Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Cao Đông Khánh, ngọn lửa cuồng của ngôn ngữ

Cao Đông Khánh, 
ngọn lửa cuồng của ngôn ngữ
Đinh Cường vẽ Cao Đồng Khanh
Thơ Cao Đông Khánh xuất hiện khi làn sóng thuyền nhân lên cao độ những năm 1980-1981, khi lương tâm nhân loại phải đương đầu với thảm kịch thuyền nhân Việt Nam. Thủ phạm đã rõ nhưng nạn nhân cũng đã quá nhiều, hàng trăm ngàn người trong số gần hai triệu thuyền nhân rời bỏ quê hương đã không bao giờ đến bến. Họ, những thảm kịch mà công luận quốc tế cuối cùng đã biết đến, đã nhìn thấy, họ đã bỏ mình nơi biển cả, trong rừng sâu, vì bạo lực, vì bất nhẫn của người đối với người,... Cao Đông Khánh là thuyền nhân, ông đã sống cái bi trạng đó và ông đã dùng thơ để lên tiếng, như Trường Ca Vượt Biển:
"Như vậy đó, biển hàng ngày tăng trưởng
biển mọc trong đầu biển khắp tay chân
biển xót xa em từ cái răng cái tóc
con mỹ nhân ngư này tên gọi thuyền nhân"
(Tạm Dung, Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn, tr. 91)
"... em nói, chồng em chết tù cải tạo
những đứa con ngọc ngà chết ở biển đông
còn đứa trẻ khôi ngô này, sinh ở trại tị nạn
cha nó đang làm hải tặc Thái Lan..."
(LĐNGH, tr. 164).
Đối với Cao Đông Khánh, biển đã trở nên cuộc đời, đã thành ám ảnh, nhà tù:
"... Để anh nhắc ngày anh ra biển
chặt một chân để lại làm tin
hãy xẻ khô cất làm lương thực
em ráng sống giùm anh nghe em
nghe đó em người làm nhân chứng
tình yêu này như hỏa diệm sơn
Để anh kể cho em tưởng tượng
một đêm, gió khô hết hơi thở
người chết dưới biển lên đảo viếng thăm ..."
(Đường Ngô Thị Tâm, LĐNGH tr. 100)
Bài Trường Ca Vượt Biển, ra mắt trên tạp chí Quê Hương tháng 1-1980, đã như một tiếng kêu thương nhức nhối. Nhưng rồi nhà thơ đã dành cho tình yêu một chỗ lớn, xuất bản Lịch Sử Tình Yêu năm 1981 (1) và 15 năm sau những thống khoái cuộc đời, đã trở lại với tuyển tập Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn (2). Tình yêu được đặt trong hành trình cuộc đời một đời người Việt từng sống những thăng trầm của sinh mệnh đất nước và dân tộc: đi lính, bị thương, du học Hoa kỳ, hồi hương và ở lại với Việt Nam, rồi làm thuyền nhân, sống hết mình đời lưu vong và sống trọn vẹn với văn chương rồi vĩnh viễn ra đi vì bệnh tật.
Nhìn chung, thơ Cao Đông Khánh là một bản trường ca về của những thống khổ của thấu hiểu cuộc đời và chân lý giới hạn, cái tri của một người sống nhiều mà lịch lãm cũng lắm! Những trường ca của Cao Đông Khánh (như Anh Hùng Mạt Vận hay Di Tản America mỗi bài dài trên 200 câu) làm chúng tôi liên tưởng đến bài hành Khúc Đoạn Trường của Cao Vị Khanh (3), nhưng cái đớn đau của họ Cao sau hiền hòa nhẫn nhục hơn. Có thể vì méo mó nghề nghiệp gõ đầu trẻ chăng? Cao Đông Khánh "hét" lớn, liên lũy, với những lời lẽ rất thường nghe ở đầu đường, xóm chợ, những bộ chữ của chị bán chè hoặc anh hùng dao búa, những tay hảo hớn, xếp xòng hay dân nhậu nhẹt, lê la,... có lúc trơn tru, có lúc lại chát chúa và cả ồn ào! Dĩ nhiên cũng khác Kiệt Tấn, cũng bi hận nhưng thâm trầm hơn với trường thi Việt Nam Thương Khúc (4).
Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn gồm 15 chương thơ sáng tác trong hai thập niên, từ 1976 đến 1996, theo biến chuyển của các biến cố liên hệ đến Việt Nam. Như chuyện dài một người Việt ở những năm cuối một thế kỷ. Tập thơ nhiều thể loại, từ lục bát đến thơ văn xuôi, cách tân ở dụng thanh âm và ngôn từ sử dụng của một Nam kỳ Lục tỉnh bình dân nhưng có khi phù thủy mạnh mẽ như nước sông Cửu Long trước khi đổ ra biển: thơ Cao Đông Khánh viết để được đọc lên và được nghe, thơ tâm sự với người!
"sài gòn chợ lớn như mưa chớp
nát cả trùng dương một khắc thôi
chim én bay ngang về xóm chiếu
nước ròng ngọt át giọng hàng rong
hỡi ơi con bạn hàng xuôi ngược
trái cây quốc cấm giấu trong lòng
hỏi thăm cho biết đường ra biển
nước lớn khi nào tới cửa sông?
sài gòn khánh hội gió trai lơ
khi ấy còn tơ gái núi về
đào kép cải lương say tứ chiếng
ngã tư quốc tế đứng xàng xê
gánh nước nặng hơn vác thánh giá
má đỏ hình như rượu mới nồng..."
(Sàigòn Rồng Bay Phượng Múa, LĐNGH, tr.56).
Những con bạn hàng xuôi ngược, con bạn thời sinh tử, chiếc ghe bầu khẳm héo hon,... nghe như gần gũi mà như xa, như đã mất! Qua những địa danh là những chuyến du hành từ quá khứ, từ bên kia vùng ý thức, là những cuộc trốn chạy trong cơn lên sốt để khám phá ra rằng trần thế hãy còn sống động, lúc nguy nga lúc tàn tạ!
"... Nơi em ở đó lâm li tình ái, mà, em nỡ bỏ đi, không ai có thể hiểu nổi. Cái trái ô môi đậm đà hơn đường mật, cái thơm cái khóm ngọt ửng màu phèn, cái xe thổ mộ rềnh rang lục lạc, cái con nhỏ hồi xưa tóc cài hoa thiên lý, mà, lý em về dọn dẹp hồi xưa, dọn anh ra khỏi quốc gia, dọn Việt Nam ra hải phận quốc tế.
"Anh mang khối tình còn e lệ đi chu du.
"Trên núi mây ngũ sắc, ngoài biển gió mưa hòa thuận anh gầy lại miếng đất thân sinh, lập trang trại gia bảo. Anh chọn con ngựa trong mười hai con giáp, anh tra khớp bạc, anh thắng kiệu vàng, anh phi nước kiệu đưa nàng đi thăm cổ tích, có chiếc lá rơi biến thành chim vành khuyên đậu trên vai người hóa đau" (Bầy Ngựa Văn Hóa).
Những bất ngờ tình ý, hình ảnh. Quá khứ thơ mộng trộn lẫn hiện tại lưu vong:
"... sài gòn gia định em vô trước
qua ngã cầu bông mới tủi thân
chiếc xe đò cũ như chùa miễu
chở hết vàng son tới ủ ê..."
(LĐNGH, tr. 57)
Cao Đông Khánh làm thơ xuôi và thơ tự do, cái tự do phóng túng mà sinh động, xuôi chảy của những cái trục trặc cuộc đời - trục trặc tiếp nối nhau thành như xuôi chảy tự nhiên! Nhà thơ thổi vào những câu nói và chữ dùng của dân gian vùng Sài Gòn và lục tỉnh, làm chúng sống động, có hồn ra, và có cá tính! Cao Đông Khánh có tài hà hơi, đem tinh khí đến chỗ chết chóc, ù lì, dung tục.
Ông có những chữ dùng mới của riêng ông: ngôi nhà cảnh thạnh, hoa cổ tích, miếng ăn tình tứ,... Cao Đông Khánh tân kỳ hóa cả thơ cũ, lời xưa, chữ dùng quen,.. thành của riêng Cao Đông Khánh! Tiếng vọng dân ca, ngày đã xa hay hôm nay anh nhìn ngắm người tình! Nói đến người đẹp:
"Nàng có chất rượu trong chiếc kẹo bọc chocolate, có đôi mắt tròn như biển xanh ở chính giữa trời mây trắng, có đôi chân khép nơi chỗ ngồi, hở nơi chàng nằm, có ngày thong dong như sóng nước, có đêm nhẹ như cánh diều bay, có kiểu đi chân không, có dáng mang guốc cao gót, có cách mặc áo dài, có điệu mặc quần jean,...
Lê thị Vân Nga như tiếng hát ngoài vô tận, nàng ở không gian ngoài, ngoài bất cứ mọi dèm pha; nàng ngây thơ đối với mưu lược, nàng trinh tiết trong đời tình; nàng thông minh trong định ý, (...). Nàng có thân thể của cỏ non mọc trên ngọn gió có cánh tay dịu dàng trổng tỉa văn minh.
(...) Tháng Bảy dài hơn hết, tháng Bảy nhớ thương hơn hết, tháng Bảy trời mưa ấp ủ hương hoàng lan. Tháng Bảy của nàng ẳm con về Đà Lạt, tháng Bảy chỉ có người đi mới hiểu vì sao. Tháng Bảy vì sao có một người biết hơn ai hết, những tháng Bảy trời cao trời thấy ra sao?" (Lời Thống Trách Của Kẻ Ở, tr. 61).
Người nữ, mà chân dung, diện mạo đã và sẽ đè nặng trên từng bước đi chu du của người lữ thứ, ở những thành phố dù xa lạ, cả khi mặt trời lên cao và biển mở rộng!
Thơ xuôi, thơ với lời thống trách, kể lể, thơ tính nằm ở âm hưởng của lời, ở âm vang của ý. Những lời tuôn, đi mãi, xa mãi...! Lời ẩn mật như để nói riêng, tâm sự riêng với người xa khuất. Nhà thơ sống chết với người đẹp, một người nữ nào đó ông đã phải thốt:
"... Anh cung kính biết bao nhiệt tình
thờ phụng thần tượng: Em
Người đàn bà lãng mạn cuối cùng của thế kỷ"
(Trăng Trong Vịnh Frisco)
Biển, nước,... vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong thơ Cao Đông Khánh, cả khi nhớ người tình:
"Đêm. Gió, Cây. Trời. Hồn nhiên
tình cờ ngọn lá quạt giọt nước nhẹ khắp
nơi nào cũng nhớ em như nhớ nhà
Nhớ em như nhớ nhà ..."
(Từ Nơi Yêu Dấu, LĐNGH, tr. 5)
Tình yêu đi với tình quê hương và thân phận lưu đày. Lời thú "Anh nhớ em như nhớ nhà em ơi". Còn bi ai nào hơn! Cả khi đi vào hết bài thơ với những nhung nhơ,ù những chi tiết tình ái tầm thường đã làm nên hạnh phúc hay đau khổ tiếc nuối "Cố nhiên điều anh nói chẳng ai tin, kể cả, khi em lang chạ với người đàn ông đó cùng một kiểu như với anh...".
Cuộc đời với những trận cười bên chai rượu, với những tiếng súng trận địa, với những con người bày vẽ nhân đạo,...
"mới chín tới chia hơi cần sa tâm huyết
mùa hè 70 máu chảy đỏ hòa bình
em ở Berkerley hay ở Massachussetts
thuở xuân thì cổ võ kẻ xâm lăng .." (tr. 130).
Cao Đông Khánh làm thơ như say sóng vô tận với rượu nồng và thuốc lá Bastos xanh
"như cá nước ngọt theo cuồng lưu ra biển
tìm về bất kể nơi nào hợp thức tâm cơ..."
(LĐNGH, tr. 85).
"... ta chia sớt với em một gian phòng khách
ta đeo tượng phật cười em đeo chúa đóng đinh
em pha tách cà phê ta đốt điếu thuốc cuối
trong cái gạt tàn đầy tro bụi riêng "
(LĐNGH, tr. 298).
Nhà thơ sống tận cùng cuộc đời, dan díu với từng nét riêng, từng nét thấp. Sống bình dân để viết nên những lời quần chúng cận nhân tình đọng chất thơ. Bóng cuộc đời xô bồ, ồn ào dàn trãi trên những ý thơ, thứ thơ từ cõi sống đi ra và sẽ trở về nơi ô trọc. Đời, với Cao Đông Khánh, là một trò chơi lớn, nơi đó có rủi may định mệnh, có con người, có tình yêu và cái chết!
Cao Đông Khánh như muốn tạo một ngôn ngữ thơ mới, đặc biệt của riêng Cao Đông Khánh, ngôn ngữ đặt thơ ở chân tường những ảo tưởng và son phấn, là đi vào lòng cuộc phiêu du lớn, là để cho tiếng nói phát biểu bí ẩn riêng của chúng. Với hai tập thơ đã xuất bản, người thưởng thức thơ phải đối đầu với một thi ca muốn cuộc đời chiến thắng bởi tàn khốc của cái chết. Thơ Cao Đông Khánh không phải là văn chương mà trước hết đã là Ngôn Ngữ và Tiếng Nói. Thật vậy, người đọc thường phải đương đầu với một ngôn ngữ quá đà, thô tục, một ngôn ngữ tuyệt vọng nảy sinh tiếng cười khinh mạn, châm biếm; những thành ngữ bẻ cong bẻ ngược như tiếng lóng trao đổi ở đầu đường "vô nghĩa". Dùng tiếng nói để cụ thể tiếng lòng của người thơ, để đến với người thưởng thức thơ. Thơ đưa người đến gần nhau, đẩy người tâm sự và cả âu yếm với người. Hoa gấm đã là quá khứ, vậy sử-dụng những tầm thường mà sinh động, để vang lên tiếng vọng từ tâm thức nhà thơ. Thơ Cao Đông Khánh phải đọc lớn tiếng và nếu được, trước người khác, hình như mới hay, vì với Cao Đông Khánh, ý của ngôn ngữ chính là ở ý của lời nói. "... Bài thơ bỗng rưng rưng/ lời mặc khải viết xuống thành chữ/ chữ hiện hình xinh đẹp" (LĐNGH, tr. 289). Mỗi bài thơ là một chuyến đi chơi xa trong tiếng nói. Với chiếc xe tùy thân, chuyến đi xa mỗi người làm lấy ngay trong chính thân xác không bất tử của chính mình! Thành thử hay ở ngoài, như "tiếng hát ngoài vô tận, nàng ở không gian ngoài, ngoài bất cứ mọi dèm pha", như lửa đốt ngoài giới hạn!
"Những chuyến xe vẽ hoa chở chuyên ân ái
trên gò má em xâm một cánh hoa hồng
chiếc Volkswagen đời 60 có hình nữ phận
chở trăng vào soi cửa giữa giai nhân"
(LĐNGH, tr. 130).
"Ra mắt đời sống, anh bước vào hầm rượu mịt mù khói thuốc, nhớ đêm mùa thu lá rụng trong sân trường đại học như bước chân của đám âm binh bước vào thư viện sắp xếp lại kệ sách, nhồi thuốc súng vào mẫu tự rồi chạy táo bạo lộn xộn trong ký túc xá, sử dụng đủ loại nhạc khí khiến cho trái tim em đập theo những nhịp dồn dập, rớt ra khỏi lồng ngực, còn lại, cặp vú mỹ miều bơ vơ; anh say gục xuống" (LĐNGH, tr. 172).
"... Chiều trổ mây âm dương
Khuya ngạc môi son những mặt trời đàn bà
Em phù dung mở cửa. Để đẻ
Cho sướng chỗ em buồn..."
(Trăng Trong Vịnh Frisco).
Ở Cao Đông Khánh có ẩn ngữ của cuộc đời mới, sau những khổ ải vượt biển, vượt biên, nay hiện diện ở khắp Americas. Đời như một trò chơi vừa khốn kiếp vừa bi hài. "... Tháng 6 trên bãi biển nắng mưa tôi làm người ngoại quốc, tôi nói Anh ngữ với người bản xứ rất vui. Người ta hãm hiếp đàn bà của tôi, thử cho biết mùi trái cây lạ... " (LĐNGH tr. 118).
Những lời những chữ mà nhiều người đọc không chấp nhận là thi ca, lên tiếng phản đối ồn ào một thời, thời họ Cao xuất hiện trên trường thơ hải ngoại. Họ nhân danh một truyền thống, một "văn hóa" đã quen!
"... Trên nóc cao ốc trùng trùng đàn ông. Chót vót
điệp điệp đàn bà. Cái Lớn. Cái Bé
Những bái vật muôn năm nằm trong gốc gác con người
Cái Răng. Cái Tóc. Cái Lồn. Cái Hồn Vía còn tươi
Kẻ di tản đã ra khỏi đường chân biển
Và bao nhiêu đường chân trời. Không ai nhớ rõ
Đi hết ánh sáng. Đốt lửa ngoài giới hạn..."
(Cánh Đồng Trầm Thủy. LĐNGH, tr. 311)
Ở những chỗ Cao Đông Khánh dâm hóa con chữ, ngôn ngữ trở thành không gian nơi đó nhà thơ vật lộn đê mê với xác phàm, như cái khoái lạc chiếm hữu thân thể người nữ. Ở đây người nữ đồng nghĩa với thơ, cả hai chia xẻ ảo tưởng và ám ảnh của nhục dục, cái giác cảm đối đầu với quá quắt là cái đem lại sự sống hoặc chết. Thành thử nhà thơ như không có lựa chọn nào khác là chụp lấy cái Chân lý từ thân xác, là dựng nên một vở kịch nơi đó ngôn ngữ đến gần tiếng hò hét. Thơ với người nữ làm một, từ hơi thở, mùi vị đến cả thịt da, cử động. Khoái lạc nhục dục của con chữ trong những hành cử yêu, ghét, làm tình,... và thơ bị tàn sát khiến phải kêu lên rằng đang chết trong khoái lạc. Nhà thơ thu nhỏ thi ca lại trong sự thật trần truồng khi đối đầu chúng với cái chết! Phải chăng đó là lý do những phê phán Cao Đông Khánh "tàn diệt" ngôn ngữ thi ca?
Văn chương nói rốt cùng là ở trong cách thể hiện, cái cách xuất phát từ cái tay hay cái đầu hoặc con tim? Cái tay là cơ quan hành pháp của ngôn ngữ, cơ quan khích động và đòi hỏi hành động! Với Cao Đông Khánh, thơ thành công khi khiến người đọc thơ cảm nhận có bàn tay đó, có cú đấm, làm chết, làm động lên khiến nhạc tính xuất hiện và con tim bị động! Thơ ông động đến bàn tay, và đòi hỏi hành cử, dù tâm sự lúc đó nhão mềm. Bàn tay để đụng chạm và nắm bắt. Đụng chạm dưới nhiều hình thức từ chạm đằu ngón đến vuốt ve mơn trớn, mong hoán đổi nhịp con tim. Nắm bắt vì chạm đến tột cùng của ý thức, của cảm giác. Thơ với Cao Đông Khánh là chất men say con người, một thứ "hữu thể" dễ bốc hơi từ hiện sinh và thân xác, là hơi thở của "ngôi nhà nhẹ nhẫng", của thể chất cõi đất, tức là chính mỗi con người. Qua lời, qua tiếng nói, người thơ hiện hữu. Ngôn ngữ lại có bộ nhớ dù chúng luôn chạy trốn, luôn chảy, bay mất. Lời thơ chen lấn trong tôi và bản chân diện mục tôi, giữa tôi và thế giới, giữa tôi và người khác. Thi cách cũng là một biểu hiệu nhân sinh quan, với Cao Đông Khánh thì đã quá rõ!
Và Cao Đông Khánh đã mở đầu một trong những bài thơ sau cùng:
"Hắn đã đến. Đã ở. Đã đi
Trống thêm một chỗ trống..."
(Trăng Trong Vịnh Frisco)
Chú thích:
1. Cao Đông Khánh. Lịch Sử Tình Yêu. Garden Grove, CA: Nhân Chứng, 1981. 136 tr.
2. Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn: thơ tuyển chọn từ 1976-1996 của 1 người là Cao Đông Khánh. Houston, TX: Tác giả xb, 1996. 314 tr. Phần lớn của tập Lịch Sử Tình Yêu được in lại trong tuyển tập mới này.
3. Cao Vị Khanh. Lệ Từ Nét Ngang. South Boundbrook NJ: Thư Ấn quán, 2001. Khúc Đoạn Trường (tr. 11-68), viết theo thể song thất lục bát, 155 đoạn 4 câu.
4. Kiệt Tấn. Việt Nam Thương Khúc. Paris: An Tiêm, 1999. 144 tr. Gồm 3100 câu.
21-11-2001
Nguyễn Vy Khanh
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...