Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

Cảm nhận về tập thơ "Huế trong tim tôi" của Hoàng Uy Di

Cảm nhận về tập thơ 
"Huế trong tim tôi" của Hoàng Uy Di
Mỗi tác giả đều có câu chuyện riêng của mình để kể. Hoàng Uy Di với những tâm sự vơi đầy nỗi niềm về quê hương, gia đình, người thân và chuyện tình của tác giả… tất cả đều được thể hiện  theo lối thơ tả chân, đi theo xu hướng gần như là hiện thực cuộc sống. Những nét vẽ trong cuộc sống đời thường đi vào thơ anh với tinh thần lãng mạn của văn học Phương Tây gia nhập vào nước ta từ đầu thế kỷ trước. Cùng với hồn dân tộc qua những âm hưởng của những câu ca dao, lời ru những làn điệu ca Huế đã có làm nên sắc điệu thẫm mỹ trong thơ Hoàng Uy di. Có thể nói hồn thơ anh là nơi gặp gỡ của hai nguồn thi cảm.  
Viết về gia đình, người thân, trước hết anh là một người con hiếu nghĩa. Những bài thơ anh dành cho mẹ thật cảm động! Hình ảnh mẹ trong thơ anh là người phụ nữ yêu chồng, thương con, tần tảo giỏi giang với đầy đủ những phẩm chất của người phụ nữ Huế rất đáng ngưỡng mộ. Anh viết về mẹ với tất cả tấm lòng của người con hiếu thảo. 
- “Giọt lệ này con rơi trên mộ mạ   
Mấy năm trời con vẫn mãi cách xa.“
(Nén hương lòng cho mạ)
Anh viết về người chị chẳng may qua đời rất sớm vì bom đạn với nỗi niềm đau xót tiếc thương:  
- “Chị ra di bỏ lại biết bao điều thương tiếc 
Mà ngày xưa chị em mình đùm bọc lẫn nhau”
(Chị tôi)
Anh viết về người em gái út với lòng yêu thương và pha chút tự hào về đứa em ngoan.
- “Em gái tui - một con người thánh thiện
Tiếng “dạ, thưa” luôn mãi mãi nằm lòng
Như dòng Hương nước vẫn cứ xanh trong
Và tứ đức tam tòng em có đủ”.
(Em gái Huế)
Đọc thơ tình của anh tôi mường tượng có nét gì phảng phất như hồn thơ của thi sĩ Nguyễn Bính, cũng những câu chuyện tình tha thiết đắm say mà dang dở, đầy khắc khoải, đợi chờ, nuối tiếc, chia ly… Dĩ nhiên những vần thơ tình của anh mang màu sắc riêng  của thi nhân gốc Huế, có dáng dấp của thi ca đương đại. Đọc thơ anh tôi có cảm giác thật bình yên. Lịch sử đi qua những thăng trầm biến cố, thấp thoáng ba động tới thơ anh nhưng ít đả động đến thế sự đổi thay. Những vần thơ giàu xúc cảm, đầy ắp tình người, tình đời trong một hồn thơ nồng nàn và lãng mạn, cảm hứng trữ tình xen tự sự trong câu chữ anh sử dụng toát lên vẻ chân chất với lời thơ dung dị. Ở các thể thơ: Thơ lục bát, thơ ngũ ngôn, thơ thất ngôn hay thơ bát ngôn... Anh đem ý thật trong tim mình ra tả bằng những câu thơ có vần, có tính nhạc mà không gò bó bởi niêm luật. Có thể nói anh là một trong những cây bút có phong cách phóng khoáng và dạt dào cảm xúc. Có nhiều câu thơ bộc lộ nét tài hoa, lãng mạn. Hoàng Uy Di không dùng ngôn ngữ cầu kỳ và hoàn toàn thuần Việt lại đậm đà hương vị Huế. Lời thơ trong sáng nên người đọc có thể hiểu dễ dàng qua trực cảm:
"Tôi cất giữ chút tình riêng vẫn mộng
Ngồi chờ em Long Thọ một chiều Thu
Nắng vẫn vàng như mật ong ngọt thắm
Nụ cười em tỏa nắng ngập nắng hồn tôi”
(Tình Huế và em)
- “Lời em nói là những lời dịu ngọt 
Rót vào tai những cung bậc yêu đương
Mà phiếm tơ rung âm hưởng yêu thương
Của bản nhạc tình vút cao cùng âm hưởng”
(Viết cho hôm nay)
Anh là người sinh ra và lớn lên ở Huế, rời quê hương ra đi khi ở độ trưởng thành, đã trải qua tuổi học trò đầy mơ mộng ở xứ Huế nên hình bóng Cố đô thận yêu, cả khung trời kỷ niệm luôn hiện hữu trong thơ anh. 
- “Cứ mỗi mùa hè đi qua Huế
Em hái giùm tôi cánh  phượng hồng
Rồi dệt thơ tình lên cánh mộng
Ép đầy trang giấy gởi cho tôi”
(Gửi tình cho Huế)
Những địa danh thân yêu một thời gắn bó với tuổi thơ của tác giả cũng được tác giả nhắc không chỉ một lần trong thơ như: Thôn Vỹ, Nguyệt Biều, Lương Quán, Thành Nội, Đông Ba... và bao giờ cũng đầy ắp kỷ niệm với mối tình thơ mộng tuổi thiếu thời và dĩ nhiên không thể thiếu hình bóng của giai nhân xứ Huế:
"Người anh yêu: Một dáng Huế yêu kiều
Chiếc răng khểnh và mái tóc chảy dài như suối
Lúc nàng cười lúm đồng tiền hiện hữu
Chiếm giữ hồn anh từ buổi gặp đầu tiên
(ANH SẼ VỀ THĂM HUẾ)
- “Đường thôn Nguyệt răng mưa buồn chi rứa?,
Đôi giày đinh anh trả lại quân trường.
Như quên đi một nỗi nhớ, niềm thương,
Từng ấp ủ trên đồi thông Long Thọ.”
Anh viết về tình yêu cho chính mình hay nói giùm bao tình yêu đôi lứa? Thơ anh chứa bao nỗi vời vợi nhớ mong, tha thiết chân tình và vô cùng lãng mạn. Có lẽ anh là người nhạy cảm lại hiểu rất rõ về bản chất của tình yêu nên thơ anh tràn đầy xúc cảm kể cả khi viết về những hẹn hò rồi chia ly với mối tình không đơm hoa kết trái với nỗi day dứt không nguôi. Mấy chục năm trôi qua ở xứ người mà hình ảnh "người xưa" chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí: 
”Anh ướp thơ lên vạt áo dài tha thướt
Bao cảm rung  anh gửi dáng trang đài
Anh thả hồn theo những bước khoan thai
Là tất cả với tôi - Người tất cả!
(Anh sẽ về thăm Huế)
Góc nhìn của thi sĩ tinh tế và sâu sắc nên cảnh vật thiên nhiên đã đi vào thơ anh một cách tự nhiên và rất có hồn. Nó làm nền cho những vần thơ và thông qua câu từ để chuyển tải cảm xúc làm lay động con tim đọc giả: Những hàng cau thôn Vỹ, những giàn trầu xanh, nụ hoa hàm tiếu, cơn mưa, vầng trăng khuyết... cũng nói lên vẻ đẹp của tình yêu, của thiên nhiên. Yêu thiết tha và đắm say biết bao nhưng cũng như mọi cuộc tình trên trái đất này tránh sao khỏi những trắc trở, chia ly. Vì thế những vần thơ lại càng da diết, hơn để cho người đọc không khỏi ngậm ngùi:
- “Sao em lại xa anh rời Thôn Vỹ 
Để lòng anh mang nỗi nhớ không nguôi?
Nếu một mai khi duyên phận đã thành 
Em không có cũng trở thành vô nghĩa”
(Tinh ta mãi nhớ)
- Yêu đương cũng lỡ làng duyên phận,
Tình xót xa vướng bận sầu rơi.
Tình xa hai ngã chia đôi,
Ngã đi biền biệt, ngã rơi cuối trời“
(Nỗi nhớ lên ngôi)
Với nghệ thuật “tả cảnh nhụ tình“ anh đã chọn những hình ảnh thiên nhiên đưa vào thơ rất duyên dáng, những hình tượng thơ tiêu biểu thể hiện bằng ngôn từ bình dị nhưng giàu chất thơ qua những hình ảnh so sánh, ví von, ẩn dụ... tả ít gợi nhiều làm cho câu thơ giàu biểu cảm và rất mượt mà, rất sinh động: 
“Em đến bên anh thật ngỡ ngàng     
Trong ngày bông tuyết mới vừa tan
Cho mùa xuân đến thêm đôi chút
Và trái  tim anh đập rộn ràng”
(Khi em đến)
- “Lời em nói là những lời dịu ngọt
Rót vào tai những cung bậc yêu thương
Kế thừa thi pháp truyền thống anh đã có những bài thơ lục bát câu chữ chỉnh chu, lãng mạn, mượt mà:
- "Ngắm nhìn hoa bưởi vườn sau
Ánh trăng lóng lánh như màu tóc em
Gió lay từng sợi tóc mềm
Đầu em khẽ tựa gối lên vai gầy”
(Tình cách trở)
Bằng vài nét phác họa theo thể thơ thất ngôn cũng lại cách tả ít gợi nhiều, hình ảnh đầy màu sắc, ngôn từ ngắn gọn, súc tích. Anh tả nàng thơ với những nét tinh tế dịu dàng và âu yếm. Đặc biệt có câu cảm thán gợi cuối bài, nhân vật trữ tình qua bốn câu thơ, bóng dáng một giai nhân đã hiện ra đáng yêu biết chừng nào!
- “Em đẹp trong màu tím tuổi thơ
Tím luôn trong nỗi nhớ xa mờ
Yêu em yêu cả màu áo tím
Đẹp quá em ơi! Tím đợi chờ”.
(Áo tím đời chờ)
Tôi như thấy trong thơ anh có cả bức tranh người đẹp và những giai điệu buồn của thơ tình vạn kiếp.
Những sự vật thiên nhiên đi vào thơ anh được thi vị hóa để đảm nhận sứ mệnh chuyển tải nỗi buồn  cho một cuộc tình dang dở:  
“Anh trách trời cao đã ghẹo người
Suốt ngày nắng héo mãi không tươi
Anh đem thương nhớ vào trong ấy
Chỉ đổi thời gian một nụ cười“
(Phận mình)
Các biện pháp tu từ: ví von so sánh, tương phản đối lập được vận dụng sáng tạo để anh viết nên những vần thơ giàu hình ảnh và nhạc điệu. Những câu chữ trong thơ Hoàng Uy Di bao giờ cũng dạt dào nỗi thương nhớ đầy vơi. Đó chính hương vị làm tăng thêm nỗi rung cảm xao xuyến trong thơ anh! “EM” và “Huế” trở thành cảm hứng trữ tình gửi gắm vào những vần thơ đầy cảm xúc qua giai điệu ngọt ngào đi vào lòng người để thêm yêu đời, yêu cuộc sống hơn!
- “Đi bên tôi tà áo trắng thân thương
Phủ bờ vai, mái tóc thề thơm mùi hoa bưởi
Đi bên em,tôi  thấy  mình trẻ lại 
Và niềm vui, sức sống với mùa xuân
Xa cách em mấy mươi mùa lá rụng
Huế bây giờ vẫn nỗi nhớ trong ta
Huế quê nhà tôi chưa ngày trở lại 
Nhưng  cuộc đời tôi chỉ mỗi Huế và em.
(Tình Huế và em)
Phần lớn các sáng tác của Hoàng Uy Di là  thơ tình. Một  trái tim yêu nồng nàn tha thiết và lãng mạn. Năng lực viết nhanh và viết khỏe cho thấy bút lực của Hoàng Uy Di quả là dồi dào. Tôi có cảm giác như mạch cảm xúc tuôn trào ra đầu ngọn bút để thành thơ. Tính đến nay anh đã xuất bản ba tập thơ. Hiện nay Hoàng Uy Di vẫn đang miệt mài sáng tác với niềm say mê lao động nghệ thuật, hứa hẹn thời gian tới sẽ có những tập thơ  đến với độc giả chúng ta. Nhiều bài thơ đã đăng trên trang cá nhân của tác giả: "Thương trao", "Anh đã yêu", "Nỗi nhớ lên ngôi", "Nỗi nhớ mùa thương", "Áo tím đợi chờ", "Em và mùa xuân", "Hoa xoan và nỗi nhớ"... được đông đảo bạn đọc yêu thích, có người còn chép vào số tay để lưu giữ cho riêng mình. 
Một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống và yêu những vần thơ. Hoàng Uy DI đọc thơ và sáng tác với tất cả đam mê của một tâm hồn nghệ sĩ đích thực. Anh miệt mài lao động nghệ thuật cần mẫn và sáng tạo, say mê tìm vần gieo chữ để diễn đạt cảm xúc, đóng góp cho đời những vần thơ tâm đắc, góp thêm một tiếng lòng cho nền thi ca đương đại.  
Ngôn ngữ thơ bình dị nhưng nội dung hàm chứa khá sâu sắc. Thơ Hoàng Uy Di giàu hình ảnh và nhạc điệu. Anh luôn dụng công sáng tạo tứ thơ, chắt lọc rung cảm, thể hiện chúng trong dùng từ tạo câu, lựa chọn thi liệu, thi ảnh kết hợp với các biện pháp nghệ thuật tu từ tăng thêm tính thẫm mỹ trong thơ  như ví von, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, tu từ, điệp từ, điệp ngữ... Cho thấy ở Hoàng Uy Di  một năng lực biểu đạt rất lôi cuốn người đọc. Chất thơ, giọng thơ mượt mà, trong sáng. Hồn thơ Hoàng Uy DI thể hiện một tình yêu cuộc sống, góc nhìn tinh tế mới viết lên những câu thơ giàu cảm xúc đến thế! Thơ Hoàng Uy dù ở thể loại nào đều có sự kết hợp giữa ngôn từ và tính nhạc rất hài hòa, biểu cảm. Thơ anh được bạn đọc yêu thích và đón nhận trước hết là tiếng nói chân thành từ trái tim, thi ý ngọt ngào và lãng mạn để dệt nên những vần thơ đầy rung cảm. Thơ Hoàng Uy Di phần lớn là ngôn ngữ bình dị, dể đọc, dể hiểu. Thỉnh thoảng cũng có những từ đượm màu sắc cổ điển. Sử dụng gieo vần khéo léo, phù hợp với ngữ cảnh, làm nên tính độc đáo trong thơ. Như chúng ta đã biết thơ là sự kết hợp ngôn từ và tính nhạc. Nếu nghiêng về ý thì thơ sẽ sâu nhưng rất dễ khô khan. Mà nghiêng về nhạc thì dễ đắm say nhưng cũng dễ nông cạn. Hoàng Uy Di tạo được sự hài hòa giữa ý và nhạc. Thi nhân tìm cảm hứng trong cuộc sống xung quanh với sự kế thừa thi pháp và thi liệu cổ điển qua hồn thơ đầy sáng tạo với những cảm thức mới lạ nên tất cả các sáng tác của Hoàng Uy DI đều mang am hưởng của cuộc sống và vẻ đẹp của thi ca hiện đại. Chứng tỏ một trình độ lao động nghệ thuật nghiêm túc để đóng góp cho đời những vần thơ thiết tha với tình yêu và cuộc sống. 
«Làm thơ không phải dễ… người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng» (Sóng Hồng). Mỗi nhà thơ mang đến một giọng thơ riêng. Thơ đối với Hoàng Uy Di như một niềm đam mê, một phương tiện nghệ thuật để anh gửi gắm nỗi niềm, đem đến cho độc giả yêu thơ những vần thơ có chiều sâu trí tuệ và đầy cảm xúc. Hãy đọc để thưởng thức và yêu mến thơ Hoàng Uy Di. Đọc thật chậm, thật kỹ để cảm nhận được ngữ điệu nồng nàn những cảm xúc thi vị của một tiếng lòng chan chứa yêu thương. Nhà thơ Đỗ Phủ đã từng nói (Tạm dịch) là: rất trọng cái hay trong thơ của người đời nay và cũng rất quý cái hay trong thơ của người của người đời xưa. Câu hay lời đẹp của họ ta đều yêu mến cả. Độc giả chúng ta hãy trân trọng kết quả lao động nghệ thuật của thi nhân. Người làm thơ đòi hỏi có tâm hồn đa cảm, có trái tim yêu thương nồng nàn, có vốn sống phong phú và năng lực biểu đạt. Ở nhà thơ Hoàng Uy Di có đủ những điều đó. Vì thế thơ Hoàng Uy Di  đã được không ít độc giả đón nhận và yêu thich.
Hãy đến với tập thơ HUẾ TRONG TIM TÔI của tác giả Hoàng Uy Di để cảm nhận, thưởng thức những ngọt ngào sẻ chia của một hồn thơ đa cảm.
Đọc thơ tình của tác giả Hoàng Uy Di đối với người đang yêu và sẽ yêu, tìm thấy được nguồn cảm hứng dạt dào, khao khát cho riêng mình .Đối với người đã trưởng thành đọc thơ anh cũng được sống lại với những kỷ niệm ngọt ngào của tình yêu đôi lứa - một thời tuổi trẻ đã qua mà bây giờ đã trở thành ký ức không thể phai mờ theo năm tháng. Xuyên suốt toàn bộ các sáng tác của anh là một tinh thần nhân văn đáng trân trọng: Đối với tình yêu cần tha thiết chân tình. Đặc biệt trong thơ anh đọng lại tình yêu con người, thiên nhiên xứ sở dù có đi góc biển chân trời cũng hướng về quê hương với một tình yêu bỏng cháy không lúc nào vơi cạn!. 
(Bài đã được in trong thi phẩm HUẾ TRONG TIM TÔI của tác giả HOÀNG UY Di trang 5 đến trang12, NXB Thuận Hóa Huế tháng 8 năm 2018). 
Tp Huế, 29/12/2017
Hoàng Thị Bích Hà
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam

  Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam 1. Khái niệm 1.1. Thể loại Đường luật   Thơ Đ...