức độc nhất trong xã là hai ông bà giáo và ông giáo đương nhiên trở thành thư ký tòa thị chính, chăm lo mọi giấy tờ từ khai sinh, khai tử đến sổ sách điện địa. Hầu hết con cái trong xã đều qua tay ông bà. Nhưng công tác đồng áng là quan trọng, lắm khi cần kíp vào mùa gặt hái hay lúc thu hồi rơm rạ, học hành trở nên việc phụ. Phần lớn, nhất là bên phía nữ, không học hết cấp tiểu học và chút ít chữ nghĩa ít vận dụng với thời gian cũng phai nhòa rất mau. Đằng khác, ít thích học thì lại phá phách nhiều. Vào những năm cuối trước khi nghỉ hưu, ông giáo già trở nên nặng tai, bọn con trai nghịch ngợm mặc sức đùa giỡn, lắm lúc hỗn láo châm chọc vị thầy mà hồi nhỏ ấy chúng không có chút kính nể.
Sau nầy lớn lên, nên gia thất, có con cái, chúng mới nhớ lại vị thầy cũ ấy thật là một nhà giáo chân chính. Ông dạy không những chỉ các môn thường thức từ chính tả qua số học, từ sử ký qua địa dư, mà còn những môn ít được xác định như vệ sinh, luân lý, công dân giáo dục. Ông luôn nhấn mạnh về mặt thực hành. Trong mấy năm chiến tranh, phía sau bảng đen ông gắn một bản đồ rồi hằng ngày lấy kim găm theo dõi trận tuyến với những tin tức nghe tối hôm trước ở đài phát thanh nước Pháp tự do. Nhà tôi thường nhắc phần lớn những khái niệm tự do, bình đẳng, bác ái, dân chủ, cộng hòa, xã hội, nàng được ông giáo giảng dạy cho từ hồi ấy. Là một giáo sĩ cộng hòa trường phái Jules Ferry, xuất thân từ trường Sư phạm đào tạo giáo viên, ông không ngừng tranh đấu cho một quốc gia ngoài giáo hội nhưng không hẳn là người chống giáo hội, một xã hội công bằng trong ấy độc quyền không có chỗ đứng và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không rõ ông có tham dự một đảng phái nào, thấy ông thực hiện ý chí qua cuộc giáo huấn con trẻ, không chỉ dạy dỗ mà còn giáo dục cho thành công dân cộng hòa có trách nhiệm, có khả năng tự mình phán đoán, hầu mong góp phần đánh tan nạn dốt là mẹ của mọi điều xấu, cái dở. Thật là một ông giáo lý tưởng, ngay cả ở nơi thôn dã hẻo lánh nầy.
Nhà tôi học mấy năm liền với ông giáo nầy. Học giỏi, xong bằng tiểu học, nàng đậu đầu vô trường trung học Saulieu. Nhưng đi học Saulieu thì phải ở ký túc xá mà phụ cấp của Hội Hồng Thập Tự không đủ để trả chi phí. Thế là nàng phải ngồi lại với ông giáo. Sau một năm, ông bảo: "Thầy biết gì dạy nấy. Thầy đã dạy cho con tất cả gì thầy biết. Bây giờ thầy xin chịu". Nhưng trước bộ mặt rầu rĩ của cô học trò ngoan, nhân danh thư ký tòa thị chính, ông đã thành công một việc có một không hai thời bấy giờ, lúc cuộc giải phóng phụ nữ đang chập chững bắt đầu: thuyết phục hội đồng xã cấp cho nàng một học bổng! Thường con mồ côi nuôi ở vùng Morvan, khi lớn lên con trai được đưa đi làm công nhân nông nghiệp, con gái gởi vào các nhà giàu làm người giúp việc để khỏi dùng chữ "đầy tớ" lỗi thời. Được đi học thêm ở trung học với nàng là bàn đạp mở cửa để tiến lên sau nầy: trường Sư phạm, trường Đại học Sư phạm, rồi luận án Tiến sĩ Khoa học, luôn qua thi cử và học bổng nhà nước. Kể chuyện đến đây, tôi không sao tránh được nghĩ đến ông Jean Genet, cũng là con mồ côi được Hội Cứu tế Công cộng gởi về nuôi ở vùng Morvan, lúc nhỏ không có điều kiện học hành, lớn lên phải trải qua biết bao khó khăn, phiền phức của người không có gia đình, nghề nghiệp nhưng rồi với tính nhẫn nại vô bờ, lòng cố gắng không bờ bến, đã trở nên một nhà văn nổi tiếng. Ông là bạn đồng môn với ông gia tôi.
Mỗi lần về Champeau, nhà tôi không quên đưa tôi lại thăm thầy cũ. Tay bắt mặt mừng, mỗi lần ông lặp lại ông rất thỏa mãn đời giáo viên của ông vì đã có người nối nghiệp, nắm đuốc thay phiên, nhất là cô học trò được ông nâng đở lúc đầu bây giờ đạt quá mức mình. Ông nói thêm không cần nhiều, một người đã là thành công. Sau đấy, quanh chai rượu Bourgogne xưa quí lấy từ hầm ra mà ông hân hạnh thấy tôi biết cùng ông thưởng thức như người bản xứ, ông huyên thuyên hỏi nhà tôi về chuyện học hành, giảng dạy, công tác khảo cứu, hoàn cảnh gia đình, rồi quay qua hỏi tôi về tình hình Việt Nam mà ông luôn theo dõi qua báo chí, máy truyền thanh, đài truyền hình. Với đầu óc dân chủ chống thực dân, thuộc địa, ông luôn chỉ trích đoàn quân viễn chinh đi phá hoại đất người. Cũng như sau nầy ông luôn phản đối hành động của Hoa Kỳ trên đất Việt Nam.
Bên phần nhà tôi thì không ngớt kể công đức vị thầy kính mến. Điều làm tôi ngạc nhiên thú vị là hầu hết những học trò cũ của ông giáo, nhất là các cậu nghịch ngợm thời xưa, đếu thán phục ông và biết ơn ông. Thế là cách đây mấy năm, ít lâu sau khi ông giáo từ trần, chúng tôi nhận được giấy mời một cuộc gặp mặt tại nhà trường xã Champeau, một buổi chiều đầu thu trước kỳ khai giảng. Gần hai trăm người, học trò cũ cùng vợ hay chồng, thêm con cái, từ bốn phương nước Pháp lại, chen chúc nhau trong lớp nhỏ xưa, mặc sức hàn huyên, tâm sự, cùng nhau ôn lại những ký ức một thời tuổi trẻ. Rồi sau đó, không kèn, không trống, không diễn văn, hiệu triệu, cả đoàn yên lặng kéo nhau lên nghĩa địa xã nằm trên đồi cao. Trước hai nấm mồ, không có thánh giá theo lời yêu cầu của những kẻ quá cố, bên cạnh hai lăng của dì Jeanne và dượng Emile, bọn học trò nghiêng mình tưởng niệm, kính cẩn ngậm ngùi hướng về ông giáo cũ. Trời mới về thu, chưa tối mà sương mù từ các ao hồ bốc dần lên bao phủ nghĩa địa như ôm ấp mối tình nghĩa nặng của những người học trò đối với ông thầy xưa. Linh hồn ông giáo nếu linh thiêng về đây, chắc phải mãn nguyện, không những vì thấy học trò không quên mình mà còn vì thấy những lời giảng dạy của mình một phần nào đã được ghi nhớ.
Đối với tôi, một buổi lễ đơn sơ như vậy thật quá đầy đủ. Không trực tiếp được ông giáo dạy dỗ, tôi cảm động trước nỗi lòng biểu lộ của đám học trò và tưởng nhớ đến những ông giáo thời xưa bên ta.Những người đứng ra tổ chức còn đi xa hơn: tối hôm đó, một bửa tiệc thịnh soạn để bạn cũ có thì giờ tiếp tục trao đổi chuyện đời xưa và chuyện đời nay. Sau cùng, theo tục lệ vùng Morvan, có ăn thì có nhảy: một cuộc khiêu vũ với một chiếc đàn accordéon độc nhất thay thế cho dàn nhạc. Rượu Bourgogne tha hồ uống. Thấy tôi do dự vì còn phải lái xe hơi, một anh bạn lại bảo: "Đừng sợ cảnh sát đón xe kiểm soát độ rượu vì chúng tôi đã báo cho họ biết trước rồi!" Thì ra mấy cậu học trò nghịch ngợm hồi xưa, thích phá hơn học, chữ nghĩa chẳng được bao lăm, ngày nay là công chức khắp vùng, ở ty bưu điện cũng như ở sở điện lực, có người làm thợ nề, thợ mộc, có kẻ chữa máy xe, có người ở xa, có kẻ ở gần...nhưng ít ai tiếp tục nghề nông của ông cha. Tuy vậy, tôi chắc trong lúc làm ăn, thế nào họ cũng có dịp sống những giờ phút nhắc lại ông giáo xưa với những lời vàng ngọc ngày nay vang dội trong đầu óc. Càng ngẫm nghĩ, học càng thấy ông giáo ấy là bậc thầy hiếm có, con người độc nhất trong vùng được gọi là "ông" (Monsieur Lacroute) mà ngay cả vị xã trưởng cũng không được tôn vinh. Và tình nghĩa thầy trò tưởng chẳng bao giờ phai.
Về thăm lại trường cũ của nhà tôi, thao thức suốt đêm sau một ngày rạo rực, hiện ra trong đầu óc tôi một kỷ niệm xa xưa thời tiểu học. Hồi ấy tôi học lớp nhì. Nhân làm một cái khung đặt hình trong giờ thủ công, tôi phải kiếm một cái hình để cho luồng vào. Tình cờ tôi tìm ra được một cái bưu ảnh hình dung tháp Eiffel cao vút trên nền trời xanh thẳm. Từ đấy tôi hằng mong một ngày được chiêm ngưỡng kỳ quan ấy như sau nầy mơ mộng về Kim tự tháp ở Ai Cập hay Vạn lý Trường thành bên Trung Quốc, không ngờ khoảng mười năm sau thời cuộc đã cho tôi thỏa mãn mộng ước. Hơn nữa, mặc dầu không dự tính, cuộc sống đã giữ tôi lại làm rể nơi đất khách quê người này. 
Hắc Ký Ni Sơnthu đông 2000
Nhớ Huế 11 Huế mùa thu 2001

25- MỘT CHIỀU THU HUẾ DƯỚI TRỜI TÂY
Ở Pháp người ta thường bảo một con én không đủ để báo mùa xuân. Tôi thì tin một nữ sĩ có thể chiếu sáng một chiều thu lá vàng mưa bay nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể là nữ sĩ ấy. Đó là thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương, ái nữ của cụ ưng Bình Thúc Giạ Thị. Tháng 10 năm nay 2002, chị được mời cùng với nhà hát tuồng Đào Tấn qua Muenchen diễn vở Đông Lộ Địch của thân phụ chị, do chị Thái Kim Lan tổ chức trong chương trình Trung tâm Giao lưu Văn hóa Đức Á châu. Sau khi xong công việc, chị ghé qua Pháp thăm bà con, bạn bè. Đây là một mong ước của chị từ lâu và cũng là cái may cho đồng bào hâm mộ thơ nhạc ở Kinh thành ánh sáng, đặc biệt những ai đã từng rung cảm với câu thơ điệu hò xứ Huế, nhưng biết bao người đang mong chờ, làm sao thỏa mãn được tất cả. Vì vậy ý kiến của các bạn tổ chức một buổi họp chung là hợp lý nhất. Chỗ họp được chọn cũng rất hợp với tinh thần nêu ra của những người mời và của vị khách quý: Phật Đường Khuông Việt ở Orsay, miển nam Paris.
Orsay không phải là nơi xa lạ đối với đồng bào ta ở vùng Paris. Ở phía nam kinh đô chừng 20 km, một nửa tiếng đồng hồ tàu điện RER từ trung tâm Paris, thành phố xinh xắn nầy nằm ép mình trên bờ con sông nhỏ Yvette, ngay giữa thung lũng Chevreuse. Sinh viên Việt ở đây khá đông, nhất là những năm viện Đại học Orsay kết nghĩa với hai trường Đại học Tp Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Năm 1994, thị xã tổ chức cả một tuần lễ Việt Nam với sự tham dự của Giáo sư Trần Văn Khê, một cuộc triển lãm tranh hai họa sĩ trẻ Sơn Lâm và Vũ Hòa, những đêm nhạc với nghệ sĩ Trương Thị Quỳnh Hạnh và ban Phượng ca Dân ca Quốc nhạc với giáo sư Phương Oanh, vở kịch Việt Nam của tôi của Maryn Hache, bàn tròn về huyền thoại do Vincent Ton Van và Sean James Rose điều khiển, về kinh tế qua lời trình bày của chị Ngô Thị Cúc, bên cạnh những cuộc biểu diễn Việt võ đạo, Thái cực quyền, nhóm dân tộc Thần Phong, múa lân, ăn cơm Việt, kể chuyện cổ tích,... Vài năm qua, với sự góp sức của Hội Phật tử Âu châu, một cái nhà nhỏ ở xóm Le Guichet được sắp đặt trang bị lại thành một ngôi chùa. Hai tu sĩ ở Huế qua đã khéo tay sửa sang, biến hóa cái nhà kia thành một Phật đường xinh xắn, có me đất sân vườn trước, có dàn bầu sai trái phía sau, điểm thêm nét quê hương nơi đất khách nầy. Chính ở nơi đây, hôm chủ nhật 3.11.2002, chị Hỷ Khương được mời tiếp xúc bà con bạn bè, có kẻ chỉ biết tên, biết tiếng, có người thân thích từ những chục năm trước.
Chị Hỷ Khương không lại một mình. Anh Trần Văn Khê đang công tác ở Việt Nam cũng chịu khó về cùng dự mặc dầu mỗi chuyến bay là một nỗi mệt cho người lớn tuổi như anh. Anh đem theo một cây đàn tranh do nhạc sĩ Vĩnh Bảo đặc biệt đóng cho anh với gỗ cây ngô đồng mua từ Nhật về. Cây đàn to lớn hơn đàn thường thấy, tiếng đàn cũng trầm hơn, có điều nặng quá khó mang theo! Anh Khê nhấn mạnh ngay buổi nhạc hôm nay là dành cho khách Hỷ Khương, anh chỉ phụ đàn thôi. Nhưng chị Hỷ Khương thì nghĩ không thể ngâm thơ hay hò Huế mà không có tiếng đàn đệm của Trần huynh. Thật vậy, sau nầy ai cũng nhận ra tiếng đàn tranh rất phù hợp với giọng ngâm thơ hay hò Huế của chị. Dù sao, một điều rất rõ là không có chương trình định trước, thính đơn sẽ được ứng biến tùy theo cảm hứng của nghệ sĩ và gợi ý của thính giả.
Buổi ca nhạc bắt đầu vào lúc 14 giờ 45, chỉ chậm 15 phút sau giờ chỉ định. Sau vài lời mở đầu của thầy Tịnh Quang, anh Khê giới thiệu chị Hỷ Khương và luôn tiện trình bày vở Đông Lô Địch. Để giúp thính giả thưởng thức, anh giải thích những cách sử dụng thơ Việt Nam, từ đọc, ngâm, ru, hò qua các lối hát, hát chèo, hát bội, hát quan họ, hát cải lương,... Rồi anh nhường lời cho chị Hỷ Khương. Là một người con hiếu thảo, chị bắt đầu với các tác phẩm của thân phụ. Vì hôm nay ở chùa nên chị chọn những bài Phật giáo. Trước khi ngâm, chị đọc luôn ba bài thơ của cụ ưng Bình: Đọc báo Viên Âm, Khuyên học Phật và bài thơ tuyệt bút là bài thơ cuối cùng của đời cụ: Tiếng chuông lòng
... Tôi cũng như ai phường đạo hữu,
Mong vào cửa phật đến Tây phương.
Tiếng vỗ tay sau mỗi bài ngâm vang dội trong thính phòng dần dần chật kín. Mấy thầy đếm đâu cũng có khoảng 80 người, một số thính giả có thể cho là lớn trong loại gặp gỡ nầy. Tiếp theo, chị đọc một bài chị sáng tác nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh cụ ưng Bình, khi đọc đến hai câu
Lối xưa di huấn thời con trẻ
Con vẫn mang theo suốt cuộc đời

chị thổn thức xúc động, hai mắt ướm lệ. Anh Khê đặt nhẹ tay lên vai chị. Dần dần trấn tĩnh, chị tiếp tục đọc hết bài thơ, ngâm, rồi bắt qua một điệu hò như anh Khê đã giải thích. Chị tiếp tục trình bày câu hò có tiếng nhất của cụ ưng Bình đã biến thành câu hò dân gian:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai sầu,
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non.
Trước giờ nói chuyện, anh Khê đã có giải thích cho nhà tôi và tôi về những khó khăn khi muốn dịch chữ ai trong câu hò ra Anh ngữ. Tôi đã có đọc bài nầy của anh đăng trong cuốn Hồi ức về cha tôi mới tái bản và bổ sung mà chị Hỷ Khương chịu khó đem qua Pháp tặng tôi. Xin thành thật cám ơn chị. Câu hò quá quen thuộc, giọng hò lại Huế đặc làm thính giả quên mình đang ngồi bên trời Tây. Trong khoảnh khắc tôi tưởng mình đang ở trên sông Hương với trăng, với nước, với tình bạn đậm đà. Câu hò nầy cũng đưa tôi về lại mấy chục năm về trước, khi tôi được nghe trong một các xét toà soạn báo Bách Khoa gởi tặng... Bây giờ thấy chị có lẽ hơi mệt, để chị nghỉ lấy lại sức, anh Khê tiếp tay giúp chị, ngâm bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quang theo điệu bán xuân bán ai.
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá lá chen hoa...
Thính giả còn muốn được "nổi da gà" lại yêu cầu một điệu hò khác. Thì ra không phải một mình tôi ghiền hò. Chị xin lỗi cho biết mấy ngày kia hơi ho, khan giọng, may nhờ anh bạn bác sĩ Phạm Doãn Để tận tình chăm chóc nên khá lên được một chút nhưng không dám bảo đảm hoàn toàn giọng hò. Anh Khê kể một chuyện vui. Chị Hỷ Khương thường hay ho nhưng khi chị hò thì lại hết ho cho nên bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có câu giải thích:
Chữ hò liền với chữ ho một vần.
Có người yêu cầu chị hát một khúc tuồng Đông Lộ Địch. Anh Khê mách ngay: Hỷ Khương thuộc lòng các màn trong tuồng và có thể thế chân bất cứ vai nào. Anh Khê kể lại cốt truyện đồng thời so sánh với nguyên bản Le Cid. Anh thật là một kịch sĩ có tài. Anh kể chuyện hấp dẫn cũng như khi anh hát, anh đàn. Hơn nữa, anh nhấn mạnh những điểm thay đổi trong bản của cụ ưng Bình để cho chuyện có được tinh thần Việt Nam. Nghe anh kể, ai mà không thèm xem tuồng hát đó. Nghe đâu sang năm Đoàn tuồng sẽ kiếm cách sang trình diễn ở Pháp. Được hay không, không phải tùy ở chị Hỷ Khương. Giờ đây, chị bảo không quen hát nhưng để đáp thịnh tình của thính giả, chị chịu trình bày đoạn Chi Manh đi tu.
Lánh xa nơi hỏa trạch
Lần đến cảnh Vân Am
Nợ sanh thành khốn trả đã đành cam
Giây tình ái đừng vươn cho khỏi lụy...
Hát bội là một thể hát ngày nay ít còn được thích chuộng, thật ra vì người xem ít biết tuồng hát, ít biết thưởng thức điệu hát. Ngày tôi còn nhỏ, khi khánh thành một ngôi chợ mới, làng thường mời một đoàn lại hát luôn ba ngày ba đêm. Tôi lại may mắn có người ông ngoại học hành chẳng đỗ đạt chi nhưng thuộc rất nhiều bài hát bội nên thường được ông hát cho nghe. Hồi ấy, tôi chẳng hiểu gì cả điệu hát lẫn cốt tuồng, nhưng nghe mãi thì cũng ghi vào đầu óc một vài làn điệu và cách diễn tuồng. Tôi tự hỏi phải làm gì cho môn hát bội còn tồn tại.
Thấy chị Hỷ Khương lần nầy thật mệt, tội nghiệp quá, có người đề nghị chị Thu Tâm lên tiếp giọng. Thu Tâm trước kia là một ca sĩ của đài phát thanh Sài Gòn. Chị thú thật từ sáng nay cố học cho thuộc một bài hò mái nhì để hò tặng chị Hỷ Khương. Đó là bài của cố nhạc sĩ Bửu Lộc sáng tác tặng Hỷ Khương cách đây đúng 30 năm:
Nữ sĩ Hỷ Khương người đoan trang thanh nhã,
Con cưng cụ Thúc Giạ tiếng Thi xã Vỹ Hương.
Gia tài cụ để lại cho Hỷ Khương
Là mực đen giấy trắng nối tiếp đoạn trường thi văn.
Cao hứng, Thu Tâm ca luôn bài Nhắc đến miền Trung và hò bài Vác đó ra đơm. Tiếp theo, anh Khê ngâm lối hơi thiền bài kệ bằng chữ Hán Cáo tật thị chúng của Thiền sư Mãn Giác đã được Ngô Tất Tố dịch:
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt sự qua mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua sân trước một cành mai.
Lại có yêu cầu hò mái nhì. Chị Hỷ Khương hò một câu của cụ ưng Bình cũng được biết nhiều, bắt qua ca một bài nam bình.
Một vũng nước trong, mười dòng nước đục,
Một trăm người tục, một chục người thanh,
Biết đâu gan ruột gởi mình,
Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân.
Muốn kết thúc buổi họp, chị xin đọc bốn câu thơ Còn gặp nhau
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy mây trôi
Lợi danh nhu bóng mây chìm nỗi
Chỉ có tình thương để lại đời
và nhường lời cho cô cháu Thư Lâm, gọi cố thi sĩ Đông Hồ bằng cố ngoại, đọc toàn bài thơ ấy và bài Ông đồ của Vũ Đình Liên. Được gợi ý, anh Khê cũng ngâm theo kiểu xưa, thời 1946, theo anh lúc còn đang lạc đường, vọng ngoại, bài Đi chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp. Về mặt sử nhạc, đây là một dẫn chứng vô cùng quý báu. Riêng về bản thân anh Khê, thấy phong cách và công tác ngày nay của anh, đây là một chuyển hướng rất quan trọng và vô cùng bổ ích cho nền nhạc học Việt Nam.
Hơn một giờ rưởi đã qua. Thầy Thiện Niệm dọn ra mấy mâm chè khoai môn, Huế quá chừng. Tôi thú thật mấy chục năm rồi không còn nhớ mùi vị. Có lẽ là chè đã giúp lấy lại sức, chị Thu Tâm tự động hò mấy bài hò giã gạo do nhạc sĩ Bửu Lộc sáng tác. Vì nói đến cố nhạc sĩ này, chị Hỷ Khương nhắc lại câu hò Tình Thúc Giạ của ông ta:
Tình nhã tình thanh là tình Thúc Giạ,
Tình gieo khắp muôn ngã tình với cả muôn người,
Tình từ chuyện thật, tình đến chuyện chơi,
Tình này đẹp lắm ai ơi!
Được như Thúc Giạ dễ mấy ai phụ tình.
Sau mấy bài thơ vui như Áo Lơ muya dày cao gót, Trái sầu riêng... cũng theo yêu cầu, chị Hỷ Khương kết thúc buổi gặp gỡ với bài Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử:
... Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra.
Ở đây hương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà?
Mọi người ra về vào lúc chiều tàn, sương lạnh bắt đầu lên nhưng tôi chắc ai cũng mang về một tấm lòng nóng hổi, một trái tim phồng lớn. Riêng tôi thấy Huế xích lại gần hơn. Tôi xa Huế quá lâu nên có thể tôi không thấy Huế như nhiều bạn khác. Huế xưa của tôi chỉ nằm trong những kỷ niệm êm đềm, những giấc mơ không muốn chấm dứt. Xin cám ơn chị Hỷ Khương không ngại đường sá xa xăm, anh Trần Văn Khê bất chấp sức khoẻ đã cống hiến cho chúng tôi một chiều thu rực rỡ, một chiều Huế khó quên nơi đất khách quê người. Hy vọng rồi đây còn gặp nhau nữa.
Được gặp nhau mới còn gặp nhau,
Chia tay mới đó một ngày nào.
Đông Tây xa cách bao niềm nhớ,
Còn gặp nhau hẹn lại gặp nhau.
Xô thành tối hôm 3.11.2002
Sông Hương 175 2003

26- ĐƯỜNG VỀ KINH THÀNH HUẾ
Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
Orsay, một thị trấn ở miền nam Paris, phía bắc thung lũng Chevreuse, rất có duyên với Việt Nam vào mùa thu. Năm 1994, vào thời Đại học Orsay kết nghĩa với hai Đại học Tp Hồ Chí Minh và Cần Thơ, thị xã tổ chức cả một tuần Việt Nam với sự tham dự của nhiều nhà kinh tế học, nghệ sĩ, họa sĩ, võ sĩ, nhạc sĩ đứng đầu có anh giáo sư Trần Văn Khê. Năm 2002, chị Hỷ Khương, nhân chuyến đi Đức để giới thiệu vở Đông Lộ Địch của thân phụ cụ ưng Bình, trên đường về có ghé lại Phật đường Khuông Việt ở Orsay để gặp gỡ bà con bạn bè trong một buổi văn nghệ hào hứng. Huế nay lại có mặt ở Orsay hôm chiều chủ nhật 15 tháng 11 năm 2009, ở nhà hát Jacques Tati, trong một chương trình rất hấp dẫn Đường về Kinh thành Huế (La Route vers la Cité Impériale de Hué). Đứng ra tổ chức là nhóm Nhóm Văn hóa Cổ truyền Nhạc học và Giáo dục (OCTAVE: Orsay Culture Musique Tradition Association Vietnam Education) dưới sự hướng dẫn của cô Đỗ Duy Nguyệt Ánh, nghệ sĩ đàn tranh. Cô Nguyệt Ánh làm thư ký ở văn phòng khoa Bộ gien Tế bào Phát triển Tiến hóa GCDE ở viện Đại học Orsay tức Paris-Nam 11, có anh chồng làm giáo sư ở Đại học. Anh chị định cư đã hơn 40 năm ở Pháp, có ba con gái, đều biết nói tiếng Việt và chơi được nhạc cụ dân tộc. Đấy là một cách để các con không quên cội nguồn và thừa kế những nét tinh hoa của văn hóa dân tộc. Sống ở đất khách mà tập được cho các con như vậy là một nổ lực phi thường của cha mẹ. Anh chị nghĩ đúng là phải có một tổ chức tại hải ngoại để dễ thực hiện cuộc duy trì văn hóa cho thế hệ sau.
Octave ra đời cách đây hai năm với hai tôn chỉ: khuyến khích nền văn hóa Việt Nam ở Orsay với một chương trình ngày càng mở rộng, đàn tranh, tiếng Việt, gia chánh ẩm thực,... xích lại gần nhau hai nền văn hóa Pháp và Việt qua những cuộc biểu diễn, những hoạt động văn nghệ. Đến nay, nhóm đã thực hiện nhiều cuộc biểu diễn ở Orsay (Ngày văn hóa, Nhà người già, Hòa nhạc jazz), Taverny (Nhà trong xóm, Ngày phụ nữ), Châtou (Nhạc viện), Paris (Trường Trung học La Fontaine, Trà đạo Hàn Quốc), Antony (40 năm Phượng ca), Villebon (Giờ kể chuyện xưa). Có thể xem nhóm là một nhánh của Đoàn Phượng ca Dân ca Quốc nhạc mà người thành lập là chị Phương Oanh, thầy dạy đờn tranh Nguyệt Ánh từ mười năm nay. Học sinh đông đúc đến từ bốn phương trời: ngoài người Việt còn có người Pháp, Bồ đào Nha Tây Ban Nha, Nhật bản,... chứng minh sự thành công của một hội đoàn đế cao cởi mở và tìm hiểu lẫn nhau. Ngoài ra, Octave còn dấn thân vào những hoạt động nhân đạo và xã hội qua cuộc liên lạc trực tiếp với Việt Nam: dự định học bổng cho học sinh tiểu học, cho sinh viện đại học và Khoa nhạc cổ truyền Việt Nam của Nhạc viện Nhạc học Tp Hồ Chí Minh. Cuối năm 2009, cô Nguyệt Ánh đã có về Tp Hồ Chí Minh dự lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Câu lạc bộ Tài tử Cải lương.
Chương trình buổi trình diễn Đường về Kinh thành Huế gồm có ba phần: hai phần đầu và cuối dành cho ca nhạc, phần giữa là chiếu ảnh. Trong khoảng hai tiếng đồng hồ, nhiều màn phong phú với toàn nhạc Huế đã lôi kéo khán giả về với đất Thần kinh: Lý mười thương, Ai ra xứ Huế, Thương về miền Trung, Tiếng sông Hương, Đăng đàn cung, Lý Nam sang, Lý Giang nam. Các cô xướng ngôn viên (T.Thủy, Quế Lan, Gặlle, Hoàng) mặc áo vàng, trong ban hợp tấu, ngoài anh Nguyễn Toàn một mình áo xanh chơi đàn bầu và ba người bạn ngoại quốc mặc Âu phục thổi sáo hay đàn dương cầm, hầu hết các cô các bà sử dụng đàn tranh (theo tờ chương trình): Solène, Giáng Minh, Như Mai, Thu Nga, Quế Lan, Anh Đào, Hisako, Ngọc Oanh, Hiếu Thanh, Ti Ly, Nguyệt Ánh, đều mặc áo quần đủ màu trắng, vàng, đỏ, tím, đầu mang khăn vàng hoàng cung. Đây là cái khăn quen thuộc tôi được ngắm sáu, bảy chục năm trước trong Đại nội thành Huế, đi đôi với những áo rộng thêu rồng, vẽ phượng, bây giờ khắp Trung, Nam, Bắc, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đoàn ca nhạc nào cũng sử dụng, ghép với chiếc áo dài thướt tha không cùng màu thấy không đúng điệu, tưởng các cô muốn làm công chúa, mấy bà thành nữ hoàng! (*) Tôi còn nhớ lúc trước đức Nam Phương chỉ chít có một cái khăn mỏng manh mà biết bao lịch sự. Buổi hòa nhạc mở đầu với hai bản Hành quân và Đăng đàn cung, tiếng đàn tranh rầm rập cùng nhau cho thoát ra một sức mạnh của vương triều. Trong trí tôi hiện ra hình ảnh đức vua mặc triều phục thong thả, bệ vệ bước lên ngai vàng, trước mặt bá quan văn vỏ nghiêm chỉnh cúi đầu sắp hàng trên sân rồng thiết đại triều nghi trước điện Thái hòa.
Sông càng rộng càng cao
Thời núi càng cao
Nhìn non nước
Nhẹ bước anh hào...
Tiếp theo là hai màn đàn tranh song và độc tấu. Hai cháu Solène và Giáng Minh trình diễn bài Em bé quê của Phạm Duy. Tuy còn trẻ, hai cháu đã tỏ ra rất khéo léo trong cách chơi. Cũng dễ hiểu khi biết Giáng Minh có thầy dạy ngay trong nhà. Ai đã sống thời trẻ bên nhà mà không biết bài hát nầy, nhất là hai câu đầu trong sách Tập đọc thời tiểu học.
Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu phát ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao...

Đến lượt Nguyệt Ánh trổ tài với hai bản Lý Nam sang và Lý Giang nam. Cô là một trong những tay đàn tranh đang được nói đến ở Paris. Tiếng đàn thánh thót diễn tả bản sắc riêng của điệu lý Thừa Thiên (khác với lý Quảng Trị và không có ở Quảng Bình), một sản phẩm của nền ca nhạc truyền thống, chịu ảnh hưởng của nhạc thính phòng, rất gần với ca Huế về cả tiết tấu lẫn âm điệu. Âm nhạc của lý rất phong phú, tinh tế, trầm lắng nhưng cũng ríu rắt, có khả năng thể hiện tâm tình trìu mến, giận hờn, vui mừng cũng như đau khổ. Những câu
Ai đem con sáo sang sông
Để cho con sáo sổ lồng bay xa
là lời của điệu lý Giang nam nhưng cũng thường được gọi là lý Con sáo tùy những câu đệm "hư hư hư a sang sông sang sông" hay "ơi người ơi". Điệu lý Nam sang (ở Huế nói xang) cùng với điệu lý Giang nam là hai trong số 30 điệu lý đã được thống kê ở Thừa Thiên - Quảng Trị (Dân ca Bình Trị Thiên - Tôn Thất Bình ; Ca huế và Ca kịch Huế - Văn Lang).
Vẫn ở trong địa hạt các điệu lý, cô Thu Thủy trình bày bài lý Mười thương. Như thiếu nữ Huế thời xưa, áo dài sát đất, một màu vàng lạt, tóc xỏa ngang vai, tay mang nón lá, Thu Thủy duyên dáng liệt kê những vẻ đẹp của cô gái Huế đã làm mê mệt mấy chàng trai, nhất là các cậu "học trò trong Quảng ra thi, thấy o gái Huế chân đi không đành". Đệm cho cô hát có Nguyệt Ánh đàn tranh, Sébastien Bidon và Bertrand Blondet thổi sáo.
Một thương tóc bỏ ngang vai,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,
Ba thương má lúm đồng tiền,

Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua...
Mười thương chưa đủ nên một bài Mười thương thứ nhì Ký tên Phạm Đình Chương được sáng tác để kéo dài bài thứ nhất. Sau đó còn có nhiều bài Mười thương khác chẳng hạn để đề cao một nhân vật,... Sau cùng cách đây vài tháng một loại bài khác nữa gọi là Mười thương thời "hiện đại" (vô danh) ra đờikhông còn chút màu sắc Huế nào.
Màn tiếp sau trình bày một ngày chợ trình bày nhiều chi tiết mà một người khách du lịch có thể mang về sau một vòng quanh Việt Nam: quang gánh, rau quả, ông đồ,... và tấp nập khách hàng, con trẻ, trai gái, bà già,...
Trước giờ giải lao có chiếu hình Huế. Tôi hân hạnh đuợc mời viết bài thuyết minh. Một dịp để giới thiệu thành phố thân yêu của mình, tôi nhận lời ngay và suốt mùa hè cặm cụi trau dồi một bài gợi cảm nhan đề Dọc dòng sông Hương (Au fil de la Rivière des Parfums), minh họa với những hình ảnh tôi đã chụp, trong tinh thần trình bày một kinh thành mộng mơ, một "kiệt tác của nền thơ đô thị" (M'Bow, UNESCO) như tôi thường đã có dịp làm trước đây. Nhưng những bạn tổ chức đã thực tiễn thêm thắt hình ảnh, biến dạng bài gợi cảm, mà tôi nghĩ nên cho xếp vào đầu chương trình, thành một diaporama nhằm phát kiến một thành phố du lịch... loại Thành phố festival đang phát triển ở cố đô từ nhiều năm nay. Âu cũng là một cách giới thiệu đất nước Hương Bình quê tôi. Một số hình ảnh Huế của tôi cũng được chọn lọc để triển lãm.
Trở lại sân khấu, cô Huỳnh Mai trình diễn một điệu múa trên bản nhạc Ai ra xứ Huế của Duy Khánh. Cô mặc áo dài xanh, một dãy hoa thêu dọc trên tà áo, tay mang nón lá, trên vai quấn một khăn quàng vàng dài bay lượn với cô trong các động tác khi đứng, khi quỳ, tay đưa lên trời hay dang rộng lên hai bên. Với một nụ cười luôn nở trên môi, cô vui vẻ hết lòng mời bạn về lại chốn sông Hương núi Ngự.
Ai ra xứ Huế thì ra
Ai về là về sông Hương
Nước sông Hương còn vướn chưa cạn
Chim núi Ngự tìm bạn bay về...
Được một cô gái có sức quyến dũ như vậy làm sao mà không về được. Nhất là trong màn sau, song tấu tranh Nguyệt Ánh và sáo Sébastien Bidon (hay nói cho đúng tam tấu vì còn có bầu Nguyễn Toàn) cho thưởng thức một cảnh tượng khó quên của sông Hương lúc hoàng hôn, một miền có nắng hạ giữa mùa thu, một vùng mây khắp trời giữa mùa xuân.
Hoàng hôn rơi ngơ ngẩn hàng thùy dương
Lạnh lùng trong bóng chiều dòng sông Hương
Trường Tiền qua mấy nhip mờ trong sương
Ngỡ ngàng khách thấy hồn buồn mênh mang...
Hai bài đơn ca cuối cùng là do Ti Ly trình diễn qua tiếng đàn đệm Nguyệt Ánh tranh và Nguyễn Toàn bầu: Thương về miền Trung của Minh Kỳ và Thần kinh thương nhớ của Thế Minh. Ti Ly vui tươi sặc sỡ trong chiếc áo tím rất Huế, làm tôi tưởng nhớ đến một thời kỳ trai trẻ ngắm các cô nữ sinh Đồng Khánh vui vẻ nắm tay nhau qua cầu Trường Tiền hay nhẹ nhàng níu nhau nhảy xuống đò Thừa Phủ tròng trành, khúc khích cười sau mấy chiếc nón bài thơ. Cô em trách người ít về thăm
Đã lâu rồi không về miền Trung thăm người em
Nắng mưa đêm ngày cách trở giờ xa xôi đôi đường
Người ơi có về miền quê hương thùy dương
Nước chảy còn thương bao tình thương cho nhắn đôi lời...
Và ngược lại ngưòi cũng trách em không hay về lại
Sao em không về lại thăm miền Trung
Thăm đồi đỉnh Ngự và nước Hương Giang
Ngày nào đôi đứa đôi đuờng
Lòng anh thương nhớ vô vàng
Mong anh mấy mùa thu sang...

Hai màn sau cùng dành cho Phương Oanh từ đoàn Phượng ca. Phương Oanh bắt đầu tam tấu một bản đàn tranh với dương cầm Niels Lan Do Ky và sáo Bertrand Blondet. Chị cũng mặc chiếc áo một màu tím Huế giản dị không thêu thùa, màu tím đơn sơ (Màu áo tím đơn sơ, Bay dài mây núi Ngự - Đinh Phong), màu tím thời gian (Màu thời gian không xanh, Màu thời gian tím ngát - Đoàn Phú Tứ)màu tím Chiêm Thành một thuở. Cùng chơi với nhau những nhạc cụ Âu Á, khi biết chọn bài và biết sử dụng thì chắc chắn cho phát sinh những bản hòa tấu tuyệt diệu, êm tai. Đây là mong muốn của Phương Oanh luôn ôm ấp giữ gìn nguồn nhạc dân tộc trong một môi trường Âu tây luôn khuyến khích đổi mới. Sau đó, cùng với toàn thể các ca sĩ, nhạc sĩ, chị cho thính giả thưởng thức bài ca Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương mà chị yêu cầu cùng hát.
Miền Trung vọng tiếng
Em xinh em bé tên là Hương giang
Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than
Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ
Bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu
Hỡi hò, hỡi hò...
Khán giả không lầm, vừa vổ tay đánh nhịp vừa hát theo những câu hát gần như quen thuộc dù trong phòng không chỉ có người Việt, còn người Huế thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Kết thúc một chiều Huế với bài hát Tiếng sông Hương thì không có gì đúng điệu bằng. Dù không có Nam ai, Nam bằng ai oán, vài điệu hò Huế quyến rũ thân thương, khán giả đã sống mấy giờ hân hoan trong nền ca nhạc Huế. Cám ơn Octave, tuy chỉ là một nhóm văn hóa nhỏ, phương tiện ít, đã có cố gắng tổ chức một chiều Đường về Kinh thành Huế thành công ở thị trấn Orsay xa xăm này.
Xô thành xuân Canh Dần 2010
Tạp chí Sông Hương Số đặc biệt 3.2010
(*) Trong cuộc triễn lãm báo Xuân ở Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp vào dịp Tết Canh Dần vừa qua, tôi vui mừng nhận thấy trên trang bìa mấy chục tờ báo đại diện cho hầu hết các tỉnh trong nước, các cô đều mặc áo dài không màu sắc sực sỡ thêu vẽ rườm rà, không khăn mũ hoàng cung vành rộng chói lọi. Khăn mũ nầy có thể xem như đã được thả về quá khứ, chỉ sử dụng ngày nay trong tinh thần folklore mua vui khách du lịch, qua ống kính mừng tưởng đã ghi chụp được một di tích quá khứ truyền thống xác thực.
27- BÁC HOÀNG XUÂN HÃN KHÔNG CÒN NỮA
Sáng hôm chủ nhật 17.3.1996, nhân trời hửng nắng sau mấy tuần mưa dầm dề, tôi ra vườn vun bón mấy khóm hồng chuẩn bị cho ngày xuân săp đến?. Tôi đang cảm thấy khoan khoái trong ánh nắng dịu ban mai thì bổng có người bạn kêu giây nói lại báo tin không hay: bác Hoàng Xuân Hãn vừa mới từ trần ngay sáng hôm nay. Bàng hoàng tuy không ngạc nhiên, tôi vội thay quần áo chạy ngay lại bệnh viện Orsay gần nhà. Trên giường bệnh, bác như nằm ngủ, mặt mày có vẻ trẻ trung hơn mọi khi. Nổi bật lên là vành tráng sâu rộng của bác, thể hiện một đầu óc thông thái lạ thường. Hai bên giường, Hoà thượng Thích Thiện Châu và Sư cô Mạn Đà La (thuộc Trúc Lâm thiền viện) không ngớt tụng kinh, gây lên trong phòng một bầu không khí thật trang nghiêm. Ở đầu giường, bác Hãn gái đầu tóc bạc phơ, nước mắt đầm đìa, sụt sùi đáng thương. Tôi còn nhớ ngày nào, hai bác lại dự buổi ăn Tết với chúng tôi do Hội Người Yêu Huế tổ chức ở tiệm cơm Sông Hương trên bờ Yerrres, miền nam Paris. Hôm đó bác gái, nguyên là dược sư, đã nhí nhảnh kể lại chuyện đời xưa, những mẫu chuyện về cúng bái, ma quỷ vô cùng hấp dẫn. Giá mà bác kể thêm chuyện hai bác làm quen với nhau trên chiếc tàu thủy qua Pháp thì chắc còn thú vị hơn nữa. Hôm nay trông bác rất tiều tụy, nỗi đau buồn hiện rõ trên nét mặt. Đầu cuối giường, anh con rễ Nghiêm Xuân Hãi trầm ngâm, tư lự, chắc đang lo nghĩ đến tang lễ những ngày sắp tới. Xung quanh, một số bà con thân thích, bạn bè xa gần mau chân lại chen chúc, kề vai trong phòng bệnh nhỏ, cố sống thêm một vài giờ phút với bác, đồng thời chia sẻ mối buồn nỗi tiếc với bác gái với gia đình.
Bác Hãn sinh năm 1908 ở xã Yên Phúc, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Hồi nhỏ, bác được gia đình mời thầy về dạy học quốc ngữ và chữ Hán tại nhà. Lớn lên, bác mới đi học trường tiểu học Pháp Việt Vinh và Thanh Hóa, sau đó thi đậu vào trường Quốc học Vinh, rồi Trường Bảo Hộ (còn gọi là Trường Bưởi) ở Hà Nội. Cuối năm đệ nhị (tức là sớm hơn thường lệ một năm) bác tự soạn thi đậu bằng Tú tài bán phần và được nhận vào Trường trung học Albert Sarrault ở Hà Nội. Năm 1928, bác đậu bằng Tú tài Toán học và đuợc cấp học bổng qua Pháp du học. Sau hai năm học lớp dự bị tại Trường trung học Louis-le-Grand ở Paris, bác thi đậu vào cả hai Trường Bách khoa và Trường Cao đẳng Sư phạm là hai trường đại cương lớn nhất ở Pháp. Trọng kỹ thuật nghĩ sẽ có ích cho Việt Nam nhiều, bác chọn Trường Bách khoa thuộc Quân đội, hồi ấy chỉ dành cho công dân Pháp. Rất nhiều các vị bộ trưởng, đại sứ, thủ tướng và cả tổng thống Pháp xuất thân từ hai trường nầy. Sau hai năm lý thuyết ở Trường Bách khoa, như thường lệ, sinh viên phải học thêm thực nghiệm ở một trường kỷ sư, cuộc chọn lựa được thi hành tùy theo số hạng thí sinh khi thi bằng tốt nghiệp. Đậu hạng cao, bác có quyền chọn một trong những trường kỷ sư lớn nhất: Trường Quốc gia Cầu cống. Trở về lại Việt Nam, bác thấy ngay người bản xứ khó đạt được chân đứng xứng với bằng cấp dù to lớn của mình trong một chính thể thuộc địa. Năm 1934, bác trở qua lại Pháp, soạn thi cử nhân rồi thạc sĩ toán học ở Phân khoa Khoa học Viện Đại học Paris. Ở Pháp, thạc sĩ là một cuộc thi tuyển khó khăn để chọn làm giáo sư trung học. Chỉ có hai ngoại lệ là bên hai Phân khoa Y học và Luật học, thạc sĩ là bằng cấp để chọn làm giáo sư đại học và thí sinh trước phải có bằng tiến sĩ.
Chính ở trên chuyến tàu thủy trở lại Pháp nầy mà bác đã làm quen với bác gái, cô Nguyễn Thị Bính, 23 tuổi, trên đường đi học tiếp dược học đã bắt đầu ở Hà Nội. Bác gái sau nấy kể chuyện là chẳng biết chàng trai nầy đã tốt nghiệp Trường Bách khoa và trở lại Pháp học thêm, nhưng cũng chịu cùng ngồi ngắm trăng và nghe bài vịnh nguyệt trêu ghẹo của chàng trai Hà Tĩnh.
Có người bảo tớ vịnh thơ trăng,
Tớ cũng toan ngâm ngợi chị Hằng.
Ngán nỗi người xinh trăng thẹn mặt,
Ngây lòng tớ gẫm bút mòn răng.
Trông trăng chỉ thấy ai cười nụ,
Gác bút vì e tớ nghĩ xằng.
Vịnh nguyệt vì người thôi cũng vịnh,
Hoạ người bên nguyệt biết tình chăng.
Cô gái Hà thành đứng đắn trả lời với một bài thơ nhắc nhủ chàng trai mà không ngờ sau nầy sẽ làm chồng mình.
Đêm trung thu trời trong sao sáng,
Mấy cành mây loáng thoáng lơ thơ.
Trên tàu du học vịnh thơ,
Biết bao cảm giác vẩn vơ trong đầu.
Hỡi các anh cùng nhau cương quyết,
Sang Âu Tây dạn tuyết xông pha.
Hãy xem văn hoá người ta,
Sau này thi thố nước nhà chờ mong.

Năm 1936, bác Hãn tốt nghiệp thạc sĩ, bác gái tốt nghiệp dược sĩ, cả hai cưới nhau ở Paris trước khi lấy tàu về nước. Cũng vào năm ấy, Mặt trận Bình dân phát dậy và có rất nhiều ảnh hưởng lên các thuộc địa. Ở Việt Nam, bằng tú tài bản xứ bị hủy bỏ, các trương trung học được nâng lên ngang hàng với các trường trung học Pháp, từ đấy các giáo sư cũng phải có bằng tương đương. Hồi ấy, ngoài bác Hãn, chỉ có một giáo sư trung học thạc sĩ khác là ông Phạm Duy Khiêm bên ngành văn phạm. Ngoài lớp toán học ở Trường Bưởi, bác Hãn còn đi dạy thêm ở các trường kỹ thuật khác. Năm 1943, lúc Phân khoa Khoa học Viện Đại học Hà Nội thành lập, bác được mời phụ trách Khoa Cơ học. Song song với cuộc giảng dạy ở các trường, bác Hãn không quên phận sự giáo dục quanh mình. Vào lúc thế giới đang chuyển mình trên đường khoa học, bác ý thức rõ ràng là các nhà khoa học Việt Nam cần phải nâng cao trình độ hiểu biết của quần chúng đúng với mức độ của thời đại và diễn đạt ý tưởng khoa học qua tiếng Việt Nam trong những tờ báo trí thức sáng lập ra để trau dồi ngôn ngữ ấy. Cộng sự đắc lực của tờ Báo Khoa học , bác đã cùng với nhiều bạn đồng nghiệp đề cập đến vấn đề rắc rối của một hệ thống thuật ngữ cho mọi ngành khoa học.
Năm 1942, bác cho xuất bản cuốn Danh từ Khoa học (nhà in Trung Bắc Tân Văn) mà bác đã suy nghĩ từ ba, bốn năm trước, đặt nền móng cho "một ngôn ngữ tương đồng trong khi bàn bạc về khoa học". Bác rất ý thức là công việc không dễ. "Tôi cũng là mù trong mọi bọn mù, điếc trong làng điếc. Nhưng mù phải lần đường, điếc nên dạn súng, cho nên không ngần ngại sự khó khăn mà cáng đáng đến công việc nầy". Nhưng tin tưởng ở lịch sử lâu dài và kinh nghiệm chắc chắn của Việt ngữ, bác khẳng định "không có một vấn đề khó khăn nào mà không giảng về tiếng Việt Nam được. Sự giảng rõ hay không là bởi người giảng. Sự hiểu rõ hay không là bởi người nghe". Dựa lên sự tiến hóa thiên nhiên của Việt ngữ, trở về chữ Hán để làm nguồn gốc, thu dụng những danh từ quốc tế thông dụng, luôn đứng vào phương diện thực tế, đấy là một vài đưòng lối bác đã đề nghị để đặt chữ. Cuốn sách vừa mới xuất bản đã bán hết ngay. Sau nầy nó được tái bản ba lần nữa (1948 do nhà Xuất bản Vĩnh Bảo ở Sài Gòn, 1951 và 1955 qua nhà xuất bản Minh Tân ở Paris).
Bác Hãn không chỉ hoạt động cho giới trí thức. Bác cũng nghĩ nhiều đến dân quê, người cùng khổ không có dịp đi học để biết đọc, biết viết. Hơn ai hết, bác ý thức là muốn đạt đến một nền độc lập của đất nước, cần phải dẹp cho được nạn dốt. Không phải tình cờ mà bác hoạt động mạnh mẽ trong phong trào bình dân học vụ và Hội Truyền bá Quốc ngữ ra đời năm 1936. Nhưng lối học "a,b,c" kiểu xưa không đưa lại kết quả lanh chóng. Vì vậy, một lối học mới "i, tờ" ra đời, dựa lên các vần từ các chữ gần giống nhau họp lại. Sau đấy, phương pháp lan rộng khắp các hang cùng ngõ hẻm, từ thành thị về đến đờng quê xa lánh. Nhiều câu thơ được đặt ra, không văn sáo, lãng mạng, mà tương tự như thể vè, giúp người học dễ nhớ chữ, nhớ dấu:
i, tờ hai móc cả hai, i ngắn có chấm, tờ dài có ngang?;
o tròn như quả trứng gà, ô thì đổi mủ, ơ là thêm râu,...
huyền ngang, sắc dọc, nặng tròn,
hỏi lom khom đứng, ngã... buồn nằm ngang.
Bắt đầu những năm cách mạng, phương pháp lại càng bành trướng, thúc đẩy Việt Nam thành nước vô địch trên con đường tranh đấu chống nạn dốt. Những câu trách móc loại "anh nầy sao i-tờ quá!" chứng minh mức thông dụng của phương pháp học mới. Tôi còn nhớ ở mỗi ngõ đường dẫn vào chợ, nhiều toán thanh niên vui vẻ bắt dân làng phải học vài ba chữ trước khi qua đường. Tôi cũng không quên những buổi dạy học ở làng, học sinh là những cụ già râu tóc bac phơ, tay run rẩy trên tấm bảng gỗ dưới ánh sáng lu mờ của mấy ngọn đèn dầu hiu hắt, mắt dương cao, tai mở rộng, cố học cho được vài chữ ví như các cụ đã nói, gần đất xa trời, không học bây giờ thì không khi nào có dịp khác nữa. Thật là cảm động. Không biết bác Hãn, người đã phát minh lối học mới, có chăng những dịp sống những giờ phút chạnh lòng này.
Với một quá khứ như vậy, không ai lấy làm lạ khi bác được mời từ Hà Nội vào Huế làm bộ trưởng bộ Quốc gia Giáo dục và Mỹ thuật trong chính phủ Trần Trọng Kim sau cuộc đảo chính 09.03.1945. Không phải là một nhà hùng biện, ăn nói hùng hồn như luật sư Phan Anh, bộ trưởng bộ Thanh niên hồi đó, bác Hãn đã lôi kéo thanh niên, học sinh với những kết quả một cuộc học hành lỗi lạc, với những công tác hướng dẫn đất nước lên một nền độc lập thực sự. Và ai cũng cho là một chuyện hiển nhiên khi bác được chính phủ cách mạng cử vào phái đoàn lên Đà Lạt đàm phán với Pháp. Một phần tư thế kỷ sau, bác đã kể lại chuyện "đời xưa" này trong Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt, tập san Sử Địa các số 23 và 24 (1975), AVAC tái bản ở Paris năm 1987. Nhờ cuốn sổ tay ghi chép đầy đủ, bác đã cho biết nhiều chi tiết cặn kẽ, có khi éo le, ngay trong hội nghị cũng như bên lề cuộc đàm phán. Cũng đáng nhớ là một con người khoa học như bác, đến nay hằng lặn lội với những công thức toán học hay những danh từ khoa học, khi khuây việc thì lại gởi lòng vào mấy câu thơ dễ làm xúc động, không khác gì các vị tướng thời xưa tỏ tình vào vài vần thống thiết sau một trận đánh hãi hùng.
Thông rụng, hoa suối, nhớ ta không?
Lỗi hẹn cùng nhau luống ngại ngùng
Non nước còn vương cơn bối rối
Tâm tình đâu đến lúc thung dung...

Tôi có dịp đọc lại và thưởng thức văn thơ bác trong cuốn sách nhỏ nầy nhân đi tìm tài liệu về đô đốc Thierry d'Argenlieu. Thật ra, song song với các công tác khoa học, bác đã khảo cứu nhiều về mặt văn chương, lịch sử. Dựa lên phương pháp làm việc khoa học, với cách suy luận chính xác, lại hiểu biết nhiều về ngôn ngữ Hán Nôm, bác đã thực hiện được nhiều chuyện ít người làm được. Lần lượt bác cho xuất bản Nguyễn Biểu, Một gương nghĩa liệt và mấy bài văn thơ cuối đời Trần (1941, báo Khai Trí Tiến đức), Hà thành thất thủ (1946), Thi văn Việt Nam (1947), Đại Nam quốc sử diễn ca (1948), đặc biệt Lý Thường Kiệt (1949), Mai đình mộng ký (1948, tất cả do Sông Nhị, Hà Nội xuất bản), La Sơn phu tử (1951), Chinh phụ ngâm (1954, nhà xuât bản Minh Tâm, Paris),... không kể những bài, những sách về Hồ Xuân Hương, Bích câu kỳ ngộ,... Định cư ở Pháp, tuy làm kỷ sư nguyên tử, bác vẫn luôn tiếp tục công tác khảo cứu trong lãnh vực văn chương lịch sử nầy.
Mấy năm đầu trên đất Pháp, tuy không có dịp gặp bác, tôi luôn "làm việc" với bác. Đó là những năm cuối thập niên 50, đang dư thảo văn bằng cao học ở phòng thí nghiệm của Giáo sư Bửu Hội ở Institut du Radium, thuộc Viện Đại học Paris, tôi được gặp Linh mục Cao Văn Luận, lúc bấy giờ làm Viện trưởng Viện Đại học Huế, đi "chiêu mộ" giáo sư. Sự kiện nầy buộc tôi nghĩ đến tương lai: để chuẩn bị về nước giảng dạy, từ nay tôi phải bắt đầu lo lắng về mặt bài giảng cũng như về phía danh từ, danh pháp. Tôi bắt đầu viết những bài giáo khoa khoa học đăng báo Đại học ở Huế, đồng thời những bài phổ thông khoa học gởi những tạp chí Báchkhoa, Phổ thông,... ở Sài Gòn. Vấn đề danh từ được đặt ra cấp bách, cần thiết. Người Việt làm khoa học có nhiều nhưng chăm lo vấn đề danh từ, danh pháp thì hiếm. Giải pháp tức thì là những cuốn tự điển mặc dù không phải tự điển khoa học. Tuy không nằm trong vấn đề thành ra thiếu thốn, cuốn Tự điển Việt - Hoa - Pháp của Linh mục Eugène Gouin đã giúp tôi nhiều trong bước đầu. Và cuốn sách đầu giường thời ấy của tôi lẽ tất nhiên là cuốn Danh từ khoa học của bác Hãn.
Vì vậy, một hôm cách đây cũng vài chục năm, sau 1975, sau một buổi thuyết trình của bác về Phật giáo ở Thiền viện Trúc Lâm trên ngọn đồi Hoàng Vân Sơn (tên do Hoà thượng Thích Thiện Châu đặt) thuộc xã Villebon, miền nam Paris, tôi lại xin hầu chuyện bác. Nghe tôi tự giới thiệu tên, bác hỏi ngay:
- Yến có phải là người viết bài trong bài trong báo Bách khoa phải không?
Tôi mừng quá, thấy đối với bác tôi không phải là người xa lạ.
- Dạ, thưa phải.
Tôi lại càng mừng hơn và vô cùng phấn khởi khi được bác khen:
- Tôi đã đọc nhiều bài của Yến. Chịu khó viết bài phổ thông khoa học như vậy thật là quý. Các nhà khoa học ta ở bên nầy ít ai chịu mất công làm chuyên ấy. Còn ở bên nhà, thường thì các báo chí chỉ biết ngồi dịch những bài ngoại quốc, không đi đâu được xa. Yến phải cố găng tiếp tục, ngày nay còn cần thiết hơn vì dân ta vừa thiếu vừa báo chí lẫn ngoại ngữ. Hiên giờ Yến cho đăng bài ở các báo nào?
Tôi lúng túng thú thật với bác là dạo nầy ít viết để khỏi nói là dừng viết bài vì một lẽ rất dễ hiểu là hiện nay không có báo nào đứng đắn chịu lo về mặt phổ thông khoa học, đằng khác chẳng thấy có yêu cầu từ bất cứ toà soạn nào. Rồi chúng tôi nói chuyện rất lâu trên đề tài nầy. Sau cùng bác đề nghị tôi tìm cách cho ra một loại sách phổ thông, cở nhỏ như tập Que sais-je? của Pháp, không chỉ giới hạn trong khoa học mà còn mở rộng ra kinh tế, xã hội, văn chương, chính trị,... Theo bác, phải kiếm đủ tiền cho ra ba số, mỗi số một ngàn cuốn, một nửa gởi về bên nhà biếu tặng các thư viện và các trương học, nửa kia đem bán để làm vốn cho ba cuốn sau. Tôi rất hoan nghênh, nghĩ nếu bác chịu làm giám đốc cho một tủ sách nầy thì thật là quý báu. Tin tưởng bác sẽ tìm ra được các tác giả mặc dầu biết là không phải dễ dàng, tôi chạy kiếm mặt tài chánh. Thì ra khó khăn quá sức tưởng tượng vì tôi chẳng tìm ra nhà đầu tư. Rút cuộc, tôi phải đầu hàng, công tác thật bại ngay từ trong trứng. Thật đáng tiếc.
Vài năm sau, cũng ở chùa Trúc Lâm, tôi lại chào bác mỗi khi gặp mặt. Lần nầy, vì mặt đã bắt đầu yếu, phải một lúc bác mới nhận ra tôi và hỏi ngay:
- Nghe Yến thôi làm Hội trưởng Hội Người Yêu Huế rồi?
Tôi giải thích cho bác trong điều kiện nào chức hội trưởng qua tay người khác. Bác có vẻ trầm ngâm:
- Tôi rất tiếc vì Yến làm được việc. Hội đã thực hiện đuợc nhiều việc hay và bắt đầu có tiếng. Khi người ta đã tin tưởng ở Hội rồi thì rất dễ tiếp tục. Tôi chỉ sợ những người thay thế ít thành thực thì khó đi xa.
Thì ra bác đã theo dõi các hoạt động của Hội và thương yêu Huế như một người Huế. Mấy tháng làm bộ trưởng ở Huế dù sao đã để lại trong lòng bác những kỷ niệm khó quên, những ấn tượng giữ đời. Bên phần thanh niên học sinh chốn sông Hưong núi Ngự thì đã từng xem bác như thần tượng. Hồi ấy, tôi học lớp đệ nhị Trường Trung học Khải Định, cũng như các bạn tôi, chỉ nghe danh bác, biết bằng cấp học lực của bác rồi các công tác hoàn thành là đã đã hoàn toàn kính mến rồi. Năm sau, khi nghe tin bác sẽ ngồi cùng bàn ngang hàng với người Pháp ở Đà Lạt để đàm phán thì trai trẻ lại càng phục lăng. Tôi nhận thấy sau nầy, càng ngày danh tiếng của bác lại càng lớn thêm, lúc còn ở Việt Nam cũng như khi bác đã qua Pháp. Hôm lễ bát tuần của bác, tôi bận không đi dự được, chỉ biết gởi thiệp chúc mừng, lập tức tôi nhận được bài thơ đáp lời mừng thọ của bác. Tôi vô cùng xúc động.
Tuổi tác nay vừa chẵn tám mươi
Đời ta ngắm lại lắm khóc cười
Thương tâm bốn trận binh đao thảm
Mơ mộng nhiều phen vận hội tươi
Bọt nước hư danh mình chẳng bợn
Gốc nhà cố giữ chí không lười
Tri âm chẳng lựa so già trẻ
Xin dãi lòng son cảm tạ người.

Paris cuối đông Đinh Mão

Hôm nay hương hồn bác nếu chưa phiêu diêu nơi cực lạc thì chắc cũng đã trở về lại với thông rụng hoa suối thuở nào. Hôm thứ năm 21.3, gia đình đã làm lễ hỏa tán bác, sau đó có lễ cầu siêu ở chùa Trúc Lâm, dưới sự chủ tọa của Hòa thượng Thích Thiện Châu. Từ khoa học qua văn chương, lại là con người lịch sử, bác đã bắt gặp trên đường đời biết bao là nhân vật. Vì vậy rất đông người đến dự chật ních cả chánh điện. Tiếp tục buổi lễ cầu siêu nầy là lễ tưởng niệm bác. Đại tướng Emmanuel Hublot, bạn đồng khoa (1930) ở Trường Bách khoa, rối ông Đỗ Quang Trị, học trò bác ở Trường Bưởi, nhà nghiên cứu Tạ Trọng Hiệp, đệ tử Hán Nôm, Giáo sư Trần Văn Khê, anh bạn vong niên, và anh Nghiêm Xuàn Hải, người con rể, lần lượt lên máy vi âm kể lại ký ức của mình. Lại một dịp để biết thêm tính nết cương trực cũng như cách đặt vấn đề, phương pháp giáo huấn của bác. Sau cùng, nữ nghệ sĩ Kim Chính thổn thức ngâm bài thơ Đáp lới mừng thọ nhân lễ bát tuần của bác. Tất cả mọi người đều cảm thấy một nỗi luyến tiếc vô bờ. Bác đã ra đi ngay truớc tuổi cửu tuần thì cũng là đúng lúc nhưng đối với người ở lại thì bao giờ cũng quá sớm. Dù sao, đời bác đã rất là đầy đủ. Tác phẩm, sự nghiệp bác để lại rất nhiều. Bác Hãn gái và gia đình có thể hảnh diện đã có một người chồng, một người cha, một ngưòi ông có một không hai ở nước Việt Nam vào cuối thế kỷ 20 này.
Hắc Ký Ni Sơn tối hôm 23.03.1996
Huế Xưa và Nay 16 1996
Tập IV: Huế một thời xưa



28- TỰU TRƯỜNG NĂM CHÓT
Mùa khai giảng năm ấy sao buồn lạ. Không khí không nhộn nhịp, náo động như hai năm trước. Thật vậy, hai năm vừa qua, Huế cũng như toàn quốc đã sống những ngày lịch sử thì kỳ tựu trường hai năm ấy cũng không thể là tầm thường.
1945. Cách mạng vừa bùng nổ, kháng chiến chống Pháp anh dũng khởi sự ở miền Nam. Những ngày khai giảng năm ấy sôi nổi, náo nhiệt vô cùng, có thể nói là những ngày chưa từng thấy từ trước đến nay ở thành phố Huế. Tôi còn nhớ rõ hôm rời quê vô Huế, thong dong lại trường Khải Định (Quốc Học) thì trước cửa trường đã thấy mấy anh Giải Phóng Quân nghiêm chỉnh đứng canh. Trên con đường Lê Lợi chạy dọc sông Hương ngang trước cổng trường thì từ nhà ga đến cầu Trường Tiền một dãy dài bộ đội đang ngồi đợi tàu lên đường "Nam tiến". Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu... bài hát của Lưu Hữu Phước chưa khi nào được vang dội đậm đà thấm thía như lúc nầy. Những thanh niên ấy lên đường đầy nhiệt khí, nhưng biết bao người sẽ trở về lại làng xóm quê xưa. Ngắm nhìn mấy anh Giải phóng quân trẻ măng, không lớn hơn mình bao lăm, tôi tuởng tượng đến cảnh chia ly khi họ từ giã gia đình, làng xóm mấy hôm trước, lìa bỏ tổ ấm tình quê để đi bảo vệ non sông. Tôi chạnh nghĩ đến bản thân mình, ngay hôm qua đã sống những phút gần tương tự, gần thôi vì tôi không nhập ngũ. Hồi ấy, tôi phụ trách một đội thiếu niên, thiếu nữ ở hai làng Mỹ Cang, Mỹ Xuyên, huyện Phong Điền. Hôm qua tôi phải từ giã bọn nhỏ lên tàu vô Huế học. Chúng nó tự động lên ga Mỹ Chánh tiễn đưa tôi. Với một tình thương vô tư trẻ dại nhưng thành thật biết bao, bọn nó sụt sùi nước mắt khi tàu chuyển bánh làm tôi cũng không cầm được giọt lệ. Những khách đồng hành ngạc nhiên hỏi: "Em còn nhỏ mà đã tình nguyện nhập Giải Phóng Quân rồi à? "Và văng vẳng mãi bên tai tôi câu hát Đoàn giải phóng quân một lần ra đi... Bây giờ họ ngồi cả đó, nghe nói từ tối hôm qua, người gục đầu ngủ trên bao, kẻ ăn nắm cơm nguội có lẽ do bà mẹ bới gói, có anh trầm ngâm nghĩ ngợi, chắc đang hồi tưởng đến thân thích gia đình hay đang tưởng tượng trận địa sắp giáp chiến nay mai. Ngày nay, hơn bốn mươi năm sau, hình ảnh những người chiến sĩ mang quân phục của thời đại mới vẫn còn in rõ trong trí óc tôi. Năm ấy, trường dọn vô trong Đại Nội: học sinh sáng học chữ, chiều đi tập quân sự, khai trương một kỷ nguyên mới.
1946. Sau Hiệp định Sơ bộ, vào kỳ khai giảng thứ nhì thì quân đội Pháp đã trở lại Huế. Khắp nơi, trước đồn lính, bên góc chợ, đằng đầu cầu, ở đâu cũng có hai quân binh Việt và Pháp đứng canh cạnh nhau. Bên phía Việt Nam thường là Dân quân Tự vệ. Thường ta đã cố ý chọn những anh đừng quá thấp cho đứng đối diện với tên lính Tây. Ở đầu cầu Trường Tiền, trước nhà hàng Morin Frères, nơi đông người qua lại, chiều nào cũng có một anh Tự vệ cao to lực lưỡng, mang súng đi lại rất là oai vệ. Hồi ấy một quân nhân Việt Nam ăn mặc chỉnh tề, nai nịt gọn ghẽ, súng trường trên vai, súng lục giắt lưng, là cả một mối hãnh diện cho dân chúng, nhất là cho giới học sinh trẻ tuổi như bọn tôi. Thỉnh thoảng một chiếc xe Jeep chở hai sĩ quan Việt và Pháp đi tuần tiểu, dàn xếp những bất bình xảy ra hằng ngày khắp thành phố vì ai cũng biết lúc ấy tình hình rất căng thẳng. Dạo ấy tôi ở nhà anh tôi cạnh cung An Định, nghĩa là rất gần trường Thiên Hựu, nơi tập trung người Pháp. Tối nào cũng có một toán Giải Phóng Quân lại ngủ trong nhà, sẵn sàng chiến đấu. Tối nào các anh cũng mở súng chùi đi chùi lại thành thử tôi cũng chẳng học hành gì được. Năm ấy trường Khải Định vẫn chưa mở cửa lại và học sinh phải qua học bên trường tiểu học Thượng Tứ. Nói là đi học chứ suốt mùa thu, đầu não đâu còn vấn vương chữ nghĩa. Các hội Hướng đạo tuy không còn nữa, các anh em vẫn tiếp tục gặp nhau học võ, truyền tin và nhiều bạn đã bắt đầu hoạt động trong các ban trinh sát hay liên lạc. Tình hình càng ngày càng trầm trọng cho đến đầu tháng 12, dân chúng được yêu cầu tản cư, ngay trước ngày khởi chiến...
Năm 1947, cảnh tượng hoàn toàn khác hẳn. Đến ngày tựu trường thì quân đội viễn chinh Pháp đã chiếm đóng thành phố Huế, mặt trận lùi về miền đồng quê hay ven rừng núi. Trường Khải Định vẫn còn bị quân đội trưng dụng, học sinh phải lại học trường Lê Lợi tức là trường Chaigneau cũ. Đối với tôi, trường nầy chẳng xa lạ vì hồi nhỏ đã lết ghế đây mấy năm. Bây giờ đi ngang trước trường, cảnh vật thấy không thay đổi gì lắm. Thiếu chăng là mùi bánh mì nóng hổi thơm phức từ nhà hàng Chaffanjon bay ra, mùi cà phê đen có vẻ ngọt ngào mà ông giáo viên môn Hán tự cứ đầu chiều là sai đem vô lớp một tách lớn. Năm ấy, ông giáo già đã nhường chỗ cho nhiều vị giáo sư trẻ tuổi. Tuy vậy, quang cảnh nhộn nhịp những năm qua không còn nữa. Thành phố im lìm, rầu rĩ. Hồi ấy nhà anh tôi dọn về trên bờ sông An Cựu, cạnh cầu Lò Rèn. Thường người ta bảo sông An Cựu nắng đục mưa trong, nhưng thật ra mưa càng nhiều, nước càng lên, đục ngầu cuồn cuộn sẵn sàng trào lên đường gây lụt lội. Nhưng trời không lạnh, học sinh thường mặc quần ngắn và đi chân không nên mặc sức lội nước. Cạnh nhà tôi có hai anh bạn, Phan Huy Tùng và Nguyễn Khắc Nhẫn, đều rất giỏi toán. Cả hai đều thi vào học đệ nhị khoa học A chuyên ngành toán, tôi thì đậu vào ban khoa học B nặng về vạn vật học. Chúng tôi là những học sinh mẫu mực, nghiêm túc nên hay đi lại với nhau khá thân thích. Chúng tôi thường gặp nhau để cùng học toán hay để đi dạo. Kỳ khai giảng năm ấy, đặc biệt có thêm hàng cô gái bán giấy, bút cạnh nhà. Từ cầu Lò Rèn đi dọc xuống theo bờ sông thì có một cái đường kiệt đối diện với Dòng Chúa Cứu Thế. Ở góc đường kiệt ấy và đường Bờ sông An Cựu (nay là đường Phan Châu Trinh) hết hè có dựng lên một cái chòi không vách, không phên, bên trong có một cô gái bán hàng.  Cả ba chúng tôi thường lại đấy mua dụng cụ mấy ngày đầu tựu trường. Lúc đầu thì mua thật, dần dần hết còn mua mà cô gái lại xinh nên chúng tôi cứ rủ nhau lại đó chuyện trò tán tỉnh. Cô gái trạc tuổi chúng tôi, hiền lành như cô gái Huế, thấy bọn trai mãi khen thì chỉ đỏ mặt, cúi đầu, có khi quá thẹn thì giả vờ sắp lại mấy tập giấy và cúi mặt xuống dưới quầy. Bên phần bọn tôi thì đứa nào cũng quá trẻ để nói lên một lời tỏ rõ cảm tình của riêng mình. Và cứ thế cho đến lúc khai giảng xa dần, chúng tôi ngày càng bận học, trời lại mưa lạnh nhiều hơn, chúng tôi ít còn lảng vảng lại nữa. Có lẽ khách hàng cũng thưa dần nên không biết vào lúc nào quán hết dọn ra. Sau nầy mỗi lần đi ngang qua đó tôi chỉ thấy cái chòi vắng tanh. Năm 1986, nghĩa là 38 năm sau, nhân lần đầu tiên về thăm quê cũ và là cũng là năm về dự Hội trường Quốc Học 90 năm, tôi không quên kiếm cách trở lại bờ sông An Cựu, viếng mái nhà xưa và thử tìm dấu vết cái chòi nhỏ thuở nào.
Tôi đã từng viết tôi hơi tủi khi ngắm dòng sông vì chẳng có ai quen biết mình để nhận ra mình. Lẽ tất nhiên cũng chẳng có tin gì về cô gái bán hàng. Nhưng cô ấy, nếu còn sống, chắc cũng là bà nội, bà ngoại, con cháu đầy đàn. Tôi tự hỏi bây giờ nếu may mắn gặp lại cô ta, liệu tôi còn nhận ra nét mặt xinh xắn, đôi mắt trong sáng của thời trước không?
Năm 1947 là năm cuối cùng tôi sống cảnh tựu trường ở Huế vì qua năm sau tôi đi học trường Vô tuyến điện thuộc viện Đại học Sài Gòn và đi thẳng qua Pháp. Ở Paris có sông Seine, nước cũng dâng lên khi trời mưa nhưng không hẳn vào kỳ khai giảng như sông An Cựu. Trên bờ sông Seine có vô số quầy nhỏ bán sách, hình, tem,... nhưng không có quầy nào bán giấy, bút và nhất là không có quầy nào có cô bán hàng xinh xắn như cô gái Huế độ nào. Mấy chục năm sau, tôi còn đuổi tìm đôi mắt cô ấy như một chàng trai si tình.
Hắc Ký Ni Sơn mùa khai bút 1990
Đặc san kỷ niệm Quốc Học-Huế 95 năm 1896-1991

29- MỘT BỨC CHIẾU CẦN VƯƠNG
Nhân một bài phổ biến trong Tập san AFAO
Hội Người Pháp bạn Viễn Đông AFAO trong một tập san vừa qua (1) có cho phổ biến một bức chiếu Cần Vương thật - giả , một sử liệu chưa mấy ai biết, đóng góp thêm tài liệu cho một thời lịch sử của nước ta vào buổi ban đầu cuộc đô hộ Pháp.
Xin tóm tắt lại những biến cố quanh ông vua ái quốc triều Nguyễn nầy. Hoàng thân Bửu Lịch lên ngôi lấy niên hiệu Hàm Nghi ngày 2.8.1884 tức là ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân, lúc 14 tuổi, không đầy hai tháng sau Hòa ước Giáp Thân đặt nền đô hộ Pháp lên đất Việt Nam. Trước thái độ bất hợp tác của hai vị nhiếp chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, chính phủ Pháp bổ nhậm tướng Roussel de Courcy Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh kiêm Khâm sứ (2) muốn thôn tính cả Bắc kỳ lẫn Trung kỳ mà việc làm trước nhất là kiếm cách loại trừ hai vị nhiếp chính cùng các phần tử kháng chiến trong triều đình (3). Tướng de Courcy cầm quân từ Hải Phòng vô Huế, đòi gặp toàn thể Viện Cơ mật. Cả Tường lẫn Thuyết kiếm cớ thoái thác. Trước tình thế gay go, Thuyết ra lệnh tấn công quân Pháp ở Trấn Bình Đài (Mang Cá) và Toà sứ lúc đầu canh tư (1 giờ sáng) ngày 5.7.1885, tức là ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu. Suốt đêm quân ta đánh phá gan dạ nhưng vũ khí kém cỏi, đại bác ít công phá, cuộc phối hợp giữa các toán quân cũng hỗn độn nên đến sáng quân Pháp chỉnh đốn lại được hàng ngũ, phản công mảnh liệt, đốt phá doanh trại, giết hại thường dân. Có lẽ vào dịp nầy mà chiếc kiếm Thái A của vua Gia Long bị đánh cắp và đưa về trưng bày ở viện Bảo tàng Quân đội Invalides ở Paris. Bài vè Thất thủ Kinh đô kể lại sự kiện rất bi ai thống thiết.
Tránh thân cho khỏi súng Tây,
Mẹ con dắt chạy trời rày còn khuya.
Lao xao như cá trong đìa,
Tránh thân cho khỏi súng kia vào mình.
Thất bại trong cuộc đánh phá quân Pháp, Tường ra đầu hàng (2), Thuyết vào nội rước vua cùng Tam cung dời kinh thành ra Quảng Trị. Ngang đây, một số hoàng thân quan lại già yếu, phụ nữ có gia đình xin trở về lại Huế, còn lại các quan văn võ theo Thuyết phò vua lên Tân Sở, chuẩn bị một cuộc kháng chiến lâu dài. Chiếu Cần Vương hiệu triệu toàn dân hợp lực với đức vua được truyền ra ngày 13.7.1885 (2) dấy lên một phong trào chống Pháp khắp đất nước Việt Nam. Trong lúc quân Pháp càn quét, tìm diệt quân kháng chiến, vua Hàm Nghi từ Tân Sở lần lượt dời đi Bảng Sơn, qua Lào, về Ấn Sơn, Hà Tĩnh trước khi đi ẩn náu ở miền thượng du Quảng Bình. Nhưng đến ngày 1.11.1888 (3), vì Hiệp quản Trương Quang Ngọc và Suất đội Nguyễn Đình Trinh phản bội, một toán người Mường bắt vua nộp cho quân Pháp. Để bảo vệ vua, Thống chế Nguyễn Thúy và con trai út Thuyết là Tôn Thất Tiệp bị đâm chết. Vua Hàm Nghi lúc bấy giờ mới có 17 tuổi. Sau nầy, một đức vua khác, cũng vào tuổi ấy, đứng lên chống lại chính quyền Pháp và bị đày qua đảo La Réunion : vua Duy Tân. Phần vua Hàm Nghi thì bị đày qua Algérie, lấy vợ ở bên ấy, có một con trai và hai con gái, cho đến lúc băng hà ngày 4.1.1943 tức là ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Ngọ, ông rất mê văn chương và nghệ thuật Pháp.
Bức chiếu Cần Vương vừa phổ biến là một trong nhiều bức đã được phát đi khắp nơi. Theo Giáo sư Léon Vandermeersch, người đã dịch ra tiếng Pháp và phân tích chiếu chỉ nầy thì đây là một văn bản xác thực, viết trên một mảnh lụa rộng 57cm, dài 70cm, gồm có 266 chữ Hán sắp thành 10 cột. Về mặt trang trí, hai bên có hai con rồng bốn móng lẫn lộn với mây, ở giữa phía trên vờn lên một mặt trời; dưới là một đường viền trong ấy thấy có một cái quạt, một tập sách, một cái bầu của người hành hương. Nhiều ấn son xác thực văn bản: một ấn vuông Nghi Minh/ Bảo Ân, 11 x 11,5cm, chín ấn vuông đôi Hoàng/ Đế nhỏ hơn 1,8 x 1,8cm; ngoài ra còn có chín ấn tròn Phúc Minh/ Chi Ân đường kính 4,3cm.
Đại cương bức chiếu là một bản hiệu triệu kêu gọi kháng chiến chống Pháp. Lời lẽ khó hiểu đáng được phân tích. Chương trình dự định là lên đường đánh chiếm thành Gia định, nhưng vì Văn Tường phản trắc nên vua phải rút lui về đây. Bất chấp nhọc nhằn, vua gian nan liều chết qua Đức cầu viện (!). Trước mối thù đất nước, đau xót trước thời cuộc, vua kêu gọi dân quân quan lại đóng góp tiền của giúp nước, vua sẽ không quên ơn. Chiếu đề ngày 2 tháng 4 năm Hàm Nghi thứ 5, tức là ngày 6.6.1889. Vào lúc nầy, vua Hàm Nghi đã bị bắt và đày biệt xứ từ tám tháng nay. Theo Giáo sư Léon Vandermeersh thì rất có thể, như từ trước, Thuyết thừa mệnh vua thảo tờ chiếu nầy (1). Nhưng Thuyết đã qua Vân Nam cầu viện Trung Quốc vào khoảng tháng 8.1888. Vậy hoặc Thuyết cho phát chiếu chỉ từ bên Trung Quốc hoặc một vị đại thần nào khác trong Phong trào Cần Vương đã thảo trong lúc vắng mặt Thuyết.
Bức chiếu này thuộc tư liệu của gia đình Thierry d'Argenlieu (*). Gia đình nầy dính líu gì đến Việt Nam? Georges Thierry d'Argenlieu vừa là một đô đốc thủy quân vừa là một tu sĩ Công giáo. Rất bảo thủ về chính trị lại muốn theo gương các đô đốc chinh phục thuộc địa ngày xưa (4), từ 16.8.1945 đến 5.3.1947, ông rời chủng viện nhậm chức Cao ủy Pháp tại Đông Dương. Chính trong thời gian nhiệm kỳ của ông, nhiều sự kiện đáng tiếc đã xảy ra ở Việt Nam, khởi xướng một cuộc chiến tranh dài tám năm. Hiệp định Sơ bộ, ký ngày 6.3.1946 giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện Hội đồng bộ trưởng Vũ Hồng Khanh và đại diện Cao ủy Pháp Jean Sainteny, nhắm mục đích tạo cơ sở "gây nên bầu không khí thuận lợi, cần thiết cho sự mở lập những cuộc đàm phán thân thiện và chân thành". Vậy mà đúng một tuần sau, trong một buổi họp của Hội đồng Tư vấn Nam kỳ, một cơ quan tối cao mà thực dân đã thành lập ở Sài Gòn, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh đề nghị và được chấp thuận lập xứ Nam Kỳ tự trị! Với tinh thần phá hoại Hiệp định Sơ bộ, Cao ủy Thierry d'Argenlieu đã làm khó khăn Hội nghị Trù bị Đà Lạt (từ 19.4 đến 11.5.1946). Sau đó Hội nghị Fontainebleau (từ 6.7 đến 12.9.1946) cũng không đạt được kết quả gì. Rút cuộc chỉ có một tạm ước được ký giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ngày 14.9. Trong thời gian ấy, ngày 1.6, chính phủ lâm thời Nam Kỳ ra đời, ngày 2.8 gia nhập Liên bang Đông Dương. Ngày 20.11, Pháp đánh chiếm Hải Phòng. Theo nhà sử học Philippe Devillers, Cao ủy Thierry d'Argenlieu thấy phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhất thiết không chịu nhượng bộ trước vấn đề thống nhất ba kỳ cũng như sự thành lập Liên bang Đông Dương thì dùng võ lực muốn loại trừ chính phủ Hồ Chí Minh (5). Dựa theo tài liệu lưu trữ của Pháp, ông xác định cuộc khủng hoảng năm 1946 ở Hải Phòng là do chính Cao ủy đã cố ý khiêu khích nhưng thất bại trong cuộc đảo chính ngày 19.12 tại Hà Nội. Từ đây bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, chỉ chấm dứt sau trận Điện Biên Phủ và hội nghị Genève năm 1954.
Không biết theo con đường nào và cách thức nào bức chiếu Cần vương nầy rơi vào tay Cao ủy Thierry d'Argenlieu. Dù sao, không có lý do gì để nó trở thành tư liệu của một gia đình. Vị trí của nó là trong một viện bảo tàng lịch sử, đặc biệt trong viện Bảo tàng Lịch sử thành phố Huế. Nếu các sử gia đánh giá nó là một tài liệu quý báu thì các cơ quan phụ trách phải thương lượng cho nó trở về lại quê quán của nó. Biết đâu nhân cuộc họp thượng đỉnh Pháp ngữ tổ chức nay mai ở thủ đô Việt Nam, gia đình d'Argenlieu lại không có một cử chỉ hào phóng mà ta không khi nào quên. Tôi đã có dịp trình bày với một ông giáo sư cháu Cao ủy là nhân dịp lễ biếu tặng bức chiếu chỉ, gia đình d'Argenlieu có thể thanh minh với dân chúng Việt Nam lời trách là Cao ủy không hề muốn Việt Nam được độc lập: con cháu Cao ủy thường nhắc là chính tướng De Gaulle không cho phép Cao ủy sử dụng danh từ độc lập đó! Còn nhiều đồ vật khác đang rải rác khắp nơi. Đầu năm nay, trong một cuộc triển lãm tại nhà hàng Bon Marché ở Paris, khán giả được ngắm cả ấn kiếm triều Nguyễn. Vị trí của chúng phải chăng cũng là ở viện Bảo tàng Lịch sử thành phố Huế? Trong khi chờ đợi một giải pháp hợp lý có thể thực hiện, các đồ vật lịch sử có thể tạm thời trưng bày ở viện Bảo tàng Á Đông Guimet lớn nhất nước Pháp, sắp được tổ chức lại và nghe nói phòng Việt Nam sẽ rất là quan trọng.
Câu hỏi từng được đặt ra và cần được thảo luận là những đồ vật lịch sử thuộc quyền sở hữu của ai? Năm ngoái, nhân đi qua Château Chinon, tôi có ghé xem nhà triển lãm của toà đốc lý trưng bày những quà biếu Tổng thống François Mitterrand trong hai nhiệm kỳ của ông. Nếu lý luận rằng quà biếu là cho vị tổng thống chứ không phải là cho cá nhân ông Mitterrand thì việc ông tổng thống trao lại các quà biếu ấy cho toà đốc lý là đúng lý. Nhưng đến nay chỉ có Tổng thống Mitterrand là người độc nhất làm việc ấy. Vừa rồi cũng có tin phu nhân cố tổng thống là bà Danielle Mitterrand đem bán đấu giá những đồ nữ trang đã nhận được để lấy tiền bỏ vào quỹ Hội Pháp - Tự do mà bà là chủ tịch. Cử chỉ này nằm trong cùng lý luận.
Ai cũng còn nhớ cuối Đệ nhị Thế chiến, Pháp đã đòi Đức trả lại những tấm tranh mà các tướng Đức không ngần ngại cướp lấy trong thời gian chiếm đóng nước Pháp. Gần đây, viện Vạn vật học Venetia bên Ý đạt được một con thằn lằn hóa thạch của Đức. Cuộc mua lậu bất hợp pháp này đã gây tai tiếng trong giới cổ sinh vật học và rồi đây phải trả lại con vật hóa thạch kia (6). Những nước như Ai Cập, Hy Lạp, Trung Quốc từng mất mát nhiều các cổ vật của nước mình cũng đã lên tiếng muốn thu hồi một phần nào các cổ vật ấy. Có lẽ còn nên do dự nếu các cổ vật lịch sử kia được khách thập phương ngắm nghía, chiêm ngưỡng trong những viện bảo tàng có tiếng như Musée du Louvre hay British Museum, nhưng nếu chúng chỉ được trưng diện trong tủ kính gia đình hay, tệ hơn, tích trữ trong tủ sắt nhà băng thì thật là một sự vô nghĩa, hoang phí và lẽ phải buộc phải hoàn chúng về lại quê cũ.
Hắc Ký Ni Sơnmùa tuyết 1995
Huế Xưa và Nay 15 1995
(*) Chú thích (đăng sau bài Cuộc đương đầu Đề Thám - Galliéni) Huế Xưa và Nay 93/ 2009
Một bức chiếu Cần vương đã được giới thiệu trong Huế Xưa và Nay số 15, tháng hai 1996, gần đây lại được "phát hiện" trên báo chí Việt Nam. Trong một bài phỏng vấn, nhà nghiên cứu Phan Thuận An, anh bạn của tôi ở Huế, có nhắc lại lời tôi viết: "Nếu các sử gia đánh giá nó là một tài liệu qúy báu thì các cơ quan phụ trách phải thương lượng cho nó trở về lại" rồi đặt câu hỏi: "Song gần 13 năm trôi qua, tôi vẫn không nghe nhà chức trách hay nhà chuyên môn đề cập đến vấn đề này". Xin thưa: Sau khi gởi bài về Huế, tôi có hỏi ý kiến ông Jean Rouget (nay đã mất), vị công sứ Pháp cuối cùng ở Đà Lạt năm 1954, Phó Hội trưởng hội Những Người Bạn Viễn Đông AFAO, có lẽ người đã khởi xướng chuyện dịch và in tờ chiếu này trong tờ báo của hội, về chuyện "hồi hương" của bức chiếu, ông cho biết là khó vì gia đình Đô đốc Thierry d'Argenlieu hiện chưa sẵn sàng biếu tặng. Tuy vậy, tôi cũng viết thư cho gia đình Đô đốc và được gặp một người cháu của ông, Antoine L.R. Thierry d'Argenlieu, giáo sư sử học. Ông này cũng nói như ông Rouget, viện cớ là người Việt không thích Đô đốc vì bảo Đô đốc không chịu cho Việt Nam độc lập, thật ra theo ông, không phải thế, chính Tướng De Gaulle không cho phép Đô đốc dùng danh từ độc lập. Tôi vội nói ông cứ về Huế rồi nhân buổi tiếp tân, trong bài diễn văn, bày tỏ hư thật cho nhân dân Việt Nam. Muốn đề nghị của tôi thêm phần thuyết phục, tôi viết thư về Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế. Lập tức, anh Thái Công Nguyên, lúc ấy là Giám đốc Trung tâm, nhờ tôi chuyển lại thư mời chính thức đại diện gia đình Thierry d'Arrgenlieu về Huế mang theo bức chiếu tặng cho Trung tâm. Sau một thời gian suy nghĩ, ngày mồng 2 tháng giêng 1998, ông Antoine Thierry d'Argenlieu nhờ tôi chuyển về anh Thái Công Nguyên một lá thư trả lời gia đình ông ta không tặng bức chiếu được vì muốn tập trung mọi kỷ niệm của Đô đốc lại một nơi. Tôi chỉ mong sau nầy sẽ có ai thành thạo ngoại giao thành công hơn tôi.
Hiện có phong trào các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp,... đòi các nước Tây phương trả lại những di vật đã cướp lấy ở nước họ trước đây. Điển hình là vừa rồi ở Paris có bán đấu giá hai hiện vật hình dung hai con thú do hai quân đội Pháp và Anh đã tự tiện đánh cắp đem về từ Bắc Kinh năm 1860. Một người Tàu đã mua nhưng không chịu trả tiền và hiện Trung Quốc đang đòi chủ nhân hoàn lại.
Tham khảo:
(1) Bulletin de l'Association Française des Amis de l'Orient AFAO, Paris 40 (1995), tr.1,4
(2) Nguyễn Thế Anh, Monarchie et fait colonial au Vietnam, L'Harmattan, Paris (1992), tr. 112,113
(3) Pierre Brocheux, Daniel Hémery, Indochine, la colonisation ambigüe, La Découverte, Paris (1995), tr.55,57
(4) Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt, Tập san Sử Địa, Sài Gòn 23-24, (1971), AVAC in lại, Paris (1987), tr. 8
(5) Philippe Devillers, a) Paris, Saigon, Hanoi, Collection archives, Paris (1988), tr.285
b) L'angle indochinois ou les leçons de l'histoire, trong Approches Asie, Economica phát hành, Paris 12 (1994), tr.50
(6) Sciences et Avenir, 586 (12.1995), tr.101.
30- VÀI MẨU CHUYỆN XƯA
Học xong trường tỉnh Quảng Nam ở Vĩnh Điện, lần lượt được ông Đốc Kim, rồi thầy Trợ Sóc, thầy Trợ Hoằng khen thưởng, đậu bằng tiểu học khá cao, tôi tưởng chỉ ghi tên thi tuyển vào trường Trung học Khải Định (Quốc Học) là đậu ngay. Tôi không dè sĩ tử miền Trung khá giỏi, lại chỉ có ba mươi chỗ vào đệ nhất niên nên trong keo nầy tôi trượt vỏ chuối. Đây là bài học đầu tiên có ý nghĩa trong đời tôi: học giỏi, cố gắng, làm việc nhiều chưa đủ, còn phải học giỏi hơn, cố gắng, làm việc nhiều hơn mới mong thực hiện được chút ít tham vọng dù nhỏ mọn của mình. Bài học quý báu này theo dõi tôi suốt đời sau nầy, dù trong một cuộc chơi thể thao, chẳng hạn đấu bóng bàn cho đội tuyển làng Bures, hay trong ngành nghề, khi thi lên ngạch giám đốc ở Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp.
Để chuẩn bị một cuộc thi tuyển thứ nhì vì dù sao Khải Định là một trường công, phải thi vào cho bằng được, các anh tôi ghi tên cho tôi đi học trường dòng tư thục Pellerin (niên khóa 1942-43), cạnh nhà ga Huế. Sau nầy, so sánh với trường Khải Định tôi mới ý thức cách dạy dỗ ở trường dòng thật là công hiệu: học sinh ngữ thì phải nói (chẳng hạn giờ ra chơi cũng phải sử dụng tiếng Pháp, học sinh nào nói tiếng Việt bị chuyển tay một cái bảng, hết giờ còn cầm là bị phạt), học toán thì phải thực tập toán nhiều (sau mỗi định lý thầy dạy là cả một lô bài toán cần phải làm thêm ở nhà),... Đằng khác, ngoài sách vở, trường rất chú trọng về mặt thể thao. Chính ở đây mà tôi đã học chơi đủ môn, bóng tròn, bóng rổ, bóng chuyền. Năm ấy, "frère" Colomban vừa là thầy chính, dạy môn Pháp văn, cũng vừa là huấn luyện viên thể thao. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh, trưa thứ năm, trời nắng chang chang, một tay vén chiếc áo dòng đen dài, tay kia giữ gọng kính, đầm đìa mồ hôi, thầy chạy theo trái bóng, tranh thủ cho kỳ được với bọn trẻ.
Nhưng danh tiếng của trường Khải Định quá lớn nên mặc dầu những lời khuyên răn của "frère" Colomban, mặc dầu nhiều tình cảm gắn bó với trường dòng, cuối năm ấy tôi lại nộp đơn thi vào lớp đệ nhất trường nhà nước. Hồi ấy, song song với ngành sẵn có (học bốn năm thi bằng Thành chung, rồi tiếp hai, ba năm thi hai bằng Tú tài bán phần và toàn phần), trường còn mở hai ban Tây phương (học nhiều các tiếng La Tinh, Hy Lạp) và Đông phương (chuyên về chữ Hán): học sinh bắt đầu từ lớp đệ lục học lên đến lớp đệ nhất thì thi bằng Tú tài bán phần, rồi năm sau thi bằng Tú tài toàn phần. Rất tiếc là tình hình đã sớm chấm dứt tổ chức này, nhất là ban Đông phương, có lẽ ngày nay nước ta hiếm chuyên viên Hán Nôm một phần nào cũng vì thiếu đào tạo từ trung học.
Năm này (1943-44), giáo sư chính của lớp tôi là bà Chambon, dạy Pháp văn. Bà là vợ ông giám đốc nha bưu điện Huế và nghe nói bà ta đẵ có đậu bằng Brevet Elémentaire. Điểm tích cực là giọng nói của bà ta hoàn toàn Pháp. Có lẽ trí óc bà cũng giới hạn trong không gian Pháp nên bà ít chú ý tìm biết cách sống của người bản xứ quanh bà. Một hôm bà đưa ra đầu đề bài luận văn: Một cuộc đi săn. Tôi mừng thầm vì rất sành bắn chim thì chắc chắn bài tôi sẽ rất độc đáo. Tôi tỉ mỉ kể cách tìm nhánh cây hình chữ Y cân đối, chọn cao su dai mềm cột vào làm ná, lục lọi sạn tròn làm đạn. Sau đấy, với nhiều chi tiết thực tế về kỹ thuật bắn ná, tôi kể lại buổi đi săn chim. Ví dụ phải nhắm vào đầu chim: nếu chim nhỏ như se sẻ, chào mào thì cơ thể chúng mới khỏi bị xé tan: nếu là chim lớn như cu xanh, chim cốc thì nếu không bắn vào đầu, chúng chỉ bị thương, rơi xuống đất, xuống nước, có thể lủi vào bụi rậm hay lặn xuống đáy sâu trốn mất. Rất hiện thực - điều mà các thầy gíáo ngày nay thường đòi hỏi ở các học sinh - tôi kể lại cuộc lùng bắt những con cu xanh ruột lòi khỏi bụng, máu chảy lai láng mà vẫn cố lẫn lút chạy thoát, mặc thây gai góc, rắn rết. Sau đó là nhóm lửa, nướng chim để ăn tại chỗ vì chúng tôi không quên đem theo một hộp diêm và tiêu muối. Hôm trả bài, tôi vô cùng thất vọng vì điểm rất xấu! Bà Chambon chờ đợi một cuộc săn dùng súng, cỡi ngựa, có chó săn chạy đuổi chim hay tha mồi về, một cuộc săn mà một đứa bé Việt Nam không thể thấy được. Đằng khác, bà ta trách móc bài luận đã diễn tả quá rùng rợn, chim chóc mất đầu, lòi ruột, máu me tràn trề,...
Cuối năm học, những lớp soạn thi cần giọng nói tiếng Pháp của bà để cho quen viết chính tả, bà được đổi lên dạy các lớp trên và thầy Nguyễn Lân xuống thế. Đó là dịp độc nhất để tôi được học với thầy mấy tháng. Một thầy khác cũng có tiếng nhưng tôi không từng được học là thầy Nguyễn Huy Bảo, giáo sư triết lý. Một hôm, nhân bà giáo sư Hamel bị dẹp bánh xe, thầy Đoàn Nồng, lịch sự với phụ nữ, liền lại bơm giùm. Thầy Bảo đi ngang, ngắm nhìn cảnh tượng rồi hài hước thả câu tả cảnh: "Monsieur Đoàn Nồng pompe Madame Hamel" (dịch sát nghĩa: "Ông Đoàn Nồng bơm bà Hamel") trước một đám học sinh cười rũ rượi. Gặp thầy Bảo ở Paris, tôi nhắc lại chuyện ấy, thầy mỉm cười như sống lại quá khứ xa xăm. Chính thấy là tác giả câu nhận định chơi chữ: "Học philo (triết lý) thật là folie (điên cuồng)".
Qua năm đệ nhị niên (1944-45), thầy Tăng Dục dạy Pháp văn, có phương pháp dạy khác hẳn với "frère" Colomban, thấy Lân hay bà Chambon. Thầy chú trọng nhiều về danh từ nên cứ mỗi buổi thầy cho một đầu đề như nhà cửa, bếp núc, trò chơi,... rồi lần lượt các học sinh giơ tay đề nghị những danh từ mình biết. Cái khổ là lần sau, khi trả bài, mỗi học sinh chỉ định phải đọc thuộc lòng danh sách các danh từ ấy theo thứ tự đã đề nghị trong buổi trước! Tôi không biết trước và sau chúng tôi thì thế nào chứ ở thế hệ chúng tôi không thấy có mấy ai giỏi học thuộc lòng. Nhưng dù sao, bài luận Pháp văn tôi được nhiều điểm nhất lại rơi vào năm ấy, đúng ngay trước cuộc đảo chính Nhật ngày 9.3.1945, nghĩa là từ nay hết còn làm luận Pháp văn ở trường Khải Định.
Cuối năm ấy, chương trình học chuyển qua Việt ngữ, Pháp văn trở thành sinh ngữ, sụt xuống ngang hàng với Anh văn, nhưng học sinh học thêm môn Nhật văn với một ông thông ngôn luôn bệ vệ với khăn đen áo dài. Thật ra, từ toán học qua Việt văn, từ vật lý qua sinh ngữ, buổi nào cũng học qua loa. Các giáo sư thích bàn luận thời sự hơn còn học sinh thì biết làm khó mấy thầy quanh chuyện nguyên tử, năng lượng. Tuy nhiên, kỳ nghỉ hè năm ấy đã đến trong nỗi hân hoan với những danh từ tự do, độc lập từ nay mặc sức bàn cãi. Các học sinh tản mác về quê trở thành những nhân viên thông tin, truyền bá quốc ngữ đắc lực.
Nhưng đâu có bàn cãi suông đưọc vì chính vào hè năm ấy, cách mạng bùng nổ và nền độc lập thật sự đang bị đe dọa ở miền Nam. Một quân đội Việt Nam đang được xây dựng để gởi vào Nam giúp sức kháng chiến. Vào kỳ khai giảng năm đệ tam niên (45-46), nhà ga Huế cũng cũng như suốt đường Lê Lợi chật đầy bộ đội ngoài Bắc vào tụ tập với quân binh địa phương chờ đợi chuyến tàu thẳng đường Nam tiến. Trường Khải Đinh dành cho Giải Phóng Quân, học sinh phải dời qua học bên Đại Nội. Từ trước tôi đã có dịp đi viếng thành quách triều Nguyễn, nhưng đây là lần đầu tiên được vào tận cung cấm, nơi mà truớc kia mấy ai có thể tưởng tượng có ngày dậm chân. Chen chúc với các học sinh khác, tôi cũng đã từng chễm chệ lên ngồi trên ngai vàng trong điện Thái Hoà, một vài giây đóng vai nhà vua nhìn ra Bái Đình, tưởng tượng chín hàng quan lại đang phủ phuc qùy lạy. Một thời vàng son đã qua và sẽ không bao giờ trở lại nữa.
Trong năm học nầy, chỉ có lớp buổi sáng, phần lớn buổi chiều dành cho huấn luyện quân sự. Danh từ to tát, thật ra chỉ là thể dục, học đi, học chạy, học nhảy, học ném lựu đạn,... Sáng học ở Đại Nội mà chiều phải qua tận bên Nam Giao để học những lớp nầy, nhà anh chị tôi lại ở gần An Cựu, trái đường, tôi kiếm cách ăn trưa ở một chỗ nào thuận tiện. Thường sống trong gia đình, tôi không quen đi tìm ăn ở ngoài. Sau cùng, tôi kiếm được một nơi lý tưởng, vừa ngon miệng, vừa mát mẻ, nhất là vừa rẻ tiền lại không bị người hầu bàn hỏi han phiền phức. Không phải là một khách sạn năm sao mà là nơi các phu xe lại ăn trước chợ Đông Ba. Những người nầy không bỏ được xe để đi mua phần ăn nên bà bán cơm dọn ngay quán trên lề đường. Bà chỉ có một món độc nhất là cơm với cá nục, đơm cho mỗi khách hàng một đọi rồi mỗi anh phu xe ngồi ăn trên chính xe của mình. Riêng phần tôi, học sinh độc nhất lạc lối trong đám phu xe, thì tìm một gốc cây phượng, lá hoa phủ mát, ăn xong còn có thể đem sách vở ra xem. Ngày nay, thói quen ăn quán cơm bình dân tôi vẫn luôn còn giữ mặc dầu sau mười lăm năm quán cơm sinh viên ở Âu Châu ăn toàn khoai tây luộc chán ngắt!
Năm tôi lên học lớp đệ tứ niên (1946-47), trường Khải Định lại dời về trường tư thục Việt Anh. Chuyện học hành dạo nầy lại còn trở nên ít quan trọng vì tình hình chính trị và quân sự rất trầm trọng. Trong thành phố, Giải Phóng Quân đóng ngay trong nhà thường dân. Nhà anh tôi ở cạnh trường Thiên Hựu, cạnh khu người Pháp, không khí còn căn thẳng hơn và qua đầu tháng 12, cuộc kháng chiến bùng nổ, cả trường lẫn học sinh đều phải tản cư về quê hay lên khu. Khi tôi vô lại Huế vào cuối xuân 47 thì quân Pháp đã chiếm đóng thành phố, ít nhất cũng ở trung tâm. Trường Khải Định lần nầy được mở ra ở trường tiểu học Thượng Tứ, nhỏ hơn trường xưa nhiều nhưng cũng còn lại rất ít học sinh. Bổn phận của bọn trẻ chúng tôi sau nhiều tháng tản cư là phải tự học ôn lại bài vở để cho kịp chương trình. Vì nguyên do chiến tranh, năm ấy không có tổ chức thi bằng trung học phổ thông. Tuy vậy, để cho có một mức học đứng đắn, trường cho biết sẽ tổ chức một cuộc thi tuyển vào hai ban đệ nhất khoa học A và B tương đương với lớp Seconde thời trước, một bên chuyên về toán, bên kia nặng phần vạn vật học. Hai môn có hệ số lớn là Việt văn và toán, vì vậy mặc dầu học sinh có thể tự học, mọc ra nhiều lớp dạy tư để luyện thêm hai môn này. Phần tôi không có tiền thì chẳng ghi học tư ở đâu được. Tạm dẹp Việt văn một bên, tôi cùng nhiều bạn rủ nhau tổ chức tự học toán theo kiểu trường dòng hồi trước, nghĩa là phải thực tập nhiều, không cần thầy. Chúng tôi họp nhau vài giờ mỗi buổi chiều, đã có ưng thuận với nhau trước tự học chương nào của cuốn sách toán Brachet-Dumarqué, khi gặp nhau chỉ đua nhau làm toán. Chúng tôi thấy tấn bộ rõ ràng, khi dự thi không chút mặc cảm. Riêng phần tôi đậu đầu vô ban khoa học B : mộng của tôi hồi ấy là học làm kỹ sư canh nông. Sau nầy tôi lại được học hóa học nhưng trong những bài báo khoa học gởi đăng trong nước tôi vẫn luôn còn hướng về cây cỏ với nhãn quan hóa học!
Qua kỳ khai giảng niên học 1947-48 thì trường Khải Định lại dọn về trường tiểu học Chaigneau cũ. Trường này đối với tôi là nơi quen thuộc quen thuộc vì hồi nhỏ đã có học ở đây hai năm dự bị và sơ đẳng. Năm học này, mặc dầu phải đi ở nhà người ta để dạy kèm hai đứa trẻ mà con nhà giàu thì phần đông là khó tánh, tôi thấy đầy thú vị vì học những môn mới lạ, nhất là về vạn vật học khi thầy Ngữ đi sâu vào tổ chức con người với ít nhiều khái niệm sinh lý học, mở ra cho trí óc một chân trời mà tôi chưa từng tưởng tượng đến. Sau nầy, khi bàn đến những hoạt chất trong cây thuốc, tôi luôn nghĩ đến những tính chất dược liệu của chúng và tác dụng của chúng lên các bộ phận của cơ thể. Trong năm học nầy, học sinh may mắn có được những giáo sư trẻ tuổi, có lẽ không uyên bác bằng những thầy cũ xưa, nhưng chắc chắn họ đầy nhiệt huyết của thanh niên thời mới. Chúng tôi còn chứng kiến được một mối tình chớm nở giữa hai vị giáo sư trẻ tuổi và hồi ấy tôi dành cho họ rất nhiều cảm tình. Họ vừa mới đậu bằng tú tài và đi dạy trong khi chờ đợi được đi học thêm xa. Thấy họ vui tươi đùa nghịch, thân ái ghẹo nhau, tôi cảm thụ tất cả hạnh phúc của một cuộc đời. Sau nầy khi anh chị qua Paris, anh đi học khoa học, chị theo trường thương mãi, tôi lại có dịp đi đón cháu bé đầu lòng ở trường mỗi khi bãi học sớm. Một gia đình đầm ấm như vậy tưởng sẽ tồn tại suốt đời, nhưng ông Trời đã dành cho họ một định mệnh khác...
Hồi ấy tôi chưa lớn nhưng cũng đã hết nhỏ. Mặt tình ái của tôi nằm vào mức người trai đang lớn lên như chàng Đẩu trong truyện Hoa vông vang của Đỗ Tốn. Trong ban đệ nhất khoa học (có nhiều lớp hai ban khoa học A và B học chung) có năm cô nữ sinh, điều lạ là ít thấy họ trò chuyện với các bạn trai. Cả năm cô chiếm trọn một bàn trước, không khi nào có một cô lùi lại bàn sau. Rút cuộc, ngồi sau chúng tôi chỉ thấy lưng mấy cô, riêng phần tôi thấy được lưng cô ngồi đầu bàn bên trái. Thôi thì có gì được nấy. Lắm lúc, khi thấy Ngô Văn Hân thao thao giảng giải văn thơ truyện Kiều, tôi trầm ngâm ngắm nhìn mái tóc thề của cô đổ xuống vai, uyển chuyển trên chiếc áo dài trắng rồi mặc sức mơ mộng. Một cái may cho tôi là hè năm ấy nàng đi học lớp Pháp văn của thầy Bùi Xuân Bào dạy thêm ở trường Thiên Hựu. Tình cờ vào lúc ấy tôi lại đi dạy kèm hai đứa trẻ ở Trạm thiên văn trước cửa trường. Thế là "ngẫu nhiên" tôi gặp nàng mỗi khi bãi lớp và có dịp đưa nàng về đến nhà ở tận trên Nguyệt Biều. Vắng bóng bạn bè, chúng tôi chuyện trò rất thân mật tự nhiên, từ học hành, thi cử đến thời sự, chiến tranh, về tương lai của một thế hệ thanh niên trong thời chinh chiến, nhưng không có một lời tình ái, một lần nắm tay. Hè năm ấy sao hồn nhiên tưng bừng đẹp quá mà cũng thật quá mau qua. Hết hè, biết tôi đậu vào học trường Vô Tuyến điện và sẽ rời Huế đi Sài gòn, nàng ân cần biếu tặng tôi cuốn Tuyết năm xưa do một Việt kiều viết về kỷ niệm ở nước Pháp, không dè cuốn sách ấy mở đầu cho cuộc Tây du của chàng trai sau nầy. Mười năm sau, tôi tình cờ gặp lại nàng trong một trại hè sinh viên bên Tây Ban Nha, vào lúc đó tôi vừa mới cưới vợ còn nàng thì đã tay ẵm tay bồng. Mái tóc đen còn đó, thấp thoáng đằng sau nét mặt dịu hiền một thiếu phụ vừa có con thơ, nhưng từ nay hết còn lắc lư trên vai áo dài trắng xóa năm xưa.
