Tinh thần hòa giải và yêu thương
trong thơ Trần Nhân Tông
Viện Trần Nhân Tông (Trần Nhân Tông Academy) thành lập tại
thành phố Boston, Hoa Kỳ do một nhóm các nhà nghiên cứu tại trường Đại học
Harvard, và Giáo sư Thomas Petterson làm chủ tịch. Viện Trần Nhân Tông đề ra
nhiều mục đích nghiên cứu. Và Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải
và Yêu thương hằng năm (giai đoạn 2012 - 2017) tổ chức vào ngày 21/9/2012
đã trao cho Tổng thống Myanmar, ông U Thein Sein và Chủ tịch Đảng đối lập NLD -
bà Aung San Suu Ky. Bà Ann Mc Daniel - Phó Chủ tịch Washington Post đã đánh giá
cao vai trò của hai nhân vật được nhận giải thưởng này, vì đó là cách để cho thế
giới biết về những gì đã và sẽ diễn ra ở đất nước Myanamar. Ngày hội lớn tôn
vinh tinh thần Hòa Giải cũng là tôn vinh Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã quy tụ
nhiều nhân vật danh tiếng đến từ năm châu.
Những thông tin trên cho thấy vị trí, tầm vóc của một thiên
tài, một anh hùng, một nhà văn hóa vĩ đại Trần Nhân Tông. “Trở về với vị
phật hoàng nổi tiếng Trần Nhân Tông, tôi nghĩ rằng có rất nhiều khía cạnh trong
nhân cách của ông mà các học giả hôm nay đã nhắc đến. Điều đầu tiên gây ấn tượng
với tôi nhất là bản lĩnh của một con người đã nắm giữ một quyền lực và quyền uy
tuyệt đối và rồi cuối cùng lại sẵn sàng từ bỏ nó để sống cuộc đời của một vị
tu hành… Một khía cạnh khác của con người ông cũng vô cùng đáng học hỏi là
ông vừa có thể thực hiện quyền uy của một vị vua, áp đặt quyền lực của mình lên
những nơi cần thiết để đoàn kết vương quốc của mình, huy động nguồn lực ấy chống
lại những kẻ xâm lăng, đồng thời ông cũng là con người của lòng yêu thương, vị
tha và thấu hiểu cho mọi con người… Khía cạnh thứ ba trong nhân cách của
Trần Nhân Tông khiến tôi rất hứng thú là kĩ năng của ông như một lãnh tụ quân sự
và ngoại giao và đời sống tinh thần mạnh mẽ mà cuối cùng đã đưa ông đến với cuộc
sống của một nhà tu hành… (Cựu Tổng thống Latvia, Tôi sẽ đồng hành và
cống hiến nhiều hơn nữa cho Giải thưởng và Viện Trần Nhân Tông, Trần Nhân
Tông, vi.wikipedia.org/wiki/)
Thời đại nhà Trần (1225 - 1400) với hào khí Đông A mãi lưu
danh sử sách đã xây dựng một nền tảng văn hóa vững chắc cho Đại Việt với tên tuổi
của nhiều học giả, nhiều nhà văn hóa nổi tiếng như Lê Văn Hưu, Mạc Đỉnh Chi,
Chu Văn An, Trần Quốc Tuấn, Hàn Thuyên, các vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân
Tông, Anh Tông, Minh Tông…
Trần Nhân Tông (1285 - 1308) làm vua 15 năm (1278 - 1293),
làm Thái Thượng hoàng 15 năm, hai lần thắng quân Nguyên - Mông (1285, 1288) và
là người thành lập thiền phái Trúc Lâm (thống nhất ba dòng thiền: Thảo đường,
Vô Ngôn Thông, Tì-ni-đa-lưu-chi).
Danh nhân văn hóa Trần Nhân Tông tinh thông, mưu lược trong
chính trị, quân sự, ngoại giao… tỏa sáng trong sự nghiệp xây dựng đất nước và
phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Khi ông gả con gái Huyền Trân cho Chế
Mân có biết bao lời đàm tiếu, kể cả lịch sử sau này cũng chê bai… Nhưng ông đặt
vận mệnh của dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân. Và từ trong tư tưởng của ông
không có sự kì thị dân tộc.
Khi sự nghiệp xây dựng đất nước đến thời thịnh trị, thì vua
Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông (1293). Đến năm 1294,
Thượng hoàng đi chơi ở Vũ Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) và
quyết định xuất gia. Trần Nhân Tông là vị vua anh minh có nhân cách vĩ đại, khi
ông đang đứng ở giữa dòng chảy của lịch sử, ở vị trí cao nhất của quyền uy và
quyền lực mà vẫn sẵn sàng làm Thái Thượng hoàng, nhường ngôi cho con. Bản lĩnh
và nhân cách này mãi mãi là tấm gương sáng cho người đời sau noi theo. Ông vừa
là tấm gương sáng trong tinh thần hòa giải và yêu thương, vừa là người góp công
đưa văn hóa Lý Trần lên đỉnh cao với tinh thần Phật giáo Cư trần lạc đạo…
Danh nhân văn hóa Trần Nhân Tông còn để lại cho đời những
sáng tác văn chương như thơ, phú, bài giảng, ngữ lục, văn xuôi và văn thư ngoại
giao. Những tác phẩm văn chương của Trần Nhân Tông đảm đương hai sứ mệnh lịch sử
to lớn của đất nước: hưng văn trị, định vũ công.
Tìm hiểu tinh thần yêu nước, tinh thần hòa giải và yêu thương
trong số 30 bài thơ và đoạn thơ của Trần Nhân Tông ta thấy niềm tin mãnh liệt của
ông vào sự trường tồn vĩnh viễn của dân tộc: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch
mã, Sơn hà thiên cổ vạn kim âu (Xã tắc hai phen bon ngựa đá, Non sông
nghìn thuỡ vững âu vàng). Hai câu thơ đã tạc vào lịch sử niềm xác tín bất di bất
dịch về ý thức độc lập tự cường của dân tộc, hai câu thơ này được ông viết ra
khi đến bái yết lăng tẩm ông nội, giữa lúc hậu quả chiến tranh vẫn còn ngổn
ngang.
Hai câu thơ được tạc vào tượng đồng bia đá, mà người viết ra
nó đã từng hết sức lo lắng trước những đợt tấn công của quân giặc. Con người đó
cũng từng viết vào đuôi thuyền những câu thơ trấn an quân lính khi vận mệnh dân
tộc đang ở thời điểm ngàn cân treo sợi tóc: Cối Kê cựu sự quân tu ký, Hoan,
Diễn do tồn thập vạn binh (Cối Kê việc cũ người nên nhớ, Hoan, Diễn còn
kia mười vạn quân). Sử dụng điển tích từ Việt Vương Câu Tiễn vào đúng thời điểm
quân ta phải chạy ra Đông Hải tránh sự tấn công của giặc, và các cánh quân của
Trần Quốc Tuấn vừa nhóm họp lại, mới thấy tinh thần tự chủ kì lạ của đấng quân
vương trụ cột triều đình. Truyền niềm tin vào quân sĩ, nhân dân bằng thơ ca chứ
không bằng chiếu lệnh, Trần Nhân Tông đã thổi hồn vào dân tộc nguồn cảm hứng
lãng mạn của một thi nhân và tầm nhìn của một triết nhân trong hoàn cảnh rối bời
của chiến tranh, đó chính là sức mạnh của văn chương.
Trong những ngày rong ruổi đánh giặc, Trần Nhân Tông đã viết
những vần thơ thể hiện sự trăn trở trong những đợt chinh phạt ở phía Tây, luyến
tiếc những tháng năm nhàn nhã nơi cung điện: Cảm phàm khinh sấn lãng hoa
khai, Bồng để yêm yêm thủ bất đài, Tam giáp mộ vân vô nhạn đáo, Cữu Than minh
nguyệt hữu long lai. Thê lương hành sắc thiêm cung mộng, Liêu loạn nhàn sầu đáo
tửu bôi, Hán Vũ phiên chiêu cùng độc báng, Nam nhi cấp cấp nhược vi tai. (Tây
chinh đạo trung - Trên đường Tây chinh: Buồm gấm vèo bay hoa sóng tung, Đầu
nghe mỏi mệt dưới mui bồng, Mây chiều Tam Giáp trong: không nhạn, Trăng sáng Cửu
Than thấy: có rồng. Quạnh quẽ dặm xa mơ điện cũ, Vấn vương sầu lắng thấm ly nồng.
Hán hoàng mang tiếng say chinh chiến, Lật đật nam nhi có uổng công)
Với ý chí và nguyện vọng của một bậc vua anh minh mong muốn
xây dựng và bảo vệ hòa bình cho dân tộc, những bài thơ chữ Hán của ông vừa mang
hào khí Đông A trong cuộc chiến tranh vệ quốc, vừa mang vẻ đẹp của mỹ học Thiền.
Hào khí Đông A với tinh thần hòa giải và yêu thương trong những
bài thơ tặng và tiễn sứ có giọng điệu thủy chung ân cần, đôn hậu: Thiều
tinh lưỡng điểm chiếu thiên Nam, Quang dẫn thai triều dạ nhiễu tam. Thượng quốc
ân thâm tình dị cảm, Tiểu bang tục bạc lễ đa tàm. (Tống Bắc sứ Ma hợp, Kiều
Nguyên Lãng - Trời Nam sao cứ chiếu hai ngôi, Dẫn lối ba vòng, đêm sáng soi.
Bên ấy, ơn sâu tình cảm động, Nơi đây lễ bạc, thẹn sơ sài). Đế quốc phương Bắc
thường trực âm mưu thôn tính Đại Việt nhưng Trần Nhân Tông vẫn dùng lời lẽ đôn
hậu chân tình đối đáp nhằm giữ yên hòa hiếu hai nước, và không hề tỏ ra khiếp
uy thiên triều.
Năm 1291, Thượng thư Trương Hiển Khanh sang sứ Việt Nam nhằm
dụ vua Trần sang chầu, và nếu vua Trần không sang thì Hốt Tất Liệt sẽ động binh
lần thứ tư. Trần Nhân Tông vẫn khước từ, và đã tìm cách hóa giải cơn
giận của thiên triều trong cuộc tiếp đón nồng hậu sứ Tàu cùng tặng một bài thơ
ý nhị: Giá chi vũ bãi thí xuân sam, Huống trị kim triêu tam nguyệt tam. Hồng
ngọc đôi bài xuân thái bính, Tòng lai phong tục cữu An Nam (Quỹ Trương Hiển
Khanh xuân bính - Tặng bánh ngày xuân cho Trương Hiển Khanh: Múa giá chi rồi,
thử áo xuân, Hôm nay hàn thực, buổi thanh thần. Bánh rau, xuân sắc đầy mâm ngọc,
Nước Việt tục này theo cổ nhân). Khiêm nhường mà không nhún nhường, tiếp đón thật
ân cần, không gian lễ hội rực rỡ, vui tươi ẩn vào từng câu chữ và câu cuối của
bài thơ kín đáo nhắc nhở cho sử Tàu biết về phong tục cổ truyền của nước Việt,
về bề dày văn hóa Đại Việt - nước nào sao nấy, sao có thể bắt bí nhau được.
Trương Hiển Khanh họa đáp nhà vua bằng những câu thơ đầy thán phục: An Nam
tuy tiểu văn chương tại, Vị khả khinh đàm tỉnh để oa (Nước An Nam tuy nhỏ
nhưng có văn chương, chưa thể nói một cách nông cạn họ là ếch ngồi đáy giếng -
Theo An Nam chí quyển XVII).
Trần Nhân Tông có những vần thơ bay bổng khi tiễn sứ Bắc Lý
Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai: Khảm khảm linh trì noãn tiễn diên, Xuân phong
vô kế trụ quy tiên, Bất tri lưỡng điểm thiều tinh phúc, Kỷ dạ quang minh chiếu
Việt thiên (Sâu thẳm Linh trì, nồng rượu tiễn, Gió xuân không giữ được người
về, Nào hay sao sứ hai ngôi phúc, Còn chiếu trời Nam mấy khúc khuya). Bài thơ
thể hiện những thắng lợi của nhà vua trong ngoại giao, mềm mỏng, tình cảm, đôn
hậu...
Thơ Trần Nhân Tông giản dị mà súc tích, hình ảnh thơ vừa thể
hiện chiều sâu văn hóa vừa thể hiện tài thơ và nhân cách của nhà thơ và có lẽ vẻ
đẹp của mỹ học Thiền tập trung trong những bài thơ viết về mùa xuân, về Thiên
Trường. Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên, Bán vô bán hữu tịch dương biên, Mục
đồng địch lý quy ngưu tận, bạch lộ song song phi hạ điền (Thiên Trường vãn
vọng - Xóm trước, thôn sau tựa khói lồng, Bóng chiều dường có lại dường không,
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết, Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng). Cảnh vật
trong cả bài thơ chỉ là ở một làng quê hết sức bình thường. Nhưng trong cái tưởng
như bình thường đó lại chứa đựng cả một quan niệm về thế giới của tác giả:
Cái có lại chuyển dần thành cái không, cái không lại
xuất hiện cái có (Tất cả nằm giữa hai bờ hư thực, vừa mờ ảo như được
phủ trong khói, vừa rõ ràng đến mức trông thấy cả đôi cò đáp xuống cánh đồng
mênh mông).
Tìm hiểu tinh thần hòa giải và yêu thương trong thơ Trần Nhân
Tông chúng tôi mới nhìn từ ánh hào quang của hào khí Đông A, còn mĩ học Thiền sẽ
là một thế giới thơ cần được nghiên cứu một cách cặn kẽ để nhận ra vẻ đẹp đắm
say, sự tươi tắn nồng nàn trong mỗi vần thơ của bậc thi nhân tài hoa Trần nhân
Tông.
Một danh nhân văn hóa, một bản lĩnh kiên cường, một tâm hồn
sâu sắc, một tình cảm nhân ái... là những gì mà bài viết này muốn hướng đến bắt
đầu từ những bài thơ của vị Vua, vị Thái thượng hoàng, nhà thơ Trần Nhân Tông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét