Lan tỏa hương sắc Việt
trong các trò chơi dân gian
Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, trên khắp
các thôn, bản, làng từ đồng bằng, ven biển đến vùng núi cao của xứ Thanh lại
náo nức, sôi nổi những màn tranh tài trong những trò chơi dân gian hàm chứa giá
trị văn hóa tinh thần độc đáo, vừa mộc mạc, vừa tinh tế sâu sắc.
Đông đảo người dân tham gia
chơi bắn nỏ ở huyện Quan Sơn.
Chúng ta từng biết đến Hoằng Hóa, vùng đất còn lưu giữ nhiều
giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, thể hiện qua các trò chơi, trò diễn, như:
Hát cò lả, múa đội đèn, chơi vật cù, đấu vật, nấu cơm thi, đánh đu... Những trò
chơi, trò diễn này thường được tổ chức vào những ngày đầu xuân và được người
dân háo hức đón chờ. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùng 2 tết tại nhà văn hóa xã Hoằng
Hà lại tưng bừng náo nhiệt chào giải vật cù truyền thống. Vật cù đòi hỏi không
gian chơi rộng lớn, bởi số lượng người tham gia đông. Mỗi thôn chọn ra 10 trai
tráng khỏe mạnh để tranh đoạt cù, ném vào giỏ treo trên cao. Người nào càng giữ
được cù lâu, hay ném được vào giỏ treo trên cao là đem may mắn đến cho làng
mình. Cùng với giải vật cù, hội thi đấu vật ở xã Hoằng Phong cũng được nhiều
người trong và ngoài huyện Hoằng Hóa hâm mộ, bởi hội thi phản ánh tinh thần thượng
võ của người dân. Hay như trò chơi bơi chải ở xã Hải Thanh (Tĩnh Gia). Gắn bó với
người dân nơi vùng sông nước, cửa biển trò chơi này ngày càng trở thành món ăn
tinh thần không thể thiếu trong những ngày đầu xuân năm mới.
Trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là trong những ngày hội
xuân, mỗi một dân tộc đều thể hiện chân thật nhất, phong phú, sinh động nhất hồn
sắc của các trò chơi dân gian. Ở các huyện miền núi như Ngọc Lặc, Lang Chánh,
Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát... khi những cánh hoa đào, hoa mận khoe
sắc cũng là lúc đồng bào các dân tộc lại được đắm mình trong các trò chơi dân
gian, như: Ném còn, bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co. Mỗi trò chơi mang
trong mình những giá trị văn hóa và thể hiện những ước vọng riêng. Và, khi được
tổ chức đều thu hút đông đảo nam thanh, nữ tú và các tầng lớp nhân dân tham
gia. Ví như trò chơi ném còn, các chàng trai, cô gái sẽ dùng bàn tay khỏe khoắn,
khéo léo của mình tung quả còn nhiều màu sắc lên không trung làm sao cho quả
còn lọt qua chiếc vòng trên ngọn cây nêu đã gây sự hồi hộp, hấp dẫn cho cả người
chơi và người xem. Trò đẩy gậy đòi hỏi người chơi không chỉ có sức mạnh mà còn
cần đến sự khéo léo, khôn ngoan trong khi chơi. Trò kéo co cần đến sức mạnh tập
thể cùng sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt mới có thể giành chiến thắng... Có
thể thấy, ông cha ta đã sáng tạo ra rất nhiều trò chơi phù hợp với mọi lứa tuổi,
giới tính. Con gái thì chơi trò thể hiện sự mềm dẻo, khéo léo như đánh đu, nấu
cơm thi. Con trai thử sức với những trò mạo hiểm, trí tuệ như đấu vật, vật cù,
kéo co... Trẻ em hào hứng với trò bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây. Các cụ già
suy tư với trò tổ tôm, cờ người... Những trò chơi dân gian ấy không chỉ hâm
nóng không khí của ngày xuân, xua đi những mệt nhọc, lo toan sau một năm lao động
vất vả, tạo sự hứng khởi cùng những ước nguyện tốt đẹp cho năm mới mà nó còn
góp phần nâng cao tinh thần cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Và hơn thế,
mỗi lần chơi là một lần người chơi nhớ và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống
của dân tộc.
Ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt, trò chơi dân gian
như một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, tạo nên sợi dây
gắn kết mọi người với quê hương, xứ sở. Trò chơi dân gian mang tính giải trí
lành mạnh, rèn luyện thể lực, kích thích trí thông minh, tài khéo léo của con
người, mang tính cộng đồng cao, lôi cuốn mọi người cùng vui chơi và ai cũng có
thể tham gia. Ngày nay, trong quá trình hội nhập và phát triển, sự giao lưu, tiếp
biến của nhiều trào lưu văn hóa mới, cùng với sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị
trường dẫn tới những sự đổi thay trong các trò chơi dân gian. Đặc biệt, một số
trò chơi đang có nguy cơ mai một và biến tướng. Vì vậy, việc bảo tồn và khôi phục
trò chơi dân gian là rất cần thiết để sinh hoạt văn hóa cộng đồng không ngừng
phát triển, để hương sắc Việt tiếp tục lan tỏa đến mọi bản làng, vùng quê thân
yêu trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong những ngày hội xuân.
6/2/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét