Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

Dọc dòng sông Hương

Dọc dòng sông Hương
Sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp qua hai nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch chảy về nuôi dưỡng một thành phố Huế duy nhất. Dài 67km, Tả Trạch tương đối dài hơn nhánh kia chút ít, qua một số ghềnh thác rầm rộ, chảy nép khu vườn quốc gia Bạch Mã, lướt qua trước lăng Gia Long hùng tráng trước khi đạt đến Bãng Lãng, trước núi Vung. Hữu Trạch, chỉ dài 60km, cũng chảy qua rừng hoang, cây dại, vượt qua đằng xa núi Kim Phụng, gần hơn lăng Minh Mạng u trầm để lại hợp lưu với Tả Trạch ở ngã ba Tuần. Trong các khúc sông miền núi này, thuyền bè không qua lại được, di chuyển chỉ thấy những bè tre, mảng gỗ đốn chặt từ thượng lưu đem về. Đâu đây, một vài chiếc đò lẻ tẻ xúc cát dưới lòng sông, một vài thiết bị sơ sài đãi cát tìm vàng...

Sau một cuộc hành trình gian truân, xáo động, giờ đây ngọn nước như được thuần phục trở nên êm đềm, bình thảng chảy thẳng đến đồi Thiên An, lăng Thiệu Trị bên nầy, đền Ngọc Trản bên kia, trước những đồi núi hùng vĩ mang những tên huyền bí Hương Oản, Uyển Sơn. Bắt đầu từ đây, rời khỏi môi trường hoang vu rừng rậm cây ngàn, chung đụng với con người, sông cũng cần được nhân tính hóa. Dòng sông ai đã đặt tên? Nguyễn Trãi (1380-1442), vị đệ nhất công thần nhà Lê, viết là sông Linh trong tập Địa dư chí. Hơn một thế kỷ sau, Tuấn Quận Công Dương Văn An (1514-1591), tiến sĩ thời nhà Mạc, viết Kim Trà đại giang tức là sông cái Kim Trà khi nhuận sắc sách Ô châu cận lục. Qua thế kỷ 18, Dĩnh Thành Công Lê Quý Đôn (1726-1784), nhà bác học tiến sĩ thượng thư đời Lê Dụ Tôn, viết Hương Trà nguyên tức sông Hương Trà trong tập Phủ biên tạp lục. Hương Trà là tên mới của huyện Kim Trà thuộc phủ Triệu Phong từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613). Có lẽ từ đây mới có tên Hương giang tức sông Hương. Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung.
Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ
Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ
Gió cầu vương áo nàng tôn nữ
Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ. (1)


Đền Ngọc Trản linh thiêng còn có tên điện Huệ Nam, thờ nhiều thần sông núi và thần Thiên Y A Na, nơi vua Đồng Khánh (1864-1889) hay đến cầu đảo, được xây trên một ngọn đồi tròn trĩnh như một cái chén lớn nên được gọi là Hòn Chén. Theo lời vua Đồng Khánh, điện là một đền linh diệu thiên cổ, thế núi trông thật giống con sư tử uống nước dưới sông, quả là chân cảnh thần tiên, cứu người giúp đời nhiều lắm. Thật ra đồi là một đỉnh đá cứng mà khi gặp nước sông không xói mòn được, xoáy lâu năm thành vực sâu, đồng thời phải chảy vòng quanh qua trước lăng Tự Đức thơ mộng, đồi Vọng Cảnh mờ ảo nhất là lúc về chiều, đổi hướng tây bắc chảy về Long Hồ Thượng. Ngang đây, sông cho tách phía đông bắc nhánh sông Bạch Yến chảy về Kinh thành, rồi lại đổi hướng tây bắc hình chữ V chảy quanh Nguyệt Biều, Lương Quán như một cái vịnh về đến bên nầy Phường Đúc, bên kia chùa Thiên Mụ. Dựng đứng trên đồi Hà Khê, chùa thường được xem như là thế đất long hồi cố tổ (đầu rồng nhìn trở lại) trong khoa địa lý phong thủy, nơi sơn triều thủy tụ có khả năng cho phát huy một nền văn hóa độc đáo cũng như một quốc gia hùng mạnh. Cả chùa lẫn sông đều hội tụ với Kinh thành, lăng tẩm khi thành phố Huế được vinh danh di sản văn hóa nhân loại.
Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn,
Chèo qua Ngọc Trản đến vạn Kim Long,
Sương sa gió thổi lạnh lùng,
Sông xao trăng lặn gây lòng nhớ thương (2)


Chùa Thiên Mụ (Tiếng chuông Thiên Mụ dặn dò, Em đi cảnh vắng hẹn hò cùng ai?) cũng như đồi Vọng Cảnh hay xa hơn núi Ngự Bình (Hương Giang in bóng trời mây, Ngự Bình đón gió tháng ngày thông reo) (8), đồi Thiên An là những nơi phong cảnh hữu tình gần thành phố thường được trai gái đem nhau lại tình tự. Sông Hương nhìn từ thềm chùa hay từ trên đỉnh tháp là cả một bức tranh sơn thủy, xa xa là dãy núi Trường Sơn xanh biếc, thấp thoáng sau những đám mây lờ lững, giữa sông là những thuyền mành nhẹ lướt trên các lớp sóng nhấp nhô cạnh những ngư phủ vừa thanh thản buông câu vừa nhẹ quậy mái chèo, thật là cảnh thái bình. Vào cuối xuân đầu hè, cây phượng trước chùa nở hoa tô thêm màu đỏ thắm làm tăng vẻ cổ kính của ngôi chùa rêu phong, lại lơ thơ rủ bóng xuống sông như để quyến rũ khách còn chần chừ trên thuyền. Về chiều, trời lại đổi sắc, mây nước đổi màu, sớm xanh, trưa vàng, chiều tím, phong cảnh mờ ảo nửa hư nửa thật, thật là nên thơ.
Sông Hương một giải xanh xanh,
Gió vờn mặt nước, sóng tình đầy vơi.
Con thuyền xuôi ngược hôm mai,
Nhẹ tay chèo lái những ai đó giờ! (3)


Trước khi làm nguồn mạch cảm hứng cho thi sĩ, phương tiện sinh sống cho ngư phủ, từ thuở nào sông Hương đã là một đại lộ góp phần chuyên chở, đi lại. Nhưng khúc sông thượng lưu nầy không dẫn đi được đâu xa nên ngoài những bè tre, mảnh gỗ luồn nước, những nốt củi, đò cát đầy ắp, chỉ có vài thuyền mành của những ngư phủ cô đơn buông câu thả lưới hay những chiếc đò của người phụ nữ tan chợ hối hả về nhà. Có những hôm, vào khúc Nguyệt Biều, Kim Long (Kim Long có gái mỹ miều, Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi), mây trắng vờn đỉnh núi, gió chiều nhẹ gợn sóng, đò yên lặng lướt trên mặt nước xanh rờn, để lại đàng sau những vạch bọt dài trông tựa nét bút một bức tranh Tàu. Ngồi trên bờ nhìn xuống, khách cảm thấy lòng nhẹ lâng lâng và không sao tránh được cảm xúc khi một câu hò xao xuyến, da diết, bay bổng vang dội trong cảnh tĩnh mịch hoàng hôn.
Biết đâu là cầu ô thước?
Mênh mông nguyện ước, dưới nước trên trời.
Đêm khuya ngớt tạnh mù khơi,
Khúc sông quạnh vắng có người sầu riêng. (2)

 
Trước khi chảy ngang trung tâm thành phố, trước khi cho tách hướng đông nam nhánh sông Lợi Nông tức con sông đào An Cựu (Núi Ngự Bình trước tròn sau méo, Sông An Cựu nắng đục mưa trong), sông chảy quanh cồn Giả Viên, thường được cho cùng với Cồn Hến cách hạ lưu khoảng 5km là hai nhân tố địa lý phong thủy tạo nên thế tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ (rồng bên trái, cọp bên mặt) chầu hai bên Kinh thành, bảo vệ thành trì và nhân dân. Cồn Giả Viên từng là một vườn hoa. Nơi đây cũng có tổ chức voi cọp đấu với nhau, nhưng có lần một con hổ nhảy ra phía khán giả, làm vua quan khiếp sợ và vua Minh Mệnh (1791-1841) sau đó đã xây trường đấu Hổ Quyền ở gần Nguyệt Biều. Lầu ngự của vua nghe nói tồn tại đến năm 1900, từ 1925 thì bỏ mặc cho mưa nắng. Bắt đầu từ đây sông chảy theo tường phía nam Kinh thành, ngăn cách cung thành của Nam triều ngày trước và khu nhà ở do người Pháp xây dựng, một khu vực hình tam giác mà ba cạnh là sông Hương, sông An Cựu và một phần sông Như Ý, một đỉnh hướng nam Kinh thành là nghẹo Dàng Xay ở trên quốc lộ. Có bốn chiếc cầu bắc ngang qua sông Hương: cầu thứ nhất có xe lửa chạy qua cồn Giả Viên được gọi là cầu Bạch Hổ (Dịp cầu Bạch Hổ mấy bóng ma Biến mất vì nghe giục tiếng gà) (9), vừa qua có thêm một cầu thứ hai đường bộ Bạch Hổ; cầu thứ ba xưa nhất có từ thời vua Thành Thái (1879-1954), lần lượt mang những tên Thành Thái, Clémenceau, Nguyễn Hoàng nhưng tên thông dụng luôn vẫn là cầu Trường Tiền, vì gần công trường đúc tiền, hai lần bị hư nặng nhân trận bảo năm Thìn 1904 và trong thời kỳ chiến tranh nay đã được sửa lại; và cầu thứ tư nằm giữa hai cầu Bạch Hổ và Trường Tiền được xây dựng thời Mỹ là cầu Phú Xuân, chắc chắn để chịu đựng được mọi xe cộ nhưng không yêu kiều, duyên dáng bằng cầu Trường Tiền.
Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp,
Anh qua không kịp tội lắm em ơi!
Thà rằng không biết thì thôi,
Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn!


Có lẽ vì có hai hòn đảo chắn ngang dòng sông, lại thêm sông có dạng hình cung nên nước chảy chậm lại, rất thuận tiện cho dân chài lưới sống quanh bờ. Bên trái, sông âm thầm chảy qua trước đình Nghênh Lương, Kỳ đài tức Cột cờ (Ngọ Môn năm cửa chín lầu, Cột cờ ba cấp Phú Vân Lâu hai tầng) thấp thoáng đàng sau, rồi khi đến góc đông nam Kinh thành thì trở nên nhộn nhịp với chợ Đông Ba, nguyên là Đông Hoa nhưng đọc trạnh ra để tránh tên Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mệnh. Bên mặt, sông chảy qua trước trường Quốc Học, đài Trận vong tử sĩ, Bệnh viện thành phố, trường Đồng Khánh, khách sạn Saigon - Morin,... toàn những tên quen thuộc cho người sống lên ở đây. Con sông Hương quả thật là linh hồn của kinh thành Huế. Nếu sông Hương chỉ phục vụ một thành phố Huế độc nhất, những thành phố có một con sông chảy qua thì nhiều: Paris có sông Seine, Wien có sông Donau, Al - Qâhira có sông Nil, München có sông Isar,... nhưng đối với tôi không có con sông nào quyến luyến bằng con sông Hương. Những năm cầu Trường Tiền gảy, cầu Phú Xuân chưa xây, qua lại phải dùng đò. Tôi còn nhớ mãi học sinh nam nữ vọc nước chọc nhau, tiếng cười dòn dã nay vẫn còn vương vấn trong trí óc tôi. Ôi thời tuổi trẻ nay còn đâu...
Nhớ anh trở lại Thần Kinh,
Sông Hương nước chảy, non Bình thông reo.
Bên sông ngơ ngẩn mái chèo,
Sườn non một giấc, bao nhiêu nỗi niềm. (4)


Nằm kẹp giữa sông Hương và Kinh thành là trung tâm thương mãi thành Huế. Cả một dãy nhà hàng buôn bán đủ thứ nối nhau trên đường Trần Hưng Đạo, giữa hai cầu Trường tiền và Gia Hội, mà hồi nhỏ chúng tôi gọi là "phố" nói tắc phố Đông Ba hay phố Trường tiền. Bên kia phố, dọc theo sông Hương là chợ Đông Ba. Chợ này lúc trước ở bên ngoài cửa Chánh Đông, còn gọi cửa Đông Ba, dưới thời Gia Long (1762-1820) mang tên Qui Giả Thị đánh dấu sự kiện trở về Phú Xuân của nhà Nguyễn. Năm 1885, chợ hoàn toàn bị đốt sau ngày Kinh đô thất thủ, vua Đồng Khánh cho xây lại với tên chợ Đông Ba, và năm 1899 vua Thành Thái cho dời qua địa điểm bây giờ là một chỗ đất trống lúc trước có trại sửa chữa thuyền ngự, đọc trạnh ra thành giại nên có câu hát Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại, Cầu Trường tiền đúc lại xi moong... Chợ Đông Ba mà ta thấy ngày nay được xây mới lại năm 1967, trùng tu năm 1987, kể cả hoa viên, bến đổ xe cũng rộng gần 50 ngàn met vuông. Trên bộ có đường xe giao thông, dưới sông có thuyền bè chuyên chở, chợ nằm ở một địa điểm rất thuận lợi cho việc buôn bán, kinh doanh. Ngày ngày, năm, bảy ngàn người ra vào mua bán, Tết nhất số người tăng gấp đôi. Hàng hóa, áo quần, vải bô, tôm cá, mắm muối, hoa quả, cây trái,... chợ có đủ thứ, thật là nơi quy tụ đặc sản cả một vùng miền Trung. Khách đến Huế không thể không ghé qua chợ Đông Ba.
Bến chợ Đông Ba tiếng gà gáy sáng,
Bên làng Thọ Lộc tiếng trống sang canh,
Giữa sông Hương tiếng sóng khuynh thành,
Đêm khuya một chiếc thuyền tình ngửa nghiêng. (2)


Trước ngay Kinh thành, sông chảy qua lầu Phu Văn hay Phú Văn Lâu là nơi lúc trước yết các bảng thi hội, thi đình nên tên ban đầu là Bảng Đình. Các chiếu thư sau khi được đọc ở điện Thái Hòa hay ở Ngọ Môn cũng được đặt lên long đình đưa về yết ở đây như bức chiếu thoái vị của vua Bảo Đại (1922-1997). Nhiều cuộc vui đã được tổ chức vào dịp sinh nhật các nhà vua như lễ ngủ tuần của vua Tự Đức (1829-1883). Vua Minh Mệnh đã ngự thuyền lại xem voi cọp đấu nhau trước lầu. Vua Thiệu Trị (1807-1847) xếp lầu vào hạng thứ 9 trong số 20 thắng cảnh đất Thần Kinh, vào dịp lễ tứ tuần đã mời 773 bô lão thết đãi trong luôn ba ngày. Có chuyện vua Duy Tân (1900-1946) giả dạng thường dân ra đây ngồi câu cá chờ gặp Trần Cao Vân (1866-1916) (hay trái lại Trần Cao Vân ra đây ngồi câu cá chờ gặp vua Duy Tân) để mật bàn chuyện quân sự. Chắc hồi đó Phu Văn Lâu gần mặt sông hơn... Dù sao cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị có bài hò trong rất lâu đi vào nhân dân và được xem như là bài hát dân gian nhắc lại sự kiện này; cụ giải thích chữ ai là vua Duy Tân nhưng cũng có thể ám chỉ nhà chí sĩ yêu nước kia.
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông,
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non. (2)


Vừa ra khỏi khu vực trung tâm thành phố, ngay góc chợ Đông Ba, sông Hương cho tách bên trái con sông đào Đông Ba, nguyên thuôc hệ thống bảo vệ Kinh thành gọi là Hộ thành hà, chảy theo thành phía đông để gặp lại sông Hương ở Bao Vinh, làng Thế Lại. Bây giờ sông chia làm hai nhánh, chảy quanh một hòn đáo. Đó là Cồn Hến, nguyên là một bãi đất phù sa, khắp đảo từ bờ sông, đường sá, qua sân nhà, vườn tược đều lấp đầy một lớp vỏ hến, nhà cửa phảng phức một mùi hến luộc đặc sắc của đảo. Ở đây lúc trước có trường thi, phủ Ao, lần lượt được gọi ấp Bối Thành tổng Phú Xuân thời Minh Mệnh, phường Giang Hến thời Tự Đức, trước 1945 thuộc xã Thanh Thảo, từ 1956 thuộc xã Phú Lưu rồi Hương Lưu, nay thuộc phường Vỹ Dạ. Cồn nổi tiếng về hai sản phẩm là chè bắp và cơm hến, có bán ở nhiều nơi trong thành phố nhưng cơm hến ở cồn là ngon nhất. Món ăn là hến luộc, mắm ruốc, rau bắp cải, tóp mỡ, bánh tráng nướng, mì xào giòn, ớt, đâu phụng, tiêu, vị tinh, muối, đặc trưng cho âm dương, ngũ hành, ăn với nước hến nóng và cơm nguội. Cơm hến đã vào với dân gian qua bài hát lý giao duyên. Bánh khoái Đông Ba bún bò Gia Hội, Cơm hến bên cồn quen lối tìm nhau. Người sành ăn bảo cơm hến chỉ ngon khi thật cay, cay hít hà.
Nhớ em quang gánh ngược xuôi
Nhớ tô cơm hến tỏa mùi chua cay.
Cay cho xé mắt cau mày,
Cay cho hết biết buồn này từ đâu. (7)

 
 
Đối diện với Cồn Hến, bên mặt sông Hương tách ra con sông Như Ý chảy về Thanh Thủy, Hương Phú. Từ đầu thế kỷ trước, nhiều đập đã được xây dựng quanh vùng để ngăn nước mặn vào sông, chống lũ lụt, đảm bảo mùa màng vùng hạ lưu chiếm gần hết diện tích ruộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế. Mặt trái của các đập là biến những dòng sông thành sông chết, thuyền bè không đi lại được, hủy bỏ những tuyến giao thông. Các mẫu sông nầy còn trở nên hồ chứa nước thải và rác rưới, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các nhà chức trách đang tính cách phá bỏ những đập kia, khơi thông cho các dòng sông kết nối lại với nhau, giải quyết các vấn đề môi sinh, môi trường, giao thông. Trong số các đập nầy có Đập đá cắt ngăn sông Như Ý, bắt đầu con đường độc nhất dẫn về Vĩ Dạ (Biết đâu Vĩ Dạ cau nghiêng, Tóc thề đợi lá trầu duyên lỡ làng) (6), Nam Phổ (Mua vôi chợ Quán chợ Cầu, Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh) và, xa hơn, Cửa Thuận hay Thuận An (Thuận An khuất bóng hoàng hôn, Gió bao giờ thổi lại hồn trần gian) (10) là bải biển của thành phố. Nếu không phá bỏ thì hiện đập đang bị xói mòn, lở khoét, nay mai cũng dễ bị lũ lụt kéo mất. Mà phá bỏ thì liệu phải có cầu thay thế không thì người dân Huế hết còn đường đi hóng gió, tắm biển!
Xa xa núi Ngự nắng vàng hanh
Vọng Cảnh đồi xưa liễu rủ mình
Cồn Hến xạc xào cơn gió thoảng
Trông về Đập Đá nước vây quanh 


Bắt đầu từ Bao Vinh, sông Hương cho tách bên trái một nhánh nhỏ chảy về đầm Thanh Lam, thong thả rời Kinh thành trong khoảng 10km chảy qua làng Mậu Tài (Chợ Dinh bán áo con trai, Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim), làng Sình (Kim Long dãy dọc tòa ngang, Em chèo một chiếc xuồng nan về Sình) (7), xã Thanh Phước (nước khoáng), tiếp nhận sông Bồ từ huyện Hương Điền chảy về, rồi tiến ra phá Tam Giang và cửa Thuận An. Từ nay hết còn có cầu, qua sông phải lấy đò ngang, đi xa thì lấy đò dọc, người ở các vùng lân cận muốn đi Huế phải theo đường bộ không thì theo sông về phá rồi lấy sông Hương đi ngược về Kinh thành. Đi như vậy mất rất nhiều thì giờ nhưng thường đi đêm có thể nằm ngủ hay ngắm trời nước bao la, mây trắng lồng lộng trên nền trời xanh biếc, những cảnh tượng để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đã sống qua. Suốt 33km từ Bãng Lãng đến Thuận An, trước khi đời sống hiện đại lại làm ô nhiễm, nước sông trong xanh, hương thơm dào dạt nhờ cây cỏ trong nước và ngoài bờ như những cây thạch xương bồ, thủy xương bồ. Thuở xưa, người ta bảo các cô tôn nữ đã nấu nước cây thơm đổ vào sông cho sông có mùi hương...Vào lúc chưa có đò máy, sông luôn yên tĩnh, không phải các ngư phủ yên tĩnh hay mấy cô lái đò duyên dáng đã làm náo động thiên nhiên.
Yêu em anh cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, ngại phá Tam Giang.
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,
Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm... (7)

Cuộc du ngoạn suốt dòng sông Hương không thể đầy đủ nếu khách không có dịp ngắm nhìn mặt trời lặn vào lúc hoàng hôn. Tôi may mắn sau mấy chục năm sống tha hương, năm về lại thăm quê nhà một chiều tà được ngồi uống nước ngắm trời ở tiệm cạnh chân cầu Phú Xuân. Để thêm phần hứng thú, tiệm nước mang tên lãng mạn Giọt đắng. Cố gắng tìm, tôi còn thấy được vài tên khác cũng không kém phần thơ mộng: Chiều nhớ là lạ, Lộng gió hay hay, Thì thầm trên đường lên lăng, Đã đành trong một ngõ hẻm Phú Hiệp,... Tuy nhẹ nhàng nhưng sống động hơn là tối đến, dưới trăng sáng tỏ, được nghe ca hò trên đò giữa sông Hương. Tôi còn được may mắn nghe cô Minh Mẩn tặng cho một bài nam ai não nùng ai oán mà ngày nay hết còn nằm trong chương trình rộng lớn ba miền các ca sĩ trẻ tuổi. Rời sông Hương, rời Huế trong một điệu hò thì không gì lưu luyến bằng.
Nước chảy xuôi con cá buôi lội ngược,
Nước chảy ngược con cá vượt lội ngang;
Thuyền em xuống bến Thuận An,
Thuyền anh lại trẩy lên ngàn anh ơi! (2)






Ghi chú:
Thơ (1) Đông Hồ; (2) Ưng Bình Thúc Giạ Thị; (3) Á Nam Trần Tuấn Khải; (4) Tương Phố;
(6) Hồ Đắc Thiếu Anh; (7) HD; (8) Hoài Quang Bùi Đình San; (9) Thúc Tề; (10) Bích Khê.
Thành Xô mùa thu 2013
Bài và ảnh Võ Quang Yến
Theo http://chimvie3.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều “lấn cấn” về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh “Đất rừng phương Nam” củ...