Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Lời kể thấm tình của một cây bút ham hiểu biết

Lời kể thấm tình 
của một cây bút ham hiểu biết
 Tôi có một anh bạn, người Hà Nội, từng làm biên tập mỹ thuật nhiều năm ở Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, khi nào nghĩ tới, lòng tôi thường trào lên nỗi thương cảm, mến phục, đó là họa sỹ tài danh Đỗ Đức. Cũng như tôi, anh mang nặng duyên nợ với miền núi. Anh sinh ra ở Đại Từ là nơi tôi còn lưu giữ nhiều kỷ niệm ấm nồng về những năm tháng đam mê trên giảng đường đại học trong thời chiến tranh. Ngoài nghề họa ra, anh còn ưa viết văn, thường là đoản văn, kết đọng nhiều suy ngẫm, thấm đẫm bao tình cảm với Núi với Rừng, nên thường rất sâu mà cũng thật đậm. Lại còn rất có duyên. Ấy là bởi cái giọng văn khó lẫn với ai của anh. Chẳng hạn, bài viết lấy tên là Chuyện của mình, in trên Văn nghệ Miền núi và Dân tộc, số 7/2000. Anh kể theo giọng điệu của người anh hùng dân tộc Mông nổi tiếng Sùng Dúng Lù. Nghe câu đồng bào nói với nhau “Mắt mày xấu, nhìn cái gì cũng xấu”, người Hà Nội cho là cao siêu lắm, thâm thúy lắm, ông lại bảo: “Mình thấy chẳng có gì là lạ cả”. Đúng thế, chẳng phải người Mông của ông thường nói với nhau hàng ngày như vậy đó sao! Việc ông tay không vào hang dụ trùm phỉ Vàng Vạn Ly ra đầu thú, thật sự gây ấn tượng lớn đối với nhiều người, còn ông thì lại nghĩ rất đơn giản, chuyện ấy nào có khó gì đâu, “bởi thằng phỉ ấy là người quen biết cùng bản, mình đi bảo nó cái lý đúng để nó biết đường về…”. Đỗ Đức cứ thủng thẳng kể lại chuyện đời, chuyện người bình dị, xen lẫn nhiều cảm nghĩ sâu xa, gợi lên từ thực tế quen thuộc có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên các nẻo đường Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên… mà ta từng qua. Thế nhưng, đố ai đã cầm bài viết lên đọc mà lại có thể rời mắt khỏi trang sách của anh. Không hiểu sao tôi lại thích những dòng tự sự ấm nóng chất trữ tình kiểu ấy. Và có lẽ những trang văn dung dị mà thật giàu ý nghĩa trên của Đỗ Đức đã giúp tôi thêm trân trọng nhiều tập ký lấy đề tài Dân tộc và Miền núi, ở đó có cái sống động về chi tiết hòa trong sự chân thực về tình cảm như cuốn sách Cửa Hà dòng sông Gấm của Nguyễn Liên do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2008.
Với nhiều đồng nghiệp trong Hội Văn học Nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam thì Nguyễn Liên chẳng phải là một tên tuổi xa lạ gì. Anh đi nhiều, gặp gỡ nhiều. Tại các cuộc họp, hội nghị, hội luận… liên quan tới văn nghệ địa phương, rồi tại các trại sáng tác được tổ chức thường xuyên ở khắp ba miền trong ít năm trở lại đây. Anh lại sống chân thành, dễ gần, dễ mến. Đặc biệt, tên anh gắn với hoạt động của một tờ tạp chí văn nghệ cấp tỉnh trẻ nhất nước nhưng có lẽ cũng đáng nể phục nhất nước. Mới ra đời vào tháng 1 năm 2005, sau việc thành lập tỉnh mới Dak Nông được một năm, nhưng tạp chí đã xuất hiện đều kỳ, hàng tháng, khá dầy dặn và phong phú. Nó có sức hút với nhiều người. Đáng nói nhất là tờ tạp chí đã bước đầu định hình được bản sắc riêng. Vâng, tôi muốn nói tới tờ Nâm Nung, mang tên dãy núi cao nhất của cao nguyên M’nông, thể hiện khát vọng sáng tạo vời vợi của các văn nghệ sỹ nơi đây. Đó còn là một địa danh lịch sử nổi tiếng, nơi vào đầu thế kỷ trước, Thủ lĩnh Nơ Trang Lơn đóng đại bản doanh, kiên trì cầm cự với giặc Pháp ròng rã 20 năm trời, đồng thời cũng là căn cứ địa hào hùng của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đằng đẵng. Tôi nghĩ, bạn đọc nên từ hoàn cảnh sáng tác riêng ấy của Nguyễn Liên để đến với tập sách ấm nóng tình người và ngồn ngộn chất sống thực tế này.
Một đôi lần tôi được họp mặt cùng anh trong những sinh hoạt văn nghệ chung thấm đẫm tình đồng nghiệp. Như Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật Dân tộc và Miền núi - Nha Trang giữa năm 2006. Chia tay chừng một tháng, tôi bồi hồi đọc bài bút ký nóng bỏng tính thời sự Mang hơi thở của rừng về biển mang tên anh. Những dòng chữ như còn hôi hổi sự sống ngày nào: “Trên tầng lầu Nhà Sáng tác nằm bên con đường bờ biển mà nhìn, ban ngày những con thuyền của ngư dân neo đậu trên mặt vịnh lờ vờ như ngủ lấy sức cho những lưới cá đèn về đêm. Sáng sớm lúc mặt trời lên, chiều tà khi mặt trời xuống hình như cả Thành phố đổ ra biển vùng vẫy tựa gió lốc rồi  trả lại sự bình yên cho biển ngủ. Chúng tôi bỗng bị cuốn vào những đợt gió thỏa thích ấy”. Để rồi lòng anh, lòng chúng tôi cùng trào lên biết bao tâm sự của những người chỉ biết sống chết vì nghề: “Kỳ lạ, những người nghiệp viết đã ngấm vào máu thịt thì hoàn cảnh nào cũng cứ vận vào nghề mới thôi. Nhà thơ Lâm Quý nói với tôi: “Ta xuống biển tắm với mọi người, nhưng phải lên trước quan sát người ta tắm, đấy là cái nhìn của nhà văn…”. Câu nói đầy hình ảnh nhưng tôi hiểu tầm nhìn của người cầm bút sáng tác phải như thế nào”. Bài viết của Nguyễn Liên nhắc tôi nhớ lại nhiều kỷ niệm còn lại với nhà thơ người dân tộc Cao Lan Lâm Quý. Ôi, mới đấy mà giờ ông đã thành người thiên cổ. Những con chữ ngày nào như được tiếp thêm sức sống, đâu còn là những ký hiệu vô tình…
Dịp khác, cách đó chừng một năm, chúng tôi lại gặp nhau trong cuộc hội thảo văn học nghệ thuật Tây Nguyên ở Kon Tum. Lần ấy, do bận bịu công việc, tôi đến muộn mất một buổi, không kịp thăm quan làng văn hóa Giẻ Triêng. May thay, ngay sau đó tôi được đọc bài viết Về nơi đầu nguồn Sê San của Nguyễn Liên. Anh giúp tôi như chứng kiến tận mắt những gì cần ghi nhận từ một chuyến đi, nhất là thêm thấm thía những bài học rút ra từ đó: “Chúng tôi phải trở về Kon Tum khi trời đã xế chiều. Người đi lưu luyến, người ở bịn rịn, những cánh tay vẫy theo khi ô tô chuyển bánh. Tôi từng có nhiều chuyến đi và những cuộc chia tay nhưng không khí của buổi thăm làng văn hóa Giẻ Triêng, khoảnh khắc chia tay quyến luyến người đi người ở làm tôi xúc động, đầu cứ nghĩ vẩn vơ về một thời đồng bào nhường củ mì cái bắp cho bộ đội đánh giặc, lại nghĩ đến cuộc sống hôm nay cái ăn không còn là nỗi bận tâm, nhưng đồng bào thiếu tình cảm từ những cuộc giao lưu nghĩa tình như thế này...”.
Tôi muốn nói, đấy là điều quý giá trước tiên của tập ký này. Nó giúp chúng ta gần gũi nhau hơn trong tình người thân thiết, bất kể anh là ai, tộc người nào trên dải đất Việt Nam yêu quý. Tuy nhiên, như bao người khác, Nguyễn Liên cũng có nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đi xa, lòng anh không thể nguôi quên, hơn thế còn rất tự hào. Xã Cẩm Sơn quê anh hội tụ đủ ba yếu tố thuận lợi cho sự phát triển: cận thị, cận giang, cận lộ.
Đó là trung tâm hành chính huyện Cẩm Thủy, có dòng sông Mã ôm ấp, lại là “nơi giao nhau giữa hai tuyến quốc lộ quan trọng, một thế chiến lược quân sự và phát triển kinh tế xã hội. Tuyến đường 217 nối giữa miền xuôi với miền núi phía tây Thanh Hoá thẳng tới biên giới Việt Lào, một nhánh tới đất huyện Quan Hoá xuyên qua tỉnh Hòa Bình, Mộc Châu lên Tây Bắc”. Còn huyện Cẩm Thủy là nơi có Cửa Hà, “cái cửa sông trở thành biểu tượng của người Cẩm Thủy, về vùng đất mà người ta cho rằng đó là vùng địa linh, từ xưa đã xuất hiện nhiều nhân sỹ, hiền tài. Dòng sông Gấm dấu hiệu của sự giàu có chỗ nào không biết, nhưng giàu về di tích thì đã có, giàu về núi non tạo nhiều cảnh quan tuyệt tác thiên nhiên cũng có. Có người ví von ngọn núi Cửa Hà như một cây bút, dòng sông Mã quẩn dưới chân núi như một nghiên mực; cây bút chấm vào nghiên mực khoắng lên bầu trời xanh vẽ nên bức tranh Cửa Hà ban tặng cho người Cẩm Thủy một danh lam thắng cảnh góp phần vào tiềm năng du lịch của Xứ Thanh”. Cây có rễ, người có nguồn cội. Đi đâu ở đâu cũng nên nhắc nhở nhau điều đó. Rồi hãy làm một chút gì đền đáp lại nghĩa tình với quê cha đất tổ. Bằng nhiều cách khác nhau. Riêng với người cầm bút thì có trong tay  những con chữ. Hãy phơi bày lòng mình trên những trang sách, biến thành những nỗi niềm day dứt khôn nguôi. Đó là ý nguyện, hơn thế còn là phận sự thiêng liêng đối với Nguyễn Liên. Thêm một lý do để người đọc quý anh hơn.
Một lần, đọc tập truyện ngắn do Hội Văn học Nghệ thuật Dak Nông ấn hành, nhà văn Nguyễn Quang Sáng khen Nguyễn Liên viết về chiến tranh như vậy là được. Anh nghĩ: “Ông cũng từng là người lính xông pha trận mạc nên mới đồng cảm chiếu cố…”. Thì ra, bạn đọc có nhiều dịp biết Nguyễn Liên đã từng là lính của Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 gắn với tên tuổi vị  chính ủy Đinh Hữu Tấn. Một chuyện kể về ông trong tập sách cứ hay trở đi trở lại trong tôi. Ấy là khi chỉ huy quân ta đánh vào Pleiku, ông nhặt được một cuốn hồi ký của viên tướng Ngụy tên là Lý Bá Tòng. Tập sách của hắn phát hành rộng rãi trong quân đội Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ, trong đó tên tướng huyênh hoang khoác lác tự ví mình có tài quân sự ngang với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ tiếc là chưa có thời cơ như chiến dịch Điện Biên Phủ để trổ tài mà thôi. Đến khi đánh căn cứ Đồng Dù do hắn chỉ huy cố thủ, Chính ủy Tấn truyeàn leänh: “Tất cả mọi cánh quân, các đồng chí  bắt bằng được tên Lý Tòng Bá cho tôi!”. Vậy mà khi Đồng Dù thất thủ tên tướng đã lủi mất tự lúc nào. Đến chiều, du kích Củ Chi phát hiện ra một người đàn ông to con trong bộ đồ thường phục liền cho bộ đội bắt giải đến gặp chính ủy. Hắn không trối quanh mà tự nhận ngay là Lý Tòng Bá, chỉ huy căn cứ Đồng Dù. Chính ủy Tấn mỉa mai: “Ông Bá ạ! Ông là một vị tướng hèn nhát, đã bỏ mặc quân lính dưới quyền trong chiến đấu, khi nguy cấp thì ông lại trốn chạy, thật khác xa với những gì mà ông đã nói khoác lác trong cuốn hồi ký.
Tôi ngờ rằng ông không phải là Lý Tòng Bá!”. Tôi không quên vẻ thật thà đến ngây ngô của tên tướng Ngụy bại trận khi mở nắp túi áolấy tờ căn cước cung kính trình viên Chính ủy. Đại tá Đinh Hữu Tấn giữ tấm thẻ căn cước ấy, coi như một vật kỷ niệm quý giá vào thời chính chiến gian lao mà oanh liệt của mình. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày đất nước thống nhất, ông phô tô ra một bản lưu lại rồi bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam bản chính. Tôi nghĩ đó là những chi tiết đắt, nếu biết sử dụng có ý thức đúng lúc đúng chỗ, chắc sẽ làm gia tăng tính văn chương của tập bút ký này.
Trong lần nhờ Nguyễn Quang Sáng đọc góp ý tại Nhà sáng tác Vũng Tàu nói trên, tôi còn để ý tới ý nghĩ chân thành mà chân xác của Nguyễn Liên là rất có thể nhà văn đàn anh “có chung ý nghĩ với tôi về tác phẩm văn học phải mang được hơi thở của vùng đất. Anh Nam bộ có cách nói, cách sống… của người Nam bộ; anh miền núi lại có cách nói, sinh hoạt của người miền núi, không thể đem văn hoá vùng này đặt cho vùng kia như vậy tác phẩm khó có thể vào được cuộc sống…”. Tôi nhận ra điều này, chẳng hạn, qua cái nhìn sông Dakbla của anh: “Trước Khách sạn Đông Dương là dòng sông Dakbla uốn khúc, hai bờ sông bãi bồi bát ngát ngô xanh tựa như cảnh đất trời đã gặp đâu đó ở vùng Trung du Bắc bộ. Tôi hít căng lồng ngực hương gió mát lành, thả sức bồng bềnh cùng những ước mơ về một vùng đất còn tiềm ẩn bao điều…”. Nhất là loài hoa Kpai bên bờ hồ Lắc huyền thoại qua ngòi bút của Nguyễn Liên: “Đó là một loại hoa trong lời bài hát mời uống rượu cần theo kiểu “thác đổ’’ của người M’nông Lăm. Hoa Kpai ví như sắc đẹp của những cô gái M’nông vùng Hồ Lăk mênh mang huyền thoại, nơi có ngọn Cưyangsin sừng sững quanh năm đội mây, nơi khởi nguồn của dòng sông đực Krông Knô và dòng sông cái Krông Ana hợp thành dòng sông Sêrêpôk ngàn đời đổ nước về hướng tây. Giữa cao nguyên xanh, đại ngàn xanh, Hồ Lăk như chiếc gương bạc treo chung chiêng giữa trời”. Có lẽ, những trang văn chập chờn chất huyền thoại mang đậm sắc thái Tây Nguyên như thế đã góp phần làm nên cái riêng của tập ký này.
Chỉ có điều, chẳng phải tình cờ mà cây bút Nguyễn Liên có được chất riêng ấy. Anh rất có ý thức quan sát, thậm chí ghi chép, để nhập tâm. Rồi tới một lúc nào đó, tri thức đời sống cứ tự nhiên đi vào các trang sách của anh. Kon Tum nghĩa là gì? Vừa đến vùng đất này, anh đã tự hỏi. Tiếng Ba Na: Kon là Làng, Tum là Hồ (Vậy Kon Tum nghĩa là Làng Hồ)… Còn Dak Tô? Tiếng Ba Na nghĩa là nước nóng, nên ở đây còn có cả suối nước nóng nữa… Rồi Cư M’gar? Tiếng Êđê nghĩa là núi ngược, bởi trên ngọn núi có một thung lũng hình nón để ngược… Cứ như thế, các địa danh ngấm vào máu thịt ta, biến thành kỷ niệm không thể nguôi quên. Thói quen này đi theo anh trên mọi nẻo đường Tổ quốc. Đến Việt Bắc, anh không thể không băn khoăn: Bắc Kạn nghĩa là gì? Một người đồng nghiệp ở đây vui vẻ giải thích: “Đúng ra là Pắc Cạm. Tiếng Tày nghĩa là cổng vào nhà. Sau dần gọi chệch đi thành Bắc Kạn. Nhưng tại sao gọi là cơm Lèng? Thì ra, cơm Lèng là nắm cơm, người đi xa nắm cơm mang theo, lúc đói mệt đem ra ăn để sức khỏe trở lại. Lèng còn có nghĩa là khỏe. Còn chợ Lèng? Xưa kia người Mông, người Tày, người Dao thưa thớt trong rừng, trên núi. Muốn xuống chợ phải đi hàng nửa ngày đường, đến chợ mang cơm Lèng ra ăn nên cơm Lèng thành chợ Lèng v.v… Cứ thế, cứ thế, bao hiểu biết thú vị trở thành những tri thức cần thiết trong hành trang cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chỉ riêng điều này thôi cuốn sách cũng đã có ý nghĩa lắm rồi!
Tôi nghĩ, tập ký thấm đẫm tình người của một cây bút ham học hỏi, ham hiểu biết này sẽ tìm được con đường đi tới đông đảo bạn đọc gần xa. Để rồi khi gấp cuốn sách lại, cũng như Nguyễn Liên, mỗi người chúng ta có thể đáp lại phần nào mong mỏi của người xưa: Sĩ học hy hiền, hiền hy thánh, thánh hy thiên, nghĩa là, kẻ sĩ học mong thành người hiền, người hiền mong thành bậc thánh, bậc thánh ước mong trở nên anh linh, khoan thứ như lồng lộng trời cao. Chính vì thế, tôi có thêm lý do để nghĩ, tác giả tập ký có nhiều phẩm chất của loài dã quỳ hoang dại mà ám ảnh kia, đồng điệu với nhân cách nhà nhiếp ảnh Cảnh Dương mà anh từng hết lời ngợi ca: Tôi như loại cúc quỳ hoang dại/ Cứ vàng xanh với đời/ Lem luốc bụi nhân gian...
Đà Lạt, 9/2008
Phạm Quang Trung
      Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Cao Duy Thảo và câu chuyện thời gian

Nhà văn Cao Duy Thảo và câu chuyện thời gian Với câu chuyện thời gian, tôi và nhiều người khác thường nghĩ ngay tới nhà văn Pháp vĩ đại Ma...