Quand les mythologies s'effrondent,
c'est dans la poésie que trouve refuge le divin;
peut-être même son relais
(Saint-John Perse) (1)
Từ những bài thơ đầu trên tạp chí Sáng Tạo năm 1956-57, Tô Thùy Yên (sanh năm 1938) đã quan niệm nhà thơ là kẻ sĩ, là người chép sử, với một cái Tôi dấn thân và có trách nhiệm:
"Tôi là Tô Thùy Yên là thi sĩ là người chép sử tương lai
Vốn học hành dang dở nên đứng bờ cuộc đời ngó xuống hư vô...".
(Tôi, SángTạo, 11, 8-1957)
Nhà thơ tự nhận trách nhiệm, một cách nghiêm chỉnh, hết mình: "... Tôi giựt giành đổ máu với tôi/ Từng chữ một/ Những tên cai ngục/ Ngôn ngữ bất đồng/ Với thứ linh hồn quốc cấm,/ Tôi tù tội chung thân/... Bài thơ bỗng mất nửa linh hồn/ Ngù ngờ ngôn ngữ ngổn ngang/ (...) Để làm gì ý thức?/ Tôi van nài tôi hãy xót thương tôi ..." (Thi Sĩ, tr. 9, 11).
Vì sáng tạo, nhà thơ có lúc tỏ ra cương ngạnh: "... Có đọc thuộc thánh thư/ Linh hồn tôi vẫn vậy/ Tôi vẫn không thể lạy/ Dù đứng trước hư vô... " (Thân Phận Của Thi Sĩ). Tôi, Ta thay đổi hình như có ý nghĩa một khẳng định. Thời đầu trên Sáng Tạo ông khẳng định Tôi, một cái Tôi hiện sinh, trí thức mới tìm thấy trên đường lần về thi ca tượng trưng. Ta đến sau đó, Ta của Chiều Trên Phá Tam Giang, của Mùa Hạn, Ta Về (Ta về như hạc vàng)!. Sau 1971, thơ vương vấn những thắc mắc siêu hình: Trường Sa Hành, Bất Tận Nỗi Đời Hung Hãn Đó, Và Rồi Tất Cả Sẽ Nguôi Ngoai và các bài Quỷ Xướng Thi khác, thì cái Ta rõ nét hơn, trưỡng thành hơn trong hành trình tri thức vũ trụ và nhân sinh:
"Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh lớn
Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ..." (tr. 85);
"Hoàng hôn xô bóng ta trên cát
Ta lớn lao và ta cô đơn..." (tr. 56).
Tôi đó du hành trong vũ trụ với một sứ mệnh nào đó: "... Câu hỏi vạn niên, lời đáp nhất thời,/ Chữ nghĩa rối bời gai góc loạn/ Con đường suy tưởng thật lang thang/ Ngày một xa thêm Chân Lý lớn/ (Như bào thai, Chân Lý lớn cư an..." (tr. 68). Nay và xưa, Tôi và Ta, thực ra trộn lẫn, hòa hợp, có khi hòa mà không đồng, như tâm hồn Việt trước phức tạp nhân thế và chiến tranh.
Thi tính ở Tô Thùy Yên biểu hiện qua những hình ảnh, những biểu tượng, ngụ ngôn, ở những tiết điệu bất ngờ độc đáo, và qua ngôn ngữ của nhà thơ. Ở ông, người đọc cảm nhận một hồn đông phương vừa làm nền vừa là điểm đến của thơ, qua những ngõ ngách thuần lý, những tư duy rất hiện đại mà cũng rất Việt Nam, một Việt Nam nhiều ngàn năm văn hóa! Thơ ông thể hiện tư duy và cảm nghiệm từ đời sống, là chính hành trình của tư duy. Thơ trở thành phương tiện để hít thở nơi bít bùng ngộp thở, ở một thời ngột ngạt bí hơi! Tư duy thơ, tư duy ngôn ngữ là tư duy giá trị, một khả năng tiếp tục trong hiện tại dù con đường lịch sử ra sao đi nữa! Nói như Aristote, thơ (poètikè) có thực hơn cả lịch sử (2). Ông tổ thi ca Hy-Lạp xác định thi ca liên hệ đến sự lên tiếng, trần thuật, hoặc nhà thơ nói, hoặc để nhân vật nói, một cách thực tế! Nhưng phải nói, như căn tính, như thực thể! Như Saint-John Perse, Friedrich Holderlin, v.v... đã làm!
