Tôi chưa thấy truyện nào kích thích hơn, có những nét anh
hùng mà bi thảm hơn đời đại tá Robert Falcon Scott, người thứ nhì đã tới Nam cực.
Cái chết của ông và hai bạn ông ở Ross còn làm cho nhân loại cảm động.
Tin ông mất tới nước Anh vào một buổi chiều nắng ráo tháng hai 1913. Cây ky phù
lam nở đầy bông ở vườn Regent Park. Dân tộc Anh choáng váng như tin Nelson mất ở
Trafalgar thời trước.
Hai mươi hai năm sau, nước Anh dựng một viện kỷ niệm Scott, một viện khảo cứu
lưỡng cực, viện thứ nhất về loại đó trên thế giới. Ngay trên cửa viện có một
hàng chữ: "Người tìm những bí mật của Nam Cực và Người đã tìm thấy những
bí mật của Thượng Đế".
Scott bắt đầu cuộc thám hiểm ở Terra Nova, và từ khi tầu ông tiến vào cõi băng
tuyết là sự rủi ro cứ theo riết, quấy phá ông hoài.
Những ngọn sóng vĩ đại đập vào tàu đánh trôi hết những hàng hóa ở trên boong xuống
biển. Hàng tấn nước biển ào ào như sấm, cuồn cuộn chảy vào hầm tàu. Nước tràn cả
vào lò lửa đốt nồi súp de. Máy bơm hóa vô dụng. Và mấy ngày như vậy, chiếc tàu
hùng dũng cứ lăn ở giữa những làn sóng, trên mặt biển tung tóe, không cách gì cứu
được.
Nhưng sự rủi ro nào đã hết đâu. Đó mới chỉ là những bước đầu.
Ông đem theo mấy con ngựa nhỏ khỏe mạnh đã quen chịu lạnh ở miền băng tuyết xứ
Sibérie; nhưng lúc đó chúng hấp hối, dãy dụa trên băng tuyết, cẳng thì gẫy vì
thụt xuống hố; thành thử ông phải bắn cho chúng chết.
Tới chó cũng vậy. Ông dắt theo toàn là giống chó mạnh khỏe ở Yukon, mà chúng
hóa ra như khờ dại, cứ nhắm mắt chạy trên bờ những lỗ nẻ trong băng.
Thành thử Scott và bốn người bạn đồng hành phải thay ngựa, thay chó, kéo một
chiếc xe lướt tuyết nặng nửa tạ, thui thủi trên đường tới Nam cực. Ngày lại
ngày, họ mắm môi mắm lợi tiến trong cánh đồng băng tuyết, hổn hển đẩy hoặc kéo,
nghẹt thở vì không khí lạnh và loãng ở một nơi cao, cách mặt biển ba ngàn thước.
Vậy mà họ không phàn nàn. Vì ở cuối con đường đau khổ đó, họ sẽ thấy sự thành
công, sẽ thấy Nam cực huyền bí, nằm yên lặng từ hồi khai thiên lập địa tới nay.
Nam cực, nơi mà không có lấy một sinh vật, cả đến bóng một con hải âu lạc bầy
cũng không có.
Và tới ngày thứ mười bốn, họ tới được Nam cực. Nhưng họ sửng sốt và đau lòng
làm sao! Trước mặt họ, ở đầu một cây gậy, một miếng vải rách phất phới bay
trong gió lạnh. Họ nhìn kỹ thì là một ngọn cờ, ngọn quốc kỳ của Na Uy,
Amundsen, người Na Uy, đã tới trước họ! Thành thử, sau mấy năm dự bị, sau mấy
tháng đau khổ, họ đã thất bại chỉ vì trễ mất năm tuần lễ.
Chán nản, họ trở về.
Cuộc chiến đấu lâm ly trên đường về đáng là một khúc ngâm đoạn trường. Gió lạnh
buốt tới xương, áo họ đầy tuyết và râu họ đó băng. Họ lảo đảo té: mỗi vết
thương đưa họ tới gần cõi chết hơn một chút. Trước hết, sĩ quan Evans, người lực
lưỡng nhất trong đoàn, trượt chân, té, đầu đập vào băng, chết tươi.
Rồi tới đại táOates đau. Chân ông bị lạnh quá, nứt ra. Ông đi không nổi. Ông biết
rằng mình làm chậm việc hồi hương của các bạn. Cho nên, một đêm ông làm một việc
chỉ thần thánh mới làm nổi. Giữa cơn dông tuyết gầm thét, ông rời bạn bè, đi ra
ngoài trời để chết cho các bạn sống.
Không làm bộ anh hùng, cũng không tỏ vẻ quan trọng, ông bình tĩnh bảo các bạn:
"Tôi ra ngoài một chút". Rồi ông đi luôn. Không ai tìm thấy xác chết
cóng của ông. Nhưng hiện nay một đài kỷ niệm được dựng tại chỗ ông ra đi, trên
đài có hàng chữ: Ở khoảng này, một vị trượng phu anh hùng đã lìa đời.
Scott và hai bạn còn lại lảo đảo tiến. Họ không còn ra vẻ con người nữa. Mũi,
ngón tay, chân đều nứt nẻ vì lạnh. Và ngày mười chín tháng hai năm 1912, nghĩa
là mười lăm ngày sau khi họ rời Nam cực, họ cắm trại lần cuối cùng. Họ còn đủ
than để nấu hai chén trà, và đủ thức ăn cho hai ngày. Họ tin rằng họ sẽ thoát
chết vì chỉ còn khoảng hai chục cây số nữa là tới một chỗ mà họ đã chôn thức ăn
trong lúc đi. Rán sức: ghê gớm thì tới được.
Thình lình tai nạn thê thảm xảy ra.
Từ chân trời, một cơn dông tuyết gào thét, ào ào thổi tới, mạnh tới nỗi cắt
ngang những chỏm băng. Trên trái đất không có sinh vật nào tiến trong cơn dông
tuyết đó mà sống nổi. Scott và hai bạn đành ngừng bước, nằm trong lều mười một
ngày nghe dông gầm. Thức ăn đã hết. Tất chết. Họ biết rằng họ phải chết.
Có một cách để chết, một cách êm ái. Họ mang theo nha phiến để phòng những lúc
cần phải chết như lúc này. Nuốt một phân lượng lớn là họ nằm đó, lơ mơ mộng
thích thú rồi ngủ luôn.
Nhưng họ không thèm dùng nha phiến. Họ quyết nhìn thẳng vào cái chết một cách
trượng phu đặc biệt của nước Anh thời cổ.
Trong giờ cuối cùng của đời ông, Scott viết một bức thư tả cảnh chết cho ông
James Barrie. Thức ăn hết đã lâu. Thần chết đã lởn vởn ở trong lều. Vậy mà
Scott viết:"Nếu ông nghe được chúng tôi ca vang cả lều thì lòng ông chắc
cũng vui vui".
Tám tháng sau, một ngày nọ, trong khi mặt trời Nam cực yên lặng chiếu sáng cảnh
băng tuyết lấp lánh, mênh mông, một đoàn người kiếm được thi hài của ba vị anh
hùng đó.
Người ta chôn ba vị ở ngay chỗ ba vị lìa trần, chôn dưới một thánh giá làm bằng
hai cái pa tanh cột với nhau. Và trên nấm mồ chung đó, người ta viết những vần
thơ này của Tennyson:
Có tính bình tĩnh của những tâm hồn anh hùng,
Thì mặc dầu thời vận, số mạng làm cho yếu nhưng chí vẫn mạnh.
Để phấn đấu, tìm tòi, thấy, chứ không chịu khuất phục.
Chương 28
Al Smith
Năm mươi tám năm trước, một người lái xe cam nhông chết ở Nữu
Ước. Ông ta quê quán ở Ái Nhĩ Lan, đã đau từ lâu, phải bỏ nghề lái xe mà làm
nghề gác đêm. Khi ông mất, nhà nghèo tới nỗi bạn bè phải góp nhau mỗi người một
ít mua cho ông cỗ quan tài. Ông để lại vợ góa và hai con. Bà vợ mơ mộng những
chuyện xa xôi, quyết chí cho con đi học, tới đâu hay tới đó. Bà xin được một việc
trong một hãng làm dù và làm mười giờ một ngày. Mặc dầu vậy, tiền công không đủ
ăn, bà phải đem đồ ở hãng về nhà làm thêm tới mười, mười một giờ đêm. Thành thử
người mẹ đó làm quần quật mười bốn mười lăm giờ một ngày để nuôi con.
Đáng thương tâm làm sao! Bà không vén được tấm màn tương lai để mà thấy trước rằng
một ngày kia người con nhỏ của bà làm Thống Đốc tiểu bang Nữu Ước, không phải một
lần mà là bốn lần, lâu hơn hết thảy những Thống Đốc trước.
Đáng thương tâm làm sao! Người đó không thể thấy trước rằng năm 1928, con bà là
ứng cử viên của đảng Dân Chủ để tranh chức Tổng thống.
Đáng thương tâm làm sao! Bà không được biết trước rằng ngày mùng 5 tháng 5 năm
1944, tờ báo New York Times gọi con bà là "công dân được nhiều người mến
nhất ở Nữu Ước".
Vì Al.Smith chính là người con cưng của thành phố lớn nhất châu Mỹ (...)
Một lần tôi hỏi ông đi học được bao lâu. Ông ngập ngừng một chút rồi nói:
"Để tôi tính - để tôi tính...Tôi không nhớ rõ lắm. Tôi sanh năm 1873, tôi
đoán rằng tôi được đi học khoảng bảy hay tám năm, nhưng tôi không chứng thực được
điều đó. Tôi không được bằng cấp nào hết mà cũng không có tấm giấy nào chứng tỏ
rằng tôi đã đi học".
Vâng, Alfred Emmanuel Smith không có miếng giấy nào chứng tỏ rằng ông đã đi học,
nhưng ông có những tờ giấy chứng tỏ rằng ông được sáu trường đại học lớn, trong
số đó có trường Columbia và trường Harvard, tặng ông học vị danh dự vì những
thành công xuất chúng của ông về chính trị và lòng hy sinh của ông cho nhân loại.
Tôi hỏi ông có buồn vì lẽ không được vô đại học không. Ông đáp không. Ông bảo rằng
người nào muốn tiến lên những bực cao trong chính giới thì phải có tài đắc nhân
tâm, phải biết cách cư xử ở đời, mà ông cảm thấy rằng có lẽ khi vác đồ ở các chợ
tại đường Fulton và khi làm thừa phát lại trong tám năm, ông đã học được về
cách xử thế nhiều hơn là nếu ông học trong một trường đại học.
Hồi mười tuổi, ông ở trong nhạc đội nhà thờ, mùa lạnh cũng phải dậy sớm từ năm
giờ để hầu lễ vào sáu giờ.
Năm hai mươi hai tuổi, ông bán báo ở bến tàu. Lúc rảnh ông chơi dã cầu ở dưới gầm
cầu Brooklyn Bridge... Nhưng ông thích nhất là được lái xe cứu hỏa. Ông chỉ
mong được làm lính cứu hỏa, nên sống chung với lính cứu hỏa, ca múa cho họ vui.
Và khi có chuông kêu cấp cứu thì ông chụp lấy bình cà phê và hộp bánh luôn luôn
để sẵn ở cửa sổ, can đảm leo lên xe cứu hỏa khi xe bắt đầu phóng trong thành phố
(...)
Năm ông mười bốn tuổi, một việc xảy ra, định hướng cho đời ông. Ông thắng được
một cuộc tranh biện trong trường. Sự thành công đó đưa ông lên sân khấu và làm
tăng lòng tự tin của ông. Ông được mời vào hội Saint James Players, một hội tài
tử diễn kịch để giúp cô nhi viện. Ông thành công. Khán giả thích nụ cười và
thiên tài của ông.
Chẳng bao lâu ông thành ngôi sao và linh hồn của hội. Ông thích cuộc đời sân khấu
đó quá! Nó đưa ông qua một thế giơi khác. Ban ngày ông làm mười hai giờ ở chợ
cá Fulton Street để lãnh mỗi tuần trên hai Anh kim; Nhưng ban đêm ông sống
trong cái thế giới sân khấu rực rỡ ánh đèn và phấn son. Ban đêm ông thành một
anh hùng, một nghệ sĩ, lòng nở ra khi khán giả vỗ tay khen. Ông đóng những vai
quan trọng nhất trong các kịch May Blossom, The Confederate Spy, the Ticketof
Leaveman và The Almighty Dollar. Nhờ kinh nghiệm trên sân khấu, ông tập được
tài ăn nói dễ dàng và tự nhiên trước thính giả, tài chỉ huy một đám đông. Ít
lâu sau ông diễn thuyết về chính trị, trên một chiếc xe cam nhông, giữa đám quần
chúng ở các góc đường. Hồi đó, ông là một người lao động, làm chật vật trong một
xưởng chế tạo máy bơm ở Brookly; nhưng trong khi ông ngồi ăn bánh của bà thân
ông làm và gói mang theo tới hãng, ông đã mơ mộng một ngày kia được bầu là nghị
sĩ tiểu bang Nữu Ước. Mộng đó sau thực hiện được, nhưng ông còn phải trải qua một
thời làm thừa phát lại.
Trong tám năm ông viết trát kêu người ta đi hầu tòa. Nhờ công việc đó, ông tiếp
xúc với đủ hạng người, từ anh bán bánh, bán thịt tới các nhà lý tài ở Wall
Street. Ông học được nhiều kinh nghiệm về bản chất con người và tập được tánh
nhẫn nhục chịu sự ngược đãi vì hai chục phần trăm những người ông đem trát tới,
tố cáo và nguyền rủa ông.
Tháng giêng năm 1904, khi ông tới Albany lãnh chức nghị viên viện lập pháp, ông
ba chục tuổi. Trong ba chục năm đó ông chưa lần nào ngủ ở khách sạn. Đêm ấy ông
lại khách sạn, vô phòng và đọc một tờ báo ra buổi chiều, đăng tin một đám cháy
tại một khách sạn Chicago làm nhiều người chết. Trời lạnh, nhiệt kế biểu xuống
tới mười sáu độ dưới số không. Đọc những chi tiết rùng rợn về đám cháy, ông
không khỏi nghĩ tới những người mà ông thấy chất củi trong lò sưởi khách sạn
ông ở. Một khách sạn bằng gỗ. Ông ở trên từng lầu thứ bảy. Nếu cháy thì không
có cách nào thoát được. Ông thống đốc tương lai của Nữu Ước không ham cái nạn bị
chết cháy, nhất là trong đêm đầu tiên ông ở khách sạn, cho nên ông đánh thức một
người bạn để chơi bài tiêu khiển với ông tới năm giờ sáng. Rồi hai người mới
thay phiên nhau ngủ, cứ mỗi người ngủ một giờ rồi dậy canh cho người kia ngủ, để
khỏi bị chết cháy.
Mấy năm đầu ở Albany ông điên đầu vì những công việc trong viện Lập pháp. Ông hết
sức nghiên cứu các dự án về luật mà chẳng hiểu gì cả, vì những dự án đó dài
dòng, rắc rối và tối tăm đối với ông, như thể viết bằng tiếng Ấn Độ. Lại thêm
người ta giao cho ông những trọng trách mà ông chưa biết chút gì, người ta bầu
ông vào Ủy ban về Ngân hàng mà ông chưa hề tới một ngân hàng nào, trừ phi để
giao trát kêu một vài chủ ngân hàng đi hầu tòa. Người ta lại bầu ông vào Ủy ban
về Lâm sản mà ông cũng chưa hề đặt chân vào một khu rừng nào. Sau khi làm việc ở
viện Lập pháp mười lăm tháng ông thất vọng đến nổi muốn bỏ. Nhưng ông không bỏ,
chỉ vì một lẽ là nếu chịu thua thì sẽ mắc cỡ với mẹ và bạn bè, sau cùng ông tự
nhủ: "Mình đã thắng được trong những vấn đề khác thì sẽ thắng được trong vấn
đề này".
Từ đó trở đi ông làm việc mười sáu giờ một ngày, nghiên cứu các dự án, cách thức
thảo luật. Người ta bảo ông là người thứ nhất không khi nào chịu chấp thuận một
đạo luật nào mà không đọc và hiểu kỹ mỗi khoản trong đó, dầu nó có đến cả ngàn
khoản. Ông nhất định dùng tiền của những người đóng thuế cũng kỹ lưỡng như tiêu
tiền của ông. Nếu bộ nào cần một người thư ký thì ông đòi biết thư ký đó vào hạng
nào, sẽ làm công việc gì và tại sao lại phải cần dùng đến họ.
Chín năm sau khi tới Albany, ông làm chủ tịch viện Dân biểu của tiểu bang và chắc
chắn biết nhiều về việc nước hơn bất cứ người nào khác, nên mọi chính khách phải
khâm phục ông.
Hỏa hoạn tai hại phát ở một xưởng tại Nữu Ước năm 1911, làm cho ông cũng như mọi
người kinh khủng: 148 nạn nhân bị cháy thành than, phần đông là đàn bà và trẻ
con, có nhiều người nhảy từ từng lầu thứ bảy xuống đất, chết tan xương. Từ đó
Al Smith thành lập một thập tự quân chiến đấu cho những điều kiện làm việc được
hoàn hảo hơn; ông giúp được nhiều trong việc cải thiện luật lao động của tiểu
bang Nữu Ước, trừ hỏa hoạn, trừ cái tệ bắt trẻ con làm việc trong các nhà máy,
bắt thợ làm việc cả bảy ngày mỗi tuần, và tệ trả công rẻ mạt, ông đặt ra những
luật để giảm tai nạn, và cải thiện vệ sinh cho công nhân. Những luật xã hội đó
được nhiều tiểu bang khác và nhiều nước phỏng theo.
Bốn chục năm trước, khi Tom Foley đưa Al. Smith vào viện Lập pháp, có khuyên
Al. Smith: "Anh Al, anh đừng bao giờ hứa một điều gì mà anh không giữ được,
và có nói điều gì thì luôn luôn phải cho đúng sự thực".
Chẳng những Al. Smith nói đúng sự thực mà còn chiến đấu cho sự thực bất kỳ ở
trong địa vị nào.
Chương 29
H. G. Wells
Gần bảy mươi lăm năm trước, một bọn trẻ em đương chơi trên đường
ngoại ô Luân Đôn, thì một tai nạn xảy ra. Một trong những đứa lớn nhất nắm lấy
một đứa nhỏ, tên là Bertie Wells, rồi liêng lên trời nhưng khi đứa nhỏ rớt xuống,
đứa lớn không đỡ, thành thử đứa nhỏ gẫy chân.
Trong mấy tháng Bertie nằm quằn quại trên giường, với một vật nặng cột vào
chân. Nhưng xương không lành. Phải gỡ ra bó lại. Đau đớn ghê gớm. Em bé Bertie
la hoảng, tưởng chết được.
Tai nạn đó bi thảm, nhưng Bertie sống được và nhờ nó mà sau thành một nhà văn nổi
tiếng nhất thế giới. Bút danh của ông không phải là Bertie mà là Herbert George
Wells, hoặc H. G. Wells. Chắc bạn đã đọc vài cuốn của ông? Ông viết trên bảy
mươi lăm cuốn: và chính ông nhận rằng tai nạn gẫy chân đó có lẽ là điều hay nhất
cho ông. Sao vậy? Tại ông phải nằm nhà trọn một năm và không làm được việc gì
khác nên đành nghiến ngấu bất kỳ cuốn sách nào ông kiếm được. Kết quả thành ra
ông thích đọc sách, thích văn chương. Ông bị kích thích. Ông cảm hứng. Ông nhất
định vượt lên khỏi cảnh tầm thường vô vị ở chung quanh. Cái chân gẫy đó đã đổi
hướng cho đời ông.
H. G. Wells là một trong những nhà văn mà tiền nhuận bút cao nhất. Nhờ cây bút,
có lẽ ông đã kiếm được hai trăm ngàn Anh kim; nhưng hồi nhỏ ông đã khốn đốn
trong cảnh bần hàn. Thân phụ ông là một nhà nghề chơi cầu "Cricket"
và mở một tiệm đồ gốm, buôn bán lỗ lã, cửa hàng rung rinh muốn sập. H. G. Wells
sanh trong một phòng nhỏ tại cửa tiệm đó. Bếp ở trong một cái hầm, tối om dơ
dáy mà ánh sáng chỉ lọt vào được nhờ một lỗ nhỏ có lưới sắt ở trên trần. Sau
này nhớ lại tuổi thơ ấu, ông còn thấy rõ ông hồi đó ngồi trong bếp tối mà nghe
tiếng chân người lướt trên lưới sắt trên đầu. Ông tả những bước chân đó và chỉ
cho ta cách nhìn giày mà xét người ra sao.
Sau cùng tiệm đồ gốm sập. Gia đình ông tuyệt vọng. Thân mẫu ông phải xin làm quản
gia cho một điền chủ lớn ở Sussex. Tất nhiên, bà cụ phải sống chung với bọn đầy
tớ. H. G. Wells thường thường tới thăm mẹ, và bắt đầu được biết qua đời sống của
hạng thượng lưu Anh do hạng tôi tớ kể lại.
Tác giả bộ Đại cương Lịch Sử Thế Giới (The Outline of History) Hồi mười ba tuổi
đã bắt đầu giúp việc cho một người bán nỉ. Ông phải dậy từ năm giờ sáng, quét dọn
cửa hàng, nhóm lửa, làm việc như mọi người bốn giờ một ngày. Thực là vất vả,
nên ông khinh ghét đời đó lắm. Cuối tháng, chủ tiệm tống cổ ông ra vì ông đầu
tóc bù xù, quần áo xốc xếch mà lại hay quấy rầy.
Sau khi ông xin được việc trong một tiệm bào chế. Và cũng chỉ được một tháng là
bị tống cổ ra nữa.
Sau cùng ông vào làm một tiệm nỉ khác. Ông cần phải kiếm ăn, nên lần này rán chịu
đựng được lâu hơn một chút. Nhưng hễ vắng mặt người gác, là ông lẩn xuống hầm để
học Herbert Spencer.
Sau hai năm, ông không chịu được đời đó nữa, cho nên một buổi sáng chủ nhật,
không đợi ăn điểm tâm, bụng rỗng, ông đi hơn ba chục cây số về với bà cụ. Ông
điên cuồng. Ông năn nỉ bà cụ. Ông khóc lóc. Ông thề rằng nếu phải ở lại trong
tiệm đó nữa thì ông sẽ tự tử.
Rồi ông viết một bức thư dài, cảm động cho thầy học cũ kể lể rằng ông khốn khổ,
đứt ruột, chỉ muốn chết cho rảnh.
Và ông vô cùng ngạc nhiên khi nhận được thư của thầy học cũ cho ông một chỗ dạy
học.
Ông cuống cuồng lên! Đời ông đã tới một khúc quẹo khác.
Nhưng H. G. Wells về già, thường kể bằng giọng trong và lớn của ông rằng những
năm dài đằng đẳng làm vất vả, cực khổ ở tiệm bán nỉ, thực ra là cái phước cho
ông. Ông bẩm sinh biếng nhác, và chủ tiệm đã tập cho ông chịu khó nhọc làm lụng.
Sau ít năm dạy học, một tai nạn xảy đến thình lình như bom nổ. Việc xảy ra như
sau. Ông đương đá banh, đương hăng hái thì bị xô té, người ta giẫm lên người
ông, ông gần chết. Một trái thận của ông nát nghiến ra và phổi bên mặt lủng.
Máu xối ra, ông xanh mét. Các bác sĩ hết hy vọng; và trong mấy tháng, ông nằm
mà lo sợ sẽ không sao thoát chết được. Trong mười hai năm sau, mười hai năm ghê
gớm, ông bám lấy đời sống, thân gần như tàn tật; nhưng chính trong mười hai năm
đó, ông đã luyện được một cái tài làm ông nổi danh khắp thế giới.
Năm năm trường ông viết như điên như cuồng. Sách, bài báo, tiểu thuyết ông viết
ra hồi đó đều nhạt nhẽo, vụng về. Và ông có đủ lương tri để nhận thấy điều đó.
Cho nên viết xong, ông đốt hết.
Sau cùng, mặc dầu gần như tàn tật, ông xin được một chỗ dạy học khác. Trong lớp
sinh vật học, có một nữ sinh xinh đẹp. Tên nàng là Catherine Robbins. Nàng mảnh
khảnh, ốm yếu. Mà ông cũng ốm yếu, mảnh khảnh. Cả hai đều không hy vọng gì sống
lâu, đều muốn nắm lấy tức thì tất cả những hạnh phúc mà họ có thể tìm được. Thế
là họ cưới nhau.
Vệc đó xảy ra cách đây khoảng năm chục năm; lạ thay, Wells đã không chết, lại
còn mạnh lên, thành một người đầy sinh lực, và mỗi năm gọt đẽo được hai cuốn
sách dầy, những cuốn sách mà ánh sáng chiếu tỏa lên khắp thế giới cho tới khi
ông mất, năm 1946.
Trong óc ông bừng bừng những ý mới. Ông thường nửa đêm thức dậy chép tư tưởng của
ông vào một cuốn sổ tay. Và con người biếng nhác bị một chủ tiệm bán nỉ tống cổ
ra vì bất lực đó, đã thâu thập được biết bao tài liệu trong những cuốn sổ tay,
giá có dùng để viết sách hoài trong một trăm rưỡi năm cũng không hết.
Ông có tài ngồi ở đâu cũng viết được: trong phòng viết của ông ở Luân Đôn,
trong toa xe lửa hay dưới bóng một cây dù trên bờ Địa Trung Hải mà màu nước
xanh mê hồn.
Ông mướn hai biệt thự ở Nice, một làm chỗ viết, một làm nơi tiếp khách. Ông viết
suốt ngày, chỉ chuyện trò với khách buổi tối, và hết thảy bạn bè đều mến ông.
Chương 30
Anh Em Mayo
Nếu một cơn dông tố không tàn phá một thị trấn ở Minnesota cuối
thế kỷ trước thì có lẽ nhân loại không được hưởng một phát minh vào hạng quan
trọng nhất trong lịch sử y học.
Thị trấn bị tàn phá đó, Rochester, ngày nay nổi danh nhờ hai anh em Mayo, hai
nhà giải phẫu có tài nhất ở Hoa Kỳ. Hai ông ở Rochester và phát minh của bác sĩ
C. H. Mayo đã giúp y học trị được vài thứ bệnh thần kinh. Hiện nay ông còn tiếp
tục nghiên cứu phát minh đó. Ông đã tìm được một thứ thuốc tiêm vô mạch máu,
làm thay sự tuần hoàn và do đó óc được bình tĩnh lại.
Hai anh em ông được khắp thế giới bết tên. Nhiều y sĩ từ Ba Lê, Luân Đôn, Bá
Linh, La Mã, Leningrad, Đông Kinh tới Rochester để học phương pháp của hai ông.
Mỗi năm sáu ngàn bịnh nhân đã vô phương cứu chữa lại dưỡng đường Mayo với tấm
lòng tin tưởng như tín đồ hành hương tại đất thánh.
Vậy mà như tôi đã nói, nếu dông tố không tàn phá miền Middle West ở cuối thế kỷ
trước thì thế giới có lẽ không bao giờ được nghe tên hai anh em Mayo và cũng
không biết phhương thuốc của hai ông.
Khi bác sĩ Mayo, thân phụ của hai ông, tới lập nghiệp ở Rochester vào khoảng giữa
thế kỷ trước, thì nơi đó có không đầy hai ngàn dân. Ngày đầu cụ chữa bệnh cho một
con bò và một con ngựa. Khi dân da đỏ nổi loạn, cụ nổ súng mút để hạ chúng rồi
đợi khói súng tan hết, cụ đi khắp bãi chiến trường chôn cất những người chết và
săn sóc những người bị thương. Thân chủ của cụ ở rải rác trên năm chục cây số
trong đồng cỏ Mimesda. Phần đông họ sống trong những nhà vách trát bùn. Họ
nghèo quá, không có tiền trả cụ, mà cụ cũng vẫn nữa đêm đi thăm bệnh cho họ; có
khi phải mò đường trong những cơn bão tuyết mù mịt tới nỗi, giữa ban ngày, đưa
tay ra trước mặt cũng không trông thấy.
Cụ có hai người con, William và Charles, tức hai anh em Mayo. Hai ông vừa giúp
việc cho một tiệm bào chế trong miền, cân thuốc, tán thuốc, hoàn thuốc, vừa
theo học trường y khoa. Rồi một tai nạn xảy ra, làm tương lai của ông thay đổi
hẳn. Một cơn dông tố tàn phá cánh đồng Minisota, như quỉ thần giận dữ muốn phạt
dân cư miền đó. Cơn dông tới đâu thì nhà cửa, cây cối tan tành sụp đổ tới đó.
Châu thành Rochester bị cuốn đi như một cọng rơm. Hằng trăm ngàn người bị
thương, hai mươi ba người chết. Luôn mấy ngày, ba cha con Mayo đi băng bó, mổ xẻ
các nạn nhân trên những nền nhà hoang tàn. Bà Phước nhất Alfred, ở nhà tu Saint
Francois thấy ba cha con Mayo tận tâm như vậy, cảm động hứa sẽ cất một dưỡng đường
nếu họ chịu đứng ra trông nom. Họ bằng lòng và khi khánh thành dưỡng đường Mayo
năm 1889 thì bác sĩ Mayo đã bảy chục tuổi mà hai người con chưa làm trong nhà
thương nào cả. Vậy mà ngày nay ông William Mayo người anh cả được coi là nhà
chuyên môn giỏi nhất về bệnh ung thư. Cả hai anh em đều nổi tiếng về khoa giải
phẫu mà người nào cũng khen người kia là hơn mình. Hai ông mổ xẻ rất nhanh, tới
dưỡng đường bảy giờ sáng và mổ xẻ không ngừng tay mỗi ngày bốn giờ cho từ mười
lăm đến ba mươi bệnh nhân. Vậy mà hai ông vẫn tiếp tục học hoài để cải thiện
phương pháp và tuyên bố rằng còn phải học thêm nhiều. Cả thành phố Rochester sống
nhờ dưỡng đường Mayo và cho dưỡng đường Mayo. Xe hơi, xe ô tô buýt, mọi loại xe
đều không bóp kèn trong thành phố đó.
Đó là gương hai người thường dân một tỉnh nhỏ, hai người không nghĩ đến tiền mà
đã gây được một gia sản khổng lồ. Hai người không nghĩ đến danh vọng mà thành
những nhà giải phẫu nổi danh nhất Hoa Kỳ.
Hai anh em ông không cần lại Nữu Ước để làm giàu, cứ rèn luyện tài của mình
trong một thành phố nhỏ mà tự nhiên được thần tài tới gõ cửa để thưởng công.
Trong phòng khách, trên bàn giấy, có treo một tấm khung lồng câu này: "Nếu
ông có một vật mà thế giới đòi hỏi thì ông có thể ở giữa rừng thẳm: luôn luôn
người ta sẽ phá rừng xây đường vào tới cửa nhà ông". Câu đó tóm tắt một luật
bất di bất dịch của sự thành công.
Chương 31
Clarence Darrow
Cách đây gần ba phần tư thế kỷ, một cô giáo bạt tai một em nhỏ
vì em đó không chịu ngồi yên trong lớp, cựa quậy, vặn vẹo người hoài. Cô bạt
tai em trước mặt những em khác, làm em bị nhục đến nỗi em la khóc trên suốt con
đường về nhà. Lúc đó em mới năm tuổi mà đã thấy rằng cô giáo đối với em quá tàn
nhẫn và bất công, em sinh oán ghét sự tàn nhẫn và bất công, sau này chiến đấu
suốt đời để diệt hai cái đó.
Tên em nhỏ đó là Clarence Darrow, nhà cố vấn về hình luật danh tiếng nhất đương
thời ở châu Mỹ. Tên ông thường chiếu rực rỡ bằng chữ lớn trên hàng đầu trang một
của mọi tờ nhật báo trong xứ. Ông là một chiến sĩ bênh vực cho những kẻ bị ức
hiếp.
Các ông già bà cả ở Ashtabula, xứ Ohio, hiện nay còn nhắc lại vụ kiện thứ nhất
ông đã cãi. Việc rất tầm thường, chỉ là bênh vực người làm chủ một bộ yên ngựa
cũ có giá trị một Anh kim. Nhưng đối với Clarence Darrow, đó là một vấn đề
nguyên tắc phải theo đúng. Con rắn độc bất công đã ngóc đầu lên thì ông phải tấn
công nó, như tấn công con hổ ở Ấn Độ vậy. Thân chủ ông chỉ trả ông có một Anh
kim, ông bỏ thêm tiền túi ra để bênh vực người đó tại bảy tòa án trong bảy năm
trời và thắng kiện.
Darrow nói rằng không bao giờ ông ham tiền bạc hay danh vọng. Ông tự cho mình
là một thằng tướng đại lãn. Mới ra đời, ông dạy học. Một hôm một việc xảy ra,
thay đổi hẳn đời ông. Trong châu thành có một người thợ rèn lúc nào rảnh việc
đóng móng ngựa thì học luật. Clarence Darrow nghe người đó biện hộ trong một vụ
tranh chấp tại một tiệm thợ thiếc, bị lời lẽ hoạt bát và hùng hồn của người nhà
quê đó làm cho mê mẩn. Ông cũng muốn tranh biện được như họ nên ông hỏi mượn những
sách luật của người thợ rèn và bắt đầu học luật. Mỗi sáng thứ hai ông thường
mang sách luật lại trường để học trong khi học trò ông học địa lý và toán.
Ông nhận rằng nếu không có một chuyện kích thích ông hoạt động thì suốt đời ông
chỉ là một nhà cố vấn pháp luật ở làng.
Hai vợ chồng ông tính mua một căn nhà nhỏ ở Ahstabula, xứ Ohio của một nha y.
Giá tiền là bảy trăm Anh kim. Ông rút hết số tiền gởi ngân hàng ra, được một
trăm Anh kim, trả cho chủ nhà, còn bao nhiêu xin góp lần làm nhiều năm. Việc
thu xếp đã gần xong thì vợ người nha y đó không chịu ký văn tự.
Mụ tỏ vẻ khinh bỉ, bỉu môi nói:
- Này chú, tôi tin rằng suốt đời, chú cũng không kiếm ra được bảy trăm Anh kim
đâu.
Darrow nổi dóa, nhất định không chịu ở một tỉnh có hạng người như vậy nữa. Và
ông phủi chân cho hết đất bụi ở Ashatabula, mà lại Chicago.
Năm đầu ở Chicago ông kiếm được có sáu chục Anh kim, không đủ trả tiền mướn
phòng. Nhưng năm sau ông kiếm được gấp mười số đó, sáu trăm Anh kim nhờ làm luật
sư đặc biệt cho châu thành.
Ông nói: Khi đời tôi bắt đầu thay đổi thì tôi thấy mọi sự may mắn tới dễ dàng
và nhanh chóng quá. Không bao lâu ông làm phó Chưởng lý cho công ty xe lửa
Chicago and North Western, và tiền vô như nước. Lúc đó một vụ đình công bùng nổ.
Oán thù! Rối loạn! Đổ máu.
Cảm tình của Darrow về phía người đình công. Khi Eugene Debs người cầm đầu công
ty xe lửa bị đem ra xử, Darrow bỏ việc một cái một, và đáng lẻ bênh vực công ty
thì ông bênh vực thợ thuyền. Đó là vụ cãi sôi nổi nhất của Darrow mà mỗi vụ cãi
của ông đều là trụ đá ghi con đường trong lịch sử tòa án. Chẳng hạn vụ Leopold
và Loed tự thú đã giết em bé Bobby Franks. Dư luận bất bình vô cùng, ghê tởm vì
sự tàn nhẫn của kẻ sát nhân đến nỗi khi Clarence Darrow đứng bênh vực hai tên
đó, ông bị công chúng chửi rủa, hành hạ gọi là thằng giết người. Mà tại sao ông
lại làm như vậy? Ông nói "Dù quần chúng oán ghét tôi, tôi cũng làm. Tôi
không muốn cho một thân chủ nào của tôi bị tội xử tử hình, và nếu họ bị xử tử
hình thì tôi có cảm tưởng rằng tôi cũng gần như chết vậy. Không bao giờ tôi có
thể đọc được một tin tử hình. Tôi luôn luôn đi khỏi châu thành trước ngày xử tử.
Tôi kịch liệt chống lại sự tử hình".
Ông nói rằng xã hội sinh ra tội nhân và bất kỳ người nào cũng có thể mắc tội
này hay tội khác.
Chính ông đã từng trãi, biết cảnh bị tòa xử mình rồi. Có lần ông bị buộc tội là
hối lộ quan tòa, và ông phải đem hết tài hùng biện ra tự bênh vực. Nhưng lần đó
ông thấy được một tấm lòng biết ơn cảm động nhất trong đời ông. Một thân chủ cũ
của ông gặp ông, nói:" Khi tôi mắc nạn, ông cứu cho tôi khỏi bị thắt cổ,
mà nay ông mắc nạn, tôi không giúp lại ông được gì. Làm sao giết được đứa đã
làm chứng gian để vu oan cho ông?"
Mấy năm trước, ông đã xuất bản một cuốn kể đời ông, và tôi còn nhớ đã thức rất
khuya để đọc chương trong đó ông vạch nhân sinh quan của ông. Ông viết:
"Tôi không biết chắc tôi đã làm được nhiều hay ít. Tôi đã lầm lỗi trên con
đường của tôi, và tôi đã cướp được của định mạng bủn xỉn càng nhiều nỗi vui
càng tốt. Công việc ngày nào đủ cho ngày ấy, miễn là ta không quên hướng đi và
cái đích trên đường đời. Tôi không thấy được rằng tôi đã già. Tôi mới bắt đầu
đi trên đường đời đây mà, với tất cả thế giới và thời gian vô biên ở trước mặt;
mà bây giờ cuộc hành trình đã gần xong và ngày đã gần tàn.
Nhưng quãng đường tôi đã giẫm chân lên ngắn biết bao so với quãng đường vô cùng
tôi chưa bước tới".
Chương 32
Eđie Rickenbacker
Đây là truyện một người cơ hồ không có gì làm cho chết được,
một người đã thách tai biến, đã đùa cợt với thần chết trong một phần tư thế kỷ.
Ông đã chạy vù vù trên đường đua, với một tốc lực làm rợn tóc ráy, trong hơn
hai trăm cuộc đua xe hơi; và trong những ngày đổ máu năm 1918, ông bắn rớt hai
mươi sáu máy bay Đức, bắn rớt ở trên không trung, trong khi đạn vèo vèo nổ ở
bên tai ông; vậy mà không bao giờ ông bị một vết trầy da nào gọi là có.
Ông tên là Eddie Rickenbacker, đã chỉ huy phi đội danh tiếng Hat- in- the- Ring,
là phi công lỗi lạc nhất của Mỹ trong đại chiến thứ nhất.
Sau chiến tranh, ông là người dìu dắt cho Ross Smith, phi công nổi danh của Úc,
người thứ nhất đã bay trên Đất Thánh (tức Jérusalem) và người thứ nhất đã bay
được một nửa vòng trái đất. Tôi thấy Ross Smith và Eddie Rickenbacker có nhiều
chỗ giống nhau, đều cực kỳ bình tĩnh và nhũn nhặn, ăn nói ngọt ngào, khác hẳn hạng
người quen ria súng giết giặc ở trên không.
Cho tới hồi mười hai tuổi, Eddie Rickenbacker là một thanh niên rừng rú, không
có kỷ luật, tính tình nóng nảy, cầm đầu một bọn du côn lối xóm, đập bóng đèn
ngoài đường và phá phách đủ thứ. Rồi một việc buồn xảy ra.
Thân phụ ông mất và chỉ trong nửa tháng ông thay đổi hẳn.
Ngày đưa đám thân phụ, ông nhận thấy mình thành chủ trong gia đình. Ông bèn bỏ
học, xin một việc trong một xưởng làm kính, được hai cắc rưỡi một giờ, và mỗi
ngày ông làm mười hai giờ. Ông đi bộ mười hai cây số tới xưởng mỗi buổi sáng,
và mười hai cây số về mỗi đêm để đỡ tốn năm xu xe điện. Ông nhất định tiến tới.
Không có gì làm ông ngừng được. Công việc trong xưởng không có gì thay đổi, buồn
chán đến chết được. Ông ghét nó lắm. Ông muốn thành một nghệ sĩ, muốn sáng tác,
xây những mộng màu sắc rực rỡ. Ông học vẽ trong một lớp ban đêm và xin được việc
đục hình các thánh trên đá hoa cho một nhà bán mộ chí. Chính ông đã đục mộ chí
trên mộ thân phụ ông. Nhưng người ta bảo ông công việc đục mộ chí đó rất nguy
hiểm, vì phải hít những bụi đá vào phổi. Ông nói:"Tôi không muốn chết yểu,
nên tìm một việc khác ít nguy hiểm hơn".
Năm ông mười bốn tuổi, một buổi sáng, ông đứng trên vỉa hè nhìn chiếc hơi đầu
tiên ông thấy trong đời ông, một cái xe kỳ cục, nổ bịch bịch, điếc cả tai, rầm
cả đường phố Columbus ở Ohio. Nhưng chiếc xe đó đối với ông là chiếc xe tiền định.
Nó thay đổi hoàn toàn đời ông.
Cách đó ít lâu, ông xin được việc trong một hãng sửa xe, và tập lái xe ra, lái
xe vô trong một căn nhà bằng cây hồi trước dùng làm chuồng ngựa. Ông dựng một
xưởng ở sân phía sau, chế tạo lấy đồ dùng và dự bị đóng lấy một chiếc xe hơi.
Ngay lúc đó, một xưởng đóng xe hơi bắt đầu mở ở Columbus, và chủ nhật nào ông
cũng tới đó xin việc, nhưng chủ nhật nào người ta cũng đuổi ông đi. Sau khi bị
đuổi tới lần thứ mười tám, ông trở lại nữa và nói với người chủ lúc đó rất ngạc
nhiên:"Thưa ông, dù muốn hay không ông cũng đã có một người thợ mới rồi đấy.
Sáng mai tôi lại đây làm. Ông thấy không, sàn ông dơ đây này. Tôi sẽ chùi nó.
Tôi sẽ chạy những việc vặt cho ông và mài đồ dùng cho ông".
Còn tiền công? Ông không hề thốt một lời gì về tiền công hết. Ông chỉ cần có cơ
hội để khởi sự và ông đã được cơ hội đó. Rồi ông xin học một lớp hàm thụ về cơ
giới, ông tự dự bị sẵn sàng để thời cơ tới là ông tiến.
Từ hồi đó trở đi, ông tiến mau: thợ rồi lên cai, lên đốc công, rồi đứng bán xe,
rồi làm giám đốc một ngành.
Rồi ông đâm ra thèm lái xe nhanh, khao khát mạo hiểm. Lòng ông chỉ ước mơ tiếng
vỗ tay và sự kích thích trong một cuộc đua xe. Ông biết rằng muốn vậy thì ông
phải thay đổi con người của ông đi. Và ông quả quyết diệt tánh nóng nảy của
ông. Ông tập tự chủ. Ông tập mỉm cười cho tới khi ông nổi danh về mỉm cười.
Nghề đua xe hơi cần có những gân cốt gang thép. Ông biết vậy. Cho nên ông bỏ
hút thuốc, bỏ uống rượu, và mỗi tối cứ đúng mười hai giờ là đi ngủ. Như vậy, hồi
hai mươi lăm tuổi Eddie Reckenbacker thành một trong những nhà chạy đua xe hơi
nổi tiếng nhất.
Và đây mới là chuyện nực cười! Trong ba chục năm nay, ông lái xe hơi hàng trăm
ngàn cây số, mà không hề có một giấy phép lái xe, ngay bây giờ cũng không có.
Ông không tin bùa. Bạn thân ông thường tặng ông các thứ bùa may, như chân thỏ,
móng ngựa nhỏ xíu...Nhưng một hôm, ngồi xe lửa, ông liệng hết những bùa đó qua
cửa sổ xuống cánh đồng Kansas.
Khi châu Mỹ dự cuộc đại chiến thứ nhất, khắp giới lái xe hơi ngưỡng mộ ông: ông
vượt đại dương, qua Pháp lái xe hơi cho đại tướng Pershing. Nhưng lái xe cho đại
tướng, đối với ông, là công việc buồn quá. Ông muốn hoạt động kia, và ông được
hoạt động. Người ta cho ông lái phi cơ và đưa ông một cây súng; trong mười tám
tháng ông đã viết tên ông lên hàng đầu bảng phương danh những vị anh hùng trong
đại chiến, và ngực ông đầy huy chương của ba chính phủ.
Trong một cuốn sách bán rất chạy, dày ba trăm bảy chục trang, ông kể những trận
anh hùng của ông. Cuốn đó nhan đề là Fighting the Flying Circus là một trong những
chương rùng rợn nhất của lịch sử không quân.
Chương 33
Oliver Wendell Holmes
Tôi xin kể bạn nghe chuyện một người đã ảnh hưởng lớn đến tư
tưởng của người Mỹ nhất là về luật pháp. Ông là một thiên tài của Hoa Kỳ.
Người đó là vị thẩm phán Olive Wendell Holmes. Ông thọ chín mươi bốn tuổi và biết
hầu hết những nhân vật quan trọng ở Hoa Kỳ trong một thế kỷ nay.
Khi ông còn nhỏ, thân phụ ông thường bảo các con rằng trong bữa cơm ai nói được
câu nào hóm hỉnh nhất sẽ được thưởng thêm mứt. Ông Wendell rất thích mứt nên tập
ăn nói từ hồi đó (...)
Khi ông bắt đầu học luật năm 1857, cụ không bằng lòng vì thời đó người ta còn
khinh môn luật. Cụ năn nỉ ông:
- Con nghe ba, đừng theo nghề đó, nó không đưa tới đâu cả.
Nhưng ông tin chắc rằng học luật có thể thành một người có danh vọng. Và ông
nghiến ngấu sách luật như nghiến ngấu tiểu thuyết, trang nào cũng thấy say mê.
Năm 1861 ông sắp thi ở trường Harvard thì nội chiến bùng nổ. Ông liệng cả sách
vào tủ, đăng lính. Ông chiến đấu anh dũng, bị thương ba lần. Một viên đạn xuyên
qua gần đụng tim ông, đến nỗi một quân y thấy người ta khiêng ông trong một chiếc
cáng, la lên.
- Đừng phí công với người đó nữa. Hắn chết rồi!
Chết rồi ư? Sự thực thì ông còn đương tuổi lớn. Ông còn lớn thêm bốn, năm phân
nữa mới đủ một thước chín và còn sống để mà giúp cho nước được một việc quan trọng
nhất là cứu cho tổng thống Lincoln thoát nạn năm 1864.
Trong khi đại tướng Grant đương chỉ huy ở Richmod, một đội quân phương Nam, do
Jubal Early cầm đầu, đâm một mũi nhọn lên phía Bắc, tới Alexandrie ở Virginie,
cách Hoa Thịnh Đốn không đầy bốn chục cây số.
Quân phương Bắc tính chặn họ lại ở For Stevens. Abraham Lincoln chưa ra chiến
trường lần nào, cũng tới đó coi hai bên giao chiến. Ông đứng trên một nóc nhà,
gần chỗ tay vịn khi súng bắt đầu nổ. Hình thù vạm vỡ của ông, mà ai cũng nhận
ra được, ở ngay trước họng súng địch. Một vị tướng thưa với ông:
- Thưa ngài Tổng Thống, ngài nên lùi lại phía sau thì hơn.
Lincoln không để ý đến lời đó. Cách đó hai thước, ở chỗ tay vịn, một người ló đầu
ra, lảo đảo rồi lăn ra chết. Lại gần hơn nữa, một người khác cũng ngã gục.
Thình lình ở sau lưng Lincoln có tiếng la lên:
- Đồ điên, xuống đi. Kiếm chỗ núp đi.
Lincoln nhảy một bước, quay lại: đại tá Holmes nhìn ông, giận dữ, mắt nảy lửa.
Lincoln mỉm cười, nói:
- Đại tá ăn nói ôn tồn lắm!
Rồi ông nhún vai, nhận là phải, kiếm chỗ núp.
Tin đó lan ra, nhiều người khen Wendell là anh hùng, nhưng ông ngắt lời ngay,
giọng hơi xẵng:
- Đừng bảo tôi là anh hùng, tôi đã làm phận sự một người lính, chứ có gì khác thường
đâu.
Chiến tranh xong ông về nhà, tiếp tục học như trước. Ông biết rằng học luật
không kiếm được tiền: hồi đó có câu tục ngữ: "Luật sư năm đầu kiếm đủ tiền
khắc bảng đồng ở cửa phòng việc là may".
Olive Wendell Holmes không được như vậy nữa mà mãi ba mươi tuổi ông mới có một
phòng việc riêng cho mình. Tôi không nói ngoa. Năm đó khi ông cưới bà Fannie
Dixwell, một bạn gái từ hồi nhỏ, ông không có một xu dính túi. Hai ông bà phải ở
trong một phòng ở từng thứ tư, trong nhà thân phụ ông, rồi phải ki cóp một năm
để có tiền ra ở riêng. Họ mướn được hai phòng tồi tàn trên một tiệm bào chế và
chỉ có mỗi một cái lò để nấu bếp.
Đó, một thiên tài mà ba chục tuổi còn long đong như vậy.
Rảnh quá, vì vắng khách, ông bổ túc rồi tái bản một bộ luật, bộ Phê bình luật Mỹ.
Công việc đó vĩ đại, phải nghiên cứu, phê bình hằng ngàn trường hợp và không biết
bao bản án của các tòa. Làm việc mấy năm mà vẫn chưa xong, ông đã hơi lo ngại,
vì ông nghĩ rằng trong nghề của ông, trễ lắm là bốn chục tuổi phải có danh vọng
mới được. Mà năm đó ông đã ba mươi chín. Một đồng hồ gõ mười hai tiếng, ông hỏi
bà:
- Mình có tin rằng anh thành công không?
Bà đương khâu, đáp:
- Chắc chắn là mình thành công. Em biết vậy.
Ông thành công thật. Bộ sách đó mà ngày nay ai cũng coi là một công trình bất hủ
về luật Mỹ, được in xong năm ngày trước khi ông đúng bốn chục tuổi. Hai ông bà
cụng ly với nhau để ăn mừng.
Trường đại học Harvard rất thích công trình của ông, tặng ông một ghế giáo sư
luật khoa, lương bốn mươi lăm ngàn Mỹ kim một năm. Ông sung sướng vì vinh dự
đó, nhưng còn hỏi ý kiến bạn thân là George Shattuck đã. Ông này khuyên:
- Anh nên nắm lấy cơ hội đi, nhưng buộc họ một điều kiện là nếu anh được bổ làm
thẩm phán ở tòa Massachusetts thì anh có quyền hủy giao kèo liền.
Ông cho bạn quá lo xa, nhưng cũng nghe theo.
Không đầy ba tháng sau, ông Shattuck chạy lại trường Harvard lôi Holmes ra khỏi
lớp học, hổn hển bảo:
- Có tin mừng lớn. Có một chỗ trống ở Tối cao pháp viện Massachusetts. Chính phủ
chỉ muốn giao cho anh chỗ đó, nhưng buộc anh phải nạp hồ sơ trước mười giờ
trưa. Mà bây giờ mười một giờ rồi.
Chỉ còn một giờ nữa, Holmes lượm nón, rồi hai ông chạy lại tòa Thống Đốc. Một
tuần sau, ông được bổ nhiệm. Ông đã qua một chương mới trong đời ông.
Ở tòa án Masschusetts ông nổi tiếng là "li khai" vì rất ít khi ông đồng
ý với bạn cộng sự. Chẳng hạn năm 1896 ông bênh vực bọn thợ thuyền đình công, mặc
dầu ông không ở trong giai cấp họ. Quyết định xong, ông nói với một người bạn
thân:
- Tôi mới tự cấm tôi thăng chức.
Biết vậy mà ông vẫn giữ vững lập trường. Tư lợi không khi nào ảnh hưởng tới sự
tài phán của ông được. Ông chỉ nghĩ đến sự công bình thôi.
Lạ lùng thay, vụ xử đó và nhiều vụ khác nữa đã chẳng làm hại bước đường công
danh của ông mà còn đưa ông lên những chức vụ vẻ vang nữa. Tổng Thống Theodore
Roosevelt lúc đó muốn tấn công các tổng hợp sản xuất và thương mại ở Hoa Thịnh
Đốn, dùng tất cả uy quyền để diệt những công ty độc quyền, khi nghe người ta
nói về Holmes, la lên:
- Như vậy mới là một vị thẩm phán. Tôi cần dùng người đó.
Và giấy tờ làm rất gấp để bổ Holmes lên chức thẩm phán Tối cao pháp viện Hoa Kỳ.
Đó là danh dự lớn nhất trong nghề. Tổng Thống tưởng rằng Holmes sẽ nghị quyết
theo ý mình. Ông lầm. Ngay trong vụ xử lớn đầu tiên, Holmes đã chống Roosevelt.
Roosevelt giận la:
- Con người gì mà mềm như bún vậy!
Roosevelt quạu, nhưng công chúng lại mừng, Holmes đã xử theo lòng mình, không
tùy thuộc ai, đứng trên hết các đảng phái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét