Cảm quan Phật giáo trong thế giới
nghệ thuật của "Cánh đồng
bất tận"
Trong quan niệm nghệ thuật của tác phẩm, dễ dàng nhận thấy ảnh
hưởng của tư tưởng Phật giáo. Một số học giả đi trước đã chú ý đến điểm này tuy
vấn đề chưa được nghiên cứu chuyên sâu. Theo chúng tôi, cảm quan đời sống thẩm
nhập triết lý Phật giáo đã góp phần tạo dựng hình tượng không gian, thời gian,
nhân vật, chuyển tải những chiêm nghiệm thế sự.
Với cả những người ủng hộ lẫn những người phê phán, trong nước
cũng như nước ngoài, Cánh đồng bất tận đều được xem như có ý nghĩa cắm
mốc, chia sáng tác Nguyễn Ngọc Tư thành hai giai đoạn trước và sau tác phẩm
này. Điều quan trọng làm nên sự cách tân của Cánh đồng bất tận mà hầu
như tất cả các nhà phê bình đều nhận thấy chính là ở tầm khái quát và chiều
kích suy tư của nó [1].
Tới Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư không chỉ là người kể
chuyện có duyên với những tình tự quê hương Nam Bộ mà đã tạo dựng nên một thế
giới nghệ thuật riêng, không chỉ phản ánh thực tại khách quan mà thể hiện một
cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm về con người và cuộc đời.
Trong quan niệm nghệ thuật của tác phẩm, dễ dàng nhận thấy ảnh
hưởng của tư tưởng Phật giáo. Một số học giả đi trước đã chú ý đến điểm này tuy
vấn đề chưa được nghiên cứu chuyên sâu. Theo chúng tôi, cảm quan đời sống thẩm
nhập triết lý Phật giáo đã góp phần tạo dựng hình tượng không gian, thời gian,
nhân vật, chuyển tải những chiêm nghiệm thế sự, nhân sinh mang tầm phổ quát,
khiến Cánh đồng bất tận trở thành tác phẩm cắm mốc sáng tác Nguyễn Ngọc
Tư nói riêng và văn chương Việt Nam đương đại nói chung.
Ngay ở lời đề từ, Nguyễn Ngọc Tư viết: “Tôi biết về Phật giáo
không nhiều, vơ được quyển sách nào thì đọc cái ấy. Cũng có điều hiểu được,
học được, làm được, nhưng nhiều điều buộc phải “bó tay”. Ví dụ như mấy lời
này: “Khi nào bạn bực tức, giận dữ, hãy bất động! Ngay tại đó! Đừng cử động! Đừng
làm gì cả! Đừng nói gì - dù chỉ một lời. Hãy yên lặng và bất động hoàn
toàn. Tuyệt đối không biết gì đến kẻ hoặc sự việc làm cho mình giận dữ” (Hạn
chế sân hận, trải rộng tình thương - Tỳ kheo VISUDDHÀCÀRAZ). Trời ơi,
mình giận muốn chết, muốn gào thét, muốn cào cấu, muốn đập phá mà không cho
mình nhúc nhích, sao có thể hả hê? Đạt được đạo mới khó làm sao...”.
Học “bất động”, “hạn chế sân hận, trải rộng tình thương” dường
như trở thành cấu tứ lớn cho toàn bộ tác phẩm.
1. Không gian nghệ thuật
“Và chiếc ghe, cánh đồng, dòng sông thênh thang mãi…”. Câu
văn này khái quát không gian chủ yếu của Cánh đồng bất tận, một không
gian vừa quen vừa lạ so với những tác phẩm trước đó của chính Nguyễn
Ngọc Tư.
Trong những tác phẩm trước đó, không gian thường cụ thể, gắn
với “những vàm, kinh, rạch, xẻo, tắc chằng chịt, mà tên gọi cũng gợi trí tò mò,
tìm hiểu ở người đọc: vàm Cỏ Xước, Vàm Mắm, kinh Cỏ Chác, kinh Mười Hai, kinh
Thợ Rèn, Rạch Mũi, Rạch Ráng, Rạch Ruộng, Xẻo Mê, Xẻo Rô, Lung Lớn, Gò Cây
Quao..., hay những tên ấp, tên làng, tên chợ nhiều chất Nam Bộ: xóm Xẻo, xóm Rạch,
xóm Kinh Cụt, xóm Miễu, chợ Ba Bảy Chín, Cái Nước, Trảng Cò, Đất Cháy, Mút Cà
Tha…” [Huỳnh Công Tín]. Đến Cánh đồng bất tận, vẫn là vùng quê đồng bằng
sông Cửu Long đó, vừa xác định lại vừa trở nên như không xác định, với những
địa danh chỉ có trong tâm hồn hai nhân vật trẻ thơ khi chúng phiêu dạt đời du mục:
“Cánh đồng không có tên. Nhưng với tôi và Điền, chẳng có nơi nào là vô danh,
chúng tôi nhắc, chúng tôi gọi tên bằng những kỷ niệm mà chúng tôi có
trên mỗi cánh đồng…”.
