Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Khúc cuối cùng của cố nhạc sĩ Văn Cao và số phận kỳ lạ

Khúc cuối cùng của
cố nhạc sĩ Văn Cao và số phận kỳ lạ

“Mùa xuân đầu tiên”, ca khúc gợi hình ảnh đất nước Việt Nam yên bình của cố nhạc sĩ Văn Cao đã có một số phận đầy bí ẩn…
Khi thưởng thức ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”, hẳn người thưởng thức đều bay bổng theo giai điệu nhẹ nhàng và tuyệt vời này của nhạc sĩ Văn Cao, một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Nhưng có lẽ không nhiều người biết được tác phẩm bất hủ này có một số phận kỳ lạ và nhiều bí ẩn.
Thật may mắn khi chúng tôi đã có buổi nói chuyện với họa sỹ Văn Thao, con trai cả của nhạc sỹ Văn Cao và cũng là người đầu tiên tiếp xúc với tác phẩm ngay khi vừa được nhạc sỹ sáng tác xong.
Khi nói về tác phẩm, họa sỹ Văn Thao cho biết, với cha ông ca khúc Mùa xuân đầu tiên được coi là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác. Để tác phẩm này ra đời, Văn Cao đã “thai nghén” ngay sau khi hiệp định Pari năm 1973 được ký kết, với dự đoán ngày đất nước thống nhất không còn xa. Và đánh dấu cho sự kiện đó, Văn Cao dự định viết một ca khúc nói về mùa xuân đầu tiên đất nước được xum vầy hạnh phúc, mùa xuân của nước Việt Nam thống nhất.
Sau nhiều năm thai nghén, nhạc sỹ Văn Cao đã tìm cho mình những điều bình dị nhất cho ngày sự kiện đất nước được thống nhất, khép lại những ký ức đau thương của đất nước thời binh biến.
Họa sỹ Văn Thao cho biết: Để tác phẩm này chính thức được hình thành, ngay sau khi thống nhất, đoàn công tác của báo Sài Gòn giải phóng đã ra Hà Nội công tác và đặt hàng cha ông một ca khúc. Khi nghe lời đề nghị của đoàn công tác, cụ vui vẻ nhận lời. Cùng với thời gian “thai nghén” trước đó, mùa xuân năm 1976, ca khúc Mùa xuân đầu tiên đã ra đời. Ca khúc đã được đăng trên số báo xuân năm 1976.
Sau đăng trên báo Sài Gòn giải phóng số xuân năm 1976, ca khúc đã có những hiệu ứng nhất định. Tuy nhiên, ngay sau đó nó gần như chìm vào lãng quên bởi nhiều lý do khác nhau. Trong đó, lý do được nhiều người quy kết chính là Văn Cao đã từngcó vướng mắc với Nhân văn Giai phẩm. Và Mùa xuân đầu tiên được xếp vào trong ngăn tủ.
Tưởng chừng như ca khúc sẽ rơi vào quên lãng thì bằng lý do nào đó sức sống mãnh liệt của ca khúc mùa xuân đầu tiên vẫn được cất lên tại đất nước Liên Xô xa xôi lạnh giá. Ca khúc Mùa xuân đầu tiên đã trở thành một bài hát yêu thích của không chỉ khán giả của chương trình Việt ngữ của đài Moskva và cả những người bạn Nga yêu mến Việt Nam.
Đây đã từng là một bí mật không có lời đáp suốt nhiều năm liền. Lý giải cho bí ẩn này, họa sỹ Văn Thao đã tiết lộ lý do rất “đặc biệt”.
Theo đó, trong năm 1976, con gái út của ông là cô Thiên Nga đã mang ca khúc Mùa xuân đầu tiên sang Học viện âm nhạc quốc gia Liên Xô để làm đề tài trong quá trình học. Ngay sau đó, ca khúc đã đặt những dấu ấn trong lòng khán giả Nga. Cũng trong năm đó, chương trình Việt ngữ tại Moska phát bài hát và họ đã liên hệ trả nhuận bút cho Văn Cao. Tuy nhiên, để lấy được nhuận bút này, Văn Cao đã phải viết giấy bảo lãnh gửi qua đại sứ quán. Sau khi viết xong giấy bảo lãnh, Văn Cao đã nói với con gái mình rằng “con cứ giữ lấy mà tiêu vì ở nước ta bố có bao giờ biết đồng nhuận bút là gì đâu.”
Họa sỹ Văn Thao khẳng định nhờ người em gái mà ca khúc Mùa xuân đầu tiên đã không bị rơi vào quên lãng.
Thời gian có phủ bụi trên phím đàn đã lặng câm sau ngày Văn Cao mất nhưng những tác phẩm của ông vẫn có sức sống trường tồn.
Ở Việt Nam, Mùa xuân đầu tiên đã phải trải qua những mùa xuân đợi chờ trước dài đằng đẵng để trở thành một trong những ca khúc phổ biến như hiện nay. Sau khi được sáng tác, Mùa xuân đầu tiên đã nhiều lần được nhắc đến trong các tác phẩm viết về cuộc đời của nhạc sỹ như: Văn Cao của Nguyễn Nhụy Kha, năm 1992. Trong cuốn sách này có hẳn một chương viết về bài Mùa xuân đầu tiên.
Năm 1993, ca khúc Mùa xuân đầu tiên cũng đã được xuất bản trong tuyển tập thơ Văn Cao để kỷ niệm ngày sinh của ông (1923-1993). Trước đó, năm 1988, sau khi được phục hồi là hội viên hội nhà Văn Việt Nam, ca khúc Mùa xuân đầu tiên được công bố trong đêm nhạc “Thiên thai”. Thế nhưng, không hiểu vì sao, ca khúc này không có chút dấu ấn nào trong lòng công chúng. Chỉ đến khi ông mất đi, đứa con tinh thần của ông mới có sức sống rực rỡ đến vậy.
Gần 20 năm sau ngày sáng tác, năm 1995, trong chương trình âm nhạc Văn Cao – Buổi sáng có trong sự thật, một chương trình kỷ niệm ngày Văn Cao mất, đạo diễn Đinh Anh Dũng đã mới ca sỹ Thanh Thúy hát ca khúc Mùa xuân đầu tiên. Ngay lập tức, ca khúc đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả và có sức lan tỏa lớn đến công chúng khán giả
Trần Phương
 Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết là hành lạc

Viết là hành lạc Lý luận văn học cổ điển Á Đông cho rằng “Tâm sinh ngôn”, ngôn viết ra là văn. Nguyễn Du nhận định: “Chữ tâm kia mới bằng ...