Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

Một tuyệt tác của thiên nhiên: Tâm trí của núi rừng

Một tuyệt tác của thiên nhiên: 
Tâm trí của núi rừng
Thiên nhiên thường đem lại cho con người những trải nghiệm rất tuyệt vời mang tính thư giãn, giải trí và khám phá. Không chỉ vậy, đối với một số người, tìm đến thiên nhiên còn là con đường gợi mở tâm linh, giúp ta nhìn nhận lại “trí tuệ” mà cuộc sống đã ban tặng cho vạn vật, hòa nhập vào trí tuệ của vũ trụ bao la.
HJ Andrew là khu rừng thử nghiệm của Sở Lâm nghiệp Hoa Kỳ, được thành lập lần đầu tiên vào năm 1948, nơi đây là một khu vực nghiên cứu sinh thái rộng 15.800 mẫu Anh, thuộc dãy núi Cascades ở bang Oregon. Hơn một trăm thí nghiệm được tiến hành tại Rừng Andrew, tập trung vào nghiên cứu vai trò của rừng trong việc bảo vệ chất lượng nước, kiểm soát dòng chảy, quá trình trầm tích, quá trình lưu chuyển, tồn trữ carbon, và việc cung cấp môi trường sống cho động vật hoang dã.
Vào năm 2003, Dự án Spring Creek tại Đại học bang Oregon, đã cùng phối hợp với Nhóm nghiên cứu sinh thái dài hạn Rừng Andrew, mời các nhà văn dành thời gian cư trú hàng tuần tại Rừng Andrew để đưa ra các cách quan sát vùng đất khác nhau nhằm bổ sung cho các cách thức khoa học. Những kết quả thu được gồm những bài thơ, truyện ngắn, tiểu luận, ghi chú hiện trường, tạp chí,… đã được thêm vào dữ liệu, các báo cáo kỹ thuật, các bài báo khoa học, những ảnh chụp từ trên không, số liệu thống kê, các bản đồ,…để nỗ lực đưa ra một bức tranh toàn diện về Rừng Andrew.
Trong đó bao gồm cả bài tiểu luận ấn tượng của ông Scott Russell Sanders, một tiểu thuyết gia, nhà tiểu luận nổi tiếng người Mỹ, người giành được những giải thưởng văn học danh giá nhất thế giới. Ông đã chia sẻ những trải nghiệm chân thật và sâu sắc nhất của mình khi hòa nhập tâm hồn vào khung cảnh thiên nhiên của rừng H J Andrew, và khám phá ra những bí ẩn tuyệt diệu của tâm trí bản thân, “tâm trí” núi rừng.
Tôi chạm tay vào những cái cây, như cách mà ngón tay lướt qua những tấm vải lụa hay mơn trớn một chú mèo. Cây cối không gào lên, không tâng bốc, không truyền cảm hứng cho sự khao khát quyền sở hữu hay quyền lực. Chúng đứng vững, miễn nhiễm với sự thôi thúc của con người. Một bàn tay con người có thể uốn cong được những cây non, nhưng chúng vẫn sẽ vươn cao trở lại khi bàn tay nhấc lên. Những cây trưởng thành không bị tác động gì bởi một cú chạm.
Tôi bị thu hút bởi mọi loại cây thuộc mọi độ tuổi, từ những cây phong chỉ đủ cao để giữ những chiếc lá của chúng trên mặt đất cho đến những hàng cây cao chót vót với ngọn cây được phủ trong sương mù. Tôi đặc biệt bị cuốn hút bởi những cây cổ xưa, những cây tồn tại qua thời gian, và gần đây tôi đã dành một tuần để “làm bạn” với những cây cổ thụ.
(Ảnh: Lake Saimaa area)
Quê tôi ở miền nam bang Indiana có những loại cây thuộc loại cây gỗ cứng như cây phong lá, cây dẻ gai, cây sồi, cây gai và cây kim ngân, một số ít cây đã sống qua cả thế kỷ mà không bị chặt phá. Bây giờ vào tháng mười và địa điểm tôi ghé thăm là lưu vực thoát nước của sông Lookout Creek, thuộc phía tây của dãy núi Cascade ở Oregon. Ở đây có những cây tiêu biểu như cây thông Douglas, cây thông Hemlocks, cây tuyết tùng đỏ phương Tây và cây dương liễu, những cây lâu đời nhất có tuổi từ 500 năm đến 800 năm, sống sót sau vô số đám cháy, những trận bão, lở đất, lũ côn trùng và lũ lụt.
Vào bữa sáng đầu tiên của tôi ở đây, tôi đi theo một con đường mòn xuyên qua vùng đất ẩm ướt về phía sông Lookout Creek, nơi tôi dự định sẽ dành nửa giờ để thiền định. Tôi thở ra cả khói. Sương mù buổi sáng dày đặc, vì vậy những ngọn cây chìm trong màn trời xám xịt. Sương nhỏ giọt từ những chiếc lá. Những cây địa y màu xanh lá, một số dài như đuôi ngựa, lủng lẳng buông xuống từ những cành cây. Trái ngược với màu xanh lá cây ảm đạm và màu nâu của cây lá kim là những chiếc lá vàng và đỏ của những cây phong lá nho, cây phong lớn, cây Sơn thù du. Những cây nấm nhô ra từ các gốc cây già như là ban công nhỏ. Những bụi cây nhỏ mọc dày đặc như một lớp lông thú mùa đông.
Trên đường đi, tôi đưa tay lướt trên hàng chục cây lớn trong khi vẫn tiếp tục di chuyển. Sau đó, tôi bắt gặp một cây thông Douglas có thân cây to lớn, có lẽ đường kính thân cây đến 1,2 mét, với vô số dây leo bao quanh. Cái cây này có điều gì đó tuyệt vời, những đức tính mà tôi cảm nhận như sự kiên nhẫn, hào phóng, kiên cường của nó đã giữ chân tôi lại. Tôi đặt lòng bàn tay và trán của mình chạm vào lớp vỏ cây phủ đầy rêu, để cho bản thân mình nghỉ ngơi. Đến khi mở mắt ra, tôi thấy sương mù đã tan, chắc hẳn tôi đã tiếp xúc với cái cây vĩ đại này đến cả mười lăm hay hai mươi phút.
Tôi tiếp tục đi trên một con đường sỏi đá đến sông Lookout Creek. Ở đó là một mớ hỗn độn của những tảng đá, đá cuội, đá vụn do cao nguyên núi lửa tạo thành nền của dãy núi Cascade. Những ngọn núi này mới hình thành nên có độ dốc lớn, dòng nước đổ xuống mạnh và nhanh. Ngay cả những tảng đá lớn nhất cũng đã bị vỡ và mài tròn. Chọn một chỗ đất bằng phẳng, tôi ngồi trong tư thế thiền và nhắm mắt lại. Tôi thấy mình được bao bọc trong âm thanh của nước, tiếng nước đổ ào ào từ thượng nguồn và tiếng ầm ầm từ hạ lưu. Một lần nữa, tôi nghe thấy tiếng đập của một tảng đá đang dịch chuyển trong dòng chảy, như một lời cảnh báo rằng toàn bộ dãy núi đang trượt xuống dốc, từng khúc, từng đoạn.
Bức ảnh chứng minh cây cối cũng biết nhường nhịn nhau.
Đã bốn mươi năm kể từ khi học đại học, mặc dù cố gắng ngồi thiền nhưng tôi chưa bao giờ thực hành việc này theo một kế hoạch, tôi cũng chưa bao giờ giỏi trong việc làm thanh tĩnh những gì mà giới Phật tử gọi là “cái tâm nhảy nhót như khỉ” này. Nhưng ở đây, bên cạnh sông Lookout Creek, cách xa bàn làm việc, không có nhiệm vụ nào đặt nặng lên tôi, tôi thấy tâm hồn mình rộng mở trong khung cảnh thiên nhiên, tâm tôi nhanh chóng bình yên.
Tôi nghe nhịp thở của mình, tôi đi theo tiếng rì rào của dòng chảy, tôi nhìn ngắm những chiếc lá cây phong và cây dương đang sáng rực lên, tôi ngắm những tia sáng sóng sánh trên mặt nước khi dòng nước chảy qua những tảng đá, và câu thần chú của thiên nhiên đã khiến tôi quên tất cả, chỉ có nhận thức về niềm vui sướng này mà thôi.
Thế là mỗi buổi sáng sớm tôi lặp lại hành trình đến sông Lookout, mỗi lần tôi đều dừng lại để ôm một cây thông Douglas khổng lồ, cảm nhận sự thô ráp của vỏ cây và mùi hơi ẩm của đất. Tôi không đeo đồng hồ, không có gì phải vội cả, tôi ở lại với cây đến khi tôi muốn rời đi. Những cái cây nhỏ hơn dường như nghiêng về phía cái khổng lồ này, như thể đang hội ý.
Tôi không biết rằng các chuyến thăm của tôi có ý nghĩa gì với cây thông Douglas này hay không. Tôi nghĩ rằng thật vô nghĩa khi nói về một cái cây với những đức tính như kiên nhẫn, khoáng đạt hoặc trang nghiêm, chỉ vì nó đứng sừng sững ở đó trong khi các nhà nghiên cứu hoặc trẻ em leo trèo lên nó.
Nhưng làm thế nào ta có thể chắc rằng một cây gỗ không biết cảm nhận? Chắc hẳn phải có loại trí tuệ nào đó ở đây, trong toàn bộ khu rừng này, chúng tôi muốn nói đến khả năng trao đổi thông tin và phản ứng phù hợp với hoàn cảnh. Làm thế nào để so sánh trí tuệ của một cái cây với con người chúng ta? Chúng ta có thể học được gì từ đó? Và tại sao, trong số rất nhiều cây khổng lồ ở đây, chỉ mỗi cái cây này thu hút tôi mạnh mẽ đến thế?
Trí thông minh duy nhất mà tự bản thân tôi có thể kiểm tra trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ liên quan đến con người chúng ta. Chúng ta có rất nhiều mâu thuẫn. Sự thờ ơ của chúng ta đối với các loài khác, và thậm chí đối với sức khỏe lâu dài của chúng ta, được thể hiện ở mọi nơi: từ khai thác tài nguyên đại dương đến cạn kiệt, đến việc bầu không quyển nóng lên do ô nhiễm môi trường, từ việc các vùng đất chìm ngập trong nước thải độc hại đến việc xói mòn đất nông nghiệp và rừng bị tàn phá bởi mưa axit. Ai có thể nhìn thấy sự tàn phá trên toàn thế giới này và danh mục các loài đang tuyệt chủng mà không đau buồn?
Nhưng rõ ràng rằng chúng ta có khả năng đồng cảm, quan tâm, thậm chí là yêu thương đối với các loài động thực vật và đối với Trái đất. Cảm nhận này đến từ đâu, cái cảm giác gắn kết với núi sông, với rừng cây, với loài vật? Làm thế nào chúng ta nuôi dưỡng tình cảm đó, và điều gì sẽ thúc đẩy chúng ta biết quan tâm, yêu quý hơn đối với hành tinh đang bị tàn phá này?
Đây là những câu hỏi tôi luôn nghiền ngẫm mỗi khi ngồi thiền bên cạnh sông Lookout Creek. Dĩ nhiên, người ta không nên nghiền ngẫm trong khi thiền, vì vậy, hết lần này đến lần khác, tôi buông bỏ những suy nghĩ và thả hồn vào âm thanh của nước, những chiếc lá mùa thu rạng rỡ, làn gió lạnh buốt thấu xương,…
Cuối cùng, tôi bị quấy nhiễu bởi âm thanh của những con quạ, những con nai, tiếng ríu rít của những chú sóc,…và tôi đi dọc theo con đường mòn. Tôi nghĩ về cây thông Douglas của tôi, với tất cả sự hùng vĩ và vẻ đẹp, cùng với tuổi thọ nửa thiên niên kỷ của mình, nó cũng không thể suy ngẫm về tôi, không thể nhớ đến hoặc tưởng tượng, chỉ bình lặng đứng đó.
Tôi nhận ra rằng thiền định giống như một câu thần chú, mở ra những nhận thức, không phán xét, không nhớ về quá khứ hoặc dự đoán tương lai, chỉ hiện diện trong khoảnh khắc thực tại. Hương vị của sự tĩnh lặng đó làm tôi sảng khoái. Trong chừng mực, thiền định đưa chúng ta trở về trạng thái thanh tịnh, như một sự giải thoát khỏi gánh nặng của những suy nghĩ không ngừng. Chúng ta sẽ không mơ hồ khỏi thực tế khi xuất định, chúng ta chỉ đang đòi lại toàn bộ sức mạnh của tâm trí, được làm mới bằng cách đắm mình trong thiên nhiên, với núi và sông, gió và hơi thở.
Một cách vô thức, tôi dùng đến các thuật ngữ của con người để mô tả những gì mình nhìn thấy. Chúng ta hình dung những chú gấu và thợ săn trong các ngôi sao, theo dõi những con rồng trong hình dạng của những đám mây, cảm thấy thương tiếc khi nghe tiếng gọi của những con cú,… Lý trí cho chúng ta biết rằng sự so sánh như vậy là không đúng. Dòng sông không nói gì cả, nó chỉ trượt theo dòng chảy, đi theo con đường ít kháng cự nhất, hòa hợp với bất cứ thứ gì nó gặp trên đường đi. Trong khi chúng ta lại phóng chiếu cảm xúc hay nhận thức của con người lên thiên nhiên. Chúng tôi nghĩ rằng mình là nhân chứng duy nhất có ý nghĩa của một chương trình vô nghĩa.
Nhưng ai có thể ngồi ở đây và tưởng tượng rằng chúng ta là nguồn sống có ý nghĩa duy nhất? Bầu trời trên cao xanh biếc, những ngọn cây hùng vĩ đáng kinh ngạc, bướm, chuồn chuồn và chim chóc bay lượn. Những tảng đá lấp lánh như thể được thắp sáng từ bên trong. Những viên sỏi bị kẹt lại với nhau trông giống như những cái đầu người trong một đám đông khi nhìn từ trên cao xuống. Hai bên bờ sông là đủ loại hoa khoe sắc. Tất cả mọi thứ đều tự nhiên, đều tinh xảo.
Chỉ có sự kiêu ngạo mới cám dỗ chúng ta tuyên bố rằng tất cả mọi thứ này đang tiếp cận với ánh sáng mặt trời, chất dinh dưỡng và nước đều không có nghĩa gì, ngoại trừ những gì chúng ta định nghĩa cho chúng. Nhưng nếu nó mang một ý nghĩa to lớn hơn, thì điều đó có thể là gì, và điều gì dẫn đến ý nghĩa như vậy? Sức mạnh nào thu hút các yếu tố lại với nhau và liên kết chúng thành một con nhện hay một người, một cây dương xỉ hay một khu rừng? Nếu cần câu trả lời, thì đó là “Cuộc sống”.
Những ai cho rằng con người vượt trội hơn so với phần còn lại của tự nhiên, thường sử dụng thuật ngữ “Cuộc sống” này như một sự tự tôn, hay một sự chế giễu. Thế nhưng, người ta xuất hiện và hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, như “Cuộc sống” định ra như thế. Nếu bạn nghĩ rằng thế giới tự nhiên có thể bị chạm vào, có thể ăn được, có thể leo trèo, gợi cảm, ca hát, sa đọa, tham nhũng và tội lỗi, thì bạn có khả năng lạm dụng nó. Ai có thể nói rằng chúng ta có thể chặt phá những khu rừng già cỗi cuối cùng, tháo nước những đầm lầy cuối cùng, bắt những con cá ngừ và cá tuyết cuối cùng, đốt những giọt dầu cuối cùng, vì thời gian cuối cùng rồi sẽ đến, những ai đạt tiêu chuẩn sẽ đến cõi bất tử, và mọi thứ trần gian sẽ bị xóa sổ hoàn toàn.
Hãy để trí tuệ thật sự lên tiếng, thay vì những niềm tin biến dị phá hoại sự sống. Và ngôn ngữ nhiều khi hàm chứa những trí tuệ tuyệt vời. Trong tiếng Latin, từ “materia” có nghĩa là vật liệu, đặc biệt nó có nghĩa là gỗ. Từ “materia” có nguồn gốc từ từ “mater”, có nghĩa là mẹ. Như thế, “gỗ” được xem như “mẹ”, cây được hiểu là vật chất điển hình, là nguồn gốc và là thứ duy trì sự sống.