Cuối năm học ấy, không biết tương lai sẽ ngã về đâu, tôi tranh thủ học ôn chương trình đệ tứ niên để soạn thi bằng trung học phổ thông, một mảnh bằng không có bao lăm giá trị nhưng lỡ phải đi làm sinh sống thì cũng là một mảnh giấy cần thiết. Năm ấy, viện Đại học Sài Gòn mở trường Vô tuyến điện, không cần có bằng Tú tài cũng có thể dự thi. Trên đà thi cử, nhiều bạn đồng lớp soạn thi và một số đậu được thi viết. Vào vấn đáp chỉ có một môn toán, giám khảo lại là ông Harter, giáo sư toán học của chúng tôi trước kia ở năm đệ nhị niên. Rút cuộc năm anh em từ giã mái trường thân yêu cùng nhau lên đường du học Sài Gòn.
Ngày nay, trường đã lấy lại tên cũ là Quốc Học từ thuở ban đầu, nhưng đối với những học sinh lứa tuổi chúng tôi, trường vẫn luôn là trường Khải Định, nơi chúng tôi đã sống những ngày tưng bừng, rạo rực đầy kỷ niệm khó quên của một thời trẻ.
Hắc Ký Ni Sơn viết cho 100 năm Quốc Học
Người Sông Hương, xuân Đinh Sửu 1997

31- ĐIỆU HÒ XỨ HUẾ
Tiếng hát đâu mà nghe nhớ thưong
Mái nhì man mác nước sông Hương.
Tố Hữu
Tôi sống lên ở quê ngoại, làng Mỹ Cang, phía bắc thành phố Huế chừng 40 cây số, trên bờ sông Ô Lâu bốn mùa cuộn sóng xuôi dòng, tùy theo thời tiết khi trong khi đục, phản ảnh mây trời, mưa nắng. Lớn lên một chút, trường huyện quá xa, anh em chúng tôi đi vô Huế học, chỉ tết nhất, mùa nghỉ mới về đây thảnh thơi, vui đùa, gom góp những kỷ niệm êm đềm trước thời chiến tranh tàn phá quê hương. Nghỉ hè, trời nóng, chúng tôi đánh trần ngủ ngay ngoài hiên. Có những đêm quá nóng, lại chuyện trò hào hứng, cũng khó lòng nhắm mắt. Thế rồi, không biết bắt đầu từ bao giờ, khoảng 2-3 giờ sáng, một giọng hò vang lên trong đêm thâu. Tiếng hò theo đò từ xa lại gần rồi lại đi xa, không biết cô lái đò từ đâu đến và đi về đâu, cơ thể dẻo dai làm sao, mặt mũi duyên dáng đến mức nào. Chúng tôi chỉ nghe được lời thổn thức của cô ta, gởi gắm tâm tình vào sông, vào nước.
Biết đâu là cầu ô thước,
Mênh mông nguyện ước, dưới nước trên trời.
Đêm khuya ngót tạnh mù khơi,
Khúc sông quạnh vắng, có người sầu riêng.
Câu hò xao xuyến, bay bổng, điệu hò chậm rãi, miên man, tiếng hò bâng khuâng, da diết trong đêm thâu làm chạnh lòng hơn một người. Và cứ như thế, ba bốn hôm một lần không có ước hẹn, định kỳ, chúng tôi lại được thưởng thức một vài câu hò mặn mà, trữ tình, vô tình kín đáo chia sẻ nỗi lòng của cô lái đò cô đơn. Lúc đầu chỉ để ý, dần dần từ để ý chúng tôi trở qua chờ đợi. Rồi có những đêm trăng sáng, trong cơn gió thoảng, chúng tôi tưởng như có tiếng mái chèo khua nước, đợt sóng vỗ mạn thuyền, nhưng tiếng hò thì tuyệt không, thế là mặc sức thao thức không sao ngủ được. Hết hè, trở lại Huế vào trường học, chúng tôi phải tạm biệt cô lái đò, tạm quên những câu hò đầy tình cảm, thương nhớ của cô gái quê không quen, không biết, chỉ gặp nhau trong không trung, khí quyển, qua gió, mây, sóng, nước.
Người dân xứ Huế thường dễ rung động với đồng ruộng, sông nước, rừng rậm, cây ngàn. Vì vậy trong đời sống hằng ngày họ hay biểu lộ tâm tình qua những câu hò, điệu hát. Riêng câu hò có cả chục điệu. Trong công việc đồng áng, khi đạp nước, đạp lúa, học cố quên thời gian với những câu hò ô thiết tha, trầm bổng. Khi đập đất, đắp nền, họ trêu chọc nhau với những câu hò hụi lưu loát, linh hoạt. Khi làm đường, đắp đê, họ khuyến khích nhau qua điệu hò nện dồn dập, khẩn trương. Khi kéo bè, kéo gỗ, họ động viên nhau với những điệu hò kéo thác mạnh mẽ, khỏe khoắn. Khi xay lúa, giã gạo, họ đố đá nhau qua những câu hò giã gạo sôi động, hào hùng.
Cây chi trong rừng không lá,
Cá chi dưới biển không xương,
Trai nam nhi đối đặng, gái nữ nhi xin kết nguyền.
Ở nhà, hò ru con là điệu hò ngọt ngào, êm ái thường ngày mà bà mẹ nào cũng biết. Đứa con nhỏ nào mà không lớn lên với những bài học từ thuở dại thơ.
Ru con con théc cho muồi,
Cho mạ đi chợ mua vôi ăn trầu.
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh.
Chợ Dinh bán áo con trai,
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.
Trong số các điệu hò nầy, hai điệu được phổ biến rộng rãi nhất có lẽ là hai điệu chèo đò, giống nhau trong câu hát, chỉ khác nhau chút ít trong cách diễn tả. Hò mái nhì là điệu hò nổi tiếng nhất, buông lơi, man mác, thường được nghe trên dòng sông trầm lặng, độc diễn, nhưng cũng có khi đối đáp giữa hai người cùng nhau tâm sự, kẻ xướng, người , gởi lòng vào mây nước trong đêm vắng như hai nhân tình cùng nhau thỏ thẻ mối tình dưới trăng thanh.
Trai:
Em về ngược gió xô mưa,
Thuận buồm xuôi gió biệt mông xa chừng.
Em về anh cũng muốn về theo
Lên truông cát nóng lội đèo đá dăm.
Gái:
Cát nóng em đưa lưng em cõng
Đá dăm em lượm sạch đường anh đi.
Gần gũi với hò mái nhì là hò mái đẩy, rắn rỏi, dồn nén, thường vang vọng trong khúc sông nước xiết hay ở đầm phá sóng to, gió lớn, người lái đò phải vững tay cầm chèo, giữ lái cho nên điệu hò lơ lửng mà dứt khoát, chắc nịch.
Một mình cả chống cả chèo
Không ai tát nước đỡ nghèo một phen.
Cách ngân nga của các điệu hò mái nhì, hò mái đẩy thật là đặc biệt, nhất là khi do một nghệ sĩ người Huế biểu diễn. Câu hò bắt đầu với những ò ơ à ơ dài dăng dẳng tưởng như không khi nào ngớt. Rồi khi câu hò thật sự bắt đầu, mới được hai chữ lại còn ò ơ à ơ, xem người hò như chần chừ không muốn đi ngay đến đích để người nghe thưởng thức tiếng ngân của mình. Khi một người chưa sành, bước vào hò là thấy hấp tấp như bị chạy đuổi, quên mất ngân nga. Có lẽ cũng vì cách ngân nga nầy không dễ thực hiện mà cũng không dễ học nên biết bao người biết hát mà không biết hò. Ngày nay, như múa rối nước từ ngoài Bắc lên đường Nam tiến, hát cải lương từ Nam Bộ lấn ven sông Hồng, ca hò Huế cùng bún bò, bánh bèo,... phân tán khắp đất nước, vượt biên ra cả nước ngoài. Các ca sĩ buộc phải hát những bài ba miền nên thính giả được nghe những nghệ sĩ quê Bắc, quê Nam cũng ca, hò Huế. Ngay ở đoạn ò ơ à ơ là đã thấy không ổn. Nếu ca trù không thể diễn tả với một giọng khác giọng miền Bắc, cải lương phải được hát với giọng Nam. Ai đi xem hát cải lương ở Hà Nội chỉ được nghe ngâm thơ, sẽ thất vọng không nghe được một câu vọng cổ là tinh túy của cải lương. Và hò Huế chỉ có thể biểu diễn với giọng Trung. Khi giả giọng Huế, thường ca sĩ hạ giọng quá đáng, cho nghe một giọng nếu không vương âm Nghệ Tĩnh thì cũng lai căng, buồn cười như khi nghe tài tử điện ảnh Pierre Fresnay trong vai Marius bắt chước giọng Marseillais! Tôi chưa may mắn gặp được ai học hò mái nhì, hò mái đẩy qua nốt nhạc mà làm tôi rung động. Trái lại tôi đã được nghe những nghệ sĩ tuyệt diệu trong số những người thường hò trong đời sống hằng ngày từ thuở bé nhỏ, những người không có khi nào lại trường học hò!
Trước thế kỷ XIV, xứ Huế còn là vùng đất của người Chăm. Theo bước chân công chúa Huyền Trân, người Việt từ phía ngoài bắc mới dần dần vào hai châu Ô Rí khai khẩn đất hoang, sống chung với người bản địa. Theo những nhà chuyên khảo, ca hò Huế là hệ quả giao lưu giữa văn hoá Champa và văn hóa Đại Việt. Họ khám phá ra, bên cạnh những điệu nam ai, nam bằng, một giai điệu lơ lớ tức là hơi nam giọng ai hay ngũ cung ai của hò mái nhì, mái đẩy (do, ré non, fa già, sol, la non) là một kết hợp của ngũ cung đúng miền Bắc (do, ré, fa, sol, la) với ngũ cung oán của Champa (do, mi, fa, sol, la). Đặc biệt là kết hợp nầy chỉ giới hạn ở vùng Bình Trị Thiên, tức là ba tỉnh Quãng Bình, Quãng Trị, Thừa Thiên, không lan vào miền Nam mà cũng không tràn ra miền Bắc. Đi xa hơn, các nhà nhạc học nhận thấy nhạc Champa chịu ảnh hưởng nhạc Ấn Độ mà âm giai nhạc Ấn Độ lại gần gũi với âm giai pélog đảo Java ở quần đảo Nam Dương (Indonesia). Giáo sư Trần Văn Khê đem so sánh thì thấy điệu hò mái đẩy rất giống điệu pélog có thể nguyên quán từ vùng Ba Tư-Ả Rập. Đằng khác, một cây đàn đá tiền sử đã được phát hiện ở Đắc Lắc mà âm giai lại cũng rất gần giống âm giai pélog. Thì ra âm giai hai điệu hò mái nhì, mái đẩy đã có sẵn từ trước ở Cao nguyên miền đất Trung Việt, chứng minh một sự giao lưu giữa Nam Dương và Việt Nam. Thảo nào, qua bên ấy, tôi thường được người bản xứ gọi tôi" người anh họ phương xa". Mối giao lưu nầy còn được mở rộng ra Ấn Độ-Nam Dương-Việt Nam khi tôi có dịp tham quan và ý thức những điểm tương đồng giữa ngôi tháp "Bờ biển" ở Mahabalipuram miền đông Ấn Độ và các tháp Chăm ở nước ta. Ưóc mong rồi một ngày nào những nhà khảo cứu giải thích được tường tận cách thức những mối giao lưu âm nhạc, nghệ thuật này.
Trong lúc chờ đợi, giao lưu Pháp Việt, trong gần một thế kỷ sống chung và mấy chục năm chinh chiến, lại lên đường nối tiếp. Riêng đối với Huế, hai Festival 2000 và 2002 vừa qua đã là dịp để cho các đoàn văn nghệ Pháp trình bày với công chúng đất Thần Kinh một mặt văn hóa nào của xứ sở Rousseau và Voltaire. Ngược lại, những đoàn ca hát Huế, Phú Xuân hay trường Đại học Mỹ thuật Huế, ban Nhạc Cung đình hay nhóm tụng kinh niệm Phật của mấy vị tu sĩ cũng đem lại cho thính giả Pháp những làn điệu xa xăm, có khi lạ thường. Thật ra, những câu hò Huế đã từng được thưởng thức trên sân khấu Paris, ngay cả trong vở múa nhạc Khúc cầu nguyện trong ấy nghệ sĩ Ea Sola khai thác mặt ảm đạm, u sầu của các điệu hò mái nhì, mái đẩy thay vì sử dụng điệu hò đưa linh thấy như còn não nùng, ai oán hơn, góp phần xoa dịu khổ đau của những kẻ mất người thân.
Đêm năm canh ngày sau khắc con ve kêu giục giã,
Con đương mơ màng sực nghe tiếng mạ kêu.
Muốn tìm mạ tìm răng được mạ,
Tây phương đất Phật mạ đi không về.
May thay, gần đây, hò Huế đã đem lại vui tươi trong một buổi chiều thu ấm áp ở thị xã Orsay trong thung lũng Chevreuse. Nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương, nhân dẫn đoàn Đào Tấn qua Đức diễn tuồng Đông Lộ Địch (phỏng theo vở Le Cid của nhà văn hào Pháp Corneille) của thân phụ, cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, trên đường về ghé qua Paris thăm bà con, bạn bè. Nhân đó, một buổi gặp mặt thân mật nhân đó được tổ chức hôm 3.11.2002 ở Phật đường Khuông Việt để nữ sĩ và anh Trần Văn Khê trình bày tuồng hát bội và những câu hò Huế. Duyên nợ của tôi và chị Hỷ Khương lùi lại mấy chục năm về trước, khi tôi được nghe chị hò trong một băng cát xét từ Sài Gòn gởi qua Paris. Bây giờ đây được nghe chị đích thân hò, lại có anh Khê đệm đàn tranh, tôi thấy không có hạnh phúc nào bằng. Chị luôn còn giữ phong cách một tôn nữ đất Thần kinh. Giọng chị có phần già dặn hơn, tuy hơi khan những vẫn gợi biết bao nhớ thương, làm nhiều khán giả phái nữ dụt sùi, ướm lệ. Riêng phần chị cũng xúc động khi ngâm thơ hay hò những bài của thân phụ mến yêu. Tiếng đàn tranh đã làm tăng giá trị câu hò nhưng, qua trí óc tôi, cũng như ngày nay trên các đò du lịch trên sông Hương, hò có đệm đủ các nhạc khí tranh, nhị, tam, nguyệt, đưa bài hò qua một hệ thống khác, loại thính phòng, đánh mất ít nhiều tính hoang vu, thôn dã của câu hò đơn độc trong đêm vắng trên sông.
Thì ra hò thật là một loại dân ca rất được truyền tụng ở Huế, một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú. Có thể nói Huế là nơi tập trung nhiều điệu hò nhất trong một diện tích nhỏ hẹp miền Trung. Người con dân nào đã sống lên ở Huế mà không nuôi dưỡng trong lòng một bầu hò đầy kỷ niệm thơ mộng? Giờ đây, ngồi làm việc ở bàn giấy, tôi luôn có một dĩa hò nhẹ nhàng cho tỏa ra một bầu không khí ấm cúng quê nhà, làm dịu bớt nỗi nhớ nhung cả một thời thơ ấu êm đềm bờ sông Ô Lâu.
Đây quê mẹ ấp ủ tình thương
Đây xóm làng bao nỗi vấn vương...
Hắc Ký Ni Sơn tối mồng một năm Quý Mùi
Đoàn Kết 488-489 2003.

Bài và ảnh Võ Quang Yến
Theo http://chimvie3.free.fr/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...