Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Một sáng tác bị bỏ quên của nhạc sĩ Văn Cao

 Một sáng tác bị bỏ quên
của nhạc sĩ Văn Cao

Tôi cam đoan rằng người Việt Nam nào cũng yêu mến âm nhạc của Văn Cao và sẽ là một niềm vui nếu được tiếp xúc với sáng tác mới của con người tài hoa này. Câu chuyện ấy tưởng như đã qua đi từ lâu lắm bỗng được nhớ lại như ngày nào.

Đó là vào một ngày hè năm 1960, khi ấy tôi là cậu học sinh cấp 3 trường Việt Đức (tên ban đầu của trường là Trường con em cán bộ), vừa bước lên cầu thang gác tôi vừa nghêu ngao “Thiên Thai, chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm…” bỗng bác Thụ, là người cần vụ của cha tôi (*) hỏi “Cậu này hát bài của Văn Cao à?”. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì cứ nghĩ bác Thụ chỉ là một người cần vụ rất chi hiền lành, làm sao lại biết đển âm nhạc của Văn Cao? Gặng hỏi mãi, thì ra bác Thụ chính là cơ sở năm nào, từng che dấu Văn Cao khi ông nhạc sĩ hoạt động cách mạng thời kì Việt Minh mà theo bác Thụ, Văn Cao vốn yêu ca hát nên lâu lâu lại ca lên đôi câu và bác biết được đó là bài hát của nhạc sĩ. Từ đó tôi rất kính nể bác Thụ, vì bác là người từng bảo vệ Văn Cao, lại nữa, có lẽ bác Thụ còn có một tâm hồn văn nghệ nên con trai bác là Vương Tâm, sau này là một nhà báo, nhà thơ.
Cuối năm đó, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời và vào năm sau, trường tôi đổi tên là Trường Việt- Đức sau khi Thủ tướng Đức, ngài Grôt-tơ-vôn sang thăm Việt Nam, vị Thủ tướng đã đến thăm nhà trường, đi cùng có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhà trường đã nhận được nhiều quà của nước bạn, trong đó có một chiếc đàn accordeon 160 bass, vào loại to nhất Việt Nam. Và tôi rất xúc động vì một hôm, anh Lê Khương là Bí thư đoàn trường đã mời tôi lên phòng hội đồng và thay mặt nhà trường giao cho tôi quản lí chiếc đàn to đẹp ấy.
Một hôm, có anh bạn đem đến bài hát Dưới ngọn cờ giải phóng và nói đó là sáng tác của Văn Cao. Ngày ấy, những sáng tác mới rất ít khi có điều kiện phổ biến bằng ấn loát, chương trình dạy hát trên đài TNVN cũng chưa nhiều và vì thế chúng tôi rất khoái, quyết định tập ngay và tôi nhớ đã phân công bạn Chu An, anh trai của nhà văn Chu Lai, đảm nhiệm phần lĩnh xướng. Tốp ca nam hát bài này do tôi đệm bằng chiếc đàn 160 bass. Đây là một ca khúc cách mạng có giai điệu đẹp và tiết tấu khỏe khoắn, ca từ rất hay. Tôi nhớ như in là đúng vào dịp ấy, những thanh niên và học sinh Hà Nội đang khoái với Sech-xpia, lại nhớ mãi lời thoại của nhũ mẫu Ophelia khi khóc thương nàng Juliet đã chết như con thiên nga cất tiếng hát vào mùa xuân trên bầu trời, vì thế khi nhạc sĩ Văn Cao viết “trước những lời ca từng đồng chí hy sinh gọi ta là lời hát thiên nga khi mùa xuân qua” tất cả đều thấy hay. Tuy nhiên không lâu sau, lứa chúng tôi tan đàn xẻ nghé và chẳng có dịp nào được cùng nhau ca hát, nhất là không ai nhớ đến bài hát ấy nữa. Thấm thoắt đã nửa thế kỷ trôi qua.
Ngay trước ngày 2-9 năm nay, tôi chợt nhớ đến bài hát ấy và giật mình suy nghĩ rằng tại sao mà một bài hát hay như thế lại chẳng thấy ghi trong tài liệu nào, từ sách của Hội NSVN cho đến Google, và tôi chợt nhớ ra Văn Cao còn có con trai, tôi liên hệ được với anh Văn Thao, là con trai nhạc sĩ Văn Cao, chỉ với mục đích là kiểm tra lại xem có đúng nhạc sĩ Văn Cao có sáng tác ra bài hát ấy không (vì đã qua mấy mươi năm rồi!). Chỉ 2 hôm sau tôi đã nhận thư chuyển phát nhanh của Văn Thao, bài hát rất hay ấy quả là của nhạc sĩ Văn Cao!. Từ Hòa Bình, Văn Thao điện thoại tâm sự và cho tôi biết, đúng vào dịp GS Nguyễn Văn Hiếu, Bộ trưởng Văn hóa của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra miền Bắc và vào thăm Bác Hồ, vào ngày 20-12-1962 (thông tin này tôi đã kiểm tra lại qua anh bạn Dương Trung Quốc), nhạc sĩ Văn Cao đã gửi bài hát này nhờ GS Nguyễn Văn Hiếu đem về cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Vậy mà không hiểu vì lý do gì, sự thất thoát của thời chiến hay sao mà bài hát ấy không thấy ai hát? Nghe tôi kể chuyện này, nhà văn Chu Lai đã tâm sự rằng bài hát nào cũng có số phận, giá như giai điệu của Dưới ngọn cờ giải phóng được vang lên trong những ngày hào hùng đã qua, có lẽ quân và dân miền Nam lại có thêm một nguồn sức mạnh và ý chí nữa để xốc tới và đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Ghi chú: (*) Bác Vương Thụ là cần vụ của cố GS Nguyễn Xiển, nguyên Chủ tịch UBND Bắc Bộ, Phó chủ tịch UBTV Quốc Hội, Giám đốc Nha Khí tượng Thủy văn…
Nguyễn Lưu
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...