Thật dễ dàng để cảm thấy mình được nuôi dưỡng bởi cây rừng. Tôi thở hơi thở của rừng. Tôi uống nước từ dòng chảy của rừng. Tôi cảm nhận rừng với mọi giác quan của mình. Để tồn tại ở đây, tôi sẽ cần thức ăn từ những gì quanh đây. Tôi sẽ cần đốt những cành khô để nấu ăn và giữ ấm. Tôi sẽ cần phải dựng nơi trú ẩn với gỗ, đất sét và đá. Trên hết, tôi sẽ cần phải học cách suy nghĩ như rừng, học các mô hình, tuân theo các yêu cầu của rừng , sắp xếp bản thân với dòng chảy của rừng. Không có ranh giới giữa rừng và vũ trụ, hoặc giữa tôi và rừng, vì thế trí tuệ hiển thị ở đây tiếp nối với biểu hiện trí tuệ trong toàn vũ trụ.
Chẳng nơi nào tốt hơn một nơi như thế này, để nhận ra rằng bản chất của thiên nhiên là dòng chảy - của dung nham, của điện tử, của nước, gió, hơi thở,… Những thứ chất liệu dường như rắn chắc như cây, đá, gấu, xương,… thực sự là “chất lỏng”, liên tục thay đổi, giống như hình dạng của nước.
Sách Thánh Vịnh trong kinh Cựu Ước giảng rằng: “Những ngọn núi nhảy nhót như những con cừu đực, và những ngọn đồi nhỏ như những chú cừu non”. Thiền sư Đạo Nguyên Hi Huyền, một trong những Thiền sư quan trọng nhất của Phật giáo Nhật Bản vào thế kỷ mười ba, Ngài tuyên bố rằng những ngọn núi luôn đi lại. Cả hai tuyên bố đều nói lên sự thật.
Các dãy núi di chuyển, phát triển và xói mòn theo thời gian, giống như các sinh vật phát triển và suy tàn, các mảng địa chất dịch chuyển, các ngôi sao tụ lại, bốc cháy, giải thể, toàn bộ các thiên hà tỏa sáng rồi biến mất. Không có gì trong tự nhiên là cố định.
Tuy nhiên, nếu sự thay đổi là bản chất của tự nhiên, chúng ta vẫn cần phải hiểu rõ sự khác biệt giữa các loại thay đổi. Chúng ta phải phân biệt giữa thay đổi tự nhiên và thay đổi do nhân loại gây ra. Chúng ta không thể phủ nhận những thiệt hại do hành vi của con người, ví như sự tuyệt chủng các loài gia tăng do việc hủy hoại môi trường sống, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và các rối loạn khác.
Con người chúng ta luôn có những suy nghĩ tuôn trào về đủ mọi thứ. Tuy nhiên, tâm trí con người dường như liên kết với một sự cố định - thiên đàng, cõi niết bàn, Thiên Chúa vĩnh cửu, và trái tim con người khao khát sự trường tồn. Tại sao chúng ta lại trân trọng kim cương và vàng? Tại sao về mặt tâm linh chúng ta tin vào khái niệm rằng tất cả các loài được tạo ra ở dạng chính xác hiện tại của chúng? Tại sao chúng ta lại tìm kiếm các định luật khoa học của người Viking cổ xưa, bên dưới dòng chảy liên tục của vũ trụ? Những câu hỏi như thế luôn làm tôi trăn trở.
Tôi lại đi tiếp về phía trên thung lũng sông Lookout, trong một khu rừng gồm những cây thông Douglas, thông hemlocks 500 năm tuổi, có hàng trăm khúc gỗ được đặt cạnh nhau trên mặt đất, được dán nhãn bằng nhôm. Chúng được gắn dụng cụ để đo lường tỷ lệ và cách thức phân rã, quy trình này được thiết kế để tiếp tục trong hai thế kỷ. Một trong những mục đích của nghiên cứu này là để ghi lại vai trò của gỗ chết trong sinh thái rừng và trong việc thu giữ carbon, liên quan tới việc giảm thiểu hoặc làm chậm lại biến đổi khí hậu.
Tôi vuốt tay qua những khúc gỗ phủ đầy rêu này, chạm vào những cây nấm cao su mọc ra trên bề mặt, xem xét những cái bẫy hình hộp bắt côn trùng. Các nhà khoa học đang nghiên cứu về sự phân rã, còn tôi, vì là một nghệ sĩ, tôi thường nghĩ về sáng tác, về việc tạo ra thứ gì đó có hình dạng với các yếu tố đi kèm.
Một nhạc sĩ sáng tác với các ghi chú, một họa sĩ với sắc màu, một nhà văn với các chữ cái và từ, cũng như “cuộc sống” sẽ tổ hợp các thứ như carbon, oxy, nitơ và các thành phần khác thành những sinh vật. Những sinh vật này - cây, nấm, quạ, con người,… - tồn tại trong một thời gian, thay đổi theo thời gian và cuối cùng giải thể, hòa tan vào thành phần của chúng, chúng sẽ được tập hợp lại lần nữa thành những sinh vật sống.
Các sinh vật tương tác sinh lý với mọi thứ trong hệ sinh thái của chúng, và cuối cùng là với toàn bộ vũ trụ. Ngược lại, các cấu trúc biểu tượng mà con người tạo ra - bài hát, câu chuyện, thơ, tranh, ảnh, phim, sơ đồ, công thức toán học, mã máy tính,… chỉ truyền tải ảnh hưởng khi chúng được đọc, nghe, nói hoặc theo cách khác mà con người cảm nhận được. Điều gì xảy ra khi chúng ta chuyển sức mạnh diễn giải của mình lên các sinh vật sống? Liệu quạ, thông Douglas, nhện hay địa y có cách diễn giải ý nghĩ gì khác, hoặc bất cứ điều gì khác, khi chúng được đưa vào ý thức của con người?
Những gì chúng ta nghĩ hoặc tưởng tượng về các loài khác rõ ràng ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta đối với chúng. Ví như những quan niệm về sự xấu xa của sói đã dẫn đến việc chúng bị tiêu diệt phần lớn trong lịch sử. Nhưng ngoài tác động thực tế này, liệu loại tâm trí kỳ dị của chúng ta có mang ý nghĩa nào đó lớn hơn trong kế hoạch lớn của tạo hóa không? Hay nó chỉ là kết quả tình cờ của các quá trình cơ học, một loại tính năng thích ứng trong quá trình sinh tồn? Liệu vũ trụ to lớn này có bị mất mát bất cứ thứ gì quan trọng không nếu nhân loại chúng ta đột nhiên biến mất?
Chúng ta không thể biết câu trả lời cho những câu hỏi đó, bất chấp lập luận của các nhà tiên tri và triết gia. Chúng ta chỉ có thể hình thành linh cảm, và, dù đúng hay sai, những điều này sẽ ảnh hưởng đến tinh thần làm việc và phong cách sống của chúng ta.
(Ảnh qua: lesfruitsdemer.com)
Linh cảm của tôi ở đây là, những gì chúng ta gọi là “tâm trí” không chỉ là tác dụng phụ của tiến hóa vật chất, nó là thứ cơ bản của thực tế, là một thực thể tồn tại. Nó không tách rời khỏi những gì chúng ta gọi là vật chất, mà là một sự diễn giải về bản chất của sự vật. Tôi cho rằng những giá trị tinh thần, loại trí tuệ mang tính phổ quát của nhân loại chúng ta, là biểu hiện của tính sáng tạo, định hình của một dạng năng lượng nhằm vận hành vũ trụ, từ cơ chế vận động của điện tử đến sự phát triển của cây cối.
Nếu trí tuệ có nghĩa là khả năng tiếp nhận và phản hồi thông tin vũ trụ, thì tất cả các sinh vật đều sở hữu nó, dù là động vật hay thực vật, vì chúng liên tục trao đổi tín hiệu và vật chất với môi trường xung quanh. Nếu trí tuệ có nghĩa là khả năng giải đáp những ẩn số hoặc sử dụng ngôn ngữ, thì chắc hẳn tiếng kêu của những con quạ hay tiếng tru của những con sói lang thang ở phía xa của ngọn núi cũng đều sở hữu nó.
Nhưng nếu chúng ta quan tâm đến loại sức mạnh không chỉ đơn thuần là tiếp nhận thông tin hay sử dụng ngôn ngữ, mà còn về phân biệt và xác định ý nghĩa, để đánh giá các hành động theo nguyên tắc đạo đức, truyền lại kiến ​​thức qua các thế hệ thông qua các hình thức có tính biểu tượng khác nhau, thì chúng ta đang nói về một loại trí tuệ của “tư duy đặc biệt”, dường như là sức mạnh độc nhất của con người, ít nhất là trên hành tinh này.
Một số giả thuyết đối lập cho rằng khả năng kết nối tâm linh này là một lời nguyền, khiến chúng ta xa rời thực tế, và rơi vào một bong bóng trừu tượng, mơ hồ. Thật dễ dàng để thông cảm với quan điểm này, khi người ta xem xét lịch sử của chúng ta với biết bao mối hận thù, những sự gian dối, và những giá trị đạo đức nhiều khi bị xem nhẹ. Tất nhiên, “khôn khéo” để thích ứng với một xã hội gian trá và đấu đá như thế không thể làm cho chúng ta trở nên khôn ngoan. Tuy nhiên, ở đây giữa những cây đại thụ và những dòng suối lớn, tôi cảm thấy rằng tâm trí kỳ diệu của chúng ta có thể là một phước lành, không chỉ cho chúng ta, mà còn cho rừng, cho các sinh vật khác, cho sự sống trên Trái đất và thậm chí cả vũ trụ.
Tôi nhận ra sự nguy hiểm của tính kiêu ngạo. Chúng ta rất hãnh diện khi cho rằng con người chiếm một vị trí độc tôn trong thế giới, hay trong cả vũ trụ. Tuy nhiên, ý tưởng hấp dẫn này không phải là một bằng chứng cho sự thật nào cả, nó chỉ là một lý do để chúng ta cần thận trọng hơn. Giả sử rằng vũ trụ không phải là một cỗ máy, như khoa học thế kỷ 19 tuyên bố, mà là một trường năng lượng, như khoa học thế kỷ 20 giả định. Giả sử rằng tâm trí con người không phải là một loại sức mạnh riêng tư mà mỗi chúng ta chứa đựng, mà chính là một trường năng lượng của nhận thức nào đó đang chứa đựng chúng ta. Và điều tương tự xảy ra với các loài chim, ong, dương xỉ, cây, kỳ nhông, nhện, chuồn chuồn, và tất cả các sinh vật sống, thấm vào núi và sông và các thiên hà, mỗi loại cung cấp mức độ và nhận thức riêng biệt, thậm chí cả các ngôi sao, thậm chí cả đá.
Điều gì sẽ xảy ra nếu vai trò của chúng ta trong loại “tâm trí” khổng lồ, toàn diện này là nhìn lại “ma trận lớn” đã sinh ra chúng ta, và chuyển các câu trả lời của chúng ta thành các biểu tượng? Điều gì sẽ xảy ra nếu các hình thức nghệ thuật, khoa học, văn học và nhiều phương thức biểu đạt khác của chúng ta, là để giúp nhân loại hòa nhập vào tâm trí vĩ đại bao trùm của vũ trụ?
Nếu đó là vai trò đặc biệt của chúng ta, không có gì lạ khi nhân loại chúng ta từ lịch sử đến nay, luôn cảm thấy sự thôi thúc này để viết, vẽ, đo, đếm, kể chuyện, nhảy và hát, tất cả là để cảm nhận và hòa nhập vào thứ tâm linh huyền bí, to lớn của vũ trụ, và để truyền tải những giá trị đạo đức tinh thần phổ quát nhất, tinh thần của vạn vật, của vũ trụ.
Tâm An 
Nguồn: Scott Russell Sanders  
Theo https://www.dkn.tv/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đỉnh cao chói lọi 5XXXX

Đỉnh cao chói lọi 5 NGƯỜI ANH EM (4) Nói rồi ông nhanh nhảu ra lệnh cho trợ lý. Anh này lục tìm cuốn danh bạ đơn vị, hí hoáy tẩy chữ Nôn...