1. Hoạt động văn nghệ:
Trong một thời gian ngắn đầu năm 1998, hai tên tuổi gắn liền
với thăng trầm hệ lụy của nền văn học miền Nam 1954-1975 đã tiếp nối nhau ra
đi: Mai Thảo và Nguyên Sa, 10-1 và 18-4. Trong thương tiếc và mất mát, đã và sẽ
có người nhận ra hình như hai ông khác nhau cũng nhiều, từ đóng góp cho nền văn
học đó cũng như nhân cách văn nghệ và cả cảm tình của độc giả và những người
yêu văn học nghệ thuật.
Tạp chí Sáng Tạo số 1 xuất hiện tại Sài Gòn tháng 10-1956 ra
được 31 số, ngưng từ tháng 9-1959 đến tháng 7-1960 tiếp tục bộ mới nhưng cũng
chỉ ra thêm được 7 số. Sáng-tạo ra đời với cái gọi là ý thức văn nghệ mới và
làm mới văn học cho thời đó. Tạp chí Sáng Tạo muốn làm đại diện cho nền nghệ
thuật mới được gọi là "nghệ thuật hôm nay". Nói đến nhóm "tạp
chí Sáng tạo" người ta nghĩ đến nhiều người: Mai Thảo "đầu đàn"
với văn chuộng mới và tân cải hình thức, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên và Quách
Thoại với thơ tự do, Nguyên Sa với thơ ca tụng tình yêu tân kỳ, Cung Trầm Tưởng,
Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn) và Trần Tuấn Kiệt làm mới thơ lục bát, Trần
Thanh Hiệp và Nguyễn Văn Trung (Hoàng Thái Linh), người lập thuyết, người giới
thiệu triết lý thời thượng của Âu châu. Ngoài ra còn có Doãn Quốc Sỹ, Viên
Linh, Người Sông Thương (Nguyễn Sỹ Tế), Trần Dạ Từ, Thạch Chương (Cung Tiến),
Vương Tân (Hồ Nam), Hoàng Anh Tuấn, Mai Trung Tĩnh, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Mặc Đỗ,
Duy Thanh, Lữ Hồ, Trần Lê Nguyễn, ... Sáng Tạo không phải là một văn đàn hay
văn nhóm với chủ trương và hoạt động khắng khít như Tự Lực Văn Đoàn và nhóm Hàn
Thuyên của thời tiền chiến. Các văn nghệ sĩ hợp tác sau tách riêng làm văn nghệ
như Nguyên Sa, Viên Linh,... hoặc không tiếp tục cái "chủ
trương" của Sáng Tạo nữa như Thanh Tâm Tuyền (1), Dương Nghiễm Mậu, v.v...
Tạp chí Sáng Tạo đã là chỗ tụ của Mai Thảo và Nguyên Sa,
nhưng hai ông là hai mẫu người nghệ sĩ tương phản nhau : một người sống hết
mình cho văn nghệ và bạn bè đến độ khó chấp nhận người khác đến cuối đời vẫn sống
độc thân, một người sống cho gia đình đến nỗi không ăn nhà hàng và thời trai trẻ
có đi phòng trà thì cũng xin kiếu bạn về sớm. Và hai ông đã có những bất đồng ý
kiến văn nghệ và có thể cả về hoại động báo chí. Nhưng họ tôn trọng nhau và tôn
trọng quan điểm của nhau. Hơn nữa, ngay cái gọi là "chủ trương văn nghệ"
có tính cách sáng tạo cũng như chủ trương "thơ hôm nay", "thơ tự
do", những "thành viên" (đúng ra là cộng tác viên) của "tạp
chí Sáng tạo" đã hơn một lần trái nghịch nếu không muốn nói mâu thuẫn
nhau. Một cuộc "nói chuyện về thơ bây giờ" trên Sáng tạo bộ mới số 2
(8-1960), Cung Trầm Tưởng, Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Lê Huy Oanh, Mai Thảo, Nguyễn
Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Thái Tuấn, Tô Thùy Yên và Trần Thanh Hiệp đã cho thấy
nhiều con đường song hành. Nếu về lý thuyết làm mới văn nghệ, Nguyên Sa không
hoàn toàn đồng quan điểm với nhiều người như Mai Thảo, Trần Thanh Hiệp, thì về
lý thuyết thơ "hôm nay", ông cũng không cùng tần số với Thanh Tâm Tuyền,
và thơ Nguyên Sa cũng đi con đường riêng. Với Nguyên Sa, thơ tự do là thơ phá
thể (2), trong khi Thanh Tâm Tuyền đi xa hơn, "thơ hôm nay không dừng lại ở
thơ phá thể, thơ hôm nay là thơ tự do" mà cao điểm sẽ là thơ văn xuôi (3).
Trần Thanh Hiệp, một lý thuyết gia khác của nhóm Sáng Tạo thì lại cho rằng:
"Lối thơ phá thể thành hình với Thế Lữ và hiện nay rất thịnh hành chỉ là một
chấp nối của nhiều nhịp điệu cũ. Nó không thể được ngộ nhận là thơ tự do bởi lẽ
nó chưa thoát ly khỏi những cùm xích của lối 'thơ mới' nay đã thành cũ"
(4).
Mai Thảo và Nguyên Sa khác biệt nhau vì mỗi ông đại diện cho
một khuynh hướng và hành trang trí thức khác nhau. Mai Thảo từng theo kháng chiến,
đã di cư từ Hà Nội vào và tiếp tục chống Cộng với kinh nghiệm của mình và theo
trào lưu chính trị của miền Nam thời đó. Trong khi đó, Nguyên Sa, cũng như Nguyễn
Văn Trung, Trịnh Viết Thành, Nguyễn Khắc Hoạch,... du học ở Âu châu về, từ một
Âu châu vừa ra khỏi kinh hoàng của đệ nhị thế chiến và đang hối hả sống cho hôm
nay, một Âu châu "trí thức" theo mốt hiện sinh, quán rượu và lối sống
buông thả trước những "buồn nôn" và "phi lý" của cuộc đời.
Văn nghệ mới khởi từ những Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Simone de Beauvoir,... là một văn nghệ có tính chất triết lý và "gần" con người, xa thần
quyền. Nguyên Sa tốt nghiệp cử nhân triết đại học Sorbonne về nước đầu năm 1956
là về Sài Gòn, Sài Gòn đó vừa ra khỏi trận chiến tranh Đông dương thứ nhất.
Thời đó còn có nhóm "Bách Khoa" lúc đầu là nơi tụ tập những người kháng chiến cũ như Huỳnh Văn Lang, Võ Phiến, Phạm Ngọc Thảo,..., nhóm "Nhân Loại" của những người miền Nam tiếp tục... kháng chiến xoay ra chống chính quyền miền Nam, sau báo đình bản và nhiều người vô bưng theo cộng sản như Lý Văn Sâm, Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hoà hoặc tiếp tục nằm vùng như Vũ Hạnh, Sơn Nam. Ngoài ra đối với giới làm văn nghệ từ đất văn vật vào, Nguyễn Đức Quỳnh đã một thời ảnh hưởng một số trí thức, văn nghệ sĩ và "lý thuyết gia" văn nghệ trong số có những thành viên của Sáng-tạo; bên cạnh còn có nhóm Quan Điểm. Nguyên Sa không ở trong số đó. Nhưng sống và hoạt động ở miền Nam thời đệ nhất cộng hòa, mấy ai ra ngoài được tầm ảnh hưởng của chế độ lúc bấy giờ đã biết tầm quan trọng của văn nghệ đối với chính trị - nói như Nguyên Sa, "các chính quyền dĩ vãng đã nhiều lần đến với văn nghệ", họ "còn hơn là những cái tát đe dọa của sự độc tài. Không theo đường lối, thì phong tỏa kinh tế, đi nông trường" (5).
Thời đó còn có nhóm "Bách Khoa" lúc đầu là nơi tụ tập những người kháng chiến cũ như Huỳnh Văn Lang, Võ Phiến, Phạm Ngọc Thảo,..., nhóm "Nhân Loại" của những người miền Nam tiếp tục... kháng chiến xoay ra chống chính quyền miền Nam, sau báo đình bản và nhiều người vô bưng theo cộng sản như Lý Văn Sâm, Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hoà hoặc tiếp tục nằm vùng như Vũ Hạnh, Sơn Nam. Ngoài ra đối với giới làm văn nghệ từ đất văn vật vào, Nguyễn Đức Quỳnh đã một thời ảnh hưởng một số trí thức, văn nghệ sĩ và "lý thuyết gia" văn nghệ trong số có những thành viên của Sáng-tạo; bên cạnh còn có nhóm Quan Điểm. Nguyên Sa không ở trong số đó. Nhưng sống và hoạt động ở miền Nam thời đệ nhất cộng hòa, mấy ai ra ngoài được tầm ảnh hưởng của chế độ lúc bấy giờ đã biết tầm quan trọng của văn nghệ đối với chính trị - nói như Nguyên Sa, "các chính quyền dĩ vãng đã nhiều lần đến với văn nghệ", họ "còn hơn là những cái tát đe dọa của sự độc tài. Không theo đường lối, thì phong tỏa kinh tế, đi nông trường" (5).
Nguyên Sa đã nhiều lần công khai không muốn bị gán nhãn
"nhóm Sáng tạo". Thế Phong trong Nhà Văn Hậu Chiến 1950-1956 thuộc bộ
Lược Sử Văn Nghệ Việt Nam tái bản năm 1963 đã kể sau lần xuất bản lần đầu
(1959), Nguyên Sa đã gặp ông để cải chính việc đứng chung trong Sáng tạo (6).
Trong bài "Làm Báo" mở đầu số tháng 1-1975 của tờ Nhà Văn, là tạp chí
văn học cuối cùng Nguyên Sa đã đứng chủ trương ở quê nhà, cùng Trần Dạ Từ, Nguyên
Sa đã nhắc lại sự rạn nứt đó khi đề cao Mai Thảo đã quyết tâm đứng về phía cái
mới, "quyết tâm làm cho Mai Thảo cố giữ mãi cho đến lúc không thể giữ được
sự chung đụng của những cá tính không thể đứng gần nhau" (7). Về sau ở hải
ngoại, Mai Thảo đã xác nhận hoạt động chung với Nguyên Sa chỉ được hai năm
(1956-1958?), đổ vở vì ngộ nhận (8). Tháng 4 năm 1960, Nguyên Sa đã nhận trợ cấp
để ra báo Hiện Đại trong 9 tháng như chính ông đã kể : "Tôi đã là một nhà
văn nhà nước. Năm 1960, tôi nhận tiền viện trợ trong chín tháng ra chín số báo.
Sau đó trò chơi chấm dứt. Cùng một lúc với tôi, trong khoảng thời gian đó, các
tạp chí Sáng Tạo và Thế Kỷ Hai Mươi cũng tồn tại nhờ chất dưỡng khí hoá học
đó" (9). Ông còn làm chủ bút tạp chí Gió Mới (1962) và cộng tác với nhiều
tạp chí văn học, chính trị khác như Văn Học, Đất Nước, Tiếng Nói, Nghiên Cứu
Văn Học, Quần Chúng, Nghệ Thuật, v.v. Riêng tờ Hiện Đại từ khi ra mắt
lại chứng kiến sự đi xuống của tờ Sáng Tạo (10) có thể không còn thích hợp với
người đọc lúc ấy "trí thức" khác hơn chăng! Hiện Đại cũng là nơi khai
nỡ thi ca đặc sắc của Hoàng Anh Tuấn và Nhã Ca ! Trong bài "Mờ Cửa" ở
trang đầu Hiện Đại số ra mắt, Nguyên Sa đã có nhận định về tình trạng văn nghệ
lúc đó : "Văn nghệ trong những ngày tháng vừa qua nằm trong một tình trạng
buồn. Cuộc sinh hoạt ấy như chợt chìm xuống một vũng sâu có bóng tối dầy và nặng.
(...) Tờ báo của cuộc đời văn nghệ 57, 58, 59 đi mất. Những người văn nghệ còn ở
đấy nhưng buồn cũng đã ở đấy...". Làm nhà báo, ông mang tiếng
"đi" với chính quyền nhưng tương đối ông là người làm văn nghệ độc lập.
Nghiệp làm báo đã từng hại cho nghiệp làm thơ như thời gian làm tờ Hiện Đại:
"Nhưng ngay lúc đó, sự khó chịu, sự bất ổn trong tâm hồn đã đến với tôi.
Trong suốt chín tháng tôi không làm được bài thơ nào ra hồn. Ngòi bút bị tê liệt
thật sự. Sự tê liệt đó còn kéo dài suốt nhiều năm tháng kế tiếp. Ba người bạn
đã an ủi và khuyến khích tôi nhiều hơn cả trong giai đoạn đó là Trần Dạ Từ, Trần
Đức Uyển và Đằng Giao. Anh em nhất định thúc đẩy tôi làm thơ cho báo Ngàn Khơi.
Và chính vì những yêu mến đó, tôi đi qua một tình trạng hồi sinh trở về với thi
ca. Vì thế trong Thơ Nguyên Sa, có bài Cảm tạ gởi đến ba người bạn đó, những
người đã "đưa tôi lên rừng tinh tú, chín từng thơ, mà tôi đã bỏ quên trong
giấc ngủ" (9). Nguyên Sa liên hệ mật thiết với chính quyền thời đó dù chẳng
bao giờ ông viết lại, ngoại trừ một vài đoạn trong bộ truyện dài Giấc Mơ (11).
Hà Nội và những người "nằm vùng" như Lữ Phương, đã kết án Mai Thảo và
Nguyên Sa làm CIA. Họ quan trọng hóa quá đáng cái gọi là "công tác",
"tay sai" của hai ông cũng như nhiều văn nghệ sĩ miền Nam khác vì
"tự kỷ ám thị" và suy luận hơn là bằng chứng cụ thể. Trong Hai Mươi
Năm Văn Học Miền Nam, Võ Phiến có kể lại chuyện nhà văn Hà Thúc Sinh bị tra vấn,
kiểm thảo nặng nề vì thấy ông sĩ quan hải quân trẻ tuổi mà đã có nhiều tác phẩm
được xuất bản trước 1975 (12). Xét người nhận tiền làm báo hay ra sách, nên xét
nội dung tác phẩm và thành quả, công trình đóng góp hay tác hại cho nền văn nghệ
nói chung. Tệ hại là ở những tập đoàn hay cá nhân vừa nhận tiền vừa nhận chỉ thị
và làm "xơ cứng" cả một nền văn nghệ như Hà Nội và văn học trước 1975
của họ!.
Trong giới làm văn làm báo ở miền Nam giai đoạn 1954-1975,
Nguyên Sa là người nỗi tiếng khó bị "bắt nạt". Ông lên tiếng mạnh bạo,
nói thẳng khi cần, khiến đối thủ hết phản ứng; và cũng là người đứng đầu cơ
quan văn nghệ khi cần cũng dám nói thật nhận trợ cấp của chính quyền để làm
báo. Bút chiến nhanh, gọn và trả đũa tới cùng. Khi tờ Văn Đàn của nhóm Tinh Việt
Văn Đoàn của Phạm Đình Khiêm và Phạm Đình Tân tấn công nêu đích danh Nguyễn Văn
Trung giới thiệu cổ động thuyết hiện sinh làm bại hoại văn hóa dân tộc nhất là
qua loạt bài đăng trên Hiện Đại, Nguyên Sa đã tận tình bênh vực Nguyễn Văn
Trung, khiến sau đó Văn Đàn cũng im tiếng luôn! Cùng với Duyên Anh, Nguyên Sa
đã bất đồng nhiều với tổng thư ký tạp chí Văn Trần Phong Giao.
Chính Mai Thảo trong bài đã dẫn cũng nhìn nhận Nguyên Sa có
cá tính: "Một con đưòng tách rời, biệt lập, đôi khi nhà thơ phải đóng vai
đầu đàn nhưng vẫn từ một tần số riêng, cùng tên một giòng trường giang một thời,
nhưng cái phong cách trước sau vẫn là một mình một cõi. Cá tính ấy cũng giải
thích cho những phản ứng của Nguyên Sa trong đời sống, trước kẻ khác. Điểm này,
áo lụa Hà Đông là hình một con mèo nằm lim dim, bất động. Hiền từ, như ngủ. Nhưng
coi chừng, bị va chạm là móng vuốt tức khắc" (8).
Về văn nghệ, Nguyên Sa chủ trương nghệ thuật phải hay và
không làm văn nghệ theo phe nhóm hẹp hòi hay "múa gậy vườn hoang" như
ông viết trong Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ. Ông cũng đã có lần nhìn lại quãng đường
văn nghệ thời vừa qua đó, và đã kết tội đó là một "nền văn chương trú ẩn"
(13). Ông kết tội những người làm văn nghệ thời Sáng tạo trong đó có ông, đã phủ
nhận văn học "lãng mạn" của tiền chiến "một cách mù mờ".
Ông cho rằng chủ trương văn nghệ mới của Sáng-tạo đã "vội vã, làm giản lược
nhãn quan phán xét, làm phủ nhận thiếu vững chắc". Theo ông, các nhà văn
thời Sáng tạo "chỉ chê văn chương lãng mạn. Tức là chúng tôi có thể làm
văn chương hiện sinh. Chúng tôi có thể làm văn nghệ dấn thân. Chúng tôi có thể
làm tiểu thuyết mới". Tuy nhiên "đó là sự buồn bã ghê gớm của thế hệ
năm mươi sáu mươi. Tiền chiến buồn bã bao nhiêu thì chúng ta buồn bã bấy nhiêu.
Bởi vì những động đá trú ẩn. Tiền chiến và năm mươi sáu mươi vẫn là những nền
văn nghệ trú ẩn trong những động đá kiên cố. Vẫn là những nền văn nghệ bình an
và kỹ lưỡng" vì "chúng ta chỉ yêu mến cái mới đã được chấp nhận.
Chúng ta chỉ sáng tạo trong khuôn khổ (...) làm mới trong kích thước của cái mới
đã được mang lại bởi những người làm văn học nghệ thuật không phải là chính
mình. (...) Ta chỉ là những người học trò tốt " bắt chước hiện sinh, hiện
thực xã hội. Nguyên Sa và một số trí thức của tờ Đất Nước đi đến quyết định
"Nhớn rồi,... phải rời bỏ những vùng trú ấn cũ,... những động đá cần thiết
cho mùa Đông nhưng tù hãm lắm, tê liệt lắm" để "dấn thân",
"dân tộc" "đi về trước mặt. Đi đâu? Chưa biết. Đó là cuộc phiêu
lưu". Có thể "sự khám phá thần thánh" mà "cũng có thể là sự
gục ngã. Gục ngã vì dại khờ. Gục ngã vì điên loạn. Nhưng trong văn nghệ, cũng như
trong tình ái, chẳng thà gục ngã trong dại khờ còn hơn sống mãi trong khôn
ngoan. Chết ở chân trời thử thách, chết trong cuộc phiêu lưu còn hơn sống mãi tầm
gửi trong động đá trú ẩn êm ấm.". Một Nguyên Sa lúc nào cũng chối bỏ một
đoạn đường đã qua trước khi dấn bước đi tiếp, không quanh co. Một Nguyên Sa trí
thức dấn thân! Khi Nguyên Sa viết những dòng trên là lúc văn chương "chính
trị" của những Nguyễn Mạnh Côn, Mai Thảo, Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, v.v.
không còn đánh động được người đọc, làm như đã xong nhiệm vụ những năm đầu xây
đựng nền tảng của một miền Nam không cộng sản. Thời gian sau đó cũng đã trả lời
một cách oái ăm rằng văn chương hướng về dân tộc và tôn giáo sẽ là một thất bại
khác - ít ra đã không tạo được những cây bút nỗi tiếng như vào thời cuối thập
niên 1950 và đầu thập niên 1960.
Khi ra hải ngoại, Nguyên Sa lại bị nghiệp làm báo và thương
mãi làm vẩn đi hình ảnh đẹp của Nguyên Sa nhà thơ tình yêu. Ông chủ trương các
báo Phụ Nữ, Đời, Dân Chúng cũng như nhà xuất bản sách và sản suất ca nhạc và
video cũng dưới bảng hiệu Đời. Trên các báo, Nguyên Sa đã chiều theo thị hiếu độc
giả hoặc khuynh hướng chính trị chung của cộng đồng người Việt hải ngoại mà đã
có những bài viết nặng nề hay vội vàng, trong khi giới báo chí hải ngoại hoạt động
vì văn hóa thì ít mà phe đảng thì đa phần. Phải chăng Nguyên Sa đã tiên đoán
tình trạng này từ tháng 1-1975, trong bài khai trương tờ Nhà Văn đã nhắc đến ở
một đoạn trên. Ông đã than "Tôi không thể làm tạp chí văn chương được nữa.
Tuổi tạp chí của tôi hết rồi. Tôi bắt đầu già rồi. (...) Vả chăng, văn chương
báo chí lúc này, trong cơn tan rã cùng cực này, vào lúc những đám mây đen đã bắt
đầu hiện ra khắp bốn phía, tất cả rồi ra cũng chỉ là phù vân" (14).
2. Nguyên Sa, Nhà Thơ Của Tình Yêu:
Nguyên Sa là bút hiệu, mà nhà thơ đã có lần khiêm tốn cắt
nghĩa "vốn dĩ chỉ là hạt cát" (15). Ông tên thật Trần Bích Lan và
sinh ngày 1-3-1932 tại Hà Nội. Bắt đầu làm thơ khi đang du học ở Pháp; về nước,
những bài thơ về Paris đăng báo Người Việt của sinh viên di cư rồi trên tạp chí
Sáng tạo đã làm ông nổi danh. Tập Thơ Nguyên Sa tập 1 xuất bản vào năm 1959 và
tái bản nhiều lần đã xác định địa vị vững vàng của ông trên thi đàn văn học miền
Nam giai đoạn 1954-1975. Ông còn xuất bản tập truyện ngắn Gõ Đầu Trẻ (1959),
Mây Bay Đi (1967) và truyện dài Vài Ngày Làm Việc Ở Chung Sự Vụ cũng như một số
nghị luận văn nghệ và triết học (Quan Điểm Văn Học Và Triết Học, 1960; Một Bông
Hồng Cho Văn Nghệ, 1967; Descartes Nhìn Từ Phương Đông, 1969, Một Mình Một Ngựa,
1971). Giáo sư Triết trung học Chu Văn An rồi hiệu trưởng trung học tư thục Văn
Học, năm 1966, ông nhập ngũ khóa 24 Thủ Đức. Ra trường, ông phục vụ tại trường
Quốc gia nghĩa tử. Nguyên Sa được mời làm phụ khảo Triết ở đại học Văn khoa Sài
Gòn nhưng sau một niên học, ông đã dứt khoát từ chức trước những chống đối của
đồng nghiệp nhắm vị khoa trưởng là bạn của ông từ thời du học Âu châu.
Từ những năm 1960, thơ Nguyên Sa đã bớt xuất hiện đều, thơ
tình yêu lại càng ít hơn. Có thể cắt nghĩa một phần "Nga", nguồn cảm
hứng của "tình nhân" Trần Bích Lan đã thành người phối ngẫu của ông.
Ra khỏi nước, thơ Nguyên Sa sau 1975 đã không còn nguyên chất trữ tình và độc
đáo của thơ ông thập niên 1950. Nguyên Sa làm nhiều hơn thơ lục bát và bảy chữ
dù vẫn làm thơ tự do. Nhiều bài rất đạt. Đời sống lưu đầy, bạn hữu và thực tế
cuộc đời đã lẫn vào thơ Nguyên Sa, dĩ nhiên là bình thường, nhưng sẽ không là đối
tượng chính của bài viết. Chúng tôi muốn nói đến tình yêu trong thơ của Nguyên
Sa, nhất là ở giai đoạn Thơ Nguyên Sa tập 1. Phần lớn các bài thơ trong tập này
ca tụng tình yêu và Nguyên Sa đã được xem là "thi sĩ của tình yêu"
cùng chiếu với Xuân Diệu, Nguyễn Bính, T.T. Kh, ... ; một "Xuân Diệu"
hậu chiến. Thật ra, so Nguyên Sa với Xuân Diệu cũng không ổn. Chính Nguyên Sa
đã xác nhận thơ ông "không phải là yêu cái Đẹp tổng quát, không phải là
yêu Đời nhưng yêu một người cố định, một người thực". Người đó là Nga, tức
bà Nguyên Sa. Bài thơ Nga nỗi tiếng khi đăng báo đã được gửi cho bè bạn
"thay cho thiệp báo hỷ". Tình yêu của Nguyên Sa rõ nét, đặc thù, cá
nhân, có hình dáng, trong khi đó tình yêu Xuân Diệu tổng quát hơn, tình yêu
chung chung, đúng ra là của lòng trai mới lớn, mở ra, với đam mê cùng tận. Tình
yêu trong thơ Nguyên Sa là một tình yêu phức tạp, đa dạng nhưng lả lướt, như
trái tim người trẻ tuổi thấm nhuần hai văn hóa sống vào buổi giao thời của những
năm cuối thập niên 1940 và đầu 1950.
Thơ tình yêu của Nguyên Sa là một thứ tình yêu thuần chất, trữ
tình thường nhật, hiện sinh. Khác thơ tình hiếm hoi của Thanh Tâm Tuyền, thơ
Nguyên Sa không làm ra để gây băn khoăn hay suy nghĩ. Thanh Tâm Tuyền phải lo
cho sứ mạng văn nghệ do đó bỏ quên tình yêu ("Tôi không ngợi ca tình yêu,
tôi nguyền rủa tình yêu (...) Thơ hôm nay không cần đến Tình Ái và khi Tình Ái
đến với thơ hôm nay cùng với vẻ tiều tuỵ khốn khổ chịu đựng hất hủi như cả một
cuộc đời ..." )(16). Trong bài "Nỗi buồn thơ hôm nay", Thanh Tâm
Tuyền đi xa hơn khi ông hạ giá tình yêu : "tình ái cũng bị dùng làm phương
tiện khám phá đời sống, khai quật ý thức...". Do đó, cũng như các
"nhà thơ hôm nay" của hai thập niên 1950 và 1960, Nguyên Sa chống trữ
tình và lãng mạn, chống cả tình ái theo nghĩa thường vì theo ông, lãng mạn là
"sự xúc động quá mãnh liệt, sự trữ tình bi thảm hoá" (17). Yêu nhưng
không lãng mạn, cả không thác loạn của thơ tiền chiến. Tình với ngôn ngữ mới,
cung cách mới, thơ mộng nhớ nhung mới và khác, thực tế hơn, thành thật hơn!
Vậy thì Nguyên Sa sống và đã ca tụng tình yêu như thế nào?
Tình yêu có thể bắt đầu bằng mong nhớ, đợi chờ và những lời trách móc tự nhiên:
"Có phải em về đêm nay?
Trên con đường thời gian trắc trở
để lòng anh đèn khuya cửa ngõ
ngọn đèn dầu lụi bấc mắt long lanh
(...) Em đừng trách anh để lòng mình tủi cực
dến ngại ngùng dù nắng dù mưa
sao em không về
để dù nắng dù mưa
dù trong thời gian có sắc mầu của những thiên đàng đổ vỡ
anh vẫn chùm chăn kín cổ
ngủ say mềm
vì lòng anh (em đã biết)
có bao giờ anh mong đừng chết - đủ để làm thơ
nên tất cả chỉ là yêu em
và làm thơ cho đến chết
(...) Có phải em sẽ về
dù bầu trời ẩm đục
hay bầu trời trang điểm bằng mây
anh sẽ trải tóc em bằng năm ngón tay
trong những chiều gió thổi"
(Có Phải Em Về Đêm Nay)
Cái buồn xa người yêu, lại đợi chờ :
"Em đến chưa? Sao đêm chợt vắng
Cả cuộc đời xáo động cũng hao đi
Những ngón tay dần chuyển đến hôn mê
Và tà áo phủ chân trời trước mặt"
(Người Em Sống Trong Cô Độc)
Hay những mối tình đầu đời, thơ ngây. Chàng tỏ tình, lời hãy
tràn đầy cảm xúc:
"Không có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa
Những lúc em cười trong đêm khuya
Lấy ai nhìn những đường răng em trắng
Đôi mắt sáng là hành tinh lóng lánh
Lúc sương mờ ai thở để sương tan
Ai cầm tay cho đỏ má em hồng
Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc (...)".
(Cần Thiết)
Tình đầu học trò và người yêu ở tuổi mười ba:
"Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngạt ngào... tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng
Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng, tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn, ngoan nhé, đừng ngờ...
Tôi phải dỗ như là ... tôi đã nhớn
(...) Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím..."
(Tuổi Mười Ba)
Khi đã được gần, đã đính hôn, rung cảm vẫn mạnh:
"Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển!
Tại sao Nga ơi, tại sao...
Đôi mắt em nghẹn như sát từng lần vỏ hến
Nói cho anh đi, Nga ơi...
(em làm ơn chóng chóng)
Lại bên anh đi - bằng một lối rõ thật gần
(...) Và cười đi em ơi,
Cười như sáng hôm qua,
như sáng hôm kia...
(...) Em nhớ không, đã có một lần anh van em
Đã có một lần lâu hơn cả ngày xưa...
Em sợ thời gian buồn như mọt nhấm từng câu thơ
Em sợ thời gian ác như lửa thiêu từng thanh củi
(...) Em sợ những đường tầu vướng víu như chỉ tay
Không dám chọn lấy một ga hò hẹn..."
(Nga)
"Em" thời nay thành "con chó ốm, con mèo ngái
ngủ" và " mắt cá ươn"; không còn là "mắt xanh là bóng dừa
hoang dại" (Đinh Hùng), "em đi áo mỏng phô hờn tủi" (Quang
Dũng). Tóc của "em" chỉ là "tóc ngắn" (ALHĐ). Tình yêu đến
với nhà thơ như một hạnh phúc, một tròn đầy với những cảm xúc thật với da thịt
cũng như trong tâm hồn. Tình yêu hôm nay hay tình đầu Hà Nội nhắc nhở?
"Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu
(...) Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh mào áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng"
(Áo Lụa Hà Đông)
Yêu cho nên hay phải van xin, kể lể:
"... Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến
Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa
Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu
Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ
Và hãy nói năng những lời vô nghĩa
Hãy cười bằng mắt, ngủ bằng vai
Hãy để môi rót rượu vào môi
Hãy cầm tay bằng ngón tay bấn loạn..."
(Tháng Sáu Trời Mưa)
Tán người yêu với ngôn ngữ mới của trai hiện sinh:
"Sự thực là đôi mắt em đẹp vô cùng
Tôi ném - không phải là nhìn - ném vào mắt em
Sự ngưỡng mộ, sự thèm khát, sự ước ao dã thú
Nghĩa là sự đam mê to và sâu như ban đêm (...)"
(Đạn Đạo)
Hay trân trọng "mời" dự cuộc phiêu lưu tình ái:
"Tôi trân trọng mời em dự chuyến tàu tình ái. Trong một
phút, một giây, cuộc hành trình sẽ mở. Tôi mời em. Trân trọng mời em cùng đi,
cùng khai mạc cuộc đời.
Tôi mời em vứt bỏ lại đằng sau những kinh thành buồn bã với
phong tục, thói lề, bạc vàng giả dối: muốn làm người yêu thì phải đỗ Tú tài.
Tôi mời em đi ngay. Không cần lấy vé. Không cần phải đợi chờ
vì điều kiện du hành là những ngón tay lồng vào nhau và tâm hồn đừng đơn chiếc.
(...) Em đến ngay đi.
Em đến ngay cho cuộc hành trình được mở. Gió được nổi lên từ
mớ tóc phiêu bồng, thuyền dong thả từ đường môi óng ả. Và ngực căng buồm, mắt
trông tìm vội vã:
Tôi đi vào kiều diễm của thân em".
(Mời)
Chữ nghĩa con tim, lúc sắp ly biệt:
"Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa, chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào thì cũng phải xa nhau..."
(Paris)
Lại có khi dùng nghi vấn để bày tỏ, giữa một Paris trong giờ
tiễn biệt:
"Người về đêm nay hay đêm mai
Người sắp đi chưa hay đi rồi
Muôn vì hành tinh rung nhè nhẹ
Hay ly rượu tàn run trên môi
Người về trên một giòng sông xanh
Trên một con tàu hay một ga mông mênh
Sao người không chọn giòng sông vắng nước
Hay nước không nguồn cho sông đi quanh?
(...) Nhưng người về đâu, người về đâu
Để nước sông Seine bỡ ngỡ chảy qua cầu...
(...) Tôi muốn hỏi thầm người rất nhẹ
Tôi đưa người hay tôi đưa tôi?"
(Tiễn Biệt)
Mới hay không thì cũng tình ái đấy và lãng mạn đấy thôi! Năm
1949, 1950, "đèn vàng", "ga nhỏ" có thể là những sự vật và
cảnh vật thường nhật, "hiện sinh", thay thế những ước lệ "trăng,
sao, núi sông, mây, tuyết trắng, cò,..." của văn chương lãng mạn cổ điển. "Rót
rượu vào môi", "biến cuộc đời thành những tối tân hôn", mới và
táo bạo nhưng vẫn là những lãng mạn, trữ tình! Cái đẹp "hôm nay" là
cái đẹp bình thường trước mặt, chạm tay được, nhưng hay bị thơ văn bỏ quên. Vả
lại, Paris lúc bấy giờ còn mới lạ với người thưởng thức văn nghệ Việt Nam : tả
ngạn sông Seine, vườn Luxembourg mùa Xuân mùa Thu, sân trường đại học Sorbonne,
khu Saint-Michel, những quán cà phê sinh viên và nghệ sĩ đầy khói thuốc ở Quartier
Latin, là thơ Jacques Prévert, Guillaume Apollinaire, những người con gái mắt
xanh màu da trời, v.v...
"Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim
Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sống trắng
Là áo sương mù hay áo em? (...)"
(Paris Có Gì Lạ Không Em?)
Thơ tự do của Nguyên Sa có tiết tấu và nhạc điệu đặc biệt
chưa thấy trước đó. Nguyên Sa lại có tài xử dụng nhiều hình ảnh mới và lạ. Nào
"chải tóc em bằng năm ngón tay", nào "lệ trắng gạo mềm"
(TSSTE), "da em trắng anh chẳng cần ánh sáng/ tóc em mềm anh chẳng thiết
mùa xuân" (TGTM), "tóc màu củi chưa đun" (TSSTE), miệng
"chim sẻ" (TMB), áo "sương mù" (PCGLKE?, "bàn tay chim
khuyên" (Nga) hay "sương gió trầm tư thêu thùa má ướt", v.v.
"... Người về đâu giữa đêm khuya dìu dặt
Hơi thở thiên thần trong tóc ẩm hương xưa
Người đi về trời nắng hay mưa
Sao để sương gió trầm tư thêu thùa má ướt..."
(Đẹp)
Muốn "phá thể" và "tự do" nhưng thơ Nguyên
Sa có lời và chất nhạc rất nhẹ nhàng, rất Việt Nam. Ông vẫn sử dụng lại những
ước lệ của thi ca cổ điển như "thuyền ghé bến", tay "lá
sen", mắt "một vừng trăng sáng", hay của thơ mới như "gió
heo may". Thành ra Nguyên Sa có những câu thơ mà ngôn từ như có âm hưởng
ca dao dù đã được tân hóa theo thời đại:
"... Paris có gì lạ không em?
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn biết lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen..."
(Paris Có Gì Lạ Không Em?)
"Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn..."
(Áo Lụa Hà Đông)
"... Anh nhớ sông có nguyệt lạ lùng
Có trời lau lách chỗ hư không
Anh tìm âu yếm trong đôi mắt
Thấy cả vô cùng dưới đáy sông..."
(Em Gầy Như Liễu Trong Thơ Cổ)
"(...) Tôi không biết rằng lạ hay quen
Chỉ biết em mang theo Nghê Thường
Cho nên cặp mắt mờ hư ảo
Cả bốn phương trời chỉ có em".
(Tương Tư)
"Người yêu của tôi ơi
tóc em là một cung điện mà hoàng đế là bóng tối
trán em là một mớ hoa bay
đầu em là một rừng cây sống đầy chim chóc ngủ mơ
vú em là những ổ ong trắng trên nhành của người em
thân thể em đối với tôi là tháng tư
trong nách là sự đến gần của mùa xuân
đùi em là những con bạch mã cột vào chiếc ngự xa của những vì
vua chúa..."
Có thể hình ảnh cũ nhưng ý mới, có khi táo bạo. Về hình thức,
thơ Nguyên Sa có nhiều bài vẫn có vần có nhịp khúc:
"Tôi đã gặp em từ bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya
Kể từ gió thổi trong vừng tóc
Hay lúc thu về cánh nhạn kia?
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay? (...)".
(Tương Tư)
Hay lời thường, dung dị, của đời sống thường ngày:
"... Tôi sẽ thăm em
Để những mớ tóc màu củi chưa đun
Màu gỗ chưa ai ghép làm thuyền
Lùa vào nhau nhóm lửa
... Tôi sẽ sang thăm em
- Ngay ngày hôm nay -
Chờ ngày mai sẽ trễ
Chúng mình sẽ xa nhau
Chúng mình sẽ nhìn nhau bằng đôi mắt người đàn bà có tuổi"
(Tôi Sẽ Sang Thăm Em (18))
"Trên bàn tay năm ngòn
Có ngón dài ngón ngắn
Có ngón chỉ đường đi
Có ngón tay đeo nhẫn
(...) Ngón tay thử coóc-sê
Ngón tay cài khuy áo
Em còn ngón tay nào
Để giữ lấy tay anh?
(Năm ngón tay)
Từ bài thơ này tác giả có thêm biệt hiệu "năm ngón tay
táy máy"!
Nguyên Sa còn có những bài thơ ca tụng tình bạn như Thằng Sỹ
Chết, Cầu Siêu Cho Nguyễn Quan Đại Chết Ở Khe Sanh, v.v..., nhưng nỗi bật nhất vẫn
là bài Đám Tang Nguyễn Duy Diễn:
"Diễn đã chết, Diễn đã chết
Chúng tôi nhảy múa hò reo
(...) Thế là nó thoát, thế là nó thoát
Cuồng lưu dằn vặt đã trôi qua
Khỏi phải nghĩ, khỏi lo âu, sợ hãi
Sự thật có phải bao giờ cũng tối như đêm
Tình ái có phải suốt đời là canh bạc lận
Lịch sử, rút lại, có phải là thằng mù sờ soạng..."
Thời sự cũng chiếm chỗ quan trọng không kém trong thơ ông :
Cắt cho ta, hãy cắt cho ta
Cắt cho ta sợi dài
Cắt cho ta sợi ngắn
Cắt cái sợi ăn gian
(...) Sợi xích chiến xa, sợi giây thòng lọng
Sợi hưu chiến mỏng manh, sợi hận thù buộc chặt
(...) Sợi Hà Nội khóc trong mưa
Sợi Sài Gòn buồn trong nắng
(...) Sợi rỗng như khẩu hiệu
Sợi nhọn như lưỡi lê
(...) Sợi nhố nhăng như cuộc đời
Sợi ngu si như lịch sử (...)"
(Cắt Tóc Ăn Tết)
"Ta là người ta vẫn tự do
Người con gái ta yêu vẫn là Hoàng hậu
Dao cứa cổ vẫn mở đường cho máu chảy
(Tự Do)
Thơ tự do của Nguyên Sa dễ cảm xúc, dễ thụ nhận và không bí
hiểm như thơ Thanh Tâm Tuyền. Dùng thể tự do với nhiều hình ảnh mới và cách
dùng chữ bất ngờ, bén nhạy... chứng tỏ Nguyên Sa đã nắm vững quy luật của ngôn
ngữ, của tiếng Việt.
Giáo sư triết nhưng thơ ông không cao siêu triết lý; chỉ là
thơ con người với chữ nghĩa của con tim. Điểm này Nguyên Sa cũng khác Thanh Tâm
Tuyền nhiều triết lý và ý thức. Với Thanh tâm Tuyền, ý thức bao trùm vì nhịp điệu
của thơ, của hình ảnh và ý tưởng chuyên chở chỉ là sự thể hiện của nhịp điệu ý
thức (3). Thơ Nguyên Sa tập đầu và những bài thơ đăng báo thời đi vào văn nghệ
của ông cho thấy ông có một tâm hồn nhạy cảm của tình yêu, của Tình Yêu viết
hoa, phổ biến nhưng khởi từ tình yêu cá biệt của thi nhân. Thơ ông thời ấy cũng
chứng tỏ ông có hẳn một thẩm mỹ quan riêng, có ngôn từ và cung cách dù vậy căn
bản vẫn hãy còn cũ xưa. Triết lý trong thơ ông thời đó cũng có nhưng ít hơn: phận
người trong một không gian bí lối.
"Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt
Dăm bảy nụ cười không đủ xoá ưu tư (...)"
(Bây Giờ)
"Tôi viết cho người có đôi môi khô
Vì quen sống giữa trần gian nước mặn
(...) Vì tôi ngại
Khi thời gian không còn chắp nối
Người sẽ ngỡ ngàng
Khi cả những bàn tay hành khất
Mở linh hồn cho lại những yêu thương
(...) Nên tôi van người
Hãy chịu khó đa mang
Không phải tôi sợ những chấn song dài
Hay những nan lòng mắt cáo chắn ngang
Nhưng tôi phải khóc
Đan thành những làn phên mắt cáo (...)"
(Nước Ngọt)
Tình yêu ở trong cả thế giới bên kia, nếu sẽ ra đi vẫn không
nỡ, con tim hãy còn ở lại trên trần thế, nên vẫn còn thắc mắc, nhắn nhủ:
"Anh cúi mặt hôn lên lòng đất
Sáng ngày mai giường ngủ lạnh côn trùng
Mười ngón tay sờ soạng giữa hư không
Đôi mắt đã trũng sâu buồn ảo ảnh
Ở trên ấy mây mùa thu có lạnh
Anh nhìn lên mái cỏ kín chân trời
Em có ngồi mà nghe gió thu phai
Và em có thắp hương bằng mắt sáng? (...)"
(Lúc Chết)
Dĩ nhiên, trong số những bài thơ thời Sáng tạo của Nguyên Sa
có nhiều bài nặng về khai phá hình thức, nghệ thuật vị nghệ thuật, nhưng nay ít
ai nhớ đến, như bài Hịch :
"Bằng hơi thở thiên thần,
Bằng giọng nói đam mê
Bằng ngón tay mầu nhiệm
Ta truyền:
Hỡi Sài Gòn ban đêm mở cửa!
Ta truyền:
Hãy rộng mở bốn cửa thành Đông Tây Nam Bắc để thơ ta ùa vào từ
bốn phía chân trời và thân thể ta
vào theo lối mặt trời đi
(...) Sao chỉ về đây nằm gối đầu lên giòng sông lớn giang tay
dài đại lộ mà nghe kinh thành thổi hơi buồn Trompette ban đêm".
Thơ tự do của Nguyên Sa thời ra đời trên Người Việt và Sáng Tạo
đã thuyết phục người thưởng thức văn nghệ rằng thơ tự do có thể sống động, rằng
thơ tự do cũng có thơ tính. Thơ tự do của Nguyên Sa nhờ giàu nhạc tính, lại đơn
sơ, truyền cảm và hãy còn chứa đựng tâm hồn Việt Nam do đó đã sống lâu hơn đến
ngày nay và chắc cả sau này, trong khi thơ tự do của nhiều nhà thơ thời ông đã
và đang đi vào quên lãng. Nếu lúc đầu thơ tự do được cổ võ như một vượt thoát
khỏi những bó buộc và giới hạn của luật thơ thì nay bài thơ tự do nào còn giữ
được vần và nhạc và hình ảnh lại tiếp tục được yêu thích. Trong trường hợp
Nguyên Sa, phủ nhận Thơ Mới và tiền chiến đồng thời cổ xúy thơ tự do và phá thể,
nay phân tích lại thì Nguyên Sa đã không đi xa trên con đường thơ tự do và vô
tình thơ ông lại là gạch nối với thơ tiền chiến và dòng thơ kháng chiến trước
đó. Cho đến khi tạp chí Sáng tạo đình bản hẳn, những nhà lý thuyết cổ võ thơ tự
do của nhóm đã vẫn không thuyết phục thật sự giới thưởng thức văn nghệ. Thanh
Tâm Tuyền có vẻ là người cuối cùng lên tiếng khi cho rằng người làm thơ tự do
vì sống thời gian hôm nay và dùng thanh âm ngôn từ để khám phá chính mình. Dù
sao đi nữa, cùng với Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa đã đem lại niềm tin nơi thể thơ
tự do, cả hai ông đã chiếu sáng trên nền trời thi ca Việt Nam hậu chiến.
Sau 1975, Nguyên Sa lúc đầu định cư ở Pháp, nhưng Pháp đã lại
không giữ được chân ông; lần này ông đi tìm cuộc đời mới ở nam California.
Nguyên Sa sẽ tiếp tục làm thơ nhưng không còn được người đọc đón nhận như nhiều
thập niên trước đó. Người tuổi trẻ hết cảm nhận vì hết cùng tần số. Thơ Nguyên
Sa tập hai xuất bản năm 1988 gồm những sáng tác từ 1966 đến 1988 và tập ba xuất
bản năm 1996. Thơ giai đoạn sau 1966 nhiều triết lý, nhưng sau 1975 thì rõ là của
một tâm hồn đã chín, sầu đời, pha tín ngưỡng và triết lý, rõ ra thuần túy đông
phương. Hãy nghe tâm sự của kẻ thua, buồn nản:
"Ta ngồi so kiếm một mình
Kẻ thua người thắng cuối cùng vẫn thua"
(So Kiếm)
"Ta ngồi nhìn cánh tay xâm
Hỏi thăm đời trước, truy tầm kiếp sau
Mang về mấy chục đầu lâu
Luân hồi chắc đứt, nỗi sầu còn nguyên"
(Tay Xâm)
Dùng tạ lỗi như một tự hối tự nhiên:
"... Hãy tha thứ cho ta
Những anh em đã chết
Những anh em chết ở bờ ở bụi
Những anh em chết ở đồng vắng chết trong rừng sâu
(...) Những anh em con cái còn nhỏ hơn con cái ta
Cũng chết
Những anh em mẹ già còn già yếu hơn mẹ ta
Cũng chết
Những anh em đáng sống một ngàn lần hơn ta
Đang chết
Và còn chết
Hãy tha thứ cho ta"
(Xin Lỗi Về Những Lầm Lẫm Dĩ Vãng)
Của kẻ sống lưu đày:
"Trời trên đất khách buồn vô hạn
Trăng rất quen mà vẫn chẳng quen"
(Mạt Lộ)
Nhớ nhung về một khung trời đã mất :
"(...) Mạnh giỏi không Sài Gòn
Bây giờ là đợt tấn công thứ nhì
Còn nước mắt là giọt thứ mấy
Còn thao thức là đêm thứ mấy
Còn lo âu làm sao đếm
Còn thống khổ làm sao đo
Thôi đừng nói, đừng nói
Hãy gục đầu lên vai nhau"
(Hỏi Thăm Sài Gòn)
Còn tình yêu? Nhà thơ dĩ nhiên đã bớt da diết và mộng mơ.
Hình tượng "em" cũng hiện thực hơn :
"Em vào tắm dưới hoa sen
Những khe nước chẩy những miền hải lưu
Những thuyền lạc dưới trời sao
Hỏi em hay hỏi hoa đào của anh
Chỗ đào có lá sen xanh
Bờ xa cỏ thấp nghiêng mình dáng sông
Tuyệt vời giữa một giòng trong
Đầu sông tóc ướt, lưng vòng biển khơi"
(Hoa Sen Và Hoa Đào)
Cảnh chờ đợi, gần với phim ảnh Hoa Kỳ. Hết còn những mong mỏi
nôn nao, mà người yêu cũng nhẹ quan trọng cho đời "chàng":
"Chờ em ở góc cây xăng
Em không thấy tới ta nằm trong xe
Nhạc buồn ta vặn thật to
Sao buồn không vỡ sao ta vẫn còn?"
(Chờ Em)
Cảnh vợ chồng hay nhân ngãi hôm nay:
"Bốn mươi, con vạc ăn sương
Có giường nệm trắng có em cởi truồng
Em nằm nghe hát cải lương
Anh nằm nhớ bác Tú Xương ngậm ngùi"
(Nhớ Tú Xương)
Hôn nhau mà chẳng còn hơi, nụ hôn đã bớt nhiều ngọt ngào và
hương vị tình ái:
"(...) Gặp em không thể chào bằng môi
Chỉ còn da thịt chẳng còn hơi..."
Tại sao vậy? Có thể vì tang chung đất nước và tình cảnh phân
ly, xa xứ, nên :
"... Ta chỉ chào bằng hai hàng nước mắt
Từ hai mươi năm nằm im trên môi"
(Chào Nhau)
Nguyên Sa đã yêu, đã được yêu và bệnh ngặt nghèo đã sớm đưa
ông về với Chúa. Nhưng thơ tình ông đã và sẽ vẫn sống động với người yêu thơ và
với những tình nhân - ngày nào còn có những người yêu nhau! Sau khi cưỡng chiếm
miền Nam, nhà nước cộng sản đã tìm đủ cách cấm đoán, tịch thu và viết sách bêu
xấu các nhà làm văn nghệ ở miền Nam cộng hòa trong đó dĩ nhiên là có nhà báo
nhà văn Nguyên Sa. Tuy nhiên, những Lữ Phương, Phạm Văn Sĩ, Trần Trọng Đăng Đàn
và các nhà "phê bình" của Viện Văn học Hà Nội có tấn công thơ tự do
mà họ gọi xiên xỏ là "bí hiểm", "tắc tị", "quái
thai", "hỗn tạp những rối rắm quái gở" và "dựng lại cái
thây ma mà mười lăm năm về trước những người trong nhóm Xuân thu nhã tập đã nêu
lên" (19) nhưng không hề động đến thơ tình của Nguyên Sa vì thơ ông được
người "chiến thắng" lén lút tìm đọc thời còn bị cấm và nay đã được in
lại trong nước.
Gần đây hơn, trong nước đã có những nghiên cứu "cởi trói", đã có cái nhìn "khách quan" hơn. Trần Thị Mai Nhi viết về "nhóm Sáng Tạo" đã nhìn nhận họ "muốn có một 'đường hướng sáng tạo', muốn là 'kẻ sáng tạo ngôn ngữ trong thơ ca' (...). Họ muốn đổi mới niêm luật, cú pháp, chấm câu, từ ngữ trong thơ cả. Rồi việc họ chấp nhận thứ 'tiếng của vỉa hè' cũng không hoàn toàn chỉ là một sự lập dị. (...) Đúng thôi, văn học Sài Gòn gặp văn học phương Tây ở quan niệm thẩm mỹ..." (20).
Gần đây hơn, trong nước đã có những nghiên cứu "cởi trói", đã có cái nhìn "khách quan" hơn. Trần Thị Mai Nhi viết về "nhóm Sáng Tạo" đã nhìn nhận họ "muốn có một 'đường hướng sáng tạo', muốn là 'kẻ sáng tạo ngôn ngữ trong thơ ca' (...). Họ muốn đổi mới niêm luật, cú pháp, chấm câu, từ ngữ trong thơ cả. Rồi việc họ chấp nhận thứ 'tiếng của vỉa hè' cũng không hoàn toàn chỉ là một sự lập dị. (...) Đúng thôi, văn học Sài Gòn gặp văn học phương Tây ở quan niệm thẩm mỹ..." (20).
Chú thích:
(1) Từ năm 1965, Thanh Tâm Tuyền đã thú nhận không làm thơ được
nữa: "Tự nhiên thấy khó, không dám làm. Vả lại chưa tìm được cái gì mới.
Tôi thấy thơ bây giờ càng ngày càng thu hẹp lại, rút gọn lại vào trong cái
'tôi', để cuối cùng chỉ có mình hiểu được thơ mình". (Trần Đức Uyển.
"Nhìn lại thơ hôm nay" Nghệ Thuật số 12, 12-1965). Sau 1975, từ những
trại cải tạo, ông đã làm thơ trở lại và thơ ông từ nay mang âm hưởng thơ Đường
và triết lý á-đông.
(2) "Kinh nghiệm thi ca". Sáng Tạo số 21, 6-1958.
(3) "Nỗi buồn trong thơ hôm nay". Sáng Tạo số 31,
9-1959, tr. 1-6.
(4) "Vài điểm gợi ý về thơ tự do". Sáng Tạo, số 8,
5-1957; in lại trong Tiếp Nối. Sài Gòn: Sáng Tạo, 1965, tr. 108.
(5) "Tình cảnh nhà văn Việt Nam những năm 50-60".
(Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ. Sài Gòn: Trình Bày, 1967), tr. 34.
(6) Sđd, tái bản, 1963, tr. 105.
(7) Nhà Văn số 1, 1-1975, tr. 7.
(8) Mai Thảo. "Mầu áo lụa Hà Đông trong thơ Nguyên
Sa", tr. 136 (Chân Dung 15 Nhà Văn Nhà Thơ Việt Nam. Westminster, CA: Văn
Khoa, 1985). Ký Giả báo Ngày Nay (Houston, TX, số 388,
1-5-1998) trong bài "Nhà thơ Nguyên Sa không còn nữa" cho
biết lý do của hiễu lầm đó "qua lời tuyên bố của Nguyên Sa trong cuộc phỏng
vấn với nhà báo Hồ Nam về thơ Tự do".
(9) "Khởi đầu những năm bẩy mươi", Đất Nước, số
Xuân 1970, tr. 174 & 175.
(10) Tạ Tỵ. Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đã Đi Qua Đời Tôi. Santa
Clara, CA: Thằng Mõ, 1990. Tr. 214.
(11) Khoảng cuối năm 1998, nhà xuất bản Đời cho ra mắt tập Hồi
Ký của Nguyên Sa.
(12) Võ Phiến. Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam. Westminster, CA :
Văn Nghệ, 1986, tr. 34.
(13) "Rời bỏ nền văn chương trú ẩn". Đất Nước, số
2, 12-1967, tr. 1-15.
(14) Bđd, tr. 9.
(15) Tác Giả Và Tác Phẩm: Nguyên Sa. Irvine, CA: Đời, 1991,
tr. 52.
(16) Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy. 1964.
(17) Bđd, tr. 9.
(18) Thi Vũ. Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam 1945-1985. Paris: Quê
Mẹ, 1993, tr. 286.
(19) Trần Trọng Đăng Đàn. Văn Học Thực Dân Mới Mỹ Ở Miền Nam
Những Năm 1954-1975, tập 2. Hà Nội: Sự Thật, 1991. Tr. 68 & 72.
(20) Văn Học Hiện Đại Văn Học Việt Nam Giao Lưu Gặp
Gỡ. Hà Nội: Văn Học, 1994. Tr. 135 & 136.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét