Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

Huế - Hà Nội trong trái tim tôi

Huế - Hà Nội trong trái tim tôi
LỜI TỰA
Trong cuộc đời bản thân tôi luôn gắn với những khoảng lặng, thâm trầm rồi đứng dậy vươn mình, cũng không ít lần vấp ngã, không ít lần đưa ra những quyết định mang tính chất sai lầm và cũng không ít lần phải trả giá cho những quyết định ấy mà trên khuôn nhạc được biểu diễn bởi những nốt thăng, nốt lặng tạo nên âm điệu của bềnh bồng của một bản nhạc.
Trong quảng đời sinh viên tôi thấy mình thật hạnh phúc biết bao. Ở đó tôi có những người bạn, người tôi yêu mến, tin tưởng và đặt niềm tin ở nơi họ, những người em trai, em gái thân thiện hòa đồng trong mái nhà chung 08.
Trong gần 3 năm đại học đã qua điều tôi luôn mong đợi là chuyến đi thực tế chuyên môn, bởi vì tôi ít có cơ hội được đi đây đó, được học hỏi mà tham vọng của mình về điều này thì vô cùng lớn. Thôi thúc tôi lập ra những kế hoạch thật cụ thể cho một cuộc hành trình dài ngày. Tuy rằng không khí tết vẫn còn khá vui vẻ nhưng ở quê tôi lại thấy chồn chân nên thu xếp ra Đà Nẵng sớm hơn dự định. Trong cuộc hành trình dài ngày trên mãnh đất Miền Bắc, tôi đã qua nhiều địa điểm khác nhau, tham quan nhiều địa danh, được tiếp xúc tìm hiểu cuộc sống thực tế con người quê hương bản xứ, có nơi được dừng chân lâu hơn nhưng có nơi chỉ thoáng qua nhưng tất cả trên con đường tôi đã đặt bước chân mình ở đó đều để lại cho tôi nhiều bài học và những ấn tượng tốt đẹp cũng như niềm suy tư, cảm xúc mà trong đó Huế và Hà Nội đã để lại cho tôi một nỗi nhớ.
Sau tết âm lịch, tôi chuẩn bị mọi hành trang để lên đường. Với chuyến đi này tôi mong mình khỏe và học được càng nhiều càng tốt, chú trọng vào văn hóa dân tộc! Tôi không biết sau này sẽ sống ở đâu nhưng văn hóa vùng bắc bộ vẫn khiến tôi quan tâm nhiều hơn tất cả bởi tôi mới tiếp xúc con người họ mà chưa có lần xem cuộc sống của họ thế nào? Những yếu tố nào đã tạo nên một mãnh đất với nhiều anh hùng của dân tộc?
I. HUẾ MỘNG MƠ TRONG TÔI
Cuộc hành trình bắt đầu lúc sáng sớm ngày 15 tháng 1 âm lịch. Khi ông mặt trời vẫn chưa tỉnh giấc sau một đêm dài, mọi người vẫn còn cuộn mình trong những chiếc chăn bông ấm áp thì tôi đã phải mang hành lý chuẩn bị lên đường. Lòng tôi vui như đi dự hội xuân, cái lạnh đã tan biến mất, tôi gặp lại một vài người bạn thân quen của lớp mình, họ vẫn khỏe và cũng vui như tôi, được gặp lại những thầy cô thân yêu mà tôi luôn quý trọng. Mọi người đã sẵn sàng cho chuyến đi, ai ai cũng nhanh chóng trang trí chiếc xe, rồi làm lễ lên đường.
Xe lăn bánh lúc 6h kém 15 rời những km đầu tiên trên mãnh đất Đà Nẵng thân thương, tôi đưa mắt nhìn ra phố, sau tết đường phố vẫn tràn đầy sắc hoa, đây đó lác đác đã có vài người tập thể dục buổi sang, các quán hàng ăn bốc lên mùi khói mì thoang thoảng lồng vào những khe cửa nhỏ mà tôi vừa kéo ra thơm lành lạnh âm ấm của mùi hành lá.
Xe chạy khá nhanh mới đó đã đến hầm Hải Vân, vào hầm có không khí khác hẳn, ấm dần lên và có cảm giác ngột ngạt, hầm rộng và dài với hai làn xe, trông rất hiện đại. Ra khỏi hầm một không khí đã khác hẳn!
Bầu trời không còn màu xanh lam lẫn trắng nhạt như mọi khi bình minh lên nữa mà là màu xám sẫm với lớp sương dày mang theo cái se lạnh rất Huế. Theo kế hoạch thì đoàn chúng tôi sẽ không có thời gian để thăm kinh đô Huế, tôi thấy hụt hẫn lắm. Nhưng may thay tôi cũng có được cái diễm phúc thưởng thức một bữa điểm tâm trên miền đất cố đô này. Xe chúng tôi dừng ở quán Bà Sửu, một quán cháo sang trọng cho khách bộ hành trước khi rời Huế vào nam và ngược lại. Xuống xe chúng tôi chỉ có vài người mà đúng ra thì chỉ có 9 người mà thôi! Tôi đưa mắt nhìn ra xung quanh và phát hiện quán này có lẽ khá nỗi tiếng vì rất đông khách, mà khách đi toàn là ô tô. Vừa vào, người ta mang ra bát cháo mà mùi vị của nó đã quyến rũ chúng tôi ngay lập tức, với giá 30 000đồng thôi nhưng chất lượng thì không phải nói, mùi vị ngọt mặn và đậm đà đến không ngờ, bên trong có những sớ thịt lớn đã nấu mền nhũn, trộn lẫn với rau ngò cùng hành nên chỉ cần cho thêm một ít chanh và nước mắn cho hợp khẩu vị là được. Đây cũng là điều đầu tiên làm tôi thấy yêu mến Huế khi vừa mới đặt chân đến mãnh đất kinh kỳ! Với ý nghĩ xứ cố đô với các món ăn cung đình thì phải như vậy hoặc ngon hơn nhiều nên có cơ hội ở lại Huế thì tuyệt đến bao nhiêu.
Đến với Huế là đưa ta đến với cái thơ mộng và đẹp dịu dàng. Đúng vậy, bấy lâu nay đã tốn không ít giấy mực viết về Huế, không ai đến Huế mà không thốt được một lời bình về nó. Đối với tôi bây giờ thì những cảm nhận của quảng đường đầu tiên chưa thể nói lên được gì nhưng có lẻ tôi sẽ nói ngay là Huế vẫn nghèo và buồn, Huế trong tôi bây giờ khác xa so với Huế mà tôi vẫn nghĩ!
Nơi kinh thành chắc phải nhộn nhịp, đô hội phồn hoa nhưng thật sự không phải vậy, có lẽ chính cái buồn này đã cho nơi đây nghèo và thu mình lại cho dù mới đây cũng có khá nhiều dự án đầu tư. Huế có rất nhiều đầm phá với hơn 16 000 ha, với diện tích lớn như vậy mà tôi thấy người nông dân ở đây vẫn chưa tận dụng được, họ vẫn lam lũ trên cánh đồng từ rất sớm khi chúng tôi ngồi trong xe mà vẫn cảm thấy rất lạnh, bên con rạch nhỏ có cậu bé mò cua bắt ốc thật đáng thương xót, tôi nghĩ “đến khi nào thì người nông dân Việt Nam mới thoát khỏi những cảnh như vậy?” Nghĩ vậy thôi chứ thật sự quê tôi nhiều nhà cũng có hoàn cảnh như vậy, mà không nói đâu xa chính tôi hơn 10 năm về trước cũng có lần như cậu bé kia!
Huế có một tiềm năng về nuôi trồng thủy sản rất lớn, đi đâu tôi cũng nhìn thấy đầm phá, đây có thể được xem là lợi thế vượt trội mà thiên nhiên đã ban tặng cho Huế. Bấy lâu nay mọi người cho rằng Huế chỉ nỗi tiếng về du lịch! Đối với tôi điều đó là không sai bởi chính tôi cũng đang nhận thấy rằng Huế rất đẹp, nhưng nếu chỉ đầu tư phát triển về du lịch thì chỉ chăm lo được cho một bộ phận những người dân sống trong thành phố mà thôi, còn lại một bộ phận rất lớn dân chúng vẫn nghèo.
Vào thành phố đã có sự nhộn nhịp hơn cho dù vậy nó vẫn có cái gì đó nhẹ nhàng và lắng đọng, tôi muốn gặp được hình dáng một cô gái Huế với tà áo dài màu tím nhưng cứ đi mãi mà vẫn không thấy đâu. Trong văn chương tôi vẫn thấy những bài thơ rất hay về nữ sinh Đồng Khánh:
“Sáng ni gặp em mặc áo dài tím Huế
Rứa tình xưa anh đã lỡ nhịp chèo
Hoa sứ ép khô ai mơ tình trang vỡ
Mất em rồi sao oán hận trời xanh
Sáng ni gặp em mặc áo dài tím Huế
Trái tim xao nhớ nhịp guốc qua cầu
Tóc thề em xõa dài vai bé bỏng
Liếc nhìn chi để thấy nón nghiêng đầu”
Với ao ước được trông thấy những tà áo dài tím thơ mộng, tôi cứ đăm đăm theo hai bên đường mong được bắt gặp nhưng thật là khó trong buổi sáng khi mà trời lại lạnh như thế này. Tôi tự an ủi mình như vậy, vì nếu có thì các nàng cũng khoác cho mình chiếc áo dạ cho ấm thế thì cũng không còn mấy thú vị như bấy lâu thi sĩ từng ca tụng. Tuy là vậy nhưng rồi cũng có chút ấm lòng khi xa xa tôi nhìn thầy cô nữ sinh với tà áo dài xinh xinh, không phải là màu tím mà là màu trắng, nhưng tôi có cảm nhận rất khác so với các cô nữ sinh trong Đà Nẵng, có lẽ chính mãnh đất này đã tạo ra những dáng người thiếu nữ như vậy, áo dài trắng nhưng vẫn có nét thơ của nó, nó không trắng buốt mà xám pha lẫn mà tím nhạt và khí trời của Huế, khí trời se lạnh tôi ngồi trên xe mà ngỡ mơ về con thuyền trên dòng Sông Hương để vội cất lên.
Bồng bềnh sông nước mênh mông
Thuyền ta mấp bé bên lòng sông quê
Ru anh chiều tím vụng về
Mơ người em gái chiều quê áo dài
Thú vị thật! Huế đẹp, thơ mộng và êm dịu, ngọt ngào! Tôi thần thờ rồi tỉnh giấc mộng khi mọi người reo lên về Sông Hương khi này tôi mới biết mình đang tưởng tượng. Tôi thốt lên trong lòng mình: “Thật tuyệt”! Sông Hương chỉ thoáng qua thôi nhưng tôi đã cảm nhận ngay được vẻ đẹp hoang sơ của nó, không giống với Sông Hàn ở Đà Nẵng, ở đây sông vẫn còn đôi bờ xanh mơn mởn cỏ mới, với những cây cổ thụ lớn hai bên bờ, dọc Sông Hương trên một đoạn hướng ra bắc là một con đường tuyệt đẹp, bên trái là dòng sông còn bên phải là hoàng thành nhà Nguyễn. Nơi đây rất lý tưởng cho việc phát triển ngành dịch vụ. Dọc đường có những ô trồng hoa tươi quyến rũ đến lạ thường, tôi cũng không biết của loài hoa này là gì rồi cứ mãi nhìn theo, nhưng chỉ một đoạn ngắn thôi, thế rồi chúng tôi rời mãnh đất kinh kỳ ra với Quảng Trị
Tuy không được dừng chân tại Huế nhưng Huế trong tôi thật đẹp với vô vàng cảm xúc để tôi luôn chất chứa một nỗi niềm hẹn gặp lại trong một ngày không mấy xa xôi.
Huế thơ mộng với hoa tràn ngập lối
Vốn xuân xưa nay đã rộ thêm nồng
Chàng lữ khách trao tình vào phố nhỏ
Lưu luyến hoài nên vội thốt thành thơ.
Rời Huế trên đường ra bắc tôi thấy luyến tiếc khi không được ở đây lâu hơn, cái đẹp của nơi đây vẫn theo tôi suốt một quảng đường dài, khi trên mãnh đất Quảng Trị nhưng tôi vẫn luôn nghĩ về Huế, tôi thấy nét buồn ở xứ kinh kỳ như nét buồn của người con gái ở đó. Có cái im lìm lặng lẽ và thâm trầm, không thể một sớm một chiều mà hiểu hết nên tôi hẹn gặp Huế vào một ngày gần nhất.
II. HÀ NỘI MỘT CHUYẾN ĐI NHIỀU ĐIỂM ĐẾN
Trên đường về Hà Nội khá rất thuận lợi, chúng tôi không ghé lên Chùa Bái Đính vì như vậy sẽ trễ giờ vào Thủ Đô nên quyết định đi thẳng ra Hà Nội. Đến đây đích thực là miền bắc rồi nên tôi không ngừng xem đời sống của con người nơi đây họ làm gì, cảnh đập vào mắt tôi là những cánh đồng bao la thẳng tắp, những cánh đồng mới vào mùa vụ nhưng do cái khí hậu lạnh kéo dài làm cho những cây mạ cũng trở nên co thắt mình lại gầy yếu. Ngoài này không gieo sạ trên những thửa ruộng mà chỉ cấy thôi, tôi cũng không biết tại sao lại như vậy? Tôi nghĩ: “Gieo sạ thì nhanh hơn nhiều lại không tốn công sức! Không lẽ chăng do không khí lạnh nên cây lúa khi sạ sẽ không phát triển được?” Nhìn đâu đâu cũng là đồng lúa, các thửa ruộng rộng lớn nhưng kỹ thuật canh tác vẫn còn ở cấp độ thủ công. Không biết đến khi nào người nông dân nước ta mới được làm công nhân nông nghiệp đây? Tôi tự hỏi để rồi tự thẩm vấn lấy mình, tôi yêu làng quê Việt Nam vô cùng nên chính vậy tôi muốn hòa mình vào cảnh đồng quê nơi đây.
Vào địa phận Hà Nội mà tôi vẫn cứ ngỡ rằng vẫn ở đâu đó ngoài thủ đô, thật sự vòng ngoài cũng không có gì đặc biệt chỉ có những con đường to lớn mà thôi, hai bên đường vẫn là đồng ruộng, đây đó là những vườn trái cây xanh tươi chiếm lấy cho mình một khoảng đất nhỏ ven bên con đường lớn. Xa xa là những cánh đồng cải rộ lên màu vàng lẫn trong sương mờ giống như cảnh trong những bộ phim Hàn Quốc lãng mạn. Đường vào Hà Nội thật khó khăn, chúng tôi phải mua vé để vào vùng cấm nhưng do đi lạc đường nên cứ lòng vòng lâu lắm mới mua được, đường phố Hà Nội đông ngịt, xe phải nhích từng đoạn nhỏ. Đến thủ đô tôi mới cảm nhận cái cảnh nhộn nhịp, đô hội đến cỡ nào, mọi người chen lấn nhau mà đi, đường phố xe đông đến mức không còn chỗ dành cho người đi bộ, nhưng rất may là chúng tôi đến đây khi trời còn khá sớm chưa phải là trung tâm của giờ cao điểm! Đến Hà Nội tôi thấy mình cũng đã thấm mệt nhưng vẫn làm thích thú lắm, tôi cố vươn tầm nhìn của mình xa hơn để xem cảnh vật ở thủ đô bởi lẽ xem trên ti vi sách vở nhiều nhưng làm sao bằng nhìn tận mắt chứng kiến thực tế! Nghĩ vậy tôi tập trung nhìn ra xung quanh, ở đây có đủ các loại xe, đủ màu sắc, cảnh sát giao thông cũng khá đông nhưng nhìn vậy thôi chứ cũng nhiều trường hợp chạy xe không đội mũ bảo hiểm. Hà Nội với những con phố lớn có nhiều cây xanh và đầy khói bụi của những chiếc xe inh ỏi kêu gào xả ra bừa bãi. Khí trời se lạnh về chiều lại phủ bởi một màn sương hoàng hôn sẫm dần khi về tối.
1. HÀ NỘI VỀ ĐÊM
Chúng tôi đến Hà Nội và ở lại khách sạn Lào Cai tại đường Cát Linh và theo kế hoạch thì ở lại đây trong 3 đêm, đến nơi tôi cùng mọi người thu xếp hành trang vào khách sạn, nhưng thật là khó khi phải mang cả một đống hành lý sang bên kia đường, do xe quá đông đúc nên chúng tôi phải chia ra từng tốp nhỏ để cùng nhau vào khách sạn. Mọi người nhận phòng nghỉ ngơi tắm giặt, và cũng như ở Vinh những ai không hút thuốc thì ở chung một phòng và tất nhiên tôi cũng là một trong số họ. Ở Hà Nội tôi dường như không cảm nhận thấy cái đói bởi lẽ trong tôi đang suy nghĩ sẽ đi đâu trong đêm nay, sẽ làm gì và cảm thấy lo ngại vì những lời cảnh báo của Thầy giáo từ trước lên đường. Tôi cũng không có bản đồ nên muốn đi đâu cũng trở nên thật sự khó khăn, đi taxi thì không biết họ có chở mình đi lòng vòng để tính thêm tiền hay không? Nhưng mọi người kéo tôi đi ăn cơm tối, vừa xong cơm tối là đi dạo ngay! Đi lòng vòng vì cũng không dám đi xa, tôi qua Văn Miếu vàcảm thấy rằng nơi đây không rộng lắm, người ta đốt giấy bạc cúng bái ở đây quá nhiều, quanh tường thì dường như mới được sửa sang lại nên còn mùi đất mới. Đi quanh ở đây một vòng tôi định quay về rủ Thảo đi cùng đâu đó vì tôi cũng vừa gọi cho bạn xong. Thật ra thì cũng chẳng biết đi đâu cả vì chưa quen đường nên muốn bạn đi dạo cùng, ít ra thì tâm sự với bạn một lúc. Bởi đã lâu lắm rồi chúng tôi mới được gặp nhau, gặp nhau rồi nhưng cả chiều nay đến lúc cơm tối Thảo cũng đi với mấy đứa bạn, mặt khác xem Thảo có biết chỗ nào bán sách mà mua không. Nhưng điều đó không thành sự thật khi quay về tôi gặp Thảo đang đi với mấy đứa bạn, tôi cũng không vì thế mà buồn nên cùng đi chung. Tôi thấy Thảo như cố tình đi tránh tôi, không giống như trước đây chúng tôi rất thân thiện còn giờ thì có vẻ rất khác, tôi không dám hỏi mà chỉ bâng quơ vài lời xã giao mà thôi. Cả nhóm lang thang một lúc thì mọi người cũng đã thấm mệt nên Thảo cùng mọi người về lại khách sạn, tôi thấy mình buồn buồn và suy nghĩ mãi về hành động của Thảo ngày hôm nay! Cho nên tôi quyết định đi tìm lấy một hiệu sách, đi một lúc tôi đã qua đến đường Giảng Vỏ, đường này thì rất rộng và đẹp, ở đây có một vài quán cà phê nhưng không gian tối lắm, không đẹp và thú vị như ở Đà Nẵng. Hầu hết các quán cà phê ở đây có không gian kín, không khí có vẻ ngột ngạt. Tôi vào uống một tách cà phê sữa tại quán Thúy Linh trên đường này, thú thật tôi muốn cảm nhận cà phê ở đây như thế nào mà thôi tranh thủ thời gian này nghĩ xem mình phải làm gì và ứng xử như thế nào, và tại sao Thảo thay đổi đến như vậy? Ngồi đây một lúc thôi mà giá một ly cà phê sữa đến 36 000 đồng, tôi lang thang qua nhà sách giáo dục nhưng nó đã đóng cửa vì đã hơn 9h30 đi thêm khoảng 200m có một nhà sách cũng khá lớn. Cái tên cũng khó nhớ lắm hình như nhà sách Cộng Đồng, nhà sách này mở cửa đến 10h. Ở đây có nhiều sách hay, đứng đọc một lúc nhưng tôi không mua vì nghĩ mai đi mua cùng với Thảo, sách chuyên nghành cũng nhiều nên tôi xem hết quyển này đến quyển khác, tôi thích nhất là tủ sách kinh tế, có nhiều cuốn rất hay nhưng giá thì không hay một tý nào…!
Tôi ở đây cho đến khi nhà sách đóng cửa và ra về, nhà sách cách xa khách sạn nhưng tôi thật sự không muốn gọi taxi mà tự mình đi bộ về. Đi một mình trên đường tôi cũng cảm thấy lo sợ, đường phố Hà Nội mới 10h mà đã vắng tanh, không giống như ở Đà Nẵng, trời thì lạnh mà đường phố thì vắng vẻ, không có nhiều nơi bán những món ăn khuya.
Hà Nội về đêm khoát cho mình một chiếc áo màu dạ màu vàng nhạt của ánh đèn điện, Hà Nội như chậm lại một chút như một bài thơ dài được cắt ra thành từng đoạn, có đoạn thổi lạnh se lòng, có đoạn mơ hồ như một bức tranh thủy mạc nhưng có đoạn lại ồn ào tấp nập trong cảnh chợ đêm…và thoảng đâu đó tiếng rao của những người bán hàng rong trên con phố dài xa tít. Những gánh hàng rong phục vụ cho những bữa ăn đêm với những người làm việc khuya, những cô cậu sinh viên đang miệt mài đèn sách…hay cũng chỉ đơn giản là một ai đó bấy lâu nay vẫn giữ cho mình một thói quen lắng nghe những tiếng rao ấy, nó cũng giống như tôi mỗi khi ngồi học nghe tiếng của người bán bánh bao là tôi biết là đến 23 giờ khuya…những người dù mùa hè hay màu đông, dù nắng hay mưa họ vẫn đều đẹn cất tiếng rao quen thuộc hằng đêm.
Nhưng tôi vội nghĩ: “Có mấy ai biết đằng sau những tiếng rao ấy là một cuộc đời, một số phận, là những cuộc mưu sinh thầm lặng và khốc liệt, với nhiều nỗi nhọc nhằn không thể gọi thành tên?” Những tiếng rao ấy với nhiều âm điệu khác nhau như một bản hòa ca cho thành phố về đêm, mà bản hòa ca ấy với quá nhiều nốt trầm thật buồn. Hà nội về đêm như nhỏ lại và mọi người bắt đầu nhìn thấy rõ hơn những mảnh màu sáng tối khó lòng nhận ra cái nhộn nhịp vốn có của ban ngày. Nơi đây là những ô cửa sáng đèn ấp áp, nơi kia là những nhà hàng, khách sạn sang trọng, nơi là những gia đình sum họp, quay quần còn xa xa là nơi của những người mẹ lang thang trong đêm tối với những gánh hàng rong cùng những tiếng rao vang lên trong không gian lặng lẽ của những mãnh đời lao khổ. Hà Nội càng khuya càng nhìn rõ cái nhọc nhằn của phụ nữ. Phần đông phu quét đường, phu hốt rác ban đêm là phụ nữ. Họ làm việc trong thầm lặng. Khẩu trang che ngang miệng, chổi cầm tay, vừa đi vừa đẩy cái xe cút-kít, họ cúi xuống lề đường nhặt từng gói rác trong những căn nhà hai bên phố vứt ra, họ đi vòng những gốc cây quét những đống rác ai đó vừa đổ vội cuối ngày. Đôi khi họ nhặt lên một bó hoa tàn, đứng tiếc rẻ, ngắm nghía một chút, lưỡng lự một chút, rồi mới bỏ vào thùng xe. Có bao giờ họ nhận được một bó hoa tươi không nhỉ? Tôi thầm tự hỏi mình một câu hỏi mà tôi nghĩ đã thừa thải chăng?
Đi lang thang hết cả một đoạn đường dài và tôi đã về tới khách sạn, khi đó mọi người đã đi ngủ gần hết, mấy thằng con trai thì vẫn chơi bài nghe hơi ồn một tý. Tôi cảm thấy chân mình rất mỏi, tôi nhắn tin cho Thảo chúc một buổi tối tốt lành, một giấc ngủ ngon điều mà tôi vẫn hay thường phải làm trước khi đi ngủ.
2. KHU DI TÍCH BA ĐÌNH - PHỦ CHỦ TỊCH
Sáng nay chúng tôi phải dậy sớm hơn mọi khi vì phải dự buổi chào cờ ở quảng trường Ba Đình. Mới tờ mờ sáng chúng tôi phải gọi nhau dậy trong cái lạnh không muốn ra khỏi chăn của Hà Nội, trời mưa phùn mỗi lúc một lớn hơn, xe đưa chúng tôi qua những con phố nhỏ chật hẹp ngoằn ngèo để đến quảng trường, trời vẫn còn rất tối và ngoài đường chưa có nhiều người cho dù bây giờ đã là 6h kém 15. Đến nơi nhưng trời mưa mỗi lúc một nặng hạt nên rất khó khăn để ra sân, riêng tôi thì khác! Giờ này tôi không còn thấy lạnh nữa và nhanh chân xuống xe, chờ đợi, tôi nghĩ mấy khi trong đời mình đi chào cờ ở nơi đây? Trời có mưa tí chút thì cũng chẳng là gì cả! Nghĩ vậy tôi không thấy ngại cơn mưa lạnh lẽo này nữa!
Giờ chào cờ cũng đã đếnmà ngoài trời mưa vẫn cứ tuôn nên không có nhiều người dự lễ, ngoài tôi ra thì cũng chỉ có 4 bạn nữa trong đoàn là cùng ra dự lễ thôi. Tôi thấy lòng mình bồi hồi và xúc động vì đây là lễ chào cờ cấp quốc gia, trong tôi cảm nhận được sự thiêng liêng của nó sự thiêng liêng của nó. Buổi lễ hùng tráng và trang nghiêm như những buổi lễ chào cờ khi tôi còn trong quân ngũ, chỉ khác một điều trong quân ngũ mỗi khi chào cờ là sẽ có duyệt đội hình, đội ngũ nên sẽ đẹp hơn và hoành tráng hơn một chút. Chào cờ xong tôi mới thấy cái cảm giác lạnh của mưa Hà Nội, xát vào mặt nghe tê tê, áo lại đẫm những hạt mưa nhỏ thấm vào da thịt làm tôi run lên cầm cập! Thế mới biết mưa xuân Hà Nội là thế nào, mưa lạnh và hạt nhỏ mà trong quê tôi hay gọi là sương mai, nhưng quả thực không phải là sương mai mà là những cơn mưa xuân của tiết trời miền Bắc.
Xong lễ chào cờ cả đoàn đưa nhau đi ăn sáng, món đặc sản sáng nay là món phở được mọi người trầm trồ khen ngon và tôi cũng cảm thấy như vậy nhưng có điều đối với tôi thì vị của bát phở hơn mặn nên tôi phải xin thêm một thìa bột ngọt nhưng vẫn thấy còn mặn lắm. Lạ nhất đối với tôi hôm qua đến giờ là mỗi khi ăn xong các quán ăn đều không có nước uống! Cho nên muốn uống nước thì phải sang quán nước, nó khác xa so với trong Đà Nẵng. Ăn xong đoàn chúng tôi phải nhịn khát mà sang bên quán nước để uống, ở đây không có các quán cà phê sáng mà thay vào đó là các quán nước chè ven đường. Buổi sáng họ chỉ mang ra vài cái gế nhỏ và cái điếu cày hút thuốc Lào để mà đón khách, nhìn thì đơn giản vậy thôi nhưng khá đông khách, nước uống thì cũng không đắt, giá chỉ bằng một phần ly cà phê sáng ở Đà Nẵng nên sáng nào người dân Hà Nội cũng tham gia, nó trở thành nét văn hóa của nơi này.
Ngồi ở quán nước một lát sau đó chúng tôi làm thủ tục vào viếng lăng Bác, đầu tiên chúng tôi được xem phim tài liệu về Bác, mọi người đều xúc động không ít trong số bạn của tôi phải rơi nước mắt. Thời gian cho xem phim là không nhiều nên trong khi chờ đợi thủ tục vào viếng ở lăng chúng tôi tranh thủ cơ hội chụp hình lưu niệm và mua một vài mặt hàng làm quà. Trời lúc này đã tạnh mưa nhưng cái lạnh thì vẫn còn rất buốt, vào lăng lúc 8h, mọi vật dụng đều được kiểm tra nghiêm ngặt, riêng máy ảnh thì không được mang vào, thầy tôi phải cầm cả một xách nhỏ. Vào lăng thật chậm với những bước đi nhẹ nhàng, lăng Bác được xây theo kiến trúc hình khối, tường rất dày và được áp bằng đá hoa cương, không khí trong lăng trầm lắng và linh liêng, không một tiếng nói cười, mọi người đi sát với nhau, tôi đi trên thảm đỏ và cảm giác nơi đây được dọn dẹp từng giờ. Vào lăng viếng Bác rất nhanh tôi chưa kịp nhìn kỹ mà đã phải bước nhanh qua, Bác nằm như đang ngủ không có chăn đắp ngang, khuôn mặt có màu trắng… rất khó để tả được vì không được dừng lại lâu, tôi cố dừng chân nhưng anh bảo vệ đã đưa tay ra hiệu cho tôi qua nhanh hơn. Ra khỏi lăng tôi cảm thấy tiếc tiếc cái gì đó mà đến khi lại khách sạn tôi cũng không giải thích được. Có lẽ thời gian trôi qua nhanh quá đến nỗi tôi không viếng được với Bác một điều gì chăng? Không thể hiểu hết được mình đang nghĩ gì nữa, cảm giác phân vân như có sự hụt hẫn cứ đeo đuổi tâm trí tôi suốt cả ngày.
Viếng lăng Bác xong chúng tôi tập trung ra trước để chụp hình tập thể, tôi cũng chụp lấy và kiểu riêng cho mình, với Thảo một kiểu, đây cũng là tấm hình đầu tiên tôi với bạn chụp chung mà có thể tồn tại được, tôi cảm thấy vui hơn khi chuẩn bị lên đường vào thăm phủ chủ tịch và nhà sàn của Bác. Những suy nghĩ riêng tư không còn đủ chỗ chen vào, tuy rằng nhiều lúc tôi nhìn bạn để được quan tâm đến bạn. Tôi muốn đi cùng nhưng không phải cái gì cũng theo ý mình cả, tôi cũng hiểu bạn cho dù chúng tôi không hề nói gì với nhau, mỗi lần nhìn vào mắt bạn hay chỉ đơn thuần câu nói nữa vời tôi hiểu bạn tôi như muốn nói gì, có lẽ tôi đã quá quen với những điều như vậy.
Trước mắt tôi hiện ra một tòa nhà to lớn nguy nga màu vàng son kiến trúc kiểu Phương Tây giai đoạn phục hưng, đó chính là phủ Chủ Tịch mà trước đây trong thời kì Pháp thuộc nó được gọi với cái tên “Phủ toàn quyền Đông Dương”. Được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX (1900-1906), do kiến trúc sư người Pháp gốc Đức Lich-ten Fen-đơ thiết kế. Diện tích sử dụng của toà nhà gần 1300 mét vuông. Toàn bộ toà nhà có trên 30 phòng, mỗi phòng được trang trí theo một phong cách riêng. Trong thời thực dân Pháp cai trị, toà nhà được gọi là Phủ Toàn quyền Đông Dương, từ khi nhà được hoàn thành đến ngày cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đã có 29 đời Toàn quyền và Quyền Toàn quyền ở và làm việc. Hiện nay nơi đây vẫn là nơi làm việc của chủ tịch nước, những hoạt động có ý nghĩa quan trọng của Đảng và Nhà nước ta vẫn được tiến hành trọng thể ở đây.
Vào thăm phủ chủ tịch nhưng thực chất là đứng dưới sân của phủ mà thôi, sau đó chúng tôi cùng cô hướng dẫn viên đi vòng về phía bên phải và ra đằng sau để thăm nơi làm việc và nghĩ ngơi của Bác lúc còn sống. Đến đây tôi thấy một điều rằng trong cuộc sống ngày nay hay thời kỳ đó đi chăng nữa để tìm một người có những phong cách sống như Bác thì thật là hiếm thấy.
 Một cuộc sống giản dị đơn sơ… không thích làm phiền người khác, qua những câu chuyện làm cho bản thân tôi càng khâm phục và kính yêu Bác nhiều hơn. Chúng tôi cũng được ghé thăm di tích nhà 54, nhà sàn, ao cá, và nhà điều dưỡng khi Bác ốm đau.
Tại ngôi nhà 54 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc từ tháng 12 năm 1954, vì vậy ngôi nhà có tên là “Nhà 54”. Người ở và làm việc tại ngôi nhà này gần 4 năm từ 1954 đến giữa tháng 5 năm 1958. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển sang ở ngôi nhà sàn được xây dựng trong khu vườn Phủ Chủ tịch phía bên kia bờ ao, nhưng hàng ngày Người vẫn trở về nơi đây để dùng cơm và khám sức khoẻ định kỳ. Bởi vậy Nhà 54 là nơi gắn bó với cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 15 năm cuối cùng của cuộc đời. Nhà 54 có ba phòng, phía giáp ao cá là phòng làm việc và cũng là nơi Người tiếp khách, ở giữa là phòng ăn, cuối cùng là phòng ngủ. Mọi đồ dùng sinh hoạt của Người cùng với tài liệu sách báo Người đang đọc, những món quà lưu niệm bạn bè quốc tế tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được giữ nguyên, xếp đặt gọn gàng, hợp lý, khoa học như những ngày cuối cùng của Người. Trong khu di tích nhà 54 vẫn trưng bày ba chiếc xe ô tô trước đây trong đó có hai chiếc đã trực tiếp phục vụ cho việc đi lại của Bác, đó là hai chiếc xe Pôbêđa và Pơgiô 404. Xe ô tô Pô bê đa là một trong những chiếc xe do Chính phủ Liên Xô tặng cho Việt Nam vào năm 1955. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, Chính phủ Liên Xô tặng thêm cho Việt Nam một số xe ô tô đời mới mang nhãn hiệu Von ga đẹp hơn xe Pô bê đa về kiểu dáng, tốt hơn về tính năng kỹ thuật. Các đồng chí trong Văn phòng xin phép Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sử dụng loại xe mới này để phục vụ Người, nhưng Người từ chối với lý do: để dành xe tốt cho các đồng chí làm công tác ngoại giao.
Chiếc xe Pơ-giô 404 là một trong những chiếc xe ô tô của đồng bào Việt kiều ở Tân Đảo biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 3 năm 1964 trong chuyến hồi hương cuối cùng theo lời kêu gọi của Người. Chiếc xe này được dùng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những năm cuối, khi sức khoẻ của Người bắt đầu giảm sút. Bên kia là ao cá và nhà sàn tạo thành một mô hình phong thủy hòa hợp như trong tranh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà sàn trong 11 năm cuối đời (1958 - 1969). Tại nơi đây, Người đã ngày đêm suy nghĩ để cùng Bộ Chính trị hoàn chỉnh đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam, tiếp tục lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới . Hiện nay gần 250 tài liệu hiện vật thuộc nhiều chất liệu khác nhau ở Nhà Sàn vẫn được giữ nguyên vẹn và bảo quản chu đáo như những ngày cuối cùng Chủ tịch  Hồ Chí Minh sống và làm việc.
Nhà sàn được làm bằng gỗ dổi - loại gỗ thông thường trong xây dựng dân dụng, mái nhà lợp ngói. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ, trồng nhiều loại hoa thơm. Phía ngoài là hàng rào dâm bụt gợi  nhớ hình ảnh ngôi nhà Người đã sinh ra và lớn lên ở quê hương Nghệ An. Tầng dưới nhà sàn kê một bộ bàn ghế lớn. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc về mùa hè, nơi Người họp, trao đổi công việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị, cán bộ phụ trách đầu ngành hoặc các địa phương đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra miền Bắc chữa bệnh và công tác.
Trên bàn làm việc vẫn còn lại những kỷ vật của Người. Đó là những cuốn sách Người đang đọc vào những ngày cuối cùng. Chồng sách ngoài cùng là loại sách nói về người tốt, việc tốt của các giới, các ngành được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người trực tiếp theo dõi việc xuất bản loại sách này. Hai chồng sách phía trong là những cuốn sách bằng tiếng nước ngoài. ở đây có sách của V.I Lênin viết về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại, sách của các tác giả nước ngoài viết về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở ngay trong lòng nước Mỹ.
Ở đây có rất nhiều du khách cả trong nước lẫn nước ngoài đến thăm. Sau đó chúng tôi sang bảo tàng Hồ Chí Minh, tất cả những địa điểm này đều nằm trong quần thể di tích nên cũng rất dễ đi và gần nên không tốn nhiều thời gian. Tuy vậy chúng tôi cũng thường bị chậm trễ vì một số bạn dừng lại mua hàng lưu niệm và lấy hình từ ông chủ chụp hình, chúng tôi đến trước buộc phải đợi một hồi lâu, làm cho lịch trình phải thay đổi. Vào thăm bảo tàng trong buổi sáng nên cũng không có quá nhiều khách. Ở đây trưng bày các hiện vật nói về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, ngoài ra có những bài báo và thư từ Bác đã viết gửi đồng bào chiến sĩ khi còn sống, trong bảo tàng còn xây dựng một số mô hình về làng quê của Bác… Qua đó giúp người xem hiểu được nhân phẩm, tính cách, sự hy sinh cao cả cho dân tộc của Người.
Kết thúc hành trình buổi sáng đầu tiên ở Hà Nội chúng tôi về lại khách sạn. Riêng tôi đã thấy thõa mãn phần nào những ước vọng của buổi đầu tiên tại nơi đây. Tuy nhiên với lòng tham của mình tôi chưa thấy hài lòng với những gì mà tôi đang có, tôi muốn ở lại những nơi đó nhiều hơn, lâu hơn tý nữa, muốn nghe cô hướng dẫn viên nói chi tiết hơn tí nữa…Nhưng như vậy đã cũng được lắm rồi. Tôi về khách sạn nhưng không ngủ trưa vì đó không phải là thói quen của tôi, không mấy khi tôi ngủ trưa cả. Tôi giành thời gian đó để nhìn lại những ngày đã đi qua xem mình đã học được những gì và có được gì.
3. BẢO TÀNG QUÂN SỰ VIỆT NAM
Buổi chiều chúng tôi xuất phát lúc 2giờ, dự kiến điểm đến là Bảo Tàng Quân sự và Văn Miếu. Lịch trình có vẻ rất nhẹ nhàng, chúng tôi hành quân lên đường khi mà nhiều bạn nữ vẫn chưa thoát khỏi giấc mộng ngủ trưa, nên có vẻ mệt mỏi, xe chạy trên đường phố Hà Nội lúc này không đông đúc cho lắm, nhưng xe vẫn phải chạy rất chậm mà cũng không cần nôn nóng gì khi lịch trình chiều nay chúng tôi khá khỏe. Bảo Tàng Quân sự không có nhiều điểm đặc biệt, theo riêng tôi là như vậy bởi lẽ người hướng dẫn viên nói quá sơ sài, không theo một lịch trình nào cả nên ở đây chúng tôi chủ yếu là chụp hình và tự do tham quan. Chúng tôi cũng được xem hai sa bàn của hai trận đánh lớn là: Chiến thắng Điện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhưng ở đây không hay bằng ở Bảo tàng Quân khu V Đà Nẵng.
Chúng tôi tự do leo lên các chiếc máy bay, xe tăng… để chụp hình, ở đây tôi cũng có vài kiểu, không nhiều lắm, tôi nhanh chân để leo lên cột cờ Hà Nội, tôi phục cách thức xây cột cờ của ông cha ta, tất cả được xây dựng bằng vôi nhưng rất chắc chắn, một số thanh gỗ thời đó đến giờ vẫn còn nguyên vẹn, chỉ hơi củ theo thời gian mà thôi. Trên đỉnh cột cờ có thể nhìn ra tứ phía, thấy cả phủ chủ tịch mà lúc sáng chúng tôi ghé thăm.
4. DI TÍCH VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM
Tham quan tại Bảo Tàng chỉ hơn một tiếng thì xe đưa chúng tôi về với Văn Miếu! Ở tại đây không có chỗ đậu xe nên chúng tôi chấp nhận chiều phải đi bộ về khách sạn, thời gian đợi để mua vé vào Văn Miếu không lâu lắm. Tôi rất thích nơi đây không phải vì phong cảnh ở đây đẹp mà thâm tâm tôi luôn yêu thích những địa chỉ văn hóa lâu đời. Trong khi đây được xem là một trường quốc học đầu tiên của đân tộc! Điều đầu tiên làm tôi để ý là câu nói nỗi tiếng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Tôi đứng trong Nghi Môn Tứ Trụ tôi thấy chồn chân nên bèn ra trước xem hai câu đối nhưng khổ một nỗi là tôi không biết tiếng Tàu mà khi vào hỏi cô hướng dẫn viên mới biết hai câu đó là:
“Đông tây nam bắc do tư đạo
Công khanh phu sĩ xuất tử đồ”
Nghe cô hướng dẫn nói nhưng tôi không đồng ý nhiều lắm bởi lẽ khi xưa văn chương thâm thúy lắm, nên theo tôi có thể nghĩa của hai câu là: “Đông tây nam bắc thì cũng từ đạo này mà ra, đạo ở đây tất là đạo Khổng
Công khanh, Phu sĩ, nhân tài thì sẽ xuất thân tạo danh từ nơi đây”, chứ không phải là “Bốn phương về đây tụ họp, tiếp nhận tinh hoa…”. Nhưng đó cũng chỉ là những ý nghĩ cá nhân, nhưng tôi nghĩ mình đúng vì ít ra tôi cũng từng học được bên ngoại của mình về Nho học.
Tại đây tôi có một ước nguyện lớn là được cùng dâng hương với Thảo để xin cho chúng tôi một sự thăng tiếng, công danh, phát triển tài năng. Bởi tôi nghĩ trong lòng chúng tôi có những điểm chung về những ý tưởng, tham vọng và tài năng tạo nên hiện thực, nhưng điều đó không thành sự thật. Chúng tôi cũng chỉ có chung được tấm hình trước cổng mà thôi. Tôi vào viếng Khổng Tử và bốn học trò của ông, ông là người tôi rất trọng về tư tưởng!
Khổng Tử nói:
“Quân tử di văn hội hữu, dĩ hữu phù nhân”
Tôi ngẫm nghĩ câu này là đúng dù nó ở thời nào đi chăng nữa, mà cố nhiên như tôi và Thảo đang thể hiện điều đó để có thể công danh sau này sẽ tiến xa hơn.
 Nhìn chung quanh khu di tích tôi rút ra một nhận xét: Cuộc sống văn hóa phồn thực của người dân Việt Nam ta cần phải xem lại khi mà việc cúng bái một cách phung phí vô tội vạ. Các mâm cúng thì đầy tiền, tiền rơi lả tả trong khi bàn công đức thì không ai đến… Tôi đưa tay lên khấn xin cho đất nước an bình, gia đình hạnh phúc và bạn bè tôi ai cũng thành công. Riêng tôi chỉ xin có được một sức khỏe tốt, học hành ngày càng thuận lợi. Cho dù tôi là một người duy vật, tôi không tin vào sự cầu xin nhưng có lẽ đó là một nét văn hóa nên tôi cũng như bao người khác ở đây đưa ra lời nguyện cầu.
Tại Văn Miếu cũng bán khá nhiều đồ lưu niệm, các đồng tiền mới được sản xuất ra với tên gọi đồng tiền may mắn, mặt hàng bán chạy nhất ở đây đó là bút viết với giá cả không rẻ một tý nào. Lượng người vào thăm Văn Miếu rất đông, các cụ rùa đá không được phép cho sờ nữa nhưng có rất nhiều người vẫn leo vào trong để sờ các cụ mong nhận được may mắn. Cho nên đầu cụ rùa nào cũng bị xói cả, mấy người bạn của tôi cũng vậy, họ chen chân vào với tay cố chạm vào đầu các cụ cho bằng được mới thôi.
Tôi dừng chân ở nơi này khá lâu, có khi gần hai tiếng, không phải chủ yếu dạo chơi mà tôi cố xem và nghẫm về văn hóa người Việt tôi, ai cũng tôn sùng việc học hành, coi trọng chữ nghĩa. Ở đây có đủ mọi tầng lớp dân cư, học sinh, người cao tuổi, các nhà kinh tế… cho đến những người bán hàng. Nếu ai đã ra Thủ Đô mà không ghé vào Văn Miếu thì theo tôi đã mất một nữa của cuộc hành trình! Văn Miếu trước mắt tôi không đẹp như tôi tưởng khi được xem trên truyền hình hay sách báo, khi đó tôi vẫn nghĩ nó rất rộng và đẹp, nó uy nghiêm… Nhưng có lẽ do quá nhiều khách ghé thăm nên không khí vốn có đó cũng không còn nữa mà thay vào đó là sự náo nhiệt, ồn ào. Tôi dạo quanh một vòng và cứ đi vào rồi lại đi ra ngay cổng lớn của khu Nhập Đạo. Tôi ngước nhìn Khuê Vân Cát với cái cổng tò vò ba mái tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai, với ô cửa tròn ở giữa như sao khuê sáng giữa bầu trời. Tôi ra rồi lại vào cái cổng chính để cảm nhận rằng lúc xưa các vua đi ra làm sao mà giờ mình cũng được đi như vậy. Tôi thầm nghĩ mình là vua rồi đấy thôi, được đi cái cổng chính ấy chứ? Nghĩ cũng buồn cười lắm nhưng nhiều khi như vậy mà tôi có thêm sự thích thú khi gé thăm nơi đây! Đêm qua đi ở vòng ngoài thì trông không rõ nhưng giờ thì đã khác, tôi biết nơi đây rất thiêng liêng, nơi thờ đức Khổng Tử và bốn học trò của ông…, cũng là trường học đầu tiên của dân tộc nên tôi cố nghĩ xem khi xưa các trò ngồi học như thế nào và người thầy sẽ phải đứng ở đâu để giảng? Cứ đi tới rồi lại đi lui, ngắm qua ngắm lại tôi chợt nghĩ với một số lượng khá đông trò thì các thầy phải phân ra các tốp khác nhau nhưng cũng rất khó để có hiệu quả được bởi các học đường đều nhỏ và dài, trong khi đó có vẻ rất gần nhau. Đó cũng chỉ là suy luận của tôi mà thôi còn thực chất người hướng dẫn viên không đề cập đến! Tôi muốn hỏi nhưng lại thôi, giờ cứ suy đoán mãi.
5. ẨM THỰC - CHÈ HÀ NỘI
Tôi ở đây đến lúc 5h kém thì bắt đầu tính ra về, tôi cũng thất lạc với cả đoàn vì mỗi người mỗi ngã, tuy không rộng nhưng rất khó thấy nhau! Tôi loay hoay đi ra thì gặp lại Thảo! nhập vào nhóm rồi dần dần ra về. Điều làm tôi thấy vui là được ngồi thưởng thức mấy món chè ở Hà Nội mà Thầy tôi mời, Thầy mời cả đoàn nên cũng khá đông, trên 20 người, mà giá ở đây thì gấp 3 đến 4 lần so với ở Đà Nẵng! Tôi thì ăn bát chè ngô cốm vì tôi rất muốn thưởng thức món cốm ở Hà Nội khi mà tôi vẫn nghe Nguyễn Đình Thi đã viết về hương cốm mới trong Đất Nước, kể từ đó tôi ao ước được thưởng thức nó, vả lại cả hôm qua đến nay tôi cũng không biết những loại này họ bán ở đâu?
Ngô cốm nghe cũng khá thú vị, Mập thì ăn chè đậu xanh còn các bạn tôi người thì ăn kem, người thì chè đậu đỏ… Nói chung vì thầy mời nên nhiều bạn cứ cố tình gọi cái gì cao giá nhất! Tôi thì bị thiệt, thầy tôi cũng vậy vì bát ngô cốm chỉ có 15.000đ. Chè mang ra sực nức mùi thơm, đúng là khác lạ và mang đặc trưng riêng của chè Hà Nội nhưng tôi vẫn không hiểu sao nó lại mang cái biển là: Chè Sài Gòn? Mọi người ai cũng vui vẻ, còn thầy tôi thì cũng đã mất một khoảng tiền khá lớn để chiêu đãi chúng tôi.
Chuyến hành trình của buổi chiều hôm nay cũng vội vàng kết thúc! Để lại sau lưng vô vàng những suy đoán, ngờ vực trong bản thân tôi. Nhiều khi tôi cứ tự hỏi “Thời xưa Hà Nội có có được bao nhiêu di tích như Văn Miếu?” Tôi có ao ước lớn lắm về hai điểm điến nữa ở mãnh đất Hà Thành này là chùa Trấn Quốc và chùa Một Cột. Không biết liệu có đến được không khi mà kế hoach đến Hồ Tây có vẻ không thực hiện được? Tôi chỉ nghĩ vậy một lát thôi vì đang phải ngồi với mọi người nên không thể tách mình mà nghĩ mãi vậy được!
6. CHỢ ĐÊM HÀ NỘI
Chúng tôi lại về khách sạn để nghĩ ngơi chờ đợi cho chuyến đi ngày mai. So với lúc sáng thì chiều nay tôi không cảm thấy mệt, có lẽ là do đi ít và được thưởng thức một bát chè ngon? Nhưng dù sao đi nữa tôi cũng phải tắm rửa để cho dự định tối nay còn đi đâu đó! Vì đêm qua tôi có dự định đưa Thảo đi mua sách nữa. Nhưng rồi về đến khách sạn tôi lại gặp bạn của Long, tên bạn ấy là Dung, rất dễ thương và biết cách tiếp chuyện. Dung đã lấy cảm tình của mấy cậu lớp tôi ngay từ khi mới gặp ở quán chè Sài Gòn! Riêng tôi thì điều đó không xảy ra bởi lẻ không để ý gì đến người khác khi mà lòng tôi vẫn hốn độn với những điều mà tôi không hiểu về sự thay đổi của Thảo. Nhưng sự gặp gỡ trong khách sạn có lẽ Dung đã đánh đúng vào chính tâm lý đang buồn buồn của tôi khi đề nghị cùng đi chơi đêm nay, có thể Dung thông minh và có đôi mắt nhìn tâm trạng người khác. Chúng tôi hẹn nhau đi chơi ở chợ đêm và hứa ghé thăm trường của Dung. Tôi xuống dùng cơm tối xong thu xếp lên đường cùng Dung và Long, điểm đầu tiên chúng tôi hướng đến là chợ đêm cách trường đại học quốc gia một đoạn không xa lắm. Đêm nay là đêm thứ hai cũng là đêm đầu tiên tôi đi chơi ở Hà Nội xa như vậy! Từ Cát Linh đến chợ phải đi hai chuyến xe buýt, cảnh tượng đi xe buýt ở Hà Nội thật khủng khiếp. Người ta chen lấn nhau từng chỗ đứng, không thể thở nỗi, Dung thì cứ nhắc tôi phải giữ cẩn thật điện thoại và ví tiền vì trên xe buýt thường xuyên xảy ra móc túi, tôi cảm thấy lo lắng nhưng cũng vui vì có như vậy mới biết được cảnh đi xe buýt nơi đây như thế nào. Xe lướt nhanh đến chợ, ở đây rất nhộn nhịp với nhiều áo quần đẹp, có lẽ đối với tôi thì không thích hợp lắm vì tôi không phải là người thích mua sắm, còn Dung và Long thì mãi mê lựa chọn, áo quần với đủ kiểu mẫu mã khác nhau, đa dạng về chủng loại, nó làm tôi hoa cả mắt.
Trước mắt tôi một cái chợ chẳng bán một thứ gì ra hồn, và hàng nào cũng “Made in China”, từ cái quần jeans cho đến khăn quàng cổ, cái bút chì kẻ lông mày cho đến đôi giầy cao gót kiểu mới nhất; tất cả đều đi qua cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn (cửa khẩu hữu nghị Việt-Trung) vào bày ở đây. Thỉnh thoảng cũng có những cái áo len đan vội của một bà mẹ nào đó mang ra bán, hay mấy đồ sứ Bát Tràng của người bán lẻ, chiếm một cái quầy nhỏ khiêm nhường. Hàng chè, hàng bánh cũng bày chen chúc trên lề đường, chợ đêm vì thế kẹt cứng người, phần đông là thanh niên thiếu nữ đang ở tuổi hẹn hò và du khách cũng chen chân trong đó. Người đi ngắm nhiều hơn người mua.
Dung có ý định chọn giúp cho tôi một vài thứ khi cô ấy yêu cầu nhưng tôi luôn từ chối. Tôi nhắn tin về cho Thảo vì tôi muốn chia sẽ niềm lý thú này với bạn của mình, tôi nghĩ mình nên mua một cái gì đó để tặng bạn nhưng cứ đi mãi mà vẫn không nghĩ ra thứ gì, cho dù ở đây không thiếu. Tôi định mua một cái áo nhưng thấy ngại vì tôi là con trai, còn nhờ Dung lựa chọn thì trở nên mâu thuẫn với lời nói với cô ấy là tôi vẫn là kẻ cô đơn mà sự thật thì cô đơn đấy thôi! Đi một hồi rất lâu trong cảnh mua sắm nhộn nhịp và ồn ào chúng tôi có ý định về trường của Dung cho biết, tôi đi qua cửa hàng ví da và nảy ý định mua cho Thảo một chiếc ví vì khi nào đi với tôi nó cũng có cái ví bé tí và cũ kỹ lắm, nên tôi nghĩ đó là sự lựa chọn hợp lí. Dung chọn giúp tôi một cái và cất cẩn thận giúp, cô còn căn dặn tôi một loạt những điều khi tôi về trao cho bạn mình nhưng tôi cũng chỉ biết gật đầu như không muốn để ý lắm vì tôi nghĩ với Thảo thì cũng không cần phải như vậy! Ra về Dung còn mua cho một bịch xoài ướp có vẻ hấp dẫn, nhưng nó không phải là món khoái khẩu của tôi. Nỗi khổ lớn nhất mà cả ba chúng tôi gặp phải hôm nay là ngồi đợi những chuyến xe buýt, tôi có ý gọi taxi nhưng Dung thì không, thế nên phải đợi một lúc rất lâu, xe qua lại rất nhiều nhưng xe số 42 thì đợi mãi vẫn không thấy, cho đến 9h hơn chúng tôi mới bắt được xe. Trên xe chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều và làm quen nhau đến nỗi không nhìn thấy điểm dừng để đi vượt mất trạm. Tôi thấy mình quá may mắn khi quen một cô bé xinh đẹp khá rành Hà Nội, đây sẽ là cơ hội để được hiểu về mãnh đất này nhiều hơn. Chính vì vui vẻ và thân thiện của cả hai mà cả ba chúng tôi phải mất cả tiếng sau chúng tôi mới tới trường của Dung. Đó là ĐH Văn Hóa, nhìn chung khuôn viên trường không có gì đặc biệt, ký túc xá như khu ổ chuột, so với trường tôi thì ở đây còn thua xa, có lẽ do không có diện tích nên mọi thứ trở nên chật hẹp hơn, tôi ở đây khoảng 15 phút và tôi nghe Dung kể nhiều về cuộc sống sinh viên của các bạn ấy, phòng ở của ký túc thì quá bề bộn và bẩn, phòng nhỏ hơn nhiều so với phòng ký túc ở trường tôi. Tôi chào tạm biệt Dung và hẹn một ngày gặp lại, tôi đưa Long về, hai anh em đi taxi về lại khách sạn mà trong tôi cảm thấy e dè về người bạn mình mới quen biết! Một người bạn rất dễ thương nhưng nói quá nhiều và trông rất đanh đá. Về tới khách sạn khi đã khuya mà trời rất lạnh, Long co ro như không thể đi nỗi, lên phòng tôi gọi cho Thảo và trao món quà mình mua tặng, Thảo chắc cũng thích món quà này - tôi thấy vậy. Tôi không nói gì với bạn cả, có lẽ những gì đang diễn ra đều không theo ý muốn của tôi và bạn! Tôi nhìn theo bạn rồi về phòng, kết thúc một ngày nữa ở Hà Nội.
Tối nay tôi cứ nghĩ mãi mà không ngủ được! sao Thảo không nói gì cả? sao không chua chát như trước đây? Không thấy la mắn hay chê bai tôi nữa? Hàng loạt những câu hỏi ngớ ngẩn làm tôi phải suy nghĩ nhưng cuối cùng đều không trả lời được. Một đêm dài với những suy nghĩ vẫn vơ. Nhưng thôi! tôi nghĩ mình phải ngủ lấy một giấc để ngày mai còn đi tiếp. Ngày mai chúng tôi đến Bảo tàng Dân tộc học, nơi trưng bày, hội tụ của các nền văn hóa của dân tộc.
7. BẢO TÀNG DÂN TỘC HỌC
Sáng ngày 20/02 vào lúc 8h xe đưa chúng tôi lên đường đến tham quan tại bảo tàng dân tộc học, đi đường hết gần 30 phút. Trước mắt chúng tôi là một Bảo tàng có quy mô rộng lớn, đợi mua vé xong chúng tôi mới được vào xem! Ở đây thủ tục mua bán vé rất nhanh, chẳng mất nhiều thời gian để đợi chúng tôi đã vào ngay, mặt trước của Bảo tàng khá đẹp và được bố trí trang nhã, mọi người ghi hình lưu niệm xong thì theo hướng dẫn viên vào bên trong tham quan. Đi vào bảo tàng, cái đập vào mắt đầu tiên là cây Nêo của người dân tộc ở Tây Nguyên, cây này khá cao, lạ mắt và đẹp với những chi tiết hoa văn tinh xảo. Cô hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi thứ tự từ bên trái, đi theo vòng xoắn ốc để lên trên bảo tàng, đầu tiên chúng tôi được nghe giới thiệu về ngữ hệ của dân tộc và trên thế giới, cũng như sự phân bố các ngữ hệ hiện nay. Sau đó lần lượt giới thiệu những hiện vật nói về phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam, trong Bảo tàng có nhiều màn hình chiếu những đoạn phim tư tiệu về văn hóa, đi suốt gần cuối bảo tàng tôi thấy thích thú với văn hóa nhà mồ của người Gia rai, nó mang tính nguyên sơ, mộc mạc của hiện thực cuộc sống, nói lên nguyện vọng, ước muốn chân thực của con người… Ngoài ra đó là các kiểu trang phục của đồng bào các dân tộc phía bắc, với những bộ áo quần làm từ vỏ cây hết sức độc đáo, mang lại một vẻ đẹp riêng khác lạ.
Tham quan xong bên trong bảo tàng, chúng tôi chia nhau ra khuôn viên bên ngoài. Bên ngoài được phục dựng các mô hình nhà Rông…của của các dân tộc và các mô hình nhà khác nữa mang bản sắc văn hóa của các dân tộc. Tôi được xem cả múa rối nước nữa, tôi lấy làm yêu thích với nghệ thuật này, đứng xem một lúc tôi lại đi xung quanh xem một số mô hình một cách cụ thể, ở đây rất đông du khách và nhất là khách nước ngoài. Chúng tôi ở đây đến gần 10h30 thì ra xe để chuẩn bị về lại khách sạn, nhưng sau đó thầy tôi cho xe chạy vòng qua một số đường lớn và lên khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, khi này mọi người đã thấm mệt, phần vì đã đói, phần khác đã là ngày thứ tư liên tiếp đi nhiều nên cũng thấm mỏi mệt rồi, nên không ai có nhiều hứng thú với khu liên hợp này, ai cũng muốn về sớm để cho chuyến đi chơi chiều nay. Mọi kế hoạch đã được vạch ra, ai có người thân thì gặp người thân,ai thích đi dạo thì đi vì chiều nay là buổi đi dạo tự do.
8. MỘT CHIỀU Ở HÀ NỘI
Chiều nay tôi thì chưa có kế hoạch nào thật cụ thể! Nói thế thì cũng không đúng nhưng lúc này thì đúng, vì trước khi đi tôi đã lập cho mình một kế hoạch là sẽ đưa Thảo đi chơi ở Hồ Tây, sang đường Thanh Niên thưởng thức bánh phồng tôm, nghe nói món này lạ và khá hấp dẫn, đến Hà Nội tôi cũng muốn thử một vài món xem ra làm sao, vì tôi nghe nói ẩm thực Hà Nội khá đặc sắc. Nhưng rồi kế hoạch đã bị vỡ lỡ, tôi đồng ý lên nhà hai đứa bạn trong lớp, nhưng thực sự chỉ lên nhà bạn Thương thôi! Đó cũng là kế hoạch bất đắt dĩ mà thôi vì ý định của tôi ra Hà Nội chủ yếu là tự mình khám phá nó nhưng có quá nhiều vấn đề xảy ra không như ý của mình nên phải chiều theo hoàn cảnh. Chiều nay Thảo cũng đi, tôi thấy vui lắm nhưng vẫn có cảm giác xa lạ quá, chúng tôi đi xe buýt ra bến xe để bắt tuyến về chùa Hương, ở Hà Nội xe buýt là phương tiện hữu hiệu nhất giúp chúng tôi có thể duy chuyển dễ dàng nhưng vì chúng tôi không rành về những tuyến đó nên cũng có nhiều khó khăn. Đi xe về chùa Hương rất vất vả đường thì bé tý tẹo mà xe thì đông nên xe phải chạy như rùa, xe đông khách mà có nhiều người già và phụ nữ nên tôi phải nhường ghế cho họ, xe chạy mất hơn hai tiếng, và trong hơn hai tiếng đó tôi phải đứng tê cả đôi chân, còn Thảo thì vẫn có chỗ để ngồi. Về nhà bạn tôi, nói là Hà Nội nhưng trước đây là Hà Tây nên đây là miền quê, chưa có gì phát triển cả, có khi kinh tế ở đây không phát triển như quê tôi, đường thì chật hẹp, hai bên là đồng ruộng, có quá nhiều xe lam và công nông chạy không theo luật lệ nào cả, điều mà ở tôi thì không có.
Mùa xuân ở miền bắc khí trời mát mẻ, đi trẩy hộ xuân vào những ngày này thì còn gì bằng! Đi lên nhà bạn gần chùa Hương mà không được vào thăm thì thật là tiếc, nếu được đi hội xuân chùa Hương thì là nhất, ở đấy hội xuân kéo dài gần suốt mùa xuân đến giữa tháng 3 âm lịch.
Trước khi đi chuyến này tôi cũng đã cố tìm hiểu về những địa danh ở miền bắc mà chùa Hương là một trong số đó! Tôi thích sự yên ả, tĩnh lặng trong các ngôi chùa. Chùa Hương là một thắng cảnh nỗi tiếng ở huyện Mỹ Đức gần nhà bạn lớp tôi nên tôi hy vọng được một lần về đây, tôi tìm hiểu khá kỉ cho dù chưa một lần đến, trên đường đi về nhà bạn cũng chính là con đường lên chùa Hương nên đã cho tôi một cảm xúc lạ để tưởng tượng về thắng cảnh sơn thủy hữu tình này. Từ Hà Nội hướng về phía Tây Nam khoảng 60Km là đến Bến Đục, từ đây đi thuyền khoảng 3 Km nữa là đến Chùa Hương, cảnh vào chùa hương thì tôi cũng đã được xem trên truyền hình, nó tuyệt đến khó tả. Chùa Hương không phải là ngôi chùa mà là một hệ thống chùa chiền, hang động ở Hương Sơn. Tôi được biết vào thế kỷ XVII Tỉnh đô vương Trịnh Sâm khi đến động ở Hương Tích đã đề năm chữ lên vách: “Nam thiên đệ nhất động”. Về sau thì Chu Mạnh Trinh có tả cảnh Hương sơn:
“Bầu trời cảnh Bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lây nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
Đệ nhất động hỏi là đây có phải
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lơ ghe yến cá nghe kinh
Thẳng trên tay một tiếng chày kình
Khách tan hải giật mình trong giấc mộng”
Tôi không phải là người mộ đạo hay khách hành hương mà hiện giờ trên con đường này tôi mơ về cái thú ngồi thuyền trên sông ngắm cảnh núi non, sông nước hữu tình mà thôi.
Đứng mãi trên xe mơ mộng suốt đoạn đường dài ê ẫm, trời cũng đã ngã bóng chiều, chiếc xe cũng đã dừng lại và cho chúng tôi đỗ bến.
Về đến nhà bạn đã là 4h25 khi mà chúng tôi đi từ lúc 2h kém, đến nơi tôi thấy mệt vì đã đứng suốt một đoạn đường dài trên xe, chúng tôi còn phải đi bộ một đoạn ngắn nữa mới đến nhà, đến nơi thì trời cũng đã tối nên không ở lại đây được nhiều vì quá 6h tối thì sẽ không có xe về lại thành phố. Nhà bạn tôi ở miền quê nên khá thanh bình, nơi đây có nhiều nhà làm nghề dệt vải, tiếng khung cửi nghe ầm ầm, bạn tôi tiếp đãi chúng tôi bởi món thịt cầy đặc sản của quê hương nhưng thật khổ nỗi vì tôi không dùng được món này, đi cùng hôm nay thì mọi người đều cho cho là đặc sản, ruốt cuộc chỉ có tôi và Thảo là không dùng mà thôi, bù lại tôi và nó lại được thưởng thức món vịt tiềm ngon tuyệt. Tôi ra phía sau đường của nhà bạn và cảm nhận khung cảnh yên bình của làng quê, tôi thấy mình không phí khi đi buổi chiều nay bởi bao giờ trong tôi Hà Nội phải sầm uất, đô hội mà không thể có được những vùng quê yên bình! Nhưng điều đó đã sai khi hôm nay trước mắt tôi là sự yên ả của dòng sông quê với những luống rau xanh mơn mởn.
Mọi người vừa vui nhưng cũng vừa hối thúc nhau để ra chuẩn bị về lại Hà Nội, lúc này trời đã tối, đi về tôi cũng lại tiếp tục đứng, mà không mọi người đều như vậy, vừa đi chúng tôi vùa lập kế hoạch đi chơi ở Hồ Gươm và ăn kem tại Tràng Tiền khi sẵn đường về khách sạn! Tôi lấy làm vui vẻ về điều này, trời thì rất lạnh, nhìn Thảo co ro tôi thấy lo lắng, tôi vội đi tìm mua một đôi găn tay nhưng chẳng có nơi nào bán cả, cứ tìm tòi mãi mà không có. Đành để bạn chịu lạnh nhưng hình như mọi người đều vui nên cái lạnh cũng đỡ hơn phần nào khắc nghiệt vốn có của nó. Đi dạo ở đây chúng tôi ghi lại khá nhiều hình ảnh.
9. ĐÊM VỀ TRÊN HỒ GƯƠM
Cảnh đêm ở Hồ Gương rất đẹp, có rất đông người đi dạo, xung quanh bờ nườm nượp xe taxi với đủ các hãng và biển hiệu, có rất nhiều cặp tình nhân tản bộ trên vỉa hè trông tình tứ lắm, những người bạn tôi chỉ chăm lo cho việc chụp hình mà thôi, còn riêng tôi, cũng như những nơi khác tôi không chụp nhiều hình mà chủ yếu quan sát xem cảnh sinh hoạt ở đây như thế nào. Tôi cố dõi theo từng bước chân của Thảo, tôi sợ bạn mình đi lạc nhóm, một phần tôi cảm giác thấy lo lắng, có lẽ tôi quá lo xa vì sự quan tâm của mình dành cho bạn! Lang thang trên bờ hồ về đem có lẽ là một thú vui tao nhã của mọi du khách, ngồi trên ghế đá nhìn ra tháp rùa với ánh đèn điện mờ ảo, những bóng cây sà xuống mặt nước… thật thơ mộng. Đặc biệt là khoảng thời gian ngắm nhìn chiếc cầu Thê Húc nơi xa xa như chiếc lược son bắt ngàn trên mặt hồ để vào Đảo Ngọc. Trên bờ có tháp bút được dựng trên một mô đá cao với ba tầng, trên cùng có hình chổi cọ. Tháp mang hình cây bút nên gọi là Tháp Bút, trên tháp ghi ba chữ khá rõ bằng tiếng “Tàu” là “Tả thanh thiên” Ý là viết lên trời xanh những điều mong muốn và tạ ơn trời về sự trợ giúp. Tôi không rõ tháp xây dựng khi nào nhưng nó thực chất mang nét cổ truyền sâu sắc của văn hóa phồn thực tin vào thần thánh, nét cơ bản của văn hóa Phương Đông.
Đi được nữa vòng của bờ hồ thì đã khuya lúc này đã hơn 10h nên chúng tôi quyết định ra về! nhưng khó nhất là tìm phương tiện để đi về, vì chúng tôi có cả 11 người mà hai xe taxi nhỏ thì không thể chở hết được nên phải chờ rất lâu, chúng tôi tìm xe cho 4 bạn nữ về trước vì họ trông rất mệt. Còn con trai chúng tôi đi xe sau, về đến khách sạn thì tôi không vào mà gọi taxi đi tiếp, tôi nảy ra ý nghĩ mua hoa tặng cho Thảo kỷ niệm những đêm đi chơi ở Hà Nội, thật thì ý nghĩ đó tôi đã có ý định khi còn ở ngoài bờ hồ nhưng không thấy hoa bán ở đâu cả nên giờ phải bắt xe đi mua, nhưng khổ một điều cả tài xế và tôi đều không biết nơi nào bán hoa tươi gần nhất cả nên cứ chạy mãi trên đường, may thay rồi cũng có, mua được hoa tôi nghĩ mình phải lấy can đảm. Việc đó đối với tôi là vấn đề lớn, vì không biết sẽ phải nói lý do gì để tặng đây? Nhưng đã mua rồi thì phải tặng thôi, tôi mang xuống cửa phòng gọi điện cho bạn ra và tặng với lý do kỷ niệm cành hoa Hà Nội. Cả hai không nói gì thêm! Đêm nay tôi tâm sự với Thầy cũng khá nhiều, Thấy hai Thầy trò vui vẻ lớp trưởng lớp tôi cũng dọn qua ngủ chung, nó nói luyên thuyên và cố tình trêu chọc tôi về chuyện hôm nay. Nhưng tôi thấy bình thường vì điều đó không có gì đáng xấu hổ. Chúng tôi nói chuyện với Thầy cho đến khuya, chia sẽ với nhau cũng nhiều nên tôi nhận thấy Thầy rất dễ gần và vui vẻ không giống như những gì bạn bè tôi đã thường nhận xét. Thầy rất quan tâm đến sinh viên và cùng chúng tôi nghĩ cho kế hoạch của ngày mai khi mà chúng tôi lên Thái Nguyên.
10. HÀ NỘI TRONG TÔI
Những ngày ở Hà Nội cũng nhanh chóng đi qua, tôi cảm thấy luyến tiếc nơi đây nhiều, ở đây cho tôi nhiều kỷ niệm.
Với hơn ba ngày ở Hà Nội đã cho tôi một cảm nhận:
Hà nội đích thực là cái nôi văn minh của nước ta! Hà Nội quả có sức thu hút với du khách từ phương xa đến, những con đường rợp mát bóng cây, những Hồ Gươm, Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, khu phố cổ, những di tích chùa chiền, đền miếu… có niên kỷ hàng trăm năm. Các yếu tố đó tạo nên sự thu hút của Hà Nội.
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
Chỉ bằng một câu nói ví von ngắn gọn, nhã nhặn, nhún nhường vậy thôi cũng đã cho thấy cái lịch lãm, tế nhị, tự tin của người Hà Nội. Đó là hai câu thơ cửa miệng của người Hà Nội để nói lên niềm hãnh diện về xuất xứ của họ. Tôi cũng đã nghe hai câu thơ này vài lần nhưng rất tiếc lần nào họ cũng dùng để khống chế khi có những người nói những điều không hay về Hà Nội. Tôi có một ý nghĩ thật buồn cười, tôi nghĩ: “Hình như người Hà Nội nào lớn lên cũng học thuộc lòng hai câu nói này để khi cần thì đem ra mà cải với thiên hạ”. Mà tôi cũng nhận thấy mãnh đất miền bắc hầu hết con người đều hãnh diện về xuất xứ của mình, và luôn có những câu nói để biện hộ cho sự tự hào đó. Ngay như bạn tôi ở Nam Định mỗi khi đi chơi bị tôi chê một chút là tung ra những câu lý lẽ mà tôi buộc phải công nhận sự hợp lý của nó… Nhưng ngày nay nếu chịu tìm hiểu thì dù sống ở nơi nào thì cũng dễ dàng cập nhật thông tin tình hình thế giới và ở đâu thì cũng có người tốt kẻ xấu, kẻ tục người thanh chắc gì sống ở Tràng An đã là thanh lịch? Mà sự thanh lịch ấy thể hiện trước hết ở câu nói:
Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu
Cái thanh cái đẹp là ở chỗ tiếng nói chuẩn xác, phát âm đúng, người Hà Nội với vốn từ giàu có lại biết sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, hợp cảnh, hợp tình tạo nên một phong cách riêng không pha trộn vừa hào hoa, nhã nhặn lại vừa lịch lãm, nhún nhường. Nhưng hiện nay những điều tốt đẹp này dần bị tha hóa trong lớp trẻ thanh niên, với cuộc sống thị trường hóa đã làm cho người dân Hà Nội đã dần đánh mất đi cái thanh và cái lịch của mình. Nhưng dẫu sao điều đó cũng nói lên niềm tự hào về xứ sở, về quê hương của người Hà Nội. Đối với họ Hà Nội là một cái gì đó cao quý thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Năm nay Hà Nội tròn nghìn năm tuổi! Một nghìn năm thăng trầm cùng đất nước đã tạo nên một thành phố Hà Nội đầy cá tính. Hà Nội với những con đường xanh rợp mát nhưng nhiều nơi vẫn còn lụp xụp, đâu đó vẫn có những hàng quán tạm bợ… chật hẹp. Nhìn về tiềm năng kinh tế thì còn thua xa thành phố Hồ Chí Minh, những buổi sáng và chiều tối nhiều người đội bán bánh mì đi khắp nơi ở các con phố và đứng ở những tuyến đường lớn cửa ngõ vào thành phố. Tôi tự hỏi: Dẫu hôm nay họ có đắt khách thì sẽ bán được bao nhiêu? Cuộc sống vẫn còn khó khăn lắm!
Hà Nội đẹp và thơ mộng với những con đường rợp bóng cây xanh! Với những buổi chiều buồn cùng những đêm dài thao thức… Những con phố nhỏ chen chúc nhau cùng những quán nước chè xanh đặc trưng mang bản sắc riêng vốn có của nó. Tôi không có dịp tiếp xúc nhiều với người Hà Nội, nếu có cũng chỉ là cô hàng nước mỗi sáng và vài người trên những tuyến xe buýt mà thôi! Điều tôi còn quan tâm và nghi ngờ về những suy nghĩ của mình về con người Hà Nội! Thời gian ở đây là quá ngắn, không dủ cho tôi tìm một ai đó để nói chuyện thì việc tìm hiểu văn hóa về con người nơi đây làm sao thực hiện được. Tôi cảm giác thích cái cảnh ngồi uống nước chè trước khi bắt đầu một ngày mới, nó giống như trong quê tôi bắt đầu bằng tách trà hoặc một tách cà phê nghe một bản nhạc nhẹ nhàng. Con gái ở Hà Nội cũng khá xinh nhưng nó không có chút đồng nội, tất cả các cô đều được phấn son che lấp, từ những cô bé còn rất trẻ chừng tuổi 12 nhưng đã lạm dụng đến mỹ phẩm, vậy nên trông ai cũng đẹp hơn bình thường.
III. LỜI KẾT
Cả một hành trình dài tôi có một nhận xét mà tôi cho rằng mang tính khách quan: “Dù đi nhiều nơi trên mãnh đất miền Bắc nhưng ở đâu cũng thấy mang vẻ buồn và lặng lẽ, nó cũng giống tính cách của con người nơi đó”. Ẩn chứa sự im lặng trong lòng mình nhưng thâm thúy và chua chát không giống như miền quê tôi đang sống, có lẽ chính những mãnh đất đã tạo ra những con người mang cho mình những đặc tính riêng có ở họ! Dù Hà Nội có nhộn nhịp xô bồ nhưng vẫn có cái buồn man mác sau những hàng cây ven đường, Hà Nội thơ với Hồ Tây, Hồ Gươm… cổ kính với nhiều ngôi chùa, di tích có niên đại hàng thế kỷ… Nhưng khi ở Hà Nội tôi có cảm giác ngột ngạt cả ngày, cảnh bon chen tranh giành trong cuộc sống. Đêm về tìm chút thanh bình khi đi dạo trên những con phố hay tìm một quán nước ngẫm nghĩ về một ngày đã đi qua thì Hà Nội giống như một người mẹ hiền luôn muốn con mình nằm yên trong căn phòng bé nhỏ và ngủ một giấc dài để đợi một bình minh mới! Không phải tôi không thích nơi đây. Ngược lại tôi là người yêu Hà Nội nhưng tôi thấy Hà Nội không có một niềm vui cho những người khác đến mà nó luôn hướng con người quay về truyền thống, quay về cái vốn có mà thôi, cũng chính như vậy mà Hà Nội là thủ đô của nước ta, được ưu tiên đầu tư nhưng vẫn kém xa Thành Phố Hồ Chí Minh!. Tôi cứ nghĩ vài chục năm đến, các tỉnh phía Nam sẽ phát triễn vượt bật và đến khoảng 50 năm sau có khi Đà Nẵng sẽ vượt xa Hà Nội. Các tỉnh miền Bắc dù rất muốn mình được giàu lên nhưng họ vẫn thu mình lại, co ro trong những chiếc chăn bông lạnh giá khi những cơn gió mùa đông bắc ùa về. Họ quá tính toán cho cái lợi nhỏ nhoi trước mắt, ngay trong các tua du lịch, các điểm mà chúng tôi đi qua, tôi đã thấy sự phục vụ mang tính cách người hưởng lương nhà nước, thiếu trách nhiệm! Như vậy làm sao để mở đường cho một sự phát triển nhanh chóng?
Khi về lại Đà Nẵng đích thực tôi cảm nhận được một cuộc sống yên lành, không quá vội vả. Đà Nẵng vẫn hiền hòa, êm đềm và vui như sức trẻ…
Một chuyến hành trình tuy không phải là nhiều để tôi thỏa mãn được tham vọng hiểu biết của mình nhưng dù sao qua chuyến đi này tôi cũng như những người bạn của mình đã cho nhau được những kỷ niệm tuyệt vời của một thời sinh viên! Được khám phá, học tập hiểu biết nhiều hơn để yêu quê hương đất nước. Để rồi thốt lên:
Ôi quê hương Việt Nam ta đẹp vô cùng!.
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...