Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Thế giới nhân bản của Nhật Tiến

Thế giới nhân bản của Nhật Tiến
Thế giới tiểu thuyết của Nhật Tiến (sinh năm 1936) có hai đặc điểm chung: một thế giới của những con người bất hạnh và một không gian của nhân phẩm, con người! Tác giả của chúng là một con người đầy lòng nhân ái và ông muốn mọi người chia xẻ cái nhìn của ông! Trước 1975, ông đã xuất bản 19 tác phẩm gồm 11 tiểu thuyết hoặc truyện dài: Những Người Áo Trắng (1959), Những Vì Sao Lạc (1960), Thềm Hoang (1961), Mây Hoàng Hôn (1962), Chuyện Bé Phượng (1964), Vách Đá Cheo Leo (1965), Tay Ngọc (1968), Giấc Ngủ Chập Chờn (1969), Đóa Hồng Gai, Lá Chúc Thư (1969), Quê Nhà Yêu Dấu (1970); ba tập truyện ngắn: Ánh Sáng Công Viên (1963), Giọt Lệ Đen (1968) và Tặng Phẩm Của Dòng Sông; một tiểu thuyết kịch: Người Kéo Màn (1962); một tiểu thuyết dưới hình thức nhật ký: Chim Hót Trong Lồng (1966), một hồi ký viết cho thiếu nhi: Thuở Mơ Làm Văn Sĩ và ba truyện cho thiếu nhi mỗi truyện từ 30 đến 40 trang: Đường Lên Núi Thiên Mã, Quà Giáng Sinh (1970), Theo Gió Ngàn Bay (1970). Giai đoạn đầu tác phẩm ông do các nhà Phượng Giang, Đời Nay và Ngày Nay của Tự Lực văn đoàn xuất bản, về sau do nhà xuất bản Huyền Trân của ông. Ông từng làm chủ bút tạp chí Thiếu Nhi. Rời Việt Nam như là thuyền nhân (boat-people) và sau khi định cư  ở  Hoa Kỳ, ông là tác giả tập tường trình Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan (1981, viết chung với Dương Phục và Vũ Thanh Thủy), truyện dài Mồ Hôi Của Đá (1988) và ba tập truyện Tiếng Kèn (1980), Một Thời Đang Qua (1985) và Cánh Cửa (1990).
Nhà văn của tuổi thơ bất hạnh
Nhật Tiến khởi đầu sự nghiệp viết văn với những đứa trẻ mồ côi trong cô nhi viện, một thế giới trầm lặng, có thể nhàm chán đơn điệu đối với những người ở ngoài, bên cạnh những bà Phước, nhưng qua ngòi bút của Nhật Tiến, người đọc khám phá con người, tâm lý, hoàn cảnh, nếp sống của những đứa trẻ mồ côi, những học sinh nội trú và cả những vị tu hành. Đó là Những Người Áo Trắng , Những Vì Sao Lạc, Tay Ngọc, Chuyện Bé Phượng, Chim Hót Trong Lồng,...
Những Người Áo Trắng là chuyện của Quỳnh, một nữ tu trẻ. Từ thân phận mồ côi, được thương giúp, Quỳnh đã trở nên nữ tu để thương lại những đứa trẻ cùng phần số hẩm hiu. Quỳnh đã đưa lên trang giấy thế giới đó. Thể loại bút ký đưa người đọc đến với những đứa trẻ, đến với một thế giới đằng sau bức tường kín cổng, ngoài kia là cuộc đời, là sự sống; trong nầy là một sức sống khác, sức sống tinh thần. Con đường đưa Quỳnh đến với đời sống tu hành đã phải qua nhiều chặng đường. Nàng đã nhìn thấy những đứa bạn chỉ vì muốn thoát ly đã phải chết như Hoà, chịu nghiệt ngã như Liễu. Đã theo đường tu hành, nhưng tim nàng đã có lúc xúc cảm mạnh vì tình yêu dù đơn phương với một sinh viên đeo kính gặp ở vườn hoa - tình yêu ở Nhật Tiến nói chung có thể mãnh liệt trong lòng nhân vật chứ tác giả không chi tiết dài dòng! Và khi đã tận hiến cuộc đời cho Chúa và những đứa trẻ cùng số phận, nàng cũng đã phải chịu sự đố kỵ đôi khi nghiệt ngả của một số đồng tu. Chỉ vì nàng thương trẻ, qua Phượng, qua Lucie, với một tình đồng cảm.
Những Vì Sao Lạc rọi ánh sáng từ nhân vào cuộc đời những đứa trẻ và thanh thiếu niên vì hoàn cảnh trở nên mồ côi, và cũng vì đó đã có những hành động xấu đối với xã hội bình thường. Chuyện của Khánh, mẹ chết vì bom đạn, bố tự tử vì thất vọng người vợ tục huyền, anh em đã phải sống nhờ cơm chùa, và khi muốn tự lập thì em bệnh nặng không tiền đi khám bác sĩ; đường cùng dẫn đến trộm tiền người quen để phải bị cái án "du thủ, du thực, ba tháng tù" (tr. 166). Khánh vào tù nhưng lòng nhẹ nhàng khi thấy em Mai tìm được tình thương nơi hai người bạn của Khánh. "Lòng tôi trở nên nhẹ nhàng và can đảm. Ba tháng tù sẽ rửa sạch cho tôi tội lỗi mà tôi phải trốn tránh. Tôi sẽ có cơ hội để làm lại cuộc đời. Mộng tưởng của tôi vẫn là mong muốn được dự phần vào guồng máy khổng lồ của xã hội. Mồ hôi của tôi sẽ đổi lấy những buổi chiều có gió mát dẫn em Mai đi chơi ở trên đường có hoa xoan tây rụng đỏ. Mai sẽ lớn lên như một con chim có linh hồn trong sáng..." (tr. 166). Trong tiểu thuyết này, tình người được đề cao, cao hơn những thói thường tình, như Khánh đối với dì Tự, biết dì ghẻ ngoại tình với người làm của bố, biết em Mai là hậu quả của ngoại tình - tức không phải con của bố Khánh, anh vẫn thương: "Trong cái tang đau đớn này, dì mất chồng cũng khốn khổ như tôi mất cha. Tôi thấy thương dì hơn là giận. (...). Sự cô đơn của người đàn bà góa và đứa con thơ ngây cho tôi nỗi xúc động. Tôi không thể ghét dì mà còn tràn ngập lòng thương. Tôi tin rằng nếu linh hồn ba tôi còn lẩn quẩn ở đây, chắc ông có cùng ý nghĩ như tôi" (tr. 90, 97). 
Chuyện Bé Phượng (1964) là chuyện một xã hội thu nhỏ trong một viện mồ côi, những đứa trẻ mang tên Phượng, Alice, Dung, Cúc,... "Con bé Dung khôn ngoan gian giảo, biết nịnh các soeur khi cần nịnh, biết nhường nhịn lũ trẻ khi cần thiết phải nhường, những điều gì làm lợi và vui cho nó thì dù có phải tàn nhẫn để đánh đổi lấy, nó cũng không từ" (tr. 14). Cũng đạo đức giả, cũng ăn cướp cơm chim, cũng ích kỷ độc ác, v.v... như xã hội người lớn. Bé Cúc đóng vai ăn cắp vặt có "lý do", có "quyền" vì nó chỉ lấy của người dư thừa: "Ừ tao ăn cắp thì đã làm sao, tao không lấy của của mày (Phương), tao lấy của chúng nó, chúng nó thiếu gì" (tr. 128). Phượng được các soeur thương, nhưng cô có tâm hồn, có suy nghĩ, lúc nào cũng nghĩ đến Chúa và sự cứu rỗi. Lớn hơn là các chị Quỳnh, Giang, Thu, Thanh... và những tranh chấp. Mẹ Félicité phải ra đi để rồi được Quỳnh viết thư xin mẹ trở về viện để dìu dắt lũ trẻ. "Bởi vậy con xin mẹ hãy nhân danh những sự cứu rỗi, vẫn thường là con đường của Chúa đã vạch ra, mà trở lại viện cô nhi hướng dẫn dìu dắt và bảo ban chúng con... Vì mẹ là kẻ sáng suốt, vì mẹ là kẻ đã thực sự nhìn vào cuộc sống khốn khổ của chúng con, thực sự thông cảm nỗi chua xót của những đứa mồ côi..." (tr. 199). Chuyện trẻ con, trẻ mồ côi, đời sống trong một viện mồ côi nhưng nhiều ý nghĩa có thể áp dụng cho cuộc đời!
Chim Hót Trong Lồng thêm một câu chuyện về những đứa trẻ mồ côi và nội trú trường Nhà Trắng với các bà sơ, một đề tài quen thuộc với Nhật Tiến. Nhưng ở đây tác giả cho thấy con người là nạn nhân của nhau và sự vươn lên của những kẻ thấp hèn không dễ. 14 lá thư và những trang nhật ký của một cô bé tên Hạnh mẹ gửi nội trú trường các Soeur. Những lời lẽ ngây thơ chân chất của người con viết cho người mẹ, thật cảm động sự ngây thơ của cô bé khi nghe người khác kể lại mẹ làm nghề điếm: "Má làm nghề điếm phải không má. Chú con Hằng nói chuyện với nó thế. Con hỏi điếm là gì thì nó cũng không biết. Vì chú nó chỉ nói thế thôi. Có thật không má? Sở điếm của má có to không? Má làm chức gì trong ấy? Mà sở điếm thì buôn gì hở má?..." (1). Mẹ bệnh nặng phải nằm nhà thương, Hạnh về nhà bà Tuyết bạn mẹ cùng nghề, ngây thơ trách mẹ "Tại sao má bắt con ở chung với đồ đĩ như thế" (tr. 71). Mẹ chết, hết người để gửi thư, Hạnh viết nhật ký để "nói" với mẹ và cầu xin "Lạy Chúa. Xin Chúa hãy vì má, hãy vì nỗi lòng đớn đau và tinh khiết của má, mà đưa má về nơi thanh cao như lúc này con đang thành tâm tha thiết nguyện cầu cho má..." sau khi nghe lời sơ Félicité cắt nghĩa "Má có linh hồn. Linh hồn của má sẽ được tới gần chân Chúa" (tr. 98-99). Câu chuyện với nhiều cơn mưa dài, lạnh, lá rụng nhiều mà tiếng chuông như gọi hồn cũng nhiều; mưa và lạnh những lúc đi dạo Tết cũng như những buổi hiếm hoi được gặp mẹ và cuối cùng lúc đám tang mẹ!
Đến Tay Ngọc, ảnh hưởng Thiên Chúa giáo đậm đà hơn nữa. Qua những bức thư của Hạnh, một nữ sinh lưu trú gửi cho Mẹ Bề trên, trong đó nàng kể lại những sinh hoạt của viện mồ côi đồng thời ghi lại những suy nghĩ về tương lai và chứng tỏ một niềm tin mãnh liệt nơi đấng thiêng liêng: "Chúa chẳng để sự đe dọa nào có thể làm lung lạc đức tin ấy nơi Chúa. Rồi từ đó, nếu ai ai cũng giữ được lòng thánh thiện, mọi vết nhơ được xóa bỏ, mọi tội lỗi được dung tha, mọi điều khổ sở sẽ được hàn gắn, và nhân loại sẽ tạo được địa vị trong sáng ban đầu". Lòng tin làm nền cho quan niệm sống và cư xử ở đời!
Mây Hoàng Hôn (xuất bản năm 1962 nhưng viết xong từ 1958) kể chuyện cuộc đời buồn nản của Đỗ, một nhà văn trẻ bị bệnh lao phổi, vào nằm điều trị ở một bệnh viện Thiên Chúa giáo, đem lòng yêu bà Tâm, một bà phước trẻ đẹp. Mối tình đơn sơ, tột đỉnh cũng chỉ là cảnh "Đỗ kéo hai bàn tay mềm mại của bà về phía ngực mình. - Tâm ơi... Tâm tha lỗi cho tôi" (tr. 78). Vì tình yêu như thế là tội lỗi, bà phước Tâm xin đổi đi nơi khác và chết trẻ, để lại tập nhật ký, bà Madeleine gửi cho Đỗ, chàng khóc đến hết nước mắt rồi tìm đến bên mộ bà "cúi xuống vuốt mãi tấm bia trắng để cảm thấy mình gần quá với những dòng chữ cuối cùng còn ghi lại di tích của con người bạc mệnh". Một chuyện tình đẹp nhưng bất khả thi, Nhật Tiến kết thúc đơn giản thay vì lèo lái câu chuyện éo le theo thị hiếu.
Không khí tiểu thuyết của Nhật Tiến vừa kể luôn có bóng dáng các nữ tu và một số tín lý đạo Thiên Chúa nhưng thiển nghĩ mục đích của Nhật Tiến là phổ biến và đề cao lòng nhân ái, tình thương người, kêu gọi xóa bỏ ích kỷ trong mọi trường hợp, ngay cả khi yêu. Nhật Tiến theo đạo Phật nhưng đã viết một phần ba tác phẩm về thế giới đạo Thiên Chúa một cách thuần đạo như Thụy An Hoàng Dân thời tiền chiến, trong khi nhà thơ Hàn Mặc Tử tuy có đạo nhưng thi ca ông chịu nhiều ảnh hưởng Phật và Lão. Nhật Tiến đã đưa người đọc vào thế giới đạo đó từ trước khi di cư vào Nam. Mặt khác, thời văn học miền Nam này, nhiều nhà văn đã viết cho tuổi thiếu niên, ngoài Nhật Tiến còn có Nhã Ca, Duyên Anh,... nhưng ông khác hai nhà văn sau, tiểu thuyết của ông còn nhắm độc giả trưởng thành hơn, vì ông luôn nêu lên một vấn đề nào đó không thể không suy nghĩ và tìm giải pháp!
Nhà văn xã hội
Chiến tranh khiến cho người nghèo càng nghèo khó hơn, càng thêm trẻ bụi đời, mồ côi, Nhật Tiến ghi lại trong Giấc Ngủ Chập Chờn, Giọt Lệ Đen, Quê Nhà Yêu Dấu,... Nhân vật của Nhật Tiến rời mái ấm cô nhi, trường các dì phước, trở thành những người nghèo khó vật chất cũng như tinh thần. Thềm Hoang, giải văn chương toàn quốc 1962, viết về một thế giới người nghèo ở Xóm Cỏ, một xóm cận biên ở thủ đô Sài Gòn mà cũng có thể ở một nơi khác. "Dạo ấy dân xóm Cỏ làm đủ mọi nghề của một tầng lớp thấp kém" (2). Nơi đó có đủ mọi hạng người, đĩ điếm, đạp xích lô, thông cầu tiêu, bán hàng rong, ăn xin, v.v... Một sống chung với những thói hư tật xấu, với lòng ngay và tình đùm bọc khi hoạn nạn. Một mối tình vô vọng nhưng chân thật của bác Tốn mù hát rong xin ăn với cô Huệ gái giang hồ: "Cô Huệ ơi... Nếu cô lấy tôi thì tôi xây nhà gạch hai tầng/ Tôi mua ô tô cho cô ngự, mua váy đầm cho cô thay". Nhưng cô Huệ sẽ chết thảm, bác Tốn chung tình tự đứng ra lo cho đứa con lai có với lính Tây lê dương. U Tám cũng chết buồn thảm, mụ Nết thì trở thành điên cuồng vì con cháu. Những thằng Ích, cái Ngoan, cái Hòn,... lêu lỗng. Chuyện tình đơn sơ dễ tính của Hai Hào đạp xích lô với Đào con Phó Ngữ. Năm Trà qua Lào làm ăn trở về mất vợ mất con, mẹ điên, hắn lên cơn đốt nhà không ngờ cháy tan rụi cả xóm! Cơn mưa to ở cuối truyện phải chăng đã đến như hy vọng quét sạch những tàn tích của tội lỗi lẫn khó nghèo? Xóm Cỏ sống động dưới ngòi bút Nhật Tiến, tình người, nếp sống linh hoạt không ngừng biến cố, diễn tiến. Khi nói đến những vấn đề xã hội là đã ngầm chứa đòi hỏi công bằng, Nhật Tiến làm kẻ quan sát và ông tỏ ra có tài trong công việc này, cả rành tâm lý. Tả sự cô độc của bác Tốn mù, một lần bác ôm đàn ngồi ở bực cửa hát chờ cô Huệ đi ngang qua: "Bóng tối vây quanh như nỗi cô độc của bác trong sự mù lòa" (tr. 28). Lúc khác bác nghêu ngao hát cho mọi người nghe cười cho vui. "Tiếng cười của họ khiến bác nghĩ rằng mình không cô độc" (tr. 29). Tiếng cười của một nhân vật khác, dượng Tám, thời tán u Tám thì "tiếng cười lỗ mãng và ngay thẳng. Vì thế u tìm thấy ở dượng cái vẻ gì gọi là chất phác, đáng yêu" (tr. 33). Nhưng khi đã về với nhau thì chỉ có tiếng hét, la mắng, vòi tiền, lừa gạt! Cảnh lão Phó Ngữ gây với Đào, con gái lão, đã dám thất thân với Hai Hào đạp xích lô, rồi đến bàn chuyện đám cưới, cũng như những cảnh đú đởn tình từ của đôi nhân tình này, là những bức tranh thật linh động!
Tập Ánh Sáng Công Viên gồm 8 truyện ngắn viết về những mảnh đời, những chuyện tâm tình, những cảnh đời ngang trái  (bị giam vì tình nghi chính trị, cảnh đòi nợ, cảnh gia đình êm ấm trong xóm nhỏ,...). Nói chung tác giả tỏ nhiều thiện chí, muốn con người lưu tâm đến những tệ nạn xã hội hoặc hậu quả của chiến tranh,... trong khi nhiều nhà văn đồng thời với ông  chạy theo siêu hình hay những giải pháp không tưởng!
Giọt Lệ Đen tả một trong nhiều thảm cảnh của thời chiến. Hai anh em mồ côi, Tư Híp và thằng Út sống với nhau nên khi Tư Híp đi trình diện nhập ngũ thì đã phải đem thằng Út theo, may có Hiên làm nhà bếp thương anh em đã giúp giữ thằng Út trong khi Tư Híp phải đi hành quân xa. Một tình yêu nhẹ nhàng đến với anh em Tư Híp và kết không bi đát trong khi người đọc chờ đợi cái phải đến bi đát của chiến tranh. Tác giả kết thúc với hy vọng, đứa em leo lên ụ đất nhìn theo đoàn quân lên đường bụi mờ mịt! Một truyện ngắn khác, Kẻ Nổi Dậy là chuyện tâm lý, chuyện anh Ba Sinh, một anh chồng yếu đuối chỉ biết ăn bám vợ, nghi vợ làm điếm nuôi cả nhà mà không dám hỏi. Ra vẻ có ý chí, nhưng không đủ mạnh để thay đổi tình thế, ngay cả việc dạy dỗ đứa con duy nhất.
Nhật Tiến cũng viết về xã hội của giới văn nghệ sĩ, với Người Kéo Màn (1962) và ghi là "tiểu thuyết kịch". Nếu Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan đem triết lý vào kịch thì Nhật Tiến đem thế-giới tiểu thuyết vào kịch. Phải chăng Nhật Tiến có mục đích giáo dục, xã hội, do đó đã thử nghiệm thể loại này? Không hẳn là một vở kịch để diễn viên trình bày, cũng không hẳn là một tiểu thuyết về thế giới sân khấu về khuya - cũng là thế giới con người với đủ tài và tật, thích hào nhoáng, ít tác động, nhiều lý luận tư duy. Hạnh phúc ở đây thật mỏng manh. Người đọc và nhân vật được tác giả mời tham gia vào trò chơi, mà cũng không thể không tham gia. Nói đến sân khấu là nói đến đạo diễn, diễn viên, những thần tượng của một thế-giới. Nhật Tiến đưa người đọc và cả người xem vào trong hậu trường, nơi đó mặt trái buồn nôn được phơi bày. "Tà áo của nàng hất tung lại phía đằng sau. Hắn thấy một vệt sáng chiếu vào khoảng mù mịt đang ngự trị trong lòng mình" (tr. 95). Tác giả vở kịch (không phải tác giả Nhật Tiến) thú nhận: "Cái đau đớn nhất của anh là anh không biết phải hành động thế nào cho hợp lý cả" (tr. 13). Không dám sống thực, do đó tự thấy là bịp bợm mà vẫn phải viết kịch,..." (tr. 13) để rồi đi đến chỗ cô độc đớn đau, người vợ đã không chung thủy. Những nhân vật lão kéo màn, người thiếu nữ trinh trắng, người nghệ sĩ thổi clarinette, đứa bé,... chỉ là những cái cớ cho người kéo màn - không hẳn là tác giả, Nhật Tiến, nói đến định mệnh. Các nhân vật đầy mâu thuẫn, cả tác giả Nhật Tiến, khiến có kịch tính! Màn đã kéo, những thần tượng gãy đổ, những sự thực đắng cay,... Nhật Tiến đi con đường ngược với Bertolt Brecht là người muốn diệt hấp lực của truyện kể ở kịch, chối bỏ sự thật, diễn viên diễn xuất và mời gọi người xem suy nghĩ về tấn kịch được trình bày thay vì để lịch sử thâu tóm hết!
Hướng về dân tộc và tương lai
Sau 1975, Nhật Tiến ngưng viết cho đến khi vượt biển thành công và đến Hoa Kỳ năm 1980. Khi ở trại tị nạn Songkhla, ông đã bắt đầu viết lại (nhiều truyện sau in trong tập Tiếng Kèn) và đã đem những ưu tư, suy nghĩ vào văn chương. Ngòi bút của ông trở nên phẫn nộ dù lòng thương và tình người vẫn mạnh ở ông. Trước hết ông viết về số phận những thuyền nhân (boat people) mà ông vừa từng trãi qua, Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan, với Dương Phục và Vũ Thanh Thủy. Sau đó là các tập truyện ngắn Tiếng Kèn (1982), Một Thời Đang Qua (1985), truyện dài Mồ Hôi Của Đá (1988) và tập truyện Cánh Cửa (1990). Nhật Tiến phát biểu về vai trò người cầm bút ở thời điểm mới: "Tôi vẫn hằng quan niệm rằng thiên chức của người cầm bút là phản ảnh được môi trường xã hội mà họ đang sống, và đấu tranh cho những nguyện vọng tha thiết nhất của con người trong xã hội ấy được thể hiện. Môi trường xã hội hiện nay của người cầm bút là tình cảnh lưu vong mà họ đang sống, là anh em, bạn bè, đồng bào còn đang rên xiết ở quê nhà và những đồng bào tị nạn đang lây lất ở các trại tạm trú..." (3)
Sau những cố gắng tố cáo tội ác hải tặc và chế độ mà nạn nhân hải tặc phải bỏ đi, ông đã đi đến nhận thức tình trạng mới không thể ôm hoài suy nghĩ đã mòn. Ông đưa những ý tưởng đó vào các tác phẩm mới. Tập Tiếng Kèn (1982) là bức tranh sống động về cuộc đổi đời của miền Nam. Những đối xử dã man, không nhân tính với đồng loại. Tiếng Kèn của lão mù kiếm cơm, công an chìm của cộng sản cũng phải theo bắt và kết án là CIA. Khi được thả ra, lão sợ nên thổi bài "Như có bác Hồ..." liền bị dân trong xóm phản đói. Lão thổi bài "Việt Nam! Việt Nam nghe từ vào đời..." thì tiếng vỗ tay vang dậy, nhưng lão không nghe được gì nữa, "hồn gã bay bổng theo tiếng kèn (...). Gã đã đắm mình vào làn âm thanh bao phủ quanh gã, và thực sự đang nâng bổng tâm hồn của gã lên cao" (tr. 25). Những nạn nhân khác là bà lão già còn phải lội rừng đến trại cải tạo thăm con nhưng kiệt lực ngay cổng trại chưa kịp thấy con. Là vợ một đại úy quân y nay chồng đi cải tạo, đói phải đi trộm khoai, may gặp được lão Qưới người bị mất trộm khoai nhưng may người này từng chịu ơn ông chồng bác sĩ cứu tử trước 1975 đã cho 50 chục; nhưng với số tiền này, bà nấu một nồi cháo thịt để cùng với năm con chết để "bầy con tội nghiệp của cháu khỏi phải trầm luân trong cái xã hội đầy cơ cực này" (Nồi Cháo Thịt). Trận Đánh Cuối Cùng Của Một Kẻ Sĩ là trận đánh về mặt văn hóa của Ba Sinh, người bị công an đến nhà tịch thu hơn ba ngàn cuốn sách trân quý lưu trữ. Tình cờ anh gặp lại sách của anh được bày bán "chui" do đường giây kiếm ăn - tịch thu rồi đem đi bán thay vì nộp theo chính sách.
Truyện trong tập nói đến bộ mặt thực xã hội: Chiếc Áo Tây Vàng về một  xã hội bạo lực, sự sống sót là quan trọng bất kể phương tiện, cả việc đào mả, như người thiếu nữ đào mả lấy đồ bán chợ trời kiếm tiền nuôi hai đứa em, đã khai trước tòa:"Xã hội của chúng ta là xã hội chủ nghĩa, chủ trương duy vật mà đả phá duy tâm. Chỉ những kẻ còn đầu óc duy tâm mới quan niệm rằng đào mả lên tức là xâm phạm đến linh hồn người chết. Tôi sống bằng lao động của chính tôi. Tôi không ăn bám một ai. Tôi chỉ lấy đi những đồ dùng chôn dưới mả là những thứ mà xã hội bỏ đi, đã phế thải. Hơn thế nữa, tôi lại dùng lợi tức ấy để nuôi các em tôi ăn học, tức là bằng lao động đó, tôi đã nuôi dưỡng những mầm non của đất nước.
Vì thế, tôi là người hoàn toàn vô tội" (tr. 143). Truyện Chuyến Tàu Ngày Cuối Năm  diễn tả tâm trạng những người trẻ bắt đầu ý thức, phản ứng trước những đòi hỏi hy sinh cho nghĩa vụ hoặc lý tưởng láo khoét che đăy những mưu đồ bẩn xấu như đưa thanh niên sang làm "nghĩa vụ" bên lân bang Kampuchia. Hùng và một số bạn đã phải đào ngũ và chấp nhận cuộc sống lẩn tránh và hiểm nguy chết chóc, tù tội, nhân danh ước vọng tối thiểu làm người! Trong tập truyện đầu tay xuất bản ở ngoài nước này, một mặt Nhật Tiến cho thấy đời sống cơ cực của người miền Nam sau 1975, ông vạch mặt thủ phạm là chiến tranh, bạo lực, là lòng thú giưa người đối với người, trong sự ghen tương giàu nghèo Nam Bắc càng lộ rõ khi tiếp xúc, người trong Nam không tin tưởng nơi đồng bào từ miền Bắc, họ biết những người kia sống trong một chế độ bưng bít, không hề biết sự thật, lừa dối nhau để sống còn, lãnh đạo thì tuyên truyền, đe dọa, người cùng đinh thì lừa nhau miếng ăn, cái bát và cuối cùng những cảnh tượng "chiến thắng" thực ra chỉ là trò hề tội nghiệp!
Đến Một Thời Đang Qua (1985) gồm hai phần quê người sống hối hả máy móc với những va chạm văn hóa, những người mẹ già lạc lõng ngay trong gia đình mình, trong khi quê nhà giữa bao thảm kịch, sĩ quan bộ đội hủ hóa, tình cờ vẫn có người thủ trưởng công an biết nói cám ơn. Người Làm Ca Đêm, Một Ngày Của Nhiều Người tả nếp sống đến lạ kỳ ở quê người, đời sống thường không còn của riêng mình mà là của guồng máy, đi làm để trả bills, vội vàng vì kẹt xe. Làm việc an ninh mà máy móc đến điên người như Vũ trong Những Mẩu Dây Leo, rồi tranh chấp, rồi bị người làm chung tố với xếp anh bị tâm thần, trong khi thư nhà đến đều với những vấn đề phải giải quyết. Mùa Xuân Của Nàng và Bông Hồng Nào Cho Mẹ đề cập đến những va chạm hội nhập văn hóa, trong khi đó Những Mảnh Trăng Thu đưa người đọc trở lại với những trẻ nghèo khổ nhưng biết thương yếu nhau, một đề tài quen thuộc của Nhật Tiến.
Ngoài ra, trong tập truyện này, Nhật Tiến đi bước đầu trong việc tìm hiểu và viết về con người ở miền Bắc và những người ở miền Nam sau 1975 như những con người "ruột thịt". Văn ông hiền lành nhưng ông đã nói đến những khúc mắc của con người cùng là nạn  nhân của chiến tranh, ông luôn khẳng định sự thất bại của cộng sản muốn tiêu diệt nhân tính nơi con người. Ông tìm hiểu xã hội miền Bắc - của những kẻ tự cho là kẻ thắng kẻ tài giỏi, và đi đến tố cáo bộ mặt thật. Nhận chân để tìm ra những thái độ của con người miền Bắc dù là đang thuộc thành phần ưu đãi hơặc phía sức mạnh (cán bộ, bộ đội,..) đứng trước những thảm cảnh, thất bại của một chủ nghĩa vô nhân, của một guồng máy bạo tàn. Những Vết Chân Trâu trình bày bộ mặt thảm hại của xã hội miền Bắc, con người tàn hại nhau nhưng nhân danh những chính sách, chế độ bất nhân như tem phiếu, "còn tem phiếu thì còn được phân phối nhu yếu phẩm theo giá chính thức. Không còn tem phiếu thì kể như đã bị gạt ra khỏi mâm cơm chung của xã hội, dù chỉ là mâm cơm được bày biện những khoai cùng sắn" (tr. 115). Lão Thược cuối cùng mong ước được thay thế con trâu để kéo cày cho xã. Một Chuyến Đi cho thấy sự đày đọa con người bằng những biện pháp cai trị phi lý mà George Orwell từng nói đến trong 1984. Một Big Brother mất nhân tính, Quý xin giấy tờ để ra Bắc thăm mẹ bị đủ trở ngại để phải thốt lên: "Có lẽ ở trên đời này chỉ có Quý là kẻ duy nhất đã có thể cười được khi nhận được tin mẹ mình đang thật sự hấp hối!" (tr. 91), vì lúc đó mới có thể có giấy di chuyển. Chặng Đường Cuối phá vỡ huyền thoại con người và đạo đức cách mạng. Huyền thoại Tay Ngà mà nhân vật Lữ từng ôm ấp 30 năm về chị Thu trở nên vô hiệu khi nhìn thấy hai bàn tay chị thô nhám nhăn nhúm và khi nghe giải thích "Chế độ mới cần đề cao tinh thần lao động trong mọi tầng lớp quần chúng, kể cả những nghệ sĩ chơi đàn. Tôi không bị cấm đánh đàn nhưng tôi cũng bị bắt buộc phải cầm thêm cái cuốc. Cơn tàn phá đối với một bàn tay chỉ trong vòng một tháng là thấy rõ những ngón tay chai cứng lạị Nốt nhạc trở nên lạc lõng, xớn xác như lâm hồn lạc lõng, xớn xác của toàn thể con ngườị.." (tr. 66). Thân phận người phụ nữ dĩ nhiên không ra gì trong một xã hội như vậy. Chân Dung Người Nữ Diễn Viên tên Hồng đã phải sống và trình diễn giả dối cho hợp chế độ, nên khi hết thời, về sống cày ruộng bên anh chồng thương phế binh mà lại cảm thấy thoải mái hơn!
Cái Túi Bùa gây suy nghĩ nơi người đọc, khi tác giả viết về Bà Cụ Tám ba đời tiễn chồng rồi con rồi cháu ra đi chiến đấu không ngày về. Đến đứa cháu, bà đeo bùa vào cổ cho cháu dù đó là chuyện cấm kỵ ở một chế độ làm nhụt lòng chiến sĩ ra đi lên đường vì tổ quốc. Nhưng đứa cháu đã chứng tỏ không như hai thế hệ cha ông, bắt đầu ý thức đâu là chân lý, không chấp nhận hãi sợ vô cớ, không chịu câm lặng hy sinh vì bất cứ lý do nghĩa vụ nào:"Kampuchia là cái xứ chó chết nào? Tại sao mình lại phải đi đánh nhau ở đó? (...). Tuổi trẻ của tao phải khác với tuổi trẻ của ông nội tao, của bố tao. Tao không muốn tiếp tục trở thành những quân cờ, những quân chốt thí muôn năm hết đời này qua đời khác..." (tr. 110). Qua Kampuchia xong, Hải tìm đường vượt biên sang Thái Lan! Vở kịch Công Lý Xã Hội - kịch bản hóa truyện Chiếc Áo Tây Vàng, đóng lại tập truyện: kịch tính ở đây không do kịch bản mà do cái hiện thực của đời sống: hầu như mọi người trong xã hội đều phải đóng kịch để sống còn, ai đóng giỏi trở nên mạnh hơn, có lý hơn!
Nhật Tiến là nhà văn gây phản ứng chính trị (thật ra là của vài nhóm người tị nạn) ở hải ngoại khi ông xuất bản truyện dài Mồ Hôi Của Đá (1988) và đăng báo truyện Gặp Gỡ Cuối Năm. Trong Mồ Hôi Của Đá, qua chuyện của những người ở trong nước như Nguyệt, Toàn, Hoàng, ông Năm Tỏa,..., tác giả đề nghị đối thoại và tìm hiểu trong tinh thần nhân bản và dân tộc, để xây dựng lại quê hương. Ông nói đến con người, dân tộc, muốn không phân biệt nữa, vì tương lai, cho tương lai. Cuộc chiến mới ông muốn đề ra là cuộc chiến giữa nhân bản và phi nhân, giữa lẽ phải và sai quấy và giữa dân tộc và phi dân tộc.
Sau những nhận thức những tồi tệ của xã hội, chế độ, Nhật Tiến đã đi đến những nhận thức cho một Việt Nam tương lai. Mồ Hôi Của Đá dưới hình thức một truyện dài, do đó tác giả có đất để trình bày rõ những suy nghĩ và giải pháp mà hai tập truyện ngắn xuất bản trước đó đã chỉ mới thử những bước đầu. Lấy nhân bản làm nền tảng, dùng khai phóng làm tâm niệm, giải pháp ở đây có một kích thước lớn hơn thường tỉnh phân biệt Bắc Nam, trong-ngoài nước. Nhật Tiến trình bày ở lời mở đầu: "trong một vận hội mới nhằm phục hồi và xây dựng lại quê hương đang điêu tàn, đen tối và đày rẫy nhục nhằn như hiện nay. (...). Tôi nghĩ rằng, văn hóa nói chung và Văn Học Nghệ Thuật nói riêng, có khả năng góp phần vào công cuộc tạo dựng những điều kiện qui tụ tốt đẽp trong công cuộc hình thành một sức mạnh tổng hợp, cả trong lẫn ngoài nước để hoàn thành sứ mạng giải phóng quê hương. Văn Học Nghệ Thuật, do đó sẽ có thêm một hướng đi mới, bên cạnh những hướng đi đã có, đã từng góp phần tích cực vào công cuộc tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc ở hải ngoại. Chấp nhận một chiều hướng sáng tạo như thế, trong khung cảnh còn đầy rẫy những ngộ nhận như hiện nay, là chấp nhận một sự thử thách..." (4). Chuyện xảy ra ở miền Nam sau 1975, người hai miền sống chung, những va chạm, một bên ức hiếp, lợi dụng, một bên chịu đựng hoặc tìm cách qua cầu. Nhưng có những người trẻ lý tưởng, như Nguyệt,... không muốn cực đoan, một chiều, muốn ra tay làm một cái gì trong hoàn cảnh mới, trở thành bí thư chi đoàn thanh niên.
Trong tập Cánh Cửa (1990), ông đi xa hơn, để cho nhân vật Trường, một người tù cải tạo, thuyết phục, "cải tạo" .
Nhật Tiến đồng thời có cái nhìn phê phán miền Nam trong hơn 20 năm (1954-1975) cũng có những tiêu cực cần phải nói lên, nhận chân. Ông đã nhìn thấy "những kẻ đầu cơ, tích trữ, những đùa sống nhởn nhơ, phè phỡn trên cơn thiếu thuốc men, bệnh tật của dân nghèo khó, những đứa buôn súng đạn, bán đứng sinh mạng của chính anh em đồng ngũ của mình...". Xã hội miền Nam đã bị "những kẻ bất tài nhưng có quyền thế thao túng chính trị, thao túng thị trường, thao túng trên cả sinh mạng của binh sĩ" - nhân chân không riêng gì của ông mà còn là của nhiều người khác!
Cũng theo Nhật Tiến, thế hệ trẻ có những suy nghĩ và ước mơ chính đáng. Hoan trong Những Sự Thực Cần Được Nói Ra là những sự thực của Hoan, một bí thư đoàn thanh niên của một trường ở miền Nam sau 1975 và là con của một lãnh đạo .
Những Chuyện Bên Lề là những chuyện phi lý và bất nhân của người Việt tị nạn ở Hoa-Kỳ không nhận người đi từ miền Bắc là đồng bào, cùng là nạn nhân cộng sản. Tư, một giáo viên Sử ở Hà-Nội vượt biên tới Hương Cảng rồi được định cư ở Hoa Kỳ, bị lạc loài, không cách gì đến gần đồng bào đi từ miền Nam, ông nghĩ "một đàng thì quả đồng hương có nhiều, nhưng họ thuộc về một cộng đồng khác, cộng đồng của những người bên kia, những người vì đã thua cuộc nên có quyền ngẩng cao đầu tự hào về dĩ vãng chính trị của mình, còn tôi thì đâu có một chỗ đứng để chen chân vào. Nói khác đi, dù tôi đã chối bỏ chủ nghĩa cộng sản để qua vùng đất mới thì cái dĩ vãng của tôi, cộng với nền nếp tôi suy nghĩ, thói quen của những từ tôi dùng, cũng đủ để cho tôi cảm thấy lạc lõng giữa đám đông và nhẹ nhàng lắm thì cũng bị coi như một kẻ đứng bên lề...". Cũng những tưởng kinh nghiệm giác ngộ của ông trước đó khi thống nhất vào Nam thăm gia đình họ hàng, "cái niềm hãnh diện của một kẻ tham gia hàng ngũ đi giải phóng nó tan xèo như một que diêm", sẽ giúp ông đến gần những nạn nhân như ông, nhưng hoài công!
Đến năm truyện ngắn xuất bản chung với Nhật Tuấn, người em ở trong nước, tập truyện Quê Người Quê Nhà (7), Nhật Tiến tỏ ra mềm mại hơn và giọng văn u hoài, tiếc nuối hơn là tranh đấu. Ở đây là những cảnh đời của nhiều thành phần người Việt vì hoàn cảnh phải thiên cư ra ngoài nước. Những Viên Sỏi Trên đường là vợ chồng Thu Phú đi từ 1975, Phú vẫn đấu tranh để phục hồi cái đã mất nhưng Thu muốn được sử-dụng tự do ở xứ người để đòi hỏi được tự do giúp người khuyết tật ở trong nước; một bên muốn làm cái gì bớt mặc cảm, một bên không muốn sống hết kiếp lưu vong tủi nhục! Cái Thuở Ban Đầu tức thuở gia đình ông Bửu qua California theo chương trình H.O. đã phải va chạm những giá trị của hai thế giới. Cô giáo và hai học sinh người Việt trong ngôi trường lớn rộng nhưng lạnh lẽo tình người, trong một môi trường mà con người chỉ biết chạy theo tiền bạc bỏ rơi giáo dục con cái. Ngày Nàng Trở Lại sau khi hai nếp suy nghĩ đã phải va chạm, gây nên những khoảng cách chua xót giữa người ở ngoài nước cày cực khổ và người trong nước ỷ lại chỉ mơ đến phung phí tiền: "Quê hương không bao giờ hất hủi ai nhưng đời sống là như thế đó. Mỗi con người dù ở trong hay ở ngoài cũng đều góp phần theo một cung cách nào đó để trở nên nhìn nhau xa lạ nhưng âm thầm không ai muốn nói ra (...) Người ta đã sống với quê hương trong trí nhớ với tất cả những cảm giác được tô vẽ lên chứ không phải là quê hương bằng xương bằng thịt với những vật thể sờ sờ có thể va chạm tới được. Đó là nguyên do đổ vỡ, khi người ta lên đường trở lại chốn cũ để tìm lại những xúc cảm chất chứa đày ắp trong tâm hồn của mỗi người trong những ngày sống xa xứ..." (tr. 111, 114-115). Hương Vị Ngày Xưa cho thấy đời sống "tự lập" bi đát của bậc cha mẹ già bên lề cuộc sống của các con đã thành gia thất.
Một thời Nhật Tiến đã bị giới truyền thông hải ngoại lên án là chủ trương ‘giao lưu văn hóa’ và ‘thiên Cộng’. Con người chiến sĩ ở ông đã trung thực đối phó và nay với thời gian và sau những lắng đọng, quan điểm vị nhân sinh của ông hình như cũng là ước muốn của hơn một người có lòng với tiền dồ đất nước và văn học. Ông tin chủ nghĩa cộng sản không thể thành công tận diệt được tình người đã là căn bản còn sót lại nơi mỗi con người dù bị tuyên truyền, nhồi sọ đến mấy, như tên cộng sản cán bộ cải tạo trong Cánh Cửa, như Năm Tỏa, Hoàng trong Mồ Hôi Của Đá, v.v... Chính những căn Thiện còn sót lại đó chứng tỏ con người lúc nào cũng là con người, và khi có dịp sẽ trồi lên bề mặt, sẽ từ đó khởi lên những đòi hỏi chính đáng cho con người dù nhỏ nhoi, căn bản. Nói chung, tác phẩm của Nhật Tiến xuất bản ở hải ngoại vẫn một nhân đạo, nhưng quyết liệt hơn, chứng tỏ ông can đảm và tin ở sứ mệnh nhà văn của mình.
Cả sự nghiệp viết văn, Nhật Tiến luôn tin tưởng nơi con người, dù đó là đứa trẻ mồ côi, trẻ đánh giày, người đạp xích lô, hay một nữ tu, một trí thức, nhà văn hoặc một cán bộ, sĩ quan. Nhân vật của ông dù tuổi đời, hoàn cảnh, địa vị xã hội khác nhau nhưng tất cả đều có một niềm tin hoặc lạc quan nơi tình người và những giá trị nhân bản. Tâm hồn nhân ái của Nhật Tiến hướng thượng, tin ở đấng toàn năng sáng tạo vũ trụ hoặc có liên hệ nhân quả với con người ở trần thế. Niềm tin này mãnh liệt, bền vững. Với một cái nhìn tinh đời, hiểu biết nhưng không tàn độc.
Nhật Tiến có một ngôn ngữ trong sáng, rõ rệt, như tiếp thừa văn phong của Tự Lực văn đoàn - các tác phẩm đầu của Nhật Tiến được các nhà Phượng Giang, Đời Nay và Ngày Nay của Tự lực văn đoàn xuất bản và ông có nhiều truyện đăng trên giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay. Một lòng chân thành, với cái nhìn tinh tế, thâu suốt. Với ngôn ngữ đó, một lối hành văn đó, dù để thả hồn nhung nhớ một thời ấu thơ hay biện hộ quan điểm xã hội cấp tiến của nhà văn. Văn Nhật Tiến hiền, kết thúc vui, lạc quan hoặc tránh nói đến cái bi đát thường dễ xảy ra, và ở những cảnh tả phụ nữ, tác giả tránh đi sâu vào chi tiết sắc đẹp thể chất, hình như người nữ "hấp dẫn" nhất dưới ngòi bút của ông là chị Sinh trong truyện Kẻ Nổi Dậy ("cả một nửa người trắng như sữa", "sức nóng như muốn làm nổ tung bộ ngực đầy đặn căng lên như hai cái bình sứ", "bộ ngực của chị dính sát vào những khoảng áo ướt sũng, căng tròn như hai cái cóng sứ"). Trong các tác phẩm đã xuất bản của Nhật Tiến, người đọc tìm thấy những vấn đề lớn nhỏ của xã hội Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, nhưng sẽ không tìm thấy dấu vết của những trào lưu thời thượng như hiện sinh, Tiểu thuyết mới, cả những phân tâm mà Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Duy Lam đã thử nghiệm. Nhật Tiến khởi nghiệp với những trẻ mồ côi, và truyện ngắn mới nhất đến với người đọc hải ngoại là một truyện về những đứa trẻ nghèo vá bánh xe đạp, - truyện Một Vạt Nắng Xuân Trên Hè Phố, đăng trên giai phẩm Việt Tide (Xuân Nhâm Ngọ 2002) phát hành ở Quận Cam CA, ông ghi viết tháng 12-2001. Gần đây nhất ông phiên dịch tiểu thuyết Thân Phận Dư Thừa của Nguyễn Kiên (8), một lần nữa xác nhận tấm lòng của Nhật Tiến đối với những đưa trẻ bất hạnh, trong cái bất hạnh chung! Dĩ nhiên ông còn tiếp tục viết như vẫn thường xác nhận trong một số phỏng vấn (9)! Kinh nghiệm sống và viết của ông theo thời gian đa dạng, tế nhị hơn, nhưng cũng cương quyết hơn khi cần! Những bước tư tưởng của Nhật Tiến chứng tỏ thêm một điều rằng nghệ thuật phải đi một nhịp với thời đại, và nếu được vậy nghệ thuật mới có thể sống lâu!
Tạp chí Hành Trình năm 1964 đã làm một cuộc "Trưng cầu ý kiến bạn đọc về những tác phẩm văn học được nhiều người ưa thích nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây (1954-1964)" dự tính sẽ đăng trong số đặc biệt Nhìn lại 10 năm văn học miền Nam, nhưng chưa kịp ra thì báo ngưng xuất bản. Giáo sư Nguyễn Văn Trung mới đây thu thập những bài chưa in, cả những thư viết tay lập thành một Hồ Sơ Về Tạp Chí "Hành Trình" (10), trong đó ông công bố danh sách các tác phẩm được ưa thích nhất, về tiểu thuyết có 21 tác phẩm thì Nhật Tiến đã có 4 tác phẩm được chọn, 2 được xếp hàng đầu là Mây Hoàng Hôn và Thềm Hoang, tiểu thuyết kịch Người Kéo Màn hạng 7, và Những Người Áo Trắng thứ 11. Tưởng cũng cần nói ở đây là độc giả của tạp chí Hành Trình phần lớn là sinh viên và trí thức miền Nam lúc bấy giờ!
Nhật Tiến lúc trẻ năng nổ, hăng hái, hội viên rồi phó chủ tịch Văn Bút, phê bình sách, viết tổng kết văn nghệ, tình cảnh nhà văn, v.v... Ông tin nhà văn có sứ mạng đối với tập thể, tin ở vai trò nhân chứng. Lúc nào ông cũng tin tưởng liên hệ vững chắc giữa người viết với người đọc. Sáng tác là để được đọc, viết là đến với tha nhân. Trong một  phỏng vấn của Mai Thảo trên tạp chí Văn hải ngoại (11), Nhật Tiến tự nhận mình là một nhà giáo hơn là một nhà văn. Thời ông, Võ Hồng cũng là một  nhà giáo viết văn, sáng tác từ vị thế và kinh nghiệm của một nhà giáo, trong khi Nhật Tiến cũng hành nghề nhà giáo nhưng trong văn chương ông tự khoác thêm cho mình sứ mạng nhà giáo, như kẻ sĩ ngày xưa. Nghĩa là không làm chính trị theo nghĩa đảng phái, chế độ hay chủ nghĩa. Chính ông có lần thú nhận thời viết Thềm Hoang (1958-1961), ông đã có cái nhìn hạn hẹp khi nghĩ rằng "công việc cải tạo xã hội không thuộc vào trách nhiệm của người cầm bút, nó thuộc về lãnh vực của những chính trị gia hay những nhà lãnh đạo đương quyền..." (12). Các tác phẩm của ông trong suốt hơn 40 năm đã chứng minh điều đó, rằng Nhật Tiến có một sứ điệp, có một ước vọng chân thành! Những thị phi, chụp mũ đã và sẽ rơi vào quên lãng của dư luận, nhưng tác phẩm và ý tưởng, chân tình của ông sẽ còn sống lâu hơn! Nhật Tiến thuộc lớp nhà văn làm văn hóa với quan niệm văn hóa như là một phương tiện chứng minh sự hiện hữu cao quý của con người trong lịch sử. Trong một phát biểu ra mắt tập truyện Một Thời Đang Qua tại Washington DC, ngày 11-10-1985, Nhật Tiến cho biết "văn hóa không thể vùi dập con người mình dưới những lằn roi của sự cực đoan, một chiều, mà trái lại nâng cao giá trị của con người, vạch rõ thực trạng đớn đau, tủi nhục, để trang bị cho con người một nhận thức mới, ở đó con người nhìn ra thân phận bị trị của mình, biết phẩn nộ trước sự phi lý về nông nỗi con người đã bị khai thác triền miên trong bao nhiêu năm ròng bởi một thiểu số đày tham vọng và quyền lực mà không biết đứng dậy làm một cuộc cách mạng mới giải phóng chính mình" (13). Chính tập truyện Một Thời Đang Qua và bài phát biểu này khai mở khuynh hướng gọi là "hòa hợp hòa giải dân tộc", sau đó hơn sáu năm, tạp chí Hợp Lưu ra mắt (1-10-1991) và Nhật Tiến tham gia ban chủ biên!.
Thế giới tiểu thuyết của Nhật Tiến là cánh cửa mở rộng chân trời để con người sống với hy vọng, sống xứng đáng với đồng loại và lịch sử!.
Chú thích:
1. Nhật Tiến. Chim Hót Trong Lồng (San Jose CA: Ngàn Lau tb, 1984), tr. 47.
2. Nhật Tiến. Thềm Hoang. (Westminster CA: Văn Nghệ tb, 1989), tr. 23.
3. Trích theo Nguyễn Hưng Quốc. "20 năm văn học Việt Nam ở hải ngoại" In. 20 Năm Văn Học Hải Ngoại 1975-1995 (Glendale CA: Đại Nam, 1995), tr. 18.
4. Lời Tác Giả. Mồ Hôi Của Đá (Arlington VA: Cành Nam, 1988), tr. 11-12.
5. Hợp Lưu CA, 17, 6-7/1994, tr. 208.
6. Nhật Tiến. Cánh Cửa (Tustin CA: Thời Văn, 1990), tr. 45.
7. Quê Người Quê Nhà. Tp HCM: NXB Văn Học, 1994. 200 tr.
8. Thân Phận Dư Thừa do Việt Tide (Westminster CA) xuất bản 2001. Nguyên tác The Unwanted của Kiên Nguyễn. Trong bài phát biểu của Nhật Tiến nhân buổi ra mắt sách tại Quận Cam ngày 9 tháng 2-2002, ông cho rằng tác giả Nguyễn Kiên - được dịch ra 19 thứ tiếng khác nhau, "đã nói với hàng triệu độc giả trên khắp thế giới lý do tại sao hàng triệu người Việt Nam đã bỏ nước ra đi sau khi quân đội cộng sản tiến chiếm miền Nam. (...) (Nguyễn Kiên) đã làm một công việc đầy ý nghĩa với tất cả tấm lòng nhân ái, đầy ắp cảm thông đối với nỗi niềm thống khổ của biết bao nhiêu con người đã sinh ra trong hoàn cảnh trớ trêu, trở thành những thân phận dư thừa, bị ruồng bỏ" (Việt Tide, 31, 15-2-2002, tr. 44). 
9. "Phỏng vấn nhà văn Nhật Tiến". Văn Học CA, 100, 8-1994, tr. 66; Nguyễn Vạn Hùng. Việt Nam Qua Lăng Kính 24 Nhân Vật Thời Đại (Los Angeles CA: Thời Luận, 1996), tr. 35-42.
10. Hồ Sơ Về Tạp Chí "Hành Trình" 1964-65. Montréal: Nam Sơn, 2000, tr. 31-33.
11. Văn CA,  6, 12-1982.
12. Nhật Tiến. "Chuyện trò, tản mạn với bạn đọc về công việc sáng tác cuốn Thềm Hoang". Văn Học CA, 170, 6-2000, tr. 7.
13. Nhật Tiến. "Một suy nghĩ của người cầm bút lưu vong". Quê Mẹ (Paris), 68, 11-1985.
3-1998; 12-2001
Nguyễn Vy Khanh
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...