Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Sự tương đồng giữa giá trị báo chí và văn chương

Sự tương đồng giữa giá trị 
báo chí và văn chương
Rất nhiều lần, gặp tôi, các nhà báo đưa ra câu hỏi: Anh nghĩ thế nào về một bài báo hay? Đôi lúc, tôi cười trừ rồi lảng tránh bằng sự im lặng. Đâu phải với ai ta cũng đều có thể cởi lòng, cởi dạ! Nhưng nhiều khi tôi thẳng thắn đưa ra quan niệm của mình. Ấy là lúc gặp những người tri kỷ. Tôi giãi bày và chấp  nhận sự giãi bày, cả tranh luận nữa  của các nhà báo, những người tôi luôn quý trọng tin yêu. Ý kiến của tôi có thể trúng, có thể trật, là nhà văn mà, mấy ai thoát khỏi cái bóng chủ quan thường nặng nề của mình. Nhưng bao giờ tôi cũng muốn chân thành, chân thực. Không thế, liệu có còn xứng đáng là bạn tâm giao? Nhân ngày Lễ trọng của các nhà báo (21-6), tôi xin chính thức bày tỏ quan niệm của mình một cách rộng rãi từ góc nhìn của văn chương. Do hạn chế về dung lượng, tôi chỉ xin được lạm bàn về sự gần gũi trong thẩm định giá trị của một tác phẩm báo chí và một tác phẩm văn chương.
Thứ nhất, như một nguyên lý bất di bất dịch, cái hay có tính quyết định của một bài báo và một áng văn khi nào cũng nằm ở nội dung. Nếu không có gì đáng viết thì một người cầm bút có ý thức lấy động lực tinh thần đâu để viết? Khi đi tìm cái cần viết, cả nhà báo lẫn nhà văn đều xuất phát từ các hiện tượng mang tính sự kiện nghĩa là các hiện tượng có vấn đề. Cuộc sống luôn nảy sinh ra nhiều vấn đề thuộc nhiều lãnh vực khác nhau như : kinh tế, chính trị, đạo đức, tôn giáo, khoa học, văn chương, nghệ thuật... Một hiện tượng có vấn đề bao giờ cũng tồn tại những mâu thuẫn cần được giải quyết nhằm thúc đẩy cuộc sống phát triển. Cả nhà văn lẫn nhà báo đều có thể cần thiết đặt ra và giải quyết mọi vấn đề của con người của đời sống, không loại trừ vấn đề nào cả. Tuy nhiên, giá trị của một tác phẩm văn chương hay báo chí phần nhiều lệ thuộc vào những kiến giải sáng suốt về những vấn đề lớn lao và trọng yếu.
Ở đây, đòi hỏi ý thức công dân và sự nhạy bén nghề nghiệp cao của người cầm bút. Cần nhấn mạnh rằng, sự lý giải đúng đắn hay lầm lạc, sắc sảo hay nhạt nhẽo tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan như : tầm tư tưởng, vốn văn hóa, óc tư duy, phương pháp tiến cận... Riêng các nhà báo, tôi đặc biệt xem trọng lòng trung thực. Nghề nào cũng có những kẻ bất lương. Chúng thường lợi dụng ưu thế của nghề để hoành hành. Uy lực của báo chí nằm ở tính nhanh nhạy của những thông tin. Nhằm trục lợi, nhiều kẻ táng tận lương tâm có thiên hướng săn lùng những tin giật gân liên quan tới một ai đó, một ngành nghề nào đó để khai thác phục vụ cho những mục đích cá nhân dơ bẩn của mình. Chúng biết”cái giá” của thông tin trong việc hăm dọa đối phương. Kết quả của mọi sự “dàn xếp” bao giờ cũng có lợi cho chúng. Ở đây chúng đặt cái riêng lên trên cái chung, không mảy may đoái  hoài tới lợi ích của cộng đồng, của xã hội...
Liên quan đến sự kiến giải, tôi đồng thời muốn lưu ý tới không khí dân chủ bao giờ cũng là môi trường thiết yếu cho sự phát triển lành mạnh của báo chí và văn chương tiến bộ ở mọi thời, mọi nước. Cố nhiên, tôi không hiểu khái niệm “dân chủ” và đi liển với nó là khái niệm “tự do”, theo nghĩa tuyệt đối. Chưa hề có và sẽ không khi nào có thứ tự do theo kiểu muốn làm gì thì làm, muốn viết gì thì viết. Xin ghi nhớ chân lý ẩn trong lời nói nổi tiếng của Elgels: “Tự do là tất yếu được nhận thức”. Vậy thì, không ai có quyền nhân danh một thế lực nào để chà đạp lên sự thật và công lý. Nếu đụng phải những trường hợp gay cấn này, dũng khí của người làm báo rất cần được đề cao. Tôi nghĩ, các nhà báo chân chính sẽ tìm được sức mạnh tinh thần để đủ can đảm nói lên toàn bộ sự thật nếu ta tin rằng sự thật ấy thuộc về nhân dân, Tổ quốc và sự nghiệp cao cả. Tôi cả quyết  là khi ấy nhà báo sẽ là người đại diện cho lực lượng tiến bộ, và chắc chắn sẽ được công chúng rộng rãi đồng tình, ủng hộ.
Thứ hai, tôi muốn nói tới cách thức thể hiện. Cũng lại như một nguyên lý bất di bất dịch là dầu tác phẩm báo chí hay văn chương thì cũng đều phải hấp dẫn về hình thức. Không thế người ta không đọc, hoặc nếu có đọc thì tác động, hiệu quả cũng sẽ rất hạn chế. Theo tôi, có hai yếu tố quan trọng về phương thức biểu hiện được cả nhà văn và nhà báo đặc biệt chú trọng là sự đa dạng của cấu trúc và giọng điệu. Đó không chỉ là đòi hỏi của nghề văn hay báo, mà là sự đòi hỏi của chính đời sống. Đáng buồn là không phải nhà báo nào cũng  đều nhận ra điều đó.
Có người nghĩ, báo chí có từng ấy thể loại, từng ấy cách viết, cứ chọn được vấn đề mới lạ, trọng yếu rồi nhét vào những cái rọ có sẵn ấy là xong, làm gì phải nhiêu khê bàn đến sự biến hóa của kết cấu với giọng điệu làm gì! Tôi đã tranh luận với họ và không phải khi nào chúng tôi cũng đi tới sự thống nhất. Mới hay, trên thực tế, nhà báo giỏi không nhiều lắm đâu! Nhưng ở lãnh vực nào bao giờ người thông nghề, tinh nghề cũng cần, trước hết để “nêu gương” và sau nữa là để tạo “động lực”, động lực đẩy lùi cái dở, cái dốt. Về cấu trúc của một tác phẩm có lẽ chẳng cần phải bàn nhiều. Cứ xem các nhà báo và các nhà văn bậc thầy dụng bút cũng đủ rõ. Họ không bao giờ chịu khuôn sáo, gò bó, mà luôn đi tìm những lối “khép” “mở” linh hoạt, uyển chuyển đến không ngờ. Chỉ xin bàn thêm về “giọng điệu” mà có nhà báo thẳng thừng tuyên bố là chỉ thích hợp với tác phẩm văn chương, xa lạ với tác phẩm báo chí. Tôi không tin là họ có lý. Cứ từ giao tiếp ngôn ngữ thông thường hàng ngày thôi, ta cũng đủ rõ : liệu có ai nói không có giọng điệu và liệu có ai thông minh lại chỉ dùng một giọng điệu duy nhất cho mọi tình huống? Báo và văn  đều vậy cả, giọng điệu tác phẩm bị chi phối bởi vấn đề do cuộc sống khơi gợi. Có lúc trầm tĩnh, lại có lúc sôi nổi, có khi giản phác, lại có khi văn hoa... Nói gọn lại, giọng điệu phong phú như chính cuộc đời. Tuy nhiên, trước và trên cái hay là cái đúng : đúng câu, đúng từ, đúng phong cách... tựa như phải biết đi vững mới tự nhảy múa các điệu. Về chuyện này còn phải bàn tới dài dài. Và tôi cứ nghĩ còn văn chương và báo chí là còn  “dọn vườn”. Có cái sai phạm thuộc về trình độ, lại có cái sai phạm thuộc về ý thức. Tôi chỉ ao ước mọi người cầm bút viết báo cũng như viết văn đừng một phút xem thường bạn đọc. Tôn trọng người, với tôi, chính là biểu hiện của lòng tự trọng. Xin chúc các nhà báo luôn luôn thành đạt trong sự nghiệp vẻ vang của mình.
Đà Lạt, 24/5/2000
Phạm Quang Trung
      Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một ngày đi hôi gạo

Một ngày đi hôi gạo Đó là những ngày đầu tháng năm năm 1975. Tôi rảnh rổi không có việc gì làm, đạp xe qua nhà cậu tôi ở Cầu Kinh, một khu...