Câu nói của David đã ám ảnh tôi một thời gian rất
dài, và có thể cho rằng từ lúc ấy quan niệm sống của tôi đã dần dần
thay đổi. Trước kia tôi luôn luôn tất bật trong việc mưu sinh, toàn bộ thời
gian đều dành cho công việc. Tôi đã sống theo một thói quen, như một phản xạ, chấp nhận một cách thản nhiên nhịp điệu đều đều của năm tháng và ít
khi suy nghĩ vẩn vơ... nhưng biến cố xảy ra
cho bạn đã làm tôi kinh hoảng nhìn lại mình và từ đó tôi
thường hay thắc mắc và ưu tư về ý nghĩa cuộc đời.
Lúc ấy là một buổi chiều mùa thu.Trên trời có những cụm
mây trắng đang về một phương vô định.Chúng tôi đứng trên
tầng thứ sáu ở cuối hành lang bệnh viện nhìn xuống những đứa bé trên tay cầm những
que kem cuối mùa hay những chiếc bong bóng nhiều màu bay bay. Không
gian im đến nỗi có thể nghe những tiếng reo vui của chúng.Trong đầu
tôi vừa lóe lên ý nghĩ là những hình ảnh vui tươi ấy sao mà tương phản với thế
giới bên trong, giữa người thường và kẻ bệnh, thì câu nói của David đã làm những
hình ảnh trước mắt tôi chao đảo và nhạt nhòa.
Giờ thì David và tôi đã mãi mãi không còn gặp nhau. Nhưng mỗi
khi cây phong trong vườn tôi bắt đầu đổi sắc, nhìn những tán lá muôn màu lung
linh trong gió thu bắt đầu chớm lạnh, lòng tôi lại không khỏi nhớ đến người bạn
cũ. Những lúc ấy, hình ảnh David cứ hiện đến, khi lờ mờ, khi rõ, làm đôi khi
tôi có cảm giác về sự hiện diện của anh. Tâm trạng đó chỉ đến với
tôi trong vài giây ngắn ngủi, nhưng âm thanh của lời nói cuối như vẫn
còn vang lên rồi vọng lại từ một đáy sâu thăm thẳm trong tâm hồn.
Mười năm trước tôi gặp David trong hội nghị khoa học chuyên
ngành. Lúc ấy vừa tốt nghiệp đại học được vài năm và đang phụ trách một nhóm
nghiên cứu kỷ thuật dược. Có lẽ tôi là người Á đông duy nhất nên sự hiện diện của
tôi đã gây nên một sự chú ý cho các đồng nghiệp. Trong giờ giải lao chúng tôi
tình cờ ngồi gần nhau và sau vài câu xã giao, hỏi thăm vớ vẩn, David cho tôi
biết là đang làm việc cho một hãng siêu quốc gia có chi nhánh tại
Milano. Anh có khuôn mặt rất hiền, dưới vầng trán rộng và cao là đôi mắt long
lanh, đầy nghị lực. Lúc đối diện không hiểu sao tôi lại tinh nghịch để ý đến lọn
tóc vô duyên bên trái thường rơi phủ mắt, ranh mãnh nhìn
anh mân mê rồi hất lên,điệu bộ như cô con gái hay làm dáng.
Sau một lúc David nhìn tôi và hỏi:
- Xin lỗi, tôi không đoán được ông là người ở đâu! Nhưng tôi
chắc không là Nhật, cũng chẳng phải Đại Hàn hay Trung Quốc.
- Tôi là người Việt Nam!
Tôi nghĩ David không đoán ra là phải. Thuở ấy sinh viên Việt
Nam qua Ý du học rất ít. Có thể nói là đếm được trên đầu ngón tay. Chính quyền
miền nam chỉ cho qua có hai đợt rồi ngưng lại, bỡi lệnh động viên sau muà hè đỏ
lửa.
Sau tiếng “ồ“ kinh ngạc, David hỏi tiếp:
- Việt Nam, nhưng quê ông ở đâu?
- Tôi ở miền trung.
Tôi chỉ trả lời qua quít vậy thôi. Nhiều người Ý, có người
không biết Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ thế giới, nhưng khi nghe Việt
Nam thì cứ hỏi xấn, làm như hiểu biết ghê lắm. Vài địa danh nếu có
tình cờ nghe từ các phóng sự chiến tranh qua đài truyền hình chắc họ đã quên rồi.
Họ chỉ chờ chúng tôi trả lời là thuộc về miền Nam hay miền Bắc để bình luận chiến
tranh, để phân biệt chúng tôi là loại thân Nga hay thân Mỹ, đưa sâu câu chuyện
về nội dung chính trị mà chúng tôi thường tránh mất thì giờ khi thấy không cần
thiết. Theo kinh nghiệm khi nói miền trung là họ bị khựng lại và bắt buộc phải
thay đổi đề tài.
Nhưng lần này thì khác hẳn. David cứ hỏi tiếp:
- Miền trung mà ở tỉnh nào? Gần Huế hay Phan Thiết?
- Bình Định. Tôi bất ngờ thú vị, nhưng vẫn trả lời nhát gừng,
tinh quái nhìn anh với vẻ thách đố. Ông có biết là đâu không?
- Sao lại không? Vừa nói David vừa lấy bút vẽ nguệch ngoạc
trên giấy. Bình Định, Quy Nhơn nằm giữa Nha Trang và Đà Nẵng… ở về phía đông
Pleiku…
Tôi trố mắt ngạc nhiên. Hóa ra những năm 68-70 David có chân
trong phong trào sinh viên tranh đấu đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam nên đã
theo dõi tình hình khá kỹ.
Sau hội nghị chúng tôi quen rồi thân nhau.
Vì cùng ở Milano nên từ đó tôi và David thường liên lạc. Mới
đầu chỉ trao đổi những thông tin nghề nghiệp, nhưng dần dần chúng tôi trở thành
bạn thân. Tuy nhiên chúng tôi ít có dịp gặp nhau vì lúc
đó tôi ở ngoại ô còn David vẫn ở trong thành phố.
David lớn hơn tôi năm sáu tuổi và là người luôn
luôn sống cho công việc. Trong đầu anh lúc nào cũng ám ảnh ý nghĩ
làm giàu và toàn bộ thời gian cuả anh đều dành cho mục đích duy nhất ấy. Sau
này khi biết anh nhiều hơn, tôi mới lẽ ra là tại sao một người thông
minh và vui tính như anh lại có rất ít bạn bè.
Lúc ấy David đã lập gia đình và có một bé trai. Carla vợ anh
là một cô gái trẻ, khá đẹp, nhưng ít khi tiếp chuyện với những người quen của
chồng mình. Lúc đầu tôi cứ tưởng tại cô ta nhút nhát, hay e thẹn ,nhưng David
cười và bảo là không phải. Anh cho hay là cô ta làm việc trong công đoàn và
trước đây còn là một thành viên hoạt động trong phong trào phụ nữ. Tôi thấy lạ
quá. Thông thường những người hoạt động xã hội thường ăn nói hoạt bát, cớ sao… nhưng có lẽ sau khi lấy chồng, bận bịu con cái ,cô ta thay đổi tính.
Nhìn bề ngoài vợ chồng David không có vấn đề, họ sống bình thường
như những gia đình khác.
Khi mang thai đứa con thứ hai Carla đề
nghị chồng mua một villa gần thành phố, có vườn để các
con có chỗ vui đùa và họ dọn về đó trước khi đứa bé ra đời. Thời
gian sau vì hai con còn nhỏ nên Carla quyết định xin nghỉ việc.
Villa của David nằm khá gần khu nhà tôi tôi cư ngụ nên từ dạo
đó chúng tôi thường có dịp gặp nhau, phần lớn đều do tôi chủ động và điện thoại
trước chứ David rất ít khi liên lạc. Lúc đầu tôi hơi phiền nhưng
về sau biết những bận rộn của bạn, tôi không còn quan tâm nữa.
Thủa ấy tôi còn khá trẻ và cũng rất đam mê công việc. Tôi làm
việc rất hăng say, đọc nhiều sách kỷ thuật để trau dồi nghề nghiệp. Đường công
danh của tôi thênh thang rộng mở, tôi hăm hở tiến đến những mục đích của mình.
Toàn bộ thời gian tôi dành cho việc tiến thân, ít khi quan tâm đến những chuyện
tâm tình hay chia xẻ những buồn vui với những người trong gia đình.Những chuyện
ấy tôi cho là vặt vãnh, quá tầm thường. Lúc đó tôi còn quá non nớt để nhận ra
tầm quan trọng về giá trị của những điều tưởng như tầm thường vì luôn nằm trong
tầm tay,tôi nào biết đó là những vấn đề căn bản của hạnh phúc và an lạc trong đời
người. Đến lúc đó trong đời tôi chưa xảy ra biến cố nào để giúp cho tôi hiểu -
mà thường khi hiểu ra như thế thì đã quá trễ rồi, không sao cứu chữa được -
Nhưng cũng có thể là do tham vọng và lòng kiêu hãnh của những người trẻ tuổi,
luôn tưởng mình có sức mạnh vạn năng, có thừa sức để thực hiện những ảo
tưởng ngông cuồng. Và cái bã lợi danh đã lôi cuốn tôi lao
vào dòng đời như muôn ngàn người trẻ khác.
Nhưng sức làm việc kinh khủng của tôi thật ra chẳng thấm vào
đâu so với những năng nổ của David. Ngoài công việc ở hãng, thứ bảy chủ nhật
anh còn bận pha chế mỹ phẩm, và buổi tối tuần ba, bốn bận, xin trực
đêm ở một pharmacie.
Dù có vị trí vững trong công ty nhưng David vẫn không vừa ý.
Anh thường nói là lời khuyên của cha lúc nào cũng văng vẳng bên tai và thôi
thúc anh đi tới. Anh cho rằng một chỗ đứng trong công ty dù cao đến đâu cũng phải
lệ thuộc vào người khác nên anh quyết vượt qua những ràng buộc ấy để vươn lên. Bởi thế sau khi tốt nghiệp, anh vừa làm vừa học để lấy thêm bằng
chuyên khoa chế tạo mỹ phẩm. Sống trong môi trường dược, anh thừa biết là muốn lập một công ty phải cần vốn rất cao mà cả đời
anh cũng không thể nào dành dụm nổi, chỉ có chuyển qua mỹ phẩm thì sau này anh
mới có thể trở thành chủ, vì luật lệ sản xuất không đến nỗi khắc khe và máy móc
dành cho sản xuất tương đối giản đơn.
Có thể nói đây là sự chọn lựa chính xác và suy nghĩ sâu sắc của
anh. Ngay trong villa anh trang bị một phòng sản xuất nhỏ và với óc sáng tạo,
anh hoàn thành những công thức mỹ phẩm bằng những thiết bị đơn sơ,
phần nhiều do tự chế. Trong những đêm trực ở pharmacie anh so sánh, đối chiếu
những thành phẩm của mình với những sản phẩm đã nổi tiếng, nếu có
chi tiết nào không vừa ý, anh về nhà đổi đi thử lại mãi cho đến khi vừa ý mới
thôi.
Sức làm việc bất kể ngày đêm của David đã làm tôi hoảng hồn
vì chưa từng thấy ai làm việc như thế. Những thời gian sau, tôi biết rõ
những sinh hoạt hằng ngày của bạn: Sáng dậy sớm vì
quãng đường từ nhà đến phòng thí nghiệm thường kẹt xe và chỉ có cách
rời nhà khi mọi người còn ngủ mới có thể tránh được giờ cao điểm. Ở sở, David
luôn bận rộn và trách nhiệm nặng nề, tương xứng với những thăng thưởng thường
xuyên. Đến giờ ăn trưa, David thường đi riêng, luôn luôn mang theo một tạp chí kỹ thuật và ngồi ở nơi vắng vẻ, Anh ăn vội vã và gần như lén lút đẩy một
cái bánh mì nhồi thịt vào xách tay, cầm thêm vài quả trái cây cho bữa ăn chiều,
vì sau khi tan sở anh phải đi trực ở một nhà thuốc tây suốt buổi tối.
Từ sở đến pharmacie khá xa, nếu phải mua sắm thức ăn, chắc chắn anh sẽ đến trễ...
Những lần tôi gặp anh, không khi nào câu chuyện của chúng tôi
không bị gián đoạn. Nếu hẹn ở phòng pha chế trong villa vào dịp cuối tuần thì
anh vưà pha chế vừa nói chuyện, đồng hồ điện tử trên tay chốc chốc lại reo lên
nhắc nhở một cuộc hẹn hò nào đó phải đi ngay, hay trả lời những cú điện thoại gọi
đến để đặt hàng ,thương lượng giá. Còn gặp nhau buổi tối ở Pharmacie
thì ít khi chúng tôi nói cho tròn những điều cần nói vì khách gọi cữa
liên miên, hoặc có khi bị ngắt quảng chỉ vì bọn xì ke bấm chuông, mua siringe để chích choát.
Cuộc sống của David luôn luôn bị hối thúc bỡi thời gian và
hoàn toàn bị ám ảnh về tiền bạc.
Một thời gian sau, Carla nói là cô chán ở nhà một
mình chỉ để dọn dẹp nhà cửa và lo cho con cái, nên xin phép anh được đi làm trở
lại. David sợ vợ buồn nên chẳng những không ngăn cản mà lại còn khuyến khích. Mấy
đứa con thường được gửi ở nhà ông bà ngoại. Dần dần Carla bị cuốn hút vào sinh
hoạt chính trị, họp hành liên miên nhiều bữa đến khuya mới dứt. Đôi khi trở về
căn nhà quạnh quẽ David cũng thấy buồn, nhưng nỗi buồn chưa kịp ngấm
thì anh đã hăm hở lao vào giòng đời để đuổi bắt thời gian.
Thấy anh làm việc quá đáng nên có lần tôi gặng hỏi. David thường nói là tao cần tiền, rất nhiều tiền. Chỉ có tiền thì tao mới được
tự do và hạnh phúc. Tôi không bị những lý lẽ đó thuyết phục, nhưng rất
tò mò muốn biết vì sao một con người nhạy cảm và thông
minh như anh lại chọn một lối sống không mấy thông minh như thế.
Một lần David tâm sự và kể tôi nghe về gia cảnh của
anh. Khi nghe chuyện tôi cứ thắc mắc mãi và không biết là những lời
giáo huấn của cha mẹ khi các con còn thơ ấu có ảnh hưởng ra sao đến việc hình
thành nhân sinh quan của chúng sau này.
David sinh ra trong một gia đình khá nghèo. Những buổi tối về
nhà với bàn tay còn dính đầy dầu mỡ, người cha thường lập đi lập lại “Nhớ nghe
con, trên đời này chỉ có học thức và tiền bạc mới mang lại một cuộc đời hạnh
phúc”. Bà mẹ đang chờ chồng rửa tay ở bồn nước trong nhà bếp, ngước đôi mắt lơ
láo nhìn ông, Những lời ấy đối với bà quá cao xa, chẳng khác gì chuyện người ta
mong cầu trúng số.
Từ nhỏ David là một đứa bé rất ngoan và học hành chăm chỉ.
Anh luôn luôn tâm niệm là mình cần cố gắng tối đa để xứng đáng với công lao khó
nhọc của cha, những lúc sau luôn về trễ vì hay nhận việc ngoài giờ.
Sau khi lấy xong Tú tài, cha anh khuyên con nên chọn một phân khoa kỷ thuật ở
đại học vì tin rằng đó là sự chọn lựa tâm đắc nhất.
Có lẽ đó không phải là con đường đúng nhất đối với David.
Hình như văn khoa mới hợp hơn với tính tình nhạy cảm, hay mơ mộng của anh.
Nhưng không phải vì thế mà việc học hành của anh bị trở ngại. Trái lại là khác,
bỡi anh luôn là sinh viên xuất sắc từ khi nhập học cho đến ngày trình luận án
ra truờng. Nhưng tiếc rằng người cha thân yêu không đợi được ngày vinh quang đó
của con mình. Một buổi tối mùa đông, các đồng nghiệp làm việc ngoài
giờ thấy ông ngồi tựa đầu trên bàn máy, như đang say ngủ. Nhưng đó là giấc ngủ
không bao giờ tỉnh dậy. Cơn nhồi máu cơ tim đã cướp ông đi vĩnh viễn.David còn
lại một mình với mẹ. Bà lão sau cái chết của chồng càng đâm ra đờ đẫn.
Sau khi tìm được việc, David đề nghị thay đổi căn nhà cho mẹ, nhưng bà gạt đi,
thích được sống trong căn phòng âm u quen thuộc , vì đã từ
lâu không còn ước mơ gì nữa.
Một hôm sau khi ăn mẫu bánh mì và đang chuẩn bị đi
trực ở pharmacie thì David chợt nghe dạ dày đau nhói lên như có nghìn mũi kim
châm chích. Thoạt đầu anh tưởng ăn không tiêu nên vội pha một gói Alka Selzer, nhưng uống xong cơn đau vẫn không thuyên giảm. Anh nghe bụng mình
sôi lên và thức ăn bên trong như cứ chực trào ra. Không
nhịn nổi, anh ôm bụng lăn lộn và gập người như con tôm. Khi nghe vị
mặn dâng trong cổ họng, anh chạy vào phòng tắm rồi nôn oẹ ra trong bồn rửa mặt. Một
thứ bầy nhầy hôi hám màu đỏ bầm hiện lên, có xen vài giọt máu tươi. Anh vội vã
súc miệng và khi ngẩng lên, nhìn khuôn mặt mình phờ phạc và hốc hác trong gương, anh sững sờ quay đi phía khác.
Sau phút hoảng hốt, anh cố gắng lấy lại bình tĩnh. Chắc chẳng
có gì nghiêm trọng đâu. Chẳng qua chỉ là một cơn viêm dạ dày ,nếu cố gắng chữa
trị chắc sẽ đâu vào đấy. Nhưng anh thấy mình mệt mỏi và đầu óc vô cùng căng thẳng.
Anh định bụng sẽ xin nghỉ một thời gian dưỡng sức. Anh sẽ bảo Carla xin phép để
dẫn các con cùng đi. Lâu nay gia đình không có dịp sum họp. Bỗng dưng anh thấy
mình có lỗi với vợ con. Rồi để tự trấn an anh cố hình dung đến những
ngày lý thú sắp tới, nhìn các con tung tăng trên bãi biển.
Sáng hôm sau cơn đau vẫn không hề thuyên giảm. Những ngày kế
tiếp cũng chẳng khá gì hơn. Khi David đi khám, bác sĩ cho nhập viện khẩn để
xác định bệnh lý.
Kết quả kiểm nghiệm cho hay là anh bị ung thư bao
tử!
David hoang mang vô kể. Làm sao bây giờ đây?
Anh thẫn thờ như người mất trí. Chiều đó anh nằm đợi ở
nhà để báo cho vợ hay thì lại còn nhận thêm một cú điện thoại bất ngờ. Bên kia
đầu giây, luật sư của Carla thông báo là nên tiếp xúc với ông ngay để dàn xếp vấn
đề li dị! David bàng hoàng. Lâu nay hạnh phúc gia đình của anh đã
tan thành mây khói mà anh vẫn không hề hay biết. Nhưng nỗi đau xé ruột là tại
sao một vấn đề sinh tử như thế, Carla lại không trình bày với anh trước, để đến
nỗi phải thông qua trung gian một người lạ mặt. Và oái ăm thay, lại chọn
đúng lúc này!
Khi David nằm điều trị ở bệnh viện, Carla mang một
xấp hồ sơ đến yêu cầu anh chuyển tên cô và các con làm sở hữu chủ villa và các
trương mục ngân hàng. Lần đó David lặng người đi và xấp giấy rơi tung xuống đất
bay lả tả. Rồi anh thiếp đi trong mê man, phần vì mệt mỏi và căng thẳng, phần
vì không muốn nhìn người đàn bà, mà đằng sau khuôn mặt mỹ miều kia có che dấu
những âm mưu thâm độc, mà lâu nay anh vẫn ngu ngơ không hề hay biềt.
Cho đến lúc này tôi vẫn còn thắc mắc về chuyện Carla và
David.Tôi nghĩ dẫu họ không hoàn toàn hạnh phúc đi nữa, nhưng ít ra cũng có thể
sống một cách bình thường như những cặp vợ chồng an phận trên dương thế. Trên đời
này đâu có thiếu gì những cặp vợ chồng sống với nhau chỉ vì bổn phận,vì thói
quen hay vì quyền lợi. Có thể sự mãi mê làm việc của David đã tạo cho cô mặc cảm
bị bỏ rơi, nhưng điều này cùng lắm là đưa đẩy cô đi tìm nguồn an ủi ở một người
đàn ông khác, tình cảm giữa hai người đổ vỡ và đi đến li dị. Nhưng tại sao
Carla lại có thể nhẫn tâm như vậy? Cái gì đã biến tâm hồn cô trở nên xơ cứng
và bạo tàn như thế, đến nỗi đòi hỏi và chọn lựa thời điểm khi
mạng sống của David mong manh như ngọn đèn trước gió? Tôi thấy trong thái độ ấy
có dáng dấp của một sự trả thù (?), có khi được xem như một cuộc đấu
tranh không khoan nhượng giữa giai cấp nam và nữ, phát sinh từ sự hiểu biết lệch
lạc và cực đoan về phong trào phụ nữ! Còn lòng tham lam bệnh hoạn
và ý muốn ly dị của Carla, sau khi quyết định có đứa con thứ hai, là một điều
vô cùng khó hiểu.
Sau khi cắt bao tử và lưu lại bệnh viện một thời gian xạ trị,
sức khỏe David dần dần trở lại bình thường. Như vậy cái mầm bệnh hiểm
nghèo đã được loại trừ khỏi cơ thể, nhưng còn lại một niềm đau khác đang xé
nát tâm hồn.
Ý là nước tự do, tuy không cấm, nhưng do ảnh hưởng của tòa thánh Vatican nên luật li dị rất rườm rà và phiền phức. Trước khi
hoàn tất thủ tục cần phải ly thân từ ba đến năm năm, có lẽ người soạn
luật hy vọng là thời gian dài dằng dặc đó sẽ có những đổi thay và các đương sự
có thể xin rút đơn, tránh đổ vỡ gia đình.
Thời gian li thân David vẫn tiếp tục đi làm như cũ và mức độ
làm việc cuả anh cũng không hề thuyên giảm. Villa lúc này vắng ngắt vì không có
Carla và các con nên lúc buồn anh thường đến thăm tôi. Ít khi tôi thấy bạn đăm
chiêu và suy nghĩ như thế. Có khi anh ngồi lặng hằng giờ, không nói tiếng nào.
Một hôm anh điện thoại báo tin là sẽ ghé lại thăm
tôi để bàn vài việc trước khi đi trực ở Pharmacie. Tôi ân cần dặn anh đến sớm
và nhân tiện mời anh dùng cơm chiều với gia đình.
Khó thể nào tôi quên được buổi chiều hôm ấy. Anh ngừng xe
mô-tô trước nhà, tháo mũ casque cầm trước bụng bằng hai tay, điệu bộ vô cùng
thiểu não. Lúc bước vào anh chỉ kịp chào hỏi qua loa rồi xin phép ngồi nghỉ chừng
vài phút. Tôi bảo anh cứ tự nhiên. Thoạt tiên anh ngồi tựa đầu lên bàn nhưng chỉ một
lát sau, vẫn giữ nguyên quần áo anh nằm xuống divan trong phòng khách rồi ngủ
thiếp đi.
Tôi ái ngại nhìn anh, lắng nghe tiếng ngáy nặng nề nhưng vẫn
để yên cho anh ngủ. Hơn một giờ sau tôi mới đánh thức vì sợ trễ công việc của
anh. David bẽn lẽn nhìn tôi, miệng lí nhí vài lòi xin lỗi không nghe rõ.
Bữa cơm diễn ra thật vội vàng và không ai còn nhớ đến câu
chuyện anh định nói với tôi. Trước khi từ giã tôi khuyên anh nên hạn
chế việc trực tối ở Pharmacie và việc sản xuất cuối tuần, nhưng anh gạt đi “Không được đâu, tao phải làm. Tiền khám chuyên khoa và thuốc men bây giờ đắt lắm!“
Một buổi tối mùa đông, David ngồi một
mình trong căn nhà vắng vẻ. Anh nhìn trân trân những đồ vật quý giá
đang bày biện khắp nơi. Anh đứng lên mân mê cái tv đắt giá, bộ HiFi tối tân, đặt
chân lên tấm thảm Ba Tư trải nền phòng khách thênh thang. Anh bước qua gian
sản xuất mỹ phẩm… rồi mở toang cử sổ ngó ra vườn, sân chơi của các con… Đó
là tất cả những hy sinh cuả mình và anh từng gán cho chúng những giá
trị cao sang. Rồi đột nhiên một câu hỏi vụt lóe lên trong đầu. Những thứ ấy nay
dùng để làm gì? làm vương làm tướng gì chăng? Nó có thể thay vợ,
thay con, thay hạnh phúc gia đình? Nó hàn gắn được những đổ vỡ? Nó sẽ giúp
anh thu hồi lại mười mấy năm hoang phí trong ảo vọng mang niềm hạnh
phúc cho anh và những người thân?
Không!
Thế tại sao anh đã đổi trao những thứ vô tri này với
một phần đời tươi trẻ của anh!
David không tìm ra câu giải đáp. Đầu óc anh như muốn nổ tung.
Anh tuyệt vọng. Và căm thù. Anh hận đời. Anh oán người. Anh giận dữ
với chính anh. Anh bỗng thấy ganh tức và đố kỵ với tất cả loài người
còn có nguyên bao tử, không bị cắt bỏ như một phế nhân. Bỗng dưng ý
thức nổi loạn trong anh lại bùng lên. Anh muốn đập phá cho nư giận. Anh muốn
thieu hủy và đốt cháy tất cả. Chỉ cần một mồi lửa là mọi vật sẽ tan thành tro bụi
và không còn gì nữa.
David cười lên như một thằng điên rồi dập cửa, bước ra ngoài. Anh cảm thấy cuộc đời thật là vô nghĩa nên không còn thiết tha
gì nữa. Anh sẽ rải xăng quanh nhà rồi lái chiếc
Mercedes xông vô cửa chính với mồi lửa trên tay. Ha ha! ha ha! Con đàn bà khốn nạn ngày mai sẽ đọc tin trên báo. Và sẽ thất vọng
biết bao, khi âm mưu chiếm đoạt đã không thành…
Nhưng gió đêm lành lạnh bên ngoài đã làm anh bình tĩnh lại.
Không, không thể như thế được. Cuộc đời đầy những lọc lừa và xảo
trá, có nhiều nỗi khổ đau, nhưng dẫu sao cũng vẫn còn đáng sống. Tội gì phải hủy
hoại thân mình, nhất là sau khi đã đối chọi và chiến thắng căn bệnh nan y.
Anh thẫn thờ bước ra đường rồi lầm lũi bước nhưng
chẳng biết đi đâu cho đến khi thấy một quán nước hãy còn mở cửa. Anh bước vào.
Đã lâu lắm anh không đi lang thang như thế hay sống qua đêm trong những quán mở
khuya.
Ở mọt bàn kê trong góc quán có một cô gái da đen
khá đẹp, ngồi một mình. David nhìn cô và mỉm cười, cô gái cũng cười theo, phô ra
hai hàm răng trắng và đều như răng chuột. Họ gợi chuyện làm quen và lúc sau
cùng bước ra khỏi quán trong đêm lạnh lẽo đầy sương mù.
Anh đưa Julie về nhà mình. Khi ôm cô trong vòng tay rắn chắc anh cảm thấy lòng
mình ấm lại vã thân thể nóng bỏng của cô ta đã làm anh rạo rực. Đã từ
lâu anh không còn cái cảm giác buông xuôi. Bản năng đàn ông trong anh vùng thức
dậy và bừng lên ngọn lửa. Anh ôm siết cô vào lòng, ve vuốt, chải những ngón tay
trong mái tóc mềm mại của Julie. Mùi thơm của cô gái phả lên nhè nhẹ
như hun đốt thêm làm anh càng siết chặt bờ vai cô gái đang run lên lẩy bẩy. Đến
khi cởi hàng nút áo, trên làn da đen láng lộ ra đôi vú dậy thì căng
cứng, anh gục đầu xuống như đứa trẻ tham lam rồi quên đi tất cả những
cay đắng vừa qua. Tự dưng anh thấy mình vô cùng thương yêu cô gái bất ngờ xuất
hiện, đến tư một cõi nào xa vời vợi, đang vuốt ve và âu yếm anh trong yên lặng,
như một điều tự nhiên, không có gì phức tạp và đớn đau.
David yêu cầu Julie ở lại với mình và những chiều
David đi làm về cô hay ngồi trên divan chờ đợi. Từ xa trông thấy ánh đèn cửa sổ
le lói, lòng anh bỗng trào dâng một cảm xúc diệu kỳ và ngay lúc bước vô, anh
ôm chầm lấy cô, nâng bổng lên và quay một vòng rất mạnh.
Hạnh phúc đến đột ngột làm David ngây ngất. Nhưng chỉ vài
tháng sau Julie lặng lẽ bỏ đi không một lời giải thích. David không làm sao hiểu
được lý do. Nhà cửa lúc cô đi vẫn hoàn toàn ngăn nắp và không hề mất mác một vật
nhỏ nhoi nào. Con chim đen của anh đã vỗ cánh bay đi như những ảo ảnh khác
trong đời.
Hơn năm sau bệnh tình của David tái phát nên phải nhập viện.
Lúc này tóc anh đã rụng nên không còn lọn tóc thường rơi phủ mắt. Tôi linh cảm là anh sẽ không còn sống bao lâu nữa khi những tế bào ung thư
theo mạch máu lan đi, nên mỗi tuần đến thăm anh ít nhất là hai lần. Anh cũng thừa
biết thế, nhưng bản năng sinh tồn đã giúp anh chống chỏi với nỗi nguy hiểm cận
kề, thế nhưng nỗi đam mê công việc trong anh vẫn không hề giảm
sút. Một hôm anh bảo: Mầy biết không, hồi
sáng cô ý tá có thoa một loại kem rất mới để cạo râu cho tao, mịn và mùi thơm rất
dịu. Tao đang nghĩ là hôm nào sẽ làm một công thức như vậy, chắc lời
cao. Tôi yên lặng, không biết nên cười hay nên khóc. Đến nước này anh vẫn còn
nghĩ đến chuyện làm ăn và tin rằng tiền bạc sẽ giải quyết
được mọi điều.
Bẵng có một tuần bận việc không đến thăm mà khi trở lại tôi
khựng lại trên ngạch cửa. Tôi ngần ngừ không biết nên vào hay chăng. Lúc đầu
tôi cứ tưởng là bệnh viện đã đổi phòng cho David.
Trước mặt tôi hình như không phải là David. Đó là một người
đàn ông cao lêu nghêu và gầy kinh khủng. Hai đường rãnh thật sâu kéo dài từ sống
mũi đến cằm. Hàm râu lâu ngày không cạo, lởm chởm phun những chấm đen đầy trên
khuôn mặt. Anh đang liếm một que kem, xin lỗi người bạn đã một thời gắn bó với
tôi, hình ảnh đó giống như con khỉ đói trong sở thú. Tôi bụm mặt bước
ra ngoài, chạy dọc theo hành lang và khóc lên nức nở. Chuá ơi! sao bạn
tôi lại đến nông nổi này!
Tôi quay trở vào sau khi lấy lại bình tĩnh và lau khô nước mắt.
Trong David chỉ còn đôi mắt sáng, nhưng tia nhìn hình như mang nặng
những lo âu.
Khi thấy tôi David cố gượng cười. Sau vài câu thăm hỏi thường
lệ, anh cho biết là ăn không ngon, chỉ có khát, và bảo tôi tẩm khăn ướt đắp lên
trán. Lát sau anh nói lâu ngày không vận động nên thấy tù túng quá.
Tôi đỡ anh ngồi lên xe lăn, thu xếp các ống nhựa, rồi đẩy anh ra khỏi phòng, đi
đến cuối hành lang rồi quay lại. Đến vòng thứ hai anh bảo tôi ngừng và
yêu cầu tôi mở cửa. Lúc đó trời đã vào thu và tôi sợ là gió lạnh về chiều sẽ
làm anh khó chịu, nhưng giọng nói của anh nghe sao tha thiết quá. Tôi dìu anh đến
bên cửa sổ và mở tung cửa kính. Anh gượng đứng lên, mắt đăm đăm nhìn khoảng trời
mở rộng. Anh đứng bất động một đỗi rất lâu rồi quay sang tôi: “Nhìn kia Trung, những đám mây kia đẹp quá. Nhẹ nhàng và mềm mại như bông. Mầy
có thấy từ mặt trời đỏ rực những tia nắng nhiều màu xuyên qua
mây rồi chiếu xuống theo hình nan quạt kia không? Hoàng hôn! Một cảnh sắc tuyệt vời. Thú thực đây
là lần đầu tiên tao thấy nó. Trong đời tao, chưa bao giờ tao có thì
giờ, Tao chỉ nhìn chứ chưa bao giờ thấy“.
Tôi lặng đi. Có cái gì cay đắng chẹn
ngay cổ họng nên không thốt ra lời. Dường như David còn nói gì thêm,
mà tai tôi ù đi, mơ hồ, nghe không rõ.
Về sau tôi hay là ngay đêm ấy David đã vĩnh viễn từ
giã cõi đời. Năm ấy bạn tôi chỉ vừa bốn mươi lăm tuổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét