Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, đời sống văn hóa và nói riêng là đời sống văn chương đang có những chuyển biến phong phú và phức tạp. Trường văn hóa ngày càng được mở rộng nhằm đáp ứng những nhu cầu tinh thần tinh tế, đa dạng của con người hiện đại. Đó là dấu hiệu của sự khởi sắc đáng phấn khởi. Có điều, song song với những cái đáng mừng còn biết bao điều đáng buồn, đáng lo. Định hướng rộng trong hoạt động văn hóa nghệ thuật đã kéo theo sự lan tràn của các khuynh hướng phi văn hóa, phi nghệ thuật đến mức có lúc có nơi không thể kiềm chế và kiểm soát nổi. Trước thực tế đó, những người tâm huyết với nền văn hóa, nền nghệ thuật dân tộc không thể không đau lòng. Ai cũng thấy cần phải kịp thời hành động khi chưa quá muộn. Nhưng hành động ra sao và theo chiều hướng nào? Không ít người lúng túng, vì không dễ tìm ngay được câu trả lời xác đáng có sức thuyết phục.
Trong bối cảnh chung này, văn chương phi nghệ thuật (có người gọi là văn chương tiêu thụ hoặc văn chương thông tục) đang là một thực tế sống động thường xuyên đối mặt thậm chí thách thức các nhà hoạt động văn chương ở ta. Dùng khái niệm văn chương phi nghệ thuật chứ không phải khái niệm khác vì tôi không coi các sản phẩm của văn chương tiêu thụ hay thông tục thuộc các sản phẩm nghệ thuật đích thực. Ta thường nói văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Lấy ngôn từ làm công cụ mô tả và biểu hiện, văn chương đích thực luôn hướng tới mục đích nghệ thuật. Mà với chúng ta, nghệ thuật bao giờ cũng đi liền với cái đẹp - đẹp cả ý lẫn lời, cả nội dung lẫn hình thức. Trong thực tế, người ta thường sử dụng ngôn từ vì những mục đích khác, ngoài nghệ thuật. Bởi trước khi là phương tiện nghệ thuật trong tay nghệ sĩ, ngôn ngữ vốn là công cụ giao tiếp của con người xã hội. Vậy nên ta không chối từ lại càng không thể lên án việc sử dụng ngôn từ vào những mục đích phi nghệ thuật. Cái ta chú trọng là cần phải phân biệt tới mức rành rọt khi nào ngôn từ được dùng vào mục đích nghệ thuật còn khi nào vào những mục đích khác. Đó là một trong những cơ sở để tách văn chương ra khỏi văn nói chung.
Văn chương phi nghệ thuật là một khái niệm để chỉ mọi sản phẩm và hoạt động văn chương chủ yếu nhằm thỏa mãn các nhu cầu giải trí thông thường khác nhau của con người. Một đặc điểm dễ nhận ra của thứ văn chương này là ở chỗ nó tìm đến được với khá đông bạn đọc thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau. Từ đó dễ nảy sinh ngộ nhận rằng hình như đây là bộ phận tiêu biểu cho đời sống văn chương ở ta. Nên hiểu những người hưởng thụ thứ văn chương phi nghệ thuật phần đông sống khá dư dật về vật chất song trình độ và năng lực thẩm mỹ của họ thường ở dưới mức trung bình. Họ và thứ văn chương họ ưa thích không thể đại diện cho công chúng nghệ thuật ưu tú cũng như nền văn chương cao đẹp mà chúng ta đang phấn đấu xây dựng. Dầu phổ cập đến đâu, văn chương phi nghệ thuật không thể đại diện cho các sản phẩm và các hoạt động văn chương cao nhã mà con người chân chính mọi thời hằng mơ ước.
Đã đành không nên và không thể cấm đoán văn chương phi nghệ thuật. Quả thật giải trí luôn có vai trò nhất định trong đời sống của con người. Tuy nhiên, ưu tiên hay khích lệ thứ văn chương đó là không đúng. Con người càng văn minh thì hoạt động giải trí càng tích cực. Thời hiện đại, người ta không chỉ cần biết làm việc có hiệu quả mà còn cần biết vui chơi một cách bổ ích. Thế mà, đáng tiếc thay, lúc này lúc kia, chỗ này chỗ khác, vì hám lời, người ta cố tình gia tăng thật nhiều các sản phẩm văn chương chủ yếu để mua vui. Cứ nhìn vào các xuất bản phẩm lòe loẹt, ưa gợi những nụ cười rẻ tiền, ưa khai thác các câu chuyện tình lâm ly, các cốt truyện trinh thám ly kỳ, trên kệ của các quầy bán và cho thuê sách chúng ta đủ thấy hư thật ra sao. Văn chương phi nghệ thuật nảy nở lan tràn có vẻ như vô hại. Nghĩ kỹ thì thấy cái hại của nó hóa ra lại rất lớn, rất cơ bản và lâu dài. Nó tạo ra một nếp sinh hoạt văn chương giả đủ loại. Đặc biệt, nó khiến bạn đọc thờ ơ với các sản phẩm văn chương thật sự có giá trị.
Có người nghĩ rằng văn chương phi nghệ thuật đi liền với quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường nên khó lòng nếu không muốn nói là không thể kiểm soát và định hướng nổi. Và trong thực tế, một số người có trách nhiệm quản lý văn hóa ở trung ương và các địa phương đã tỏ ra buông xuôi. Đó hoàn toàn là một thái độ vô trách nhiệm, nếu không muốn nói là có tội. Con cháu mai sau sẽ không tha thứ nếu chúng ta cứ để tình trạng này kéo dài. Vấn đề đặt ra vừa cấp thiết vừa lâu dài là chúng ta phải chủ động định hướng dần mọi hoạt động văn hóa theo mục tiêu dân tộc, hiện đại và nhân văn. Để định hướng thẩm mỹ, việc đầu tiên là chúng ta phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm và các hoạt động văn chương đích thực ra đời và phát triển. Điều này có liên quan tới các chính sách văn hóa cụ thể. Ai cũng biết các tác phẩm nghệ thuật không thể sản sinh theo kiểu ăn xổi ở thì. Các nhà văn chân chính đã bỏ ra bao nhiêu thời gian và công sức, dồn vào bao tâm trí và tài năng để tạo nên chúng. Nhà nước cần kịp thời có chính sách bảo trợ thỏa đáng các hoạt động văn hóa chân chính. Khi hoa thơm nở rộ thì cỏ dại, ngay cả nấm độc nữa sẽ không có đất dung thân.
Trên phương diện lý luận, một số người gần đây có ý định xóa nhòa ranh giới giữa văn chương nghệ thuật và văn chương phi nghệ thuật. Chẳng hạn, họ nói nhiều đến cái gọi là "chức năng giải trí" của văn chương nghệ thuật. Theo tôi, ở đây có một sự lầm lẫn đáng tiếc. Cần phân biệt hai thuật ngữ then chốt: Chức năng văn chương và ý nghĩa văn chương. Chức năng thường đi liền với vị thế, chức phận của văn chương. Còn ý nghĩa thì gắn với tác động thực tế của văn chương qua việc sử dụng có chủ đích của con người xã hội.
Cái cốc một lúc nào đó được một ai đó dùng để cắm hoa, nhưng cái cốc dứt khoát không làm ra để cắm hoa. Đã có cái bình hoa làm việc đó rồi. Nên cái gọi là chức năng giải trí, thậm chí ngay cả chức năng giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ... của văn chương nghệ thuật có gì đó chưa thật ổn. Tuy nhiên, ta hoàn toàn có thể nói tới chức năng giải trí của các sản phẩm văn chương phi nghệ thuật vì rõ ràng mục đích giải trí vốn chi phối toàn bộ tính chất và nội dung của văn chương loại này.
Cái cốc một lúc nào đó được một ai đó dùng để cắm hoa, nhưng cái cốc dứt khoát không làm ra để cắm hoa. Đã có cái bình hoa làm việc đó rồi. Nên cái gọi là chức năng giải trí, thậm chí ngay cả chức năng giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ... của văn chương nghệ thuật có gì đó chưa thật ổn. Tuy nhiên, ta hoàn toàn có thể nói tới chức năng giải trí của các sản phẩm văn chương phi nghệ thuật vì rõ ràng mục đích giải trí vốn chi phối toàn bộ tính chất và nội dung của văn chương loại này.
Cũng có người yêu cầu các nhà văn nổi tiếng hãy thử bắt tay biết văn chương phi nghệ thuật với mong muốn nâng cao chất lượng của thứ văn chương vốn bị xem thường này lên. Cố nhiên, không ai ngăn cấm các nhà văn, kể cả những nhà văn danh tiếng, viết loại sản phẩm ấy. Nhưng khi đó, họ không còn làm nghệ thuật đích thực. Và cũng xin chớ nên quên rằng nếu vì một nguyên do nào đó mà họ gắn bó với thứ văn chương phi nghệ thuật thì dần dà ý thức và năng lực thẩm mỹ ở họ sẽ bị xói mòn. Vì như Các Mác đã nói: "Sản xuất không chỉ tạo ra sản phẩm cho đối tượng mà còn sản sinh đối tượng cho sản phẩm". Quen len lỏi trong rừng rậm khi cần trở về đường ngay lối thẳng e sẽ rất khó khăn!
Vậy văn chương nghệ thuật hoàn toàn khác biệt văn chương phi nghệ thuật cả về động cơ lẫn nội dung và cách thức thể hiện. Không thấy rõ điều đó người viết sẽ không thể làm chủ được ngòi bút cũng như văn nghiệp của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét