Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Cách nhìn thực tiễn của người dân miền núi qua tục ngữ dân tộc Thái

Cách nhìn thực tiễn của người dân 
miền núi qua tục ngữ dân tộc Thái 
Như các dân tộc khác sống trên dải đất Việt Nam, dân tộc Thái đã sản sinh ra một nền văn học dân gian phong phú và độc đáo như cuộc sống của chính họ. Việc tìm hiểu giá trị nội dung cũng như giá trị nghệ thuật của nó, giúp chúng ta hiểu thêm được nếp sống, nếp nghĩ, nếp cảm của các dân tộc miền núi. Công việc tìm hiểu đó, hiện nay mới chỉ là bước đầu có tính vỡ vạc mà thôi! Tình trạng này đặt ra trước mắt chúng ta, những người thiết tha với văn học dân tộc Việt Nam, những nhiêm vụ nặng nề, cấp bách. Dựa trên những tư liệu sưu tầm hiện có trong tay, chúng tôi xin mạnh dạn đưa ra một vài suy nghĩ về cách nhìn thực tiễn của người dân miền núi qua tục ngữ dân tộc Thái.
Văn học dân gian nói chung, tục ngữ nói riêng, được sản sinh ra trong quá trình lao động và đấu tranh của nhân dân lao động. Vì vậy, tục ngữ là tấm gương phản chiếu tâm tư và suy nghĩ “phản ánh thế giới quan của người lao động vốn là nhà thực tiễn lớn” (M. Gorky). Từ ngàn xưa, con người đã từ thực tiễn muôn màu mà sáng tạo, mà trưởng thành. Sau này các nghành khoa học rút ra và nâng lên thành lý luận những kinh nghiệm qúy báu của dân gian. Trong lao động sản xuất, con người phải tiếp xúc với thiên nhiên. Đó là thực tiễn to lớn nhất khi con người còn sống từng bầy từng đàn, chưa lập thành xã hội. Do nhu cầu của cuộc đấu tranh chống “kẻ thù bốn chân”, theo quy luật tiến triển của xã hội, bộ lạc và bộ tộc dần dần được hình thành. Con người lại được sống trong một hiện thực phong phú phức tạp hơn của quan hệ giữa người với người - hiện thực xã hội. Sống trong hai hiện thực đó, con người phải đấu tranh để duy trì và phát triển. Kinh nghiêm và hiểu biết nảy sinh từ đời này qua đời khác, từ nơi này qua nơi khác. Chính mục đích sáng tạo đã quy định tính thực tiễn của nội dung và hình thức của tục ngữ dân tộc Thái cũng như của các dân tộc khác.
Người lao động miền núi không suy nghĩ cao xa, viễn vông mà bao giờ cũng rất thực tế, thậm chí thực dụng. Vốn là tiếng nói của trí tuệ, tục ngữ là phương tiện tốt nhất đúc kết những hiểu biết nhiều mặt của người lao động, trước khi chữ viết ra đời... Tục ngữ sinh ra bao giờ cũng là câu trả lời súc tích những vấn đề của cuộc sống đặt ra. Những câu trả lời này tập trung trí tuệ của quần chúng trải bao thế hệ nên phần lớn xác đáng và sâu xa. Đó là những bài học bổ ích về nhiều mặt cho những người đi sau. Ông cha ta xưa thường chú ý răn dạy con cái từ việc lớn cho đến viêc nhỏ, như nói năng, ăn mặc, cư xử hằng ngày. Đồng báo thái có câu:
Pak đảy áo, cáo đảy dánh
khay quoam ok, tok quoam khẩu báu đảy.
Nghĩa là:
Nói năng phải suy nghĩ
Mở lời ra không đóng lời vào được.
Trong thực tế lời khuyên răn đó không phải không có tác dụng. Nhưng có ý nghĩa hơn cả vẫn là những lời nhắc nhở về chuyện làm ăn:
Kin hụ mết, dệt hụ lẹo
(Ăn biết hết, làm biết xong)
Cái thú vị ở đây là cách nhìn rất “duy vật” của người lao động. Ăn phải đi đôi với làm, nhưng không phải ăn ít mà làm nhiều. Ăn phải biết hết và khi làm phải biết xong mới thấu lý. Người Kinh thường truyền câu “Có thực mới vực được đạo” cũng thể hiện cách nhìn, cách nghĩ tương tự. Điều này đối lại với  “Kin lai hảy, nón đảy khó” (Ăn lắm thì nghèo, ngủ lắm thì khó). Phải làm việc, vì chỉ có làm việc con người mới lớn lên cả thể xác lẫn tâm hồn và hiểu biết. Triết lý hành động của người dân miền núi còn thể hiện rất rõ qua câu:
Síp hụ bấu to lỏng khơi
(Mười biết chẳng bằng quen tay)
Sự thực giản đơn đó phải được đúc kết nâng lên từ thực tiễn. Không qua thời gian, không qua thực tế, không thể nào có được. Nhưng muốn mau chóng nâng cao hiệu quả lao động, con người không chỉ rút ra từ kinh nghiệm bản thân mà còn phải năng học hỏi điều hay lẽ phải của người khác. Nếu không như vậy, người ta sẽ rơi vào chủ quan phiến diện, kinh nghiệm chủ nghĩa. Vì lẽ đó, đồng bào Thái không quên dạy con cháu rằng: Kốn đi hụ lắc, báu sắc báu mắn , cọ xiệt đới Kốn chạu long báu, ép báu hiến xướng khong của xin lạ. (Dẫu rằng thông hoạt, chẳng học cũng hư đời, thông thái bằng trời, chẳng học cũng là phần khổ).
Ở đây không phải không có những hạn chế mà ngày nay chúng ta cần phê phán. Khi người Thái xưa kia nói: “Sáu mỏ đăm, chăm tiến hung”  (Gần nồi thì đen gần đèn thì sáng) thì họ vấp phải sai lầm khá nghiêm trọng. Đề quá cao tác động khách quan bên ngoài đối với con người là chưa đúng. Nhưng cái đáng quý là ý thức học hỏi như tôi đã nói ở trên. Theo quan niệm của người lao động thì chỉ có năng tìm hiểu, học hỏi, con người mới mau khôn lớn, và trí khôn còn hơn cả tiền tài danh vọng. “Ngân po pa báu to pha nha cuông boong” (Bạc deo đầy mình không bằng thông minh sáng suốt). Có điều, người thông minh khôn ngoan muốn được trân trọng phải gắn liền với đạo đức, phải thực sự khiêm nhường và nhất là phải kiên nghị, thủy chung:
Khảu hứa đau, pai hứa nặn
(Vào thuyền nào đi thuyền nấy)
Đồng thời người gọi là khôn ngoan còn phải khéo xử sự trong mọi tình thế. “Quoái he nhã săn phột” (Trâu khó bắt đừng cầm roi). Họ phải thức thời, biết cương biết nhu “lạt mềm buộc chặt”.
Như vậy, tất cả những lời giáo huấn về cuộc đời phải gắn cái nhìn rất thực tiễn của đồng bào Thái. Rõ ràng, nhân dân lao động từ ngàn xưa đã coi văn học là vũ khí giáo dục sắc bén, phục vụ đắc lực cho đời sống con người. Những người lao động không chỉ dừng lại ở những điều răn dạy hằng ngày. Tầm mắt của họ hướng tới những vấn đề có ý nghĩa bao quát sâu xa hơn nhiều. Chúng ta đặc biệt chú ý tới cách nhìn đối với con người.
Đứng trước sự hùng vĩ của thiên nhiên, con người dễ thấy mình nhỏ bé và yếu ớt. Ai từng trải qua tâm trạng rùng rợn hốt hoảng khi trước mắt là con mãnh thú đang giương nanh múa vuốt thì mới cảm thông được phần nào với người dân miền núi xưa kia. Thức ăn thì ở trên rừng, gạo nước thì ở ngoài nương. Người ta không thể nằm ở nhà mà vẫn no đủ được. Người ta phải săn bắn, phải phát nương, làm rẫy. Đâu phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhiều khi thế lực thiên nhiên hung dữ cướp của họ đi tất cả. Mặc dù vậy, người dân miền núi vẩn rất hiểu vai trò của mình và luôn đề cao quý trọng con người:
Kôn nhăng, khoong nhăng
(Còn người, còn của)
Còn người là còn tất cả. Con người là vốn quý, là «hoa của đất». Dưới bàn tay con người, của cải sinh sôi, nảy nở như nước trong nguồn không bao giờ cạn:  «Không tin mứ ok bỏ, không po me đay nỏng» (Của chân tay làm ra như nước nguồn, của ông bà để lại như nước lũ).
Biết quý trọng con người, họ lại càng trân trọng nâng niu sản phẩm lao động do sức người làm ra:
Khảu nặm năng nưa, ngơn căm năng tả ư
(Thóc lúa ngồi trên, bạc vàng ngồi dưới)
Đó là đạo lý, là lương tri! Kẻ nào coi thường gạo nước, quý tiền bạc hơn quý thóc gạo, kẻ đó sẽ bị nguyền rủa lên án. Thái độ đối với lúa gạo và lao động được coi là thước đo của đạo đức, nên dư luận xã hội mới đề cao những người chăm chỉ làm lụng và khinh ghét những kẻ chây lười, biếng nhác:
Chạn sáu bấu mặt, sắc sáu báu bứa
(Lười biếng chẳng ai thiết, siêng việc ai cũng chào mời).
Người dân miền núi thấy được vai trò của lao động, hiểu được ý nghĩa lớn lao của lao động. Lao động sáng tạo ra mọi của cải vật chất, cũng như mọi giá trị tinh thần. Lao động đồng thời cũng nâng cao phẩm giá, hiểu biết của con người. Do lao động, người ta thấm thía rằng:
Phaư chang chốc pên na, phaư chang cha pên cũc
(Khéo làm nên ruộng, khéo tán nên vợ)
Cũng chỉ từ thực tế lao động, đồng bào Thái mới thấy hết vai trò của công cụ lao động của sức kéo. Trâu bò gắn liền với công việc ruộng nương, rất cần đối với miền xuôi lại càng cần đối với miền núi. Ở miền núi, những con vật thân thiết này hầu như là sức kéo duy nhất trong lao động. Nhà nào nghèo cũng gắng tậu được một hai con trâu, vài ba con bò con ngựa. Do vậy:
Pak ngua quoai hặn thảu, daask khảu nặm sam bươn.
(Thiếu trâu bò đến già vẫn thiếu, hết thóc gạo ba tháng mà thôi)
Không có trâu bò, chỉ đi thuê mướn hay nai lưng làm lụng thì suốt đời khổ vẫn hoàn khổ. Câu tục ngữ chứa đựng một sự thật hiển nhiên không gì phủ nhận được.
Trong quá trình đấu tranh với kẻ thù hai chân và bốn chân người lao động đặc biệt chú ý rút ra những bài học xương máu về sức mạnh của sự đoàn kết. Trước uy lực của thiên nhiên và uy lực của kẻ thù giai cấp, người ta biết tập hợp nhau lại cùng suy nghĩ, cùng hành động, quyết  giành chiến thắng. Thực tế từng chứng minh: kẻ nào tài ba lỗi lạc đến đâu chăng nữa, nếu không gắn liền với tập thể, không tìm sức mạnh trong tập thể thì chỉ chuốc lấy thất bại thảm hại mà thôi! Đồng bào kinh có câu:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Đồng bào Thái Tây Bắc cũng có câu tương tự:
Nọi kôn tai, lai kôn hănh
(Nhiều người thì sống, mống người thì chết)
Đây là kinh nghiệm thực tế từ biết bao thất bại. Muốn tồn tại người ta không thể tách ra khỏi cộng đồng thân thiện của mình. Nếu đi ngược lại quyền lợi, ý nguyện của tập thể thì lập tức bị cô lập và bị hủy diệt. Từ xa xưa người dân miền núi phải làm lụng chật vật để kiếm miếng ăn. Thế lực tàn bạo của thiên nhiên hằng ngày, hàng giờ đè nặng lên cuộc sống của họ. Rồi giặc dã, những kẻ thù hung dữ của giai cấp và dân tôc. Người ta phải đồng lòng hiệp sức cùng nhau giết thú dữ, ngăn thác lũ, chống giặc, gìn giữ bản mường, ruộng nương:
Phay mảy choi căn đắp, sớc sắp choi căn khả
(Lửa cháy thì cùng nhau dập, giăc đến thì cùng nhau giết)
Cố nhiên, do không đủ sức chống trả những thế lực quá mạnh, nhiều người, thậm chí nhiều bản bị tiêu diệt. Thực tiễn lại dạy họ: phải sống và chiến đấu trong tập thể lớn hơn, không những trong vùng mình, bản mình mà cần mở rộng sang vùng khác, bản khác, thậm chí các dân tộc anh em khác nữa. Đồng bào Thái coi đồng bào Mèo, Xá… là láng giềng thân thiết, vì họ luôn đứng bên cạnh mình cùng chống kẻ thù chung. Dần dần các dân tộc anh em hợp thành một khối vững chãi như dãy núi Pú Luông hùng vĩ.
Thái độ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau là truyền thống quý báu lâu đời của nhân dân các dân tộc. Đồng chí Lê Duẫn khi đi thăm Cao Bằng đã khẳng định: «Hàng ngàn năm nay trên đất nước thân yêu của chúng ta, người Kinh, người Tày, người Nùng, người Mèo, người Thái… đã đồng cam cộng khổ chung lưng đấu cật cùng nhau giữ nước và dựng nước. Hàng ngàn năm nay các dân tộc anh em chúng ta đã cùng chung một nguyện vọng, một tâm hồn, một tình cảm, một lý trí» (1). Ý thức đoàn kết của nhân dân các dân tộc được xây dựng trên tinh thần tương thân tương ái rất mực bao la thắm thiết. Đồng báo Thái diễn đạt tình cảm thiêng liêng trên bằng một hình ảnh cụ thể xúc động và chân tình:
Ong mử kọ năng, Sđăng mư kọ chịn
(Lòng bàn tay cũng da, lưng bàn tay cũng thịt)
Chỉ có tình thương yêu rộng lớn trên cơ sở giai cấp đúng đắn mới tập hợp được ý chí, nguyện vọng và hành động của hàng nghìn hàng vạn người. Và từ đó ý thức tập thể được hình thành:
Pa tai tô điêu min tếnh muông
(Cá chết một con thối cả giỏ)
Rõ ràng, từ thực tiễn, ý thức tập thể, tinh thần dân tộc được ăn sâu trong quan niệm của người lao động, là tiền đề cho mọi thành công và mọi niềm vinh quang.
Quan điểm thực tiễn trong nhân sinh quan của người dân miền núi không chỉ thể hiện qua nội dung mà còn được thực hiện qua hình thức của tục ngữ. Tục ngữ thường là những câu có vần điệu, rất xúc tích, dễ nhớ dễ thuộc. Vì vậy, người ta tìm thấy ở tục ngữ một phương tiện tốt nhất để truyền bá kinh nghiệm và hiểu biết trong dân gian. Vốn từ lao động từ thực tiễn phát sinh ra, lại do người lao động sáng tạo nên, do đó tục ngữ rất giản dị, giản dị như tâm hồn thuần phác, trung thực của người dân miền núi. Tục ngữ nảy sinh một cách tự nhiên và cũng truyền đi một cách tự nhiên. Người lao động nghĩ thế nào thì nói như vậy. Họ nói bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh rất cụ thể sinh động, không gò bó khuôn sáo mà cũng không hoa mĩ cao xa. Ta hãy nghe tiếng nói của đồng bào Thái khi khiêm tốn nghĩ về mình:
Dú mường chậu pên mạk thớc, tốc mường sau pên mạk me.
(Ở quê mình là ngựa đực, sang quê người là ngựa cái).
Thật giản dị dễ hiểu mà cũng thật sâu xa. Khi người Thái nói vói nhau
Hặc nó, khó ta
(Thích bẻ măng, không cỏ cây)
thì tầm mắt của họ không thu hẹp ở hiện tại nữa rồi. Họ nhìn xa mà không hề xa lạ. Hay họ nói  «đảy đẳm, căm ma» (được chuôi, sờ lưỡi) thì họ đã ẩn trong hình tượng cụ thể quen thuộc một suy nghĩ sâu sắc, một triết lý vững bền. Chẳng dễ gì chúng ta hiểu ngay được ẩn ý của những câu tục ngữ như thế. Càng sống lâu, càng từng trải ta càng thấm thía với những triết lý tưởng như không cần bàn cãi đó. Đây là kết quả của hàng vạn, hàng vạn bộ óc của biết bao thế hệ. Đây là sự kết tinh trí tuệ, kết tinh vốn sống của nhà thực tiễn vĩ đại: Nhân dân lao động.
Tục ngữ của dân tộc Thái thể hiện sinh động nhân sinh quan của người lao động. Những con người luôn gắn mình với thực tế và từ thực tế lớn lên. Ngày nay chúng ta thường bàn tới vai trò của thực tiễn đối với nhận thức của con người. Nhưng từ ngàn xưa, nhân dân lao động đã hiểu rõ vai trò của thực tiễn hơn ai hết. Bằng quan điểm thực tiễn, họ đã phát huy đến mức cao nhất lợi khí của văn học. Văn học dân gian thực sự trở thành chiếc cầu ký diệu nối liền giữa người này với người khác, giữa thế hệ trước với thế hệ sau. Phương ngôn Thái vì vậy có ý nghĩa thực tiễn rất cao.
Thuận châu, 4-1975
Phạm Quang Trung
Nguồn: Văn nghệ Sơn La, số 1/1976
      Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ Trong Hồng lâu mộng có chuyện cái gương một vị đạo sĩ tặng cho nhân vật Giả Tường. Anh ta đưa gương lên...