Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Thư viện của Người hát rong trên cõi tạm

Thư viện của 
Người hát rong trên cõi tạm
Tôi và vài người bạn xa nhau hơn 30 năm rồi một hôm gặp lại! Bỡ ngỡ nhìn nhau, tưởng như một sự tình cờ, nhưng ngẫm lại thì cuộc hội ngộ này đã  được sắp đặt bỡi một người đã khuất. Điều kỳ lạ là đối với người giờ đây đã thành thiên cổ, tất cả chúng tôi đều biết, nhưng chẳng mấy ai quen.
Không quen, chỉ biết, ấy thế mà với anh, chúng tôi đều có cảm giác là mang chung một món nợ. Một món nợ tinh thần. Bởi vì từ rất lâu anh đã nói hộ chúng tôi rất nhiều điều: Trong tình yêu anh nhắn nhủ những tự tình, trong cuộc sống anh bày tỏ những niềm đau, khắc khoải hay gửi gắm những ưu tư về thân phận con người, mà trong đó thế hệ chúng tôi đều sinh ra trong bom đạn, lớn lên trong chiến tranh rồi trưởng thành trong chia lìa, mất mát.
Là chứng nhân nhưng chúng tôi chỉ  lặng lẽ đi qua cuộc đời hay chịu đựng trong câm lặng.
Và anh, anh đã nói những nỗi niềm cho tất cả chúng tôi, nói bằng một thứ âm thanh và ngôn ngữ mà khi ngân lên, như len lỏi vào máu thịt, đi thẳng vào trái tim và làm rung động đến những phần sâu thẳm nhất.
Những ca từ của anh đã chạm đến đáy lòng của lớp thanh niên triền miên sống trong âu lo, phập phòng trước cuộc chiến đang làm rách nát quê hương và dày xéo lên lương tâm những người yêu chuộng hoà bình.
Người ấy Trịnh Công Sơn.
Nhưng Trịnh Công Sơn, Anh là ai?
Tôi đã nghe anh tự nói về mình: “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này đã hát lên linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo” hoặc  lắng nghe một trí thức lỗi lạc từ miền bắc, sau 1975, đã phải thốt lên: “Cái  anh Trịnh Công Sơn này lạ thật, anh ta muốn ôm hết những mâu thuẩn  và khát vọng vào mình.”
Đối với anh Sơn, ca khúc là “đời sống thứ hai, sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành” (phác thảo chân dung tôi, TCS, 1987) và anh đã diễn đạt lòng mình qua giai điệu.
Hơn 30 năm nhiều người đã hát, đã say mê giai điệu của ca khúc da vàng và tôi tin là thời gian sẽ kéo dài, vì những nốt nhạc đẫm nỗi buồn thân phận kia sẽ còn ngân nữa và làm cho nhiều trái tim thổn thức.
Dù, một ngày đầu tháng tư của hai năm trước người hát rong  về tình yêu kia đã không còn nữa. Anh đã rời cõi tạm này, để lại một gia tài ca khúc thật đồ sộ, nhưng có lẽ cái cao quý nhất vẫn là tấm lòng thiết tha của anh đối với cuộc đời.
Và hôm nay những ca từ của anh đang ngân vang và vẫy gọi  anh em chúng tôi tìm đến nhau và đến với anh, hội ngộ trong một đêm văn nghệ tại một thành phố đầy thơ mộng trên đất Ý.
Buổi sinh hoạt này do Quỹ Tương Trợ Người Việt tại Italia tổ chức (31-5-2003) theo lời mời của chị  Sandra Scagliotti, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam (CSV - Torino) nhằm gây quỹ và đóng góp cho việc thành lập thư viện  Trịnh công Sơn tại Italia.
Đến Ý từ những năm đầu của thập kỷ 70, sau một khóa học tiếng Ý ngắn hạn tại trường Đại học cho người ngoại quốc ở Perugia, chúng tôi phân tán, phần lớn theo học ở những phân khoa kỹ thuật nằm ở miền Bắc Ý. Tuy vậy cũng có một số  ở lại miền trung Ý. Và tuy củng ở trên một đất nước không lớn lắm nhưng có một vài người  từ bấy đến nay chưa một lần gặp lại.
Ba mươi năm, lúc quen nhau tóc hãy còn xanh, giờ gặp lại tóc đã nhuốm màu sương tuyết. Thời gian, nói theo ngôn ngữ Trịnh Công Sơn, mỗi năm trôi qua là mỗi lần mang đi những giấc mơ của tuổi thanh xuân, mang theo một thời hoang tưởng, của những cuộc rong chơi, không quan tâm về nơi đến chốn về.
Thính phòng đang nhốn nháo bỗng im bặt, một người Âu từ phía sau hậu trường bước ra, trịnh trọng rót rượu rồi nâng ly cao lên  khỏi đầu. Chén rượu vàng sóng sánh trong ly, bàn tay anh run run va giọng nói cũng run theo xúc cảm: “Anh Sơn ơi, em mời rượu Anh đây.” Lời vừa dứt anh ngửa cổ uống cạn một hơi. Nghe tiếng khà... của anh mà bỗng dưng tôi thấy mùi nồng cay, như dâng lên trong lòng mình một nỗi bồi hồi.
Người Âu đó chính là Frank Gerke, giáo sư ngôn ngữ học Châu Á tại đại học Bonn (Đức) và cũng là người em kết nghĩa của Trịnh Công Sơn, anh lấy họ Trịnh và tên Việt là  Trịnh Công Long.
Trước mắt anh là màn bạc, trên đó có hình Trịnh Công Sơn đội nón kết, mang kiếng trắng với cái nhìn đăm chiêu hướng về  hàng chữ: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.
Sau  lời giới thiệu bằng tiếng Việt thật chuẩn của Trịnh Công Long, các ca khúc lừng danh của Trịnh như “Hãy yêu nhau đi”, “Diễm xưa”, “Biển nhớ” đã được hát lên. Có người bạn cứ ấn tượng mãi về lời chia tay trong tiếng hát Thái Hòa: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về” vì quê hương luôn dang rộng vòng tay đón những người con, người bạn trở về. Trở về để “Nối vòng tay lớn” để “Dựng tình người trong ngày mới”.
Sau “Nối vòng tay lớn”, những bài hát phản chiến “Người con gái Việt Nam da vàng” “Tôi có người yêu” đã được cất lên. Tiếng hát như bày ra sự toang hoác trần truồng của chiến tranh, cùng với tâm trạng hụt hẫng của tuổi trẻ trước bi kịch đất nước mà anh đã đớn đau nhận lãnh rồi biến hoá thành nghệ thuật. Anh đã hát cho Việt Nam mà cũng nói hộ cho nhân lọai nỗi tuyệt vọng của cuộc nhân sinh, sự phẫn nộ của chiến tranh,  và lòng khao khát hòa bình.
Anh đã từng nói về người Việt: “Mỗi con người Việt Nam đều sống cùng một lúc hai thân phận.Thân phận chiến tranh và cái thân phận bình thường của nhân loại, nó như một loài lạc đà hai bướu gánh nặng một hành trang  quá tải qua cuộc sống này.”
Trong một trang nhật ký của mình, một chiến sĩ giải phóng đã viết từ  bên kia chiến tuyến lần đầu nghe hát bài nối vòng tay lớn: “Bài ca có tác động làm chùng tay súng, một ngày, một giờ mà sinh mệnh hàng triệu con người nằm trên đường tơ kẽ tóc. Mặt đất bao la...anh em ta về... gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng... Lời ca không phải là tiếng thách thức tử thủ, không phải là tiếng bể máu như kết cục thường có của chiến cuộc, mà lời ca khi ấy làm chùng xuống không khí thù hận và hằn học.”
Hơn hai mươi lăm năm chiến tranh Việt Nam đã kết thúc, và sự tàn khốc của nó vẫn còn là một vết thương chưa khép miệng trên lương tâm nhân loại.
Và lịch sử đã dạy cho chúng ta điều gì?
Nếu con người có thể rút ra được những bài học thì tại sao cứ mỗi thời kỳ, thế giới lại tiếp tục tái phạm những sai lầm và thực hiện những tội ác phi nhân? Vừa dứt chiến tranh, bức tường Bá Linh đổ xuống, ai cũng hy vọng là con người trưởng thành thêm một chút, sợ hãi hơn, chín chắn hay nhân ái hơn, nào ngờ cuộc chiến Yugoslavie, Afghanistan, Iraq, Đông Timor lại bùng nổ. Người ta khủng bố, giết nhau vì dầu lửa, vì quyền lợi phe nhóm và tàn sát như thuở còn man di mọi rợ.
Trong ánh sáng của toàn cầu hoá, đang san bằng văn hoá và tất cả  mọi giá trị, những thành phố xa lạ... cách nhau hàng nghìn km, bỗng trở nên giống nhau vì tất cả đều đã biến thành đống gạch vụn;  Những con người đủ mọi màu da, tập quán, kinh nghiệm sống và ước mơ khác biệt... bỗng chốc giống nhau, không phân biệt được vì  thân xác đã biến thành những mảng da thịt thiêu cháy, thân thể tách rời...
Chúng ta đã học được gì từ những tan hoang? Đổ nát? Hay chỉ nhìn thấy máu chưa kịp khô đã liền đổ nữa?
Và bởi con người trì trệ, trơ trơ... nên những ca khúc, văn chương phản chiến cần phải có để làm cho chúng ta thức tỉnh và đưa tâm hồn chúng ta có thêm hy vọng và cuộc đời có thêm ánh sáng. Bởi cái đích của văn nghệ là nhắm đến Chân Thiện Mỹ cần phải vươn tới, dù có thể ngã gục giữa đường.
Ngã gục vì dường như con người càng thông minh thì càng gian ác, bạo tàn. Trí thông minh mà thiếu lòng nhân ái thì chỉ mang đến huỷ diệt.
Sau cuộc thay đổi của đất nước, Trịnh Công Sơn đã ở lại. Tất cả những hứa hẹn, những mời mọc ân cần từ các nơi trên thế giới, Nhật, Canada, Hoa kỳ... anh đều từ chối và chấp nhận gắn bó với quê hương mà anh đã sinh thành và lớn lên, dù có khi chính quê hương ấy đã  gây cho anh nhiều hệ luỵ và đớn đau, mất mát.
Và chính sự ở lại này đã mang lại cho anh nhiều tiếng khen chê. Trước những bình phẩm ấy, anh chỉ yên lặng, hoặc vỏn vẹn trả lời bằng hai chữ “thôi kệ” như mỗi khi có ai lừa gạt hay làm anh phật ý. Thái độ sống của anh, ngoài bản chất nhân ái hiếu hoà, còn đứng trên mọi khôn dại toan tính đời thường.
Trịnh Công Sơn đã được người yêu và bị người ghét. Nhưng dù muốn dù không, một vị trí đặc biệt trong trái tim của họ đã bị anh chiếm  giữ, bởi ca từ của anh, bằng cách này cách nọ đã thấm sâu vào cái mầm thiện trong lòng họ. Vì thế, kẻ chống, người theo, khi riêng mình vẫn nghe  hay hát nhạc Trịnh.
Chính điều này đã minh  chứng là ca khúc của anh đã vượt lên trên lòng thù hận.
Trong tiếng hát âm vang của các bạn  đến từ khắp nơi trên nước Ý, có người lặn lội từ Thụy Sĩ,  Pháp, Đức  hay từ tận Canada xa xôi... tôi nhìn khắp khán phòng. Tôi cố ghi lại trong  trí những khuôn mặt của họ và đối chiếu với ngày vừa đặt chấn đến sân bay Fimumicino bao nhiêu năm truớc.
Bước đi của thời gian vô hình hơn 30 năm qua cũng dễ dàng thấy được, qua những sợi tóc trắng đã chiếm đa số  trên mái đầu của bạn bè, đây là những đổi thay không bao giờ trở lại.
Năm tháng đã trôi đi, bao nhiêu dòng nước đã chảy dưới cầu, trên đó dấu chân tình yêu đã đi qua cùng những khắc khoải của chiến tranh. Những đứa bé ngày xưa giờ trở nên chững chạc. Những thiếu nữ ngày nào đã trở thành thiếu phụ và những nấm mộ bây giờ cỏ đã xanh xao... tất cả bốn thế hệ đã và đang hát những bản tình ca của Trịnh Công Sơn; Còn những bài ca chống chiến tranh, đó đây vẫn vang lên những tiếng ngân căm phẫn và tuyệt vọng vì thế giới đã chứng minh là chiến tranh không bao giờ chấm dứt.
Cảm ơn chị Sandra mà thư viện Trịnh Công Sơn đã được ra đời. Đây cũng là lần đầu tiên tài sản âm nhạc của một nhạc sĩ Việt Nam được lưu giữ tại một thư viện riêng mang tên chính mình. Nhân dịp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được trao tặng Giải thưởng Âm nhạc Hòa bình Thế giới,
Trương Văn Dân
Thành viên sáng lập QTT người Việt tại Italia
30/5/2003
Bài viết nhân ngày giỗ năm thứ hai Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn  do Quỹ Tương Trợ Người Việt tại Italia tổ chức hai buổi sinh hoạt văn nghệ, ngày 29-05-2003 tại Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam (CSV-Centro di studi vietnamiti - TORINO) và ngày 31-05-2003 tại Cavaion Veronese, thuộc thành phố Verona, nơi phát xuất chuyện tình lãng mạn của Romeo và Giulietta.
Buổi họp mặt có sự tham gia đóng góp, cộng tác của chị Sandra  Scagliotti người đã sáng lập Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam, (CSV) các bạn Việt kiều vùng Torino, Brescia, Bergamo, Verona, Mantova và các bạn Việt Nam sinh sống tại Pháp (Lyon, Paris), ca sĩ Thái Hoà đến từ Canada và anh bạn người Đức Frank Gerke
Ý tưởng thành lập thư viện Trịnh Công Sơn là của chị Sandra Scagliotti  và được những anh em trong Quỹ tương trợ người Việt tại Ý hết lòng hổ trợ.
Thư viện Trịnh Công Sơn tại Ý sẽ phối hợp chặt chẽ cùng gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, các bè bạn tại Việt Nam, các hội đoàn và tổ chức văn hóa yêu mến Trịnh Công Sơn ở các nước để thực hiện việc lưu trữ, dịch thuật, phân loại, đánh giá về gia tài âm nhạc và con người của Trịnh Công Sơn, phục vụ công chúng và giới sinh viên, các nhà nghiên cứu ở nước ngoài.
Thư viện Trịnh Công Sơn là một phần của Trung tâm văn hóa Việt - Ý do chị Sandra Scaglotti, làm Giám đốc. Hiện nay Trung tâm đã có một thư viện Việt Nam với khoảng 5000 cuốn sách viết về Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, chủ yếu do cá nhân chị Sandra và bạn bè sưu tập từ suốt mấy mươi năm qua.
QTTL Quỹ tương trợ người Việt tại Ý) Là tổ chức của người Việt tại Italia, được thành lập (2002) bởi sự gợi ý của 6 sáng lập viên  nhằm qui tụ người Việt định cư tại Ý với mục đích hướng về quê hương. Hoạt động chủ yếu trong 3 lãnh vực: Từ thiện, văn hóa, xã hội.
Tính đến 2010 thì QTT đã cấp khoảng 1000 học bỗng cho các học sinh, sinh viên nghèo ở Việt Nam, đã xây dựng lại trường Tây Thuận (Tây Sơn, Bình Định) bị đổ nát vì bão lũ và  đóng góp hơn 300 triệu đồng cho các công tác từ thiện khác (cứu trợ bão lụt, giúp trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật...)
Huỳnh Kim Bửu và Tiếng hạc bay trên dòng sông Côn
Giữa khu vườn thơ văn bề bộn, hoa và lá đua chen, hai quyển sách của Huỳnh Kim Bửu xuất hiện với một phong cách đặc thù, một giọng nói riêng đã vẽ lên một tâm cảnh rất khác.
Thoạt nhìn, tôi chú ý ngay đến tựa của hai tập sách: “Nơi con Sông côn chảy qua” [1] và “Trong như tiếng hạc bay qua” [2] - cả hai đều có một chữ qua - Có thể đó chỉ là một tình cờ, có lẽ không phải là dụng công của tác giả, nhưng tôi thấy thật thú vị vì hai chữ qua đó đều nói về quá khứ, về một thời đã mất...
Thật thế, nhẩn nha đọc khi còn ở Milano (Ý ) những trang viết của Huỳnh Kim Bửu đã đưa tôi về hồi ức, lội ngược thời gian…
... Gần bốn mươi năm sống ở nước ngoài, khi bước vào những trang sách của ông tôi như bất ngờ trở lại quê mình. Tôi như vừa nhìn thấy một bụi chuối sau vườn, chợt bắt gặp một ánh trăng soi trên đỉnh tháp hay có khi nghe tiếng gà gáy sáng… rồi có lúc lại tưởng như mình đang dạo bước giữa không gian thoang thoảng hương sen, thần trí mơ hồ, không biết từ đâu vừa vẳng lên một tiếng chuông chùa.
Chuông dội lại trong lòng, không lớn lắm, nhưng ngấm sâu và đánh thức những kỷ niệm tuổi thơ. Như ngọn đèn mờ bỗng dưng loé sáng. Những áp lực của cuộc sống trời Tây dường như không còn nữa. Những bon chen, phù phiếm bay đi đâu hết. Trong tôi chỉ còn nghe một thứ rung cảm kỳ bí. Tình quê.
Lật tiếp những trang sách, tôi thấy nhiều những đoạn văn hay, những chi tiết thật thú vị bất ngờ về cuộc sống của một thời quá vãng ngay trên chính quê hương mìmh mà tôi còn chưa biết... Những cô gái mài vỏ ốc cẩn xà cừ, bôi một thứ phẩm xanh để ngừa nước ăn da nên ra đường phải giấu hai tay trong nếp áo. Hay ông lão kỳ lạ, câu cá chỉ vì phải ăn để sống, chứ bữa nào dùng không hết thì ông lại đem ra bến để trả cá về với sông. Huỳnh Kim Bửu cảm nhận thời tiết qua phẩm vật mùa màng, dựa vào cây trái và hoa lá để minh chứng là Bình Định quê ông cũng có đầy đủ bốn mùa chứ không phải chỉ hai mùa mưa nắng. Mùa Xuân: chuối, bưởi cam; hoa mai, hồng, vạn thọ. Mùa Hè: xoài, mít; hoa phượng, sen đầm; Mùa Thu: mận, nhãn lồng; hoa cúc. Rồi Mùa Đông: lại quay về với chuối; còn các thứ hoa thì vàng úa, tàn tạ, chỉ còn hoa giấy phất phơ trong cảnh gió mưa...
Nhẩn nhơ dạo chơi theo từng trang sách tôi không khỏi có cảm giác như đang ngồi bên chiếc võng nghe ông đong đưa kể chuyện, rồi khi buông xuống, chợt thẫn thờ vì cảnh và người trong chuyện đã vời vợi xa, không còn nữa. Lòng vời vợi buồn vì những chuyện đổi thay hình như không theo lẽ tự nhiên, kiểu làn sóng sau thay làn sóng trước... mà cảnh cũ mất đi vì những áp đặt của con người. Thời buổi “toàn cầu”, lòng tham cũng theo đó được toàn cầu hóa, ai nấy sục sôi chạy đua làm giàu bằng mọi giá, kỹ thuật được vận dụng tối đa, tài nguyên được khai thác tận lực…Cảnh quan tươi đẹp của đất nước, của các vùng quê thanh bình ngày càng bị xé nát, thay vào đó là sự hỗn độn, khô cứng đến vô hồn, cuộc sống trở nên vật vờ và giả tạo.
Giọng kể của ông đều đều, như không quan tâm đến việc đổi mới câu chữ. Ông viết như trải lòng, tâm tình với người đọc trong một đối thoại thầm lặng mà không kém phần sôi nổi.
Giọng điệu ấy thật khác với rừng rừng chữ nghĩa, chạy theo bút pháp này, trường phái kia, từng làm tôi hoa mắt trước nhiều quyển sách “lạ”, tin theo những lời giới thiệu có cánh, những bài phê bình ngoại giao, phe nhóm rồi mua về, đọc đi đọc lại mà không biết tác giả muốn nói gì. Ở đây, trong hai quyển sách của Huỳnh Kim Bửu, tôi gặp lại những áng văn bình dị, không cầu kỳ hay xun xoe chữ nghĩa… nhưng những câu chữ như có mang chút ánh sáng lấp lánh, soi chiếu những miền ký ức, gợi nhớ những kỷ niệm tưởng đã quên lâu và chìm khuất sau lớp bụi dày của thời gian.
Rõ ràng cách tân gì thì cách tân, văn học không thể chỉ chạy theo bút pháp mới lạ, nhưng nghèo ý tưởng, duy lý đến khô cứng, rời bỏ cảm xúc, thiếu đi nỗi lòng của con người khi nhìn thế sự đổi thay.
Thực ra trước đây tôi cũng đã từng đọc những bài viết riêng lẻ của ông, thế nhưng giờ đọc lại một mạch trong toàn tập, cái nhìn tổng thể càng tô đậm trong tôi một cảm giác man mác buồn, man mác nhớ về một thời quá vãng, không chỉ là tâm lý hoài cổ, mà còn là nỗi băn khoăn về những giá trị của một thời cần phải được lưu giữ nay đã không còn. Đọc tạp văn mà cảm giác như mình đang đọc cổ thi, đang thả bước lang thang, dạo quanh khu thành quách hoang phế của những trường thành Bình Định, nơi đã từng là vùng đất thiêng của hai vương triều [3].
Ngôn ngữ của HKB giản dị, trong sáng, dùng nhiều từ địa phương mộc mạc, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, pha trộn với nhiều từ ngữ và hình ảnh cổ điển của Đường thi khiến văn ông vừa gần gũi dễ đọc vừa có chút chiêm nghiệm, chất triết lý nhân sinh nhẹ nhàng khiến ta phải suy nghĩ. Điều này cũng không lạ, nếu biết ông đã qua tuổi thất thập. Những vầng dương, nhật nguyệt, bóng hạc, tà dương, hưng phế... trở đi trở lại nhiều lần... tạo không khí hoài cổ của người có tuổi thường ngoái lại đằng sau hơn là nhìn về phía trước.
Hãy nhìn qua mắt ông: “Không còn những ngọn khói lam chiều toả lên từ những mái tranh, không còn những ngả ba sông mênh mông bát ngát với những đò chiều tấp nập vì dòng sông mỗi ngày mỗi cạn..” (Kỷ niệm chiều). Hay cảm theo ông giữa lúc hai màu vàng đen của bầu trời sắp hoà nhập, trộn lẫn vào nhau khi chiều muộn:
“Chiều sẫm tối, có chàng trai trẻ bách bộ trên đường phố, hồn trí bâng khuâng với cảnh trời chiều, bỗng nghe một làn hương sực nức từ đâu đưa lại: mùi dạ hương sớm tỏa...”(Chiều)
Câu chữ giản dị nhưng không kém phần bóng bẩy. Bằng những con chữ đơn giản nhưng ông diễn tả được những điều tinh tế có sức lay động lòng người.
Trong hai quyển sách có không ít những đoạn làm người đọc lâng lâng: “Người đứng trên cầu Phụ Ngọc nhìn ra xung quanh thấy mặt trời đang lặn trên ngã ba sông; những hôm có ráng chiều màu nước sông Côn nhuộm màu ráng đỏ, rồi cái màu ráng đỏ cùng sông mà trôi đi biền biệt...”
“Mỗi sáng sớm, chủ nhà thức dậy, đun ấm nước rồi ra trước hiên lai, hái vài hoa hồng tường vi nở trong đêm. Cho trà búp Đài Loan, cho hoa vào bình, rót nước sôi vào hãm giây lát là có được một bình trà ngon hảo hạng. Bưng kỷ trà toả hương đặt trên chõng, ngồi ngó ra sân còn đặc sương mai, uống trà với tâm thế người chào đón buổi bình minh.”(Chõng tre)
Thế nhưng những trang văn của ông không chỉ có cái nhìn hoài cổ. Có lúc ông cũng dí dỏm, đang nói về chuyện “nhập tâm mắm” rồi bỗng ví von, khen con gái có cái “duyên mặn mà.” Cái  vị mặn của mắm tương hoà với  nét đẹp mặn mà của cô gái quê chân chất, hiền hoà, sống rất thực, trọn đời hy sinh vì chồng con, gắn đời mình vào cuộc hôn nhân bền bĩ, thách đố thời gian. Ông quan sát tinh tế đến từng chân tơ kẽ tóc về những điều thường hằng hiện ra trước mắt mà với ta không lưu giữ chút gì trong trí nhớ. Hãy nghe ông tả cô gái bán  bánh mì trên đường Tăng Bạt Hổ, Quy Nhơn: “Tay cô con gái thon búp măng, đeo nhẫn, cầm con dao Thái Lan thái chả, thái thịt thái rau, rồi cũng bàn tay ấy rạch ổ bánh mì, kẹp thịt chả, kẹp dưa leo, cọng hành ngò xanh, lát ớt cay màu đỏ tươi, xịt nước tương vào ổ bánh, rồi đặt ổ bánh vào tờ giấy, cuộn lại, trao bằng hai tay hai mắt cho người khách đang vui vẻ đợi. Tất cả các động tác của cô bán hàng đều rất thành thạo, rất lịch sự, nhịp nhàng, khiến tôi nghĩ đến điều: cô ta đang làm theo một điệu nhạc rất du dương trong lòng mình”. (Ổ bánh mì nóng giòn).
Chao ôi! Phải có một tấm lòng yêu thương cuộc sống và con người biết bao mới khiến ông có thể trải lên giấy những trang văn đẹp đẽ và thiết tha đến thế về con người, về những công việc hết sức bình thường.
Trên những trang sách của HKB người ta còn bắt gặp mùi và vị quê hương. Kinh nghiệm khứu giác thật mạnh khiến người đọc có cảm giác như đang cùng ông cắn chiếc bánh, rồi hồi ức và tình cảm được gợi lại giúp ta “đi tìm thời gian đánh mất” như Marcel Proust “nhìn thấy” bầu trời thơ ấu của mình. Ta gặp đủ thứ, từ vị thiền trà trong sương sớm, vị mắm cua đồng đến mùi bùn đất, mùi mồ hôi của những bác nông phu, mùi hăng hăng rơm rạ đến mùi khói đốt đồng, mùi gió biển quanh năm tanh tanh mặn mặn.
Người lưu giữ và qua từng ấy thời gian có thể dễ dàng truyền lại một cách tươi nguyên những mùi vị đó chắc hẳn phải là người có cảm xúc dạt dào và mang trong lòng một tình yêu quê hương nồng thắm.
Có lẽ vì thế mà sau khi đọc Nơi con sông Côn chảy qua, một bạn văn của tôi đã không đắn đo gọi HKB là một Sơn Nam của Bình Định?
Cũng như bạn, đọc HKB, tôi có cảm giác là tình yêu quê hương Bình Định của ông, vác trên vai 70 năm qua, như một phần xương thịt của chính mình. Những vùng đất, những con người, tập tục, những màu sắc và mùi vị của những đồ vật sắp sửa biến đi... ông câm lặng nhìn, câm lặng nghe rồi đêm đêm, câm lặng chong đèn viết lên tiếng kêu luyến tiếc cho chính mình nghe. Tiếng kêu ấy bây giờ vọng lại, từ trang giấy chuyển tải đến chúng ta, đi tìm người đồng cảm.
Tôi tin có rất nhiều người đồng cảm với ông dù họ ở đâu trên thế giới này, miễn họ là người Việt. Và tôi hẳn nhiên là một trong số ấy.
Người ta nói và đã nói rất nhiều về một thời vang bóng, nhắc đến những cuộc phế hưng qua thời gian, qua bao năm chiến tranh và giờ đây đau buồn nhìn thấy nền văn hoá đang tụt dốc. Thế nhưng đọc tản văn của HKB, tôi vẫn cảm thấy có cái gì khác, sâu thẳm hơn, tê tái hơn, ngậm ngùi hơn những gì tôi đã thường nghe, thường đọc. Có lẽ sự mộc mạc, ngôn ngữ không chút gì cầu kỳ, bí hiểm và đượm mối nhân tình ấy đã làm mới cảm xúc trong lòng chăng?
Theo dòng sông Côn, những trang viết lặng lẽ của HKB đưa người đọc trở về chốn yên bình của một thời. “Mấy mươi năm rồi, tôi còn nhớ như in hình bóng lão Thận ngồi câu quẹt ở gần bến sông… Bữa nào cá nhiều, ăn không hết, chiều xẩm ông đem ra bến sông thả xuống gọi là “phóng sanh”, để rồi sáng hôm sau lại ra bến sông câu lại từng con một trong cảnh chim trời cá nước. Tôi nhớ ông như nhớ một con người kỳ lạ, có lòng từ tâm, còn chuyện đi câu chẳng qua là vì miếng ăn của ông bị thiếu…” (Những con sông quê ơi!)
Một bạn văn khác của tôi, khi đọc hai tập tản văn, bút ký nhận định HKB là một nhà văn chuyên về Bình Định học... Rất đúng, vì qua những trang văn ông đã lưu giữ cái hồn cốt tinh túy của tập tục, đời sống, con người và thiên nhiên của vùng đất quê mình. Nhưng tôi thấy một danh xưng như thế vô hình chung đã “khoanh vùng” văn hóa và không nói lên được tính khái quát về những trang viết của ông. Đúng là ông viết về Bình Định nhưng những hình ảnh mà ông vẽ lên, ghi lại... người đọc không khó khăn nhìn thấy rải rác trên khắp mọi miền đất nước.
Vì vậy, tôi thích gọi HKB là nhà văn Việt Nam, không chỉ viết riêng cho Bình Định; dù cả đời mình HKB ít có dịp đi xa, “nhích” đến những vùng đất lạ. Cả đời mình hầu như ông chỉ quanh quẩn “Nơi con sông Côn chảy qua”, hoàn cảnh cá nhân buộc ông phải thuỷ chung sống chết với vùng đất ấy; mà vùng đất ấy cũng chính là đất thiêng, đất của nghĩa khí Tây Sơn “áo vải cờ đào”… Ông yêu người dân “thàng hậu” quê ông tha thiết, tình yêu đó tan chảy vào máu thịt đến độ khả kiến mà bất kỳ ai, là con dân “Xứ Nẫu” hay không, đọc ông viết về những gì đã qua hơn nửa thế kỷ cũng đều dễ dàng nhận thấy phong cách và lòng yêu đó.
Đề tài trong hai tập sách của HKB thật đa dạng và phong phú. Tôi không biết là để chắt chiu nhặt nhạnh từng hình ảnh, từng chi tiết và kỷ niệm để tập hợp lại rồi “bắt nó nằm lại” trên những trang giấy… ông đã làm việc cần mẫn bao nhiêu năm nhưng tôi tin chắc là ông đã chẳng hoài công. Ông đã níu giữ được một thời. Bằng những rung động chân thành, cảm nhận sâu sắc và chắt lọc chi tiết, gọt dũa qua ngôn ngữ nghệ thuật theo cách của mình, ông đã để lại những trang văn gợi cảm, có sức lan toả và tạo những dư ba trong tâm hồn người đọc.
Xã hội hôm nay có quá nhiều sản phẩm, kể cả văn chương, để người tiêu dùng ăn ngấu nghiến, ăn vô tội vạ và rồi nhanh chóng vứt bỏ như xóa “1 file” trong bộ nhớ. Những kẻ háo danh chỉ muốn làm điều lập dị, cố gây đình đám... để mau nổi tiếng, mấy ai bỏ thời gian để viết những điều chẳng mấy “thời thượng” này. Vì thế tôi nghĩ sự xuất hiện của những quyển sách quý, giúp ta lưu giữ những kỷ niệm và giá trị truyền thống, rất đáng nghiêng mình kính trọng.
Vì không ai hình dung được một xã hội sắp đến sẽ quái gỡ ra sao nếu chỉ toàn những người làm kinh tế lừa đảo, chộp giật, mánh mung hay những người cầm bút viết lên những trang văn vô cảm, nhạt nhẽo, không hề quan tâm đến người đọc. Hay chỉ quan tâm đến những tin lộ hoàng, khoe thân xác... để kích động lòng tham muốn thấp hèn. Khơi dậy bản năng xấu nhất. Để đánh thức phần CON, bóp chết phần người...
Nếu văn chương là tiếng nói của cảm xúc, là bày tỏ thái độ trước những vấn đề trong cuộc sống, là sự giải bày nội tâm để tìm kiếm những đồng cảm tri âm của người đọc... thì tôi nghĩ là HKB đã thành công trong cuộc tìm kiếm đó.
Chú thích:
[1] (Nhà xuất bản trẻ - 2009)
[2] (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2011)
[3] Thế kỷ X là thành Đồ Bàn, kinh đô  Chiêm Thành, sau đổi tên là thành Hoàng Đế, đế kinh của vua Thái Đức, Nguyễn Nhạc, triều Tây Sơn.
Trương Văn Dân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...