Có năm, đang đi trên đường bất chợt ngước mắt nhìn, những
chùm hoa xoan trắng muốt trên những cây xoan ở bên bờ sông, tôi bất giác giật
mình, mùa xuân đến rồi ư? Sao từ lúc nào mình đã quên bước thời gian khi Tết đến,
xuân về thế nhỉ. Đó là những năm đất nước chuyển sang thời kinh tế thị trường,
con người quen với lối sống bao cấp nhàn nhã, chợt quay cuồng trong vũ điệu thời
gian nên mới giật mình thảng thốt: Hoa xoan! Mùa xuân!
Hoa xoan, cây sầu đông, cây thầu đâu, hay cây sầu đâu? Ở nông thôn bên đường
làng, ngõ xóm, thế nào cũng có cây sầu đông đong đưa trước gió. Tháng ba, mùa
gà ghẹ ổ, người ta thường hái lá cây sầu đông đem về lót ổ để không có những
con mát gà.
Ở Nam Bộ có món gỏi sầu đâu, vậy là tên gọi sầu đâu không chỉ về loại cây hoa
xoan, cây sầu đông, cây thầu đâu ở Trung bộ và Bắc Bộ.
Khi đọc truyện “Mưa trên cây sầu đông” của nhà văn Nhã Ca, chương một, (viết từ
năm 1968) có lý giải: “Cây sầu đông không biết có phải là một loại cây đặc biệt
ở Huế không, tôi nghe người Bắc gọi là cây Xoan, người Huế gọi là cây Sầu đông,
thầu đâu hay có khi gọi Sầu đâu. Thân cây cao, có nhiều cành màu đen, khô, lá
cây có khứa, nối chùm bằng những cọng nhỏ, hoa nhỏ, có cánh li ti màu tím nhạt,
nhuỵ tím thẫm. Ở gốc cây, nếu bị vết sứt thường chảy ra một thứ nhựa màu vàng,
có thể dùng để dán được”.
Trên một tài liệu ở Internet, thì giải thích: “tên gọi sầu
đâu dễ bị lầm lẫn với tên gọi là thầu đâu, là sầu đông của cây xoan ta. Cây sầu
đâu có nhiều ở vùng Thất Sơn, An Giang, Châu Đốc, những tỉnh giáp giới
Campuchia. Cây sầu đâu thân gỗ, cao to, vỏ sần sùi, chứ không trơn láng như
thân cây xoan ta. Lá xoan ta độc, không ăn được, còn lá non và bông sầu đâu thì
ăn được… Bông sầu đâu ra hoa vào mùa xuân, màu trắng, mọc thành từng chùm như
hoa nhãn, dùng làm gỏi. Gỏi sầu đâu tương đối dễ làm: Rửa sạch bông và lá non,
có thể trụng sơ qua nước sôi. Nướng khô cá sặc rằn, khô cá lóc, xé nhỏ, bỏ vào…
Trộn thêm rau thơm, hành tây xắt mỏng, xoài băm sợi… Gỏi sầu đâu có vị đắng
nhưng hậu ngọt dai…” “Thấm hoài vị đắng sầu đâu, Thương bông so đũa trắng đầu…
má ơi!”
Trong bài báo giải thích hai câu thơ “Truyện Kiều”, nhà
nghiên cứu Đào Thái Tôn đã dẫn từ “Đại Từ điển tiếng Việt” (Nguyễn Như Ý chủ
biên, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tái bản, sửa chữa và bổ sung,
tháng 1 năm 2007): Xoan còn gọi là xoan đâu, sầu đâu, thầu đâu…
“Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai” (Mộ xuân tức sự -
Nguyễn Trãi) - (Hoa xoan mưa nhẹ nở đầy sân - Cuối xuân tức cảnh).
Những giọt mưa xuân ấm áp lất phất rơi đã mở bung những cánh hoa xoan
trắng muốt trước sân. Màu trắng thanh tao của những cánh hoa xoan li ti
đã làm cho bức tranh mùa xuân thêm hoàn thiện. Ám ảnh từ câu thơ Nguyễn
Trãi, mà tìm cho ra tên gọi một loài hoa, thật là thú vị. Vậy là trong văn của
Nhã Ca đã thêm tên gọi “sầu đâu”, “Đại Từ điển tiếng Việt” cũng gọi như thế,
nhưng theo tài liệu Internet về ẩm thực Nam Bộ, cây “sầu đâu” ăn được. Còn “cây
xoan, cây sầu đông, cây thầu đâu” chắc chắn là không ăn được. Thời chiến tranh,
các chú bộ đội ở chiến trường miền Nam ra đóng quân tại Quảng Bình thường bị ghẻ
ruồi, lấy lá sầu đông nấu nước tắm, bao nhiêu mụn ghẻ bay sạch, vậy là lá cây sầu
đông không thể làm gỏi để ăn được.
Mùa xuân, ngày tết người ta không mua hoa xoan về chưng trong
nhà, nhưng hình ảnh hoa xoan gắn bó với con người Việt Nam và đi đã vào văn học,
làm nên những hiệu ứng khác nhau trong cảm thức xuân của mỗi người. Tôi vẫn
thích gọi là cây “sầu đông” bởi lẽ khi nói về nỗi nhớ nhung, chờ đợi khắc khoải
bao giờ cũng gợi lên trong tâm thức mình câu thơ của Nguyễn Du: “Sầu đông càng
lắc càng đầy, Ba thu dồn lại một ngày dài ghê” (Truyện Kiều). Cũng có lẽ vì thế
mà dù ngày Tết không chưng hoa sầu đông, nhưng vẫn ngong ngóng hoa sầu đông
chăng, bởi khi hoa tàn nhuỵ, kết trái thì những quả sầu đông xanh xanh, be bé cỡ
hòn bi, khi chín vỏ có màu vàng nhạt, cứ đong đưa đong đưa trước gió như những
cái chuông gió diệu kỳ. Và tôi chợt nhớ ra, khi nói người con gái có khuôn mặt
đẹp thường người ta miêu tả: mặt trái xoan, mũi dọc dừa; thì ra trái xoan be bé
nhưng có khuôn hình đẹp nên mới ví với khuôn mặt đẹp của người con gái.
Riêng về hai câu thơ Nguyễn Du tôi vừa dẫn ở trên thì đã tốn biết bao giấy mực bàn cãi quanh chữ: “sầu đông”, hay “sầu đong”. Bởi nếu là “sầu đông” thì là quả của hoa xoan, của cây thầu đâu (cách gọi ở một số vùng), còn nếu là “sầu đong” thì nỗi sầu đong đếm được… Đã là “sầu đông” thì ba thu “dồn lại”, hay “khắc lại”, hay “dọn lại”…? Mỗi nhà Hán học, mỗi nhà Kiều học đều có cách lý giải riêng của mình.
Theo nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn thì nguyên văn phải là: “Sầu đông càng khắc càng dày, Ba thu giọn lại một ngày dài ghê”, và giải thích đây là tâm trạng tương tư của kẻ si tình. Khi Kim Trọng nhìn cây sầu đông mới ngày nào nở hoa li ti, mà giờ đã trắng xoá trong mỗi khắc, mỗi giờ, mà tình yêu đơn phương của chàng thì như dẫm chân tại chỗ “Ba thu giọn lại một ngày dài ghê”, và bình thêm, câu thơ này dịch sát ý câu thơ chữ Hán: “Nhất nhật bất kiến, như tam thu hề” - (Một ngày không thấy nhau, thì đằng đẵng như ba mùa vậy - 9 tháng) ([1]) Khi xác định cây hoa xoan, cây sầu đông, cây thầu đâu là một loại, thì cách lý giải hai câu thơ “Truyện Kiều” của Đào Thái Tôn là nghe thuận hơn cả.
Riêng về hai câu thơ Nguyễn Du tôi vừa dẫn ở trên thì đã tốn biết bao giấy mực bàn cãi quanh chữ: “sầu đông”, hay “sầu đong”. Bởi nếu là “sầu đông” thì là quả của hoa xoan, của cây thầu đâu (cách gọi ở một số vùng), còn nếu là “sầu đong” thì nỗi sầu đong đếm được… Đã là “sầu đông” thì ba thu “dồn lại”, hay “khắc lại”, hay “dọn lại”…? Mỗi nhà Hán học, mỗi nhà Kiều học đều có cách lý giải riêng của mình.
Theo nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn thì nguyên văn phải là: “Sầu đông càng khắc càng dày, Ba thu giọn lại một ngày dài ghê”, và giải thích đây là tâm trạng tương tư của kẻ si tình. Khi Kim Trọng nhìn cây sầu đông mới ngày nào nở hoa li ti, mà giờ đã trắng xoá trong mỗi khắc, mỗi giờ, mà tình yêu đơn phương của chàng thì như dẫm chân tại chỗ “Ba thu giọn lại một ngày dài ghê”, và bình thêm, câu thơ này dịch sát ý câu thơ chữ Hán: “Nhất nhật bất kiến, như tam thu hề” - (Một ngày không thấy nhau, thì đằng đẵng như ba mùa vậy - 9 tháng) ([1]) Khi xác định cây hoa xoan, cây sầu đông, cây thầu đâu là một loại, thì cách lý giải hai câu thơ “Truyện Kiều” của Đào Thái Tôn là nghe thuận hơn cả.
Còn nếu như, hiểu theo cách của các nhà nghiên cứu: Nguyễn Hữu
Lập, Kiều Oánh Mậu, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Thạch Giang…: “Sầu đong càng lắc
càng dày/ Ba thu giọn lại một ngày dài ghê”. Vì cho rằng: Sầu là mối sầu, Đông
là mùa đông, nên đã đổi Đông thành đong. Và như thế, người ta sẽ liên tưởng đến
câu ca dao: “Ai đi muôn dặm non sông, Để ai chứa chất sầu đong vơi đầy”.
Tôi vẫn thích gọi là cây hoa xoan bởi lẽ bị ám ảnh từ những
câu thơ của thi nhân Thơ mới. “Đã thấy xuân về với gió đông/ Với trên màu má
gái chưa chồng/ bên hiên hàng xóm cô hàng xóm/ Ngước mắt nhìn giời đôi mắt
trong”. Thi nhân tương tư Nguyễn Bính cảm xuân bắt đầu từ gió đông, từ em, từ
cô láng giềng, nghĩa là từ cái tâm thức đang tương tư, đang ngóng chờ, đang
mong đợi... mong đợi từ màu má gái chưa chồng, từ đôi mắt trong của cô hàng xóm
và với cái nhìn đó thì xuân về trong háo hức, trong đợi chờ, “Bữa ấy mưa xuân
phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ/ Mẹ
bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”. Nhưng rồi, bằng hy vọng và ảo vọng, nhà thơ không
chỉ thấy xuân đến mà còn tưởng tượng ra cảnh xuân đi - nghĩa là tươi vui, háo hức
chưa tròn đã thấy thất vọng và buồn “Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay/ Hoa xoan đã
nát dưới chân giày/ Hội chèo làng Đặng về qua ngõ/ Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn
ngày”.
Ngày xuân, thử mạn đàm về một loài hoa be bé, trăng trắng, tím tím, li ti, mà thơm
ngát, mà làm tươi mát bức tranh mùa xuân trong mỗi miền quê Việt Nam, hoa xoan,
hoa thầu đâu, hoa sầu đông… Đó cũng là cách để tiếc nuối và níu giữ mùa xuân
theo cách của thi nhân Nguyễn Trãi “Cầm đuốc chơi đêm này khách nói, Tiếng
chuông chưa gióng ắt còn xuân”.
Chú thích:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét