Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

Suy ngẫm về chữ “Tâm”, chữ “Tài” và cái “Tầm”

Suy ngẫm về chữ "Tâm", 
chữ "Tài" và cái "Tầm"
Chữ “Tâm”
Thi hào Nguyễn Du (1766-1820) có hai câu tuyệt bút ở đoạn kết “Truyện Kiều” bất hủ:
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
Câu ấy có nghĩa là: Con người phải biết coi trọng chữ “Tâm” hơn chữ “Tài”. Chữ “Tâm” mà cụ Nguyễn Du nói ở đây - đồng nghĩa với chữ “Đức”, tức là lương tâm, là sự lương thiện, tử tế, là lòng tốt, là đức độ, là lương tri của con người. Chữ “Tâm” không chỉ là sự yêu thương, trân trọng con người, mà còn bao gồm thái độ biết căm ghét, khinh bỉ, biết phê phán cái xấu, cái ác. Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), trong tác phẩm “Lục Vân Tiên” nổi tiếng, đã nói về “lẽ ghét – thương” rất rạch ròi, đúng đắn; ví như đối với kẻ xấu, kẻ ác thì cụ “ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm”! Hiểu chữ “Tâm” như thế mới đầy đủ. Chữ “Tâm” ấy mới chính là cốt lõi của phẩm giá, là gốc thiện của Con người (viết hoa). Ông cha ta còn dạy rằng: “Tài bất thắng đức”- những người chỉ có Tài, thường thua (không bằng) người có Đức (Xem “Hán - Việt từ điển” của học giả Đào Duy Anh, quyển hạ, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1994, tr. 221). Bác Hồ là vị lãnh tụ cộng sản lỗi lạc luôn luôn đề cao chữ “Đức”. Bác dạy: “Có Tài mà không có Đức, là người vô dụng”. Triết lý sâu xa lắm.
Vậy mà, bây giờ, nhiều người bảo: “Thời nay, làm gì có lương tâm”. Một số người từ tốn, nhẹ nhàng hơn, thì nói: “Thời buổi kinh tế thị trường sơ khai ở nước ta, rất ít người có lương tâm đích thực”! Thấy ai nói đến chữ “Tâm”, chữ “Đức”, thì họ lắc đầu quầy quậy, bĩu môi mà phán rằng: “Ôi dào! Toàn chuyện tầm phào. Chỉ tưởng tượng ra, rồi lên mặt giáo huấn”. Nhận xét ấy, quả là bi quan. Nhưng, nhìn thẳng vào sự thật, với một tinh thần thực sự cầu thị và sự trung thực, suy nghĩ cho sâu, cho kỹ, thì chỉ cần đi một đoạn đường, vào một góc chợ, đọc một tờ báo, mới thấy cái nhận xét “bi quan” kia là có cơ sở thực tế!
Thế nhưng, chính sự tồn tại và phát triển của xã hội, là sự vươn lên, chiến thắng của cái Tâm, cái Thiện trước cái xấu, cái ác. Các Mác - người thầy vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới, nhà lý luận kiệt xuất của CNXHCNCS, đã nói: “Con người sáng tạo theo quy luật của cái đẹp”. Thật vậy, thực tế cho thấy: trong mỗi con người bình thường và mỗi cộng đồng, cái tốt nhiều hơn cái xấu. Những kẻ xấu, kẻ ác “trăm phần trăm” chỉ là số ít trong dân chúng. Yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, “lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”, “thương người như thể thương thân”… vốn là đặc trưng của con người Việt Nam tử tế, lương thiện (Tôi ghi chú và nhấn mạnh mấy chữ này - ĐNĐ), là truyền thống đạo đức cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
Tự nhiên, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu: “Có gì đẹp trên đời, hơn thế/ Người yêu người, sống để yêu nhau”. Đấy là hiện thực đời sống đã và đang diễn ra, hay chỉ là một niềm mong ước, lời khuyên nhủ và hy vọng của một nhà thơ lớn?
Chữ “Tài”
Thi hào Nguyễn Du viết trong “Truyện Kiều”: “Có Tài mà cậy chi Tài/ Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Có Tài mà không có Đức, là người vô dụng/ Có Đức mà không có Tài, thì làm việc gì cũng khó”. Tư tưởng lớn của hai bậc Danh nhân văn hóa thế giới, dù ở hai thời đại khác nhau, nhưng có cốt lõi tương đồng. Cái Tâm – tức cái Đức là gốc của con người chân chính, lương thiện, nhưng cái Tài cũng là một phẩm chất quan trọng để tạo nên nhân phẩm. Người vừa có Đức, vừa có Tài, mới là “con người hoàn toàn” (Lời Bác Hồ). Để được như vậy, không phải dễ!
“Tài”, hay tài năng, là khả năng làm được những công việc hoặc một nghề nào đó có ích cho xã hội với chất lượng tốt và hiệu quả cao. Người có Tài luôn luôn có óc sáng tạo, tìm tòi cái mới, thường am hiểu lý thuyết chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó và có năng lực thực hành giỏi. “Tài” chỉ thật sự có ích, có ý nghĩa xã hội và giá trị nhân văn, khi được xây dựng trên nền tảng chữ “Đức”, chữ “Tâm”. Có được sự kết hợp hài hòa ấy, và ở trình độ vượt trội so với đồng loại, mới đáng gọi là nhân tài! Nói một cách trung thực, nhân tài đích thực - xưa nay thật sự không có nhiều.
Người có Tài, hoặc cao hơn - là nhân tài, thường hay gặp cảnh lận đận, éo le. Thi hào Nguyễn Trãi (1380 - 1442) đến cuối đời đã phải than thở: “Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi” (Quốc âm thi tập). Nguyễn Du thì u uất triết lý: “Có Tài mà cậy chi Tài/ Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”. Ngày nay, một số người có Tài, có Đức, ham làm việc, ham cống hiến tâm trí cho đất nước, cho nhân dân, nhưng họ lại gặp phải thói đố kỵ của không ít người có chức, có quyền nhưng tài hèn đức mọn và cả các đồng nghiệp ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, nên không thi thố được tài năng, nhiều khi lâm nạn. Đấy là một thực tế rất đáng đau buồn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Chỉ thị “Tìm người tài đức”, đề ngày 20-11-1946, đã kêu gọi: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”. Bác Hồ tha thiết cầu hiền tài ra giúp nước, và Người khiêm tốn, thực sự cầu thị khi tự nhận khuyết điểm:
“E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận./ Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết” (Hồ Chí Minh - Về vấn đề giáo dục, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1990, tr. 51).
Đảng và Nhà nước ta, trong công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, đã xác định: Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam tiên tiến. Cho nên, đào tạo con người vừa có Tâm, vừa có Tài là một yêu cầu bức thiết và tất yếu của đất nước hôm nay và mai sau. Tạo điều kiện cho nhân tài xuất thân và phát triển; phê phán thói đố kỵ hiền tài và những kẻ cơ hội mạo danh là “nhân tài” - đang là vấn đề thời sự bức xúc, đồng thời có ý nghĩa to lớn và lâu dài để đất nước phát triển nhanh và bền vững, tiến kịp và hòa nhập với thế giới văn minh.
Cái “Tầm”
Người ta thường nói: “Tầm cao”, “Tầm nhìn xa trông rộng”, “Tầm vóc”, “Có tầm cỡ”…, nhiều khi chỉ nói gọn là “Có tầm” - theo nghĩa bóng, để đánh giá về một con người, một đơn vị, một tập thể, một tổ chức, hay một sự kiện chính trị - văn hóa - xã hội nào đó. Chẳng hạn: “Một nhân vật có tầm cỡ”, “Một tổ chức có tầm cỡ”, “Một người có tầm nhìn xa trông rộng”; hoặc: “Ông (bà) X. chỉ ở cái tầm thường thường bậc trung (hay tầm thấp) mà thôi”!… Cái Tầm như vậy là mức độ về giá trị của một cá nhân, một đơn vị, một tổ chức, một cộng đồng, hay một sự kiện, hiện tượng, một vấn đề trong cuộc sống, thậm chí cả những dự đoán trong tương lai.
Về cách nhìn nhận, đánh giá bản thân, trong mối tương quan với người khác, ông cha ta - những người trí thức bình dân thông minh ngày xưa - đã dạy con cháu phải biết thận trọng, khiêm nhường: “Trong nhà, nhất mẹ nhì con,/ Ra ngoài lắm kẻ còn giòn hơn ta”.
Sự tự cao tự đại không có căn cứ, thiếu cơ sở thực tế; sự không biết mình biết người; sự tự thổi phồng mình lên, vượt quá cái tầm vóc nhỏ bé của mình - đấy chỉ là sự ngộ nhận, tự huyễn hoặc mình. Thói tự phụ, phép “thắng lợi tinh thần” kiểu A.Q (nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng của văn hào Lỗ Tấn - Trung Quốc) không bao giờ làm cho người ta tiến bộ, không làm cho xã hội phát triển được; có khi lại trở thành chuyện khôi hài! Vì thế, nhạc sĩ tài danh Văn Cao (tác giả “Tiến quân ca” và các bài hát nổi tiếng khác) đã nói một câu rất hay, rất sâu sắc: “Nhiều khi người ta chết bởi những bó hoa được trao tặng”.
Cái tầm cao - thấp của mỗi người (hay mỗi đơn vị, mỗi tổ chức), như đã nói ở trên (theo nghĩa bóng), không phụ thuộc vào khuôn khổ, hình dáng trần tục của mỗi người, mỗi đơn vị, cơ quan… Nguyên soái nước Nga, M.I. Cutudốp (1745 - 1813), nhà quân sự lỗi lạc tầm cỡ thế giới đã chỉ huy quân dân Nga thu nhiều chiến công lẫy lừng trong chiến tranh vệ quốc, đánh bại cuộc xâm lược của đế chế Pháp thời Napôlêông. Nhưng M.I. Cutudốp lại thấp người. Một lần, trong cuộc họp với các tướng lĩnh, ông cầm thước chỉ lên bản đồ quân sự. Bản đồ treo hơi cao. Thấy ông phải kiễng chân lên để chỉ bản đồ, viên sĩ quan phụ tá liền đỡ lấy cây thước trên tay ông: “Thưa Nguyên soái, ngài để tôi chỉ cho, vì tôi cao hơn ngài”. Cutudốp nghiêm nét mặt: “Nhà ngươi không thể cao hơn ta được. Ngươi chỉ dài người hơn ta”! Và ông vẫn chỉ bản đồ một cách bình thản. Thiên tài quân sự M.I. Cutudốp là thế đấy!
Cho nên, cái Tầm của mỗi người, mỗi tập thể, mỗi quốc gia - suy cho cùng, chính là do chữ Tâm và chữ Tài mà ra!
V.I. Lênin dạy: “Phải biết nhìn thẳng vào sự thật, ngay cả khi sự thật đó có đau lòng đến mấy”, và: “Thực tiễn là thước đo của chân lý”. Lời dạy đó sâu sắc, hàm súc, tầm cỡ biết bao! Tiếc rằng rất ít người, rất ít tổ chức hay tập thể hiểu được cái nghĩa lý sâu xa, toàn diện lời dạy đó. Biết nhìn nhận hiện thực khách quan một cách trung thực, thấu đáo, biết phân tích kỹ càng, thông minh và sắc sảo để đánh giá đúng một con người, một tập thể, một hiện tượng hay sự kiện, qua đó tìm ra phương hướng, giải pháp hữu hiệu để xử lý tốt các “vấn đề” của nó, làm cho đối tượng và hiện thực khách quan ấy phát triển tốt đẹp, bền vững - đấy chính là tầm cao của một cá nhân, một tổ chức, một cộng đồng. Nói cách khác, đấy là phẩm chất rạng ngời của con người đích thực có Tâm, có Tài!
Cái Tầm phụ thuộc chủ yếu vào đức độ và tài năng của mỗi người, mỗi tập thể. Nếu suy thoái về chữ Tâm, lại kém cỏi về chữ Tài (không thông minh, không hiểu biết sâu rộng, không có tri thức văn hóa cao và kỹ năng làm việc giỏi, đầu óc lại thiển cận, hẹp hòi…), thì không thể trở thành một người (hay một đơn vị, một tổ chức) có tầm cỡ. Khi ấy, cái kém cũng thành giỏi, xấu cũng thành tốt, dở cũng thành hay, và cũng có khi đánh giá theo chiều hướng ngược lại. Như thế thì mỗi người, mỗi tập thể và cả xã hội sẽ không phát triển được, sẽ kém giá trị - tức là chỉ ở Tầm thấp.
Đào Ngọc Đệ
Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 520
Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...