Đổi mới quan niệm nghệ thuật
Con người là đối tượng hàng đầu của văn chương, là trung tâm chú ý của nhà văn. Điều này đã thành nguyên lý có tính phổ quát, không cần phải bàn cãi. Khác biệt chăng là ở cách hiểu, cách vận dụng nguyên lý. Nhận thức khác nhau sẽ đưa tới cách giải quyết vấn đề không giống nhau. Và vì thế, yêu cầu thay đổi trong quan niệm nghệ thuật về con người vẫn còn tiếp tục được đặt ra cho cả lý luận lẫn sáng tác nhất là khi công cuộc đổi mới văn chương đang được triển khai ngày càng sâu rộng và triệt để như hiện nay.
Nói về đối tượng của văn chương, ta hay nhắc tới câu nói nổi tiếng của M.Gorki: Văn học là nhân học. Đây thật sự là quan niệm súc tích và xác đáng. Thế nhưng đi đến tận cùng chân lý ẩn chứa trong câu nói đó quả không dễ. Khi hướng tới đối tượng trung tâm của mình, tác phẩm văn chương không chỉ thể hiện đời sống và phẩm chất của con người, không chỉ đặt ra và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quan hệ giữa con người và con người, giữa con người với tự nhiên, mà quan trọng hơn là tìm hiểu, khám phá và phát hiện ra những bí ẩn nằm trong chiều sâu, những chiều kích khác nhau của con người.
Phải thừa nhận là giai đoạn cách mạng và kháng chiến kéo dài suốt 30 năm (1945 - 1975) đã tạo nên một mẫu người phổ biến trong cuộc sống và trong văn chương phù hợp với yêu cầu cơ bản của lịch sử là chiến thắng, bằng bất kỳ giá nào, kẻ thù của dân tộc và tiến bộ xã hội. Câu nói của Hồ Chí Minh "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết phải giành cho kỳ được độc lập" đã trở thành quyết tâm và sức mạnh của hàng triệu người Việt Nam. Không phải chúng ta không nhận biết được tính toàn diện của bản chất người, tính đa dạng và phức tạp của quan hệ người. Nhưng để tồn tại và chiến thắng, một số mặt trong bản chất và quan hệ ấy, trên thực tế, đã nổi trội hẳn lên. Đó chủ yếu là con người hiện thực, con người hành động, con người xã hội, con người giai cấp, con người cộng đồng và con người phi thường. Làm sao có thể khác được. Chiến tranh có quy luật riêng của nó. Muốn vượt qua những thử thách khắc nghiệt của chiến tranh, con người cần sống một cách thực tế, không nên quá suy tư và đa cảm, phải giản ước mọi ham muốn, không được mơ hồ về kẻ thù, không được phép nghĩ nhiều tới lợi ích và nguyện vọng riêng tây, và nhất là cần huy động mọi phẩm chất cao đẹp tiềm ẩn trong bản thân mình. Vâng, đó là thực tế có thể ngặt nghèo song không thể khác được.
Tuy nhiên, từ sau toàn thắng 1975, tình hình toàn cục trên đại thể đã hoàn toàn đổi khác. Giờ đây, với nhà văn, cuộc sống đã mở ra những triển vọng cao hơn cùng những đòi hỏi lớn hơn. Để đáp ứng những nhu cầu thẩm mỹ mới của công chúng, văn chương cần trở về với đặc trưng vốn có của mình, cần tuân thủ những “quy luật muôn đời” của các kiệt tác trong lịch sử văn chương dân tộc và nhân loại. Đặc biệt, bệnh đơn giản, một chiều trong quan niệm nghệ thuật về con người nên sớm được chấm dứt. Đã đến lúc cần lưu tâm đến tính toàn diện của bản chất người, tính đa dạng của quan hệ người. Cùng với con người hiện thực, con người hành động, con người xã hội, con người giai cấp, con người cộng đồng và con người phi thường, nhà văn cần coi trọng thêm tới con người siêu việt, con người tâm linh, con người tự nhiên, con người nhân loại, con người cá thể và con người đời thường - những phương diện và những quan hệ mà trước đây do nhu cầu của đời sống thời chiến đã không được chú ý một cách thích đáng. Và một thập kỷ văn chương vừa qua, trên thực tế, đã ít nhiều đi theo hướng này. Đó là dấu hiệu thật đáng mừng.
Ai cũng biết khoa học cuối thế kỷ XX đã quay về phương Đông “đi tìm con người ở bên trong con người”. Không ít thành tựu đã thật sự làm chúng ta kinh ngạc. Người ta nói nhiều tới thế giới tiềm thức, vô thức, siêu thức trong tâm thức của con người. Hóa ra không chỉ những thực thể tai nghe mắt thấy mới hiện hữu. Bao nhiêu cái vô hình, vô thanh vẫn tồn tại ngoài ý muốn của các nhà duy vật tầm thường. Con người quả là một thực thể kỳ diệu, huyền bí. Và những thành tựu của tâm lý học hiện đại đã tiếp sức cho văn chương, đã trao vào tay nhà văn một lợi khí sắc bén. Con người siêu việt không thể không được quan tâm khai thác là vì vậy.
Cùng với con người siêu việt là con người tâm linh, con người trí tuệ. Khác với loài vật, con người luôn hành động để cải tạo tự nhiên và xã hội theo ý muốn của mình. Ngoài tính mục đích, mọi hành động đều luôn được kiểm soát chặt chẽ bởi ý thức. Hành động trong thời chiến hay thời bình đều vậy. Có điều, hành động trong thời bình, ở một mức độ nào đó, bị chi phối bởi nhiều động cơ phức tạp hơn, nhiều chiều hơn. Bạn đọc mong mỏi nhà văn không chỉ miêu tả hành động mà còn lý giải hành động - lý giải một cách sâu sắc và thuyết phục. Muốn thế, đời sống nội tâm, kể cả những lo toan, trăn trở, dằn vặt, ưu tư... cần có vị trí xứng đáng trên trang viết. Không thế, tác phẩm sẽ khó tránh khỏi đơn điệu tẻ nhạt do thiếu chất sống sâu xa của cuộc đời.
Trên chiều hướng chung ấy, mặt tự nhiên, mặt sinh vật của bản chất người cũng cần được các nhà văn chú tâm thể hiện. Nhiều dục vọng, ham muốn thậm chí cả tình dục trên thực tế không còn là điều cấm kỵ trong văn chương. Câu châm ngôn mà Các Mác ưa thích “Không gì thuộc về con người lại xa lạ với tôi” tỏ ra đặc biệt thích hợp với nhà văn thời nay. Con người trong văn chương trở nên thật hơn, và vì thế gần gũi hơn, hấp dẫn hơn đối với bạn đọc. Giản lược trong cách nhìn nhận con người dễ tạo nên sự cách biệt giữa đời sống và văn chương. Cảm giác giả tạo một phần có căn nguyên từ đó.
Gây nên ấn tượng giả tạo còn do người viết muốn lãng quên con người nhân loại bên cạnh con người giai cấp. Tính người là đặc tính hiển nhiên không kém gì tính giai cấp. Nhờ có bản chất chung mà con người thuộc các dân tộc, các tôn giáo với những điều kiện lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa khác nhau đều có ý hướng xóa dần cách biệt, xích lại gần nhau hơn vì những mục tiêu cao quý: Hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Điều này càng trở thành sự thật phổ biến trong thời đại chúng ta khi xu thế đối thoại đang dần dần thay xu hướng đối đầu, khi giao lưu, hội nhập đang là lẽ sống còn và thịnh vượng của từng đất nước, từng khu vực và cả hành tinh chúng ta. Ngoảnh mặt làm ngơ trước thực tế đó, dầu là cố tình hay vô ý, đều thiếu khách quan, thiếu biện chứng.
Cũng thiếu biện chứng và khách quan nếu ai đó xem nhẹ con người cá thể trong văn chương . Xã hội được tạo ra bởi từng đơn vị người với những số phận và những tính cách riêng biệt. Xã hội càng văn minh thì càng đòi hỏi và tạo điều kiện cho cái riêng của con người phát triển và tỏa sáng. Điều đó đặc biệt có ý nghĩa trong văn chương. Đúng là ít có lĩnh vực nào như lĩnh vực này cá nhân con người lại được coi trọng đến vậy. Có thể có trữ tình công dân, song tính trữ tình loại này sẽ giảm chất văn chương đi rất nhiều nếu không qua cái tôi của nhân vật trữ tình. Và tiểu thuyết là gì nếu trong đó không phải là đời sống, là cuộc vận hành lịch sử qua những số phận riêng, bản tính riêng, đường đời riêng của nhân vật?
Đặc tính trên liên quan trực tiếp đến con người đời thường. Có thể nói tài năng văn chương được bộc lộ ở đây. Trong đôi mắt của nhà văn bậc thầy, mọi thứ, ngay cả những cái quen thuộc tầm thường nhất, đều được trùm phủ bởi tấm lòng bao dung ưu ái, đều được tỏa sáng, ngời tỏ, lung linh. Đọc họ, ta bỗng giật mình tự hỏi: Sao ta không cảm và không thấy được như nhà văn? Cuộc đời mỗi người sẽ phong phú biết bao nhiêu nếu biết sống một cách ý thức như người nghệ sĩ! Bởi thế, đi tìm cái bất biến, cái trường tồn trong dòng chảy có vẻ như yên ả của cuộc đời phải được xem là chức phận thiêng liêng của người cầm bút.
Cần nhấn mạnh là tất cả những phương diện và quan hệ vừa nêu chỉ bổ sung để cái nhìn nghệ thuật về con người thêm biện chứng và thực tế. Nhớ mặt này mà quên mặt kia sẽ tạo ra thiên lệnh mới đáng phàn nàn không kém gì thiên lệch cũ. Có thể nói, đó là những mặt đối lập thống nhất trong thực thể sống động - con người. Chẳng hạn, sẽ là phiến diện nếu một cây bút nào đó xoáy sâu vào bản chất sinh vật của con người. Và không còn là phiến diện mà là sai lầm nếu họ không thấy đây là mặt sinh vật - người. Xem thường bản chất người, tác phẩm của họ sa vào chủ nghĩa tự nhiên là dễ hiểu.
Song hành với sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người là sự thay đổi trong phương thức biểu hiện nghệ thuật về con người. Ở đây hầu như không hề có bất kỳ một trói buộc nào cả. Nhà văn có quyền sử dụng mọi phương tiện nghệ thuật kể cả ước lệ, tượng trưng, viễn tưởng... để đạt được mục tiêu sáng tạo của mình. Nguồn học hỏi có thể từ nhiều phía. Có thể tiếp thu biện pháp thể hiện của các ngành khác như thủ pháp đồng biện của điện ảnh, tính tư liệu của báo chí... Cũng có thể tiếp nhận những ảnh hưởng tích cực từ các trào lưu hiện đại phương Tây như kỹ thuật “dòng ý thức” của Marcel Proust, tư duy huyền thoại của Franz Kafka... Cần tạo nên sự đa dạng về màu sắc thẩm mỹ, sự nhiều chiều về thời gian và không gian, sự đa thanh về giọng điệu và âm hưởng.
Rõ ràng, hơn lúc nào hết, chân trời sáng tạo đang rộng mở trước nhà văn với bao dự cảm tốt đẹp. Điều còn lại hết thảy tùy thuộc ở nhân cách, tài năng và sức lao động của người nghệ sĩ. Sự khởi động đã bắt đầu, tín hiệu thành công đang nhấp nháy, nhưng trang viết để đời còn đang ở phía trước thúc giục, mời gọi người cầm bút chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét