Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Đối tượng và bản chất của lý luận văn chương

Đối tượng và bản chất 
của lý luận văn chương
Hiện thời, không chỉ phê bình văn chương mà cả lý luận văn chương đều không làm một ai trong chúng ta hài lòng. Người trong giới, trong cuộc thì sốt ruột. Càng nhiều trách nhiệm, càng nhiều liên đới càng sốt ruột. Cần phải tháo gỡ. Nên bắt đầu từ đâu? Theo tôi, có lẽ nên đi từ đối tượng và bản chất của chính lý luận văn chương.
Để đúng hướng, trước mọi sự, có lẽ là việc chúng ta cùng nhau bàn bạc, đi tới xác định rõ ràng, rành rọt đối tượng của lý luận văn chương là gì? Thuật ngữ dường như đã phần nào nói lên tất cả. Đây là lý luận của văn chương, về văn chương, và cho văn chương. Hẳn nhiên văn chương chính là đối tượng tìm hiểu của lý luận (1). Văn chương là gì? Theo tôi, cần hiểu văn chương đồng thời theo hai nghĩa: một là, mọi hiện tượng văn chương; và hai là, mọi hoạt động văn chương. Mọi là nhiều loại hiện tượng văn chương gồm tác phẩm, tác giả, giai đoạn, thời kỳ, trào lưu, phương pháp, nền văn chương…, nhiều dạng hoạt động văn chương như sáng tác, phê bình, nghiên cứu, cảm thụ, giảng dạy văn chương… Mọi còn hàm nghĩa là những loại hiện tượng văn chương khác nhau, có thể đối lập nhau về xu hướng, những dạng hoạt động  gần với văn chương như sáng tạo, phê bình văn chương…, hoặc xa với văn chương như giảng dạy văn chương.
Trong sự giàu có của nội hàm thuật ngữ văn chương, để mọi sự nỗ lực nghiên cứu có định hướng, vì thế mà có hiệu quả, ta cần thống nhất xem hiện tượng văn chương nào là trung tâm, và hoạt động văn chương nào là tiêu biểu. Không còn nghi ngờ gì nữa, tác phẩm văn chương phải được xem là hiện tượng văn chương trung tâm và sáng tạo văn chương phải được xem là hoạt động văn chương tiêu biểu. Bởi lẽ giản đơn là không có tác phẩm sẽ không thể có những hiện tượng văn chương khác như tác giả, giai đoạn, trào lưu văn chương… Mà để tạo nên tác phẩm thì phải có lao động đặc thù của nhà văn. Không phải vô cớ mà lý luận văn chương từ xưa đến nay lại coi trọng tìm hiểu tác phẩm (nhất là những kiệt tác) và sáng tác của nhà văn (nhất là những nhà văn bậc thầy).
Có thể thấy văn chương mang hàm nghĩa như vậy là đối tượng chung của khoa văn học (hay là khoa nghiên cứu văn chương) chứ không phải là đối tượng riêng của lý luận văn chương. Khoa văn học có nhiều ngành, cơ bản và không cơ bản, tuỳ vào nhiệm vụ khách quan mà chúng đảm nhận. Nhiều người cho rằng, lý luận, lịch sử và phê bình văn chương là ba ngành cơ bản của khoa nghiên cứu văn chương. Tôi thì nghĩ, chỉ có hai ngành cơ bản thôi. Đó là lý luận văn chương và lịch sử văn chương. Tại sao vậy? Như bất cứ ngành khoa học nào khác, khi tiếp cận với đối tượng nghiên cứu, khoa văn học có thể và cần phải tiếp cận ở hai phương diện chính yếu là phương diện cấu trúc và phương diện sinh thành. Nghiêng về mặt cấu trúc, ấy là lý luận văn chương; còn nghiêng về mặt sinh thành, ấy là lịch sử văn chương. Tuy nhiên, do văn chương từng trải qua lịch sử hình thành, biến đổi và phát triển dài lâu, cực kỳ đa dạng và phức tạp, nên để nghiên cứu văn chương như nó vốn có, ta không nên và không thể tách hai mặt đó ra. Để trình bày một cách khoa học, vì vậy, ta nên xác định đối tượng của 2 ngành cơ bản của khoa văn học như sau: Cùng hướng tới văn chương nhưng lý luận văn chương nghiêng về mặt cấu trúc - sinh thành, còn lịch sử văn chương lại nghiêng về mặt sinh thành - cấu trúc.
Việc xác định rành mạch như trên góp phần phân định một cách tương đối nhiệm vụ của lý luận văn chương so với nhiệm vụ của lịch sử văn chương, cũng như so với nhiệm vụ của những ngành khác của khoa văn học như phê bình văn chương, xã hội học văn chương, tâm lý học sáng tạo văn chương, phương pháp luận nghiên cứu văn chương… Lý luận văn chương cần phải phân tích, luận giải, so sánh các hiện tượng và hoạt động văn chương của dân tộc và nhân loại nhằm khái quát thành những nguyên lý chung có tính phổ biến nhất, bao quát nhất. Ý nghĩa mang tính phương pháp luận của lý luận văn chương đối với khoa văn học, đối với các hoạt động văn chương là ở chỗ này. Ta cũng thường xem tri thức lý luận văn chương là tri thức nền tảng, tạo ra tiềm lực của các nhà văn, của các nhà văn học cũng chính là ở chỗ này. Lý luận văn chương được xem là siêu khoa học là vì thế!
Cố nhiên, các nhà lý luận phải đưa ra quan niệm văn chương là gì? Định nghĩa văn chương, đúng hơn là nhiều định nghĩa văn chương được trình bày. Ấy là do văn chương là một hiện tượng tinh thần vô cùng linh diệu của con người và xã hội. Một lối nhìn, một cách tiếp cận, không bao giờ có thể nói lên được đầy đủ bản chất vốn có của nó, cũng như mối quan hệ giữa nó với các hiện tượng tinh thần, vật chất khác. Nhiều mà không tản mạn, mà phải tập trung. Trục chính để nhận biết bản chất đích thực của văn chương nằm ở ngay quy trình văn chương: thực tại - nhà văn - tác phẩm - người đọc - thực tại. Có định nghĩa chú trọng tới thực tại, nghiêng về nhận thức luận nghệ thuật; có định nghĩa coi trọng nhà văn, nghiêng về quá trình sáng tạo nghệ thuật; có định nghĩa lưu tâm tới tác phẩm, nghiêng về bản thể luận nghệ thuật; lại có định nghĩa đề cao người đọc, nghiêng về tiếp nhận nghệ thuật. Để có cái nhìn biện chứng, không thể xét mặt này mà xem nhẹ, bỏ rơi các mặt khác. Có như vậy mới mong đưa ra những định nghĩa văn chương giàu sức thuyết phục.
Quan niệm về văn chương không chỉ dừng ở các định nghĩa. Ta cần đi sâu tìm hiểu một cách có hệ thống đối tượng, chức năng, nội dung, đặc tính và phương thức biểu hiện của văn chương. Ta cũng cần phải chỉ ra mối quan hệ giữa văn chương với xã hội và với các hình thái ý thức khác của con người như chính trị, triết học, đạo đức, khoa học, tôn giáo… Tôi đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của triết học. Không thể có nền văn chương, và nói riêng là tác phẩm văn chương, đạt tới tầm cao về tư tưởng và độ sâu về sự khám phá hiện thực mà lại không được xây dựng trên một nền tảng triết học thật sự khoa học, vững vàng và chắc chắn.
Trở lên trên là đối tượng và bản chất của lý luận văn chương, chính xác hơn là của lý luận văn chương cơ bản. Trên thực tế, do đòi hỏi của các hiện tượng và các hoạt động văn chương đa dạng mà lý luận văn chương buộc phải mở rộng sự tìm hiểu của mình tới từng đối tượng, từng thời điểm, từng hoạt động, tạo ra hệ thống lý luận thường được gọi là lý luận văn chương ứng dụng (2). Thuộc về các hiện tượng văn chương có thể có: lý luận văn chương dân tộc, lý thuyết các trào lưu văn chương, lý luận văn chương trung đại, lý luận văn chương đương đại… Trong phạm vi các hoạt động văn chương có thể có: bàn về nghề văn dành cho sáng tác, thường thức lý luận văn chương dành cho người đọc, lý luận văn chương sư phạm dành cho việc dạy văn và học văn -…
Hạn chế dễ nhận thấy của lý luận văn chương cơ bản hiện nay là cứng nhắc, lỗi thời và ít tính phổ quát. Đời sống văn chương luôn biến đổi, lý luận lại hầu như không có sự thay đổi, sự bổ sung nào thật sự đáng kể. Tình trạng lạc hậu về tư duy, trình độ, tri thức lý luận lại kéo dài khá lâu, đến hàng nửa thế kỷ, nếu tính từ sau 1954. Thứ lý luận ấy không những không thúc đẩy văn chương mà còn kìm hãm, ngáng trở văn chương. Nó trói buộc giới nhà văn và các nhà văn học. Nó cản trở các dạng hoạt động văn chương khác như cảm thụ và giảng dạy văn chương. Nó tạo ra những thành kiến nặng nề trong quan niệm văn chương của nhiều người, nhiều thế hệ, trong và ngoài giới.
Ở hướng quan tâm khác, lý luận văn chương ứng dụng lại gần như bị bỏ ngỏ. Chẳng hạn, Lý luận văn chương đương đại cần thiết là thế còn chưa được chú ý đúng mức; Lý luận về nghề văn và công việc viết văn thật thiết thực lại chưa được giới lý luận xem trọng; Cũng chưa ai có ý định bắt tay vào viết Thường thức lý luận văn chương vốn là một trong những công việc khẩn thiết  cần làm ngay. Tôi muốn nhấn mạnh tới lý thuyết đặt nền tảng cho các trào lưu, khuynh hướng văn chương. Nhìn sang thế giới phương Tây, ta thấy các trường phái lý luận, phê bình thật là đa dạng. Có thể chúng còn phiến diện, cực đoan ở mặt này mặt kia, nhưng những đóng góp cho tư duy văn học, đặc biệt là cho phương pháp nghiên cứu văn chương là đáng quý và không thể chối cãi được.
Một đầu óc cầu tiến trong khoa học không được phép làm ngơ. Không ít  lần tôi cứ tự hỏi: Vì sao ta chưa có những nhà lập thuyết? Để lý giải thấu đáo thật không dễ gì. Nó can hệ tới nhiều nhân tố trong văn chương và cả ngoài văn chương. Ví như, tư tưởng và tri thức triết học - một trong những điểm tựa của tư tưởng và tri thức văn học. Có thể thấy ngay là nhiều điều nằm ngoài sự nỗ lực của giới lý luận chúng ta. Óc linh hoạt, sự uyển chuyển của nhà lý luận lại thêm một lần được thử thách.
Nếu chỉ nhìn vào những nhân tố thuộc về văn chương, cụ thể là sáng tạo văn chương, cũng có thể đưa ra những luận giải đáng suy ngẫm. Muốn có lý thuyết văn chương mới phải có sáng tác văn chương mới (3). Đáng buồn là cái mới đích thực trong sáng tạo văn chương ở ta có đấy mà còn đơn lẻ và đơn độc. Trong văn và trong thơ đều vậy. Nhất là cái mới chưa được đẩy đến tận cùng. Đáng buồn hơn là trong công chúng, hẹp hơn là trong giới văn chương, giới văn học còn ít sự khuyến khích những tìm tòi, khám phá. Có nơi có lúc lại còn  quá e ngại hoặc quá khe khắt. Điều này đã khiến nhiều cây bút ham mê đi tìm cái mới, nhất là những cây bút trẻ dễ thoái chí, nản lòng.
Như vậy, những nỗi băn khoăn trên cả lý luận văn chương cơ bản và lý luận văn chương ứng dụng ở ta là có cơ sở. Đấy là chưa nói, như bất cứ ngành khoa học  phát triển nào khác, nền lý luận văn chương của chúng ta còn cần phải chú ý tới hai bộ phận sau nữa: đó là Lịch sử lý luận văn chương và Phương pháp nghiên cứu lý luận văn chương.
Mỗi thời kỳ lịch sử của văn chương dân tộc và nhân loại đều hình thành nên những quan niệm văn chương riêng của mình. Có thể tập trung, tự giác và có hệ thống, cũng có thể chưa đạt tới mức độ và trình độ ấy. Nhưng dứt khoát phải hình thành quan niệm văn chương đặc thù trong từng giai đoạn, nhất là trong từng thời kỳ văn chương, trên cơ sở gắn bó với thực tiễn văn chương đương thời và trong sự phủ định, có phê phán có kế thừa, di sản quan niệm văn chương thời trước đó. Do vậy, cần phải để tâm nghiên cứu lịch sử lý luận văn chương.
Hiện thời, ta mới chỉ giới thiệu những công trình lịch sử mỹ học nói chung, chủ yếu dịch từ nước ngoài, chưa thấy xuất hiện những công trình đi sâu vào tư tưởng văn chương do các nhà lý luận Việt Nam biên soạn. Dấu hiệu xuất hiện trong tương lai gần cũng chưa được hé lộ. Sẽ thật bổ ích nếu ta có những chuyên luận quy mô, chẳng hạn về quan niệm văn chương trung đại Việt Nam, hay về lý luận văn chương Việt Nam thế kỷ XX.
Phương pháp nghiên cứu lý luận văn chương là một bộ phận của phương pháp luận nghiên cứu văn chương - bộ môn quan trọng và ngày càng được xem trọng của khoa văn học. Trên cơ sở thực tiễn nghiên cứu văn chương muôn hình muôn vẻ, phương pháp luận nghiên cứu văn chương rút ra những nguyên tắc chỉ đạo và những phương pháp thực thi sao cho phù hợp nhất đối với văn chương, và vì vậy mà sự nghiên cứu đạt được hiệu quả và hiệu suất. Mối quan hệ giữa phương pháp luận nghiên cứu văn chương và phương pháp nghiên cứu lý luận văn chương là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng. Cái riêng cần dựa trên cái chung, nhưng cái chung không thay thế được cái riêng. Xây dựng một hệ thống những nguyên tắc và những phương pháp tìm hiểu các khái niệm, các phạm trù văn học vẫn đang  đặt ra với những ai mong muốn xây dựng một nền lý luận văn chương  dân tộc thật sự hoàn thiện.
Ghi chú:
(1) Khi tìm hiểu vấn đề, tôi đặc biệt chú ý tới quan niệm của Epstein được Giáo sư Trần Đình Sử giới thiệu trong tập sách Lý luận và phê bình văn học (Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1996, trang 27). Epstein nêu yêu cầu lý luận văn chương là sự tự ý thức của văn chương nên nó không chỉ nghiên cứu văn chương mà còn nghiên cứu con đường phát triển của văn chương. Tôi nghĩ, lý luận văn chương trước nay ít nhiều đều coi trọng yêu cầu sau qua việc nghiên cứu các trào lưu và phương pháp sáng tác văn chương.
(2) Trong tài liệu nêu trên, Epstein đặt vấn đề lý luận văn chương chỉ nên là cầu nối giữa triết học và văn chương, nghĩa là ông chỉ thừa nhận lý luận văn chương cơ bản. Tôi không hoàn toàn tán đồng quan niệm này.
(3) Epstein trong tài liệu đã nêu chỉ ra rất đúng rằng, không thể xây dựng lý luận mới mà chỉ dựa trên kinh nghiệm văn chương quá khứ.
Đà Lạt,15/8/2004
Phạm Quang Trung
      Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ

Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ Trong Hồng lâu mộng có chuyện cái gương một vị đạo sĩ tặng cho nhân vật Giả Tường. Anh ta đưa gương lên soi...