Có cánh đồng mang tên người chị là cô gái ăn sương. Cánh đồng Chia cắt là tên Nương “tạm gọi” nơi cô đã đợi cho đến lúc hết hy vọng em trai mình quay trở lại. Cánh đồng Bất tận là cái tên Nương “tự dưng nghĩ ra” cho cánh đồng “vào mùa đẹp nhất trong năm”, rồi trên chính cánh đồng ấy, Nương bị cưỡng đoạt. Tác phẩm được dẫn dắt từ người kể chuyện là Nương, và thức nhận của nhân vật về sự kiện thường trở nên thiết yếu hơn chính các sự kiện, chính không gian tâm lý hơn là không gian vật lý đã thống lĩnh khí quyển thực sự của câu chuyện.
Có cánh đồng mang tên người chị là cô gái ăn sương. Cánh đồng Chia cắt là tên Nương “tạm gọi” nơi cô đã đợi cho đến lúc hết hy vọng em trai mình quay trở lại. Cánh đồng Bất tận là cái tên Nương “tự dưng nghĩ ra” cho cánh đồng “vào mùa đẹp nhất trong năm”, rồi trên chính cánh đồng ấy, Nương bị cưỡng đoạt. Tác phẩm được dẫn dắt từ người kể chuyện là Nương, và thức nhận của nhân vật về sự kiện thường trở nên thiết yếu hơn chính các sự kiện, chính không gian tâm lý hơn là không gian vật lý đã thống lĩnh khí quyển thực sự của câu chuyện.
Chiếc ghe vốn xuất hiện trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Ngọc
Tư, như một hình ảnh quen thuộc ở đồng bằng sông Cửu Long: ghe như đôi chân của
con người - đi lại, làm ăn, buôn bán, chợ búa, thăm hỏi, gặp gỡ, giao lưu…; ghe
đồng thời là ngôi nhà của một bộ phận cư dân. Trong đó có những người nuôi vịt
chạy đồng. Trong Cánh đồng bất tận, cha con Út Vũ cũng nuôi vịt chạy đồng,
nhưng, hành trình chiếc ghe của họ, trước hết và sau hết, không hoàn toàn vì
sinh tồn, mà chủ yếu là hành trình thù hận. Chiếc ghe không gắn kết mà
là chiếc ghe cô lập.
Đốt nhà, bỏ làng vì hận người vợ bội bạc, Út Vũ chống ghe đưa
hai con nhỏ ra đi, “tới những chỗ vắng người”, nơi ít ai hỏi: “Má mấy
đứa nhỏ đâu?” để ông khỏi đau đớn vết thương lòng. Khi đỗ bến thôn xóm, ruộng
vườn nào đó có người đàn bà mê mệt, sẵn sàng bỏ tất cả để theo ông, Út Vũ cho
người đó lên ghe, chở đi “một quãng đường vừa đủ để người ở lại nhìn rõ chân
dung của sự phản bội, sau đó người đàn bà bị hắt lên bờ”. Mỗi lần như thế, thật
khó để phân biệt, chiếc ghe của họ “bỏ đi hay chạy trốn”. Chạy trốn niềm
đau của bản thân, Út Vũ trả thù tất thảy đàn bà, gieo rắc niềm đau cho bao người
khác. Chiếc ghe của Út Vũ tạo lập những chia lìa, tan tác và tự thân nó cũng
chia lìa, tan tác. Chìm đắm trong đớn đau, thù hận, ông thậm chí quay lưng cả với
hai đứa con mình, chỉ vì chúng giống mẹ, chúng gợi nhớ về người xưa. “Thành
ra, cái ghe thấy nhỏ, lại rộng vô cùng tận, loay hoay chỉ ba con người,
nhưng nhiều năm trôi qua, hai chị em tôi vẫn cảm thấy xa cách cha”.
Chiếc ghe đưa cha con Út Vũ lênh đênh hết cánh đồng này
tới cánh đồng kia. Những “cánh đồng hoang vắng”, “cánh đồng hoang lạnh”, “cánh
đồng vắng ngắt”… Khi Sương tỉnh lại trên chiếc ghe đã cứu mình, cô phải kêu
lên: “Trời đất ơi, chỗ nào mà vắng tanh vậy nè?”. Chiếc ghe đơn độc đến
bất thường giữa cánh đồng cô liêu đến bất thường. Chiếc ghe không bến đỗ yêu
thương để cánh đồng thành biển xa vô vọng: “Có ai chờ chúng tôi, trên những cánh
đồng khơi?”.
Chiếc ghe đi, đi mãi vẫn trong vòng luẩn quẩn của đớn đau,
thù hận. Bữa ăn gia đình mà ba cha con lặng lẽ, cô độc “như ba cái mả ngồi”,
Nương “tưởng mình đang ngồi trên cánh đồng của chín năm trước. Một
cánh đồng miên viễn với gió lắt lay những khói nắng héo xèo, một nhúm mây
rất mỏng và rời rạc bay tha thểu trên cao. (…) Cảnh không đổi, người cũng
không, cứ ngồi ngoáy mãi vết thương cũ, nhỏ nước mắt”.
Trong những tác phẩm trước đó của Nguyễn Ngọc Tư, yếu tố
không gian nổi bật nhất là sông nước: “sông bốn phía, nước tư bề! Quơ chỗ
nào cũng đụng nước, ngó chỗ nào cũng thấy sông. Nước là nền, sông là dòng cho
ngòi bút của Tư triền miên tuôn chảy...” [Kiệt Tấn]. Đến Cánh đồng bất tận,
vẫn có sông, kinh, ao, đầm... nhưng cạn nước. Tìm chỗ tắm, Sương ngao ngán
ngó dòng kinh đầy váng phèn, sau rồi trầm mình xuống nơi Điền gọi là ao,
thực ra là “một hố bom cũ, bình bát mọc quanh, rau muống chằng chịt phủ kín mặt
nước”. Đàn vịt được nuôi trong sự mỏi mòn: “không có nước, chúng bì bạch, chậm
rì và chẳng thể đi xa (…) Ngay cả nước để chúng tắm táp cũng chua lét vì phèn.”
Khắp nơi đều như vậy. “Người ta không thể trồng đậu, trồng dưa vì thiếu nước. Bầy
con nít giỡn nhoi trên những con kinh khô trơ lòng.” Nơi xóm nhỏ bên bờ
sông lớn mênh mang mà người dân lại không có nước dùng, “Ở đó, có người con
trai bảo: ước làm sao trước lúc má tui chết, bà được tắm một bữa đã đời”.
Ngay những câu đầu tác phẩm đã mở ra cánh đồng khô
hạn. “Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi chúng tôi quyết định
dừng lại, mùa hạn hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi
này”. Nam Bộ vốn là xứ hiền hòa hai mùa mưa nắng, nhưng trong Cánh đồng bất
tận là “mùa hạn nóng bỏng, bất thường”, trôi trong nhịp điệu đợi chờ
lo âu, thắc thỏm “nắng rất dài”(…) “mà, mùa mưa vẫn còn xa lắm”.
“Và chiếc ghe, cánh đồng, dòng sông thênh thang mãi…”. Chiếc
ghe Út Vũ xuôi những dòng sông, giữa những cánh đồng nhưng thực sự đi vào sa
mạc của hận thù. Cánh đồng bất tận là hình tượng đầy ám ảnh của
sa mạc ấy, quá trình sa mạc hóa và sức mạnh hủy diệt. Hận thù không thể ngừng định
được hận thù, nuôi thù hận chỉ làm cho thù hận ngày càng chồng chất.
2. Thời gian nghệ thuật
Cánh đồng bất tậncó bối cảnh rất thời sự của đời sống người
nông dân đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, nơi
“những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát; những
cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa
nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành”. Đẩy câu chuyện tới
cao trào là dịch cúm gia cầm, một sự kiện trở thành tâm điểm của báo chí thời Cánh
đồng bất tận ra đời. Chúng ta không quên Nguyễn Ngọc Tư cũng đồng thời là
phóng viên.
Tuy nhiên, chúng ta có cảm giác các nhân vật “bị dồn đuổi ráo
riết” dường như chủ yếu không phải từ tiến trình những sự kiện khách quan như vậy.
Trước cảnh những đàn vịt bị chôn sống, trong khi “Đám nuôi vịt chạy tụm lại ở một
chỗ, cúi mặt vào lưng nhau. Họ xót của, tiếc tiền, họ cảm nhận được sự kiệt quệ,
đói nghèo đang vây bủa” thì Nương thấy “Cha tôi ngồi riêng biệt ở một bờ đất và
đốt thuốc ngó trời, điệu bộ hơi dửng dưng.” Nương hiểu sâu sắc rằng: “Với
nỗi đau sâu hoắm sẵn trong lòng, thì những biến cố khác chẳng qua như một
vết xước nhỏ ngoài da, nhằm nhò gì.”
Gây áp lực “dồn đuổi ráo riết” trong Cánh đồng bất tận là
một tiến trình thời gian khác, ngấm ngầm mà mạnh mẽ, hùng hồn, sâu dưới mọi biến
cố.
Không đợi đến khi chị Sương ra đi, Điền cũng ra đi, Nương mới
nghĩ đến “chuỗi rất dài của sự trừng phạt.”
Sự trừng phạt của lưới trời lồng lộng, buông tỏa nơi nơi,
theo sát kẻ phạm tội, không đường trốn thoát: “Điều đó lý giải vì sao thiên
nhiên ngày càng trở nên hung dữ hơn, khắc nghiệt hơn. Bằng những sấm chớp, gầm
gừ, dường như trời đất đã nín nhịn nhiều, cuồng nộ bắt đầu rồi đây. (…) Ý
nghĩ đó xuất hiện triền miên trong đầu tôi, rằng trời chỉ trút mưa, trút nắng ở
nơi chúng tôi dừng chân lại. Nỗi bẽ bàng của những người đàn bà bị cha tôi
bỏ rơi (và cộng thêm niềm đau vỡ của những người quây quanh họ) đã thấu qua những
tầng mây”.
Sự trừng phạt, Nương biết tên của nó và luôn cảm thấy nó đi
theo như cái bóng, không thể rũ bỏ, nó có động năng, có gia tốc không cưỡng lại
được: “Sự báo ứng dường như đang ở rất gần”.
Sự trừng phạt, được vận hành bởi thế lực vô hình mà cách thế
lại như thể của một nhân cách sắt đá, gắt gao: “Sự trừng phạt tính toán cũng vừa
vặn, vừa đủ vui, vừa đủ thương, quấn quýt, nó lại đứng sau lưng và cười nhạo
chúng tôi.”
Sự trừng phạt không chút sớm và không chút muộn. Giống y như
Út Vũ đã tính toán quãng đường vừa đủ khi ông hất bỏ những người đàn bà nông nổi
lên bờ để họ không còn đường quay lại, đến lượt ông, sự trừng phạt cũng cân nhắc
khít khao, chặn đứng mọi nỗ lực tái hồi. Chính xác khi trong ông như manh nha
ân hận, tiếc nuối, chính xác khi yêu thương như chợt tỉnh sau giấc dài u mê:
“Cha bắt đầu có một chút quan tâm với tôi. Dường như chỗ trống của thằng Điền
nhắc cha nên quý những gì còn lại”. Chính xác khi ông bắt đầu ước mong con gái
mình được một cuộc sống bình thường. Nương cảm nhận được những cố gắng rất lớn
của cha, nhưng cô cũng còn cảm nhận về sự thể đã không còn cứu vãn: “Dường
như không còn kịp nữa, để hàn gắn sự đổ nát, để sắp xếp những mảnh vỡ
lạo xạo trong lòng. (…) Mà có đau, dường như cũng trễ...”.
Nương ý thức ngày càng sâu sắc về tiến
trình không thể tránh khỏi của sự trừng phạt, sự báo ứng. Trong mường tượng, cô
từng ngược trở về những cánh đồng nơi chiếc ghe của cha con cô đã đi qua: “Tôi
gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi
mắt sâu và chiếc mũi thẳng. Những đứa trẻ nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng
chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi. Và hình ảnh đó thật đến nỗi,
tôi giác lùi lại vì một đứa đang nhìn trân trối vào mình, ngạo nghễ: "Tao không
thích học, chừng nào lớn, tao đi chăn vịt. Má tao (hoặc ba tao) dặn, phải đánh
chết tụi chăn vịt kia".
Ba tên lưu manh cưỡng đoạt Nương trên cánh đồng, với cô,
không khác trong bản chất, cũng là những thằng Hận, chỉ lớn hơn những đứa trẻ nọ.
Điều đó lý giải cho phản ứng “yếu ớt, câm lặng” của cô khi “bị ghì ngửa
trên mặt ruộng bì bõm nước”: “Thằng Điền thì ở xa. Cánh đồng vắng ngắt, chấp chới
vài cánh cò. Tôi biết rằng, không có cái gì làm cho cuộc chiếm đoạt này dừng
lại”. Tự học lấy mọi điều mà sống trên cánh đồng cuộc đời, Nương đã hiểu
được sự chấp nhận, sự bất động mà người cha chưa hiểu nổi: “Cha
không chấp nhận điều đó. Ông liên tục vùng vẫy.” (…) “Ước gì cha tôi
hiểu, để mà thanh thản…”.
Một “chuỗi rất dài của sự trừng phạt”, gieo gì gặt nấy. Cánh
đồng bất tận là hình tượng đầy ám ảnh của tiến trình báo ứng. Như cái hạt
đã gieo sẽ lớn lên thành cây, ra trái, hạt độc cho trái đắng, hạt lành cho trái
ngọt, con người ta khi gieo hành động, dù thiện hay ác, không một hành động nào
mất đi không tăm tích trong dòng thời gian, mỗi hành động tạo kết quả tương ứng
và không ai khác ngoài người gây tạo hành động phải nhận chịu kết quả hành động
của chính mình.
3. Hình tượng nhân vật
Trước Cánh đồng bất tận, “một trong những điều làm người
đọc có cảm tình với truyện của Nguyễn Ngọc Tư là vì chị đã tái hiện được những
nét tính cách “Nam Bộ rặt” trong khi xây dựng hình tượng con người” [Nguyễn Trọng
Bình].
Đến Cánh đồng bất tận thì khác.
Trả lời câu hỏi: “Nhân vật trong “Cánh đồng bất tận” có
nguyên mẫu không?”, Nguyễn Ngọc Tư bảo: “Không, tôi tự nghĩ ra. Tìm đỏ con
mắt cũng không thấy người nông dân nào dữ dằn vậy đâu”.
Trong một cuộc phỏng vấn khác, nhà phê bình cũng đưa ra nhận
xét về tính cách tàn nhẫn, khinh bạc của nhân vật Út Vũ: “Liệu nhân vật này có
giống một số nhân vật người cha của nhà văn M.J Coetzee không? Một số người cho
rằng tâm lý của ông ấy không giống người Nam Bộ lắm, mà "tây" quá?”.
Nguyễn Ngọc Tư thú nhận: “Ông ấy có vẻ "tây" thiệt. (…)
Nhưng nếu tôi viết theo tính cách người Nam Bộ thì sau khi vợ bỏ theo
người, ông ấy sẽ buồn, uống rượu. Sau đó nguôi ngoai và ở vậy nuôi con. Hay sẽ
lấy vợ khác (bà này cũng rất mực thương con của chồng dù tụi nó không thương lại,
nhưng cuối cùng cũng hiểu được tấm lòng nhau). Tôi viết theo kiểu đó hoài, nên
rành lắm. Nhưng như vậy thì tôi có gì mới?”.
Có thể thấy Nguyễn Ngọc Tư như tự giác từ bỏ chất “đặc sản” địa
phương, thậm chí hy sinh cả sự chân thực tính cách khi xây dựng những nhân vật
trong Cánh đồng bất tận.
Thi pháp nhân vật của tác phẩm này, có thể nói, là thi pháp của
cái dị thường.
Út Vũ dị thường. Không ít lần, Nương nghĩ, tận đáy lòng, “cha
hơi khác-con-người”. Cô nhặt nhạnh từng nét biểu hiện cho niềm hy vọng:
“Cha tôi đã có-vẻ-bình-thường”. Không ít lần cô thầm lén ước ao: “chị chủ
nhà chính là hy vọng để chị em tôi trở về cuộc sống bình thường với một người-cha-bình-thường”.
Hai chị em Nương và Điền cũng dị thường. Chị chủ nhà ở Bàu
Sen ngần ngại nói với cha Nương: “Ngó mặt hai đứa con anh (…) thấy… không
bình thường”. Đứa con nhỏ của chị ta cũng nhanh chóng nhận ra điều đó, nó bỏ mặc
không rủ Nương và Điền cùng tham gia những trò chơi trẻ con nữa. Ở trong cự ly
gần với Điền, chị Sương phải thảng thốt la lên: “- Trời đất ơi, sao vầy nè,
cưng?”. Nương và Điền tự ý thức sự bất bình thường của chúng - “Hai đứa tôi đều kỳ
dị, đến mức nhiều khi tự giật mình” - không những thế, nhiều khi Nương và Điền
xem đó là một lựa chọn - “chúng tôi chấp nhận để cho người ta nhìn mình
như những kẻ điên (miễn là tạm quên nỗi buồn của cõi - người)”.
Ở những mức độ khác nhau, họ đều là những nhân vật lạc
loài, những nhân vật mất mát.
Nỗi đau của Út Vũ trước sự phản bội của người vợ mà ông hết
lòng hết dạ thương yêu là nỗi đau tàn phá, giết chóc. Khi nổi lửa đốt ngôi nhà
của mình, “nhìn ngọn lửa, mặt đanh lại, rồi mắt bỗng rực lên”, ông đã cháy
thành ngọn lửa. Mặt khác, anh bị chính ngọn lửa ấy thiêu rụi: ông “giống như đồ
vật bằng gốm vừa qua cơn lửa lớn, vẫn hình dáng ấy nhưng đã rạn nứt”.
Nỗi đau nhanh chóng chuyển thành nỗi hận. Nương và Điền thấy
cha từ đáng thương trở nên “đáng sợ”, từ nạn nhân thành tội phạm, từ bị đồ
vật hóa trở nên bị thú vật hóa khi Út Vũ lao vào những cuộc săn
đuổi, trả thù đàn bà: “Cha giống như con thú trở về tổ sau khi no mồi. Con
thú nằm mơ màng nhấm nháp lại hương vị của miếng mồi, và ngẩm ngợi thòm thèm
con mồi kế tiếp. Có lúc sự vật lộn làm vết thương cũ của con thú đau, nó liếm
láp vết máu, và tôi hãi hùng nhận ra chỗ đau ấy cứ rộng thêm ra”. “Quan hệ theo
mùa, theo bản năng, trong cha tôi không còn một chút cảm xúc nào”.
Tuy nhiên, Út Vũ có thể đáng giận mà không đáng ghét. Vẻ cứng
rắn, khắc kỷ thậm chí tàn nhẫn, khinh bạc ông cố gắng tạo nên không phải bao giờ
cũng che khuất được con người thật bên trong nhạy cảm, yếu đuối. Không ít lần
Nương và Điền thấy ông như “người đóng tuồng vừa trút lớp. Xanh xao,
lạnh lẽo đến ngơ ngác và cô đơn”. Khi trong bữa ăn, Nương kể người ta đã hại chị
Sương bằng keo dán sắt, cả Út Vũ lẫn Điền “lặng đi, tiếng đũa tre khua vào miệng
chén ngưng bặt. Điền ngó tôi và tôi thì đọc được sự ghê sợ, kinh tởm cồn lên
trong mắt cha”. Cũng vậy, khi Điền giả đò té sông, “cha hơi giật mình hoảng hốt,
dợm lao xuống nước, nhưng rồi cha điềm nhiên ngồi lại, tiếp tục gọt đẽo, chắc
là nhớ ra thằng Điền đã lặn lội nước sông từ năm bốn tuổi, sức mấy mà chết
trôi”. Cả khi đẩy người đàn bà xóm Bàu Sen lên bờ, phản ứng của ông không phải
sự đắc thắng, hả hê mà pha trộn những phức cảm, đau và hận, xót thương và tiếc
nuối, cho người và cho mình - cái cười của ông vật vã mà ngấn lệ: “Người vừa
khuất trong tiệm tạp hóa, cha cười. Chị em chúng tôi mãi mãi không quên cái cười
đó, nó vừa dữ dội, đau đớn, hoang dã, cay đắng, nghiệt ngã. Cái cười thật
dài, riết lấy khuôn mặt cha, làm mắt cha hơi lồi ra, ánh lên như có nước”. Vì vậy,
sau khi Sương rồi Điền ra đi, Út Vũ đã thức tỉnh, dù muộn màng, ông trở về con
người ngày xưa của mình, yêu thương chăm sóc con gái như thể muốn bù đắp lỗi lầm.
Bị thù hận thống ngự đến thui chột yêu thương, mất mát nhân
tính, Út Vũ có thể là một nhân vật tha hóa. Nhưng vẫn không mất đi cốt lõi
sâu xa của một nhân vật hướng thiện. Không ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Ngọc
Tư đã xây dựng Út Vũ trong sự giành giật sáng tối: “đằng sau khuôn mặt chữ
điền ngời ngợi đó là một hố sâu đen thẳm, bến bờ mờ mịt, chơi vơi, dễ
hụt chân”. “Những suy nghĩ cồn cào làm cho vẻ mặt cha lung linh như bầu trời
nhiều mây và gió. Thoắt quang đãng thoắt âm u, thoắt khoái trá, thoắt đau
đớn…”. Hình tượng nhân vật cảnh báo cái ranh giới rất mong manh giữa yêu thương
và thù hận, cao thượng và thấp hèn.
Điền, nhân vật nam thứ hai trong tác phẩm, được thể hiện như
một nhân vật khiếm khuyết, tàn phế, với những bệnh lý tinh thần ủ
sâu dưới những bệnh lý thân xác.
Chín tuổi, chứng kiến cảnh người mẹ oằn oại dưới lão bán vải
lưng đầy những nốt ruồi, tâm hồn đứa trẻ đã bị tổn thương, bị vấy bẩn tàn nhẫn.
Từ đó, Điền mắc bệnh chảy nước mắt sống, “Điền khóc suốt (…) , dù vẻ mặt
nó rất bình thản”, những giọt nước mắt không bao giờ khô được “rỉ từng giọt như
máu tươi”.
Rồi lớn lên trên chiếc ghe của hành trình thù hận, ghê sợ sự
thô bạo của cha: “cha làm việc đó cũng như mấy con vịt đạp mái”, Điền
ngày càng khinh bỉ tình dục, khinh bỉ quan hệ giữa đàn ông và đàn bà mà theo Điền
chỉ có sự bẩn thỉu. “Điền chối bỏ niềm vui được trở thành một người đàn ông thực
thụ. Nó tự kìm hãm bản năng trỗi dậy mạnh mẽ ở tuổi dậy thì bằng sự tất cả sự
miệt thị, giận dữ, căm thù. Nó phản kháng bằng cách trút sạch những gì cha
tôi có, cha tôi làm”. Để đến nỗi Điền trở nên phi giới tính về mặt sinh
lý, không còn khả năng ân ái, yêu đương.
Không chỉ là nạn nhân, Điền là một nhân vật gương soi.
Những sai lầm của cha mẹ, theo những cách khác nhau, in ngấn tích không thể gột
xóa, hủy diệt đi bản chất trong sáng, làm vỡ nát tâm hồn và số phận của Điền
mãi mãi không thể hàn gắn. Nương cảm thấy: “Sự bất thường của Điền chẳng qua nằm
trong chuỗi dài của sự trừng phạt”. Sự báo ứng “gieo gì gặt nấy” đã vận hành dưới
bề sâu nghiệt ngã như vậy.
Về một khía cạnh nào đó, Sương cũng là nhân vật dị thường.
Nương đã thật sự ngạc nhiên lần đầu tiên nghe giọng của Sương
khi chị tỉnh lại sau trận đòn thù ghen tuông bầm giập: “Giọng nói chị không bị
thương tích gì hết, trong vắt và ngọt ngào”.
Nương cũng ngạc nhiên cách mà Sương kể mình bị đánh vì làm
đĩ: “- Ăn trên mồ hôi nước mắt của người ta nên lâu lâu bị đánh cũng đáng đời,
hen mấy cưng? Chị nói, và ngả nghiêng cười, dường như chị thấy mình trả
giá vậy cũng vừa. “Mà hên nghen, nhờ vậy mà gặp được mấy cưng, được ở chung vầy,
vui thiệt vui...”.
Sương đã mang tiếng cười vào cuộc sống ba cha con Út Vũ, cuộc
sống vốn chỉ gồm câm lặng, nước mắt nén vào lòng. Và chỉ trên cánh đồng mang
tên chị, hai đứa trẻ lại được nghe tiếng gọi “cưng”.
Những cực nhục của kiếp đời làm đĩ không tước đoạt được nơi
Sương tâm hồn chan chứa tình yêu, khao khát và tin tưởng ở tình yêu. Bầy vịt mổ
vào chân chị lúc chưa quen, “chị nhảy xổm ra, la oai oái, sau lại cười (mà
con mắt đung đưa phía cha) “mai mốt mấy con vịt quỷ này sẽ khoái chị, mấy hồi…”.
Hơn tuổi Nương và Điền không bao nhiêu, tuy nhiên, Sương đã chở che những đứa
em như tình mẹ con. Sương âu yếm vò đầu Điền, thương xót mất mát của Điền,
Sương nghẹn ngào ôm Nương khi nghe em kể kỷ niệm kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Tình
yêu thương ấy thêm động lực cho chị đến với Út Vũ và sau đêm yêu đương với Út
Vũ, “khuôn mặt chị tràn ngập ánh sáng, như chị vừa mở ra một cánh cửa
mặt trời.”
Trong Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư hai lần miêu tả
ánh trăng, đều gắn với Sương. Đêm Sương chủ động đến với Út Vũ, “trôi trên trời một
mảnh trăng mỏng leo lét”, còn đêm mà Sương đem thân mình để cứu bầy vịt, cứu cuộc
sống cả gia đình Út Vũ: “Chị về khi trăng rạng rỡ trên đầu”. Sương
là ánh sáng của tâm hồn yêu thương, nhưng những nỗ lực hết mình của chị
không đủ hồi sinh Út Vũ chìm sâu trong bóng tối thù hận.
Sương ra đi. Mà ánh trăng đêm ấy mãi còn trong Nương.
Hai nhân vật nữ trong tác phẩm, Sương và Nương, khác biệt số
phận và tính cách nhưng giống nhau dáng nét yêu thương tràn trề mẫu tính.
Thức dậy giữa đêm khuya, Điền thốt gọi: “Mẹ ơi” không chỉ vì
chị Nương giống mẹ hình hài, gương mặt, mà vì chị Nương ngồi bắt chí, vá áo cho
em thay mẹ, chị Nương ôm Điền an ủi, vỗ về như mẹ mỗi khi em đau khổ, cô
đơn.
Càng lớn Nương càng hay nghĩ về mẹ. Từ chỗ gột bỏ những gì giống
mẹ, cô có phần day dứt vì phải chăng chính những lời độc địa của mình đã đẩy mẹ
ra đi. Khi bị bọn lưu manh đè dí trên cánh đồng, cô đau đớn vì hiểu ra “vẻ mặt
má tôi cái hôm bị người đàn ông bán vải đo lên người hình như không phải là
khoái lạc thăng hoa, nó giống như tôi bây giờ, đau ràn rụa, nhói tận chân tóc”.
Tình yêu thương mẫu tính có năng lực đồng cảm, nhân ái,
bao dung. Khi Nương nghĩ mình có thể sinh con, “nó chấp nhận việc ấy,
dù phũ phàng”. Cánh đồng bất tận kết thúc trong hình dung ấm áp, nồng
hậu của trái tim người mẹ: “Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ
hay Dịu, Xuyến, Hường... Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi
tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi
nên tha thứ lỗi lầm của người lớn.” Kết thúc tác phẩm mở ra chân trời
tươi sáng khi cánh đồng bất tận không còn là sa mạc hận thù mà trở thành đất
lành gieo hạt giống yêu thương, khoan thứ. Hận thù không thể dập tắt được hận
thù, hận thù chỉ có thể được dập tắt bằng dòng nước mát của Tình yêu.
Triết lý Phật giáo về “bất động”, “hạn chế sân hận, trải rộng
tình thương” thực sự là cấu tứ lớn của toàn bộ tác phẩm.
Thế giới nghệ thuật trong Cánh đồng bất tận, cả
hình tượng không gian, thời gian lẫn nhân vật, không phân cực thiện - ác, tốt -
xấu mà cấu trúc trên sự tương phản giữa bóng tối của Hận thù, Hủy diệt, Chết
chóc, Tuyệt vọng vàánh sáng của Tình yêu, Che chở, Sự sống, Niềm tin… Vẫn
viết câu chuyện gần gũi thời sự về những người nông dân miền quê Nam Bộ quen
thuộc nhưng ở tác phẩm này, ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư đã vượt lên trên cái riêng,
cái cá thể để đạt tới thông điệp phổ quát của nhân loại, một nhân loại muôn đời
khát khao tình yêu thương cứu rỗi.
Chú thích:
[1] Đỗ Hồng Ngọc cho rằng “khi từ bỏ lãnh địa quen thuộc của
mình lao vào một cõi đất mới, một cánh đồng bất tận toàn cầu hóa: cái dục,
cái ác, cái xấu, cái phần “con” trong mỗi con người”, Nguyễn Ngọc Tư giống “ngọn
gió phương Nam mát rượi bỗng trở thành cơn lốc xoáy...”. Và tiếc nuối những tác
phẩm của Nguyễn Ngọc Tư từng “làm cho những người nhà quê trong mỗi chúng ta phải
cảm động, ray rứt, giật mình, cứ muốn được quê mãi như thế”, ông thở dài khi đọc Cánh
đồng bất tận “thấy một dạng luận đề, nhà văn muốn nói lên một điều gì
đó, muốn nhân danh cái gì đó, dàn xếp cái gì đó, tô đậm cái gì đó rồi dùng văn
chương của mình để đúc khuôn nó lại”.
Phạm Xuân Nguyên vui mừng vì
“Tư đã đưa ngòi bút mình ra khỏi nhà, khỏi xóm, đến với cánh đồng cuộc đời,
(…) bắt đầu chạm được vào những vỉa tầng cuộc sống của vùng đất cô sống
và viết văn. Dữ dội và nhân tình…”.
Theo Nguyên Ngọc, “qua những bức
xúc thời sự, Tư có cái tàibiến nó thành cái nhân loại.” Cánh đồng bất tận được
Nguyên Ngọc xếp ngang với Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, Nỗi buồn chiến
tranh của Bảo Ninh cùng những truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Huy Thiệp;
và ông khẳng định: “Với Cánh đồng bất tận, văn chương ta bước vào
toàn cầu hóa hôm nay một cách đàng hoàng, cùng và ngang bằng với những giá trị
nghệ thuật và nhân văn của toàn cầu, chẳng phải nể ai hết”.
Ông Seo Jae Young, đại diện
Nhà xuất bản Asia tại Seoul, khi giới thiệu bản dịch tiếng Hàn của Cánh đồng
bất tận (2007), cũng nói: “Qua tiểu thuyết của cô, người ta có thể cảm nhận
được sự thay đổi nhận thức về xã hội và cuộc sống.(...) Từ tác phẩm này,
chúng ta thấy rằng dòng văn học hiện đại của Việt Nam có thể được chia thành
hai giai đoạn, trước và sau Nguyễn Ngọc Tư”.
Tài liệu tham khảo chủ yếu:
1. Đỗ Hồng Ngọc: “Tiếng thở dài
với Cánh đồng bất tận”.
http://tuoitre.vn/
http://tuoitre.vn/
2. Huỳnh Công Tín: “Nguyễn Ngọc
Tư - Nhà văn trẻ Nam Bộ”.
http://evan.vnexpress.net/
http://evan.vnexpress.net/
3. Kiệt Tấn: “Sông nước Hậu
Giang và Nguyễn Ngọc Tư”.
http://www.viet-studies.info/
http://www.viet-studies.info/
4. Nguyên Ngọc: “Không gian của
Nguyễn Ngọc Tư”.
http://www.nguoibanduong.net/
http://www.nguoibanduong.net/
5. Nguyễn Ngọc
Tư: Cánh đồng bất tận.
http://www.viet-studies.info/
http://www.viet-studies.info/
6. Nguyễn Trọng Bình:
“Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư nhìn từ phương diện quan niệm nghệ thuật
về con người”.
http://www.viet-studies.info/
http://www.viet-studies.info/
7. Phạm Xuân Nguyên: “Cánh
đồng bất tận: Dữ dội và nhân tình”.
http://tuoitre.vn/
http://tuoitre.vn/
8. “Tác phẩm Cánh đồng
bất tận được chuyển ngữ và phát hành tại Hàn Quốc”.
http://www.rfa.org/
http://www.rfa.org/
Nguồn: Bình luận văn học - Niên giám 2011, Tạp chí Đại học
Sài Gòn, số chuyên đề (2011).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét