Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Đạp lúa đêm trăng

Đạp lúa đêm trăng
Mùa trăng thơ ấu đầu tiên trong ký ức tôi là ánh trăng vàng tỏa bóng trên mảnh sân rộn rã tiếng cười nói của cả nhà tôi vào những đêm nảo đêm nào cha tôi dắt trâu đạp lúa vụ mùa tháng ba.
Thời gian ấy, chừng như tôi lên sáu, khoảng những năm 1958 hay 1959 gì đó.
Vào cuối buổi chiều, sau một ngày cật lực gặt gánh từ đồng xa về, từng bó lúa vàng ươm trĩu hạt đã xếp đầy một góc sân, cha tôi nhìn đống lúa, rồi thong thả nói với mạ:
- Mạ con Thái* (gọi chồng bằng tên con đầu lòng) lên ông ấm Một mượn trâu về đạp bớt cho rồi!
Mạ tôi liền cắp chiếc nón lá tất tả đi ra đầu ngõ. Tôi dõi mắt nhìn theo chiếc nón lá di động nhấp nhô. Chiếc nón của mạ tôi đã rách tả tơi vì dãi dầu qua nhiều ngày mưa tháng nắng ẩn hiện sau hàng dâm bụt.
Cha tôi vào nhà, khom người múc chén nước chè xanh, nốc cạn một hơi rồi ra sân chất lúa.
Việc chất lúa thành giã cho trâu đạp là cả một công trình, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm sắp xếp lắm. Nói hơi cường điệu một chút thì đó là một công trình nghệ thuật chứ đâu phải chuyện chơi! Chất càng khéo thì sau khi trâu đạp xong, trên gié càng không còn lúa sót. Tôi mãi mê đứng dựa cây cột chống cửa nhìn cha tôi ôm từng bó lúa ra giữa sân, xếp thành giã chờ trâu về.
Đầu tiên, ngay chính giữa mặt sân, cha tôi dựng ba bó lúa tựa vào nhau, ché lúa hướng lên trời. Sau đó, cha tiếp tục sắp những bó tiếp theo tạo thành hình xoắn ốc. Theo đôi tay thoăn thoắt cha, giã lúa càng lúc càng rộng ra, cho đến khi cha tôi ước chừng vừa đủ cho cặp trâu đạp xong vào buổi tối nay. Những gié lúa cong cong mềm mại như reo vui đuổi bắt nhau lòng vòng trên mặt giã. Giã lúa vàng bây giờ trông giống như những xoáy nước bạc ngày lũ về. Đến xế chiều, giã lúa đã sẵn sàng, những hạt lúa vàng nằm im bất động, đợi chờ móng chân trâu đạp lên. Hạt lúa sẽ từ giã thân mẹ, rồi tuôn chảy vào bồ cót của nhà tôi ngày mai.
Khi trời xâm xẩm tối, đôi trâu to khỏe của ông Ấm Một mới được dắt về. Mạ tôi vội vội vàng vàng cột dây mũi* (dây luồn qua mũi trâu, bò) vào gốc mai già trước ngõ, rồi lật đật vào sân, vừa thở vừa nói:
- Cha con Thái ơi, tui phải chờ nó đạp cho nhà thằng Thúng đã!
- Ừ, còn sớm mạ hắn à, cho nó ăn nạm cỏ hồi chiều tôi bứt đó!
Mạ tôi chạy ra túm bó cỏ, mang tới xổ trước mặt cặp trâu, rồi quay vào nhà biểu chị:
- Con Khê dọn cơm mau mà ăn, dọn trong nhà nghe!
Thường thường, vào những ngày hè, nhà tôi bắt đầu ăn cơm khi trời chưa xẩm tối. Mâm cơm là chiếc nia to tròn bày giữa vuông sân đất sét nện chắc cứng đã ngã màu vàng sẩm. Ánh chiều tà xô nghiêng bóng hàng cau, ngọn chuối đổ xuống mặt sân quê êm ả, thanh bình.
Cả nhà ngồi quanh nia cùng ăn. Cha mẹ tôi ngồi trên hai cái đòn đâu* (đóng) bằng tre già, lâu ngày đã lên nước bóng. Chị em chúng tôi ai kiếm được cái gì thì ngồi ăn trên cái đó. Không khí những bữa ăn chiều thường rất ấm cúng, vui vẻ. Có khi ăn xong thì vầng trăng vừa nhô lên sau mấy đọt tre già gió đưa lắt lay bên vườn nhà chú Kế, trông đẹp như cảnh trong tranh thủy mặc.
Cơm nước xong cha đứng dậy, bảo tôi:
- Thằng Vĩnh en ra sau hè lấy cái ki lót rơm vô nghe.
Tôi dạ to rồi chạy ra sau chuồng gà tìm cái ky đan bằng tre, mang vào đặt ở một góc sân, rồi chạy vội tìm rơm lót vào.
Cái ky lót rơm này có “chức năng” hứng “của quý” mà đôi trâu có thể ị vào bất kể lúc nào… Cha tôi dặn hễ nghe cha kêu lên “hò… hò…ho”, thì tôi phải nhanh chóng bưng ky chạy theo hứng dưới đít trâu, không cho phân trâu rơi xuống giã lúa. Nếu chẳng may, gặp phải mấy con trâu đang đau bụng, phân nó lỏng bõng, vãi bắn tung tóe thì khổ lắm.
Giờ này, hơn nữa cái trăng đã nhô lên đằng sau mấy đọt tre già lay lắt gió nhẹ bên nhà chú Kế. Ánh trăng vàng trong trẻo của những ngày hè tỏa sáng vằng vặc cả bầu trời, tôi cảm giác như ngửi được cả hương trăng thoang thoảng đâu đây, cái mùi hương mãi khắc sâu vào ký ức cho đến tận bây giờ.
Mạ tôi ra gốc mai, mở dây mũi dắt trâu đút vào tay cha. Cha nắm lấy, kéo mạnh hai sợi dây mũi dìu cặp trâu bước lên giã.
Ban đầu, cha tôi hầu như chỉ đứng ở giữa giã lúa, xoay quanh người chầm chậm để dắt đôi trâu đi đều. Sau đó, tay cha cứ kéo thâu vào hay thả sợi dây mũi ra, tài tình “vẽ” các vòng trâu đi to nhỏ khác nhau. Cứ thế, móng chân đôi trâu nghiến đều khắp mặt giã, tuốt những hạt lúa vàng ra khỏi gié. Tiếng tám đôi móng guốc của đôi trâu nặng nề chắc nịch nghiến vào gié lúa phát ra âm thanh rực... rực... rực nghe êm tai lắm. Trâu càng đạp, giã lúa càng chại chân rộng ra, các hạt lúa chắc mẩy đã bị tuốt ra khỏi gié, chìm dần xuống dưới mặt sân.
Tôi mãi mê đứng nhìn đôi trâu di chuyển. Bóng trâu lồng bóng cha tôi đổ dài đen thẩm trên mặt sân lô nhô rơm rạ trông thật kỳ vĩ. Tôi tưởng tượng như cha tôi với cây roi quyền uy đang ra tay khống chế hai con quái vật khổng lồ trong truyện Thạch Sanh - Lý Thông mà mạ tôi thường kể vào những ngày đông lạnh giá.
Bỗng nhiên, cha tôi dừng đôi trâu lại và kêu lên “hò... hò… hò”. Tôi quên bẵng nhiệm vụ được cha giao, cứ đứng đực ra chẳng biết làm gì. Con trâu cái đi sau quái ác nhanh chóng phóng ra một cục phân to đùng. Trong khi cha tôi vội cầm đuôi bịt đít con trâu lại, mẹ tôi chạy lại bưng ky hứng bên dưới, miệng cười mắng yêu:
- Ơ… Ơ cái thằng ni… hứng chi lạ rứa!
Tôi chạy ra đỡ với mạ một tay vì cái ky bây giờ đã rất nặng, do bãi phân trâu khá to. Hai mẹ con lụm đụm khiêng cái ky ra để ở gốc chuối già lùn sát hè nhà.
Trở vào sân, mẹ tôi nửa hỏi nửa nói với cha:
- Được chưa cha con Thái hè? Xảy* (tung rơm lên cho hạt lúa rơi xuống) cho rồi nghe!
Cha tôi không nói gì, ngầm đồng ý với mạ, dắt đôi trâu ra buộc vào gốc mai, quăng cho nó bó cỏ còn lại rồi trở vào, nói to:
- Con Khê đem nồi nước ra đây mà uống!
Tôi phụ họa to hơn cho chị Khê nghe:
- Đem nước ra cho cha uống tề* (kìa)!
Không có tiếng trả lời. Tôi đoán chị Khê đã dắt thằng Bịu em chạy đi chơi que với o Diêm bên sân nhà ông mụ Hiếu rồi.
Đêm nay sân nhà ông mụ Hiếu chưa đạp lúa, sân trống trải chơi que hòn sướng lắm.
- Để con vô bưng ra cho!
- Cái con quỷ! Mạ tôi mắng chị Khê.
Nước nôi xong, cha mạ tôi bắt tay vào việc xảy lúa.
Hai chiếc chỉa đôi đều đặn tung những mớ cọng rơm lên trời, hất lên hất xuống mấy lần cho các hạt lúa rơi hết xuống đất rồi gạt tấp rơm qua một bên thành đống. Bốn đôi bàn tay của cha mạ tôi khéo léo, uyển chuyển như các vũ công trong vũ điệu xiếc, phối hợp một cách nhuần nhuyễn lạ thường...
Lúa đã được tách thành một đống riêng biệt. Mạ tôi lại phải dùng chiếc trang cào ra một bên. Liếc nhìn đống lúa, cha tôi cất tiếng với niềm hân hoan lộ rõ:
- Cũng kha khá mạ mi hí!
Trong khi cha tôi dắt đôi trâu đạp lại một lần nữa cho hết lúa sót thì mạ tôi phấn chấn nhặt nhạnh những cọng rơm còn vương trong đống lúa. Thỉnh thoảng mạ tôi bốc một nắm, lấy đầu ngón cái vê vê những hạt lúa để xem chắc lép ra sao. Sau đó, lúa được vun thành một đống hình nón ở một góc sân.
Với tôi, đống lúa ấy trông thật to như một trái núi cao nghệu. Tôi cũng hiểu được rằng, trái núi lúa ấy càng cao thì số ngày no đủ của gia đình tôi càng dài.
- Năm ni lúa được ghê cha con Thái nờ, ít dẹp lắm!
Trăng tháng ba đã lên cao, lấp ló trên đầu hàng cau vườn nhà tôi tỏa ánh vàng lúng liếng.
Ánh trăng vàng bàng bạc của những đêm huyền diệu như đêm nay muôn thuở tôi không thể nào quên được. Trong ánh trăng của những mùa trăng cũ ấy dường như có phảng phất hương trăng xa xôi lạ lùng thơm ngát, dường như có thấm đẫm vị nồng đậm của những giọt mồ hôi trên lưng cha, và có cả mùi rơm ngọt ngây ngây như hương sữa mạ ngày xưa.
Tôi cảm thấy sung sướng biết bao khi nghe lỏm mạ nói năm ni lúa được mùa. Chắc hẳn những chiếc áo mới - dù đơn sơ, rẽ tiền - sẽ được mạ mua về và chị em chúng tôi hớn hở mừng vui, tranh nhau ríu rít ướm thử. Tôi biết chắc ngày mai thế nào mạ cũng gọi gánh bún o Chắc Út vô đổi lúa, trước cúng lúa mới dâng ông bà tổ tiên và sau đó là chúng tôi hì hụp ăn không kịp thở.
Có những mùa trăng, mùa lúa no ấm, thanh bình.
Sáng hôm sau, khi mạ tôi vừa đi chợ sớm về thì o Thúc cũng xăm xăm đôi thúng gióng* (quang gánh) lật đật bước vào sân, đặt bên cạnh đống lúa chưa phơi.
- Mùa ni chị đon (đong) cho tui hai chục thùng nghe. Còn mười thùng mùa tháng tám đon cho hết đó!
- O mi cho en chị đon một nửa rồi mùa tới đon hết luôn.
Sau khi đong mười lăm thùng trả nợ cho o Thúc, đống lúa chỉ còn khoảng một phần ba. Tôi hỏi mạ:
- Nhà mền (mình) còn mắc nợ o Thúc không mạ? Mà còn chừng ni cũng nhiều rồi mạ hí!
Tôi chưa biết thế nào là nỗi cay đắng thiệt thòi trong chuyện vay trả của người lớn. Trong tâm trí tôi, đống lúa còn lại kia vẫn là niềm hạnh phúc lớn lao vô bờ vô bến, niềm hạnh phúc hết sức đơn sơ mà êm đềm của những ngày mùa đạp lúa đêm trăng.
Bà Rịa - 2013
Nguyên Bình
Theo http://www.art2all.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...