Tôi gặp Trương Văn Dân khoảng dăm năm trước. Một phóng viên
báo Đại Đoàn Kết giữ mục Nhịp cầu liên hệ với người Việt Nam ở nước
ngoài gọi điện bảo tôi là có một cộng tác viên của báo ở Italia thường về nước,
anh có viết văn, nên muốn giới thiệu với tôi để làm quen và giao lưu. Thế là
tôi gặp anh Dân, hình như buổi gặp đầu tiên ở quán nước cạnh Viện Văn học cơ
quan tôi trên phố Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ấn tượng ban đầu anh Dân gây cho tôi là
con người anh chất phác và đôn hậu. Cái chất người đó của anh hiển hiện tự
nhiên ở dáng vẻ bên ngoài và ở cách trò chuyện. Sau này còn gặp nhau nhiều lần,
khi một mình anh, khi có cả chị vợ anh người Italia, tôi càng thấy sự chất phác
và đôn hậu đậm rõ ở anh Dân. Sống ở nước ngoài hơn ba mươi năm có lẻ, mà lại là
ở những trung tâm văn hóa lớn của châu Âu, nhưng hình như cái chất dân quê ở
người chuyên gia hóa dược đã qua tuổi tri thiên mệnh này chẳng hề phai nhạt,
vơi giảm. Quen nhau rồi, mỗi lần gặp, anh thường đưa tôi một vài truyện ngắn, một
vài bài viết lẻ, nói đọc chơi cho ý kiến, nói có thể đăng đâu đó được thì đăng,
cho vui. Từ lần gặp đầu tiên anh đã nhờ tôi sắp xếp gặp một số nhà văn ở Hà Nội
và sau đấy mỗi lần anh về nước ra bắc là Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn
Quang Lập, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Việt Hà và tôi lại được hội ngộ cùng anh.
Ngay từ đầu anh đã khiêm nhường không coi mình là nhà văn, chỉ là người thỉnh
thoảng có viết văn như một nhu cầu thúc bách nội tâm, như một giãi bày tâm trạng,
với chính mình trước hết. Giữa đám anh em văn sĩ ồn ào cười nói, vui đùa chọc
quấy, nói đủ thứ trên trời dưới bể, bàn hết chuyện đông tây trong ngoài, anh
Dân ngồi lẳng lặng nghe, bia rượu không uống, đồ mồi ít chạm, thi thoảng góp
đôi ba câu chuyện nhỏ nhẹ, hiền lành. Cứ thế, anh đã thành bạn của tôi, của
chúng tôi một cách tự nhiên, giản dị.
Bây giờ những truyện ngắn mà tôi đã đọc rải rác những lần anh đưa trước đây được
gom lại thành tập. Đặt trong tổng thể một tập truyện ngắn, đọc lại chúng liền một
mạch, tôi gặp lại anh trong văn như ngoài đời, chất phác và đôn hậu. Có thể lấy
một chữ TÌNH tóm gọn toàn bộ nội dung truyện ngắn của Trương Văn Dân. Tình đây
là tình người, là cái cách con người đối xử với nhau, là cách con người sống ở
đời sao cho xứng là con người, là giá trị tinh thần con người phải cưu mang và
chuyên chở qua tháng năm tồn tại của mình trên cõi thế, là cái không tiền bạc
nào mua nổi mà chỉ có được khi phát ra từ sâu thẳm bản chất người của mình.
Truyện của anh Dân nói nhiều về cái chết, và ở giữa ranh giới mong manh và nghiệt
ngã của sự chia lìa, sự cắt đứt vĩnh viễn, sự xóa tan hoàn toàn đó của cái sống,
của cuộc sống, con người - người đang chết và người còn sống - buộc phải nhìn lại
mình, phản tỉnh, và thanh lọc. Điều này nhiều người đã viết, đã nói, nhưng
Trương Văn Dân vẫn có cách cảm nghĩ và thể hiện riêng của anh Một chiều lên
nghĩa trang thăm mộ người thân (truyện này đúng ra là một ghi chép), thẩn tha đọc
hàng chữ ghi trên các bia mộ, người kể chuyện thấy ra thêm những ý nghĩa cuộc đời
ở nơi giao hòa âm dương.
Một câu nói của anh bạn David (Một áng mây bay) trước phút giã từ thế gian đã ám ảnh nhân vật “tôi” một thời gian dài. Người đàn ông cật lực làm việc để mưu tính giàu sang, rốt cuộc là trắng tay với đời, để rồi ngộ ra một điều là mình có sinh mà chưa có sống. Phút cuối cùng ngắm cảnh hoàng hôn người Âu ấy đã sững sờ rồi thốt ra những lời này với anh bạn người Á: “Thú thực đây là lần đầu tiên tao thấy nó. Trong đời tao, chưa bao giờ tao có thì giờ. Tao chỉ nhìn chứ chưa bao giờ thấy”. Đấy có thể coi là ý tưởng xuyên suốt các truyện ngắn của Trương Văn Dân. Người ta sống là phải biết thấy thì mới biết sống. Nhìn chỉ là sinh lý học của mắt, của cơ quan thị giác. Thấy là tâm lý học của tấm lòng, của tình cảm. Nhìn chỉ là cái nhìn. Thấy là cách nhìn. “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Nguyễn Du). Các truyện của anh đặt ra những trạng huống, những tình thế để tìm lời giải cho mối băn khoăn là tại sao con người sống ở đời mà phần nhiều cứ nhìn nhưng không thấy. Tại sao con người không biết thấy những trần ai khổ hạnh của đời người để mà yêu thương nhau hơn, quý trọng nhau hơn, lại cứ đổ xô vào những mưu toan lọc lừa, xảo trá, lại cứ vô tình đến nhẫn tâm với nhau. Bởi nhìn mà thấy thì sẽ như Quang (Hành trang ngày trở lại), Thăng (Câu chuyện của người chưa quen), Paul Vũ (Những sợi tóc) biết nhận ra quanh mình những số phận đang chống lại bất hạnh và biết mình có trách nhiệm, tình thương với những số phận ấy.
Một câu nói của anh bạn David (Một áng mây bay) trước phút giã từ thế gian đã ám ảnh nhân vật “tôi” một thời gian dài. Người đàn ông cật lực làm việc để mưu tính giàu sang, rốt cuộc là trắng tay với đời, để rồi ngộ ra một điều là mình có sinh mà chưa có sống. Phút cuối cùng ngắm cảnh hoàng hôn người Âu ấy đã sững sờ rồi thốt ra những lời này với anh bạn người Á: “Thú thực đây là lần đầu tiên tao thấy nó. Trong đời tao, chưa bao giờ tao có thì giờ. Tao chỉ nhìn chứ chưa bao giờ thấy”. Đấy có thể coi là ý tưởng xuyên suốt các truyện ngắn của Trương Văn Dân. Người ta sống là phải biết thấy thì mới biết sống. Nhìn chỉ là sinh lý học của mắt, của cơ quan thị giác. Thấy là tâm lý học của tấm lòng, của tình cảm. Nhìn chỉ là cái nhìn. Thấy là cách nhìn. “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Nguyễn Du). Các truyện của anh đặt ra những trạng huống, những tình thế để tìm lời giải cho mối băn khoăn là tại sao con người sống ở đời mà phần nhiều cứ nhìn nhưng không thấy. Tại sao con người không biết thấy những trần ai khổ hạnh của đời người để mà yêu thương nhau hơn, quý trọng nhau hơn, lại cứ đổ xô vào những mưu toan lọc lừa, xảo trá, lại cứ vô tình đến nhẫn tâm với nhau. Bởi nhìn mà thấy thì sẽ như Quang (Hành trang ngày trở lại), Thăng (Câu chuyện của người chưa quen), Paul Vũ (Những sợi tóc) biết nhận ra quanh mình những số phận đang chống lại bất hạnh và biết mình có trách nhiệm, tình thương với những số phận ấy.
Đó là thông điệp tác giả mang theo trong hành trang ngày trở lại quê nhà gói
trong những trang văn này. Trương Văn Dân bước chân ra nước ngoài từ năm mười
tám tuổi, và kinh nghiệm mấy chục năm sống đất khách quê người, dù có là công
dân của một nước khác đi nữa, đã cho anh thấm nỗi buồn nhân thế, bất kể ở màu
da và phương trời nào. Ở đâu con người cũng tự đày đọa hành hạ mình và hành hạ
đày đọa người khác vì những toan tính trục lợi, những mưu mô ích kỷ. Ở đâu những
buồn đau của kiếp người vẫn là như nhau. Và ở đâu cũng vẫn có những tấm lòng
cao thượng, những con người bình thường mà cao cả giúp sưởi ấm con người bằng
niềm tin còn có tình người, chất người trong thế giới càng hiện đại mà càng như
giá băng các quan hệ giữa người và người này. Anh Dân đã ra đi và trở về. Đúng
hơn, anh, cũng như nhiều người Việt Nam khác, đã ra đi và trở về. Không chỉ là
về với đôi chân, về sống lại nửa đời phần sau của mình ở quê hương, trên đất mẹ.
Mà về trong tình cảm trong tâm tình chưa bao giờ rời xa mảnh đất khốn khó, đau
thương nhưng mình không dứt được vì đó là quê mình, nhà mình. Cuộc trở về không
dễ dàng và thanh thản. Đã có những “ngã rẽ”. Đã phải “mộng trong giấc mộng”.
Nhưng đã thật là về. Về nhà. Về quê. Về với người ruột thịt. Về lại chính mình.
Về với nỗi buồn nhân thế mà những ai nặng lòng thì luôn trăn trở, cật vấn.
Bởi càng đi xa thì sự níu kéo với quê nhà càng bắt vào những
kỷ niệm, hồi ức. Truyện của anh Dân vì vậy rất gần với tự thuật, anh viết như kể
chuyện đời mình, đời những người thân thích ruột rà của mình, kỹ thuật không phải
là quá dụng công, nghệ thuật là ở sự chân thực, và có cảm tưởng anh rất muốn gửi
gắm tới người đọc truyện một lời khuyên nhủ, dặn dò đạo đức, luân lý. Anh, giống
như nhà thơ Nga Evgeni Evtushenko, cứ muốn báo động thức tỉnh mọi người rằng “Những
con người ra đi không thể gì tái tạo, Những vũ trụ riêng tư không lặp lại bao
giờ” nên người ơi, hãy sống tử tế với nhau, hãy yêu thương quý trọng nhau, hãy
giúp nhau sống là người. Đọc anh, xúc động là ở sự bình dị, chân tình. Trong mười
truyện ở đây, già nửa là viết theo lối kể truyện cổ điển, câu chuyện được kể
theo kiểu trao lời giữa các người kể, được viết một cách tự nhiên xuôi chảy và
cái tình của người viết đã lay động được người đọc theo anh cảm xúc. Truyện Gã
lang thang tóc trắng tiêu biểu kiểu truyện này. Có hai truyện (Mộng trong
giấc mộng, Ngã rẽ) như khác đi trong lối viết, vẫn kể đấy nhưng nghiêng về giãi
bày, tự phân tích nhiều hơn. Ở hai truyện này nổi rõ một nét riêng của ngòi bút
Trương Văn Dân là chất thơ, chất tình trong truyện ngắn, nó bàng bạc suốt cả tập.
Mới đọc đoạn đầu truyện Ngã rẽ có thể ngỡ đâu đó là một bài thơ văn
xuôi.
Vậy là đây, Hành trang ngày trở lại của Trương Văn Dân được
anh trân trọng đặt trước mắt ta, mời ta trân trọng lật mở để chia sẻ cùng anh
những điều anh đã nhìn, và thấy, đã cảm, và nghĩ, những điều anh đã cất giữ và
chiêm nghiệm trên những ngả đường những ngả đời băng qua các lục địa mà anh đã
đi, đã đến, đã về. Lặng lẽ, những trang văn của anh, chất phác và đôn hậu như
anh, có thể làm bạn tâm tình cùng ta. Phần tôi, đọc tập truyện này, tôi muốn được
cùng anh chia sẻ và mang vác nỗi buồn nhân thế, như đó là hành trang cuộc đời của
tôi. Và tôi muốn tin, của bạn nữa, những người sẽ đọc sách này.
Nhà Xuất Bản Trẻ - in lần thứ nhất - 2007
Nhà Xuất Bản Chương Văn - USA - tái bản 3-2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét