Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

Tình thơ và mùa xuân

Tình thơ và mùa xuân
Tình thơ và mùa xuân luôn gắn bó với nhau như bóng với hình, mùa xuân là điểm tựa của thi ca. Mùa xuân ban cho nhân gian nét trẻ trung phiêu lãng, xuân cũng đọng lại chút buồn man mác bởi xuân đã đem theo những ký ức khó phai.
Tôi có nhớ đôi câu thơ của nhà thơ Thế Lữ, ông gửi nao buồn vào cánh đồng vắng giữa chiều xuân rung rinh song vô cùng yên lặng:
Sương lam gieo nỗi buồn mênh mông trên đồng vắng
Nắng chiều xuân rung rinh trong cảnh trời yên lặng.
Có tác giả viết về mùa xuân trong tâm trạng vui tươi, hứng khởi; có tác giả lại đắm mình vào tiếc nuối, hồi tưởng. Nhà thơ Bế Thành Long cảm nhận về mùa xuân:
Mưa bụi giao thừa
và đêm dày xuân lại đến trong mưa
bao lâu rồi nhỉ
và giá được
ngồi chân cầu nghe lại tiếng sông khua…
(Những bài thơ không đề)
Hoài niệm về thời tuổi trẻ, mưa bụi của đêm giao thừa, và “đêm dày” xuân trở lại trong mưa. Thường thì tiết xuân mưa bụi lất phất bay nghiêng nghiêng xen lẫn tiết trời se se lạnh. Mưa như làn sương lan tỏa trên mặt sông như khói rất liêu trai…, nhà thơ ước được như ngày xưa được ngồi nơi chân cầu (chắc không chỉ ngồi một mình) để được nghe tiếng “sông khua” rì rào. Niềm vui, hạnh phúc của con người dường như đã đan xen vào con nước, vui đến mức tác giả nghe được tiếng sông khua chứ không phải sông chảy. Một ước vọng tưởng chừng rất nhỏ nhoi, dễ dàng nhưng ở thời điểm thực tại của tuổi già thì quả là thật đã rất vời xa.
Với nhà thơ Ngô Ngọc Khánh, mùa xuân cũng không kém thi vị, cho dù xuân có vô tình rực rỡ, thì vương vấn về câu chuyện tình của ngày xưa, cái thời xuân thì của tuổi trẻ cũng bảng lảng trở về trong cõi nhớ nao nao, để rồi trong sắc xuân mơn mởn ấy, những cánh hoa đào, hoa mận lại khẽ khàng rơi, phải chăng những kỷ niệm xưa cũ cũng dần rơi theo mùa xuân, chỉ còn lại giọt nhớ, giọt buồn trong tiềm sâu:

Xuân về… ồ lạ quá xuân ơi!
Nỗi nhớ lây sang cả đất trời
Xuân cứ vô tình tươi rực rỡ
Để buồn cho những cánh hoa rơi.
(Xuân vô tình)
Nhà thơ trẻ Đinh Thị Mai Lan trở về quê nhà vào một chiều xuân muộn, không khí xuân ở quê núi vẫn bình dị như ngày nào, hồi ức về những đồi hoa sim tím, những vạt cỏ non, đâu đó rộn rã tiếng mõ trâu khua lốc cốc lưng đồi, chỉ mới thoát li thôi nhưng tác giả đã viết những câu thơ nghe rất già dặn, đó là mơ ước được trở về cái thời trẻ con được ngồi trên lưng trâu bên khóm hoa sim tím ngát đan vào vạt cỏ non đã mọc lấp kín những “nếp nhà đồ chơi” ngày nào. Những câu thơ mộc mạc nhưng sao vẫn để lại trong lòng người đọc một cảm giác bâng khuâng khó tả khi đọc bài thơ lục bát rất ngắn, rất đa nghĩa và rất giàu hình ảnh:
Trở về giữa một chiều xuân
Bâng khuâng tiếng mõ như gần, như xa
Đồi sim tím ngát những hoa
Cỏ non lấp hết nếp nhà đồ chơi
Bao năm tôi đã lớn rồi
Bây giờ thèm lại một thời trẻ con.
(Trở về)
Nhà thơ Trần Thị Mộng Dần viết về mùa xuân trong nỗi niềm phảng phất, xuân đến rồi ư? Vậy là thời khắc của mùa cũ đã qua đi, thời gian tưởng chừng vô tận song thời gian cũng chỉ có “bấy nhiêu giờ”. Em - là mùa xuân, bởi vậy khi mỗi thời khắc qua đi nghĩa là em cũng xa dần tuổi trẻ lãng mạn, như một cánh chim xa dần nơi cuối trời, chỉ còn lại tĩnh lặng và thơ; chắc hẳn nhân vật trong thơ đang thấm tháp nỗi buồn một mình, bởi lẽ mùa xuân đến từ đôi bàn tay nâng niu của mẹ và mùa xuân cũng khỏa lấp đi quá vãng mộng mơ:
Thời gian dài vô tận
Mà em tôi chỉ có bấy nhiêu giờ!
Con chim nhỏ xa dần vẫy cánh
Chân trời chìm trong tĩnh lặng và thơ…
Mùa xuân đến từ đôi bàn tay mẹ
Tôi ngâm buồn trong tĩnh lặng và thơ…
(Em - mùa xuân)

Nhà văn Đoàn Ngọc Minh đón nhận xuân xứ núi bằng những hình ảnh và âm thanh khá sống động, núi non căng tròn sức sống, nắng xuân trong như gương phía bên kia núi, phải chăng đó là sự tưởng tượng về nơi người thương? Về miền xa nhớ? Còn bên này ngọn núi thì sương cài trắng vách núi, tác giả đã dùng từ động “căng tròn, cài, lách tách” để biểu đạt vẻ đẹp lung linh của mùa xuân miền núi, trong nét đẹp ấy tác giả còn nghe tiếng lích rích của bầy én chao nghiêng bầu trời, của mầm cây lách tách reo, tuy nhiên trong tiết xuân vô cùng đẹp tươi ấy đã khơi gợi lại ước vọng trong cuộc sống đã qua đi để rồi ta có cảm giác “cỏ mềm” cũng “rưng rưng”:
Núi căng tròn
Mầm cây lách tách reo
Phía bên kia
Nắng soi gương
Phía bên này
Sương cài vách núi
Người ơi
Đại ngàn gió thắm
Én bay lích rích
Cỏ mềm
Rưng rưng…
(Xuân)
Bế Phương Mai cảm nhận về mùa xuân bằng “nỗi buồn chiến tranh”, đó là một em nhỏ “vô thần câm lặng”. Không nỗi buồn nào dai dẳng và đau đớn hơn di chứng chiến tranh để lại cho con người Việt Nam, cho dù chiến tranh đã đi vào lịch sử. Đó là người chiến binh già đau đáu, khắc khoải mong cho đứa con bé bỏng của mình gọi một tiếng cha; trong khi mỗi mùa xuân cứ lặng lẽ vô tư trở lại, nhưng nếp nhà của người chiến binh vẫn giăng kín nỗi khổ đau, trong im lặng:

Em không nói không nghe
mắt vô thần câm lặng…
chiến tranh đã lùi xa
nỗi khổ đau
giăng kín mái nhà
xuân vô tư đến
và đi…
người chiến binh già
đau đáu tiếng gọi cha.
(Còn đến bao giờ)
Tác giả Chu Văn Thắng trong tâm trạng vui vẻ phấn chấn tương đồng với nét xuân trong veo của nắng vàng, gió ấm, của cơn mưa rào thoắt đến thoắt đi và những khe suối nhỏ đã bắt đầu chuyển mình, lộc biếc đua nhau đâm chồi. Đến cây đào còi cọc bởi khắc nghiệt của mùa đông buốt giá nay cũng đã đơm hoa kết trái, vạn vật tươi tốt, ngô lúa xanh non… Hòa với sự hào phóng của mùa xuân, tác giả đã nảy được tứ thơ phóng túng thể hiện bằng lối thơ tự do, hiện đại:
Trời trong, nắng đã vàng
Gió đã ấm, mưa rào đã đổ
Suối cạn đã bắt nguồn
Cây cáng lò
Muộn màng đâm chồi nảy lộc
Cây đào còi cọc
Tưởng chừng không thể trổ hoa
Bói chi chít quả
Trên cánh đồng, lúa ngô bừng thức
Ngòi bút vươn vai
Vạn vật sinh sôi…
(Sức xuân)
Cây bút trẻ Đàm Hải Yến đón xuân bằng những câu thơ dung dị, giàu sắc thái miền núi, giàu biểu cảm. Hình ảnh váy áo cô gái Mông trong veo câu hát “gầu plềnh” vắt qua gió; chín bậc cầu thang chàng trai cầm chiếc còn thêu chỉ đỏ đợi người yêu bên cây tiêu… để cùng tung còn cho nhau, thơ Đàm Hải Yến mô tả sắc xuân đặc trưng ở vùng núi rất thi vị, đa sắc màu làm cho người đọc càng thêm yêu quê hương, xứ sở:
… Có chàng trai cầm chiếc còn chỉ đỏ
Đem câu hát gầu plềnh vắt gió
Cây tiêu thiết tha qua mấy núi chẳng chùn…
Cầm chiếc còn chỉ xanh theo tiếng gọi
Chín bậc cầu thang chân bước bâng khuâng…
(Xuân trên núi)
Bao giờ cũng vậy tình thơ và mùa xuân luôn là cặp bài trùng không thể tách rời, bởi mùa xuân chắp cánh cho thơ, nét buồn phảng phất, ưu tư pha lẫn nuối tiếc tháng ngày qua chính là cảm hứng để các nhà thơ sáng tạo nên những áng thơ hay và giàu bản sắc dân tộc khi viết về mùa xuân.          
27/1/2017
Hoa Lê
Theo http://baocaobang.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...