Thơ Tô Thùy Yên như tâm sự ấp ủ đã lâu, tư duy đã chín, cái nhìn đã rõ, kinh kệ, triết lý và cả ca dao, tục ngữ đã mặc khải! Thành ngôn ngữ, hình ảnh, cung cách rất riêng của Tô Thùy Yên - "nên tôi làm thơ theo ý riêng tôi nghĩa là dịch thuật tâm hồn nghĩa là nói về con cháu chúng ta..." (Tôi). Khí thơ ngang tàng, tự tin nhưng thành khẩn, không tự cao. Thơ như sứ điệp, như lời tiên đoán hay nhắn nhủ của một người thấy mặt trời lặn phía trước nhưng bất lực.
Trước hết, vào thời tuổi trẻ hoạt động, Tô Thùy Yên đã đem vào thơ một số ý tưởng siêu hình về thân phận người, trước hết trong bài Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu xuất hiện trên tạp chí Sáng-Tạo số 7, tháng 4-1956 mà bài Tôi đến sau như một hiệu đính:
"Trên cánh đồng hoang thuần một màu,
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu.
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau.
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu.
Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt.
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu.
Ngựa thở hào hển, thở hào hển.
Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.
Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu
Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết.
Tàu chạy mau càng mau càng mau.
Ngựa ngả lăn mình mướt như cỏ,
Như giữa nền nhung một vết nâu. " (tr. 13).
Đó là trên bờ, dưới nước thì sông biển mênh mông, con người nhỏ bé, hữu hạn nhỏ nhoi. Con người nhiều cao vọng:"Chúng ta sẽ gia giáo hóa thiên nhiên/ Chúng ta sẽ đồng loạt hóa Định Mệnh" (tr. 65), nhưng trước khi đến nhận thức đó, con người đi chinh phục như những nhân vật của A. Malraux trong Les conquérants mà Tô Thùy Yên đã dịch trước 1975. Người lính hải hành đến Trường Sa, mới nhận chân thực chất của mình là một đơn vị nhỏ bé trong vũ trụ to lớn và bao trùm:
"... Ta hỏi han hề Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ
Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỉ.
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên
(...) Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
(...) Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần..."
(Trường Sa Hành, tr. 85-87)
(... Cửa thần phù dựng trường sơn sóng
Chiến tranh từ Trường Sơn đưa ra biển, sóng gió ngập tràn, mỗi ngọn sóng đưa con người xa dần những ước ao cuộc sống, những lý tưởng đời. Con chim lạc bạn nơi bãi Đông mù!
Nảy ra những băn khoăn siêu hình, con người là một yếu tố nhỏ nhoi của tam tài, ngũ hành, một tình cờ dịch hóa mà thành! Trong một lặng yên của vô, của phần số làm người, vô trước một tuần hoàn và vũ trụ quá đỗi lớn và bất ngờ. Có người thi sĩ lãng du về kể lại:
"Đầu tiên ta kể về im lặng
Dưới vòm trời, dưới mái tóc ta.
(.. .) Thật ra ta có kể gì đâu.
Cuối cùng cũng vẫn là im lặng,
Im lặng trùm phô diễn mọi điều "
(Chim Bay Biển Bắc, tr. 68, 71).
Nhà thơ ý thức cái hữu hạn khi đứng trước cái vô hạn hay không thể hiểu. Nơi một không gian mênh mông và buồn u uất chạm đến hư vô, như không gian của Huy Cận trong bài Tràng Giang (và cả tập Lửa Thiêng). Người thơ như tơ, dễ vỡ dễ tan quá, mà lại mang cả cái sầu vũ trụ. Cùng thời Tô Thùy Yên có Phổ Đức và Hoài Khanh cũng có khuynh hướng đem vũ trụ vào thơ, nhưng hai người sau chưa chạm đến bề sâu tri thức!
"... Thi sĩ, ôi, hoàng tử bị thương,
Hãy thốt giùm chúng ta lời nói chót
Như bài thai đố giữa hư không." (tr. 33).
Thảm kịch xảy ra cho con người khi bị thai đố đặt trước nó. Tức là khi thai đố được đặt ra, khi vấn nạn trở nên to lớn, tức có sự lung lay, gãy đổ hoặc đang đứng trước vực thẳm. Hỏi tức đã có lựa chọn, sở thích hoặc phủ nhận, một cử chỉ hư vô hóa. Nói khác đi, đặt vấn nạn tức khêu gợi, lôi cuốn, kêu mời một cái gì chưa có, cả không thể có. Tô Thùy Yên đã dừng lại ở bờ vực hư vô! Mời gọi khởi hành, bước đi! Đến một tương quan với tuyệt đối!
"... Đời đồng thuộc mỗi câu tra vấn.
Gió thổi chai người đứng lặng thinh.
Biển Bắc tuyệt mù con nhạn lạc
Thời gian mất trí trắng vô âm... " (tr. 36).
Thật ra, những vấn nạn lớn nhỏ mà Tô Thùy Yên đưa ra trong thơ ông cần sự câm nín, lặng yên. Tô Thùy Yên đã nói, đã lên vần, lên nhạc điệu, đã ngoại xuất tâm hồn, đi ra, đi tới tha nhân, cả với hậu sinh, đã là một nỗ lực vô hiệu hóa cái âu lo vì thai đố cần phải có trả lời! Nhưng câu trả lời sẵn đã không thể có, và thai đố vẫn hoàn bí ẩn. Như thiên nhiên đáng được cảm ơn:
"Ta nhìn ngọn cỏ lòng mê mẩn
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân".
Chiến tranh là một thai đố lớn, làm người lính, tham dự cuộc chiến tranh khi không có lựa chọn, định mệnh của một thế hệ. Con đường đi nhận nhiệm sở thân cò, cảnh hoàng hôn mờ ảo và như đã báo hiệu sẽ dài lâu:
"Con đường đáo nhậm, xa như nhớ
Chiều mập mờ xiêu lạc dáng cò..."
Cảnh chiến trận cũng là thảm kịch nhân sinh:
"...Tiếp tế khó -- đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó - sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày chưa lấy xác,
Thây sình, mặt nát, lạch mương tanh ...
Sông cái nước men bờ sóng sánh.
Cồn xa cây vướng sáng mơ màng.
Áo quan phong quốc kỳ anh liệt
Niềm thiên thu đầm cỗ xe tang ..."
(Qua Sông, tr. 25, 26)
Bùi Giáng bối rối ở những ngã ba tư tưởng, còn Tô Thùy Yên khi đến ngã ba đã thủ phận đi theo một lối đường hình như không lựa chọn. Làm con ngựa phi đường xa hay thân con dế giang hồ và con chim lạc bạn đều là thái độ thủ phận không thể tránh trong những nghịch cảnh: "Tôi òa khóc khi mây chiều xuống thấp/ Treo khí giới trên cành tìm hiểu những ngôi sao...". Đành "Ta về tắm lại dòng sông cũ/ Luống những bình yên kiếp dã tràng "(tr. 37).
Nhận chân bất lực, trong một hoàn cảnh lịch sử bất ổn, tự thấy bất lực không làm tròn được bổn phận tự khoác cho ở những ngày tuổi trẻ:
" ... Ta gắng về sâu lòng quá vãng
Truy tầm mê mỏi lý sơ nguyên " (tr. 38)
"... Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới,
Quật ngã những bức tượng, xô xập những đền đài.
Tiếng hú chạy dài suốt lịch sử
(...) Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới,
Dựng dậy những hồn ma, dập vùi những kẻ sống.
Chúng ta hiểu rằng mọi sự bắt đầu..." (tr . 31).
Quỷ vương làm trời thời chiến tranh nhân danh, động não:
"... Bảo xác chết làm phân bón hòa bình
Chúng nó giết người trong nhà ngoài ngõ
Chúng nó giết người như dọn rừng hoang
Một tiếng thôi tư bản hay vô sản
Không ai đứng ngoài cuộc báo thù này
Nát than tôi đường mã tấu hai phe
Tôi ngã quỵ đôi bàn tay sạch sẽ..."
(Ngoại Cuộc).
Nhìn ra nét người khốn thân nơi thù địch:
"... Vì sao ngươi tới đây?
Hỡi gã cộng quân sốt rét, đói,
Xích lời nguyền sinh Bắc, tử Nam"
Vì khi nghĩ lại thân phận mình:
"Vì sao ta tới đây?
Lòng xót xa, thân xác mỏi mòn,
Dưới mắt ngươi ta làm tên lính ngụy
(...) Ta thương ta yếu hèn.
Ta thương người khờ khạo.
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng,
Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử,
Cùng mê sa một con đĩ thập thành"
Trong hoàn cảnh đó, thảo lư của người xưa biến thành gian nhà cỏ, trở thành một chốn về, một trạm nghĩ chân:
"Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Giữa cánh đồng không, bên kia sông
Trống trãi hồn ta cơn gió rã
Tiếng tàn tàn rụng suốt mênh mông
(...) Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Tử tội mừng ơn lịch sử tha
Ba vách, ngọn đèn xanh, bóng lẻ
Ngày qua ngày, cho hết đời ta" (tr. 39, 46)
Thời bó thân khởi đầu khi quỷ vương thắng thế cờ gian. Như kẻ chết đuối trong một trò chơi trên cạn, nhà thơ phải vào bên trong những hàng rào kẽm gai nép thân mất tất cả tự do, nhân phẩm thêm một lần, vì bên ngoài cũng không khá hơn, cũng là một nhà tù - khổ lớn hơn. Khi con người tự mạo nhận chủ nhân con người khác, những kẻ "thua trận". Những bài Mùa Hạn, Tàu đêm, Thức Giấc Trong Biệt Giam,... "phong phú hóa" kinh nghiệm này. Nhà tù chôn cuộc đời, thân thế, màu tang tóc âm cảnh phủ trùm, vẫn ngoi lên hy vọng trở về... dương thế!
"... Ta nhặt từng trang sách rách toang
đùa ngu đã xé vứt ra đường.
Ta gom từng hạt cây luân lạc,
Mong mỏi gầy lên một địa đàng.
(...) Bao giờ ta trở về dương thế,
Sống đáng vinh danh lại kiếp người..."
(Mùa Hạn, tr. 111)
Khi di chuyển bằng tàu lửa về đêm, kinh hoàng nhận ra "Ta trở thành than, thành súc vật./ Tiếng người e cũng đã quên ngang (...). Lịch sử dường như rất vội vã/ Tàu không đỗ lại các ga qua..."(Tàu đêm, tr. 119. 122). Kinh nghiệm cá nhân ở đây là những chia xẻ, có giá trị chứng tá chống khuôn mặt thú, chống tha nhân là tù ngục của nhau, chống u tối, tàn bạo,... mà lại già mồm nhân danh giải phóng, cách mạng! Bởi thế cái buồn của Tô Thùy Yên thời này không phải buồn tình, buồn cá nhân, lẻ tẻ, mà là cái buồn vô hạn, cái buồn khôn tả của không được hiểu hay kém diễn tả trước cái bí nhiệm vô cùng của bánh xe lịch sử, nhân quả. Cái buồn nương theo lịch sử, định mệnh. Nhưng sứ mệnh làm người há dễ gì quên:
" Chiều ra đồng hái rau hoang,
Nghe sầu theo gió thổi tràn mặt ta.
Ơn trời, ơn đất bao la,
Hái đi, này những xót xa kiếp người.
Cổ kim chung một mái trời,
Kinh Thi cũng có bóng người hái rau.
Lâu rồi, nhật nguyệt tiêu hao, ..
Thất phu cũng biết thẹn mình,
Góc sân, trơ mắt đứng nhìn được a?
Thất tung từ nhắm mắt ra,
Chim kêu, vượn hú, biết nhà ta đâu? ..."
(Hái Rau)
Và cũng có lúc Ta Về dù trong tan hoang, tối tăm, về "ngôi nhà hương hỏa", bên những người thân, những cảnh tượng quen thuộc:
"... Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già như vậy
Huống mẹ cha, đèn sắp cạn dầu
Con gẫm lại đời con thất bát,
Hứa trăm điều, một chẳng làm nên.
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn.
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên.
(...) Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi?
Ta về cúi mái đầu sương điểm,
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời ..." (tr. 132, 127, 128).
Nhưng không tự hào cá nhân, cái vinh ngẩng đầu cũng như cái đau là cái chung. Mười năm trầm luân trở về như từ xa xăm: "... Mười năm chớp bể mưa nguồn đó / Người thức mong buồn tận cõi xa ...". Mười năm "chết dấp", như đã "hóa thân thành vượn cổ sơ", "Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay","Mười năm, ta vẫn cứ là ta", "con dế vẫn là con dế ấy/ Hát rong bờ cỏ, giọng thân quen" (tr. 126-136)!
Nơi "thiên hạ cùng xanh mặt, trắng mắt / Nhớn nhác dòm quanh, lén cả than... " thì làm sao chứa chấp được con người trán đã nhăn mà phẩn nộ còn chất chất? Người thì bỏ đi ra biển đẻ "xác lên bãi/ Nằm dài dài như lúc chiến tranh" (tr. 163). Trở về địa ngục lớn đó may mà có lúc ra đi ngẩng mặt. Bỏ lại hết, còn chăng những nhắn nhủ thiết tha:
"Anh lên đường, cúi mặt lên đường
Giả tảng không nhìn nỗi sỉ nhục
(...) Hứa đi em,
Nghe im lặng mà sống,
Nhìn trời đất mà vui.
Hãy như người từng trải mỏi mê về
Lúc tàn khuya,
Nhà hương hỏa tối mốc.
Còn ai không, có gọi chỉ them buồn.
Thôi, chẳng tiếc túi vàng đã phung phá
Mà mừng mẩu nến chợt tìm ra..."
Anh phải đi thôi, vì "Chỗ tối tăm nằm ở phía dưới chân đèn,
Nỗi ngu muội nằm ngay trong ý thức.
Anh nhìn quanh kinh ngạc lạnh hồn:
Mọi người vẫn sống được.
Đáng tội cho anh có một cái đầu thong thống bốn bề...."
Từ thập niên 1970, Tô Thùy Yên vô khuôn 4 câu, 7 chữ nhưng không phải thất ngôn luật vì tự do bằng trắc và không cần đối, và ông cũng làm nhiều bài theo thể Trường ca, như để dễ suy nghĩ và dễ truyền đạt tư duy hơn thể tự do. Tư tưởng tự diệt dù ảnh hưởng Phật hay triết lý hiện sinh, cũng đã chớm mầm! Bắt đầu với tiềm thức từ bỏ phận người đến với quỷ. Quỷ Xướng Thi là chùm thơ gồm năm bài (Tưởng tượng ta về nơi bản trạch, Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai, Ba trăm năm Lịch sử làm thinh, và Bài ca lý của người cuồng sĩ và Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu). Nhan đề Quỷ Xướng Thi được lấy từ bài thơ của Vương Ngư Dương đề trên tranh Bồ Tùng Linh (tác giả của Liêu Trai Chí Dị). Tác giả phải chăng muốn mượn tâm sự của Bồ Tùng Linh để gửi gấm tâm sự của chính mình - một tâm sự rối bời và u uất của những gã trí thức bất lực trong một xã hội đầy chiến tranh và thù hận giữa người với người. Những lúc giữa trời biển với ánh sáng ngày vẫn bị ám ảnh quỷ ma, như khi thấy những đảo Trường Sa:
"... Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỉ
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên..." (tr. 85)
Chỉ mới là những tiên đoán, nghi ngại sẽ xảy ra. Nhưng khi bị cưỡng bách ra Bắc chịu "cải tạo", nhà thơ đã thật sự gặp ma quỷ trong cái xác còm cõi của những kẻ phổ dương lý thuyết phản bội con người:
"Ở đây, địa ngục chín tầng sâu,
Cả giống nòi câm lặng gục đầu,
Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt,
Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau
(...) Như tên phù thủy già điên loạn,
Lỵch sử lên cơn dữ bất thường,
Treo ngược con đen trên lửa đỏ,
Quật mồ thánh đế phi tang xương..." (tr. 101, 103).
Hiền nhân cũng phải quyên sinh "từ đó hạc bay không".
Những hình ảnh, biểu tượng và ngụ ngôn, nói ít để nói nhiều, nói nhiều trong hạn chế, và tinh tế cái phải nói. Tô Thùy Yên dùng thể nói quá, nói để phiền lòng người khác:
"... Tôi thổ huyết cuồng mê như núi lửa
Thiêu hủy hình hài ăm ắp chất cô đơn
Ròi trời đất hừng đông như trứng vỡ
Tôi đã đầu thai thức dậy đỏ sơ sinh"
(Kiếp Khác).
Người đọc nghĩ đến thời tạo thiên lập địa, nghĩ đến bà Nữ Oa đội đá vá trời. Cuộc tang thương nương dâu thành biển, không gian có đổi thay nhưng hương thời gian hãy còn đó, nơi Vườn Hạ "Thời gian đứt quãng dài vô định/ Như sợi dây diều băng mất tăm..." (tr. 91).
Thơ Tô Thùy Yên là thơ của một kẻ ở đời này, đời phong ba tàn tạ, sống trong một thời gian nhưng muốn vĩnh cữu với những vật và biểu tượng của ảo ảnh. Thời gian ở đây mang u hoài ngày tháng, nặng trĩu gia tài, nặng những không gian sự vật đã mất, đã tàn phai; nói đến thời gian là để cho hoài niệm sinh động lên. Thơ Tô Thùy Yên ấp ủ một hồn thơ đông phương, thấm sâu vô não trạng, bay bổng lên khỏi đời thường (sống ở Sài Gòn, đi hành quân, ở tiền tuyến versus hậu phương của ngườiyêu, chiến dịch, đi tù, sống phận bị bủa vây trong nhà tù lớn hay sống đời lưu vong, hội nhập,...).
Hình ảnh trăng dịu dàng bị biển đưa sóng, dù nhẹ, đưa vào bãi, trong khi người chinh phu phải lên đường:
"Bầy ngựa chứng hàng thùy dương vó bão
Biển đưa trăng lăn vào đá tiếng ru ..".
Trăng như một hiện diện vĩnh hằng không chạm được:
"Biết đâu chẳng có một con người
Mà ta yêu suốt đời ta thắm thiết mãi
Như một vầng trăng rời rợi cổ thi
Nhìn năm không xế lặn..." (tr. 154)
Nước lớn, tràng giang, biển ngập tràn, biển đêm, sông lớn, mưa, mưa thành mùa,... nhiều lần trở lại trong thơ Tô Thùy Yên: "Giặc đánh lớn - mùa mưa đã tới,/ Mùa mưa như một trận mưa liền./ Châu thổ mang mang trời nước sát,/ Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên..." (Qua Sông, tr. 25). Hiu hắt hồn buồn một nỗi không tên, không thể rõ rệt nên không nhãn hiệu!. Những hình ảnh vĩ đại ở khía cạnh sâu thẳm, lâu dài, tâm linh. Và từ biểu tượng đi đến tiên tri, Tô Thùy Yên có những cái nhìn như thấy hậu lai, trong một số hoàn cảnh, dự đoán những tai ương khổ hạnh sắp ập tới:
"... Một ngày, ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới
Ngoài biển khơi, trên lục địa,..
Sò hến, côn trùng cũng chẳng yên thân
... Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới,
Quật ngã những bức tượng, xô xập những đền đài
Tiếng hú chạy dài suối lịch sử
Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới
Xé rách một kỷ nguyên, phân tán các dân tộc
để mọi người câm lặng ăn năn.."
(Ngọn Gió Lạ Thường Sẽ Thổi Tới, 31-32)
Thi tính ở Tô Thùy Yên biểu hiện qua hình ảnh đã nói ở phần trên, và qua ngôn ngữ riêng của nhà thơ: "Ngày lòa dậy" (tr. 211), "Khiến cả lòng ta cũng rách tưa " (TSH), "Tưởng tượng ta về nơi bản trạch" (tr. 47), "vẫn thứ mực thông dụng/ không phải cường toan" (tr. 9), "hiên ga nhỏ giọt cường toan" (Trời Mưa Đêm Xa Nhà),... Những chữ của văn hóa lục tỉnh, nhưng kỹ xảo, trang trọng: "địa ngục chín từng ("ở đây địa ngục chín từng sâu", tr. 101). Vật và chữ dùng trong Nam: làm miết miết" (tr. 45), "con còng ẩn nhẩn bò quanh quẩn (tr 50)", "lục bình, mây mỏi chuyến lang thang (tr. 28)". "... lược sử ta trong bí lục nào" (tr. 24). Bài Vườn Hạ âm hưởng lục tỉnh đến thế thì thôi, cứ như hơi thơ Bình Nguyên Lộc: "... Thấp thoáng ánh đèn rây lưới lá/ Đàn ai lên cổ khúc hoài lang?" (tr. 94).
Ngôn ngữ Tô Thùy Yên là thứ ở sách người xưa, ngôn ngữ sách vở, lời lẽ người xưa, người có đọc sách thánh hiền, có học, đó không hẳn là ngôn ngữ thông thái, điêu luyện của người Bắc như nhiều người đề cập đến khi nói về ngôn ngữ thơ Tô Thùy Yên. Thành ra riêng mà cũng của chung, những chiến tranh, lý tưởng, hy vọng, v.v... Tô Thùy Yên sáng tạo thi tính, nhạc điệu,... từ vật liệu cổ có sẵn mà không cũ, như ngôn ngữ, như ý văn gia bảo chung! Cả những chỗ phát tiết của thơ, qua âm điệu, cách nhấn mạnh. Nếu so với Thanh Tâm Tuyền, ngôn ngữ Tô Thùy Yên đi vào tâm thức, ấp ủ, đa nghĩa, bắt phải trả lời, trong khi ngôn ngữ Thanh Tâm Tuyền như phán ra, như đã nói xong, nói toạc ra hết; một bên hồn đông phương, quỷ ám, ma trơi, người đẹp trong tranh, một bên lồ lộ mà gai góc,...!
Làm mới những sáo mòn, cổ điển đã quen trong những phạm trù, mạch thi ca mới. Cảnh nào dễ mà khó tả hơn cảnh đất nước khi hết ... chiến tranh tháng tư 1975 với những kẻ lãnh đạo toàn trị bằng sắt máu, thế mà với ngọn thơ Tô Thùy Yên, những cảnh đọa đày trần gian chiến loạn bên Tàu thời Đỗ Phủ - qua các kiệt tác "tam lại", "tam biệt" như Thạch Hào Lại, Vô Gia Biệt, như trở lại; trở lại một cách dồn dập, trở lại, biến một nơi đang thịnh trị tương đối trước đó thành địa ngục a tỳ:
"... Xứ khổ, thêm chi mùa thảm khốc
Than ôi! Trời đã bỏ rơi dân!
Nắng kim khí chảy, đá ran nứt,
Gió táp, rừng khô rụm, cát tràn
Sông hồ nẻ đáy, giếng vô vọng
Muông thú điên lầm lũi bỏ đàn
Dân làng lũ lượt kéo lên rú
Lùng sục đào khoai củ đã khan.
Côn trùng kiệt sức lìa hang ổ
Lên chết thiêu trên mặt đất hừng,
ác điểu ngày đêm gào xáo xác
Cơ hồ cả thế giới lâm chung..."
(Mùa Hạn, tr. 101, 102)
Những bất hạnh triền miên, không ngừng. Hết sóng gió đến bão táp mà trời thì mãi ủ mây đen! Một thời hồng hoang với tâm địa thú dữ của con người ý thức hệ đã đánh mất tư cách làm người! Cứ như Lam Sơn Thực Lục, Bình Ngô Đại Cáo! Một lối kể lể, tuần tự, liên lũy!
Bài Đãng Tử là một bài thơ đặc biệt khác mang tính kể lể đồng thời nhắn nhủ, lo âu:
"... Bạn có nghe, này bạn có nghe
Vũ trụ miên man chuyển động đều.
Chim đã bay quanh từ vạn cổ,
Gió thật xưa, mây thật già nua.
Nên với một đời, bao biến đổi
Mà trong vô hạn có chi đâu.
(...) Bìm bịp chiều chiều kêu nước lớn.
Đi, đi đâu, chèo chống mỏi mê?
Đến ngã ba, đành theo một lối,
Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia..." (tr. 23-24).
Tứ và ý thơ làm sống dậy con chữ: "Thức dậy đi vào gỗ đá ơi!". Rồi những tiết điệu bất ngờ độc đáo, thí dụ những tiết điệu của nghi vấn, của những câu hỏi lớn: "Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế / Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?" (tr. 86); "Còn ở đâu làn nước giếng khơi" (tr. 106); "ở đâu còn cụm mây hư ảo" (tr. 107) Ố nghi vấn cả khi không cần nêu câu hỏi!
Nếu Thanh Tâm Tuyền hiện đại với âm hưởng Tây phương thì Tô Thùy Yên là dấu vết khảo cổ, nhân chủng học cho một phương đông huyền diệu, thần bí. Không khí cổ thời, ý và nhân sinh quan có vẻ của người xưa, không gian và cảm giác xưa. Sống ở thế kỷ XX, ông chụp ảnh nghệ thuật, dùng máy hiện đại hôm nay để nắm bắt những nét đẹp đông-phương vương vất đâu đó trong vũ trụ, nhất là những nét đan thanh của tâm hồn! Cái đẹp ở đây là cái đẹp của những huyễn mộng hoang đường, của một thế giới ẩn chìm trong thời gian, là mỹ cảm của tâm hồn nhà thơ đứng trước thiên nhiên, trước đời văn minh mà như hoang sơ. Cái đẹp ở trong nỗi buồn thế kỷ, ngôn ngữ thăng hoa thành mộng mị cổ thời. Cái Tôi sung mãn truyền thừa văn hóa, hãnh tiến trong hoang vu cũng như trong bức rối của thời đại.
Kẻ hậu sinh sau này muốn tìm hiểu con người và cảnh tượng đời sống Việt nửa sau thế kỷ XX không thể không mở tìm lại những trang thơ Tô Thùy Yên, như thơ Đổ Phủ khi muốn mường tượng lại cõi nhân sinh thời An-Lộc Sơn! Thơ Tô Thùy Yên gắn liền với đời sống, đặt vấn đề cho lương tâm nhân loại, cho đồng loại, và không chỉ ở một thời. Ở Tô Thùy Yên, có thể nói đến thi ca như một kinh nghiệm vừa tư duy vừa tâm linh mà cũng là một kinh nghiệm nhân sinh. Thơ ông là một khẳng định lớn của con người! Có lần ông đã nhận định rằng "thế kỷ mà chúng ta đang sống đây càng lúc càng hiển lộ một hiện tượng tách biệt trầm trọng lạ lùng giữa thơ và đời sống. Tách biệt đến mức tưởng chừng bây giờ thơ đã trở thành một công việc riêng tư hết sức chuyên môn như trong một hội kín giữa các người làm thơ với nhau thôi (...) Nếu lịch sử là nỗ lực mô tả những diễn biến cụ thể của thời gian thì thơ, một cách khái quát, là lịch sử trừu tượng của thời gian, là phần hồn thiêng của lịch sử " (3).
Chú thích
1. "Khi mọi thần thoại gãy đổ, chính trong thi ca là nơi thần linh trú ngụ, như một trạm nghĩ". Qua sáng tạo, nhà thơ trở thành trung gian với thần linh - ý thứ ba của Saint John Perse trong bài diễn văn nhận giải Nobel văn chương ngày 10-12-1960.
2. "La poésie est plus vraie que l'histoire" (La Poétique).
3. "Bài nói chuyện của Tô Thùy Yên trong buổi ra mắt Thơ Tuyển tại Houston TX ngày 9-3-1996". Ngày Nay TX, 340, 1-4-1996, tr. B3.
4. Thơ trích dẫn đánh số trang từ tập Thơ Tuyển của Tô Thùy Yên (St. Paul, MI: Tác giả xuất bản, 1995. 220 tr.). Những bài khác trích từ tạp chí Sáng Tạo hoặc các hợp tuyển đã xuất bản. Riêng chùm thơ Quỷ Xướng Thi chỉ có ba trong năm bài được in lại trong Thơ Tuyển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét