Hai chục năm trước, Walt Disney, người đã tạo ra hình con chuột
Mickey và Ba con heo nhỏ, có được biết tên tuổi gì đâu. Bây giờ ông được sắp
vào hạng danh nhân trên thế giới mà ông mới bốn mươi tuổi. Tự điển Who's Who có
ghi tên ông.
Hai mươi mốt năm trước Walt Disney làm chật vật mà không kiếm đủ ăn. Bây giờ
thì từ những vườn trà ở Ceylan tới những làng đánh cá ở miền Bắc băng giá, ai
cũng biết tên và yêu ông. Cả những người thổ dân ở gần Bắc cực cũng thích những
phim hoạt họa về con chuột Mickey chiếu ở Juneau, ở Alaska, đến nỗi họ lập một
hội, kêu là hội Mickey.
Hai mươi mốt năm trước, Walt Disney nghèo rớt mùng tơi, bây giờ ông triệu phú.
Ông có thể ngồi trong một chiếc xe Rolls Royce lộng lẫy nếu ông muốn, nhưng ông
không thích vậy, chỉ thích dùng những xe cũ ông mua lại. Kiếm được bao nhiêu,
ông cho vào công việc của ông hết bấy nhiêu. Ông bảo rằng làm được những phim đẹp
thích hơn là cóp nhặt cả triệu bạc.
Hồi trước Walt Disney ở Kansas, muốn thành một nghệ sĩ cho nên có lần lại hãng
Kansas City Star xin việc. Ông giám đốc đó coi những bức vẽ của ông, bảo ông
không có tài, không thâu nhận ông, làm ông thất vọng, đau đớn vô cùng.
Sau ông xin được việc vẽ hình cho các nhà thờ. Tiền công ít quá, nên không mướn
được phòng vẽ, phải vẽ trong nhà chứa xe của cha. Hồi đó ông cho vậy là cực,
nhưng bây giờ ông nghĩ rằng nhờ làm việc trong không khí hôi mùi dầu mỡ ở trong
nhà chứa xe đó mà ông nảy ra một ý đáng giá cả triệu bạc.
Việc xảy ra như vầy: Một hôm một chú chuột cao hứng dạo chơi trên sàn. Ông ngừng
vẽ, ngó nó, rồi vô nhà lấy mấy miếng bánh mì vụn nuôi chú ta.
Dần dần quen thuộc, chú chuột dám leo lên bàn vẽ của ông.
Sau đó ít lâu, ông ôm một chồng hoạt họa vẽ con thỏ Owald trên giấy dày, đem lại
Hollywood để bán, nhưng chẳng có ma nào mua cả, thành thử ông lại thất nghiệp
mà không đồng nào dính túi.
Một hôm, ông đang kiếm ý để vẽ thì sực nhớ đến con chuột nó thường leo lên bàn
vẽ của ông ở Kansas.
Tức thì ông vẽ ngay con chuột, và hôm đó con chuột Mickey ra đời, sau thành kép
hát nổi danh nhất thế giới.
Mỗi tuần Walt Disney tới vườn Bách Thú để nghiên cứu các loài vật và tiếng kêu
của chúng vì trong phim ông muốn cho những con vật đó kêu.
Bây giờ ông không còn vẽ cũng không đặt lời và nhạc cho các phim của ông. Ông
có một trăm ba mươi bốn người giúp ông trong những chi tiết đó, để ông rảnh óc
tìm ý cho phim và khi ông tìm được một ý nào, ông đem ra bàn với mười hai
chuyên viên về truyện phim.
Một hôm, cách đây mười bốn năm, ông đề nghị vẽ một phim hoạt họa diễn một truyện
trẻ em mà thân mẫu ông đã kể cho ông nghe hồi nhỏ, tức chuyện Ba con heo và con
chó sói.
Các cộng sự viên của ông lắc đầu, Ông bèn thôi ý định, quên ý đó đi. Nhưng ông
quên không được lại đề nghị nhiều lần nữa, mà lần nào, các cộng sự viên cũng lắc
đầu.
Sau cùng họ nhượng bộ, bảo "Được, để làm thử coi" chứ không tin gì
thành công.
Phải mất chín chục ngày mới làm xong phim về chuột Mickey, nhưng phim ba con
heo nhỏ thì họ cho là không đáng tốn công như vậy làm gấp chỉ trong sáu chục
ngày là xong. Không ai tin rằng nó được hoan nghênh. Vậy mà nó làm vang động thế
giới, thực là thành công kỳ dị. Từ những ruộng đồng bông vải ở Georgia, cho tới
những vườn trồng táo ở Devon, tới đâu cũng thấy vang lên tiếng ca bài:"Ai
thèm sợ con Chó Sói lớn, dữ, con Chó Sói lớn, dữ, con Chó Sói lớn, dữ?".
Có rạp chiếu phim đó ông lời được sáu trăm ngàn Anh kim nhưng Walt Disney nói
chỉ lời được hai vạn rưỡi thôi.
Những phim hoạt họa sống được lâu. Hiện nay trong nhiều rạp còn chiếu con chuột
Mickey vẽ từ mười năm trước.
Walt Disney tin rằng hễ yêu công việc mình làm thì tất thành công. Ông bảo
không bao giờ ông chỉ nghĩ tới việc kiếm tiền. Ông làm việc say mê lắm.
Chương 15
Mark Twain
Hollywood đã tiêu 400.000 Anh kim để quay một phim kể đời một
trong những người tài giỏi nhất cổ kim của Hoa Kỳ. Ông là văn hào nổi danh nhất
thời này và là một cây bút hài hước có nhiều độc giả nhất từ trước đến nay.
Ông học trong một trường làng cất bằng cây cho tới 12 tuổi. Sự học của ông chỉ
tới mức đó, vậy mà hai trường đại học Oxford và Yale đã tặng ông những học vị
danh dự và những học giả bậc nhất thế giới cầu được vào hàng bạn hữu của ông.
Ông viết sách kiếm được hàng triệu Anh kim, có lẽ hơn hết thảy những văn hào mọi
thời. Mặc dầu ông đã mất ba mươi bốn năm rồi, mà tiền tác giả của ông về sách,
phim và phát thanh vẫn chảy như suối vào tủ sắt người thừa kế ông.
Văn hào đó tên thật là Samuel Langhorne Clemens, nhưng ký bút hiệu là Mark
Twain.
Đời Mark Twain là một cuộc phiêu lưu. Ông sống trong một thời đại ly kỳ, đẹp đẽ
nhất của lịch sử Hoa Kỳ. Ông sanh một trăm lẻ mười năm trước trong một làng nhỏ
ở Missouri, một làng thiêm thiếp ngủ gần bờ sông Mississipi. Hồi đó đường xe lửa
ở Mỹ mới cất xong được bảy năm, và Abraham Lincoln còn làm một anh cày ruộng,
đi chân không, đẩy một cái cày lưỡi bằng gỗ do một cặp bò kéo.
Mark Twain sống bảy mươi lăm năm sung sướng và mất năm 1910 ở Connecticut. Ông
viết hai mươi ba cuốn sách: nhiều cuốn ngày nay đã quên tên, nhưng có hai cuốn:
Huckleberry Finn và Tom Swayer sẽ bất hủ và được trân tàng hàng thế kỷ nữa. Hễ
trên đời còn thanh niên thì người ta còn đọc hai cuốn đó mà ông đã viết do kinh
nghiệm của bản thân ông. Ông viết nó ư? Không? Nó phát từ đáy lòng ông ra.
Mark Twain sanh tại một căn nhà có hai phòng nhỏ ở Floride, xứ Missouri. Phòng
ông ở tồi tàn đến nỗi một chủ trại tân thời ngày nay cũng không chịu nuôi bò hoặc
gà trong đó. Tám người sống trong hai phòng tối: bảy người trong gia đình và một
người tớ gái. Mới sinh ra ông rất yếu ớt. Rồi khi ông lớn lên lần lần, thân mẫu
ông phải lo lắng cho ông nhiều hơn hết thảy những người khác trong gia đình họp
lại. Ông rất ưa khôi hài, ghét học, chỉ thích ra bờ sông Mississipi nhìn những
cù lao bí mật, những bè mảng từ từ trôi và dòng nước cuồn cuộn chảy ra biển. Có
khi ông ngồi trên bờ sông mơ mộng hàng giờ.
Ông suýt chết đuối chín lần. Trong khi chơi với bạn, giả làm mọi, làm ăn cướp,
trong khi vô coi những cái hang, ăn trứng rùa, ngồi trên mảng trôi theo dòng sông,
ông đã thu thập được những kinh nghiệm vô giá về cảnh vật và tính tình để sau
này trứ tác.
Ông được di truyền tài hài hước của thân mẫu (...) Năm ông mười hai tuổi, thân
phụ ông mất. Ông hối hận vì đã không nghe lời cha, lêu lổng chứ không chịu học,
rồi ông khóc, tự trách mình.
Thân mẫu ông rán an ủi ông. Ít hôm sau ông tập sự trong một nhà in để vừa kiếm
tiền vừa học thêm.
Hai năm sau, ông thành một ấn công. Một buổi chiều, đi ngoài phố ở châu thành
Hannibal, ông lượm được một trang xé trong cuốn sách và bay trên đường.
Việc tầm thường đó đã thay đổi hẳn đời ông. Trang giấy đó kể chuyện Jeanne
d'Arc bị quân Anh giam trong ngục ở Rouen. Đọc xong, lòng ông rung động vì sự
tàn nhẫn của quân Anh. Ông không hề biết Jeanne d'Arc là ai, chưa hề được nghe
tên đó. Nhưng từ hôm ấy, ông đọc bất kỳ sách báo nào nói về vị nữ anh hùng ấy.
Trong già nữa đời, ông nghiên cứu về Jeanne d'Arc, rồi viết một cuốn nhan đề là
Hồi tưởng Jeanne d'Arc. Các nhà phê bình cho cuốn đó kém xa những cuốn khác của
ông, nhưng ông coi nó là một tác phẩm hay nhất ông đã viết. Ông biết rằng nếu
ký tên thật, độc giả sẽ tưởng lầm là một tác phẩm hài hước, nên ông phải ký tên
khác.
Ông rất vụng về trong việc hùn vốn làm ăn, bỏ tiền vào đâu thì lỗ đó, cho nên
năm năm mươi tám tuổi nợ đìa ra. Mà ông lại đương đau nữa, sức đã suy. Ông có
thể tuyên bố là phá sản rồi khỏi phải trả nợ, vì hồi đó khắp xứ bị nạn kinh tế
khủng hoảng, nhưng không, ông nhất định trả hết nợ bằng cách viết sách và đi khắp
thế giới diễn thuyết trong năm năm. Tới đâu công chúng cũng hoan nghênh ông nhiệt
liệt, phòng diễn thuyết ông rộng tới mấy cũng không đủ chứa hết thính giả. Khi
đã trả hết nợ, ông viết: "Bây giờ tinh thần tôi mới được yên lại không bị
như có vật nặng đè lên nó nữa. Bây giờ làm việc mới thích, chứ không thấy là một
cực hình nữa".
Ông cưới được một thiếu nữ mà ông yêu ngay từ lúc mới trông thấy tấm hình của
cô. Hai ông bà thương nhau lắm. Sách ông viết đều do bà xuất bản. Ban ngày viết
được trang nào thì tối đến, ông đặt trên một cái kệ gần đầu giường bà để bà đọc
trước khi đi ngủ. Bà sửa cho văn nhã hơn và hoàn toàn tinh xác, ông luôn luôn
theo ý bà.
Ông rất sợ làm thất lạc bản thảo nên cấm người ở gái lau bàn viết của ông. Ông
thường lấy phấn vạch một đường trên sàn để ngăn một khu vực không cho chị ở bước
vào.
Đây là bốn hàng chữ ông khắc lên mộ chí cô Susy con gái ông, mà nếu đem khắc
lên mộ chí ông thì cũng rất hợp.
Một trời ấm áp mùa hè, chiếu dìu dịu ở đây nhé.
Gió ấm áp phương Bắc, thổi nhè nhẹ ở đây nhé.
Cỏ xanh phủ lên, êm ái ngủ đi, êm ái ngủ đi!
Xin chúc ai an giấc, an giấc, an giấc.
Chương 16
Andrew Carnegie
Song thân ông Andrew Carnegie nghèo tới nỗi khi sanh ông
không có tiền mời y sĩ hay cô mụ. Ông bắt đầu kiếm ăn, lãnh mỗi giờ có hai xu,
sau gây được một gia tài là bốn trăm triệu Mỹ kim.
Một lần tôi có cơ hội lại thăm nơi chôn nhau cắt rốn của ông ở Dunfermline, xứ
Ecosse. Nhà chỉ có hai phòng: phòng dưới là xưởng dệt của thân phụ ông, phòng
trên gác nhỏ xíu, tối tăm, thấp, sát mái, làm chỗ ăn ngủ cho gia đình.
Khi gia đình Carnegie tới Châu Mỹ, thân phụ Andrew dệt khăn trải bàn và đem bán
dạo từng nhà. Bà thân ông giặt mướn tại nhà và khâu giày cho một người thợ
giày. Andrew chỉ có mỗi một chiếc áo sơ mi mà bà thân ông giặt rồi ủi mỗi tối,
khi ông đi ngủ rồi. Bà cụ làm việc từ mười sáu đến mười tám giờ mỗi ngày, và
Andrew rất yêu quý cụ. Khi ông hai mươi hai tuổi ông hứa với mẹ rằng mẹ còn sống
thì ông không lấy vợ. Ông giữ được lời hứa đó. Ba chục năm sau khi cụ quy tiên
rồi, ông mới lập gia đình. Lúc đó ông đã năm mươi hai tuổi, và năm sáu mươi hai
tuổi ông mới sanh cậu con một. Hồi nhỏ ông nói hoài với bà cụ:
- Má, sau này con sẽ giàu có để má có áo lụa bận, có người ở để sai và có riêng
một chiếc xe để đi.
Ông thường bảo nhờ bà cụ mà ông thông minh, có nhiều khả năng và lòng yêu mẹ đã
là nguyên động lực giúp ông thành công rực rỡ. Khi cụ mất, ông đau khổ trong nửa
tháng, mỗi lần nhắc đến tên cụ là ông nghẹn ngào, không nên lời. Một lần ông trả
hết nợ cho một bà già xứ Ecosse để bà này lấy lại được căn nhà đã cầm cố cho
người khác, chỉ vì bà giống bà cụ thân sinh ra ông.
Ai cũng cho rằng Andrew Carnegie là ông vua thép mà ông không biết chút gì về sản
xuất thép. Hàng trăm ngàn người làm việc cho ông chắc chắn hiểu kỹ thuật đó hơn
ông. Như ông biết dùng người, và đức này đã làm cho ông hóa ra giàu có. Ngay từ
hồi nhỏ ông đã tỏ ra có thiên tư xuất chúng, trong nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo,
làm cho người khác vui lòng giúp mình.
Có lần ở Ecosse, hồi còn bé ông bắt được con thỏ cái. Ít lâu sau thỏ cái sinh
được một bầy con, nhưng ông không có gì để nuôi chúng. Ông nảy ra một ý tài
tình: ông bảo trẻ con hàng xóm hễ kiếm đủ rau để nuôi thỏ thì ông lấy tên mỗi đứa
đặt cho một con thỏ. Kế hoạch đó kết quả lạ lùng.
Về sau, Carnegie dùng thuật tâm lý đó trong công việc làm ăn. Chẳng hạn ông muốn
bán đường rầy cho công ty xe lửa Pennsylvania Railroad. Hội trưởng công ty hồi
đó là J. Edgar Thomson. Andrew Carnegie cho cất ở Pittsbung một xưởng lớn dát mỏng
thép mà ông đặt tên là "xưởng thép J.Edgar Thomson". Tất nhiên là ông
Thomson khoái chí và bằng lòng mua liền những đường rầy của xưởng mang tên
mình.
Hồi đầu, Andrew Carnegie làm một anh đưa điện tín ở Pittsbung. Mỗi ngày lãnh được
năm cắc mà ông đã lấy làm mãn nguyện lắm. Nhưng ông không biết châu thành
Pittsbung và sợ mất việc nên phải học thuộc lòng tên và địa chỉ của tất cả các
hãng trong khu vực buôn bán.
Ông chỉ thèm làm điện tín viên thực thụ, thèm muốn chết đi, và buổi tối ông học
chữ moóc, sáng tới sớm để tập đánh tin. Một buổi sáng có tin quan trọng đặc biệt.
Ở Philadelphie người ta gọi Pittsbung, gọi mấy lần mà chưa có điện tín viên nào
tới. Andrew Carnegie chạy lại, nhận tin, chuyển tin và tức thì được nhắc lên
chân điện tín viên, lương gấp đôi. Sau này ông thích kể lại lần thành công đầu
tiên đó. Một bạn thân của ông tóm tắt luân lý trong truyện thành một câu ngộ
nghĩnh dưới đây mà chúng ta nên ngẫm nghĩ kỹ:
"Muốn trở nên một người ra sao thì phải hành động như đã là con người ấy".
Nghị lực không có gì thắng nổi và lòng cao vọng phóng túng của Andrew Carnegie
làm cho nhiều người để ý tới ông. Công ty Pennsylvania Railroad dựng một đường
dây thép tư, Andrew Carnegie được công ty dùng làm điện tín viên rồi ít lâu sau
lãnh chức thư ký riêng của Giám đốc phân khu.
Một ngày nọ, một việc bất ngờ đưa ông lên con đường giàu sang. Một người ngồi
bên cạnh ông trong toa xe lửa đưa cho ông coi bản đồ một kiểu toa mới, có chỗ nằm
mà người đó mới vẽ xong. Hồi đó ghế nằm chỉ là những băng dài đóng vào hai bên
hông toa chở hàng. Bản đồ mới giống kiểu toa ngày nay. Carnegie có óc sáng suốt
đặc biệt của người Ecosse. Ông hiểu rằng sáng kiến đó hứa hẹn được nhiều. Ông
vay tiền, hùn thêm một phần vốn quan trọng vào xí nghiệp, được hưởng những số lời
lớn và năm ông hai mươi lăm tuổi, nội việc hùn vốn đó đã đem cho ông năm ngàn Mỹ
kim mỗi năm.
Một làn khác, một chiếc cầu cây trên đường hỏa xa cháy và sự giao thông phải
ngưng trệ trong nhiều ngày. Lúc đó Andrew Carnegie làm giám đốc một ngành trong
công ty. Ông hiểu rằng những cầu cây sẽ bị loại và thép sẽ là vật liệu trọng dụng.
Ông vay tiền, lập một công ty làm những cầu sắt, và tiền lời ùn ùn vô mau quá,
làm ông gần hoa cả mắt.
Ông mó cái gì là cái đó biến thành vàng. Ông lên như diều. Vận may, một vận may
không thể tưởng tượng được bám riết lấy ông. Ông với vài người bạn mua một cái
trại giá bốn chục ngàn Mỹ kim, ở giữa một khu có mỏ dầu lửa, tại Pennsylvanie
và chỉ trong một năm lời được một triệu Mỹ kim. Khi con người quỉ quyệt đó hai
mươi bảy tuổi thì lợi tức mỗi tuần đã được ngàn Mỹ kim rồi, mà mười lăm năm trước
chỉ kiếm được hai cắc rưỡi mỗi ngày.
Việc dưới đây xảy ra năm 1862, Lincoln đương làm Tổng Thống. Nội chiến đương dữ
dội. Sắp có nhiều sự thay đổi lớn. Biên giới mở rộng ra. Miền Tây xa xôi bắt đầu
được khai phá. Những đường xe lửa sẽ đặt khắp trong nước. Nhiều thành thị lớn sẽ
dựng lên. Châu Mỹ lảo đảo trước một kỷ nguyên mới mê hồn.
Và Andrew Carnegie, với những lò nấu thép phun khói và lửa của ông, bị lôi cuốn
trong ngọn thủy triều đương dựng đó, ông dựng được gia tài khổng lồ ngoài sức
tưởng tượng.
Vậy mà ông không phải là hạng người làm chết bỏ, Ông thích la cà. Ông bảo rằng
những người cộng tác với ông biết nhiều hơn ông, và chính những người đó kiếm
tiền cho ông. Người Ecosse có tính biển lận. Ông là người Ecosse mà lại không
biển lận khi chia lời. Ông để các cộng tác với ông hưởng chung, và chắc chắn
ông là người đã gây cho nhiều người nhất thành triệu phú. Trong đời ông, ông chỉ
được học có bốn năm, vậy mà ông viết tám cuốn sách về du ký, tiểu sử, cảo luận
và biên khảo kinh tế. Ông tặng sáu chục triệu Mỹ kim cho các thư viện công cộng
và sáu mươi tám triệu nữa cho công việc cải thiện giáo dục.
Ông thuộc hết thảy những bài thơ của Robert Burns và có thể đọc thuộc lòng trọn
bộ những kịch Macbeth, Vua Lear, Romeo và Juliet, Nhà buôn ở Venice của
Shakespeare.
Ông không theo một tôn giáo nào cả mà tặng bản ngàn đàn ống cho các giáo đường.
Ông đã tặng tới ba trăm sáu mươi lăm triệu Mỹ kim. Các nhật báo tổ chức những
cuộc thi và thưởng người nào chỉ được cho ông cách hữu ích nhất để tiêu hết đống
vàng của ông, vì ông đã tuyên bố rằng chết giàu là chết nhục.
Chương 17
Enrico Caruso
Khi Enrico Caruso mất năm 1921, hồi bốn mươi tám tuổi, hàng
triệu người buồn rầu, vì giọng hát của thời đại đã bặt hẳn từ ngày đó. Ông đã tắt
nghỉ trong tiếng vỗ tay khen ông ở khắp thế giới văng vẳng bên tai ông. Ông làm
việc quá sức, bị cảm hàn nhẹ, nhưng ông coi thường không thèm chữa, và suốt sáu
tháng ông can đảm chống cự với thần chết, trong khi một triệu tín đồ yêu ông cầu
nguyện cho ông qua khỏi.
Giọng hát mê hồn của Caruso không phải là do trời cho mà là phần thưởng của nhiều
năm gắng sức, kiên nhẫn luyện tập, giữ vững quyết định.
Mới đầu giọng ông nhỏ quá, nhẹ quá đến nỗi thầy dạy hát bảo ông:"Anh không
thể hát được. Anh không có giọng. Anh hát như tiếng gió thổi vào cửa lá sách vậy".
Trong nhiều năm giọng ông vỡ ra và một lần ông bị thính giả huýt còi. Ít người
đã được uống cạn ly rượu thành công như ông, vậy mà hồi danh thịnh nhất, nhớ lại
ngày xưa đã thất bại, ông thường đau đớn đến sa lệ.
Má ông mất khi ông mười hai tuổi và từ đó, bất kỳ đi đâu, ông cũng mang theo một
tấm hình của bà cụ.
Bà cụ sanh hai mươi mốt lần mà chỉ nuôi được có ba người con. Vốn quê mùa cụ có
biết gì khác ngoài sự làm ăn khó nhọc và nhẫn nhục đau khổ, vậy mà cụ có linh
tính bảo rằng một người con trai của cụ có thiên tài, danh tiếng sẽ vang lừng,
và không có việc nào ích lợi cho con, mà cụ không làm, dù phải hy sinh rất lớn.
Caruso thường vừa khóc vừa nói: "Má tôi nhịn mua giày dép, đi chân không,
để tôi có tiền học hát".
Hồi ông mới mười tuổi, thân phụ ông bắt ông thôi học, cho ông vào làm trong một
xưởng. Mỗi tối, sau khi làm việc xong, ông học đàn, nhưng mãi đến năm hai mươi
mốt tuổi, ông mới được vui vẻ ca hát từ giã xưởng.
Người ta cho ông hát trong một quán cà phê, không chịu trả công ông mà chỉ cho
ông ăn bữa tối. Ông vồ ngay lấy cơ hội ấy.
Sau cùng ông được hát trong một nhạc kịch trường. Lần đó mới thực là lần may mắn
đầu tiên của ông. Trong lúc diễn thử, ông bị kích thích quá, thành thử giọng
ông bể ra như những mảnh kính. Ông thử đi thử lại mấy lần, nhưng kết quả chỉ
tai hại, ông khóc mướt, chạy về nhà.
Lần đầu ra sân khấu, ông lảo đảo, tới nổi thính giả huýt còi phản đối. Lần đó
ông chỉ đóng một vai tạm để thay thế vai chánh. Một tối, vai chánh thình lình
đau mà ông không có mặt ở rạp. Người ta bảo đi tìm ông khắp đường phố. Sau cùng
người ta thấy ông trong một tiệm rượu, gần say khướt. Hay tin, ông chạy một mạch
về rạp, tới nơi ông hết hơi, người nóng bừng vì rượu và vì không khí trong
phòng thay quần áo. Rồi thình lình trái đất quay như chong chóng. Và khi Caruso
bước ra sân khấu, ông hát bậy bạ như điên, cả rạp nhao nhao lên phản đối.
Sau buổi hát đó, ông bị đuổi. Hôm sau ông đau lòng quá, thất vọng quá, muốn tự
tử.
Trong túi chỉ còn mỗi một đồng, đủ để mua một chai rượu. Ngày hôm đó ông nhịn
đói. Và đúng lúc ông đương nghĩ nên tự tử cách nào thì một người nhạc kịch trường
sai tới đẩy cửa bước vào, la:
- Caruso! Về rạp ngay đi! Thính giả không muốn nghe ca sĩ đó nữa. Họ huýt còi
đuổi hắn ra khỏi sân khấu rồi. Họ la đòi anh ra. Đòi anh cho kỳ được!
Caruso đáp:
- Đòi tôi! Họ khùng hở? Tại sao lại đòi tôi? Họ có biết tên tôi là gì đâu mà
đòi tôi?
- Họ không biết tên anh thật. Nên họ bảo gọi cái anh say rượu hôm qua ra. Thì
là anh chứ còn ai nữa!
Khi Enrico Caruso mất, ông có mấy triệu bạc. Chỉ riêng một việc hát để người ta
thu thanh vào đĩa, ông cũng kiếm được bốn trăm ngàn Anh kim rồi. Nhưng vì nhớ lại
cảnh nghèo hồi bé, nên ông mới cần kiệm ghi hết thảy những chi phí bất kỳ lớn
nhỏ vào một cuốn sổ cho tới khi ông chết.
Có lẽ phút vui nhất trong đời ông là lúc ông được bồng đứa con gái ông lần đầu.
Ông nói đi nói lại hoài rằng ông chỉ cần đợi khi nào con gái ông lớn một chút,
chạy lăng xăng trong nhà, và mở được cửa phòng ông mà vô là ông mãn nguyện rồi.
Và một hôm, ở Ý, ông đứng bên cạnh chiếc dương cầm, thì sở nguyện của ông thực
hành được: con gái ông chạy vô, ông bồng nó lên, rồi nước mắt dòng dòng, ông
nói với vợ: "Mình còn nhớ không, anh chỉ mong mỏi được thấy lúc
này?".
Không đầy một tuần sau ông mất.
Chương 18
Dorothy Dix
Theo ý bạn, ký giả nào có nhiều độc giả nhất? Tôi thì cho rằng
ký giả đó là một người đàn bà sung sướng nhất Hoa Kỳ, vì đã giúp cho đủ hạng
người giải quyết những vấn đề tình cảm của họ. Đã bao lâu nay, bà là người mẹ,
là giáo sĩ rửa tội cho hàng triệu người đau khổ, cả đàn ông lẫn đàn bà. Chưa có
ai đã tránh cho đồng bào được nhiều vụ li dị, đã cứu vớt được nhiều gia đình
như bà.
Tên bà là Elizabeth Meriwether Gilmer. Bạn chưa nghe nói về bà ư? Có chứ! Đã
nghe nói nhiều lần rồi, nghe tên Dorothy Dix nhiều lần rồi chứ! Dorothy Dix
chính là bà. Hồi mới cầm viết, bà lựa bút hiệu đó vì bà thích nó, mà cũng vì bà
muốn kỷ niệm một người mọi tên là Dix đã hầu hạ gia đình bà lúc bà còn nhỏ.
Vậy bà ký tên Dorothy Dix dưới những bài đăng trong hai trăm tờ nhật báo, để
cho hàng triệu độc giả khắp thế giới đọc, từ Luân Đôn tới Châu Úc, từ Nữu Ước tới
Nam Mỹ và Nam Phi Châu.
Cách đây ít lâu, tôi hân hạnh được uống trà với bà ở New Orleans, bà kể chuyện
về tuổi thơ, về sự giáo dục của bà trong mười năm, sau cuộc nội chiến. Thân phụ
bà có một trại nuôi ngựa giống ở biên giới Tennessee và Kentucky. Gia đình bà
là một gia đình cổ ở phhương Nam vì chiến tranh mà sa sút. Bà nói:
- Chúng tôi sống kỳ cục lắm, nghèo không ra nghèo, sang không ra sang. Ngôi nhà
cũ của chúng tôi đẹp lắm, chung quanh có những cánh đồng cỏ mơn mởn, bò và cừu
mập ú, nhởn nhơ bên cạnh những cánh đồng trồng lúa và bông vải. Ăn thì chén dĩa
bằng bạc. Như tiền thì không có.
Bà bận những đồ bằng len nhà, dệt ở hàng xóm. Bà thích kể rằng vú nuôi của bà
là một con ngựa cái để đua, vì già và bệnh tật nên được thả ở trước nhà. Bà nói
thêm:
- Tôi biết cưỡi ngựa trước khi đi học. Ba tôi đặt tôi lên lưng ngựa, tôi níu chặt
bờm ngựa trong khi nó ăn cỏ. Khi nào nó luồng qua một sợi dây thừng mắc quần áo
hoặc một cành cây là tôi bị hất xuống đất. Tôi la hét cho tới khi có người chạy
ra bồng tôi lên, đặt tôi trên lưng ngựa.
Một chị vú da đen dạy cách ăn nói cư xử cho bà và chị em bà. Trong bữa cơm, chị
ta đứng sau lưng bà, rình như một tên lính gác. Vô phúc mà láu ăn hoặc bốc đồ
ăn hoặc khóc thì, cốp! Bị cú trên đầu liền.
- Ăn uống cho đàng hoàng. Đừng làm như những thằng nhỏ mất dạy da trắng đó nữa!
Ba đứa nhỏ phải chơi một mình, làm lấy đồ chơi mà chơi. Nhưng chơi với chó và
ngựa, thú vị biết bao! Bà nói:
- Chúng tôi được tự do như chim trên trời vậy. Không bị bó buộc gì hết. Muốn đi
đâu thì đi, làm gì thì làm. Chúng tôi thắng yên cương rồi cho ngựa chạy phi vô
rừng, đằng sau là một bầy chó sủa vang trời. Chúng tôi biết hết cả những bí mật
của rừng, những chỗ chim cùn cút trốn ở đâu, chim ưng làm tổ ở đâu, thỏ giấu
con ở đâu. Chúng tôi cũng biết chỗ nào có trái lý dại và mùa thu tới, chỗ nào
có những hạt dẽ ngon nhất. Lòng tự tin của chúng tôi tăng lên rất mau, vì chúng
tôi biết xoay sở lấy, biết biển báo khi gặp nỗi khó khăn.
Đây là một điều lạ lùng nhất về bà. Chính một ông cụ già gần như điên, đã dạy
bà được nhiều điều rất quí. Ông cụ đó là bạn cũ của ông nội bà và sống trong
nhà bà như người thân. Không những cụ dạy bà tập đọc mà còn hướng dẫn bà yêu những
sách quí trong tủ sách nhà nữa. Bà nói:
- Chưa đầy hai mươi tuổi, tôi đã thuộc lòng Shakespeare, Scott, Dickens, tôi đã
đọc Smollet, Fielding và Richardson. Không có sách để trẻ em đọc, tôi đành nhai
đại những sách khó tiêu nhất nhưng bổ ích của người lớn. Và lúc nào tôi cũng thấy
sung sướng được đọc những sách đó.
Bà đi học trường nhà nước rất ít.
Cha tôi cho tôi lại học trường cô Alice hay cô Jenny không phải vì các cô ấy dạy
giỏi mà chỉ vì thân phụ các cô ấy đã có công lao với xứ sở, hoặc làm đại tá dưới
quyền chỉ huy của tướng Beauregard, hoặc đã tử trận ở Gettysburg. Làm sao được?
Đó cũng là một cách giúp các cô ấy sống.
Trước khi biết bảy lần bảy là bốn mươi chín, bà đã leo cây giỏi như một con sóc
và cưỡi ngựa tài như một chú nài. Sự thật bà chỉ được học trong những sách cũ của
thân phụ để lại.
Rồi năm mười tám tuổi, bà về nhà chồng, tính sống cuộc đời yên ổn như mọi thiếu
phụ khác trong trường hợp đó. Nhưng một bi kịch xảy ra, vùi bà trong một tai biến
về hai phương diện gia đình và tài chánh. Mới cưới nhau được ít lâu, chồng bà
thành một người tàn tật, một phế nhân. Bà phải săn sóc chồng, nuôi chồng cho tới
khi chồng chết, trong ba mươi lăm năm đằng đẳng. Lúc đó bà không biết làm sao
kiếm đủ nuôi thân mình, đừng nói là nuôi chồng nữa. Bà lo lắng quá, hóa đau, phải
tới Gulf Coast ở Mississipi để dưỡng sức.
Lần đi xa nhà đó đã làm thay đổi hẳn đời bà. Trong khi nghỉ ngơi trên bờ biển,
bà viết một truyện ngắn kể một việc xảy ra trong gia đình bà hồi nội chiến.
Song thân bà sợ những đồ quí bằng bạc bị lính phương Bắc cướp mất, sai một tên
nô lệ đem chôn ở bên mộ tổ tiên. Hắn chôn xong còn làm phép phù thủy yếm cho kẻ
trộm khỏi tới gần. Bà bán truyện đó cho một bà hàng xóm làm chủ nhiệm một tờ nhật
báo lớn nhất miền Nam, tờ Picayune ở New Orléans. Người ta trả bà ba Mỹ kim và
dùng bà làm phóng viên trong tòa soạn. Như vậy bà chỉ kiếm được năm Mỹ kim mỗi
tuần, vừa đủ cho hai ông bà sống, nhưng nhờ viết phóng sự mà sau này bà nổi
danh khắp trong nước.
Công việc đầu tiên của bà là mỗi chủ nhật viết một bài dài khuyên bảo phụ nữ về
đời tình cảm của họ đối với chồng con.
Phần đông nữ sĩ viết một lối văn cầu kỳ. Họ rán dùng một bút pháp có vẻ thông
thái, độc đáo để tỏ ra mình hơn người, họ muốn tự tạo một tư cách "thượng
đẳng". Dorothy Dix trái lại, viết rất giản dị, thành thử nữ độc giả thích
ngay. Bà không cần tự tạo một tư cách giả tạo, chính bà đã có một tư cách chân
thực, mạnh mẽ của một phụ nữ Mỹ sống giữa thiên nhiên và những truyền thống của
một gia đình cổ phương Nam. Một xã hội càng rập theo đời sống mới nhất luật bao
nhiêu thì lại càng trọng những người còn giữ được cái ý nhị, tự nhiên của cổ
nhân bấy nhiêu. Ở thời đại này, nhiều người nhờ bí quyết đó mà thành công trong
nghề viết văn, nghề làm báo, truyền thanh, hát bóng, diễn kịch...
Những bài của Dorothy Dix được hoan nghênh nhiệt liệt. William Rodolp Hearst
luôn luôn tìm những tài ba mới, tặng bà những số tiền lớn để bà viết cho tờ
Evening Journal ở Nữu Ước. Bà cần tiền lắm nhưng không bỏ chủ báo cũ, vì chính
nhờ tờ Picayune mà bà đã học được nghề viết báo. Vả lại lúc đó chủ tờ Picayune
đau, cần bà ở lại giúp việc. Vì vậy bà không nhận lời William Rodolp Hearst,
nhưng năm 1901, khi chủ báo cũ mất, bà qua viết tờ Evening Journal. Trong hai
chục năm sau chẳng những bà giữ mục Tâm tình mà còn viết nhiều bài phóng sự lớn
để đứng về phương diện nhân đạo mà phê bình những tin tức kích thích nhất, như
vụ xử lớn về hình sự. Chẳng hạn bà viết phóng sự vụ xử Harry K. Thaw, nhà triệu
phú ở Pittsburg đã giết kiến trúc sư nổi danh nhất Nữu Ước là Stanford
White(...) Bà thuật lại vụ Hall Mills, một tội đại hình bí mật nhất của thế kỷ
XX.
Thành thử một thiếu nữ rất giản dị, mà hồi hai mươi tuổi còn quê mùa, chưa đi
xe lửa quá sáu lần, chưa đi coi hát hoặc ra thành thị quá hai lần, sống trong một
trại hẻo lánh ở Kentucky, nay đã thành một ký giả nổi danh nhất Nữu Ước.
Người ta thường hỏi bà có phải chính bà viết những bức thư ký tên độc giả rồi lại
tự đáp trên mục "Thư tâm tình" không. Bà đáp:
- Đâu có vậy! Cần gì phải thế? Mỗi ngày tôi nhận được từ một trăm tới một ngàn
bức thư của độc giả mà!
Những bức thư đó là những tài liệu lạ lùng về lòng người. Người ta không giấu
giếm gì cả, cởi hết lòng với bà. Đọc nó, bà biết được hơn ai hết những thắc mắc
của con người thời này.
Bà được các trường Đại học Tulane và Oglethorpe tặng nhiều vinh hàm, nhưng vì
bà không có con, nên những vinh hàm đó không làm cho bà vui bằng khi nhận được
những hàng chữ như vầy của thanh niên đau khổ, hoang mang: "Tôi trọng bà
hơn má tôi, tôi biết rằng bà hiểu tôi..."
Chương 19
Zane Grey
Zane Grey đã chiến đấu với cơ hàn và thất vọng để chiếm được
một địa vị trong hàng những tiểu thuyết gia nhiều độc giả nhất đương thời. Và
ông chiến đấu như vậy khi ông sống trong một ngôi làng nhỏ.
Các nhà báo ngày nay trả ông vạn rưỡi Anh kim để ông viết cho một truyện, mà hồi
đầu thì mỗi cuốn của ông bán không được ba đồng. Các nhà xuất bản nói rằng luôn
ba năm nay mỗi năm trung bình bán được trên một triệu cuốn của Zane Grey, nhưng
hồi mới viết, ông thất bại phải sống trong cảnh đói rét.
Thân phụ ông chỉ muốn ông học nghề nha y mà ông thì cho làm nha y chẳng hơn gì
thợ mỏ. Nhưng lệnh cha, ông đâu dám cãi, cho nên ông phải học nghề nhổ răng, và
mở một phòng nhổ răng cho thiên hạ trong nhiều năm.
Trong khi tay ông nhổ răng cấm, răng nanh thì óc ông chỉ nghỉ đến công việc
khác, đến việc viết truyện.
Năm tháng trôi qua, ông càng thấy không chịu nổi bi kịch hàng ngày của ông. Ông
khinh tởm nghề của ông mà cứ sáng sáng phải đánh xe tới phòng nhổ răng, như một
tên nô lệ bị người ta quất, bắt phải chèo thuyền tới ngục tối vậy.
Sau khi quyết định làm một nhà văn, ông bỏ nghề nha y, dọn về một làng nhỏ để
có thể sống kiệm tiện, vừa săn bắn, câu cá kiếm ăn, vừa tập viết.
Ông khó nhọc hàng tháng, có khi trọn một năm để viết một truyện, sửa đi sửa lại,
đổi tình tiết, đổi nhân vật. Viết xong, ông đọc lớn tiếng từ đầu tới cuối, giọng
hăng hái. Ông thấy hay lắm, tin chắc rằng mình sắp thành một văn hào. Khốn nỗi,
ngoài ông ra, chẳng ai tin như vậy cả. Trong khắp xứ, không một nhà xuất bản
nào chịu mua truyện của ông.
Ông đem hết tâm trí và thì giờ để viết luôn trong năm năm đằng đẳng, và trong
năm năm ấy ông không kiếm được lấy một xu. Chơi dã cầu trong một đội nhà nghề
thì thỉnh thoảng lại kiếm được ít nhiều, còn viết tiểu thuyết thì tuyệt nhiên
không.
Một hôm ông đương tìm cách bán một tiểu thuyết thì gặp đại tá Buffalo. Đại tá
muốn kiếm một người biết viết lách đi theo qua miền Tây để chép du ký. Zane
Grey vồ ngay lấy cơ hội, nghĩ sắp được sống một cuộc đời phiêu lưu mà mê mẫn cả
tâm thần.
Sống sáu tháng với bọn cao bồi và các bẫy ngựa rừng ở miền Tây, ông trở về nhà,
viết tiểu thuyết nhan đề The last of the Plainsmen. Lần này ông chắc chắn có
người mua bèn gởi bản thảo cho nhà xuất bản Harper và đợi hai tuần, không thấy
tin tức gì, ông nóng lòng quá, chạy lại hỏi nhà đó.
Người ta trả bản thảo, nói: "Chúng tôi ân hận lắm, nhưng đọc hết cuốn mà
không thấy chút gì chứng tỏ rằng ông có thể viết tiểu thuyết được". Lòng
ông tan nát. Ông choáng váng. Cuốn đó là cuốn thứ năm bị từ chối. Có ai cầm gậy
đập mạnh vào đầu ông, cũng không làm ông điếng người bằng. Loạng choạng xuống
thang gác, ông phải bíu chặt một cột đèn cho khỏi té, và bản thảo kẹp ở nách,
ông dựa cột nước mắt chảy dòng dòng.
Ông về nhà, đau đớn thất vọng. Ông đã sống nhờ bà vợ có chút của riêng, nhưng
sau năm năm hết nhẵn tiền rồi mà nhà lại thêm một đứa con thơ nữa. Hai vợ chồng
chán nản quá. Nhưng bà vợ cũng rán khuyến khích ông thử viết thêm một truyện nữa.
Lúc đó vào cuối đông. Lò sưởi nhỏ quá, không đủ ấm, tay ông cóng lại, cứ viết
được năm phút lại phải mở lò, đưa hai bàn tay lại gần ngọn lửa để sưởi.
Suốt mùa đông đó và cho tới mùa hè năm sau, ông cặm cụi viết tiểu thuyết đó, và
khi viết xong, ông lại mang đến nhà xuất bản Harper. Cuồng loạn vì thất vọng,
ông yêu cầu ông giám đốc nhà đó đem về nhà và đích thân đọc giùm cho ông. Hai
ngày sau, Zane Grey trở lại, ông giám đốc cười, nói: "Nhà tôi thức gần trọn
đêm hôm qua để đọc tiểu thuyết ông, khen là hay. Vậy chúng tôi xuất bản cho
ông".
Nhan đề truyện đó là Heritage of the Desert. (Di sản của sa mạc). Sách ra được
hoan nghênh nhiệt liệt.
Vậy sau mấy năm nghèo khổ và thất bại. Zane Grey đã thành một nhà văn kiếm được
nhiều tiền nhất và một tiểu thuyết gia được nhiều người đọc nhất đương thời. Vì
từ hồi đó, ông đã xuất bản khoảng sáu chục truyện và độc giả đã mua của ông
trên mười lăm triệu cuốn.
Chương 20
F.W. Woolworth
Năm hai mươi mốt tuổi, Barbara Hutton làm một tiệc đãi khách.
Không khí trong nhà đầy âm nhạc du dương và các danh ca bực nhất hát lên những
bài tình tứ. Nàng mới hưởng được một gia tài khoảng hai chục triệu Mỹ kim thì
ngại gì mà không tiếp tân một cách sang trọng?
Hai chục triệu Mỹ kim đó ở đâu ra? Thưa, do chứng chi tiêu lặt vặt của hàng triệu
người Mỹ.
Nàng là cháu nội ông Frank Woolworth và mỗi lần một người Mỹ tiêu một cắc trong
một cửa hàng "giá độc nhất của Woolworth" thì một phần số tiền đó vào
trong túi của thiếu nữ mỹ miều tóc hung hung đó.
Frank Woolworth đã làm cách nào để gây gia tài đồ sộ đó? Thưa bạn, là nhờ ông
được một điều may từ hồi mới khởi sự làm ăn: điều may đó là ông nghèo. Nghèo
làm cho bước đầu khó khăn. Muốn có một tài sản trung bình thì tất nhiên là sinh
trong một gia đình giàu lợi hơn là sinh trong một gia đình nghèo. Nhưng nếu muốn
có một tài sản phi thường, một gia sản khổng lồ, thì vấn đề lại khác. Cần phải
có một óc thực tế, một nghị lực, một lòng hăng hái đặc biệt, mà những đức tính
đó rất ít khi thấy trong hạng người khởi sự làm ăn một cách dễ dàng.
Cho nên phần đông các nhà tỷ phú đều có bước đầu gian nan. Frank Woolworth sống
trong một trại ruộng gần Watertown và nghèo khổ tới nỗi mỗi năm phải đi đất sáu
tháng: mùa đông gió bấc lạnh như cắt mà không có tiền mua một chiếc áo bành tô
nữa.
Cảnh nghèo giúp ông được nhiều việc lớn: nó gây cao vọng cho ông và làm ông nhiệt
tâm muốn tiến tới. Ông ghét đời sống trong trại ruộng, muốn đi buôn. Cho nên
năm hai mươi mốt tuổi, ông đóng một con ngựa cái già vào một chiếc xe chạy trên
tuyết rồi tới Carthage ở tiểu bang Nữu Ước, ngừng trước mỗi cửa hàng để xin việc.
Nhưng không ai muốn mướn ông hết. Ông cục mịch quá, chậm chạp quá. Ai lại tóc
không hớt mà áo thì để hở ngực.
Sau cùng, một nhân viên hỏa xa chịu dùng ông. Nhân viên đó ngoài việc sở ra,
còn trử đồ tạp hóa trong một cái kho. Frank Woolworth chịu làm không công để học
nghề.
Sau ông xin một chân trong một tiệm bán đồ trang sức. Mặc dầu đã hai mươi mốt
tuổi, chủ tiệm không tin rằng ông có đủ tư cách để tiếp khách. Người ta muốn
giao cho ông việc dậy sớm đốt lửa, quét cửa hàng, lau kính, và đi giao đồ. Ông
không có quyền đứng bán, trừ những giờ đông khách, như buổi trưa, lại thêm chủ
tiệm không muốn trả công cho ông trong sáu tháng đầu. Ông đáp rằng, trong mười
năm làm mướn ở trại ruộng, ông đã dành được năm chục Mỹ kim, tất cả gia tài của
ông chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng ông bằng lòng làm không công trong ba tháng đầu
vì có số tiền đó đủ ăn rồi, từ tháng thứ tư trở đi thì ông xin được lãnh mỗi
ngày năm cắc. Chủ tiệm bằng lòng, tới khi ông được lãnh mỗi ngày năm cắc thì
người ta bắt ông làm việc mười lăm giờ một ngày, tính ra mỗi giờ vào khoảng ba
xu.
Sau cùng ông kiếm việc trong một hãng khác, tiền công mỗi tuần mười Mỹ kim, và
ông phải ngủ dưới hầm, với một khẩu súng lục ở dưới gối để coi chừng kẻ trộm. Đời
ông lúc đó như một cơn ác mộng. Chủ tiệm hành hạ ông, đánh đập ông, mắng ông là
đồ vô dụng, rút tiền công xuống và dọa tống cổ ra cửa. Frank Woolworth hoàn
toàn thất vọng. Tin rằng không sao thành công được, ông về trại ruộng, thần
kinh suy loạn và suốt một năm chẳng làm được việc gì cả.
Bạn thử tưởng tượng. Con người sau này thành nhà buôn lớn nhất thế giới đó, thất
vọng tới nỗi bỏ ý định làm ăn mà đi về ruộng nuôi gà.
Rồi một hôm, ông ngạc nhiên vô cùng, một người chủ cũ sai người kiếm ông, muốn
giao việc cho ông. Hôm đó là một ngày tháng ba, lạnh buốt, ở cuối thế kỷ trước.
Mặt đất phủ tuyết dày tới non một thước. Ông thân sinh ra ông chở khoai tây ra
chợ bán, ông leo lên xe, ngồi trên đống khoai, ra Watertown, ông sắp bước vào một
nghề nó đưa ông tới cảnh giàu sang, quyền thế ngoài tất cả những hy vọng hão
huyền nhất của ông.
Bí quyết thành công của ông ở đâu? Trước hết, ông có một ý, một ý mới mẻ. Ông
mượn ba trăm Mỹ kim và lập một cửa hàng ở Nữu Ước tại đó không có một món gì
bán quá năm xu. Mới đầu thất bại hoàn toàn. Mỗi ngày không lời được trên hai Mỹ
kim rưỡi. Ông mở bốn tiệm thì phải đóng cửa ba tiệm.
Nhưng lần đầu ông thành công. Ý đó hay, cách thực hành cũng đúng, bấy nhiêu đủ
cho ông tin chắc rằng ông sẽ thịnh vượng. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ cho ông thành
một tỷ phú, bí quyết thành tỷ phú của Woolworth cũng như bí quyết thành tỷ phú
của Rockefeller, là gom góp vốn mà không phải đi vay, nói một cách khác là kiếm
được lời thì đập cả vào vốn.
Nhất định không chịu mang nợ, ông cứ khuếch trương rất từ từ công việc làm ăn,
trong mười năm đầu chỉ mở mười chi nhánh thôi. Rốt cuộc, ông thành một trong những
người giàu nhất Hoa Kỳ.
Ông cất một ngôi nhà cao nhất thời đó làm phòng giấy. Ông trả tiền mặt ngôi nhà
đó mười bốn triệu Mỹ kim, mua một cái đàn ống giá năm trăm ngàn Mỹ kim, và bắt
đầu sưu tầm những di vật của Nã Phá Luân.
Hồi ông trẻ và nghèo, chịu bao nỗi thất bại đến hết tin ở tài mình nữa, thì bà
cụ thân sinh ra ông quàng vai ông bảo:
- Cứ vững chí, con, thế nào con cũng sẽ thành công.
Chương 21
Đề Đốc Byrd
Năm 1910 một thiếu niên ở Winchester (tiểu bang Virginia)
chép nhật ký. Đọc truyện đề đốc Peary hùng tâm gắng sức để tiến tới Bắc cực, em
nhỏ mười hai tuổi đó cao hứng viết vào trong tập:
- Tôi đã quyết định sẽ là người thứ nhất tới được Bắc cực.
Và tức thì em dự bị cho một cuộc mạo hiểm gay go đó. Em vốn sợ lạnh, để tập chịu
lạnh, em mặc những quần áo mỏng hơn và bỏ luôn chiếc bành tô. Sau em nhỏ tới được
bằng phi cơ và là người thứ nhất tới Nam cực. Tên của em như bạn đã đoán được,
là Richard Evelyn Byrd.
Đề đốc Byrd nghĩ rằng những khoảng băng tuyết mênh mông ở Nam cực lần lần thu lại
và hằng trăm ngàn mẫu đất hoang hiện nay băng phủ, một ngày kia có thể thành một
miền phú nguyên dồi dào vô cùng. Vì vậy ông quyết tâm cắm cờ Hoa Kỳ trên đất đó
và chiếm nó cho xứ sở ông. Ý kiến của ông có thể đúng. Chính tôi đã thấy những
mỏ than ở cách Bắc cực sáu trăm cây số và phần đông các nhà địa chất học tin rằng
có những mỏ than vĩ đại và có lẽ cả những mỏ dầu lửa nữa ở gần Bắc cực.
Đời Đề đốc Byrd là một tấm gương rực rỡ của một em nhỏ có lòng cao vọng không hề
lay chuyển, và thắng được những trở ngại nhiều vô kể để làm được những việc lớn.
Nó cho ta thấy rõ giá trị thực tế của một mục đích độc nhất. Kẻ nào ngay từ nhỏ
đã vạch một mục đích lớn và suốt đời không rời bỏ quyết định chủ yếu đó thì có
việc gì mà làm không được!.
Trước hết, Byrd du lịch để coi các miền xa lạ. Hồi mười bốn tuổi ông đã đi vòng
quanh địa cầu, mà đi một mình! Rồi ông trở về nhà, vô trường đại học, nhưng học
thì ít mà luyện các môn đấu quyền, vận lộn, đá banh thì nhiều. Ông chơi hăng
quá đến nỗi gãy một chân, bể xương mắt cá, thành tàn tật mà thủy quân cho ông
là không hợp cách nên miễn dịch ông. Bạn thử tưởng tượng: chưa đầy ba chục tuổi
bị miễn dịch vì không đủ sức... biết bao người trong địa vị ông đã chán nản, tự
cho là đời mình bỏ đi rồi!
Nhưng Byrd không chịu thua. Ông tuyên bố rằng một người không cần đứng được mới
lái nổi phi cơ, và dù chân ông có tật, mắt cá gãy nát, ông vẫn có thể lái phi
cơ như thường. Nghĩ vậy, ông tập lái phi cơ, bị ba tai nạn, có lần máy bay của
ông đâm vào một chiếc máy bay khác, nhưng rốt cuộc ông cũng lấy được bằng cấp
phi công.
Luôn luôn khao khát mạo hiểm, ông nóng lòng được bay trên những khoảng băng tuyết
ở Bắc cực, nơi mà từ trước chưa phi công nào dám bay tới. Nhưng ông bị người ta
từ chối mấy lần.
Trước hết, ông định thám hiểm bằng một khí cầu máy, chiếc Shenandoah khi bay thử,
chiếc khí cầu đó đâm bổ xuống đất, tan nát. Rồi ông xin chính phủ cho phép bay
thử để hoàn thành một phi cơ có thể vượt Đại Tây Dương. Chính phủ từ chối vì
ông tàn tật.
Ông lại năn nỉ người ta cho phép ông cầm lái một chiếc trong đoàn phi cơ mà
Amundsen tính dùng để bay trên miền băng gần Bắc cực. Người ta lại từ chối nữa,
lần này vì lý do ông đã có gia đình. Mấy lần thất vọng liên tiếp như vậy rồi cuối
cùng lại thêm cái tin rằng Thủy quân miễn dịch ông lần nữa, cũng vẫn vì cái
chân có tật của ông.
Chắc chắn là sở Thủy quân không thể lầm được, nhưng Byrd có quan niệm lố lăng
này, là óc sáng kiến, lòng can đảm và trí thông minh quan trọng hơn một cái
chân lành mạnh. Ông vận động, kiếm được những nhóm tư nhân chịu bỏ tiền giúp
công việc thám hiểm của ông và tức thì ông phiêu lưu, làm cả thế giới ngạc
nhiên. Ông vượt Đại Tây Dương, lên tới Bắc cực, liệng một chiếc cờ Hoa Kỳ xuống,
rồi xuống Nam cực, cắm một chiếc cờ Hoa Kỳ khác.
Và khi ông trở về xứ sở thì hai triệu người hoan hô ông cuồng nhiệt có phần hơn
dân La Mã hoan hô César thắng Pompée nữa.
Và rốt cuộc, chính phủ Hoa Kỳ tặng chức Đề đốc cho con người mà mười bốn năm
trước bộ Hải quân đã chê là tàn tật và cho miễn dịch.
Chương 22
Winston Churchill
Tôi luôn luôn ngạc nhiên về điều này, nhiều việc xảy ra nghe
chẳng có gì quan trọng cả mà sau lại làm thay đổi cả lịch sử. Chẳng hạn, bốn
năm trước khi Nội chiến bộc phát, trong năm kinh khủng 1857, một người tên là
Leonarl Jerome đầu cơ ở Wall Street mà kiếm được một trăm ngàn Anh kim. Việc đó
trừ Leonard Jerome, có ai cho là quan trọng đâu. Vậy mà bây giờ nhớ lại, ta thấy
nó ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử hiện đại. Vì nếu người đó Leonard Jerome không
đầu cơ được số tiền lớn đó, thì có lẽ Winston Churchill không sinh ra đời:
Leonard Jerome chính là ông nội của Churchill.
Được số tiền một triệu hai trăm ngàn Anh kim, Loenard Jerome mua một phần hùn lớn
trong tờ Times ở Nữu Ước, lập hai trường đua lớn ở Mỹ, du lịch khắp thế giới,
giao du với hạng quí tộc Anh. Và kết quả là người con gái mỹ miều, có duyên của
cụ, cô Jenny Jerome cưới nhà quí phái Randolph Churchill. Và do cuộc hôn nhân
đó mà Churchill ra đời vào ngày 30 tháng mười một năm 1874, trong một lâu đài nổi
danh nhất ở Anh, lâu đài Benheim.
Đời của Winston Churchill mới hoạt động, kỳ dị làm sao!
Trên hoàn vũ tôi không thấy một người nào khác mà cuộc đời gồm được nhiều kích
thích, nhiều mạo hiểm, nhiều nỗi vui và hứng thú như đời ông. Trên một phần ba
thế kỷ, ông nắm quyền hành ghê gớm trong tay, ảnh hưởng lớn vô cùng. Năm 1911,
ông là quan văn đứng đầu Hải quân Anh. Trên một phần ba thế kỷ, ông tạo nên anh
hùng và thời thế.
Ngay từ hồi bé, Winston Churchill đã muốn là một quân nhân, suốt ngày bày trận.
Sau ông tốt nghiệp trường võ bị Sandhurt. Trong mấy năm ông đăng lính, chiến đấu
với kỵ binh cầm thương của Bengale (Ấn Độ), chiến đấu với Kitchener ở sa mạc
Soudan, chiến đấu với quân FuzzWuzzies.
Từ năm 1900, ông đã nổi danh vì liều lĩnh, can đảm, nổi danh tới nỗi mới hai
mươi sáu tuổi đã được bầu vào nghị viện.
Việc xảy ra như vầy: Năm 1899, ông xung phong qua Nam Phi, làm thông tin viên lấy
tin tức về chiến tranh Boer cho tờ Morning port, lương hai trăm rưỡi Anh kim mỗi
tháng. Lương đó cao, nhưng ông lãnh nó cũng đáng, vì ông là một thông tin viên
nổi danh nhất trong lịch sử Anh. Không những ông chép tin gởi về, mà ông còn tạo
ra tin tức nữa, nghĩa là tiến sâu vào khu vực của địch, trong một toa xe võ
trang bị tấn công bằng đại bác, rồi bị quân Boer bắt, nhốt khám, rồi ông vượt
ngục, làm cho quân Boer phát điên lên, vì để một tù binh trong hàng quí phái
Anh trốn thoát.
Ra khỏi ngục, ông còn phải vượt mấy trăm cây số trên địa phận của địch có lính
Boer gác các đường xe lửa và cầu, ông đi bộ hoặc trốn trong các toa chở hàng,
ngủ trong rừng, trong đồng lúa hoặc mỏ than, ngụp trong đồng lầy, qua sông. Ông
đi qua những cánh đồng Châu Phi, trong bầy kên kên bay lượn trên đầu chỉ đợi
ông mệt quá, gục xuống là chúng tha hồ mổ, rỉa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét