Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

Mùa xuân trong thơ tâm linh của Tường Lưu

Mùa xuân trong thơ tâm linh 
của Tường Lưu
Trong dịp Lễ Giáng sinh 2013 vừa qua, tôi đã có cơ hội hầu chuyện văn chương với quý bạn đọc gần xa về thơ Giáng sinh của Tường Lưu qua bài “Thưởng thức thơ Giáng sinh của Thi sĩ Tường Lưu” (songdaoonline.com, ngày 15.12.2013). Nay, nhân dịp Tết đến, Xuân về, tôi muốn mời bạn cùng tôi trở lại với thơ Tường Lưu, nhưng không phải với chủ đề Giáng sinh, mà bèn là một chủ đề khác cũng rất ấn tượng. Đó là thơ Xuân của Tường Lưu. Xin mời bạn cùng tôi dạo bước vào vườn thơ Xuân của Tường Lưu để cùng thưởng thức hương vị mùa Xuân trong đó và để rồi cùng chiêm nghiệm về tình Trời và tình người trong thơ Xuân của Tường Lưu thi sĩ.
Thơ viết về mùa Xuân của Tường Lưu thì không nhiều, tôi tìm trong hầu hết các thi tập tâm linh của thi sĩ thì thấy rằng dường như nhà thơ… không ưu ái lắm với mùa Xuân thì phải, cho nên “mảnh đất” dành cho thơ Xuân của thi sĩ không… rộng lắm. Dầu vậy, nó cũng đủ để ta dạo chơi và thưởng thức hương vị của mùa Xuân trong đó mà không hề cảm thấy hối tiếc về thời gian ta dành để… “du Xuân” trong “mảnh đất nhỏ mà đáng yêu” ấy trong vườn thơ rộng lớn, bao la của thi sĩ.
Vua Đa-vít ngày xưa đã kinh nghiệm một cuộc đời được phước là một cuộc đời có Chúa làm Chủ, và ông đã nói:
“Tôi đã thưa cùng CHÚA, chính ngài là Chúa tôi. Ngoài Ngài ra, tôi không có ân phúc nào khác.” (Thánh Thi 16: 2 - BDM)
Và đó cũng là kinh nghiệm của bất cứ ai thực lòng để Chúa làm Chủ cuộc đời. Tường Lưu cũng vậy, ông đã kinh nghiệm được rằng có Chúa trong cuộc đời là phước hạnh cho mình. Phước hạnh đó không đến từ ngoại cảnh như mùa Xuân tươi đẹp mang lại, nhưng đến từ nguồn phước vô tận là Đức Chúa Trời, Chúa của mùa Xuân ban cho, nên khi có Chúa trong cuộc đời, thì không chỉ mùa Xuân ta mới thấy lòng vui mà mùa nào trong năm, mình vẫn cảm nhận được hạnh phúc trong tâm hồn. Hãy nghe thi sĩ giải bày:
Mùa Xuân đi với Ngài/ Vườn xuân hoa thắm tươi/ Mùa Xuân đi với Ngài/ Phới phới một niềm vui.
Mùa Hè đi với Ngài/ Nắng hè suốt đường dài/ Mùa Hè đi với Ngài/ Trên cao có trụ mây.
Mùa Thu đi với Ngài/ Lá thu vàng gió bay/ Mùa Thu đi với Ngài/ Có tay Ngài nắm tay.
Mùa Đông đi với Ngài/ Trời đông tuyết giăng đầy/ Mùa Đông đi với Ngài/ Vẫn ấm lòng lắm thay!
Bốn mùa của cuộc đời/ Vững lòng đi với Ngài/ Bốn mùa của cuộc đời/ Hưởng phước hạnh lâu dài.
(Bốn mùa đi với Ngài - CKTL, p. 5) (*)
Bạn có cảm nhận được bốn mùa trong cuộc đời mình đều là phước hạnh như Tường Lưu thi sĩ đã cảm nhận không?
Xuân của đất trời đến rồi đi theo đúng quy luật mà Tạo Hoá đã định, dù cho có “siêu nhân” nào muốn níu kéo Xuân ở lại với mình, với người, dù chỉ một khoảnh khắc cũng không thể làm được. Không ai có thể “chắn nẻo Xuân sang”(ý thơ Chế Lan Viên) mà cũng chẳng ai có thể “níu Xuân ở lại” được. Xuân đến rồi Xuân đi, Xuân đẹp rồi Xuân tàn. Nhưng có một mùa Xuân không tàn, một mùa Xuân bất tận cho ta, một khi ta mời Chúa ngự vào  cuộc đời mình:
Tôi cảm tạ Đấng vì người giáng thế/ Chịu đau thương trong suốt đoạn đường trần/ Ba mươi ba năm không một ngày Xuân/ Ngài đem đến cho người Tình Thượng Đế/
Tôi hướng lòng về nơi Xuân Bất Tận/ Chỉ một mùa Xuân mãi mãi không thôi/ Xuân bình an, Xuân có Chúa Đời Đời/ Tôi sẽ đọc dâng Ngài vần thơ thánh.
(Xuân bất tận - CKTL, p. 154)
Tết đến, Xuân về, người ta thường chúc nhau những lời tốt đẹp nhất. Có biết bao lời chúc Tết quen thuộc mà ta thường nghe mỗi dịp Xuân về, có thể kể như: Chúc (ông, bà, anh, chị…) năm mới: vạn sự như ý; tấn tài tấn lộc; tài lộc dồi dào; an khang thịnh vượng…  Và đây là lời chúc Tết của thi sĩ Tường Lưu dành cho bạn đọc:
Chúc cho các bạn năm nay/ Thành công vạn sự, tràn đầy sức thiêng/ Sóng ma, gió quỷ…chẳng phiền/ Vung tay bẻ gẫy xích xiềng Sa-tan/ Đức tin lớn mạnh, vững vàng/ Bớt đi nghịch cảnh, thêm ngàn niềm vui/ Tiếng ca ngợi Chúa không thôi/ Tình người đằm thắm, tình Trời thiết tha/ Gia đình hạnh phúc chan hoà/ Chúa cho thịnh vượng…vượt xa năm rồi/ Bao nhiêu bệnh tật trong người/ Bỗng dưng biến hết, cho  đời lên hương…/ Sống vui lòng Chúa mọi đường!!!
(Chúc mừng năm mới - NPTL, p. 24)
Tôi cũng thường hay có lời chúc Tết dành cho những người mà tôi gặp gỡ trong năm mới, nhưng khi đọc những vần thơ chúc tết của Tường Lưu thì tôi thấy những lời chúc Tết của mình nhiều khi hơi…tầm bậy và… thế tục quá đi mất, cần phải được… điều chỉnh lại cho phù hợp với lời Chúa trong Kinh thánh hơn, giống như Tường Lưu thi sĩ đã chúc vậy. Chúc Tết thì dễ, nhưng để chúc Tết một cách…chuẩn và đúng theo như lời Kinh thánh thì không phải ai trong chúng ta cũng ý thức được điều đó phải không bạn?
Thường thì cứ mỗi một năm trôi qua, năm mới đến, chúng ta thường hay ngồi nhìn lại, nghĩ lại những gì mình đã làm được, chưa làm được sau một năm để… rút kinh nghiệm mà sống tốt hơn trong năm mới. Ngồi nhìn lại xem thử mình có già đi nhiều không? Tóc có bạc đi nhiều không? Trán đã xuất hiện nhiều nếp nhăn chưa? Bệnh tình thế nào? Đầu óc nhớ nhớ quên quên ra làm sao? Và với những người tin kính Chúa thì nhìn lại xem đời sống thuộc linh của mình có mạnh mẽ lên hay sập sệ đi… Đó cũng là tâm trạng của thi sĩ Tường Lưu. Hãy lắng nghe thi sĩ “ngẫm” về “một năm qua” của mình nhé:
Một năm qua… mình già đi một tuổi/ Mình gần hơn… ngày cuối của đời mình/ Mình gần hơn… ngày vượt các hành tinh/ Vào nước Chúa. Giã từ đời trần tục.
Một năm qua… bệnh tăng lên chút chút/ Đêm khuya nằm… giấc ngủ đã ngắn đi/ Đêm khuya nằm…tay gác trán, nghĩ gì/ Không biết nữa! Cũng không cần biết nữa.
Một năm qua… trí óc “tê” một nửa/ Quên chuyện vui…toàn nhớ những chuyện buồn/ Quên chuyện vui…ngao ngán thở dài luôn/ Không muốn thế! Vậy mà ra như thế!
Một năm qua… đời thiêng liêng “sập sệ”/ Đi nhà thờ… có bữa có bữa không/ Đi nhà thờ… nghe giảng chẳng nhập tâm/ Lại “dị ứng” nếu… ra ngoài Kinh thánh.
Một năm qua… tôi bình tâm, yên lặng/ Nhìn đời trôi… bao thay đổi không ngừng/ Nhìn đời trôi… thấy ơn Chúa lạ lùng/ Đã đãi tôi cách rộng rời kỳ diệu.
(Một năm qua - NPTL, p. 80)
Nếu bình tâm mà suy nghĩ, thì chúng ta sẽ thấy như thi sĩ đã thấy được rằng là “ơn Chúa thật rời rộng, kỳ diệu” đối với mỗi một đời sống mình đó thôi.
Nhìn lại một năm qua để không quên ơn Chúa đã dành cho mình cũng là cách sống khôn ngoan và đẹp lòng Chúa vậy. Đa-vít cũng đã làm thơ về điều đó trong cuộc đời của ông đó thôi:
Hỡi linh hồn ta, hãy ca tụng CHÚA/ Hãy hết lòng ca tụng Danh Thánh Ngài.
Hỡi linh hồn ta, hãy ca tụng CHÚA/ Chớ quên tất cả các ân huệ Ngài.
(Thánh Thi 103: 1-2)
Đọc thơ Tường Lưu nói chung, thơ Xuân của thi sĩ nói riêng, ta nhận ra một điều, thơ Tường Lưu sở dĩ đầy sức sống, đọc thơ ông người đọc được khích lệ rất nhiều trong cuộc sống, và thấy thêm yêu thương cuộc đời, ấy là vì thơ ông hướng con người chúng ta đến với Đức Chúa Trời là Đấng đã cứu ông, đã ban cho ông một mùa Xuân bất tận trong cuộc đời:
Tôi đã sống trên cõi đời… mỏi mệt/ Nhìn thế gian, nhìn thiên hạ…chán chường/ Ôi, cuộc đời… hiu hắt như mùa Đông/ Buồn, buồn lắm! Đúng đời là bể khổ.
Lời Chúa gọi từ ngàn xưa còn đó/ Đến cùng ta, hỡi những kẻ… sầu đời!/ Không phân vân, tôi quỳ xuống trước Ngôi/ và tiếp nhận Ơn Trời, Ơn Cứu Rỗi.
Chúa thương tôi, thứ tha muôn tội lỗi/ Dứt mùa Đông, dứt băng giá, tiêu điều…/ Bao nhiêu năm nước mắt nhỏ đã nhiều/ Từng cúi mặt mà đi trong buồn bã…
Nay tôi nghe tiếng chim Xuân rộn rã/ Đây mùa Xuân đang rực rỡ khắp nơi/ Ngàn hoa thơm cười trong gió Xuân tươi/ Hồn bay bổng, phiêu bồng, Tình Xuân mới.
(Nay tôi nghe tiếng chim Xuân - SMTL, p. 69)
“Chúa thương tôi, thứ tha muôn tội lỗi/ Dứt mùa Đông, dứt băng giá, tiêu điều…” Thi sĩ đã dùng từ “dứt” thật hay và được lặp lại hai lần diễn tả được một cuộc đời có Chúa Xuân ngự trị thật phước hạnh, vui mừng, không còn mùa Đông lạnh, không còn băng giá, tiêu điều nữa. Thay vào đó là mùa Xuân ấm áp trong tâm hồn, với niềm vui tươi đẹp mới mẻ như lời Kinh thánh đã mô tả: “nếu ai ở trong Chúa Cứu Thế, người ấy là một sinh vật mới; những điều cũ đã qua đi, kìa mọi sự đều trở nên mới.”(II Cô-rinh-tô 5: 17).
Vua Sa lô môn khôn ngoan, giàu có, và… hào hoa bậc nhất của người Do Thái ngày xưa đã từng ví mùa Xuân là “mùa hát xướng” qua những câu thơ thật tuyệt diệu như sau:
“Vì kìa, mùa đông đã qua,
Mưa đã dứt hết rồi;
Bóng hoa nở ra trên đất;
Mùa hát xướng đã đến nơi,
Và tiếng chim cu nghe trong xứ…”
(Nhã ca 2: 11-12)

Vâng, mùa Xuân quả thật là mùa của sự vui mừng, ca hát, vì đó là mùa khởi đầu cho một năm mới, mùa của sự đoàn tụ, sum vầy. Nương trên những vần thơ của Sa lô môn, Tường Lưu thi sĩ đã cảm tác nên những vần thơ Xuân thật giàu hình ảnh, giàu chất nhạc, với nhiều âm thanh sống động vô cùng, làm rạo rực lòng người trước mùa Xuân mới với biết bao  hứa hẹn dâng tràn:
Tiếng chim đây đó hót nhẹ nhàng/ Lời yêu tình tứ thuở hồng hoang/ Mê ly giai điệu cung thần thánh/ Khiến lòng nhân thế vui rộn ràng.
Ngây ngất xuân tình những nụ hoa/ Còn đọng duyên thầm, sương đêm qua/ Lũ ong ve vãn tròn đôi cánh/ Giây phút giao hoan thật…mặn mà.
Bầu trời phơn phớt ánh mây hồng/ Mỏng manh như xiêm áo… vũ công/ Tha thướt bay về miền… vô định/ Mênh mông, diệu vợi… nắng xuân nồng.
Đứng ngắm trời Xuân, rực rỡ đời/ Tâm hồn bay bổng ngút trùng khơi/ Cùng với thiên nhiên ca ngợi Chúa/ Đấng đem tiếng hát đến muôn loài.
(Mùa hát xướng - TLTT 12, p. 94, 95)
Đứng trước thềm năm mới, đứng trước mùa Xuân mới, người ta thường suy nghĩ về thời gian và nghĩ suy về đời người. Thời gian thì… vô cùng nhưng đời người thật hữu hạn, thật mong manh như chiếc bóng bay qua, như cánh hoa xuân sẽ chóng tàn. Những người lớn tuổi, già cả thì giống như… chuối chín cây (người già như chuối chín cây - ca dao), Xuân nầy còn được hưởng đây, nhưng Xuân sau, có khi đã… rụng mất rồi, nên không khỏi bâng khuâng, lo lắng về quãng thời gian ngắn ngủi còn lại của đời mình.
Xuân Diệu ngày nào cũng thổ lộ tâm trạng ấy:
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.
Tường Lưu cũng không là ngoại lệ, nhưng có một điều làm ông yên tâm, làm ông bình tâm, ấy là ông biết Chúa là Đấng nắm giữ những tháng ngày của cuộc đời ông:
Tôi đứng giữa vườn, trông trời Xuân/ Ánh nắng đan tơ vàng mong manh/ Gió đưa tha thướt, mây phiêu lãng/ Chim hót Xuân tình, hồn lâng lâng…
Con không thể biết… còn bao ngày/ Thời gian trọn vẹn thuộc về Ngài/ Nên con cầu nguyện Ơn thương xót/ Cho con ngày cuối, được… thế này.
(Trông trời Xuân - TLTT 12, p. 171)
Như đã nói, thơ tâm linh của Tường Lưu luôn đem đến cho người đọc những khích lệ, những niềm vui, những hy vọng, vì thi sĩ luôn hướng tâm hồn mình vào Thiên Chúa của tình yêu, Thiên Chúa của mùa Xuân:
Bây giờ lao khổ dưới đời/ Tiếng than còn có đầy vơi mỗi ngày/ Vững lòng, tin chắc một mai/ Đông tàn, Xuân lại về đây huy hoàng/ Ta đi…phơi phới, nhẹ nhàng/ Ta đi… ca hát rộn ràng, mừng vui/ Cùng Xuân, Xuân mãi, đời đời…
(Cùng Xuân, Xuân mãi, đời đời - SMTL, p. 7)
Hãy hướng tâm hồn mình vào Thiên Chúa, chắc chắn cuộc đời chúng ta sẽ được thoả vui trong tình yêu đời đời của Ngài, và cuộc đời của chúng ta sẽ mãi là mùa Xuân bất tận, miên viễn.
Mỗi khi mùa Xuân về, những người yêu văn thơ thường nhắc đến một bài thơ Xuân nổi tiếng của thi sĩ Vũ Đình Liên, tuyệt phẩm “Ông Đồ”, mà trong đó có mấy câu kết thật hay và cũng thật sâu sắc:
Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?
“Hồn ở đâu bây giờ?” theo tôi là câu hỏi đáng để mỗi một người trong chúng ta suy gẫm và tìm cho bằng được câu trả lời đúng đắn, chính xác cho chính cuộc đời của mình. Và một khi đã tìm được câu trả lời chuẩn xác rồi thì ta sẽ yên tâm, không lo lắng gì cả khi năm hết Tết đến, khi Đông qua Xuân tới, khi cuộc đời ta càng ngày càng ngắn lại, càng gần hơn cái chết. Tường Lưu cũng đã suy gẫm, đã…nghiền ngẫm về câu hỏi đó rất nhiều, và thi sĩ đã tìm được câu trả lời cho chính mình:
Hồn ở đâu bây giờ?/ Hỡi người muôn năm xưa/ Hỡi người vừa mới khuất/ Hồn ở đâu bây giờ
Câu hỏi thật đơn sơ/ Ở đâu? Ai biết cho/ Đời nầy là đời tạm/ Nay còn, mai đã qua.
Tôi hỏi tôi hôm nay/ Tôi hỏi tôi ngày mai/ Tôi hỏi tôi, hỏi mãi/ Hồn ở đâu sau này?
Hồn vào nơi nghỉ ngơi/ Trong nước Chúa tuyệt vời/ hay hồn vào nơi khác/ Chốn hư mất đời đời?
(Hồn ở đâu bây giờ? - VHTL, p. 49, 50)
Mỗi khi mùa Xuân về, đừng mảng vui quá mà bỏ qua câu hỏi quan trọng nầy bạn nhé. Phải biết chắc linh hồn mình sẽ đi về đâu sau khi mình đi qua cuộc đời nầy thì mới có thể yên tâm mà vui Xuân, đón Tết được bạn ạ.
Trong một bài thơ Xuân khác, Tường Lưu cũng… cố ý nhắc lại câu hỏi đó khi nhìn trời mây non nước:
Nhìn trời, nhìn đất ủ ê
Hỏi mình, mình sẽ đi về… nơi đâu?
(Xuân Tin Lành - TLTT 11, p. 157)
Và thi sĩ đã kết luận thật ấn tượng với một niềm tin yêu đầy hy vọng trong Chúa Giê-su:
Xuân Tin Lành đến đã lâu/ Xua tan mọi nổi khổ đau… dưới trần/ Thiên Quang soi chốn tối tăm/ Trái tim tan vỡ sẽ lành vết thương/ Trước đây đã trót lạc đường/ Bây giờ đón ánh triêu dương vào lòng/ Như cây tươi thắm được trồng/ Bên dòng suối mát, trái bông theo mùa/ Dẫu trong bão tố, phong ba/ Cũng không dứt tiếng Thánh Ca vang lừng/ Xuân Tin Lành, Xuân Vô Cùng!
(Xuân Tin Lành - TLTT 11, p. 157)
Có Tin Lành của Chúa Giê-su là có mùa Xuân miên viễn trong cuộc đời. Có Tin Lành của Chúa Giê-su là có niềm vui không dứt cho ta. Tin Lành của Chúa Giê-su chính là câu trả lời cho mọi câu hỏi trong cuộc đời của con người chúng ta đấy bạn ạ!
Thơ Xuân của Tường Lưu không nhiều, nhưng là những vần thơ đầy sức sống, đầy hy vọng. Thưởng thức thơ Xuân của thi sĩ ta như được thưởng thức thêm một món ăn bổ dưỡng cho tâm hồn mình những ngày Xuân mới vậy.
Xuân về làm cho lòng mình đã vui. Đọc thơ Xuân của Tường Lưu làm cho lòng mình càng vui hơn, thị vị hơn. Chúng ta đã cùng nhau dạo một vòng quanh “vườn thơ Xuân” của thi sĩ và hy vọng rằng mỗi một chúng ta đều cảm nhận được ít nhiều về điều đó.
Tôi yêu thơ tâm linh Tường Lưu, và tôi tin rằng cũng có nhiều người yêu thơ tâm linh của thi sĩ như tôi, mà một trong những người như thế là Mục sư Nguyễn Văn Huệ, Chủ nhiệm Đặc san HƯỚNG ĐI xuất bản hằng quý tại Hoa Kỳ. Người Chủ nhiệm tờ Đặc san ấy đã từng có những nhận xét khá thú vị về thơ tâm linh của Tường Lưu, xin trích ra đây một đoạn như là lời thay lời kết cho bài viết nầy:
“Thơ Tâm Linh của Tường Lưu không phải chỉ là những đoá hoa đẹp trong một bó hoa nhưng là cả một vườn hoa. Tôi yêu thích thơ Tường Lưu và luôn luôn muốn giới thiệu cho mọi người cùng thưởng thức thơ Tường Lưu.
Vườn Thơ Tâm Linh của Tường Lưu giống như những Thi Thiên mà những tổ phụ đức tin người Do Thái đã sáng tác và dùng Thi Thiên để ca ngợi Thiên Chúa về Ngài là ai, Ngài đã làm gì cho chúng ta và Ngài muốn chúng ta làm gì. Một vài câu thơ có thể làm ấm lòng một người cùng cảnh ngộ. Một vài câu thơ có thể nhắc nhở về một ơn ban, một quyết định khôn ngoan, một sự an ủi… Một vài câu thơ có thể dùng để đọc lên thay cho lời cảm tạ, thay cho lòng biết ơn. Đó là giá trị của Thi Thiên và của những bài thơ tâm linh của Tường Lưu mà bản thân tôi đã từng kinh nghiệm.
Vườn thơ cần chủ nhân chăm sóc, trồng hoa, trồng cây, tưới bón, cắt xắn, tỉa sửa nhưng cũng cần người đọc thơ thưởng thức và chia sẻ. Đây chính là những việc chúng ta nên làm và nên khuyến khích nhiều hơn.
Xưa nay Tường Lưu đã khó nhọc làm thơ và cũng khó nhọc in thơ để phổ biến. Anh đã làm được khoảng mười tập thơ tâm linh đang được mọi người yêu thích. Ít người có tài làm thơ tâm linh phong phú và tươi mới như anh. Thơ tâm linh của Tường Lưu diễn tả sâu rộng đức tin, niềm hy vọng và tình yêu của anh dành cho Thiên Chúa và người khác. Anh có nhiều điều để tạ ơn và ca ngợi, nhắc nhở nữa.” (Tôi thích thơ Tường Lưu - TLTT, p. I)
Ô kìa! “Xuân đã đến trên cành cây kẽ lá/ Muôn hoa tươi khoe sắc một màu Xuân” (thơ Bình Tú Ngọc) đó rồi.
Hãy mời Chúa Xuân vào làm Chủ cuộc đời mình ngay mùa Xuân hôm nay để chúng ta không chỉ hưởng được mùa Xuân ngắn ngủi của đất trời nầy thôi mà chúng ta còn hưởng được mùa Xuân đời đời trong tình yêu nồng ấm của Thiên Chúa nữa.
Xin kính chúc quý vị và các bạn vui hưởng một mùa Xuân mới tràn đầy niềm vui mới từ Chúa Xuân ban cho.
Ghi chú:
(*): Những chữ viết tắt là tên các Thi Tập Tâm Linh của Thi sĩ:
+ CKTL: Ca Khúc Tâm Linh
+ NPTL: Nguồn Phước Tâm Linh
+ SMTL: Sung Mãn Tâm Linh
+ VHTL: Vườn Hoa Tâm Linh
+ TLTT 11: Tâm Linh Thi Tập 11
+ TLTT 12: Tâm Linh Thi Tập 12
+ TLTT: Tâm Linh Thi Tuyển.
Xuân mới 2014 - Canh Ngọ
NGUYỄN ĐÌNH BÙI THỊ
Theo http://www.songdaoonline.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cây lên xanh nhận đất giữ biên thùy Nhà thơ Bùi Việt Phương là hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh sinh năm 1980, thạc sĩ ng...