Chùm phê bình văn học
Ông là nhà văn hoạt động trên nhiều lĩnh vực, viết văn, dịch
sách, viết lý luận phê bình, làm thơ... mảng nào ông cũng để lại dấu ấn đậm nét
trong lòng bạn đọc. Sachvan.vn trân trọng giới thiệu một hai bài phê bình văn học
của ông!.
VĂN HỌC PHÁP NGỮ VIỆT NAM
CẦN ĐƯỢC NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY
Văn học sử Việt Nam đã ghi nhận ba loại văn tự tạo nên
các văn bản của nền văn học dân tộc. Đó là chữ Hán, chữ Nôm, và chữ Quốc ngữ.
Tính từ thế kỷ X vẫn được lấy làm cái mốc của lịch sử văn học viết Việt Nam thì
chữ Hán có thời gian tồn tại lâu nhất (mười thế kỷ), tiếp đến là chữ Nôm (năm
thế kỷ), còn chữ Quốc ngữ dùng để viết văn chỉ mới có hơn một thế kỷ nhưng chắc
từ nay về sau sẽ tồn tại thiên niên vạn kỷ. Tuy nhiên, trong lịch sử văn học Việt
Nam còn có một bộ phận nữa viết bằng một thứ văn tự khác. Đó là bộ phận văn học
Việt Nam do người Việt Nam viết bằng tiếng Pháp hay còn gọi là văn học Pháp ngữ
Việt Nam. Bộ phận văn học (hay dòng văn học) này khởi phát từ đầu thế kỷ XX
nhưng đến nay hầu như chưa được giới thiệu, nghiên cứu và giảng dạy. Thậm chí
không phải nói quá là ngay trong giới nghiên cứu văn học nhiều người cũng không
biết, không nghe nói về văn học Pháp ngữ Việt Nam, không biết hình thù vóc dáng
nó thế nào. Bài viết của tôi xin trình diện đứa con vắng mặt lâu nay của gia
đình văn học Việt Nam.
I. Quá trình hình thành và diễn tiến
Năm 1858 những người lính Pháp đầu tiên đặt chân lên mảnh đất
Việt Nam ở bãi biển Đà Nẵng. Vấp phải sự chống trả và phản kháng mãnh liệt của
dân tộc Việt Nam, mãi đến đầu thế kỷ XX Pháp mới hoàn thành công cuộc “bình định”
để xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa.
Người Pháp đã tiến hành thay đổi cơ cấu chính trị, kinh tế, văn hóa của xã hội
Việt Nam theo mô hình một chế độ thuộc địa để phục vụ cho các mục tiêu thực dân
của mình. Việt Nam từ là một nước phương Đông chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn
hóa và giáo dục Trung Hoa dần từng bước bị cưỡng bức về phía văn hóa và giáo dục
phương Tây qua con đường Pháp. Từ năm 1919 các khoa thi Hán học của chế độ khoa
cử cũ bị bãi bỏ. Chữ Hán như một công cụ hành chính, giáo dục và văn chương chấm
dứt vai trò của nó đối với lịch sử Việt Nam sau hơn một ngàn năm tồn tại. Các
trường học Pháp - Việt được mở ra để đào tạo những lớp người mới biết tiếng
Pháp, có được những tri thức tối thiểu của xã hội hiện đại để phục vụ cho chế độ
thuộc địa. Lúc này chữ Quốc Ngữ, một thứ chữ viết được các giáo sĩ phương Tây tạo
ra theo mẫu tự Latin để ghi âm tiếng Việt bắt đầu từ thế kỷ XVI, sau bốn thế kỷ
hình thành và định hình, đã được các trí thức, văn nghệ sĩ có tinh thần dân tộc
cổ súy phát triển và thực hành trên báo chí, xuất bản. Nhưng với hệ thống giáo
dục ở các nhà trường Pháp - Việt đặt trọng tâm vào ngôn ngữ, văn minh và văn
hóa Pháp, một lớp người có thể gọi là “song ngữ” xuất hiện. Những người xuất sắc
nhất trong lớp người này đã có thể nắm vững tiếng Pháp đến mức viết văn bằng tiếng
Pháp đạt trình độ cao. Trong một bài viết bằng tiếng Pháp năm 1930, để phản bác
lại sự chê bai người Việt học tiếng Pháp chỉ như một thứ tiếng bồi, Phạm Quỳnh
đã dẫn lời bá tước Sforza, một nhà ngoại giao Italia, nhận xét về những bản viết
tiếng Pháp của người Nam như sau: “Đó là một loại văn học nổi bật bởi hai đặc
điểm chung qua đó ai có lòng lạc quan sẽ cảm thấy yên tâm: một đặc điểm về hình
thức, một đặc điểm về nội dung. Tiếng Pháp trong những bài viết đó chính xác và
rõ ràng; người ta cảm thấy nó tuôn chảy từ một quá trình học tập lâu dài và đam
mê, chứ không dễ dãi kiểu Cận Đông như tiếng Pháp của người Syri” [1]. Tiếp đó
Phạm Quỳnh đã giới thiệu một trường hợp tiêu biểu là Nguyễn Tiến Lãng và đã
trích dẫn một đoạn Pháp văn của người thanh niên này để cho thấy “một thứ tiếng
Pháp hết sức thanh nhã, thuần khiết và hài hòa”.
Chính những người Việt Nam nắm vững tiếng Pháp như vậy đi vào
sáng tác văn chương đã tạo nên dòng văn học Pháp ngữ Việt Nam. Nhà nghiên cứu
Bùi Xuân Bào, nguyên khoa trưởng văn khoa Sài Gòn trước 1975, trong bài viết
Littératures de langue française hors de France (Các nền văn học Pháp ngữ bên
ngoài nước Pháp, 1974) nhận định: “Các tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của người
Việt Nam, xét về số lượng và chất lượng, đã tạo nên một dòng văn học có lý do tồn
tại trong lòng cộng đồng dân tộc và có một địa vị xứng đáng trong lòng văn học
thế giới. Là hiện thực Việt Nam, trong đó có sự nhập cuộc của số phận và tự do,
sự chuyển động không thể đảo ngược của lịch sử và những nguyên cớ của hành động
sáng tạo, văn học Việt Nam viết bằng tiếng Pháp tiến triển trong bối cảnh của lịch
sử Việt Nam” [2].
Tác phẩm xưa nhất của người Việt viết bằng Pháp ngữ là vở kịch
Les amours d'un vieux peintre aux iles Marquises (Chuyện tình của ông lão họa
sĩ ở quần đảo Marquises, 1898) của Kỳ Đồng (1875 - 1929). Kỳ Đồng tên thật là
Nguyễn Văn Cẩm, người gốc Thái bình, theo phong-trào Văn thân Cần Vương khởi
nghĩa nên bị bắt năm 1887, lúc mới 12 tuổi và gửi đi Algérie. Theo học tại đó
và đỗ tú tài chương trình Pháp vào năm 1896, được trở về Việt Nam. Nhận hợp tác
với một bác sĩ Pháp để lập đồn điền ở miệt Yên Thế. Nơi đây, ông liên lạc với Đề
Thám mưu chuyện lâu dài. Việc không qua được mắt mật thám Pháp nên lại bị bắt
và đầy đi Tahiti rồi chuyển đến một quần đảo phụ tên là Marquises. Ông làm điều
dưỡng viên tại bệnh viện địa phương rồi mười ba năm sau, đổi về thủ phủ Papeete
làm việc trong nhà thuốc của quân y viện. Tại nơi lưu đầy, năm 1901, Kỳ Đồng gặp
họa sĩ Gauguin đến Marquises để sáng tác. Kỳ đồng giúp ông ta trong những ngày
đầu tiên ở vùng đất xa lạ nên hai người thành bạn thân. Lúc đó Gauguin có nhiều
phụ nữ địa phương yêu mến, muốn sống chung với ông. Sau ông chọn một cô gái thọt
nên có người chế nhạo. Là bạn thân, Kỳ Đồng bèn dựa theo đó mà viết ra kịch
trào phúng kể chuyện nhà họa sĩ già mất kính không trông rõ nên đã lấy cô vợ
gù. Gauguin đọc bản thảo thì vui lắm, theo lời Kỳ Đồng kể lại. Xét hoàn cảnh xuất
thân của tác giả cũng như hoàn cảnh ra đời và xuất bản của tác phẩm, vở kịch của
Kỳ Đồng có thể xem là sự tiên khởi của dòng văn học Pháp ngữ Việt Nam.
Năm 1913 có thể coi là năm mở đầu cho văn học Pháp ngữ Việt
Nam với tập thơ Mes heures perdues (Những giờ đã mất của tôi) của Nguyễn Văn
Xiêm và tập văn xuôi Contes et Légendes du Pays d’Annam (Truyện cổ và thần thoại
nước An Nam). Nhưng tác phẩm văn xuôi hư cấu đầu tiên là tiểu thuyết
Mademoiselle Lys (Cô Huệ) của Nguyễn Phan Long thì đến năm 1921 mới xuất bản. Từ
1913 đến nay, theo giáo sư Alain Guillemin, chuyên gia hàng đầu của Pháp về
lĩnh vực này, trong bài viết La Littéature Vietnamienne Francophone: Entre
Colonisalisme et Nationalisme (Văn học Pháp ngữ Việt Nam: Giữa chủ nghĩa thực
dân và Chủ nghĩa dân tộc) cho biết thì theo thống kê chưa đầy đủ, đã thu thập
được khoảng một trăm tác phẩm của 47 tác giả, bao gồm 62 tác phẩm văn xuôi (34
tiểu thuyết, 18 tập truyện kể, 8 tập tiểu sử tự thuật, 2 tập truyện ngắn), 31 tập
thơ, và 6 vở kịch [3]. Đấy là chưa kể mảng viết chính luận, nghiên cứu, phê
bình.
Lịch sử văn học Pháp ngữ Việt Nam như vậy đã có gần trăm năm.
Bùi Xuân Bào đã phân chia lịch sử lịch sử này ra thành bốn giai đoạn.
Đầu tiên là giai đoạn chuẩn bị, bắt đầu với việc đưa tiếng
Pháp vào Việt Nam giữa thế kỷ XIX và kết thúc năm 1913, khi sáng tác văn học bằng
tiếng Pháp của các tác giả người Việt Nam viết lần đầu tiên được công bố. Ông
Bào ghi nhận rằng việc quan tâm học tiếng Pháp là nguyên nhân xa của văn học
Pháp ngữ Việt Nam; trước thời thuộc địa triều đình Huế và một số học giả đã
quan tâm đặc biệt đến tiếng Pháp như một thứ tiếng ngoại giao và văn học. Năm
1862, chính quyền thuộc địa tuyên bố lấy tiếng Pháp làm trung gian ngôn ngữ cho
hệ thống giáo dục mới, thúc đẩy sự chú ý đến cả tiếng Pháp và chữ quốc ngữ. Đối
với một số người, tiếng Pháp thể hiện thứ văn học hiện đại, do đó nó thậm chí
được coi trọng hơn bởi những người đề xướng cách tân các hình thức và cách diễn
đạt văn học. Hai nhà văn được biết đến như những người Việt Nam đầu tiên tích cực
dùng chữ quốc ngữ, Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, cũng thuộc số những nhà
văn Việt Nam đầu tiên dùng tiếng Pháp. Những tác phẩm đầu tiên bằng Pháp văn xuất
hiện năm 1913: tập thơ Mes heures perdues (Những giờ khắc đã mất của tôi) của Nguyễn
Văn Xiêm và tập Conte et légendes du pays d’Annam (Truyện cổ và truyền thuyết xứ
Annam) của Lê Văn Phát.
Tiếp đến là giai đoạn phát triển văn học trong bối cảnh thuộc
địa kéo dài tới năm 1940, khi quân Nhật tràn vào. Phần lớn các nhà văn đều là
song ngữ và coi sứ mệnh văn chương của mình là bảo vệ và phát triển nền văn hóa
dân tộc. Tác phẩm độc đáo đủ mọi thể loại xuất hiện vào thời gian này. Các bài
tiểu luận và phê bình bộc lộ sự uyên bác và chín muồi về trí tuệ đến mức, theo
ông Bào, có thể đọ được về mặt “khoa học... độc đáo... với các học giả Pháp”.
Phạm Quỳnh đăng các bài tiểu luận về văn học và văn hóa; Nguyễn Mạnh Tường và
Trần Văn Tùng đi sâu vào suy tư của thế hệ này trong rất nhiều bài viết về phản
ứng của họ khi ở Pháp và từ Pháp về. Loại văn học tự thuật và du ký xuất hiện,
một trong những tiểu thuyết đầu tiên thuộc loại này là cuốn Le roman de
Mademoiselle Lys (Truyện cô Huệ) của Nguyễn Phan Long in năm 1921. Cũng tác giả
này theo bước Lê Văn Phát trong tập truyện cổ Cannibales par persuasion (Chuyện
ăn thịt người). Trương Đình Tri cộng tác với Albert de Teneuile viết cuốn tiểu
thuyết Bà Đầm in năm 1930. Nguyễn Tiến Lãng thể hiện tài năng của mình trong
các bài tiểu luận, biên niên và dịch thuật.
Trong những năm 1930, một số nhà thơ có tác phẩm xuất bản:
Nguyễn Vỹ, Premières Poésies (Những bài thơ đầu tiên) và Bạch Nga; Nguyễn Văn
Yêm, Chansons pour elle (Những bài ca dâng nàng); Phạm Văn Ký, Une Voix sur la
voie (Tiếng nói trên đường); và Pierre Đỗ Đình nổi tiếng, với bài thơ dài Le
Grand Tranquille (Niềm thanh thản lớn, 1937) thể hiện cuộc vật lộn bên trong của
một người Việt cải sang đạo Cơ đốc. Vi Huyền Đắc, người đã nổi tiếng với các vở
kịch của mình, xuất bản tập Eternels regrets (Nỗi luyến tiếc khôn nguôi) năm
1938, tác phẩm đã mang lại cho ông Bằng Đại Danh Dự hạng nhất với lời khen tặng
từ Ban giám khảo Cuộc thi mùa đông 1936-1937 của Viện hàn lâm Jeux Floraux de
Nice. Những khác biệt về thế hệ và học vấn và những nỗ lực sáng tạo được bộc lộ
trong các ấn phẩm tập thể của nhóm “Trách nhiệm” ở Huế và báo trước những sự
xung đột công khai của giai đoạn này đối với giai đoạn sau.
Giai đoạn thứ ba từ 1940 đến 1945 được đánh dấu bởi biến động
chính trị và xung đột vũ trang. Trong Thế chiến II, Việt Nam bị ách thống trị của
đế quốc Nhật Bản thông qua các cấu trúc chính quyền của thực dân Pháp, tạo nên
tình thế “một cổ hai tròng”. Sau chiến tranh, những người Cộng Sản lãnh đạo cuộc
đấu tranh giành độc lập dân tộc mà giai đoạn đầu kết thúc với sự đại bại của
Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954 và với sự chia cắt đất nước. Thậm chí dù cho Việt
Nam là quốc gia bị bao vây trong thời gian này, phần lớn các tác phẩm văn học
viết ra cũng không phản ánh chủ đề nhạy cảm nhất đó.
Trong thời kỳ Pháp Nhật chiếm đóng, hai chiến dịch tuyên truyền
đã được phát động. Pháp muốn biến Việt Nam thành một bộ phận trong khối Liên Hiệp
Pháp trong khi Nhật muốn tập hợp tất cả các nước vùng Viễn Đông dưới quyền lực
của nó để đối lại với phương Tây. Các hoàn cảnh đó đã thúc đẩy chủ nghĩa quốc
gia mới nẩy lên ở Việt Nam tìm cách quay về nguồn, không chỉ nhằm vào người Việt
ở trong nước, mà đến cả những người Việt sống ở Pháp. Theo nguồn mạch này, các
sách tiểu luận và biên khảo về văn hóa và lịch sử Việt Nam như La Civilisation
annamite (Văn minh Annam) và Le Culte des immortelles en Annam (Tục thờ cúng tổ
tiên ở Annam) của Nguyễn Văn Huyên, cả hai cuốn đều ra năm 1944, có tầm quan trọng
hàng đầu. Do đó không có gì là ngạc nhiên khi các tập truyện cổ Việt Nam xuất
hiện: Trịnh Thục Oanh cộng tác với Marguerite viết La Tortue d’or (Rùa vàng);
Trần Văn Tùng, Le Coeur de diamant (Trái tim kim cương); và Phạm Duy Khiêm,
Légendes des terres sereines (Truyền thuyết miền tĩnh thổ) và La Jeune Femme de
Nam Xương (Thiếu phụ Nam Xương). Cuốn Légendes des terres sereines (1942) đã
mang lại Giải thưởng Đông Dương cho tác giả của nó. Ông Khiêm cũng đã ghi lại
quãng đời binh nghiệp của mình trong cuốn De Hanoi à La Courtine (Từ Hà Nội đến
Cuốctin) về sau được xuất bản ở Pháp với nhan đề La Place de l’homme (Chỗ đứng
của một con người). Tài năng thơ ca của Trần Văn Tùng và Phạm Văn Ký được khẳng
định trong các tập Muses de Paris (Suy tưởng Paris) và Fleur de jade (Hoa ngọc).
Hoàng Xuân Nhị củng cố sự về nguồn bằng cách phóng tác ra tiếng Pháp hai tác phẩm
cổ điển Chinh phụ ngâm và Truyện Kiều.
Cuộc chiến tranh giành độc lập lần thứ nhất (1946-54) không
ngăn cản việc công bố của văn học Pháp ngữ. Nguyễn Tiến Lãng khẳng định chủ
nghĩa quốc gia riêng của mình trong cuốn tiểu thuyết Chúng tôi đã lựa chọn tình
yêu in nhiều kỳ trên báo Pháp-Á (1952), về sau tập hợp lại in thành sách nhan đề
Les Chemins de la révolte (Những con đường nổi loạn). Phạm Văn Ký tiếp tục tiền
lệ của các nhà văn đi trước trong tập truyền thuyết của mình L’Homme de nulle
part (Người vô gia cư, 1946); cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, Frères de sang
(Anh em chung dòng máu) ra vào năm sau. Trần Văn Tùng tiếp tục viết về văn hóa
Việt Nam trong khi nhà thơ Pierre Đỗ Đình quay sang phê bình văn học trong tuyển
tập Les Plus Beaux Ecrits de L’Union Francaise et du Maghreb (Những tác phẩm xuất
sắc của khối Liên hiệp Pháp và Maghreb). Bùi Xuân Bào cho rằng động lực ẩn sau
văn học giai đoạn này là lòng yêu nước hừng hực, bất chấp thực tế chính trị ra
sao, tình cảm này được diễn tả trong bài thơ Từ ngữ của Cung Giũ Nguyên đăng
trên tờ Pháp-Á năm 1948.
Sau năm 1954 Việt Nam bị chia làm hai miền. Việc kết thúc thời
kỳ thuộc địa Pháp không làm suy yếu tầm quan trọng của tiếng Pháp, tuy nhiên
bây giờ nó đứng ở vị trí thứ hai sau tiếng Việt với tư cách một phương tiện diễn
đạt văn học và một “công cụ của sự tiến bộ”.
Ông Bào nhận định văn học giai đoạn thứ tư là “đi tìm kiếm
tính dân tộc và tính phổ quát”. Hai nhà văn tiêu biểu nhất giai đoạn này là Phạm
Duy Khiêm và Phạm Văn Ký. Cuốn tiểu thuyết của ông Khiêm, Nam et Sylvie (Nam và
Sylvi, 1957) đã mang lại cho ông giải thưởng Louis Barthou của Viện hàn lâm
Pháp. Các tiểu thuyết của ông Ký - Les Yeux courroucée (Đôi mắt nổi giận,
1958), Les Contemporains (Thời hiện đại, 1959) và cuốn được giải thưởng Perde
la demeure (Mất nơi ở, 1961) - cho thấy sự phổ quát hóa của ông đối với cuộc
xung đột Đông/ Tây mà ông đã nêu ra lần đầu trong cuốn Frères de sang.
Mặc dù phần lớn văn học được viết trong các cuộc chiến tranh
trước không trực tiếp phản ánh hiện thực chính trị, nhưng tình trạng xung đột ở
Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu sắc trên các tác phẩm giai đoạn này và được thể
hiện theo những cách khác nhau. Tiểu thuyết Les Reflets de nos jours (Nghĩ về
thời chúng ta, 1955) của Nguyễn Hữu Châu thương xót tình yêu và lý tưởng đã bị
mất. Lý Thu Hồ ghi lại những thay đổi trong xã hội Việt Nam do chiến tranh gây
nên trong các cuốn Printemps inachevé (Mùa xuân dang dở, 1962) và Au milieu du
carrefour (Giữa ngã ba đường, 1969). Trong tập tiểu luận Volonté d’existence (Ý
chí sinh tồn, 1954) Cung Giũ Nguyên xem xét quá khứ và tương lai của quan hệ
Pháp Việt. Trong các tiểu thuyết của ông, cuốn Le Domaine maudit (Đất dữ, 1961)
thể hiện hậu quả của sự xung đột các hệ tư tưởng chính trị đối với cá nhân,
trong khi cuốn Le Fils de la baleine (Đứa con của cá ông, 1956) mô tả đời sống truyền
thống ở một làng chài nhỏ và nhu cầu cần có sự thay đổi xã hội. Vi Huyền Đắc
phân tích các nguyên nhân xung đột trong vở kịch Genghis-Khan (1972). Võ Long
Tê đi sâu vào sự huyền bí của tình yêu trong các tập thơ: Lumière dans la nuit
(Ánh sáng trong đêm, 1966), Festin de noces (Tiệc cưới, 1966) và Symphonie
orientale (Bản giao hưởng phương Đông, 1971). Các bài tiểu luận và phê bình
giai đoạn này hướng về chiều sâu văn hóa Việt Nam. Bùi Xuân Bào kết luận rằng sự
phát triển của văn học Việt Nam viết bằng tiếng Pháp và tiếng Việt phụ thuộc lẫn
nhau bởi phần lớn các nhà văn sử dụng cả hai ngữ; bởi tiếng Pháp vẫn được dùng
như một phương tiện diễn đạt; và bởi việc dùng tiếng Pháp không còn là một sự lựa
chọn riêng biệt mà chỉ là một phương tiện để tìm kiếm và mở rộng độc giả [4].
Kim và Nguyễn Lê Hiếu đề nghị một cách phân loại khác lịch sử
văn học Pháp ngữ Việt Nam. Theo tác giả này là có năm giai đoạn như sau.
Giai đoạn 1: Nửa sau thế kỷ 19 là giai đoạn sửa soạn do
Pétrus Ký, Paulus Cuả phát triển chữ Quốc ngữ và thảo sách giảng dạy tiếng
Pháp.
Giai đoạn 2: Phần tư đầu thế kỷ 20 là giai đoạn phát triển với
người viết là những người xuất thân từ các trường Pháp ở thuộc địa, có một số
tác phẩm khá rộng rãi về nhiều thể loại, như các bài biên khảo của Phạm Quỳnh:
L’idéal du sage (1928), Les humanités annamites (1928), Quelques conférences à
Paris (1923), cuốn tự truyện của Nguyễn Văn Nhỏ Souvenirs d’un étudiant (1920),
thiên du ký của Lê Văn Đức A travers l’Allemagne, la Belgique et l’Angleterre
(1924)
Giai đoạn 3: Khoảng 1925 đến giữa thế kỷ là giai đoạn trưởng
thành phong phú, nhiều tác phẩm, nhiều loại
và nhiều chủ đề. Lúc này xuất hiện lớp tác giả đầu tiên từ Pháp về.
và nhiều chủ đề. Lúc này xuất hiện lớp tác giả đầu tiên từ Pháp về.
Giai đoạn 4: Khoảng giữa thế kỷ đến 1975 là giai đoạn phân
tán: ngoài bắc thưa thớt, trong Nam sản xuất từ từ, tác giả tại Pháp sản xuất
nhiều hơn.
Giai đoạn 5: Cuối thế kỷ: ở Việt Nam tác phẩm sáng tạo ít, chủ
về dịch thuật nhiều hơn; các tác giả gốc Việt ở ngoại quốc sản xuất ngày một
thêm [5].
Các sáng tác văn học Pháp ngữ Việt Nam chủ yếu đều lấy đề
tài, nội dung từ thực tế đất nước. Vì sao các nhà văn người Việt lại chọn tiếng
Pháp làm ngôn ngữ thể hiện? Nói cách khác, sao họ lại chọn viết Pháp văn chứ
không phải Việt văn? Có thể thấy mấy lý do sau. Thứ nhất, họ muốn chứng tỏ mình
thông thạo tiếng Pháp, có đủ năng lực nắm bắt và diễn tả được các sắc thái tinh
tế, phong phú, phức tạp của một thứ ngôn ngữ phương Tây mà họ đánh giá cao so với
tiếng mẹ đẻ.
Thứ hai, họ dùng tiếng Pháp để viết về phong tục tập quán, về những
con người của dân tộc mình nhằm giới thiệu văn hóa nước mình cho người Pháp nói
riêng, người nước ngoài nói chung.
Thứ ba, tiếng Pháp trong tay họ được sử dụng
như một công cụ để phản ứng lại thứ tư duy thực dân, thái độ thực dân của kẻ thống
trị đối với kẻ bị trị. Vai trò của họ là làm cái gạch nối giữa Tây và Đông như
Phạm Quỳnh nói. Theo ông: “Đối với giới trí thức nước Nam, tiếng Pháp là thứ tiếng
của văn hóa. Với chúng tôi, nó là chìa khóa và vũ khí. Chìa khóa mở ra cho
chúng tôi những kho báu của tư tưởng Tây phương; vũ khí bảo vệ chúng tôi và giải
phóng chúng tôi về tinh thần, luân lý, chính trị kinh tế”[6].
Một chủ đề lớn và chủ yếu của các tác phẩm văn xuôi Pháp ngữ
Việt Nam thời kỳ đầu là sự tương tác văn hóa Việt - Pháp, thể hiện mối quan tâm
lo lắng của các tác giả về bản sắc dân tộc trước sự tác động của tiếng Pháp và
văn hóa Pháp được tiếp thu từ nhà trường Pháp Việt đối với nền văn hóa và luân
lý phương đông cổ truyền của Việt Nam. Như ở tác phẩm Le roman de Mademoiselle
Lys, Nguyễn Phan Long cho thấy nguy cơ tiềm tàng của cái học Pháp đối với phụ nữ
nước Nam. Truyện viết dưới dạng một cuốn nhật ký của Hai, một cô gái Nam Bộ trở
lại làng quê mình sau tám năm theo học trường Pháp tại Sài Gòn. Lúc đầu Hai thấy
mình xa lạ giữa quê hương, thấy mình dị ứng với những tập tục thói quen cũ ở
làng, và nhất là không thể chịu nổi những ràng buộc khắt khe của Nho giáo áp đặt
cho người phụ nữ. Có một sự xung đột văn hóa diễn ra trong lòng cô giữa những
điều học được ở trường và cuộc sống của người dân quê. Nhưng rồi áp lực truyền
thống đã thắng. Sau khi vượt qua được cơn khủng hoảng tinh thần khiến cố định tự
tử, Hai đã quay về với bản tính cố hữu của một cô gái gia giáo, nề nếp. Và khi
cô cưới chồng cũng là lúc cô quyết định khép lại cuốn nhật ký. Hay như ở tác phẩm
Ba-Dam của Albert de Teneuille và Trương Đình Tri viết chung, sự xáo trộn văn
hóa tác động đến cả những người đàn ông. Nhân vật chính của truyện là Nguyễn
Văn Sao, một sinh viên luật ở Paris. Trong sáu năm sống ở Pháp, Sao đã vật lộn
để trở thành một người Tây học. Chàng đã cưới vợ là một cô gái Pháp tên là Janine
Lassiat. Nhưng khi chàng đưa vợ về quê mình ở Nam Bộ thì gia đình, họ hàng,
làng mạc không thể nào chấp nhận được một cuộc hôn nhân dị chủng như vậy. Trước
mặt đôi vợ chồng trẻ Việt - Pháp những hàng rào khác biệt văn hóa đã được dựng
lên mà họ khó lòng vượt qua. Như vậy, ngay khi sáng tác bằng tiếng Pháp thì cuộc
đấu tranh mới cũ trong cuộc đụng độ văn hóa Việt - Pháp thời kỳ đầu vẫn được
các tác giả người Việt đi sâu thể hiện và nghiêng về phía bảo lưu các giá trị
truyền thống. Cố nhiên, là các trí thức tây học, họ rồi sẽ biết tiếp nhận dung
hòa cả hai nền văn hóa để tạo nên một bản sắc văn hóa hiện đại. Nhưng nền tảng
vẫn là giá trị văn hóa dân tộc. Các nhà văn Pháp ngữ Việt Nam chắc hẳn đồng
tình và ủng hộ tư tưởng quan trọng này của Phạm Quỳnh khi ông phát biểu trước
Hàn Lâm viện Pháp năm 1922: “Dân nước Nam không phải là một tờ giấy trắng; đó
là một cuốn sách cổ chứa đầy những dòng chữ được viết bằng một thứ mực không thể
tẩy xóa từ bao đời nay; không một chất thử nào có thể tẩy xóa chúng được hoàn toàn
và người ta không thể tự do muốn viết gì vào đấy thì viết. Người ta chỉ có thể
đóng lại cuốn sách cổ đó theo một cách mới, bày biện nó theo lối hiện đại hơn,
chứ đừng mơ tới việc viết vào đó một thứ chữ xa lạ đè lên thứ chữ đã có từ ngàn
xưa” [7].
Về mặt này, văn xuôi Pháp ngữ Việt Nam có thể cung cấp những cứ liệu lịch sử thú vị cho người nghiên cứu lịch sử hành trình văn hóa Việt Nam thời hiện đại.
Về mặt này, văn xuôi Pháp ngữ Việt Nam có thể cung cấp những cứ liệu lịch sử thú vị cho người nghiên cứu lịch sử hành trình văn hóa Việt Nam thời hiện đại.
Dòng văn học Pháp ngữ Việt Nam vẫn tiếp tục tồn tại hiện nay,
nhưng bây giờ những người viết chủ yếu là ở ngoài nước. Tác phẩm mới nhất là tiểu
thuyết đầu tay La princesse et le pêcheur (Actes Sud, 2007) của Trần Huy Minh,
một cô gái Việt sống tại Pháp. Sinh ngày 16 tháng 3 năm 1979 tại Clamart, ngoại
ô Paris, cha mẹ Việt Nam, Trần Huy Minh trở về quê hương lần đầu rồi cho xuất bản
tiểu thuyết La princesse et le pêcheur, nêu bật bi kịch của người Việt trong một
xã hội tàn nhẫn mà lịch sử giẫm đạp không thương tiếc, trên nền truyện cổ tích
dân gian. Công chúa và ngư phủ là một trong 3 tiểu thuyết bán chạy nhất trong
năm 2007. Giải thưởng Prix Riviera, giải thưởng Tân truyện (Prix
Gironde-Nouvelles Écritures), giải thưởng Prix Emmanuel Roblès, giải thưởng Ngũ
châu lục (Prix des Cinq Continents), giải thưởng Khám phá Tài năng (Bourse de
la Découverte de la Fondation Pierre de Monaco), vào chung khảo Giải Văn chương
Toàn quốc cho tiểu thuyết đầu tay Prix Goncourt 2007… Trần Huy Minh hiện làm
phó tổng biên tập Nguyệt san Văn (Magazine Littéraire), chủ biên chuyên đề Văn
học Trung Hoa từ Khổng Tử đến Cao Hành Kiện, trong ban giám khảo tuyển chọn dự
án phim truyện cho đài truyền hình d'ARTE France Cinéma, giữ mục chroniqueur
cho nhiều tuần san, phụ trách chương trình tivi Lời của đêm (Mots de nuit). Tác
phẩm thứ nhì: Le Lac né en une nuit et autres légendes du Vietnam…
II. Tình hình nghiên cứu
Một điều khá lạ lùng và khó hiểu là tuy đã có lịch sử gần một
thế kỷ tồn tại và hoạt động nhưng văn học Pháp ngữ Việt Nam lại hầu như chưa được
coi là một đối tượng nghiên cứu và giảng dạy ở Việt Nam. Trong bộ Việt Nam văn
học sử yếu (1940) của Dương Quảng Hàm, dòng văn học này không được nói đến.
Trong bộ Nhà văn hiện đại (1942) của Vũ Ngọc Phan, những nhà văn có tác phẩm viết
bằng Pháp ngữ đã bước đầu được nói đến và phân tích. Trong sách Văn thi sĩ tiền
chiến (Sài Gòn 1970), nhà thơ Nguyễn Vỹ cũng là một tác gia Pháp ngữ đã dành hẳn
một phần viết về “Văn sĩ Việt văn chương Pháp”. Nhưng đó vẫn chỉ có tính cách bộ
phận. Cho đến nay công trình duy nhất tìm hiểu và phân tích dòng văn học này một
cách khá đầy đủ và chuyên sâu là của một tác giả người Mỹ, giáo sư Jack A.
Yeager, nhan đề The Vietnamese Novel in French. A Literary Response to
Colonialism, (Published by University Press of New England, Hanover and London,
1987). Cuốn sách được viết trên cơ sở luận án tiến sĩ của ông. Cũng ở Mỹ, có một
luận án tiến sĩ khác nghiên cứu về sáng tác của Phạm Văn Ký: Nguyen Hon Nhiem
Lucy, L’échiquier et l’antinomie: Je/moi comme singe et substance du conflit
Occident-Extrême-Orient dans les oeuvres de Pham Van Ky (University of
Massachussets Amhers, 1992). Năm 2004 có cuốn Disorientation: France, Vietnam,
and the Ambivalence of Interculturality (Published by Hong Kong University
Press). Gần đây nhất là bài viết của Pgs, Ts Lê Chí Dũng với cái nhìn phủ định:
“Một dòng văn học francophone không hiện hữu trong con sông văn học Việt Nam thế
kỷ XX” (talawas, 18.3.2008). Ngoài ra là một số ít những bài viết rải rác. Những
nghiên cứu đó, bằng cách này hay cách khác, thái độ có thể khác nhau, đã phác
thảo những định hướng ban đầu, nhưng thế vẫn là chưa đủ.
Thực tế này cần phải được khắc phục bằng một chương trình khảo
cứu, biên dịch và dịch thuật lâu dài, nghiêm túc để làm rõ diện mạo một thực thể
văn học trong tổng thể văn học Việt Nam hiện đại. Hiện nay, ở Viện Văn học, tôi
đang chủ nhiệm một đề tài cấp bộ là: Nghiên cứu so sánh văn xuôi Pháp ngữ Việt
Nam - vấn đề và lịch sử. Chúng tôi sẽ triển khai đề tài trên ba phương diện: lịch
sử hình thành; tác giả và tác phẩm; đặc điểm nội dung và nghệ thuật. Kết quả của
đề tài sẽ là một tập sách trình bày cả ba phương diện trên như là một phác thảo
lịch sử văn xuôi Pháp ngữ Việt Nam. Trên cơ sở này có thể tiến hành về sau việc
khảo cứu các bộ môn sáng tác khác bằng Pháp ngữ.
VĂN TRẺ VIỆT NAM HÔM NAY
1. Văn trẻ Việt Nam hôm nay đông đảo, tấp nập. Mở trang báo nào
cũng thấy có họ. Giở trang sách nào cũng gặp họ. Điểm qua tình hình văn học
hàng năm không thể không nhắc đến họ. Thử kể một số cái tên trẻ trong độ tuổi
35 trở xuống - cái hạn tuổi được Hội Nhà Văn quy định cho mỗi kỳ Hội nghị những
người viết văn trẻ: Phan Thị Vàng Anh, Trần Thanh Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn
Thị Châu Giang, Phan Triều Hải, Nguyễn Bình Phương, Lưu Sơn Minh, Hoa Ngõ Hạnh,
Dương Nữ Khánh Thương, Hữu Việt, Lê Huy Bắc, Nguyên Hương...
Tôi kể lộn xộn, không theo một thứ tự nào, nhưng danh sách này còn kéo dài. Chẳng thế mà ban tổ chức hội nghị đã phải rất vất vả mới hạn định được số lượng đại biểu tham dự sau mấy lần kéo dãn con số thêm ra so với ước định ban đầu. Đông quá mà, những người viết trẻ hôm nay. Trước hết hẵng cứ mừng cho cái sự đông vui này. Có nó, văn đàn Việt Nam cuối thế kỷ nhộn nhịp, tưng bừng. Có nó, đời sống văn học thêm sinh khí, thêm sự đua tranh sáng tạo. Có nó, người đọc có được một cái hy vọng cho tương lai văn chương nước nhà ở thế kỷ sau. Nói gọn lại, có đội ngũ trẻ này là có một nền văn trẻ Việt Nam.
Tôi kể lộn xộn, không theo một thứ tự nào, nhưng danh sách này còn kéo dài. Chẳng thế mà ban tổ chức hội nghị đã phải rất vất vả mới hạn định được số lượng đại biểu tham dự sau mấy lần kéo dãn con số thêm ra so với ước định ban đầu. Đông quá mà, những người viết trẻ hôm nay. Trước hết hẵng cứ mừng cho cái sự đông vui này. Có nó, văn đàn Việt Nam cuối thế kỷ nhộn nhịp, tưng bừng. Có nó, đời sống văn học thêm sinh khí, thêm sự đua tranh sáng tạo. Có nó, người đọc có được một cái hy vọng cho tương lai văn chương nước nhà ở thế kỷ sau. Nói gọn lại, có đội ngũ trẻ này là có một nền văn trẻ Việt Nam.
2. Trẻ của hôm nay trong mạch viết của mình không quên quá khứ.
Đối với họ, quá khứ không phải là gánh nặng nhưng không phải không níu kéo, dằn
vặt. Văn học thời đổi mới có một chủ điểm được xoáy sâu là nhìn nhận, soát xét
lại quá khứ đất nước mấy chục năm qua. Lớp viết trẻ tham gia vào đó không phải
với tư cách chủ nhân hay nạn nhân mà với tư cách chứng nhân từ vị thế hiện tại
và tương lai. Họ không dự phần trách nhiệm của quá khứ nhưng họ phải bảo đảm
trách nhiệm cho chính họ và những lớp người đến sau họ. Vì vậy thái độ nhìn quá
khứ của họ thường là quyết liệt, gay gắt, nhưng cũng đầy cảm thông, trân trọng,
và ẩn bên trong là một nỗi buồn đau làm người. Làm thế nào để con người sống thật
với nhau chứ không phải sống đạo đức giả? Làm thế nào để con người được là Người
hơn? Các truyện ngắn Kịch câm (Phan Thị Vàng Anh), Phù thủy (Nguyễn Thị Thu Huệ),
Vườn yêu (Võ Thị Hảo), tiểu thuyết Cõi nhân gian (Nguyễn Phúc Lộc Thành) gây dư
luận chú ý ở mạch viết này. Cái chính bao trùm vẫn là khát vọng sống tự do,
nhân bản, hài hòa Thiên-Địa-Nhân như lẽ hằng tồn vũ trụ. Muốn thế con người phải
dũng cảm và vị tha dám “bước qua lời nguyền” giải tỏa sự hận thù, ngờ vực giữa
cha và con, vợ và chồng, anh và em, trước và sau, bên này và bên kia. Một người
viết trẻ, Tạ Duy Anh, khi chưa đầy 30 tuổi (1988), đã gióng lên tiếng kinh cầu
thức tỉnh ấy. Và đó là trẻ nhập vào xu thế của nhân loại thời đại ngày nay.
Đọc những trang văn không thiếu sự gay gắt, tê tái lớp trẻ viết
về một thời quá khứ chưa xa của cha anh, có người e ngại một sự quay lưng, phủi
tuột lịch sử. Hoặc giả lại có người cho rằng lớp trẻ ít vướng bận quá khứ nên mới
có thể viết một cách nhẹ nhàng, thản nhiên như thế. Cả hai cách nghĩ đều có phần
bất cập cho trẻ, dễ làm trẻ chựng lại trên đường viết. Nghĩ như Đỗ Phước Tiến
(33 tuổi) có lẽ đúng với những người viết trẻ hôm nay khi nhìn lại hôm qua: “Nếu
có một thế hệ nào đó cần tỏ ra cảm thông với quá khứ, thì đó phải là thế hệ của
chúng tôi. Mỗi khi đặt bút, chúng tôi đều cân nhắc kỹ càng. Cần phải tỏ ra mình
không phải là kẻ bội bạc, cũng không thể là đứa ngây thơ. Trong khi đó vẫn phải
viết cho... hay”. Hay ở đây nghĩa là phải triệt để, phải đi đến tận cùng vấn đề,
không giả trá, không nửa vời, không nhân nhượng, may ra từ đó văn học mới mang
lại được chút gì cho con người trong buổi mới nhân sinh này. Ông Đốt
(Dostoevski) thiên tài có lần nói rằng cả đời ông chỉ làm mỗi một việc là đẩy tới
tận cùng cái mà những người khác chỉ dám làm nửa chừng. Vậy nên ông mới có Anh
em nhà Karamazov, Tội ác và trừng phạt bất hủ để lại mãi mãi làm nhức nhối
lương tâm nhân loại, khiến con người phải tự tẩy sạch mình hơn. Viết kiểu này
văn có vẻ như lạnh lùng, tàn nhẫn. Thì đến như Gorki vĩ đại cũng chưa phải đã
hiểu hết Đốt khi gọi ông là “thiên tài độc ác”. Trong văn học Việt Nam Nguyễn
Khải từng bị kêu nhiều lần là văn lạnh. May mà ông Khải giữ được giọng mình
trong văn nên bây giờ đọc lại văn ông viết trước đây còn được ít nhiều thú vị
hơn các đồng nghiệp khác. Thế thì cái sự lạnh của văn không hẳn là một nhược điểm.
Đằng sau cái lạnh có vẻ của câu chữ đó là cả tấm lòng ấm nóng xúc động buồn
thương của người viết. Văn trẻ vẫn đang ồn ào nhiều, vẫn đang lắm khóc cười
không đâu, nhưng ở một vài tác phẩm đứng được nó đã biết lạnh để làm nóng tâm hồn
người đọc. Hãy xem nhân vật “Nó” trong truyện Kịch câm; trừng phạt bố nhưng nó
có sung sướng gì đâu, trái lại nó đau khổ đến tuyệt vọng.
3. Trẻ của hôm nay khát khao được làm mới văn thơ. Ba mươi
sáu tuổi đời, Nguyễn Bình Phương đã có sau lưng mình bốn tập thơ (Lam chướng,
Khách của trần gian, Xa thân, Từ chết sang trời biếc), năm tập tiểu thuyết (Bả
giời, Vào cõi, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn). Anh vừa
hoàn thành cuốn tiểu thuyết mới nhan đề "Mộng". Số lượng đã đáng nói,
nhưng cách viết của Phương còn đáng nói hơn. Anh chọn một lối đi riêng và lầm
lũi đi theo lối đã chọn, không màng nổi danh, không chạy theo thời thượng văn
chương, không nao núng trước sự im lặng đang có đối với tác phẩm của mình. Anh
kiên trì thử nghiệm, làm mới, và tin vào sự thành công của việc mình làm. Thơ
Phương chối bỏ lối luận lý, giãi bày, anh nhấn sâu vào vùng cảm liên tưởng, để
những hình ảnh tự cho người đọc nắm bắt.
Tiểu thuyết của Phương xáo trộn các hiện thực, đưa nhiều cái ảo vào, buộc người đọc phải theo mình vào một mê cung như cuộc đời. Tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, vì thế, đang kén người đọc, đang mời gọi độc giả cùng tác giả đi vào một mỹ cảm mới. Tuy chưa rộng ra, nhưng ai đã đọc Phương đều thấy có cái khác, đều thấy có một hướng đi như vậy. Giới trẻ nhiều người thích văn Phương. Tôi nghĩ đó là một xu thế.
Tiểu thuyết của Phương xáo trộn các hiện thực, đưa nhiều cái ảo vào, buộc người đọc phải theo mình vào một mê cung như cuộc đời. Tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, vì thế, đang kén người đọc, đang mời gọi độc giả cùng tác giả đi vào một mỹ cảm mới. Tuy chưa rộng ra, nhưng ai đã đọc Phương đều thấy có cái khác, đều thấy có một hướng đi như vậy. Giới trẻ nhiều người thích văn Phương. Tôi nghĩ đó là một xu thế.
Trần Thanh Hà (32 tuổi) vốn là một cô giáo dạy văn ở miền đất
Quảng Trị một thời máu lửa chiến tranh khốc liệt. Quá khứ đau thương của cuộc
chiến đi qua đời người, để lại những dấu ấn nhức nhối trong số phận con người,
nhất là phụ nữ, hiện rõ trên những trang viết của Hà. Chững chạc ngay từ truyện
đầu tay, Hà biết đi sâu vào các cảnh ngộ thân phận, biết khơi gợi vào góc khuất
sâu kín của tâm hồn nhân vật để tìm một sự sẻ chia, đồng cảm. Một mảng đề tài
khác trong truyện Trần Thanh Hà là lớp trẻ với những vấn đề băn khoăn, bức xúc
của họ trước cuộc sống làm sao để hoàn thiện mình, để mình được là mình mà
không đánh mất phẩm chất, tư cách của lớp người trẻ. Tập truyện ngắn “Gió của
mùa sau” viết về đề tài này đã được giải nhất cuộc thi “Sáng tác văn học cho tuổi
trẻ” của nhà xuất bản Thanh Niên (1996). Cùng năm đó Hà được giải nhất cuộc thi
truyện ngắn của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Mới đây Trần Thanh Hà đã được kết nạp
vào Hội Nhà Văn Việt Nam và là hội viên trẻ tuổi nhất.
Lưu Sơn Minh (29 tuổi), chàng trai học y khoa, hiện làm việc
cho một tạp chí về ô tô xe máy, khi cầm bút viết văn đã mạnh dạn đi vào lịch sử,
trăn trở khám phá các nhân vật dù là dã sử hay chính sử trên bình diện con người.
Tiếng hát của chàng Trương Chi, câu chuyện hóa hổ của thái sư Lê Văn Thịnh, nỗi
niềm của bà mẹ vua Lê Thánh Tông... được cây bút trẻ này khơi gợi vào những miền
sâu tâm linh, muốn đồng cảm ở họ một thân phận con người, muốn đưa họ ra trước
mắt người đời khác hơn như cách nhìn nhận lâu nay. Tập truyện ngắn "Mưa
sâm cầm" của Lưu Sơn Minh xuyên suốt một mạch viết này. Nhưng Minh xuất hiện
lần đầu là với truyện ngắn “Bến trần gian” bằng cách viết mộng ảo nói về nỗi
đau mất mát trong chiến tranh. Truyện này, cùng với truyện “Duyên nghiệp” viết
về cái nghiệp nghệ thuật, nghiệp người, nhờ ở nội dung sâu sắc và cách viết mới
lạ đã được trao giải ba cuộc thi truyện ngắn 1992 - 1994 của tạp chí Văn Nghệ
Quân Đội. Truyện “Duyên nghiệp” về sau đã được dựng thành phim truyện nhựa gây
được tiếng vang.
Nguyễn Quyến (28 tuổi) khi xuất hiện cách đây năm năm đã gây
được tiếng vang. Thơ Quyến là trực giác suy tư hay suy tư bằng trực giác thì
cũng vậy. Quyến làm thơ vừa như một đứa trẻ đang vươn lên làm người lớn, lại vừa
như một người lớn muốn thu mình thành trẻ con. Ở khoảng giữa đó, trên ranh giới
ấy là miền thơ của Quyến với những cảm nhận khác lạ và một trạng thái vừa phân
thân vừa nhập thân đầy huyền bí. Bài thơ Ranh giới của Quyến viết về tuổi mười
bảy thật mới mẻ trong một đề tài không còn mới:
Tôi ngơ ngác tuổi mười bảy ranh giới vật nhà và thú rừng
Tôi kêu lên trẻ con đã thành người chưa
Tôi ngơ ngơ như chim và cung quăng như cá
Tôi ngơ ngác giữa hai tiếng gọi, hoàng hôn em chờ
và ban mai mẹ đợi, và tôi giấu hai người điều tôi xấu hổ
(Nhưng tôi không giấu con người và con thú
cái đêm dương tính đầu tiên)
Nguyễn Quyến đã có một tập thơ riêng “Mưa ban mai” và vừa in
chung tập “Thơ tự do” cùng chín tác giả khác. Sau khi tốt nghiệp khóa V trường
viết văn Nguyễn Du, Quyến hiện đang làm báo tại Hà Nội và tiếp tục đam mê thơ.
Ngân Hoa (34 tuổi) viết văn làm thơ và sớm nổi lên qua hai giải
thưởng: giải nhì thơ báo Văn Nghệ (1995) và giải ba cuộc thi “Sáng tác văn học
cho tuổi trẻ” (nxb.Thanh Niên, 1996). Thơ và truyện của Hoa mạnh ở những khát
khao tình yêu, hạnh phúc, một khát khao mãnh liệt bằng cả tình cảm và bản năng.
Hoa viết mạnh bạo về những đam mê lứa đôi của tuổi trẻ, nhưng linh cảm của một
người thơ mách bảo tác giả biết dừng lại đúng lúc.
Chúng mình nằm bên nhau trong nắng nhạt cuối xuân
ùa qua cửa
Anh đã ngủ quên sao em chẳng ngủ cùng
Những đóa huệ tây nở ra vì hơi nóng
Chiếc cốc nhỏ trong veo ánh sáng đã chảy tràn
Mình đã nằm như thế một ngày nào, một trưa xuân
nào trước
Chân tay gác lên nhau chăn gối lẫn trên giường
Sao em chẳng ngủ cùng một giấc
Nguyễn Thị Ngọc Tư (27 tuổi), cô gái ở chót mũi Cà Mau, tác
giả tập truyện "Ngọn đèn không tắt" được giải nhất cuộc thi sáng tác
văn học cho tuổi hai mươi ở thành phố Hồ Chí Minh. Những truyện của cô đậm chất
Nam Bộ kể về cuộc sống thường ngày của những con người bình thường, giản dị. Ngọc
Tư có một truyện ngắn viết về chiến tranh "Chuyện vui điện ảnh" cho
thấy cách nhìn của lớp trẻ hôm nay đối với cuộc chiến vừa qua. Chiến tranh ở Việt
Nam đã trôi qua hơn một phần tư thế kỷ, đã có một lớp người sinh ra sau chiến
tranh, họ không sống cuộc chiến tranh, mà chỉ được nghe kể lại, được xem trong
sách báo và phim ảnh. Cụ thể hơn chút nữa, lớp người sinh sau chiến tranh chỉ
có thể thấy trên thực địa những dấu tích của chiến tranh giờ đã thành bảo tàng,
thành kỷ niệm, với lớp thời gian ngày càng phủ dày lên. Như một bài haiku của
Basho viết: "Cỏ hè tươi tốt mọc lên/ nơi xưa người lính trận tiền/ nằm
mơ". Trong văn học, chiến tranh chắc sẽ còn hiện diện lâu dài, nó sẽ vẫn
là một đề tài lớn được tiếp tục khai thác, nhưng với mỗi thế hệ người cầm bút,
chiến tranh có một hình hài diện mạo riêng, một dấu ấn riêng. Lớp nhà văn đã đi
qua cuộc chiến, tham gia cuộc chiến, trải nghiệm đời mình trong đạn bom máu lửa,
trong đổ vỡ mất mát, trong chết chóc, chiến tranh sẽ là khúc bi ca, tráng ca,
hùng ca, chiến tranh với họ sẽ mãi mãi là một phần đời, nhiều khi là cả cuộc đời,
rỏ máu. Họ sẽ viết để tái hiện, để chiêm nghiệm cái hiện thực đã thành kinh
nghiệm không thể nào quên, không thể nào dứt bỏ được. Như tên gọi một tiểu thuyết
của Bảo Ninh, lớp nhà văn này viết trong "nỗi buồn chiến tranh". Lớp
người sinh ra sau chiến tranh cầm bút viết văn cũng không né tránh cái hiện thực
họ chỉ "nghe nhìn" mà không sống đó. Chiến tranh không phải một phần
đời của họ, không thành quá khứ của họ, không phải niềm kiêu hãnh hay gánh nặng
đối với họ. Họ sẽ nghe, sẽ xem, sẽ cảm nhận, sẽ suy nghĩ, và sẽ viết về chiến
tranh theo cách của mình: cách của một thế hệ đến sau không còn muốn có chiến
tranh. Họ sẽ nhìn chiến tranh bằng con mắt của thế hệ mình. Chiến tranh không
phải là một trò đùa, nhưng chiến tranh là một điều khủng khiếp. Truyện ngắn
"Chuyện vui điện ảnh" viết trong tinh thần này. Những người dân thường
của hẻm Cựa Gà nhờ chú Sa làm bảo vệ ở hãng phim truyền hình mà thỉnh thoảng được
các đoàn làm phim cho vào các vai quần chúng, nhất là trong những phim về chiến
tranh. Đóng phim thì vui, vào phía bên này hay bên kia trong chiến tranh trên
phim cũng được: "Thanh niên vô vai lính, lúc bên mình lúc thay áo qua bên
giặc. Ông bà già con nít đóng vai dân, nhiều nhất là dân chạy loạn. Sồn sồn cỡ
chú Sa hóa trang vai lãnh đạo tham mưu hoặc làm quan Tây. Tuổi nào có vai nấy,
chạy ào qua cái mương, nước văng sáng trắng có thấy mặt mũi gì đâu nhưng vẫn gọi
đấy là vai, vẫn vui". Vui vậy, ngờ đâu một lần chú Sa được một ông đạo diễn
mời đóng chính vô vai một thiếu úy, "một tên ác ôn, giết vợ, hãm hại vợ
người, tàn sát trẻ nít, huênh hoang phá xóm phá làng, sau chết vì chó điên cắn".
Lại ngờ đâu, chú Sa diễn ngon quá, đạt quá, nhập vai thật quá, khiến ngay cả bà
con lối xóm xem phim "vừa hể hả vừa ghê tởm". Và từ đó mọi người nhìn
chú như nhìn một tên ác ôn, dần dần xa lánh lạnh nhạt với chú, ngay cả cô Thư
là người mà chú đang muốn gá nghĩa. Chiến tranh, chuyện tưởng chỉ trên phim, ngờ
đâu nó đảo lộn đời thật, chiến tranh qua rồi mà ám ảnh nó còn dai dẳng.
"Chung quy cặn nguồn cũng tại chiến tranh hết, dù chiến tranh trôi qua đã
mấy chục năm rồi" - tác giả thiên truyện gói lại một câu như vậy. Và câu
chuyện vui điện ảnh của xóm Gà đã kết lại trong một điệu buồn thế này: "Hằng
đêm, chú Sa đốt nhang van vái hương hồn ba má chú, van vái đất trời cho gián nhấm,
chuột cắn bộ phim đó hoặc giả nó sẽ mốc meo trong kho lưu trữ đi cho rồi để mỗi
dịp lễ lạt khỏi bị lấy ra chiếu đi chiếu lại, phiền lòng giữa buổi vàng
thau". Người viết trẻ không quên chiến tranh, nhưng chiến tranh là điều khủng
khiếp, nó qua rồi hãy để nó qua, đừng để nó tiếp tục phá hoại cuộc sống hiện tại,
tiếp tục làm bất an con người. Người đi qua chiến tranh nhìn nó từ phía trước,
người không trải qua chiến tranh nhìn nó từ phía sau, phía nào nó cũng là bất
trắc, và đổ vỡ. Khác chăng, người trẻ hôm nay không muốn bận tâm về nó nữa.
Vi Thùy Linh (23 tuổi) gây xôn xao văn đàn khi cô xuất hiện với
hai tập thơ "Khát" và "Linh". Cô làm thơ tự do để cho dòng
cảm xúc sôi nổi, ào ạt của mình được tuôn chảy mãnh liệt. Thơ Linh tràn trề nhục
cảm như khát vọng của con người, như một cách thế bộc lộ, khẳng định mình, như
một giá trị vĩnh hằng của cõi sống. Một đặc điểm dễ nhận thấy của văn học Việt
Nam khoảng giao thời hai thế kỷ là các cây bút nữ đã tỏ ra táo bạo khi nói về
tình yêu, không ngần ngại đụng chạm đến tình yêu nhục thể. Vi Thùy Linh ở trong
dòng chảy đó. Có điều, bằng thơ, cô nói lên nồng nàn, quyết liệt những nhu cầu
đòi hỏi giới tính của mình, và không riêng của mình, trong tình yêu. Nói cách
khác, Linh đòi cho bản năng giới tính được đặt đúng chỗ của nó trong tình yêu,
và trong thơ. Linh muốn mình ngang tàng, tỏ ra ngang tàng, nhưng cũng như bao
cô gái khác, khi tình yêu đến cô chịu khuất phục. Giữa hai cực ấy của tình yêu,
Linh đòi Anh phải cho Em sống đúng tình yêu là sự chung hiến riêng tư của hai
con người toàn vẹn. Trong không gian tình yêu của Linh mọi điều đều có thể,
không cái gì là không lành mạnh.
Từ cơn thèm muốn rất thật này:
Khỏa thân trong chăn
Thèm chồng. Thèm có chồng ở bên. Chỉ cần anh gối
lên đùi
Mình ôm lấy anh ôm lấy mình
Biết sự bình yên của mặt đất
Từ nhục cảm này:
Cái lưỡi mềm của anh nơi gan bàn chân em
Làm Thế Giới hóa lỏng
Từ nỗi nhớ xa cách này:
Nửa vòng trái đất anh xa em
Giấc mơ đắp lên em những mảnh đêm
Em ghép đêm như ghép giấc mơ đứt quãng
Nhưng em biết
Dù có ghép cả đời mình vào đó
Cũng không thể biến thành chăn kín như anh
Và cô gái đang khát yêu trong thơ Linh đã mơ cuộc hoài thai:
Mẹ viết truyện cổ tích cho con khi đang trên dàn lửa
hiến tế
ham muốn được gần cha
Khi đôi môi cha mọc trên mẹ, mẹ vẫn ước có con vào
mùa cha gặp
mẹ
Chỉ có cha và con là thiêng liêng; kiến tạo cuộc đời
đàn bà của mẹ.
Hai tập thơ, nhất là tập thứ hai, của Vi Thùy Linh đã gây
"sốc" cho bạn đọc và đã tạo nên những tranh luận vài năm qua. Những
cuộc tranh luận đó cho thấy thị hiếu văn học Việt Nam vẫn đang vất vả khó nhọc
chuyển đổi hệ giá trị của mình để có thể mở đường cho những tìm tòi, sáng tạo của
người viết, nhất là người viết trẻ.
4. Có một đặc điểm chung của văn trẻ: tự tin, táo bạo. Đây là
đặc điểm lứa tuổi rất cần thiết cho sáng tạo văn học nghệ thuật. Nguyễn Bình
Phương coi mình là người khách lạ đến cõi trần gian này để làm nên sự lạ văn
chương. Nguyễn Phúc Lộc Thành bàn chuyện cả cõi nhân gian, mà bàn một cách chín
chắn, thâm thúy. “Trong nghề văn khiêm tốn là một đức tính thừa!" - quan
niệm này của Gabriel García Márquez, Nobel văn học 1982, hẳn có ích cho văn trẻ.
Trong quá trình học và đọc, luôn luôn có những bậc thầy cho ta ngưỡng mộ, kính
phục, yêu mến. Nhưng khi bắt tay vào viết, ta phải luôn nghĩ ta là nhất, là hơn
hết cả, là sẽ vượt lên trên các giá trị đã có, tạo lập một giá trị mới chưa từng
có. Câu thơ Xuân Diệu nói cái cô đơn cá nhân có thể vận cho tâm thế sáng tạo:
“Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất, Không có chi bè bạn nổi cùng ta". Nghĩ
được thế rồi, được nghĩ thế rồi, ta mới dám mạnh bạo phá tung mọi luật lệ văn
chương ràng buộc níu trói chân tay, mới dám mở bung đầu óc tâm trí tìm đến những
miền xa tưởng tượng, mới dám làm mới cho từng lời thơ câu văn. Ai bảo ta kiêu
căng, mặc! Ai bảo ta hỗn hào, mặc! Ai bảo ta điên rồ, mặc! Đã rằng khiêm tốn
nên gác ra ngoài khi một mình đối diện với trang giấy, ta chỉ biết có ta trong
cơn xúc cảm sáng tạo mà thôi. Trang giấy "pháp trường trắng” (chữ dùng của
Nguyễn Tuân) không cho phép ta hèn nhát chỉ nghĩ là mình cố viết sao cho bằng
được cái đỉnh này, cái ngọn kia. Phải dũng cảm ở đây. Sự điên rồ của những người
dũng cảm ở đây mới có thể tạo ra kiệt tác văn chương. Cái làng Macondo đã nảy
nòi dưới ngòi bút G.G.Márquez chính là vì khi ngồi vào bàn viết ông đã xác quyết
không chịu khiêm tốn với ai cả. Một trăm năm cô đơn, người mọc đuôi lợn, cả một
cái làng bị thoái hóa... đó là cái riêng, cái duy nhất của ông nhà văn Columbia
này, trước ông văn học thế giới chưa có hình tượng nào như thế, nhờ ông
Columbia trở thành một địa chỉ đỏ trên bản đồ văn học thế giới.
Điều này cần phải được hiểu đúng cho lớp trẻ để chấp nhận họ,
tạo điều kiện cho họ thi thố, phát huy những tiềm năng sẵn có trong mình. Văn học
nước nhà đã có kinh nghiệm thành công của thế hệ trẻ Thơ Mới. Thời nào có thế hệ
trẻ của thời đó, họ gánh vác nhiệm vụ của thời mình với tất cả khả năng và
trách nhiệm của họ. Trẻ của hôm nay cũng phải như vậy.
5. Trẻ của hôm nay đi vào văn chương như đi hội. Điều kiện
chính trị-xã hội thuận lợi, vốn văn hóa tri thức vừa đủ, báo chí xuất bản thoải
mái, người đọc đông đúc đủ mọi đối tượng thành phần, tất cả những cái đó mời gọi
trẻ cầm bút viết văn. Họ thấy viết văn ban đầu cũng dễ, văn viết ra được tiêu
thụ nhanh chóng, tên tuổi cũng nổi nhanh. Thế cho nên văn trẻ cứ ào ào từng đợt,
hết đợt này đến đợt khác, những cái tên chưa kịp đọng đã lại có những cái tên
khác thế chỗ. Đó là một cuộc chạy tiếp sức của trẻ. Nhiều người hăm hở lúc đầu
nửa chừng bỏ cuộc. Nhiều người tạm dừng để ngẫm xem có nên đi tiếp con đường
này hay không. Nhiều người quyết định coi nó là cuộc vui không cần bỏ vốn, hẵng
cứ làm nghề khác là chính, văn chương hứng thì viết, không hứng thì thôi, chẳng
nên sống chết với nó làm gì. Nhìn trên văn đàn cảnh tượng này giống như trên
bãi biển, các con sóng ào ạt vỗ bờ rồi tan ra, bao chất mặn thấm hết cả vào
cát. Ai cũng biết muốn có muối thì nước biển phải được trang ra trên ô nề và phải
chịu bốc hơi dưới cái nắng nung đốt. Văn trẻ đã có muối của mình nhưng chưa nhiều,
độ mặn cũng chưa cao.
Trẻ của hôm nay chọn cách thế viết văn như một trò chơi. Khi
chơi người ta biết mình là đang chơi nhưng cũng quên mình là đang chơi. Khi
chơi người ta biết mình là ai và cũng quên mình là ai. Là trò chơi nên rất tự
do, tung tẩy, tự mình đặt ra quy tắc cho mình, không để bị câu thúc trong một
ràng buộc quy ước nào. Đây là điểm mạnh đồng thời cũng là điểm yếu của văn trẻ
hôm nay. Ở một vài cây bút có suy nghĩ nghiêm túc về nghề, họ ý thức rất rõ cuộc
chơi này khi đã quyết định dấn thân, nhập cuộc. Văn chương là trò chơi đời người,
cần phải thận trọng. Văn chương là trò chơi nghệ thuật, cần phải hết mình. Hai
điều này buộc người viết trẻ có ý thức biết chơi không phải chỉ để mà chơi.
Đáng tiếc, phần đông văn trẻ hôm nay còn rất thiếu ý thức nghề nghiệp, họ ứng xử
với văn chương như đùa nên đã bị văn chương đùa lại. Có cảm tưởng như là chưa
ai dám sống chết với nghề văn để từ đó trau dồi nó, dồn hết tâm sức trí sức lực
cho nó, để chăm chút cho nó từng câu từng chữ. Trong một hoàn cảnh chung là văn
học ta còn rất ít có nhà văn chuyên nghiệp hiểu theo đúng nghĩa của từ này, văn
trẻ cứ lông bông. Các hội nghị văn trẻ là dịp tập hợp đội ngũ, nhưng để trở
thành nhà văn thực thụ, mỗi người viết trẻ không có cách nào khác hơn là phải tự
nâng mình lên. Nợ văn chương phải trả đến hình hài, có quyết như vậy mới mong
thu lượm được một chút gì của văn.
Trước người viết trẻ có một vấn nạn chung cho mọi người viết:
Nghệ thuật thì vô cùng - Cuộc đời thì có hạn. Nhưng còn một vấn nạn khác đặt ra
cho trẻ hôm nay: kinh nghiệm cuộc đời, kinh nghiệm văn hóa. Trải đời để nhìn đời
điềm tĩnh, nhân hậu hơn. Văn hóa để hiểu con người sâu sắc, thấu đáo hơn. Một mảy
năng khiếu, một chút thông minh dễ làm thành câu chuyện, bài thơ đầu tay, nhưng
để đi xa trên đường văn thì như thế còn là rất thiếu. Tạ Duy Anh nhận ra ảo tưởng
về chính mình của thế hệ cầm bút trẻ là do thiếu sự lịch lãm văn hóa. Đỗ Phước
Tiến nhận thấy những người viết trẻ nhân dáng thì có nhưng nhân ảnh thì chưa.
Phan Triều Hải nhận rằng ngoài bản năng ra còn phải có những chuẩn bị cần thiết
khác nữa. Đúng, bản năng và văn hóa là điều kiện cần và đủ của người làm văn
chương. Muốn đủ thì phải học, phải đọc, đọc và học rồi lại phải biết nghiền ngẫm
cho ra vấn đề, cho đạt tư tưởng để hóa được thành văn.
6. Trẻ của hôm nay, như vậy, là một chặng đường. Tài năng
không đợi tuổi. Thời gian không đợi người. Văn chương thực ra là một nghề rất
nghiệt ngã, sòng phẳng. Đội ngũ văn trẻ đông đảo, cái nền văn trẻ khá cao,
nhưng đỉnh văn trẻ thì chưa có. Đó là một thách thức, một đòi hỏi của văn học
Việt Nam đối với trẻ hôm nay. Câu trả lời của họ ra sao, hãy cứ chờ xem.
Chú thích:
[1] Phạm Quỳnh. Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932. Nxb Tri Thức, H. 2007, tr. 520.
[2] Dẫn theo: Jack A.Yeager. The Vietnamese Novel in French. A Literary Response to Colonialism. Published by university Press of New England, Hanover and London, 1987 (tr.43-60).
[1] Phạm Quỳnh. Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932. Nxb Tri Thức, H. 2007, tr. 520.
[2] Dẫn theo: Jack A.Yeager. The Vietnamese Novel in French. A Literary Response to Colonialism. Published by university Press of New England, Hanover and London, 1987 (tr.43-60).
[3] Dẫn theo Ngô Tự Lập:
http://vietbao.vn/
[4] Theo Jack A. Yeager. Sđd.
[5] http://www.truyen-thong.org/so13/85.html
[6] Phạm Quỳnh. Sđd, tr. 524.
[7] Phạm Quỳnh, sđd, tr. 406.
[5] http://www.truyen-thong.org/so13/85.html
[6] Phạm Quỳnh. Sđd, tr. 524.
[7] Phạm Quỳnh, sđd, tr. 406.
Nguồn: NXB Hội nhà văn vào ngày: 17/5/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét