Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Vấn đề tài năng trong hoạt động nghệ thuật

Vấn đề tài năng 
trong hoạt động nghệ thuật
Một vấn đề nảy sinh là nếu năng lực thẩm mỹ mang tính xã hội thì nó do đâu mà có? Vai trò của yếu tố bẩm sinh và yếu tố học tập, rèn luyện trong việc hình thành các năng lực cảm thụ, sáng tạo và đánh giá nghệ thuật ra sao?
Trước hết, ta không thể tán đồng với khuynh hướng thần bí hóa năng lực thẩm mỹ. Tài năng nghệ thuật là hiếm và quý. Biểu hiện của nó là hết sức đa dạng và phong phú. Mọi sự lý giải đơn giản tài năng nghệ thuật sẽ không bao giờ có sức thuyết phục. Tuy nhiên, tuyệt đối hóa nét đặc thù của nó cũng chẳng có sức thuyết phục gì hơn. Nói khác đi, tài năng nghệ thuật là một hiện tượng tinh thần kỳ diệu song không phải là không giải thích được.
Trong lĩnh vực này, vai trò của thiên bẩm là không thể thiếu. Sẽ không có một Đặng Thái Sơn, một Trà Giang, một Trần Đăng Khoa… nếu ngay từ nhỏ họ không mang trong mình bản tính nghệ sĩ. Môi trường và điều kiện xã hội góp phần quyết định chuyển hóa khả năng thành hiện thực, vậy thôi. Người ta kể rằng trí tưởng tượng sáng tạo phát triển rất sớm ở Trần Đăng Khoa. Một lần anh trai Khoa - cũng là người làm thơ, nhìn thấy bụi tre ngả nghiêng trong gió to đã hỏi Khoa: “Bụi tre giống gì?”. Trần Đăng Khoa khi ấy mới 5, 6 tuổi đã trả lời: “Trông giống ông say rượu”. Thật đường đột và thú vị. Coi nhẹ vai trò của yếu tố bẩm sinh sao được. Cho nên, thiên tài nghệ thuật thường xuất hiện bất ngờ, và lập tức trở thành tài sản quý báu, ghi nhận sự phát triển cao về mặt tinh thần của bất cứ dân tộc nào xưa cũng như nay.
Mặc dầu vậy, như nhiều người khẳng định, học tập và rèn luyện nhằm vun đắp, phát triển tài năng sẵn có mới mang tính quyết định. Nói như K.Marx: Thực tiễn sẽ phát triển những năng khiếu tiềm tàng trong bản thân con người. Ngành nghề nào cũng vừa yêu cầu trình độ vừa đòi hỏi kỹ năng. Trình độ chủ yếu được trau dồi bằng con đường học tập, còn kỹ năng được thuần thục dần bằng quá trình rèn luyện. Kết hợp lại, ta nói học tập và rèn luyện là vì thế. Thực tế nghệ thuật của dân tộc và nhân loại trải qua thời gian dài lâu đã chứng minh hùng hồn điều đó.
Một lần, nữ nghệ sĩ nổi tiếng của Liên Xô trước đây là Mắcxacôva đã khóc khi nghe giọng hát của ca sĩ Murađôv. Ông không được học hành gì cả và khi ấy ông đã gần 60 tuổi. Mọi người tưởng giọng hát của ca sĩ làm bà xúc động. Không phải vậy, bà khóc vì lẽ khác: “Tôi khóc vì thương xót. Thật là một giọng ca tuyệt đẹp, ông đã có thể làm kinh ngạc cả thế giới, nếu trước đây được học hành đến nơi đến chốn. Còn bây giờ thì không thể được nữa rồi” (theo Raxun Gamzatôv). Bởi vậy, có thể dễ dàng tán đồng với định nghĩa quen thuộc của Tố Hữu về tài năng: Thiên tài là gì, nếu không phải là hương của hoa, là núi của của đất, là sự kết kinh ở một mức nào đó trí tuệ và tài năng của nhân dân lao động.
Nhớ tới ý tứ xa xưa của Mạnh Tử về chuyện cung tên: Phải khổ luyện thật lâu dài mới có sức căng nổi dây cung, nhưng khi mũi tên rời khỏi cung tìm đến đích thì trúng  hay không lại còn tùy vào may mắn mà ông gọi là “thiên mệnh”. Cũng sát hợp với chuyện ta đang bàn. Hai yếu tố tiên thiên và hậu thiên làm nên năng lực nghệ thuật đặc biệt của con người, nhất là đối với những bậc thiên tài, thật rõ rệt và nhất quán. Tiếc là có một thời, có thể nói là kéo quá dài, nhiều người rất ít lưu tâm tới nhân tố bẩm sinh. Họ thường nhắc đi nhắc lại lời căn dặn phải nói là chưa thật thuyết phục của Stalin rằng: Muốn thành công, trong bất cứ lĩnh vực nào, đều tùy thuộc tới 99, 99 % vào mồ hồi công sức. Thực tế không hẳn như vậy. Đặc biệt là trong lãnh địa văn chương, nghệ thuật của chúng ta. Gần đây, lại xuất hịện một thiên hướng lệch lạc khác, quá đề cao tính tài tử, làm mà như chơi, chơi mà như làm, trong sáng tạo và phê bình. Thực tế cũng cho ta một câu trả lời hoàn toàn khác. Đã đến lúc, trong mọi họat động nghệ thuật, cần có một cái nhìn hài hòa mới mong gặt hái được những thành công như mong đợi. Tôi luôn thành tâm nghĩ thế!
Tư chất nghệ sỹ hàng đầu ở nhà văn
Điều này từ lâu đã được các nhà tâm lý học sáng tạo văn chương bàn nhiều rồi. Họ nói đến trí tưởng tượng sáng tạo, khả năng quan sát tinh tế, tâm hồn giàu cảm xúc, năng lực trí tuệ sắc sảo, tài dự báo, dự đoán... và nhiều, nhiều nữa. Tôi thấy đúng cả, nhưng chưa thật trúng lắm. Có gì chưa hoàn toàn thích hợp với nghề văn. Riêng tôi cho rằng khả năng cảm thông với thế giới (với cảnh vật, sự việc, và nhất là con người) nên được coi là phẩm chất quan trọng nhất, nổi trội nhất nơi nhà văn. Nhà thơ Huy Cận viết: “Muốn làm thơ hay phải có khiếu thơ. Có khiếu thơ chưa đủ, phải thấu hiểu cuộc đời, cảm thông với tạo vật - PQT nhấn mạnh, có vậy cảm xúc thơ mới sâu đậm được” (Tạp chí Văn học số 10/1996). Cố nhiên cảm thông tôi nói đây không tách rời cảm nhận, nhưng là thứ cảm nhận trong “ta” có “vật”, trong “vật” có “ta”, thứ cảm nhận được chuyển hoá, nâng cao về chất, thứ cảm nhận gắn với tình cảm, với niềm tin. Mọi cảm thông bao giờ cũng mang tính định hướng là vì vậy.
Tại sao với tôi đây lại là phẩm chất đáng nhấn mạnh nhất? Trước hết là bởi với nhà văn nó là gốc của mọi khả năng khác. Cứ hình dung xem nếu thiếu cảm thông thì sự tình sẽ ra sao? Không thể có một mẩu tưởng tượng nếu anh không nhập cuộc, nhập thân. Cũng không thể có chút ít rung động nào nếu anh không “thương người như thể thương thân”, người ở đây theo nghĩa rộng để chỉ khách thể nói chung. Tương tự, nhà văn sẽ không quan sát được gì đáng kể cả nếu chỉ là một chàng phóng viên lớt phớt, sẽ không  dự báo, dự cảm được gì thật sự thuyết phục cả nếu không xuất phát từ hiện trạng, nhận chân đến tận cùng hiện trạng. Sau nữa và nguyên do này thật đáng lưu tâm, khả năng cảm thông ở nhà văn bắt nguồn từ vị thế của văn chương đối với cuộc đời. Con người sinh ra văn chương có duyên cớ riêng, ấy là để tạo ra mối giao hòa giữa con người với con người, giữa con người với đất trời, cây cỏ. Không có hoặc thiếu đi mối giao hoà này thì không thể mường tượng nổi con người sẽ ra sao nữa. Mất cảm thông, cộng đồng từ đơn vị nhỏ là một gia đình đến đơn vị lớn hơn là một tộc người đều không có cơ sở để tồn tại. Vậy nên, vai trò của văn chương, của nghệ thuật lớn lắm!
Có thể nói, chính vì tầm quan trọng của năng lực cảm thông đối với nghề văn mà tôi nghĩ nó là phẩm chất hàng đầu đối với nhà văn.
Đà Lạt, 9/1996
Phạm Quang Trung
      Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một ngày đi hôi gạo

Một ngày đi hôi gạo Đó là những ngày đầu tháng năm năm 1975. Tôi rảnh rổi không có việc gì làm, đạp xe qua nhà cậu tôi ở Cầu Kinh, một khu...