Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Quế Thương: Giọng ca đẹp đang độ chín

Quế Thương: 
Giọng ca đẹp đang độ chín
“Lời ru từ vành nôi mong con sau khôn lớn, lớn khôn thành người, hiên ngang như dáng núi, bao la con sóng vỗ, dù cho giông bão có qua đây vẫn giữ bên mình lời ru… hơ…hỡi…”
Đang dẫn dụ người nghe bằng những âm diệu êm dịu, ngọt ngào của âm nhạc dân ca, bỗng đột ngột mà điêu luyện chuyển sang cao vút, trong vang nhạc thính phòng, Quế Thương đã thực sự chinh phục ban Giám khảo Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2015 để bê trọn HCV thứ 2 trong đời ca hát. Nhạc Sĩ Xuân Thủy, tác giả ca khúc Lời ru nguồn cội thực sự hài lòng khi chia sẻ: Lúc Quế Thương xin hát ca khúc này tôi rất lo. Ca khúc rất kén người hát; liệu cô ấy có vượt qua được cái bóng của những nghệ sĩ đã thành công với Lời ru nguồn cội như Kim Ngân (Đoàn ca múa nhạc Quân khu I), Cẩm Tú (Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội), Hồng Hạnh (Đoàn Văn công Quân khu IV). Nhưng, nghe cô hát thử, tôi dám tin cô sẽ giành kết quả cao”. Quả đúng, với ca khúc này kết quả mà các đàn chị đạt được là HCB, Quế Thương đã vươn tới HCV. Kết quả này có được từ sự nỗ lực cố gắng rất lớn của cô. Như co cho biết, sau khi nhạc sĩ Xuân Thủy đồng ý, cô nghe đi nghe lại ca khúc từ các giọng ca đàn chị. Cảm nhận tác phẩm qua từng ca từ, từng nốt nhạc; phân tích để thấy sự thành công của những người đi trước đang chủ yếu tập trung ở phần một, phần nghiêng về dân ca, nhẹ nhàng, êm ái. Để tạo nên cái mới, cái khác và thành công tròn vẹn của bài hát, buộc cô phải thể hiện tốt cả hai phần, đặc biệt là phần hai của bài nghiêng về dòng nhạc thính phòng rất khó vì âm vực quá rộng, đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc tốt mới xử lý được. Khát vọng chinh phục nó kích thích cô luyện tập không ngưng nghỉ. Cả khi đi ngủ cô cũng nhắm mắt lại hát để cảm nhận hết từng lời ca. Cuối cùng cô không chỉ ghi dấu ấn mạnh mẽ ở những nốt nhạc cao vút, mà cái ngọt ngào của dân ca cũng được cô thể hiện rất tinh tế. Có những từ, câu cô hát nhẹ như một tiếng thở “Qua một trưa mùa Hạ… Ru cho tan băng giá” khiến lòng người lay động và thức tỉnh một trí tưởng tượng phong phú. Bài hát thực sự đọng lại trong lòng người nghe và thuyết phục được cả tác giả.
Nếu nhìn suốt cả quá trình từ HCV đầu tiên cô đạt được (ca khúc Câu hát Quê hươngcủa nhạc sĩ Hồ Hữu Thới - năm 2001) tới HCV thứ hai với ca khúc Lời ru nguồn cội năm 2015 cho thấy giọng ca Quế Thương có một sự thay đổi, một sự trưởng thành vượt bậc. Với Câu hát quê hương, cô chinh phục được ban giám khảo và chạm được vào tái tim khán giả hoàn toàn từ chất liệu dân ca ngọt ngào vốn có trong giọng hát bản năng, và sự xúc cảm tự nhiên trong cách thể hiện của cô; nó không đòi hỏi kỹ thuật nhiều và sự phức hợp trong giọng hát. Đến Lời ru nguồn cội, đó là sự kết hợp đồng thời nhiều khả năng của một nghệ sĩ chuyên nghiệp: kỹ thuật cao, giọng hát đậm màu dân ca và hài hòa cả dòng nhạc thính phòng. Một ca sĩ chuyên nghiệp, nếu không đủ bản lĩnh cũng khó thành công với ca khúc này.
Nếu năm 2015, khi xin tác giả Xuân Thủy thể hiện Lời ru nguồn cội, quả thực cô đánh bạc với chính mình vì cô chưa thực sự tự tin lắm, nhưng với Thương ôi phận gái (thơ Hồ Xuân Hương, nhạc Trọng Đài) tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tháng 9/2018, cô đã rất tự tin và đạt HCV (lần thứ 3). Phải nói, thử thách này cũng rất lớn. Ca khúc này cũng có hai phần: dân ca và thính phòng. Nó là lời tự sự, là tiếng thở than, là tiếng khóc đau thương của một phận gái tài hoa, mạnh mẽ, muốn bứt phá “gông cùm” của quan niệm cổ hũ thời phong kiến nhưng không đủ lực, vì sức đè nén ấy quá lớn; người đàn bà này đành gào lên, thét lên tiếng kêu thảm thiết “thôi đành một kiếp thế là xong”. Phần đầu Quế Thương nhập tâm một cách nhẹ nhàng, đầy chiều sâu tựa như bản năng khiến người nghe vô cùng xúc động. Những câu sau cuối của phần hai, cô phải sử dụng những âm treo vốn rất khó trong dòng nhạc thính phòng, với sự dồn dập hát đi hát lại ba bốn lần, để cuối cùng sự bất lực, sự đau đớn tận cùng phải chấp nhận số phận của nhân vật được cô lột tả toàn bộ khi đẩy lên đến những nốt xí, nốt đô cao đỉnh điểm kết bài mà âm thanh vẫn vang rền, tròn trịa. Nhạc sĩ Trọng Đài thừa nhận: Quế Thương đã rất thành công với ca khúc của tôi. Thơ Hồ Xuân Hương vốn đa tầng, sâu sắc, cảm thụ đúng tinh thần bài thơ rất khó. Đây lại là bài hát mới, bài hát khó, ca sĩ chuyên nghiệp có bản lĩnh mới chọn những ca khúc như thế này. Quế Thương là người thể hiện đầu tiên. Đó cũng là một áp lực lớn. Nhưng cô ấy đã làm tốt.” Còn NSƯT Thu Lan, nguyên Trưởng khoa thanh nhạc Học viện Âm nhạc Việt Nam khẳng định: Khi đã làm chủ được kỹ thuật, làm chủ được cảm xúc thì khó cũng thành dễ. Quế Thương bây giờ đã tới độ chín này. Dù là ca sĩ hoạt động tại địa phương nhưng giọng hát đã mang tầm của trung ương rồi”.
Để có được kết quả như hôm nay là cả một quá trình học tập, nỗ lực cố gắng không ngưng nghỉ của Quế Thương, từ khi còn là sinh viên trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An và sau này là Nhạc viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đến suốt quá trình công tác tại Đoàn Ca, Múa, Nhạc dân tộc Nghệ An.
Còn nhớ, năm 2000, 17 tuổi, trong nhóm sinh viên thanh nhạc tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, Quế Thương bị thầy Thái Đoàn, trực tiếp giảng dạy “chê” giọng yếu, “mỏng mảnh như sợi tơ nhện, cảm tưởng như có thể đứt bất cứ lúc nào”. Buồn. Chán. Và lo sợ. Chẳng lẽ khát vọng làm ca sĩ đã cháy bỏng từ ngày thơ bé thực sự dập tắt? Làm gì để khắc phục nhược điểm này? Lượng kiến thức về thanh nhạc được học ở trường rất ít vì mỗi tuẩn chỉ có hai buổi. Cô quyết định tự học thêm bằng cách đến Đoàn Văn công Quân khu IV, nơi thầy công tác, để xin được luyện cơ bản vào mỗi buổi sáng cùng các anh chị. Ở đây nhiều kiểu giọng hát giúp cô dễ hiểu bài và biết cách luyện tập theo. Từ sự giúp đỡ của thầy Thái Đoàn và các anh chị Đoàn Văn công QK IV, cùng sự khổ luyện bền bỉ hàng ngày, một tháng sau giọng hát của Quế Thương đã thay đổi rõ rệt, dày và vang hơn. Thay đổi đó tạo niềm tin, tạo động lực cho cô tiếp tục phấn đấu. Thế nên, từ năm học thứ hai cô sinh viên này đã giành được HCV đầu tiên của nghiệp ca hát.   
Tốt nghiệp CĐ VHNT Nghệ An, Quế Thương đầu quân cho Đoàn Ca Múa Nhạc Nghệ An (bây giờ là Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc Nghệ An). Qua thời gian công tác, cô vẫn không ngừng tranh thủ học hỏi thêm từ các nghệ sĩ gạo cội, nhờ thế Quế Thương nhanh chóng sở hữu một chất giọng vừa ấm áp, ngọt ngào thiên về dân ca, vừa có độ cao vút của thính phòng. Sau một thời gian ngắn hoạt động tại đoàn, cô trở thành một trong những ca sĩ trụ cột bên cạnh đàn chị Ngọc Hà. Nhưng cô không thôi khát vọng vươn xa. Như một người biết bơi đang bơi giữa hồ, cô biết đâu nông sâu, rộng hẹp. Nhưng khi ra biển lớn cô thấy “ngợp”giữa cái mênh mông của giới ca sĩ Việt Nam. Dù vậy, cô vẫn luôn khát khao muốn biết những nghệ sĩ trung ương, nghệ sĩ lớn người ta có những gì, và bản thân mình đã có gì để rèn luyện, bổ sung. Và cô xác định, chỉ có con đường học, học nữa. Khao khao ấy càng thôi thúc khi một lần nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ về Nghệ An có nghe cô hát. Ông bảo: “Quế Thương có giọng ca đẹp, nhưng không học lên sẽ mai một”. Vậy là năm 2013, cô thi quyết tâm thi và đậu vào Học viện Âm nhạc Việt Nam. Đây là thời khó khăn, thử thách nhất với cô. Vừa đi học xa, vừa phải tham gia biểu diễn các chương trình lớn của Đoàn, lại đang làm nhà, hai đứa con còn nhỏ phải gửi mẹ chồng chăm sóc. Cô biết quỹ thời gian của mình quá ít, cơ hội không nhiều nên đã tận dụng hết từng thời khắc. 4 năm học ở Hà Nội, cô như con thoi chạy suốt không nghỉ giữa thủ đô và quê nhà Nghệ; giữa giảng đường đến nhà các giảng viên để học hỏi thêm. Nhờ vậy, cô nhanh chóng tích lũy được những kiến thức bổ ích về nghề và cách một người nghệ sĩ thực thụ xây dựng hình ảnh. Kết quả là sau hai năm học đại học thanh nhạc cô đã “ẵm” HCV thứ hai (2015) đầy thuyết phục. Đồng thời, từ một ca sĩ nhà quê ra thủ đô học với đầu vào khiêm tốn, năm 2017, cô tốt nghiệp đạt loại xuất sắc chuyên ngành thanh nhạc (với 8 tác phẩm aria cổ điển rất khó, tác phẩm trình độ cao của Việt Nam và một ca khúc dân ca) đạt điểm 10 tuyệt đối.
Một con điểm không nhiều học sinh của trường đạt được. Người trực tiếp giảng dạy cô suốt 4 năm đại học, NSƯT Thu Lan đã phải thốt lên: “Cô bái phục em. Em đầy quyết tâm, nghị lực”. Từ đây Quế Thương cảm thấy tự tin, vững vàng hơn khi thể hiện các ca khúc khó trên các sân khấu lớn mang tầm quốc gia, quốc tế bên cạnh những nghệ sĩ tên tuổi. Và chỉ một năm sau khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Việt Nam Quế Thương đã sở hữu tiếp tấm HCV lần thứ 3 (9/2018). Còn ở tại Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc Nghệ An cô là trụ cột khó ai thay thế. Nhạc sĩ Trịnh Văn Thuận, nguyên Trưởng Đoàn Ca Múa Nhạc Nghệ An: “Quế Thương là ca sĩ số một của Đoàn. Cô sở hữu một giọng hát đẹp, cảm thụ tác phẩm tốt và xử lý bài hát rất khôn khéo, có học”.
Với tài năng đang vào độ chín, và với một quyết tâm lớn như đã có, tin chắc Quế Thương sẽ làm được như nhạc sĩ Xuân Thủy đánh giá: “Quế Thương sở hữu một giọng hát quý, hiếm, vì từ trước đến nay ở Nghệ An thường chỉ nổi lên với những giọng dân ca. Quế Thương được đào tạo bài bản, thấm đẫm chất dân ca và hài hòa nhạc thính phòng, lại sở hữu kỹ thuật thanh nhạc khá tốt. Tin chắc giọng ca của cô ấy sẽ có sức sống lâu dài trên nhiều sân khấu lớn”.
Thúy Hoa
Theo http://www.vanhoanghean.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen

Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen Về chiến tranh, thi sĩ Trung Hoa xưa đã viết: "Nơi vó ngựa chiến đi qua, mười năm sau cỏ chưa mọc và gi...