Bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ (ĐTVD) của Hàn Mặc Tử (HMT) được giảng dạy trong chương trình phổ thông. GS Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng “cái độc đáo và đẹp của câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” là “nghệ thuật cách điệu hóa. Không nên tìm ở đây hình ảnh tả thực, tuy rằng cách điệu hóa cũng xuất phát từ sự thực: trong những ngôi nhà vườn xinh xắn, sau những hàng tre trúc, thấp thoáng có bóng ai đó kín đáo, dịu dàng, phúc hậu, dễ thương“ [1]. Thế nhưng lý giải ấy không đủ sức làm thỏa mãn người đọc về cái hay của câu thơ này. Nhiều người đã tìm những hướng tiếp cận khác nhau để khám phá cho được tín hiệu nghệ thuật và thông điệp HMT gửi trong đó. Nhưng xem ra cho đến nay, điều ấy vẫn còn ngoài tầm tay.
Gần đây Nguyễn Cẩm Xuyên (NCX) cho rằng “có lẽ cái đáng băn khoăn nhất ở đây là 3 chữ “mặt chữ điền”. Sao lại mặt chữ điền? “chữ điền” là để tả mặt cô thiếu nữ thôn Vĩ chăng?[2] Tác giả cũng dẫn ra nhiều cách hiểu của những người đi trước, chẳng hạn “Đọc câu thơ: “lá trúc che ngang mặt chữ điền” ta hình dung ra cảnh cô thiếu nữ thôn Vĩ đang e ấp, thẹn thùng nhìn khách phương xa qua kẽ lá. Cách hình dung này là hợp lý… Nhiều nhà nghiên cứu thơ đã nghĩ như vậy”[đd].
Tác giả NCX cũng dẫn thêm một cách hiểu khác: ”câu thứ tư tả thêm một nét kiến trúc đẹp: lá trúc che ngang… tấm chữ điền (chấn môn) trước cửa nhà. Quả thật theo phong thủy, kiến trúc xưa thường xây bức chấn môn chắn trước cửa ra vào, cách khoảng 5-7 mét. Tấm chắn này có khi được trang trí hoa lá, hổ phù, có khi đắp nổi nguyên hình một con hổ. Đơn giản hơn, có khi chỉ đắp nổi một hình chữ thập ở giữa khiến nó giống hệt chữ điền (田) và một số người bình dân vùng nông thôn Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định, vào cho đến các tỉnh nam Trung phần xưa vẫn gọi tấm chắn trước cửa ấy là “mặt chữ điền”. Hai bên chấn môn lại thường có trồng thêm hai bụi trúc, phía sau có hòn non bộ…” [đd]
Sau khi dẫn thêm các trường hợp lầm lẫn của nhà in, chẳng hạn việc in sai hai chữ trong câu “Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe” trong bài Đoàn Thuyền Đánh Cá - Huy Cận, tác giả NCX đưa ra kiến giải về “mặt chữ điền” như sau:” Từ giai thoại trên ta có thể nghĩ ngợi rằng: thôi cứ cho “mặt chữ điền” là khuôn mặt của thiếu nữ thôn Vĩ đi… thì e là hay hơn! Câu thơ trở nên sống động, có thần mà lại rất lãng mạn, nên thơ… dù có thể là lúc đặt bút viết thơ Tử đã không nghĩ như thế;… Tử đã không theo khuôn sáo tầm thường mực thước trói người lãng tử. Cô gái của Tử miêu tả trong Đây thôn Vĩ Dạ phải lạ đời với khuôn mặt chữ điền… và khuôn mặt lạ ấy đã đem đến cho người đọc bao nhiêu là cảm nhận thú vị; vì thế cho mãi đến hôm nay người ta vẫn còn băn khoăn, xôn xao mãi và bàn tán nhiều như vậy…”
Tôi bị cuốn hút vào cách đặt vấn đề của NCX, nhưng thực sự hụt hẫng và thất vọng về kết luận của ông đối với câu thơ của Hàn Mặc Tử. Bởi lý giải võ đoán ấy không có sức thuyết phục, nó vẫn nặng về cảm tính và bất lực. Tác giả Nguyễn Khôi thì quyết đoán hơn: ”Về Cô gái trong "Lá trúc che ngang mặt chữ Điền" đó là cô gái do sức tưởng tượng của Thi nhân mà hiện ra thôi "... Nay ta xem lai di ảnh Nhà Giáo - cư sĩ Hoàng Thị Kim Cúc (1913- 1989) thì đúng là Cúc có khuôn mặt chữ ĐIỀN phúc hậu... chứ không phải như ai đó (Thang Ngọc Pho và