Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Cao Bá Quát với cuộc hành trình đi tìm lại chính mình

Cao Bá Quát với cuộc 
hành trình đi tìm lại chính mình

Cả cuộc đời và sự nghiệp văn thơ của Cao Bá Quát là một chuỗi dài những bi kịch của cuộc tìm kiếm không ngừng, không nghỉ về lẽ sống ở đời, về vai trò của văn thơ nói riêng, về kẻ sĩ nói chung. “Mình là ai?” “Mình có thể làm được gì? Làm thế nào để có thể tự khẳng định mình và có thể giúp ích được cho đời?” Có thể nói những câu hỏi ấy luôn trăn trở, dằn vặt trong con người Cao Bá Quát từ khi tự ý thức được tài năng của mình cho đến lúc từ giã cõi đời mà vẫn chưa tìm được lời giải đáp trong một chế độ đầy rẫy bất công, phi lý mà mọi con đường để thoát ra, với ông, đều mờ mịt và chính ông, dù đã cố công tìm, bế tắc vẫn hoàn toàn bế tắc.
Sinh ra trong một dòng họ khoa bảng nhưng cha chỉ là một ông đồ hay chữ, ngay từ nhỏ, khi tài năng bộc lộ quá sớm làm kinh ngạc người đời, bi kịch đã bắt đầu chớm nở khi cậu bé họ Cao nuôi mộng lớn khác thường và có phần tự huyễn hoặc về tài năng của mình. Trong thiên hạ có bốn bồ chữ, một mình tôi chiếm hết hai bồ, anh tôi là Bá Đạt và bạn tôi là Nguyễn Văn Siêu giữ một bồ, còn lại một bồ thì phân phát cho thiên hạ”. Dẫu chỉ là câu nói đùa vui với bạn bè nhưng cái cái cốt lõi của nó vẫn nói lên một phần sự thật cả về tài năng và cá tính của Cao. Về tài năng văn thơ của Cao sau này chính vua Tự Đức, một ông vua ham học hỏi, yêu thích văn thơ đã phải thốt lên “Văn như Siêu, Quát Vô Tiền Hán. Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường”. Và người đương thời cũng đã tặng cho ông và Nguyễn Văn Siêu danh hiệu mang tính dân gian: “Thần Siêu, Thánh Quát”.
 Lòng yêu đời, ước mơ, hoài bão của Cao Bá Quát lúc trẻ, khi chuẩn bị bước vào đời thật lớn lao, đẹp đẽ, như muốn cất cánh bay lên bao trùm cả núi sông. “Ngã dục đăng cao sầm! – Hạo ca ký vân thủy” (Ta muốn trèo lên đỉnh cao ngất – Hát vang lên để gửi tấm lòng vào, mây nước – Bài số 3) “Bất kiến ba đào tráng – An tri vạn lý tâm” (Nếu không thấy ba đào hùng tráng thì biết sao được tấm lòng muôn dặm – Bài số 2 viết về sông Hồng). Non sông gấm vóc được in dấu trong thơ ông thời gian này thật diễm lệ, đáng yêu, làm say đắm lòng người biết bao! “Sông tựa dải là cô gái đẹp – Núi như chén ốc khách làng say” (Bài số 54). Không chỉ cảm được vẻ đẹp, đáng yêu, hùng vĩ của thiên nhiên, cậu thiếu niên họ Cao còn thấy mình hoàn toàn hòa nhập vào thiên nhiên, coi thiên nhiên như người bạn thân thiết “Xin mời bác sóng xơi một chén rượu”. Hơn thế nữa, Cao còn tự nâng mình lên một giá trị sánh với thiên nhiên mà ngay cả những người có địa vị và thành đạt cao cũng không dám nói như vậy “Trời đất có núi ấy – Muôn thuở có chùa này – Phong cảnh đã kỳ tuyệt – Lại thêm ta đến đây” (Bài 3)
Vậy mà từ đỉnh cao của lòng yêu đời, yêu thiên nhiên, ước vọng cao cả và tự tin mảnh liệt ở bản thân mình, chàng thanh niên họ Cao đã lần lượt và liên tiếp nhận về những thất bại trên đường đời cùng những bước thăng trầm với mùi vị đắng cay mà trước đó anh chưa thể hình dung ra được. Văn hay chữ tốt là thế, mười bốn tuổi đã sắm sanh lều chõng đi thi, những tưởng sẽ sớm đoạt ngay bảng vàng nhưng thi hoài vẫn trượt. Chín năm sau mới được trường thi cho đỗ cử nhân thứ nhì nhưng sau đó Bộ Lễ lại xếp ông xuống cuối bảng.
Những tưởng đây là trục trặc ban đầu, cần “có chí thì nên”, người ta chưa hiểu đúng tài năng của mình, nếu mình kiên trì nhất định sẽ đạt được đến đích vinh quang, ông tiếp tục lao vào con đường thi cử mong sớm khẳng định mình. Cánh cửa thi hội vẫn mở ra đón ông nhưng mỗi lần thi, ông lại nếm mùi thất bại, nhục nhã và căm phẫn thêm lên bởi ông đã nhận ra, dù văn tài ông không thua kém ai nhưng người ta vẫn gạt ông ra ngoài lề, coi như đồ vô dụng chỉ vì bản chất và khí tiết của ông không cho phép ông chịu uốn mình, luồn cúi kẻ khác để mưu cầu danh lợi. Căm ghét chế độ quan trường, căm ghét người đời, không muốn trở về quê hương với hai bàn tay trắng, ông đành lang thang đó đây, lấy thơ, rượu tiêu sầu và bộc lộ nỗi uất ức, khinh bạc với thói đời. Mãi đến năm 32 tuổi, phải nhờ có người tiến cử, ông mới được vào cung nhận chức hành tẩu bộ Lễ. Chí lớn, tài cao mà phải nhờ ân huệ của người khác mới được nhận làm công việc của một người thư lại, thật chua chát. Nhưng chính những năm làm công việc này ở bộ Lễ cho ông thêm nhiều điều kiện và thấu hiểu những mục ruỗng, thối nát, bất công của triều Nguyễn từ bên trong. Lại thêm nguy cơ đất nước bị ngoại  xâm ngày càng lớn và cấp bách khiến ông hoang mang, bối rối, không biết mình phải làm gì, có thể làm được gì. “Hãy nghe hát lên khúc ca đường cùng – Phía Bắc núi Bắc, núi muôn trùng – Phía Nam núi Nam sóng muôn đợt – Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?” (Bài số 13)
 
Giữa lúc tâm trạng đang hoang mang, chán chường như thế, một tai nạn đã giáng xuống do chính ông tạo ra. Việc cùng với bạn trong ban sơ khảo chấm bài trong một kỳ thi dùng muội đèn sửa vài sai phạm nhỏ lẽ ra không đáng có cho mấy người mà ông cho là thực tài cũng xuất phát từ mối thông cảm sâu sắc với người khác từ hoàn cảnh của chính mình với những đắng cay đã từng nếm trải và mong góp phần bảo vệ, nuôi dưỡng nhân tài cho đất nước chứ tuyệt nhiên không có biểu hiện gì do có người ‘chạy cửa sau’ hay có chuyện ‘nhận hối lộ ‘ như người ta thường thấy không ít từ cổ chí kim nơi thi cử. Chính vì vậy, khi việc bị lộ do có người đàn hặc, bị kết tội rất nặng, suýt nữa bị trảm quyết mà ông vẫn thấy mình ngay thẳng, trong sáng, không có điều gì phải hối hận. Cả cái triều đình thối nát với những bộ máy cồng kềnh, bất lực với những chính sách hết sức vô lý, bất công, hủy hoại nhân tài, dung dưỡng những kẻ “sâu dân, mọt nước” kia mới đáng bị kết tội, lên án. Tấm thân bị tù tội, tra tấn nhưng ông không hề hoang mang lo sợ mà chỉ lo việc làm không thành của mình gây tại họa cho người: “Cầu điều nhân chưa được thành gây họa – Cùng bệnh thương nhau lại liên lụy đến người” (Bài số 15).
 
Gần ba năm bị giam cầm, tra tấn rất dã man, nhiều lần chết đi sống lại nhưng ông vẫn kiên cường giữ vững ý chí của mình, còn cười cho nghịch cảnh mình đang gánh chịu. Những bài thơ ông viết trong tù là một trong những mảng sáng nhất trong thơ ông vì một mặt nó tố cáo, lên án mạnh mẽ chế độ phong kiến, thối nát, đầy rẫy bất công, mặt khác nói lên ý chí bất khuất, kiên cường của một con người giàu tài năng, tâm huyết, mong làm được việc có ích cho dân cho nước mà bị ngược đãi. Có thể nó từ chỗ chỗ ngoặt này ông đã bước sang một cuộc đời khác, không thể sống như trước được nữa. Có lẽ chính ông cũng tự nhận ra điều này nên khi ở trong tù được đúng một năm, nhân ngày sinh nhật của mình, ông đã mời rượu các bạn tù, tự xưng mình là trẻ nhất vì mới có một tuổi, mặc dù trong đám tù nhân, ông là người cao tuổi nhất. Con người mới ngày nào đầy hoài bão, ước mơ, tự hào và tự tin ở tài năng của mình và tương lai đang mở ra những chân trời rộng lớn trước mắt, muốn từ đỉnh cao chất ngất của núi sông cất tiếng “hát vang lên để gửi tấm lòng vào mây nước” từ đây đã chết hẳn, thay vào đó là một Cao Bá Quát khác. Cái mộng “Lập chính hoàng dụ hoán – Đồng dân đế tri khâm” (Lập ra việc cai trị là kế sách rực rỡ của người làm vua – Mọi người dân đều nên coi trọng nền cai trị của vua) đã hoàn toàn đổ vỡ. Nhưng đi đâu? Phải làm gì? Thì ông vẫn bế tắc.
 
Sau gần ba năm bị tra tấn, giam cầm, được định tội và tạm tha cho đi dương trình hiệu lực, phục dịch cho một phái đoàn đi công cán ở nước ngoài, coi như một “đặc ân”. Nhờ chuyến đi này, tầm mắt được mở rộng, nhìn lại chặng đường đời đã qua của mình cùng với những ước vọng từng được ấp ủ, ông tự cười mình “Kiến thức hẹp hòi, khác nào nhìn con báo qua một chiếc ống chỉ thấy nó có một vằn”, lại như “con sâu đo muốn đo cả đất trời”. Dẫu mục đích của phái đoàn đi Inđônêxia và Campuchia lần này chủ yếu là đem đường đi bán cho nước ngoài để mua sắm những hàng xa xỉ cho triều đình, lại chỉ được đóng vai người phục dịch cho chuyến đi, nhưng là người ham học, ham hiểu biết, với vốn học thức và tấm lòng yêu nước, thương dân bằng cái nhìn rất nhạy cảm của mình, Cao đã nhận ra rất nhiều điều mới lạ, đặc biệt là sự phát triển của khoa học kỹ thuật của phương Tây, những đối xử bất công của tệ phân biệt chủng tộc cùng nguy cơ đất nước bị xâm lược đang đến gần, trong khi triều đình ngày càng bộc lộ rõ những yếu kém, bất lực và những thối nát từ bên trong. Chắc chắn trong ông đã hình thành những kiến nghị những đề xuất táo bạo với niềm khát khao muốn cho đất nước mình nhanh chóng thoát khỏi lạc hậu, trì trệ, có những đổi mới để vươn lên kịp người, nhưng rồi nghĩ lại ông thấy mình chẳng qua cũng chỉ như một Ngũ Viên thời vua Ngô bên Tàu, thấy trước nguy cơ mất nước, cảnh báo với vua nhưng chỉ nhận được sự làm ngơ, lạnh lùng, để rồi trước lúc chết phải dặn con khoét mắt mình treo ở cửa thành để nhìn quân xâm lược sẽ tiến vào như ông đã dự báo.
 
Sau thời gian dương trình hiệu lực trở về, có thời gian ông được gọi về bộ Lễ, tiếp đó bị thải hồi, phải tìm đường về lại cố hương với niềm tâm sự bời bời, xiết bao cay đắng, xót xa cho thân phận mình giống như con sáo kia “Chỉ vì có thể nói được tiếng người – Để đến nỗi cụt mất đầu lưỡi” ” Đời ta từ đây như con đường về, trở thành xa lăng lắc – Về già văn chương không mưu tính được  việc gì cho mình”. Cả cuộc đời chỉ có 44 năm sống, với hơn mười năm có chân trong bộ máy quan lại, vừa ngồi tù mà Cao Bá Quát  đã thấy thật dài, thấy mình già đi biết bao nhiêu, tàn tạ, bất lực đi biết bao nhiêu! Đến nỗi, nhìn lại tấm thân “tiều tụy không còn ra hồn người”, ông đã trả lời bạn khi có lời viếng thăm “Rằng tôi còn khỏe, không chết, chỉ mắc chứng điên mà thôi” (Tiễn Nguyễn Trúc Khê ra nhận chức tại phủ Thường Tín, đồng thời gửi cho ông bạn già là Lê Hy Vĩnh). Chưa bao giờ ông thấy mình bất lực, cô đơn đến thế, mặc dù sống giữa lòng quê hương và những người thân “Nhật tà thiên địa song bồng mấn – Xuân tĩnh giang hồ nhất bạch âu”. Giữa cảnh chiều tàn của đất trời, bơ phờ hai mái tóc, ông thấy mình thật lạc lõng, tội nghiệp như thân con cò trắng yếu đuối giữa cảnh sông hồ khi trời sắp tối. Quả thật với một tâm trạng như thế, làm sao ông có thể ngồi đọc sách xưa, có thể dạy cho học trò những bài học của thánh hiền mà ông từng ấp ủ cả một đời, cũng không thể sống quãng đời ung dung, thoát tục như Đào Uyên Minh cùng những chí sĩ thời xưa, bởi phải lo chuyện cơm áo hàng ngày, dẫu chỉ là “áo Trọng Do bạc thếch, cơm Phiếu Mẫu hẩm xì”, rồi chuyện nhà rách, mái dột, phải di chuyển chỗ ở nhiều lần, rồi vợ con ốm đau … Nỗi đau khổ trong ông ngày càng nhân lên gấp nhiều lần khi được tận mắt nhìn thấy nỗi thống khổ của muôn dân với những cảnh “nạn rét, nạn lụt cứ phát sinh liên tiếp”, “Sét đã nhiều, nơi nơi đều có người bị dánh chết”, kẻ “đói rét không dám lên tiếng” mà “mặt trời đỏ lẩn đi đằng nào?”,  “đạo quỷ thần sao mà mờ mịt?”.
 
Với cái nhin nhạy bén, trái tim đa cảm, nặng lòng thương dân, thương nước, thương nhà, thương mình, có lúc nghe tiếng ễnh ương kêu từ trong bụi rậm ông cũng đau đớn thốt lên “Ễnh ương có biết vì dân không? Sao mi kêu quá chậm? Đêm qua bao người hồi hộp mong mưa”. Nhưng xét ra thân phận nhà thơ lúc này còn tội nghiệp hơn cả con ễnh ương vì nó còn kêu lên được cho mọi người nghe, dẫu muộn mằn, còn nhà thơ biết kêu ai khi “một toan tính nhỏ cũng không thi thố được”. Nghĩ lại chặng đường đã qua càng thêm hổ thẹn “tự thán du du ủy tục tình” (ngậm ngùi cho cho mình cứ để  thói đời lôi cuốn mãi), “chuyện văn chương trước đây thật là trẻ con!”, “đời ta trót lầm lỡ vì cái danh hờ”, giờ đây chỉ còn biết “Thư thành hận tự không đề huyết – Tửu túy ly bôi tức mộng hồn” (chữ hận viết xong cứ khóc hoài đến nỗi trào máu – chén phân ly nhắp say là hồn vào cõi mộng).
Sự dồn nén ở mức cao trào dẫn đến hành động bột phát ở cuối đời của ông là tập hợp dân chúng, dựng cờ nghĩa, chống lại triều đình nhưng thật đáng buồn là dường như ông chưa chuẩn bị cho mình, chưa tính được tất cả những yếu tố “cần và đủ” trước mắt và lâu dài cho “đại sự” này. Ngay cả 14 chữ vàng được thêu trên lá cờ nghĩa do ông cầm đầu cũng thể hiện sự mơ hồ, lúng túng: “Bình dương, Bồ bản vô Nghiêu Thuấn – Mục dã, Minh điều hữu Vũ, Thang” (Bình dương, Bồ bản không còn Nghiêu Thuấn nữa thì ở Mục dã, Minh điều ắt phải có Thang, Vũ nổi dậy). Việc ông tìm một người thuộc dòng dõi nhà Lê trước đây là Lê Duy Cự suy tôn làm minh chủ, tự mình lãnh chức Quốc sư trực tiếp lãnh đạo quân khởi nghĩa cũng không mấy thuyết phục và đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ bên trong nên cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị thất bại cũng là điều dễ hiểu.Chính vua Tự Đức, người đã từng khen ông “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” đã trao giải thưởng hàng trăm lạng bạc cho kẻ nào giết hoặc bắt sống được ông, sau đó còn cho bêu đầu ông khắp nơi trước khi bổ ra ném xuống sông. “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Chế độ phong kiến ở buổi suy tàn đã từ lâu căm ghét cái đầu bướng bỉnh của ông, nay chúng đã có cớ trút cơn giận dữ đê hèn, vạn ác, không những bắt nó phải lìa khỏi cổ, còn băm vằm nó cho hả và răn đe kẻ sống. “Anh hùng di hận kỷ thiên niên”.
 
Có người cho rằng bởi ông nuôi mộng làm quan quá lớn nên khi liên tiếp gặp thất bại, bị gạt sang bên lề mới sinh bất mãn, làm giặc chống lại triều đình. Điều nghi ngờ này thật ra cũng có một phần cơ sở. Bởi chính ông cũng đã từng thừa nhận: “Đời ta trót lầm lỡ vì cái danh hờ”  “Lại phí cả một đời cho mấy pho sách cũ” ” Tự thán du du ủy tục tình” (Ngậm ngùi cho mình cứ để thói đời lôi cuốn mãi). Nhưng với tài học của ông từng vượt lên thiên hạ “một cái đầu”, từng công khai bịt mũi chê bai thơ văn của cả cái thi xã Mặc Vân ngay đất kinh đô gồm toàn những người tự coi là bậc “thi hào”, “thi bá” trong hoàng thân, quốc thích, danh công, cự khanh … là loại thơ văn bốc mùi như con thuyền chở mắm; người dám ngang nhiên dùng tài thơ xược cả vua Tự Đức giữa triều đình mà cả vua quan dẫu bị bẽ mặt vẫn không bắt tội được ông. Con người ấy giả dụ ham quan tước, bổng lộc, chịu nhún mình đi một chút, uốn theo cái khuôn phép đã định sẵn một chút thì giấc mộng quan trường nào có cao xa gì đến mức cả đời không với tới được. Nhưng bản chất con người ông không cho phép ông làm như vậy. “Xuất thế khởi vô chân diện mục” (ra đời lẽ nào không có những bộ mặt thực).
 
Ông luôn chân thực với mình, sẵn sàng phải trả giá, không hề ân hận, hối tiếc mà chỉ đau cho thế thái nhân tình, thương dân lâm vào cảnh lầm than không lối thoát và lo cho đất nước trong buổi suy vong. Nhưng trong ông là một khối mâu thuẫn lớn luôn giằng xé không ngừng, không nghỉ, không có lời giải đáp cuối cùng. Ông khinh ghét chế độ phong kiến thối nát, đầy rẫy bất công từ vua đến quan đều chẳng ra gì nhưng ông lại vẫn mong “đạo toàn dân cốt ở trọng vua”; ông bất mãn với chế độ thi cử cũ kỹ, gò bó, không tôn trọng nhân tài nhưng bao lần thi hỏng vẫn cứ “mũ lọng nhộn nhịp, ta cứ đi”; ông biết con đường danh lợi là hão huyền, cố gắng cũng chỉ uổng công nhưng sau tù tội, tiếp đến bốn năm bị thải hồi cùng nỗi nhục ê chề, vậy mà chỉ mới được vời lại vào kinh, nhận một công việc nhỏ ở Viện Hàn lâm của triều đình, ông lại khấp khởi hy vọng, tự an ủi “đúng là số mình thuộc hàng cao quí”, lại còn băn khoăn “nghĩ mình không đủ tài để đền đáp công ơn đức Thánh minh!”. Là một nhà thơ, rất biết mình là một tài năng lớn nhưng ông lại tự dằn vặt “Thân này vì cớ gì lại cứ phải làm một nhà thơ ?”; tự cười mình “mười năm cầm bút phí cả thì giờ”. Ông chán ghét lối học đương thời toàn là “nhai văn, nhá chữ”, không có lợi ích thiết thực gì nhưng phần mình ông cũng tự trách: “Đáng phàn nàn cho ta chỉ đóng cửa mà gọt giũa câu văn, lải nhải nhai từng câu, từng chữ. Có khác gì gì con sâu đo, muốn đo cả trời đất” vv… và vv…
Có thể nói suốt đời Cao Bá Quát là cuộc hành trình không nghỉ, không ngừng, lúc nao nức, phấn khởi, tràn đầy hy vọng, khi chán nản ê chề, nhưng kết quả cuối cùng vẫn không tìm được đường đi đúng đắn cho mình, không tìm được chính mình là ai, có thể và phải làm gì để thực hiện khát vọng suốt một đời. Là một tài năng lớn mà không được trọng dụng, thậm chí bị đẩy ra ngoài lề, bị tù đầy, tra tấn rồi bị giết hại. Là người giàu lòng yêu nước, thương dân, từng nhiều lần khóc thương cho số phận những con người nghèo khổ bị đọa đầy dưới đáy xã hội nhưng cảm thấy mình luôn bất lực không thể làm gì để cứu giúp họ, chỉ còn biết “thẹn mình là một nhà nho mà lại tầm thường đến thế”.
Nhưng nhân dân và lịch sử thật công bằng. Ông bị triều đình nhà Nguyễn giết hại như một kẻ tội phạm nguy hiểm nhất; những bài văn thơ, kể cả vài bút tích còn lại trên bức hoành phi ở quê hương cũng bị tiêu hủy nhưng chính nhân dân đã bí mật lưu giữ những bài viết của ông như những di sản văn hóa tinh thần của dân tộc. Nhưng cũng do yêu quí tài năng, phẩm chất, chí khí của ông nên cùng với những tác phẩm đích thực của ông được lưu truyền, còn có phần thêm vào thuộc lĩnh vực giai thoại dân gian, người đời sau thật khó phân biệt đâu là phần đích thực do ông viết, đâu là phần giai thoại dân gian. Một trăm năm mươi năm ông đã qua đời trong hoàn cảnh như vậy mà còn tới gần 1500 bài văn thơ được coi là của ông, được lưu giữ. Chỉ riêng điều này đã nói lên rất nhiều về lòng yêu quí, sự kính trọng của các thế hệ đối với ông. Nhân dân và lịch sử đã hiểu ông rất rõ và đánh giá đúng về con người ông. “Chiếc thân bảy thước coi là ngắn - Mà chí nghìn thu vẫn sống lâu”. Hai câu này dù là lời của ông trước lúc bị hành hình hay người đời tặng cho ông đã như lời tiên đoán chính xác về con người và những gì ông để lại cho nhiều thế hệ mai sau.
Nguyễn Gia Nùng
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...