Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Đôi dòng suy nghĩ khi đọc bài thơ "Những bó hoa" của Văn Cao

 Đôi dòng suy nghĩ khi đọc 
bài thơ "Những bó hoa" của Văn Cao

Cảm giác được tán dương thật dễ chịu. Thế nên tâm lý con người không ai lại không thích được khen ngợi. Tuy nhiên, có phải lúc nào lời chúc tụng cũng là những bó hoa tươi thắm và vô hại? Nhà thơ Văn Cao gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ khi ông thể hiện sự ý thức của mình về những tác động không tốt của lời khen qua bài thơ “Những Bó Hoa.”
“Những bó hoa mang tới
Chúc tụng
Thành công một con người
Hàng ngày hàng ngày
Xây thành cái mồ chôn
Con người thành công ấy
Người ta đôi khi bị giết
Bằng những bó hoa”
Trong đời sống thường nhật, những bó hoa có tác dụng là một quà tặng nói lên tâm tư, tình cảm của người trao dành cho người nhận hoa. Trong bài thơ trên, Văn Cao mượn hình ảnh những bó hoa để nói đến những lời khen ngợi dành cho “thành công một con người.” Những bó hoa ấy mỗi ngày được trao tặng một cách đều đặn, thường xuyên, “hàng ngày hàng ngày.” Tuy nhiên, tác giả cũng đề cập rằng những bó hoa hay lời khen ấy cũng có thể là tác nhân gây nên cái “chết” của người thành công đó. Cái chết ở đây không hẳn là cái chết về mặt thể lý, nhưng hơn hết, nó mang ý nghĩa của sự suy tàn, sụp đổ.
Theo thói quen ở đời, người ta thích được khen ngợi vì những tác động tích cực mà lời khen có thể mang lại. Khi ta khen một người tức là ta đã động viên, khích lệ người ấy. Đó hẳn là “Những bó hoa mang tới chúc tụng thành công một con người.” Lời khen ấy biểu lộ sự đồng tình, ca ngợi. Không phải ai cũng có đủ can đảm để khen ngợi người khác vì khi ấy, họ phải bỏ đi cái tôi của mình để thừa nhận thành công của người khác.
Mặc dù lời khen có những giá trị tích cực như vừa nêu, “những bó hoa” ấy lại thể hiện tác động không mong muốn khi bị lạm dụng. Tuân Tử có nói: “người khen ta mà khen phải là bạn ta, người nịnh bợ là kẻ thù của ta.” Câu nói ấy ám chỉ rằng nếu ta lặp lại thường xuyên những lời khen ngợi mà không có chủ ý tốt thì ta đang nịnh bợ hơn là khen tặng. Đó là sự thổi phồng thực tế để mưu cầu lợi tư, làm vừa lòng người khác. Bên cạnh đó, chính người được khen cũng chịu ảnh hưởng xấu từ việc khen ngợi không đúng mực của người khác. Nếu “những bó hoa” lời khen “hàng ngày hàng ngày” được sử dụng bất chấp thực tế không tương xứng thì chúng sẽ ru ngủ người nhận trên những thành công nhất thời của họ. Thực vậy, người bị nịnh hót dễ có cám dỗ ảo tưởng về bản thân, tưởng mình là tài giỏi nhất. Nếu để mình bị cuốn vào tư duy quy kỷ ấy, người tiếp nhận lời khen thái quá sẽ lầm đường, thôi nỗ lực phấn đấu, sinh ra kiêu căng ngạo mạn. Đương nhiên, kết quả là người ấy sẽ nhanh chạy đến với sự thất bại, cô đơn, lạc lõng. Như vậy là họ “bị giết chết,” bị “bị xây mồ chôn” bởi chính “những bó hoa” không chân thành được dâng tặng “hàng ngày hàng ngày” kia.
Bên cạnh đó, ta cũng cần suy xét rằng lời khen tác động tích cực hay tiêu cực cho ta thế nào thì chúng cũng có tác động tương tự trên người khác. Vậy nên trong cuộc sống, ta cần giữ chừng mực trong lời nói, tránh dễ dãi đưa ra lời khen tặng kẻo gây ra điều không mong muốn cho mình và người xung quanh.
Việc khen ngợi là để nâng đỡ người khác, nhóm lên tia sáng trong họ khi họ gặp khó khăn, hay khích lệ họ khi họ đạt được thành công. Lời khen ngợi còn nhờ đó mà giúp thắt chặt những mối quan hệ. Tuy nhiên, nếu khen không đúng cách sẽ gây nên những hệ quả tiêu cực cho cả người trao lẫn người tiếp nhận chúng. Cho nên, như Mạnh Tử có nói “danh dự vượt quá thực tình là điều quân tử lấy làm hổ thẹn” thì ta cũng cần suy xét về chính mình và về lời khen để đưa ra thái độ sống tích cực, tránh được việc bị ru ngủ bởi những lời khen thái quá cho bản thân và cho cả người khác. Đây cũng là điều nhà thơ Văn Cao gửi gắm trong bài “Những Bó Hoa,” điều mà mỗi người trong chúng ta cần ý thức mỗi ngày.
Vũ Chí Thành
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...