Từ tro tàn bóng chữ bay lên
“Tôi đã ghé lại đây bởi đầu tiên hai chữ văn chương, nhưng dừng lại
nơi này bởi giản đơn tình bạn” (Đặng Châu Long)
1- Cứ mỗi
lần đọc hay nghĩ về những trang viết của Đặng Châu Long, tôi thường liên tưởng
đến huyền thoại chim Phượng Hoàng, nhưng không phải là chuyện chim phục sinh,
mà là từ đống tro tàn có những bóng chữ bay lên, sống động.
Liên tưởng đó thường làm tôi nghĩ đến sự tái hiện của lịch sử
và văn chương. Là biểu tượng của sự sống và cái chết Phượng Hoàng ở phương Tây
được xem là sinh vật bất tử, vòng đời không bao giờ kết thúc. Khi bị thương hay
thấy mình già yếu, chim sẽ dùng lông của mình để xây một cái tổ rồi tự thiêu bằng
chính nguồn nhiệt của bản thân. Sau đó, từ tro của mình chim sẽ tái sinh.
Tất nhiên thơ văn của Đặng Châu Long không thể và không muốn
làm hồi sinh ai. Mà những trang viết của anh chỉ là sự gợi lại những ký ức về
những người đã đi qua đời mình. Một Chu Trầm Nguyên Minh đa tình và đa
tài, một Nguyễn Ngọc Thơ với nụ cười hồn nhiên và sảng khoái hay từ Trần Hữu Hội,
thân thể mang đầy bệnh tật mà trên môi luôn phát ra nụ cười an lạc bình yên để
ban tặng cho đời. Còn khi viết về một người em trai, người đọc sẽ thấy đâu đó một
tính cách tưởng như ươn gàn, bướng bỉnh nhưng thực chất Đặng Phước Đạt rất yếu
mềm và nhạy cảm...
Lời tường thuật của Đặng Châu Long sinh động nên người đọc sẽ
cảm giác những người muôn năm cũ đang cười cười nói nói, hiện lên từ tro tàn
quá khứ.
Nhưng Đặng Châu Long không chỉ viết về hoài niệm. Anh viết
nhanh, có cái nhìn bao quát và thích chụp hình nên những buổi sinh hoạt đều được
anh ghi nhận đầy đủ. Nhà văn Nguyên Cẩn gọi anh là “nhà văn thông tấn” quả
thật không sai.
Tôi gặp và quen Đặng Châu Long ngay từ lần đầu anh xuất hiện trên Quán Văn [1], sau chuyến
cõng văn chương qua Paris năm 2013 [2]. Bài viết
của anh có những từ lạ và cuối câu thường buông thõng nên làm tôi chú ý. Trước
đó có lẽ anh đã ngừng viết khá lâu: “Nhờ một lần kết nối của anh Chu Trầm
Nguyên Minh, tôi dần hồi sinh cùng văn chương”. Sau khi Chu Trầm Nguyên Minh mất,
chính anh là người lưu giữ thơ văn và khi công bố di cảo làm bao nhiêu người thảng
thốt về nhà thơ, tác giả “lời tình buồn” đa đoan này.
Qua những ghi chép “viết để nhớ” anh đã làm sống lại những hoài niệm, đưa chúng
ta gần nhau để chống lại kẻ thù ác nghiệt nhất của cuộc đời: sự lãng quên.
Gặp nhau ngoài đời, anh Long là một người nhỏ nhẹ và
kiệm lời. Anh thường tự bạch: “Tôi vẫn vốn là người thích đứng bên lề, thích
quan sát đời hơn là gây lời lao xao.” Tôi biết anh sợ nghi thức rườm rà. Những
lần đi thăm thầy cô, anh thích đi một mình vì ngại các bạn đặt nặng hình thức,
mua hoa, quà cáp... để cuộc gặp thiếu tự nhiên. “Tôi vẫn cứ là người đa dại cùng
đời. Không biết dối gian, không biết khom mình đón cơ hội, chỉ biết cùng đời
đón nhận buồn vui”.
(Bầy thỏ)… ngày sinh nhật Đặng Châu Long - 2018
2- “Tôi yêu
quý cõi đời này vô hạn, nhưng cũng trong tâm thế sẵn sàng cho đời bay. Nhưng gì
ngoài tầm tay mình có tiếc cũng hoài công.” “Anh Chu Trầm Nguyên Minh đã
trải một thời gian bạo bệnh dài, đủ để chiêm nghiệm lằn ranh sinh tử và nỗi tồn
sinh. Không như tôi, đã một lần chạm ngõ thiên thu. Đổ sập xuống như một nhát cắt.
May mà hôm đó vợ chồng con gái tôi vừa từ Cambodia về tới và cấp cứu kịp. Chợt
nhận ra mỏng manh kiếp người và qua đời chỉ là một lần bước qua bến bờ khác :
Như tia chớp lóe đường khuya,
Thinh không ta chạm bờ kia nghìn trùng.
Rỗng không, tắt lặng, ung dung,
Tách lìa cơn nhớ trùng phùng thiên thu.
(Đặng châu long - Chạm nẻo tử sinh)
Tôi không quen anh thời gian đó nhưng tin là sau cơn bệnh ấy, Đặng Châu Long đã
trở thành một con người khác, sống với một nhân sinh quan khác và mạnh mẽ hơn!
Một bác sĩ thần kinh người Do Thái, Viktor Frankl, được may mắn sống sót từ trại
tập trung của Phát xít Đức đã từng nói: “Con người tự đứng dậy sẽ mạnh mẽ
hơn người chưa bao giờ té ngã”. Bác sĩ Carl Gustav Jung, cũng đã từng viết là
những giọt nước mắt của phượng hoàng có thể chữa lành vết thương, vì thế nó có
một sức mạnh và không thể bị đánh bại.
Tôi nhắc những điều này không phải để cường điệu Đặng Châu
Long là con người vô hoại, bất tử, không, mà chỉ muốn ghi nhận rằng anh
là người mạnh mẽ và rất trọng tình: “Chỉ có tình đời làm tôi chùng bước.” (“Hoài
cảm một thời). Bởi thế nên anh “Thà chấp nhận thua thiệt để không làm sức mẻ
cái chữ tình”. “Tình bạn. Bạn bè. Bằng hữu. Đó là những cung bậc của một tình cảm,
và có lẽ chỉ khi ta đứng tuổi mới thấy hết sức mạnh của nó. Tội nghiệp cho những
ai cô độc tuổi xế chiều, hắt hiu sống vật vờ chờ số phận để rụi tàn. Chẳng ai
thoát định mệnh, nhưng có thể bình tâm cùng gió đời.”“và tôi chợt buồn cho những
ai tham vọng bất tử, trường sinh. Đó là những con người bất hạnh và cô đơn nhất
trên cõi người. Họ sẽ mãi là trẻ thơ không lớn và sống vật vờ cô độc trên cõi
nhân sinh một cách tội tình.” (Nhĩ thuận tòng
tâm).
Có lẽ cùng quan điểm nên trong những lần hàn huyên cùng
anh, trong thư phòng bộn bề sách vở có khi chúng tôi thường trao đổi với nhau về
lẽ tử sinh. Nếu Elena Pucillo Truong vẫn thường nói “đời chỉ là một hơi thở sao
không sống cho tâm mình đẹp” thì Đặng Châu Long cũng đặt ra những vấn đề tương
tự: “Hình như suốt cuộc đời chúng ta đều tất bật chạy theo những ảo ảnh nhưng rồi
đến một lúc nào đó cũng phải dừng lại và tự hỏi:“Mình đang ở đâu?” “Đã được và
mất gì?” để cuối cùng nhận ra là tất cả chúng ta đều mang trong người một điểm
đến mà không ai có thể tránh khỏi: cái chết. Và nếu chúng ta nghĩ một cách
nghiêm túc về điều này thì nhiều thứ xung quanh ta sẽ thay đổi và chúng ta sẽ
hiểu sống để làm gì, và từ nay sẽ phải làm gì”. Mà thực ra có phải là chỉ tôi
và anh nghĩ đến điều này đâu? Phần lớn bạn bè đều có chung một cách nhìn nên
tình bạn trong sáng và chan hòa, ngoài những trang viết trên Quán Văn, chúng
tôi còn có những buổi sinh hoạt chung mà nói theo cách của Elena thì đó là những
buổi “trị liệu nhóm”. [3]
Trải bao bể dâu tôi cảm giác là Đặng Châu Long vững vàng như
cổ thụ trước mưa bão nên anh là điểm tựa cho bạn bè, người thân. Người đồng
hành với anh, chị Hạnh là người ngọt ngào và tình cảm. Hai anh chị đều là người
được bạn bè quý mến và tin tưởng.
3- Trong Quán Văn chúng tôi có nhiều đồng cảm về tình bạn.
Nếu trong tiểu thuyết Trò chuyện với thiên thần tôi viết “bạn chính
là những người làm cho mình cảm thấy trẻ trung và biết rằng ở đâu đó vẫn còn
người cần đến sự hiện hữu của mình...” thì trong DCL cũng diễn ý ấy bằng
cách khác: “dòng sông đời vẫn ầm vang chảy giữa mùa lũ, và chúng tôi như những
nhánh cây lá nhỏ tơi tả, gắn kết cùng nhau thành những chiếc bè trôi về một
phương vô tận. Nhìn cuồng đời và không muốn rời tay nhau”. “Cuộc sống có
là bao nữa, còn thấy nhau cứ thoải mái cùng nhau. Niềm vui lớn nhất trong giao
tiếp là gặp những người cùng dòng sống, thoải mái bộc lộ niềm vui và nỗi buồn..."
(Nhớ nhau hong một chữ tình)
Từ khi sinh hoạt cùng Quán Văn Đặng Châu Long có nhiều bài viết
và hình ảnh về những buổi sum họp, đến với nhau vì một chữ tình. Mỗi phút ra đi
như sống lại, phục sinh như đi ngược về nguồn: “Khi chúng ta một lần bình
tâm dừng lại bên bờ dòng sông cũ... khi chúng ta cố tìm trong nhạt nhòa ký ức
những hình bóng chập chờn xưa... khi chúng ta nhói lòng nhớ một phai phôi kỷ niệm
man mác không còn định hình nỗi thời không của dòng nhớ ấy... chính là lúc gió
mùa heo may đang tràn tới âm thầm cùng niềm hân hoan và cả nỗi man mác âu lo
cho những người cùng thời, những kẻ cùng tắm chung môt dòng sông ký ức ta.” (Đời
đã đá vàng)
Khi những cánh chim cô đơn tìm về sum họp cùng nhau thì đời sẽ
rất... dễ thương. Khi đó “Sống không còn chỉ là sống”, “Và khi kết nối những
tâm hồn đồng điệu chúng ta cứ vui vì được thoải mái chia sẻ”. “Mỗi lần gặp là một
lần rộn ràng hân hoan trong chân tình cởi mở. Có một điểm chung cho tất cả, đó
là sự giản dị trong vật chất và cảm thông với từng nỗi đời”.
4- Trong những
trang viết, bạn đọc sẽ thấy Đặng Châu Long làm thơ, viết văn và dịch thơ từ
tiêng Pháp.
Thơ của anh nói về thân phận, nỗi đau của con người,
nhưng tất cả đều hòa vào niềm đau của đất nước, của vận mệnh dân tộc. Bằng những
câu chữ đơn giản nhưng đi thẳng vào đời sống xã hội.
... Trong cơn đau thuở nào,
Tôi đã gặp tổ quốc xanh xao ngày thương hận.
Một hình hài nát dấu đạn bom,
Tôi đã ôm người cùng tả nát vào lòng... (Trong đêm tôi vùi khóc)
Tôi đã gặp tổ quốc xanh xao ngày thương hận.
Một hình hài nát dấu đạn bom,
Tôi đã ôm người cùng tả nát vào lòng... (Trong đêm tôi vùi khóc)
Hay:
... Hãy viết những niềm đau lên giấy,
Nhét thật sâu vào hốc đá rong rêu hai ngàn năm tuổi.
Của bức tường than khóc Jerusalem,
Hãy gục đầu lên vách và nhòa lệ cùng tường.
Để đá vô tri cùng chia sẻ đau thương,
Quên vô vọng giữa cõi đời chai lạnh.
Tình người bị quẳng vào hố rác thảm thương,
Hãy nguyện cầu đẩy đưa lời kinh vọng cõi vô thường.
Hãy thành tín với tương lai hoàn sinh cực lạc...
... Hãy viết những niềm đau lên giấy,
Nhét thật sâu vào hốc đá rong rêu hai ngàn năm tuổi.
Của bức tường than khóc Jerusalem,
Hãy gục đầu lên vách và nhòa lệ cùng tường.
Để đá vô tri cùng chia sẻ đau thương,
Quên vô vọng giữa cõi đời chai lạnh.
Tình người bị quẳng vào hố rác thảm thương,
Hãy nguyện cầu đẩy đưa lời kinh vọng cõi vô thường.
Hãy thành tín với tương lai hoàn sinh cực lạc...
(Nghe nói Jerusalem có bức tường than khóc)
Thơ Đặng Châu Long là lời tự tình, là cảm nghĩ của con người
với nỗi buồn, nỗi khổ, niềm đau trong bối cảnh xã hội. Ngôn ngữ trong thơ đơn
giản mà tinh khôi. Anh viết nhẹ nhàng, hí lộng như nói chuyện, không gọt dũa vậy
mà vẫn đầy nhạc điệu. Qua cách viết ta bắt gặp một tâm hồn phóng khoáng, không
bó mình vào sự ràng buộc nào.
Trong văn xuôi cũng vậy, anh viết mà không cố gắng trau chuốt
câu văn, không cần xác định phải viết thế này thế kia mà đi thẳng vào sự việc.
Nhận định về anh, nhà văn Nguyên Cẩn nói: Anh không viết thuần lý hay tự sự mà
anh mô tả, tường thuật.
Cách viết của tôi và anh có thể khác nhau về ngôn ngữ hay
cách diễn đạt, nhưng theo nhận xét của nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy
thì tâm hồn và suy nghĩ của chúng tôi khá giống nhau. Điều này cũng được Đặng
Châu Long chia sẻ: “Chúng tôi hợp nhau từ ý nghĩ đến cách sống. Từ nhân sinh
quan đến lối ăn nép ở. Ăn uống đơn giản, đạm bạc, miễn no lòng là ổn”. Anh
còn thẳng thắn nhận xét: “Gia tài quý nhất của Quán Văn và của Trương văn
Dân chính là Elena. Với Trương văn Dân, một nửa sự nghiệp văn chương là văn dịch
từ Elena, còn với Quán Văn Elena là một người thân mà không ai có thể vượt qua.”
Văn chương của Đặng Châu Long là “viết để nhớ”. Là nhật ký. Để nhớ những
gì cần nhớ, những kỷ niệm không thể lãng quên. Nhưng nói thế có lẽ không mấy
công bằng vì anh đâu thiếu những trang viết trữ tình, mượt mà và lãng mạn: “Trời
se lạnh cuối năm, giữa lất phất mưa nhẹ đã cuốn hút chúng tôi bước tới, đi mãi
dọc con đường lót đá.Trước mắt chúng tôi là biển trong đêm. Những con sóng mù động
ầm ì vỗ, những ánh đàn héo hắt vàng dọc biển đã vô tình tạo một hội ứng màu huyền
ảo giữa bao la biển. Xa xa những ánh đèn nhỏ nhoi như xếp hàng dài ngoài khơi đủ
cho ta biết nơi ấy cũng có những con người,trong đêm cùng những con thuyền,lặng
lẽ kiếm sống.” (Đêm nghe biển gọi)
Bút ký và tùy bút của Đặng Châu Long luôn có những góc nhìn sắc nét, như khi viết
về Măng Đen: “Xe chở chúng tôi hối hả theo cơn mưa chiều nặng trĩu hạt. Cả một
trời mù sương che kín vùng cao nguyên vắng vẻ lặng lẽ như muốn kéo chùng thêm vẻ
thâm u vốn đủ đầy chỗ nguyên sơ,… những dãy lều tạm như những chiếc lều xưa kia
tôi dựng cho những người dân tản cư trong mùa chinh chiến tang thương…”
hay viết trước tượng Đức mẹ cụt tay khi anh em quây quần trong một ngày mưa
gió: “Với những chiếc áo mưa mong manh, chúng tôi ngỡ ngàng trông thấy dáng Mẹ.
Đôi tay cụt, khuôn mặt không thể buồn hơn, ngơ ngác như xót thương cho kiếp
nhân sinh.” (Lắng đọng một chuyến đi)
Qua các bài viết người đọc có thể bắt gặp những suy nghĩ của
anh về cuộc đời và những người đã từng sống và sinh hoạt cùng anh.
5- Dù thể hiện ở dưới hình thức nào, văn
thơ của Đặng Châu Long cũng đều xoay quanh một chữ tình. Những bạn bè cứ
như “Những chiếc bông vụ cứ xoay vòng theo riêng từng quỹ đạo. Tít mù
xoay sau cú hất dây đời, cứ quay, cứ xoay cho đến tàn hơi, thở hắt ra ngơi nghỉ,
lặng im..” và cái tình anh dành cho họ là thương mến, mỗi người được anh
nhắc tên và yêu theo một cách rất riêng: “Đã được năm năm tôi thở hơi nhỏ nhẹ
cùng thân hữu Quán Văn, cùng gia đình Quán văn. Một nơi chốn nhỏ hẹp, cũ kỹ, tồi
tàn nhưng đong đầy tình thân, để tiếp tục quay tròn sau những cơn va vấp giữa đời
say. Và chúng tôi đang cùng quay. Dù cuối cùng cũng rã rời đời.” (Nhớ nhau hong
một chữ tình)
“Tôi đã ghé lại đây bởi đầu tiên hai chữ văn chương, nhưng dừng
lại nơi này bởi giản đơn tình bạn. Những ánh lửa nồng ấm của Nguyên Minh,
Elena, những lòng nhiệt tình của Hoàng Kim Oanh, Ngô Thị Mỹ Lệ, Nguyên Tâm, những
đau đáu nỗi niềm đời của Trương văn Dân, Nguyên Cẩn, Trần Hữu Hội, những gắn kết
thủy chung của Đoàn Văn Khánh, Đoàn Đình Thạch, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Sông
Ba, Mang Viên Long, Lê Ký Thương, Lữ Kiều, Đỗ Hồng Ngọc… như một khát khao cùng
nhau vượt thoát nỗi đời, những con mọt đam mê sách vô cùng tận như Lê Viết Yên.
Và những người thích nhìn ngắm những êm đềm đó như Trường Nghị, Nguyễn Ngọc
Thơ, Hoài Huyền Thanh, Mã Lam, Nguyễn An Bình, Trần Thị Trúc Hạ, Ban Mai,, Từ
Sâm, Tiết Hùng Thái, Triều Hạnh, Đoàn Thị Phú Yên, Phan Trang Hy, Lương Minh,
Nguyễn Châu, Dung Thị Vân… nhiều nữa… như Nguyễn Thị Tịnh Thy… và tôi. Dòng
sông đời vẫn ầm vang chảy giữa mùa lũ và chúng tôi như những nhánh cây lá nhỏ
nhoi tơi tả, gắn kết cùng nhau thành chiếc bè trôi về một phương vô tận. Nhìn
cuồng đời và không muốn rời tay nhau.
Ngày kỷ niệm sáu năm, vui cùng nhau chỉ là lời mời gọi đơn giản,
bình thường, những món quà từng người mang đến giản dị nhưng thực chất gói cả
tình thương yêu trân trọng. Những chiếc bánh kem làm thâu đêm, những nụ cười gặp
nhau rạng rỡ niềm mong, đó là tất cả những gì chúng tôi có thể cùng nhau.”
Phượng Hoàng (phoenix hay phœnix) là một dạng chim lửa linh
thiêng. Khi nhắc về loài chim bất tử này người ta thường mong ước là được sống
hết mình, yêu hết mình, cháy hết mình, để khi tất cả là tro tàn, cùng đứng dậy,
trở thành một con người mới, tiếp tục sống, tiếp tục yêu thương như chưa biết
thế nào là đau khổ.
Đó là một giấc mơ để thoát khỏi những niềm đau ở cái thế giới
bất toàn và đầy bất trắc. Và trong cái xã hội đang vun vút lao đi như hôm nay,
có lẽ những người của một thời xa lắc, chỉ còn cách trú vào văn chương để an
nhiên mà sống.
Chú thích:
Sài Gòn 8-2019
Trương Văn Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét