Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

Âm nhạc xứ Thanh đồng hành cùng sự phát triển của quê hương, đất nước

Âm nhạc xứ Thanh đồng hành cùng 
sự phát triển của quê hương, đất nước
Trong suốt tiến trình lịch sử, người xứ Thanh qua bao nhiêu thế hệ, thăng trầm, biến ảo đã biết chắt chiu mạch nguồn tinh hoa văn hóa vun đắp nên lời ca, tiếng hát. Những lời ca, tiếng hát ấy trở thành nguồn động lực tinh thần to lớn đồng hành cùng những chặng đường phát triển vẻ vang của mảnh đất xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung.
Ngay từ thuở “bình minh” của loài người, âm nhạc đã xuất hiện. Bằng cách này hay cách khác, từng thanh âm, từng lời ca, tiếng hát vẫn cứ ăn sâu vào tiềm thức, nuôi dưỡng tâm hồn con người. Xứ Thanh - mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi lắng đọng hồn sông núi với những tinh hoa văn hóa đặc sắc lại càng không thể thiếu vắng dòng chảy âm nhạc trong cội nguồn đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân.
Đó là tiếng trống đồng, tiếng cồng, tiếng phách âm vang ngàn năm, nhắc nhớ về một thuở dân tộc Việt kiên cường đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng. Trống đồng Đông Sơn được xem là tinh hoa của trời đất, khí thiêng sông núi chung đúc. Trong chiến trận, giặc xâm lược nghe tiếng trống đồng, tướng sĩ bao phen ôm đầu chạy trốn. Thời Trần, sứ nhà Nguyên sang nước ta thông hiếu trong bữa tiệc chiêu đãi, nghe nhạc trống đồng còn ám ảnh bởi ba lần chúng sang xâm lược đều bị thảm bại kinh hoàng, đến nỗi phải giật mình hoảng sợ: “Nghe tiếng trống đồng tóc bạc hoa!”. Nhưng tiếng trống đồng Đông Sơn không chỉ là tiếng trống trận mạc, chiến tranh. Những âm thanh thiêng liêng ấy của người Việt yêu hòa bình, vang động trời đất, chủ yếu để cầu mùa, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi. Đó cũng là tiếng trống tưng bừng mùa lễ hội, náo nức làng quê, rộn ràng sông nước. Cùng với tiếng trống là nhịp điệu chày kềnh côông giã gạo, tiếng chiêng, tiếng cồng lễ hội bình bôông âm vang bất tận... Đâu chỉ có tiếng trống đồng Đông Sơn làm kinh hồn, bạt vía quân thù; lịch sử dân tộc vẫn còn vang mãi tiếng cồng Bà Triệu “thao binh luyện tướng, hiệu triệu dân chúng, ra lệnh tiến binh, thúc quân xông trận, thu quân mừng chiến thắng”... Tiếng cồng ấy đi vào tiềm thức mỗi người dân đất Việt qua lời ru âu yếm, ngọt ngào của mẹ: “Ru con con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi/ Muốn coi lên núi mà coi/ Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng...”. Ngày nay, trong nhịp sống của đồng bào Thái, Mường, cùng với điệu hát Khặp, hát Xường... tiếng cồng trở thành đặc trưng văn hóa tiêu biểu, phản ánh đời sống tinh thần phong phú.
Từ nền văn hóa nguyên thủy tối cổ núi Đọ đến văn minh Đông Sơn, quê hương trống đồng Việt Nam, khẳng định xứ Thanh một miền văn hóa lớn... với nền văn minh lúa nước tiêu biểu của vùng Đông Nam Á - nhận định của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ đã phác họa trước mắt người đọc những cột mốc phát triển rực rỡ nhất của “Thanh kỳ khả ái”. Từ nền văn minh lúa nước tiêu biểu ấy đã góp phần sản sinh ra nền âm nhạc dân gian gần gũi, bình dị mà không kém phần hấp dẫn như: Múa đèn Đông Anh, hát múa chèo chải, điệu hò sông Mã...
Dẫu ai đi ngược về xuôi, đã là người con của quê hương sông Mã sao không khỏi tự hào về điệu hò khoan dô tả dô ta “mang dấu ấn xứ Thanh địa đầu miền Trung đất nước”. “Tiếng hò” đầu tiên của người chống đò dọc sông Mã cũng đơn giản như tiếng “hò”, tiếng “hô” của người kéo gỗ, vác thuyền, những công việc vắt kiệt sức kẻ lao động thời xưa. Nhưng với hiện thực lao động vất vả kết hợp với tính cách phóng khoáng, tâm hồn nghệ sĩ - vốn đã là bản chất của người xứ Thanh, hò sông Mã được sáng tạo dựa trên thể loại thơ lục bát giàu tính âm nhạc, trở thành hình thức dân ca sông nước đặc sắc. Nào điệu “hò mời khách”, “hò đò xuôi”, “hò vượt thác”, “hò mắc cạn”, “hò đò ngược”, “hò niệm Phật”... Giữa mênh mông sóng nước, “hành khách nằm, ngồi trong khoang là thính giả thưởng thức văn nghệ, say sưa theo từng làn điệu lời ca trên mỗi chặng đường, quên đi sự mệt mỏi đường dài sông nước. Họ có thể thiu thiu ngủ hoặc đánh một giấc ngon trong tiếng “hò đò xuôi” êm ái như ru, lẫn tiếng sóng nước vỗ nhẹ mạn thuyền, tựa bàn tay âu yếm vỗ về đưa người ta chìm vào cõi mộng. Nghe làn điệu hò người ta có thể đoán biết con đò đến khúc sông nào, bến bờ nào. Những khách quen ngược xuôi với con đò, bị tiếng hò lôi cuốn, cũng “xướng” theo người cầm lái hoặc “xô” cùng anh trai đò. Những tiếng vỗ tay tán thưởng của khách đi đò nhiều khi cũng vang lên trên con thuyền ngược xuôi sông Mã làm vơi đi nỗi vất vả lao động và sự mong mỏi suốt đêm dài thao thức. Như vậy, hò sông Mã không chỉ là biểu tượng đẹp của tâm hồn, cốt cách người xứ Thanh mà hơn hết, song hành cùng sự phát triển của đất nước, nó còn đại diện cho một giai đoạn phát triển của mảnh đất này. Đó là giai đoạn mà sông Mã trở thành huyết mạch giao thông, “dòng máu chính nối miền ngược với miền xuôi, là sợi dây kết chặt các dân tộc anh em thống nhất, sum họp một nhà tự nghìn xưa, thuở Thanh Hóa mang tên bộ Cửu Chân, thời Hùng Vương dựng nước. Sứ giả của bốn vùng đất: Núi ngàn, trung du, đồng bằng, duyên hải là con đò dọc sông Mã và tiếng hò của dòng sông thiêng này là bản trường ca bất tận”.
Kế thừa và phát huy giá trị di sản âm nhạc dân gian mà cha ông vun đắp, trao truyền, thế hệ cháu con hôm nay đã, đang và sẽ tiếp tục viết tiếp chặng đường phát triển của quê hương, đất nước bằng những lời ca, tiếng hát lay động lòng người. Ví như cái cách mà ca khúc “Chào sông Mã anh hùng” của nhạc sĩ Xuân Giao gieo vào tâm hồn biết bao thế hệ người yêu âm nhạc xúc cảm lâng lâng về một Thanh Hóa anh hùng, kiên cường trong chiến đấu. Giai đoạn lịch sử hào hùng ấy đã trở thành chất liệu văn học - nghệ thuật xuyên suốt hành trình phát triển, đánh dấu thành công của nền âm nhạc tỉnh nhà với những ca khúc nổi tiếng như: “Thanh Hóa anh hùng” của nhạc sĩ Hoàng Đạm, “Cây lúa Hàm Rồng” của nhạc sĩ Đôn Truyền, “Nhịp cầu sông Mã” của nhạc sĩ Lê Xuân Thọ...
Đâu chỉ có những người con của mảnh đất xứ Thanh khi viết về quê hương mới da diết, dạt dào yêu thương. NSND Nguyễn Tiến tuy không sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này nhưng khi viết “Về với xứ Thanh” vẫn đủ sức lay động biết bao trái tim người nghe. Từng giai điệu bài hát khi cất lên như lời mời gọi tha thiết, đậm chất tình: “Về đi anh đưa ta về xứ Thanh lung linh trong màu nắng/ Về đi anh Thanh Hóa anh hùng, dô tá dô ta qua bao đời trận mạc/ Ngả nghiêng bóng kinh thành đất nhân kiệt địa linh/ Về đi anh thì ta mới thấu tình người xứ Thanh”. Tình người mênh mang trở thành nhịp cầu nối những bờ vui, đưa “du khách” thập phương ghé thăm xứ Thanh qua từng câu hát. Từ lịch sử hào hùng với: “Triệu Trinh nữ năm xưa cưỡi voi đánh giặc/ Đất hội quân năm nào Lê Lợi còn in sâu” đến chiến thắng Hàm Rồng oanh liệt bên dòng sông Mã, hình ảnh mẹ Tơm “nặng tình đầy thơ ai”... Mỗi sự kiện, chứng nhân ấy như nét chấm phá đặc sắc trên hành trình xây dựng và phát triển của quê Thanh – một miền quê “vạn thuở vẫn anh hùng”: “Bao bậc đế vương xưa, bao kinh thành phủ bụi/ Bao chiến công oai hùng một thời liệt oanh/ Như hạt sương long lanh dâng cho đời mai sớm/ Ơi Thanh Hóa quê ta vạn thuở vẫn anh hùng”.
Dõi theo từng bước đi của quê hương, đất nước chẳng khi nào vắng bóng người bạn âm nhạc đồng hành. “Đẹp đôi trai gái tỉnh Thanh”, “Đường về Thanh Hóa” của nhạc sĩ Nguyễn Trọng, “Nồng nàn khúc hát tỉnh Thanh” của nhạc sĩ Thế Việt, “Về với xứ Thanh”, “Xứ Thanh - một miền non nước hữu tình” của NSND Nguyễn Tiến... vừa là sự ghi nhận, vừa là lời động viên các thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chung sức đồng lòng, vững bước trên con đường phát triển. Ông Vũ Vương Huỳnh, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn chia sẻ: “Có thể nói, xứ Thanh là một trong những “cái nôi” văn hóa - nghệ thuật của nước ta. Con người xứ Thanh cũng rất yêu nghệ thuật. Đó vừa là nguồn chất liệu vừa là động lực thúc đẩy nghệ sĩ thăng hoa sáng tạo”. Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, âm nhạc đã đóng góp nhiều ca khúc hay, chương trình nghệ thuật đặc sắc, làm phong phú thêm sắc màu văn hóa quê hương. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự thiếu hụt của đội ngũ sáng tác, nhất là những nhạc sĩ có hiểu biết sâu sắc, thấm nhuần giá trị văn hóa xứ Thanh nên mặc dù hoạt động sáng tác âm nhạc vẫn diễn ra rất sôi nổi nhưng chưa tạo nên tác phẩm có tiếng vang, gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng. Vì vậy, để hoạt động nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng thực sự trở thành người bạn đồng hành xứng tầm với sự phát triển của quê hương, đất nước, các cấp, ban, ngành của tỉnh cần xây dựng phương sách, chiến lược, quan tâm, đầu tư đúng mức. Trong đó ngoài việc chủ động “tìm nguồn” đặt hàng cần tích cực mở các lớp bồi dưỡng, trại sáng tác cho nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh tham gia; đồng thời có cơ chế để thu hút những nghệ sĩ nổi tiếng; kêu gọi những nghệ sĩ xứ Thanh trên khắp cả nước biết hướng về nguồn cội, tham gia sáng tác, dàn dựng những tiết mục, chương trình nghệ thuật có chất lượng, góp phần làm rạng danh thêm cho quê hương. Qua đó, vẻ đẹp của đất và người xứ Thanh có sức lan tỏa rộng lớn, trở thành tiềm năng, thế mạnh thu hút đầu tư, kích cầu du lịch, phát triển kinh tế, an sinh xã hội...
* Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh” - NXB Thanh Hóa, 2019 của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ.
21/3/2020
Thảo Linh
Theo http://baothanhhoa.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...