Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

Sự khắc nghiệt của nhạc cổ điển: Bi kịch của những nhân tài vô dụng

Sự khắc nghiệt của nhạc cổ điển: 
Bi kịch của những nhân tài vô dụng
Bên trong một thế giới âm nhạc cổ điển tinh túy và xúc động đến nao lòng là những cay đắng và tàn nhẫn vô cùng...
Dàn nhạc giao hưởng Baltimore 
(Ảnh: baltimoresun.com)
Nghiệp đoàn đại diện nhạc công trình diễn của Dàn nhạc giao hưởng Baltimore, cuối tháng 6 vừa qua, từ chối ký kết bản hợp đồng mà nếu nó có hiệu lực, sẽ cắt giảm thu nhập của những nghệ sĩ thuộc nghiệp đoàn khoảng 20%.
Đáp trả, các nhạc công bị ban quản lý dàn nhạc giao hưởng đóng cửa gây áp lực, đồng nghĩa với nhiều tháng trời không được vào nơi làm việc để biểu diễn, do đó không có lương hoặc chế độ chăm sóc sức khỏe.
Trong một bài báo trên tờ Baltimore Sun, các thành viên dàn nhạc bộc bạch họ sợ sẽ không còn thu nhập trang trải chi phí thuê nhà và không thể chu toàn chăm sóc sức khỏe cho người thân đang lâm bệnh.
Xôn xao nhất là chuyện một nghệ sĩ violin 27 tuổi không có gì để chê trách, làm theo đúng công thức để trở thành một nhạc công: cô tài giỏi và siêng năng; sau khi tốt nghiệp, cô thăng tiến từ vị trí ghế violin thứ hai lên ghế thứ nhất, rốt cuộc cũng đã có công việc hằng ước ao cùng dàn nhạc.
Trước đó, cô đã theo học đúng bài bản tại những trường nhạc danh giá (Nhạc viện Oberlin và Trường nhạc Manhattan) và nợ học phí hơn 100.000 USD. Cô dự định trả hết số nợ vào tuổi bốn mươi, nếu tiếp tục tằn tiện từ bây giờ và chia sẻ căn hộ cùng một người bạn. Giờ đây, cô đang xếp hàng rồng rắn cùng những đồng nghiệp cũng tài ba và cần cù chẳng khác gì cô, bày tỏ phản đối.
Thế giới nhạc cổ điển chẳng có gì cao sang hay công bình, bất luận tiếng tăm về nó có nói gì khác. Một phần của thực tế này chính là, để trở thành một nghệ sĩ được đào tạo chính quy cổ điển cũng có nghĩa ta đứng vào hàng ngũ những nhạc công có trình độ diễn tấu xuất sắc nhất. Những ai đạt đến những tầm cao này có thể trình tấu những thứ âm nhạc phức tạp, cầu kỳ về diễn tấu trên những món nhạc cụ cầu kỳ chẳng kém cần tới hàng thập kỷ để thuần thạo.
Uy tín đi kèm với khả năng vô song ấy, đương nhiên, phụ thuộc rất nhiều vào thứ bậc: thứ bậc của dàn nhạc, vị trí ngồi trong dàn nhạc, một sự “ái vật hóa” dành cho kỹ năng và sự tận hiến.
Bản thân nhạc cổ điển cũng được nhìn nhận là đỉnh cao tối hậu của âm nhạc chính thống, với thực hành xuyên suốt hàng thế kỷ, có lịch sử là một tấm thảm ắp đầy những cá tính phong phú lẫn thăng trầm cùng thời cuộc. Tựa như mỹ thuật và văn học cổ điển, nhạc cổ điển được xem là một dấu ấn lớn của văn hóa, một thú tiêu khiển đa phần chỉ dành cho giới rủng rỉnh tiền, người già, và phường bảnh chọe.
Nhưng nhạc cổ điển còn là những thứ khác nữa: siêu vượt, nhục cảm, và gây xúc động đến nao lòng. Không gì có thể tóm bắt được nỗi bi ai mãnh liệt như chương ba Concerto cho violin của Shostakovich; sự quấy quá khôn cùng của tình yêu không đáp trả có thể tìm thấy trong sự riết róng dâng trào rồi hạ xuống, tiếng thét nhói đau trong Tứ tấu đàn dây thứ hai của Janáček. Và bất cứ ai cũng có thể bước khỏi khán phòng sau buổi diễn tác phẩm Concerto cho Piano số 23 của Mozart hay một bản giao hưởng của Mahler trong cảm giác lâng lâng, xoay cuồng.
Những trải nghiệm âm nhạc ấy có thể thay đổi cuộc sống của một khán giả trẻ. Hơn hết, chúng có thể trao cho họ lý do để tin vào sức mạnh của nghệ thuật, dấy lên khao khát muốn tham gia và trở thành một phần của nghệ thuật ấy bằng mọi giá.
Tôi là một trong những người trẻ ấy.
Sau khi xem Vanessa-Mae trình diễn trên Disney Channel lúc lên 3, tôi đã nài cha mẹ cho tôi chơi violin. Họ chờ đến khi tôi lên 4, có thể chí ít điều khiển được cây kéo cắt, rồi mới biến ước ao của tôi thành sự thật. Họ thuê cây violin đầu đời cho tôi, nhỏ tí và tiếng dở tệ, từ cửa hàng Johnson String Instruments.
Lớn lên ở vùng ngoại ô North Carolina, tôi học violin với một phụ nữ sống trong một chiếc xe đầu kéo. Bà có giọng nói nghiêm khắc, mang ủng lấm bùn. Tôi học tiếp violin với một giáo viên trong vùng, trước khi đón xe vào thành phố gần nhất, vào năm cuối trung học, để học vài buổi với một trong những nhạc công thuộc dàn thính phòng trong vùng.
Tôi không nhớ nổi thời gian nào trong đời mà tôi lại không cầm cây violin để chơi. Violin chính là phần cốt lõi của quá trình tôi lớn lên, lên vị thành niên, rồi chớm trưởng thành. Những trải nghiệm đầu đời, những lần đau đớn vì tình, những khao khát, chiến thắng, và những hân hoan... tất cả đều xoay quanh việc chơi nhạc trên cây violin chết tiệt đó.
Đồng thời, tôi không được khuyến khích theo đuổi nhiều nghề nghiệp khác: thực vật, kiến trúc, sáng tác. Nhưng dẫu vậy, chưa bao giờ tôi bị ai cản ngăn theo đuổi nhạc cổ điển. Lớn lên ở một thị trấn nhỏ miền Nam, tôi là con cá mập trong ao, tài giỏi hơn bất cứ bạn đồng trang lứa nào vì tôi đã có một khởi đầu tốt hơn.
Mọi người đều nghĩ tôi có tài, tôi cũng nghĩ vậy, khi tôi cứ giành hết ghế này tới ghế khác. Với mỗi chiến thắng, niềm tin tưởng rằng thế giới này công bằng và đẹp đẽ, rằng tài năng và cần cù sẽ kế thừa thế giới ấy, ngày càng nhồi cứng, đúc sâu vào tâm hồn thơ trẻ của tôi.
Lên trung học, tôi quyết trở thành một nhà soạn nhạc thay vì trình diễn violin. Tôi sáng tác những bản đầu tay, những khúc ngắn dành cho violin, trong năm hai đại học. Phần mềm viết nốt lậu còn có cả những hợp tấu dàn dây, thậm chí có cả dàn nhạc thính phòng. Tôi năn nỉ cha mẹ cho tôi theo học khóa hè trước - đại học dành cho bộ môn sáng tác tại Học viện Âm nhạc Cleveland.
Nhẽ ra tôi nên cân nhắc rất kỹ về lựa chọn nghề nghiệp mà tôi đã hứng chí đưa ra ở tuổi mười bảy, lúc cha mẹ giải thích rằng họ chỉ có thể kham nổi chi phí cho tôi theo học tại trường ở tiểu bang, thay vì một nhạc viện cao cấp tại một tiểu bang khác.
Quan điểm bất di bất dịch của tôi nhượng bộ, lại mách bảo nếu đủ siêng năng, tôi sẽ thành công bất kể ngôi trường nào tôi theo học. Tôi đăng ký học ở Đại học North Carolina tại Greensboro mùa thu 2012.
Thành thật mà nói, tôi mừng vì mình đã chọn đại học này và tốt nghiệp mà không vướng nợ nần học phí, thay vì gia nhập một nhạc viện đắt đỏ, nơi cái giá của việc giày xéo mơ ước của tôi chắc chắn sẽ còn đắt đỏ hơn.
Cay đắng nhận ra
Ở trường nhạc, ta phải có thời gian cho hai món: chơi nhạc và chè chén bù khú. Tôi quẳng mình vào cả hai. Tôi tiêu hết 5.000 đôla thừa kế từ ông nội, ngang ngửa số tiền mà em gái tôi cũng thừa kế rồi dùng để trả góp cho căn nhà của con bé, để tham gia những festival liên hoan âm nhạc mùa hè sang chảnh, nơi ta có thể dành mỗi tuần một giờ học masterclass để gặp mặt một nhà soạn nhạc có danh để tô đẹp cho lý lịch.
Đây là lúc tôi bắt đầu nhìn thấy những tiên báo nhãn tiền, mỗi khi gặp gỡ những nhạc công khác: những người sinh ra trong những gia đình nghệ sĩ ở các thành phố lớn, đắm chìm trong văn hóa nhạc cổ điển từ thiếu thời; những người trúng tuyển vào những trường nhạc đắt tiền và danh giá; những người tham gia festival liên hoan thứ ba trong cùng một mùa hè.
Trong khi đó, tôi phải nai lưng ra làm mỗi đêm, nhận thu nhập tối thiểu trong phòng thu của trường để trang trải cuộc sống; tôi từ chối một chân học việc không lương xán lạn, thứ có thể thay đổi tương lai tại một trong những trường nhạc mới quan trọng nhất tại thánh địa của giới soạn nhạc ở khu Brooklyn vì cha mẹ tôi lẫn tôi đều không thể trang trải nổi cho tôi sống một mùa hè ở New York.
Một ngày kia, đâu đó quãng đầu năm nhất đại học, tôi nhận ra mình không thể tiếp tục. Tôi đã bị hội chứng ống cổ tay và viêm gân sau nhiều năm cầm đàn sai thế đánh, những kỹ thuật mà những vị nhà giáo âm nhạc nông thôn đã dạy cho.
Tôi không còn tiền để tham gia các festival liên hoan âm nhạc, không thể tạo được những mối quan hệ kết nối bền vững được trong một lĩnh vực mà quen biết quảng giao đúng người mới là thứ quan trọng hơn tất cả. Tôi không có triển vọng công việc nghiêm túc nào, cũng chẳng có tí hi vọng gì sẽ có một công việc nghiêm túc.
Một đêm nọ, đang trong ca tối, sự sai trái của câu nói “cứ siêng năng rồi ta sẽ thành công” ập đến tôi: sự thật nằm ở chỗ, thế giới âm nhạc là một hệ thống hai tầng, và tôi đang ở hàng ghế thứ hai. Chếnh choáng say, trong bóng tối của bệ thu âm tối tăm, tôi bắt đầu khóc. Hiếm trải nghiệm nào có thể thay đổi cuộc sống của ta bằng việc nhận ra cuộc sống ta hằng mong mỏi lại là một sự bất khả vãn hồi, và nát bét.
Vị trí dàn nhạc
Tôi phải tìm lối ra. Tôi lao mình vào công việc ở phòng thu, nhờ sự giúp đỡ hào phóng của cấp trên và giáo viên hướng dẫn, người thường cho phép tôi nghỉ học vào những giờ ông dạy. Tôi ghi nhớ những chuỗi tín hiệu, tự mình nghiên cứu các kỹ năng thu tiếng cho piano, học các sơ đồ mạch điện, chế tạo ra những chiếc synthesizer trên các bảng mạch tạm.
Tôi có được một chân thực tập tại một hãng bán loa, đăng ký theo học một chương trình về khoa học âm thanh tại Viện Peabody, nhận học bổng, vẫn nợ 44.000 USD học phí, sau đó tốt nghiệp trong cay cú.
Nhưng trong một run rủi nào đó của số phận, blog của tôi được phát tán rộng rãi, và tôi trở thành một cây viết toàn thời gian. Chấm hết. Đó là phần cuối câu chuyện kể về việc tôi đã dành hai mươi năm cuộc đời cho một nguyên do duy nhất và rồi bỏ ngang. Tôi vừa cầm cây violin lên cách đây ít tháng, sau hai năm phục hồi ống cổ tay, thấy rằng tôi không còn chơi được những bản nhạc tôi đã thuần thục hồi năm lớp 6.
Sự hoang đường của chủ nghĩa nhân tài đã nuốt trọn phần đời đầu tiên của tôi. Nó cũng nuốt trọn một phần nhỏ cuộc đời của nữ nghệ sĩ violin trẻ của Dàn nhạc giao hưởng Baltimore nêu trên. Và nó cũng nuốt trọn những phần nhỏ cuộc đời khác của hàng chục con người mà tôi đã trò chuyện cùng khi viết bài này, tất cả họ đều yêu cầu không để lại danh tính vì sợ sẽ bị trả thù trong cái thế giới bé nhỏ, đầy thù hằn nọ.
Nghệ sĩ không có tuổi thơ Vanessa Mae. Một lý do phổ biến 
để chọn cho con cái cây violin, đó là vị trí đứng oai vệ củangười 
nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, tâm điểm của ánh đèn soi, là 
niềm tự hào của mọi bậc cha mẹ. Violin là nhạc cụ solo
phổ biến nhất nhì trong dàn nhạc (Ảnh:nbcolympictalk.files.wordpress.com)
Nhạc cổ điển tàn nhẫn không phải vì có kẻ thắng người thua, ghế hạng nhất và ghế hạng hai, mà vì nó đã nói dối chúng ta về thực tế rằng những kẻ thắng người thua kia đã được chọn ra từ rất sớm trước khi cả đứa trẻ lần đầu tiên cầm món nhạc cụ lên.
Bất luận ta có học sáng tác, có dành hàng năm trời cho nhạc cụ, hay chỉ đơn giản là mong muốn được giảng dạy - dù ở cấp độ đại học hay tại hệ thống trường công đi chăng nữa - tất cả đều không có ý nghĩa gì. Nếu ta xuất thân từ một gia đình chưa giàu có, hoặc đến từ một nơi nào đó không phải những thành phố trù phú nhất, khả năng rất cao ta sẽ thất bại, dù có hi sinh đến đâu chăng nữa, dù có kiên trì siêng năng đến đâu chăng nữa, hay có tài năng đến đâu chăng nữa.
Vị trí nhạc công trong dàn nhạc, cũng như vị trí của 
nghệ sĩ trên poster biểu diễn, là một hệ thống 
thứ bậc rạch ròi. Ảnh: Berklee Music School
Bị bình phẩm, 
còn vướng nợ nần
Trình độ diễn tấu, bất luận tiếng tăm của nó thường được cho là một thú tiêu khiển của giới tinh hoa giàu có và học thức, nên được hiểu là một nghề, và những ai làm nghề này đều là những công nhân bị bóc lột chẳng khác gì ở giới tài xế xe tải nghiệp đoàn Bắc Mỹ (Teamster).
Nhạc cổ điển có rủi ro tai nạn trong công việc cao, đặc biệt là đau mãn tính và mất thính lực. Nhiều nhạc công không sở hữu nhạc cụ, bởi vài món có thể đắt đỏ ngang một chiếc xe hơi. Giáo viên dàn nhạc trung học của tôi, người chơi trong một dàn giao hưởng địa phương, vẫn đang trả góp tiền nợ cây viola trị giá 20.000 USD.
Đến những nhạc công thượng thặng cũng không hoàn toàn sở hữu nhạc cụ cho mình; nhiều món nhạc cụ này, trong đó có những cây violin Amati và Stradivarius, được các nhà hảo tâm cho vay mượn như những món tặng phẩm. Tôi phải mướn violin tại cùng một hãng đàn suốt 16 năm trước khi có đủ tiền để mua đứt nó với giá 7.000 USD, ngay trước khi tốt nghiệp đại học.
Một nhạc công bộ gõ, người đang dạy nhạc ở trường cấp II, nói với tôi rằng: “Là người chơi bộ gõ, đặc quyền còn đi theo những nhạc cụ sử dụng. Nếu phải sở hữu tất cả mọi thứ ta cần cho công việc, cái giá phải trả cực kỳ đắt đỏ, đặc biệt là cây marimba, vibraphone, hay một bộ trống timpani. Do đó, chẳng hạn khi cha mẹ một học sinh trung học của tôi mua cho em một cây marimba hồi đầu năm, đó là một đặc quyền rất lớn. Cây marimba cực kỳ tuyệt vời với em, nhưng tôi đây, có bằng cao học âm nhạc, mà vẫn chưa thể sắm nổi một cây. Sẽ còn lâu lắm tôi mới sắm nổi”.
Ảnh: Cây violin Stradivarius hàng hiệu 
đắt đỏ (Ảnh: cdn.vox-cdn.com)
Và còn đó câu hỏi về công sức bỏ ra. Thập kỷ vừa qua chẳng phải là một quãng thời gian tuyệt vời cho những dàn giao hưởng cũng như những nhạc công thuộc công đoàn, vốn đang nhận được những công việc ổn định cuối cùng trong ngành nghề này. Nếu ta có thể có được một công việc thuộc biên chế dàn nhạc, cơ bản là ta đã thành công - theo nghĩa ta có thể sống được bằng nghề. Hay ít nhất trước kia đã từng như vậy.
Việc các nhạc công quay trở về trường theo học nhiều khóa cao học, tức DMA - bằng giáo sư âm nhạc - nhằm đẩy lùi sự khan hiếm trong nhu cầu sử dụng lao động của ngành này. Một sự nghiệp nhạc cổ điển cho ta ba lựa chọn: giảng dạy, cố tìm một chân biểu diễn theo biên chế công đoàn, hoặc trình diễn tự do.
Sau khi đạt tới bằng cấp cao nhất, thực tại chỉ trở nên u ám. “Tôi có bằng cao học chỉ huy hợp xướng từ Đại học Alberta, bằng jazz piano ở Berklee - một nhạc công kể - Tôi làm chỉ huy, làm ca sĩ cổ điển-pop-jazz, chơi piano, phối khí, soạn nhạc... tổng thu nhập toàn bộ năm ngoái của tôi là 8.200 đô”.
Một nhạc công khác giải thích rằng sau khi chèo chống để chu toàn cuộc sống của một nhạc công vừa là một giáo sư thỉnh giảng, giờ đây chị đang làm việc cho một startup công nghệ và lần đầu tiên trong đời chị kiếm được thu nhập thực chất.
Nghề tay trái
Các nhà soạn nhạc cũng bày tỏ sự cay đắng tương tự. Một nhà soạn nhạc hiện đang làm giáo sư thỉnh giảng tại một đại học nhỏ ở vùng Trung tây đã phản đối thứ kinh tế danh vị nặng nề của nhạc cổ điển. “Tôi cảm thấy như chúng ta đang chứng kiến sự hình thành... của một hệ thống hai tầng - ông chia sẻ - ở đó các nhạc công theo học tại các trường kém nổi tiếng, kém đầu tư nằm ở dưới, những nhạc công tham gia các trường top về âm nhạc ở bên trên. Những nhạc công bậc cao là người tạo ra những xu hướng văn hóa, mặc dù chẳng nhất thiết phải có gì hay ho để nói ra, hay sáng tác ra chút nhạc nào hay ho”.
Chưa hết, ông nói thêm, hệ thống giai cấp và đặc quyền về danh vị bấp bênh này càng dẫn tới bóc lột nặng nề hơn: “Rất nhiều nhạc công theo học ở các ngôi trường kém nổi tiếng có một cảm nhận về sự tủi hổ trước bản thân, dù họ là những người nhận được nền giáo dục hoàn hảo, nhưng lại không có được ân phước từ một tay chết tiệt nổi danh nào đó hạ mình công nhận công sức của họ. Cơ bản mà nói, điều này tạo ra cơ may để bóc lột. Những học viên được yêu cầu tìm tới những ngôi trường danh tiếng để có bằng cấp. Họ sống quá ngưỡng khả năng của mình... Họ phơi thân chấp nhận mọi thứ từ lao động cật lực, cho tới bóc lột về cảm xúc, tình dục hoặc bạo hành, tùy theo con quái vật nào mà họ được giao cho... Nếu may mắn, họ quen biết được nhiều người, có nhiều cơ may hơn chút để có được học bổng, được truyền thông để mắt tới... Và nếu xui xẻo, họ bỏ học hoặc bị buộc phải thôi học, bị đuổi học, hoặc bị chèn ép, và phải bắt đầu lại, hoặc phải vật lộn trước suy nghĩ từ bỏ những gì họ yêu thương”.
Một nhà soạn nhạc khác, vị này đã thành danh trước công chúng, khẳng định điều y hệt ngay tại vị thế thành công của mình. “Tôi cho rằng sáng tác cũng giống như nhiều tầng đặc quyền khác nhau - ông chia sẻ - Chẳng hạn, khi tôi vào học tại nhạc viện nổi danh [giấu tên], tôi đã trình diễn hay hơn, và sáng tác giỏi hơn. Nhưng ta buộc phải vào được một ngôi trường giỏi mới có thể sáng tác giỏi hơn”.
Kể cả những ai theo đuổi những nghề ổn định còn lại trong âm nhạc, như dạy nhạc tại trường công, cũng nói về sự khiếp sợ về tài chính trong đào tạo âm nhạc.
Một trong những đồng nghiệp cao học của tôi từng theo học giáo dục âm nhạc cho biết: “Khi dạy học viên, có một quy định không cho phép ta làm việc bên ngoài hay có bất cứ ràng buộc nào khác có thể xung đột với trường. Vậy thì ta phải trả tiền nhà bằng gì? Chẳng lẽ tôi phải sống trong một chiếc hộp cactông và cả học kỳ đó không trả tôi đồng học phí nào?”.
Cô giải thích rằng khi các giảng viên phát hiện cô đang trình diễn thêm bên ngoài để có thêm tiền trang trải chi phí cuộc sống, họ đe dọa tước bằng của cô.
Chút mỡ béo còn đọng
“Tôi có tin xấu cho mọi người. Rất ít các anh chị ở đây sẽ trở thành nhạc công chính thức toàn thời gian. Còn ít hơn nữa các anh chị sẽ được dàn nhạc giao hưởng tuyển dụng. Đây là lúc anh chị bắt đầu tìm cho mình con đường khác, của riêng mình, nếu muốn có một sự nghiệp thuộc về âm nhạc” - đó là những lời của giáo viên khởi nghiệp âm nhạc của tôi, một nghệ sĩ chơi saxo giàu thành ý, ở ngày đầu đứng lớp.
Các lớp khởi nghiệp âm nhạc đang ngày càng phổ biến ở các trường nhạc ngày nay, một trong vô số những phụ phẩm của nền văn hóa khởi nghiệp. Trong bài nghiên cứu “Chủ nghĩa tân tự do và khởi nghiệp âm nhạc”, nhà âm nhạc học Andrea Moore mô tả cách mà sự tự khởi nghiệp “mã hóa và bình thường hóa sự tăng trưởng lớn mạnh của tình trạng lao động tạm thời hoặc bất ổn ở mọi ngõ ngách của nền kinh tế Mỹ... [và] định giá sự khan hiếm của công ăn việc làm liên quan tới âm nhạc”.
Những hợp tấu mới như International Contemporary Ensemble, Alarm Will Sound và Signal Ensemble, hầu hết đều hoạt động dưới danh nghĩa phi lợi nhuận, đã được văn hóa nhạc cổ điển định vị là những lựa chọn thay thế khả thi, mặc dù trên thực tế, mỉa mai thay, hầu hết nhạc công ở đây lại phụ thuộc vào phức hợp công nghiệp phi lợi nhuận bao gồm quỹ, các nhà tài trợ và công tác quản trị nội bộ.
Nói cách khác, những rèn luyện phục vụ cho biểu diễn chuyên nghiệp của nhạc công đã chuyển từ ban đầu nhấn mạnh sự ổn định của mô hình cũ sang tiếp nhận sự linh hoạt của mô hình mới, từ sự thỏa hiệp giữa nhân công - quản lý thuộc về công đoàn sang những tình huống ở đó bất cứ ai cũng trở thành người làm công và đồng thời là quản lý.
Sự thu xếp này chỉ làm cố kết thêm sự thống trị của những thành phố lớn đắt đỏ, nơi những dàn nhạc lớn xưa kia từng ra đời. Và những gì xưa kia thuộc về phạm trù của liên đoàn lao động và người làm công nay đã trở thành vùng trời của freelancer và phi lợi nhuận, vốn lệ thuộc chẳng khác gì sự bảo hộ của kẻ giàu và quyền quý.
Đây chính là cách mà nghệ thuật hoạt động trong cơ chế tư bản chủ nghĩa, ở một nền văn hóa mà ở đó, sự từ chối bảo trợ tài chính từ nhà nước đưa tới một khoảng không lấp đầy chỉ bởi những kẻ bảo trợ giàu sụ và những công ty hút máu - chẳng khác gì ngày trước khi các nhà soạn nhạc và nhạc công từng lao động như kẻ hầu người hạ cho giới quý tộc.
Điều này cũng chẳng hề khuyến khích các dàn nhạc trình diễn thứ âm nhạc mới từ những tài năng mới. Tài chính chỉ khiến họ bám lấy Beethoven cho tới tận khi những nhà bảo trợ đáng tin cậy, già nua nhắm mắt lìa đời. Lẽ dĩ nhiên, những dàn nhạc này không có lý do gì để trả lương hợp lý cho nhạc công của mình bởi chúng được vận hành như những tổ chức vị lợi nhuận.
Nói ngắn gọn, nó giàu có là vì, như lời Robert Flanagan - người quyết toán sổ sách cho các dàn nhạc giao hưởng như lối thu/chi của một doanh nghiệp - lưu ý rằng: “Không một dàn nhạc nào trên thế giới có thể kiếm đủ tiền để trang trải chi phí vận hành; không dàn nhạc nào có thể tự mình kiếm sống được”.
Thanh thế của nhạc cổ điển đã phủ che rất nhiều những nhận thức không mấy dễ coi: các nhà quản lý nghệ thuật chính là những ông lớn ưa phá vỡ liên đoàn như ải như ai; những trường nhạc tư tốn hàng trăm ngàn đôla để theo học bởi một phần nào đó trường học nhận ra rằng họ có thể đòi hỏi mức học phí cao như thế và người ta vẫn cứ theo học - bất chấp tất cả, hoặc vì vẫn có một số lượng học viên đủ giàu có để chi trả số tiền này.
Và, đồng thời, học bổng âm nhạc bị cắt giảm do khan hiếm ngay từ đơn vị khoa, thù lao bị vứt bỏ, giảng viên thỉnh giảng được trả đồng lương chết đói mà không có thêm lợi lộc nào khác, trong khi những nhà quản lý thu về những chi phiếu ngày càng to hơn. Những kẻ còn lại phải hi sinh bản thân để chứng tỏ sự tận tụy, phải đi học toàn thời gian, phải lén lút kiếm tiền, và dạy học miễn phí cốt để có một tấm bằng.
Nếu ta không quy phục trước cái đấu trường giác đấu này, nơi chỉ có những kẻ giàu có và quen biết tứ phương mới được trang bị đủ đầy giáp và vũ khí, như tôi và như rất nhiều bạn bè của tôi, anh chị được cho là một kẻ thất bại, không chịu cố gắng. Trong lúc đó, ban nhạc lấp lánh long lanh vẫn tấu tới, làm đẹp cuộc sống những cô nàng guốc cao và những ông lớn giàu có.
Đúng, có lẽ tôi từng là một thất bại trong nhạc cổ điển, nhưng khi đồng nghiệp của tôi vác lê nhạc cụ của họ đến những buổi diễn thế chân từ dàn nhạc này tới dàn nhạc khác, không thể kiếm một công việc toàn thời gian, phải dạy dỗ học trò, phải cong lưng trả nợ học phí bằng đồng lương chết đói kiếm từ việc biểu diễn hay thỉnh giảng phụ đứng lớp, hay xếp hàng biểu tình đòi hỏi quyền lợi, điều tối thiểu tôi có thể làm chính là viết về toàn bộ những điều này.
(*): Nhà phê bình về kiến trúc và văn hóa sống tại Washington, DC.
Những tranh chấp về quyền lợi lao động trở nên xấu xí, trong đó bao gồm quãng thời gian 16 tháng đóng cửa gây áp lực của Dàn giao hưởng Minnesota kết thúc hồi năm 2014 và một cuộc đình công bất thành của Dàn giao hưởng Atlanta, các thành viên dàn nhạc buộc phải chấp nhận trao đổi một khoản tiền lương tăng chút đỉnh để giữ lại khoản bảo hiểm y tế kém hơn và những kỳ dàn nhạc giải lao dài hơn.
Có lẽ thất bại ê chề nhất xảy ra với Dàn giao hưởng Detroit, đình công sáu tháng vào năm 2011, cuối cùng cũng nhượng bộ trước số lương cắt giảm gần 1/4.
Những nỗ lực nhằm đa dạng hóa nhạc cổ điển, dẫu luôn là quan trọng trong một môi trường gần như thống trị bởi nam giới và người da trắng, lại khó lòng thay đổi được sự phân chia giai cấp rõ nét.
Liệu sự xuất hiện của tác phẩm của một nhà soạn nhạc nữ trong tiết mục trình diễn của một hợp tấu danh tiếng có thật sự tiến bộ hay không nếu như nhà soạn nhạc ấy xuất thân từ một gia đình quyền quý, có mối giao hảo thân hữu về mặt văn hóa nghệ thuật ở thành phố New York?
Nhận nhập học một nghệ sĩ hồ cầm da màu vào nhạc viện hay mời tham gia một festival liên hoan âm nhạc danh giá có tác dụng gì nếu anh hay chị ta không có khả năng tài chính để trút hầu bao tham dự?
Ảnh: “Kimchi’lia Bartolli”, nghệ danh hóm hỉnh của 
Justin Kangmin Kim, một giọng countertenor gốc Hàn 
vừa nhận vai Cherubino trong Đám cưới Figaro (Mozart) 
cho một giọng countertenor, lần đầu tiên trong lịch sử. 
Vai Cherubino xưa nay thường do một giọng nữ cao thể hiện. 
(Ảnh: Mark Douet/operavision.eu)
Một blog gần đây cho tờ New Music Box, với tên “Đã đến lúc để cho nhạc cổ điển chết” do Nebal Maysaud, một nhà soạn nhạc da màu, chấp bút, dựa trên hình ảnh một mối quan hệ bạo hành để mô tả cảm giác của một đại diện thiểu số trong nhạc cổ điển.
“Nhạc cổ điển Tây phương - Maysaud viết - lệ thuộc vào người da màu để duy trì dung diện của nó như một định chế hiện đại, cấp tiến để có thể tiếp tục trở nên vững mạnh. Khi kiểm soát về cơ chế thù lao tài chính cho các nhà soạn nhạc, tôi chỉ cảm thấy những cơ hội duy nhất để thiểu số chúng tôi thành công về tài chính đó là chơi trò chơi của các định chế kia”.
Một ví dụ điển hình: Năm 2018, Viện Peabody tự nêu danh mình là một cơ sở đào tạo đa dạng về chủng tộc nhưng đồng thời một thư tố cáo trên tờ Johns Hopkins Newsletter đã tiết lộ hành vi cực kỳ phân biệt chủng tộc của học viện đối với các sinh viên da đen, và những chiêu trò mà ban quản lý đã sử dụng để che đậy vụ việc.
Theo Maysaud, giải pháp duy nhất cho sự phân biệt chủng tộc và bóc lột mang tính hệ thống trong nhạc cổ điển chính là từ bỏ nó.
Kate Wagner
Du Lê lược dịch từ thebaffler.com
Theo https://cuoituan.tuoitre.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...