Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Mùa xuân và thơ tình Bùi Giáng

 Mùa xuân  thơ tình Bùi Giáng

Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân… Bùi Giáng,một thi sĩ đặc biệt của nền thơ đa dạng Việt Nam hiện đại. Người ta đã nói nhiều về ông và chắc theo thời gian về ông còn nói nhiều nữa! Bùi thi sĩ sinh ngày 17-12-1926 tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, mất năm 1998 tại Sài Gòn. Ông là con trai thứ của ông Bùi Thuyên và bà vợ lẻ Huỳnh Thị Kiềng. Tốt nghiệp trung học khi tuổi vừa đôi mươi , học chưa xong Đại học Văn khoa, ông bỏ dở, đeo đuổi sự nghiệp văn chương. Văn nghiệp của ông gồm nhiều thể loại: Lý luận - phê bình, biên khảo triết học, dịch thuật văn chương, sáng tác Thơ, Văn… Lĩnh vực được người đọc nhắc đên nhiều chính là Thi ca, có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu: Mưa nguồn, Rong rêu, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột, Mười hai con mắt, Mùa màng tháng tư, Bài ca quần đảo,Màu hoa trên ngàn, Đêm ngắm trăng, Thơ vô tận vui v.v... Bằng một phong cách nghệ thuật rất riêng, ông đã tạo nên một cõi mông lung huyền ảo về quê hương, đất trời, về cỏ hoa muôn vật, về nhân sinh, về Đạo… Tất cả như lãng đãng sương mù, như hoa đăng, ảo ảnh. Thế giới trong thơ ông như trong một kính vạn hoa. Ông là một bậc thầy về ngôn ngữ Việt và thể tài thơ lục bát. Thơ ông có nhiều câu, nhiều bài rất thuần khiết nhưng cũng có nhiều bài lời thơ mơ hồ phiêu lãng chập chờn giữa đôi bờ thực và mộng, nối cõi nhân sinh trầm luân thực tại và thế giới ảo huyền siêu thoát. Nó là những cơn mơ giữa đời thực, đôi khi như là một “ru - bích” của trò chơi tâm linh.
Trong cái biển thơ mông lung huyền ảo đó ta bắt gặp một dải thơ nói về tình yêu khá chân tình và giản dị, tuy cũng không thoát khỏi cái sương khói mơ màng chung của thơ ông.
Thơ tình Bùi Giáng tỏa thành hai nhánh, một về cõi thực, một về cõi mơ và đều gắn với một không gian, một xứ quê mà ông gọi là “cố quận”. Đó là một quê thực xứ Quảng của ông nhưng cũng là một xứ mơ, một quê xưa, nước cũ đầy khái quát mơ hồ.
… Đất hoa khóc vĩnh biệt người
Ngàn cây cố quận đôi lời sương thu…
Dọc theo miền Trung cằn khô chúng ta tới đất Quảng, ngược dòng Thu Bồn đến sông Vu Gia, rồi ngược mãi lên sông Côn, sông Bung, qua Hòn Kẽm, Đá Dừng… nghe bâng khuâng những câu ca dao xa xót một thời xứ sở phân tranh
“Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi!”.
Cuộc hành trình tiếp tục, ta sẽ như thấy mình trôi trong cổ tích: một sông nước mênh mông, những làng thôn trải dài qua những nương dâu xanh ngát, kẽo kẹt xa quay tơ tằm vàng óng, sẽ hiểu thêm một phương diện thực tế của hai từ “cố quận”. Đó chính là nơi chôn rau cắt rốn, nơi chứa đầy những kỷ niêm một thời của ông. Nhớ người từ những buồn vương, xa người từ thuở đoạn trường diễn ra? Cuộc thế thăng trầm buồn vui hư ảo, khi muốn trở về thưc tại, về với những an ủi, về với cái thuở ban đầu đầy ấp iu nồng đượm, con đường ngắn nhất và dễ tìm về nhất là cố quận - quê xưa!
Khi nói về những mối tình, về những người con gái đi qua đời mình, Bùi thi sĩ đều mơ màng và nâng niu. Kỷ niệm sau đây về một người cũ nơi miền quê xa thấm đượm một tình cảm se sắt, trìu mến:
Bây giờ em đứng nơi đâu
Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao?
Gắng thu xếp gấp rồi vào
Tấm quần năm trước phai màu rồi phải không?
Trong này thiên hạ rất đông
Ăn mặc thật đẹp nhưng trong không mặn mà bằng em...
Nhà thơ buồn nhớ không biết em giờ ở đâu và “cỏ trong mình mẩy” của em “sầu ra sao?”. Câu thơ đầy ẩn ý, hư hư thực thực, trần thế mà phiêu bồng, rồi “Tấm quần năm trước phai màu rồi phải không?” Tại sao là “tấm” mà không là “cái”, là “chiếc” hay chỉn chu hơn là ”manh” (tấm áo, manh quần). Chữ “tấm“ ở đây rất dân giã thể hiện được cái nghèo của đối tượng nhưng phủ đầy sự thân thương của tác giả .Chao, thi sĩ tuy mơ màng nhưng câu hỏi ở đây, rất thực, rất chân tình, có cái gì như bẽ bàng như trách móc mà cũng đầy thương yêu!
“Trong này thiên hạ rất đông” - người thành phố mà, ăn mặc cũng thật đẹp nhưng tác giả không thấy “mặn mà” như em nơi thôn dã (chắc em ở miệt ngoài chân quê). Con người bao năm mơ màng nơi phố phường nhưng tận sâu trong lòng vẫn da diêt một thâm tình quê kiểng, nâng niu vẻ đẹp mặn mà nguyên sơ. Và với một tình cảm như vậy nên từ khi cất bước “khắp bến giang hà” thì ở đâu cũng không nghĩ đến ai khác ngoài em thân thuộc, ngọc ngà “Nơi nào cũng thấy ngọc ngà đèo truông”.
Câu thơ gợi cả hai trường nghĩa đen và nghĩa bóng! Còn thì nhớ nhung, mất thì xa xót, cái tình người của Bùi cũng rất nhân thế.
Người bạn tấm mẳn của Bùi Giáng qua đời đã ngót nửa thế kỷ, có lẽ cảnh chia biệt đó đã tạo cho ông những xót xa buồn khổ, để rồi từ đó ông thổ lộ một cách vô cùng sâu sắc trên những trang thơ, dựng nên bóng dáng ấm áp của những người em, người vợ. Một nỗi nhớ nhung xa xót khôn nguôi,đôi tình nhân lỗi hẹn:
Em ở lại với đời ta em nhé
Em đừng đi cho ta nắm tay em...
Bên cạnh những người em rất thực thì thơ Bùi cũng thường nói nhiều đến những người em rất mộng - nguồn tạo sinh muôn màu trong cuộc thế! Những vần thơ xinh tươi diễm ảo đầy sức khêu gợi nói về cây cỏ, mặt trời, chim chóc… tất cả đều trào dâng sức sống, đều từ em, nhờ em mà sinh sôi.
… Một hôm nào em mở cửa đầu khe
Và bữa đó đến bây giờ cỏ rạ
Thi nhau mọc mặt trời lên lả tả
Bông lúa chín trong rừng kêu tiếng lá
Chóc chim xanh đòi đẻ trứng bây giờ…
Em là cái chân dung toàn thiện toàn mỹ của người nữ trong cuộc đời: em ở khắp nẻo đường, em là mây gió, là cây lá, là sông hồ... Tác giả nâng hình ảnh em lên tầm hoàn vũ:
… Em là em anh đợi khắp nẻo đường
Em có nụ cười buồn mây mọng
Em có làn mi khép lá cây rung
Em có đôi mắt như sầu xanh soi bóng
Hồ gương ơi! Sao sóng lục vô chừng!
Những câu thơ vừa thực vừa ảo. Những câu thơ nói về một người con gái đẹp đẽ, thánh thiện nhưng là của một tình yêu chiêm bao, một tình yêu khoáng dật vô thường!
Ta sẽ đặt mười ngón tay lên mắt
… Ồ thưa em ta thấy mộng không thường.
Cái chất Bùi Giáng huyễn hoặc thể hiện ở cái “mộng không thường” này. Em như sương khói, như suối nguồn, em đến làm dịu mát tâm hồn thi sĩ nhưng em không hiện hữu trong đời thực, dẫu “ôm em trong vòng tay” thì “em vẫn trôi”, “vẫn chảy lọt qua hai vòng tay khép chặt”!
Ta thả một chiếc lá, chiếc lá trôi
Ta thả một con thuyền giấy, con thuyền giấy trôi
Ta ôm em trong vòng tay, Em vẫn trôi…
Tình yêu trong thơ Bùi Giáng, đối với chúng ta vẫn như một định đề muôn thuở, vừa quen vừa lạ. Quen vì nó mang đến cho hồn ta sự ngọt ngào của tình người như rượu ngọt và cũng mặn chát bẽ bàng như thuốc đắng, mà thiếu nó vũ trụ sẽ không hồn. Nó lạ vì khác những tình yêu mà ta đã gặp hoặc nồng nàn như Xuân Diệu, bẽ bàng như Huy Cận, phiêu du như Vũ Hoàng Chương…, tất cả đều rất thực, thực đến mức “cắn”vào được, nhưng cáí tình của Bùi lại lưỡng phân vừa thực vừa mộng, vừa đời vừa đạo, vừa chạm tay vào đã sương khói bay xa, đôi lúc ảo giác và cuồng vọng gần với Hàn Mặc Tử…
Một sắc thái khác của thơ tình Bùi Giáng không thể không nói đến, bên cạnh cái đằm thắm, cái ảo huyền lại còn nữa cái đuà cợt châm biếm. Một sắc thái “tự trào” làm đa dạng thêm cái “Tình“ trong thơ ông. Một cái tình thoáng qua,một cái tình thất vọng nhưng sự thất vọng, sự bất lực được thể hiện trong một chuỗi cười rất đáng được chia xẻ.
Gọi là gặp gỡ giữa đường
Trái tim không chịu giữa đường rút lui
Bỏ đi buồng phổi sụt sùi
Trái tim không chịu lau chùi máu me… (Kẻ qua đường)
Nhà thơ không nói gì đến cái đối tượng ái tình cuả mình, không cầu xin, không trách móc như những vần thơ khác trong trường hợp tương tự ta thường gặp. Ở đây nhà thơ chỉ nói về cái “tình si” quá mức của mình, vừa bày tỏ vừa chế giễu, nhưng chắc rằng, sau cái “sụt sùi”, cái “máu me” này nhà thơ chúng ta vẫn vui vẫn sống. Đó là cái nét ngồ ngộ của ái tình Bùi Giáng mà có người cho rằng “thái độ hậu hiện đại trong thơ” (Hoàng Ngọc Tuấn).
Bản chất của những vần thơ tự trào là nhà thơ “tự yêu” cái kém cỏi, cái bất lực, cáí vô dụng của mình; tự cười nhạo, tự chế giễu, nhưng đằng sau cái cười nhạo đó âm thầm che giấu một tâm tình kiêu bạc thách thức
“Ta trong giữa đời đục”!
Đã hơn mười mùa xuân thi sĩ ra đi, văng vẳng bên tai ta một câu hỏi đau đáu khi xuân về:
Mùa xuân em có về không?
Nhành mai cố quận trổ bông dịu dàng…
Câu hỏi nghe xao xuyến và nếu ta thay “cố quận” bằng một tên làng cụ thể thì câu thơ quả thực chính là tâm trạng của chính ta, của bao người xa quê, bao kẻ ra đi vì cuộc mưu sinh mong ngóng ngày gặp gỡ nhất là những dịp xuân về tết đến... Nhưng “cố quận” của Bùi Giáng phải chăng là một từ phiếm chỉ, một miền đất đã lìa xa, một kỷ niệm, một ước vọng hơn là một thực tại. Và người em, và tình yêu nơi ông cũng chỉ gợi ta về một giấc mộng nơi “bờ nước cũ” của người “em xưa”.
Ta sẽ đến đứng bên bờ nước cũ
Mộng xanh ngần giậy nối giấc em xưa…
hoặc may mắn hơn, thì cũng chỉ là chốn đào nguyên tương tư hai hình bóng:
Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó
Bến đào nguyên anh khoác áo khinh cừu…
Bùi Giáng quả một thi sĩ đặc biệt, thật khó hình dung nền thơ Việt Nam hiện đại lại thiếu ông. Thơ tình của thi sĩ góp phần tạo nên cái sự riêng, cái nét đặc biệt đó.
Hà Quảng
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...