v.v...) quả quyết đó là chữ ĐIỀN - Hán tự đắp nổi ở "mặt trước phía trên cổng các nhà Quí tộc Huế " hay ở các tấm bình phong trước nhà...” [3]. Còn cách giải thích “mặt chữ điền” là tấm bình phong là của Dương Hiền Nga: ”Ở Vĩ Dạ lúc đó trồng nhiều trúc bên lối đi, cổng nhà thường có tấm “Chấn Phong” để chắn gió, trên đó thường đắp nổi hoặc viết một chữ điền (bằng chữ Hán) vừa cho đẹp vừa hàm ơn là đất vua ban khi tuổi già xế bóng. Gặp một vài người già ở Huế hỏi điều này, họ xác nhận như vậy nhưng quan trọng nhất là đặt trong mạch thơ đầy lưu luyến hồi tưởng về thôn Vĩ, về cuộc sống bên ngoài, tôi thấy hợp lý.”[4]
Có thể nhận thấy điều này, các tác giả tìm hiểu bài Đây Thôn Vĩ Dạ đã sử dụng phương pháp tiểu sử, cố gắng tìm và áp đặt một khuôn mặt chữ điền có thật của cô gái ở thôn Vĩ cho “mặt chữ điền” trong hình tượng thơ của HMT, thậm chí còn cho đó là khuôn mặt của Hoàng Thị Kim Cúc (như đã dẫn ở trên). Nhưng vấn đề là những lý giải như thế để đạt tới điều gì? Có giải mã được bí mật thẩm mỹ của thơ HMT không? Câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” hay, đẹp, sáng tạo độc đáo cũa HMT là ở chỗ nào, và, ghi lại hình ảnh ấy, HMT muốn chuyển tải thông điệp gì? Chẳng lẽ HMT mời anh “về chơi thôn Vĩ“ là để nhìn “nắng hàng cau”, rồi nhìn “vườn ai” và sau cùng là nhìn mặt Kim Cúc sao ?
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Rõ ràng hình tượng thơ trở nên đa tầng, đa nghĩa, giàu màu sắc thẩm mỹ; vượt lên rất xa so với hiện thực được HMT dùng làm chất liệu miêu tả. Không thể đọc thơ bằng cách áp câu thơ lên hiện thực để xem có phải sự thực tác giả đã viết như thế hay không, như thể áp “mặt chữ điền” lên khuôn mặt Hoàng Kim Cúc trên di ảnh. Nếu văn chương là thế thì chẳng cần đến sự sáng tạo của nhà thơ, cũng không cần đến sự độc đáo của cá tính sáng tạo nữa. Bài thơ là một tác phẩm hoàn chỉnh, hình tượng thơ tự nó có ý nghĩa riêng ngoài ý chủ quan của tác giả. Hiện thực được dùng làm chất liệu chỉ là nguyên liệu thô được chưng cất, nó là cái vỏ mà nhà thơ thổi hồn vào. Cái đẹp của tứ thơ, của hồn thơ mới làm nên giá trị thơ.
Xin đặt câu thơ trong tổng thể bài thơ. Đây Thôn Vĩ Dạ là ấn tượng của HMT về cảnh sắc và con người xứ Huế. Mỗi khổ thơ là một bức tranh ấn tượng, vì thế không có một không gian, thời gian, góc nhìn thống nhất cho cả bài thơ. Đó là ấn tượng về cảnh sắc ở ba nơi khác nhau, trong những thời điểm khác nhau. Cảnh sắc được lọc qua tâm tưởng của tác giả, không phải là tả thực, khách quan như trong các bài tả cảnh. Khổ I là cảnh sắc vườn tược tinh khôi buổi sáng, khổ 2 là cảnh sắc sông nước đêm trăng thơ mộng và buồn. Khổ 3 là những ngày mưa trắng trời ở Huế với những thiếu nữ mặc áo trắng nhòa trong mưa. Ba cảnh này không liên can gì nhau, nhưng hiện lên trong tâm tưởng HMT và chứa đựng cái tình của tác già. Tấm lòng của tác giả với xứ Huế là sợi dây liên kết ba khổ thơ tạo nên sự thống nhất cho cấu trúc bài thơ.
Quan sát kỹ những bức tranh ấn tượng về xứ Huế của HMT (xin không lầm lẫn với nghệ thuật Ấn Tượng), người đọc nhận thấy đặc điểm này: cảnh sắc được miêu tả rất sắc nét, hiện lên rõ mồn một trước mắt ta, nhưng con người xứ Huế chỉ thấp thoáng trong tranh, không rõ nét, không rõ chân dung.
Lối theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thi hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.
Sự chuyển hóa bút pháp của HMT trong 3 khổ thơ là yếu tố đặc biệt cần xem xét khi giải mã tín hiệu nghệ thuật của từng khổ thơ. Khổ 1, bức tranh được vẽ bằng bút pháp Hiện Thực. Khổ 2, cảnh sông nước đêm trăng là bức tranh Siêu Thực. Khổ 3, hình ảnh ở thực tại chuyển sang bút pháp huyền ảo có màu sắc tâm linh, ở đây HMT hình dung ra mình đứng ngoài cõi nhân gian xa lắc (mờ nhân ảnh) nhìn về cõi người và “mơ khách đường xa”, cảnh thực ở Quy Nhơn nhòa trong cảnh thực ở Huế, được nhìn mằng tấm lòng của một người ngỡ mình đã “mờ nhân ảnh” trong cõ đời này.
Như thế không nhất thiết phải truy tìm nghĩa cụ thể của “mặt chữ điền” là gì, là mặt của ai, mà chỉ cần hiểu đó là khuôn mặt người dân Huế, thấp thoáng trong ngõ trúc, lá trúc che ngang. Độc đáo của HMT là chỉ cần dùng “lá trúc” cũng đủ gợi ra cành trúc và ngõ trúc, bởi người đọc liên tưởng ngay tới “cành trúc la đà “ trong ca dao và “ngõ trúc quanh co” trong thơ Nguyễn Khuyến. Tứ thơ vừa mới, vừa truyền thống. “Lá trúc che ngang bặt chữ điền” là hình ảnh thấp thóang của người dân Huế trong ngõ trúc. Trên đường đi, cành trúc nghiêng nghiêng, lá trúc lòa xòa trên mặt người, không thể “che ngang”, điều ấy làm lộ ra góc nhìn của HMT và một tín hiệu nghệ thuật cần giải mã. Tứ thơ “lá trúc che ngang mặt chữ điền” ẩn chứa một thông điệp.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
HMT, hóa thân trong Kim Cúc, mời gọi về thăm thôn Vĩ. Nhưng thôn Vĩ có gì đặc biệt để thăm? Thôn Vĩ có nắng mới lên trên hàng cau, có vườn xanh ngọc mơn mởn, có con người xứ Huế thấp thoáng đôn hậu. HMT còn tỏ lộ khát vọng tình duyên tươi mới qua hàng cau trong nắng sớm, một sức sống dào dạt trên những lá non xanh ngọc qua vườn ai, và sự thân thiện gần gũi khi nhìn con người xứ Huế đôn hậu. Xứ Huế có những giá trị tinh thần quý giá ấy níu chân HMT.
“Mặt chữ điền” của người xứ Huế là khuôn mặt rắn rỏi, đôn hậu. Khuôn mặt ấy chỉ thấp thoáng sau lá trúc, là sự bộc lộ sự kín đáo, thâm trầm và dung dị tính cách con người ở xứ kinh đô. Tôi còn thấy người dân Huế rất trọng lễ nghĩa. Phải chăng chữ “che ngang mặt” dẫn người đọc đến tầng nghĩa này? Người xưa, trước khi làm gì, đều thi lễ. Cách thi lễ thường là đưa tay lên ngang mặt. Chẳng hạn trước khi uống rượu, khách mời nâng chén rượu (cử bôi) ngang mặt thi lễ rồi mới uống. Người kỹ nữ trong Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị trước khi đánh đàn đã “Tay ôm đàn che nửa mặt hoa” (Do bão tỳ bà bán già diện) sau đó mới vặn đàn, dạo qua vài tiếng đầy tâm trạng cho khách nghe. Vâng, HMT mời gọi, anh nên về thăm thôn Vĩ, vì ở đây có những con người đáng yêu, đáng quý như vậy. HMT tỏ ra hiểu sâu sắc cảnh sắc, con người xứ Huế, nhà thơ dành cho nơi đây (không chỉ dành cho Kim Cúc) tất cả tình yêu thương sâu nặng của mình. Điều ấy lộ ra khi HMT đã vào trại Quy Hòa, sống xa cõi người. Quả là một hồn thơ lạ lùng, bởi trong tình cảnh đau thương ấy, tâm hồn nhà thơ vẫn đầy ắp sức sống, dào dạt tình yêu thương, trân trọng nâng niu cái đẹp của cảnh sắc, của tình người. Tâm hồn ấy tinh khôi như nắng mới lên, thanh khiết một màu xanh như ngọc, và rắn rỏi đôn hậu biết bao, hòa trong cảnh sắc và con người xứ Huế.
Tôi nghĩ cái hay, cái đẹp, cái tình, cái tài hoa của câu thơ Hàn Mặc Tử là ở đó. Thương lắm một người thơ đã để lại cho chúng ta những giá trị tinh thần đặc sắc như vậy.
Chú thích:
[1].Văn Học lớp 11 tập 1, sách giáo viên, Nxb Giáo dục-tr.123
[2] http://www.vanchuongviet.org/
[3] http://duyphitho.blogspot.com/
[4] http://www.baomoi.com/
Tháng 9.2012
|
Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Mang mùa xuân về
Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét