Người đưa thư gặp Hải. Hai người ngồi lặng lẽ trong đám tang của người đàn bà đã từng có nhiều ước mộng trong đời. Những chú chim cúc cu hay sẻ nâu nhẹ nhàng nhảy dưới cái nắng mùa hè. Hải nghe người đưa thư nói. Người ấy không bao giờ có ở nhà vào lúc bưu phẩm tới. Hải cũng trả lời bằng một lời kể. Người ấy thường ngủ quên tại bãi biển. Nhưng lúc nào người ấy cũng có bưu phẩm. Người đưa thư lại nói. Thật kỳ lạ. Hàng xóm, con nít không biết từ bao giờ đã gọi người đàn bà bằng cái tên “người ấy”. Có lẽ một lần nào đó người đàn bà đã yêu cầu như vậy rồi mà không nhớ. Trong xóm này chỉ có bà là có đủ thời giờ nhìn bọn trẻ suốt từ giờ này sang giờ nọ. Chúng sống trong một khu tập thể khép kín khá an toàn, vì vậy người lớn thường an tâm. Đôi lúc có những người lạ xuất hiện. Những người lạ cũng nằm trong diện an toàn. Họ là những người đưa thư hoặc là những người vận chuyển hàng hóa, hoặc là tìm người quen... Tất thảy, theo cái nhìn của người đàn bà, đều hiền lành... Tôi thích nhìn mấy đứa nhóc hàng xóm. Những khuôn mặt nghịch ngợm. Những đôi chân nhảy nhót. Có thể chúng xem đó như một trò đùa. Hoặc đơn giản chúng thích thế thôi. Chúng thường nói chuyện với nhau bằng điện thoại tự chế. A lô nghe rõ trả lời. Đầu dây bên này và đầu dây bên kia thường gắn với nhau bằng một sợi chỉ, điện thoại đôi khi là một cục đá hoặc một lon rỗng nào đó. Bọn nhỏ luôn tìm cách trò chuyện và trao đổi với nhau bằng một cách nào đó. Lũ nhóc xung quanh ngôi nhà có hộp thư giống như tổ chim. Chim cúc cu hay chim bồ câu, sẻ nâu. Chim gì cũng được. Chúng đều lóc chóc và lách chách nhảy nhót gần nhau. Chúng đều có thể sải cánh bay và chúng cũng thật hiền lành. Đôi lúc tôi nghĩ bọn nhỏ là những loài chim. Chúng nhảy lò cò trong sân khu tập thể, chúng làm tôi cảm thấy mình là một con chim mẹ, một loài chim từ bầu trời nào đó đáp lại. Tôi cũng dang hai tay và nghiêng mình tập bay. Ríu ra ríu rít. Những gì tôi nhận được từ lũ trẻ là rất chân thành và thật lòng. Ai cũng bận rộn. Khi tôi bận rộn nhìn ngó thì lũ trẻ bận rộn với trò chơi, những tia nắng đang bận rộn chiếu xuống ngày, cây lá đang bận rộn lắc lư xanh thêm xanh với gió. Cả những loài chim nữa, chúng cũng đang bận rộn với những hạt thóc của mình. Tôi chẳng biết làm gì ngoài chờ thư và đợi một người giao hàng. Giao hàng buổi sáng. Giao hàng buổi trưa và giao hàng buổi tối. Đấy là cơm đưa tới. Tôi trở thành một người chờ đợi. Những món ăn, quán ăn theo tay người ship đến và vài ba câu xã giao. Những người đưa cơm thường mang theo mình những bữa cơm di động. Cuối cùng trong những buổi trưa người ta cần gì nhiều hơn là một bữa cơm để sống qua ngày. Những anh chàng đưa cơm cũng chỉ cần bữa cơm. Tất cả gặp nhau trong một buổi trưa nắng cháy như ngầm đồng ý với cái quy luật của cuộc đời. Tôi trông chờ buổi chiều hơn là thứ gì khác. Lũ trẻ bắt đầu được thả ra từ những ô nhà kín và vươn ào ra sân. Buổi chiều tôi cũng ngồi lâu hơn. Chiều bắt nối vào đêm. Đêm mát, thoáng đãng, mênh mông. Trong một buổi trưa, hộp cơm người ta ship tôi cho là hộp cơm cuối cùng. Lũ trẻ đã vào giấc ngủ. Nắng đã ngập hết khu phố. Hai người cùng nhau trò chuyện. Tôi đã nói, bỏ công việc ship cơm đi. Hãy ngồi cùng tôi và chở tôi ra biển mỗi chiều... Hải nhìn người đàn bà. Có thật là bà ta muốn thuê mình không. Công việc ở quán cơm là của người quen xin cho, làm những lúc không phải đến giảng đường, không hứng thú, không vui không buồn. Cũng không biết sao, nhưng Hải vẫn xin nghỉ việc để đi với người đàn bà vì bà ta đã đưa trước số tiền nửa tháng của công việc nghe có vẻ thư thái. Bà ta hoàn toàn không biết Hải là ai và cũng không chắc anh có quay lại thực hiện công việc này. Hoặc do cách Hải ăn hộp cơm cuối cùng vì không liên lạc được với khách để ship, cảnh tượng này tội nghiệp. Ở thành phố biển dường như tĩnh lặng này, Hải chẳng bao giờ có thời gian để nghe một bài nhạc, hay có một phút thư thả. Dưới cái nắng, cũng như bao người khác, Hải chỉ là một con người vất vả mưu sinh mà thôi. Hải không biết lý do người đàn bà thuê mình. Hải cũng không biết mình có rơi vào những vụ lừa đảo hay giết chóc gì không. Nhưng nhìn người đàn bà ngồi ăn hộp cơm mà mắt cứ hướng ra ngoài nắng, nó có cái gì đấy trông đợi mà rất đỗi hiền lành. Trong khu tập thể nhỏ, những tia nắng buổi trưa ấy có thể giữ chân được một người đàn bà lâu đến vậy sao. Ánh mắt bà cứ hướng về nơi nào đó, như vừa gần vừa xa, như vừa bị nhốt vừa muốn thoát khỏi nơi này. Một đôi mắt của người lớn tuổi, biết đâu mai này không thể nhìn thấy được nữa. Hải đến với bộ đồ khác mà suýt nữa người đàn bà không nhận ra. Người đàn bà nhìn Hải và nói, cậu có hơi khác một chút nhưng không sao. Tôi vẫn thuê cậu làm việc. Bởi tôi đã đợi bưu điện quá lâu. Hải không thể hiểu hết ý nghĩa của câu nói này. Đợi bưu điện để làm gì. Người đàn bà ngồi sau xe rất im lặng. Từ khu tập thể, cả hai đã ra khỏi một vùng trời được bao bọc, bỏ lại đằng sau những con chim nhỏ nhảy lách chách và cái nắng cố định chiếu xuống sân. Một khung cảnh đầy màu cổ điển. Không biết tại sao Hải lại nghĩ đến điều đó. Người đàn bà nói mình buồn ngủ. Giữa cái nắng thế này mà buồn ngủ hay sao. Hải nhìn buổi chiều và những gì còn sót lại. Người đàn bà đã không còn trẻ nhưng cũng chưa phải là già. Chuyện gì đã khiến người đàn bà trở nên đặc biệt như vậy. Người đàn bà buồn ngủ và ngủ quên ở biển, lắng nghe ốc biển và nghĩ rằng chỉ cần nghĩ đến một ai đó, bà cũng sẽ nhận được bức thư của mình. Bà luôn tin trong bưu điện đầy rẫy những thư của người nào đấy. Khi được ra biển, bà ngủ không tỉnh dậy. Tiếng sóng biển làm bà thấy mình được giải thoát. Không cần suy nghĩ bưu điện có thể tới được nơi này không. Cũng chẳng biết ngày mai tổ chim cúc cu có chuyển đi, rồi có nên đi chữa bệnh không khi đi vài bước thì bà đã híp mắt buồn ngủ. Tổ chim cúc cu sao không ở chỗ khác lại xuất hiện ngay trên thùng thư của bà. Lũ chim đang bày tính chuyện gì. Những câu hỏi lần lượt lướt qua đầu rồi biến mất, dần dần, từ từ… Mi mắt người đàn bà khép lại. Hải không lẩm nhẩm trong đầu bây giờ là mấy giờ và cũng quên thói quen nhìn đồng hồ. Một công việc ư, đôi khi là những tháng ngày may mắn... Hải là người chứng kiến những năm tháng cuối cùng của người đàn bà có cái tên cổ điển của loài hoa. Một hôm nào đó bà sẽ bay như một loài chim. Bà đã kể với Hải. Khi bà bước từng bậc lên cầu thang tầng cao nhất của khu tập thể, bà đã cảm thấy rất yên bình. Đôi lúc hơi buồn ngủ. Bà nói, mình luôn ngủ khi có cảm giác an toàn. Hôm ấy từ trên cao, bà nhìn xuống, chẳng có gì ngoài những đứa nhỏ đang chơi. Bà cười cười. Nụ cười của một người có thể đẹp đến thế nếu ở gần biển sao. Hải và người đàn bà tham gia một trò chơi rằng cứ thế mà đi ra biển, đi đến khi nào ngập người, lún cả đầu thì mới quay vô. Một trò chơi mạo hiểm. Hải đoán bà ta không biết bơi. Cả hai sẽ lần lượt kể một câu chuyện tình yêu do Hải là người bắt đầu. Trên đường về, bà ta đề nghị như vậy. Công việc này thật hứng thú. Đối diện không gian biển tĩnh lặng, Hải thể hiện hết khả năng của mình. Bà thường kể một mẩu ký ức sau khi nghe Hải kể chuyện. Hôn. Lần đầu bà hôn người bà yêu, rồi bà nói, đừng quá vui mừng vì đấy không phải là nụ hôn đầu tiên. Thế là hai người giận nhau. Bà cười cười rồi gục đầu sau lưng khiến Hải nghĩ ai nhìn thấy cứ ngỡ là một thiếu nữ. Bà sống như chim hót trong lồng. Lâu lâu được sổ lồng. Bà hay bần thần nhìn tụi nhỏ bày trò người lớn và đám chim cứ bay nhảy. Bà không chắc chuyện mình bị bệnh buồn ngủ. Vì ban đêm bà ra ngoài đường và thấy màn đêm dường như che lấp mọi thứ. Bà tò mò muốn đọc thứ ở bên trong bức thư nhưng biết khi nào người đưa thư bên bưu điện mới tới. Vì bà nhớ rằng cô có cho Thịnh địa chỉ nhà mình. Nhưng mãi mãi cũng chỉ có những tổ chim mọc, những tổ chim đã phủ lên tháng ngày. Bà đợi thư. Tại sao trong thời đại này lại không dùng điện thoại, Facebook, Viber, Zalo… mà phải đợi thư. Vì thư với bà là một điều gì thật đặc biệt. Bà không muốn cho Thịnh biết nhà mình nhưng lại yêu cầu anh gửi thư. Bà hoàn toàn tin tưởng người đó. Kết cục, bà đã mở hộp thư trước nhà mình và nhận ra không có bức thư nào suốt hai mươi bảy năm qua. Bà nuối tiếc, giá như mình nói rõ địa chỉ, nói rõ… bộc bạch rõ tất cả về mình, như vậy chẳng phải tốt hơn sao. Trong một lần bệnh nặng bà đã nói với Hải, ước muốn của bà là có ai đó tìm và gửi thư cho bà như lời hứa năm xưa. Hải nhìn tổ chim đậu trên thùng thư. Một điều gì thật cũ kỹ. Hải bắt đầu viết thư tình cho bà, anh gửi qua bưu điện, mỗi ngày một bức thư. Hải đã chiếm trọn đời sống tinh thần của bà. Bà kể lại với anh nội dung những lá thư trong những lần ở biển. Bà nói, tôi biết, đó không phải là Thịnh, nhưng tôi cũng được an ủi phần nào. Những liều thuốc bắt đầu nhiều hơn và kết cục bà vẫn không thể chữa được căn bệnh buồn ngủ. Rất nhiều lần nhìn bà ngủ ngoài biển, Hải ước rằng mình cũng có những lúc quên đời như vậy. Lúc ấy anh tranh thủ nghĩ đến nội dung tình cảm cho bức thư tiếp theo. Bà bắt đầu không nhớ gì và cũng không muốn nói gì. Những buổi chiều đi biển hoãn lại. Hải có quyền ra đi. Và Hải đã đi. Mùa hè nóng bức. Những lá thư ngưng lại. Những bữa cơm ngưng. Hải đã chạy trốn người đàn bà như trốn chính mình. Hải đã làm một công việc quái đản. Hải đã sống bằng tiền được tạo nên từ sự tưởng tượng. Ra biển và ngồi chờ người đàn bà nhìn ngắm xanh ngắt mây trời, xong kể những câu chuyện không có thật, tối đến cặm cụi viết thư tình. Khi nghe tin người đàn bà trở bệnh nặng, Hải về đến phòng gom đồ vào ba lô. Thư từ. Tất cả. Ai ngờ toàn là thư của người đàn bà. Rốt cuộc bà đã tin Hải như thế nào. Trong một lần nhận thư Hải để sẵn trên bàn, có ghi luôn địa chỉ phòng trọ, bà đã viết miệt mài. Hải cũng chẳng buồn đọc. Trên đường đến thành phố mới sẽ rất lạnh. Hải hình dung người đàn bà ban chiều ngồi với sẻ nâu, cúc cu hay bồ câu giờ đang nằm im một chỗ không tỉnh táo. Thành phố có nhiều hoa và hồ nước. Hải hình dung người đàn bà ngóng shipper, ngóng bưu điện giờ đây không thể đọc được những bức thư tình Hải viết mà bưu điện chưa gửi tới. Hải lang thang vài ba hôm ở nơi không có biển rồi quyết định quay lại thành phố... Bưu điện nấp dưới tổ chim cúc cu và người đàn bà này mắc căn bệnh cứ mỗi lần nhìn thấy thư từ hay những gì làm mình cảm thấy xúc động thì sẽ buồn ngủ ngay. Vì thế không thể có chuyện bà có đủ tỉnh táo để xem hộp thư của mình. Còn người gửi bưu phẩm thì trần trụi đến mức không hề thấy có một hộp thư màu xanh lá cây nấp dưới tổ chim cúc cu. Nhưng anh ta vẫn gửi thư hằng ngày và hằng tháng. Các hóa đơn ngày càng chồng chất. Người đàn bà vẫn mắc chứng bệnh ngủ quên. Chỉ khi vào nhà bà mới hoàn toàn tỉnh táo. Căn nhà chẳng có gì để cô muốn ngủ. Cảm giác mắt không nhắm và cứ ở mãi một chỗ khiến bà hoàn toàn kiệt sức. Bà hình dung ra biển, hình dung ra Hải, rồi liu riu…
Bà thương những con chim lóc chóc lách chách và nhỏ bé. Hải đã biến mất trong khi bà bị bệnh. Người bạn tinh thần, hoặc ít ra chỉ mỗi mình bà nghĩ như vậy. Bà leo lên tầng lầu cao nhất và nhìn. Bà muốn nhìn ra phía biển nhưng nơi đây đầy ắp những mái nhà, con đường ra biển đôi khi xa vời vợi. Trời nhạt dần màu nắng. Những chim chóc và tán lá. Bà lướt mắt nhìn lần lượt tất cả. Bà thấy hàng đống thư đọng trên tổ chim cúc cu, nơi mà bà chỉ lắng nghe chứ chưa bao giờ nhìn tới. Thịnh. Cái tên ấy hiện lên nhanh và chiếm hữu. Trái tim bà chờ đợi một bức thư có tên Thịnh đã nhiều năm rồi. Một tia hy vọng ấm áp xuất hiện. Thoáng chốc cảm giác buồn ngủ lại hiện hữu. Khung cảnh cứ như thể đối diện lòng trước biển. Thư thái, hít thở. Bà thả lỏng thân hình. Bà bay như chim sẻ từ tầng cao nhất khu tập thể cũ. Lũ trẻ như chim dáo dác. Nắng chiều tan chảy, mất dấu dưới vòm cây.Đặng Thùy Trang Theo http://vanhoc.quehuong.org/ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét