Di sản Trịnh Công Sơn và cuộc
“Tại Việt Nam, những nghệ sĩ tài hoa, tận tụy nhất được phong
là Nghệ Sĩ Nhân Dân. Anh Sơn không phải là Nghệ Sĩ Nhân Dân, anh là nghệ sĩ của
nhân dân. Anh sáng tác cho nhân loại trên một khung chủ đề bao la: từ tình yêu,
quê hương, thân phận con người tới triết lý sống, và cả nhạc thiếu nhi. Nhạc của
anh ôm vào lòng những người nông dân, người lao động, cùng những trí thức. Cứ
như vậy, anh Sơn thấu hiểu và chạm đến những người anh chưa bao giờ gặp.” -
Trích lời đầu của em gái của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh,
trong buổi gặp gỡ cùng Vietcetera vào trung tuần vừa qua.
“Anh trai tôi không phải Nghệ Sĩ Nhân Dân. Anh là nghệ sĩ
của
nhân dân,” cô Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ nói.
Người trẻ tại tòa soạn chúng tôi lớn lên cùng nhạc Trịnh. Ông
dạy chúng tôi thương người, yêu đất nước. Ông là nguồn cảm hứng để chúng tôi tiếp
tục kể câu chuyện Việt Nam với bạn đọc trên toàn thế giới.
Nhân ngày giỗ cố nghệ sĩ, chúng tôi tìm đến ngôi nhà mà cố nhạc
sĩ từng sống khi còn ở Sài Gòn để thăm hỏi gia đình. Ngồi xuống cùng em gái
ông, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, chúng tôi ôn lại ký ức về anh trai bà và mối lương duyên của ông với Nhật Bản. Bà cũng kể chúng
tôi nghe trải nghiệm Google Doodles vinh danh cố nhạc sĩ, và dự định của
gia đình trong việc chuyển giao di sản văn hóa Trịnh Công Sơn tới thế hệ trẻ.
Cô Trinh và một người trẻ từ Vietcetera.
Ngoài 236 ca khúc đã được công bố, gia đình có dự định gì với
gần 400 ca khúc còn lại? Vì sao trước giờ những ca khúc này chưa có dịp được đến
với đông đảo công chúng yêu nhạc Trịnh?
236 ca khúc của anh Sơn có giấy phép nên đã được thu âm, biểu
diễn, phát thanh. 400 ca khúc còn lại chưa được cấp phép, nhưng ở ngoài kia người
dân vẫn tự hát cho nhau nghe. Bộ Văn Hóa chia sẻ rằng cơ chế mới thoáng hơn, sẽ
mở lối cho những ca khúc đó. Gia đình tiếp tục đối thoại với họ và mong nhận được
những kết quả cụ thể để mọi người được thưởng thức nhiều tác phẩm hơn của anh
Sơn.
Trong 400 ca khúc này, một vài bài anh Sơn đang viết dở hoặc
viết xong mà chưa hài lòng, nhưng không còn cơ hội viết tiếp. Gia đình có ý định
mời thế hệ trẻ tiếp tục sáng tác và trình bày.
Được biết đến là một nghệ sĩ đa tài, ngoài các ca khúc, cố nhạc
sĩ còn để lại những di sản nào?
Anh Sơn yêu sáng tác, dù là thơ, nhạc, văn, hay tranh. Một số
người cho rằng anh còn là một nhà tiên tri vì lời ca của anh như đọc trước được
tương lai.
Anh viết: “Ðêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui.” Có người
nói anh đã biết trước sự thoái trào đạo đức hiện nay, khi xã hội không còn tiếng
súng nhưng vẫn nhiều đau thương. Có lẽ anh đã thấy được viễn cảnh khủng hoảng
văn hóa nơi từng ngày báo chí đưa tin giết chóc, bạo hành, và niềm tin giữa người
với người dần mất đi, nên kêu gọi mọi người “dựng lại người, dựng lại nhà”.
Trịnh Vĩnh Trinh trên con đường lưu giữ và
chuyển giao di sản
của Trịnh Công Sơn tới thế hệ trẻ.
Trong gia đình, những di sản của cố nhạc sĩ được lưu giữ như
thế nào?
Anh Sơn thích cho đi. Hồi còn sống anh vẽ tranh, làm thơ xong
hầu hết mang tặng mọi người, nên di sản của anh ngoài kia còn nhiều lắm. Khi
anh mất, nhiều người còn giữ mảnh giấy, bức hình anh tặng đã mang tới gửi lại
gia đình.
Năm 2011, gia đình cùng một nhóm sinh viên tình nguyện ngồi
sưu tập tất cả bài nhạc, hồi bút, tranh vẽ, thư từ, sổ tay của anh Sơn. Trong
vòng 6 tháng, gia đình liệt kê được khoảng 10 ngàn danh mục.
Chúng tôi đã bàn bạc và thống nhất với nhau rằng di sản này
không còn là của gia đình nữa. Tất cả di sản đó thuộc về người Việt chúng
ta. Trách nhiệm của gia đình chỉ là bảo quản và chuyển giao, mong một ngày nào
đó sẽ được trưng bày trong Không gian Trịnh Công Sơn.
Anh Sơn sáng tác vì người khác. Anh không giữ lại gì cho
riêng mình. Kho tàng của anh, dù là tùy bút cho mẹ hay thư tình cho cô Dao Ánh,
gia đình luôn tìm thời điểm thích hợp để trả lại cho công chúng.
Một góc Trịnh Công Sơn trong căn phòng ông từng sống.
Người trẻ đóng vai trò như thế nào trong đêm nhạc “Nhớ Trịnh
Công Sơn 2019″ nói riêng, và các hoạt động của quỹ Trịnh Công Sơn nói chung?
Anh Sơn rất thích sự mới mẻ. Khi Hồng Nhung mới vào Sài Gòn
và thổi một làn gió mới vào nhạc Trịnh, hay Trần Mạnh Tuấn trình bày nhạc Trịnh
bằng kèn saxophone, anh đều rất hào hứng. Quang Dũng hồi mới từ Quy Nhơn vào
cũng nhiều bỡ ngỡ, may mắn gặp anh Sơn khi anh còn sống nên rất được động viên.
Tuấn Mạnh kết hợp nhạc cổ điển phương Tây với nhạc Trịnh vô cùng được lòng
khách hải ngoại. Chúng ta còn có em Trọng Nhân từ Vietnam’s Got Talent đánh trống.
Tuy Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là cặp đôi trứ danh, chưa chắc
thế hệ trẻ về sau sẽ thích nghe nhạc đó. Người hâm mộ của chị Mai (ca sĩ Khánh
Ly) có thể không hài lòng lắm khi nhạc Trịnh được hát bởi những ca sĩ trẻ
khác. Nhưng nhạc Trịnh phổ rộng nên không gò bó vào một cá nhân, phong
cách nào được. Nhạc Trịnh cũng không phân biệt tuổi tác, tầng lớp. Gia
đình và cố nhạc sĩ luôn khuyến khích các bạn trẻ khám phá, thử nghiệm và lưu
truyền ca từ Trịnh Công Sơn.
Tuy nhiên thử nghiệm không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ngày
trước, khi gia đình tổ chức show nhạc Trịnh, có người đề nghị mời ca sĩ Tùng
Dương vào góp giọng. Hồi đó Tùng Dương vẫn là gương mặt mới từ Hà Nội, gia đình
chưa biết nhiều về em. Chúng tôi nghe tiếng tăm Tùng Dương biểu diễn “lên đồng”
thì bối rối lắm, nhưng bạn bè ở Hà Nội đã động viên để gia đình đồng ý cho em
vào hát thử. Vậy mà cuối cùng Tùng Dương biểu diễn rất thành công. Và năm nay
Tùng Dương cũng sẽ có mặt trong Tuần lễ Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn.
“Năm 2011, chúng tôi cùng các bạn sinh viên sưu tập tất cả
bài nhạc, hồi bút, tranh vẽ, thư từ, sổ tay của anh Sơn, liệt kê được khoảng 10
ngàn danh mục,” cô Trinh chia sẻ.
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn là một lăng kính mang đậm tính
nhân văn vào lịch sử đất nước. Những giá trị giáo dục này đang được khai thác
như thế nào?
Rất vui là một số đại học ở Mỹ và Nhật Bản đã đưa âm nhạc Trịnh
Công Sơn vào chương trình giảng dạy. Tại Việt Nam, Đại học Fulbright, một trường
tân tiến bậc nhất cũng đang xây dựng giáo trình môn Trịnh Công Sơn Học. Gia
đình đã tiếp đón nhóm sinh viên đầu tiên của trường ở Huế trong đợt thăm quan vừa
rồi và kết thúc chuyến đi nghiên cứu này với một đêm nhạc Trịnh Công Sơn.
Quỹ học bổng Trịnh Công Sơn mong muốn gì cho thế hệ trẻ?
Anh Sơn thuở sinh thời luôn quan tâm đến tài năng trẻ của Việt Nam. Trong cuộc sống, gặp bạn
trẻ nào khó khăn mà ham học anh cũng giúp đỡ như con cháu trong nhà. Học bổng
Trịnh Công Sơn thực chất là chính thức hóa chuyện anh Sơn vẫn làm bấy lâu, tiếp
nối nguyện vọng cho đi của anh.
Cũng như mọi người, gia đình chúng tôi luôn có ước mơ một
ngày nào đó đất nước Việt Nam có nhiều người tử tế hơn. Học bổng Trịnh Công Sơn
là một hành động góp sức tạo nên điều đó. Trong tương lai, chúng tôi cũng muốn
hỗ trợ cả những bạn trẻ tài năng ngoài lĩnh vực âm nhạc.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mơ một ngày
Việt Nam nhiều người tốt
bụng, tử tế.
Gia đình tìm kiếm những ai để trao học bổng Trịnh Công Sơn?
Để đảm bảo Quỹ tuyển chọn đúng hiền tài, chúng tôi buộc phải
khó tính. Đối với anh Sơn và gia đình, tài năng thôi chưa đủ, bạn trẻ còn phải
có tâm và có đức. Thái độ học tập phải kiên trì, không tự cao quá sớm,
không phân biệt hèn sang với đồng bào của mình.
Nhiều bạn thật sự có tài năng và đã nộp đơn xin học bổng. Rất
tiếc, gia đình phải từ chối sau đợt phỏng vấn bạn đó và gia đình bạn. Tuy
nhiên, có những em gia đình rất tin tưởng gửi gắm như Trọng Nhân và An Trần, Đại
sứ của Quỹ học bổng Trịnh Công Sơn.
Ngày 28.02.2019 vừa qua, Google Doodles đã vinh danh cố nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào với gia đình?
Đêm hôm đó đúng 0:05, gia đình bắt đầu nhận được tin nhắn và
cuộc gọi tới hỏi thăm, chúc mừng từ khắp thế giới. Điện thoại liên tục reo. Người
hâm mộ xôn xao. Ngày hôm sau, 300 bài báo lên sóng về anh Sơn. Rất trùng hợp,
hôm đó cũng là ngày Donald Trump và Kim Jong Un gặp nhau tại Hà Nội để đối thoại về vũ khí hạt nhân và hòa bình thế giới.
Thực ra 6 tháng trước đó Google đã liên hệ với gia đình từ Trụ
sở Đông Nam Á ở Singapore với một bản thảo không thể đầy đủ hơn về ý tưởng này.
Họ làm việc độc lập nhưng rất tôn trọng gia đình. Vậy nên chúng tôi vui vẻ
thông qua và xác nhận đồng ý.
Khung cửa sổ nơi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ngồi sáng
tác.
Không những nhận được sự yêu mến của người Việt, nhạc Trịnh
Công Sơn còn rất được yêu thích tại Nhật Bản. Điều gì đã tạo nên mối lương
duyên giữa cố nhạc sĩ và đất nước này?
Trong chiến tranh Việt Nam, có nhiều phóng viên Nhật tới làm
việc và đưa tin, một vài người trong số họ đã ngã xuống mãi mãi. Những người trở
về kể cho nhau về lời ca của Trịnh Công Sơn. Nghe tiếng tăm người nhạc sĩ chống
chiến tranh, Đài truyền hình Quốc gia Nhật mời anh Sơn tới Nhật biểu diễn.
Từ những năm 60 ấy, nhạc Trịnh bén duyên với Nhật Bản. “Diễm
xưa” và “Ngủ đi con” bán được 2 triệu đĩa như một kỷ lục của người nước ngoài
trong xã hội Nhật vốn bảo thủ, khép kín. Một vài thập kỷ sau, khi gia đình
chúng tôi gặp phái đoàn Chính phủ Nhật tại Hội nghị APEC, tôi đại diện Việt Nam
hát bài “Diễm xưa”. Việc này gây ngạc nhiên cho phái đoàn Nhật. Họ không tin đó
là một bài hát của Việt Nam vì nó phổ biến đến nỗi người Nhật xưa nay có ấn tượng
đó là nhạc Nhật.
“Ngày đó anh trai tôi và một nữ giáo sư người Nhật yêu nhau.
Họ mua nhẫn chuẩn bị cưới rồi, nhưng vì biến cố mà phải hủy hôn,” cô Trinh nhớ
lại.
Cũng nhờ đó mà bà Tokiko Kato, đại danh ca người Nhật dẫn đầu làn sóng phản đối
chiến tranh, biết đến anh Sơn và giúp phổ biến ca từ của anh tại Nhật. Năm nay,
bà tới Việt Nam thăm gia đình tôi và hát trong Tuần lễ Trịnh Công Sơn.
Trong bộ phim sắp tới về Trịnh Công Sơn bởi đạo diễn Phan Gia
Nhật Linh, mối lương duyên của ông với nước Nhật được tái hiện như thế nào?
Ngày đó anh trai tôi và một nữ giáo sư người Nhật yêu nhau.
Bà là người đầu tiên làm luận án thạc sĩ về nhạc Trịnh tại Pháp. Họ mua nhẫn
chuẩn bị cưới rồi, nhưng rất tiếc vào phút cuối anh tôi tự động hủy hôn.
Nhiều năm sau đó, cô Đinh Thị Hoa, Chủ tịch Galaxy Studio
chia sẻ với gia đình ước mơ làm một bộ phim về Trịnh Công Sơn. Mới đây gia đình
đã ký hợp đồng hợp pháp và đang song hành cùng hãng phim Galaxy để kể lại chính
mối lương duyên này.
Nhớ Trịnh Công Sơn tại Sài Gòn.
Những nhạc sĩ kỳ cựu trên thế giới thường có bảo tàng được đặt
tại quê hương của họ, gia đình có dự định này không?
Căn nhà nơi anh Sơn từng sống ở đường Phạm Ngọc Thạch có rất
nhiều người muốn tới thăm, nhưng rất tiếc gia đình không thể mở cửa mỗi ngày
trong năm mà chỉ dành cho ngày giỗ 1.4 mà thôi.
Gia đình đang xây dựng một Không gian Trịnh Công Sơn ở Huế gồm
bảo tàng, nhà nguyện tình yêu, khu biểu diễn trong nhà và ngoài trời. Kiến trúc
sư đã thiết kế xong, và gia đình đang hoàn thành những thủ tục cần thiết cho dự
án này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét