Một cây bút phê bình trẻ có lần thành thật hỏi tôi về cái gọi là bí quyết của phê bình văn chương. Nào có bí quyết gì đâu! Đơn giản là tôi chỉ thực hiện quan niệm của riêng mình về dạng thức phê bình lý tưởng, và về áng văn phê bình lý tưởng mà suốt đời tôi đeo đuổi. Rải rác đây đó tôi đã trực tiếp tỏ bày. Không thể nói rốt ráo một lần cho tất cả. Và chăng, tôi vẫn còn đang trên con đường tìm kiếm. Mọi chuyện xem ra vẫn còn chập chờn, bất định ở phía trước. Tuy nhiên, một trong những điều luôn dẫn đắt tôi từ trước đến nay là không được phép mang quan niệm văn chương của bản thân áp đặt lên người khác. Văn chương cốt là hay. Rất nhiều kiểu hay, Như vẻ đẹp lung linh của cuộc đời. Sao có thể lấy cái hay, cái đẹp của mình để đo sản phẩm của người khác. Vô lối lắm! Còn phản khoa học nữa! Vì thế, khả năng vượt thoát giới hạn của cái tôi, để có thể chan hòa với thế giới nghệ thuật của người khác, sẽ là một trong những tiền đề đem lại thành công của một bài phê bình. Tôi đã đọc Khúc giã biệt của nhà văn Đức Hậu theo đường hướng ấy.
Đọc Đức Hậu, tôi hay liên tưởng tới nhà văn Paulo Coelho - người vừa được bầu vào Viện hàn lâm Văn chương danh tiếng của Brazil. Lạ thay, hai nhà văn của hai dân tộc đều sinh vào năm 1947. Văn nghệ số 39 (25/9/2004) có giới thiệu khá kỹ càng về Coelho qua bài Thời đang đến của một hiện tượng Brazil. Tôi để ý đến sự tương đồng giữa Paulo Coelho của Brazil và Đức Hậu của Việt Nam ở hai nét chính. Một là, lối viết giản dị. Do cách viết này mà nhà văn Brazil được bầu vào Viện hàn lâm Văn chương chỉ với số phiếu quá bán sít sao - 23/40. Không tuyệt đối. Tôi nghiệm ra tuyệt đối trong bầu bán không phải khi nào cũng hay cả đâu. Kích tấc quá cỡ nhiều khi không được số đông dễ dàng thừa nhận. Đáng nói chính là quan niệm của một số nhà phê bình. Họ xem thường lối tự sự giản dị của Paulo Coelho. Họ không biết rằng, giản dị hoàn toàn không đồng nhất với giản đơn, và giản dị không có nghĩa là không đi cùng với sự điêu luyện bậc thầy. Quả thật, để có lối tự sự đó, các nhà văn đã phải dày công trau dồi trong nhiều năm tháng. Đôi khi phải dùng cả cuộc đời để đánh đổi. Hai là, khả năng khám phá chính mình. Riêng điều này ở Coelho thì hầu như được nhiều người thừa nhận và được xem là bí kíp của phép giả kim văn chương của ông. Đúng như ông từng nói: “Tôi chỉ làm mỗi một việc là dùng cái viết của mình để hiểu rõ mình hơn. Chừng nào tôi vẫn tiếp tục trung thành với bản thân mình chứ không đi tìm kiếm các công thức, chừng đó tôi vẫn còn có những độc giả trung thành”. Xin được dừng lại, phân tích truyện Khúc giã từ của Đức Hậu theo hệ quy chiếu vừa nêu.
Văn Đức Hậu thật dung dị mà cũng thật ám ảnh. Có cảm giác anh đã bước vào giai đọan đắc đạo khi tỏ rõ sự thuần thục trong nghề viết. Các chi tiết trong truyện được chọn lọc khá kỹ càng để có thể nói những điều cần nói. Lại rất tự nhiên, như không có bàn tay đẽo gọt, sắp đặt của người viết. Chẳng hạn, tôi để ý đến cảnh hai cha con Vũ Quân ngồi dưới gốc cây ngọc lan trong khuôn viên nhà trung tướng Lê Vũ để bàn về chuyện nên hay không nên gặp ông Chức. Mối tình với Phương Lan, người đã yêu Vũ Quân và phải trả giá cả cuộc đời về mối tình ấy, nhắc nhở tôi, khiến tôi không thể vô tâm. Ngoài chi tiết ra, tôi còn để ý đến khả năng chọn lựa tình huống. Đức Hậu chọn chính giờ phút lâm chung của nhân vật Chức. Nhà văn bậc thầy về truyện ngắn Môpátxăng cũng từng làm vậy trong các truyện Chờ đợi, Người đàn bà làm nghề độn ghế, Hoàng hậu Ortăng xơ… Trước lúc giã từ cuộc sống, con người có dịp nhìn lại cả cuộc đời dằng dặc của mình. Mọi ý nghĩ, lời nói khi ấy thường mang sức dung chứa lớn, dễ thấm thía và rung động hơn nhiều.
Tôi đặc biệt lưu ý tới lời đối thoại của các nhân vật trong truyện Đức Hậu. Tính bao quát cao và tính hành động mạnh tạo nên sức gợi lớn của những đọan đối thoại. Điều này thì nhiều người đã nhận ra. Tôi còn thích thú bởi một lẽ khác. Cảm xúc và ý nghĩ của các nhân vật vừa diễn biến lại vừa tiến triển. Vũ Quân trước nay cứ nghĩ anh em ông Chức bà Mờ chỉ độc ác, không ngờ họ lại còn khinh anh nữa. Xem anh là kẻ ngu. Hai lần ngu. Vì không biết họ nắm trong tay quyền lực, và còn vì không biết lợi dụng quyền lực của họ để tiến thân. Điều ông (Vũ Quân) lờ mờ cảm thấy hóa ra lại là thật. Và rồi Vũ Quân bàng hoàng như tỉnh mộng - tác giả viết như vậy.
Tôi xin phân tích khả năng đi sâu khám phá chính mình của Đức Hậu qua truyện ngắn. Hãy nhớ lại nguyên do ông Chức muốn gặp đối thủ tư tưởng vào đoạn cuối mong manh của đời mình. Để nhằm sòng phẳng đúng sai, phải trái ư? Không hằn vậy. Chính ông đã thừa nhận: “Mấy hôm nay tôi hay gặp cô Phương Lan lắm. Cô ấy cứ đứng đầu giường nhìn tôi chẳng nói gì. Nên tôi cho tìm chú về”. Rồi sau đó ông thú nhận: “Vì gặp lại bác sỹ Phương Lan, tôi nghĩ lại, thấy cũng có lỗi với hai người”. Cái nhìn bao dung nhân hậu của nhà văn ở đây đã hoàn toàn chinh phục tôi và có lẽ cũng chinh phục tâm trí của nhiều bạn đọc khác. Từ đó mới có thể hiểu nổi tâm trạng sau của nhân vật chính diện: “Trước cảnh sông nước đêm trăng, một con người đang hấp hối, Vũ Quân thấy xúc động tận đáy lòng. Hận thù, yêu ghét, thị phi chẳng còn ý nghĩa gì nữa”. Tư tưởng truyện ngắn dồn tụ vào đoạn cuối. Giọng hát, nét nhạc và ca từ của Khúc giã biệt khiến ông Chức mở mắt lằng nghe. Ông khen hay. Lần đầu tiên ông nghe Vũ Quân đàn, hát và ông khen hay. Câu hỏi “Phương nào? Có phải cái cậu mời về phòng văn hóa huyện không?” gần như chìm đi. Nổi lên là câu gọi cuối cùng của ông Chức: “Chú Quân, chú Quân! Cô Phương Lan về này.
Cô Lan, giờ tôi đề hai người gặp nhau…”. Đức Hậu, không thể khác, phải dùng lời ca từ “Nắng hạ mưa đông vòng đời quay/ Bánh xe luân hồi con tạo xoay” để ghép lại truyện ngắn, trong khi Vũ Quân thì “như say như mê, siết mạnh cây nhị vào lòng”.
Cô Lan, giờ tôi đề hai người gặp nhau…”. Đức Hậu, không thể khác, phải dùng lời ca từ “Nắng hạ mưa đông vòng đời quay/ Bánh xe luân hồi con tạo xoay” để ghép lại truyện ngắn, trong khi Vũ Quân thì “như say như mê, siết mạnh cây nhị vào lòng”.
Tôi cho rằng truyện ngắn này đã có sự thay đổi biên độ trong tư tưởng của Đức Hậu. Tư tưởng mà các nhà văn chân chính xưa nay đeo đuổi thường tồn tại dưới hai dạng thức cơ bản: tư tưởng xã hội và tư tưởng nhân văn. Phân ra tương đối vậy thôi, chứ xã hội bao giờ chẳng là xã hội - người, và bản chất chính yếu của con ngưởi khi nào chẳng là bản chất xã hội. Có thể nói các truyện ngắn thành công trước đó của Đức Hậu thường nghiêng về tư tưởng xã hội. Trong khi Khúc giã biệt lại nghiêng về tư tưởng nhân văn. Đức Hậu có thói quen liên kết các truyện tâm huyết của mình lại bằng việc nối dài những câu chuyện, những số phận, những cuộc đời chung. Có lẽ vì thế một số người cho rằng Khúc giã biệt chính là sự tiếp nối của Người đàn bà ám ảnh. Tôi không nghĩ vậy. Vấn đề xã hội mà truyện ngắn trước đặt ra là quan hệ giữa trí thức và quyền lực. Đức Hậu đã giải quyết một cách khéo léo, và đáng nói hơn là giải quyết một cách ám ánh, rất ám ảnh. Có thể nói ai đã một lần đọc truyện ngắn này thì sẽ phải cùng nhà văn thao thức trong sự thổn thức khôn nguôi. Theo tôi, trên một phương diện nào đó, Người đàn bà ám ảnh là một tác phẩm mang đậm dấu ấn sở trường cũng như tài năng của Đức Hậu. Khúc giã biệt lại khẳng định Đức Hậu trên một phương diện có phần khác như đã nói ở trên. Sự tự tìm tòi, tự khám phá mình ở đây là rõ rệt. Chính nó đã làm nên giá trị của truyện ngắn. Tác phẩm vừa như được tiên liệu từ trước vừa như là sự bứt phá, đột khởi đến ngỡ ngàng. Tôi đánh giá cao truyện ngắn này vì lẽ đó.
Rõ ràng, Khúc giã biệt nói với ta rất nhiều về phong cách văn chương vừa ổn định vừa phát triển của Đức Hậu. Nó chứng tỏ bút lực vẫn còn dồi dào trong anh. Sẽ có người không hoàn toàn tán thành với tôi. Họ sẽ bảo Đức Hậu viết đâu có nhiều nhặn gì. Tôi thì nghĩ khác. Trong văn chương số trang, độ dày của tác phẩm, của văn nghiệp không nói gì nhiều về một nhà văn. Quan trọng là cách thế dụng bút. Quan trọng hơn nữa là sức nghĩ, sức khám phá. Đã cầm bút viết thì phải viết sao cho đích đáng. Dài dòng mà nhợt nhạt, phẳng lặng; dài dòng mà thiếu ý tưởng hoặc ý tưởng mòn cũ! Có ra gì cái thứ văn chương ấy!
Đọc văn Đức Hậu, tôi hay nghĩ đến chính con người anh trong đời thực. Anh không thuộc loại người đa ngôn và xảo ngôn. Bình thường, anh không ưa nói nhiều, nói dài. Anh thích lắng nghe và nhìn ngắm. Rồi suy ngẫm. Có đổi khác chăng ấy là khi Đức Hậu gặp tri âm, tri kỷ. Nhất là trong men rượu. Tôi không mê rượu bia, nhưng tôi không khi nào xem thường bia rượu. Say xỉn thì chẳng nên. Trạng thái ngà ngà lại có cái hay riêng. Cuộc sống chung quanh khi đó có phần huyền ảo, lấp lánh hơn, vì vậy mà đáng yêu hơn. Nhất là ta như sống thật hơn. Với mình và với người. Phải chăng đó là một trong những điều đáng quý mà tôi có dịp bắt gặp trong văn và trong đời Đức Hậu?.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét