Mùa thu của Đặng Thế Phong
Sinh thời, nhà thơ Huy Cận đã từng nhận mình là “một chiếc linh hồn nhỏ/ mang
mang thiên cổ sầu”. Thật trùng hợp khi bài hát Giọt mưa thu của cố nhạc sĩ Đặng
Thế Phong ban đầu có tên là Sầu vạn cổ. Vì cái tên Sầu vạn cổ ấy nghe nó buồn
bã và thê thảm quá nên bạn bè đã khuyên nhạc sĩ đổi lại tên.
Đặng Thế Phong sinh năm 1918 tại Nam Định. Thân phụ ông mất sớm,
hoàn cảnh gia đình khó khăn, Đặng Thế Phong phải bỏ dở việc học để lên Hà Nội
tìm kế sinh nhai. Thật không may, ông đã mắc bệnh lao và ra đi khi mới 24 tuổi
đời. Đặng Thế Phong là một trường hợp lạ lùng của nền tân nhạc Việt Nam, đặc biệt
bởi sự nghiệp sáng tác của ông chỉ vẻn vẹn 3 bài hát và đặc biệt hơn nữa là cả
3 bài đều viết về mùa thu. Lìa xa cõi thế khi tuổi đời còn rất trẻ, cái tên Đặng
Thế Phong đã để lại bao luyến thương với các thế hệ thính giả yêu nhạc. Cùng với
Cung Tiến, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn... Đặng Thế Phong đã thêm một
thanh âm đặc biệt vào bản nhạc của mùa thu đẹp, buồn từ muôn thuở.
Hai bài hát Con thuyền không bến và Giọt mưa
thu của Đặng Thế Phong đều gắn với mối tình của ông với người con gái tên
Tuyết ở nơi quê nhà Nam Định. Nhưng sáng tác đầu tay của ông, bản Đêm thu lại
là vào cái thuở “chưa biết gì”, khi ấy mùa thu thật trong trẻo và mơ màng. Khu
vườn đẫm ánh trăng đã ru người nghe vào một cõi thu tuyệt bích:
Vườn khuya trăng chiếu
Hoa đứng im như mắc buồn
Lòng ta xao xuyến
Lắng nghe lời hoa
Cánh hoa vương buồn trong gió
Áng hương yêu nhẹ nhàng say
Gió lay
Cành sương nặng trĩu
Ru bóng đêm trong ánh vàng
Màn đêm buông xuống
Mái im triền miên
Bản nhạc đầu tay được đánh giá là hoàn thiện của cả hình thức
và nội dung xưa nay không nhiều, vì thế, bài Đêm thu từ khi ra đời đã
được công chúng nhiệt tình đón nhận. Đặng Thế Phong đã kết hợp tài tình âm nhạc
truyền thống và âm nhạc Tây phương, âm hưởng của bài hát này mang phong thái trữ
tình nhẹ nhàng của một điệu valse lãng mạn. Không gian đẹp như một bức tranh đường
thi, mềm mại, lả lướt, mơ màng. Như một người thiếu nữ lần đầu cảm nhận được
mùa thu còn trong trẻo, diễm lệ, dịu dàng. Thế nhưng khúc hát trong trẻo đến ngỡ
ngàng ấy vẫn phảng phất một nỗi buồn mơ hồ, như một dự cảm về một sự chia lìa,
nghiệt ngã.
Trăng xuống dần
Cỏ cây thêm âm thầm
Đông buồn trong ánh sao
Như chiếu nhìn mắt ta bao lạnh lùng
Lay hồn ta rồi tan...
Đêm thu dù có thoáng buồn nhưng còn giữ một sắc thái
tươi tắn, nhẹ nhàng nhưng đến Con thuyền không bến thì không gian của
mùa thu đã nhuốm cái sầu nhân thế, nhuốm nỗi chia lìa xót xa, nhuốm nỗi buồn cô
quạnh. Buồn cũng phải thôi bởi bài hát được sáng tác sau khi nhà nhạc sĩ tài
hoa kia nghe tin người
yêu ngã bệnh nơi quê nhà, giữa cuộc vui ông bỏ ra ngoài và viết một mạch cho đến
khi xong bản nhạc. Và lúc đêm sắp tàn cũng là lúc bản nhạc được hoàn thành, lúc
này đêm thu trong cảm nhận của nhà Đặng Thế Phong đã trở nên ai oán, muộn sầu:
Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng
Trong cây hơi thu cùng heo may
Vi vu qua muôn cành mơ say
Miền xa lời gió vang thông ngàn
Đêm thu vẫn đẹp như một bức tranh Đường thi nhưng đã không
còn cái tươi vui và trong trẻo nữa, nỗi buồn thương đã thấm vào làn gió, áng
mây, màn sương, con thuyền, thanh âm... của mùa thu. Giọt mưa thu đã
ra đời để tiếp nối cho bản nhạc thu buồn bã ấy. Trong cảnh đói nghèo, bệnh tật,
tuyệt vọng, cô đơn người nhạc sĩ ấy đã viết nên khúc ca mùa thu vào loại ám ảnh
bậc nhất trong nền tân nhạc Việt Nam. Nó ám ảnh và ai oán đến nỗi ca sĩ Tâm Vấn
đã có lần tâm sự: “Tôi mê nhất bài Đêm thu, nó lả lướt, nó ướt át, nó mơ
màng, lãng mạn. Chứ còn Giọt mưa thu nó thê thảm quá, tôi không hát
nhiều”. Đặng Thế Phong đã bị mùa thu ám ảnh. Trong cơn mưa thu tháng 7, người
nhạc sĩ tài hoa đoản mệnh ấy đã viết nên những lời ca bất hủ:
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi
mưa buồn chi
cho cõi lòng lâm ly
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về
Ai nức nở thương đời
châu buông mau
Mới độ tuổi 20 mà đã cảm nhận được “dương thế bao la sầu”, hẳn
người nhạc sĩ họ Đặng đã thấm nỗi sầu ấy từ muôn kiếp trước, nó giống như tên
ban đầu mà nhạc sĩ đã đặt cho bài hát là Sầu vạn cổ. Cũng chỉ là những
chất liệu của mùa thu của bao đời: mây thu, mưa thu, gió thu, trời xanh... mà
sao thu của Đặng Thế Phong lại ám ảnh và tuyệt vọng như thế. Trong bài
hát Buồn tàn thu của Văn Cao, hình ảnh chinh phụ với nỗi lòng cô đơn
héo hắt, sầu muộn chờ chồng trong khắc khoải nhưng sao ta không thấy sự tuyệt vọng
và ai oán. Có buồn bã, xót xa đấy, có thu tàn, thu chết đấy mà người ta vẫn thấy
trong sự chờ đợi đó thấp thoáng ánh sáng của hy vọng của một ngày mai sum họp:
Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng
Ôi vừa thoáng nghe em
Mơ ngày bước chân chàng
Từ từ xa đường vắng
Đêm mùa thu chết
Dẫu có mùa thu chết thì giấc mơ của người thiếu phụ trong bài
hát vẫn đầy hương vị tình, vẫn ngọt ngào tha thiết, vẫn ấm áp tình người. Người
ta có cảm nhận về sự xa cách nhưng không chia lìa, buồn bã nhưng chưa đến mức
thảm sầu, nức nở mà không ai oán, khắc khoải nhưng chưa đến mức tuyệt vọng. Tiếng
thu trong nhạc của Đặng Thế Phong được tạo nên bởi ba thanh âm buồn với những
cung bậc khác nhau. Nếu Đêm thu là một nỗi buồn mơ hồ trong không
gian thu trong trẻo, mơ màng, dịu nhẹ thì Con thuyền không bến và Giọt
mưa thu đã đầy hình ảnh chênh vênh dưới ánh trăng mờ ảo và muộn sầu, đầy tiếng
nức nở than hờ, đầy chia lìa tiễn biệt. Vẫn biết mùa thu đẹp và buồn nhưng sao
mùa thu của Đặng Thế Phong lại buồn đến thế. Dường như tất cả nỗi buồn xưa nay
của mùa thu đều nhập vào những khúc ca ấy để khi thanh âm cuối cùng của bản nhạc
vừa dứt thì hình ảnh con thuyền cô đơn thấp thoáng trong màn sương thu mờ ảo,
giữa một không gian còn văng vẳng tiếng khóc than ai oán dưới cơn mưa thu não nề
lại gợi lên bao ám ảnh khôn nguôi:
Người mong mây tan
cho gió hiu hiu lạnh
mây ngỏ trời xanh
chắc gì vui
mưa còn rơi
Hoài Thu
Nguồn: Báo Văn
nghệ Hòa Bình,
số 505-506, tháng 9/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét