Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

Trinh tiết miền rừng và đêm tân hôn của người Tày

Trinh tiết miền rừng 
và đêm tân hôn của người Tày
Cũng đến bây giờ, sau rất nhiều năm sống ở thành phố, tôi - một người Tày mới hiểu và phát hiện ra vẻ đẹp của đêm tân hôn, hay tuần trăng mật của dân tộc tôi. Nói một cách không ngoa, nó còn đẹp hơn rất nhiều những gì tôi tưởng mình đã có…
Sống ở thành phố khá lâu và cho đến bây giờ tôi mới hiểu thế nào là đêm tân hôn. Nôm na tôi hiểu về đêm tân hôn là đêm đầu tiên cặp vợ chồng mới cưới sẽ ân ái với nhau. Còn trước đó quả thực tôi mù tịt chẳng biết người ta gọi đêm tân hôn để làm gì, với tôi khái niệm đó hoàn toàn xa lạ. Cái khái niệm này không tồn tại trong suy nghĩ của tôi cho đến khi sống với người thành phố.
Cách đây khoảng hai năm tôi có nghe một đồng nghiệp say sưa kể về đêm tân hôn của anh ta. Quả thực, nó quá cầu kỳ, rắc rối và có phần giả dối nữa. Anh ta kể: đêm đó họ thắp 12 cái nến, trải lên giường một tấm ga trắng tinh, bỏ xuống nền nhà 120 bông hoa hồng, bật một bản nhạc ngoại quốc... Bắt đầu đúng 12 giờ đêm họ lên giường.
Trong lúc kể chuyện, gương mặt anh ta ánh lên sự sung sướng và tự mãn. Tôi có hỏi tại sao lại 12 cây nến và 120 bông hoa hồng? Anh ta cười hềnh hệch nói rằng họ yêu nhau 12 năm, còn 120 bông hoa hồng, anh ta không giải thích. Rồi anh ta vỗ đùi đánh đét một cái nói: “Ông biết không, sáng hôm sau trên cái ga trắng tinh ấy xuất hiện một giọt máu đào. Tôi là người hạnh phúc nhất…”. Tôi vẫn tò mò hỏi gặng hỏi về 120 bông hoa hồng, anh ta cáu và nói: “… ừ thì cứ có thật nhiều hoa cho sướng, hỏi mãi… người như ông thì biết cái gì…”. Lúc đó tôi rất giận anh ta vô cớ lại mắng tôi.
Hồi ấy trong cái đầu còn ong ong, mù mịt cùng rừng núi của tôi chẳng hiểu anh ta hạnh phúc vì cái gì, sự cầu kỳ đó có ý nghĩa như thế nào, nó có bắt buộc trong văn hóa của người thành phố hay không? Với tôi đó chỉ là sự phức tạp chẳng để làm gì. Cũng chỉ hai năm sau, ông bạn tôi chia tay vợ vì nhiều lý do, trong đó có việc họ không thể có con.
Bây giờ có thể nói, tôi mới hiểu một cách khái lược về ý nghĩa đêm tân hôn của người thành phố. Dù họ có dùng mọi mỹ từ để chuyển tải ý nghĩa của cái đêm ấy tôi vẫn không thấy có gì đặc biệt. Đã có những lúc tôi nghi ngờ về tư duy của chính mình. Tôi quá lạc hậu, hay ngu xuẩn đến nỗi không thấy ý nghĩa của cái đêm đó. Thật kỳ quặc, có cố hiểu thế nào chăng nữa tôi vẫn thấy chẳng có gì đáng bàn, tất nhiên tôi cũng chẳng ghét nó.
Vừa rồi có cô bạn đi nghỉ tuần trăng mật - đây là một cách nói cũng rất mới trong cái đầu có vấn đề của tôi. Cô ấy cũng hân hoan kể về chuyến đi nghỉ ngọt ngào ấy. Rồi cô ta lại nhìn tôi nói như chia sẻ: “Miền núi các ông chắc chẳng đi nghỉ tuần trăng mật đâu nhỉ?”. Tôi chỉ gật đầu và cười. Cô ấy thông cảm: “…ừ, làm gì có tuần trăng mật… Thế… cưới xong các ông làm gì?”. Tôi trả lời rằng, thì cũng như mọi ngày thôi, lên rừng lấy củi, xuống suối bắt cá, lên nương cuốc đất… Cô ta phá lên cười - cười chảy cả nước mắt - cười như chưa bao giờ được cười. Vừa cười vừa nhìn tôi như thể tôi là một vật thể lạ. Rồi kết luận xanh rờn: “Thiệt thòi quá!”. Mỗi lần nghĩ về chuyện này tôi vẫn tự hỏi tôi thiệt thòi về cái gì? Chịu! Không thể biết mình thiệt cái gì? Trong mắt cô ấy, tôi - người chưa bao giờ biết về tuần trăng mật có lẽ rất thiệt thòi!
Cũng đến bây giờ, sau rất nhiều năm sống ở thành phố, tôi - một người Tày mới hiểu và phát hiện ra vẻ đẹp của đêm tân hôn, hay tuần trăng mật của dân tộc tôi. Sự phát hiện này có thể chỉ là chủ quan của tôi, nhưng tôi thấy nó chẳng kém sự lãng mạn hay ngọt ngào với những gì tôi đã chứng kiến ở thành phố. Nói một cách không ngoa, nó còn đẹp hơn rất nhiều, tất nhiên chỉ với riêng tôi mà thôi.
Vào năm tôi 7 tuổi ông anh cả nhà tôi lấy vợ. Đám cưới thật tưng bừng vì nhà tôi giàu nhất bản. Phải nói rằng đó là đám cưới ấn tượng nhất mà tôi từng chứng kiến. Pa tôi đã mổ một lúc hơn chục con lợn, chuẩn bị ba chục chum rượu. Cả bản tôi ăn uống, hát hò không dưới 5 ngày. Đám cưới xong, cả cái nhà sàn năm gian của tôi dính đặc đầy mỡ, mùi khói thuốc hình như chưa tan trong không khí ầm ầm ấy.
Ngày đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô dâu người Tày. Đó là một sơn nữ rất trẻ chỉ khoảng 15 tuổi, e thẹn, chui tít trong buồng cưới. Cái buồng cưới ấy, pa tôi phải thuê hai người thợ mộc để tân trang lại. Tài sản mang theo của chị tôi cũng khổng lồ không kém. Sáu con ngựa thồ cả thảy 20 cái chăn bông thêu thổ cẩm rực rỡ, một cái rương gỗ nghiến đựng toàn vải vóc phải 6 thanh niên lực lưỡng mới khiêng được. Rồi còn bạc trắng, đồ trang sức, thau chậu… xủng xoảng trong nhà. Và một điều rất quan trọng, tất cả những người đến dự đám cưới phải mang bằng hết chăn bông cô dâu ra đắp để phát lộc. Căn nhà tôi tràn ngập chăn thổ cẩm, những gã thanh niên được dịp chui xuống chăn cấu chí những cô gái, tất cả phải làm cho cô dâu ra khỏi buồng cưới và đẩy chú rể đến bên cạnh, dồn họ vào giữa, cùng đắp một chăn, và bắt đầu họ ca hát.
Đại khái đám cưới diễn ra thế này: giữa nhà là thanh niên uống rượu, đắp chăn mới; trên gác là các cụ già, hút thuốc đàm đạo chuyện đời; dưới bếp là các cô, các bà chế biến món ăn phục vụ khách… cứ thế diễn ra 5 ngày liền. Tất nhiên phải là những gia đình khá giả.
Đám cưới xong. Cô dâu lại quay về nhà mình, điều này rất bình thường ở quê tôi. Trong 5 ngày đó tôi chẳng thấy anh cả tôi “thực hiện đêm tân hôn” gì cả. Tất cả lại bình thường, chỉ đến những ngày mùa cô dâu mới qua về nhà chồng để làm việc. Tôi đã từng được “biệt phái” đi đón chị dâu. Đó là vào một ngày tháng tư nắng như đổ lửa, hai chị em tôi men theo con đèo về nhà mình. Vừa đi chị tôi vừa hỏi về anh tôi, về gia đình tôi, về người bản tôi. Là trẻ con nên chị hỏi gì tôi thật thà kể hết. Hoá ra chị tôi chưa biết gì về anh tôi, cũng như gia đình nhà tôi. Có vẻ như chị tôi rất lo lắng. Mỗi lần nghĩ lại chuyện này hình ảnh chị dâu tôi lại hiện về. Một người con gái rất trẻ: đầy đặn, bàn chân, bàn tay to khoẻ, cái eo rắn chắc, cái hông mập mạp, cái má hồng hào và đôi mắt đen ngơ ngác… Chị tôi là sơn nữ chính hiệu!
Đến nhà, chị ấy dúi cho tôi một cái túi thổ cẩm nhỏ, bảo đó là quà cho tôi. Đêm đó pa tôi lại mời hàng xóm đến uống rượu. Trong bữa cơm, chị tôi cúi gằm mặt, ăn uống rất ít và chẳng nói gì. Đêm đó cả nhà đi ngủ sớm - im lặng - tất cả im lặng.
Sáng hôm sau, anh chị tôi lên nương sớm, họ mang theo cơm nắm, xôi gà và rất nhiều thứ lỉnh kỉnh. Mãi tối mịt vẫn chưa thấy về, tôi có hỏi nhưng pa tôi mỉm cười, ông chỉ bảo: “Hỏi gì mãi thế… Bao giờ mày lớn tao lấy vợ cho thì biết…”. Tôi vẫn không hiểu, ra sàn ngó nghiêng. Bà chị tôi cười rúc rích, đập vào tôi và trêu: “Mày muốn biết anh cả đang ở đâu thì cứ lên nương ấy, trong núi ấy, trong rừng ấy…”. Tôi vẫn không hiểu, chỉ lo cho bà chị dâu bị lạc đường mà thôi.
Rất nhiều ngày sau cũng thế, anh chị tôi đi từ sáng đến tận gần khuya mới về. Bao giờ họ ra về cũng rất vui vẻ. Mỗi lần thấy anh tôi về pa tôi đều hỉ hả vỗ vỗ vào vai như thể động viên khích lệ cái gì đó. Còn chị dâu tôi thì lôi chị gái tôi chui tọt vào buồng cười rúc rích. Buổi tối anh tôi ngủ ở ngoài, hay trên giường của tôi, anh ấy ngáy pho pho vẻ rất mệt. Hết ngày mùa chị dâu tôi lại ra về, tôi lại là người đưa tiễn, lần này dọc đường đi chị ta chẳng hỏi gì tôi cả, chỉ tủm tỉm cười, hai má ửng hồng, xem chừng đang rất vui.
Cứ thế, chu trình về nhà chồng của chị tôi kéo dài gần ba năm. Có lần tôi thấy pa tôi giận dữ quát tháo gì đó với mé tôi, nghe loáng thoáng ông muốn anh tôi lấy vợ khác. Rồi đến một hôm đột nhiên chị dâu tôi và ông bố đẻ đến nhà tôi. Bà chị bây giờ bụng đã bắt đầu to, độn lên cả chiếc áo chàm dày cộp. Đêm đó thật vui, pa tôi cười ha hả, lại mở rượu, mổ gà mời hàng xóm. Trong lúc ngà ngà say pa tôi tuyên bố: ngày mai sang mời thầy Tào về làm lễ chính thức cho “Me Lùa” (cách gọi con dâu) mang họ Hoàng nhà mình. Rồi một đám lễ rất trang trọng diễn ra, một ông thầy Tào được đón về, ông ta làm phép, múa hát, chiêng trống ầm ầm. Nhà tôi lại mổ lợn, đồ xôi, mời hàng xóm. Cũng từ bữa đó chị dâu tôi không quay về nhà cha mẹ đẻ nữa.
Mãi đến bây giờ tôi mới hiểu tất cả. Nếu như chị dâu tôi không mang bầu qua ba mùa rẫy sẽ chẳng bao giờ được mang họ Hoàng nhà tôi, pa tôi sẽ đi tìm vợ khác cho anh tôi. Một sơn nữ nếu chứng tỏ được khả năng sinh nở mới chính thức là sơn nữ.
Còn đêm tân hôn ư? Nó diễn ra ở những ngày lên nương của anh chị tôi. Thực ra họ không phải lên nương, họ mang theo cơm nắm, xôi gà, mang theo nhiều thứ để về với núi rừng, để trò chuyện với nhau, tìm hiểu nhau và yêu nhau. Sự hoà nhập với thiên nhiên một cách tuyệt đối. Không cần nến, không cần ga trải giường, cũng chẳng cần 120 bông hoa hồng làm gì. Tất cả phải nguyên vẹn với trời đất, với cây cỏ. Hãy hình dung xem, một cặp vợ chồng mới cưới, họ chưa biết gì về nhau, thậm chí chưa gặp nhau bao giờ. Họ đi lên rừng và bắt đầu làm quen nhau. Họ trải lá rừng làm giường, lấy ánh trăng làm nến, lấy cây cỏ làm hoa và họ bắt đầu yêu nhau. Họ yêu nhau có sự chứng giám của núi rừng, có linh khí của đất trời, có ánh trăng làm đẹp… tất cả những thứ đó chẳng lãng mạn hay sao?!
Còn về trinh tiết thì sao, cái ông bạn của tôi rất tự hào về giọt máu đào ở trên ga trải giường ấy, bằng cái đó đủ chứng minh cho sự trinh trắng ư? Tôi không tin và chẳng quan trọng gì điều đó. Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi hỏi về sự trinh tiết và ý nghĩa của nó như thế nào? Nhiều người ở thành phố trề môi cho đó là lạc hậu, thời buổi này còn hỏi chuyện đó, nó chẳng còn quan trọng gì nữa rồi.
Ừ nhỉ, đúng là chẳng quan trọng gì. Ngày xưa cái đám cưới ầm ầm đầy tốn kém của gia đình tôi sẽ chẳng đem lại ý nghĩa gì nếu như chị dâu tôi không có bầu. Cái đêm ông thầy Tào chính thức làm lễ cho chị tôi mang họ nhà chồng mới gọi là quan trọng vì chị ấy đã chứng tỏ được mình là sơn nữ. Nếu không, pa tôi sẽ đi tìm vợ khác cho anh tôi. Và khi ấy bà chị dâu tội nghiệp ấy sẽ ra sao? Bà chị dâu của tôi phải tiếp tục chứng tỏ mình có khả năng làm mẹ, nói cách khác phải chứng tỏ bằng được mình là sơn nữ may ra mới lấy được chồng - đó là quy luật - quan niệm rất riêng của dân tộc tôi. Vì thế, sự trinh trắng về cơ thể chẳng nói lên điều gì.
Sự trinh trắng trong tâm hồn và tư duy mới là điều quan trọng với người Tày chúng tôi.
Sẽ có nhiều người thắc mắc ông anh cả và chị dâu tôi có hạnh phúc không? Tôi xin trả lời rằng họ rất hạnh phúc. Anh tôi bây giờ là một lãnh đạo cấp huyện, chị dâu tôi là một giáo viên dạy toán xuất sắc, họ đều có bằng đại học. Đứa con cả của anh tôi vừa tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội. Còn một cháu nữa đang theo học Đại học Y khoa Thái Nguyên. Tất cả đã đủ minh chứng cho sự hạnh phúc của họ. Gia đình anh tôi bây giờ chuyển ra phố huyện sống, vừa rồi đứa con gái lấy chồng. Cả nhà bàn nhau có nên mặc váy cưới kiểu người dưới xuôi không. Ông anh tôi trừng mắt quát lên rằng, mày là luật sư mà không có văn hóa, đi về bản nhờ người khâu ngay cái áo chàm, tao không cho phép mày bước ra khỏi nhà với cái váy nửa Tây, nửa Tàu ấy. Đấy đâu phải là mày! Mày ra cửa đi làm dâu với cái áo dở hơi ấy tổ tiên người Tày làm sao nhận ra mày!
Thế đấy, ông anh tôi có vẻ cực đoan, y như pa tôi ngày nào, nhưng ông ấy đúng. Cần phải biết mình là ai? Mình sinh ra từ đâu? Và từ đó mới bước ra thiên hạ để sống một cách đàng hoàng. Tôi rất tự hào về cách nghĩ ấy. Cũng chính vì có cách nghĩ ấy mà chúng tôi mới đủ sức đi qua mọi thứ ở cuộc đời này.
Tôi lại chợt nhớ về cách thức được gọi là đêm tân hôn với 12 cây nến, với 120 bông hoa hồng, với ga trải giường… của ông bạn tôi. Hình như cảnh thường xuyên diễn ra trên phim ảnh, ở một nơi nào đó rất xa, và tôi cam đoan nó cũng không sinh ra ở cái thành phố này. Nó từ đâu đó rất xa đi vào và ông bạn tôi bắt chước. Cũng chẳng sao, miễn là cảm thấy hạnh phúc. Nhưng nên nhớ rằng đó không phải là của anh ta, mà đi bắt chước. Còn việc nghỉ tuần trăng mật của cô bạn tôi cũng chẳng hơn gì. Thường xuyên thấy ở trên phim, họ đi ra biển, đi lên núi, đi đâu đó thật đẹp, thật sang trọng… Những cũng chỉ là của họ và ở đâu đó rất xa chúng ta. Vẫn là đi bắt chước!
Vậy một cái gì đó gần giống với đêm tân hôn, hay tuần trăng mật nguyên bản nhất, chính thức nhất của người thành phố mình thì như thế nào? Chắc chắn hai người bạn của tôi không bao giờ biết vì họ đâu còn là chính mình. Còn tôi, tôi là chính tôi vì tôi biết được đêm tân hôn đích thực của mình như thế nào. Tôi rất tự hào về điều đó!.
A Sáng 
Nguồn: VT
Theo https://dongtac.hncity.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Gió nhớ em lên núi tìm em về Trời đã muộn rồi em ơi!/ Trăng đã lên rồi em ơi!/ Trâu đã vào chuồng, gác mõ/ Gà thôi không còn bới nữa/ Sa...