Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Truyện ngắn của G. Môpátxăng

Truyện ngắn của G. Môpátxăng
Sức tỏa sáng sâu rộng là một trong những đặc điểm nổi bật của các tài năng văn chương lớn xưa nay. Hầu như vào mỗi thời đại, các tài năng này lại lấp lánh một thứ ánh sáng mới say cuốn lòng người. Các kiệt tác của họ luôn sống lại, và vì vậy luôn sống mãi cùng thời gian. Ghi đơ Môpatxăng, nhà văn hiện thực xuất sắc của nước Pháp và thế giới ở thế kỷ XIX là một tài năng như thế.
Ông sinh năm 1850 tại Noocmăngđi trong một gia đình qúy tộc bị sa sút. Vì cha mẹ bất hòa rồi thỏa thuận bỏ nhau, trong thời gian dài ông và em trai ông là Hecvê sống cùng với mẹ tại trang trại Vecghi thuộc Êtrơta, một thị trấn nhỏ ven biển. Quãng đời đẹp nhất này của Môpatxăng  sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong nhiều sáng tác của ông về sau. Mẹ ông, bà Lôrơ lơ Poatơvanh, nổi tiếng là người phụ nữ tận tụy và nghiêm khắc với con cái. Bà dồn hết sức lực và thời gian vào việc dạy dỗ hai con trai nên người. Vốn là người ưa thích và am hiểu văn chương, bà sớm có ý hướng tạo lập cho Môpatxăng về mặt đó. Song dẫu sao trước hết cũng cần phải học tập một cách toàn diện và có hệ thống. Năm 1863, bà gởi con trai mình tới học tại trường dòng Yvơtô. Môpatxăng vốn quen sống tự do, vì thế không chịu phục tùng những tín điều tôn giáo cũng như những kỷ luật nghiệt ngã của chủng viện. Ông đã làm nhiều bài thơ tình và nhiều bài thơ nhạo báng các giáo sĩ trong trường. Rất nhiều lần ông bị bề trên khiển trách. Có một lần vào năm 1866 do tự tiện lấy rượu ngon chỉ dành cho những người có chức vị trong trường, Môpatxăng bị trả hẳn về nhà. Năm sau, ông lại tiếp tục theo học tại trường trung học Ruăng. Trong số thầy dạy Môpatxăng ở đây có nhà thơ theo trường phái Parnasse tên là Lui Buiê. Nhờ sự thuyết phục của văn hào Flôbe, bạn thân thuở nhỏ của mẹ ông, nhà thơ này đã nhận lời giúp Môpatxăng trau dồi thêm về văn chương. Môpatxăng thuộc lòng nhiều bài thơ của Lui Buiê. Do ảnh hưởng của các bài thơ này ông đã chú trọng hơn tới hình thức nghệ thuật trong sáng tạo văn chương.
Năm 1870, chiến tranh Pháp - Phổ bùng nổ. Chàng thanh niên vừa tốt nghiệp trung học mới theo học trường Luật đã khoác áo lính, tham gia vào cuộc chiến tranh nhiều cay đắng và mất mát đối với nhân dân và đất nước mình. Ông cũng được chứng kiến nhiều tấm gương yêu nước bình dị mà cao cả của những người lao động nghèo khổ ở khắp mọi nơi. Mảng sáng tác quý giá viết về đề tài chiến tranh là kết quả trực tiếp của sự từng trải và suy ngẫm trong những ngày tháng gian nan nhiều khi tuyệt vọng này của ông. Tám tháng sau khi Hiệp định đình chiến được ký kết, Môpatxăng trở về với đời sống dân sự. Ở Pari, trong khi quyết định có nên tiếp tục theo học luật hay không, ông thường hay lui tới nhà Flôbe. Tại đây, ông may mắn được gặp gỡ và nói chuyện với các nhà văn danh tiếng đương thời như Tuôcghêniép, Đôđê, Dôla... Ông cũng được nghe nhiều cuộc thảo luận văn chương, nghe những lời chỉ trích gay gắt đối với các nhà văn lãng mạn cuối mùa. Môpatxăng đi đến quyết định gắn bó với văn chương và sẽ trở thành nhà thơ theo lời khuyên của Flôbe. Tình hình kinh tế của đất nước sau chiến tranh đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống hàng ngày của ông và gia đình ông. Thêm vào đó, Flôbe yêu cầu ông hãy tìm một nghề nghiệp ổn định làm cơ sở vững chắc và lâu dài cho sự nghiệp sáng tạo văn chương của mình. Bởi vậy, đầu năm 1873, ông xin làm viên chức ở Bộ Hàng hải và cuối năm 1873 chuyển sang Bộ Giáo dục. Điều này góp phần lý giải vì sao cuộc đời mòn mỏi và khốn khó của người viên chức trong các sáng tác của ông lại được mô tả sinh động và xúc động đến như vậy!
Bảy năm phục vụ cho chính quyền đồng thời là bảy năm tập sự văn chương của Môpatxăng dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Flôbe. Phải nói rằng kỷ luật của Flôbe đối với ông thật vô cùng khe khắt. Flôbe thường bảo ông: “Anh bạn trẻ ơi, chớ bao giờ quên rằng tài năng chỉ là một sự kiên nhẫn kéo dài, hãy làm việc đi!”. Ông làm thơ, viết truyện và sáng tác kịch bản văn chương nhưng chưa được phép đăng bất cứ tác phẩm nào để phòng ngừa mọi sự thất bại. Trong thời gian này, ông có lén lút đăng một vài bài thơ và truyện ngắn dưới bút danh khác: Ghi đơ Vanmông. Biết chuyện đó, Flôbe có tỏ ra bực bội, tuy vậy cũng tôn trọng ông vì phần nào đã nhận thấy tài năng của ông. Ngoài hoạt động văn chương, Môpatxăng đồng thời rất ham mê thể thao. Ông là tay bơi và tay thuyền cừ khôi. Những sở thích ngoài văn chương của Môpatxăng không được Flôbe khuyến khích. Flôbe  yêu cầu: “Với nghệ sĩ chỉ có một nguyên lý: Hy sinh hết thảy cho nghệ thuật. Ngay cả cuộc đời anh cũng chỉ được coi như một phương tiện, không có gì khác”. Tháng 4 năm 1880, tập truyện Những buổi tối ở Mê đăng của nhóm văn chương do Dôla đứng đầu có in truyện ngắn Viên mỡ bò của Môpatxăng. Tác phẩm đã gây một tiếng vang rộng lớn. Nhiều nhà văn có tên tuổi, nhiều nhà phê bình có uy tín đã đánh giá cao truyện ngắn xuất sắc này. Dôla cho rằng với Viên mỡ bò, Môpatxăng lập tức “tự xếp vào hàng các bậc thầy”. Còn Flôbe tuy hơi thất vọng vẫn tuyên bố không chút lưỡng lự rằng tác phẩm là một viên ngọc, “một kiệt tác về kết cấu, về tính hài hước và tài quan sát”. Với thành công lớn này, Môpatxăng đã từ bỏ cuộc đời viên chức để hiến thân hoàn toàn cho nghề viết văn.
Tiếc rằng Flôbe không sống lâu hơn để chứng kiến tài năng của Môpatxăng với tư cách là người kể chuyện. Tháng 5 năm 1880, người thầy đột ngột qua đời. Môpatxăng vô cùng đau xót và thương tiếc. Có điều, từ đây ông được thoát khỏi những kỷ luật khe khắt ràng buộc mình. Năng lực sáng tạo của ông trào ra mãnh liệt. Thời kỳ tập sự của ông đã chấm dứt. Ông cần không gian và tự do để giải phóng tài năng của mình. Từ khi truyện ngắn Cuộc du ngoạn của bà Tenơ Liê được xuất bản, yêu cầu thưởng thức truyện ngắn của Môpatxăng trong công chúng độc giả càng ngày càng tăng thêm. Các tập truyện ngắn, truyện dài của ông liên tiếp ra đời. Danh vọng và tiền tài nhanh chóng đến với ông.
Giữa lúc năng lực sáng tạo của Môpatxăng đang đồi dào nhất thì vào năm 1885 căn bệnh thần kinh bắt đầu hành hạ ông. Những năm sau đó bệnh tình không hề thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn. Ông buộc phải đi du lịch và an dưỡng thường xuyên tại châu Phi, Anh, Italia... Ông cũng hay sống ở các thành phố ven biển miền Nam nước Pháp. Sau các cuộc chạy trốn bệnh tật, Môpatxăng lại trở về biết thự tại Êtrơ tự đắm mình trong sáng tạo. Nhiều tập du ký, truyện ngắn ghi lại những ấn tượng sâu đậm của các chuyến đi lần lượt xuất hiện. Chạy trốn bệnh tật hoài, ông đồng thời bắt đầu có nhu cầu chạy trốn ngay chính bản thân mình. Những ảo giác luôn dày vò ông, các bóng ma luôn theo đuổi ông. Chỉ có cái chết mới chấm dứt được tình trạng hoảng loạn này. Nhiều lần ông có ý định tự vẫn. Mặc dầu lần nào cũng được cứu chữa kịp thời nhưng cuối cùng Môpatxăng chìm hẳn trong “áng mây mù dầy đặc của sự rồ dại”. Ông qua đời vào ngày mồng 6 tháng 7 năm 1893 tại một nhà thương điên ở Paris. Thi hài ông được chôn cất tại nghĩa trang Môngpacnax.
Vào cuối đời, nhìn lại con đường viết văn của mình, Môpatxăng có nói: “Tôi bước vào văn nghiệp như một mảnh sao băng và ra khỏi nó như một tia chớp”. Thời gian tập trung cho sáng tác của ông quả không dài, vỏn vẹn chỉ 10 năm trời. Thế nhưng, ông đã để lại một sự nghiệp văn chương đồ sồ bao gồm chừng 300 truyện ngắn, 6 truyện dài, 3 tập du ký, nhiều bài thơ, vở kịch và một số công trình phê bình văn chương  có giá trị theo xu hướng hiện thực.
Vậy là, Môpatxăng không chỉ viết truyện ngắn. Nhưng, nói tời ông thì trước hết và chủ yếu là nói tới các truyện ngắn của ông. Môpatxăng cùng với Tsêkhôv ở Nga được coi là những bậc thầy của thể tài văn chương có vị trí hiển nhiên không gì thay thế được này. Đúng như nhà văn tiến bộ Pháp A.Phơrăngxơ đã nhận định: “G.Môpatxăng rõ ràng là một trong những người viết truyện ngắn tuyệt vời nhất, ở một nước người ta đã viết rất nhiều truyện ngắn, mà toàn là truyện viết tốt nữa”.
Môpatxăng là một hiện tượng văn chương phức tạp. Hít thở không khí của thời đại mình, ông không thể không ít nhiều chịu ảnh hưởng những khuynh hướng văn chương nảy sinh vào cuối thế kỷ trước. Tuy nhiên, Môpatxăng chủ yếu là một nhà văn hiện thực. Ông tiếp nối truyền thống hiện thực trong văn chương Pháp của các bậc tiền bối như Xtăngđan, Banzắc, Flôbe... Ngay từ khi mới cầm bút viết văn, ông đã từng tuyên bố: “Chúng ta chỉ có một mục tiêu duy nhất : Con người và cuộc sống mà chúng ta phải phô diễn một cách có nghệ thuật”. Về cơ bản, toàn bộ sự nghiệp văn chương của ông đã thể hiện rõ ý hướng ấy.
Đi vào thế giới nghệ thuật của Môpatxăng, chúng ta ít khi chứng kiến những hiện tượng xã hội đột xuất khác thường. Phần nhiều đó là những câu chuyện phổ biến hàng ngày, những câu chuyện người ta hay kể cho nhau nghe vào cuối bữa tiệc (Người đàn bà làm nghề độn ghế), sau bữa ăn tối (Chờ đợi) hoặc vào giờ uống trà (Hạnh phúc). Sức hấp dẫn đặc biệt của truyện ngắn Môpatxăng một phần ở chỗ đó. Dường như, ông muốn nói rằng: Hãy đừng tìm những điều hệ trọng đâu xa. Quanh ta, ẩn dưới những chuyện thường ngày, quen thuộc nhất là những tấn bi kịch đau lòng, những tấm lòng vàng qúy giá, những nhân cách bị xói mòn... Dễ hiểu tại sao Môpatxăng lại nhạy cảm với “những thảm kịch đơn sơ và khốc liệt của đời sống xã hội” (Chờ đợi) với “Những sự việc giản dị nhất và bình thường nhất” mà “lại khiến cho lòng ta xúc động nhất”. (Cô Côcôttơ). Điển hình hoá nghệ thuật được tiến hành trên cơ sở đó. Trong truyện Du lịch, Môpatxăng từng yêu cầu phải “lục lọi trong trí nhớ để tìm ra một vài giai thoại ngắn” “một câu chuyện ngắn” nhưng như “cái chìa khoá để mở ra một vùng đất nào đó”, “có thể phát hiện ra đặc trưng của một miền xứ” nào đó. Công việc không dễ, đòi hỏi tài năng thực sự của người nghệ sĩ chân chính.
Kết thúc chuyện kể về một trong những tấm thảm kịch của sự Chờ đợi, mượn lời một nhân vật, Môpatxăng viết: “Xung quanh ta ngày nào cũng xảy ra những thảm kịch như thế”. Đó là sự thật hiển nhiên nếu chúng ta nghĩ tới cái xã hội đầy rẫy sự thù hằn, độc ác, bất công và vị kỷ, cái xã hội “những kẻ ngây thơ thường bị lừa bịp, những kẻ chân thật bị bỡn cợt và những kẻ lương thiện bị đối xử bất công” (Tha thứ). Người nghèo khó thường không có chỗ đứng trong xã hội ấy. Họ bị sỉ nhục, bị ngược đãi. Những kẻ tàn tật bị hất ra bên rìa đường của cuộc đời thì còn có thể hiểu được (Thằng ăn mày). Ngay cả những người lành lặn với “đôi cánh tay cường tráng” đầy sức mạnh mà bụng vẫn trống rỗng, lòng vẫn chán nản vì không sao tìm thấy nơi “trú thân trên đường đời” (Kẻ lang thang).
Tình cảnh cùng đường tất sẽ đẩy họ tới những hành vi tội lỗi với những mức độ khác nhau tùy thuộc vào sức chống chọi của mỗi người. Nhà tù tư sản là nơi giải thoát duy nhất cho cuộc đời bi đát của họ. Và đối với họ “chỉ có cái chết mới hoàn toàn hạnh phúc” mà thôi (Bố của Ximông). Có nhiều tấn bi kịch phát sinh từ định kiến tàn nhẫn của xã hội (Bà Baptixtơ), từ dư luận tai ác của những kẻ lòng chất chứa thù hằn, ghen ghét (Sợi dây). Một phút bất hạnh thời niên thiếu có thể tạo nên mối đe dọa thường xuyên mà chỉ có cái chết mới chấm dứt nổi. Một sự vô tình cũng có thể là nguyên nhân của những lời đơm đặt đưa đến cái chết u uẩn, nhục nhã. Cũng cần phải kể tới tấn thảm kịch do nghèo hèn, túng quẫn của những viên chức nhỏ trong các truyện Món nữ trang, Đi ngựa. Ở đây, Môpatxăng có cười, nhưng sau tiếng cười là những giọt nước mắt xót xa, thương cảm.
Chế độ tư bản khi đến chỗ suy tàn đã tự mình xé rách ngọn cờ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” mà những nhà cách mạng tư sản tiến bộ từng dương cao. Tự do yêu đương làm sao có thể đứng chân trên một mảnh đất có quá nhiều mối ràng buộc trong đó sự ràng buộc của miếng cơm, manh áo là quan trọng hơn hết thẩy (Bà Clôsetơ). Xã hội ấy cũng không bao dung nổi những thứ tình cảm cao qúy chính đáng khác như tình cảm đối với loài vật (Cô Côcôttơ). Người đánh xe ngựa Frăngxoa hỏi có tội lỗi gì khi sự gắn bó với con chó khôn ngoan, trung thành và giàu tình nghĩa kia đã trở thành mối ràng buộc tự nhiên, không thể thiếu được đối với cuộc đời của bác? Tình thế đặt bác trước một sự chọn lựa: Hoặc là mất chỗ làm, mất phương tiện kiếm sống, hoặc là rời bỏ con chó, tiêu hủy đi nguồn an ủi qúy giá của cuộc đời mình. Bác phải buộc lòng chọn con đường thứ hai. Ngỡ mình được sống, nào ngờ bác lại rơi vào một thảm kịch khác, đau xót hơn nhiều: Bị điên loạn suốt đời.
Môpatxăng có dụng ý phanh phui nhiều sắc thái bi kịch khác nhau: Có khi cay đắng, chua xót, cũng có khi nhẹ nhàng, thoáng qua. Song trường hợp nào cũng đều bi đát, tuyệt vọng như nhau. Truyện Tuyết đầu mùa  mình, một người sống mà lại có những ước mơ khác anh, những thú vui khác anh, mặc dầu tất cả những ước mơ và thú vui ấy lại là cuộc đời của cô. Trong giây phút buồn bã và thất vọng, người vợ đã tự hủy hoại sức khỏe của mình. Cô ta bình thản, thậm chí sung sướng đón chờ cái chết đến gần. Có gì khó hiểu đâu! Sống một cuộc sống không phải của mình thì tốt hơn hết là hãy mau chóng chấm dứt nó đi. Tiếng nói vọng lên từ tác phẩm cho tới bây giờ và mãi mãi về sau này còn có sức cảnh tỉnh biết bao người! đặt ra một vấn đề sâu xa và bức thiết : Lòng vị kỷ của con người đôi khi dẫn tới những hậu quả thật không ngờ. Anh chồng Hăngri khỏe mạnh, ít suy nghĩ, không mong ước một cuộc sống nào khác ngoài cuộc sống đơn giản, quen thuộc của mình. Anh ta không sao hiểu được vợ.
Trong số các thảm kịch xảy ra hàng ngày và nhan nhản khắp nơi, Môpatxăng đặc biệt chú trọng tới những tấm thảm kịch do đồng tiền và lòng hám lợi gây ra. Hàng loạt truyện ngắn tập trung thể hiện chủ đề này: Cái thùng tô nô nhỏ, Con quỷ, Ngoài khơi, Trong rừng... Đồng tiền đẩy con người tới những hành động tội lỗi, biến con người thành những con vật đích thực. Hơn thế, đồng tiền còn hủy hoại những tình cảm ruột thịt mà ngay cả loài vật cũng không hoàn toàn mất hẳn. Truyện Trong rừng phê phán sức mạnh đảo điên của đồng tiền vàng ở khía cạnh thật đặc biệt. Tác giả lên án những kẻ “nghĩ về két tiền hơn là bông hoa nhỏ”. Họ không sao hiểu nổi những nhu cầu tình cảm bình thường và chính đáng. Đối với họ, sự xúc động ngoài phạm vi đồng tiền đều là biểu hiện của chứng điên khùng. Nhà văn như muốn thẳng thắn đặt ra một câu hỏi: Nếu con người sống chỉ để săn lùng tiền bạc cho thật nhiều thì ý nghĩa của cuộc đời là ở chỗ nào?
Xã hội xấu xa, đen bạc như vậy cố nhiên là một xã hội vô nhân tính. Môpatxăng đã khắc họa thành công nhiều hạng người bị chi phối bởi những dục vọng thấp hèn, nhơ nhuốc. Họ coi thường nhân cách. Thú tính ngang nhiên hoành hành trong họ. Đồng tiền trong Món tư trang đã thành kẻ khốn nạn một cách trơ tráo không cần che đậy. Lúc người vợ mới chết, đức ông chồng đau khổ đến nỗi “một tháng sau tóc ông bạc trắng” hết. Vậy mà, khi trong tay có một khoản tiền lớn nhờ những đồ nữ trang của người vợ để lại thì “lần đầu tiên trong đời ông ta xem hát không thấy chán. Và đêm đó ông chui vào nhà gái điếm. Sáu tháng sau ông tái giá”. Lời kết thúc có vẻ bình thản. Thế nhưng ngọn lửa đã một lần nhen lên trong lòng người đọc lại cháy mãi không nguôi. Thói đạo đức giả của bà qủa phụ Bôngđơxoa “thánh thiện”, “khả kính” được Môpatxăng bóc trần rất khéo léo trong truyện ngắn Kẻ thế chân. Cũng như, mối quan hệ giả tạo vốn là đặc điểm dễ nhận thấy của xã hội thượng lưu được nhà văn dựng lại một cách tài tình trong các truyện Báo thù, Một cuộc gặp gỡ. Song thú vị và thành công hơn cả có lẽ là truyện Trường hợp bà Luynô. Câu chuyện xoay quanh một phiên tòa. Có điều, khác với phần nhiều các phiên tòa thực ngoài đời, phiên tòa được mô tả trong tác phẩm lại kết tội tất cả, không loại trừ một ai. Nhà văn thẳng thừng kết án lòng hám lợi của bà Luynô, thói tham tiền của lão Ipôlitơ và cả sự trác táng, lợi dụng của những kẻ làm chứng. Bao trùm lên tất cả là sự mai mỉa vai trò của quan tòa. Sức mạnh của ngòi bút Môpatxăng chưa lần nào được phát huy cao độ như ở đây. Dung lượng của một truyện ngắn nhờ vậy tăng lên gấp nhiều lần.
Có nhà nghiên cứu cho rằng thái độ của Môpatxăng khi thể hiện cuộc sống có phần lãnh đạm bàng quan. Thật ra không đúng như vậy. Quả là ông viết “một cách khách quan”. Như nhiều nhà văn hiện thực khác, Môpatxăng chủ trương người nghệ sĩ không nên thuyết giáo trực tiếp mà cần “kết cấu tác phẩm thật khéo léo với vẻ ngoài hết sức tự nhiên”. Khuynh hướng tác phẩm phải rõ, nhưng lại được toát ra từ tình huống, hành động và tính cách nhân vật. Chỉ bằng con đường ấy hiệu quả nghệ thuật mới thật sự bền lâu. Sự thản nhiên của Môpatxăng nói như văn hào A.Phơrăngxơ “giống như tạo hóa làm chúng ta ngạc nhiên, khiến chúng ta rung động”. Điều này rất đúng trong các trường hợp nói trên, cũng rất đúng khi ông phát hiện ra những vẻ đẹp giản dị mà cao cả của người nghèo khổ trong nhiều tác phẩm của mình.
Trong Bà Clôsetơ, qua lời của người kể chuyện, Môpatxăng không ngần gại dùng những lời đẹp nhất để ngợi ca “tâm hồn quảng đại” của người đàn bà nghèo khổ. Tình yêu đối với bà là sự hy sinh suốt đời, không chút đắn đo, không hề tính toán. Đó là “một tâm hồn vĩ đại, một kẻ hy sinh thanh cao”, “một nữ  anh hùng trong số những anh hùng đã thực hiện những hành vi anh hùng nhất”. Tiếp nối quan niệm tình yêu chân chính, tình yêu chân thực gắn liền với sự hy sinh cao qúy là truyện ngắn nổi tiếng Người đàn bà làm nghề độn ghế. Ít có câu chuyện nào độc đáo và cảm động hơn. Tình yêu thì một phía, sự hy sinh lại diễn ra hàng ngày trong suốt một đời người. Lời kết thúc thể hiện lòng thán phục sâu xa của nhà văn: “Quả thật chỉ có người phụ nữ mới biết cách yêu thương”. Truyện Du lịch biểu dương vẻ đẹp tự nhiên của tình cảm anh đối với em, con cái đối với cha mẹ. Người anh trong phút chót của cuộc đời chỉ nghĩ về những người ruột thịt của mình. Anh trao cho người em chiếc đồng hồ, quà tặng qúy giá mà anh từng nâng niu, trân trọng. Qua người em, anh còn kịp chuyển tới cha mẹ những cái hôn vĩnh biệt cuối cùng. Mọi chi tiết đều đơn giản mà xúc động lạ thường! Lòng tin của Môpatxăng vào cuộc đời tưởng chỉ một màu đen của tội lỗi và điều ác còn được biểu lộ trong truyện ngắn Đứa con.
Điều ngang trái xảy ra ngay trong đêm tân hôn và vì thế mà việc chấp nhận đứa trẻ vô tội kia càng đáng ca ngợi gấp ngàn lần. Nhà văn không hề thần thánh hóa con người và cuộc đời. Berơ lúc trông thấy chồng đứng giữa phòng, mặt mày tái mét trong tay ôm một đứa trẻ, thì đã bằng linh cảm để hiểu ra tất cả. Trái tim cô thắt lại vì đau đớn. Nhưng rồi cô vẫn đưa tay ra nhận đứa bé, áp sát vào ngực mình. Và cuối cùng khi biết người mẹ của đứa trẻ đã qua đời thì lòng cô trào lên một nỗi thương cảm sâu xa. Cô chấp nhận đứa con riêng của chồng mình với đầy đủ trách nhiệm của người vợ, người mẹ. Câu chuyện còn góp phần khẳng định quan niệm thẩm mỹ đúng đắn của Môpatxăng. Rõ ràng cái “nét duyên dáng”, cái “nết dịu dàng” của người phụ nữ đặc biệt hấp dẫn ông hơn cả. Đối lập với vẻ đẹp của Berơ là vẻ lôi cuốn phù hoa, đỏm dáng, điệu nghệ mà thiếu chân thực của không ít thiếu nữ qúy tộc trong nhiều tác phẩm khác của ông.
Lòng nhân ái, tư tưởng dân chủ của Môpatxăng đạt tới đỉnh cao trong tác phẩm Bố của Ximông. Từ tấm lòng cảm thông sâu xa đối với đứa trẻ mồ côi cha, bác thợ Philíp Rơmy đã vượt qua những ngáng trở của định kiến xã hội bao quanh người phụ nữ, chủ động đến với hạnh phúc của mình. Tác giả không chút ngần ngại khi khẳng định rằng bác là “một ông bố mà đứa con nào cũng có quyền tự hào”. Con người trong lao động sáng tạo có vẻ đẹp của thánh thần. Môpatxăng mô tả những người thợ rèn làm việc “khỏe mạnh,  đầy sức lực, vui sướng như những vị hỏa thần thỏa mãn”. Cũng cần lưu ý tới quan điểm giai cấp khá rạch ròi ở nhà văn. Theo tác giả, bọn trẻ con xỉa xói Ximông vốn “nhiều thú tính hơn nhân tính”. Bởi vì “cha chúng hầu hết là những kẻ bạc ác”, những tên nghiện rượu, những kẻ trộm cắp, những người chồng vũ phu. Chỗ đứng và cách nhìn của Môpatxăng trong tác phẩm này có nhiều điểm gần gũi với lập trường và quan niệm tiên tiến nhất của thời đại bấy giờ. Đó cũng chính là chỗ xuất phát để ông vươn tới tư tưởng tự do khoáng đạt chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tư tưởng của các nhà khai sáng ở thế kỷ XVIII. Ông tán đồng với những “triết lý dẫn đến việc lật đổ những thói tục cũ kỹ, những định kiến, những luật lệ cổ lỗ” ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của mỗi người. Tác giả chấp nhận bản di chúc có một không hai trong truyện vì tình yêu tự do ở ông thật lớn lao. Tác phẩm là “tiếng kêu đòi tự do vang lên từ đáy mộ”, còn nhân vật Matinđơ mãi mãi là biểu tượng cao đẹp của lòng dũng cảm của con người quyết vươn lên làm chủ tình yêu, hạnh phúc và cuộc đời của mình.
Sẽ là khiếm khuyết lớn nếu không nhắc đến mảng truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh của Môpatxăng. Kể từ khi các tác phẩm này ra đời nhiều cuộc chiến tranh đã xảy ra. Biết bao người đã tìm đến nhà văn như tìm đến tiếng nói da diết, sâu lắng của chính lòng mình. Bởi vì, về cơ bản, quan điểm của Môpatxăng khi mô tả chiến tranh là đúng đắn. Xuất phát từ lòng thiết tha yêu hòa bình, ông đã khẳng khái kết án thứ chiến tranh “làm tan nát những gia đình”, “giã nát sự sống, chà đạp những con người, kết liễu bao giấc mộng, bao niềm hy vọng về hạnh phúc”, “khoét sâu trong trái tim những người vợ, những người mẹ, những cô thiếu nữ những vết thương không bao giờ lành” (Hai người bạn). Đây cố nhiên là thứ chiến tranh phi nghĩa mà nhà văn có ý thức phân biệt nó với các cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc. Một nhân vật trong truyện ngắn nổi tiếng Viên mỡ bò đã nói lên ý nghĩ của tác giả: “Chiến tranh là một sự dã man khi người ta đánh một người láng giềng đang sống yên lành, nhưng khi ta bảo vệ Tổ quốc thì đó lại là một bổn phận thiêng liêng”. Dẫu thế nào ước muốn sống trong hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc vẫn là nguyện vọng cháy bỏng trong trái tim những con người chân chính. Và vì thế, lời cầu nguyện “mong sao cho con cái chúng ta đừng bao giờ nhìn thấy chiến tranh” (Người đàn bà điên) vẫn luôn là lời thỉnh cầu của các thế hệ kế tiếp nhau.
Nhất quán với khuynh hướng chung, bên cạnh việc kết án chiến tranh, Môpatxăng còn phát hiện những tấm gương hy sinh bình dị và cao cả xuất hiện khắp nơi trên đất nước thân yêu của ông trong cuộc kháng chiến chống quân Phổ. Ông chú ý hơn cả tới những tính cách đặc biệt. Đó là những cô gái điếm mà lòng tự trọng dân tộc thấm vào tận xương tủy (Viên mỡ bò, Cô FiFi). Đó là các cụ già có những lý do riêng để căm thù giặc và có những phương pháp riêng để biểu lộ lòng căm thù ấy (Ông cụ Milông, Xanh Angtoan). Đó còn là đôi bạn thân từng gắn bó với nhau trong những giờ phút yên ả của hòa bình đã biết cùng chọn một cái chết xứng đáng trước kẻ thù xâm lược tàn bạo (Hai người bạn).
Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi chiếm đóng nước Pháp, bọn phát xít Đức đã ra lệnh đốt hết tác phẩm của Môpatxăng. Ngược lại, những người kháng chiến nhất là các đảng viên cộng sản Pháp lại càng qúy trọng ông hơn lúc nào. Các truyện viết về chiến tranh của ông đã thật sự tạo ra sức mạnh to lớn trong họ. điều này đã làm vinh dự cho nhà văn.
Giá trị hiện thực và nhân đạo của truyện ngắn Môpatxăng thật lớn lao và sâu sắc. Người đọc hàng trăm năm nay vẫn say mê với các tác phẩm của ông còn bởi tài nghệ viết truyện độc đáo và điêu luyện của ông nữa. Truyện của ông mang sắc thái riêng “không ai bắt chước nổi” (M. Gorki). Ông viết ngắn, sắc, giản dị và trong sáng.
Truyện ngắn của Môpatxăng, đúng như tên gọi của thể tài, thường rất ngắn. Viết ngắn mà nội dung phong phú, hấp dẫn quả không dễ. Muốn thành công, ngôn ngữ phải được giản ước đến mức tối đa. Ý đồ nghệ thuật phải thấm tới từng chi tiết. Hãy nghe  nhà văn mô tả ông bà Sukê: “Họ vừa ăn điểm tâm xong, ngồi đối diện nhau, cả hai đều mập mạp và hồng hào, sặc mùi thuốc men, nom có vẻ quan trọng và mãn nguyện” (Người đàn bà làm nghề độn ghế). Mỗi chi tiết đều nổi bật và đầy dụng ý. Để làm nổi rõ tính các nhân vật, Môpatxăng còn khéo chọn những tình huống điển hình. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn hay chọn giờ phút lâm chung làm điểm xuất phát cho mọi sự kiện khác trong truyện của mình. Đọc các truyện Chờ đợi, Người đàn bà làm nghề độn ghế, Hoàng hậu Ortăngxơ, chúng ta có điều kiện hiểu rõ vai trò của tình huống trong truyện ngắn quan trọng tới mức nào. Cũng phải nói tới ý nghĩa của nghệ thuật tương phản trong việc thực hiện ý đồ sáng tạo của Môpatxăng. Ví như, sự đối lập giữa tình và cảnh (Hạnh phúc), sự đối lập giữa hai quan niệm về đạo đức (Trong vùng quê)...
Tính sáng tạo, luôn đổi mới về thủ pháp và bút pháp là một biểu hiện khác của tài năng Môpatxăng. Cuộc sống luôn biến đổi, nghệ thuật gắn liền với cuộc sống lẽ nào lại không cần thường xuyên cách tân. Môpatxăng rất coi trọng kết cấu. Đọc ông, ta dễ nhận ra sự biến hóa không cùng của kết cấu tác phẩm. Có truyện là những trang ghi chép (Tình yêu); Có truyện chỉ gồm hai bức thư trao đổi (Những lời yêu thương); Lại có truyện chấp nhận cả những đoạn đối thoại kế tiếp nhau như trong kịch (Trường hợp của bà Luynô). Sự sáng tạo còn được biểu hiện qua bút pháp tác phẩm. Môpatxăng thường sử dụng bút pháp hiện thực. Điều này không có nghĩa các bút pháp nghệ thuật khác lại xa lạ với ông. Có thể  xem truyện Hạnh phúc là một dẫn chứng. Hạnh phúc là một chủ đề vĩnh cữu. Tác giả lấy hòn đảo Corxơ làm nền cho sự thể hiện của mình. Mở đầu câu chuyện, đảo Corxơ mờ mờ hiện ra trên mặt biển. Và khi câu chuyện kết thúc thì “ở đằng xa cuối chân trời, đảo Corxơ chìm vào đêm tối, chầm chậm lặn xuống biển”. Hòn đảo như hiện lên để kể về một câu chuyện hạnh phúc có ý nghĩa muôn đời, và khi kể xong  rồi thì lại tự biến mất. Yếu tố huyền ảo, bút pháp lãng mạn tạo ra sức truyền cảm kỳ lạ của tác phẩm này.
Nhiều nhà phê bình đánh giá cao tài phân tích tâm lý của Môpatxăng. Dưới ngòi bút tinh tế của ông, tâm lý nhân vật có vận động có biến đổi, nhưng hoàn toàn theo quy luật nội tại mà người ta thường gọi là “biện chứng pháp tâm hồn”. Điều này bộc lộ rõ rệt qua kiệt tác Trăng sáng. Kể ra, một vài trang truyện mà lại muốn diễn tả sự thay đổi trong suy nghĩ của một vị linh mục già thì dường như không thể làm nổi. Thế mà Môpatxăng đã làm và làm thành công. Sự thể hiện của ông vô cùng sống động và hấp dẫn. Trong truyện có nhiều đoạn mô tả tâm lý trực tiếp mà không rơi vào tư biện, khô khan. Thường thì ông ưa thể hiện sự biến chuyển của tâm trạng con người qua cử chỉ và hành vi bên ngoài. Sự chuyển biến của bà La Blăngsôtơ từ dáng đứng nghiêm nghị ở cửa lớn như để phòng ngừa sự phản bội của một người đàn ông khác tới việc tiếp chuyện một cách lịch sự, điềm tĩnh chỉ có “đôi má bà hồng hơn lúc bình thường” và cuối cùng vào buổi tối trời đầy sao nọ bà xúc động ngã vật xuống sàn nhà trước hạnh phúc không thể ngờ tới của mình đã được tác giả lý giải hợp lý, giàu sức thuyết phục (Bố của Ximông).
Truyện ngắn của Môpatxăng đặc sắc và phong phú là thế. Tuy nhiên cũng như toàn bộ sự nghiệp của ông, truyện ngắn của ông không tránh khỏi những hạn chế tất yếu của thời đại và giai cấp. Ông nhận chân ra mọi điều độc ác bất công ở đời. Thế mà khi cần tìm căn nguyên của chúng thì hoặc ông lúng túng hoặc ông lầm lạc. Ông quy cho số mệnh vạn năng chi phối và quyết định hết thảy. Rồi từ đó, ông oán trách tạo hóa chỉ gieo tai họa xuống đầu những người lương thiện, nghèo khó. Môpatxăng viết: “Anh phẫn nộ với sự bất công của số mệnh và anh oán trách loài người, tất cả mọi người, anh phẫn nộ với tạo hóa, với bà mẹ lớn lao, mù quáng, bất công, ác độc và thâm hiểm”. Đây đó, nhà văn không tránh khỏi cái nhìn bi quan trước tương lai ảm đạm của con người là vì vậy. Ông để cho một nhân vật thốt lên trong một tác phẩm: “Cuộc đời tự nó vốn đã tàn nhẫn và hung bạo rồi!” (Chờ đợi). Trong một truyện khác, ông lại để cho các nhân vật lập luận và giải đáp các vấn đề chính trị hệ trọng để rồi đi tới thống nhất một điều là: “Nhân loại sẽ không bao giờ được tự do” (Hai người bạn). Cái nhìn của Môpatxăng đối với người lao động cũng không được nhất quán. Đôi lúc ông quá cường điệu và đi tới tuyệt đối hóa cái xấu nhất thời và cá biệt của họ. Xã hội đẩy Răng đen trong Kẻ lang thang tới bước đường cùng bi đát. Anh ta bị bắt trong khi chưa hề gây ra một tội ác nào cả. Vậy mà khi bị giải qua làng, những người “nông dân nam cũng như nữ nhìn con người bị bắt đó đi giữa hai tên sen đầm với một ánh mắt hằn thù lóe lên trong khóe mắt, chỉ muốn ném đá vào anh, lấy móng tay lột da anh, giẫm nát người anh”. Ở đây chủ nghĩa tự nhiên đã ảnh hưởng tới ông. Dấu vết của chủ nghĩa tự nhiên còn in đậm trên một số trang mà yếu tố sinh lý lấn át yếu tố tâm lý, mối quan hệ trai gái được chú trọng hơn những mối quan hệ xã hội khác. Có điều, rất cần phân biệt việc miêu tả sinh lý như là phương tiện phản ánh của phần lớn truyện ngắn Môpatxăng với việc coi miêu tả sinh lý là mục đích là cứu cánh trong tác phẩm của các nhà văn tự nhiên chủ nghĩa tiêu biểu. Ngày nay, với phương pháp luận khoa học, chúng ta có điều kiện để đánh giá đúng đắn toàn bộ di sản của Môpatxăng cũng như của các nhà văn khác trong quá khứ là như thế. Và cuối cùng, cũng nên chỉ ra những truyện bông phèng vô vị, những truyện viết tình cờ, ít giá trị trong hàng loạt truyện ngắn đặc sắc và qúy giá của ông. Thái độ  của chúng ta là không quá khe khắt mà cũng không quá dễ dãi trước bất cứ một hiện tượng văn chương nào xưa nay.
Thời gian trôi đi, bao tên tuổi từng nổi danh một thời đã lần lượt bị lu mờ. Thế mà sự nghiệp của Ghi đơ Môpatxăng lại ngày một chói sáng, nhất là dưới con mắt của chúng ta ngày hôm nay. Giờ đây, chúng ta đọc Môpatxăng càng say sưa hơn, càng ý thức hơn bất cứ lúc nào. Ấy là bởi tác phẩm của Môpatxăng không chỉ có ý nghĩa lịch sử, giúp ta nhìn lại một thời đã qua, mà còn có ý nghĩa thời đại, giúp ta nhìn nhận con đường mình đang đi và sẽ tới. Sinh thời, Môpatxăng đã từng nghĩ về “cái đất nước huyền diệu đâu đâu thợ thuyền cũng đều có công ăn việc làm”.
Trên con đường đi tới của nhân loại chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề khác nhau được đặt ra và cần giải quyết. Cùng với những thiên tài văn chương khác trong quá khứ, Môpatxăng sẽ còn tiếp tục đóng góp tiếng nói có hiệu quả của riêng mình.
Đà Lạt, 8/1986
Phạm Quang Trung
      Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bài Tình Ca Mùa Xuân Tôi gặp nàng trong thư viện O'Neill khi cả hai chúng tôi cùng tìm sách trong dãy sách chiến tranh Việt Nam. N...