Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

Hoa gạo bên sông

Hoa gạo bên sông
Tôi đi trên con đường đổ bê tông dẫn về làng. Ngôi làng nhỏ nằm lặng lẽ, lọt thỏm giữa mênh mông đồng lúa đang xanh thì con gái. Mưa phùn giăng giăng không đủ ướt áo. Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp thả bộ thong dong như lúc này để ngắm nhìn lộc non lá biếc hai bên đường đang được tiếp thêm sức sống, cựa mình vươn dậy sau bao ngày im lìm ngủ trong những cành cây tích nhựa. Ngày mai, hội làng sẽ mở, giọng mẹ tha thiết qua điện thoại: “Về đi con! Cả năm mới có một ngày hội. Nhớ về nhé!”. Tôi chẳng cần lưỡng lự, gác lại những bộn bề công việc nơi thành phố ồn ào, mua vé tàu để về với những yêu thương xưa cũ. Tôi cũng không hẹn bố ra ga đón. Tôi thích tạo sự bất ngờ cho cả nhà. Kìa, làng tôi hiện ra kia rồi. Tôi ngỡ ngàng nhận ra cây gạo quen thuộc đã rực đỏ một góc trời. Loài hoa cháy hết mình như đánh thức trong tôi một miền ký ức thẳm sâu, gọi tôi quay về với những kỷ niệm ngọt ngào nơi quê nhà một thời tuổi thơ gắn bó.
Cây gạo vẫn sừng sừng ở đó, ngay đầu làng, soi bóng xuống dòng sông êm ả, dòng sông vắt qua làng bình yên, uốn lượn như một dải lụa mềm. Bước chân đưa tôi về với những tháng ngày thơ bé. Bao hồi ức xa xưa chợt ào về, tươi rói như mới đây thôi. Dưới gốc gạo cổ thụ ấy, đám trẻ chúng tôi từng bày ra bao nhiêu trò chơi hồn nhiên rộn rã tiếng cười đùa, nào là bịt mắt bắt dê, nào là đánh chắt đánh chuyền rồi cả chơi pháo đất, tay chân lấm lem mà lòng phơi phới vô lo. Mỗi mùa hoa gạo nở rồi tàn, rụng rơi trong tiếc nuối là mỗi mùa chúng tôi lớn lên, biết ngắm hoa, biết xuýt xoa nhặt từng bông hoa năm cánh rực rỡ, nâng niu đặt vào nón, vào rổ để chơi trò bán hàng. Tiếng rao lảnh lót, tiếng mặc cả xôn xao, tiếng chí chóe tranh giành dưới gốc gạo năm nào giờ chỉ còn vọng trong tâm tưởng bởi thời gian đã cuốn chúng tôi đi xa. Tôi nhớ cái Dung, vì nhà nghèo, anh chị em lít nhít mà nó phải hi sinh, phải nghỉ học giữa chừng để lấy chồng Hàn Quốc. Lúc chia tay tôi, nó khóc sưng cả mắt, cứ dặn đi dặn lại: “Thúy ơi! Mày phải học lên đại học, phải học cả phần của tao nữa nghe.
Đời tao chẳng biết rồi sẽ đi về đâu”. Năm năm rồi, thi thoảng nó mới viết cho tôi một lá thư, nét chữ nguệch ngoạc, kể chuyện không đầu không cuối và kết luận: “Tao vẫn ổn”. Tôi yên tâm là nố “vẫn ổn” vì lần nào gặp tôi mẹ nó cũng khoe: “Tháng tháng cái Dung gửi tiền đều đặn về cho bác. Không có nó, bác chết lâu rồi, lắm bệnh quá, tốn tiền mua thuốc lắm cháu ạ!”. Rồi bác giục tôi: “Lấy chồng đi! Con gái có thì. Cái Dung ba con rồi đấy”. Tôi nắm tay bác, gượng cười, nén tiếng thở dài vào trong. Tôi nghĩ mình còn trẻ nên chưa bận tậm chuyện chồng con.
Tôi thương cái Lam, lấy chồng làng mà cũng có sướng đâu. Chồng nó làm thợ xây nhưng có máu cờ bạc, chọi gà, lúc thua cay cú lại về gằn hắt vợ. Vợ vặc lại thì thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Lần nào tôi về quê, Lam cũng chạy sang thút thít khóc và bảo: “Tao viết đơn ly dị rồi. Biết vậy chả lấy chồng sớm làm gì. Tự dưng đâm đầu vào bụi rậm”. Không biết nó đã viết bao nhiêu cái đơn ly dị rồi nhưng vợ chồng cãi nhau hôm trước thì hôm sau lại ríu ra ríu rít như đôi chim câu.
Tôi mong anh, mong đến quay quắt. Vì anh mà tôi vẫn chưa mở lòng với ai. Anh đi du học, hết đại học rồi lại lên thạc sĩ. Cái nắm tay và lời hứa năm nào trước lúc anh lên đường đã tiếp cho tôi niềm tin về một mối tình chung thủy: “Nhất định anh sẽ trở về”. Cái Lam biết chuyện thường trêu chọc tôi: “Số mày sướng, trong ba đứa con gái, chỉ có mày lọt vào mắt xanh của anh Quân thôi. Cố mà chờ chàng trở về nhá!”. Nhưng tôi đã ngộ nhận bởi anh hứa trở về chứ không hứa sẽ cầu hôn tôi. Chẳng biết bây giờ ở xứ người xa xôi, có bao giờ anh nhớ đến cây gạo đầu làng, nơi bốn chúng tôi thường bày trò chơi mỗi buổi chăn trâu, cắt cỏ, kéo vó tôm? Anh có nhớ những rung động đầu đời của hai đứa, ấy là lần chơi bịt mắt bắt dê, anh đã ôm chầm lấy tôi. Tôi đứng lặng, chẳng thể vùng ra khỏi vòng tay rắn chắc của anh. Khi ấy, tôi mười bảy, còn anh mười tám. Cái Lam, cái Dung cười ồ lên thích thú khiến anh buông tôi ra, còn tôi tức phát khóc. Từ đó chúng tôi không chơi trò đó nữa nhưng anh vẫn luôn bên tôi, bảo vệ tôi, dõi theo tôi. Còn bây giờ, cách xa tôi gần nửa vòng trái đất, hẳn là anh đã có người con gái khác? Hay tôi vẫn có quyền hy vọng?
Chỉ có cây gạo kia là vẫn thủy chung đợi chờ, vẫn kiêu hãnh một mình đứng đó, mặc mưa nắng tuần hoàn, mặc thời gian trôi chảy. Còn chúng tôi, mỗi đứa một phương, biết bao giờ mới trở về cùng một dịp để lại được dắt tay nhau ngồi bên gốc gạo, háo hức nghe ông lão kéo vó chài kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Chuyện về sự hình thành của làng, chuyện về những con người lam lũ có công đầu tiên khai khẩn mảnh đất này, chuyện về người trồng cây gạo, về những cuộc chia tay diễn ra âm thầm bên gốc gạo trong những năm chống Mỹ ác liệt. Chính ông cũng từ biệt người thương để gia nhập đoàn quân Nam tiến giữa mùa hoa gạo tháng ba đỏ đến nao lòng nhưng khi may mắn sống sót trong bom rơi đạn nổ trở về thì người ấy đã thành chim sáo xổ lồng bay xa. Những vết thương trên thân thể ông đã thành những vết sẹo của thời gian nhưng vết thương trong lòng dường như vẫn còn nhức nhối cho dù ông tự nhủ hãy thanh thản để người ấy được hạnh phúc. Mắt ông nhìn vào khoảng không vô định, ngân ngấn một nỗi niềm chẳng thể gọi thành tên mà lũ trẻ vô tâm chúng tôi không thể nào hiểu nổi… Ông lão thuộc làu cả một pho huyền thoại, dù kể hết ngày này sang ngày khác mà vẫn không hết chuyện. Chẳng biết bây giờ giữa bộn bề lo toan, mưu sinh cơm áo, trong đám trẻ con ríu ra ríu rít ngày ấy, ai đã quên, ai còn nhớ?
Dù người kể chuyện ở gốc gạo năm xưa đã khuất bóng nhưng tháng ba vẫn mãi là tháng của mùa hoa đỏ rực như những đốm lửa, cháy hết mình rồi mới rụng rơi. Hoa gạo bừng bừng da diết nhớ, gọi tôi về với miền quê êm đềm, nơi có những người thân yêu ruột thịt, có mẹ có cha luôn ngong ngóng cổng nhà.
Với riêng tôi, hoa gạo tháng ba luôn đánh thức những kỷ niệm tưởng đã ngủ yên ở một ngăn ký ức nào đó nhưng mỗi mùa nồm gió ẩm ghé thăm, mỗi khi bắt gặp đâu đó cái màu rực đỏ là lòng lại bâng khuâng, quay quắt nhớ nhung, thèm khát được trở về những ngày xưa cũ. Dù vui buồn, nhọc nhằn, vất vả thì nơi ấy mãi là nơi bình yên và ấm áp nhất để tâm hồn tôi có thể nương náu và được chở che mỗi khi trải qua bão táp phong ba của cuộc đời.
21/3/2019
Trần Thúy Lành
Theo http://baodulich.net.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...