Thi nghiệp Hàn Mặc Tử có thể chia làm hai thời kỳ: Trước và
sau khi căn bệnh nan y bắt đầu tác hại nặng nề, để lại dấu vết trong thơ Ông.
Thời điểm phân chia hình như là lúc nào đó trong năm 1936. Sau đây chúng tôi
trình bày chút cảm nghĩ về thơ Hàn Mặc Tử thời kỳ thứ hai.
Hàn Mặc Tử có làm một số thơ tôn giáo, in vào tập Xuân Như Ý.
Hoài Thanh nhận xét: “Hình như trong các thi phẩm xưa nay có tính cách tôn giáo
không có gì giống như vậy. Hàn Mặc Tử đã dựng riêng một ngôi đền để thờ Chúa”.
Vào đền, ông thấy có “đầy dẫy những kinh cầu nguyện, những hương đức hạnh, hoa
phẩm tiết, nhạc thiêng liêng, cùng ánh trăng, ánh thơ. Nhất là ánh thơ” (1).
Trong cái kiến trúc dựng riêng ấy, trước Chúa và Đức Mẹ, người dựng có một
phong cách thờ phụng cũng rất riêng. Con chiên điển hình vào nhà thờ thì tay
chân khép nép, miệng khe khẽ thốt lời, nhưng Hàn Mặc Tử lại vung múa dữ dội:
“Và trong tay nắm một nạm hào quang…”, la hét om sòm: “Hỡi Sứ thần Thiên chúa
Gabriel/ (…)/ Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?/ Người có nghe náo động cả
muôn trời?/ Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời?”, rồi khăng khăng chất vấn:
“Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!/ Thơ tôi bay suốt một đời
chưa thấu/ Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu/ Trên triều thiên ngời chói vạn
hào quang?”!
Thơ tôn giáo của Hàn Mặc Tử có giá trị thế nào?
Thơ tôn giáo của Hàn Mặc Tử có giá trị thế nào?
Một người bạn thân của Hàn Mặc Tử là Yến Lan đắn đo rồi phát
biểu: “Anh là một con chiên ngoan đạo. Tuy nhiên, chất Ðạo (…) trong thơ Anh đã
bị chất Ðời (…) lấn áp (…) Suy cho cùng, thơ về Chúa, về Ðức Mẹ (…) của Hàn Mặc
Tử (…) khó (…) thâm nhập vào tâm hồn người đọc có tín ngưỡng hay không có tín
ngưỡng” (2).
Chúng tôi thấy lời này xác đáng. Cái không vào sâu được lòng
mình, làm sao đánh giá nó đây? Hình như chỉ nên trầm trồ rằng huy hoàng, chói lọi
ghê, rồi thôi.
Bây giờ ta bước qua khu vực “thơ trăng”. “Trăng”, không phải “nguyệt”.
Khá lâu sau khi Hàn Mặc Tử bắt đầu sáng tác, trong thơ ông
cái vệ tinh lớn của quả đất vẫn mang tên “nguyệt”: “Bóng nguyệt leo song sờ sẫm
gối” (“Thức khuya”), “Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới
đáy khe” (“Bẽn lẽn”)… Hình như mãi đến Gái quê (1936) nó mới mang thêm tên
“trăng”: “Trăng nằm sóng soải trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi” (“Bẽn
lẽn”). Dù “nguyệt” hay “trăng”, bất kể hớ hênh tới đâu, lả lơi tới mức nào, nó
vẫn hoàn toàn thuộc vào hiện thực, y như trong vô số thơ Á Đông.
Không hiểu tại sao, sau khi bất hạnh ló dạng, vẫn chính là nó
mà từ đây cái vầng khi đầy khi khuyết đêm đêm tự treo trên bầu trời ấy lại luôn
được gọi bằng cái tên dân gian Việt Nam. Và nó trở nên siêu thực.
Thơ trăng Hàn Mặc Tử có thể chia ra làm hai loại. Loại thứ nhất
gồm những bài có nội dung siêu thực kinh dị và không lãng mạn chút nào. Loại thứ
hai gồm những bài nội dung cơ bản là lãng mạn, với những nét siêu thực tuy cũng
rất lạ lùng nhưng không “kinh”.
Về loại thơ trăng thứ nhất, xin nói ngay rằng chúng tôi sẽ
không cố gắng “giải mã”. Việc ấy thiết tưởng có lẽ nên nhường cho những chuyên
gia về y khoa. Nhưng tuy không hiểu gì cả, chúng tôi tin rằng cảm xúc của thi
sĩ là hoàn toàn chân thành và sự thể hiện cảm xúc thành thơ trong một số bài là
có giá trị nhất định. Xin dẫn vài bài:
“Hồn là ai? Là ai? Tôi chẳng biết/ Hồn theo tôi như muốn cợt
tôi chơi/ Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười/ Hồn vội mớm cho tôi bao ánh
sáng…/ Tôi chết giả và no nê vô hạn/ Cười như điên, sặc sụa cả mùi trăng/ Áo
tôi là một thứ ngợp hơn vàng/ Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến!/ Thịt da
tôi sượng sần và tê điếng/ Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên/ Tôi dìm hồn xuống
một vũng trăng êm/ Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực/ Hai chúng tôi lặng
yên trong thổn thức/ Rồi bay lên cho tới một hành tinh/ Cùng ngả nghiêng lăn
lộn giữa muôn hình/ Ðể gào thét một hơi cho rởn óc/ Cả thiên đường, trần gian
và địa ngục/ Hồn là ai? Là ai? Tôi không hay/ Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay/ Hồn mệt lả và tôi thì chết giấc” (“Hồn là ai?”).
“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút/ Mỗi hồn thơ đều dính não
cân ta/ Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt/ Như mê man chết điếng cả làn da/
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết/ Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh/ Đừng
nắm lại nguồn thơ ta đang siết/ Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh/ Ta đã ngậm
hương trăng đầy lỗ miệng/ Cho ngây người mê dại đến tâm can/ Thét chòm sao hoảng
rơi vào đáy giếng/ Mà muôn năm rướm máu trong không gian” (“Rướm máu”).
“Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng/ Trôi thây về xa tận
cõi vô biên/ Trong thuyền mơ bỗng nghe ai đằng hắng/ Thôi phải rồi đích thị
tiếng ma điên/ Hồn ta rú trong đêm sâu ảo não/ Tiếng lung lay xao xuyến cả
ngàn sao/ Và bóng trăng trong âm thanh lảo đảo/ Rã lần như hương khói giấc
chiêm bao/ Ta muốn hớp một hơi cho đã ngán/ Khúc ly tao chìm nổi giữa lòng
trăng/ Ta cảm thấy hồn ta bay tản mạn/ Nhập vào trong tia sáng của sao băng/
(…)” (“Vớt hồn”).
Nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Đại khái, cũng như trường hợp thơ tôn giáo, vì những bài thơ
trên không thâm nhập vào lòng mình, ngoài trầm trồ rằng kinh dị, chúng tôi thấy
không nên nói thêm gì nữa.
Nếu như khi làm loại thơ trăng thứ nhất, Hàn Mặc Tử luôn biểu
lộ tới cực độ, thì khi làm loại thứ hai thi sĩ tỏ ra có mức độ tự kiểm soát
(tuy vẫn có thể “vọt” không báo trước): “Tôi đi trong áng sương mờ/ Tìm con
trăng lạc ngoài bờ bến kia/ Xứ yêu bát ngát, tôi lìa/ Dò xem ý tứ ban khuya,
tôi liều…” (“Chơi trên trăng”). “Tôi” vừa đi vừa vận dụng một thứ “giác quan” đặc
biệt nào đó mà ngửi, nghe được những mùi những tiếng của trời đất “ban khuya”
mà chắc không ai khác mảy may ngờ rằng có.
Đối với Hàn Mặc Tử, trăng có mùi thơm: “Thơ em cũng giống
lòng em vậy/ Là nghĩa thơm tho như ánh trăng” (“Lưu luyến 2”), “Như hương
trăng đằm thắm cõi không gian” (“Sáng láng”)… Trăng có thể tự phát tiếng: “Tiếng
trăng reo vang vang như tiếng châu báu vỡ lở” (“Thơ”), hoặc có thể vang thành
tiếng: “Ðang khi mầu nhiệm phủ ban đêm/ Có thứ gì rơi giữa khoảng im/ Rơi tự
thượng tầng không khí xuống/ Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim” (“Huyền ảo”).
Ngay cả sao, rất bé nhỏ so với trăng, tuy không mùi nhưng vẫn có tiếng: “Trăng
sao đắm đuối trong sương nhạt/ (…)/ Cả trời say nhuộm một màu trăng/ Và cả
lòng tôi chẳng nói rằng/ Không một tiếng gì nghe động chạm/ Dẫu là tiếng vỡ của
sao băng!” (“Đà Lạt trăng mờ”). Sông Ngân thì ai chẳng thấy, nhưng chắc ngoài
Hàn Mặc Tử chưa ai bao giờ nghe được tiếng sóng để biết sông đã “im” hay chưa
“im”: “Sông Ngân đã im lìm không tiếng sóng” (“Sáng láng”)! Chưa hết. Trần
Thanh Mại đọc rất kỹ thơ Hàn Mặc Tử và cho ta biết thi sĩ nghe được cả “tiếng
chạm của hai đường tơ ánh sáng”! (3).
Thế này thì người đọc phải phàn nàn thôi. Năm 1942, Hoài
Thanh lên tiếng thay cho tất cả: “Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử, tôi
không hiểu được và chắc cũng không bao giờ ai hiểu được” (4).
Không thể hiểu, nhưng nếu có đọc đôi lời mà thi sĩ viết khoảng
3 năm trước đó, giữa những lần bị căn bệnh nan y giở trò hành hạ ác liệt, thì
ta có thể biết tại sao người lại sở hữu được một trời đất riêng như thế.
Trong thư của Hàn Mặc Tử gửi cho Trọng Miên đề tháng 6/1939,
có câu: “Thơ là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của một
cõi trời cách biệt” (5). Rồi trong lời giới thiệu tập Tinh huyết của Bích Khê
(1939), có đoạn: “Sự say mê, tìm kiếm những nguồn hoan lạc vô biên đã dần dần đẩy
thi nhân vào bờ bến của Huyền diệu (…) thi nhân chú trọng về âm thanh và màu sắc
(…) nhạc lúc bấy giờ cũng không còn là nhạc nữa. Nó đã bay ra hương, ra hoa, ra
thơm, ra mát, ra ngọt, ra ngào, ra gì mê tơi, run rẩy, hay âm thầm nức nở, lanh
lảnh như giọng trời, mơn man như ân tình đòi hỏi…” (6). Chỉ mới đến bờ của xứ
“Huyền diệu” mà biên giới giữa các cảm giác đã không còn, thảo nào, khi thi
nhân đổ bộ, bắt đầu thám hiểm, thơ của người trở nên có khả năng “bắt cái vô
hình trở nên hữu hình, khiến cái chết trở nên sống, cho vật câm không còn là
câm nữa”! (6). Đại khái, “sự ham muốn vô biên” đã làm mọc thêm những “giác
quan” mới và mọi ghi nhận đều “tương giao”: tiếng đồng thời cũng là mùi, là
màu, là vị, là cái sờ được.
Tóm lại, loại thơ trăng thứ nhất của Hàn Mặc Tử là như bệnh
trạng bộc phát thành thơ, còn loại thứ hai là kết quả của nỗ lực tìm kiếm “hoan
lạc” trong một thế giới khác.
Nhưng tại sao đang như mọi người, thi sĩ bỗng hướng về một thế giới khác?
Lại Yến Lan: “Tình yêu trắc trở. Anh dựa vào tình bè bạn. Cô
đơn, tù túng quá, Anh dựa vào cái mà thiên nhiên đã cho Anh nhiều nhất, dễ dàng
tiếp cận nhất, là trăng” (7).
Đối với người có khát khao lãng mạn mãnh liệt như Hàn Mặc Tử, tình bạn không thay được tình yêu đâu. Nói chi khi thi sĩ đã vào trại Quy Hòa, tình bạn cũng đành không thể hiện được bao nhiêu nữa. Căn bệnh quái ác đã xóa đi hai thứ đáng kể nhất trong cái cõi trời “không cách biệt” quanh mình rồi, mà mình thì tuy xác hết sức tệ hại nhưng hồn vẫn cứ còn khỏe, phải làm sao đây? Chỉ có cách dựng riêng (lại “dựng riêng”!) một “cõi trời cách biệt” để tiếp tục theo đuổi khát khao…
Đối với người có khát khao lãng mạn mãnh liệt như Hàn Mặc Tử, tình bạn không thay được tình yêu đâu. Nói chi khi thi sĩ đã vào trại Quy Hòa, tình bạn cũng đành không thể hiện được bao nhiêu nữa. Căn bệnh quái ác đã xóa đi hai thứ đáng kể nhất trong cái cõi trời “không cách biệt” quanh mình rồi, mà mình thì tuy xác hết sức tệ hại nhưng hồn vẫn cứ còn khỏe, phải làm sao đây? Chỉ có cách dựng riêng (lại “dựng riêng”!) một “cõi trời cách biệt” để tiếp tục theo đuổi khát khao…
Ờ, nhưng mà tại sao trong cái cõi mới mẻ này, trăng lại quan
trọng y như mặt trời nơi hầu hết nhân loại thường trú? Trăng “cho nhiều nhất”,
“dễ dàng tiếp cận nhất”… Nhưng mặt trời có bủn xỉn, khó tiếp cận hơn chút nào
đâu?!
Để biết tại sao trăng chiếm vị trí đặc biệt nơi xứ “Huyền diệu”,
cần lui lại trong thời gian chút ít. Ai nấy đều biết thời tiền chiến, Qui Nhơn
từng là một “trung tâm thơ”. Hoàng Diệp, một bạn thân của Hàn Mặc Tử, kể về
sinh hoạt văn nghệ ở “trung tâm”: “Những đêm trăng sáng, màu trăng hoang dại,
huyền hoặc, thường quyến rũ chúng tôi đi ngủ biển. Chế Lan Viên, Yến Lan và
tôi… hội họp tại nhà Hàn Mặc Tử, rồi đem (vải lót, chăn) đi ngủ biển chỉ cách
nhà (HMT) độ 200 thước. Những đêm ấy là những đêm mưa tầm tã, lụt ngập trời.
Nhưng mưa ở đây là mưa sao, lụt ở đây là lụt trăng. Chúng tôi bị trăng vây phủ
tứ bề, ngăn hết nẻo đường…” (8). Vậy đó. Trăng là quá khứ bạn bè tâm giao tụ tập,
trao đổi thoải mái trong một không gian hết sức gợi cảm. Chưa hết. Nếu cái giai
thoại “Lầu Ông Hoàng” có chứa ít nhiều sự thực thì trăng cũng giữ một vị trí
quan trọng trong hồi ức quan hệ lãng mạn của thi sĩ…
Bây giờ tưởng tượng thời kỳ bệnh nan y đã phát. Lúc đầu Hàn Mặc Tử trốn lánh để khỏi bị bắt vào trại. Bè bạn đâu phải lúc nào cũng tiện gặp nhau. Đã có bao nhiêu đêm lụt trăng mưa sao thi sĩ nằm một mình không ngủ dưới trăng hay đi thui thủi trong trăng, nằm rồi dậy đi, rồi nằm, rồi đi! Sau khi bị đưa vào trại, chắc thi sĩ không có điều kiện để “ngủ biển” nữa, nhưng ánh trăng Bình Định “hoang dại, huyền hoặc” dĩ nhiên vẫn đều đều “lụt ngập trời”. Toàn thể cuộc sống thực coi như đã ảo hóa cả rồi, chỉ còn lại, sờ sờ, duy nhất cái ánh trăng đầy ắp kỷ niệm ấy. Nếu nó rồi thay ánh sáng mặt trời trong cuộc sống “siêu thực” của một người, tưởng có chi là khó hiểu.
Bây giờ tưởng tượng thời kỳ bệnh nan y đã phát. Lúc đầu Hàn Mặc Tử trốn lánh để khỏi bị bắt vào trại. Bè bạn đâu phải lúc nào cũng tiện gặp nhau. Đã có bao nhiêu đêm lụt trăng mưa sao thi sĩ nằm một mình không ngủ dưới trăng hay đi thui thủi trong trăng, nằm rồi dậy đi, rồi nằm, rồi đi! Sau khi bị đưa vào trại, chắc thi sĩ không có điều kiện để “ngủ biển” nữa, nhưng ánh trăng Bình Định “hoang dại, huyền hoặc” dĩ nhiên vẫn đều đều “lụt ngập trời”. Toàn thể cuộc sống thực coi như đã ảo hóa cả rồi, chỉ còn lại, sờ sờ, duy nhất cái ánh trăng đầy ắp kỷ niệm ấy. Nếu nó rồi thay ánh sáng mặt trời trong cuộc sống “siêu thực” của một người, tưởng có chi là khó hiểu.
Cho tới đây, ta chỉ mới gặp một nỗi bất hạnh lớn. Nhờ con người
phải mang cái nỗi ấy được trời phú một khả năng đặc biệt, mới có chuyện để nói
tiếp.
Chế Lan Viên có lần nhớ về người “anh thơ” của mình: “Nhờ có
một cái cốt (…) một cấu trúc tâm hồn thế nào đó (…) Tử có (…) cái khả năng (…)
tâm tưởng tâm hồn hóa (…) thế - tục - hóa, da - thịt - hóa (…) ma - quái - hóa
(…) đi về, qua lại giữa (…) thực và hư… rất thoải mái” (9).
Dễ dàng thấy cái khả năng kỳ lạ này đã giúp nhiều cho Hàn Mặc
Tử trong cuộc chống chọi với đau đớn triền miên. Cái thứ ánh sáng lờn lợt, mơ hồ,
đêm đêm hiện ra kia, nó rất có thể làm cho tâm lý bệnh nhân suy sụp hơn nữa chứ.
Đằng này, nhờ thấy được trong nó những cái hoàn toàn vô hình đối với người
khác, thi sĩ cảm thấy tồn tại bỗng có dễ chịu hơn ít nhiều. Đại khái, chuyện xảy
ra là trước tình hình bị bệnh tật cướp đi cuộc sống quen thuộc, thi sĩ đã vận dụng
khả năng thiên bẩm mà “thực hóa” ánh trăng, dựng lên một cuộc sống khác…
Trong cuộc sống mới, trăng vừa là không gian, vừa là đối tượng:
“Tôi lại gần bên. Ồ! Lạ thường!/ Nường trăng, Ô! Chính là Thương Thương!”
(“Tiêu sầu”). Thực ra, Thương Thương hay bất cứ cái tên nào cũng chẳng qua tên
tạm đặt cho đối tượng mơ hồ của khát khao lãng mạn trong hoàn cảnh vô vọng.
Khát khao bây giờ mãnh liệt hơn trong thời thi sĩ còn lành mạnh. “Tôi say tình
cũng như tôi say trăng” (“Tình”)… Trăng, tình, tình, trăng, hư, thực, thực, hư,
một người đêm đêm “đi, về, qua, lại”, rồi ghi xuống chút đỉnh những “trải nghiệm”
độc đáo của mình!
Chế Lan Viên kết luận: “Hàn Mặc Tử không phải là nhà thơ siêu
thực. Trước sau anh vẫn là lãng mạn (…) dùng nhiều yếu tố siêu thực” (10).
Nếu chỉ căn cứ vào loại thơ trăng thứ hai của Hàn, thì kết luận
này rất đúng. Nhưng còn loại thơ trăng thứ nhất thì sao? Và thơ tôn giáo?
Đọc thơ Hàn Mặc Tử thời kỳ thứ hai, thỉnh thoảng ta gặp những câu những đoạn
không có nội dung tôn giáo hay siêu thực kinh dị hay lãng mạn siêu thực gì cả.
Chẳng hạn: “Hôm nay trời lửng lơ trời/ Dòng sông ánh sáng sẽ trôi hoa vàng/
Tôi ngồi ở bến Hàn giang/ Khóc thôi mây nước bàng hoàng suốt đêm” (“Bến Hàn
giang”). Khi viết mấy câu ấy, tác giả đang nghĩ gì?
Nhớ vào dịp thi sĩ qua đời, trong lời tưởng niệm rất đỗi tha
thiết của Chế Lan Viên có đoạn: “Tôi tưởng tượng ra cái phút cuối cùng của Tử.
Có phải Tử nghĩ đến (…) những cái có thật mà mình không về với nữa, cũng như
(…) đến nơi không biết có thật bao giờ, mà mình sắp phải trở về” (11).
Tưởng cần gì phải đến “phút cuối cùng” mới biết “nghĩ đến”. Hẳn
thi sĩ đã nhiều lần, giữa những cơn đau, chợt tỉnh, thấm thía bất hạnh, rồi một
số lần thơ lên tâm trạng mình lúc ấy…
Hàn Mặc Tử mất năm mới 28 tuổi. Một cuộc đời ngắn ngủi quá.
Nhưng đọc cái đoạn thơ này: “… Một khối tình nức nở giữa âm u/ Một hồn đau rã
lần theo hương khói/ Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi/ Một lời run hồi hộp
giữa không trung/ Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng/ Hòa thành vũng máu đào
trong ác lặn” (“Trường tương tư”), làm sao khỏi thấy nó thực ra đã dài “siêu việt”
cái mức lê thê.
Đã định kết thúc bài viết, thì chúng tôi sực nhớ cũng trong thời kỳ sau khi bệnh
nan y đã bắt đầu tác hại nặng nề, Hàn Mặc Tử có viết một bài văn xuôi đầy ắp chất
thơ. Bèn nghĩ có lẽ nên lược trích luôn vào đây:
“Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng
thêm kỳ ảo, thơm thơm, và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy
có nhiều miếng nhạc say say gió xé rách lả tả… Và rơi đến đâu, chạm vào thứ gì
là chỗ ấy, thứ ấy vang lên tuy chẳng một ai thấy rõ sức rung động (…) Sông? Là
một dải lụa bạch, không, là một đường trăng trải chiếu vàng, hai bên bờ là động
cát và rừng xanh và hoang vu và thanh tịnh. Chị tôi và tôi đồng cầm một mái
chèo con, nhẹ nhàng lùa những dòng vàng trôi trên mặt nước. Chị tôi cười nả nớt,
tiếng cười trong như thủy tinh và thanh khiết lạ thường. Luôn luôn cứ hỏi tôi
và đố tôi cho kỳ được: “Này chị đố em nhé, trăng mọc dưới nước hay mọc trên trời,
và chúng mình đi thuyền trên trời hay dưới nước?”. Tôi ngước mắt ngó lên trời rồi
ngó xuống nước và cũng cười đáp lại: “Cả và hai chị ạ”. Sướng quá, chao ôi, hai
chị em lại thỉnh thoảng rú lên cười làm náo động luồng tinh khí của hạo nhiên
(…)
Thuyền đi êm ái quá, chúng tôi cứ ngờ là đi trong vũng chiêm bao, và say sưa và ngây ngất vì ánh sáng, hai chị em như đê mê, không còn biết là có mình và nhận ra mình là ai nữa. Huyền ảo khởi sự. Mỗi phút trăng lên mỗi cao, khí hậu cũng tăng sức ôn hòa lên mấy độ, và trí tuệ, và mộng, và thơ, và nước, và thuyền dâng lên, đồng dâng lên như khói… (…) “Thôi rồi! Trí ơi! Con trăng nó bị vướng trên cành trúc kia kìa, thấy không? Nó gỡ mãi mà không sao thoát được, biết làm thế nào, hở Trí?”. Tôi cười: “Hay là chị em ta cho thuyền đỗ vào bến này, rồi ta trèo lên động cát với tay gỡ hộ cho trăng thoát nạn”. Hai chị em liền giấu thuyền trong một bụi hoa lau bông vàng phơi phới, rồi cùng lạc vào một đường lối rất lạ, chân giẫm lên cát mà cứ ngỡ là bước trên phiến lụa. Nước suối chảy ở hang đá trắng, tinh khiết như mạch nước ngọc tuyền, chồm lên những vừng lá, hễ trông đến là kinh hãi vì ngó giống con bạch hoa xà như tạc… Sao đêm nay kiều diễm như bức tranh linh động thế này? Tôi muốn hỏi xem chị tôi có thấy ngọt ngào trong cổ họng như vừa uống xong môt ngụm nước lạnh, mát đến tê hết cả lưỡi và hàm răng? Chị tôi làm thinh, mà từng lá trăng rơi lên xiêm áo như những mảnh nhạc vàng (…) Ánh sáng tràn trề, ánh sáng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngả vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy đồ châu báu (…) “A ha, chị Lễ ơi, chị là trăng mà em đây cũng là trăng nữa!” (12).
Thuyền đi êm ái quá, chúng tôi cứ ngờ là đi trong vũng chiêm bao, và say sưa và ngây ngất vì ánh sáng, hai chị em như đê mê, không còn biết là có mình và nhận ra mình là ai nữa. Huyền ảo khởi sự. Mỗi phút trăng lên mỗi cao, khí hậu cũng tăng sức ôn hòa lên mấy độ, và trí tuệ, và mộng, và thơ, và nước, và thuyền dâng lên, đồng dâng lên như khói… (…) “Thôi rồi! Trí ơi! Con trăng nó bị vướng trên cành trúc kia kìa, thấy không? Nó gỡ mãi mà không sao thoát được, biết làm thế nào, hở Trí?”. Tôi cười: “Hay là chị em ta cho thuyền đỗ vào bến này, rồi ta trèo lên động cát với tay gỡ hộ cho trăng thoát nạn”. Hai chị em liền giấu thuyền trong một bụi hoa lau bông vàng phơi phới, rồi cùng lạc vào một đường lối rất lạ, chân giẫm lên cát mà cứ ngỡ là bước trên phiến lụa. Nước suối chảy ở hang đá trắng, tinh khiết như mạch nước ngọc tuyền, chồm lên những vừng lá, hễ trông đến là kinh hãi vì ngó giống con bạch hoa xà như tạc… Sao đêm nay kiều diễm như bức tranh linh động thế này? Tôi muốn hỏi xem chị tôi có thấy ngọt ngào trong cổ họng như vừa uống xong môt ngụm nước lạnh, mát đến tê hết cả lưỡi và hàm răng? Chị tôi làm thinh, mà từng lá trăng rơi lên xiêm áo như những mảnh nhạc vàng (…) Ánh sáng tràn trề, ánh sáng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngả vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy đồ châu báu (…) “A ha, chị Lễ ơi, chị là trăng mà em đây cũng là trăng nữa!” (12).
Cảnh là đâu đó trong tỉnh Quảng Ngãi, mà lại lung linh, kỳ ảo
như trên một “cõi trời cách biệt”! Chơi giữa mùa trăng, theo chúng tôi, thơ hơn
hầu hết thi phẩm của Hàn Mặc Tử cùng thời kỳ. Chúng tôi muốn xếp nó luôn vào sự
nghiệp thơ của thi sĩ!
Bình thường, tuy vẫn hay hoa “bắt đầu từ rễ” nhưng khi ngắm
hoa ta ít nghĩ đến “rễ” (13). Trường hợp Hàn Mặc Tử đáng là ngoại lệ. Cái cây
hoa ấy, rễ của nó đã phải ăn sâu vào đất đầy chất cực độc. Thế mà nó đã nở đến
ba loại hoa mà dù người ngắm không thưởng thức được thì cũng phải trầm trồ vẻ độc
đáo. Loại hoa thứ nhất sáng như… Thiên đường. Loại hoa thứ hai tối như Địa ngục.
Còn loại thứ ba, có phải đó là những đóa màu trăng? Biết đâu, nếu ngắm đi ngắm
lại, đến lúc nào đó mũi ta sẽ bỗng như ngửi được mùi hương “thơm tho”, “đằm thắm”,
tai ta bỗng như nghe được tiếng “reo vang vang”!.
Chú thích:
(1), (4) Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam, Hà Nội, 1942.
(2), (3), (7), (8), (9), (10) Nhiều tác giả, Thơ Hàn Mặc Tử, Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình, 1988.
(5) Nhiều tác giả, Hàn Mặc Tử - Thơ và đời, Nxb. Văn học, 1993.
(6) Nhiều tác giả, Thơ Bích Khê, Sở VHTT Nghĩa Bình, 1988.
(7) Chế Lan Viên - Thơ văn chọn lọc, Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình, 1988.
(11) Chế Lan Viên, “Kỷ niệm về Hàn Mặc Tử”, báo Người Mới, số 5, 23-11-1940, in lại trên báo Văn Nghệ, số 25, 19-6-2004.
(12) Văn xuôi lãng mạn Việt Nam (1930-1945), Nxb. KHXH, 1990.
(13) Chế Lan Viên, bài “Rễ… hoa”, tập Đối thoại mới.
(1), (4) Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam, Hà Nội, 1942.
(2), (3), (7), (8), (9), (10) Nhiều tác giả, Thơ Hàn Mặc Tử, Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình, 1988.
(5) Nhiều tác giả, Hàn Mặc Tử - Thơ và đời, Nxb. Văn học, 1993.
(6) Nhiều tác giả, Thơ Bích Khê, Sở VHTT Nghĩa Bình, 1988.
(7) Chế Lan Viên - Thơ văn chọn lọc, Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình, 1988.
(11) Chế Lan Viên, “Kỷ niệm về Hàn Mặc Tử”, báo Người Mới, số 5, 23-11-1940, in lại trên báo Văn Nghệ, số 25, 19-6-2004.
(12) Văn xuôi lãng mạn Việt Nam (1930-1945), Nxb. KHXH, 1990.
(13) Chế Lan Viên, bài “Rễ… hoa”, tập Đối thoại mới.
Sửa tháng 5-2019
Thu Tứ
Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 560
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét