Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Địa đàng còn in dấu chân

Địa đàng còn in dấu chân

Trịnh Công Sơn sinh ngày 28.2.1939 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Hai năm về trước, cụ thân sinh lên đây chơi, nhân thấy cảnh non xanh nước biếc xinh đẹp và thành phố núi yên tĩnh bèn đưa gia đình lên đây lập nghiệp dài lâu. Năm sau hai ông bà sinh con đầu lòng, nhưng không nuôi được. Năm tiếp theo, Trịnh Công Sơn ra đời, gia đình xem như con trưởng.

Trăng thiên cổ (Chân dung Trịnh Công Sơn)
Tranh sơn dầu Bửu Chỉ

Vết tích của thời kỳ ấu thơ này chẳng còn để lại gì, ngoài một tấm ảnh của tuổi hài đồng, cùng một ít kỷ niệm mờ nhạt trong trí nhớ của người thân; với Sơn chắc cũng không hơn gì. Dĩ nhiên thôi vì nói như M. Ponty, nếu người ta không thể dừng lại một phút sau khi chết để biết mình chết như thế nào; thì người ta cũng không thể ra đời sớm hơn một phút, để biết mình ra đời như thế nào. Tuổi hài đồng là một kỷ niệm bất khả tri của đời người. Dù vậy, Trịnh Công Sơn vẫn coi rằng đây là thời kỳ trọng đại nhất trong cuộc đời của anh, và anh cố tìm đọc ở trong đó những tín hiệu của định mệnh mà anh sẽ phải đảm nhận sau này. Trịnh Công Sơn cảm nhận rằng tuổi hài đồng của anh là thời điểm mà thiên thần Ni-ca-e thông báo tin buồn về một sự ra đời, và rồi đây ở tuổi biết suy nghĩ Trịnh Công Sơn bắt đầu nghiền ngẫm về tin buồn đó trong nghệ thuật của anh, rằng cuộc đời này chẳng có gì vui, tuy nhiên, người ta vẫn phải sống hết cuộc đời của mình, điều mà triết học hiện sinh gọi là “Courage to be”. Trong bài hát Gọi tên bốn mùa, Trịnh Công Sơn viết: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. 
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn xuất phát từ nỗi buồn có tính cách chung thẩm như vậy, cùng với cái nhìn âm u của anh ném ra khắp thế giới, bất cứ chỗ nào đôi mắt của anh từng hướng đến, kể cả cõi tình. Mà người ta có lý khi nghĩ về cuộc đời của Sơn như một hiện hữu không thể có niềm vui. 
Sau khi triển khai tất cả ý nghĩa của một hiện hữu vào nghệ thuật, Trịnh Công Sơn chỉ nhìn thấy còn lại trong tay mình một chút vôi kết tủa của nỗi cô đơn. Có thể nói rằng nỗi cô đơn là không khí tản mạn khắp trong nhạc Trịnh Công Sơn, và là “tội tổ tông” con người phải gánh chịu từ thuở sơ sinh, và không thể nói gì khác. Có thể nói ngay rằng nỗi cô đơn của phận người là một đóng góp quí báu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho cảm hứng âm nhạc Việt Nam một thời. Trong khi mãi dồn sức cho cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhiều người đã quen với những lời hô hùng tráng mà quên đi rằng con người là một gã lữ hành đi trong sa mạc. Nhưng một nền nghệ thuật đánh rơi mất nỗi cô đơn của phận người chưa phải là một nền nghệ thuật hoàn hảo. 
Bóng dáng nhân loại gần gũi và thân thiết nhất đối với con người trong tuổi sơ sinh chính là hình bóng của người mẹ. Trong hầu khắp các ca khúc của anh, Trịnh Công Sơn thường dùng từ Mẹ khi nói về Tổ quốc hoặc quê hương. Tổ quốc của Sơn là một đất nước đổ vỡ vì chiến tranh, là một quê hương mịt mù trong khói lửa (Gia tài của mẹ), là những bà mẹ quê bỏ hoang ruộng vườn, ngẩn ngơ nhìn trái quả trên tay, nhớ về “một giàn đầy hoa” (Người mẹ Ô Lý). Tình cảm đau thương về Tổ quốc là một cảm hứng lớn trong nhạc Trịnh Công Sơn, đã làm cho anh mất ngủ, héo hon suốt tuổi thanh xuân, và từ đó, chín muồi thành thái độ phản chiến trong nhạc của Trịnh Công Sơn. Nội dung phản chiến tuy nhất thời đã làm một số người không bằng lòng, nhưng đó vẫn là tư duy chủ yếu của Trịnh Công Sơn trong ba tập: Ca khúc da vàng, Phụ khúc da vàng, Kinh Việt Nam, và là một nét nhân bản xứng đáng với nhân cách của một người công dân đối diện với một cuộc chiến quá dữ dằn và kéo dài. Chính Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa thế giới (do Liên hiệp quốc bầu chọn) đã từng nói “hòa bình là gốc của nhạc” dù ông đã đi qua cuộc kháng chiến chống Minh với tất cả hăm hở của một người chiến sĩ. Và trên con đường số Chín đầy máu lửa của một thời, đã từng có những người lính Mỹ đứng dàn hàng ngang, không chịu đi hành binh để phản đối chiến tranh. Ở đây, chúng ta thấy hậu quả quyết liệt và lâu dài của hành động phản chiến đó, và bây giờ bất cứ nơi đâu trên thế giới có tiếng súng của kẻ gây chiến, người ta lại thấy cần có hành động phản chiến như những người lính Mỹ nói trên. Vậy phản chiến không hề là một thái độ hèn nhát của những kẻ không dám xung trận, mà là hành vi dũng cảm của những người không muốn dùng máu lửa nhằm dập tắt một thảm kịch máu lửa đang diễn ra khắp nơi. Đây là một ít hồi quang xa xôi của tuổi sơ sinh mà chúng ta có thể tìm thấy trong sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn. 
Tôi muốn dừng lại ở đây trong khoảnh khắc để giải bày lòng biết ơn của cuộc đời đối với vai trò đặc biệt quan trọng của Người Mẹ. 
Tôi sung sướng được tiếp xúc gần gũi với thân mẫu Trịnh Công Sơn trong nhiều năm kết bạn với anh, và được hưởng sự ngọt ngào từ trái tim người mẹ của bà. Bà người nhỏ nhắn, dịu dàng. Tuy phải xoay xở lo cho cả gia đình, bà vẫn chăm lo cho tám người con ăn học đàng hoàng, và lúc nào bà cũng giữ được phong thái ung dung. Thỉnh thoảng, bà vẫn phì phèo một điếu thuốc Kent trên môi, và tiếp chuyện một cách thành thạo những người bạn cùng lứa tuổi của con bà lúc Sơn đi vắng. Dù con trai (Trịnh Công Sơn) đã lớn gần 50 tuổi, bà vẫn dành cho Sơn một tình yêu thương đằm thắm và sự chăm sóc tỉ mỉ như đối với một đứa trẻ; và đáp lại về phía mình, Trịnh Công Sơn cũng dành cho mẹ một niềm yêu mến và kính trọng. “Khi một người mất mẹ ở tuổi 50 - Sơn viết - điều ấy có nghĩa là không còn gì có thể dàn xếp được. Cái sa mạc để lại trong lòng bạn cứ thế mỗi ngày lan rộng ra và cõi lòng bạn thì tan nát như một cánh đồng xanh tươi vừa trải qua một cơn bão lớn” (Trịnh Công Sơn, thủ bút để lại). Tôi cho rằng nhiều nét trong tính cách của Trịnh Công Sơn là thừa hưởng từ bà, thí dụ như sự tế nhị, tính dịu dàng và lòng bao dung. Và với một người chuyên viết tình khúc như Trịnh Công Sơn, ta có thể nói rằng một người tình mang đến cho ta thật nhiều ngọt ngào pha lẫn chút cay đắng, còn tình yêu của người mẹ thì chỉ có sự cưu mang, và trái tim nhân từ mà thôi. Một người tình luôn tự đặt mình trong quan hệ biện chứng giữa cho và nhận, trong khi tình yêu của mẹ chỉ diễn ra trong một chiều của lòng từ tâm mà thôi. Chúng con xin triệu lần biết ơn mẹ, ôi người mẹ tuyệt vời, Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát! Phải có một người mẹ từ mẫu như thế, và phải có một đàn em trìu mến như thế mới có một tài năng kiệt xuất như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Không lạ gì bóng dáng của người mẹ thường hiện ra trong bài hát của Trịnh Công Sơn, hiện ra thấp thoáng trong hầu khắp mọi bài hát hoặc hiện ra thành một tượng đài toàn vẹn, như Người mẹ Ô Lý, Ngủ đi con, Ca dao mẹ, Huyền thoại mẹ… 
Với Trịnh Công Sơn, ý niệm lời ru không chỉ dành riêng cho những gì êm ái, ve vuốt (Ru tình) mà còn là những gì dữ dội, tàn pha (Đại bác ru đêm) những gì đã trở thành thường xuyên, thường xuyên đến độ quen thuộc với tác giả, giống như một căn bệnh kinh niên của người già. 
Trịnh Công Sơn trở lại Huế cùng gia đình, sống ở vùng Bến Ngự. Anh đã sống tiếp những năm thơ ấu ở đây, tiếp giáp với dòng sông Bến Ngự và khu ngoại ô Nam Giao đầy những làng vườn thơ mộng vùng trung du, đắm mình trong tiếng kinh cầu và tiếng chuông thu không của những ngôi chùa cổ ở Bến Ngự. Anh đi học ở Trường tiểu học Nam Giao và vào những trưa hè, thường theo đuổi thú vui đi bắt ve ve trong các khu vườn. 
Gần Trường tiểu học Nam Giao, có ngôi tháp của vị thiền sư nổi tiếng khắp trong vùng, gọi là tháp Cát Ma (tiếng địa phương gọi là tháp Kiết Ma). Sư Cát Ma kết bạn với sư Từ Quang. Hai người thân nhau như bóng với hình, và thường tranh luận về tư tưởng Phật giáo. Chiều chiều dân trong vùng vẫn thấy hai vị thiền sư từ trên dốc đi xuống vừa đàm đạo sôi nổi về những vấn đề kinh điển. Có lần một núi lửa nhỏ đã xuất hiện ngoài khơi tỉnh Phan Thiết và sư Cát Ma tích cực hưởng ứng một phong trào vận động nhằm quyên góp giúp đồng bào nạn nhân. Sư Từ Quang từ chối sự quyên góp, cho rằng theo lý thuyết tiểu thừa của Phật giáo, thì mỗi người chỉ có thể độ lấy bản thân, không thể lo thay cho người khác. Ngài Cát Ma nói lại rằng lịch sử Phật giáo công nhận rằng sau khi thành đạo, Đức Phật đã độ cho vợ là công chúa Gia Du Đà La, con trai là thái tử La Hầu La… Hôm sau, vừa gặp ngài Cát Ma, sư Từ Quang đã nói: nếu chúng ta quyên tiền cho đồng bào nạn nhân Phan Thiết, thì thay vì dùng tiền ấy mua quần áo, có kẻ lại dùng tiền ấy để mua cây dao giết người thì biết làm thế nào? Cứ thế họ tranh luận với nhau không dứt. Hòa thượng Từ Quang mất vào khoảng năm 1915. Ngài Cát Ma bèn cho dựng một bức tường bên cạnh ngôi tháp định sẽ dành cho mình và đối diện với tháp của sư Từ Quang, nguyện rằng sẽ viết lên đó những ý kiến của mình về một vấn đề kinh điển nào đấy mà ngài tự đặt ra và hy vọng rằng âm hồn của ngài Từ Quang sẽ đọc thấy. Người Huế là như vậy, thích tranh luận dù ở tận bên kia thế giới. Những người đàn bà đi chợ để bán những trái cây sản xuất được trong vườn thường chọn một hai trái tốt nhất đặt ở tháp Kiết Ma, hoặc khi không có trái cây thì họ có ý thành kính bằng cách đặt vào đấy những viên đá xinh xắn nhặt được trên đường. Cũng nên nhắc lại rằng khoảng năm 1951-1956, gia đình của Trịnh Công Sơn thường xuyên vào ra Huế - Sài Gòn, ngụ tại đường Hàng Bè (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng) sau dời về phố Phan Bội Châu (nay là đường Phan Đăng Lưu). Cụ thân sinh (và thân mẫu) của Trịnh Công Sơn hoạt động cho phong trào kháng chiến, bị bắt giam nhiều lần, và đến tháng 6-1955 trên đường đi công tác, ông bị tai nạn xe qua đời. Trịnh Công Sơn và các em được mẹ đi quy y ở chùa Phổ Quang nơi dốc Bến Ngự, pháp danh là Nguyên Thọ. Sơn tụng kinh, ăn chay một tháng bốn lần, không ăn nhiều hơn vì trong nhà lo cho sức khoẻ của Sơn, trên đầu giường Sơn luôn có một chuỗi hạt và một chiếc áo tràng màu lam. Gia đình thường hay đi chùa vào ngày rằm, mồng một. Vì vậy, Trịnh Công Sơn không tránh khỏi ít nhiều tư tưởng Phật giáo, như chủ đề của của các bài hát Cõi tạm, Ở trọ, Đóa hoa vô thường, hoặc Một cõi đi về. Nhất là tư tưởng Sinh, Lão, Bệnh, Tử vẫn thường xuất hiện trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Và trong những bài như Biết đâu nguồn cội, thì giai điệu của âm nhạc nhắc nhở lại một cách rõ ràng giọng tụng niệm của Phật giáo. 
Trên đây là tất cả những gì Phật giáo ở Huế đã để lại dấu ấn trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, làm tăng thêm giọng điệu buồn bã của các ca khúc. 
Thời kì ở Bến Ngự, Trịnh Công Sơn thường ham mê thú vui đi bắt ve ve với một vài người bạn thân. Những con ve sống đời ấu trùng suốt bốn năm dưới những hang sâu tự khoét lấy trong lòng đất, đợi đến mùa hè để trưởng thành. Khi thân thể đã chuyển hóa thành hình con ve, chúng ngoi lên mặt đất đậu trên những cành cây, hát vang lừng những tuổi học trò cho đến một ngày đầu thu thì đời ve kết thúc. Suốt đời ve ve, nó chỉ biết ca hát, người ta thường mệnh danh nó là “ca sĩ mùa hè”. Đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như là một mô phỏng của đời ve, với tấm thân rỗng không, suốt đời chạy về phía chân trời tràn ngập tiếng hát ca. 
Dạo ở Bến Ngự, thỉnh thoảng Trịnh Công Sơn đi bộ từ nhà qua trường, thường đi bộ dọc theo bờ sông Hương, băng qua bến đò Thừa Phủ. Có lẽ chính đó là thời kỳ anh bắt đầu đọc được từng nét Huế trên cây xanh, và sau này nhạc của Trịnh Công Sơn tràn ngập thiên nhiên Huế (ví dụ như bài Biết đâu nguồn cội). 
Cho đến tuổi thiếu niên, gia đình mới mua cho Sơn một cây đàn ghi-ta, điều mà lâu nay anh vẫn hằng mơ ước. Cho đến năm 12 tuổi, Sơn vẫn thường đánh bạn với cây sáo trúc, những gì cần cho anh trong âm nhạc về sau này đều do tự học. 
Và người ta tự hỏi: vậy thì Trịnh Công Sơn đã học nhạc từ bao giờ? Thì cũng giống như bảo con ve ve kia đã học nhạc từ bao giờ? Có lẽ nó đã học nhạc từ tuổi còn là ấu trùng, nằm tu luyện trong lòng đất tăm tối, hay nói như một ca sĩ chuyên nghiệp: Trịnh Công Sơn đã học nhạc từ trong “tiền kiếp”.
25/7/2017
Hoàng Phủ Ngọc Tường
Nguồn: Tạp chí Sông Hương Online
Theo http://vannghehue.vn/

1 nhận xét:

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày c...